Lôi từ trong tủ ra bộ quần áo đồng phục thể dục dành riêng cho học sinh Lê Hồng Phong, tôi ngắm nhìn nó thật lâu. Tôi còn nhớ cái thưở còn học ở Nguyễn Gia Thiều, cứ mỗi lần ba tôi chở tôi đi ra Sài Gòn chơi hoặc chở tôi đi mua sách, tôi hay gặp nhiều anh chị mặc chiếc áo thể dục này. Tôi ước ao một ngày nào đó mình sẽ trở thành học sinh của Lê Hồng Phong, được khoác lên người chiếc áo màu xanh da trời cùng hình lo-go của trường ở đằng trước ngực. Giờ đây trước mắt là chiếc áo thể dục mà tôi hằng mong đợi. Mẹ tôi đã thêu phù hiệu Lê Hồng Phong ở trước ngực áo. Không hiểu sao tôi cảm thấy thật sự là hãnh diện mặc dù đây chỉ là một chiếc áo thể dục bình thường. Tôi đứng săm soi trước gương mãi một lúc màu xanh biếc của áo. Tôi phân vân không biết rằng mình có phải mang theo một cái quần short để chơi đá banh sau tiết thể dục. Kỳ thực thì tôi không hề có một chiếc quần short nào dành cho chơi đá banh một cách đúng nghĩa. Vả lại, nếu mang quần short theo, mẹ tôi sẽ phát hiện ra tôi chơi đá banh khi bà giặt quần áo cho tôi. Vậy thì mặc quần thể dục cũng tốt rồi, ít ra nó có thể bảo vệ đầu gối tôi. Chỉ khoảng nửa tiếng nữa thôi là chúng tôi sẽ học tiết thể dục đầu tiên ở sân Lam Sơn. Tôi chưa bao giờ đi sang sân Lam Sơn kể từ ngày đầu tiên vào trường. Tôi hình dung nếu mà sân Lam Sơn có thể dùng để chơi đá banh thì ắt hẳn nó phải rộng lắm và trải cỏ xanh rì. Thiệt là háo hức, vậy là tôi đã có thể chơi đá banh, môn thể thao mà tôi luôn yêu thích. Bây giờ không phải leo tường ra ngoài, cũng không phải đứng sau hàng hiên để nhìn ngắm người khác chơi. Chính tôi, chính tôi sẽ chơi bóng. Hơn nữa, đây cũng là một dịp để khẳng định tôi với mấy thằng con trai trong lớp. Không hiểu sao tôi chỉ chơi đá banh một hai lần với bọn trẻ trong xóm và hầu như chỉ xem đá banh qua truyền hình, nhưng tôi cảm thấy tự tin và phấn khích rằng mình có thể chơi tốt và phô diễn cùng đám bạn trong lớp. Tôi khoái chí cười thầm, có khi mình chơi hay và nổi bật thì đám con gái trong lớp sẽ có cái nhìn khác về mình, biết đâu lại chẳng được lòng một cô. Tôi hì hục đạp xe lên trường. Lẽ ra tôi có thể phóng xe máy cái ào tới sân tập, nhưng tôi cho rằng đạp xe đạp sẽ giúp tôi khởi động bắp chân để chuẩn bị cho trận đá bóng đầu tiên và chính thức của tôi. Cái nắng trưa oi bức khiến mồ hôi tôi nhễ nhại. Tôi gửi xe vào bãi đậu xe và liếc nhìn đồng hồ thì vẫn còn 10 phút nữa mới bắt đầu giờ thể dục. Tôi ung dung bước vô con đường hẻm nhỏ bên cạnh khu nhà thực nghiệm của lớp tôi để sang sân Lam Sơn. Và rồi cuối cùng thì tôi cũng biết sân Lam Sơn trên thực tế khác xa trong tưởng tượng