Mua Bong Nam Ay P4 - Chuyen Tinh Can-tin: Nang, Chang, Va To Mi Thit Heo

  • Uploaded by: 12a4lhp members
  • 0
  • 0
  • April 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Mua Bong Nam Ay P4 - Chuyen Tinh Can-tin: Nang, Chang, Va To Mi Thit Heo as PDF for free.

More details

  • Words: 8,347
  • Pages: 13
Nhẩn nha nhẩn nhơ đi về hướng căn-tin, thật ra thì tôi không định mua bất cứ thứ gì mặc dù trong túi đang giữ tờ giấy 50000 mới cứng sáng nay mẹ tôi mới đưa. Nhà tôi thì không giàu cũng chẳng nghèo, tôi cho là vậy. Tôi không thiếu những thứ mà con cái nhà người ta có như xe đạp cuộc, máy bấm điện tử Playstation. Mặc dù cho tôi tiền mua sách truyện, dụng cụ học tập, game, nhưng ba mẹ tôi rất ít khi cho tôi giữ tiền. Thường thì ba tôi sẽ đưa tôi đến tiệm sách và trả tiền tại quầy cho mấy quyển sách tôi đã lựa ra. Ba mẹ sợ đưa nhiều tiền cho tôi cầm thì tôi lại xài linh tinh hay nướng sạch ở hàng điện tử cùng với thằng Vũ hay thằng Quang Anh. Nhưng bây giờ tôi đã học cấp 3, tôi tự cho rằng mình đã lớn rồi và có thể quản lý chi tiêu một cách hợp lý. Do đó, tôi làm ngay một cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng cho ba mẹ tôi rằng tôi đã trở thành một thanh niên và nên tập quản lý chi tiêu. Mặc dù ba mẹ tôi vẫn lưỡng lự, nhưng rõ ràng con trai đã lớn mà đi đến đâu, hay cần cái gì đều phải ngửa tay xin tiền thì cũng thật khó chấp nhận. Cuối cùng, mẹ tôi đồng ý cho tôi 50000 mỗi tuần để tôi tự thu xếp mọi việc từ đổ xăng cho chiếc xe máy, đến việc ăn sáng, và chi tiêu lặt vặt. Lúc đưa tiền mẹ cứ dặn đi dặn lại, mẹ cho tôi tiền không phải đề ăn uống bậy bạ, cũng không phải để đi bấm điện tử, chưa hết mẹ còn cho thêm một bài mo-ran về tầm quan trọng của việc ăn sáng đối với sức khỏe con người nhất là đối với thanh niên tuổi mới lớn như tôi. Mẹ dặn dò tôi thì nhiều mà hình như nó lọt vào tai này, chạy sang tai kia, rồi bay đi đâu mất. Mắt tôi dán vào tờ tiền xanh lá cây, tay tôi vân vê dọc theo tờ tiền, cả đến mũi tôi cũng họat động hết công suất để cảm nhận cái mùi tiền mới trong lúc mẹ tôi vẫn tiếp tục ca bài "khổ lắm nói mãi". Như sợ mẹ sẽ đòi lại tờ 50000, tôi đút thật nhanh vào bóp nhưng cũng thật cẩn thận để tờ tiền không bị nhăn. Tiền mới mà bị nhăn thì uổng lắm. Tôi đi dọc theo cái tủ kiếng chứa đầy những kẹo bánh, rồi thì những dĩa bánh cuốn đã được làm sẵn, những tô mì thịt heo đang được dọn ra và chỉ chờ cô bán quán căn-tin chan nước lèo từ cái nồi nghi ngút khói ở đằng góc. Mùi thức ăn dậy lên khiến bao tử tôi bắt đầu biểu tình kêu rột rột. Tôi đứng tần ngần hít hà thật sâu cái mùi nước lèo thơm đang phảng phất trong gió. Sáng đến giờ đã có ăn cái khỉ gì đâu. Mới sáng sớm thì xém trễ học, rồi lại đụng cái thằng Quốc chết toi ngay cổng trường. Vô lớp thì gặp ngay cái thằng cha thầy dạy Lý hắc ám. May mà ổng không kêu mình chứ mà trúng "độc đắc" như thằng Đan thì có bao nhiêu cơm cháo chắc cũng phun ra hết. Phải ăn cái gì thôi nếu không làm sao có thể trụ vững ba tiết học cuối được. Hình như lúc này không chỉ có cái bao tử tội nghiệp của tôi biểu tình, mà hình như cái mũi, hai con mắt, và tất cả các giác quan còn lại của tôi đang thúc giục tôi phải ăn ngay cái tô mì nóng hổi mà cô căn-tin vừa đưa cho cô bé đứng đằng kia. Tôi lần tay mình vào túi sau móc cái bóp để và chuẩn bị tiến tới quầy bán. Nhưng ngay cái khoảnh khắc mà tôi thấy tờ tiền mới cáu nằm gọn ghẽ trong ngăn bóp, tôi lại chùn chân, có một cái gì đó tiêng tiếc. Một cuộc đấu tranh tâm lý, dằn xé dữ dội đang diễn ra trong tôi giữa một bên là đám giác quan đang kêu réo om sòm với tôi rằng tôi phải nhanh chân vơ lấy một tô mì trước khi người ta bán sạch và bộ não khốn khổ của tôi đang nài nỉ tôi giữ lại cái tờ tiền còn thơm mùi giấy mới. Phải làm sao đây, thiệt là nan giải, tôi không ngờ rằng lần đầu tiên mình học cách tự chi tiêu lại khó đến như vậy. Mà bây giờ thì không phải lúc để lưỡng lự vì giờ ra chơi cũng đã gần hết. Tôi nhắm mắt lại, cố tĩnh tâm, hít một hơi thật sâu để đưa ra quyết định rất quan trọng của ngày hôm nay. Cuối cùng thì cái đám ruột gan phèo phổi của tôi cũng chiến thắng oanh liệt cái bộ não bướng bỉnh khó tính, tôi tiến thẳng không do dự đến trước cái tủ kiếng ở quầy bán. Cùng lúc đó một bạn gái cũng tiến đến chỗ quầy và đứng cách tôi chưa đầy một gang tay. Cả hai đưa tôi nhìn chằm chằm vào cái tô mì cuối cùng còn sót lại trên mặt bàn. Rồi không ai bảo ai, hai đứa tôi quay lại nhìn nhau. Đôi mắt tôi như van lơn rằng bạn gì đó ơi làm ơn nhường lại cho tôi cái tô mì đó đi không thì tôi sẽ chết toi ba tiết học còn lại với cái bụng đói meo. Cô bé ấy cũng đang nhìn tôi bằng một đôi mắt to, đen láy. Tôi đã phải đấu tranh dữ dội cho quyết định

