Mua Bong Nam Ay P6 - Thu Tinh Cho Em: Bai Hoc Vat Chat Va Y Thuc

  • Uploaded by: 12a4lhp members
  • 0
  • 0
  • May 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Mua Bong Nam Ay P6 - Thu Tinh Cho Em: Bai Hoc Vat Chat Va Y Thuc as PDF for free.

More details

  • Words: 6,638
  • Pages: 9
Sáng hôm sau tôi vào trường sớm hơn giờ nhập học khoảng 15 phút và đợi sẵn ở bãi đậu xe. Tôi muốn biết cô bé Hiền lớp chuyên Lý sẽ để xe ở đâu để giờ ra chơi tôi có thể chạy ra nhét lá thư vào giỏ xe cô ấy. Tuy đã sớm hơn giờ vào học 15 phút nhưng bãi đậu xe cũng đã bắt đầu đông xe. Tôi lúi húi đi hết hang này đến hàng này đến hàng khác cố tìm cho bằng được cái biển số xe 53XA 1069. Tôi đoán là cô bé sẽ đi học sớm do đó xe cô ấy chắc chắn chỉ nằm đâu đó trong bãi đậu xe thôi. Loay hoay một hồi tôi không thể tìm ra được chiếc cúp 82 màu xanh lá cây mang cái biển số ấy. Đột nhiên tôi nghe có tiếng gọi vẳng ra: - Cu Duy đang tìm cái gì vậy? Thì ra là thằng Quốc đang đứng ở hàng hiên đầu dãy hành lang gọi với ra. Lớp tôi nằm ở đầu dãy hành lang lầu 1, chỉ vài bước là ra đến hàng hiên và có thể nhìn thông ra toàn bộ bãi để xe, cho nên thằng Quốc chắc thấy tôi cứ hí ha hí hoáy nãy giờ. Tôi ngẩng đầu lên trả lời nó: - Chào Quốc, Duy đang cố kiếm cây bút máy, hình như hồi sáng làm rơi ở đâu trong bãi để xe. Tìm hoài mà nãy giờ tìm không ra. - Thôi đừng tìm nữa, vào lớp đi, Quốc cho Duy mượn cây bút khác viết bài. Vào đi kẻo lại trễ giờ coi chừng bị sao đỏ bắt đó, tụi nó đang chuẩn bị đóng cổng kìa. Nghe thằng Quốc nói tôi càng cuống cuồng hơn cố tìm cho thật nhanh vị trí xe của cô bé Hiền. Học sinh đổ vào bãi để xe càng lúc càng đông. Ai cũng cố lướt cho thật nhanh để có thể vào kịp giờ học. Bãi đậu xe bây giờ đầy những xe, tôi bắt đầu cảm thấy vô vọng. Ngước lên nhìn về phía cánh cổng sắt bên cạnh văn phòng Đoàn chuẩn bị đóng lại. Đội ngũ sao đỏ đã sẵn sàng ghi tên những học sinh vào muộn. Tôi ngoái đầu nhìn vào bãi xe, vẫn đầy những xe, không thấy chiếc cúp màu xanh với cái biển số 53XA 1069 đâu, tôi như muốn bật khóc. Tôi cố chạy thật nhanh vào phía trong trước khi cánh cổng sắt đóng sập lại. Tôi bước thểu não hướng về lớp học. Bước lên cầu thang và đi lên đến đầu lớp học, dường như vẫn chưa hết luyến tiếc tôi cứ chạy ra phía hàng hiên nơi hướng ra bãi đậu xe mà đứng nhìn. Mấy đứa bạn trong lớp thì cứ cười nói rôm rả chào nhau buổi sáng ồn ào cả một khúc hành lang. Tôi cứ đứng ngóng ra hy vọng từ vị trí này có thể tìm ra vị trí của chiếc xe. Một lát sau, tôi bất thần thấy Hiền chạy xe vào bãi đậu xe. Trời, thì ra hôm nay cô bé Hiền này đi học muộn, hèn gì nãy giờ mình cứ lúi húi tìm mãi xe cô ấy mà không thấy. Hiền dừng xe ở góc sân đàng xa, khoan thai chậm rãi gỡ bỏ chiếc khẩu trang rồi xếp vào trong giỏ xe. Những bạn học sinh khác đi trễ thì vội vã chạy thật nhanh vào với hy vọng sẽ không bị ghi tên. Nhưng nào có kịp đâu, vì cửa trường đã đóng. Tôi đoán có lẽ bạn Hiền đã biết trước sự việc sẽ diễn ra như vậy cho nên dù đã trễ giờ học, Hiền vẫn ung dung và khoan thai đi vào trường. Cái dáng người dỏng cao, từng bước chân chậm rãi từ tốn của Hiền khác hẳn những người khác làm cô bé nổi bật lên trong cái cảnh xô bồ học sinh chen chúc nhau đi vào ở chỗ cổng. Tôi không biết mình có nhận xét khách quan không, hay khi yêu “củ ấu cũng tròn”. Mà chết, không thể nói yêu, không ai có thể yêu một người khi chỉ mới gặp có hai lần và cách đây một hôm. Có lẽ là sự ngưỡng mộ, có lẽ là một cảm giác thích thú nào đó chứ chắc chắn không phải là yêu. Mãi ngẩn ngơ nhìn theo bước chân của cô bé Hiền, tôi không để ý rằng cô giáo Công Dân của tôi đã vào lớp từ lúc nào. Tất cả đều im lặng và lục tục lấy sách ra, còn tôi vẫn đứng chết trân ở chỗ hàng hiên không hay biết gì. Tôi chỉ sực tỉnh khi thằng Quốc nó chạy ra kéo tôi vào lớp. Rón rén chạy vào lớp nhưng cũng không