của mình. Sân bãi thì rộng lớn như tôi đã hình dung, nhưng mà thay vì một thảm cỏ xanh rì lý tưởng cho đá banh như các sân bóng dành cho các cầu thủ chuyên nghiệp, thì sân Lam Sơn lại trụi lủi không một bụi cỏ, chỉ toàn sỏi, cát và lổn nhổn đầy những viên đá cuội. Giữa cái nắng trưa 1 giờ, từng cơn gió thốc lên làm bụi tung mù mịt. Tôi hình dung ra một cảnh tượng hãi hùng nếu chẳng may tôi trượt chân và quệt phải một trong nhữn viên đá trên sân thì… Thật là chẳng dám nghĩ đến. Từ một cảm giác háo hức tôi
chuyển sang một cảm giác lo âu và ái ngại. Không chỉ cái việc té trên mặt sân này là một việc tệ hại, mà chính cái đôi giày vải tôi đang mang cũng không đủ dày để có thể bảo vệ được lòng bàn chân tôi. Tôi có thể cảm nhận được những cạnh sắc nhọn của những viên đá sỏi nằm trải rộng trên khắp mặt sân khi rảo bước quanh. Thật lòng thì tôi phải suy xét lại xem tôi có muốn đá banh nữa hay không vì nếu mà tôi bị trầy chân thì không những bị đau rát mà mẹ tôi sẽ mắng cho tôi một trận tơi bời hoa lá. Tôi đang đi lòng vòng quanh sân mà vẫn không quyết định được là sẽ tham gia đá banh sau tiết thể dục hay không. Bất chợt tôi gặp một cô bạn gái đang ngồi ở góc sân gần chỗ tôi đi đến. Tôi đoán chắc là bạn ấy cũng đến sớm như tôi và đang ngồi đợi những bạn khác. Tôi cũng chẳng có gì để làm lúc này mà cứ suy nghĩ đắn đo rằng có chơi hay không thiệt là mệt óc. Thôi cứ để sau tiết học rồi xem tình hình ra sao. Tôi tiến gần lại cô bạn ấy và nở một nụ cười thiện cảm. Cô bạn gái cũng cười thật tươi chào lại tôi: - Chào Duy, mình tên là Ngọc Vi học cùng lớp với bạn này. - Chào Vi, sao Vi đi học thể dục sớm vậy? Vừa hỏi tôi vừa tranh thủ nhìn kỹ càng hơn về cô bạn học cùng lớp mà tôi chưa quen từ trước. Cô bé Vi này có một nước da ngăm ngăm. Khuôn mặt của Vi tròn tròn và bầu bĩnh nhưng ấn tượng nhất là cái mái tóc xoăn được chải vắt xéo trước trán. Nụ cười của cô bé này trông rất là hiền lành tạo cho tôi một cảm giác rất thân thiện. - Vi đâu có về nhà sau buổi sáng đâu, bố mẹ Vi đi làm nên Vi ở lại trường buổi trưa luôn. - Vậy sao, mà sao Vi biết tên Duy hay vậy nè. Tuy là tụi mình học chung lớp nhưng hình như Duy chưa bao giờ nói chuyện với Vi mà. - Haha… Duy nổi tiếng như vậy ai mà không biết. Tôi tròn xoe cả mắt khi cô bạn cùng lớp nói tôi nổi tiếng ai cũng biết. - Duy mà nổi tiếng sao, Vi khéo nói đùa thật. - Ừ thì đúng là nổi tiếng, mà nổi tai tiếng. Hồi sáng mới bị cô Công Dân cho chào cờ ngay giữa lớp thì ai mà không biết Duy. Vừa nói xong, cô bạn tên Vi của tôi phì cưới. Một nụ cười thiệt là hồn nhiên trong sáng. Trong khi đó tôi quê đến đỏ cả mặt.
