Dẫn chiếc xe đạp vào nhà sau, tôi liếc mắt nhìn cái đồng hồ trên tường ở nhà giữa. Vậy mà đã gần 5 giờ chiều rồi. Có lẽ trận tập bóng đã vắt kiệt sức lực của tôi nên đói cồn cào cả bụng. Mà đến tận 6 giờ thì ba mẹ tôi mới đi làm về. Tôi mở tủ lạnh xem còn món đồ gì có thể ăn được không. Nhìn đám thịt kho còn sót lại ngày hôm qua đang đông cứng ngắt trong cái tô đá, tôi lắc đầu ngao ngán. Nhưng tôi không thể đợi cho đến khi ba mẹ tôi về được vì dù mẹ tôi nấu ăn nhanh lắm thì cũng gần 7 giờ tối mới xong. Nếu mà đợi cho đến lúc đó thì tôi sẽ xỉu vì đói lả mất. Thế là tôi quyết định đi ăn bột chiên lót dạ trước rồi về nhà ăn cơm với ba mẹ sau. Nghĩ tới bột chiên trứng vừa nóng vừa giòn, lại có hành xanh và đu đủ tôi nuốt nước miếng ừng ực. Vả lại cái chị bán bột chiên ở bên cạnh nhà thờ Hầm gần nhà tôi lại xinh xắn dễ mến vô cùng. Lúc nào chị ta cũng cười thiệt là tươi. Nhìn chị ta mời bột chiên thì dù có phải ăn hai dĩa trả tiền gấp đôi tôi cũng chịu. Thế là tôi chạy ù lên lầu thay ngay bộ quần áo tập thể dục đã dơ dáy những bụi bậm bằng một cái quần jean và một cái áo thun màu xanh dương. Tôi không chạy xe đạp ra tiệm bột chiên vì tôi muốn đi bộ hít thở không khí trong mát của buổi chiều. Dọc đường tôi đi, tôi thấy đám trẻ con của xóm trên đang hò hét um sùm cả một góc đường khi tụi nó đang chơi đá banh. Tôi nhìn mấy đứa nhỏ giành banh quyết liệt lại thấy buồn buồn. Ước gì ngày xưa lúc mình còn nhỏ ba mẹ cũng cho mình chơi đá banh lề đường thì hôm nay mình đã có thể cống hiến nhiều hơn cho đội bóng của lớp. Tôi đang ngẩn nga ngẩn ngơ đi hướng về cái công viên nhỏ bên cạnh nhà thờ mà ngày xưa là một cái ao rau muống lớn. Bỗng nhiên có một bạn gái chạy đến từ phía sau lưng vỗ vai tôi. - Duy, nhà Duy ở gần đây hả, đang đi bộ đi đâu vậy? Tôi giựt mình khẽ quay lại nhìn. Khuôn mặt của cô bạn này trông quen quen. Nước da cô ấy trắng nổi bật với mái tóc cắt ngắn ngang vai. Tôi vẫn chưa kịp nhận ra là ai để có thể cất tiếng chào lại thì cô ta nói tiếp. - Làm gì mà Duy ngây người ra vậy, mình là Anh Thi học chung A4 với Duy ở Lê Hồng Phong nè. Hồi chiều lúc tập thể dục Duy đứng cách Thi có mấy bước chân thôi. Ồ thì ra là bạn học cùng lớp, hèn chi thấy mặt cô bé Anh Thi này vừa lạ lạ vừa quen quen mà không nhớ ra là đã gặp ở đâu rồi. Tôi lập tức chào đáp trả thân thiện với cô bạn cùng lớp. - Chào Thi, nhà Thi cũng ở gần đây hả? - Nhà Thi cách đây có mấy bước chân thôi, còn nhà Duy ở đâu? - Vậy sao, không ngờ nhà hai đứa mình gần nhau vậy, nhà Duy ở đầu chợ Ông Hoàng ngay khúc Nguyễn Thái Bình đi vào một chút.