này, thì dù phải hy sinh bất cứ cái gì, hay phải đối đầu với bất cứ ai tôi cũng phải giành cho bằng được cái tô mì thịt heo cuối cùng ấy. Tôi quay mặt một cách đầy quyết đoán sang nhìn cô bán hàng và toan cất lời hỏi mua tô mì. Tôi tự nhủ thầm phải hành động thật nhanh trước khi cô bé kia kịp hỏi thì cái tô mì nóng hổi này sẽ thuộc về tôi. Nhưng ông bà nói chẳng sai, anh hùng nào có qua được ải mỹ nhân. Cô bé đó không tinh ranh cáo già kiểu như tôi, nhưng thay vì nói với cô bán hàng, cô bé ấy lại quay qua nói với tôi bằng một cái giọng nhẹ nhàng trong trẻo: - Bạn gì ơi, Ngân chưa ăn gì từ sáng sớm đến giờ, mà hôm nay Ngân phải uống thuốc, mẹ nói không được uống thuốc mà không ăn cái gì nếu không sẽ bị sốc thuốc và khó chịu lắm. Bạn nhường cho Ngân tô mì này nha. Không biết tại sao sao bao nhiêu dũng khí của tôi đều bay biến mất. Tôi mễm nhũn hẳn ra, và gần như đầu hàng vô điều kiện bởi cái giọng của cô bé tên Ngân này. Trong lòng thì đang khóc thương cho cái bao tử trống rỗng, ngoài mặt thì tôi nở một nụ cười thật tươi tắn và hiền lành để đáp lại lời năn nỉ không thể nào cưỡng lại được: - Duy cũng tính nói với cô căn-tin là nhường lại cho bạn này cái tô mì đó. Sáng nay Duy ăn sáng rồi, tính mua tô mì này để ăn thêm cho nó chắc bụng đó mà. Ngân bị bệnh hả, vậy thì càng phải cố gắng ăn nhiều vô. Không biết làm con trai để làm gì mà phải tỏ ra ga-lăng chịu chơi. Tôi quay qua nhìn cô bán quán vừa mếu vừa nói: - Cô ơi, bán cho bạn con tô mì thịt heo đó đi. Vừa nói tôi vừa liếc nhìn tô mì thịt heo chào vĩnh biệt nó. Tạm biệt mày, chúng ta có duyên mà không phận, huhuhu. Cô bé tên Ngân đang loay hoay tìm bóp tiền để trả. Rồi tôi nghe Ngân lầm bầm trong miệng "Chết thật, hình như để cái bóp tiền trong lớp rồi, giờ mà chạy vô lấy thì làm sao ăn kịp tô mì đây". Tôi vừa hoàn thành xuất sắc vai diễn anh hùng khó qua ải mỹ nhân. Giờ lại là cơ hội cho tôi đóng vai anh hùng cứu mỹ nhân cùng với cô bé tên Ngân có đôi mắt đen láy, gịong nói trong trẻo. Không cần suy nghĩ đắn đo, tôi rút ngay tờ 50000 còn mới cáu trong bóp ra đưa cho cô chủ quán: - Cô ơi, cho con trả tiền giùm bạn con. Ngân tỏ ra rất bối rối: - Duy không cần trả tiền cho Ngân đâu, Ngân chắc không mang tiền theo người rồi, thôi Duy lấy tô mì đó ăn đi nhé. Tôi chau mày đáp: - Chả phải Ngân nói với Duy rằng mẹ Ngân dặn phải ăn sáng rồi mới được uống thuốc sao. Ngân không ăn làm sao mà uống thuốc khỏi bệnh được. Tiền bạc là chuyện nhỏ, có đáng gì cái tô mì này đâu. Cứ để Duy trả cho Ngân. Vừa nói tôi vừa dúi tờ 50000 vào tay cô bán hàng. Cô chủ quán nhanh tay đón lấy tờ 50000 từ tay tôi và mở cái túi ny-lon để thối tiền lại. Chuyện đã rồi, tiền cũng đã đưa, nước lèo cũng đã chan xong, cho nên cô bé Ngân đành miễn cưỡng đón lấy tô mì. Huhu, Duy ơi, không biết mày làm kịch sĩ để làm chi, mì không có mà ăn, tiền thì lại mất.

Tôi đau xót ngậm ngùi nhận đám tiền lẻ nhàu nát từ tay cô bán hàng đổi cho tờ 50000 mới tinh. Mặc dù "lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa", tôi vẫn cư xử rất tình cảm với Ngân. Tôi quay sang chỉ Ngân đến ngồi ở cái bàn trống phía bên tay trái. Vừa ngồi xuống ghế, Ngân ngước mặt lên nhìn tôi và nói: - Ngân thấy ngại quá, Duy đã nhường tô mì lại cho Ngân, giờ lại phải trả tiền cho Ngân ăn nữa, tí nữa Ngân vào lớp sẽ lấy tiền trả lại cho Duy nhé. Cảm ơn Duy nhiều. - Có đáng bao nhiêu đâu mà Ngân phải trả, thôi không sao đâu, quên nó đi. - Duy nói kỳ ghê vậy đó, Ngân phải trả tiền cho Duy chứ, làm sao để Duy trả tiền cho Ngân ăn sáng được. Duy học lớp nào vậy, để Ngân cầm tiền sang gửi. - Duy đã nói là không cần mà, Ngân giữ tiền lại đi - Duy mà không chịu nhận tiền của Ngân, Ngân không ăn cái tô mì này nữa đâu. Nghe Ngân nói, tôi hốt hoảng trả lời: - Ừ ừ, thôi... Ngân ăn đi, Duy học lớp 10A4, lúc nào rảnh sang trả cũng được, không vội gì. Ngân nghe tôi nói, mắt tròn xoe: - Ủa, hoá ra Duy cũng học A4 à, hai đứa mình học chung lớp mà Ngân không biết đó. Tôi cũng ngạc nhiên không kém Ngân, hóa ra lớp tôi có nhiều giai nhân đến vậy sao. Ngoài cái cô bé Hà Nội xinh xắn như hoa ấy, giờ lại có thêm một cô bé mắt đen láy, giọng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào. Đúng là ông trời công bằng, cho một ông Bồi dạy Lý, thì phải bù đắp lại một cô bé Ngân dễ thương. Tôi nhanh nhảu đáp: - Whao... Duy cũng không biết Ngân với Duy học chung luôn. Duy ngổi ở phía trên, chắc Ngân ngồi góc bên kia phía dưới nên Duy cũng không để ý nữa, với lại lớp mình Duy cũng không quen biết nhiều. Để tiếp sức cho cái màn vô tình "cưa cây" của mình, tôi bồi thêm vài câu: - Duy nhát lắm, nên không có quen ai hết. Mọi người trong lớp mình ai cũng trông sáng láng thông minh hết. Ngân mỉm cười nhẹ nhàng nói: - Duy mà nhát à, Ngân thấy Duy ăn nói lưu loát, ứng xử nhạy bén mà. Nghe cô bạn mới quen khen mình, tôi cảm thấy ngượng ngập: - Ờ thì... cũng không biết nữa. Thôi Ngân ăn liền đi cho nóng với lại còn kịp giờ vô lớp. - Duy ngồi xuống đây luôn đi, Ngân vừa ăn vừa nói chuyện với Duy cho vui được không. Làm sao có thể cưỡng lại được lời mời ngọt ngào như thế này được, tôi chậm rãi ngồi xuống phía cái ghế đối diện Ngân. Ngân bắt đầu ăn từ từ thì cũng là lúc tôi có thêm một ít thời gian quan sát cô bạn mới tên Ngân của tôi kỹ càng hơn. Ngân không chỉ có một đôi mắt to đen lay láy mà còn có một mái tóc đen tuyền mượt mà xõa dọc