- Nói giỡn với Duy thôi, Vi đã biết Duy từ cái hôm đầu tiên Duy giải bài môn Lượng Giác ở trên lớp. Nhưng mà tụi mình ngồi cách nhau nên cũng chưa có dịp nói chuyện bao giờ. - Ồ, hoá ra là vậy, Duy tưởng Duy chỉ nổi tai tiếng thôi, không ngờ cũng có chút tiếng mà không tai. Câu nói bông đùa gỡ gạc chút danh dự của tôi khiến cô bé Vi cười nắc nẻ. - Không ngờ Duy khôi hài như vậy. - Hahaha, nhờ ơn Vi thôi, tại Vi nói Duy nổi tai tiếng mà. Câu chuyện đùa vui của tôi với cô bạn cùng lớp mới quen đã làm dịu con nắng trưa bỏng rát và quăng nỗi sợ hãi lo âu về mặt sân Lam Sơn ra khỏi đầu tôi. Trong khi tôi trao đổi thêm với Vi thì các bạn bè khác cũng đã tụ tập đông đủ chỉ còn thiếu mỗi giáo viên thể dục là chưa có mặt. Có lẽ thầy thể dục phải lên phòng giáo viên lấy sổ điểm danh vì đây là bữa học đầu tiên. Cuối cùng giáo viên thể dục của lớp tôi cũng xuất hiện, nhưng không phải là một ông thầy vai to thịt bắp như tôi vẫn hình dung nãy giờ mà là một cô giáo. Cô nhìn chắc người nhưng lại nhỏ thó. Vừa nhìn thấy cô tôi muốn kêu trời, sao giáo viên thể dục gì mà nhìn lại không có chút thể dục thế này. Chúng tôi xếp thành bốn hàng ngang để cô điểm danh và dặn dò nội dung của môn thể dục. Tôi liếc nhìn quanh thì thấy thằng Quốc mang một trái banh da theo và để ở góc chỗ chúng tôi để cặp vở. Mấy thằng khác trong lớp đều hớn hở không biết vì cái không khí thoáng đãng của tiết tập thể dục so với sự ngột ngạt tù túng của những tiết học căng thẳng trong lớp hay là vì lớp chúng tôi sẽ có bữa đá banh chung đầu tiên. Chúng tôi được cô thể dục hướng dẫn xếp hàng và dàn hàng cho những buổi tập sau. Đồng thời cô cũng chỉ qua những thao tác khởi động căn bản. Mấy đứa con trai trong lớp có lẽ háo hức quá nên tụi nó cứ nhao nhao lên nói với cô rằng cho nghỉ sớm hôm nay vì bữa nay là bữa tập đầu tiên. Được một lát cô thể dục cũng chiều ý đám con trai trong lớp cho tiết học kết thúc sớm 15 phút. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Không còn vì cái mặt sân gồ ghề lỗ chỗ những đá sỏi mà bởi vì sự nhiệt tình quá đỗi của tụi nó. Tụi nó cứ bàn tán sôi nổi về trận đấu sắp tới. Có đứa còn lôi ra cả một bộ quần áo cầu thủ trong ba-lô để thay trước trận bóng. Vừa nghe cô thể dục giải tán, thằng Quốc cùng mấy thằng khác lôi quả bóng da ra vờn qua vờn lại. Có lẽ trái với mọi dự đoán ban đầu, tôi cảm nhận ra rằng hình như tụi nó đứa nào cũng biết chơi bóng, không những thế mà còn rất thành thạo. Tự nhiên tôi cảm thấy thiếu tự tin vào chính mình. Kỳ thực tôi chưa bao giờ đá banh da, và cũng chưa có một trận đấu nghiêm túc từ xưa đến giờ. Sự lo lắng làm tôi căng thẳng đứng yên như phỗng trong khi tụi nó đứa thì lo thay đồ, đứa thì lo khởi động tay chân. Tôi thầm nghĩ có lẽ tôi nên rút lui chiều nay đợi
xem buổi chơi bóng đầu tiên kết thúc ra sao rồi tham gia cũng không muộn. Vừa đắn đo, tôi rón rén quay lưng tính nối đuôi theo các bạn khác đi về phía đường hẻm để ra sân trước của trường. Bất chợt quả bóng bay sợt ngang người tôi rồi tôi nghe tiếng thằng Hải gọi với ra - Mày đi đâu đó Duy, chuẩn bị xếp đội hình đá rồi. Sao buổi sáng nói là đá bóng hay lắm mà, bây giờ phải biểu diễn cho anh em coi nhé. Tôi quay lại nhìn khuôn mặt cười hớn hở của nó mà ấp úng trả lời: - Ừ… Duy vô ngay, Duy chỉ tính đi vào nhà vệ sinh thôi. - Đi vệ sinh đi rồi trở vào đây. Tao sẽ kêu mấy thằng kia chờ mày. Chuyền trái