Cô bé Anh Thi nhìn tôi với một cắp mắt to tròn. Gương mặt của Anh Thi thì không có gì đặc biệt lắm, nhưng tính cách của Thi thì thân thiện cởi mở giống như tụi con trai vậy đó. - Duy đang đi đâu đó, tính đi mua cái gì hả? - Duy hả, haha… chả có mua gì hết Thi ơi, tại hồi nãy sau khi tập thể dục xong, Duy ở lại đá banh với mấy đứa con trai lớp mình cho nên giờ về vừa mệt vừa đói tính đi ra tiệm bột chiên ở bên cạnh nhà thờ làm một dĩa. - Ồ thì ra vậy, Duy cũng biết chơi đá banh nữa sao? Câu hỏi của Anh Thi làm tôi thiệt là thấy hổ thẹn. - Ừ thì cũng biết chút chút… con trai mà. - Thi cũng thích đá banh, hồi nãy thấy mấy đứa con trai mang bóng, tính xin chơi ké rồi nhưng cũng ngại nên thôi. - Thi cũng muốn chơi đá banh à, hèn chi trông người Thi cứng cáp quá. - Trời người ta đai đen judo đó, bữa nào Duy muốn thử không Thi làm cho mấy thế là khỏi có ăn nổi bột chiên luôn. Cô bạn Thi của tôi thật là vui tính khéo biết nói đùa. Nhưng mà nghe cô ta quảng cáo là đai đen judo thì tôi cũng thấy hơi ớn thật. Cũng may nãy giờ chưa nói gì bậy bạ làm phật lòng cô ta chứ không thì chắc phen này khó mà về gặp lại ba mẹ. Nhìn vẻ mặt căng thẳng của tôi, Thi phì cười: - Thi giỡn thôi, chứ Thi hiền lắm, học là để cho khỏe người tại vì hồi nhỏ Thi yếu lắm. Cái gì cũng phải vậy thôi, phải luyện tập thì mới cứng cáp được. Nghe Thi nói tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn. Tôi nói với Thi: - Thế nhà Thi gần đây, có muốn đi ra ăn bột chiên chung với Duy không rồi hãy về nhà. - Hôm nay thì chắc không được rồi Duy ơi. Thi phải về đón thằng em trai rồi nấu cơm chờ ba mẹ về nữa. Tôi nhìn Anh Thi mà lòng cảm thấy rất khâm phục. Thi từ một cô bé yếu ớt ngày xưa đã có thể khắc phục được và trở nên mạnh khỏe tự tin như hôm nay. Đã vậy Thi còn cáng đán việc nhà cho ba mẹ, nấu cơm chăm sóc em, rồi còn học giỏi thi đậu vào Lê Hồng Phong. Còn tôi thì vừa lười, vừa yếu, chả phụ được ba mẹ tôi cái gì, suốt ngày chỉ biết chơi rồi học. Tôi đáp lời Thi: - Vậy thôi để hôm khác vậy.
- Duy có muốn qua cho biết nhà của Thi không, đi có mấy bước chân là tới rồi nè. - Ừ cũng được, để Duy biết nhà Thi sau này có gì cần cũng dễ liên lạc hơn. Nói rồi tôi cùng Thi rẽ vào con đường hẻm bên hông đi hướng vào một căn nhà nhỏ khuất bên trong. Thi tính mở cổng mời tôi vào chơi thì một con chó lớn trong nhà nhảy xồm ra làm tôi giật bắn cả mình rụt lùi loạng choạng té ra phía sau. Tuy con chó bị cái rào cửa ngăn lại. Nhưng tiếng gầm gừ của nó cũng làm tôi tái xanh cả mặt. Thi lập tức lên tiếng nạt con chó khiến cho nó im họng lại rồi cúp đuôi chạy vào trong. Từ nhỏ thì tôi đã sợ chó rồi. Lúc tôi lớp năm qua nhà một đứa bạn chơi, con chó của người bạn tôi lao ra cắn tôi một phát. Dù rằng tôi mặt quần jean khá dầy nhưng vết cắn vẫn sâu và rách toạt ra. Sau đó tôi phải đi chích ngừa dại. Mỗi mũi tiêm thuốc khiến tôi đau đớn không thể quên được. Có khi về đến nhà tôi phát sốt lên. Đối với tôi, chích ngừa, thử máu là cực hình. Từ nhỏ tôi đã rất nhát. Mỗi lần chích thuốc cho tôi, tôi luôn dãy giụa khiến người ta phải vất vả lắm mới có thể tiêm thuốc được. Cho nên sau cái lần bị chó cắn nhớ đời đó, tôi đâm ra vừa sợ chó mà lại thù ghét tụi nó. Mỗi lần chạy ngang nhà hàng xóm thấy mấy con chó dù đang bị cột bằng dây xích tôi vẫn ám ảnh bước đi chậm chậm không dám chạy sợ tụi nó lao ra cắn. Cho nên Thi cố mời tôi vào nhà uống miếng nước, nhưng vì ngại con chó của Thi nên tôi cố từ chối nói