theo hai bờ vai gầy. Màu trắng của chiếc áo dài Ngân mặc càng làm nổi rõ sự tương phản cho màu tóc đen mượt của Ngân. Bất thần, Ngân ngẩng đầu lên nhìn tôi đang nhìn Ngân ăn đăm đăm khiến tôi giật cả mình. Biết Ngân phát hiện ra tôi đang chăm chú nhìn Ngân, tôi sượng cả mặt, đánh trống lảng sang chuyện khác: - Mì có ngon không Ngân, ăn từ từ thôi coi chừng nóng quá. - Cảm ơn Duy, mì ăn ngon lắm. Hay ngày mai Duy đi với Ngân ra căn-tin, Ngân bao Duy lại tô mì khác nhé, chịu không. Lạy chúa tôi, con có nghe lộn không thế này. Cô bạn xinh xắn của con mời con đi ăn sáng ngày mai với cô ấy. Liệu đây có phải là một tín hiệu tốt lành không? Tôi nhủ thầm nếu bây giờ mình gật đầu thì người ta sẽ coi thường rằng mình để ý quan tâm đến người ta. Không được, "cưa" kiểu này cây không gãy, mà cưa đứt làm đôi thì toi. Tính sao bây giờ nhỉ, hay để mình làm khó dễ cô ấy một xíu: - Ơ...ơ, Duy cũng không dám hứa nữa, tại sáng nào mẹ Duy cũng làm thức ăn sáng cho Duy ở nhà hết. Vừa nói tôi vừa tự chửi thầm mình rằng tại sao tôi có thể nói dối không biết chớp mắt. Mẹ tôi sáng nào cũng đi làm từ lúc 6 giờ sáng thì làm gì có thời gian chuẩn bị bữa ăn sáng cho tôi. Ngân quay sang nhìn tôi, ngúng nguẩy cái đầu ra vẻ nài nỉ: - Thì Duy nói mẹ đừng làm một bữa ăn sàng đi mà, chứ thiếu tiền Duy thế này Ngân ngại lắm. Nghe cô bạn tôi nói, tôi như mở cờ ở trong bụng, mọi thứ đang diễn ra như sắp xếp. Tôi giả vờ ậm ậm ừ ừ: - Ừ thì thấy Ngân cứ áy náy hoài, thôi để Duy nói với mẹ vậy, có gì mai giờ ra chơi, Duy sang chỗ Ngân, rồi hai đứa mình ra căn-tin nhé. - Ừa vậy đi. Ngân vừa nói vừa mỉm cười vui vẻ. Nụ cười trong sáng của cô bạn mới quen làm tôi cảm thấy mặc cảm đầy tội lỗi. Nhưng gì vừa mới xảy ra ở đây đâu phải là do tôi muốn, mà cũng không phải là tính cách của tôi. Trong khi người ta tử tế mời mình đi ăn lại, thì tôi lại toan tính sắp đặt khó dễ người ta. Duy ơi, sao nhiều khi tao ghét mày ghê vậy đó, mặc dù mày là một phần luôn tồn tại trong tao. Đã phóng lao thì phải theo lao, tôi nhoẻn miệng cười đáp lại với Ngân. Ngân lại quay sang nhìn tôi, cô bé nhìn tôi và hình như miên man nghĩ một điều gì. Đoạn một lát, Ngân cất tiếng hỏi: - Duy nè, Ngân trông Duy thấy quen quen làm sao đó mà không thể nào nhớ ra được. Không biết hồi xưa Duy học cấp một ở trường nào, có phải Chính Nghĩa không. Nghe Ngân nói tôi giật mình: - Ủa, sao Ngân biết Duy học Chính Nghĩa cấp một?

- Tại Ngân thấy mặt Duy quen quen nhớ là hình như gặp ở cấp một hay sao đó nên mới hỏi đại Nghe Ngân trả lời tôi mới thấy mình hỏi một câu rất ngu. Người ta nhận ra mặt mình còn mình thì không. Bây giờ còn không biết tận dụng sự tình cờ ngẫu nhiên này để tiếp cận cô nàng nữa hay sao. Tôi ra vẻ đăm chiêu: - Ừm, nói thiệt với Ngân, nãy giờ Duy cũng thấy mặt Ngân quen lắm, mà ngại nên không dảm hỏi. Giờ mới nhớ ra là Ngân học cùng trường cấp một. - Duy học một mấy, Ngân học 1/6 nè. - Duy hả, Duy học 1/8 hèn chi, gần nhau quá mà nên quen mặt là phải. Tôi cười giả lả và nói tiếp: - Trái đất thiệt là tròn nhỉ, hai đứa mình học chung trường tiểu học, giờ lại học chung lớp cấp ba. Duy nhớ hinh như hồi nhỏ, hồi Ngân lớp 5 ấy, trông xinh xắn lắm nên Duy mới nhớ kỹ hình ảnh Ngân đến giờ. Nói xong câu ấy tôi nổi cả da gà lên, công nhận công phu "nịnh đầm" của tôi đã đạt đến cảnh giới vô song không ai bì kịp. Tôi chả hề nhớ mặt mũi của Ngân vậy mà cũng có thể tận dụng cơ hội để "tán". Nghe tôi nói Ngân phì cười. Trông Ngân cười rất là xinh, nhưng Ngân cứ cười mãi thôi. Đúng lúc đó tiếng chuông trở vào lớp vang lên. Tôi vẫn thắc mắc tại sao Ngân nghe tôi nói xong lại cười. Tôi quay hỏi Ngân: - Ngân cười Duy cái gì vậy, bộ mặt Duy dính lọ nghẹ hay sao? Vừa nói tôi vừa cười duyên một cái. Ngân đứng dậy khỏi ghế, miệng vẫn mỉm mỉm cười, mắt nhìn tôi tinh nghịch: - Thôi đi ông tướng ơi, tôi học Chính Nghĩa có một năm lớp 1 thôi sau đó chuyển đi chỗ khác, làm gì có mặt ở Chính Nghĩa đến lớp 5 để ông nhìn tôi rồi khen tôi xinh xắn. Nịnh thì nịnh vừa vừa thôi, quái quỷ gần chết mà kêu là nhát. Mặt tôi đỏ gay lên vì xấu hổ, giờ không biết kiếm đâu ra cái lỗ dưới mặt đất để độn thổ một cái. Vậy là cái trò ba xạo "nịnh đầm" của tôi đã bị cô bạn Ngân lật tẩy ngay từ phút đầu tiên. Ngân thấy tôi đứng chết trân, mặt thì đỏ sần lên, cô bé nhoẻn miệng cười: - Ngân nói vậy thôi, Duy đừng quê Ngân rồi mai không ra ăn sáng nhé, giờ thì đi vào lớp nhanh lên nếu không bị ghi vào sổ đầu bài thì lại khốn khổ như cái anh chàng Quốc buổi sáng nữa. Ơn trời là tại phải chạy vội chạy vã vào lớp chứ nếu mà phải đứng tại đây chắc tôi sẽ chào cờ cả tiết. Cho chừa cái tội tán gái bậy bạ linh tinh. Vừa nghĩ tôi vừa ba chân bốn cẳng chạy ngay vào lớp. Chưa yên vị vào chỗ ngồi, thì cái thằng Hải nhăn nhở quay đầu lại oang oang như muốn thông báo cho cả tổ biết về chuyện tôi muốn cưa cẩm cô bạn Hương Anh của tổ bên cạnh:

- Sao rồi Duy, đã viết xong bài Lý chưa. Ráng mà viết cho nhanh nha, kẻo không ngày kia ông Bồi ổng kêu lên thì chết. Với lại tao thấy mày nên viết xong cho nhanh để còn qua đó gặp ẻm nữa chứ. Con Đan Chi chả biết mô tê gì, xen miệng vào hỏi: - Ẻm nào vậy Duy, Hải đang nói cái gì Vật Lý vậy, thầy Bồi cho thêm bài tập về nhà hả hay sao. Mấy người nói lại cho tui nghe coi. Thằng Hải đắc chí đế thêm vô: - Còn ẻm nào nữa Chi, cái ẻm Hà Nội da trắng má hồng ở bên kia kìa. - Đâu đâu, ai đâu Hải chỉ tui coi. Một thằng Hải chưa hết phiền giờ thêm một con Chi. Đã vậy ông trời con chơi tui sát ván. Chả biết từ đâu ra, con Thanh Thanh nó cũng nhảy vô: - Hải đang nói về cái bạn tên Hương Anh ngồi cách mình hai dãy bàn đó Chi. Bạn đó trông dễ thương quá. Thằng Hải cười sằng sặc: - Không dễ thường mà thằng Duy nhà này bữa trước bữa sau đã lân la sang làm quen. Còn giả điên giả khờ nữa. Nào là bạn gì gì đó ơi cho tui mượn vở chép bài Vật Lý. Tao thấy mày cắm cúi chép bài trong giờ ông Bồi, làm gì mà thiếu bài. Đúng là cái thằng ba xạo. Con Chi giờ mới hiểu đầu đuôi câu chuyện. Nó cười khì khì: - Trông Duy hiền lành vậy mà cũng bạo ghê vậy đó. Thiệt không thể nào trông mặt bắt hình dong được. Tôi sượng đỏ cả mặt. Khốn khổ cho con ngồi cạnh cái thằng Hải chết giẫm. Hết chuyện để nói rồi lại mang chuyện linh ta linh tinh ra nói cho bàn dân thiên hạ nghe. Được nước làm tới thằng Hải quay qua khều con Chi: - Chưa hết đâu, nó còn nói tui viết bài chậm, mà tệ hại hơn nữa nó nói chữ Chi như cua bò nó đọc không nổi, khiến nó phải lê xác sang tuốt bên tổ bên kia mượn tập Vật Lý. Con Chi nghe xong điên tiết nóng cả mặt, quay sang lườm tôi một cái trong khi thằng Hải đang thích thú cười. - Liệu hồn Duy đó, dám chê chữ tui xấu, bộ muốn có tên trong sổ đầu bài hả? Nãy giờ tôi như con chiên bị tế sống bởi cái trò đùa nhây quái ác của thằng Hải. Tôi chết đứng ngay giữa trận tiền chưa kịp nói câu nào. Sao hôm nay xui xẻo vậy, vác máy cưa ra Hà Nội cưa cây, thì gặp cái thằng kiểm lâm khốn kiếp tên Hải. Ra căn-tin thì tiền mất tật mang, lại còn bị cô bé Ngân lật tẩy cái bài tán tỉnh. Giờ thì em lớp trưởng "xinh xinh" mà tôi đang tính gửi gắm số phận cả năm học của tôi cho em lại tính đưa tên tôi lên sổ đầu bài. Đúng thật đàn bà là con dao làm trái tim ta nhỏ máu. Tôi cố gượng