banh lại cho tao đi. Tôi đi chậm rãi đến chỗ quả banh. Ngắm nhìn nó tôi vẫn lưỡng lự không biết có nên tham gia không. Chẳng phải đá banh là môn thể thao tôi vẫn luôn yêu thích nhất sao. Tôi dùng chân khều trái banh trong khi thằng Hải và mấy thằng kia cứ vẫy tay hối thúc tôi chuyền banh lại. Tôi cắn răng cắn lưỡi đá mạnh vào quả banh để nó bay vút về phía tụi nó. Tụi nó đón lấy trái banh rồi hò hét rượt đuổi nhau trên sân còn tôi thì cứ lặng lẽ tiến về phía đường hẻm. Tôi đứng tần ngần ngay chỗ đầu ra của đường hẻm. Một bên là nhà vệ sinh, một bên là bãi đậu xe. Tôi cũng không biết là tôi muốn gì và đang lo lắng điều gì. Dù gì tôi cũng muốn đi vệ sinh thật nên tôi tiến vào nhà vệ sinh. Nước mát từ vòi tuôn ra làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Cảm giác mát lạnh của nước lan tỏa trên gò má rồi cần cổ chỗ mái tóc tôi bệt lại vì nước. Tôi nhìn vào tấm gương trong nhà vệ sinh. Tôi nhìn vào chính mình trong gương rồi bất thần buột miệng hỏi: - Duy, mày đang sợ cái gì vậy? Mày sợ là mày không biết đá banh sao? Mày không biết là vì mày chưa bao giờ đá banh chứ không phải mày không thể đá mà. Ba mẹ mày đã không cho mày một cơ hội, không lẽ bây giờ chính mày cũng không cho mày một cơ hội sao. Tôi cứ miên man trong dòng suy nghĩ của chính mình cho đến khi thằng Quốc chạy vào nhà vệ sinh hối thúc tôi. - Làm gì lâu vậy cu, thằng Hải nói mày đi vệ sinh nên tụi tao đợi mày nãy giờ. Xong chưa theo tao sang sân còn chia đội hình nữa. Tôi thật sự không cảm thấy tự tin vào chính mình. Xưa giờ tôi học thì rất khá nhưng thể chất của tôi thì lại yếu. Ở nhà ba mẹ tuy không cưng chiều tôi như cậu ấm cô chiêu nhưng tôi cũng chẳng phải làm việc gì trong nhà ngoài chuyện học bài vở. Tôi ngẩng đầu lên, những giọt nước lăn dài trên trán chảy dọc theo sống mũi rồi nhỏ
xuống sàn. Tôi nhìn khuôn mặt rạng rỡ phấn khởi của thằng Quốc đang nhìn tôi. Tôi cảm thấy mình không muốn làm nó và thằng Hải thất vọng về tôi. Tôi bước chân theo nó ra khỏi phòng vệ sinh. Tôi ngoái cổ nhìn lại mình trong tấm gương thầm nói “Duy, tao cho mày một cơ hội, mày phải cố lên” Cuối cùng thì tôi cũng hoà cùng mấy đứa con trai trong lớp đứng lại thành một vòng tròn ở giữa sân. Bởi vì đây là buổi đá bóng đầu tiên nên bọn con trai trong lớp chúng tôi cũng chưa biết gì về nhau. Lúc này đứng cạnh tôi trong vòng tròn có những đứa mà tôi chưa bao giờ nói chuyện qua trong lớp. Cậu con trai cao lớn có mái tóc xoăn mở lời - Bữa nay là bữa đầu tiên lớp chúng ta chơi đá bóng chung. Mình tên là Long đại diện cho mấy bạn trong nhóm Minh giáo để chia đội cho lớp mình hôm nay. Mấy đứa trong đám Minh giáo khúc khích cười rồi tụi nó nhao nhao lên vỗ tay ầm ấm. Lớp được chia thành hai đội mỗi đội có chín người được chia ra tạm thời theo vị trí mọi người muốn chơi. Khi mấy đứa kia hỏi tôi muốn chơi ở vị trí nào, tôi thật sự cũng không biết mình muốn chơi ở đâu và có thể đảm nhận được vai trò gì. Tôi chọn đại cho mình vị trí tiền vệ phòng ngự. Tôi thầm nghĩ nếu làm tiền vệ và tiền đạo tấn công thì tôi chắc không đá được rồi vì tôi không biết đá. Nếu tôi chọn làm hậu vệ mà mất banh thì chắc chắn tụi nó sẽ cười tôi. Vị trí tiền vệ phòng ngự là một vị trí lý tưởng vì nó không cần phải tham gia tấn công hoàn toàn mà nếu lỡ có mất banh thì vẫn còn hậu vệ bọc lót. Khi đội hình được chia xong, đội chúng tôi tập họp lại để nhận diện