rằng tôi phải ăn cho nhanh để về nhà trước giờ ba mẹ tôi về. Tôi bước ra khỏi con hẻm nhỏ sau khi gật đầu chào tạm biệt Thi. Trong đầu tôi vẫn lởn vởn nỗi sợ hãi lo lắng về con chó bec-giê của nhà Thi. Chỉ cho đến lúc chị bán bột chiên chào tôi bằng một nụ cười hiền hòa thì tôi mới cảm thấy bình tâm hơn. Những miếng bột chiên của chị ấy hôm nay vẫn giòn tan nhưng tôi không thấy có hứng ăn lắm mặc dù chỉ mới lúc nãy thôi tôi còn cảm thấy rất đói. Mới chỉ ăn quá nửa dĩa bột chiên mà tôi đã thấy đầy bụng và không muốn ăn tiếp. Nhìn dòng xe cộ qua lại dọc con đường và mặt trời dần núp bóng sau những dãy nhà cao ở phía xa, tôi thấy lòng mình nặng nề điều gì đó. Có lẽ tôi cảm nhận thấy được sự vô dụng của bản thân, sự yếu ớt và hèn nhát không dám đối diện với chính mình, những sự sợ hãi vô lý trong suốt chừng ấy năm. Chỉ xém một chút thôi thì giọt nước mắt đã trào ra nơi khóe mắt. Tôi vốn rất nhạy cảm và mau nước mắt. Cũng may là đang ngồi ngoài đường giữa chốn đông người nên tôi mới có thể gắng gượng để nước mắt không tuôn ra. Tôi nhớ đến câu chuyện của Anh Thi kể. Sự rèn luyện và lòng cầu tiến đã thay đổi Thi, vậy thì tại sao Thi là một cô con gái có thể làm được mà tôi thì lại không. Tôi là một trong những học sinh xuất sắc nhất của Nguyễn Gia Thiều trong thế hệ tôi. Tôi là người có những cú móc cầu điệu nghệ, là người chơi đá banh Winning Eleven không có đối thủ. Tôi có đủ tài năng và bản lĩnh để khẳng định chính mình Chính sự tự tin thiếu tự tin của tôi đã giết chết tôi. Tôi luôn cảm thấy e dè trong mọi việc, không dám đương đầu, không dám tranh đấu. Với tôi, sự ôn hòa, một cuộc sống bình thường luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Nhưng đó chỉ là do sự hèn
nhát của bản thân tôi đã lấn át cái bản lĩnh thực thụ của một thằng con trai trong tôi. Tôi cũng giống như bao người khác, đều có tham vọng, đều có mơ ước, đều muốn khẳng định mình. Tôi phải mạnh mẽ hơn nữa, phải gánh vác và có trách nhiệm hơn với cuộc đời mình, không thể cứ mãi rút đầu rụt cổ như con rùa được. Tôi phải hăng say luyện tập đá banh, phải để tụi con trai thấy được tôi yêu thích bóng đá và có khả năng đá bóng không thua bất cứ ai. Dòng suy nghĩ cứ miên man trong tôi cho đến khi nắng chiều tắt hẳn và phố xá đã lên đèn. Tôi nhìn chiếc đồng hồ đeo tay của mình thì đã hơn 6 giờ chiều. Thôi chết rồi, cứ mãi nghĩ ngợi vớ vẩn lung tung mà quên cả thời gian. Tôi vội vàng trả tiền và cảm ơn chị chủ quán rồi vội vã bước về nhà cho bữa cơm tối. Sáng hôm nay tôi thức dậy sớm nên lúc đến trường cũng sớm hơn 10 phút trước giờ đóng cổng. Tôi thong dong bước vào lớp thì vừa đến cửa thì gặp thằng Quốc chạy ù ra. Sau đó tôi thấy cậu con trai tên Hưng của lớp tôi cũng vội vàng đuổi theo sau. Cái cậu tên Hưng này tôi đã chạm mặt một vài lần trong lớp. Cậu ta ít nói, lâu lâu chỉ nhoẻn miệng cười mỉm. Cậu ta có mộ mái tóc dài được chẻ ngôi trông khá là bụi lại thêm cái vẻ bất cần đời khiến cậu ta trông giống một dân anh chị thực sự. Bữa rồi tôi nhớ thằng Hải có nói hình như cái cậu Hưng này có xuất thân già đình phức tạp, mà quê của cậu ta thì lại ở Hải Phòng. Ôi Hải Phòng, mảnh đất mà ai nghe đến cũng rùng mình. Đó là mảnh đất xuất thân của những dân anh chị lừng lẫy nhất mà tờ báo Công An cứ đăng tải suốt. Mà hình như tôi còn nghe ai đồn đại hình như Hưng là em họ hay cháu gì đó của Dung Hà, sát thủ khét tiếng của đất Cảng. Thằng Quốc chộp lấy tôi để che cho nó miệng nó cứ la lớn: - Đại