ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM
BÀI GIẢNG
CHẨN ĐOÁN BỆNH THÚ Y (dùng cho chuyên ngành thú y và chăn nuôi - thú y)
Biên soạn: Vũ Văn Hải, giảng viên bộ môn thú y học lâm sàng, khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông Lâm Huế
Huế tháng 02/2007.
Chương I CÔNG TÁC KHÁM BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN. Tóm tắt chương Chương này được viết súc tích trong 4 trang, được trình bày trong 3 tiết. Nội dung tập trung nói về tầm quan trọng của công tác khám bệnh và chẩn đoán cả về mặt chuyên môn, khoa học và chính trị; cách tiến hành công tác khám bệnh và chẩn đoán trong ngành thú y phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam chúng ta. Ngoài ra nội dung của chương cũng dành một phần giới thiệu sơ qua nội dung của công tác khám bệnh cũng như một số nguyên tắc cần phải tôn trọng trong chẩn đoán. Mục tiêu của chương Sau khi học xong chương này, sinh viên chuyên ngành thú y và chăn nuôi thú y sẽ được cung cấp những kiến thức về tầm quan trọng của công tác khám bệnh và chẩn đoán, cách chuẩn nơi khám bệnh, dụng cụ khám bệnh, gia súc khám bệnh. Ngoài ra, nội dung của chương cũng nhằm giáo dục sinh viên những tác phong và đức tính cần phải rèn luyện trong suốt quá trình học để sau này trở thành một thầy thuốc thú y có trình độ tay nghề cao và có lương tâm nghề nghiệp. Nội dung của chương I. Tầm quan trọng của công tác khám bệnh và chẩn đoán Khám bệnh là một khâu quan trọng, có lẽ là khâu chủ yếu trong công tác của bác sĩ điều trị vì nó quyết định khá nhiều cho sự thành công hay thất bại của công tác điều trị: công tác khám bệnh có được làm tốt mới phát hiện được đúng và đầy đủ các triệu chứng để có thể làm được một chẩn đoán thật chính xác và đầy đủ, rồi từ đó mới định được tiên lượng, cách điều trị và phòng bệnh đúng đắn. Đây là một công tác: - Khoa học: ngoài kiến thức thú y học mà tất cả các thầy thuốc bắt buộc phải có đầy đủ, còn phải có một quan niệm biện chứng cơ thể là một khối thống nhất trong đó mỗi bộ phận đều có liên quan hữu cơ với nhau, vì thế không chỉ khám đơn độc bộ phận có bệnh mà luôn luôn phải khám toàn bộ cơ thể. - Kỹ thuật: phải theo đúng quy tắc khám và kỹ thuật khám mới phát hiện được đúng triệu chứng. - Chính trị: cách khám bệnh kỹ lưỡng tỉ mỉ của thầy thuốc ngoài việc giúp thầy thuốc phát hiện đúng bệnh còn củng cố lòng tin cậy của chủ gia súc, giúp họ tin tưởng vào việc điều trị cho bệnh súc của họ và giữ được uy tín cho bản thân. Ngày nay mặc dù các phương pháp cận lâm sàng tiến bộ và phát triển rất mạnh, nhưng vai trò của khám bệnh lâm sàng vẫn quan trọng vì nó cho hướng chẩn đoán để từ đó có chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, tránh tình trạng làm tràn lan, không làm những xét nghiệm cần thiết. Vậy công tác khám bệnh nên tiến hành như thế nào?
2
II. Cách tiến hành công tác khám bệnh 1. Nơi khám Cần phải: - Sạch sẽ, thoáng khí nhưng tránh gió lùa. - Ấm áp, nhất là về mùa rét. - Có đủ ánh sáng. - Kín đáo, tránh ồn ào Thực trạng ngành thú y của chúng ta hiện nay không phải lúc nào cũng có được điều kiện như vậy. 2. Phương tiện Ngoài các bàn ghế cần thiết cho thầy thuốc và giường thăm bệnh hay giá cố định để khám bệnh súc, nơi khám cần được trang bị một số phương tiện tối thiểu là: - Ống nghe bệnh. - Máy đo huyết áp. - Nhiệt kế - Búa gõ - Búa phản xạ và kim: để khám về thần kinh. - Găng tay hoặc bao ngón tay cao su: để khám trực tràng hoặc âm đạo khi cần thiết. - Dao phẫu thuật, kim khâu, chỉ khâu, kim chọc dò, các dụng cụ lấy mẫu (lamen, hộp lồng, túi nilon, ống đựng huyết thanh, xilanh và kim tiêm các loại) - Nếu có thêm một đèn pin để kiểm tra phản xạ đồng tử khi cần thiết thì càng tốt. Về mặt thuốc men cần chuẩn bị sẵn một số loại thông dụng: - Thuốc cấp cứu : Adrenalin, cafein - Dung dịch truyền : đường glucose, ringer lactate, NaCl - Thuốc giảm đau : Novocain, Lidocain - Thuốc an thần : Aminagin, Anagin - Thuốc cầm máu : Vitamin K, adrenocine - Các dung dịch sát trùng như cồn Iod, cồn 70, thuốc tím 3.Thầy thuốc - Cần lưu ý đến cách ăn mặc: áo quần bẩn thỉu, móng tay dài, bẩn, đầu tóc rối bù sẽ làm giảm sự tin tưởng của chủ gia súc đối với thầy thuốc rất nhiều. - Thái độ cần phải thân mật, niềm nở để chủ gia súc dễ tiếp xúc, dễ thổ lộ những thông tin liên quan. Cần tránh những thái độ kiêu căng, là thầy thuốc “ban ơn” cho họ. 3
- Khi khai thác thông tin liên quan nhằm chẩn đoán bệnh từ chủ gia súc cần dùng những từ ngữ dễ hiểu, tránh dùng những danh từ y học mà người thường khó biết (hoàng đản, huyết niệu…) và nhất là cần nhẫn nại: nếu cần thì không ngần ngại hỏi đi hỏi lại hoặc thay đổi cách hỏi để nắm bắt hết ý. - Khi khám bệnh cần phải có tác phong nhẹ nhàng, tỉ mỉ, tránh thô bạo, tránh day trở bệnh súc nhiều mà không cần thiết nhất là đối với các ca bệnh nặng. - Khi nhận định các triệu chứng cần khách quan và thận trọng: không nên có thành kiến trước, nhất là đối với bệnh súc cũ, thầy thuốc thường dễ có tư tưởng là bệnh cũ tái phát. Cần phải đánh giá đúng mức các triệu chứng, nhất là các triệu chứng chủ quan của bệnh: việc nhận định, phân tích, đánh giá các triệu chứng đó phải dựa trên một cơ sở khoa học. - Phải thận trọng khi nói với gia chủ về tình trạng của bệnh súc; nói chung, phải suy nghĩ trước khi nói để không nói những vấn đề gì có thể làm cho họ lo sợ, hoang mang; phải giải thích để nâng đỡ tinh thần, ổn định tư tưởng cho họ yên tâm. Thầy thuốc cũng không nên khoe khoang, nói quá khả năng của mình. 4. Bệnh súc - Cần được khám ở một tư thế thoải mái. Nếu tình trạng sức khoẻ cho phép, nên khám bệnh súc cả cách đi. - Cần được cố định hoặc chủ nắm giữ - Phải bộc lộ các vùng cần phải khám đối với con vật nhiều lông che phủ. III- Nội dung khám bệnh Sau khi hỏi kỹ phần bệnh sử, việc khám bệnh thường tiến hành: - Khám toàn thân. - Khám từng bộ phận. - Kiểm tra chất thải tiết. IV – Từ khám bệnh sang chẩn đoán Các tài liệu lâm sàng và cận lâm sàng nói trên cần được tập hợp lại, phân tích để rồi đi đến những chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán nguyên nhân và đánh giá tiên lượng bệnh. Để kết luận chẩn đoán được chính xác thì người khám cần tôn trọng một số nguyên tắc sau đây : - Phải dựa vào những triệu chứng của bệnh súc thật cụ thể, thật rõ ràng không ai có thể chối cãi được, lâm sàng cũng như cận lâm sàng. - Nên nghĩ trước hết đến những bệnh thường có nhất và phải căn cứ vào những triệu chứng đặc hiệu có giá trị chẩn đoán của bệnh đó. - Nên cố gắng tìm một chẩn đoán bệnh có thể bao gồm được tất cả các hội chứng và triệu chứng chính của bệnh súc. Nếu không thể được thì mới được coi như bệnh súc bị 2 hay 3 bệnh cùng một lúc.
4
V. KẾT LUẬN Chẩn đoán bệnh là một công tác rất khó. Muốn chẩn đoán đúng bệnh để có được một thái độ điều trị và phòng bệnh thích đáng, người thầy thuốc cần phải có: - Kiến thức thú y học đầy đủ toàn diện. - Tác phong khám bệnh kỹ lưỡng, tỉ mỉ. - Phương pháp suy luận khoa học và biện chứng. - Tinh thần yêu thương, coi bệnh súc như con vật của mình. Đây cũng là 4 yêu cầu chính mà mỗi sinh viên phải tự rèn luyện cho mình trong quá trình thực tập ở lâm sàng Câu hỏi ôn tập - Vai trò của công tác khám bệnh và chẩn đoán. Tại sao nó được coi là công tác khoa học, kỹ thuật và chính trị? - Nêu các bước chuẩn bị khám bệnh? -. Nêu những yêu cầu chính mà mỗi sinh viên phải tự rèn luyện cho mình trong quá trình thực tập ở lâm sàng? - Những nguyên tắc cần phải tôn trọng trong chẩn đoán bệnh? Tài liệu tham khảo - Moss R: clinical issues, AORN Journal 61:869, 1995 - Website: http://www.ykhoanet.com - Francois Gaudon : Santé Pratique Animaux n°5 de Juillet 2003
5
CHƯƠNG II BỆNH ÁN VÀ BỆNH LỊCH Tóm tắt chương Chương này gồm 5 trang được trình bày trong 4 tiết. Nội dung của chương nói về các khái niệm, Tác dụng của bệnh án và bệnh lịch về mặt nghiên cứu khoa học và hành chính pháp lý; Các yêu cầu của hồ sơ bệnh; nội dung của bệnh án và bệnh lịch cũng như công tác tổng kết và lưu trữ Mục tiêu của chương Nhằm cung cấp cho người đọc những kiến thức về tầm quan trọng của hồ sơ bệnh, giúp sinh viên biết cách lập hồ sơ bệnh, cách ghi chép từng phần trong hồ sơ bệnh đảm bảo tính khoa học và trung thực. Ngoài ra mục tiêu của chương cũng giúp sinh viên biết cách sắp xếp và lưu trữ hồ sơ bệnh để công tác tra cứu và tổng kết được dễ dàng và nhanh chóng cũng như không để thất thoát dữ liệu. Nội dung của chương Bệnh án và bệnh lịch là hai phần trong hồ sơ bệnh: - Bệnh án là văn bản do thầy thuốc làm ngay khi bệnh súc vào bệnh viện, ghi chép lại tất cả các vấn đề có liên quan đến bệnh súc từ tên, tuổi, địa chỉ, mục đích sử dụng, đến tình trạng phát sinh, tiến triển cũng như hoàn cảnh sinh sống vật chất của bệnh súc. Và cũng trong bệnh án này của người thầy thuốc sẽ ghi lại các biểu hiện bình thường và không bình thường mà thầy thuốc đã phát hiện thấy trong khi khám lần đầu tiên cho bệnh súc. - Bệnh lịch là văn bản kế tiếp bệnh án trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện, ghi chép lại các diễn biến của bệnh súc kết quả các xét nghiệm và các phương pháp điều trị đã được áp dụng. I. Tác dụng của bệnh án và bệnh lịch 1. Tác dụng về chuyên môn Bệnh án và bệnh lịch đều là những tài liệu cần thiết để: -
Chẩn đoán bệnh được đúng,
-
Theo dõi bệnh được tốt và do đó
-
Áp dụng được kịp thời các phương thức điều trị đúng đắn,
-
Ngăn chặn được các biến chứng, chóng trả bệnh súc về với gia chủ.
Và cũng nhờ các tài liệu đó mà sau khi bệnh súc khỏi và ra viện, thầy thuốc có thể -
Tiếp tục theo dõi bệnh súc ngoại trú, chỉ dẫn cho gia chủ các phương pháp dự phòng để bệnh có thể khỏi hẳn không tái phát, không có biến chứng hoặc di chứng hay lây truyền sang gia súc khác.
-
Trong các trường hợp bệnh súc chết và có giải phẫu kiểm tra thi thể, người thầy thuốc mới rút được kinh nghiệm chẩn đoán, điều trị và phục vụ của mình để cải tiến công tác phục vụ mỗi ngày một tốt hơn cho các bệnh súc khác sau này. 6
Ngoài tác dụng về chuyên môn nói trên, có ích lợi phục vụ trực tiếp cho bệnh súc, bệnh án và bệnh lịch có giúp ích cho: * Tác dụng về công tác nghiên cứu khoa học: Các số liệu Việt Nam, các hình thái lâm sàng đặc biệt của bệnh lý Việt Nam, giá trị chẩn đoán các phương pháp thăm dò mới cũng như tác dụng của các phương pháp trị liệu mới chỉ có thể làm được dựa trên tổng kết các bệnh án, bệnh lịch. * Tác dụng về phương diện hành chính và pháp lý: -
Về phương diện hành chính: các tài liệu đó sẽ giúp ta nắm được số liệu bệnh súc ra vào viện, số ngày nằm viện của bệnh súc, tình hình khỏi bệnh, không khỏi hoặc chết nhiều hay ít để đặt dự trù về thuốc men, lương thực và nhân viên cho đúng, cũng như đặt các chỉ tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng điều trị cho sát.
-
Về phương diện pháp lý: bệnh án và bệnh lịch là những tài liệu rất cần thiết cho việc mổ khám, nhất là khi có vấn đề khúc mắc trong cái chết của bệnh súc.
2. Yêu cầu của bệnh án và bệnh lịch Với các tính chất quan trọng nói trên, bệnh án và bệnh lịch cần phải:
- Làm kịp thời: + Bệnh án phải được làm ngay khi bệnh súc vào viện. + Bệnh lịch cần phải được ghi chép hằng ngày những diễn biến của bệnh.
- Chính xác và trung thực: Có nghĩa là các triệu chứng, các số liệu đưa ra cần phải đúng với sự thực và thật cụ thể.
- Đầy đủ và chi tiết: Đầy đủ tức là các mục trong bệnh án cần phải sử dụng vì mỗi mục đều có tác dụng riêng của nó. Đầy đủ về phương diện ghi chép các triệu chứng còn có nghĩa là không những ghi chép các triệu chứng “có” mà cả các triệu chứng “không” vì sự không có của một vài triệu chứng nào đó rất cần thiết cho sự chẩn đoán xác định (∆ +) và nhất là chẩn đoán phân biệt (∆ ≠) cũng như để đánh giá tiên lượng (P) của bệnh. Đối với bệnh lịch, đầy đủ còn có nghĩa là: - Ghi chép được những nhận xét thu được khi làm các thủ thuật cho bệnh súc (chọc dò màng phổi, chọc dò cổ trướng, chọc dò nước não tuỷ, sinh thiết hạch, gan…). - Từng thời kỳ cho làm lại các xét nghiệm, nhất là những xét nghiệm mà các lần làm trước có kết quả không bình thường. Chi tiết có nghĩa là mỗi triệu chứng cần được nêu tỉ mỉ với các yếu tố về thời gian, tính chất và tiến triển của nó.
- Được lưu trữ lại: Lưu trữ lại để sau này nếu bệnh tái phát hoặc vì một nguyên nào khác bệnh súc phải tái nhập viện, chúng ta có đầy đủ những tài liệu của những lần bệnh trước, nhiều khi giúp ích rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị lần này. Ngoài ra, việc lưu trữ hồ sơ bệnh có làm tốt thì về phương diện nghiên cứu khoa học, việc tổng kết hồ sơ mới được đầy đủ và trung thực. 7
Công tác bệnh án, bệnh lịch có làm tốt hay không chủ yếu do trình độ chuyên môn nhưng cũng còn do tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh súc, có thật quan tâm đến tình trạng bệnh của bệnh súc như đối với thú nuôi của mình hay không. Có quan điểm phục vụ tốt, nắm được yêu cầu bệnh án bệnh lịch, kết hợp với trình độ nhất định về chuyên môn, công tác hồ sơ bệnh của chúng ta chắc chắn sẽ làm được tốt. II. Nội dung của bệnh án và bệnh lịch
Như trên chúng ta đã thấy, bệnh án và bệnh lịch là những tài liệu ghi chép lại các triệu chứng của bệnh súc. *) Triệu chứng lâm sàng: là những triệu chứng thu thập được ngay ở giường bệnh bằng cách hỏi bệnh và khám bệnh (bao gồm chủ yếu nhìn, sờ, gõ, nghe..). *) Triệu chứng cận lâm sàng: là các tài liệu thu thập đuợc bằng các phương pháp: - X-quang - Xét nghiệm. - Thăm dò bằng dụng cụ hoặc máy móc khác: điện tâm đồ, đo chuyển hoá cơ bản, đo chức năng phổi, soi dạ dày, soi ổ bụng, soi bàng quang… Có một số trường hợp bệnh lý khi điển hình bình thường biểu hiện bằng một số triệu chứng nhất định, những triệu chứng nhất định đó tập hợp lại gọi là hội chứng: hội chứng tràn dịch màng phổi, hội chứng tiêu chảy, hội chứng tắc ruột… Nội dung chủ yếu của các bệnh án là việc ghi chép lại các triệu chứng nói trên cùng với các diễn biến của nó từ khi bệnh súc bắt đầu mắc bệnh cho đến khi bệnh súc đến bệnh viện để có thể được một chẩn đoán sơ bộ về lâm sàng ngay khi bệnh súc vào viện và từ đó có một hướng điều trị thích đáng. 1. Nội dung bệnh án Gồm hai mục lớn: hỏi bệnh và khám bệnh. a) Hỏi bệnh (xem phần khám chung) Mục “hỏi bệnh” làm được chu đáo và tỉ mỉ sẽ giúp cho ta rất nhiều trong hướng khám bệnh và chẩn đoán, thậm chí có những trường hợp "hỏi bệnh” đóng một vai trò chủ yếu trong chẩn đoán lâm sàng. Chúng ta có thể nói rằng tiến hành được tốt việc hỏi bệnh là đi được nửa đoạn trên con đường chẩn đoán bệnh. b) Khám bệnh Mục này chủ yếu để ghi chép lại các triệu chứng thực thể phát hiện được bằng các phương pháp lâm sàng nghĩa là bằng “sờ, nhìn, gõ, nghe”. Sẽ có một bài riêng nói về “kỹ thuật khám bệnh”. Việc “hỏi bệnh" chu đáo tỉ mỉ kết hợp với việc khám lâm sàng kỹ lưỡng trong phần lớn trường hợp có thể giúp cho thầy thuốc tập hợp được thành hội chứng và từ đó có được một chẩn đoán sơ bộ về lâm sàng. Từ chẩn đoán sơ bộ đó, mới đề ra mới đề ra các phương pháp cận lâm sàng để: - Xác định chẩn đoán (thường viết là ∆ +). - Loại trừ một số bệnh khác cũng có một bệnh cảnh lâm sàng tương tự. Thường gọi là chẩn đoán phân biệt (∆ ≠). 8
- Xác định nguyên nhân. - Đánh giá tương lai của bệnh, gọi là tiên lượng (P). 2. Nội dung bệnh lịch Bệnh lịch tiếp tục nhiệm vụ của bệnh án: nội dung chủ yếu của nó bao gồm 3 mục lớn: a) Ghi chép mệnh lệnh điều trị Mệnh lệnh điều trị bao gồm các mặt: thuốc men, hộ lý, ăn uống. Cần phải ghi:
- Rõ ràng và chính xác: - Không được viết tắt hoặc viết ký hiệu hoá học. - Trong lượng của đơn vị và số đơn vị: ví dụ: Novocain 0,25% 5ml x 2 ống. - Đường dùng thuốc: uống; tiêm bắp, dưới da hay tĩnh mạch… - Cách dùng: chia làm bao nhiêu lần uống, uống lúc nào hoặc tiêm lúc nào.
- Ghi hằng ngày: Mặc dù mệnh lệnh điều trị không thay đổi, hằng ngày vẫn ghi lại toàn bộ chứ không được viết “như trên”. b) Theo dõi diễn biến của bệnh trong quá trình điều trị Cần phải ghi lại hằng ngày: - Diễn biến các triệu chứng cũ. - Các triệu chứng mới xuất hiện thêm. - Kết quả các thủ thuật thăm dò đã làm tại giường bệnh, ví dụ: đã chọc dò màng phổi trái lúc … giờ ngày …tháng… năm… lấy ra được 50ml nước vàng chanh. - Nhiệt độ, mạch, huyết áp, nước tiểu, nhịp thở… c) Theo dõi các xét nghiệm cận lâm sàng Các xét nghiệm này cần phải làm lại từng thời kỳ. Nhất là các kết quả không bình thường của những lần làm trước. Có rất nhiều trường hợp mà chẩn đoán và tiên lượng chỉ có thể làm được sau một thời gian vào viện, dựa trên: - Sự diễn biến của bệnh, nhất là sự xuất hiện thêm các triệu chứng lúc đầu chưa có hoặc không rõ. - Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. - Kết quả điều trị. Những phân tích trên đây làm cho ta càng thấy rõ tầm quan trọng của bệnh lịch. Khi bệnh súc khỏi và ra viện hoặc chết, chúng ta phải tổng kết bệnh án bệnh lịch. III. Tổng kết hồ sơ bệnh Trong phần này, cần ghi lại: - Các nét chính về triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. 9
- Các phương pháp điều trị chủ yếu. - Các diễn biến chủ yếu của bệnh trong quá trình theo dõi tại bệnh viện. Kết quả điều trị: tình trạng bệnh súc khi ra viện (hoặc chết) về lâm sàng và cận lâm sàng. Nếu có mổ khám xác chết, phải ghi cả chẩn đoán đại thể và vi thể. Việc tổng kết hồ sơ bệnh làm được tốt sẽ đưa đến một chẩn đoán chính thức (chẩn đoán khi ra viện) thật chính xác và đầy đủ để có thể chỉ dẫn cho gia chủ các phương pháp điều trị và theo dõi tại nhà, phòng bệnh tái phát, có biến chứng hoặc lây truyền sang gia súc khác. Hồ sơ đã tổng kết xong cần phải được lưu trữ tại một phòng hồ sơ. IV. Lưu trữ hồ sơ bệnh Lưu trữ hồ sơ là một công tác quan trọng, đảm bảo tốt sẽ giúp rất nhiều cho việc chẩn đoán trong những lần vào viện sau này của bệnh súc cũng như cho công tác nghiên cứu khoa học. Không nên quan niệm đấy chỉ là một công tác hành chính mà đây thực sự là một công tác chuyên môn, cho nên khi phân công cán bộ phụ trách phòng hồ sơ, cần chọn người có trình độ hiểu biết khá về chuyên môn Trong công tác lưu trữ hồ sơ ngoài yêu cầu đảm bảo lưu trữ được đầy đủ và vẹn toàn hồ sơ, không để hư hỏng và mất mát (từ bệnh án, bệnh lịch đến các kết quả của phòng xét nghiệm, biên bản phẫu thuật hoặc mổ xác chết…), phải coi hồ sơ như là một tài sản khác (thuốc men, dụng cụ), cần để ra hai yêu cầu chính: - Đảm bảo việc sưu tầm hồ sơ được nhanh chóng khi cần đến, không phải tìm tòi quá nhiều sổ sách. - Sắp xếp được theo từng loại bệnh để việc làm thống kê bệnh tật được dễ dàng. Câu hỏi ôn tập - Bệnh án là gì? Bệnh lịch là gì, tác dụng của bệnh án và bệnh lịch? - Yêu cầu của bệnh án và bệnh lịch? - Nội dung bệnh án và bệnh lịch? - Nêu công tác tổng kết hồ sơ bệnh án? - Ý nghĩa và yêu cầu của việc lưu trữ hồ sơ bệnh án? Tài liệu tham khảo - Website: http://www.ykhoanet.com - Dick, RS and Steen, EB: The Computer-Based Patient Record: An Essential Technology for Health Care. National Academy Press. Washington, DC. 1991 - Kohane, IS et al: Building National Electronic Medical Record Systems via the World Wide Web. JAMIA. 1996:3:191-207. - Kohane, IS et al: Exploring the Functions of World Wide Web-Based Electronic Medical Record Systems. MD Computing. 1996;4:339-346.
10
- Electronic Medical Record System http://www.cpmc.columbia.edu/edu/medinfoemrs.html
Demonstrations
on
the
Web.
- Szolovits, P: A Revolution in Electronic Medica Record Systems via the World Wide Web. http://www.emrs.org/publications/IAHIT.html
11
CHƯƠNG III MỘT SỐ KHÁI NIỆM TRONG CHẨN ĐOÁN Tóm tắt chương Chương này gồm 4 trang được trình bày trong 3 tiết. Nó nêu rõ những khái niệm thường dùng trong chẩn đoán như hội chứng, triệu chứng, chẩn đoán, tiên lượng. Tiếp đến là các phần trình bày sâu về các phân loại của chúng. Trong mỗi phần đều dẫn chứng những ví dụ cụ thể làm cho người đọc dễ hình dung và dễ nhớ. Mục tiêu của chương Sau khi học xong chương này, sinh viên sẽ nắm được các thuật ngữ chuyên ngành thường dùng và cách phân loại, sử dụng chúng trong các trường hợp khác nhau. Từ đó phục vụ rất nhiều cho việc thu thập, nhận xét, đánh giá triệu chứng và định tiên lượng, đảm bảo cho công tác chẩn đoán được tốt và mang lại hiệu quả cho việc điều trị cũng như phòng bệnh trong thú y. Nội dung của chương I. Triệu chứng (Symptom) 1. Khái niệm. Một quá trình bệnh lý có thể gây ra những rối loạn về cơ năng hay làm thay đổi về hình thái của các khí quan bộ phận trong cơ thể. Những biểu hiện của sự rối loạn đó được gọi là triệu chứng. Vì vậy có thể hiểu: Triệu chứng là những biểu hiện của sự rối loạn về cơ năng, thay đổi về hình thái của các khí quan bộ phận trong cơ thể. Ví dụ: tăng hoặc giảm tần số hô hấp, tần số tim đập; tăng hoặc giảm nhu động của dạ dày, ruột, sốt. Nhiệm vụ của chẩn đoán là phát hiện triệu chứng bệnh. Trong một quá trình bệnh lý, giá trị chẩn đoán của các triệu chứng không giống nhau. Ví dụ: Bệnh uốn ván ở trâu bò có thể xuất hiện các triệu chứng ỉa chảy, sốt cao, bỏ ăn, cơ bị co cứng… Trong đó triệu chứng cơ co cứng là có giá trị nhất vì nó điển hình cho bệnh. Một triệu chứng ở các giai đoạn bệnh lý khác nhau thì ý nghĩa chẩn đoán cũng khác nhau. 2. Phân loại triệu chứng 2.1. Phân loại theo phạm vi biểu hiện 2.1.1. Triệu chứng cục bộ Là triệu chứng chỉ biểu hiện ở một khí quan, bộ phận nào đó của cơ thể. Ví dụ, âm bùng hơi vùng hõm hông trái của trâu bò trong bệnh chướng hơi dạ cỏ; âm đục ở vùng ngực trong bệnh viêm phổi. 2.1.2. Triệu chứng toàn thân Là triệu chứng xuất hiện do phản ứng của toàn bộ cơ thể đối với nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ: sốt, bỏ ăn, tim đập nhanh, ủ rũ. 2.2. Phân loại theo giá trị chẩn đoán 12
2.2.1. Triệu chứng đặc thù Là triệu chứng chỉ có ở một bệnh, khi gặp triệu chứng ấy thì chẩn đoán đúng ngay. Ví dụ: tĩnh mạch cổ đập dương tính trong bệnh hở van ba lá. * Chú ý: không phải bệnh nào cũng có triệu chứng đặc thù. 2.2.2. Triệu chứng chủ yếu - thứ yếu Triệu chứng chủ yếu bao gồm tất cả những triệu chứng có giá trị chẩn đoán. Nó bao gồm cả triệu chứng đặc thù, triệu chứng điển hình.... Ví dụ: âm "vỗ nước", tiếng "cọ" vùng tim trong bệnh viêm bao tim do ngoại vật. Ngược lại triệu chứng thứ yếu thường ít có giá trị chẩn đoán. Ví dụ: rối loạn tiêu hóa, đi lại khó khăn, phù thũng trong bệnh viêm bao tim do ngoại vật. 2.2.3. Triệu chứng điển hình- không điển hình Triệu chứng điển hình là triệu chứng sinh ra do những bệnh biến điển hình của tổ chức hay khí quan trong cơ thể. Ví dụ: hoàng đản trong rối loạn chức năng gan. Lưu ý: Triệu chứng điển hình không phải là triệu chứng đặc thù. Ở ví dụ trên, hoàng đản do rối loạn chức năng gan gặp trong nhiều bệnh như Leptospirosis, Kí sinh trùng đường máu. Triệu chứng không điển hình là sự thể hiện mập mờ, không rõ. 2.2.4. Triệu chứng cố định- ngẫu nhiên Triệu chứng cố định là triệu chứng thường phát ra trong một quá trình bệnh lý. Ví dụ: tiếng ran nhất định nghe thấy trong bệnh viêm phổi thùy, bệnh viêm phổi phế quản. Ngược lại, triệu chứng ngẫu nhiên là triệu chứng lúc có lúc không trong một bệnh. Ví dụ: hoàng đản trong viêm ruột cata. 2.2.5. Triệu chứng trường diễn- nhất thời Là triệu chứng xảy ra suốt quá trình bệnh. Ví dụ: ho trong trong bệnh viêm phế quản; con vật toát mồ hôi lạnh, thân nhiệt giảm trong bệnh giun chui ống mật. Ngược lại, triệu chứng nhất thời là triệu chứng chỉ xảy ra trong một giai đoạn nào đó của quá trình bệnh. Ví dụ: tiếng ran trong bệnh viêm phổi, con vật la hét từng cơn trong bệnh giun chui ống mật (khi giun không chui lên ống mật thì con vật ngừng la hét). II. Hội chứng (syndroms) 1. Khái niệm Có một số trường hợp bệnh lý khi điển hình bình thường biểu hiện bằng một số triệu chứng nhất định, những triệu chứng nhất định đó tập hợp lại gọi là hội chứng. Thông thường khi gặp các triệu chứng đó ta không thể kết luận được bệnh gì vì nhiều bệnh cùng thể hiện triệu chứng đó. Ví dụ: - Hội chứng hoàng đản (vàng da): ở một số bệnh như: viêm ruột cata, xoắn khuẩn, ký sinh trùng đường máu, viêm gan do virus. - Hội chứng ỉa chảy: triệu chứng ỉa chảy xuất hiện trong một số bệnh như: viêm ruột cata, bệnh phó thương hàn, bệnh dịch tả... 13
III. Khái niệm chẩn đoán 1. Khái niệm: Chẩn đoán là phán đoán bệnh thông qua các triệu chứng. Một chẩn đoán phải chú ý đến các nội dung như: Vị trí bệnh biến trong cơ thể: bệnh ở gan, tim, phổi hay thận ... Tính chất của những thay đổi đó: viêm, áp xe, phù hay hoại tử; xung huyết, xuất huyết, tụ huyết, nhồi huyết hay bần huyết, bệnh kế phát, bội nhiễm hay tái phát. Hình thức, mức độ những rối loạn chức năng: phổi viêm ở các thời kỳ gan hóa hay nhục hóa, ổ viêm thuộc dạng viêm loét hay viêm tăng sinh... Nguyên nhân gây bệnh: vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, độc chất, chấn thương, môi trường. Một quá trình bệnh lý thường rất phức tạp. Do vậy, để kết quả chẩn đoán chính xác và hoàn thiện, khi tiến hành chẩn đoán cần khám kỹ càng, phân tích nhiều mặt, tiến hành nhiều khâu. Kết hợp khám cơ bản và xét nghiệm chuyên biệt. Kết luận chẩn đoán không phải là bất di bất dịch mà có thể thay đổi theo quá trình bệnh vì chẩn đoán nhiều mặt, nhiều giai đoạn mới phản ánh đầy đủ quá trình bệnh. 2. Phân loại chẩn đoán Dựa vào phương pháp hay thời gian chẩn đoán mà ta có các loại chẩn đoán sau: 2.1. Theo phương pháp chẩn đoán 2.1.1. Chẩn đoán trực tiếp Là chẩn đoán căn cứ vào các triệu chứng điển hình của bệnh. Nghĩa là cách này chỉ có kết quả khi quá trình bệnh lý của một bệnh nào đó xuất hiện triệu chứng điển hình. Ví dụ, tiếng thổi tâm thu trong bệnh hẹp lỗ nhĩ thất tim; xuất huyết trên da lợn hình vuông tròn trong bệnh đóng dấu. 2.1.2. Chẩn đoán phân biệt Với những triệu chứng phát hiện thấy trên con vật bệnh, liên hệ đến các bệnh khác có cùng một số triệu chứng, rồi loại dần các điểm không phù hợp. Cuối cùng còn lại một bệnh có nhiều khả năng nhất là bệnh mà gia súc đang mắc. Ví dụ: chẩn đoán phân biệt các bệnh sau: - Bệnh xung huyết phổi và viêm phổi: hai bệnh trên đều có triệu chứng giống nhau là khó thở nhưng trong bệnh xung huyết phổi thì con vật không sốt. Ngược lại trong bệnh viêm phổi thì con vật sốt. - Bệnh viêm ruột thể ca ta và viêm ruột: viêm ruột thể ca ta thì con vật không sốt. Nhưng viêm ruột thì con vật sốt cao. - Viêm phổi thùy và viêm phổi - phế quản: viêm phổi phế quản sốt theo kiểu lên xuống, còn viêm phổi thùy thì sốt liên miên. - Chẩn đoán phân biệt 4 bệnh đỏ của lợn (học trong vi sinh vật học- truyền nhiễm). 2.1.3. Chẩn đoán sau một thời gian theo dõi Có nhiều bệnh triệu chứng không điển hình, sau khi khám không thể kết luận được bệnh và phải tiếp tục theo dõi, phát hiện thêm các triệu chứng mới đủ căn cứ để chẩn đoán bệnh. 14
2.1.4. Chẩn đoán theo kết quả điều trị Với những trường hợp mà triệu chứng lâm sàng gần giống nhau, sau khi khám rất khó kết luận bệnh này hay bệnh khác. Do đó cần điều trị một trong số bệnh đó và theo kết quả mà rút ra chẩn đoán. Ví dụ chẩn đoán bệnh dịch tả lợn và tụ huyết trùng lợn sau khi điều trị; chẩn đoán bệnh đóng dấu lợn và tụ huyết trùng lợn sau khi điều trị. 2.2. Theo thời gian chẩn đoán 2.2.1. Chẩn đoán sớm Là chẩn đoán mà kết luận bệnh thực hiện được ở ngay thời kỳ đầu của quá trình bệnh lý. Chẩn đoán sớm là mục đích của người làm công tác thú y vì nó sẽ giải quyết được các vấn đề về phòng và điều trị bệnh hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế. 2.2.2. Chẩn đoán muộn Là chẩn đoán mà ta chỉ có thể kết luận được bệnh ở giai đoạn cuối của quá trình bệnh, thậm chí khi gia súc đã chết, mổ khám mới có kết luận bệnh. 2.3. Chẩn đoán theo mức độ chính xác 2.3.1. Chẩn đoán sơ bộ Là kết luận bệnh sau khi khám sơ bộ. Đây là cơ sở cho những phương pháp điều trị. Chẩn đoán sơ bộ còn nhiều nghi vấn, phải tiếp tục theo dõi để bổ sung thêm để chẩn đoán được chính xác. 2.3.2. Chẩn đoán cuối cùng Là kết luận chẩn đoán sau khi áp dụng nhiều phương pháp như khám, xét nghiệm; hoặc thông qua kết quả điều trị. 2.3.3. Chẩn đoán nghi vấn Là kết luận chẩn đoán tạm thời, đưa ra khả năng có thể khi gặp các trường hợp bệnh lý có triệu chứng mập mờ, diễn biến phức tạp. Cần phải theo dõi kỹ diễn biến của bệnh và kết quả điều trị để có kết luận chính xác hơn. IV. Khái niệm về tiên lượng (prognosis) 1. Khái niệm: Tiên lượng là sự phán đoán về tương lai của bệnh như: bệnh còn kéo dài bao lâu, những bệnh nào có thể kế phát, con vật sống hay chết, có khỏi hoàn toàn không, khả năng khai thác, sản xuất của con vật sau khi khỏi như thế nào (giá trị kinh tế). Một tiên lượng chính xác đòi hỏi phải suy xét nhiều yếu tố, kết hợp chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán phòng thí nghiệm. Chẩn đoán là kết luận hiện tại, tiên lượng là kết luận cho tương lai. 2. Phân loại tiên lượng: Có thể có 3 kết luận về tiên lượng: - Tiên lượng tốt: là con vật khỏi bệnh, có khả năng phục hồi hoàn toàn về chức năng, vẫn còn giá trị về kinh tế. - Tiên lượng xấu: là gia súc sẽ chết, hoặc có thể sống nhưng không lành hoàn toàn, mất khả năng sản xuất và sinh sản; nếu điều trị khỏi cũng tốn kém, mất nhiều thời gian. 15
