Bệnh Marek Bệnh Marek là một bệnh truyền nhiễm của gà do một virus thuộc nhóm hecpes gây ra. Bệnh dẫn dến suy giảm miễn dịch. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh cao độ tế bào lâm ba dưới hình thức khối u ở tổ chức thần kinh ngoại biên và các cơ quan nội tạng, da cơ, làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn cơ năng vận động và bại liệt. 1. LỊCH SỬ VÀ ĐỊA DƯ BỆNH LÝ Lịch sử 1907 Marek là người đầu tiên phát hiện bệnh ở Hungari và gọi tên là Polyneuritis, với thể bại liệt các dây thần kinh ngoại biên sưng to thủy thũng với sự thâm nhiễm nhiều bạch cầu đơn nhân. Từ năm 1920 người ta gọi bệnh với tên là Neurolymphomatosis. Từ năm 1924 - 1926, nhiều tác giả chứng minh căn bệnh là virus. 1967 virus gây bệnh đã phân lập được ở nhiều nước. Địa dư bệnh lý Từ sau thế chiến thứ hai, khi các nước phương Tây phát triển gà công nghiệp, bệnh gây những tổn thất kinh tế lớn (với thể cấp tính). Ở nước ta, năm 1979 bệnh xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam và phải hủy bỏ toàn bộ gà giống nhập từ Cuba, từ đó có nhiều tài liệu đã đề cập đến bệnh ở Hà Nam Ninh, thành phố HCM và các vùng phụ cận. 2. TRUYỀN NHIỄM HỌC Mầm bệnh Virus marek thuộc nhóm hecpes có kích thước tương đương 100mm, virus chứa AND. Capsid hình khối, chứa 162 đơn vị capsomere, có vỏ là lipid nên mẫn cảm với các chất hòa tan mở ( như ether và chloroform). Đến nay người ta đã phân lập được 3 type virus: - Type 1: độc lực mạnh, gây bệnh tích ở thể cấp tính (thể này xảy ra khá phổ biến). - Type 2: có độc lực vừa, gây bệnh tích ở thể mãn tính (thể cổ điển). - Type 3: không có độc lực. Virus tự do, có sức đề kháng cao, ở nhiệt độ phòng, virus có thể tồn tại trong 8 tháng, ở nhiệt độ 4oC virus tồn tai trong 3 năm. Nhưng các chất sát trùng thông thường tiêu diệt virus dễ dàng. Loài vật mắc bệnh Gà, gà tây, gà sao đều mắc bệnh, gà trên 6 tuần tuổi dễ mắc bệnh hơn, phổ biến nhất là gà ở 8 đến 24 tuần tuổi. Đường lây bệnh - Hô hấp.
- Tiêu hóa. Cơ chế sinh bệnh Sau khi vào cơ thể, virus tác động trước tiên vào hệ thần kinh ngoại biên và một bộ phận của hệ thần kinh trung ương. Ở đây hình thành quá trình viêm mãn tính với sự thâm nhiễm tế bào lâm ba, tổ chức bào và tương bào. Các dây thần kinh bị thoái hóa, còn tổ chức liên kết nội mô thần kinh tăng sinh cao độ, làm dây thần kinh ngoại biên trương to, mất dần các chức năng sinh lý, gây rối loạn cơ năng vận động, ở tủy sống đầu mút của các dây thần kinh hai bên cũng có thể bị thoái hóa, ở não có thể thấy các đám viêm không đặc hiệu quanh mạch. Từ ngày thứ 5 đến thứ 7, nhiều tế bào lympho T được sản sinh để đối phó, nhưng chính nó lại là tế bào đích của virus này và bị nhiễm chúng một cách từ từ và dần trở thành những tế bào ung thư chứa virus. Từ ngày thứ 7 đến ngày 14, qua đường máu trong các bạch cầu bị nhiễm virus đến các cơ quan khác nhau, đặc biệt tại tế bào nang lông, tế bào thượng bì, nó phân chia và hình thành những viron gây nhiễm đủ sức truyền lây bệnh cho những