ca Hưng tha cho em, đừng xử tội em, em lỡ dại. Không biết những lời thằng Quốc nói là nói đùa hay nói thiệt nhưng dự cảm của tôi cho thấy đây là một điều chẳng lành. Mà khốn nạn nhất là thằng Quốc lại đưa tôi ra làm bia đỡ đạn ngăn cách giữa nó và anh “đại ca” Hưng. Câu con trai Hưng cũng luôn mồm quát tháo: - Quốc mày có đứng lại đó không, tao mà bắt được mày, tao sẽ giết mày chết. Trời ơi, không lẽ có một vụ “đâm thuê chém mướn” sắp xảy ra trong lớp tôi mà tôi sẽ phải là người chứng kiến tận mắt. Hay tại chiều qua vụ cá cược đá banh bên sân Lam Sơn thằng Quốc khiến thằng Cường thua. Thằng Cường bẽ mặt tức tối nhưng nó không dám ra tay nên sáng nay nhờ thằng Hưng xử đẹp thằng Quốc. Rồi tôi tưởng tượng ra cảnh mình đang đứng trước tòa án. Rồi chánh án hỏi tôi xem có phải tôi chứng kiến trực tiếp cảnh thằng Hưng đâm lòi ruột gây tử thương cho thằng Quốc không. Rồi thằng Hưng đứng giữa vành móng ngựa quát tháo liên tục rằng
nếu tôi khai nó ra nó sẽ cho đàn em tới làm thịt tôi. Mường tượng ra nhiều đó thôi là da gà tôi nổi cả lên. Mặt mũi tôi xanh lè tái méc lại, tôi ngoái ra sau lưng thì thầm hỏi thằng Quốc: - Tụi bay đang giỡn cái gì phải không ku Quốc? - Giỡn gì ku Duy, nó làm thiệt đó, nó đang tính thịt Quốc, Duy phải giúp Quốc. Trời ơi ông bà tổ tiên ơi, con có làm gì sai trái xúc phạm ông bà không mà sáng sớm ra mắt nhắm mắt mở đã đưa con vào tình thế một sống một còn nguy hiểm ngặt nghèo thế này. Nhìn ánh mắt đầy căm phẫn của tên Hưng và đôi tai đỏ lòm nhưng căm tức tột độ của hắn khiến hồn phách tôi lên mây. Trong ba mươi sáu chước, chước thứ ba mươi sáu chuồn là thượng sách. Chuyện này là mắc mớ của thằng Quốc với thằng Hưng, cho nên không thể nào lấy mình làm kẻ lót xác được. Mấy thằng Hải Phòng máu lạnh lắm, mình không thể giỡn chơi với nó được huống chi bây giờ nó còn đang giận đỏ mặt tía tai. Tôi tính lách người khẽ ra, để thằng Quốc chịu trách nhiệm cho vụ thanh toán này. Quốc ơi, tao thiệt có lỗi với mày. Nếu hôm nay mày có mệnh hệ gì, tao thề sẽ tới trước mộ mày xin lỗi cắm cho mày một bó nhang thơm luôn. Tao sẽ để dành tiền mua nhang ngoại, nhang Đài Loan cho mày, để mày ra đi được thanh thản. Công bằng mà nói tao biết mày đối xử với tao rất tốt mà Quốc. Nhưng tao còn ba mẹ già ở nhà, chưa từng có bồ, chưa từng có con, không thể bỏ đi lúc này được. Vừa tính lách người sang một bên, thì thằng Quốc khốn nạn đã nhanh hơn. Nó dùng tay đẩy mạnh tôi từ phía sau khiên tôi bổ nhào vào tên Hưng, rồi nó co giò chạy thẳng. Tôi mất đà té đè tên Hưng chúi nhủi phía bục giảng. Thôi rồi, vậy hôm nay người chết không phải là thằng Quốc mà là tôi rồi. Ba me ơi con thiệt là bất hiếu, chưa tiêu hết tiền của ba mẹ được, í lộn, chưa kiếm tiền nuôi ba mẹ được mà giờ sắp phải kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Tôi lồm cồm bò dậy và tin chắc rằng mình sẽ phải đối diện với một sự thật đau khổ. Tên Hưng cũng bò dậy, hắn chỉ quay qua lườm tôi một cái rồi quay lưng bước chậm rãi về chỗ bàn của hắn. Tưởng như lớp học sẽ trở thành nghĩa trang cho một cái chết oanh liệt mà cũng thê thảm nhất của mình, tôi thở phào nhẹ nhõm khi thấy tên Hưng quay gót đi. Tôi cũng lúi húi cầm cái cặp bị văng ra bên góc rồi ngồi vào chỗ ngồi. Được một lát sau thì thằng Quốc cũng rón rén bước vô. Nó vào đúng lúc ông thầy Bồi cũng đi vào, cho nên dù ngồi cách thằng Hưng có một bàn nó vẫn cảm thấy an toàn vì đã có giáo viên vào lớp. Mới sáng ra bị hai tên quỷ sứ hù một phen cho hết hồn khiến tôi quên khuấy đi mất mục tiêu chính của mình đề ra lúc sáng trước khi đi học là phải ra về cho thiệt sớm để chạy ra kiểm tra cái xe của cô bạn chuyên Lý xem cô ta có gửi hồi âm lại không. Hy vọng cô ta sẽ trả lời lại thư của mình. Tại cái vụ thanh toán khiến tôi