- Tiên lượng nghi ngờ: là trường hợp bệnh biến phức tạp, triệu chứng rất mập mờ không thể kết luận được bệnh và xác định tiên lượng. Câu hỏi ôn tập - Khái niệm triệu chứng, phân loại theo phạm vi biểu hiện? -Triệu chứng điển hình, đặc thù, cố định, trường diễn? - Khái niệm “chẩn đoán”, phân loại chẩn đoán theo phương pháp? - Phân loại chẩn đoán dựa theo thời gian chẩn đoán? - Phân loại chẩn đoán theo mức độ chính xác? - Tiên lượng là gì? Có mấy loại tiên lượng ? Tài liệu tham khảo - Lê Hữu Nghị (2006), Chẩn đoán thú y, ĐH Nông Lâm, Huế - Hồ Văn Nam (1979), Chẩn đoán bệnh không lây, NXB Nông nghiệp, Hà Nội. - Definition on the web: http://en.wikipedia.org/wiki/Symptom
16
CHƯƠNG II CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁM BỆNH CHO CON VẬT Tóm tắt chương Nội dung của chương trình bày ngắn gọn các phương pháp khám bệnh lâm sàng rất thường dùng trong thú y như phương pháp nhìn, phương pháp sờ nắn, phương pháp gõ và phương pháp nghe. Ngoài ra chương cũng đề cập đến những ưu nhược điểm của các phương pháp lâm sàng và so sánh với các phương pháp chẩn đoán phòng thí nghiệm khác. Nội dung của chương được trình bày trong 10 trang ứng với 6 tiết giảng trên lớp. Mục tiêu của chương Mục tiêu của chương nhằm cung cấp cho người học những kỹ thuật khám bệnh lâm sàng quan trọng mà nó sẽ theo người học trong suốt quá trình thực tập khám bệnh ở lâm sàng và cho cả quá trình công tác sau này. Mặt khác nó cũng giúp người học chọn cho mình một phương pháp thích hợp nhất trong điều kiện cụ thể nào đó, bảo đảm an toàn cho người khám cũng như cho cả bệnh súc. Nội dung của chương I. Các phương pháp lâm sàng 1. Phương pháp nhìn (inspectio) Nhìn ngoài là phương pháp khá đơn giản nhưng chính xác. Nó được sử dụng rộng rãi trong thú y. Để đảm bảo an toàn cho người khám, sau khi con vật đã được cố định hoặc được chủ của nó cầm giữ mới được quan sát. Nhìn từ xa lại gần để làm quen với gia súc, tránh tác động đột ngột làm cho con vật có phản xạ tự vệ bất lợi cho người khám. Nhìn bằng mắt thường hoặc có thể dùng đèn chiếu tùy từng trường hợp Tùy theo mục đích và vị trí nhìn mà đứng xa hay gần con vật. Cần tập quan sát các con vật trong trạng thái sinh lý mới dễ dàng phát hiện ra triệu chứng khi chúng mắc bệnh. Nên rèn luyện cách nhìn từ tổng quát đến cục bộ. Thường thì bắt đầu bằng nhìn tinh thần gia súc, thể cốt, tình hình dinh dưỡng; sau đó đến các bộ phận như: đầu, cổ, lồng ngực, vùng bụng và 4 chân. Nhìn vùng đầu: chú y tới sự biến đổi của niêm mạc mắt, mũi, miệng, quan sát sừng, ngà, vòi chú ý sự gãy, dập. Quan sát lưng: chú ý độ cong của xương sống (lưng cong cứng trong bệnh uốn ván) Quan sát hai bên sườn, đối chiếu so sánh giữa hai bên (loài nhai lại khi bị chướng hơi dạ cỏ, bụng bên trái thường rất to; ngược lại khi con vật có thai thì bụng phải to hơn bên trái) Quan sát vùng bụng xem vú có sưng không (con cái); quan sát vùng đuôi và âm hộ (con cái) có dịch chảy ra không, dịch hoàn (con đực) có sưng không... 2. Phương pháp sờ, nắn (Palpatio) Phương pháp này cũng được áp dụng khi con vật đã được cố định, đảm bảo an toàn cho người khám. Sờ nắn để xác định ôn độ, độ ẩm, đàn tính của da, cảm giác đau. Sờ nắn còn biết được tính chất của tổ chức (ung thư, áp xe, hecni hay khí thũng...) 17
Sờ nắn để bắt mạch, đo huyết áp, khám trực tràng, khám thai. Có hai cách sờ nắn: + Sờ bề mặt: là sờ những bộ phận nông để biết ôn độ, độ ẩm của da, lực căng của cơ; sờ để biết tần số hô hấp, tần số mạch đập và hoạt động của thành ngực khi con vật hô hấp. + Sờ sâu: để khám các khí quan sâu như sờ dạ cỏ, kiểm tra ngoại vật, khám thai qua trực tràng. Sờ nắn tổ chức hay khí quan, tùy theo cảm giác ở tay có thể có những trạng thái sau: + Dạng ba động: sờ có cảm giác lùng nhùng, di chuyển, ấn tay có vết lõm. Trạng thái này gặp khi tổ chức bị thủy thũng, ổ mủ. + Dạng nhão bột: cảm giác như ấn tay vào túi bột, chỗ ấn để lại vết tay ấn. Trạng thái này gặp trong bệnh bội thực dạ cỏ. + Dạng cứng: như lúc sờ vào gan + Dạng rất cứng: như lúc sờ vào xương 3. Phương pháp gõ (Percussis) Các cơ quan, tổ chức của cơ thể có vị trí giải phẫu khác nhau, cấu tạo khác nhau và tính chất khác nhau nên khi bị chấn động cũng phát ra các âm khác nhau. Khi gõ vào cơ quan tổ chức là tạo ra chấn động và làm phát ra âm thanh. Khi bị bệnh, tính chất của tổ chức thay đổi nên âm thanh phát ra khác với khi tổ chức bình thường. Sự khác nhau về âm thanh phát ra lúc tổ chức lành và khi tổ chức bị bệnh cho phép ta chẩn đoán được bệnh. Do vậy, phương pháp gõ được dụng rộng dãi trong thú y cũng như y tế. Để có thể chẩn đoán được bệnh thông qua gõ, người khám cần có kinh nghiệm và có thành thạo về kỹ thuật gõ. 1. Kỹ thuật gõ 1.1. Gõ trực tiếp: là dùng ngón tay gõ trực tiếp lên thân con vật; với con vật nhỏ thì dùng các ngón tay phải co lại và gõ theo chiều lòng bàn tay úp xuống dưới; với con vật lớn thì gõ theo chiều lòng bàn tay ngửa lên trên. Cách gõ này lực gõ yếu, âm thanh phát ra nhỏ, trong thú y ít dùng. 1.2. Gõ gián tiếp: là gõ qua một vật trung gian, có hai cách gõ gián tiếp. 1.2.1. Gõ qua ngón tay: dùng ngón trỏ và ngón giữa trái áp lên thân gia súc, ngón giữa phải cong lại và gõ lên đó. Nên tập gõ từ cổ tay, không dùng lực của cánh tay. 1.2.2. Gõ có búa và bản gõ: là thay tay gõ bằng búa gõ, tay đệm bằng bản gõ. Búa gõ làm bằng kim loại hoặc bằng gỗ, sừng, nhựa; bản gõ cũng có thể được làm từ những chất liệu trên. Búa gõ và bản có có nhiều loại với kích cỡ khác nhau với mục đích là sao cho dễ cầm khi khám và gọn nhẹ. 2. Các âm phát ra khi gõ 2.1. Âm trong - âm đục Âm trong vang, âm hưởng dài gặp khi gõ vào vùng khí quản, vùng phổi Âm đục yếu, ngắn gặp khi gõ vào vùng gan, cơ. 18
Âm trong hay âm đục là do tính chất của tổ chức đặc hay xốp, tính đàn hồi của tổ chức cao hay thấp, lượng khí tích trong đó nhiều hay ít. Lúc có bệnh, tổ chức vốn xốp chuyển thành đặc lại, lượng khí chứa trong đó ít hoặc bị đẩy ra hết, đàn tính của tổ chức bị mất... làm cho âm gõ chuyển từ trong sang đục. Ví dụ âm đục ở vùng phổi trong bệnh viêm phổi ở thời kỳ gan hóa, nhục hóa. Ngược lại, tổ chức vốn đặc nay chứa khí, khi gõ sẽ thấy âm bùng hơi. Ví dụ gõ vào ổ ung khí thán. 2.2. Âm cao hay âm thấp Phụ thuộc vào mức độ chấn động của tổ chức được gõ. Chấn động càng nhiều thì âm gõ càng cao và ngược lại. 2.3. Âm dài - âm ngắn Do chấn động kéo dài hay tắt ngay, âm này khó phân biệt nên ít có ý nghĩa trong chẩn đoán. 2.4. Âm trống Là âm nghe được khi gõ vào túi khí trong tổ chức của cơ thể, âm này to nhưng không vang. Ví dụ gõ vào phần trên dạ cỏ (trâu, bò), phần dưới manh tràng (ngựa). Cấu trúc của tổ chức khác nhau nên âm phát ra khi gõ khác nhau, mặt khác trong thú y có nhiều con vật to, nhỏ khác nhau nên việc phân biệt các âm gõ càng trở nên phức tạp. Người khám cần phải tập gõ nhiều và nghe quen các âm gõ. Gõ chỉ áp dụng ở vùng tim, phổi, dạ dày, ruột, gan, lách và xoang trán. 4. Phương pháp nghe (thính chẩn = Auscultatio ) Nguyên lý của phương pháp nghe là dựa vào âm thanh phát ra từ các cơ quan bộ phận trong cơ thể khi chúng hoạt động. Do tính chất hoạt động, cấu tạo của các cơ quan khác nhau nên âm hưởng nghe được cũng khác nhau (giống khi gõ). Chúng ta có thể dựa vào các âm thanh nghe được để chẩn đoán bệnh cho con vật. 4.1. Nghe trực tiếp Lấy một miếng vải, một tờ giấy đặt lên vùng nghe. Sau đó người khám áp tai của mình lên đó để nghe. Phương pháp này đôi khi không nghe được ở một số vị trí khó nên chỉ dùng khi không có ống nghe. 4.2. Nghe gián tiếp Phương pháp này là dùng ống nghe (Stethoscope). ống nghe có nhiều loại, loại có một tai nghe, loại có nhiều tai nghe. Nhưng phổ biến hay dùng hiện nay là loại có hai tai nghe. Để nghe được chính xác thì con vật phải được để ở nơi yên tĩnh và con vật cũng phải trong trạng thái yên tĩnh; không để cho nó kêu la,dãy đạp, rên rỉ. II. Các phương pháp cận lâm sàng Sự tiến bộ của khoa học trong mọi lĩnh vực đã góp phần vào việc phát triển các phương pháp cận lâm sàng để giúp cho sự chẩn đoán của y học thêm chắc chắn. Các phương tiện đó ngày càng nhiều, càng chính xác và tinh vi. Các thăm dò cận lâm sàng có thể nhằm vào 4 loại mục đích: 19
1. Để nhận định hình thái: Thường là các phương pháp: - X quang; chiếu và chụp, chụp thường hoặc có thuốc cản quang. - Soi nội tạng. - Đồng vị phóng xạ. 2. Để nhận định tổn thương, giải phẫu bệnh học: Đây là các phương pháp sinh thiết phủ tạng (sinh thiết mù hoặc tốt hơn hết sinh thiết dưới sự kiểm tra của mắt) để lấy ra một mẫu tổ chức đem xét nghiệm. - Vi mô: tìm các tổn thương giải phẫu bệnh học, thường có giá trị chẩn đoán chắc chắn nhất. - Sinh hoá mô đã áp dụng ở các nước có khoa học tiến bộ. 3. Để tìm tác nhân gây bệnh: Xét nghiệm giải phẫu bệnh học nói trên cũng là một phương pháp tìm tác nhân gây bệnh (sinh thiết một hạch to để biết tác nhấn gây bệnh là ung thư hay lao tuỳ theo hình thái giải phẫu bệnh học có tế bào ung thư hay tế bào khổng lồ của lao). Ngoài ra còn phương pháp khác để tìm một cách trực tiếp hay gián tiếp: - Vi khuẩn, virus. - Ký sinh trùng. - Nấm… Ở các thể dịch và các chất thải tiết. 4. Để thăm dò chức năng: Một phần lớn các phương pháp này là các xét nghiệm sinh hoá học. Ngoài ra còn các phương pháp dùng máy móc (do chuyển hoá cơ bản để thăm dò chức năng giáp trạng điện tâm đồ để thăm dò chức năng tim…) và gần đây đã dùng thêm các phương pháp đồng vị phóng xạ. Phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng. 1. Các phương pháp lâm sàng Ưu điểm: Các phương pháp khám lâm sàng đơn giản, không cần đến những máy móc hiện đại, không cần nhiều đến các loại hóa chất đắt tiền, chi phí cho một chẩn đoán thường thấp. Chính vì vậy mà nó có thể áp dụng ở mọi nơi, đặc biệt là ở những nơi xa không có phòng thí nghiệm. Phương pháp này cho kết quả tương đối chính xác hoặc có khi kết luận ngay được bệnh nếu quá trình bệnh xuất hiện các triệu chứng đặc thù. Chẩn đoán lâm sàng còn là định hướng quan trọng cho các chẩn đoán phòng thí nghiệm. Nhược điểm: Sự chính xác của chẩn đoán phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế của người thầy thuốc cũng như diễn biến của quá trình bệnh lý. Mặt khác, rất nhiều 20
trường hợp bệnh biến phức tạp mà căn cứ vào chần đoán lâm sàng khó có thể kết luận là bệnh gì, do nguyên nhân gì. Do vậy nó rất cần sự hỗ trợ của các chẩn đoán cận lâm sàng. 2. Các phương pháp cận lâm sàng Ưu điểm: Đến nay, chưa có ai dám phủ nhận sự cần thiết của các phương pháp cận lâm sàng vì thực tế các phương pháp này đã giúp cho thấy thuộc chẩn đoán: - Thật chính xác. - Thật đầy đủ. - Và nhất là thật sớm, có khi chẩn đoán được bệnh ngay khi còn ở thời kỳ tiền lâm sàng. Nhưng nó không tránh khỏi có nhược điểm. Nhược điểm: Sự đúng sai trong các phương pháp cận lâm sàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: - Phẩm chất của máy móc hay hoá chất dùng trong đó. - Cách lấy và bảo đảm bệnh phẩm từ bệnh phòng đến nơi làm xét nghiệm. - Tinh thần trách nhiệm và khả năng chuyên môn của người làm xét nghiệm. Cho nên đối với các phương pháp cận lâm sàng chúng ta không những cần phải dựa trên sự khám lâm sàng để có chỉ định đúng tránh tình trạng làm tràn lan không cần thiết vừa lãng phí hoá chất, máy móc và sức lao động của người làm xét nghiệm, vừa lãng phí bệnh phẩm nhất là máu và huyết thanh của vật bệnh, có khi lại làm mệt vật bệnh mà không cần thiết. Mặt khác cần dựa trên lâm sàng để nhận định các kết quả đó, nghĩa là phải đối chiếu các kết quả cận lâm sàng với bệnh cảnh lâm sàng: nếu không phù hợp thì cần kiểm tra lại, cả lâm sàng và cận lâm sàng nếu cần thiết thì cho làm lại xét nghiệm cận lâm sàng. Có như thế chúng ta mới có được những tài liệu chính xác về lâm sàng cũng như cận lâm sàng, những yếu tố cần thiết để chúng ta đi sang phần chẩn đoán. Câu hỏi ôn tập - Trình bày phương pháp nhìn ? - Trình bày phương pháp sờ nắn ? - Trình bày Phương pháp nghe ? - Trình bày phương pháp gõ ? - Các thăm dò cận lâm sàng nhằm mục đích gì ? - Lợi ích và nhược điểm của các phương pháp cận lâm sàng - Lợi ích và nhược điểm của các phương pháp lâm sàng Tài liệu tham khảo -
Lê Hữu Nghị (2006), Chẩn đoán thú y, ĐH Nông Lâm, Huế.
-
Lê Hữu Nghị (2006), Thú y cơ bản, ĐH Nông Lâm-Huế. 21
-
Hồ Văn Nam (1979), Chẩn đoán bệnh không lây, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
-
Hồ Văn Nam, Nguyễn Đào Nguyên, Nguyễn Văn Thạch (2003), Bệnh Nội khoa gia súc, ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội.
22
Chương V Khám chung Tóm tắt chương Nội dung của chương được trình bày tóm tắt trong 24 trang tương ứng với 8 tiết giảng trên lớp. Nội dung tập trung giới thiệu các tiến trình khám tổng thể con bệnh như kiểm tra niêm mạc, than nhiệt, khám lông, khám da, khám hạch lâm ba. Với mỗi phần khám chúng tôi có sự so sánh giữa các loài vật khác nhau. Chẳng hạn như nhiệt độ của mỗi loài khác nhau, màu sắc niêm mạc của mỗi loài cũng khác nhau Mục tiêu của chương Mục tiêu của chương là cung cấp cho người học những kỹ năng khám tương ứng với mỗi một cơ quan nhất định. Ngoài ra cũng giúp người học nhớ lại kiến thức cơ bản của môn giải phẫu và sinh lý gia súc. Người học sẽ có kiến thức tổng thể về cách khám, đánh giá một cơ quan mắc bệnh theo sự biểu hiện khác nhau của các triệu chứng. Từ đó có thể phân loại được bệnh và đi đúng hướng cho những phương pháp khám chuyên biệt và các chẩn đoán cận lâm sàng khác. Nội dung của chương I. Hỏi bệnh Trước khi khám bệnh cần hỏi tên và địa chỉ của gia chủ để tránh nhầm lẫn giữa các ca bệnh. Sau đó là hỏi họ các thong tin sau đây lien quan đến bệnh súc: Loài, giống: Các loài, giống khác nhau đôi khi mắc các bệnh khác nhau, hoặc mắc cùng một bệnh nhưng thể hiện triệu chứng khác nhau. Tuổi: Một số bệnh lại chỉ xảy ra ở một lứa tuổi nhất định Tính biệt: bệnh ở con đực khác ở con cái Trọng lượng: ở cùng độ tuổi, một số cá thể to khỏe lại dễ mắc một số bệnh. Mặt khác biết trọng lượng cho phép tính được liều lượng thuốc sẽ đưa vào cơ thể. Gia chủ đã mua con vật về lâu chưa: con vật mới bắt về có thể chưa bình thường trở lại do các tress vận chuyển; một số bệnh lại phát ra ngay sau khi con vật bị chuyển vùng. Nuôi con vật để làm gì: mỗi một loại hình khai thác con vật sẽ làm nảy sinh các bệnh theo các loại hình khai thác đó. Các bệnh đã được tiêm phòng, thời gian tiêm phòng: con vật chưa được tiêm phòng bệnh nào thì có nguy cơ mắc bệnh đó nhiều hơn. Tình hình thức ăn, nước uống, chăm sóc - quản lý con vật: chăm sóc quản lý con vật không tốt đôi khi làm con vật mắc một số bệnh. Tình hình dịch bệnh tại chỗ: nhiều bệnh tồn tại lưu cữu tại địa phương, thỉnh thoảng lại phát lại. Thời gian mắc bệnh: biết thời gian mắc bệnh cho phép chẩn đoán nguyên nhân bệnh, tính chất của bệnh, tiên lượng. Số lượng gia súc mắc bệnh: cho ta biết tỷ lệ ốm, chết. Sau đó căn cứ vào triệu chứng để xem con vật mắc bệnh gì, bệnh truyền nhiễm hay trúng độc.
23
Do nguyên nhân gì: có khi gia chủ biết nguyên nhân gây bệnh, cũng có khi ta gợi ý mà gia chủ suy luận ra nguyên nhân. - Hỏi các phương pháp điều trị mà bệnh súc đã được áp dụng trước ngày vào viện và tác dụng của các phương pháp đó. Chẳng hạn bệnh súc đã dùng thuốc gì, liều lượng, liệu trình là bao nhiêu, hiệu quả của các phương pháp đó như thế nào: từ đó có thể suy ra bệnh. Sau khi biết các thông tin nói trên, tiến hành hệ thống lại các tài liệu thu thập được, phân tích, đối chiếu tìm mối liên hệ giữa chúng và từ đó dự kiến chẩn đoán. Tuy nhiên có trường hợp thông tin cung cấp từ gia chủ không đủ, không đúng, thiếu khách quan nên trong lúc điều tra phải biết lựa chọn những điểm không phù hợp để hỏi lại cặn kẽ. Khi chẩn đoán bệnh cho con vật, để khỏi bỏ sót các thông tin cần thiết, nên khám theo một trình tự nhất định dưới đây: Khám chung bao gồm: thể cốt; trạng thái dinh dưỡng; tập tính của con vật; khám niêm mạc; khám hạch lâm ba, lông, da; kiểm tra thân nhiệt. Sau đó khám các hệ thống: hệ tuần hoàn; hệ hô hấp; hệ tiêu hóa; hệ tiết niệu; hệ thần kinh; máu và các cơ quan tạo máu. Tuy nhiên, không phải khám tất cả các trường hợp bệnh theo thứ tự như trên, mà tùy từng ca bệnh cụ thể, người khám đưa ra trình tự khám cho phù hợp. Nên khám kỹ những cơ quan thấy cần thiết cho việc nhanh chóng tìm ra bệnh. Khi đã biết rõ nguyên nhân và bệnh biến ở khí quan, bộ phận nào đó của con vật bệnh, người khám cũng không được coi nhẹ hay bỏ qua việc khám các cơ quan, bộ phận khác. Có những ca bệnh chỉ cần khám một lần là có thể xác định được bệnh, nhưng cũng có những trường hợp người khám phải khám đi khám lại nhiều lần mới chẩn đoán được con vật mắc bệnh gì. Những lần khám lại tùy theo nghi vấn mà áp dụng các phương pháp khám sâu hơn đối với các khí quan nghi bệnh. II. Khám bệnh Kết thúc việc hỏi bệnh, thầy thuốc tiến hành khám trực tiếp trên cở thể bệnh súc để tìm các triệu chứng xuất hiện ngay lúc đó. 1. Quan sát các biểu hiện khác thường của con vật - Đứng co cứng: bốn chân thẳng cứng, lưng thẳng, đầu khó quay về phía sau, đi lại khó khăn, khó thở. Kiểu này con vật thường mắc các bệnh về thần kinh, các bệnh gây trở ngại về hô hấp, bệnh viêm phúc mạc, viêm bao tim do ngoại vật, bệnh uốn ván, bệnh viêm âm đạo nặng. - Đứng không vững: thường gặp trong hội chứng đau bụng ngựa, bệnh lồng xoắn ruột ở trâu, bò, lợn; cũng có khi là con vật bị đói lả, hay sau khi bị cảm nắng, mới tỉnh lại sau khi gây mê. - Vận động lung tung: thường gặp trong các bệnh có triệu chứng thần kinh như: Newcatsle, Tụ huyết trùng trâu bò thể quá cấp, ấu sán não cừu; hay trong một số bệnh như bại liệt sau khi đẻ, chứng xetol huyết của bò sữa cao sản. 2. Quan sát thể tạng Thể tạng là những đặc tính chung của cơ thể về mặt hình thái bên ngoài và tổ chức của các khí quan bên trong cơ thể. Thể tạng thường do di truyền để lại, nhưng có thể thay đổi 24
trong những điều kiện ngoại cảnh thích hợp. Quan sát thể tạng không chỉ có ý nghĩa trong chọn giống mà trong chẩn đoán nó cũng rất quan trọng. Theo Pavlov, nhân tố chủ yếu tạo lên thể tạng là thần kinh. Trong ngành thú y chúng ta thường dùng cách phân loại hình thể tạng của Kulesov. + Loại hình thon nhẹ: thể hiện bằng xương bé, 4 chân nhỏ, da mỏng, lông ngắn và mịn, trao đổi chất mạnh, nhanh nhẹn, nhạy bén với các kích thích xung quanh. Loại này mắc bệnh cũng dễ điều trị và mau hồi phục + Loại hình thô: con vật thể hiện bằng xương to, da khô, dầy, lông xù, cứng, đầu to, ăn nhiều nhưng hiệu xuất làm việc kém. Loại này sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh. +. Loại hình chắc nịch: cơ thể rắn chắc, nẳn, da bóng và mềm, năng xuất làm việc cao. Loại này mắc bệnh thì thường mau khỏi, sức đề kháng tốt + Loại hình thô nhão: thịt nhiều, mỡ dày, chân to, ngắn, đầu to, đi lại chậm chạp, sức đề kháng bệnh tật kém, năng xuất làm việc thấp. Con vật có thể tạng khác nhau có sức đề kháng với bệnh tật khác nhau nên khi bị bệnh, quá trình thể hiện triệu chứng cũng khác nhau. Vì vậy khi chẩn đoán nên chú ý đến thể tạng con vật để đánh giá triệu chứng, khả năng diễn biến của bệnh và tiên lượng của bệnh. 2. Khám niêm mạc Niêm mạc là nơi những mạch máu nhỏ bộc lộ khá rõ. Vì vậy, khám niêm mạc ngoài việc biết được tình trạng chung của cơ thể, trao đổi khí CO2... còn có thể biết được con vật đang mắc bệnh gì qua sự thay đổi của niêm mạc. Những con vật da có nhiều sắc tố như trâu, bò, ngựa, lợn đen; hoặc da có lông vũ như đà điểu, vịt, gà... thì việc khám niêm mạc càng trở nên quan trọng vì khó thấy sự biến đổi và màu sắc của da. Nói chung, những niêm mạc bên ngoài như niêm mạc mắt, niêm mạc miệng, mũi, âm hộ đều có thể khám được Để biết được các biến đổi của niêm mạc ta cần biết trạng thái sinh lý của niêm mạc. Niêm mạc của mỗi loài có trạng thái sinh lý khác nhau: Niêm mạc mắt của trâu bò màu đỏ, ít ánh quang Niêm mạc mắt ngựa đỏ thẫm hơn của trâu bò, Niêm mạc mắt lợn, dê cừu có màu hồng nhạt và rất dễ thay đổi khi bị tác động nên khi khám cần tránh đè mạnh hoặc ánh sáng chiếu trực tiếp vào niêm mạc Lúc định mức độ và tính chất thay đổi màu sắc niêm mạc cần có sự so sánh với bên đối diện. 2.1. Khám niêm mạc mắt a) Khám cho ngựa Người khám đứng về phía mắt cần khám, một tay cầm cương; tay còn lai làm như sau: ấn ngón trỏ vào mi mắt trên, ngón cái kéo mi dưới để bộc lộ niêm mạc trong khi các ngón còn lại tì vào phần ngoài khoang mắt trên làm điểm tựa. b) Khám cho trâu bò Khám cho trâu bò cũng giống như khám cho ngựa. Nhưng có thể dùng cách kéo sừng trâu bò về một bên để bộc lộ niêm mạc. 25
c) Khám cho gia súc nhỏ và gia cầm Dùng ngón trỏ và ngón cái mở rộng mí mắt để thấy rõ niêm mạc 2.2. Những thay đổi bệnh lý ở niêm mạc - Niêm mạc nhợt nhạt Niêm mạc nhợt nhạt là triệu chứng của bệnh thiếu máu; thiếu máu vùng đầu hoặc hàm lượng huyết sắc tố thấp. Tùy theo mức độ thiếu máu mà niêm mạc ta có thể quan sát thấy: + Niêm mạc nhợt nhạt cấp tính Niêm mạc nhợt nhạt cấp tính gặp trong trường hợp con vật bị mất quá nhiều máu trong thời gian ngắn (vỡ gan, lách, dạ dày, xuất huyết tử cung hoặc các vết thương ngoại khoa) + Niêm mạc nhợt nhạt lâu ngày Niêm mạc nhợt nhạt kéo dài thường do con vật bị suy dinh dưỡng, bị bệnh ký sinh trùng, viêm ruột mạn tính; một số bệnh truyền nhiễm mạn tính như lao, suyễn... - Niêm mạc đỏ ửng + Đỏ ửng cục bộ Do các mạch máu ở mắt bị xung huyết. Nếu xung huyết nặng mạch máu nổi rõ như chùm dễ cây. Loại xung huyết này thường gặp trong các bệnh như: viêm não, xung huyết não, vùng đầu bị ứ máu hoặc do tĩnh mạch cổ bị tắc; các bệnh ở tim, phổi gây rối loạn tuần hoàn. + Đỏ ửng lan tràn Toàn bộ niêm mạc mắt đỏ. Nguyên nhân có thể do trúng độc, trong máu có nhiều khí Carbonic và thiếu Oxy; do mắc các bệnh gây sốt quá cao và thường là các bệnh truyền nhiễm. - Niêm mạc hoàng đản Khi trong máu chứa nhiều sắc tố mật Bilirubin sẽ gây ra hoàng đản (vàng da). Mức độ vàng niêm mạc phụ thuộc vào lượng Bilirubin có trong máu và màu sắc của niêm mạc. Niêm mạc có màu trắng thì dễ thấy hiện tượng hoàng đản. ở ngựa bình thường lượng Bilirubin trong máu đạt 1,5mg% đã thấy hiện tượng hoàng đản; nhưng nếu niêm mạc xung huyết đỏ ửng, lượng Bilirubin trong máu đạt đến 8mg% vẫn khó thấy hoàng đản. Niêm mạc hoàng đản thường thấy trong các bệnh ở gan, gan bị tổn thương; do tắc ống dẫn mật, sỏi ống dẫn mật; hoặc khi hồng cầu bị vỡ với số lượng lớn (trúng độc). - Niêm mạc tím bầm Do rối loạn nghiêm trọng ở vòng tiểu tuần hoàn, gây trở ngại việc trao đổi khí CO2 và khí O2. CO2 tích lại nhiều trong máu tạo nên Carboxyhaemoglobin (máu đen). Các bệnh như: viêm bao tim, viêm cơ tim, suy tim, hở van tim...làm hạn chế việc trao đổi khí gây niêm mạc tím bầm; hoặc do các bệnh truyền nhiễm, trúng độc, con vật bị xẹp phổi, khí thũng phổi. - Niêm mạc sưng Thành niêm mạc dày hơn, thể tích niêm mạc tăng nên niêm mạc lồi ra ngoài. Niêm mạc sưng gặp trong các bệnh cảm mạo lưu hành ở ngựa, bệnh loét da quăn tai trâu, bò. - Dử mắt (ghèn, ken)
26
Dử mắt là các chất phân tiết ở mắt, các niêm dịch, xác của bạch cầu và vi khuẩn xâm nhập ... tạo nên. Khi mắt có bệnh thì thường xuất hiện dử mắt. Tuy nhiên một số bệnh gây sốt cao hay gây đau đớn kịch liệt thì niêm mạc mắt khô và không có dử mắt (giun chui ống mật). Dử mắt có trong các bệnh loét da quăn tai, uốn ván, dịch tả, bệnh viêm kết mạc, viêm giác mạc ... 3. Khám hạch lâm ba Hạch lâm ba thuộc hệ thống mạch bạch huyết, hạch thường có hình thái hạt đỗ. Hạch thường có màu trắng ngà, bề mặt nhẵn. Nhưng khi bị bệnh thì hạch có thể sưng hoặc teo đi và chuyển màu tím đỏ. Hạch lâm ba rất có ý nghĩa trong chẩn đoán. Một số bệnh làm cho hạch lâm ba thay đổi hết sức đặc trưng (bệnh lao hạch, bệnh tỵ thư, bệnh lê dạng trùng). a) Vị trí và cách khám Khám hạch lâm ba thường sử dụng phương pháp nhìn và sờ nắn, lúc cần thiết có thể chọc dò. Trên cơ thể con vật có rất nhiều hạch lâm ba. Những hạch nhỏ và ở sâu dưới các lớp cơ, bị các khí quan che lấp thì không khám được. Chỉ có thể khám các hạch ở phần nông ngay dưới da như hạch vú, hạch dưới hàm, hạch trước đùi .... - Khám hạch lâm ba ngựa Khám hạch dưới hàm (hình bao dài, to bằng ngón tay trỏ nằm dọc theo mặt trong hai xương hàm dưới, sau gờ động mạch mặt), hạch trước đùi, hạch bên tai, hạch cổ, hạch trước vai. - Khám hạch lâm ba loài nhai lại Khám hạch dưới hàm (hình tròn dẹt, to bằng quả táo, nằm ở phía trong, phần sau xương hàm dưới). Khi khám hạch dưới hàm có thể đứng bên trái hay bên phải con vật tùy theo muốn khám bên nào. Một tay cầm dây cương hay dây thừng, tay còn lại sờ hạch. Khi sờ hạch, ngón cái để bên ngoài xương hàm, 4 ngón còn lại đưa vào cạnh trong và sờ; chú ý đến bề mặt và kết cấu của hạch. Khám hạch trước vai (ở trên khớp bả vai một chút). Khi khám dùng cả 4 ngón ấn mạnh vào mặt trước chùm cơ bả vai sẽ thấy hạch, trâu bò gầy dễ thấy hơn. Khám hạch trước đùi (to bằng hạt mít, nằm phía trước cơ căng cân mạc đùi, khoảng giữa đường nối từ khớp đầu gối tới gờ xương mỏm hông). Lúc khám một tay để lên sống lưng làm điểm tựa, tay con lại ấn mạnh vào vị trí vừa mô tả, đưa qua đưa lại sẽ thấy. Khám hạch trên vú (con cái): hạch nằm dưới chân buồng vú, về phía sau. Lúc khám cần cố định tốt con vật. Hai tay lần theo bẹn đến chân buồng vú, ấn mấy ngón tay sẽ thấy hạch. Khi con vật bị lao có thể sờ thấy hạch cổ, hạch bên lỗ tai, hạch hầu. - Khám cho lợn và loài ăn thịt Khám hạch trong bẹn; các hạch khác có vị trí giống nhưng ở trâu, bò, ngựa nhưng nằm sâu và không sờ được. b) Những thay đổi bệnh lý của hạch lâm ba - Hạch lâm ba sưng cấp tính 27
Hạch sưng, nóng, đỏ, đau; các thùy hạch nổi rõ. Thường do bị viêm do mầm bệnh hoặc độc tố của chúng tác động trực tiếp vào hạch. Hạch sưng cấp tính gặp trong bệnh truyền nhiễm cấp tính, các bệnh nhiễm trùng ... - Hạch lâm ba hóa mủ Sau khi bị viêm cấp tính một thời gian, hạch sẽ dần dần hóa mủ ở bên trong. Phần giữa của hạch mềm ra, hạch có thể bị vỡ ở giữa và có mủ chảy ra. Tùy theo tính chất của viêm mà mủ có màu khác nhau và độ lỏng khác nhau. - Hạch lâm ba tăng sinh Do bị viêm lâu ngày nên hạch lâm ba tăng sinh dần. Tổ chức xung quanh và tổ chức dưới da cũng tăng sinh làm cho hạch và tổ chức này kết thành một khối sờ hạch thấy sưng to và không di động; con vật không còn cảm giác đau. Trường hợp này gặp trong bệnh xạ khuẩn ở bò. Nếu lợn bị lao thì hạch lâm ba cổ, hạch hầu sưng to, cứng và không đau. Hạch lâm ba toàn thân sưng trong bệnh máu trắng (Leucosis). 4. Khám lông Trạng thái lông: Trạng thái lông phản ánh rõ tình trạng của cơ thể về bệnh tật, mức độ dinh dưỡng. Quan sát trạng thái lông phần nào giúp cho người làm công tác chẩn đoán biết được bệnh của con vật và biện pháp để can thiệp. Chẳng hạn nếu thấy con vật bị thiếu khoáng thì có thể đưa ra phương pháp để bổ sung khoáng vào thức ăn cho con vật; nếu là bệnh nào đó thì đưa ra biện pháp chữa trị. Chúng ta có thể gặp một số biểu hiện sau đây: -Lông thô, khô, dài ngắn không đều thường do thức ăn kém, dinh dưỡng tồi; hoặc con vật bị mắc các bệnh mãn tính, bệnh ký sinh trùng. -Thay lông chậm: Các loài vật đều có thời gian thay lông (đổi lông) nhất định trong năm: trâu, bò, ngựa, cừu, chó thường thay lông hai lần vào mùa xuân và mùa thu; gia cầm thường rụng từng đám, thay từng bộ phận. Ngoài ra thời điểm thay lông còn phụ thuộc vào yếu tố cá thể. Thay lông chậm thường do mắc bệnh mãn tính, rối loạn tiêu hóa, sau khi mắc bệnh nặng đã được chữa khỏi. - Với gia súc, thay lông từng đám có thể do bị ghẻ, nấm da; một số trường hợp trúng độc mãn tính, rối loạn thần kinh. 5. Khám da a) Màu của da - Da nhợt nhạt thường do con vật bị thiếu máu, mất máu, bị suy dinh dưỡng hay mắc các bệnh viêm nhiễm lâu ngày. - Da ửng đỏ: do huyết quản ở dưới da bị xung huyết, máu tập trung đến nhiều nên thấy xuất hiện màu đỏ, nếu xung huyết không được khắc phục có thể dẫn tới tụ huyết. Da ửng đỏ có thể là một vùng rộng hay hẹp, đôi khi thấy ửng đỏ toàn thân như trong bệnh sốt cao, bệnh tụ huyết trùng lợn; hay ửng đỏ có kèm theo lấm chấm xuất huyết trong bệnh dịch tả lợn. - Da tím bầm: thường la do rối loạn tuần hoàn gây nên, đã trình bày trong phần niêm mạc tím bầm.