thể thoát khỏi cặp mắt nhạy bén của cô giáo. Cô kêu tôi đứng dậy và hỏi tại sao tôi vào lớp muộn. Tôi cứ ú a ú ớ. Thằng Quốc thấy vậy, nên nó trả lời cô rằng tôi kiếm cây bút bi bi rớt ở trong bãi để xe nên vào học muộn. Cũng may có thằng Quốc nói đỡ lời, chứ tôi thì vẫn chưa định thần được. Cô Công Dân cũng cho qua luôn và nói mọi người lấy sách ra chuẩn bị cho tiết học. Tôi quay đầu lại nhìn thằng Quốc, nước da đen nhám, mái tóc dài dài, tôi gật đầu cảm ơn nó. Nó chỉ nhoẻn miệng cười toe toét. Thở phào nhẹ nhõm, tôi rón rén kéo cuốn sách Công Dân để lên bàn và thu người lại cho bà cô Công Dân khỏi để ý. Xe thì mình đã biết ở đâu rồi, bây giờ công đoạn kế tiếp là làm sao viết một lá thư tỏ tình thiệt là hay để làm cho em nó rung động. Tôi lật thật nhẹ nhàng quyển vở đến giữa để rút một tờ giấy đôi mà không gây ra tiếng động. Bà cô Công Dân thì cứ thao thao bất tuyệt, tưởng mọi chuyện em xuôi để tôi bắt đầu trổ tài thi phú viết thư. Đùng một cái bả chỉ ngay vào tôi hỏi: - Cái em đi vào lớp trễ lúc nãy nói cho cô biết vật chất khác ý thức chỗ nào? Tôi giật bắn cả mình, mồ hôi toát ra, đứng lên như chiến sĩ chết giữa trận tiền không một lời trăn trối: - Dạ, thì vật chất là vật chất, là đồ vật thưa cô, còn ý thức là suy nghĩ. Một cái là thực một cái là tưởng tượng ra. Thật tình thì hai hôm trước bà cô Công Dân đã dặn về nhà đọc trước bài Vật Chất và Ý Thức. Nhưng mà Công Dân là cái môn càng dặn tôi càng không đọc, còn môn Toán, Lý không dặn tôi còn đọc nhiều hơn. - Em nói cũng có lý, nhưng mà kiểu trả lời của em cho tôi biết là em không có đọc sách trước. Vừa vào lớp trễ lại vừa không đọc bài, chắc em muốn vào sổ đầu bài rồi phải không? Nghe đến từ sổ đầu bài là tôi bắt đầu choáng váng. Cái quyển sổ mà tôi chỉ muốn đốt quách nó đi cho xong. - Thưa cô, tối qua em bị đau mắt nên không đọc bài được. - Em đau mắt đúng thời điểm nhỉ, bây giờ tôi cho lớp mình một cơ hội để gỡ điểm sổ đầu bài. Em nào khác có thể trả lời cho tôi một cách rõ ràng và chính xác Vật Chất và Ý Thức là gì, và chúng khác nhau ra sao, thì tôi sẽ tha cho em và không ghi vào sổ đầu bài. Tôi liếc mắt nhìn quanh, ánh mắt tôi như cố van lơn, em cắn răng cắn cỏ lạy các anh các chị cùng lớp, làm ơn cứu em trai phen này, em xin cắn cỏ ngậm vành suốt đời không quên ơn. Tôi thầm cầu nguyện cho mấy đứa con gái lớp tôi siêng năng đọc bài trước sẽ trả lời cho bà cô của tôi hài lòng. Vẫn không có cánh tay nào đưa lên. Thôi rồi Lượm ơi, kiểu này là con lên đoạn đầu đài rồi. Mẹ cha tụi nó, tụi nó cũng chả thằng nào đọc bài trước, vậy mà mình bị làm con chiên tế sống. Cuối cùng thì cũng có một cánh tay đưa lên. Thoáng thấy cánh tay vừa giơ lên, tôi mừng húm quay sang nhìn xem ai đã cứu sống tôi. Vừa nhìn một cái là tôi thầm nghĩ. Tưởng ai, hóa ra là cái thằng này. Nhìn thì bảnh bao đẹp trai đấy, nhưng mà siêng chơi hơn siêng học. Tóc thì để hai mái, nói chuyện thì cứ hay ra vẻ ta đây. Tuy tôi chả biết cái tên đó là ai, nhưng cứ ngồi nghe hắn nói và nhìn điệu bộ là thấy không ưa rồi. Chắc nó sẽ trả lời quờ quạng thôi, chẳng hy vọng được gì, tưởng thoát chết ai dè chết còn dữ hơn. Tôi lầm bầm rủa xả mấy đứa xung quanh tôi chả có đứa nào ra tích sự hết. - Em giơ tay à, thế em tên gì vậy?

được.