đã không kịp quan sát xem xe cô ta nằm ở đâu trong bãi đậu xe. Chắc giờ ra chơi phải tranh thủ lẻn ra bãi xe kiếm thử. Tiếng chuông ra chơi vừa vang lên là tôi ba chân bốn cẳng chạy xuống sau khi lùa hết đám tập vở vào hộc bàn. Nhưng trái với dự đoán của tôi là trường sẽ mở cổng cho học sinh đi ra ngoài bãi xe lúc ra chơi, mấy chú bảo vệ không cho tôi ra với ly do đây là nội quy của trường để tránh học sinh trốn tiết đi chơi. Thế là tôi tiu nghỉu đi lên lớp lại. Trong lòng tôi lo lắng sợ lúc giờ ra về nhốn nháo khó mà có thể tìm thấy xe cô bé Chuyên Lý thật nhanh trước khi cô ấy đi từ trong lớp ra bãi xe. Đang tính về chỗ ngồi lấy quyển vở Lượng Giác ra coi bài để chuẩn bị cho tiết học sắp tới, tôi thấy mấy đứa ngồi ở dãy bàn giữa đang lúi ha lúi húi với nhau làm cái gì. Vốn tính tò mò tôi cũng đi sang xem bọn chúng nó đang làm gì. Thì ra tụi nó đang bu nhau coi tờ báo Toán Học Tuổi Trẻ để giải đám đề toán trong đó. Tôi thấy có thằng Hải, thằng Minh, rồi một cô bé tròn tròn cao cao cắt tóc bum-bê ngắn và cái tên tiền đạo Trình đáng ghét của đội bên kia trong buổi đá tập ngày hôm qua. Chiều qua, đã có mấy lần tên Trình biến tôi thành trò hề khi hắn dắt bóng vượt qua tôi dễ dàng. Đá bóng thì tôi có thể thua hắn, chứ giải toán thì tôi phải làm cho hắn một phen mất mặt lại mới được. Phải kiếm lại một chút sĩ diện cho mình, tôi nghi thế nên ngồi sà xuống bàn và kéo tờ báo sang trố mắt nhìn vào cái đề toán. Tụi kia vẫn lim dim im lặng suy nghĩ. Tôi đọc cái đề toán lẩm nhẩm trong đầu. Đúng là mấy cái đề này khó thiệt không dễ gì mà giải ra được. Được năm phút tôi cất giọng cười vô duyên của mình rồi bắt đầu ba hoa chích chòe. Tôi chỉ bài đầu tiên nói dễ ẹc rồi nói giải thế này thế kia. Rồi tương tự bài thứ hai thứ ba cũng vậy, cứ theo hướng này làm sẽ ra. Thật sự tôi cũng không biết làm theo hướng đó có ra thật hay không nhưng tôi vẫn nổ to như pháo. Rồi tôi chỉ bài cuối nói là bài này hóc búa nhất, tôi vẫn chưa nghĩ ra, nhưng chắc cho tôi thêm năm phút nữa thể nào cũng giải ra. Cả đám nghe tôi nói tròn xoe mắt. Tôi có cảm giác như lúc này trong mắt tụi nó tôi trở thành một anh hùng toán học thật sự mà mọi người đều ghen tị và ngưỡng mộ. Đang vênh vang tỏ vẻ để đè bẹp khí thế của tên Trình, tôi bị thằng Hải cầm cuốn tập đập cái bốp vào đầu muốn nẩy đom đóm. - Mày im miệng lại đi Duy, mấy cái bài đó tụi tao giải hết rồi, còn bài cuối thằng Trình nó nói nó tìm ra hai cách giải luôn nên nó đố tụi tao tìm đáp án thử, nãy giờ một cách vẫn còn chưa nghĩ ra, thêm mà vô bô lô ba loa nữa. Tỉnh táo lại sau cơn chấn động vì cú đập của thằng Hải, tôi cố xoay tờ báo sang để đọc lại kỹ càng đề bài câu cuối hy vọng rằng mình sẽ giải ra khiến cho tên Trình bẽ mặt chơi chứ hắn có gì mà hay ho. Mười phút lại lặng lẽ trôi qua, và tôi đã biết là mình tuyệt vọng chẳng có ý tưởng nào trong đầu có thể giúp tôi giải bài toàn hóc búa này. Cuối cùng thì tên Trình đã giải bài toàn không những bằng một cách mà bằng cả hai cách giải. Bài giải của hắn vừa rõ ràng, lập luận lại chắc chắn, khiến cả đám há hốc mỏ ra nhất là cái cô con gái ngồi trong nhóm. Cô ta ngưỡng mộ hắn đến nỗi phải thốt lên.