28
- Da vàng: do tổ chức dưới da tích nhiều billirubin làm cho có màu vàng (giống như niêm mạc vàng, do vậy xem lại phần niêm mạc vàng để biết nguyên nhân và cơ chế phát sinh). Thường màu vàng chỉ xuất hiện rõ ở con vật có màu da trắng. Nhìn chung vàng da thường kèm theo vàng niêm mạc nên khám niêm mạc là có thể suy đoán được. b) Nhiệt độ của da Dùng nhiệt kế bán dẫn hoặc dùng mặt ngoài của bàn tay để kiểm tra nhiệt độ của da, với các loài vật khác nhau ta sờ ở các vị trí khác nhau. Do mạch quản ở dưới da phân phối không đều nên nhiệt độ các vùng da khác nhau cũng khác nhau. Ví dụ ở mé ngực của ngựa nhiệt độ da là 35,2oC, trong khi ở chân là 13 - 15oC và ở bàn chân chỉ là 11,5oC; mũi, tai, môi thường nóng hơn đuôi và 4 chân. Nhiệt độ của da còn thay đổi khi con vật hưng phấn hay khi lao tác; hoặc ảnh hưởng bởi lớp lông trên da. Những vùng lông dày da có nhiệt độ cao hơn những vùng lông thưa Trâu, bò, dê, cừu sờ ở mũi, gốc sừng, mé ngực và bốn chân Ngựa sờ ở tai, cuối sống mũi, mé cổ, mé bụng và bốn chân Lợn sờ ở mũi, tai và bốn chân Gia cầm sờ ở mào, cẳng Nhiệt độ của da cao hơn bình thường: do các mao mạch dưới da bị giãn, xung huyết, làm cho da nóng. Trường hợp này gặp trong các bệnh gây sốt cao, khi con vật hưng phấn; con vật bị đau đớn kịch liệt; con vật phải lao tác dưới trời nắng nóng. Một vùng da nhỏ nóng thường do tổ chức ngay dưới da hoặc tổ chức lân cận bị viêm. Nhiệt độ của da thấp hơn bình thường: do tuần hoàn ở dưới da bị trở ngại, máu đến các mạch quản dưới da ít hoặc mất. Thường gặp trong các bệnh bại liệt sau khi đẻ, con vật bị mất nhiều máu, chứng xetol huyết ở bò sữa cao sản, các bệnh gây rối loạn thần kinh. Một vùng da nhỏ lạnh thường do bị thủy thũng hay do bị tê liệt tại chỗ. Bốn chân lạnh thường do suy tim. Da chỗ nóng chỗ lạnh: vùng da nóng và lạnh thường đối xứng nhau. Ví dụ tai này nóng thì tai bên kia lạnh; mé ngực bên kia nóng thì mé ngực bên này lạnh... Hiện tượng này thấy trong các bệnh gây đau đớn kịch liệt (giun chui ống mật, đau bụng ngựa). c) Mùi của da Mỗi loài đều có mùi đặc trưng. Mùi của da do tầng mỡ, mồ hôi và các tế bào thượng bì tróc ra, phân giải mà thành. Tuy nhiên những con vật được tắm chải thường xuyên, da không có mùi đặc biệt; nếu chuồng bẩn, con vật không được tắm chải thì con vật có mùi hôi tanh hoặc sặc mùi phân. Chúng ta cần chú ý một số bệnh mà qua sự biến đổi mùi của da mà chẩn đoán được bệnh: Da có mùi nước tiểu: con vật bị u rê niệu, vỡ bàng quang Da có mùi chloroform: con vật bị xê tôn huyết Da có mùi thối, tanh: con vật bị nhiễm trùng kế phát của bệnh ghẻ, bê nghé bị bệnh phó thương hàn, bệnh bạch lị. d) Độ ẩm của da
29
Độ ẩm của da do sự phân tiết của tuyến mồ hôi ở da quyết định. Các loài khác nhau thì ôn độ khác nhau. Ngựa có nhiều mồ hôi nhất, sau đó đến bò, dê, cừu, lợn, chó, mèo. Gia cầm không có tuyến mồ hôi. Bình thường, da như khô, nhìn kỹ mới có một lớp mồ hôi như sương, nhỏ và mịn. Lúc lao tác hay khí hậu nóng bức thì mồ hôi chảy thành dòng hay thành từng giọt. Các trường hợp cần chú ý: Mồ hôi ra nhiều (vã mồ hôi - Hyperhidrosis): vã mồ hôi toàn thân gặp khi con vật bị khó thở nghiêm trọng như viêm phổi, phổi khí thũng; các bệnh gây rối loạn tuần hoàn nặng; các bệnh gây đau đớn kịch liệt như đau bụng ngựa, viêm móng; các bệnh gây co giật liên tục như uốn ván; con vật bị say nắng; các bệnh sốt cao lúc hạ sốt; lúc tiêm nhiều Adrenalin. Mồ hôi ra nhiều ở từng bộ phận: do tổn thương đầu mút dây thần kinh, do tủy sống bị tổn thương; hoặc do phản ứng của từng vùng (khi ngựa bị vỡ ruột thấy vã mồ hôi ở trên da các cung sườn tương ứng). Mồ hôi có lẫn máu (Hematydrosis): do xuất huyết nên máu chảy ra cùng với mồ hôi. Trường hợp này gặp trong bệnh nhiệt thán và bệnh dịch tả lợn. Mồ hôi ít hơn bình thường (Anhidrosis): do cơ thể bị mất nước như bệnh gây nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt cao, vỡ bàng quang. Con vật già yếu, suy nhược da thường khô. Mồ hôi lạnh và nhầy: gặp khi con vật sắp chết, các trường hợp trúng độc, vỡ dạ dày. Lưu ý: gương mũi của loài nhai lại, chó, lợn thường bóng và có mồ hôi lấm tấm như hạt sương, khi lau khô thì xuất hiện lại rất nhanh. Nếu gương mũi khô là dấu hiệu của sốt. e) Đàn tính của da Đàn tính của da có được do sự co dãn của các tổ chức liên kết, sợi chun, sợi cơ cấu tạo nên da; mạng lưới huyết quản và lâm ba quản, thần kinh và lượng nước trong da. Kiểm tra đàn tính của da bằng cách kéo da lên rồi thả ra và quan sát thời gian da trở lại trạng thái bình thường. Ngựa kéo da cổ; trâu, bò kéo da ngực, con vật nhỏ kéo da lưng. Những con vật non, con vật khoẻ mạnh, dinh dưỡng tốt thì đàn tính của da cao. Khi kéo da lên và thả ra thì da trở lại bình thường rất nhanh. Con vật già yếu, suy dinh dưỡng, các trường hợp mất nước, mất máu thì da khô, đàn tính da kém. Con vật bị viêm da hoặc thiếu chất thì làm cho tổ chức liên kết dưới da tăng sinh, cứng lại va da mất đàn tính. f) Da sưng dày Da sưng dày ở một vùng hoặc lan tràn trên một diện tích rộng, đôi khi chỗ da sưng có ranh giới rõ với vùng da lành. Da sưng dày có thể do thủy thũng, khí thũng, huyết thũng, lâm ba ngoại thấm (không khí, nước hoặc máu vì nguyên nhân nào đó lọt vào dưới da và làm cho da sưng lên) ổ mủ, áp xe, viêm tấy hay trong bệnh nấm xạ khuẩn. Da sưng dày do bị khí thũng: biểu hiện bằng ấn vào da nghe tiếng kêu lạo xạo vì bọt khí vỡ. Thường do bị thương làm rách khí quản, thực quản. Chú ý da không nóng, không đau để phân biệt với triệu chứng da sưng do viêm. Da sưng dày do bị thủy thũng: ấn tay thấy độ đàn hồi da rất kém, da sưng nhưng không căng như trường hợp khí thũng.
30
Nguyên nhân dẫn tới da thủy thũng có thể do áp lực máu trong lòng mạch quản tăng cao làm nước trong máu chui ra ngoài; hoặc do áp lực keo ở tổ chức cao hơn trong lòng mạch quản làm nước thấm ra khỏi lòng mạch quản. Nước thoát ra khỏi lòng mạch tích lại dưới da và gây nên thủy thũng (nếu là máu tích lại dưới da gọi là huyết thũng, nếu là dịch lâm ba thì gọi là lâm ba ngoại thấm). g) Da nổi mẩn (Eruptio) Triệu chứng: những đám màu đỏ nổi trên da và có các hình thái sau đây: - Nốt sần (papylae): dạng này thường có hình tròn to bằng hạt gạo hay hạt đậu. Gặp trong bệnh dịch tả trâu bò, cúm ngựa, viêm đường hô hấp trên truyền nhiễm. - Da nổi mề đay (Urticaria): Những nốt to bằng hạt đậu, có khi bằng nắm tay va làm cho con vật rất ngứa. Gặp trong trường hợp dị ứng, trúng độc thức ăn. - Da có mụn nước (Vesicula): Do tương dịch thẩm xuất tụ lại dưới da tạo thành những mụn nhỏ bằng hạt đậu. Gặp trong bệnh lở mồm long móng, bệnh đậu cừu, bệnh lở mép của dê. - Da có mụn mủ (pustula): mụn giống mụn nước nhưng bên trong là mủ. Thường là ở giai đoạn sau của mụn nước, trong bệnh đậu, bệnh dịch tả lợn, bệnh ca rê ở chó. - Da có nốt loét: do những mụn mủ vỡ ra hoặc da bị hoại tử. Gặp trong bệnh tỵ thư của ngựa, bệnh lao, vết thương ngoài ra bị nhiễm trùng, giai đoạn sau của da nứt nẻ do thiếu kẽm và bị nhiễm trùng kế phát. 6. Kiểm tra thân nhiệt Cơ thể khoẻ mạnh có thân nhiệt ổn định do cơ thể luôn luôn cố giữ thế cân bằng giữa lượng nhiệt tạo ra và hấp thu được với lượng nhiệt thải ra môi trường. Dù sống nơi băng tuyết Xibia hay dưới nắng lửa xích đạo, động vật đẳng nhiệt luôn giữ được thân nhiệt của mình ở mức nhất định. Nhiệm vụ điều hoà nhiệt độ này thuộc về bộ da. Làn da cùng với tứ chi thuộc “vùng vỏ nhiệt”, có nhiệt độ ngoại vi dao động ít nhiều. Nó chịu nóng, chịu lạnh để bảo vệ não và nội tạng. Da bàn tứ chi bao giờ cũng mát hơn da thân. Người xưa cho rằng cơ thể cũng như vạn vật, đều do “ngũ hành” (trong đó có "hỏa") sinh ra. Trái tim được coi như một lò lửa sưởi ấm toàn thân. Do nhận thấy hai vật cọ vào nhau thì nóng ran và khi sốt thì mạch thường nhanh nên có quan điểm cho rẳng việc tim bơm máu xiết vào thành mạch đã tạo nên thân nhiệt. Nhưng điều đó là không đúng. Nhà bác học Italia Boreli đã đem cái nhiệt kế ông vừa phát minh ra để đo nhiệt độ ở tim một con hươu và nhận thấy tim chẳng nóng hơn gan, phổi, ruột... chút nào. Ông kết luận rằng tim không sinh nhiệt mà chỉ truyền nhiệt. Lavoadie (Pháp) và Lomonoxop (Nga) cắt nghĩa rằng ngọn lửa là kết quả của một quá trình ôxy hoá. Thân nhiệt cũng do sự đốt cháy chậm thức ăn trong ôxy dưới tác dụng của các men tạo nên. Một phần năng lượng từ thức ăn sẽ chuyển hoá, toả thành nhiệt; một phần được dự trữ, chủ yếu trong hợp chất ATP. Việc vận động cơ bắp làm tăng sinh nhiệt, thúc đẩy quá trình ôxy hoá đó. Sinh nhiệt là một hiện tượng hoá học. Còn thải nhiệt (chủ yếu qua da) lại là một hiện tượng vật lý. Bình thường, cơ thể thải nhiệt bằng 4 con đường: bức xạ ( 30-60%), dẫn truyền, đối lưu (trao đổi nhiệt qua không khí) và toát mồ hôi (25%). Khi môi trường nóng hơn thân
31
nhiệt thì bức xạ, dẫn truyền hay đối lưu chỉ thu thêm nhiệt vào cơ thể chứ không thải chút nhiệt nào. Lúc này, đường thải nhiệt duy nhất là bốc hơi nước, mồ hôi, hơi thở. Trận tuyến chống nóng lạnh, bảo vệ sự ổn định của thân nhiệt được cơ thể bố trí rất chu đáo. Trên mặt da có những thụ thể nhận biết nóng lạnh. Chúng truyền tin về trung tâm điều hoà sự sinh nhiệt và thải nhiệt ở vùng dưới đồi của não. Nhiệt độ của dòng máu cũng được thông báo về đây. Nhận tin, bộ chỉ huy điều nhiệt liền phát đi những mệnh lệnh đối phó với nóng lạnh, truyền qua các đường thần kinh và thể dịch tới các cơ quan thực hiện như hạch mồ hôi, cơ bắp, tim mạch, phổi, tuyến nội tiết v.v… Nhiệt môi trường tăng dần, đến một mức nào đó sẽ khiến mồ hôi chảy, sau đó là mạch tăng, rồi thân nhiệt cũng tăng. Nhưng mồ hôi sẽ ngừng tăng khi đến một lượng tối đa trong khi mạch và thân nhiệt còn tăng tiếp. Tóm lại, thân nhiệt được tạo ra do các phản ứng oxy hóa trong cơ thể, các phản ứng sinh hóa sảy ra đốt cháy nguyên liệu tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và sản sinh nhiệt lượng. Mặt khác thân nhiệt có được do hấp thu nhiệt từ bên ngoài môi trường. Loài cá có thân nhiệt không ổn định và được xếp vào loài động vật biến nhiệt. Đa số các loài động vật khác (động vật có vú, gia cầm) nhờ thần kinh phát triển, chức năng điều tiết thân nhiệt hoàn chỉnh thì thân nhiệt ổn định trong những điều kiện sống khác nhau. Sở dĩ thân nhiệt giữ được ở mức ổn định là nhờ có quá trình sinh nhiệt và toả nhiệt xảy ra ở cơ thể. Sinh nhiệt là kết quả của các phản ứng oxy hóa trong cơ thể. Tăng sinh nhiệt khi quá trình oxy hóa tăng, tức là quá trình trao đổi chất và năng lượng tăng. Toả nhiệt là một quá trình xảy ra thường xuyên song song với quá trình sinh nhiệt, toả nhiệt là thải bớt nhiệt từ cơ thể ra ngoài để cơ thể khỏi bị nóng lên. Toả nhiệt được thực hiện dưới 3 hình thức: bức xạ, bốc hơi và truyền nhiệt. Thân nhiệt của các loài vật khác nhau thì khác nhau. Thân nhiệt biến đổi trong phạm vi sinh lý phụ thuộc vào những nhân tố như: tuổi, giống, tính biệt, nghỉ hay hoạt động, trạng thái sinh lý, thời gian một ngày đêm. a) Ý nghĩa của việc đo thân nhiệt Đo thân nhiệt là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong chẩn đoán bệnh, thân nhiệt cao hay thấp hơn bình thường là triệu chứng quan trọng. Sự thay đổi về thân nhiệt không chỉ giúp: - Chẩn đoán bệnh, là căn cứ để phán đoán tính chất, mức độ và quá trình tiến triển của bệnh; - Chẩn đoán bệnh cấp tính hay mãn tính: bệnh cấp tính thường gây sốt cao (viêm phổi, dịch tả lợn, dịch tả trâu bò); những bệnh mãn tính thường không gây sốt hoặc sốt nhẹ (bệnh lao, viêm phế quản mãn tính). - Chẩn đoán phân biệt: ví dụ phổi khí thũng, viêm ruột thể ca ta thì gia súc không sốt. Nhưng viêm phổi, viêm ruột thì con vật sốt cao; viêm phổi phế quản sốt theo kiểu lên xuống, còn viêm phổi thùy thì sốt liên miên. Đo thân nhiệt hàng ngày cho phép ta biết được thân nhiệt của từng cá thể ở trạng thái sinh lý để tránh sự hiểu lầm khi căn cứ vào khoảng giao động về thân nhiệt của từng loài. Bảng thân nhiệt bình thường của các loài gia súc
32
Loài vật
Thân nhiệt (oC)
Trâu
37 - 38.,5
Bò
37,5 - 39,5
Dê, cừu
38,5 - 40
Ngựa, la, lừa
37,5 - 38,5
Lợn
38 - 40
Chó
37,5 - 39
Mèo
38 - 39,5
Thỏ
38,5 - 39,5
Gà
40- 42
Vịt
41 - 43
Ngan
41 - 43
Trong quá trình điều trị bệnh, đo thân nhiệt còn giúp chúng ta biết được hiệu quả của điều trị và tiên lượng của bệnh. Điều trị đúng và có kết quả thì thân nhiệt sẽ hạ dần tới mức bình thường. Nhưng cần chú ý nếu đang sốt cao mà thân nhiệt tụt xuống đột ngột là triệu chứng của bệnh trầm trọng. Do vậy việc theo dõi thân nhiệt hàng ngày rất quan trọng. Trong cùng một điều kiện sống, con vật non thân nhiệt cao hơn con vật trưởng thành, già; Thân nhiệt của con đực cao hơn con cái. Giống cao sản có thân nhiệt thấp hơn giống thấp sản. Khi giận giữ và trong thời gian động dục thân nhiệt tăng cao. Lúc hoạt động, thân nhiệt cao hơn lúc nghỉ ngơi, khi con vật lao tác dưới trời nắng nóng thì thân nhiệt có thể cao hơn bình thường 1 - 1,8oC, khi ăn thân nhiệt cao hơn 0,2 - 1oC. Trong một ngày đêm, thân nhiệt thấp nhất vào lúc 1 - 5 giờ sáng và cao nhất vào 4 - 6 giờ chiều. Nhiệt độ môi trường ngoài cũng có ảnh hưởng rõ rệt tới thân nhiệt, mùa rét thân nhiệt tăng để chống rét, mùa nóng cơ thể nhân nhiệt từ bên ngoài làm thân nhiệt cũng tăng lên. Thông thường thân nhiệt giao động trong vòng 1oC là dao động sinh lý. Nếu vượt quá 1oC sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng của cơ thể. Khi thân nhiệt vượt khỏi phạm vi sinh lý thì không nên nghi ngay đó là biểu hiện bệnh lý, mà phải kiểm tra các mặt khác vì có trường hợp thân nhiệt tăng một cách sinh lý (khi con vật vận động, thân nhiệt có thể tăng từ 1 - 3oC, khi con vật động dục, hưng phấn, thân nhiệt cũng tăng). b) Cách đo thân nhiệt - Dụng cụ đo: nhiệt kế thủy ngân, nghiệt kế điện tử…
33
Thông thường dung thang chia độ là độ C (Celsius). Gia súc dùng nhiệt kế 42 oC, gia cầm dùng nhiệt kế 100 oC. Nhưng cũng có thể dùng thang độ F (Fahrenheit). Sự quy đổi từ oC sang oF như sau: Thân nhiệt oF= chỉ số oC * 1,8 + 32 Thân nhiệt oC = (chỉ số oF - 32) : 1,8 Để kết quả chính xác, khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân, trước khi đo phải vẩy cho cột thủy ngân xuống dưới vạch cuối cùng. - Vị trí đo Với gia súc: Con đực đo thân nhiệt ở trực tràng, ở miệng (trong trường hợp con đực bị viêm trực tràng, trực tràng lòi ra ngoài. Nhưng rất nguy hiểm vì con vật có thể cắn vỡ nhiệt kế). Con cái có thể đo ở trực tràng, âm đạo. Lưu ý nhiệt độ ở trực tràng thấp hơn nhiệt độ trong máu 0,5 – 1 oC; nhiệt độ ở âm đạo thấp hơn nhiệt độ ở trực tràng 0,2 - 0,5 oC; nhưng lúc có chửa lại cao hơn 0,5 ºC. Gia cầm đo thân nhiệt ở nách cánh. 3. Phương pháp đo Phải sát trùng nhiệt kế trước và sau khi đo. Trước khi đo nên làm trơn nhiệt kế bằng vazơlin hoặc bằng nước, tránh làm sây sát niêm mạc nơi đo. Khi cắm nhiệt kế phải làm sao cho đầu nhiệt kế tiếp xúc được với niêm mạc nơi đo, tránh hiện tượng cắm đầu nhiệt kế vào giữa cục phân làm cho kết quả thu được không chính xác. Con vật lớn cắm gần ngập nhiệt kế, con vật nhỏ cắm sâu 1/2 - 1/3 nhiệt kế. Sau 3 - 5 phút thì rút ra đọc kết quả. Khi đo tránh đuổi bắt con vật vì như thế thân nhiệt có thể tăng cao hơn bình thường. Tùy từng loài, tùy từng cá thể mà phải tính đến chuyện an toàn cho người đo, đặc biệt khi đo thân nhiệt cho ngựa thì phải cố định thật chắc chắn vì ngựa có thần kinh rất mẫn cảm, hay đá; đo cho chó thì phải cố định mõm chó. 4. Những rối loạn về thân nhiệt a). Sốt (Fever, Febris) Sốt là một phản ứng của toàn bộ cơ thể nhằm tăng cường hoạt động các chức năng để chống lại nguyên nhân gây bệnh. Thông thường thân nhiệt tăng cao hơn bình thường 0,5oC mà không nằm trong các trường hợp sinh lý thì được coi là sốt. ở một ngưỡng nào đó (thân nhiệt tăng cao hơn bình thường 1oC) thì phản ứng sốt được coi là có lợi, nhưng nếu sốt quá ngưỡng có thể dẫn tới những tai biến gây hại cho cơ thể. Nguyên nhân gây sốt thường do protein lạ và các sản phẩm phân giải của nó; độc tố của vi khuẩn, vi rút; các chất hóa học sản sinh trong quá trình dị ứng, quá trình viêm như histamin, serotonin; một số kích tố như adrenalin, parathyrosine; hoặc khi con vật bị tiêm nước muối hoặc đường có nồng độ cao. Các tác nhân này tác động tới trung khu điều hòa thân nhiệt ở thùy sau của vỏ não làm cho quá trình điều hòa thân nhiệt bị rối loạn và gây sốt. Một quá trình sốt gồm 3 thời kỳ: 34
+ Kỳ thân nhiệt tăng (Stadium incrementi): thân nhiệt tăng nhanh hoặc chậm, tăng từ nửa giờ đến vài ngày. Mạch quản dưới da co lại, con vật thở nhanh, ủ rũ, tiêu hóa giảm, mạch nẩy, run rẩy. + Kỳ sốt cao (Stadium fastigii): thân nhiệt ngừng tăng lên và duy trì theo thể sốt liên miên hay lên xuống hàng giờ đến hàng tuần. Niêm mạc đỏ ửng, sinh nhiệt và toả nhiệt đều tăng. + Kỳ hạ sốt (Stadium decrementi): các chất sinh nhiệt bị phân giải, sinh nhiệt giảm, mạch quản giãn, toả nhiệt tăng, con vật ra nhiều mồ hôi và thân nhiệt trở lại bình thường. Thân nhiệt hạ nhanh trong vài giờ hoặc chậm trong vài ngày mới trở lại mức bình thường. - Những rối loạn của cơ thể khi bị sốt + Cơ thể run: hiện tượng này thấy rõ ở lợn. Do các chất hóa học sản sinh trong quá trình sốt tác động tới thần kinh cơ làm cho cơ co rút gây nên hiện tượng run. Run không theo ý muốn của bản thân con vật. Hiện tượng run cũng xảy ra khi nhiệt độ môi trường quá thấp, cơ thể có những phản ứng mãnh liệt để chống rét. + Ảnh hưởng đến hệ tim mạch: sốt cao làm cho thần kinh bị hưng phấn, cơ thể phải thích ứng bằng cách tăng thải nhiệt dẫn đến tim đập nhanh, mạch nhanh, mạch nẩy. Sốt cao 1oC, mạch có thể tăng 8 - 10 lần. Sốt làm cơ thể mất nước, máu bị cô đặc, độ nhớt máu tăng làm cho tim hoạt động quá tải. Nếu kéo dài có thể gây suy tim, huyết áp hạ và ứ máu toàn thân. Sốt hạ mà tần số mạch không giảm là biểu hiện của suy tim. + Ảnh hưởng đến hệ hô hấp: khi sốt thường kèm theo hô hấp bị rối loạn. Máu nóng vá các sản phẩm toan tính tác động vào trung khu hô hấp làm cho con vật thở nhanh và sâu. Đây cũng là phản ứng bảo vệ của cơ thể nhằm tăng quá trình thải nhiệt để cân bằng nhiệt cho cơ thể. + Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: sốt cao con vật ăn ít hoặc bỏ ăn, nôn mửa; chức năng phân tiết, nhu động của dạ dày - ruột đều giảm, gây táo bón. Loài nhai lại có thể bị nghẽn dạ lá sách, liệt dạ cỏ. + Ảnh hưởng đến hệ tiết niệu: lúc mới sốt, do huyết áp tăng, lượng máu đến thận nhiều, nên lượng nước tiểu tăng. Sau giai đoạn sốt cao, máu bị cô đặc, lượng nước tiểu giảm và có tỉ trọng và độ nhớt cao, lượng cặn vô cơ ít; có thể xuất hiện albumin niệu. Trong nước tiểu nếu thấy tế bào thượng bì thận, tế bào bàng quang, trụ niệu là biểu biện bệnh rất nặng. + Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: thần kinh bị ức chế, con vật ủ rũ, co giật hoặc mê man. + Ảnh hưởng đến máu: Trong khi sốt cao thấy bạch cầu trong máu tăng, công thức bạch cầu nghiêng hữu; có khi thấy hồng cầu bị biến dạng. - Các loại hình sốt Căn cứ vào mức độ sốt, thời gian sốt, đường biểu diễn sốt để phân loại các loại hình sốt. * Phân loại sốt theo mức độ + Sốt cao: thân nhiệt tăng hơn bình thường từ 2 - 3oC. + Sốt vừa: thân nhiệt tăng hơn bình thường từ 1 - 2oC. + Sốt nhẹ: thân nhiệt tăng 1oC so với bình thường * Phân loại sốt theo thời gian
35
+ Sốt cấp tính (Febris acuta): sốt trong vòng 2 tuần, có khi kéo dài đến gần một tháng. Loại sốt này thường thấy trong trong các bệnh truyền nhiễm cấp tính, như nhiệt thán, viêm phổi - phế quản truyền nhiễm. + Sốt á cấp tính (Febris subacuta): sốt kéo dài đến một tháng rưỡi. Thường gặp trong bệnh tỵ thư ngựa, bệnh huyết ban, bệnh thiếu máu truyền nhiễm của ngựa, trong bệnh viêm phổi - phế quản. + Sốt mãn tính (Febris chonica): sốt kéo dài hàng tháng đến hàng năm. Thường gặp trong bệnh lao, tỵ thư, tiên mao trùng thể mãn tính. + Sốt đoản kỳ (Febris aephemea): sốt vài giờ đến 2 ngày. Thường do tiêm huyết thanh, do thử phản ứng Tuberculin (xét nghiệm lao), phản ứng Malein (xét nghiệm tỵ thư); do rối loạn tiêu hóa. * Phân loại sốt theo đường biểu diễn sốt - Các loại sốt định hình: là sốt theo một đường biểu diễn nhất định, bao gồm: + Sốt liên miên (Febris continua): sốt cao và thân nhiệt lên xuống trong một ngày không quá 1oC. Thân nhiệt tăng nhanh và hạ sốt cũng nhanh, con vật toát nhiều mồ hôi. + Sốt lên xuống (Febris remittens): thân nhiệt lên xuống trong một ngày không quá 1 - 2 oC. Lúc sốt thân nhiệt tăng chậm và hạ sốt cũng từ từ, con vật toát mồ hôi. Thường gặp trong các bệnh gây bại huyết. + Sốt cách nhật (Febris intermittens): thời kỳ sốt và thời kỳ không sốt xen kẽ lẫn nhau; thời kỳ không sốt không cố định, có thể kéo dài 1- 3 ngày hay lâu hơn nữa. Gặp trong bệnh tiên mao trùng trâu, bò, ngựa. + Sốt hồi quy (Febris recurrens): sốt cao trong vài ngày, trong thời gian này có thể sốt liên miên hoặc lên xuống. Sau đó thân nhiệt xuống mức bình thường và khoảng 6 - 8 ngày sau lại sốt lại. Lúc sốt con vật run rẩy và vã mồ hôi. Trường hợp này gặp trong bệnh thiếu máu truyền nhiễm cấp tính và mãn tính của ngựa. - Các loại sốt bất định hình: là sốt không theo một đường biểu diễn nào cả vì biến động của thân nhiệt không có quy luật. Trường hợp này gặp trong bệnh tỵ thư cấp tính, viêm phổi màng phổi truyền nhiễm, viêm họng. b) Thân nhiệt thấp hơn bình thường (nhiệt nhược) Thân nhiệt thấp hơn bình thường ít gặp hơn là sốt và thường rất khó chữa. Nguyên nhân có thể do sinh nhiệt giảm; hoặc sinh nhiệt bình thường mà toả nhiệt tăng mạnh hoặc rất mạnh. Thân nhiệt thấp hơn bình thường 10C, gặp trong bệnh bò bại liệt sau khi đẻ, chứng xê tôn huyết, bệnh viêm não tủy truyền nhiễm của ngựa; một số trường hợp trúng độc; các trường hợp mất máu, thiết máu nặng; cơ thể bị suy nhược; u não Thân nhiệt thấp hơn bình thường từ 2-40C, gặp khi ngựa bị vỡ dạ dày, vỡ gan, vỡ ruột. Thân nhiệt thấp kèm theo tim đập chậm, mồ hôi lạnh và nhầy. Nếu thân nhiệt giảm xuống còn 34 - 35oC thì con vật có thể chết. Câu hỏi ôn tập -
Trình bày các nội dung chính của phẩn hỏi bệnh?
-
Thể tạng có ý nghĩa gì trong chẩn đoán bệnh? 36
-
Cách khám niêm mạc mắt đối với từng loài gia súc khác nhau?
-
Những chú ý khi khám lông, khám da, khám hạch lâm ba?
-
Ý nghĩa của việc kiểm tra và những rối loạn về thân nhiệt
Tài liệu tham khảo -
Clinique des animaux des jeunes de la rue : http://www.medvet.umontreal.ca/AffaireVieEtudiantes/clinique_je unes_rue.html
-
Hồ Văn Nam (1979), Chẩn đoán bệnh không lây, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
-
Hồ Văn Nam, Nguyễn Đào Nguyên, Nguyễn Văn Thạch (2003), Bệnh Nội khoa gia súc, ĐH Nông nghiệp I, Hà Nội.
-
Trịnh Văn Thịnh, Phan Trọng Cung (1983), Ký sinh trùng thú y, NXB Nông nghiệpHà Nội.
-
Cơ sở sinh học của thú y hiện đại, NXB Nông nghiệp, Hà Nội 1979.