gia cầm khác. Sau ngày 14, sự suy giảm miễn dịch thường xuyên bắt đầu xuất hiện. Sự phân hủy tế bào T và B nặng hơn. Tuần thứ 4 đến thứ 5 sau khi nhiễm, những tế bào lympho xâm nhập thần kinh ngoại biên gây bại liệt. Đến tuần thứ 6, gà bắt đầu hình thành khối u do sự biến đổi nhanh chóng của tế bào T thành tế bào ung thư. Ngoài ra virus còn khu trú ở một số cơ quan gây quá trình bệnh lý tại đó, đặc trưng là sự hình thành khối u tế bào lâm ba ở da, cơ và một số phủ tạng như gan, thận, lách, buồng trứng. Virus còn tác động vào cơ quan tạo máu gây bệnh bạch huyết cấp tính. Qua nghiên cứu người ta thấy sự đề kháng đối với sự phát triển khối ung thư tùy thuộc vào nhiều yếu tố: - Tuổi của gà: cảm nhiễm ở 1 ngày tuổi ngay sau khi nở thường cho khối ung thư rõ nét hơn. - Phái tính: gà mái thường nhiễm nhiều hơn gà trống cùng tuổi. - Những yếu tố môi trường: Các stress thuộc tất cả loại (độ nóng, tiếng ồn, sự tiêm chủng, di chuyển,…) gà gia tăng sự nhạy cảm đối với ung thư. - Thành phần cấu tạo về di truyền của gà. 3. TRIỆU CHỨNG
Sự phát triển của bệnh tùy thuộc nhiều yếu tố như độc lực bản chất của virus, tuổi của gà ở thời điểm nhiễm sự hữu hay không của sự đề kháng về di truyền học…. Thể cấp tính Xảy ra chủ yếu ở gà con 4 ¸ 8 tuần tuổi, ít có triệu chứng điển hình. Gà bệnh kém ăn, gầy cồm tuy được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt. rồi chết đột ngột, tỉ lệ chết cao từ 20 - 80%. Bại liệt chỉ thấy ở cuối ổ dịch. Bệnh có thể chuyển sang thể mãn tính. Thể mãn tính Xảy ra chủ yếu ở gà từ 4 ¸ 8 tháng tuổi ở cả 2 thể: thể thần kinh và thể mắt. - Thể thần kinh Do bệnh biến ở hệ thần kinh ngoại biên, gà đi lại khó khăn, liệt nhẹ rồi dần dần bại liệt hoàn toàn. Đuôi gà có thể bị rũ xuống hoặc lệch sang một bên. Cánh sã xuống một bên hoặc cả hai bên. Một số gà bị liệt một chân hoặc hai chân. Khi gà mắc bệnh vẫn tĩnh táo ăn uống bình thường. Gà mái mắc bệnh giảm đẻ, gà trống mất khả năng đạp mái.
Hình 1.39 : Chứng liệt chân, cánh ở gà bệnh - Thể mắt Mắt lúc đầu viêm nhẹ, gà tỏ ra mẫn cảm với ánh sáng, chảy nước mắt trong, dần dần bị viêm màng tiếp hợp, rồi viêm móng mắt, mủ trắng đóng đầy khóe mắt, khă năng nhìn kém dần, con vật có thể bị mù mắt. Nhìn kỹ con ngươi biến dạng, màu đục, liệt một bên, không di động. Màng tiếp hợp mắt màu xanh sậm. Tỷ lệ gà mắc bệnh trong cùng một thời gian không bao giờ quá cao( nhỏ hơn 3%), nhưng bệnh có thể tiếp tục xuất hiện đến thời kỳ cấu tạo lại đàn. 4. BỆNH TÍCH
Bệnh tích đại thể - Thể cấp tính Khối u là bệnh tích chủ yếu và thường gặp trên gà nhiều tuổi có sự phát triển bệnh chậm. Chủ yếu hình thành khối u ở gan lách, thận, phổi, buồng trứng, dịch hoàn. Có hai dạng: + Khối u lan tràn: Gan lách sưng to hơn bình thường, nhạt màu và bở. + Khối u hạt: Bề mặt cơ quan sần sùi với những hạt to nhỏ không đều nhau. Một số trường hợp có khối u ở dạ dày tuyến, thành ruột làm cho tổ chức này dầy lên, u ở cơ làm cho cơ phồng lên, mặt cắt cơ màu trắng xám do thâm nhiễm tế bào