lẫn nhau. Đội tôi có thằng Minh và thằng Quốc là tôi biết. Thằng Minh nói nó sẽ chơi tiền vệ cánh phải, còn thằng Quốc thì chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm. Thằng Long thì chơi cho đội bên kia cho nên bạn Cường có vóc dáng cao to sẽ chơi cho đội bên phí tôi. Cường sẽ chơi ở vị trí tiền vệ cánh trái. Ngoài ra đội tôi còn có một bạn trai dong dỏng cao, tóc cũng xoăn và nói giọng Bắc. Bạn này tên là Sơn, trông tướng tá rất có dáng thể thao với bắp chân chắc nịt. Sơn sẽ chơi ở vị trí tiền đạo. Trận đấu bắt đầu bằng cú phát banh về của Long ở phần sân đối diện. Chỉ ngay sau 5 phút bắt đầu trận bóng tôi đã phát hiện ra được sự yếu kém thể lực của tôi. Tôi không bao giờ chạy kịp về sân nhà trong những đợi tấn công của đội bên kia và cũng chẳng dâng lên kịp để hỗ trợ đội tôi tấn công. Tôi thật sự không biết có phải là tôi đang đá banh hay không nhưng mỗi lần có banh thì tôi cảm thấy rất sợ. Tôi thường vội vã chuyền cho người khác trước khi bị áp sát. Những đường chuyền vừa vội và vừa yếu của tôi thường kết thúc trong chân đối phương thay vì là đồng đội. Mới chỉ 15 phút trôi qua mà tôi cảm giác như là đã rất lâu. Mồ hôi tôi chảy ướt đẫm cả người và tôi bắt đầu thở hồng hộc. Tôi cảm thấy chóng mặt và đứng không vững trong khi hai bàn chân tôi cứ tê rần. Sau hơn 20 phút thì tôi đã không còn chạy nổi mà chỉ lê từng bước nặng nhọc trên sân theo hướng banh bay. Có lẽ mấy thằng con
trai bên kia nhận ra tôi là điểm yếu nhất nên tụi nó thường đá những đường banh bổng về hướng tôi để cho mấy thằng tiền vệ áp sát cướp banh. Chúng tôi mất hẳn khu trung lộ mặc dù thằng Quốc chạy hùng hục như trâu nước để tranh cướp bóng. Và một khi khả năng thu hồi bóng gần như là không có thì bàn thủng lưới chỉ là vấn đề thời gian. 1-0 rồi 2-0 và sau đó là 3-0, đội của tôi bị đội bên kia dần cho một trận nhừ tử cả thằng Sơn cũng phải rút sâu về giữa sân để kiếm banh chờ cơ hội vì chúng tôi không có nổi một pha lên bóng ra hồn mà lại thường xuyên mất bóng trong những pha tranh chấp tay đôi. Bây giờ thì tôi chắc chắn là mình không thể chạy nổi. Hai bàn chân tôi nặng như chì, lồng ngực thì như bị bóp chặt lại đến nghẹt thở. Tôi chỉ muốn trốn trái banh và cầu mong nó đừng bao giờ lăn đến gần tôi. Trớ trêu thay, trong một pha bóng trái banh lập bập bay về phía tôi. Tôi thấy thằng Minh rồi thằng Cường thằng Sơn chạy lên phía trước rất nhanh rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi chuyền bóng. Tôi nặng nhọc đá vào phía dưới quả bóng để chuyền sang cho thằng Minh. Nhưng quái ác là cú đá yếu ớt của tôi như dọn cỗ cho cậu tiền đạo con trai đội bên kia. Cậu ta đoạt bóng rồi dốc thẳng về phía khung thành trống của đội tôi trước khi đối diện với thủ môn và dễ dàng ghi bàn thắng. Tỉ số 4-0 trắng đã khiến thằng Cường không còn đủ bình tĩnh và kiên nhẫn nữa. Nó xộc thẳng đến chỗ tôi. - Mày có biết đá banh không vậy. Đá cái gì mà toàn mất banh, toàn đưa cho mấy thằng kia. Tôi chỉ kịp ú ớ kêu mấy tiếng hốt hoảng trước khi nó túm lấy cổ áo tôi. - Nếu không biết chơi thì nhường cho mấy thằng đứng ngoài kia đợi đi, chứ đá banh mà thua 4-0, nhục lắm tao chịu không được. Thằng Quốc thấy thằng Cường túm áo tôi quát tháo thì vội vã chạy lại can ra. Nó đẩy thằng Cường lùi lại rồi chen người vào giữa để ngăn tôi với thằng Cường ra. - Đá chơi thôi mà, làm gì mà Cường quát thằng Duy vậy. - Đá là đá thiệt, tao không có đá chơi bao giờ hết. Nó không biết đá thì nghỉ mẹ đi. Đừng có đứng đây cản đường cản bóng. Mấy thằng khác cũng xúm lại can ra. Tôi giờ mới hoàn hồn nhưng vẫn thở rất nặng nhọc. Tôi thì thào nói: - Cường nói đúng rồi đó. Duy không có đá được, thôi Duy về để mấy bạn khác đá thay. Thằng Minh đứng cạnh thằng Cường cũng bĩu môi nói: - Không biết đá thì nói là không biết đá, vậy mà hồi sáng nói với tao và thằng Hải là đá hay lắm.