- Trình giỏi quá, Nguyệt thiệt là ngưỡng mộ, không biết làm sao Trình lại có những suy luận hay đến như vậy. Vậy là thua, thua thiệt rồi. Hôm qua thì bị hắn dắt bóng, còn hôm nay thì bị hắn dắt mũi. Dù về phương diện thể thao hay học hành gì hắn ta cũng ăn đứt mình hết. Tôi cảm thấy xấu hổ không dám ngẩng mặt lên. Dường như, sự xấu hổ và tức giận đã khiến tôi cảm thấy phải kiếm một ai đó để trút lên. Mà nạn nhân sẽ là thằng Hải vì nó đã dám lấy quyển tập đập vào đầu tôi. Có khi tại vì nó đập đầu tôi làm tôi ngu si đi nên mới không giải ra và chịu thua nhục nhã trước tên Trình đáng ghét này. Nghĩ vậy tôi với tay giựt phắt quyển tập trong tay thằng Hải đập một cái rõ mạnh lên đầu nó rồi quăng quyển tập chạy vụt đi. Thằng Hải đau điếng cầm quyển tập chạy theo để báo thù. Nó dí tôi qua mấy dãy bàn, mà tại vì tôi chạy nhanh quá khiến nó không thể nào bám sát để đập tôi được. Cuối cùng nó ra hạ sách thay vì đập tôi nó quăng cuốn vở vào đầu tôi. Tôi vừa chạy vừa ngoái cổ quan sát được nên lúc nó quăng cuốn tập ra tôi đã kịp cúi đầu né tránh. Nhưng mà trời xui đất khiến làm sao, cuốn tập đáng thương ấy lại bay thẳng từ tay thằng Hải vào đầu thằng Hưng đang ngồi. Tôi quay qua thấy thằng Hưng bị trúng quyển tập mà tim đập chân run. Cha me ơi, sao sáng ra ngõ không gặp gái mà cứ đụng giang hồ thế này. Sáng nó đã tha mạng cho mình một lần rồi, giờ lại dây vào nó thì chắc chết không có đất chôn thân. Tôi cuống cuồng lụm quyển vở và xin lỗi hắn rối rít trước khi hắn kịp nổi điên và xử tôi. Tên Hưng vẫn im lặng không nói gì, hắn ta chỉ nhếch mắt nhìn tôi. Xin lỗi xong tôi, cấm quyển vở chuồn ngay về bàn. Vừa hoàn hồn vì thoát hiểm ngoạn mục, tôi cầm quyển vở quạt quạt cho mát. Quyển vở bị thằng Hải ném mạnh đến nỗi bung cả bìa ra thiệt là đáng thương tội nghiệp cho nó. Tôi đoán chắc sau cú ném này thằng Hải phải thay quyển vở khác luôn. Vừa quạt tôi vừa đọc dòng chữ chỗ giấy dán tên. Tôi chết lặng cả người, thiên thần thổ địa ơi, khốn nạn cho thân con, quyển vở này không phải của thằng Hải cà chớn mà là của cô bé Hương Anh. Thằng Hải lúc này vớ đại quyển vở trên bàn của Hương Anh mà ném tôi. Thôi chết tôi rồi, cô bé mà thấy quyển vở của cô ta bị rách bìa tan nát thế này thể nào cũng tức giận lắm đây. Có khi cô ta còn mắng vốn với giáo viên chủ nhiệm rồi ghi tên tôi với thằng Hải khùng vào sổ đầu bài là toi mạng cả lũ. Hôm nay không biết là ngày gì mà sao xui xẻo tận mạng thể này. Thế là tôi cuống quýt hỏi mấy đứa còn ngồi lại trong lớp xem có đứa nào có hồ dán không để dán lại cái bìa và hy vọng cô ta không phát hiện ra được. Con Thanh Thanh cho toi mượn chai keo dán. Tôi hí hoáy dán lại cho thiệt cẩn thận không để hồ dán bị dính ra ngoài khiến cô bé nghi ngờ. Sau đó tôi rón rén đi sang bàn cô ta để lại quyển vở gọn gàng trên bàn. Nhưng để cho chắc ăn hơn tôi vẫn đứng sớ rớ bên khu bàn bên đó để xem phản ứng của cô ta như thế nào khi cô ta thấy quyển vở. Cuối cùng giờ ra chơi cũng hết, Hương Anh lững thững bước vào lớp. Cô bé ngồi xuống bàn mở quyển vở ra và hình như không phát giác ra nó bị rách. Nhưng
