www.Youtemplates.com sưu tầm từ Internet Một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ Chăm sóc trẻ nhỏ là một công việc khó khăn. Nó đòi hỏi ở người cha, người mẹ không chỉ những kiến thức khoa học mà cả những kinh nghiệm mà bạn không thể có ngay lập tức trong những ngày đầu làm cha mẹ. Và vì thế bạn sẽ rất bỡ ngỡ, bối rối khi làm mẹ lần đầu, nhất là khi phải chăm sóc con nhỏ bị bệnh. Nhưng nếu bạn có những kiến thức nhất định về một số bệnh thường gặp ở trẻ, bạn sẽ thấy tự tin hơn. Webtretho xin giới thiệu đến bạn thông tin về một số loại bệnh trẻ hay mắc phải để bạn có thêm điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn.
Ảnh: inmagine.com Bệnh còi xương - Nguyên nhân: Trẻ bị còi xương là do cơ thể thiếu hụt vitamin D. Điều đó làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, chuyển hóa can-xi và phốt pho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do các bà mẹ kiêng khem quá mức, không cho trẻ ra ngoài, nên trẻ sẽ bị thiếu ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó là một chế độ ăn nghèo can-xi, phốt pho. Những trẻ không được bú sữa mẹ, đẻ non, đẻ sinh đôi, trẻ quá bụ bẫm, trẻ sinh vào mùa đông thường dễ có nguy cơ bị còi xương. - Triệu chứng: Khi bị bệnh, trẻ thường quấy khóc, ngủ không yên giấc, giật mình, ra nhiều mồ hôi lúc ngủ. Theo dõi trẻ thấy xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn, răng mọc chậm, chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng...Các biểu hiện ở xương như thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán hay đầu bẹp cá trê. Nhiều trường hợp trẻ bị còi xương nặng xuất hiện di chứng chuỗi hạt sườn, dô ức gà, chân cong hình chữ X, chữ O... - Giải pháp: Khi trẻ có những biểu hiện trên, các bà mẹ nên cho trẻ đến cơ sở y tế khám để bác sĩ hướng dẫn bổ sung vitimin D, canxi...cho trẻ. Trẻ em bình thường
www.Youtemplates.com sưu tầm từ Internet hằng ngày cũng cần được tắm nắng và ăn thức ăn có đủ chất canxi, phốt pho để phòng bệnh. Một số thực phẩm sẵn có chứa nhiều canxi mà các bà mẹ có thể dùng nấu cho trẻ ăn là vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống, cua, tép khô, ốc, tôm, cá mè, lòng đỏ trứng, hến, sữa bò tươi, sữa chua... Bệnh uốn ván Đây là chứng bệnh có thể gây chết người. Nhưng ở Việt Nam đã có thuốc phòng có hiệu quả 100%. Thông thường trẻ sẽ được tiêm ngừa uốn ván vào tháng tuổi thứ hai - Nguyên nhân: Những vi khuẩn gây bệnh uốn ván ở khắp mọi nơi: trong đất, bụi, phân người và súc vật... Bởi vậy, khả năng nhiễm bệnh đối với mọi người đều rất lớn. Phần lớn trường hợp chỉ vì giẫm phải một cái đinh rỉ, mắc chân vào một sợi dây kẽm gai, bị một cái dằm đâm vào dưới móng tay, bị xước tay vì một đồ chơi cũ đã để lâu ngày... Vết đốt của côn trùng, vết răng của chó, mèo cũng có thể là nơi xâm nhập của loại vi khuẩn uốn ván. Vết thương không cần sâu hay rộng vẫn có thể nhiễm trùng uốn ván. - Triệu chứng: Trẻ bị uốn ván thường có những biểu hiện: Từ 5 tới 14 ngày sau khi bị nhiễm bệnh (sau khi giẫm phải đinh), đứa trẻ bị cứng bắp thịt, đặc biệt là ở cổ và hàm. Nạn nhân toát mồ hôi, càng ngày càng khó mở miệng, khó nuốt, đau đầu, đau chân tay, người run rẩy, sốt rồi bị co giật hoặc uốn cong người. Trường hợp hiện tượng các bắp thịt bị co cứng lan ra toàn thân, bạn cần chuyển ngay trẻ tới trung tâm y tế. - Giải pháp: Vì vậy, khi trẻ bị thương, dù vết thương dù to hay nhỏ, bạn cũng