- Kính thưa cô, em tên là Văn Thông. Cô cứ gọi em là Thông cũng

Nghe hắn trả lời bà cô Công Dân mà tôi cũng cảm thấy khó ưa, dài dòng văn tự, vô tích sự hại nhân. - Được rồi, vậy thì em Thông hãy cho lớp mình biết về Vật Chất và Ý Thức đi nào. Rồi chuẩn bị có một trò hề sắp xảy ra, tôi thầm nghĩ. Hết mình đứng chào cờ, giờ tới cái thằng này tự nhiên nộp mạng. Đúng như cái phong cách kể cả của hắn. Hắn ta không thèm trả lời ngay, mặt thì đanh lại, miệng thì tằng hắng mấy hồi. Rồi hắn ta tuôn ra một tràng làm tôi há hốc mỏ. - Theo định nghĩa của triết học Hy Lạp cổ đại. Vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta ghi nhận, phản ánh lại, và không lệ thuộc vào cảm giác. Tôi chưa kịp hết bang hoàng sửng sốt và đủ tỉnh táo để hiếu hết cái triết học trời đánh mà cái tên Thông vừa thốt ra, thì hắn ta lại tuôn thêm một tràng thao thao bất tuyệt y như đang giảng bài. - E.. hèm… thưa cô, bên cạnh vật chất thì ý thức là sự phản ánh thế giới khách quan bởi bộ óc của con người. Cho nên bản chất của ý thức là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Ý thức nhận lấy thế giới khách quan làm tiền đề sáng tạo. Còn quan hệ giữa vật chất và ý thức thì cũng đơn giản thôi. Vật chất là nguồn gốc quyết định ý thức, còn ý thức có tính độc lập tương đối tác động lại vật chất. Khi hắn ta vừa dứt lời, thì cả lớp vỗ tay rần rần như đang đón chào một thuyết khách vĩ đại. Cả bà cô Công Dân cũng đứng ngây ra vì một câu trả lời hết sức triết học. Triết đến nỗi mà tôi chỉ hiểu được năm phần trong ấy. Lỗ tai tôi cứ lùng bùng, này thì vật chất, này thì ý thức, này thì khách quan, chủ quan, tham quan, lung tung và linh tinh. Bây giờ thì hắn ta thành người hùng giờ Công Dân khi tôi nghe đám bạn kháo nhau rằng mai mốt giờ Công Dân cứ để hắn phát biểu cho bà cô Công Dân khoái chí. Tôi thì vẫn như một thằng đần chả hiểu được sự huyền diệu thâm sâu của triết học, cho nên đứng chết trân tại chỗ. Bà cô Công Dân quay sang lườm tôi một cái: - Tại sao lớp này lại có một người giỏi triết như em Thông mà lại có một người lười đọc sách như em. Thôi tôi tha cho lần này đó, còn lần sau nữa tôi không những ghi tên vào sổ đầu bài mà còn nói chuyện với thầy chủ nhiệm. - Dạ.. dạ, em cảm ơn cô, em sẽ không dám tái phạm. Tôi ngồi xuống bĩu môi và lầm rầm nói: - Có gì hay đâu, chả qua là hên thôi, đọc bài trước, chứ tui mà đọc sách trước thì trả lời còn triết lý hơn gấp mười lần. Không thèm quan tâm, ban A học Công Dân giỏi để làm gì, tính thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Công Dân à. Con Chi nó thấy tôi cứ lầm bà lầm bầm, nó bực mình nói: - Duy có im đi không, bả đã tha cho là hên rồi, giờ còn ngồi nói nhảm, hay muốn Chi ghi tên Duy vô sổ đầu bài. Lại sổ đầu bài, lại có người đe dọa tôi về sổ đầu bài, chả lẽ tên tôi lại đẹp đến thế mà ai cũng giành giựt ghi tên tôi vào sổ thế này. - Ừ ừ thì không nói nữa, rồi rồi vật chất với chả ý thức, không biết có ăn được không? - Đã bảo Duy đừng lèo bèo nữa mà.