Thằng Hải đứng phía sau lưng thằng Sơn quay qua quắc mắt nhìn thằng Minh - Nó không biết đá thì tập đá từ từ. Ở đây có thằng nào dám nói là mình biết đá đâu. Tao với nó chỉ giỡn với nhau hồi sáng thôi, mày không biết gì thì im miệng đi Minh. Trong khi tụi nó vẫn nháo nhào cãi nhau thì tôi lặng lẽ đi về. Tôi cảm thấy rất là xấu hổ nên tôi vội vã với tay lấy cái cặp táp rồi chạy nhanh ra phía đường hẻm. Tôi muốn chạy thật nhanh ra bãi xe, tôi không muốn ai chạy theo tôi dù là bênh vực hay trách móc tôi. Một mình tôi tự trách tôi cũng đã đủ lắm rồi. Rõ ràng là tôi biết mình không biết đá banh mà tôi vẫn tự dối mình rằng tôi có thể đá. Rõ ràng là bao nhiêu năm nay ba mẹ tôi cấm tôi đá banh là đúng vì tôi quá yếu ớt đối với môn thể thao này. Tôi chắc chỉ nên xem đá banh trên ti-vi thay vì hùng hục chạy trên sân. Nhưng đá banh mà nếu chỉ xem thì không phải là đá banh. Tình yêu dành cho quả bóng không thể chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ mà phải là sự thể hiện trên chính quả bóng. Nhưng chẳng phải tôi đã cho chính mình một cơ hội, và bây giờ tôi đã thất bại hoàn toàn. Từng giọt nước mắt của tôi lăn dài trên gò má khi tôi nhìn lại chính mình trong tấm gương nhà vệ sinh. Chỉ cách đây nửa tiếng thôi, trong chính căn phòng này, trước tấm gương này, tôi còn đang lưỡng lự, còn đang ôm ấp một hy vọng rằng mình có thể chơi bóng đá như những mấy đứa trong xóm. Bây giờ tôi đang nhìn những giọt nước mắt của tôi lăn dài. Có lẽ tôi không sinh ra để chơi môn thể thao này. Trước đây không được, bây giờ không được, sau này cũng không. Tôi càng nghĩ tôi càng khóc nức nở. Tôi khóc không chỉ bởi vì cảm thấy xấu hổ trước mấy thằng con trai khác trong lớp mà tôi còn nhận ra được một thực tế phũ phàng rằng tôi không thể chơi bóng hay như tôi vẫn tưởng tượng ra. Tôi ngồi cứ ngồi lặng thinh trên bậc thềm đá trước nhà thi đấu đối diện với bãi đậu xe. Tôi không biết mình đang miên man nghĩ gì. Bãi xe xế chiều vắng lặng không người qua lại. Tôi nhích người sang chỗ những tia nắng chiếu xuyên qua tán lá cây rọi thẳng xuống thềm đá. Tôi cảm thấy ớn lạnh, cô đơn, tôi cố nhướn người để những con nắng chiều sưởi ấm cho mình. Tôi hình dung ra trong đầu ngày mai khi tôi vào lớp thằng Minh và có thể là cả thằng Hải sẽ cười tôi, rồi mấy đứa con trai sẽ cười cợt tôi. Tôi chỉ muốn quăng hết những suy nghĩ và lo lắng mà tôi đang có ra khỏi đầu trước khi vào bãi xe để lấy chiếc xe đạp của mình. Chợt tôi nhận ra có bàn tay ai khoác vào vai tôi. Tôi bần thần quay người lại thì bắt gặp khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của thằng Quốc và thằng Hải. Tôi tuy đã hết khóc, nhưng gương mặt tôi vẫn đượm buồn, tôi quay đầu sang bên nhìn đám lá khô dưới bậc thềm yên lặng. - Duy, mày đỡ mệt chưa. Thôi đừng buồn nữa, thằng Cường nó thua nên nó bực bội nói lung tung đó thôi. - Duy không sao đâu… Sao Quốc với Hải không đá tiếp mà ra đây làm gì.