rồi cô bé hí ha hí hoáy tìm cái gì. Tôi sợ cô ta hình như đã phát hiện nó bị rách và kiểm tra xem có dấu vết gì khác không. Tôi bèn tiến đến gần giả lả hỏi: - Chào Hương Anh, bạn này đang tìm gì vậy? - Tui đó hả, tui đang tìm cái thước kẻ để rọc cái trang sách bị dính mà tìm không ra. Nghe Hương Anh trả lời tôi thấy nhẹ nhõm hẳn đi, vậy là không sao cả. - Để Duy về bàn Duy xem có cái thước nào cho Hương Anh mượn không nhé. - Ồ, cảm ơn Duy Tôi chạy vội về bàn xem có cây thước nào không. Tôi lôi cây thước trong cặp ra và tình cầm sang đưa cho Hương Anh thì quan sát thấy tên Hưng đã giúp Hương Anh rọc tờ giấy. Nhưng thay vì bằng một cây thước, hắn ta rọc bằng một cái lưỡi dao sắc lẹm nàm trong cái bộ dụng cụ bỏ túi của hắn. Nhìn hắn ta cắt giấy bằng dao mà tôi sốt luôn. Cứ thử tưởng tượng nếu không phải trang sách mà là cái cần cổ tôi thì giờ tôi đã nằm dưới ba tấc đất rồi. Bây giờ cần phải tuyệt đối cẩn thận với tên Hưng này, không thể giỡn chơi được, mất mạng như chơi. Tôi cất lại cây thước và ngồi xuống bàn thì đúng lúc thằng Minh khều khều tôi lại nói: - Mày hồi nãy nổ quá đáng nên mới bị mất mặt như vậy, mày có biết thằng Trình là ai không. Nó là một trong những học sinh giỏi toán nhất ở tỉnh nó ở miền Trung mà còn có khi cả miền Trung nữa. Trời, tôi có mắt mà không biết Thái Sơn, hèn gì hắn giải cái bàn toán mà tụi tôi phải vò đầu bứt tai một cách gọn ghẽ và lẹ làng thế. Nhưng rồi tôi cũng thầm thì hỏi lại thằng Minh: - Thế sao nó không vô chuyên Toán mà học? - Tao nghe nói nó không thích lớp chuyên vì nó chê lớp chuyên học lệch, chứ không phải nó không có khả năng vô lớp chuyên. Nếu mày mà đọc báo Toán Học Tuổi Trẻ nhiều sẽ thấy tên nó trên đó hoài còn nhiều hơn mấy thằng chuyên Toán trường mình. Tôi chỉ còn biết lắc đầu tự trách rằng mình vẫn hay quen coi thường người khác mà thật ra mình chỉ là con cóc ngồi đáy giếng. Tên Trình giỏi thế, vừa học giỏi, chơi đá banh cũng giỏi, ăn đứt tôi về mọi mặt, vậy mà nó không có ganh đua ghen tị, còn tôi thì chả bằng ai mà cứ hay vênh váo.
Rồi hai tiết Lượng Giác cuối cũng qua nhanh. Chuông ra về báo hiệu tôi lục tục chạy ra bãi đậu xe trước khi đám học sinh ùa ra đầy sân thì thật là khó kiếm. Tôi loay hoay vội vã chạy dọc theo hàng xe dài. Vừa chạy vừa dán mắt vào cái biển số xe để cố tìm ra chiếc xe cúp đó. Đến hàng thứ ba thì tôi đã tìm ra nó nằm gần khúc giữa. Tôi dáo dát nhìn quanh xem có ai đang để ý mình hay cô bé đó đã ra bãi đậu xe chưa. Tuy bãi xe đã đầy người nhưng không ai để ý gì cả vì mọi người cũng lúi húi xếp đồ đạc ra về. Tôi nhanh nhẹn len vào hàng xe tiến lên gần phía giỏ xe để kiếm lá thư hồi âm. Nhưng mà tôi chả thấy có lá thư nào nằm trong đó cả. Tôi lật tung cả cái áo mưa của cô bé để ở chỗ giỏ xe với hy vọng sẽ tìm ra một mảnh giấy thư nào đó nhưng chỉ là vô vọng. Vậy là cô ta đã chẳng viết thư hồi âm lại cho lá thư làm quen của mình. Tôi cảm thấy rất buồn và thất vọng. Tôi đứng nép sang một bên quan sát. Rồi cuối cùng cô bé cũng ra về. Cô ta rất hồn nhiên cột khẩu trang và nổ máy chạy ra phía cổng ngoài. Tôi vẫn đứng nép chỗ gốc cây ngẩn người buồn lặng lẽ. Tôi buồn nên muốn đi đâu loanh quanh trong sân trường để tìm cảm giác khuây khỏa. Không biết sao tôi lại đi vào thư viện của trường. Thư viện bây giờ vắng lặng chỉ có cô thư viện và những hàng sách dài. Tôi đi dọc theo những kệ sách cũng chẳng biết mình có muốn đọc sách hoặc mượn quyển nào không. Mắt tôi cứ lướt qua những tựa sách một cách vô hồn rồi dừng lại ở một quyển. Quyển sách có tựa đề “Những lá thư tình hay nhất thế giới”. Tôi rút quyển sách ra khỏi kệ và mở ra đọc vài trang đầu. Bất giác tôi nghĩ là có lẽ mình viết chưa đủ hay, chưa có thể làm cô bé kia cảm động nên cô ta không hồi âm lại hay là tôi nên mượn quyển sách này về tham khảo. Tôi cầm quyển sách trong tay tần ngần đi ra chỗ quầy để đăng ký mượn sách thì lại đụng mặt tên Hưng cũng đang cầm một quyển sách trong tay đi ra. Tôi