-
Huỳnh Văn Kháng (1999), Bệnh Ngoại khoa gia súc, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
-
Francois Gaudon : Santé Pratique Animaux n°5 de Juillet 2003
37
CHƯƠNG VI KHÁM HỆ TIM MẠCH (Cardiovascular system examination) Tóm tắt chương Chương này gồm 43 trang được trình bày trong khoảng 15 tiết gồm những nội dung sau đây: Sinh lý hệ tuần hoàn, kiểm tra huyếp áp động mạch và huyết áp tĩnh mạch; các phương pháp bắt mạch và vị trí bắt mạch đối với mỗi loại gia súc; phương pháp điện tâm đồ; các kỹ năng khám tim bằng phương pháp lâm sàng nhìn, gõ, sờ nằn đã học ở chương IV. Mục tiêu của chương Mục tiêu của chương nhằm giúp cho người học hiểu thêm về sinh lý của hệ tuần hoàn, các bệnh có thể xảy ra ở hệ tuần hoàn của gia súc và các khám khám bệnh cụ thể. Người học sẽ được giới thiệu cách kiểm tra huyết áp đối với mỗi loại gia súc; cách nghe tim và phân biệt các âm bệnh lý cung như âm sinh lý phát ra khi tim hoạt động. Nội dung của chương Bệnh của các khí quan thuộc hệ tuần hoàn ở gia súc không nhiều nhưng do hoạt động có liên quan mật thiết với các khí quan khác trong cơ thể. Do đó khi các khí quan đó có bệnh thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh ký sinh trùng. Mặt khác, định mức độ rối loạn của tim không chỉ có ý nghĩa trong chẩn đoán, mà còn có ý nghĩa rất lớn về mặt tiên lượng. Vì vậy mà người làm công tác chẩn đoán phải thành thạo kỹ thuật chẩn đoán, nắm vững hoạt động bình thường và các biểu hiện khác thường của nó. Các phương pháp chủ yếu khám hệ tuần hoàn là nhìn, sờ nắn, gõ, nghe và một số phương pháp đặc biệt như điện tâm đồ, đo huyết áp động mạch và tĩnh mạch, nội soi truyền hình động mạch. Trong một số trường hợp đặc biệt có thể dùng phương pháp kiểm tra chức năng. I. Sơ lược về hệ tim mạch. 1. Thần kinh tự động của tim. Ngoài sự điều tiết và chi phối của vỏ đại não và hệ thống thần kinh thực vật thì hệ thống thần kinh tự động của tim có vai trò quan trọng giúp tim hoạt động nhịp nhàng và có tính chất tự động nhất định. Hệ thống thần kinh tự động của tim gồm có: + Nốt Keith - Flack ở phần trước vách tâm nhĩ phải, nơi tĩnh mạch chủ đổ vào; + Nốt Aschoff - Tawara ở vào phần dưới vách nhĩ thất, nên còn gọi là nốt nhĩ thất; + Bó His bắt nguồn từ nốt Aschoff - Tawara và chia làm hai nhánh trái và phải. + Chùm Purkinje do hai nhánh bó His phân ra và tận cùng ở cơ tâm thất. Hưng phấn bắt nguồn từ nốt Keith - Flack, truyền đến cơ tâm nhĩ, sau đó theo cơ tâm nhĩ đến nốt Aschoff - Tawara làm cho tâm nhĩ co bóp. Sau khi đến nốt Aschoff - Tawara thì hưng phấn nhanh chóng lan đến bó His và chùm Purkinje. Tiếp theo tâm nhĩ bóp là tâm thất bóp. 2. Thần kinh điều tiết hoạt động của tim.
38
Tim hoạt động chịu sự điều tiết của thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Thần kinh đến từ nốt thần kinh sao (Ganglion Stellatum) còn gọi là thần kinh tăng nhịp tim. Thần kinh phó giao cảm đến từ thần kinh mê tẩu tận cùng tới nốt Keith - Flack, Aschoff - Tawara và cơ tim. Thần kinh mê tẩu bên phải hưng phấn làm tim đập chậm, vì nó liên hệ chặt chẽ với nốt Keith Flack. Còn thần kinh mê tẩu bên trái phân bố chủ yếu đến nốt Aschoff - Tawara, nên hưng phấn của nó ức chế dẫn truyền giữa nhĩ - thất, làm tim đập yếu hoặc ngừng. Thần kinh giao cảm phía phải có tác dụng chủ yếu ở tâm nhĩ, phía bên trái chủ yếu lại là tâm thất. Thần kinh giao cảm hưng phấn làm tim đập nhanh. Tim hoạt động chịu sự điều tiết trước tiên của trung khu ở hành tuỷ, thông qua thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Nhưng trung khu chi phối hoạt động của tim cao nhất ở dưới khâu não và trung khu này chịu sự khống chế của vỏ não. 3. Thần kinh điều tiết mạch quản. Trung khu điều tiết vận mạch ở hành tuỷ và dọc tuỷ sống. Những trung khu này có tính tự động nhưng vẫn chịu sự điều tiết của vỏ đại não. Xung động từ các trung khu theo thần kinh vận động mạch quản và tuỳ theo yêu cầu máu của cơ thể mà kích thích mạch quản làm co mạch hay giãn mạch. Thần kinh co mạch do dây giao cảm phân ra, thần kinh dãn mạch một phần do dây giao cảm và một phần do dây phó giao cảm tạo thành. 4. Sự điều tiết hoạt động chức năng của tim. Tuy tim có khả năng phát sinh xung động và tự động co bóp, nhưng mọi hoạt động của tim đều thông qua thần kinh giao cảm và phó giao cảm với sự khống chế và điều tiết của thần kinh trung khu. Thần kinh giao cảm không những có thể làm tăng tần số và cường độ tim co bóp, mà còn có tác dụng dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn tăng tính hưng phấn và khả năng dẫn truyền của cơ tim. Ngược lại, thần kinh phó giao cảm làm tim đập chậm và yếu, tính hưng phấn và dẫn truyền thấp. Tính ổn định của huyết áp cũng có ý nghĩa trong điều tiết tim hoạt động. Phản ứng huyết áp cao qua cơ quan thụ cảm hoặc bằng hình thức phản xạ đến trung khu thần kinh làm thay đổi hoạt động của tim và độ căng của mạch quản để điều tiết huyết áp. Ngoài ra, tham gia điều tiết hệ tim mạch còn những nhân tố sau: + Nội tiết tố, như kích tố thượng thận (adrrenalin, vasopressin) làm co mạch quản, tăng huyết áp. + Những chất hóa học tạo ra trong quá trình sinh hóa trong cơ thể, như histamin làm dãn mạch quản. + Chất hình thành trong thận: đặc biệt là chất Renin tác dụng hoạt hóa Hypertensinogen thành Hypertensin hoạt tính, làm co mạch quản, gây cao huyết áp. + Một số chất khoáng Ca, Na, K... 5. Vị trí giải phẫu của tim Tim trâu bò: khoảng 5/7 tim ở bên phải. Tim nhỏ và dài so với cơ thể, đáy nằm ngang nửa ngực, đỉnh tim ở phần sụn của xương sườn 5, cách xương ức 2cm, bờ trước tim tới xương sườn 3, bờ sau tới xương sườn 6. Tim sát vách ngực khoảng giữa sườn 3 và sườn 4, phần còn lại bị phổi bao phủ. Tim dê cừu có vị trí trong lồng ngực giống ở trâu bò, chỉ khác là cách vách ngực xa hơn. 39
Tim ngựa: 3/5 tim ở mé trái, đáy ở gần cao bằng nửa ngực, đỉnh tim ở dưới, nghiêng về bên trái, cách xương ức 2cm. Bờ trước mé trái tim đến xương sườn 2, bờ sau đến gian sườn 6. Bên phải tim ứng với gian sườn 3 - 4. Tim lợn: khoảng 3/5 bên mé ngực trái, đáy tim ở giữa ngực, đỉnh tim về phía dưới, đến chỗ tiếp nhau giữa phần sụn của sườn 7 và xương ngực, cách xương ngực 1,5 cm. Tim chó: khoảng 3/5 bên mé ngực trái, đáy tim nằm giữa ngực, đỉnh tim nghiêng về sau, xuống dưới đến phần sụn của xương sườn 6 - 7, có khi đến sụn xương sườn 8, cách xương ức 1 cm. II. Khám tim. 1. Nhìn vùng tim. Chú ý hiện tượng tim đập động. Tim đập động là hiện tượng chấn động thành ngực ở vùng tim, do thành ngực thay đổi lúc tim co bóp. ở động vật lớn như trâu, bò, ngựa, lạc đà, tim đập động là thân tim đập vào vách ngực; ở động vật nhỏ lại do đỉnh tim đập vào thành ngực. Tim đập động có thể thấy rõ ở những gia súc gầy, nhất là ở chó. Gia súc béo thường khó thấy hiện tượng này. 2. Sờ vùng tim. Sờ nắn vùng tim có thể biết được vị trí, cường độ, thời gian tim đập và tính mẫn cảm của tim. ở gia súc lớn, phía bên trái khoảng sườn 3, 4, 5 có thể sờ được vùng tim đập động. ở trâu bò, vùng tim đập động rộng, khoảng 5 - 7 cm2, ở những con nhỏ thì 2 - 4 cm2, ở ngựa rộng khoảng 4 - 5 cm2. ở lợn, vùng tim đập động rộng khoảng 3 - 4 cm2. ở những lợn béo thường không sờ thấy. ở chó, mèo và những gia súc nhỏ khác, vùng tim đập động nằm ở khoảng sườn 3 - 4. Con vật to, nhỏ khác nhau, độ béo không đồng đều, nên vùng tim đập động cũng khác nhau. Để có những cảm giác đúng, phán đoán chính xác, cần phải thực tập nhiều trên gia súc. Sờ vùng tim cần chú ý: a) Lực đập: tim đập động mạnh yếu phụ thuộc vào tim co bóp mạnh yếu, tình trạng tổ chức dưới da vùng ngực và thành ngực dày hay mỏng. + Tim đập động mạnh hơn bình thường là do tâm thất co bóp mạnh, tiếng tim thứ nhất tăng. Tim đập động mạnh có thể do trời nóng bức, lao động nặng, hoặc do những bệnh sốt cao gây nên, có thể gặp trong bệnh viêm nội tâm mạc, teo phổi, trúng độc atropin. Trường hợp tim đập rất mạnh thường do viêm cơ tim cấp tính hay trong bệnh thiếu máu truyền nhiễm. + Tim đập động yếu, lực đập yếu, diện tích đập động nhỏ. Gặp trong trường hợp thành ngực thuỷ thũng, lồng ngực tích nước, phổi khí thũng, suy tim... Vị trí vùng tim đập động có thể thay đổi do các khí quan lân cận, do khối u hay dịch thẩm xuất chèn đẩy mà gây nên.
40
Vùng tim đập động chuyển về phía trước: do dãn dạ dày, chướng hơi dạ cỏ, chướng hơi ruột, thoát vị cơ hoành... đẩy tim về trước làm cho vùng tim đập động chuyển về phía trước. Vùng tim đập động chuyển về phải: có thể do tích nước, tích khí ở xoang ngực trái. Vùng tim đập động di chuyển về phía sau: thường hiếm gặp. b) Vùng tim đau: lúc sờ nắn, gia súc tránh, rên, đau, tỏ ra khó chịu; thấy trong bệnh viêm bao tim do ngoại thương, viêm màng phổi. c) Tim đập động âm tính: là lúc tim đập, cùng với hiện tượng chấn động, thành ngực hơi lõm vào trong. Triệu chứng đó là do bao tim, thành ngực và các tổ chức xung quanh dính lại với nhau. d) Tim rung: là hiện tượng chấn động nhẹ thành ngực ở vùng tim, do bệnh ở van tim, hoặc viêm bao tim. Lỗ động mạch chủ và lỗ nhĩ thất trái hẹp cũng gây hiện tượng này. Trong khi sờ nắn vùng tim, nếu hiện tượng rung động gắn liền với hai kỳ hoạt động của tim là do bệnh ở van tim hay bao tim, nếu cùng với hoạt động hô hấp là do màng phổi (màng phổi viêm, sần sùi, cọ xát gây nên). 3. Gõ vùng tim Gõ vùng tim để xác định vị trí, hình thái và cảm giác của tim. Gõ vùng tim thường áp dụng với ngựa, chó. Còn các loại gia súc khác nhất là loài nhai lại rất khó tìm được vùng âm đục tuyệt đối, nên phương pháp gõ trong chẩn đoán bệnh của tim ít có ý nghĩa. a) Phương pháp xác định vùng âm đục của tim Vùng âm đục tuyệt đối: là vùng mà tim và thành ngực tiếp giáp với nhau. Vùng âm đục tương đối: là vùng giữa tim và thành ngực còn một lớp phổi chèn. Khi gõ nên để đại gia súc đứng, kéo chân trái về phía trước nửa bước, tiểu gia súc để nằm. Trên thực tế người ta thường gõ theo phương pháp sau: theo gian sườn 3, gõ từ trên xuống, đánh dấu các điểm có âm gõ thay đổi. Sau đó theo gian sườn 4, 5, 6 gõ và ghi lại các điểm âm thay đổi. Nối các điểm ấy lại với nhau. Trong chẩn đoán tim thì vùng âm đục tương đối có ý nghĩa hơn vùng âm đục tuyệt đối. Vùng âm đục bình thường ở gia súc. ở bò thường chỉ xác định được vùng âm đục tương đối giữa gian sườn 3 và gian sườn 4. Vùng âm đục tuyệt đối xuất hiện chỉ lúc quả tim to hoặc lúc bao tim bị viêm. ở ngựa, vùng âm đục tuyệt đối là một hình tam giác mà đỉnh ở gian sườn 3, dưới đường ngang kẻ từ khớp vai 2 - 3 cm. Cạnh trước lấy cơ khuỷu làm giới hạn. Cạnh sau là một đường cong đều, kéo từ đỉnh đến mút sườn 6. Vùng âm đục tương đối bao ngoài vùng âm đục tuyệt đối, rộng khoảng 3 - 5 cm. ở dê, cừu, vùng âm đục tương đối giống ở bò. Lợn béo thường không xác định được vùng âm đục. Chó có vùng âm đục tuyệt đối giữa gian sườn 4 - 5. b) Những thay đổi bệnh lý
41
+ Vùng âm đục mở rộng về phía trên và phía sau một hay hai xương sườn: gặp trong bệnh tim nở dày, viêm bao tim, phổi bị gan hoá (đặc lại). + Vùng âm đục thu hẹp hoặc mất: trong trường hợp phần phổi dưới tim bị khí thũng đẩy tim ra xa thành ngực. + Vùng âm đục di chuyển như đã nói trong phần "sờ nắn vùng tim". + Âm bùng hơi ở vùng tim: thường thấy trong bệnh viêm bao tim do ngoại vật ở bò. Lúc bao tim bị viêm, dịch thẩm xuất tích lại làm thể tích tim to. Có lúc do thối rữa, sinh hơi, tích lại phần trên bao tim. Tuỳ mức độ nhiều, ít, bao tim căng đến mức độ nào mà lúc gõ vùng tim có thể có âm bùng hơi, âm kim thuộc. + Gõ vùng tim thấy con vật đau: thường do viêm màng phổi, viêm bao tim. 4. Nghe tim Trong các phương pháp chẩn đoán hệ tim mạch thì nghe tim là quan trọng nhất. Qua nghe tim có thể biết không những tình trạng hoạt động của tim mà còn biết sự hoạt động của các khí quan khác và tình hình chung của cơ thể. Thường có hai cách nghe: Trực tiếp và gián tiếp (xem lại phần các phương pháp khám bệnh). a) Tiếng tim và tính chất của nó Tim bình thường hoạt động phát ra hai tiếng: "Pùm - pụp" đi liền nhau. Tiếng thứ nhất phát ra khi tim bóp, gọi là tiếng tâm thu; tiếng thứ hai phát ra khi tim giãn gọi là tiếng tâm trương. Tiếng tim thứ nhất đục và dài xuất hiện ở đầu kỳ tâm thu, nó đánh dấu điểm khởi đầu cho giai đoạn tăng áp trong tâm thất. Khi nghe thấy tiếng thứ nhất cũng là lúc van nhĩ thất đóng và van tổ chim (van động mạch) mở. Nguyên nhân gây ra tiếng thứ nhất là do kết quả đóng van nhĩ thất và thêm vào sự rung động của cơ tâm thất. Thí nghiệm: nếu cơ tim không co bóp, ta bơm nhịp nhàng vào tâm thất cho van nhĩ thất đóng thì chỉ nghe thấy một tiếng thanh, còn khi có sự kết hợp co cơ tâm thất thì xuất hiện thêm tiếng rên kéo dài do sự rung động của nó. Vì vậy mà tiếng tim thứ nhất đục và dài. - Tiếng tâm trương: trong và ngắn, xuất hiện ở ngay đầu thời kì tim giãn. Nó là dấu hiệu kết thúc giai đoạn tâm thất thu. Nó chiếm một thời gian nhỏ của giai đoạn tâm trương toàn bộ. Khi nghe thấy tiếng tim thứ hai là ứng với thời gian van tổ chim đóng và van nhĩ thất mở. Nguyên nhân sinh ra tiếng thứ hai là do kết quả đóng van tổ chim ở gốc động mạch chủ và động mạch phổi. Vì quan sát trên tim bóc trần trong xoang ngực, khi tim hoạt động thấy động mạch lớn rung chuyển, lúc tiếng tim thứ hai xuất hiện. Nếu cắt các động mạch lớn ngang với van tổ chim sẽ không nghe thấy tiếng tim thứ hai. Giữa tiếng tim thứ nhất và hai có một khoảng im lặng ngắn, giữa tiếng tim thứ hai và tiếng tim thứ nhất có một khoảng im lặng dài. Khoảng này là thời gian tâm trương toàn bộ và tâm nhĩ thu hẹp lại (tâm nhĩ thu không phát ra tiếng). Một chu kì tim đập được tính từ tiếng thứ nhất đến hết khoảng nghỉ dài. Để phân biệt hai tiếng tim cần chú ý những đặc điểm sau đây: + Tính chất: tiếng thứ nhất âm dài và trầm; tiếng thứ hai âm ngắn và vang. + Kỳ nghỉ sau tiếng thứ nhất ngắn; kỳ nghỉ sau tiếng thứ hai và trước tiếng thứ nhất dài. + Tiếng tim thứ nhất nghe rõ ở đỉnh, tiếng tim thứ hai nghe rõ ở đáy.
42
+ Tiếng tim thứ nhất xuất hiện trong kỳ tâm thu đồng thời với động mạch cổ đập; tiếng tim thứ hai xuất hiện ngay sau đó. Với con vật lớn, việc phân biệt hai tiếng tim dễ hơn con vật nhỏ vì tim con vật nhỏ thường đập nhanh, hai kỳ khác nhau không nhiều. Do vậy căn cứ vào mạch đập xuất hiện cùng tiếng nào để phân biệt. Việc căn cứ vào mạch đập để phân biệt hai tiếng tim cũng áp dụng với con vật lớn khi tim đập nhanh. b) Tiếng tim thay đổi. Do nhiều nguyên nhân bệnh lý hoặc sinh lý, tiếng tim có thể thay đổi: mạnh hơn bình thường, yếu đi, tiếng tim tách đôi hoặc tiếng ngựa phi... - Cường độ tiếng tim thay đổi: có thể một hoặc cả hai tiếng bị thay đổi. Thường do: + điều kiện làm việc, môi trường xung quanh. Nếu làm việc dưới trời nắng nóng, tim đập nhanh. + Lồng ngực và thành ngực: con vật béo, lồng ngực tròn, thành ngực dày thì tiếng tim nhỏ, nghe không rõ. + Bệnh ở thành ngực và tim: thành ngực bị thủy thũng, khí thũng. Phổi bị khí thũng nặng thì tiếng tim nghe không rõ; bao tim tích nước, lồng ngực tích nước thì có khi không nghe được tiếng tim. Viêm cơ tim giai đoạn đầu thì tim đập mạnh và nghe rõ tiếng tim. + Vị trí của tim đối với thành ngực: tim càng xa thành ngực thì tiếng tim càng yếu. + Thành phần của máu: máu càng loãng, tiếng tim càng vang (con vật bị thiếu máu). - Cường độ tiếng tim thứ nhất thay đổi do: + Lực co bóp của quả tim thay đổi. Tim co bóp càng khỏe thì tiếng tim thứ nhất càng rõ và ngược lại. + Tốc độ co bóp: nếu tim co bóp mạnh nhưng chậm thì tiếng tim yếu. + Độ đẩy máu ở tâm thất: nếu độ căng máu trong tâm thất ít thì tiếng tim thứ nhất tăng vì cuối kỳ tâm trương, thành tim, các van vẫn có một độ chùng nhất định, và lúc tim co đến một độ căng rất lớn làm tiếng thứ nhất to hơn bình thường. Ngược lại, nếu độ căng máu trong tâm thất càng lớn, cuối kỳ tâm trương, máu chứa đầy trong tâm thất, lúc tim co sẽ không gây tiếng vang lớn. - Cường độ tiếng tim thứ hai thay đổi. Tiếng tim thứ hai mạnh hay yếu chủ yếu do áp lực trong động mạch chủ và động mạch phổi quyết định. Cụ thể là: + Tiếng tim thứ nhất tăng: lúc con vật lao tác nặng, hưng phấn, con vật gầy yếu, lồng ngực lép, cả hai tiếng tim đều tăng. Tiếng tim thứ nhất tăng trong trường hợp bệnh lý như giai đoạn đầu của viêm cơ tim, các trường hợp thiếu máu, khi bị sốt hoặc bị ký sinh trùng đường máu. + Tiếng tim thứ hai tăng do huyết áp trong động mạch chủ và động mạch phổi tăng. Huyết áp trong động mạch chủ tăng khi bị viêm thận, tâm thất trái nở dày. Huyết áp động mạch phổi tăng lúc phổi bị khí thũng, viêm phổi, van hai lá đóng không kín, lỗ nhĩ thất phải hẹp. + Tiếng tim thứ nhất giảm trong bệnh viêm cơ tim, tim giãn, cơ tim biến tính.
43
+ Tiếng tim thứ hai giảm lúc van động mạch chủ hoặc van động mạch phổi đóng không kín. c) Tính chất tiếng tim thay đổi. - Tiếng tim tách đôi: một tiếng tim nghe như tách làm hai, đi liền nhau. Nếu hai phần tách ra rõ rệt, thì gọi là tiếng tim "tách đôi". Nếu hai âm tách ra không rõ thì gọi là " tiếng tim trùng phục ". Tiếng tim kéo dài, tách đôi hay trùng phục là biểu hiện của bệnh lý và có giá trị chẩn đoán ngang nhau. Nguyên nhân là do chức năng cơ tim hay thần kinh điều khiển hoạt động của tim bị rối loạn, làm cho hai tâm thất không cùng bóp hay giãn. + Tiếng tim thứ nhất tách đôi: do tâm thất phải, trái không cùng co bóp, van hai lá và ba lá không cùng đóng mà gây nên. Thường do một bên tâm thất bị thoái hóa hay nở dày; hoặc do dẫn truyền của một nhánh bó His bị trở ngại. + Tiếng tim thứ hai tách đôi: do van động mạch chủ và động mạch phổi đóng không cùng lúc. Huyết áp động mạch chủ hay động mạch phổi thay đổi và bên nào huyết áp tăng, áp lực cảm thụ lớn thì tâm thất bên đó co bóp trước. Cũng có thể vì các van nhĩ thất và lỗ nhĩ thất không bình thường, độ đầy máu của hai bên tâm thất không đồng đều. Bên nào máu đầy hơn thì co bóp dài hơn, van đóng sớm hơn và gây ra tiếng tim tách đôi. - Tiếng ngựa phi (Galop rhythm): ngoài tiếng tim thứ nhất và tiếng tim thứ hai ra còn xuất hiện thêm tiếng thứ ba nên nghe như ngựa phi từ xa. + Tiếng ngựa phi tiền tâm thu: âm phụ xuất hiện trước kỳ tim bóp và tiếng tim thứ nhất. + Tiếng ngựa phi tâm thu: âm phụ xuất hiện trong kỳ nghỉ, lúc tim giãn. Nguyên nhân gây ra tiếng ngựa phi cho tới nay vẫn chưa được làm rõ. Trong các bệnh mà xuất hiện tiếng ngựa phi là biểu hiện của sự rối loạn hệ thống dẫn truyền trong tim hoặc rối loạn tim. + Tiếng thai nhi: lúc tim đập nhanh, hai tiếng rất giống nhau không phân biệt được đâu là tiếng thứ nhất và đâu là tiếng thứ hai. Thời gian nghỉ giữa hai tiếng tim và sau kỳ tim co cũng giống nhau. Nguyên nhân là do suy tim. d) Tạp âm. Tạp âm phát ra khi tổ chức xung quanh tim, cơ tim hoặc bên trong quả tim có tổn thương; khi viêm dính bao tim - màng phổi. Tạp âm khác tiếng tim, tạp âm cũng có nhiều âm khác nhau do nhiều nguyên nhân khác nhau. - Tạp âm trong tim: do các tổ chức bên trong tim hoạt động không bình thường gây ra, bao gồm: + Tạp âm do bệnh biến thực thể: do các nguyên nhân sau đây: Các van đóng không kín, máu chảy ngược trở lại Các lỗ trong tim hẹp, máu chảy qua cọ xát mà gây nên Nguyên nhân chủ yếu là do các van bị viêm cứng và teo lại làm thay đổi hình dạng và mất đàn tính dẫn đến đóng không kín, hoặc do quá trình tăng sinh, mép lỗ đầy và sần sùi, hẹp lại, van và các dây chằng dính liền với nhau... trong khi máu chảy qua với áp lực lớn. 44
Tạp âm ngoài tim: thường do tổn thương ở bao tim, màng phổi III. Điện tâm đồ Khi dòng điện phát sinh trong tim thì nó tạo ra một từ trường lan toả khắp cơ thể, vì vậy người ta có thể dùng điện kế cực nhạy để ghi lại đồ thị hoạt động của dòng điện đó. Khi hưng phấn, tim phát ra dòng điện hoạt động theo một quy luật nhất định. Lúc tim bị bệnh thì dòng điện này thay đổi. ứng với mỗi loại bệnh thì có sự thay đổi khác nhau. Vì vậy dựa vào điện tim người ta có thể chẩn đoán được bệnh tim. Năm 1843, người ta đã phát hiện ra hiện tượng điện trong một quả tim cô lập. Năm 1856, lần đầu tiên vẽ được sơ đồ điện sinh vật của tim ếch. Năm 1887 đã ghi được dòng điện sinh vật ở tim người trên một đồ thị khá đơn giản. Cho đến năm 1903, Einthoven mới sáng chế được điện tâm kế nhạy, nó cho phép ghi lại được những điện tâm đồ đầy đủ như ngày nay. 1. Điện tim. Khi một tổ chức hay một khí quan hưng phấn thì bộ phận đang hưng phấn mang điện âm (-) so với bộ phận tĩnh tại. ở tim, nốt Keith-Flack là khởi điểm điện âm của tim, là nguồn gốc sản sinh ra hưng phấn. Hưng phấn lan dần xuống dưới, đến nốt Aschoff- Tawara, theo bó His, chùm Purkinje đến tâm thất. Các cơ tâm thất lần lượt hưng phấn theo thứ tự xung động truyền đến. Khi hưng phấn ở đáy tim lan đến đỉnh tim thì điện (-) cũng mạnh dần về phía đỉnh tim và đỉnh tim hình thành điểm điện âm mạnh nhất. Nếu mắc một điện kế vào chỗ gần với hai đầu một tổ chức hay khí quan đang hoạt động thì sẽ ghi được dòng điện sinh vật trên. Dòng điện do tim phát ra truyền đến toàn thân, hình thành trên cơ thể những điểm mang điện (-) hoặc dương (+) với cường độ khác nhau. Dùng một điện tâm kế nối với hai điểm mang điện khác dấu (+) và (-) trên bề mặt cơ thể sẽ ghi được dòng điện do tim hoạt động phát ra. Dòng điện ấy được ghi trên một đồ thị gọi là điện tâm đồ. IV. Khám mạch máu Khám mạch quản 1. Mạch đập (Pulsus) Tim co bóp đẩy một lượng máu vào mạch quản làm mạch quản mở rộng, thành mạch căng cứng, sau đó nhờ tính đàn hồi của mình, mạch quản tự co lại cho đến kỳ tim co lần tiếp theo. Để tay nhẹ lên mạch quản sẽ có cảm giác mạch nẩy lên. Hình tượng đó được gọi là “mạch đập”. Qua tần số và tính chất của mạch có thể biết hoạt động của tim và trạng thái tuần hoàn của cơ thể mà trong nhiều trường hợp chỉ kiểm tra hoạt động của tim không phát hiện được. 2. Vị trí và phương pháp kiểm tra mạch đập. 2.1. Vị trí. Trâu, bò: động mạch đuôi, động mạch mặt Ngựa: động mạch hàm ngoài, động mạch mặt, động mạch đuôi. La, lừa: động mạch đuôi Chó: động mạch đùi
45
Lưu ý: lợn và gia cầm không bắt được mạch do lợn có lớp mỡ và da dày làm mạch quản ẩn sâu bên trong nên không cảm giác được mạch đập; gia cầm do mạch quá nhỏ, nằm sâu và mạch đập rất nhanh nên cũng không bắt mạch được. 2.2. Phương pháp bắt mạch. Phải để cho con vật yên tĩnh và bắt mạch vào một thời gian nhất định trong ngày. Thường bắt mạch bằng tay. Dùng ngón trỏ và ngón giữa đè nhẹ lên động mạch, lần qua lần lại để tìm. Tuỳ theo mạch to, nhỏ mà đè tay mạnh hay yếu, miễn là làm sao tìm được cảm giác mạch đập được rõ. Kiểm tra mạch đập cần chú ý tần số, tính chất và nhịp điệu của mạch. 3. Tần số mạch Tần số mạch là số lần mạch đập trong một phút. Nếu khi bắt mạch mà gia súc không đứng yên thì ta bắt mạch từ 3 – 4 lần và sau đó lấy kết quả trung bình. Các yếu tố ảnh hưởng tới mạch đập: chế độ làm việc, khi trời nóng bức, ăn no, giống, tính biệt... Mạch đập là do tim đập, nhưng tần số mạch đập có lúc không phải là tần số tim đập. Ví dụ trong trường hợp tính chất tiếng tim thay đổi, có thể nghe được những lần đập phụ nhưng bắt mạch sẽ không thấy vì những lần đập phụ đó rất nhẹ. Tần số tim đập thường lớn hơn tần số mạch đập. Mạch đập liên quan chặt chẽ với hoạt động của phổi. ở con vật khoẻ, tần số mạch đập và tần số hô hấp tỷ lệ với nhau. Ví dụ: ở ngựa khoẻ, tỷ lệ giữa tần số hô hấp và tần số mạch đập là 1/3 (14/42), có khi là 1/4, 1/5. Nhưng nếu tỷ lệ đó thay đổi nhiều là dấu hiệu bệnh lý. Chẳng hạn khi ngựa bị viêm phổi, tỷ lệ đó là 1/1. 3.1. Mạch đập nhanh: do tim đập nhanh. Các nguyên nhân làm tim đập nhanh Do sốt cao: các loại độc tố sinh ra lúc sốt ảnh hưởng đến nốt Keith- flack, hoặc tác động lên cơ quan thụ cảm của tim. Thân nhiệt tăng 10C, tần số tim tăng 8 - 10 lần. Các bệnh truyền nhiễm cấp tính, các chứng viêm cấp. Khi bị suy tim: Lực đập của tim yếu, mỗi lần tim đập đẩy máu ra được ít, nên tim phải đập nhanh để cung cấp đủ lượng máu cho cơ thể và dẫn đến tần số mạch tăng. Các trường hợp thiếu máu cấp tính, mãn tính, huyết áp hạ, viêm cơ tim, viêm bao tim, bệnh ở van tim; những bệnh gây đau đớn kịch liệt, thần kinh bị kích thích, trúng độc, giãn dạ dày, ruột, tắc ruột, viêm ruột, lồng xoắn ruột. Dây thần kinh mê tẩu bị tê liệt: do tác dụng của thuốc atropin, hoặc do viêm não. Các nguyên nhân trên làm tim đập nhanh, từ đó làm tần số mạch đập cũng tăng lên. 3.2. Tần số mạch giảm Tần số mạch giảm là mạch đập chậm hơn so với bình thường. Nguyên nhân:
46
Dây thần kinh mê tẩu bị hưng phấn: trong các bệnh làm tăng áp lực sọ não (ứ máu não, thuỷ thũng, viêm màng não), trúng độc. Mạch tăng do dây thần kinh mê tẩu hưng phấn thì tiêm atropin sẽ hết. Viêm thận cấp, huyết áp tăng. Tính dẫn truyền hưng phấn của cơ tim giảm. Trường hợp này tiêm atropin sẽ không có tác dụng. 4. Tính chất mạch 4.1. Mạch to: đặc điểm là mạch nổi rõ hơn bình thường, mạnh và chắc.
Tần số mạch đập của một số loài như sau: Tần
số
Loài
Tần số mạch đập
Bò
50 - 80
10 - 30
Trâu
36 - 60
10 - 30
Ngựa
24 - 42
8 - 16
Thường thấy trong các bệnh truyền nhiễm cấp tính, tâm thất trái nở dày; khi van động mạch chủ đóng không kín.
Lợn
60 - 90 (tim đập)
10 - 20
Chó
70 - 120
10 - 30
Mèo
110 - 200
20 - 30
4.2. Mạch nhỏ: đặc điểm là thành mạch quản chấn động nhẹ.
Thỏ
120 - 200
50 - 60
Dê, cừu
70 - 80
12 - 20
Gia cầm
150 -200 (tim đập)
Nguyên nhân do máu chảy từ tim vào động mạch lớn, chênh lệch giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu nhiều.
Nguyên nhân do tim co bóp yếu, máu chảy từ tim vào mạch quản ít, lỗ động mạch chủ hẹp, cơ thể bị mất nhiều máu.
hô
hấp
Mạch nhỏ và cứng thấy trong bệnh viêm thận mãn tính và xơ cứng động mạch. Nếu mạch rất nhỏ thì gọi là mạch chỉ: đặc điểm là mạch đập rất yếu, sờ lâu mới thấy. Thường do suy tim cấp tính, huyết áp hạ, độ căng mạch giảm. Thường gặp khi suy tim do viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, trong rất nhiều bệnh truyền nhiễm và các trường hợp trúng độc. Nếu khi bắt mạch chỉ thấy cảm giác thành mạch rung khẽ, gọi là mạch rung. 4.3. Độ căng của thành mạch: là sức cản trở lại lúc ta đặt tay lên mạch (cảm giác cứng hay mềm khi bắt mạch). Cảm giác này còn liên quan đến huyết áp. Lợn, dê, cừu khoẻ mạnh: độ căng mạch lớn hơn trâu bò khoẻ mạnh. Mạch cứng: lúc đặt tay bắt mạch có cảm giác căng, mạch quản cứng. Gặp trong bệnh uốn ván, các bệnh ở thận và một số trường hợp trúng độc, xơ cứng động mạch và viêm phúc mạc.