- Đá nãy giờ cũng mệt rồi. Tao với thằng Quốc tính ra nhà vệ sinh để rửa mặt thì nhìn thấy mày ngồi bên đây. Duy tao nói thật chứ tao cũng không biết đá banh đâu, chỉ đá đại bậy bạ thôi. - Thằng Hải nó nói đúng đó cu, tao cũng không biết đá đâu. Trước khi vào đây tao chả đá banh bao giờ. Tôi không biết thằng Hải với thằng Quốc có nói thật không hay chỉ muốn an ủi tôi. Tôi trả lời một cách buồn bã: - Cảm ơn Hái với Quốc. Thiệt tình Duy thích đá banh lắm, nhưng mà không biết sao yếu quá, chạy một chút đã mệt nhoài. Duy nghĩ chắc mình không chơi đá bóng được đâu. Vừa dứt lời hai giọt nước mắt tôi tuôn ra khiến hai thằng bạn tôi sửng sốt. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại dễ nước mắt như vậy. Ngay từ nhỏ tôi đã rất dễ khóc. Mỗi lần tôi xúc động trước việc gì tôi hay bật khóc. Ba mẹ tôi không hài lòng về cái tính cách mít ướt này của tôi nên luôn nhắc khéo rằng tôi phải bản lĩnh cứng rắn hơn. Sau này tôi lớn hơn, tưởng như tôi sẽ khác với lúc còn nhỏ, nhưng mỗi lần có những cuộc tranh luận gay gắt với bạn bè tôi vẫn thường bật khóc tức tưởi. Và bây giờ tôi lại bật khóc khi phải nói với hai thằng bạn tôi về một sự thật xót xa rằng tôi cảm nhận mình không thể chơi đá bóng. Thằng Hải và thằng Quốc nhìn thấy tôi bật khóc tỏ ra rất bối rối. Đúng lúc đó thì thằng Minh tiến lại gần. Nhìn giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt tôi nụ cười toe toét trên miệng nó tắt ngúm. Thằng Hải quay sang nhìn thằng Minh rồi nói xẵng: - Mày chọc cho dữ vô đi Minh, bây giờ mấy thấy nó khóc chưa? - Tao… tao chỉ… chỉ nói giỡn thôi mà Duy, mày làm gì mà khóc vậy. Đàn ông con trai đừng khóc, mấy đứa con gái đi qua mà thấy thì quê lắm. Tôi vẫn cúi gầm mặt xuống, những giọt nước mắt vẫn tí tách rơi trên thềm đá. Ba thằng bạn tôi đứng chết trân nhìn tôi ngồi gục ở đó. Được một lát thằng Minh mở lời: - Tao xin mày đó Duy, đừng khóc như vậy nữa. Tao hồi xưa cũng đâu có biết đá banh gì đâu. Đá đại rồi cũng đá được nè. - Duy nè, Quốc không biết nói chuyện, nhưng mà có chuyện này Quốc nói Duy nghe. Hồi nhỏ Quốc bị té từ trên lầu xuống bị gãy xương ở đầu gối. Bác sĩ nói là sẽ không vận động mạnh được nữa. Vậy mà bây giờ Quốc vẫn chạy được nè, vẫn đá được nè. Nói xong nó kéo kéo tay áo tôi làm tôi ngẩng đầu lên. Rồi nó vén cao cái ống quần thể dục để lộ ra ở chỗ đầu gối một cái sẹo to. Thật tình tôi rất cảm ơn sự động viên