cười nhăn nhơ, giơ tay gãi gãi đầu nhìn con Chi đang hầm hầm bằng một ánh mắt đầy ái ngại: - Chi nỡ lòng nào mà đưa tên một học sinh ngoan hiền gương mẫu như Duy lên sổ đầu bài phải không. Cái thằng Hải này nó cà chớn lắm, nãy giờ nó ba xạo nói giỡn với Chi thôi, chứ chữ Chi thì vừa to, vừa ngay ngắn gọn gàng thế này, đẹp ăn đứt chữ viết của Duy. Đừng nghe nó ly gián mà làm sứt mẻ tình cảm tốt đẹp của hai đứa mình. Vừa xoa dịu con Chi, vừa trừng mắt nhìn thằng Hải như muốn đe dọa rằng anh không nhịn nổi chú nữa rồi, chú mà còn phát ngôn bừa bãi kiểu này anh sẽ luộc chú ngay. Nhưng thằng Hải chả biết sợ là gì, nó còn quắc mắt nhìn lại rồi cười to. Nó đang tính phản pháo lại bài cáo buộc tôi ly gián tình cảm tốt đẹp giữa tôi và con Chi thì cô giáo dạy Lượng Giác bước vào lớp. Nó đành ngậm họng lại quay lên trên để chuẩn bị cho tiết toán. Mà thằng Hải nhắc mới làm tôi sực nhớ về cô bé Hương Anh, bất giác tôi liếc mắt sang dãy bàn bên xem cô bé ấy đang làm gì. Hương Anh đang cười cười nói nói rất vô tư vui vẻ với mấy cậu con trai ngồi cạnh. Tôi nhủ thầm, mình trai Sài Gòn mà đi cưa gái Hà Nội thì chắc sẽ khó lắm đây. Mà tình hình cho thấy không chỉ riêng tôi đang địa Hương Anh mà mấy anh chàng xung quanh đó có vẻ còn bạo dạn tiếp cận hơn tôi nữa. Nếu khó thế thì thôi vậy, dù sao mình cũng đã có phương án dự phòng. Chả phải ngày mai Ngân mời mình đi ăn sáng đó sao. Mà không biết Ngân ngồi chỗ nào trong lớp nhỉ. Góc này không có, góc kia cũng không, không lẽ ngồi ngày cùng dãy với mình mà tuốt phía dưới. Tôi quay lưng ra sau nhìn xuống hai bàn cuối lớp cùng dãy thì thấy Ngân đang nói chuyện luyên thuyên với một bạn nam người gầy gầy, tóc đầu đinh, da ngăm ngăm cũng đang cười rất là đểu. Thiệt tình luôn, mình chấm ai, thì người ta cũng bị tiếp cận sạch hết rồi. Thế là vỡ mộng tầm xuân, tôi ngao ngán quay lên nhìn bà cô Lượng Giác một cách vô hồn. Cô giáo Lượng Giác của tôi tên Thúy Hoa, tên nghe đẹp mà người thì... Không lẽ ai dạy ở Lê Hồng Phong này không già ngáp như ông Đỗ thì cũng thuộc loại khủng bố như ông Bồi. Tôi tiếp tục giấc mơ ban ngày của tôi khi cô đang viết bài giảng trên bảng. Nào thì góc tù, góc nhọn, góc bẹt, nào thì tam giác cân, tam giác vuông, tam giác đều. Đầu tôi thì cứ lang thang đâu đâu. Lớp chỉ có ba cô giáo theo tôi được biết. Cô dạy Lượng Giác thì ở đây rồi, còn mặt mũi hai cô còn lại thì vẫn là dấu chấm hỏi. Để nghĩ xem nào, còn cô dạy Công Dân và cô dạy Sinh Vật. Cái môn Công Dân là cái môn chán nhất trên cõi đời này, nếu mà gặp phải một bà cô vừa già vừa xấu lại vừa khó tính thì chắc con chết ngay tại ghế ngồi. Cầu trời cho trường chọn cô nào trẻ đẹp vui tinh dạy lớp tôi, thế thì mới có hứng thú chứ. Giáo dục rất quan trọng, nhưng thẩm mỹ cũng đâu phải là chuyện đùa. Cô Hoa cứ thao thao bất tuyệt phía trên, lũ bạn cùng lớp thì cứ lục tục viết bài, còn tôi thì vì đau lòng với hai mảnh tình con đang bên bờ vực tan vỡ nên không thể nào tập trung vào được. Tôi hướng mắt mình ra cửa sổ phía bên kia của lớp ngắm nhìn những tia nắng le lói chiếu dọc theo bờ tường xi-măng của dãy nhà bên cạnh. Vô tình tôi nhìn thấy một hai cô nữ sinh bên dãy tường bên kia cũng đang cặm cụi viết bài. Tôi đoán chắc mấy chị này là sinh viên học bên trường Tự Nhiên vì tôi thấy họ trông lớn hơn hẳn so với tụi con gái lớp tôi, vả lại mấy chị cũng không ai phải mặc áo dài cả. Dãy phòng học của lớp tôi được gọi là dãy nhà Thực Nghiệm nằm sát ở bờ tường phân cách giữa Lê Hồng Phòng và trường đại học Tự Nhiên. Chị sinh viên ngồi gần khung cửa số nhất đang chăm chú viết bài mà không biết rằng ở bên kia dãy tường có một thằng em trai cũng đang chăm chú, nhưng không phải viết bài mà đang nhìn chị. Mặt chị ấy tròn tròn, gò má ửng hồng, và kìa một vệt nắng nhỏ như đang đùa nghịch trên mái tóc chị.

Một làn gió nhẹ thổi bay lòa xòa những sợi tóc tém gọn hai bên tai chị ấy. Hình như trong tình cảm người ta không thể phân định tuổi tác. Không gian tĩnh lặng như tờ, thời gian như ngừng trôi, trong tôi chỉ còn lại một thế giới mà trong đó chỉ có tôi cái khung cửa số, con nắng sớm, và chị sinh viên đang cặm cụi viết bài. Tôi dường như không cảm nhận được sự tồn tại của đám bạn học cùng lớp, của "cái loa" đang bật hết công suốt trên phía bục giảng, tôi như đang say sưa ngất ngây không biết vì cảnh đẹp, người đẹp hay cả hai. Tiếng chuông hết một tiết vang lên làm tôi giật mình sực tỉnh. Con Chi quay đầu sang nhìn tôi và hỏi: - Sao Duy không viết bài đi, hay lại ngồi không tính kiếm cớ sang mượn tập rồi đi cua gái luôn. Tổ cha cái thằng Hải, mày thấy tai hại chưa, tại mày mà giờ ai cũng nghĩ tao là thằng lười biếng chỉ giỏi cua gái. Tôi không lười, không bao giờ lười, nhưng tôi không thể đánh đổi những giây phút ngất ngây như vậy với những con số lượng giác chán ngắt được. Để bào chữa cho sự lơ đễnh của mình, tôi đổ tại cho cây bút của tôi bị bể bi. Con Chi nó cười: - Tưởng gì, sao không nói Chi sớm, Chi cho Duy mượn cây bút khác viết bài. Chi ơi là Chi, Chi đâu cần tốt với Duy lúc này. Duy chỉ cần Chi đừng đưa tên Duy vô sổ đầu bài là Duy đã mãn nguyện lắm rồi. Bút Duy nào có hư, mà nếu có hư đi chăng nữa thì Duy cũng còn hai ba cây bút khác trong hộp viết. Lỗi đâu phải ở Duy, mà lỗi ở cái con nắng tinh nghịch kia, lỗi ở con gió thoảng thổi bay mái tóc chị sinh viên ấy. Mặc dù vậy, để cho phải phép tôi cũng lịch sự đón lấy cây bút bi từ tay con Chi. Tôi nhủ thầm bây giờ dù có trời long đất lở, thì tiết sau tôi cũng nhất quyết sẽ không viết bài mà sẽ thả hồn theo mây gió để thoát ra khỏi căn phòng học chật hẹp này mà bay sang bờ tường bên kia cùng với cái chị sinh viên Tự Nhiên. Cô Hoa ra khỏi lớp để đi lấy thêm mấy viên phấn trắng cho tiết hai của môn Lượng Giác. Đột nhiên, một thằng con trai trong lớp tôi ngồi gần cái cửa sổ bên kia quay qua vẫy chào mấy chị gái bên trường Tự Nhiên. Hóa ra đâu chỉ có mình tôi lơ đễnh nãy giờ mà còn có thêm một chiến hữu khác. Nhưng thằng này nó lại ngồi gần cửa sổ hơn tôi cho nên nếu mấy chị Tự Nhiên nhìn sang bờ tường bên này thì chỉ có thấy mình nó thôi. Mà thằng này nó cũng liều mạng nữa, đã nhỏ tuổi hơn rồi, lại con cách nhau cái bờ tường, vậy mà nói vẫn vẫy tay gọi rần rần sang bên kia khiến mấy chị Tự Nhiên xúm nhau lại nhìn sang bờ tường phía bên này. Nó như hứng chí hơn, càng chào to hơn để cố tình làm quen. Tổ cha cái thằng đó, hay ho cái gì, nếu mà tôi được ngồi gần ngay cửa sổ như nó thì tôi cũng có thể làm quen được mấy chị ấy mà không cần om xòm như vậy. Bất thình lình, cô Thúy Hoa đi vào lại trong lớp đúng lúc thằng kia đang reo hò vẫy tay hào hứng. Cô Hoa quay sang nhìn qua bờ tường, rồi kêu thằng chiến hữu ngắm gái tội nghiệp của tôi lên trên bục giáng. Cô cầm quyển vở của nó vẫn trắng tinh vì nó có viết chữ nào đâu khi nó cũng thả hôn theo mây gió giống như tôi. Cô Thúy Hoa rất tức giận: - Nãy giờ em làm gì ở dưới đó mà không chép bài gì cả, tập vở gì mà còn trắng tinh.