ung thư, u ở da làm cho da sần sùi, lổ chân lông dầy lên từng cục. - Thể mãn tính Chủ yếu là hiện tượng viêm tăng sinh các dây thần kinh ngoại vi như: dây thần kinh cánh, hông, dây thần kinh xuất phát từ phần dưới của tủy sống như dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh sinh dục. Các dây thần kinh này có thể sưng to 4 ¸ 5 lần so với bình thường và có thể bị phù thũng do tăng sinh cao độ các tổ chức liên kết nên các dây thần kinh này dính lại với nhau tạo thành bó lớn. Ở một số trường hợp, còn thấy tủy sống bị sưng to, cơ bị teo, mắt mù, con ngươi biến dạng. Bệnh tích vi thể Những bệnh tích điển hình thường tập trung ở đường tiêu hóa. Niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết lấm chấm màu đỏ, tròn bằng đầu đinh ghim. Mỗi điểm xuất huyết tương ứng với một lỗ đổ ra tuyến tiêu hóa. Có thể chia ra làm 3 loại, căn cứ vào thành phần tế bào ung thư: - Bệnh tích loại A Là những khối u do sự tăng sinh cao độ của tế bào lâm ba, bệnh tích này đặc trưng cho bệnh marek ở thể cấp tính. - Bệnh tích loại B Thủy thũng các dây thần kinh và tăng sinh cao độ tế bào schwann. Trong khối u còn thấy tế bào lâm ba hạt và tương bào. - Bệnh tích C Vùng bệnh biến thường nhỏ, phân tán, bản chất là do sự tăng sinh của tế bào lâm ba cầu non và tương bào. 5. CHẨN ĐOÁN 5.1. Chẩn đoán phân biệt Thường dễ nhầm lẫn với bệnh Newcastle, bệnh Leukosis, bệnh nấm phổi.
Chẩn đoán virus học - Gây bệnh thí nghiệm Gây bệnh thí nghiệm cho gà con mới nở. sau 3 ¸ 4 tuần gà thí nghiệm xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Sau 24 giờ hoặc lâu hơn gà sẽ chết, xuất hiện các triệu chứng điển hình. - Phân lập virus Tiêm bệnh phẩm vào túi lòng đỏ thai gà 4 ngày, sau 11 ¸ 14 ngày trên màng thai xuất hiện những nốt màu trắng, các bệnh tích điển hình của marek. - Gây nhiễm cho tế bào 1 lớp, sau 1 ¸ 2 tuần xuất hiện bệnh tích đặc hiệu. Chẩn đoán huyết thanh học - Phản ứng miễn dịch huỳnh quang. - Phản ứng trung hòa. - Phản ứng ELISA. 6. PHÒNG BỆNH Vệ sinh phòng bệnh - Tăng cường nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh chăm sóc, tiêu độc sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, cách ly gà bệnh và gà mang trùng. - Xây dựng giống gốc từ những đàn gà không mắc bệnh. - Chú ý vệ sinh ở các cơ sở ấp trứng, nơi nuôi gà con. - Sát trùng vỏ trứng bằng formol 1% - Trong lúc chưa có một nguồn trứng giống chắc chắn, việc ấp trứng bằng qui mô nhỏ và vừa sẽ dễ phòng bệnh hơn. - Đối với những cơ sở nhập gà con để nuôi, tốt nhất là tiêm phòng toàn bộ trước khi vận chuyển khỏi lò ấp. Khi có bệnh xảy ra, nên loại thải tất cả các gà bệnh, những con còn lại trong đàn phải chuyển sang nuôi thịt. Việc tiêm thẳng vaccin vào ổ dịch đều có tác dụng làm giảm tổn thất kinh tế rõ rệt. Chọn những giống gà có sức đề kháng với bệnh. Phòng bằng vaccin Vaccin phổ biến nhất là vaccin HVT (Herpes virus of Turkey), cho miễn dịch tốt hơn các chủng virus giảm độc. Chủng vào lúc một ngày tuổi. 7. ĐIỀU TRỊ Không có thuốc đặc trị.