của mấy thằng bạn tôi, nhưng tôi cảm thấy rất là đuối, tôi cảm thấy tay chân mình rã rời. Tôi lí nhí cảm ơn. - Cảm ơn mấy bạn, Duy chỉ cảm thấy Duy yếu quá không thể chơi được thôi nên mới buồn và khóc chứ không phải buồn chuyện mấy bạn trách Duy đâu. Thằng Hải bức xúc nói: - Mình là con trai, phải cứng rắn lên. Mày nói mày yếu sức thì mày tập cho nó khỏe người ra. Rồi cũng chạy bon bon như tao với thằng Quốc. Không lẽ nào mày để cái thằng mập như thằng Minh này chạy nhanh hơn mày sao Duy. Thằng Hải quay qua lườm thằng Minh một cái như có vẻ thách thức. Tôi hiểu là thằng Hải muốn khích tướng tôi để tôi lấy lại tinh thần mặc dù tôi đang rất buồn và thiếu tự tin. Câu nói của nó làm tôi bật cười. Tôi cảm thấy vui vì tôi đang có những thằng bạn tốt bên cạnh tôi lúc này. Trường Lê Hồng Phong là nơi tập trung những học sinh giỏi nhất của thành phố. Mỗi người một tài năng, một tính cách rất khó hòa đồng. Nhưng lúc này, trong bóng đá, tôi không cảm nhận được sự khác biệt này mà thay vào đó là nhiệt huyết và lòng đam mê với quả bóng. Thằng Minh nhếch mắt nhìn thằng Hải rồi cười đểu: - Nhìn tỉ số đi rồi nói chuyện, không biết có ai chạy nhanh hơn tui không chứ tui thì tui biết có người đang thua 4-1. Thằng Quốc chợt đưa tay kéo tôi đứng dậy. - Không lẽ nào cu Duy để thằng Minh mập này nó sỉ nhục vậy sao. Hôm này mà Quốc không ghi bàn gỡ huề thì không phải là Quốc nữa. Giờ tao với mày, với thằng Hải vô luộc lại tụi nó đi Duy. Nhìn mấy thằng bạn tôi ra bao nhiêu công sức khích lệ tự nhiên tôi cảm thấy nguôi ngoai đi nỗi buồn cùng những sự lo lắng. Thằng Minh quay qua nhìn tôi nói: - Mày muốn cua con Hiền chuyên Lý hả, con đó nó thích đá banh lắm đó. Thằng nào mà đá banh giỏi là nó theo đó cu. Còn không biết luyện đi nữa. Thằng Quốc và thằng Hải trố mắt khi nghe thằng Minh nói. Thằng Hải la lên: - Cái thằng này nhanh thiệt, bữa trước thấy cua con bé Bắc Kỳ trong lớp. Bữa sau thì thấy nó nói chuyện với con Ngân. Giờ thì còn đi cua con nào ở tận chuyên Lý luôn. Tao sợ mày luôn đó Duy. Tôi bật cười trả lời:
- Cua gì đâu cu, làm quen chơi thôi. Thôi tao nghe lời mày với thằng Quốc đi qua sân. Chiều nay phải ráng đá làm sao thua cho thằng Quốc không còn là thằng Quốc nữa. - Ê ê, mày nói gì đó Duy… mày chút nữa mà bán độ là ra về không yên với tao đâu. Có giọng ngọng nghịu của thằng Quốc cùng tiếng cười giòn vang của thằng Hải và thằng Minh làm tôi cảm thấy tự tin hẳn lên. Tôi không biết mình có còn chút sức lực nào để đá không nhưng tôi cảm thấy mình phải cố. Cố vì những thằng bạn tốt của tôi. Cố vì chính tình yêu của tôi dành cho quả bóng. Hay cố vì có lẽ nào những lời châm chọc của thằng Minh là sự thật rằng cô bé chuyên Lý kia thật sự thích đá banh.