47
Mạch mềm: cảm giác mạch đập rất yếu hoặc không có. Trường hợp này gặp khi suy tim, cơ thể mất nhiều máu; các bệnh thần kinh làm tính căng của thành mạch giảm. 5. Phân loại mạch: Căn cứ vào tốc độ mạch nẩy lên, tụt xuống nhanh hay chậm mà ta chia mạch ra: Mạch nhanh (mạch nhảy): mạch nẩy lên rồi tụt xuống rất nhanh. Mạch nhanh là biểu hiện van động mạch chủ đóng không kín. Còn gặp trong các bệnh gây sốt cao, cường năng tuyến giáp trạng. Mạch chậm: mạch nẩy lên tụt xuống chậm. Nguyên nhân do lỗ động mạch chủ hẹp. Gặp trong bệnh xơ cứng động mạch. Mạch chậm không có nghĩa là tần số mạch giảm. 6. Loạn nhịp Cũng như hoạt động của tim, mạch thường đập theo một cường độ nhất định, khoảng cách giữa các lần đập bằng nhau. Nếu trình tự đó rối loạn ta gọi là loạn nhịp. Rối loạn thường thể hiện bằng sự thay đổi số lần đập, hoặc thay đổi nhịp điệu đập. Thường kiểm tra loạn nhịp kết hợp với nghe tim, bắt mạch và ghi điện tâm đồ. Nguyên nhân gây loạn nhịp có thể do thần kinh phó giao cảm bị hưng phấn hoặc rối loạn thực thể trong tim, có thể chia ra làm 4 loại: a) Loạn nhịp do chức năng hình thành xung động bị rối loạn Do những nguyên nhân thần kinh ngoài tim làm rối loạn chức năng hưng phấn của nốt Keith - Flack, dẫn đến rối loạn hoạt động của tim. - Tim đập quá nhanh do nốt Keith - Flack: nguyên nhân thường là do thần kinh phó giao cảm bị ức chế, thần kinh giao cảm hưng phấn gây nên. Kết quả là tim đập nhanh và tần số mạch tăng. Trong nhiều trường hợp, tần số mạch tăng do tim đập nhanh chỉ là các phản ứng sinh lý như: lúc trời nóng bức, con vật vận động, sợ hãi… Tần số mạch tăng trong các trường hợp bệnh lý như: sốt cao, thiếu máu, suy tim, huyết áp thấp, con vật bị tiêm atropin, adrenalin, cafein. - Tim đập chậm do nốt Keith - Flack: ngược với trường hợp trên, tim đập quá chậm do thần kinh phó giao cảm hưng phấn hoặc do rối loạn hình thành xung động ở nốt Keith - Flack. Tim đập chậm, tần số mạch giảm so với bình thường, trên điện tâm đồ thấy đoạn T - P dài hơn bình thường. Tần số mạch giảm ít gặp. Thường do những bệnh làm áp lực sọ não tăng như: u não, thuỷ thũng não, cơ tim biến tính, suy tim nặng. Loạn nhịp do hô hấp Thể hiện bằng tim đập nhanh khi con vật hít vào và đập chậm lúc thở ra. Khi khám phải vừa bắt mạch, vừa quan sát động tác hô hấp. Loạn nhịp do hô hấp là do có sự liên quan giữa thần kinh hoạt động của tim và của phổi. ở cuối giai đoạn hít vào, các phế nang căng rộng, thần kinh phó giao cảm hưng phấn sẽ ức chế nốt Keith - Flack dẫn đến hình thành xung động chậm. Vừa lúc thở ra thì tim đập chậm, đến
48
cuối kỳ thở ra là lúc hít vào, thần kinh phó giao cảm tác động yếu lên nốt Keith - Flack làm tim lại đập nhanh. ở chó, loạn nhịp do hô hấp là hiện tượng sinh lý, ở ngựa lại là hiện tượng bệnh lý và thường do các bệnh làm áp lực trong phổi tăng, thần kinh phó giao cảm hưng phấn mạnh. b) Loạn nhịp do tính hưng phấn bị rối loạn Bình thường tim đập là do xung động hình thành một cách đều đặn ở nốt Keith - Flack. Nếu tim bị bệnh hoặc thần kinh tim bị kích thích sẽ gây loạn nhịp. Các hình thức loạn nhịp: - Nhịp ngoại tâm thu: là xuất hiện một lần tim đập vào kỳ nghỉ của lần đập trước và sớm hơn lần đập bình thường. Đặc điểm: nhịp ngoại tâm thu là một lần đập nhỏ ngay sau kỳ tâm trương và tiếp đó là kỳ nghỉ bù. Lần tim đập bình thường sau đó mất và kỳ nghỉ bù kéo dài cho đến lần đập sau. Thời gian kỳ nghỉ bù bằng tổng thời gian hai lần nghỉ bình thường. Thường nghe tim và ghi điện tâm đồ để xác định nhịp ngoại tâm thu. Bắt mạch có thể sờ được lần đập nhẹ đến trước những lần đập bình thường. Cũng có khi, do kích thích gây nhịp ngoại tâm thu đến quá sớm, tim co nhưng mạch không nẩy. Lần đập đó không cảm nhận được bằng bắt mạch. Đến lần đập sau, do làm bù mà tim đập mạnh hơn bình thường, dẫn tới mạch nẩy hơn bình thường. Những lần mạch khuyết như vậy biểu hiện khi nghe tim thấy tiếng thứ nhất mạnh. Nguyên nhân gây lên nhịp ngoại tâm thu do kích thích bệnh lý ngay trong hệ thống thần kinh tim: viêm cơ tim, bệnh ở van tim, trúng độc, di chứng của bệnh truyền nhiễm, các trường hợp chướng hơi dạ dày, ruột, viêm dạ dày, viêm gan nặng. Các kích thích bệnh lý này đến sớm hơn xung động hình thành từ nốt Keith - Flack. Những kích thích bệnh lý có thể gây hưng phấn tim bất kỳ lúc nào, nhưng tim chỉ có thể đáp ứng bằng một lần đập phụ vào kỳ tâm trương và do đó chỉ có nhịp ngoại tâm thu. Nhịp ngoại tâm thu có thể phát ra không theo một quy luật nào, cũng có thể phát ra xen kẽ sau mỗi lần tim đập bình thường, sau hai lần tim đập bình thường, hoặc sau một quãng thời gian nhất định. Qua bắt mạch cũng có thể biết được những rối loạn đó. Tuỳ bệnh xảy ra ở bộ phận nào của tim mà nhịp ngoại tâm thu có những đặc điểm khác nhau: Nếu hưng phấn bệnh lý khởi nguồn từ nốt Keith - Flack, thì không có thời gian nghỉ bù sau nhịp ngoại tâm thu. Nếu hưng phấn bệnh lý từ tâm nhĩ, thì sóng P trên sơ đồ điện tim xuất hiện sớm, có khi như liền với sóng T. Nếu hưng phấn bệnh lý từ giữa nhĩ thất, thì sóng P hầu như hơi gần với sóng tổng hợp QRS, và sóng QRS liền sát nhau. Nếu hưng phấn bệnh lý ở tâm thất, thì nghe tim chỉ có tiếng thứ nhất; trên sơ đồ điện tim không có sóng P, thời gian nghỉ bù rõ. Nguyên nhân thường do máu vào tâm thất ít, áp lực máu ở tâm thất thấp. - Tim đập nhanh từng đợt (loạn nhịp từng đợt): là những lần tim đập nhỏ, nhẹ và nhanh. Thực chất là nhịp ngoại tâm thu xuất hiện liên tiếp xen lẫn với những lần đập bình thường. Hiện tượng này có thể kéo dài đến vài phút hoặc vài ngày gây rối loạn tuần hoàn nghiêm 49
trọng. Nguyên nhân thường do bệnh ở cơ tim, các bệnh gây đau đớn, thần kinh thực vật bị rối loạn. - Loạn nhịp hoàn toàn: là mạch đập không có quy luật, lúc đầy lúc vơi, lúc nhanh lúc chậm, có khi mạch khuyết. Nghe tim cũng phát hiện được những dấu hiệu tương tự. Trên sơ đồ điện tim không có sóng P mà chỉ có những gợn lăn tăn do cơ tâm nhĩ co bóp tạo thành. Loạn nhịp hoàn toàn thường do bệnh của tim. Những kích thích bệnh lý vào cơ tim làm cho một đám cơ ở tâm nhĩ hoặc tâm thất co bóp không cùng một lúc. Nếu rối loạn chỉ xảy ra ở tâm nhĩ thì tuần hoàn có ảnh hưởng nhưng không đáng kể. Nếu rối loạn xảy ra ở tâm thất thì tuần hoàn bị rối loạn nặng, và con vật có thể chết đột ngột. c) Do dẫn truyền trong tim rối loạn Những xung động được hình thành đều đặn từ nốt Keith - Flack lan truyền đến tâm nhĩ, đến nốt Aschoff - Tawara, rồi theo bó His lan ra khắp tim, làm tim đập đều đặn. Sự dẫn truyền đó bị trở ngại ở bất kỳ một vị trí nào trên đường dẫn truyền đều là nguyên nhân dẫn đến tim đập rối loạn. Dẫn truyền trong tim bị rối loạn có thể do tính dẫn truyền của tim yếu, hoặc do những tổn thương bệnh trên đường dẫn truyền gây nên. Rối loạn dẫn truyền trong tim bao gồm: - Loạn nhịp do rối loạn dẫn truyền xung động từ nốt Keith - Flack xuống tâm nhĩ: Khi dẫn truyền xung động từ nốt Keith - Flack xuống tâm nhĩ bị trở ngại làm tim không co bóp trong những khoảng rất ngắn và gây hiện tượng tim mất một vài lần đập (mạch khuyết) xen kẽ với những khoảng hoạt động bình thường. Hiện tượng này xảy ra không theo quy luật nào cả. Kiểm tra bằng cách nghe tim, bắt mạch và ghi điện tâm đồ thì có thể phát hiện được hiện tượng mạch khuyết. Loạn nhịp do rối loạn dẫn truyền từ nốt Keith - Flack xuống tâm nhĩ thường do thần kinh mê tẩu quá hưng phấn, ức chế nốt Keith - Flack hình thành xung động. Loạn nhịp sẽ mất nếu cho con vật vận động. Vì lúc vận động, thần kinh giao cảm hưng phấn, thần kinh phó giao cảm bị ức chế. Tác dụng của phó giao cảm lên nốt Keith - Flack sẽ yếu đi hoặc mất hẳn. Loạn nhịp này thường thấy ở ngựa. - Loạn nhịp do dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất bị rối loạn. Xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất qua bó His, ứng với khoảng P – Q trên sơ đồ điện tim. Dẫn truyền xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất trở ngại gây hiện tượng rối loạn tim đập (loạn nhịp). Dẫn truyền xung động xuống tâm thất có thể bị trở ngại hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Nếu xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất trở ngại không hoàn toàn, thì xung động đến tâm thất chậm. Do đó tâm thất co bóp chậm và có khi thiếu một lần co bóp so với tâm nhĩ. Khi đó trên sơ đồ điện tim, khoảng P - Q kéo dài. Dẫn truyền bị trở ngại không hoàn toàn có thể do thần kinh phó giao cảm quá hưng phấn tác động, cũng có thể do bệnh biến thực thể ở bó His. Nếu do thần kinh, thì ảnh hưởng đến tuần hoàn không lớn, vì lúc làm việc sẽ mất. Nếu do tổn thương ở bó His thì nguy hiểm hơn.
50
Nếu xung động từ tâm nhĩ xuống tâm thất trở ngại hoàn toàn, thì khi bắt mạch thấy tần số mạch giảm. Trên điện tâm đồ thấy sóng P tăng, sóng P và sóng tổng hợp QRS thay đổi. Nguyên nhân chính thường do viêm cơ tim. Những con vật bị bệnh thường làm việc yếu và có thể chết đột ngột do tim ngừng đập. d) Do cơ tim co bóp rối loạn Tính hưng phấn của tim bình thường nhưng cơ tim co bóp vẫn bị rối loạn, có khi chỉ có một bộ phận co bóp, do đó tần số tim đập vẫn không thay đổi, nhưng lực đập không đều, mạch đầy, mạch vơi xen kẽ. Kiểm tra loại loạn nhịp này phải bắt mạch. Nghe tim thường không phát hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do suy tim, cao huyết áp. Tiên lượng thường là không tốt. Tuỳ theo nguyên nhân và mức độ loạn nhịp mà có thể làm con vật chết đột ngột hoặc có thể không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của gia súc. V. Khám tĩnh mạch Khám tĩnh mạch bằng phương pháp nhìn, sờ, nắn, nghe có thể biết được tình trạng tuần hoàn của cơ thể, những tổn thương ở tim và mạch quản, có khi cả những thay đổi tính chất của máu. 1. Tĩnh mạch xung huyết. Quan sát độ xung huyết ở tĩnh mạch trên bề mặt cơ thể hoặc ở niêm mạc. ở ngựa quan sát ở tĩnh mạch bụng ngoài, trâu bò quan sát ở tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch vú. Tĩnh mạch xung huyết có thể cục bộ hoặc toàn thân. Nếu ứ máu tĩnh mạch toàn thân sẽ thấy ứ máu tĩnh mạch dưới ngực, bụng, bốn chân, đặc biệt là tĩnh mạch cổ, tính mạch vú và tĩnh mạch ngoài ngực nổi lên rất rõ. Nguyên nhân gây ứ máu tĩnh mạch: suy tim, van 3 lá đóng không kín, hẹp lỗ nhĩ thất phải, bao tim bị viêm, tích nước. ứ máu tính mạch cục bộ thường do viêm ở cục bộ, khối u chèn ép hoặc do nhồi huyết, vết sẹo làm tắc tĩnh mạch gây ứ máu. Nếu ứ máu nặng thì mạch căng rộng và sẽ gây thuỷ thũng cục bộ. 2. Tĩnh mạch đập. Tim hoạt động làm thay đổi dung tích tĩnh mạch gọi là tĩnh mạch đập. Hiện tượng đó quan sát được khá rõ ở phần dưới tĩnh mạch cổ ngựa, bò. a) Tĩnh mạch đập âm tính: là tĩnh mạch đập cùng kỳ tim giãn. Tim đập chậm, tĩnh mạch đập càng rõ. Lấy tay đè lên tĩnh mạch cổ thì phần gần tin tĩnh mạch xẹp hẳn dù tim co hay nghỉ; phần xa tim máu dồn đầy tĩnh mạch làm cho nó căng lên. Tính mạch đập âm tính là hiện tượng sinh lý bình thường. b) Tĩnh mạch đập dương tính: là tĩnh mạch nẩy lên cùng với kỳ tâm thất thu. Nguyên nhân là do hở van 3 lá, khi tim co, máu chảy ngược lại tâm nhĩ rồi vào tĩnh mạch cổ mà gây lên. Lấy tay đè lên tĩnh mạch cổ thấy phần gần tim ứ máu khi tim co. c) Tĩnh mạch cổ đập động: là do động mạch cổ đập quá mạnh ảnh hưởng đến tĩnh mạch cổ. Hiện tượng này là sinh lý ở bò nhưng là bệnh lý đối với các loài khác. Thường là do hở van động mạch chủ. 51
VI. Huyết áp 1. Huyết áp động mạch Huyết áp động mạch thay đổi theo kỳ tâm trương. Lúc tâm thất co bóp, huyết áp trong động mạch cao nhất (huyết áp tối đa). Lúc tâm trương, huyết áp trong động mạch thấp nhất (huyết áp tối thiểu). Huyết áp thay đổi theo vị trí mạch quản. Ví dụ huyết áp ở phần đầu của động mạch chủ là 200 mmHg, động mạch phổi là 50 - 70 mmHg. Huyết áp cao thấp phụ thuộc lực co bóp của tim, lòng huyết quản to hay nhỏ, lực trương của huyết quản, độ nhớt và tốc độ máu chảy. Tim càng co mạnh, các vi huyết quản co nhỏ, độ nhớt máu cao, tốc độ máu chảy chậm, thì huyết áp càng cao. Trong phạm vi nhất định, lực tim co yếu thì huyết quản co nhỏ để ổn định huyết áp nên tốc độ máu chảy đến các huyết quản không đổi. Mạch và huyết áp liên quan với nhau: mạch càng nhanh, huyết áp càng thấp: tuổi, tính biệt, tình trạng lao tác và nhiệt độ môi trường đều ảnh hưởng đến huyết áp. Loài vật
Huyết áp tối thiểu
Huyết áp tối đa
Bò
30 - 50
110 - 140
Ngựa
35 - 50
110 - 120
Dê, cừu
50 - 65
100 - 120
Lợn
45 - 55
135 - 155
Chó
30 - 40
120 - 140
a) Những thay đổi bệnh lý - Huyết áp cao (Hypertonia): ở gia súc thường xuất hiện không lâu dài như ở người, hay gặp trong các bệnh gây đau đớn, teo thận, trúng độc trì, khi tâm thất trái nở dày, van động mạch chủ đóng không kín. Huyết áp thấp (Hypotonia): thấy trong các trường hợp thiếu máu, mất máu, xẹp mạch. Huyết áp tối đa tăng, huyết áp tối thiểu giảm lúc van động mạch chủ đóng không kín, con vật bị choáng. Huyết áp tối đa giảm, huyết áp tối thiểu tăng khi lỗ nhĩ thất trái hẹp. b) Cách đo huyết áp động mạch Thường dùng các phương pháp đo gián tiếp. Trâu, bò, ngựa, la, lừa: đo huyết áp ở động mạch đuôi Dê, cừu, lợn: đo huyết áp ở động mạch chân trước. Huyết áp kế gồm có một túi cao su, một bóng cao su và một bảng có khắc độ là nơi đọc kết quả dựa vào sự di chuyển của cột thuỷ ngân. Bóng cao su để bơm khí vào túi cao su, khi cần lại xả hết khí ra. 52
Đo huyết áp theo cách sờ mạch: cột chặt túi cau su vào khấu đuôi, một tay sờ mạch ở phần ngoài, một tay bóp bóng cao su để bơm khí vào túi cao su. Bơm đến khi không sờ thấy mạch đập. Lúc này áp lực trong túi cao su lớn hơn áp lực động mạch. Xả dần khí ra cho tới khi thấy xuất hiện mạch đập. Lúc này nhìn chỉ số trên cột thuỷ ngân chính là huyết áp tối đa. Tiếp tục xả khí đến khi mạch đập trở lại bình thường. Nhìn chỉ số trên cột thuỷ ngân chính là huyết áp tối thiểu. Có thể dùng khí áp kế nối với túi cao su, có kim chuyển động theo áp lực khí trong túi cao su thay đổi. 2. Huyết áp tĩnh mạch Đo huyết áp tĩnh mạch bằng phương pháp trực tiếp ở tĩnh mạch cổ. Cách đo: cắt sạch lông vùng giữa cổ, sát trùng. Một đầu dây cao su gắn vào kim tiêm, đầu con lại gắn với huyết áp kế. Sát trùng ống cao su và kim, rồi tráng ống và kim bằng xitrat natri 5%. Chích kim vào tĩnh mạch, hạ huyết áp kế sao cho số không (0) trên huyết áp kế thăng bằng với vị trí chích kim. Máu chảy vào ống cao su làm thay đổi cột nước trong huyết áp kế. Chỉ số đo được chính là huyết áp tĩnh mạch. Ở bò, huyết áp tĩnh mạch cổ là 80 - 180 mm; ngựa là 80 – 130 mm nếu đo ở tĩnh mạch cổ, là 80 - 120 mm nếu đo ở tĩnh mạch ngoài ngực. Huyết áp tĩnh mạch chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: giống, tuổi, tính biệt, trạng thái dinh dưỡng, thần kinh, nhiệt độ môi trường. Huyết áp tĩnh mạch cao lúc cơ tim biến tính, cơ tim thoái hoá, hẹp lỗ nhĩ thất phải, van ba lá đóng không kín; đặc biệt là viêm bao tim do ngoại vật, huyết áp tĩnh mạch có thể lên cao 620 mm cột nước. Thiếu vitamin A, huyết áp tính mạch cũng cao. Huyết áp tĩnh mạch thấp khi cơ thể bị mất máu nhiều, lúc trúng độc, lúc bị choáng. VII. Khám chức năng tim Các phương pháp khám tim mạch kể trên có lúc không phát hiện được những bệnh của hệ tim mạch, nhất là lúc chưa có những triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Tim lúc đầu còn có khả năng làm bù, và trong các trường hợp ấy, người ta dùng các phương pháp khám chức năng. Khám chức năng tim bằng cách tạo một điều kiện cho tim làm việc mạnh, và qua phản ứng của hệ tim mạch để đánh giá chức năng của nó. Kiểm tra chức năng thường dùng các phương pháp sau: 1. Bắt con vật chạy. Bắt con vật chạy 10 phút trên đường thẳng rồi kiểm tra xem tần số mạch, tần số hô hấp tăng bao nhiêu lần so với bình thường; và sau bao nhiêu thời gian thì trở lại bình thường. Ngựa: sau 10 phút chạy, mạch tăng 50 - 65 lần/phút, và trở lại bình thường sau 3 - 7 phút. Trong trường hợp tim bị rối loạn, mạch có thể lên đến 90 lần/ phút, và trở lại bình thường sau 10 - 30 phút. 2. Bịt mũi. Bịt mũi, mồm con vật trong 30 - 45 giây, rồi sau đó xem phản ứng của tim. Sau khi bắt con vật ngừng thở, do trong máu tích tụ nhiều khí CO2 sẽ kích thích trung khu hô hấp và làm tim đập nhanh. Nếu con vật khoẻ thì huyết áp động mạch và huyết áp tĩnh 53
mạch tăng. Nếu chức năng tim bị rối loạn, hoạt động tim không thay đổi hay thay đổi rất ít. Lúc tim bị tổn thương, mất khả năng làm bù thì huyết áp giảm rõ rệt. Phương pháp này có thể áp dụng cho các loại gia súc và vào bất kỳ lúc nào; đặc biệt để chẩn đoán sớm rối loạn cơ tim, thoái hoá cơ tim, xơ hoá cơ tim. Câu hỏi ôn tập - Trình bày hiện tượng tim đập động? - Các tiếng tim bệnh lý? - Thế nào là mạch đập và vị trí kiểm tra, phương pháp bắt mạch? - Tĩnh mạch đập dương tính, âm tính, đập động? - Huyết áp là gì, cách đo huyết áp động mạch? - Các phương pháp kiểm tra chức năng tim? Tài liệu tham khảo - Hệ tuần hoàn – Wikipedia tiếng Việt: http://vi.wikipedia.org/wiki - Bệnh tim mạch: http://www.cimsi.org.vn/TimMach/Default.asp?act=2b24 - Điện tâm đồ - Wikipedia tiếng Việt: http://vi.wikipedia.org/wiki/Điện_tâm_đồ - 30k -
Hồ Văn Nam (1979), Chẩn đoán bệnh không lây, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
54
CHƯƠNG VII XÉT NGHIỆM MÁU (Blood assay) Tóm tắt chương Chương này được trình bày trong 19 trang tương ứng 7 tiết giảng, với các nội dung chính sau đây Phương pháp lấy máu. Xét nghiệm lý tính của máu. Tốc độ huyết trầm (Sedimentation rate). Sức kháng của hồng cầu Hoá nghiệm máu. -
Huyết sắc tố (hemoglobin).
-
Độ dự trữ kiềm.
-
Sắc tố mật trong máu, trong huyết thanh.
-
Xác định công thức bạch cầu.
Mục tiêu của chương Mục tiêu của chương là cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất về hệ máu, các bệnh liên quan đến hệ máu và cách làm một số chỉ tiêu sinh lý máu phục vụ cho công tác chẩn đoán. Nội dung của chương Máu là dung môi sống của cơ thể. Máu vận chuyển chất dinh dưỡng từ gan, ruột đi nuôi cơ thể. Máu vận chuyển oxygen, hemoglobin, hormon; máu sinh ra chất miễn dịch chống lại vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn... Máu sinh ra nhiệt và toả nhiệt làm thân nhiệt ổn định. Khi các tổ chức hay các khí quan trong cơ thể thay đổi thì máu và thành phần của máu đều có những thay đổi tương ứng. Vì vậy người ta xét nghiệm các chỉ tiêu này để nhận biết tình trạng chung của cơ thể. Xét nghiệm máu theo các nội dung sau: Thành phần vật lý của máu. Thành phần hoá học của máu. Số lượng và hình thái của bạch cầu, huyết sắc tố. I. Phương pháp lấy máu. Thường kiểm tra về số lượng hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố, hemoglobin và phân loại bạch cầu. Tuỳ theo bệnh mà xét nghiệm sâu hơn về mặt nào đó. Tuỳ theo mục đích xét nghiệm mà có những phương pháp lấy máu khác nhau. Máu cần ít thì lấy ở tĩnh mạch rìa tai. Nếu xét nghiệm thành phần sinh hoá của máu thì lấy ở tĩnh mạch cổ. Ngựa, trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai lấy máu ở tĩnh mạch cổ. 55
Lợn, chó, mèo, chồn, cáo, hổ, báo, sư tử thì lấy máu ở tĩnh mạch khoeo chân. Gia cầm lấy máu ở tĩnh mạch cánh. Lưu ý: Máu ở những nơi khác nhau trên cơ thể con vật sẽ có thành phần máu khác nhau. Nếu lấy huyết tương thì phải dùng chất chống đông máu. Natri citrat (Na3C6H5O7): 0,002g / ml máu. Hoặc là dùng công thức sau: Amon oxalat
1,2 g
Kali oxalat
0,8 g
Aq.dest
100 ml.
Hoà tan đều với nhau, dùng 0,25 ml chống đông cho 5 ml máu. II. Xét nghiệm lý tính của máu. 1. Màu của máu. Cho vào ống nghiệm rồi đưa lên quan sát dưới ánh sáng mặt trời (máu tốt có màu đỏ tươi. Màu của máu đỏ nhiều phản ánh số lượng hemoglobin nhiều. Nếu máu bầm đen là do trong máu thiếu oxy, thừa carbonic. Đây là tính chất để phân biệt những bệnh bại huyết, những bệnh do vi khuẩn, do độc tố của vi khuẩn gây ra. Nếu máu có màu nhạt: số lượng hồng cầu, huyết sắc tố ít. Nếu máu có màu trắng: bệnh máu trắng (Leucosis). Máu có màu hồng: bệnh dung huyết. 2. Thời gian chảy máu và tốc độ máu đông. Thời gian chảy máu. Dùng chiếc kim nhỏ chích máu ở tĩnh mạch tai, sau 30 giây dùng mẩu giấy đen thấm lên giọt máu 1 lần. Máu trên giấy đen mỗi lần thấm vệt máu nhỏ lại, lúc máu không chảy nữa thì không xuất hiện vệt máu. Tính số giọt máu nhân với khoảng cách thời gian sẽ biết được thời gian máu chảy. Thời gian máu chảy = Số giọt máu × Khoảng cách thời gian Nếu lượng tiểu cầu trong máu giảm thì thời gian chảy máu sẽ kéo dài. Nếu bị huyết ban thời gian chảy máu có thể kéo dài 20-30 phút. Tốc độ máu đông. Chích một giọt máu cho lên phiến kính, ghi lại thời gian. Sau đó cứ 30 giây lấy đầu của một chiếc kim vạch lên giọt máu đến lúc nào giọt máu xuất hiện sợi tơ nhỏ (tơ huyết: fibrine) thì đó chính là thời gian máu đông. Ngựa thời gian máu đông là 10 phút; trâu, bò: 5-6 phút; chó: 10 phút. 3. Độ vón của máu. 56
Lấy 10ml máu cho vào ống nghiệm đã tẩy sạch mỡ, đường kính ống nghiệm là 13 17mm. Để ở nhiệt độ 15 - 180C trong 1 giờ; sau đó quan sát. Ghi thời gian máu bắt đầu vón cho đến khi máu vón hoàn toàn. Bình thường, ngựa từ 1 - 3 giờ máu bắt đầu vón, 12 - 18 giờ máu bắt đầu vón hoàn toàn; trâu bò thì chậm hơn. Để qua đêm rồi hút toàn bộ huyết thanh ở phần trên rồi tính tỷ lệ huyết thanh với toàn bộ máu, tỷ lệ đó gọi là chỉ số máu vón. Với ngựa khoẻ, chỉ số bình quân là 0.5. Tốc độ máu vón quyết định ở lượng tiểu cầu và thành phần hoá học của máu. Độ vón máu chậm thường thấy ở các bênh viêm phổi - màng phổi truyền nhiễm, bệnh huyết ban ở ngựa, thiếu máu truyền nhiễm ngựa. Bệnh huyết bào tử trùng thì máu không vón. 4. Độ nhớt của máu. Độ nhớt của máu là chỉ số ma sát của máu lúc chảy trong ống nhỏ có ôn độ và áp lực nhất định. Tốc độ máu chảy và độ nhớt máu tỷ lệ nghịch với nhau. Phương pháp đo: dùng 1 ống thuỷ tinh có ghi vạch cm, đầu tiên hút máu vào và dốc ngược ống để máu chảy trong ống; ghi lại khoảng cách máu chảy được trong một khoảng thời gian nào đó. Sau đó làm như vậy với nước. Tỷ lệ giữa khoảng cách máu chảy và nước chảy là độ nhớt của máu. Độ nhớt cảu máu phụ thuộc vào số lượng các thành phần hữu hình trong máu và còn liên quan mật thiết đến hàm lượng hemoglobin, CO2, protit trong huyết tương và các muối. Lúc số hồng cầu, hemoglobin, protit và lượng các muối tăng lên thì độ nhớt của máu tăng lên rõ rệt; gặp trong bệnh viêm màng phổi, viêm phổi, các bệnh gây sốt, ỉa chảy. Độ nhớt của máu giảm thấy trong các trường hợp thiếu máu của lợn, bệnh suy dinh dưỡng. 5. Tỷ trọng của máu. Tỷ trọng máu của gia súc thường vào khoảng 1,05 - 1,06. Tỷ trọng này lớn nhỏ phụ thuộc vào lượng hồng huyết cầu, hemoglobin và các thành phần trong huyết tương quết định. Phương pháp đo: thường dùng dung dịch CuSO4. Máu hoặc huyết tương trong dung dịch có nồng độ cao thấp khác nhau sẽ hình thành một lớp đồng protit bao bọc ở ngoài, bao lấy những giọt huyết tương hoặc toàn máu. Tỷ trọng của dung dịch mà trong đó những giọt máu trôi lơ lửng cũng là tỷ trọng của máu. Tỷ trọng bình thường của máu gia súc: Loài vật
Trâu, bò
Tỷ trọng 1.050
Dê
Cừu
Ngựa
Lợn
Chó
Thỏ
Gà
1.049
1.043
1.050
1.051
1.050
1.054
1.048
Ý nghĩa chẩn đoán: Tỷ trọng máu tăng trong các bệnh làm cho máu đặc lại như ra mồ hôi quá nhiều, ỉa chảy nặng, đa niệu, báng nước; tỷ trọng của máu thấp trong các quá trình viêm thẩm xuất, các bệnh thiếu máu, hoàng đản do dung huyết.
57
III. Tốc độ huyết trầm (Sedimentation rate). Độ nhớt của máu phụ thuộc vào số lượng những thành phần hữu hình trong máu và còn liên quan mật thiết đến hàm lượng hemoglobin, CO2, protit trong huyết tương và các muối. Khi số lượng hồng cầu, hemoglobin, protit và muối tăng lên thì độ nhớt máu tăng; như trong bệnh viêm màng phổi, viêm phổi, viêm màng bụng, các bệnh gây sốt, các trường hợp mất nước. Độ nhớt máu giảm trong các trường hợp suy dinh dưỡng, thiếu máu. Tốc độ huyết trầm là tốc độ hồng cầu lắng trong huyết tương. Các yếu tố ảnh hưởng: - Lượng Fibrinogen. Lượng fibrinogen trong huyết tương có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ huyết trầm, lượng fibrinogen càng nhiều thì tốc độ huyết trầm càng nhanh. Như trong viêm tương mạc, chức năng của gan hoạt động mạnh, fibrinogen nhiều dẫn đến tốc độ huyết trầm tăng. Nếu chức năng hoạt động của gan giảm thì tốc độ huyết trầm giảm. - Tỷ lệ Albumine và Globuline. Albumine mang điện âm (-), Globuline mang điện dương (+). Globuline tăng: hồng cầu dễ kết chuỗi, tốc độ huyết trầm tăng. Đây cũng là lý do giải thích trong các bệnh truyền nhiễm thì tốc độ huyết trầm tăng. Albumine tăng: hồng cầu khó kết chuỗi, tốc độ huyết trầm giảm. - Lượng Cholesterol - Hàm lượng muối trong máu Tốc độ huyết trầm còn phụ thuộc vào lượng fibrine. Lượng fibrin nhiều thì lắng nhanh, ít lắng chậm. - Phụ thuộc vào tỷ trọng của hồng cầu: tuỳ theo từng giống loài động vật. - Phụ thuộc vào nhiệt độ: mùa hè tốc độ huyết trầm nhanh hơn mùa đông. 2. Các dụng cụ để đo tốc độ huyết trầm. - Ống Panchenkop: ống dài 172 mm, đường kính bên trong 1 mm. Hay dùng ống này vì nó tốn ít máu. - Ống Westergren: ống dài 30 cm, đường kính trong 2,5 mm, dung tích 1 ml, mặt bên của ống có vạch 1- 200 vạch. Dùng 12 ống và 1 giá. - Ống Nevodop: ống chia 100 vạch, chiều dài 170 mm, đường kính trong 90 mm, dung tích 10 ml. 3. Cách đo tốc độ huyết trầm. Phương pháp Nevodop. Ống chia 100 vạch đều nhau, đường kính trong lòng ống 90 mm, chiều dài ống 170 mm, ở trên có nút cao su. Mặt phải của ống vạch từ 12 đến 14 vạch là chỉ số triệu của hồng cầu. Mặt bên trái của ống vạch từ 20 đến 125 vạch là chỉ số % của hemoglobin. 58
Cách làm: Cho vào ống 0,02 ml Natri oxalat (hoặc Natri citrat), sau đó cho máu chảy vào đến vạch 0. Bịt kín ống đảo nhẹ 15 - 20 lần để cho máu và chất chống đông trộn đều vào nhau, phải thấm cho hết bọt khí. Để dựng ống Nevodop vào giá ống nghiệm, quan sát 15 phút, 35 phút, 45 phút, 60 phút. Cuối cùng lấy số bình quân. Biết được tốc độ huyết trầm (lắng máu) để chẩn đoán bệnh cho con vật. Tất cả các bệnh truyền nhiễm, các bệnh có sốt cao, những bệnh gây thiếu máu thì tốc độ huyết trầm tăng. Phương pháp Westergren: cho 1ml NaHCO3 3,8% và 4ml máu trộn đều. Mỗi ống hút máu đến vạch 0, đặt thẳng đứng vào giá và quan sát sau 15, 30, 45, 60 phút cho đến 24 giờ sau đó ghi lại số liệu trên. Phương pháp Panchenkốp: ưu điểm của phương pháp này là lượng máu nhỏ. Ống Panchenkốp dài 172 mm, đường kính trong bằng 1mm, chia 100 vạch cách nhau 1mm. Ở vạch 50 có khắc chữ P, vạch 100 khắc chữ K. Cách làm: hút Natri xitrat 5% vào vạch P, sau đó thổi ra ống nghiệm nhỏ (13 x 100 ml). Cũng dùng ống đó hút máu đến vạch K rồi thổi máu vào ống nghiệm đựng chất kháng đông trên, làm hai lần, rồi trộn đều. Sau đó hút máu đã trộn đều vào đến vạch 1100 rồi dựng ngược ống vào giá và quan sát. Thường lấy số liệu sau 1 giờ. Tốc độ huyết trầm nhanh thấy trong các bệnh sau: các bệnh truyền nhiễm và các bệnh phát sốt; bệnh thiếu máu truyền nhiễm của ngựa, bệnh huyết ban. Tốc độ huyết trầm giảm trong các bệnh: xoắn ruột, viêm màng não, viêm não truyền nhiễm của ngựa, các bệnh làm cho máu đặc. Tốc độ huyết trầm của động vật khác nhau rất lớn: Ngựa có tốc độ huyết trầm nhanh nhất, trâu, bò, dê, cừu có tốc độ huyết trầm chậm nhất. IV. Sức kháng của hồng cầu Trong dung dịch nước muối sinh lý 0,85% hình thái hồng cầu không thay đổi. Nếu tăng nồng độ nước muối lên thì hồng cầu sẽ teo lại do nước trong hồng cầu chui ra ngoài hồng cầu. Nếu nồng độ nước muối giảm 0,6%; 0,4%; 0,3% thì nước ở bên ngoài sẽ chui vào hồng cầu làm hồng cầu trương to và hồng cầu sẽ bị vỡ. Nồng độ nước muối 0,3% thì hồng cầu sẽ bị vỡ hết. Sức kháng tối thiểu của hồng cầu (minimal resistance) là nồng độ muối Natri chlorur (NaCl) làm cho một hồng cầu bắt đầu vỡ. Sức kháng tối đa của hồng cầu (maximal resistance) là nồng độ muối Natri chlorur (NaCl) làm cho hồng cầu vỡ hoàn toàn. Phương pháp đo: dùng nước muối 1% pha loãng với nồng độ khác nhau như sau:
59
Các ống
1.