Con Chi nó trừng to mắt ra, làm tôi sợ quắp đuôi lại im họng luôn cho yên chuyện. Tính là viết thư tình cho em chuyên Lý, giờ lại gặp bà cô Công Dân hắc ám làm cho bao nhiêu cảm hứng diễm tình của tôi bay biến đi đâu hết. Cuối cùng thì giờ Công Dân cũng xong, bây giờ đến giờ Anh Văn. Anh Văn là cái môn cha sinh mẹ đẻ mà tôi ghét cay ghét đắng. Tôi còn nhớ như in cái bài Anh Văn đầu tiên tôi học trong cuốn sách Anh Văn lớp 6. “Hello, how are you today?” “I’m fine, thank you and you?” Nghe tới thôi là thấy nhức óc muốn viêm màng não luôn. Tôi ghét Anh Văn là thế, cho nên chả có chữ Anh Văn nào trong đầu tôi hết. Đã bao nhiêu lần tôi với ba mẹ tôi đã tranh luận và còn thậm chí tranh cãi về vấn đề học Anh Văn. Tôi lý luận với ba mẹ tôi rằng tôi chả đi đâu hết, suốt đời cứ ở lì ở Việt Nam thì cần gì học Anh Văn. Mẹ tôi nói với tôi rằng dù có ở Việt Nam thì cũng phải học Anh Văn bởi vì sau này sẽ phải dùng tới. Mẹ tôi còn cho cả một bài mo-ran rằng ngày xưa mẹ học trường Nữ Thục Gia Long phải học cả hai ngôn ngữ là Pháp Văn và Anh Văn vậy mà vẫn học được. Nghe mẹ nói, tôi chỉ ngồi gãi đầu, trong đầu tôi thì đang đếm mấy con cừu nhảy qua hàng rào. Lời mẹ tôi nói thì không vào lỗ tai, mà chui vào lỗ mũi của tôi, khiến tôi ngứa cả mũi, và át-xì một phát bay mất tiêu. Ba tôi thì hùa theo mẹ tôi cũng bắt tôi học Anh Văn. Có một lần tôi bị ba tôi bộp cho một cái đến nảy cả đom đóm vì cái tội lười học Anh Văn. Hôm đó mẹ tôi đi họp về muộn, mẹ căn dặn ba tôi ở nhà coi chừng tôi học từ vựng Anh Văn. Ba tôi ngồi đọc báo trong khi tôi lôi quyển vở và sách Anh Văn ra học. Chưa đầy 15 phút, tôi đã nói với ba tôi rằng tôi học hết đám từ rồi. Ba tôi lộ vẻ bực mình vì cái thái độ học hành cẩu thả của tôi. Tôi nói với ba cứ kiểm tra xem tôi có nhớ hết không. Ba tôi kêu tôi viết từ “Từ Vựng” xuống giấy để bắt đầu kiểm tra. Chả hiểu có phải tôi dốt Anh Văn quá không, hay ma xui quỷ khiến mà ngay cái từ “Vocabulary” tôi viết cũng lộn ngược thành “Vobucalary”. Ba tôi nhăn mặt hỏi tôi thật lòng đã học từ chưa. Tôi thì vẫn cứ nhơn nhơn nói rằng tôi học rồi mà đâu hay biết rằng mình đã viết sai ngay từ cái chữ đầu tiên. Thế là ba tôi tức giận quá chịu không được, bộp một cái khiến tôi choáng váng cả người và phát hiện ra rằng mình đúng là học Anh Văn chả ra làm sao. Ba mẹ tôi quyết định cho tôi đi học Anh Văn ở trung tâm. Thế là cuộc đời tôi chuyển sang Streamline. “I love you, I want you, I need you” , ước gì tôi biết hết tất cả các ngôn ngữ khác ba cái câu đó thì thật là tuyệt. Mà thật ra cua gái thì cũng chỉ cần biết nhiêu đó thôi, học nhiều làm gì cho nó mệt óc. Ba mẹ đóng tiền cho tôi học Anh Văn ở cái trung tâm ngoại ngữ tại trường Nguyễn Khuyến gần nhà. Tuần đầu tiên tôi đi học. Tuần thứ hai tôi cũng đi học, nhưng bắt đầu không vào lớp một buổi. Tuần thứ ba, tôi vẫn đạp xe tới Nguyễn Khuyến nhưng ra sân sau để làm quen mấy người đánh tennis và mấy cô bạn cũng tới trung tâm học. Nhưng rồi cũng chán, nên tuần thứ tư tôi không đạp xe tới Nguyễn Khuyến nữa mà tới chỗ bấm điện tử. Thật ra thì bấm điện tử cũng là một thể loại học Anh Văn. Chả phải Winning Eleven cũng là chữ tiếng Anh, chả phải shoot, score, goal là từ vựng chứ còn gì. Đã vậy còn học được tiếng nước khác qua tên cầu thủ, nào là Ronaldo, nào là Zidane, Vieri. Đủ thứ tiếng trên đời mà chỉ tốn có 3000 đồng một tiếng. Thấy có vẻ chí lý, nên tôi quyết định lấy tiền học Anh Văn ba mẹ cho tôi đóng học ở trường Nguyễn Khuyến tháng thứ hai đóng cho tiệm điện tử để trau dồi thêm vốn ngôn ngữ đa quốc gia của tôi. Vậy là tạm biệt Nguyễn Khuyến và 4 quyển sách Streamline.