cần phải rửa sạch và sát trùng cho bé. Việc có phải tiêm phòng thêm nữa hay không sẽ do bác sĩ quyết định, dù bé đã được tiêm phòng rồi. Ðối với trẻ chưa tiêm ngừa, bạn nên đưa bé đi tiêm phòng và theo dõi việc tiêm cho đủ liều cho trẻ. Bệnh sởi - Nguyên nhân: Bệnh do vi rút sởi gây ra và thường gặp ở trẻ trên 1 tuổi. Bệnh sởi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng ở trẻ em bệnh biểu hiện nặng hơn. Sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu không tiêm phòng sởi thì rất dễ mắc. Trẻ được nuôi dưỡng kém, đặc biệt trẻ không được uống vitamin A, sống trong điều kiện đông đúc, và trẻ có hệ miễn dịch giảm do AIDS hoặc các bệnh khác thường mắc sởi nặng. Những người khỏi bệnh có miễn dịch trong suốt quãng đời còn lại. Trẻ nhỏ có mẹ đã mắc sởi thường có miễn dịch trong 6-8 tháng đầu sau khi sinh. - Triệu chứng: Giai đoạn ủ bệnh từ 7-18 ngày. Biểu hiện nhiễm trùng đầu tiên là sốt cao kéo dài 1 đến 7 ngày. Giai đoạn này, người bệnh thường chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, chảy nước mắt và xuất hiện nốt trắng nhỏ bên trong má. Sau vài ngày sẽ xuất hiện ban, bắt đầu từ mặt, lan xuống tay và chân trong khoảng 3 ngày. Ban kéo
www.Youtemplates.com sưu tầm từ Internet dài 5-6 ngày rồi biến mất. Ngoài ra người bệnh có thể chán ăn và tiêu chảy, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thể bệnh nặng hay xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ có thể bị mất nước do tiêu chảy, có thể bị viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp và thanh quản do virus sởi làm giảm hệ miễn dịch. - Giải pháp: Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắcxin sởi cho trẻ. Trẻ em cần tiêm một mũi vắcxin sởi trước khi 1 tuổi. Những trẻ thể bệnh nặng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp.Tất cả những trẻ bị sởi nặng cần được uống vitamin A càng sớm càng tốt và uống liều thứ 2 ngay ngày hôm sau. Tăng cường dinh dưỡng và điều trị mất nước bằng đường uống cũng là biện pháp cần thiết giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Bệnh thủy đậu - Nguyên nhân: Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do virút Varicella zoster gây ra. Bệnh thường nhẹ nhưng rất dễ lây. Người bệnh là nguồn lây duy nhất. Người ốm làm lây bệnh ngay từ khi có triệu chứng đầu tiên cho đến khi nốt đậu đóng vảy (thường ở ngày thứ 7 kể từ khi đậu mọc). Virút từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt trẻ ốm bắn sang người lành khi nói, ho hoặc hắt hơi, xâm nhập vào cơ thể qua mũi-họng, rồi theo đường máu đến cư trú ở lớp tế bào thượng bì da và niêm mạc và gây nên những nốt phỏng ở đó. Tuổi mắc nhiều nhất là 2-7 tuổi, ít khi gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nếu như lúc nhỏ chưa mắc. - Triệu chứng: Sau một thời gian ủ bệnh chừng 14-15 ngày thì bệnh phát. Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn ăn, chơi bình thường làm cho người mẹ không để ý, đến khi đậu mọc mới biết hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu.Khi phát bệnh trẻ sẽ có các triệu chứng chóng mặt và sốt nhẹ. Ðặc biệt là trên người nổi mụn, bắt đầu ở thân, rồi đến mặt, quanh miệng và da đầu. Những mụn nhỏ độ vài milimét, có chứa một chất lỏng bên trong, sẽ khô lại sau 48 giờ và hình thành vảy. Chừng 5-6 ngày sau, vảy sẽ bong ra để lại trên da một cái sẹo lâu độ vài tuần. Những mụn nhỏ có chứa virút bên trong nên dễ lây sang