2.
3.
4.
5.
6.
7.
8.
9.
NaCl 1% Nước cất Nồng độ
1.4
1.36
1.32
1.28
1.24
1.20
1.16
1.12
1.08
1.04
0.6
0.64
0.68
0.72
0.76
0.80
0.84
0.88
0.92
0.96
0.7
0.68
0.66
0.64
0.62
0.60
0.58
0.56
0.54
0.52
Các ống
1 1.
1 2.
1 3.
1 4.
1 5.
1.0
0.96
0.92
0.88
0.84
1.0
1.04
1.08
1.12
0.5
0.48
0.46
0.44
NaCl 1% Nước cất Nồng độ
1 6.
10.
1 7.
1 8.
1 9.
2 0.
21 .
0.8
0.76
0.72
0.68
0.64
0.60
1.16
1.2
1.24
1.21
1.32
1.36
1.40
0.42
0.4
0.78
0.36
0.34
0.32
0.30
Dùng ống hút cho vào mỗi ống trên một giọt máu đã cho chất chống đông; trộn đều, để 15 - 20 phút, ly tâm. Quan sát kết quả. Ở ống hồng cầu bắt đầu vỡ có màu vàng, hồng cầu lắng dưới đáy. Đó là sức kháng hồng cầu tối thiểu. Ống có dung dịch màu đỏ, không có hồng cầu lắng ở đáy gọi là sức đề kháng tối đa. Ý nghĩ chẩn đoán: Người ta cho rằng, hồng cầu non có bề mặt ngoài không ổn định, dễ bị phá vỡ với nồng độ muối thấp. Còn hồng cầu già, màng bán thấm ổn định hơn. Vì vậy mà nếu trong máu có nhiều hồng cầu tức là quá trình tái sinh của cơ quan tạo máu làm việc khoẻ và sức kháng của hồng cầu thấp và ngược lại. Ngoài ra, sức kháng hồng cầu còn liên quan đến nồng độ các muối trong máu, trạng thái của hồng cầu, đặc biệt là các loại mỡ. Sức kháng hồng cầu thấp gặp trong các bệnh gây dung huyết, thiếu máu; sức kháng hồng cầu cao khi chức năng của tuỷ xương bị suy nhược, hoàng đản do tắc ống mật, khi bị bỏng. V. Hoá nghiệm máu. 1. Huyết sắc tố (hemoglobin). Định lượng huyết sắc tố trong máu là để chẩn đoán các trường hợp thiếu máu. Phương pháp đo: Dùng huyết sắc kế Shali. Cấu tạo của huyết sắc kế Shali gồm ống đo ở giữa, 2 ống mẫu hai bên. Ống mẫu màu vàng nâu tương đương với dung dịch hemoglobin 1%.
60
Ống xác định hình tròn, trên có 2 cột khắc độ: cột 1 chỉ số gam hemoglobin có trong 100ml máu; cột 2 chỉ số phần trăm (%) haemoglobin. Nguyên lý: haemoglobin + acid chlohydric (HCl) tạo ra acid haematin có màu nâu. Màu nâu này tỷ lệ thuận với lượng hemoglobin có trong máu. Cho dung dịch HCl 1% vào ống đo đến vạch số 10, dùng ống hút hút máu đến vạch 20. Lấy bông lau sạch máu ngoài ống hút, cho ống hút xuống tận đáy ống đo, thổi nhẹ cho máu chảy ra. Nên hút lên thổi xuống nhiều lần để rửa sạch máu trong ống hút rồi trộn đều. Để yên 10 phút, pha loãng với nước cất đến lúc nào màu của ống đo và màu của ống mẫu bằng nhau thì dừng lại, Đọc kết quả: đọc số gam trên ống đo đó là số gam hemoglobin trong 100ml máu. Lưu ý: cho acid chlohydric vào ít nhất phải đợi 10 phút rồi mới pha loãng so màu, vì quá sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Sau khi cho acid chlohydric vào 1 phút thì chỉ 75% hemoglobin chuyển thành acid hematin, sau 5 phút thì có 85%, sau 2 giờ đồng hồ mới được 100%. Nếu ánh sáng mặt trời không đủ (hay làm thí nghiệm vào ban đêm) thì có thể so màu bằng đèn điện. Sau mỗi lần đo nên dùng nước cất để rửa sạch ống đo. Có thể định lượng hemoglobin qua định lượng sắt (Fe) trong máu toàn phần. Kết quả định lượng sắt (tính bằng mg) chia cho 3,35 sẽ cho lượng gam hemoglobin trong 100ml máu, bởi vì hàm lượng sắt trong hemoglobin chiếm 0,335%. Hàm lượng Hemoglobin trong 100ml máu của gia súc bình thường Loài vật
Số phần trăm (bình quân)
Phạm vi thay đổi
Số gr hemoglobin trong 100 ml máu
Bò
65
56 - 74
11
Cừu
68
54 - 80
11.6
Dê
63
45 - 81
10.7
Trâu
49
28 - 70
8.3
Nghé
57
36 - 78
9.6
La, lừa
90
66 - 414
15.2
ngựa
80
50 - 110
13.6
Lợn
67
55 - 79
10.2
Chó
80
65 - 95
13.6
mèo
65
47 - 83
11 61
Thỏ
69
51 - 87
11.7
Gà
75
51 - 99
12.7
Để phân biệt lượng hemoglobin cao hay thấp trong các trường hợp thiếu máu người ta thường dùng khái niệm chỉ số hemoglobin. Lượng Hb bệnh súc Chỉ số Hb =
Số lượng hồng cầu bệnh súc :
Lượng Hb trung bình của g/s khỏe
Số lượng Hb trung bình của g/s khỏe
Bình thường chỉ số này là 1 hoặc gần bằng 1 (0,8 -1,2). Nếu chỉ số này lớn hơn 1 thì gọi là huyết sắc tố cao, nếu chỉ số này nhỏ hơn 1 thì gọi là huyết sắc tố thấp. Lượng hemoglobin nhiều hay ít phụ thuộc vào tuổi, tính biệt, thức ăn, và các điều kiện nuôi dưỡng khác. Lượng hemoglobin tăng (Pleochromin) gặp trong các bệnh gây mất nhiều nước; các bệnh gây thẩm xuất, thẩm lậu; con vật bị ngộ độc cấp tính; Lượng hemoglobin giảm (Oliochromemia) gặp trong các bệnh gây thiếu máu. Lượng hemoglobin giảm do hàm lượng hemoglobin trong hồng cầu giảm, cũng có thể do lượng hồng cầu giảm, hoặc có thể do cả hai. 2. Độ dự trữ kiềm. 2.1. Phương pháp Nevodop. Thuốc thử: HCl
0,01 N
NaOH
0,1 N.
Phenolthalein
1%.
Tiến hành: Dùng 2 ống nghiệm có nút cao su đậy kín miệng, cho vào mỗi ống 10 ml HCl 0,01N: 1 ống làm kiểm nghiệm; 1 ống làm đối chứng. Lấy máu ở tĩnh mạch tai, cho vào ống nghiệm 0,2ml, đậy kín, lắc đều. Có thể bảo quan 2 - 3 ngày trong phòng thí nghiệm. Khi chuẩn độ thì đổ ra cốc thuỷ tinh. Dùng ống hút loại 1ml hoặc ống nhỏ (Buret) hút dung dịch NaOH 0,1N để chuẩn độ, vừa nhỏ vừa lắc đến khi vẩn đục thì thôi (ví dụ hết 6 ml NaOH 0,1 N. Ống đối chứng: nhỏ 1-2 giọt Phenolthalein 1% rồi chuẩn độ như trên bằng NaOH 0,1N cho đến khi xuất hiện màu đỏ nhạt thì dừng lại (ví dụ hết a ml NaOH 0,1 N). Tính:
x = ( a − b ) × 20 × 100 (Trong ống đối chứng không có máu, 10 ml HCl 0,01 N vẫn còn nguyên và được chuẩn độ hết bằng a ml NaOH 0,1N ) 62
x: lượng kiềm có trong 100 ml máu- mg%. a: lượng ml NaOH 0,1N đã chuẩn độ ống đối chứng b: lượng ml NaOH 0,1 N đã chuẩn độ ống xét nghiệm. Ví dụ: chuẩn độ ống đối chứng hết 1ml NaOH 0,1N; ống xét nghiệm hết 0,69ml NaOH 0,1N thì kết quả được tính như sau:
(1 −
0.69) × 20 × 100 = 620mg %
Trong ống xét nghiệm cũng lượng HCl như trên nhưng đã bị số kiềm trong 0,2 ml máu trung hoà bớt, số còn lại được chuẩn độ hết b ml NaOH 0,1N. Vậy hiệu số (a - b) chính là số ml NaOH 0,1N tương đương với số kiềm có trong 0,2 ml máu đưa ra xét nghiệm. 1 ml NaOH 0,1N có 4 mg NaOH. Do đó số kiềm có trong 0,2ml máu là:
( a − b) ×
4mg
Vậy số kiềm trong 100 ml máu là:
x = ( a − b) × 4 ×
100 = ( a − b ) × 20 × 100 0.2
Với phương pháp này có thể chẩn đoán được các bệnh bệnh ỉa chảy mất nhiều nước; bệnh bại liệt của bò sau khi đẻ; chứng Cetol huyết; viêm thận. Các bệnh này thường làm cho độ dự trữ kiềm giảm. Khi tiếp Natri chlorur (NaCl) cho bệnh súc cần chú ý bổ sung thêm kiềm. 3. Sắc tố mật trong máu, trong huyết thanh. Bilirubin trong máu tăng: con vật sẽ bị hoàng đản. Nếu hemoglobin tăng: do các bệnh gây tan máu. Trong máu tăng hemobilirubin và cholebilirubin là do tổn thương ở gan. Trong máu chỉ có cholebilirubin tăng là do tắc ống dẫn mật. Muốn biết rõ các trường hợp này thì phải định lượng. Tất cả các phản ứng đó đều dựa vào nguyên tắc phản ứng Ehrlich. Nguyên lý: Bilirubin+ dung dịch Diazo tạo ra azobilirubin màu hồng. Nếu bilirubin tự do thì phải được hoà tan trong dung môi hữu cơ (thường dùng cồn 900 hoặc dung dịch ure benzoat Natri. Dung dịch diazo + huyết thanh sau một phút xảy ra phản ứng, thì đó gọi là phản ứng trực tiếp (bilirubin kết hợp). Sau đó cho ra dung dịch hoà tan bilirubin tự do vào, phản ứng sẽ diễn ra tiếp tục. Đó là phản ứng của bilirubin tổng số (trực tiếp + gián tiếp). 3.1. Phản ứng Vandenberg. Mục đích của phản ứng nhằm biết được trong huyết thanh có bilrubin trực tiếp không, phản ứng trực tiếp âm hay dương tính, bilirubin gián tiếp có nhiều hơn bình thường không, phản ứng gián tiếp rõ hay âm tính. Thuốc thử a) Dung dịch Ehrlich Ehrlich 1: 63
Acid sulfanilic:
1g
Acid chlohydric (d=1,19):
15 ml
Nước cất vừa đủ:
1.000 ml
Erhlich 2: Natri nitric (NaNO2):
0,5 g
Nước cất vừa đủ:
100 ml.
Lấy 10 ml dung dịch Ehrlich (1) trộn với 0,3 ml dung dịch Ehrlich (2) để tạo ra dung dịch Diazo đưa vào phản ứng. b) Cồn 95º Tiến hành: Phản ứng trực tiếp: cho 2 ml huyết thanh vào ống nghiệm, nhỏ từ từ theo thành ống 0,5 ml dung dịch Diazo lên trên huyết thanh. Nếu chỗ tiếp xúc có màu hồng, tím là phản ứng trực tiếp dương tính. Nếu sau 10 -15 phút phản ứng mới xuất hiện là phản ứng trực tiếp chậm (còn gọi là phản ứng lưỡng tính). Nếu sau 15 phút không xuất hiện là phản ứng trực tiếp âm tính. Tiếp tục cho vào ống nghiệm thêm 5 ml cồn 95º, khuấy đều nếu xuất hiện màu hồng là phản ứng gián tiếp dương tính. Ý nghĩa chẩn đoán: Với gia súc khoẻ, phản ứng trực tiếp âm tính, phản ứng gián tiếp tuỳ theo loài gia súc có thể âm tính hay dương tính. Đối với bò, phản ứng gián tiếp âm tính không rõ, nhưng ngựa lại phản ứng gián tiếp dương tính rất rõ. Phản ứng trực tiếp dương tính: những bệnh gây tắc ống mật (bệnh ngoài gan). Phản ứng trực tiếp âm tính, phản ứng gián tiếp dương tính rõ là những bệnh phá hoại máu hàng loạt. Phản ứng trực tiếp chậm (phản ứng lưỡng tính): những bệnh gây tổn thương ở gan. 3.2. Phản ứng Boknchut. Mục đích của phản ứng là định lượng bilirubin trong huyết thanh. Thuốc thử: a) Dung dịch Ehrlich Ehrlich (1): Acid sulfuric: 1g; Acid chlohydric (d=1,19): 200ml. Ehrlich (2): Natri nitrit (NaNO2): 0,5%. Khi dùng lấy 10ml dung dịch Ehrlich (1) hoà với 0,5ml dung dịch Ehrlich (2). Cách làm.
64
Lấy 6 ống nghiệm loại nhỏ, đánh số từ 1 đến 6. Trừ ống số 1, các ống khác cho vào 0,5 ml nước muối sinh lý. Từ ống số 1 đến ống số 2 cho vào mỗi ống 0,5 ml huyết thanh, trộn đều huyết thanh với nước sinh lý, ở ống số 2, hút 0,5ml cho sang ống số 3. Trộn đều ống số 3, hút 0,5 ml cho sang ống số 4. Cứ như vậy cho đến ống số 6. Đến ống số 6 hút 0,5 ml bỏ đi. Như vậy các ống được pha loãng như sau: Ống số
1
2
3
4
5
6
Độ pha loãng
1
2
4
8
16
32
Tiếp tục cho vào mỗi ống 0,5 ml dung dịch Diazo, trộn đều. Nếu ống nào có màu hồng: phản ứng trực tiếp. Sau 15 phút mà không thấy có phản ứng thì cho vào mỗi ống 0,5 ml cồn 90º, trộn đều. Nếu có màu hồng xuất hiện: phản ứng gián tiếp. Cách tính: Lấy độ pha loãng của ống xuất hiện màu hồng đầu tiên nhân với 0,016. (Đó là số Bilirubin trong 1ml dung dịch đủ để có phản ứng với Diazo) nhân tiếp với 100, trừ đi số mg% Bilirubin. Ống thứ 2 xuất hiện màu hồng đầu tiên: 0,016 x 2 x 100 = 3,2 mg%. Với huyết thanh của trâu, bò, lợn lượng Bilirubin trong đó rất ít nên phản ứng gián tiếp yếu. Với huyết thanh của ngựa thì phản ứng gián tiếp rất rõ, nếu ngựa có chửa thì phản ứng trực tiếp cũng rất rõ. Hàm lượng Bilirubin tăng trong các bệnh sau: bệnh huyết bào tử trùng; bệnh viêm não tuỷ truyền nhiễm; trúng độc SO2; huyết ban. Trong bệnh viêm phổi thuỳ (Pneumonia crouposa) lượng Bilirubin trong huyết thanh có khi lên đến 4 mg%. 4. Các thành phần hữu hình của máu. 4.1. Số lượng hồng cầu. Mỗi loài động vật có số lượng hồng cầu ngoại vi, sau đó nó bị phá vỡ và được bổ sung bằng hồng cầu non. Tuỳ theo loài vật, tuổi của nó, tính trạng của nó, dinh dưỡng, vùng sinh thái nó sinh sống mà số lượng hồng cầu có khác nhau. Số lượng hồng cầu tăng rất ít trong các bệnh làm cho cơ thể bị mất nhiều nước, ra nhiều mồ hôi, sốt cao, ỉa chảy nặng... Số lượng hồng cầu biểu thị tình trạng sức khoẻ, tình trạng dinh dưỡng của con vật. Dung dịch để đếm hồng cầu: Dung dịch 1: Natri chlorur:
0,6 g
Natri citrat:
1,0 g
Formol 36 %:
1 ml
Nước cất vừa đủ:
97,4 ml
trộn đều, quấy cho tan rồi lọc
65
Dung dịch Hayem: Natri chlorur:
1,0 g
Na2SO4.10 H2O:
5,0 g
HgCl:
0,5 g
Nước cất vừa đủ:
200 ml
trộn đều, quấy cho tan, lọc. Cho một vài giọt eosin 2% để dung dịch có màu hồng dễ phân biệt
Dung dịch 3: Natri chlorur:
7,0 g
Natri citrat:
5,0 g
Kali chlorua (KCl):
0,2 g
MgSO4:
0,04 g
Nước cất vừa đủ:
100 ml
Dụng cụ để đếm hồng cầu: ống hút Thoma, buồng đếm Neubauer hoặc Goriaep. Buồng đếm Neubauer có 2 buồng hai bên. Mỗi buồng có kích thước 3 x 3mm phân thành 9 ô lớn. Mỗi ô hình vuông kích thước 1 x 1mm = 1 mm2. Bốn ô lớn ở góc có vạch chia ra 16 ô trung bình dùng để đếm bạch cầu. Ô lớn ở chính giữa chia ra 25 ô trung bình, mỗi ô trung bình lại chia ra 16 ô nhỏ. Đếm hồng cầu ở 5 ô trung bình (4 ô ở 4 góc và 1 ô ở chính giữa). Buồng đếm có độ dày 1/ 10mm, lúc đậy Lamen mỗi ô lớn tạo thành hộp thể tích 1/ 10mm3. Dùng ống hút Thomas, hút máu đến vạch 0,5, hút dung dịch pha loãng đến vạch 101. Như vậy chúng ta có độ pha loãng 200 lần. Lấy ống cao su ra rồi dùng ngón tay bịt 2 đầu, đảo nhẹ cho máu trộn thật đều với dung dịch pha loãng. Bỏ đi 1- 2 giọt đầu, cho dung dịch trên vào buồng đếm, đậy Lamen lên buồng đếm; đợi vài phút cho hồng cầu lắng xuống rồi đếm. Phương pháp đếm và cách tính: Mỗi ô có 4 cạnh, chú ý những hồng cầu nằm trên 4 cạnh thì chỉ đếm ở 2 cạnh. Gọi số hồng cầu ở 5 ô trung bình là M. thì số hồng cầu trong 1 mm3 là:
M × 25 × 10 × 200 = M × 10000 5 Số lượng hồng cầu bình thường Số lượng hồng cầu (triệu/mm3 máu) Loài động vật Trung bình
Tối thiểu
Tối đa
Ngựa
8.5
5.5
11.5
Bò
6.0
4.5
7.5
66
Trâu
6.0
3.2
8.7
La, Lừa
13.6
10.6
16.6
Cừu
9.4
7.6
11.2
Dê
13.1
8.0
18.2
Lợn
5.7
3.4
7.9
Chó
6.5
5.6
7.4
Mèo
7.4
6.6
9.4
Thỏ
6.0
3.9
8.1
Gà
3.5
2.5
5.0
Vịt
3.0
2.0
3.7
Khi có bệnh, hồng cầu có thể tăng hoặc giảm. Hồng cầu tăng thường ít thấy. Nguyên nhân là các bệnh làm cho cơ thể mất nước như ỉa chảy nặng, ra nhiều mồ hôi, lồng xoắn ruột ở ngựa. Số lượng hồng cầu giảm trong các bệnh thiếu máu, bệnh làm cho hồng cầu bị vỡ nhiều, viêm phổi thuỳ, trúng độc, ký sinh trùng đường máu. 4.2. Số lượng bạch cầu (Leucocyte). Dung dịch pha loãng. Acid acetic
2 ml.
Nước cất (Aq.dest)
98 ml
Vài giọt Bleu methylen 0,1 % để nhuộm xanh dung dịch. Dụng cụ đếm bạch cầu. Ống hút bạch cầu nhỏ hơn ống hút hồng cầu, trong ống hút bạch cầu có bi màu xanh. Buồng đếm như buồng đếm hồng cầu. Phương pháp đếm và cách tính. Hút máu đến vạch 0,5. Hút dung dịch pha loãng đến vạch 11; pha loãng 20 lần. Đếm 4 ô lớn ở 4 góc. Gọi N là số bạch cầu 4 ô lớn ở 4 góc. Vậy số bạch cầu trong 1 mm3 là:
N × 10 × 20 = N × 50 4 Bạch cầu tăng trong các bệnh truyền nhiễm, trong các bệnh dẫn đến nhiễm trùng, trong các ổ áp xe (Abscessus)
67
Bạch cầu giảm trong các bệnh do virus, các bệnh thiếu máu ác tính, trúng độc do hoá chất. 4.3. Số lượng tiểu cầu (Thrombocyte). Trong máu có ít tiểu cầu thì khi con vật bị chảy máu: máu sẽ rất khó đông. Dung dịch để đếm tiểu cầu. MgSO4
14%.
Dung dịch cố định: HgCl2:
0,1 g
Axit acetic đặc:
6 giọt
Cồn 960:
10 ml
Thuốc nhuộm Giemsa hoặc Wright Cách đếm. Chích 1 giọt máu ở tai, cho 1 giọt MgSO4 14% vào trộn đều. Phiết kính và để khô trong không khí. Có thể nhuộm bằng thuốc nhuộm Wright hoặc cố định như trên rồi nhuộm Giemsa. Đếm dưới vật kính dầu. Đếm 1.000 hồng cầu xem có được bao nhiêu tiểu cầu. Ví dụ:
Có M tiểu cầu, thì số lượng tiểu cầu trong 1 mm3 máu là:
M × Số lượng hồng cầu trong 1mm3 máu 1000 Số tiểu cầu của gia súc khoẻ: Loài động vật
Số tiểu cầu (nghìn/mm3 máu)
Loài động vật
Số tiểu cầu (nghìn/mm3 máu)
Ngựa
250 - 600
Bò
260 - 700
Trâu
220 - 380
Dê
540 - 1000
Cừu
270 - 510
Lạc đà
360 - 790
La
240 - 400
Lừa
300 - 500
Lợn
180 - 300
Chó
190 - 570
Mèo
100 - 700
Thỏ
120 - 480
Gà
22 - 41
Vịt
70 - 120
4.4. Huyết cầu của gia cầm. Hồng cầu và tiểu cầu của gia cầm đều có nhân nên phương pháp đếm không giống của gia súc khác. a) Đếm gián tiếp.
68
Dùng ống hút của hồng cầu hút máu đến vạch 0,5. Hút nước muối sinh lý đến vạch 101, độ pha loãng 200 lần. Đếm theo cách đếm hồng cầu. Đếm tổng số huyết cầu có trong 1mm3 máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu). Phiết kính máu, nhuộm và tính tỷ lệ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu của 1.000 huyết cầu đếm được trong kính hiển vi. Từ tỷ lệ này suy ra số lượng các loại huyết cầu có trong 1 mm3 máu. Ví dụ: tổng số huyết cầu có trong 1mm3 máu là 3.200.000. Trong 1.000 huyết cầu có 982 hồng cầu, có 7 bạch cầu, có 11 tiểu cầu, thì số hồng cầu là:
982 × 3.200.000 1000 Số lượng bạch cầu là:
7 × 3.200.000 1000 Số lượng tiểu cầu là:
11 × 3.200.000 1000 5. Hình thái hồng huyết cầu 5.1. Phiết kính và nhuộm tiêu bản Cần thao tác cẩn thận vì nếu làm không chính xác thì kết quả sẽ sai khác. Nếu phiết kính để xem hình thái hồng cầu thì phải làm tiêu bản máu rất mỏng. Nếu để phân loại bạch cầu thì dày hơn một ít và phiến kính phải trung tính (bằng cách ngâm phiến kính vào nước xà phòng đun sôi). Sau khi đã phiết kính, để cố định hình thái huyết cầu cần ngâm tiêu bản máu vào các dung dịch sau: Trong cồn Methanol 15 phút. Trong cồn Ethanol tuyệt đối 10 - 20 phút. Trong cồn Ethanol + Ether ethylic (lượng bằng nhau) 10 - 20 phút. Trong Acetol + Methanol (lượng bằng nhau) 5 phút Sau khi đã cố định xong, tiến hành nhuộm màu bằng thuốc nhuộm Wright hoặc thuốc nhuộm Giemsa. Phương pháp nhuộm giemsa: Đánh số thứ tự tiêu bản để khỏi lẫn Cố định bằng cồn Methanol trong 5 phút Nhỏ thuốc nhuộm và để 15 - 30 phút Rửa nước, để khô và xem dưới vật kính dầu 5.2. Hình thái hồng huyết cầu. Hồng cầu là thành phần chủ yếu của máu. Hồng cầu của đa số động vật có vú có hình đĩa, không nhân, hai bên dày, nhuộm màu đậm, ở giữa mỏng, bắt màu nhạt. Hồng cầu lạc đà hình quả trứng. Hồng cầu gia cầm có nhân. 69
Bình thường trên tiêu bản nhuộm, hồng cầu có màu đỏ nhạt, xung quanh đậm, giữa nhạt. Sự thay đổi về hình thái của hồng cầu: - Về mặt nhuộm màu: + Hồng cầu nhạt màu: hồng cầu nhạt màu trong kính hiển vi là một vệt mờ, nhuộm không rõ, là do hồng cầu quá ít; gặp trong bệnh thiếu máu, thiếu huyết sắc tố. + Hồng cầu quá đậm: do huyết sắc tố bám vào quá nhiều hoặc do hồng cầu vỡ nhiều hay có thể do hồng cầu quá lớn. + Hồng cầu đa sắc: ngoài hồng cầu có màu đỏ bình thường còn thấy những loại bắt màu hơi ánh xanh hoặc hơi đen. Những hồng cầu này chính là những tế bào non do nhân và bào tương thành thục không đều nhau, lúc nhân đã bị tiêu, nhưng trong bào tương vẫn còn lại những hạt ái kiềm. Đó là hiện tượng chức năng tái sinh hồng cầu của tuỷ xương hoạt động mạnh. + Hồng cầu to, nhỏ không đều: trong tiêu bản có thể có những hồng cầu rất to, 8 -12 à, có loại rất nhỏ chỉ vài à. sở dĩ như vậy là do những bệnh ở tuỷ xương, do thiếu vitamin B 12. + Hồng cầu dị hình: hồng cầu dị hình có hình dạng hơi dài hay có hình lưỡi liềm, có những hồng cầu bị vỡ cho ra hình ngôi sao do các bệnh phá vỡ nhiều hồng cầu gây ra. + Hồng cầu có nhân: hồng cầu có nhân là những hồng cầu non là trong các trường hợp thiếu máu nặng. + Hồng cầu có hạt: trong nguyên sinh chất của nó có những hạt nhỏ bắt màu ái kiềm đó là những hồng cầu non trong máu ngoại vi, gặp trong bệnh thiếu máu. + Hồng cầu có thể Toly: trong hồng cầu có vật thể hơi dài bắt màu đỏ, tím, gọi là thể Toly. Đó là do nhân của hồng cầu thoái hoá không hoàn toàn tạo ra. + Hồng cầu có vòng Cabot: nằm trong màng nguyên sinh chất của hồng cầu có hình móng ngựa hoặc hình số 8, là do nhân của hồng cầu thoái hoá không hoàn toàn tạo ra. + Hồng cầu hạt ái kiềm: hồng cầu hạt ái kiềm trong nguyên sinh chất có những hạt rất rõ. Nguồn gốc có thể là do nhân phát triển không thành thục sinh ra gặp trong các bệnh suy nhược thần kinh, trong các bệnh dẫn đến thiếu máu. Đây là những chỉ tiêu chất lượng của hồng cầu. 5. Hình thái bạch cầu. Phiết kính nhuộm Giemsa, căn cứ vào các hạt nguyên sinh chất của bạch cầu, chia bạch cầu ra làm loại có hạt và loại không có hạt. 5.1. Bạch cầu có hạt (Granulocyte) Bạch cầu ái toan (Eosinophil): trong nguyên sinh chất có những hạt bắt màu đỏ của Eosin. Tế bào loại này hình quả trứng, đường kính 8 - 10 µ. Nhân thường chia thuỳ; có thể hình gậy hoặc hình cây. Bạch cầu ái kiềm (Basophil): hình tròn hoặc quả lê, đường kính khoảng 8 -15 µ. Nguyên sinh chất sáng, nhuộm màu tím đen hoặc màu nhạt. Nhân của bạch cầu ái kiềm thường đa dạng. Tuỳ theo mức độ trưởng thành của loại bạch cầu này mà phân ra: tuỷ cầu, ấu cầu, hình gậy, hình đốt. Bạch cầu loại này rất khó phân biệt vì rìa nhân và sự sắp xếp các tiểu thuỳ của nhân không rõ. Trong thực tế cần chẩn đoán phân biệt các loại như trên của bạch cầu 70
ái kiềm không có ý nghĩa, vì số lượng bạch cầu ái kiềm rất ít khoảng 0,1 đến 2%, trung bình 0,5%. Bạch cầu ái trung (Neutrophil). Trong nguyên sinh chất những bạch cầu này có những hạt trung tính. Bạch cầu ái trung của con vật có 2 loại: hình gậy và hình đốt. Loại ấu cầu và tuỷ cầu rất ít khoảng 0,5 đến 1%; và không phải loài vật nào cũng có loại bạch cầu này. Tuỷ cầu (Myclocyte): là loại bạch cầu ái trung non nhất, hình tròn, đường kính khoảng 10 - 13 µ. Nguyên sinh chất bắt màu đỏ nhạt, có khi bắt màu tím nhạt. Ấu cầu: là loại bạch cầu có hình thái trung gian giữa tuỷ cầu và bạch cầu ái trung nhân gậy. Đường kính khoảng 12 - 22 µ. Nhân hình hạt đậu hay hình móng ngựa. Bạch cầu ái trung hình gậy: hình tròn, đường kính khoảng 10 - 14 µ. Nguyên sinh chất to, nhỏ không đều, bắt màu đỏ nhạt có pha màu xanh xám nhạt, có hạt nhỏ bắt màu tím nhạt. Nhân loại bạch cầu này hình móng ngựa hay hình chữ S. Bạch cầu ái trung nhân đốt: là loại bạch cầu ái trung già nhất, hình tròn, đường kính 10 -15 µ. Nguyên sinh chất bắt màu đỏ nhạt, thường phân 2-5 tiểu thuỳ. Các tiểu thuỳ này có dạng chữ W, chữ L hoặc số 8. Bạch cầu không hạt (Lymphocyte = Lâm ba cầu): trong nguyên sinh chất không có hạt. Có 3 loại sau đây: Đại lâm ba: nguyên sinh chất nhuộm màu xanh nhạt, đường kính 10 -19 µ. Nhân hình tròn, hình quả thận, hình trái tim Trung lâm ba: là trung gian giữa đại lâm ba và tiểu lâm ba. Tiểu lâm ba: nguyên sinh chất nhuộm màu xanh thẫm, trong đó có những không bào nhỏ li ti. Nhân nhỏ, tròn. Bạch cầu đơn nhân (Monocyte): là bạch cầu to nhất trong các loại bạch cầu của máu. Đường kính của loại bạch cầu này là khoảng 12 - 20 µ. Nguyên sinh chất bắt màu xanh xám nhạt, không có hạt, nhân to: hình bầu dục, hình hạt đậu. 6. Công thức bạch cầu. Công thức bạch cầu là tỷ lệ phần trăm giữa các loại bạch cầu. Các loại bạch cầu được tính trong công thức bạch cầu là : bạch cầu ái kiềm, ái toan, ái trung, lâm ba cầu, đơn nhân và tế bào tương. Tuỳ mức độ thành thục mà người ta chia bạch cầu ái trung thành tuỷ cầu, ấu cầu, ái trung nhân gậy, ái trung nhân đốt. Có thể trình bày công thức bạch cầu theo bảng sau: Bạch cầu ái trung Bạch Bạch Bạch cầu ái cầu ái cầu kiềm Tuỷ Ấu Nhân toan (%) cầu cầu gậy
Nhân đốt
Lâm Đơn ba cầu nhân (%) (%)
Tế bào tương (%)
Trong máu động vật khoẻ hoà toàn không có tuỷ cầu, rất ít ấu cầu và tế bào tương cũng rất ít, tỷ lệ không quá 0,5%. Bạch cầu ái kiềm, ái toan, đơn nhân không nhiều. Bạch cầu ái trung và lâm ba chiếm tỷ lệ trên 50%. Ngựa, lợn chó có bạch cầu ái trung nhiều nhất, các loại động vật khác thì lâm ba câu nhiều nhất. 71
Công thức bạch cầu thay đổi theo tuổi, giống, tính biệt, thể chất... nhưng thường không nhiều lắm, do đó, trên cơ bản thì công thức không thay đổi. Trong chẩn đoán chức năng của các khí quan tạo máu, việc phân tích công thức bạch cầu có ý nghĩa chẩn đoán và định tiên lượng rất lớn. Trong công thức bạch cầu chú ý đặc biệt đến bạch cầu non (ấu cầu, tuỷ cầu) vì nó phản ánh trạng thái của khí quan tạo máu tương đối rõ. 7. Xác định công thức bạch cầu. Trong một phiến kính đếm hết các loại bạch cầu sao cho tổng số được 100 hoặc 200, hay 300 cái rồi lấy bình quân. Dùng vật kính dầu hay vật kính 40, cách đếm như sau: Đếm ở 4 góc theo hình chữ chi, mỗi góc 25 - 50 bạch cầu. Đếm ở 2 đầu phiến kính theo hình chữ chi, đếm từ bên này sang bên kia mỗi đầu 50 cái. Có thể đếm bắt đầu từ giữa phiến kính, đếm theo hình chữ chi về 2 đầu, tổng cộng là 100 cái. Chỉ số nhân: là tỷ lệ nhân của những bạch cầu ái trung chưa trưởng thành và tổng số bạch cầu ái trung. Ấu cầu + Tủy cầu + Nhân gậy Chỉ số nhân = Tổng số bạch cầu trung tính Ở ngựa, chỉ số nhân =
0+ 0+ 4 4 = 54 54
Ở bò, chỉ số nhân =
0+ 0+ 6 6 = 31 31
Ở lợn, chỉ số nhân =
0+ 0+ 3 3 = 43 43
Ấu cầu + Tủy cầu + nhân gậy
Ngoài ra chỉ số nhân còn biểu thị qua tỷ số = Nhân đốt Chỉ số này ở ngựa = Ở bò =
0+ 0+ 4 1 = 50 12.5
0+ 0+ 6 6 = 31 31
8. Công thức bạch cầu thay đổi (Leucocyte formule change). Công thức bạch cầu thay đổi có thể do: số lượng bạch cầu thay đổi; tỷ lệ giữa các loại bạch cầu thay đổi; hình thái bạch cầu thay đổi (biến chất, tăng sinh)
72
Trong quá trình bị bệnh do tế bào máu bị phá huỷ nhiều, nhưng nếu chức năng tạo máu của cơ quan tạo máu còn khoẻ, cơ quan dự trữ máu còn có khả năng bổ sung thì số lượng huyết cầu hầu như không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể. Nếu huyết cầu ở ngoại vi bị phá huỷ nhiều, huyết cầu trưởng thành bổ sung không kịp trong máu sẽ xuất hiện những tế bào non: ấu cầu và tuỷ cầu. Hiện tượng này ở các loại bạch cầu đều có nhưng bạch cầu ái trung là rõ nhất. 8.1. Công thức bạch cầu nghiêng tả: Trong trường hợp bị bệnh mà bạch cầu ái trung hình đốt giảm rõ, nhưng bạch cầu nhân gậy, ấu cầu và tuỷ cầu tăng lên thì gọi là công thức bạch cầu nghiêng tả. 8.2. Công thức bạch cầu nghiêng hữu: Nếu trong máu xuất hiện nhiều bạch cầu già thì tỷ lệ giữa bạch cầu già và bạch cầu non trong công thức bạch cầu sẽ thay đổi thì gọi là công thức bạch cầu nghiêng hữu. Căn cứ vào bạch cầu nghiêng tả và bạch cầu nghiêng hữu mà chia ra bạch cầu tăng sinh và bạch cầu biến chất. - Bạch cầu tăng sinh (Regeneration) Tổng số bạch cầu tăng: ấu cầu, tuỷ cầu, ái trung, nhân đốt (công thức bạch cầu nghiêng tả). Gặp trong trường hợp tuỷ xương con khoẻ, phản ứng của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh còn mạnh. + Bạch cầu tăng sinh sinh lý: sau khi con vật ăn no, trong khi con vật mang thai. + Bạch cầu tăng sinh bệnh lý: trong các bệnh nhiễm trùng; các bệnh truyền nhiễm. - Bạch cầu biến chất (Degeneration). Tổng số bạch cầu giảm, bạch cầu nhân đốt tăng lên rõ rệt: công thức bạch cầu nghiêng hữu. 9. Hình thái bạch cầu thay đổi Một số bệnh truyền nhiễm nặng, khi trúng độc... thì độc tố của vi khuẩn, từ ngoài vào hay sản sinh trong qúa trình bệnh sẽ tác động lên cơ quan tạo máu, lên ngay cả bản thân bạch cầu. Hậu quả không những làm cho số lượng bạch cầu thay đổi mà cấu trúc, hình thái của bạch cầu cũng bị thay đổi. Người ta chia sự thay đổi ra lam hai loại: tăng sinh và biến chất. Bạch cầu tăng sinh chủ yếu là hiện tượng trong máu mạch quản ngoại vi xuất hiện nhiều bạch cầu non do cơ quan tạo máu bị kích thích mạnh. Trên tiêu bản nhuộm thấy tỷ lệ các tế bào non có kích thước lớn nhiều so với bình thường. Bạch cầu biến chất là những bạch cầu có thay đổi về cấu trúc, đặc biệt là ở nguyên sinh chất và nhân. Trong nguyên sinh chất xuất hiện không bào to nhỏ đủ loại. Nhân bạch cầu thay đổi khá rõ, nhuộm màu khác thường, teo lại, đặc lại, phân nhiều nhánh và xuất hiện những không bào. Câu hỏi ôn tập -
Trình bày các phương pháp lấy máu để xét nghiệm và nêu các chỉ tiêu sinh lý máu?