Trong lúc chờ thầy Anh Văn bước vô, tôi để ý đám con trai bàn dưới đang nói chuyện cười đùa rôm rả. Mấy bữa rồi tôi nghe loáng thoáng thấy tụi nó đang muốn thành lập Minh giáo gì đó. Tôi thầm nghĩ chắc mấy thằng này bị khùng rồi, nhiễm phim Hongkong quá độ. Chả là năm tôi vừa vào học ở Lê Hồng Phong thì cũng là lúc bộ phim Ý Thiên Kiếm Đồ Long Đao của Kim Dung được tái bản lại. Chắc mấy thằng con trai lớp tôi coi nhiều quá nên lúc nào nó cũng tưởng rằng nó là Kim Mao Sư Vương, hay Bạch Mi Ưng Vương gì đó. Năm đó cũng rộ lên phong trào đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung hay Cổ Long trong giới học sinh. Mẹ ơi, có quyển tiểu thuyết cả ngàn trang, nhìn vô là muốn bệnh rồi, vậy mà tụi nó vẫn mê say đọc mới chết. Tôi thì tôi chỉ trung thành với chuyện tranh, vừa vui lại vừa ngắn gọn. Bộ truyện tranh đầu tiên của tôi là Doremon, rồi kể từ đó tôi chỉ thích đọc truyên tranh. Mỗi lần mở quyển chuyện chữ nhìn những dòng chữ dài ngoằng ngoặc là tôi hoa đầu váng mắt. Mà cũng không hiểu sao, tôi không cảm thấy hoà nhập cho lắm với đám con trai lớp tôi. Thật tình thì tôi cũng đã biết mặt gần hết chúng nó. Thằng Hải với thằng Quốc do ngồi gần nên cũng khá là thân, mấy thằng kia thì nhìn là không ưa rồi. Một thằng thì cao to, miệng cười nhăn nhở, tóc xoăn xoăn, để tôi nhớ xem tên nó là gì nhỉ?. Hình như là Sơn Long sơn liếc gì đại khái như vậy. Lại một thằng khác to như trâu, da trắng như con gái, để tóc hai mái nhìn như du côn chứ không phải là học sinh tên là Cường. Rồi có một thằng ốm tong ốm teo, da đen sạm, cũng để tóc hai mái tên là Nam. Thằng này thì tôi địa nó cũng lâu rồi vì bữa trước thấy nó sáp lại gần bé Ngân giở trò cưa cẩm. Chả hiểu sao bây giờ tụi con trai cứ thích để tóc hai mái, trông vừa du côn lại vừa gian gian làm sao ấy. Cứ để tóc kiểu xẻ ngôi ba-bảy như tôi thì trông vừa gọn gàng vừa tử tế. Ông thầy Anh Văn của tôi cuối cùng cũng vô lớp. Đối với tôi môn Anh Văn vốn dĩ rất là chán rồi, gặp ông thầy Hạnh nãy nữa thì chắc chỉ có bỏ học luôn thôi. Thầy cũng lớn tuổi nên giọng thầy vừa nhỏ vừa khó nghe, mà thầy lại còn hay ho nữa. Tội nghiệp thầy quá đi mất, sao thầy không nghỉ hưu cho rồi, em là người tình nguyện không học Anh Văn, nếu thầy mệt thì cũng không cần vô lớp dạy. Dù sao tôi vẫn còn tử tế mời thầy nghỉ dạy về nghỉ ngơi còn hơn cái đám Minh giáo phá làng phá xóm vô tổ chức phía dưới. Mỗi khi thầy ho một tiếng, lại có năm bảy tiếng ho theo. Mà phải chi tụi nó bệnh ho thì không nói gì, đàng này, thằng nào cũng vừa ho vừa cười ngặt nghẽo. Đã vậy có thằng còn lì hơn, có lúc nó cố tình trêu ông thầy bằng một tràng ho vừa dài lại vừa to nghe như chó sói tru lên ngay giữa lớp. Thôi mặc kệ tụi nó, tụi nó muốn làm gì thì làm, rồi có ngày sẽ bị nêu tên trong sổ đầu bài thì cũng đáng kiếp. Tiết Anh Văn gần hết mà tôi thì vẫn chẳng nghĩ ra được mỹ từ nào để viết trong lá thư tỏ tình của tôi. Làm sao thì làm, vẫn phải viết xong cái lá thư hôm nay. Sáng giờ đã bỏ công lao tìm xe của em, lại xém bị bà cô Công Dân làm thịt, còn bị bẽ mặt với cái tên Thông lý sự cùn, thì không thể nào ra về tay không được. Chuông ra chơi vừa vang lên là thằng Quốc tiến tới chỗ tôi. - Đi ra ngoài sân đá cầu không Duy? Có thằng Cường, thằng Nam, thằng Long, thằng Vinh với mấy thằng khác nữa, đi không? Mình đã không ưa đám Minh giáo, vậy mà bây giờ thằng Quốc còn rủ mình đi chơi đá cầu với bọn nó. Tôi tần ngần trả lời: - Chắc hôm nay không đi được rồi, vì Duy còn bài tập Vật Lý chưa làm xong, phải tranh thủ giờ ra chơi để hoàn thành trước khi thầy Bồi vô, không là chết với ổng. - Chà tiếc nhỉ, hôm nay anh em đông đủ, lại không đi chơi được.