người khác. Hiện tượng mụn nổi lên kéo dài 2-3 ngày, gây ngứa khiến các cháu muốn gãi làm xước da, gây nhiễm trùng và các mụn lâu đóng vẩy. Thông thường, sau 15 ngày phát bệnh thì các cháu khỏi. Thủy đậu là bệnh nhẹ. Trường hợp mụn nổi nhiều, trẻ có thể bị sốt cao nhưng rồi cơn sốt sẽ qua đi. Cũng đôi khi có trường hợp bệnh ảnh hưởng tới vùng tiểu não và hệ thần kinh làm cháu bé đi lảo đảo trong thời gian bệnh đang phát triển. Bệnh có thể kéo dài thêm một ít nhưng cũng khỏi sau vài tuần. - Giải pháp: Trong thời gian cháu bé bị thủy đậu, việc chính là giữ gìn vệ sinh cho cháu: cắt móng tay và giữ sạch, không để cháu gãi để tránh nhiễm trùng da và lây
www.Youtemplates.com sưu tầm từ Internet lan sang cháu khác, mặc quần áo rộng và nhẹ. Không cần xoa phấn và chỉ tắm sau khi đã hết mụn. Nếu cần, chỉ bôi thuốc sát trùng lên những vẩy hoặc mụn to nhất. Bác sĩ có thể cho các cháu uống một ít thuốc an thần để cháu dễ ngủ, khỏi quấy và gãi vì ngứa. Khi khỏi hẳn, bạn mới nên cho trẻ đi học trở lại. Bệnh tiêu chảy - Nguyên nhân: Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy gây mất nước và một số chất điện giải như natri, kali…; sau tiêu chảy, trẻ em thường bị suy dinh dưỡng. - Giải pháp: Khi bé bị tiêu chảy, bạn là người đầu tiên chăm sóc và là người chủ yếu trong việc điều trị trước khi bệnh quá nặng phải đưa đi bệnh viện. Đầu tiên phải nghĩ ngay đến ORS (OralRehydratation Solution: dung dịch bù nước bằng đường miệng). Đây là dung dịch để bù nước và chất điện giải tốt nhất, được sản xuất trong nước dưới dạng gói bột và được bán không cần đơn tại các nhà thuốc tây. Nếu không có sẵn dung dịch ORS, bạn có thể chắt nước cơm hay nước cháo ra, cứ một chén nước pha với một nhúm muối trong ba ngón tay, cho bé uống thay thế. Nước tinh bột tốt hơn nước đường muối vì vào đến ruột, tinh bột được biến thành glucose từ từ và được hấp thu nhanh chóng nên nồng độ thẩm thấu của dịch ruột được duy trì ở mức an toàn. Không nên cho bé uống các loại súp công nghiệp, cũng không dùng các loại nuớc hoa quả, giải khát quá ngọt sẽ gây tiêu chảy thẩm thấu. Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ; trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục cho bú bình thường; trẻ dưới 6 tháng tuổi nuôi bằng sữa bò thì pha loãng sữa bằng một lượng nước gấp đôi bình thường trong hai ngày, sau đó pha như thường lệ trong suốt thời gian bệnh.Những trẻ đã ăn dặm thì nấu kỹ thức ăn, nhuyễn và hơi lỏng hơn bình thường, cứ 3-4 giờ cho bé ăn một lần, chia làm 6 bữa trong ngày. Sau khi trẻ hết tiêu chảy, cần phải cho trẻ ăn thêm một bữa mỗi ngày trong hai tuần nhằm phục hồi tình trạng dinh dưỡng cho trẻ. Cần tránh tập quán sai lầm như bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống khi tiêu chảy, chỉ được uống nước gạo rang cầm chừng. Không bắt trẻ kiêng các loại thức ăn giàu năng lượng, bổ dưỡng vì sợ không tiêu. Nếu sau 2 ngày, tiêu chảy không giảm hoặc bé có một trong các triệu chứng như sốt cao hơn 38°C , môi khô, da khô, khát nhiều nước, ăn kém hay bỏ ăn, đi tiêu ra máu, nôn ói nhiều thì phải mang đi khám ngay Đề phòng tiêu chảy ở trẻ em, điều căn bản là sử dụng nước sạch cho sinh hoạt ăn uống, rửa tay trước khi ăn,khi chế biến thức ăn và sau khi đi tiêu. Sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh và xử lý phân trẻ nhỏ an toàn. Thùy Trang WTT tổng hợp từ các nguồn: ykhoa.net, webtretho, cimsi.org.vn