Thằng nhỏ tái xanh cả mặt, sợ sệt lấm lét trả lời ấp úng: - Dạ... dạ tại hôm nay em bị đau đầu nên không viết bài được. - Đau đầu, sao cô thấy em đang rất hào hứng chào mấy chị sinh viên ở bên trường bên kia mà - Dạ...dạ, em đâu có đâu. Dạ, em không viết bài nhưng vẫn nghe cô giảng nãy giờ. Không khí lớp lại trở nên ngột ngạt, mấy đứa khác cũng lơ đễnh trong giờ học ngồi ngay ngắn lại và im thin thít. - Em nói em nghe cô giảng nãy giờ phải không, để cô hỏi em xem cô giảng đến phần nào trong sách rồi nhé. - Dạ... dạ.. dạ, hình như cô giảng đến tam giác gì đó, em nhớ như vậy đó. Cô Hoa chau mày nói: - Cô đã giảng sang giải phương trình lượng giác và cách thức viết nghiệm số của phươn trình lượng giác nửa tiếng rồi mà đầu óc em vẫn đang ở đâu đâu đó. Em tên là gì, nói cô biết, cô ghi vào sổ đầu bài để thầy Đỗ chủ nhiệm nhắc nhở em thái độ học hành. - Dạ, cô tha cho em lần này. Dạ... hôm nay em mệt mà cô. - Cô hỏi em tên là gì, em nói tên cho mau, để cô còn tiếp tục giảng bài cho lớp. Như biết mình không thể trốn khỏi số phận nghiệt ngã, tên bạn học xấu số nói như muốn khóc: - Cô.. em...em tên Mạnh Thắng, cô đừng ghi em vào sổ đầu bài được không cô, ba mẹ em khó lắm, ba mẹ em la em chết. - Cô ghi tên em vào sổ đầu bài để em lưu ý hơn và học tập tích cực hơn, điều này tốt cho em thôi. Bây giờ thì em lấy vở về chỗ ngồi và viết bài cho cẩn thận vào, cuối giờ cô sẽ xét vở của em lần nữa xem em có chép bài đầy đủ không. Thôi thế là thôi, thật là tội nghiệp cho anh chàng chiến hữu ngắm gái của tôi. Sáng giờ đã hai thằng vào sổ đầu bài, một thằng thì ăn con 1 điểm. Hết thằng Quốc, thằng Đan giờ thì đến thằng Thắng lên đường. Như cảm thông thống thiết và thấu hiểu nỗi khổ của một con người đam mê cái đẹp và sự thẩm mỹ hơn những con số khô khốc. Tôi thầm xướng trong lòng một bài văn tế nghĩa sĩ cho thằng bạn cùng lớp đen đủi của tôi: "Ngày...tháng...năm. Chân thành thương tiếc bao tin. Chồng, cha, con chúng tôi tên là Mạnh Thắng đã hy sinh anh dũng trong cuộc càn quét gắt gao của giáo viên bộ môn ở trường Lê Hồng Phong vào tiết 4 môn Lượng Giác. Tổ quốc sẽ ghi công, và những người tôn sùng nét đẹp sẽ mãi mãi ghi nhớ tên anh và sự hy sinh oanh liệt ngày hôm nay. Anh như một bó đuốc sống Lê Văn Tám ngày nào chống lại "cường quyền bạo lực" của các thầy cô. Anh hãy cừ yên tâm mà an nghỉ, em cùng mấy chị bên Tự Nhiên sẽ tiếc thương anh. Và cuối cùng là, nếu có điều chi sơ sót trong bài tế văn này, xin mọi người hãy rộng lòng tha thứ"