- Ừ, thôi để mai đi, tại tối qua bị đau mắt nên không làm bài được. Nghe tôi trả lời xong thằng Quốc nó chạy một mạch ra ngoài bá vai bá cổ với mấy thằng kia đi xuống sân. Thật ra thì bài Vật Lý tôi đã làm xong từ đời nào. Giờ ông Bồi mà không làm xong bài trước, chắc chỉ có nhừ xương thôi. Ông này là ổng quái lắm, đang hỏi tự nhiên hay chỉ đứa này đứa kia hỏi, mà cái kiểu trả bài đầu giờ của ổng thì cứ như tra tấn tù nhân, hỏi đứa nào mà không sợ. Tôi chỉ muốn ở lại lớp để tranh thủ viết xong lá thư tình thôi. Mà viết cái gì bây giờ nhỉ? Chuyên Lý thì không thể nào viết ướt át được. Nhưng mà nếu viết khô như ngói thì em nó sẽ quăng sọt rác mất. Chả lẽ nào mình lại viết “Ngày nhớ đêm mong, gặp em anh mất ăn mất ngủ, con tim thổn thức từ bấy lâu nay lại tìm thấy ánh sáng tình yêu” . Tôi nghe xong còn thấy bủn rủn cả tay chân. Còn nếu viết là “Bạn gì đó ơi, mình thích bạn” thì nghe thật là nhà quê, nhạt nhách. Mình phải nghĩ ra một hai câu gì đó, vừa tình cảm, vừa trong sáng để dụ dỗ em mới được. Đúng như là thằng Kiệt với thằng Phú nói, vụ này giao cho tôi mới xong được. Gái vừa đẹp lại vừa giỏi thế này thì chỉ có loại con trai tài năng dẻo mồm như tôi mới hy vọng có cơ hội. Vừa nói tôi vừa tự cười thầm khoái chí mà không để ý thấy cái thằng Quang Minh bàn phía dưới đang nhìn tôi. Thế là tôi hí hoáy viết lá thư đại khái là “Chào bạn, mình có nghe rằng bạn là một người học rất giỏi, tính tình lại cởi mở, mình muốn kết bạn làm quen. Nếu bạn thích, thì chúng ta có thể giao lưu bằng thư thông qua giỏ xe của bạn. Thân chào, người bạn mới” Cứ tí ta tí tởn viết mà tôi không hay biết thằng Minh nó đang chồm lên từ phía sau coi tôi viết những gì. Ngay khi tôi vừa viết xong nó giật phắt lá thư rồi toan đọc to cho mọi người xung quanh. - Chào bạn, mình có nghe… Tôi lập tức đuổi theo nó rồi bịt ngay miệng nó lại. - Cái thằng này vô duyên quá, tự nhiên lấy thư người ta, rồi còn đọc bô bô nữa. - Ai bảo ngồi viết thư tình ngay giữa lớp còn gì, lại còn tự cười gian nữa. - Ơ hay thì kệ tui, liên quan gì tới ai, có chết thằng Tây nào đâu. Bạn này mà không đưa tui là tui méc con Chi đó. - Ờ thì méc đi, coi ai chết biết liền, đưa con Chi, nó còn bắc loa lên đọc hết cho cả lớp nghe. Nào thì bạn giỏi quá, bạn cởi mở này nọ, hahaha Thấy làm cứng với nó không được nên tôi đành phải giảng hòa: - Thôi mà Minh, bạn bè với nhau ai lại làm vậy bao giờ? - Ừm nói vậy mới được chứ, bây giờ muốn tui không công khai lá thư tình ướt át này thì khai ra coi cô bé nào sẽ là nạn nhân đây. - Ờ thì chuyện tình cảm đó mà, chỉ là một người bạn học cũ cùng trường cấp 2. Tôi cố tình trả lời xạo sự cho qua chuyện để khỏi làm khơi gợi cái tính tò mò của nó. - Bạn cấp 2 hả, sao mà lãng mạn vậy, tên là gì thế? - Tên gì Minh hỏi làm gì, trả lại lá thư đây. - Giờ có trả lời hay không, hay muốn tui bắt đầu đọc lá thư hả - Chào bạn… - Rồi rồi… thì tên Hiền được chưa, bạn học cũ của tui bạn này không biết đâu đừng hỏi nữa. Nhì nhằng một lúc nó cũng chịu trả lại cho tôi lá thư. Tôi chỉ hy vọng sao cho nó quên phức cái lá thư đó đi và đừng bao giờ nhắc lại. Đúng lúc đó thì chuông hết