tiến đến quầy trước và hắn ta thì ở phía đàng sau lưng. Cái hình ảnh hắn ta dùng con dao rọc tờ giấy lại hiện lên ám ảnh trong đầu tôi khiến tôi nổi tóc gáy. Có khi nào hồi nãy trong lớp tại đông quá nên hắn ta tha cho tôi còn bây giờ trong thư viện chẳng có ai mà cô quản lý thì đang lúi húi xếp sách nữa. Biết đâu hắn ta bất thần lấy con dao đâm cho một phát từ phía sau thì thật chẳng dám nghĩ đến. Mặc dù tôi đứng trước nhưng cứ ngoái ngoái về phía sau để quan sát các động thái của hắn ta để còn kịp phòng hờ. Cô quản lý vẫn chưa xếp xong sách để có thể giúp tôi đăng ký quyển sách trong khi hắn ta thì cứ lăm le phía sau lưng. Cho đến khi tôi thấy hắn ta bất ngờ thọc tay vào túi quần, tôi cứng đơ người ra, chả lẽ nào hắn ta thiệt sự rút con dao ra luộc tôi. Tôi run đến nỗi rớt luôn quyển sách đang cầm xuống sàn nhà. Mồ hôi trên trán tuôn ra. Nếu mà hắn ta có động tĩnh gì tôi sẽ la lớn lên rồi quay sang đá mạnh một cái. Kệ, đàng nào cũng chết, liều thử một phen xem sao. Nhưng rồi Hưng cuối xuống nhặt quyển sách rơi ở chỗ sàn rồi giang tay đưa cho tôi. Hắn ta nói bằng một cái giọng lí nhí nhưng tôi có thể nghe được chất giọng Hải Phòng trong đó:
- Sách của bạn này nè, Hưng nhặt giùm rồi. Tôi còn chưa hết choáng váng vì những sự việc xảy ra hoàn toàn trái ngược với sự tưởng tượng của tôi. Tên Hưng nói tiếp: - Hồi sáng Hưng giỡn với thằng Quốc, có đụng trúng Duy cho Hưng xin lỗi nhé. Tại lúc đó bực mình thắng Quốc quá nên không xin lỗi Duy được. Tôi giờ mới có thể giãn người ra và trả lời: - Ủa hồi sáng giỡn hả, mà làm sao căng thẳng làm Duy tưởng thiệt. Thấy Hưng giận đỏ mặt tía tai luôn. - Hưng bực mình thắng Quốc nó chơi ăn gian. Hưng với nó chơi tù xì búng lỗ tai. Nó bung tai Hưng đỏ hết luôn đến phiên Hưng ăn lại được búng nó thì nó chạy trốn. Trời hóa ra la hiều lầm, tai thằng Hưng bị đỏ là do thằng Quốc búng chứ không phải do nó tức giận. Tôi phì cười, không hiểu sao đấu óc tôi giàu trí tưởng tưởng quá, nào tưởng tượng ra cảnh đâm chém, rồi cảnh thanh toán tùm lum. Thằng Hưng thấy tôi cười không hiểu gì. Tôi đoạn nói với nó: - Duy cũng xin lỗi Hưng lúc giờ ra chơi, thằng Hải ném quyển vở trúng Hưng. - Ồ, Hưng không có sao đâu, bạn bè giỡn trong lớp mấy chuyện đó là chuyện thường mà. Nói xong nó nhìn vào quyển sách của tôi tính mượn thư viện rồi cười ý nhị. - “Những lá thư tình hay nhất thế giới”, Duy tính mượn để viết thư tình tặng cô nào sao. Bị thằng Hưng nói trúng tim đen, nên tôi đỏ mặt tía tai, chỉ cười gượng gạo đáp lại nó. Để bớt quê, tôi đá sang chuyện khác. - Sao bữa hôm qua lớp mình đá banh, thấy tụi Minh giáo tham gia nhiều lắm mà không thấy Hưng. Hưng không thích đá banh à. - Ồ không, Hưng cũng thích đá banh lắm, nhưng không biết đá. Vả lại hôm qua Hưng cũng bận chuyện gia đình nên không ở lại sau giơ thể dục được. Để tuần sau tham gia thử vậy. - Ừ đá banh vui lắm, Hưng có thời gian thì tham gia nhé. Duy cũng đâu biết đá đâu nè. - Ừ… Hưng hứa là sẽ tham gia. Duy đưa sách cho cô thư viện đi, cô đang đứng đợi kìa.
Nghe thằng Hưng nói, tôi vội quay sang đưa quyển sách cho cô thư viện đóng dấu. Rồi tôi đứng đợi thằng Hưng mượn luôn quyển sách của nó. Xong hai đứa tôi cười cười nói nói đi ra ngoài bãi xe. Có lẽ thằng Hưng chẳng bao giờ biết được sự sợ hãi của tôi đã có với nó đâu. Có lẽ nó cũng không hiểu vì sao tôi phì cười khi nó kể rằng tai nó bị đỏ là do thằng Quốc búng. Ôi những câu chuyện hài hước bất tận của đời học sinh mà luôn bắt đầu bằng trí tưởng tượng quá đỗi phong phú của tôi.