-
Nêu phương pháp kiểm tra tốc độ huyết trầm ? 73
-
Cách kiểm tra sức kháng hồng cầu và ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh ?
-
Nêu phương pháp đo độ dự trữ kiềm trong máu và ý nghĩa của nó trong chẩn đoán?
Tài liệu tham khảo -
Lê Hữu Nghị (2006), Chẩn đoán thú y, ĐH Nông Lâm, Huế
-
Hồ Văn Nam (1979), Chẩn đoán bệnh không lây, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
-
Sinh lý máu: http://www.ctu.edu.vn/coursewares/supham/sinhlydongvat/chuo ng1.htm
74
CHƯƠNG VIII KHÁM HỆ HÔ HẤP Tóm tắt chương Chương này được trình bày trong 13 trang tương đương với 5 tiết giảng. Nội dung của chương trình bày những phương pháp chẩn đoán dùng rộng rãi trong thực tiễn thú y như nhìn, sờ nắn, gõ và nghe; thể chọc dò, kiểm tra dịch mũi hoặc chụp X - quang … để kiểm tra bệnh của hệ hô hấp. Cụ thể: Khám động tác hô hấp Khám đường hô hấp trên Khám ngực Chọc dò xoang ngực và kiểm tra dịch chọc dò. Khám đờm. Mục tiêu của chương Cung cấp cho người học những ký năng khám bệnh đối với hệ hô hấp, nêu nên sự khác nhau giữa các phương pháp và giúp người học có thể lực chọn phương pháp khám thích hợp với hoàn cảnh thực tiến.
Loài
Tần số hô hấp
Bò
10 - 30
Trâu
10 - 30
Trong ngành thú y, gặp rất phổ biến bệnh đường hô hấp như: tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; viêm phổi và màng phổi truyền nhiễm, viêm phế quản, viêm phổi, lao, viêm màng mũi thối loét, xuyễn lợn…
Ngựa
8 - 16
Lợn
10 - 20
Chó
10 - 30
Những phương pháp chẩn đoán dùng rộng rãi trong thực tiễn thú y là: nhìn, sờ nắn, gõ và nghe; có thể chọc dò, kiểm tra dịch mũi hoặc chụp X - quang khi cần thiết.
Mèo
20 - 30
Thỏ
50 - 60
I. Khám động tác hô hấp
Dê, cừu
12 - 20
1. Tần số hô hấp.
Gia cầm
Nội dung của chương
Tần số hô hấp là số lần hô hấp trong một phút. Thường đếm số lần hô hấp trong 2 – 3 phút rồi lấy kết quả trung bình. Tính tần số hô hấp bằng cách: quan sát hoạt động của cánh mũi, để tay trước lỗ mũi đếm số lần khí vào ra, nghe tiếng phế quản, hoạt động của thành ngực và bụng, hoạt động lên xuống của hõm hông. Tần số hô hấp thay đổi phụ thuộc nhiều điều kiện khác nhau như: giống, tuổi, tính biệt, thể chất, tình trạng dinh dưỡng, trạng thái cơ thể, môi trường. Nhìn chung, con đực thở chậm hơn con cái.
75
Con vật có thể vóc bé thở nhanh hơn con có thể vóc lớn. Con vật non thở nhanh hơn con già và con trưởng thành. Giống nhập nội thở nhanh hơn giống địa phương. Mùa hè con vật thở nhanh hơn mùa đông. Buổi trưa con vật thở nhanh hơn buổi tối. Lúc lao tác con vật thở nhanh hơn lúc nghỉ ngơi. a) Thở nhanh (polypnoe): thường do các bệnh sau: - Những bệnh làm hẹp diện tích hô hấp ở phổi như viêm phổi, lao phổi; những bệnh làm mất đàn tính của phổi như khí thũng phổi, xẹp phổi; những bệnh làm hạn chế hoạt động hô hấp như chướng hơi dạ dày, ruột. - Những bệnh gây sốt cao - Những trường hợp thiếu máu nặng. - Bệnh ở tim, tuần hoàn rối loạn - Bệnh ở hệ thần kinh, khi con vật quá đau đớn. b) Thở chậm (oligopnoe): thường do những bệnh làm hẹp thanh - khí quản, thần kinh bị ức chế nặng, trúng độc, rối loạn chức năng thận, bệnh gan, bại liệt sau khi đẻ, khi con vật sắp chết; trong chứng xetol huyết ở bò sữa, viêm não tuỷ truyền nhiễm của ngựa. 2. Thể hô hấp. a) Thở thể ngực: là lúc con vật thở, thành ngực hoạt động rõ, còn thành bụng, cơ hoành hoạt động ít hay không hoạt động. Chó khoẻ thở thể ngực; những loài gia súc khác thở thể ngực – bụng. Nếu chỉ thở thể ngực là có bệnh. Nguyên nhân có thể là: viêm phúc mạc, liệt cơ hoành, chướng bụng đầy hơi, bội thực, báng nước, gan, lách sưng to, bàng quang căng to do bí đái... b) Thở thể bụng: là lúc con vật thở, thành bụng hoạt động rõ. Con vật thở thể bụng thường là do có bệnh ở xoang ngực như: viêm màng phổi, phổi khí thũng, tràn dịch màng phổi, liệt cơ liên sườn, viêm dây thần kinh liên sườn. c) Thở hỗn hợp: là khi con vật thở có sự phối hợp nhịp nhàng của thành ngực và thành bụng. Con vật khoẻ thở theo một nhịp điệu nhất định: lúc hít vào, lồng ngực và thành bụng phồng lên và ngược lại. Hít vào và thở ra theo tỉ lệ nhất định như sau: Thời gian nghỉ sau mỗi lần thở bằng nhau. Những rối loạn hô hấp: - Hít vào kéo dài: thường do hẹp đường hô hấp trên. Thở ra kéo dài: do khí trong phổi ra ngoài khó khăn. Thường trong các bệnh viêm phế quản nhỏ, phổi khí thũng mãn tính. - Thở ngắt quãng: động tác hít vào và thở ra không liên tục, ngắt ra nhiều động tác hô hấp nhỏ.
Loài
Tỷ lệ hít vào/thở ra
Bò
1/1.2
Ngựa
1/1.8
Lợn
1/1
Chó
1/1.64
76
Thường do viêm màng phổi, thành ngực đau, viêm phế quản nhỏ, phổi khí thũng; cũng có thể do viêm não, màng não, liệt sau khi đẻ, trúng độc urê, cetol huyết ở bò, khi con vật sắp chết. - Thở Kusmôn (Kussmaul): đặc điểm là thở từng cái sâu và dài, tần số hô hấp giảm nhiều, có tiếng ran. Do thần kinh bị ức chế nặng. Thường gặp thở Kusmôn khi não bị thuỷ thũng, trong bệnh viêm não tuỷ truyền nhiễm, bệnh carê ở chó, phó thương hàn bê nghé. Thở Kusmôn là tiên lượng không tốt. - Thở Biot: đặc điểm là thở vài nhịp rồi nghỉ vài giây đến 30 giây, sau đó lại tiếp tục thở. thở Biot do tính hưng phấn của trung khu hô hấp giảm, gặp trong các bệnh não ứ máu, u não, viêm não nặng và khi trúng độc. - Thở Sây-Stoc (Cheyne-Stokes): đặc điểm là động tác thở yếu đến mạnh, sâu và nhanh dần; sau đó lại chậm, nông và yếu dần; thời gian nghỉ khoảng 1/4 – 1/2 rồi lại nhanh dần. Nguyên nhân có thể là tính hưng phấn đối với CO2 giảm, phải khi có một lượng CO2 lớn hơn bình thường mới gây hưng phấn hô hấp, khi đó con vật thở nhanh. Nhưng thở nhanh đào thải khí CO2 nên nồng độ của nó trong máu lại giảm xuống không đủ gây hưng phấn trung khu hô hấp dẫn đến thở chậm lại. Thở Sây-Stoc gặp trong bệnh viêm não, chảy máu não, xơ cứng động mạch, viêm thoái hoá cơ tim, và trong một số trường hợp trúng độc. 3. Khó thở. Khó thở là rối loạn hô hấp phức tạp biểu hiện bằng thay đổi lực thở, tần số, nhịp thở và thể thở. Hậu quả là cơ thể thiếu oxy, những sản phẩm chưa được oxy hoá hoàn toàn và khí CO2 tích lại nhiều trong máu gây nên hiện tượng niêm mạc tím bầm và trúng độc axit. a) Hít vào khó: con vật vươn cổ, cánh mũi mở rộng, 4 chân dạng ra, lưng cong. Thường do đường hô hấp trên bị hẹp trong bệnh viêm thanh quản, liệt thanh quản, hoặc các cơ quan lân cận xưng to chèn ép lên thanh quản. b) Thở ra khó: khi thở con vật phải hóp bụng, cung sườn nổi lên, lưng cong, hậu môn lòi ra ngoài. Thở khó do phế quản nhỏ bị viêm sưng hoặc hoặc lòng phế quản chứa chất thẩm xuất. Thở khó gặp trong bệnh phổi khí thũng mãn tính, viêm phế quản nhỏ, viêm phổi và màng phổi. c) Thở khó hỗn hợp: là động tác hít vào và thở ra đều khó khăn. Thường gặp thể này trong các bệnh: Viêm phổi, thuỷ thũng, khí thũng phổi, xung huyết phổi, khối u chèn ép; Viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, suy tim, làm ứ máu ở tiểu tuần hoàn, những bệnh làm hồng cầu vỡ hàng loạt (huyết bào tử trùng) Những bệnh làm tăng thể tích xoang bụng: chướng hơi dạ dày, ruột, gan sưng, bội thực dạ cỏ. Những bệnh làm rối loạn thần kinh như u não, viêm não, xung huyết não Những bệnh gây sốt cao. 77
II. Khám đường hô hấp trên 1. Nước mũi. Con vật khoẻ không có nước mũi. Bò có ít nước mũi, ngựa lao tác nặng cũng có nước mũi. Khi dịch mũi chảy nhiều là triệu chứng bệnh. Do tổn thương tổ chức, chủ yếu là đường hô hấp, niêm mạc đường hô hấp tiết nhiều dịch cộng với những mảnh tổ chức, tế bào thượng bì long tróc; thậm chí có cả máu và những mảnh thức ăn…làm dịch mũi như mủ. Có thể dựa vào lượng dịch mũi, tính chất của nó để chẩn đoán vị trí bệnh biến, tính chất bệnh. a) Số lượng nước mũi: Nước mũi nhiều gặp trong viêm niêm mạc đường hô hấp cấp tính, tỵ thư cấp, viêm màng mũi truyền nhiễm ở thỏ, viêm màng mũi thối loét ở bò. Nước mũi ít trong bệnh lao, tỵ thư mãn, viêm phổi, phế quản mãn. Nước mũi chảy một bên: thường do viêm xoang mũi Nước mũi chảy hai bên: thường do bệnh ở phổi. b) Độ nhầy của nước mũi Tuỳ theo thành phần là chất nhầy, mủ hay những mảnh tổ chức mà độ nhầy của nước mũi khác nhau. Nước mũi trong suốt, không màu: thấy ở giai đoạn đầu của viêm cấp tính. Nước mũi đục, nhầy, có mủ: viêm thanh quản, viêm đường hô hấp trên lâu ngày (tế bào thường bì tróc ra và xác của bạch cầu lẫn vào), viêm phổi hoá mủ, phổi hoại thư. c) Màu nước mũi: Nếu chỉ có tương dịch thì không màu, nếu lẫn mủ thì màu vàng, xanh hoặc màu tro; nếu lẫn máu thì nước mũi có màu đỏ hay màu rỉ sắt (màu đỏ do xuất huyết đường hô hấp trên, màu rỉ sắt thường do xuất huyết phổi, viêm phổi thuỳ). d) Mùi của nước mũi: Nước mũi thối: viêm phổi, viêm phế quản hoại thư; nước mũi có mùi cetol gặp ở bò bị chứng cetol huyết. e) Nước mũi có dị vật: có thể là những mảnh thức ăn do con vật bị nôn, liệt thanh quản; nước mũi có bọt khí thường do phổi thuỷ thũng, xuất huyết phổi. 2. Khám niêm mạc mũi. Khám niêm mạc mũi, cũng như kết mạc mắt, rất có ý nghĩa trong chẩn đoán. Một số bệnh truyền nhiễm có những biểu hiện điển hình ở niêm mạc mũi như bệnh tỵ thư ở ngựa. Dùng tay mở rộng vành mũi, hướng cho ánh sáng mặt trời chiếu vào hoặc dùng đèn soi để kiểm tra. Màu sắc của niêm mạc mũi: khác nhau ở từng loài. Niêm mạc mũi có lấm chấm xuất huyết: chứng bại huyết, thiếu máu truyền nhiễm. Niêm mạc mũi xuất huyết: viêm màng mũi cấp tính hoặc do viêm các cơ quan lân cận như viêm hầu. 78
Niêm mạc mũi trắng bệch, tím bầm, hoàng đản: giống như phần màu của niêm mạc. Niêm mạc mũi có mụn như hạt kê, có bờ rõ, màu vàng xám: bệnh tỵ thư ngựa. Cũng có thể gặp niêm mạc mũi sưng, sẹo ở niêm mạc mũi. 3. Khám xoang mũi. Hình dạng: Xoang mũi có thể bị biến dạng do viêm gây tích mủ, bệnh mềm xương, viêm teo mũi truyền nhiễm, ung thư xương. Sờ nắn chú ý độ cứng, ôn độ và độ mẫn cảm của vùng da ngoài xoang mũi. Nếu vùng da ngoài nóng, ấn vào thấy phản xạ đau là do viêm xoang, hoặc có u các tính. Gõ bằng búa gõ hay ngón tay để xem âm phát ra, gõ cả hai bên. Nếu thấy âm đục, có thể tích mủ bên trong hoặc u xương. Khoan xoang trán: được áp dụng khi cần thiết. Gia súc nhỏ có thể chụp X-quang xoang trán để chẩn đoán. 4. Khám thanh quản và khí quản. a) Khám ngoài: nhìn, sờ, và nghe. Nhìn bên ngoài có thể phát hiện thanh quản bị sưng. Thanh quản sưng trong bệnh viêm hạch truyền nhiễm ở ngựa; ở trâu bò gặp trong bệnh nấm xạ khuẩn, nhiệt thán, thuỷ thũng ác tính. Nếu sưng một vùng rộng: do thuỷ thũng mà nguyên nhân là các bệnh ở tim (viêm bao tim do ngoại vật). Sờ nắn vùng thanh quản: con vật đau là do viêm thanh quản Nghe thanh quản: nghe được rất rõ âm thanh quản, khi thanh quản bị viêm, lòng thanh quản chứa nhiều dịch thầm xuất thì ta nghe thấy tiếng ran khô hoặc ướt rất rõ. b) Khám bên trong. Chủ yếu là nhìn trực tiếp hoặc dùng camera nội soi. Với gia súc nhỏ có thể mở mồm và dùng thanh sắt đè lưỡi xuống để quan sát niêm mạc họng, thanh quản. Gia cầm thì dùng tay mở rộng mỏ và quan sát. Gia súc lớn rất khó làm và rất nguy hiểm. 5. Kiểm tra ho. Ho là một phản xạ có tính chất bảo vệ, nhằm tống ra ngoài những vật lạ như dịch thẩm xuất, vi trùng, bụi bẩn. Khi kích thích niêm mạc đường hô hấp, cung phản xạ ho bắt đầu ở nốt nhận cảm, thông qua các nhánh của thần kinh mê tẩu, đến trung khu hô hấp nằm ở hành tuỷ. Những kích thích đó làm trung khu hô hấp hưng phấn. Trước hết con vật hít vào sâu, thanh quản đóng chặt tạo nên một áp lực lớn trong khí quản và trong phổi. Đến một áp lực nào đó thanh quản mở nhanh gây tiếng ho. Có thể gây ho bằng cách bóp mạnh vào phần sụn giữa thanh quản và đốt khí quản thứ nhất. Với trâu bò, có thể dùng vải gạc bịt chặt mũi để gây ho. Ở gia súc nhỏ như bê nghé thì kéo mạnh da vùng vai, đồng thời dùng tay ấn mạnh vào sống lưng để gây ho. Mục đích gây ho: Bình thường việc gây ho đối với gia súc khoẻ khó khăn. Nhưng khi con vật bị bệnh đường hô hấp thì gây ho dễ dàng. 79
Khi khám ho cần chú ý tần số ho, lực ho và tính chất tiếng ho. Ho từng cơn: thỉnh thoảng con vật ho thành cơn dữ dội, sau một thời gian thì ho lại lặp lại. Gặp trong bệnh viêm phế quản, viêm thanh quản. Điều này được giải thích như sau: vì trong các bệnh này, niêm dịch xuất hiện nhiều ở đường hô hấp, khi nhiều tới ngưỡng kích thích thì mới gây ho. Thường là ho ướt, khi nào dịch được đẩy hết ra thì hết ho. Dịch xuất hiện lại thì lại lặp lại giống như lần trước. Ho liên tục: ho không ngớt, nhưng thường là không dữ dội bằng ho từng cơn. Thường gặp trong bệnh viêm phế quản nhỏ, viêm phổi. Nguyên nhân là do các sản phẩm của viêm ở phổi và phế quản nhỏ khó bị đẩy ra ngoài. Nó liên tục tác động vào cơ quan nhận cảm ở đường hô hấp và gây ho. Về lực ho: Tiếng ho khoẻ: chứng tỏ phổi con khoẻ, thường là bệnh ở họng, khí quản hay phế quản lớn. Tiếng ho yếu: do phổi bị bệnh như mất đàn tính, thuỷ thũng, viêm dính màng phổi và lồng ngực. Tiếng ho ngắn: là thanh quản còn khoẻ, khả năng đóng tốt Tiếng ho dài: là thanh quản bị bệnh nặng, khả năng đóng kém. Ho khan: ho không kèm theo dịch viêm. Xảy ra khi viêm viêm màng phổi. Ho ướt: là ho có kèm theo dịch viêm. Xảy ra khi bị viêm phổi, viêm phế quản, lao phổi. Ho đau: biểu hiện khi ho con vật vươn cổ, chân cào đất, rên rỉ. Gặp trong bệnh viêm màng phổi, viêm niêm mạc đường hô hấp nặng. III. Khám ngực Khám ngực là công việc rất quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Qua nhìn, sờ, sắn, gõ và nghe vùng phổi có thể phát hiện được một số bệnh ở phổi. Việc tiến hành chọc dò xoang ngực cũng có thể được áp dụng nhưng chỉ khi thực sự cần thiết; chụp X - quang thường áp dụng đối với tiểu gia súc. 1. Nhìn vùng ngực Bình thường, khi thở thành ngực phải trái hoạt động đều đặn và rõ. Khi bị bệnh lồng ngực co dãn không nhịp nhàng, không rõ. Thường do phổi khí thũng hoặc viêm màng phổi, viêm phế quản nhỏ. Có khi chỉ có một bên lồng ngực hoạt động rõ. Thường gặp khi màng phổi bên hoạt động yếu bị viêm, xẹp phổi, tắc phế quản. 2. Sờn nắn vùng phổi. Dùng tay sờ nhẹ hoặc ấn mạnh vào các khe sườn để kiểm tra: Nếu từng vùng da ngực nóng thì có thể do viêm tại chỗ hoặc do viêm màng phổi. Nếu con vật có phản xạ đau như khó chịu, né tránh, kêu la rên rỉ là do viêm màng phổi hoặc bị thương tại chỗ. Với những co vật gầy mà bị viêm màng phổi thì khi sờ vùng ngực còn cảm giác được tiếng cọ màng phổi khi con vật thở. 3. Gõ vùng phổi. 80
Căn cứ vào âm thanh phát ra lúc gõ để để phán đoán những thay đổi bệnh lý ở phổi. a) Phương pháp gõ. Gia súc lớn: để đứng tự nhiên, dùng phiến gõ và búa gõ để gõ. Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải để phiến gõ áp sát vào da nơi gõ thì âm thanh phát ra mới chính xác. Gia súc nhỏ có thể thay búa gõ và bảng gõ bằng ngón tay của người gõ. Gõ theo trình tự từ trước ra sau, từ trên xuống dưới. Mỗi điểm gõ hai cái, khoảng cách giữa các điểm gõ là 3 – 4 cm. Nên gõ cả hai bên thành ngực đối diện để so sánh. b) Vùng gõ phổi. - Loài nhai lại: vùng gõ được giới hạn như sau: Bờ trước lấy cơ khuỷu làm giới hạn Bờ trên cách sống lưng một bàn tay Bờ sau là một đường cong bắt đầu từ gốc sườn 12, được nối giữa 3 điểm: 1) giao điểm của đường thẳng kẻ từ gờ xương cánh hông, song song với mặt đất, cắt xương sườn 11; 2) giao điểm của đường ngang kẻ từ khớp vai song song với mặt đất, cắt xương sườn 8; 3) điểm thứ ba là tận cùng xương sườn 4. - Ngựa: vùng gõ được giới hạn như sau: Cạnh trước lấy vùng cơ khuỷu giới hạn Cạnh trên cách sống lưng một bàn tay Cạnh sau là đường cong bắt đầu từ gốc sườn 17, qua các giao điểm: 1) giao điểm của đường ngang kể từ gờ xương cánh hông song song với mặt đất và cắt xương sườn 16; 2) giao điểm của đường ngang kẻ từ mỏm xương ngồi, cắt sườn 14; 3) giao điểm của đường ngang kẻ từ khớp xương bả vai cắt sườn 10; 4) tận cùng ở xương sườn 5. - Lợn: bờ trước và bờ trên vùng gõ giống ở ngựa, bờ sau bắt đầu từ gốc sườn 11, qua các giao điểm sau: 1) giao điểm của đường ngang kẻ từ mỏm xương ngồi với xương sườn 9; 2) giao của đường ngang kẻ từ khớp vai cắt xương sườn 7; 3) tận cùng ở gian sường 4. - Chó: bờ trước giáp với xương bả vai, bờ trên cách sống lưng 3 ngón tay; bờ sau bắt đầu từ gốc sườn 12 qua các giao điểm sau: 1) gờ xương cánh hông và sườn 11; 2) mỏm xương ngồi và sườn 10; 3) khớp vai và sườn 8; 4) tận cùng ở gian sườn 6. Đầu tiên gõ trên 3 đường thẳng: đường từ xương cánh hông; đường từ u ngồi; đường từ khớp vai. Gõ trên 3 đường đó nhằm xác định điểm giới hạn vùng phổi và các khí quan vùng bụng. Vùng phổi thường có âm trong, vùng rìa phổi có âm đục tương đối, vùng cơ hoành có âm đục tuyệt đối. Nối các điểm có vùng âm đục tuyệt đối lại với nhau. Từ ranh giới phía sau gõ về phía trước, từ trên xuống dưới để xác định diện tích vùng gõ và so sánh với diện tích vùng gõ bình thường. Diện tích vùng gõ còn phụ thuộc vào thể tạng con vật béo hay gầy. Con béo thường có vùng gõ phổi hẹp hơn. c) Diện tích vùng gõ phổi thay đổi. Vùng gõ phổi mở rộng về phía sau: thể tích phổi tăng hoặc tích khí trong lồng ngực, phổi khí thũng cấp hoặc mãn tính, tràn khí màng phổi.
81
Một vùng gõ phổi mở rộng về sau: có thể do viêm phổi, xẹp phổi, khối u; làm một bên phổi phải làm bù và kết quả là vùng gõ bên đó mở rộng. Vùng gõ phổi thu hẹp về phía trước: do thể tích các khí quan trong xoang bụng to lên, đẩy cơ hoành về trước. Gặp trong bệnh đầy hơi ruột, giãn dạ dày, loài nhai lại bị chướng hơi dạ cỏ, bội thực dạ cỏ. Ngoài ra còn gặp khi viêm bao tim tích nước, tim giãn. d) Âm gõ phổi và những âm gõ bệnh lý. Khi gõ lên vùng phổi thì sẽ phát ra âm thanh gọi là phế âm. Phế âm ở những điểm khác nhau trên phổi thì khác nhau. Phế âm vang ở nơi giữa phổi, tổ chức phổi dày, khí nhiều; phế âm nhỏ và đục ở rìa phổi, nơi phổi bị che khuất. Con vật béo gầy khác nhau có phế âm khác nhau. Thường con gầy có phế âm vang hơn con béo. Những âm gõ bệnh lý: - Âm đục tương đối và âm đục: xuất hiện do lượng khí trong phế nang giảm, xẹp phổi, lồng ngực tích nước. Nguyên nhân: + Viêm phổi thuỳ (pneumonia crouposa): ở thời kỳ gan hoá, dịch thẩm xuất chứa đầy trong các phế nang, vùng âm đục thường ở vùng dìa dưới phổi, tiếp giáp với vùng âm đục của tim. Ranh giới phía trên thường là đường cong lồi, khi bị nặng thì đường cong ấy đến tận đường ngang kẻ từ khớp vai. + Viêm phổi cata (pneumonia catarhalis): vùng âm đục phân tán nên khó phát hiện. + Viêm phổi do ngoại vật: âm đục xuất hiện ở vùng rìa sau của phổi Lao phổi, giun phổi ở bò; tỵ thư, viêm phổi, màng phổi truyền nhiễm ở ngựa; dịch tả lợn mãn tính. + Phổi thuỷ thũng nặng: dịch thẩm lậu làm tắc một số lớn phế nang tạo thành vùng âm đục tương đối. + Viêm màng phổi: dịch thẩm xuất đọng lại tạo thành vùng âm đục nằm ngang và thay đổi theo tư thế con vật. Nếu viêm mãn tính thì vùng âm đục này tồn tại lâu dài. Thường dễ phát hiện ở tiểu gia súc. + Lưu ý các trường hợp da vùng thành ngực bị viêm, sưng dày lên, khối u ở thành ngực; cũng làm cho vùng gõ phổi có âm đục. - Âm bùng hơi: Do đàn tính của tổ chức phổi kém, trong xoang ngực, trong phổi chứa nhiều khí gây nên. Âm bùng hơi là triệu chứng bệnh lý. Âm bùng hơi gặp trong các bênh sau: bệnh lao phổi; viêm phế quản mãn tính; viêm phổi thuỳ ở thời kỳ xung huyết và thời kỳ tiêu tan; viêm phổi cata; tràn dịch màng phổi; tràn khí màng phổi. - Âm hộp: âm hưởng vang nhưng ngắn gọi là âm hộp. Nguyên nhân do phổi bị khí thũng nặng, các phế nang bị giãn và thể tích phổi tăng. - Âm bình dạn: do vùng phổi có hang thông với phế quản, khi gõ khí ra vào phế quản và hang tạo nên âm thanh giống như gõ vào bình bị nứt. Gặp trong trong bệnh lao. 82
- Âm kim thuộc: khi các hang ở phổi chứa đầy khí, khi tràn khí màng phổi nặng, bao tim tích khí, thoát vị cơ hoành; gõ vùng phổi nghe như gõ vào mảnh kim loại gọi là âm kim thuộc (giống như ta đập quả bóng được bơm căng xuống đất). 4. Nghe phổi Trong các phương pháp chẩn đoán bệnh ở hệ hô hấp thì phương pháp nghe phổi là quan trọng nhất. Nghe phổi có thể phát hiện ra các âm bệnh lý khi phổi bị bệnh, từ đó cho phép người thầy thuốc tìm ra bệnh cho con vật. a) Phương pháp nghe. Nghe trực tiếp: Người khám đứng quay mặt cùng chiều với gia súc, một tay bám lên sống lưng gia súc làm điểm tựa, áp tai vào vùng phổi sau khi đã phủ một viếng vải sạch để tránh bẩn. Nghe gián tiếp: dùng ống nghe. Khi nghe phải để con vật ở nơi yên tĩnh, con vật phải đứng yên. Thường bắt đầu nghe ở giữa phổi, rồi nghe theo hướng từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Nghe từ từ điểm này qua điểm khác, mỗi nơi nghe vài ba lần thở, nghe cả hai bên phổi để có sự so sánh. Để tiếng phế nang được rõ hơn có thể bịt bớt lỗ mũi con vật để nó hít vào mạnh hơn, sâu hơn, và nghe rõ hơn. Vị trí vùng nghe phổi giống với vị trí vùng gõ phổi. Loài nhai lại nghe vùng trước xương bả vai có kết quả hơn gõ. a) Những âm hô hấp sinh lý. - Âm thanh quản: khi gia súc thở, khí từ xoang mũi vào hầu rồi vào khí quản, cọ xát vào khí quản và tạo nên âm này. Đặt ống nghe vào vùng hầu của gia súc thì nghe được khá rõ âm “khờ”, đây chính là âm thanh quản. - Âm khí quản: nghe rõ từ hầu đến ngực. Thực chất của nó chính là âm thanh quản vọng vào. - Âm phế quản: các loài gia súc đều nghe được âm phế quản ở khoảng sườn 3 - 4. Âm phế quản là dư âm của âm khí quản vọng vào. Riêng ngựa không nghe được âm phế quản, toàn bộ vùng phổi ngựa chỉ nghe được âm phế nang. Nếu nghe được âm phế quản chứng tỏ ngựa bị bệnh đường hô hấp. - Âm phế nang: nghe được trên mọi vị trí của phổi, âm này rất nhẹ, nghe như "phờ". Âm này nghe rõ khi gia súc hít vào. Âm phế nang có thể do tiếng vọng của âm phế quản, có thể do khí vào phế nang với tốc độ lớn gây nên. Cường độ và tính chất của âm phế nang phụ thuộc vào yếu tố giống, độ béo, tuổi gia súc, trạng thái thần kinh. Gia súc gầy, gia súc trong trạng thái hưng phấn nghe âm phế nang rất rõ, đặc biệt là ở chó; ở trâu bò nghe rõ hơn ở ngựa, nhất là vùng rốn phổi, ngay sau xương bả vai; lợn nghe rất khó. c) Âm hô hấp thay đổi. - Âm phế nang tăng: nghe rõ, thô và sâu hơn bình thường.