ra chơi vang lên. Thằng Hải, thằng Quốc với mấy thằng kia lũ lượt chạy vào lớp. Thằng nào mô hôi cũng nhễ nhại như tắm, chắc là do đá cầu hăng quá mà. Khi thằng Hải vừa yên vị vào chỗ ngồi, thằng Minh khốn kiếp quay lên khều thằng Hải nói: - Hải, lớp mình có người viết thư tình hay lắm đó, mày biết ai không? Vừa nghe đến hai chữ thư tình da gà tôi nổi cả lên, tóc gáy dựng đựng, quay xuống lườm thằng Minh một cái ý muốn nói nếu mà cứ bô bô là tao sẽ đập mày ngay tại chỗ. Kể ra thằng Minh nó cũng biết điều, nó chỉ tính chọc tôi chơi, chứ không có ý tiết lộ về lá thư nên khi thằng Hải hỏi lại, nó chỉ trả lời bâng quơ tào lao. Thằng Hải vừa thở hổn hển, vừa lấy tay quạt mồ hôi, rồi nói: - Tao đã kêu thằng Quốc kêu mày ra đá cầu. Hồi nãy đá cầu vui ghê đó Duy, ai bảo mày cứ ở lì trong lớp làm gì. Thằng Quốc nói mày ở trong lớp làm bài tập Vật Lý hả? - Ừ thì… tại tối qua chưa làm nên giờ phải ngồi lại làm bài đó mà. Thằng Minh nghe thấy nó thích chí cười to: - Hahaha… có người ngồi ở lớp làm bài vật lý sao ta, hình như không phải vậy. - Mày nói vậy là sao vậy Minh, bộ thằng Duy nó ở lại lớp làm chuyện gì bậy bạ hả? Tôi rụng rời cả tay chân, một thằng Minh biết là mệt rồi, giờ thêm cái thằng Hải to mồm đùa nhây này nữa thì chắc chỉ có độn thổ thăng thiên luôn. - À không… tao nói đùa ấy mà Hải, thằng Duy nãy giờ thấy nó lúi húi làm bài Vật Lý rất chăm chỉ, có phải không hả Duy? Nghe nó hỏi đểu mình, tôi tức lắm nhưng cũng giả vờ cười hà hà trả lời: - Đúng rồi, bài Lý khó quá, làm mãi mới xong được. - Hồi nãy tụi nó có bàn là chiều nay sau giờ thể dục bên sân Lam Sơn sẽ tập hợp chơi đá banh luôn. Tao nghĩ chắc mày không muốn tham gia đâu phải không Duy, chắc mày cần thêm giờ làm bài Lý nữa? Thằng Minh đế thêm vô: - Nó cần phải luyện thêm môn Lý nhiều nhiều và dài dài nữa đó. Tôi tức muốn lộn mồ lộn mả, nhưng vẫn cười huề với tụi nó: - Đá banh hả, hay vậy, cho Duy chơi với. Nói không phải khoe nha, Duy chơi đá banh giỏi lắm đó, môn này là không thiếu Duy được đâu. - Bộ mày đá giỏi lắm hả Duy, vậy mà đá vị trí nào đâu nói tao thử xem. - Ờ thì để coi… Hải biết rồi đó mà, chân nhân bất lộ tướng, tui giỏi rồi vị trí nào đá chả được. Thằng Hải tí tởn cười: - Thằng này trả lời hay, vị trí nào đá cũng được hết, vậy thì mày ăn đứt Ronaldo rồi. Ok, vậy chiều nay ra đá là biết liền. - Ừ thì sẽ biết liền đó mà. Tôi thật tình thì có biết chơi đá banh, nhưng giỏi thì không. Ngay từ nhỏ tôi đã ham mê bóng đá, nhưng ba mẹ tôi lại không cho tôi ra ngoài đường chơi với lũ trẻ trong xóm. Tôi tự mua trái banh nhựa về đá trong nhà, và lâu lâu tôi lại leo rào ra để chơi với đám trẻ con cùng tuổi. Tôi cho rằng mấy thằng lớp tôi nhìn bặm trợn du côn, chứ đá banh thì tụi nó biết gì. Cho nên tôi nghĩ rằng với cái vốn liếng biết đá banh của tôi thì chắc có thể ăn đứt tụi nó, không khéo lại còn được làm tiền đạo

mũi nhọn nữa là khác. Bởi vậy tôi thầm nhủ “Ừ tụi bay chọc ông bây giờ đi, chiều tao sẽ cho tụi bay om xương trên sân bóng hết” Ông Bồi bước vô cả lớp im phăng phắt. Hôm nay hai tiết Lý trôi qua một cách nhẹ nhàng mà không có bản án tử hình dành cho ai. Tiếng chuông ra về vừa vang lên là tôi ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài bãi xe. Phải bỏ lá thư vào giỏ xe thiệt là nhanh đừng để ai chú ý hết. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy một mạch ra ngay vị trí xe của cô bé Hiền Chuyên Lý. Tôi quan sát kĩ càng cái giỏ xe của cô bé thấy có cái áo mưa màu hồng. Nếu mà để dưới áo mưa thì nhiều khi cô ta không thấy được, mà để trên cái áo mưa thì gió lại thổi bay mất tiêu. Để cho chắc ăn mình kẹp giữa cái áo mưa, chừa một mảnh giấy lộ ra, thể nào cô ta cũng trông thấy lúc xếp đồ vào giỏ xe. Thư thì tôi đã để xong bây giờ tôi phải tìm một chỗ nào đó đứng quan sát thái độ của cô ta. Đứng xa thì thấy được gì, vì đám học sinh sẽ chen chúc nhau lố nhố. Đứng gần mà cô ta phát hiện ra tôi là toi cơm. Thiệt là khó nghĩ, mà cũng không còn nhiều thời gian cho tôi vì đám học sinh bắt đầu túa ra. Vậy thôi để mình giả vở lấy cái xe máy cách xe cô ta khoảng bốn năm chiếc xe, vừa an toàn lại vừa dễ quan sát. Một lát sau, cô bé Hiền cũng lững thững đi ra. Tôi giả vờ lúi húi chỗ cái xe Dream ở gần đó và ghé mắt quan sát. Hiền dừng lại ở chỗ xe cô ấy, rồi toan giơ tay lấy cái khẩu trang trong giỏ xe. Hiền khựng lại một lát, vậy là cô ta đã thấy cái lá thư của tôi rồi, hồi hộp quá, không biết cô ta có mở ra xem không hay cầm về tới nhà mới xem. Tim tôi như muốn nổ tung, tôi cứ luống ca luống cuống ở cái chỗ xe tôi đứng. Hiền cầm mảnh giấy lên mở ra rồi đọc. Tôi càng lúc càng hồi hộp đến nỗi không dám ngẩng đầu lên quan sát. Chết thay cái chỗ xe tôi đứng lại chính là cái chỗ thằng Minh khốn nạn lấy cái xe của nó. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà sáng giờ tôi cứ đụng phải nó. Thằng Minh bước ra thấy mặt tôi lấm la lấm lét không còn miếng máu. Nói vỗ vai tôi: - Làm gì ở đây mà như ăn trộm thế này, có biết xe cậu đang đứng là xe của tui không vậy? - Suỵt im đi, đứng xíu lát trả cho. Thằng Minh ngẩng đầu lên quay sang ngó thấy cô bé Hiền, mắt nó sáng lên: - Hiền, có phải Minh Hiền đó không, lâu quá không gặp bạn này. Cô bé nghe thằng Minh chào liền quay qua: - Ồ, thì ra là bạn Minh, lâu quá không gặp, không ngờ gặp lại ở Lê Hồng Phong. - Ủa Hiền đang lấy xe về hả, đang đọc cái gì vậy, sao cái mảnh giấy Hiền đang cầm thấy quen quen. - Ừ, Hiền đang lấy xe về, không biết có bạn trai nào bỏ giấy vào giỏ xe Hiền để làm quen đây nè. Thằng Minh ngay lập tức phát hiện ra rằng cái cô bạn Hiền học chung trường cấp hai với tôi mà hồi nãy tôi trả lời nó lúc ra chơi là xạo sự. Cô bạn Hiền mà tôi nói chính là cô bạn Hiền ngay trước mặt của tôi với nó lúc này. Thằng Minh lại có cái thói đùa nhây của thằng Hải, nó đã biết tôi đang run lập cập vì chuyện bỏ thư tình vào giỏ xe cô bé Hiền mà nó còn đùa. - Vậy sao, hâm mộ bạn Hiền quá đi, mới đây mà đã có người đòi làm quen rồi à. Không biết cậu con trai nào thế nhi? - Hiền cũng không biết, mà Hiền cũng chẳng quan tâm làm gì.