Tôi ngân nga bài văn tế trong lúc anh chàng Thắng đang lê từng bước nặng nhọc trở lại bàn học. Tôi tự hỏi, nếu mà người bị bắt lên bảng không tên là Mạnh Thắng mà là Hữu Duy cùng vời cuốn tập cũng trắng tinh không một chữ thì không biết ai sẽ ngồi tiếc thương ở dưới đây. Và rồi cô Hoa lại tiếp tục những phương trình lượng giác dài bất tận của cô, còn đầu của tôi thì cứ quay mòng mòng 360 độ theo chiều kim đồng hồ, ngược chiều kim đồng hồ vời k là số chẵn, k là số lẻ, k là số nguyên dương. Nhưng tôi cũng bắt đầu chú tâm hơn và viết bài vì tôi chợt nghĩ nếu cuối giờ bà cô bả thu tập cả lớp kiểm tra thì chết toi. Gần cuối tiết học, cô Hoa cho một bài tập trên bảng cho cả lớp xem ai tìm ra đáp số trước cho một phương trình lượng giác có dạng hơi đặc biệt. Tôi hí ha hí hoáy giải trên giấy nháp xem coi nghiệm số của nó là bao nhiêu. Chà cái này hóc búa à nha, nãy giờ bả giảng toàn cái bình thường, tới lúc cho bài thì cho dạng đặc biệt, cố tình làm khó dễ đây mà. Bả đã nói cái này nó đặc biệt mà bây giờ ngồi mà giải thử theo dạng bình thường thì mười kiếp nữa mới tìm ra đáp số. Để xem, có tang, có sin, có cả cosin luôn, hèn chi không rút gọn lại được là phải rồi. Để mình thử dùng phương pháp tạo biến số mới rồi cố gắng chuyển hết các biến số lượng giác theo nó thì may ra mới tìm ra được đường giải bài này. À biết rồi, đặt cái tang này thành biến t, rồi có công thức chuyển sin và cosin theo t luôn, bữa trước mình đọc trước cuốn sách ở nhà gặp nó ở đâu rồi nhỉ? Nếu mà làm được như vậy thì từ cái phương trình lượng giác khốn nạn này nó sẽ biến thành phương trình đại số, rồi thì mình sẽ có thể xét dấu của nó trên từng đoạn xem coi nó có nghiệm không. Tôi lật lật cuốn sách cố tìm ra cái công thức đổi biến, trong khi mấy đứa khác đang cắn răng cắn lưỡi giải theo cách bình thường bằng việc cố rút gọn biểu thức lượng giác. Cô Hoa thì ngồi phía trên điềm tĩnh quan sát chúng tôi giải bài tập. Cuối cùng thì tao cũng tìm ra được mày rồi, để xem mày làm sao khó dễ được tao. Sau một hồi áp dụng công thức đổi biến để chuyển sang phương trình đại số, tôi có một phương trinh bậc 4 trong tay. Có thể nhận thấy rõ ràng, phương trình này vô nghiệm vì nó luôn luôn dương và lớn hơn 0. Bà này bả hiểm dễ sợ, cho phương trình vô nghiệm rồi bắt giải mới ghê chứ, làm sao mà có đứa nào tưởng tượng ra được nó vô nghiệm nếu không dùng cách này. Cô Hoa đợi cả 10 phút mà vẫn chưa ai giải ra, cô nói với cả lớp: - Cô tưởng lớp mình ai cũng giỏi hết, bài này chỉ ở mức khó hơn bình thường một chút thôi vậy mà nãy giờ vẫn chưa ai giải ra sao, chất lượng học sinh của trường mình ngày càng đi xuống thật. Lời bà cô Lượng Giác làm tôi nóng cả máu mặt. Tôi thì chả giỏi gì, nhưng mà dám khinh thường trí lực của tôi là một điều không thể chấp nhận được. Thật ra thì tôi đã có đáp số cho bài toán nãy giờ rôi, nhưng tôi cũng chẳng muốn trả lời để làm gì, mình làm được mình biết là được rồi, hơi đâu mà lên bảng giải bài cho nó mệt rồi mấy đứa kia nó lại xì xầm, mà có khi nó còn ghét mình rồi cạnh tranh nữa thì mệt. Không thể chịu nổi lời khích bác của bà cô, tôi dũng cảm giơ tay lên. Cô Hoa chỉ ngay tôi và hỏi: - Cuối cùng cũng có người giải ra rồi sao, thế em tìm được mấy nghiệm cho phương trình này. Tôi đứng dậy trong khi mọi ánh mắt đang đổ dồn về tôi. Tôi ấp úng trả lời cô: - Dạ, phương trình này vô nghiệm thưa cô.

Cả lớp nghe tôi trả lời xong cười rần rần, có đứa còn xì xầm nói to nhỏ rằng chắc tại tôi không biết giải nên đoán đại là nó vô nghiệm. Cô Hoa nhìn tôi bằng một ánh mắt thích thú: - Thế em nói bài cô cho vô nghiệm à, em chắc không, cô nghĩ nó có nghiệm đấy chứ. Bà cô đang làm nao núng lòng chiến sĩ đây, rõ ràng cái phương trình chết tiệt đó không cắt trục x thì làm sao mà có nghiệm được, tôi tự trấn an chính mình và trả lời: - Dạ, em chắc chắn nó vô nghiệm vì nó luôn lớn hơn zero thưa cô. - Thật vậy sao, không lẽ cô cho sai bài sao, thôi em lên bảng giải thử cho mấy bạn khác xem coi em giải có đúng không hay cô cho đề sai. Tôi cầm tờ giấy nháp mà tôi đã giải bài dưới bàn tiến lên chỗ bảng đen. Đây là giây phút quyết định, bây giờ mà viết lên, lỡ mà hồi nãy dưới kia mình biến đổi đại số có gì sai xót thì sẽ trở thành trò cười cho lũ bạn cùng lớp. Nhưng lỡ dại rồi, thôi đành chơi tới luôn chứ biết sao giờ. Tôi nhanh chóng viết bài giải và giải thích cách tôi chuyển đổi sang phương trình đại số bằng cách đổi biến số. Có một số bạn vẫn không hiểu cách tôi giải và tỏ ra hoài nghi công thức biến đổi tôi viết trên bảng. Tôi có thể cảm nhận được điều này thông qua những cặp mắt đang dán lên bài giải của tôi. Đúng lúc này tiếng chuông hết tiết cũng vang lên, cô Thúy Hoa cũng đưa ra lời nhận định cuối cùng: - Bài giải của em này đúng rồi, phương trình cô cho không có nghiệm thực, các em chưa học số ảo nên bài này sẽ vô nghiệm. Cô không kỳ vọng rằng em biết cách đổi biến số vì đó sẽ là bài học sau này của lớp chúng ta. Cô chỉ nghĩ các em có thể quan sát thông qua phương trình lượng giác rằng nó sẽ luôn lớn hơn zero. Tuy nhiên, em đã giải đúng và rất xuất sắc. Em có thể về chỗ. Tôi nhìn thấy mấy cặp mắt thán phục đang soi mói tôi khiến tôi phồng cả lỗ mũi. Cả cô bé Ngân ngồi tít dưới cuối lớp cũng đang chăm chú nhìn tôi. Tôi khoái chí đi một mạch về chỗ ngồi để thu xếp cặp vở ra về. Con Chi đón tôi bằng một nụ cười thật là tươi: - Duy ghê gớm quá, giờ Chi mới biết nha, thiệt là hên khi được ngồi cạnh Duy, sau này nhớ giúp đỡ. Thằng Hải cũng nhìn tôi bằng một con mắt khác đi: - Thằng này được, bài vậy mà làm được là ngon quá rồi. Đằng sau con Thanh cũng với lên khen: - Bạn này giỏi ghê vậy đó. Hâm mộ quá đi. Tôi giả vờ như không nghe gì và tiếp tục thu xếp tập vở. Không thể để hào quang trước mắt làm lu mờ được, nhưng hahaha, thiệt là sảng khoái khi có thể lấy le trước mắt mấy em trong lớp mình, và lấy lại được cảm tình của con Chi.