- À, quên không giới thiệu Hiền với người bạn cùng lớp của mình, bạn này tên là Duy, học cũng giỏi lắm á. Hiền đứng nhìn tôi tần ngần rồi nói: - Ồ thì ra là bạn Duy, bữa trước có gặp bạn một lần khi đi chung với thầy Bồi. - Chà chà hai người có duyên nhỉ, đi học thì gặp nhau, đậu xe cũng gần nhau nữa. - Thôi mà bạn Minh, đừng chọc bạn Duy nữa kìa, làm người ta sợ xanh cả mặt rồi. - Hiền không biết đó thôi, thằng này nó dạn lắm, nó chỉ xanh mặt khi làm mấy chuyện lén lút thôi, chứ còn nói chuyện với con gái nó là tổ sư đó. Nãy giờ tôi vẫn còn run bần bật nên chẳng nói ra lời chỉ cười gượng gạo: - Minh này, làm gì có đâu, thôi cũng muộn rồi, để bạn Hiền còn về nữa. Tôi nói xong, thì cô bé Hiền cũng chào tạm biệt tôi và thằng Minh rồi đeo khẩu trang để ra về. Tôi nhìn theo xe cô bé mà ngẩn ngơ, thằng Minh cười làm tôi sực tỉnh người. - Hóa ra Hiền học chung cấp 2 với mày là Hiền này đó à, cái thằng xạo sự. Tao học chung cấp 2 với con Hiền nè, mày làm gì có học trường tao. Cua gái mà cũng biết lựa chọn đối tượng quá hen. Lựa con bé được nhất, giỏi nhất trường Cầu Kiệu mà quen. Tôi cường gượng làm huề với nó. - Ừ thì thấy bạn đó giỏi quá nên cũng tò mò muốn làm quen đó mà. - Muốn quen con Hiền hả, để tao giới thiệu cho - Thôi thôi khỏi khỏi, một mình tui cũng biết xử lý rồi, không cần nhờ bạn này đâu Minh. - Ờ thì tui chỉ muốn giúp cậu một tay, không muốn thì tui cũng chịu, nhưng mà chỗ quen biết tui báo cho mà hay cái cô bé này khó lòng mà cưa đổ lắm, đừng húc đầu vào đá để làm gì. - Ơ vô duyên nhỉ, tui đâu có cưa cẩm gì đâu, chỉ kết bạn làm quen cho vui vậy thôi Thằng Minh hề hà cười. - Rồi rồi thì làm quen, kết bạn thì tốt. Còn bây giờ thì cậu biến ra khỏi cái xe tôi, đừng chống tay lên cái yên xe nữa, tay cậu đổ mồ hôi nãy giờ làm ướt cả cái yên xe của tôi rồi. Hahaha, kết bạn mà đổ cả mồ hôi thì tui lần đầu mới thấy đó. Tổ cha cái thằng Minh lắm lời, tôi chào tạm biệt nó hẹn gặp lại chiều nay giờ thể dục rồi rút về xe tôi. Ngồi trên yên xe, tôi không vội vàng nổ máy xe. Tôi thư giãn người sau những phút giây căng thẳng run rẩy đến cực độ. Toàn thân tôi thả lỏng, tôi hít thật sâu và nhắm nghiền mắt mình lại. Hình ảnh cô bé Hiền hiện ra trong đầu tôi với nụ cười trong trẻo. Không biết cô ta nghĩ sao về cái lá thư nhỉ. Không biết cô ta có trả lời lại không. Tôi cảm thấy náo nức và khấp khởi trong lòng. Tôi mong ngày mai đến thật nhanh để tôi có thể ra chỗ giỏ xe cô ấy tìm thấy một lá thư hồi âm. Biết đâu một điều kỳ diệu sẽ đến.

Related Documents


More Documents from "12a4lhp members"