Tôi từ từ tiến ra khỏi lớp đi xuống cầu thang, thì một bạn con trai tóc xoăn tiến gần đến tôi. Bạn này học chung lớp tôi, người cao ráo, trắng trẻo, mập mạp, nhìn rất vui vẻ hiền từ, tuy nhiên đầu của bạn ấy thì nhiều tóc bạc quá. Bạn ấy cười chào tôi: - Bạn tên Duy phải không. Bạn giỏi quá đi, bài khó như vậy mà cũng giải được chả bù người ngu dốt như Ngọc thì làm sao có thể làm được. Tôi giật cả mình khi nghe cái bạn tên Ngọc nói với tôi. Tuy tôi cũng khá khiêm tốn nhưng chưa bao giờ khiêm tốn đến mức tự nhận là mình ngu dốt cả, đây là lần đầu tiên trong đời có người tâng bốc tôi đến vậy. Đáp lễ lại cho cậu bạn học cùng lớp có giọng nói dịu dàng và khách sáo như con gái: - Duy hên thôi, tại bữa rồi đọc trước quyển sách mới thấy cái công thức đó. Thật ra không có giỏi gì đâu. - Duy đừng có khiêm tốn mà, Duy đã giỏi rồi mà lại còn siêng năng đọc sách trước, những người dở như Ngọc đây biết bao giờ mới bì kịp được. Bạn này thiệt làm cho Ngọc ngưỡng mộ quá đi. Tôi vừa đi xuống cầu thang vừa trò chuyện với cái bạn tên Ngọc. Ra tới trưóc dãy phòng thực nghiệm, trưóc khi ra bãi xe, tôi quay sang dặn dò: - Duy nghĩ thế này, mình cho dù có dở nhưng nếu siêng một tí, chịu khó một tí sẽ ổ cả thôi. Nếu Ngọc nói Ngọc học chậm lắm, hay quên thì Duy nghĩ Ngọc nên đọc sách trước, làm thêm bài tập, Duy nghĩ sẽ hiểu bài cả thôi. À, mà nếu có gì không hiểu Ngọc cứ hỏi Duy, Duy sẽ giúp cho. Không biết từ lúc nào tôi tự cho là mình giỏi hơn cậu bạn cùng lớp này và còn mạnh dạn đưa ra lời khuyên nữa. Có lẽ vì thái độ quá sức khiêm tốn của Ngọc khiến tôi tự cảm thấy mình nổi bật hơn chăng. Ngọc rối rít cảm ơn tôi: - Lời Duy nói thiệt là đúng, người học chậm ngu si như Ngọc thì phải cố gắng gấp đôi gấp ba người ta mới có thể học được. Vậy sau này chắc phải làm phiền Duy giảng bài cho Ngọc nha. Cảm ơn Duy nhiều. - Có gì đâu mà phải cảm ơn nữa không biết, chuyện bình thường mà, Ngọc đã nhờ Duy thì làm sao Duy có thể từ chối được. Nói xong tôi gật đầu chào Ngọc để ra về. Đang loay hoay xếp cặp xuống sườn xe, thì tôi thấy con Chi chạy chiếc Max vù sang chỗ tôi, Nó hỏi: - Hồi nãy đi xuống cầu thang, Chi thấy Duy nói chuyện với Huy Ngọc hả, bộ Duy biết Ngọc từ trước rồi sao? - Đâu có đâu Chi, lần đầu tiên mới gặp đó. Bộ Chi biết Ngọc sao? Con Chi nó cười cười: - Biết chứ, học chung trường Nguyễn Du quận 1 với Chi mà. - Ngọc học Nguyễn Du hả, sao hồi nãy Ngọc nói Duy Ngọc học trường nào ở ngoại thành nhỏ xíu thôi mà. - Hahaha, Chi biết ngay mà, thế nào Ngọc cũng nói chuyện kiểu đó thôi. - Kiểu đó là kiểu gì hả Chi?

- Có phải Ngọc nói với Duy là Ngọc học ngu lắm, lại chậm nữa, nên Ngọc sợ học không lại so với mấy bạn cùng lớp không? - Ừ thì Ngọc có tâm sự vậy, Duy cũng có hứa là sẽ giúp đỡ Ngọc nếu Ngọc thấy cần. - Thôi đi Duy ơi, Ngọc hay nói như vậy đó, chứ Ngọc học giỏi lắm, lại siêng kinh khủng luôn, ba mẹ Ngọc là bác sĩ mà, nổi tiếng cả trường Nguyễn Du ai cũng biết hết đó, không tin hỏi Đăng Khoa ngồi phía trên chỗ Duy xem. - Ủa vậy hả, sao Ngọc lại khen Duy nức nở tùm lum vậy nè. - Ui, Huy Ngọc là vậy đó, đừng có tin, thôi tui hỏi vậy thôi giờ tui phải đi chơi với mấy đứa bạn. Chưa dứt lời chào tôi, con Chi nó phóng xe đi để lại đằng sau một làn khói khét lẹt. Tôi ngồi lên chiếc xe tay ga nhỏ của mình chạy ra đằng phía cổng để trả vé giữ xe và đi về. Hôm nay chỉ là ngày đi học đầu tiên thôi mà đã có bao nhiêu chuyện xảy ra, rồi thì tiếp xúc biết bao nhiêu người. Đầu tiên đụng xe với tên Quốc, rồi đùa nhây với thằng Hải và mấy đứa chung bàn. Sau đó thì tiếc thương đưa tiễn thằng Thắng lên dĩa. Va cuối cùng là chứng kiến màn "khóc lóc thảm thương tự thú ngu si" của bạn Huy Ngọc. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là cuộc nói chuyện làm quen với cô bé Hà Nội tên Hương Anh và cuộc gặp mặt tình cờ với cô bé Ngân. À, ngày mai mình còn đi ăn sáng với nàng nữa chứ. Thiệt là cuộc sống ở trường cấp 3 cũng phức tạp hơn hẳn so với hồi cấp 2, ai cũng có cá tính riêng biệt hết. Tôi tự nhủ rằng mình phải cố gắng thật hòa đồng để tranh đi sự cạnh tranh không cần thiết. Giờ thì mệt lắm rồi, hết ông Bồi, rồi bà Thúy Hoa hành xác. Tôi dự định sẽ chạy về tiệm mì Quảng gần nhà quất ngay một tô cho ấm bụng rồi đánh một giấc tới chiều. Xe tôi bon bon chạy trên dọc đường Nguyễn Văn Cừ về phía ngã sáu, lòng tôi khấp khởi nghĩ đến tô mì Quảng và cứ đinh ninh rằng tôi vẫn còn nguyên tờ 50000 mới cáu trong túi quần mà quên rằng nó đã mãi mãi ra đi để đánh đổi cho một cuộc hẹn hò ăn sáng vào ngày mai.

Related Documents


More Documents from ""