83
Âm phế nang cả hai bên phổi tăng, đều nhau: do trung khu hô hấp bị hưng phấn, phổi vẫn nguyên lành. Âm phế nang tăng cục bộ: vùng tăng vùng giảm. Gặp khi viêm phổi- phế quản. Âm phế nang tăng một bên, giảm một bên: gặp trong bệnh viêm phổi thuỳ. Âm phế nang giảm: gia súc thở nông và yếu. Âm phế nang giảm có thể do tổ chức dưới da bị thuỷ thũng, sưng dày; bệnh trong lồng ngực như viêm màng phổi, xoang ngực tích nước, gia súc đau đớn làm ức chế hô hấp; một số bệnh làm hẹp đường hô hấp gây khó thở. Âm phế nang thô: là do phế quản bị viêm sưng, lòng phế quản rộng hẹp không đều. Không khí ra vào cọ sát và gây nên. + Âm phế nang mất: do phế nang hoặc phế quản bị tắc. Thường khi mất âm phế nang thì gõ phổi có âm đục vì đã có sự xuất hiện của dịch rỉ viêm. 5. Những âm hô hấp bệnh lý 5.1. Âm phế quản bệnh lý. Nếu nghe được âm phế quản ở ngựa là bệnh lý Gia súc khác, nếu chỉ nghe thấy âm phế quản mà không nghe thấy âm phế nang thì cũng là trường hợp bệnh lý. Âm phế quản bệnh lý thường nghe được ở dìa sau của phổi (vì viêm phổi hay viêm màng phổi thường xuất phát từ vùng đó). Các bệnh viêm phổi thuỳ, phó thương hàn bê nghé, suyễn lợn, giun phổi, nghe được âm phế quản ở vùng rộng; các bệnh lao phổi, tỵ thư nghe được âm phế quản ở vùng hẹp. 5.2. Âm ran (Rhonchi): bao gồm âm ran kho và âm ra ướt. + Âm ran khô (Rhonchi Sicca): nghe như tiếng rít. Nguyên nhân do dịch thẩm xuất đọng lại trong lòng phế quản đã khô lại; hoặc do phế quản bị chèn ép, hẹp lại. Khi không khí đi qua sẽ phát ra âm này. + Âm ra ướt (Rhonchi humidi): nghe khò khè. Nguyên nhân là không khí vào ra làm chuyển dịch các dịch thể lẫn bọt khí trong đường hô hấp. Gặp tiếng ran ướt trong các bệnh suy tim, phổi ứ máu, viêm phổi, khi con vật mê man. Nếu tiếng ran nghe được ở vùng nhỏ thường do lao; nếu nghe được trên diện rộng thường do viêm phổi. 5.3. Tiếng vò tóc (Creptiatio). Nghe như tiếng phát ra khi dùng tay xoa lên mái tóc, hay như tiếng bọt xà phòng bị vỡ. Nguyên nhân có thể là do phế quản và phế nang nhỏ chứa nhiều dịch rỉ viêm, khi thở ra, phế nang xẹp lại, khi hít vào, phế nang phồng lên, dịch rỉ viêm bị tách ra gây nên tiếng vò tóc. Tiếng vò tóc là triệu chứng của bệnh viêm phổi, thuỷ thũng phổi, xung huyết phổi; nhưng thường là lúc dịch thẩm xuất còn ít; khi dịch thẩm xuất nhiều sẽ gây lên tiếng ran. Phân biệt giữa tiếng ran và tiếng vò tóc: Tiếng vò tóc mịn, đều, phát ra trên diện rộng; tiếng ran thô, to nhỏ không đều, phát ra trên diện hẹp. Tiếng vò tóc là triệu chứng tạm thời, tiếng ran là triệu chứng trường diễn. Tiếng vò tóc chỉ nghe được khi hít vào, tiếng ran nghe được cả khi hít vào và thở ra.
84
5.4. Tiếng thổi vò. Nghe như gió thổi qua miệng vò. Thường do xuất hiện những hang. Những hang này thông với phế quản nên khí lưu động trong phế quản, vào hang bệnh mà gây nên. 5.5. Tiếng cọ màng phổi. Nghe như khi ta dùng tay chà sát nhẹ lên quả bóng bay được bơm căng. Do màng phổi bị viêm, fibrin đọng lại, sần sùi. Khi phổi hoạt động sẽ phát ra tiếng này. Tiếng cọ màng phổi là triệu chứng của bệnh viêm phổi. Nó thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn ngắn. Khi dịch thẩm xuất quá nhiều làm lá thành và lá tạng bị cách xa nhau; hoặc khi lá thành và lá tạng dính chặt lại với nhau, tiếng cọ sẽ mất. 5.6. Tiếng vỗ nước (Succusio Hypocratis). Nghe thấy óc ách như khi khua tay vào chậu nước. Nguyên nhân do dịch thẩm xuất, thẩm lậu tích lại nhiều trong xoang ngực, khi thở hay lúc tim đập sẽ phát ra tiếng trên. IV. Chọc dò xoang ngực và kiểm tra dịch chọc dò. 1. Phương pháp chọc dò Thủ thuật chọc dò được áp dụng khi nghi trong xoang ngực có dịch thẩm xuất hay thẩm lậu. Khi chọc dò phải tuyệt đối vô trùng. a) Vị trí chọc dò. Loài nhai lại chọc ở khe sườn 6 bên trái, khe sườn 5 bên phải, trên dưới đường ngang kẻ từ khớp khuỷu. Ngựa: gian sườn 7 bên trái, gian sườn 6 bên phải, trên dưới đường ngang kẻ từ khớp khuỷu. Lợn: gian sườn 8 bên trái, gian sườn 7 bên phải Chó: gian sườn 8 bên trái, gian sườn 6 bên phải. Nên chọc dò bên phải để tránh vùng tim. b) Các bước chuẩn bị. Cố định gia súc chắc chắn. Làm sạch và vô trùng dụng cụ chọc dò. Cắt lông, sát trùng vị trí chọc dò bằng cồn iod. c) Tiến hành chọc dò. Kéo lệch da trước khi chọc. Mục đích là để làm cho lỗ thủng da và thành ngực không thông với nhau, làm cho vết thương kín, tránh nhiễm trùng. Tay cầm kim chọc theo phương thẳng đứng. Khi kim đã qua da và thành ngực rồi thì lực cản rất nhẹ. Nếu đúng vị trí xoang ngực thì dịch sẽ chảy ra, nếu chảy ra máu tươi là đã đâm trúng phổi; khi đó cần phải lùi kim ra. Sau khi chọc dò xong phải kéo da lại vị trí cũ và sát trùng. 2. Kiểm nghiệm dịch chọc dò. Dịch chọc dò có thể là dịch thẩm xuất (Exudate) hoặc là dịch thẩm lậu (Transudate). Có thể từ vài mililít đến hàng lít. 85
a) Kiểm tra qua mắt thường. Dịch thẩm xuất đục, để ngoài không khí thì đông lại; dịch thẩm lậu thường trong, để ngoài không khí không đông. b) Hoá nghiệm dịch chọc dò. - Phản ứng Rivalta. Nguyên lý: nếu là dịch thẩm xuất thì có nhiều protein, đặc biệt là Serosamycin, trong dung dịch axit axetic loãng sẽ kết tủa thành vẩn mây trắng. Tiếng hành: cho vào ống đong 100 ml nước cất và hai giọt axit axetic đặc, lắc đều. Lấy dịch chọc dò nhỏ vào 1- 2 giọt. Nếu trong ống đong vẩn đục như mây trắng là phản ứng dương tính (dịch thẩm xuất). Nếu trong suốt là phản ứng âm tính (dịch thẩm lậu). - Phản ứng Mopit (Mopitz). Cho vào ống nghiệm 2 - 3 ml dung dịch kiểm nghiệm, rồi nhỏ vào 1 giọt dung dịch axit axetic 5%. Nếu dung dịch đục, kết tủa là phản ứng dương tính; nếu đục mà không kết tủa là phản ứng âm tính. + Kiểm tra qua kính hiển vi. Dùng 10 ml dịch chọc dò mới lấy, đem ly tâm nhẹ. Lấy 1 giọt cặn ly tâm phiết kính, để khô trong không khí, cố định bằng cồn methylic trong 5 phút, nhuộm bằng giemsa hoặc bằng bleu methylen 1%. Kiểm tra qua vật kính dầu. Nếu thấy một ít hồng cầu trên tiêu bản: có thể do xuất huyết từ vết chọc dò. Nếu thấy rất nhiều hồng cầu: có thể xuất huyết trong xoang ngực. Nếu thấy nhiều bạch cầu, bạch cầu trung tính: có thể viêm màng phổi. Nếu rất nhiều lâm ba cầu: có thể do lao phổi Nếu dịch chọc dò toàn máu: có thể bị ung thư. Vì vậy cần chú ý các tế bào ung thư. V. Khám đờm. Đờm là chất tiết của đường hô hấp khi có bệnh, có khi lẫn cả mảnh thức ăn. 1. Cách lấy đờm. Chuẩn bị khẩu trang, áo blue, găng tay cho người lấy đờm. Cố định gia súc. Chuẩn bị một que bông có cán dài, vô trùng; một cái chậu cũng đã vô trùng. Một người cầm chậu để trước mồm gia súc để hứng. Người thứ hai một tay kéo lưỡi, một tay ấn mạnh vào vùng thanh quản gia súc để gây ho. đờm sẽ bắn ra khi con vật ho. Nếu không gây ho được thì dùng que bông cho trực tiếp vào miệng, ngoáy để lấy đờm. Đờm lấy xong cho vào hộp lồng đã sát trùng, đậy kín và đưa kiểm nghiệm ngay. Nếu không kiểm nghiệm ngay được thì cho thêm vào vài giọt thymol 2% và bảo quan trong tủ lạnh. 2. Kiểm nghiệm đờm. a) Số lượng
86
Đờm nhiều: có thể viêm phổi hoại thư hoá mủ, lao, viêm phế quản mãn. b) Màu sắc. Đờm màu đỏ: có thể xuất huyết phổi. Đờm màu nâu xám: có thể tổ chức phổi bị thối rữa (trong bệnh hoại thư phổi). Đờm có màu rỉ sắt: có thể gặp trong bênh viêm phổi thuỳ, giun phổi. c) Kiểm tra qua kính hiển vi. Nhờ kính hiển vi có thể phát hiện ra hồng cầu, tế bào tổ chức, vi trùng. Làm tiêu bản, nhuộm bằng giemsa hoặc bleu methylen 1%. Soi kính. Nếu thấy nhiều bạch cầu trung tính và lâm ba cầu: có thể do bệnh lao Nếu thấy nhiều hồng cầu: có thể do xuất huyết phổi (bệnh lao). Nếu thấy nhiều tế bào thượng bì: có thể viêm đường hô hấp. Kiểm tra dây chun: lấy cục đờm cho vào cốc, cho thêm 3 - 5 ml dung dịch KOH 10%, đun sôi trên ngon lửa đèn cồn, đem ly tâm; lấy cặn đem soi kính với vật kính 8. Nếu có giây chun thì thấy từng bó, từng chùm trên vi trường. Nếu thấy giây chun thì chứng tỏ bệnh phổi rất nặng. Câu hỏi ôn tập -
Tần số hô hấp là gì, cách kiểm tra?
-
Các thể thở và những rối loạn hô hấp?
-
Kiểm tra nước mũi, Kiểm tra ho?
-
Khám ngực bằng cách nhìn và sờ nắn?
-
Xác định và gõ vùng phổi trâu bò, ngựa?
-
Các âm bệnh lý có thể có khi gõ và nghe phổi?
-
Chọc dò xoang ngực, hóa nghiệm dịch chọc dò?
Tài liệu tham khảo -
Respiratory system- Wikipedia: http://en.wikipedia.org/wiki/Respiratory_system
-
Introductory Anatomy: Respiratory System: http://www.leeds.ac.uk/chb/lectures/anatomy7.html, Dr D.R.Johnson, Centre for Human Biology
-
Hồ Văn Nam (1979), Chẩn đoán bệnh không lây, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
87
CHƯƠNG IX KHÁM HỆ TIÊU HOÁ Tóm tắt chương Chương này được trình bày trong 23 trang tương đương 9 tiết giảng. Nội dung của chương bao gồm: Kiểm tra nhai, nuốt, ợ hơi, nôn mửa. Khám miệng, khám họng và thực quản, khám diều (gia cầm) Khám dạ dày loài nhai lại: khám dạ dày đơn, kiểm tra chất chứa trong dạ dày, khám ruột Kiểm tra phân, chọc dò xoang bụng, khám gan Mục tiêu của chương Sau khi học xong chương này, người học sẽ được cung cấp những kiến thức về vai trò của bộ máy tiêu hóa; những bệnh thường gặp của bộ máy tiêu hóa ở gia súc và cách chẩn đoán bệnh dựa trên các kỹ năng khám lâm sàng cơ bản và khám chuyên biệt. Nội dung của chương Bộ máy tiêu hoá là một cái ống rỗng bắt đầu từ miệng tới hậu môn, gồm ống tiêu hoá và các tuyến tiêu hoá: tuyến nước bọt, gan, tuỵ. Ngoài hai phần miệng và hậu môn ta có thể thăm khám trực tiếp được, còn lại phần lớn bộ máy tiêu hoá đầu nắm trong ổ bụng, muốn thăm khám đòi hỏi phải kết hợp nhiều phương pháp: hỏi bệnh, khám lâm sàng và cận lâm sang (chọc dò, thông thực quản, dạ dày, ruột, X - quang, soi ổ bụng, xét nghiệm phân và chất chứa trong dạ dày). Những bệnh về tiêu hoá chiếm một tỷ lệ khá quan trọng trong các bệnh nội khoa ở Việt Nam, (ở người, theo thống kê của bệnh viện Bạch Mai từ 1959 – 1968 bệnh tiêu hoá chiếm 20% và tỷ lệ tử vong chiếm gần 20% tổng số các bệnh nội khoa nói chung). Hệ tiêu hoá đảm nhận chức năng quan trọng là thu nạp các chất dinh dưỡng có từ thức ăn và bài thải những chất cặn bã. Hàng ngày nó phải tiếp nhận đủ thứ hỗn hợp thức ăn. Nên nó chịu tác động của rất nhiều yếu tố. Quá trình tiêu hoá là một quá trình cơ học, hoá học sinh vật học, những thay đổi bệnh lý cũng sẽ biểu hiện cả trên các mặt: những triệu chứng chức năng, triệu chứng thực thể và triệu chứng cận lâm sàng. Những bệnh của bộ máy tiêu hoá có liên quan mật thiết đến toàn thân và ngược lại những bệnh của toàn thân cũng có những biểu hiện trên tiêu hoá. Do đó khi khám bộ máy tiêu hoá phải chú ý tới toàn thân và các bộ phận khác. Việc phát hiện kịp thời bệnh ở đường tiêu hóa để có biện pháp phòng trị là rất cần thiết. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn hoạt động của hệ tiêu hoá. Nhưng chủ yếu là chế độ ăn, khẩu phần ăn, chế độ nuôi dưỡng và sử dụng gia súc. Lúc đầu thường chỉ là những rối loạn chức năng, nhưng khi kéo dài sẽ trở thành những biến đổi bệnh lý. Rối loạn ở đường tiêu hoá có thể do bệnh trực tiếp ở đường tiêu hóa, cũng có thể do ảnh hưởng của các khí quan khác bên trong cơ thể như phổi, tim. I. Kiểm tra ăn uống. 1. Cách lấy thức ăn và nước uống. 88
Ngựa: lấy thức ăn bằng môi; trâu, bò: dùng lưỡi; lợn: dùng cả mõm Nếu miệng, lợi, răng lưỡi bị bệnh có thể làm động tác lấy thức ăn thay đổi. - Kém ăn: do sốt cao, bệnh ở đường tiêu hoá - Kén ăn: con vật có thể thích thức ăn tinh khác thường do pH dạ dày tăng; thích ăn thức ăn thô xanh do pH dạ dày giảm. - Ăn nhiều: do đói lâu ngày, con vật mới hồi phục sau khi bị bệnh, đái tháo đường. - Ăn bậy (vớ gì ăn nấy): do thiếu chất, thường là một số nguyên tố can xi, phốt pho, đồng, kẽm... hoặc do dịch vị quá chua, do thần kinh rối loạn (bệnh dại). - Uống nhiều nước: do thức ăn khô, do trời nóng, do bị đái tháo đường, nôn mửa, ỉa chảy; hoặc trong một số bệnh truyền nhiễm. - Uống nước giảm: do tắc ruột, liệt thần kinh mặt. II. Kiểm tra nhai Ngựa: đầu ngẩng hoặc cúi khi nhai, miệng ngậm Trâu bò: thường ngẩng đầu khi nhai, há miệng Rối loạn khi nhai - Nhai chậm, thỉnh thoảng ngừng nhai: do sốt cao, bệnh dạ dày. - Nhai nhẹ, nhai đau: bệnh ở răng, viêm lợi. - Hàm răng khép chặt lại: gặp trong bệnh viêm não tuỷ truyền nhiễm, chó dại (có khi là nhai không hay còn gọi là nghiến răng). Nhai lại: đây là một đặc điểm sinh lý bình thường của loài nhai lại, nó liên hệ mật thiết với hoạt động bình thường của dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Kiểm tra nhai lại không chỉ có ý nghĩa chẩn đoán bệnh mà còn có thể đánh giá được tiên lượng. Nhai lại là một phản xạ phức tạp: đầu tiên thức ăn chứa trong dạ tổ ong kích thích cơ quan thụ cảm ở rãnh thực quản và dạ tổ ong. Những xung động theo thần kinh hướng tâm của thần kinh giao cảm truyền đến trung khu nhai lại, đến hạch thần kinh mê tẩu, phản xạ tiếp tục theo dây li tâm của thần kinh mê tẩu truyền đến rãnh thực quản, dạ tổ ong, cơ vân của thực quản và hầu. Các cơ co bóp đẩy thức ăn ngược trở lại miệng, để nhai lại và nuốt thẳng xuống dạ lá sách, rồi dạ múi khế. Thức ăn trong dạ tổ ong ít dần, áp lực trong dạ lá sách, dạ múi khế tăng dần làm mất hưng phấn ở trung khu nhai lại, dẫn đến con vật thôi không nhai lại. Quá trình trên lại được lặp lại khi con vật tiếp tục ăn vào. Bò khoẻ: sau khi ăn 30 - 90 phút bắt đầu nhai lại, mỗi lần nhai kéo dài 50 - 60 - phút, mỗi miếng nhai lại 40 - 80 lần, một ngày đêm nhai lại 6 - 8 lần. Dê, cừu nhai lại nhanh hơn bò và khi gặp những kích thích lạ thì ngừng lại, rồi lại nhai tiếp. Nhai lại thay đổi là dấu hiệu bệnh lý ở dạ dày trước, các bệnh gây sốt cao và nhiều bệnh khác. - Nhai lại chậm và yếu: sau khi ăn, nhai lại xuất hiện chậm, động tác kéo dài và yếu. - Số lần nhai lại ít và ngắn: có khi 1 - 3 lần/ngày đêm, mỗi lần nhai lại không quá nửa giờ. 89
- Nhai lại đau lúc đẩy thức ăn lên: trong bệnh viêm dạ tổ ong do ngoại vật. - Mất phản xạ nhai lại: bội thực dạ cỏ, đầy hơi dạ cỏ, liệt dạ cỏ, viêm dạ múi khế, nghẽn dạ lá sách, liệt sau khi đẻ, xeton huyết, trúng độc... III. Nuốt Rối loạn thường thấy ở ngựa, trâu, bò. Khi nuốt bị rối loạn có thể làm cho thức ăn, nước uống, nước bọt... lọt vào trong khí quản gây viêm phổi, phế quản do ngoại vật. 1. Rối loạn nuốt nhẹ: đầu vươn ra, lắc lư, chân trước cào đất, nuốt được ít. Thường thấy trong bệnh viêm họng, có u bướu hay do ngoại vật ở họng. 2. Rối loạn nuốt nặng: biểu hiện bằng chảy dãi, thức ăn trào ngược lên thực quản, ra mũi; thức ăn rơi ra ngoài từ miệng. Gặp trong viêm họng, viêm hạch truyền nhiễm của ngựa, bệnh chó dại, liệt giây thần kinh mê tẩu, liệt thần kinh mặt. IV. Ợ hơi Ợ hơi là một đặc điểm sinh lý của gia súc nhai lại, nhờ ợ hơi mà các khí sinh ra do quá trình lên men trong dạ cỏ được tống ra ngoài. 1. Rối loạn ợ hơi 1.1. Ợ hơi tăng: do trong dạ cỏ sinh nhiều hơi. Gặp trong các trường hợp gia súc ăn các thức ăn dễ lên men sinh hơi, thời kỳ đầu của bệnh chướng hơi dạ cỏ. 1.2. Ợ hơi giảm: do chức năng co bóp của dạ cỏ yếu. Gặp trong các bệnh liệt dạ cỏ, tích thức ăn dạ cỏ, chướng hơi dạ cỏ, tắc rãnh thực quản và trong hầu hết các bệnh truyền nhiễm gây sốt cao, ợ hơi mùi thối trong bệnh liệt dạ cỏ mãn tính. 1.3. Ợ hơi ngừng hẳn: do tắc rãnh thực quản, chướng hơi dạ cỏ nặng. Trường hợp này cần có biện pháp cấp cứu ngay, nếu không hơi chèn ép cơ hoành gây nghẹt thở làm gia súc chết. Các gia súc không phải nhai lại nếu ợ hơi là hiện tượng bệnh lý. V. Nôn mửa. Bất cứ loài nào nếu thấy nôn mửa là hiện tượng bệnh lý, đặc biệt là loài ăn thịt. Nôn mửa có thể là do phản xạ hoặc do trung khu thần kinh bị kích thích. 1. Nôn mửa do phản xạ: có thể do ngoại vật kích thích vào vòm khẩu cái, cuống lưỡi, ở hầu hoặc do chướng hơi dạ dày, viêm loét, ký sinh trùng (ở dạ dày hay ở não). Rối ruột, viêm phúc mạc, viêm tử cung... 2. Nôn do trung khu nôn bị kích thích: gặp trong bệnh viêm màng não, u não, độc tố vi trùng trong các bệnh truyền nhiễm, các trường hợp trúng độc. Đặc điểm nôn do trung khu nôn bị kích thích là sau khi nôn hết thức ăn trong dạ dày thì phản xạ nôn vẫn còn, con vật nôn khan. Do cấu tạo giải phẫu hệ tiêu hoá của các loài gia súc khác nhau. Loài ăn thịt rất dễ nôn, loài nhai lại nôn khó khăn; ngựa nôn rất khó khăn (do van thượng vị đóng rất chặt, do vậy khi buồn nôn có thể gây đến vỡ dạ dày, ruột). Kiểm tra nôn cần chú ý số lần nôn, thời gian xuất hiện, tính chất, mùi, phản ứng và thành phần chất nôn. Nếu nôn một lần mà sau đó không nôn lại thì do ăn quá nhiều. 90
Một ngày nôn vài lần: thường là do trúng độc. Nôn ngay sau khi ăn: thường do bệnh ở dạ dày Nôn sau khi ăn một thời gian: có thể do tắc ruột. Độ toan trong dạ dày quá cao, chất nôn toan tính và ngược lại. Ruột non bị tắc thì chất nôn kiềm tính. Chất nôn lẫn máu: do viêm dạ dày xuất huyết, loét dạ dày trong các bệnh truyền nhiễm hoặc trúng độc. Chất nôn lẫn phân: do ruột già bị tắc. Ngoài ra chất nôn có thể lẫn cả kí sinh trùng và dị vật. VI. Khám miệng Khám miệng rất có ý nghĩa. Các bệnh viêm miệng, viêm hầu, lở mồm long móng, bệnh đậu... qua khám miệng có thể chẩn đoán được. Khám miệng thường dùng phương pháp nhìn, sờ, ngửi. Nhìn có thể bằng ánh sáng tự nhiên hoặc dùng đèn chiếu. Khi khám cần chú ý độ khít của môi trên và môi dưới, ôn độ, độ ẩm, mùi trong miệng, những mụn nước, màu sắc niêm mạc, răng, lưỡi... 1. Chảy dãi: do trở ngại nuốt, do viêm tuyến nước bọt, hoặc do thức ăn kích thích. 2. Môi: gia súc khoẻ, lúc đứng hai môi ngậm chặt. Môi ngậm chặt, không mỏ ra được gặp trong bệnh viêm màng não hay uốn ván. Môi sưng có thể do trấn thương cơ học, hoặc do viêm cục bộ. 3. Mùi trong miệng: phản ánh quá trình bệnh lý. Ở bò, miệng có mùi xetol thường do chứng xetol huyết (cetonic). Mùi thối do viêm chân răng, do loét miệng, viêm họng, hoặc do thức ăn tích lại lâu ngày thối rữa. 4. Ôn độ miệng. Ôn độ miệng tăng cao khi con vật sốt, viêm miệng, viêm hầu. Ôn độ miệng thấp: khi con vật thiếu máu, suy nhược, sắp chết. 5. Độ ẩm: miệng khô trong các trường hợp ỉa chảy lâu ngày, sốt, đau bụng. 6. Niêm mạc miệng: có mụn nước trong bệnh lở mồm long móng; ở vịt, niêm mạc có màng giả gặp trong bệnh dịch tả vịt; ở gà, niêm mạc có mụn trong bệnh đậu gà. 7. Khám lưỡi Gia súc khoẻ bựa lưỡi rất ít. Nếu bựa lưỡi xuất hiện nhiều chứng tỏ gia súc có bệnh: sốt cao, tắc ruột, viêm dạ dày, ruột... Lưỡi sưng: có thể do nấm xạ khuẩn (actyomyces), hoặc do các nguyên nhân cơ học như đinh, gai... Lưỡi bị tróc ra từng mảng hoặc có mụn: trong bệnh lở mồm long móng. Lưỡi thò ra ngoài: có thể con vật bị khó thở nặng. Gặp trong bệnh tụ huyết trùng, nấm xạ khuẩn, khi con vật sắp chết. 8. Khám răng 91
Chú ý độ mòn của răng, tình trạng của chân răng. VII. Khám họng và thực quản 1. Khám họng. 1.1. Khám bên ngoài: nếu thấy cổ vươn về trước, khó nuốt thức ăn, thức ăn trào ra miệng, mũi thì có thể con vật bị viêm họng. Sờ nắn họng thấy sưng, nóng, gia súc có cảm giác đau là con vật bị viêm họng, viêm hạch lâm ba vùng hầu họng. Có thể do bệnh lao hạch, tụ huyết trùng hoặc nấm xạ khuẩn. 1.2. Khám trong: thực hiện khi có dụng cụ mở miệng. 2. Khám thực quản. 2.1. Nhìn thực quản: nếu nhu động của thực quản bất thường, thực quản nổi cục là bệnh lý, có thể bị tắc hoặc liệt thực quản. 2.2. Sờ nắn thực quản: nếu viêm thực quản, tắc thực quản thì sờ nắn có thể phát hiện ra. 2.3. Thông thực quản: dùng để chẩn đoán tắc thực quản và để điều trị bệnh. Cách thông: Trâu, bò, ngựa: dùng ống thông bằng cao su dài khoảng 2 - 3 mét, đường kính trong khoảng 8 milimét, đường kính ngoài khoảng 18 milimét. Lợn: dùng ống thông dài khoảng 95 cm, đường kính ngoài khoảng 12 milimét. Các loại gia súc ta cho ống thông vào miệng; riêng ngựa cho ống thông qua mũi. Để biết ống thông có đúng thực quản hay không cần chú ý: khi ống thông vào đến hầu sẽ có động tác nuốt, không ho, có hằn ống thông ở thực quản, không có khí ra theo ống (nhúng đầu ngoài ống thông vào một chậu nước, nếu không có bong bóng sùi ra là được). Trong trường hợp hẹp, tắc thực quản thì đẩy ông thông khó khăn, khi viêm thực quản thì con vật kêu la dữ dội. VIII. Khám diều (gia cầm) Diều gia cầm là chỗ phình ra của thực quản, nằm hơi lệch về phía phải. Diều phình to: gặp trong bệnh truyền nhiễm Newcastle; hoặc do kí sinh trùng ở diều. IX. Khám vùng bụng. Dùng phương pháp nhìn, sờ nắn, gõ và nghe để khám từ bên ngoài tới các khí quan bên trong xoang bụng để chẩn đoán bệnh. 1. Quan sát vùng bụng. Chú ý thể tích, hình thái, độ đầy của hõm hông và những chỗ lồi lõm khác trên mặt bụng. Trạng thái vùng bụng khác nhau ở các loài gia súc và còn phụ thuộc vào thức ăn, độ béo, gầy của từng cá thể. a) Thể tích vùng bụng to: - Do tích thức ăn đầy dạ dày, ruột. Ở trâu, bò thường bị bội thực dạ cỏ; ngựa tích thức ăn ở manh tràng (gõ có âm đục). - Do tích khí trong dạ dày, ruột (bụng căng và có âm trống).
92
- Do tích nước: vì một nguyên nhân nào đó mà nước hay dịch rỉ viêm tích lại nhiều trong xoang bụng gây bụng to; cũng có khi do ký sinh trùng, báng nước. Khi chọc dò sẽ có dịch chảy ra. Bùng phình to còn gặp khi con vật có chửa, tắc bàng quang. b) Vùng bụng bé lại: - Do bị ỉa chảy lâu ngày, con vật bị bỏ đói - Do mắc các bệnh truyền nhiễm mãn tính. 2. Sờ nắn vùng bụng. Trâu, bò: sờ nắn để khám dạ cỏ; sờ nắn bên ngoài hoặc qua trực tràng. ngựa: sờ nắn qua trực tràng. Tiểu gia súc: thành bụng nhỏ nên sờ bên ngoài dễ hơn. X. Khám dạ dày loài nhai lại. Gồm dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế Khi mới sinh dạ múi khế to nhất, sau đó dạ cỏ phát triển mạnh và to hơn dạ múi khế gấp nhiều lần. Dạ cỏ không có tuyến tiêu hoá nhưng nhờ hệ vi sinh vật và nhờ quá trình nhu động, kết hợp với dạ tổ ong đẩy thức ăn lên nhai lại, mà quá trình tiêu hoá thức ăn ở dạ cỏ rất phong phú. 1. Khám dạ cỏ. Chức năng vận động, tiêu hoá của dạ cỏ liên quan mật thiết đến toàn thân và đến các túi dạ dày còn lại và ngược lại. Bệnh ở toàn thân, sốt cao, bệnh ở dạ múi khế, lá sách, tổ ong cũng phần nào ảnh hưởng đến dạ cỏ. 1.1. Nhìn: nhìn có thể phát hiện được triệu chứng con vật bị chướng hơi, thể hiện bằng hõm hông trái căng to. Ngược lại nếu hõm hông trái lõm xuống là do con vật bị đói, bị ỉa chảy mãn tính. 1.2. Sờ nắn dạ cỏ: biết được nhu động, tính chất và số lượng thức ăn chứa trong dạ cỏ. Đứng bên trái gia súc, dùng đầu ngón tay ấn vào hõm hông từ nhẹ đến mạnh. Nếu dạ cỏ đầy hơi thì hõm hông căng cứng, ấn tay không để lại vết lõm; nếu vừa ăn xong hoặc bội thực dạ cỏ thì ấn tay để lại vết lõm. 1.3. Nghe nhu động dạ cỏ: dạ cỏ co bóp và thức ăn chuyển động tạo thành tiếng như sấm dội từ xa, nghe to dần, rồi lại nhỏ dần. Lúc đói nhu động dạ cỏ yếu, sau khi ăn 2 giờ thì nhu động mạnh nhất và kéo dài 4 - 6 giờ. Gia súc khoẻ, số lần nhu động trong 2 phút như sau: Trâu, bò: 2 - 5 lần; dê: 2 - 4 lần; cừu: 3 - 6 lần. Thường phải tính nhu động trong 5 phút, sau đó lấy kết quả trung bình. - Nhu động dạ cỏ giảm: gặp trong các bệnh liệt dạ cỏ, dạ cỏ tích thực, các bệnh truyền nhiễm nặng, đầy hơi cấp tính, viêm màng bụng, lúc con vật sắp chết. 93
- Nhu động dạ cỏ tăng: gặp ở giai đoạn đầu của bệnh chướng hơi dạ cỏ, con vật bị trúng độc, bị tiêm thuốc kích thích nhu động dạ cỏ. 1.4. Gõ dạ cỏ: gõ vào hõm hông bên trái. Bình thường gõ có âm bùng hơi ở phía trên, âm đục tương đối ở giữa, âm đục tuyệt đối ở dưới. - Gõ chỉ thấy âm bùng hơi: do dạ cỏ bị chướng hơi; trường hợp nặng thậm chí có âm kim thuộc. - Gõ chỉ thấy âm đục: do bội thực dạ cỏ Ngoài những phương pháp trên, còn dùng áp kế để đo áp lực trong dạ cỏ, tức là để kiểm tra chức năng co bóp của dạ cỏ. Dùng ống thông dạ dày 1 đầu có gắn bóng cao su luồn vào dạ cỏ theo đường miệng, đầu còn lại nối với một áp kế. Bơm đầy khí vào hệ thống trên, sau đó quan sát sự chuyển động và thời gian chuyển động của kim. ở gia súc khoẻ, lực co bóp của dạ cỏ đo được là 40 - 60 mmHg. 1.5. Kiểm tra chất chứa trong dạ cỏ. Lấy chất chứa trong dạ cỏ qua ống thông dạ dày sau lúc ăn từ 2 - 2,5 giờ. Nếu gia súc bỏ ăn thì không kiểm tra chất chứa trong dạ dày. Mỗi lần kiểm tra lấy khoảng 10 ml chất chứa. - Màu sắc chất chứa: nếu chất chứa có màu cà phê, màu gạch thì có thể bị xuất huyết dạ cỏ; chất chứa màu xanh thường chỉ do thức ăn. - Mùi chất chứa chua, thối: do thức ăn bị tích lại lâu ngày trong bệnh liệt dạ cỏ. - Độ axít: bình thường pH dạ cỏ vào khoảng 6,8 - 7,4; độ axit tổng số khoảng 0,6 - 9,2 đơn vị. Lúc dạ dày có bệnh, độ axit nghiêng về toan, độ axit tổng số có thể lên tới 30 - 40 đơn vị. Khi cần thiết có thể kiểm tra chất chứa qua kính hiển vi: ở bò số lượng thảo phúc trùng vào khoảng 200.000 - 500.000/ml chất chứa, hình thái to nhỏ không đều, trên một vi trường có thể thấy 15 - 20 thảo phúc trùng. Nếu thức ăn không cân đối, dạ cỏ có bệnh, độ pH giảm xuống 6,6 hoặc tăng cao hơn 7,6 thì số lượng thảo phúc trùng giảm hẳn, thậm chí biến mất. 2. Khám dạ tổ ong. Khám dạ tổ ong chủ yếu là kiểm tra cảm giác đau của gia súc. Bệnh chủ yếu ở dạ tổ ong là đầy hơi do kế phát từ chướng hơi dạ cỏ, viêm dạ tổ ong do ngoại vật. đặc điểm của gia súc nhai lại là dùng lưỡi vơ thức ăn, lưỡi lại bị sừng hoá nên cảm giác với dị vật rất kém. Do vậy mà chúng ăn luôn cả dị vật vào chứa trong dạ cỏ, sau đó dạ cỏ co bóp, nếu dị vật là những thứ cứng và sắc nhọn sẽ đâm thủng thành dạ tổ ong, thậm chí xuyên đến tận cơ tim và các cơ quan khác, gây viêm dính, tạo thành các ổ mủ. - Sờ nắn dạ tổ ong: dạ tổ ong nằm trên mỏm kiếm xương ức, hơi nghiêng về trái, giữa khoảng sườn 6- 8. Người kiểm tra đứng về phía bên trái, dùng khuỷu tay chống vào đầu gối, nắm tay đặt vào vị trí dạ tổ ong, dùng sức mạnh của chân mà nắm tay ấn mạnh vào vùng dạ tổ ong. Nếu con vật bị viêm dạ tổ ong do ngoại vật thì con vật sẽ có phản ứng đau dữ dội. Cũng có thể dùng đòn tre và hai người đứng hai bên khiêng gia súc lên, vị trí đặt đòn khiêng là vị trí dạ tổ ong. Nếu con vật bị viêm dạ tổ ong sẽ có phản ứng đau. 94
Viêm dạ tổ ong do ngoại vật thường kéo theo viêm bao tim, dẫn đến dạ tổ ong, cơ hoành, bao tim viêm dính với nhau. Vì vậy có thể gõ theo chân cơ hoành để chẩn đoán. Dùng búa gõ 250 gam, gõ theo cạnh sau vùng gõ phổi, nếu mới bị viêm thì con vật có phản ứng đau đớn rõ. Dùng phương pháp dắt con vật đi xuống dốc, các khí quan xoang bụng dồn về trước, nếu có ngoại vật thì nó đâm sau hơn vào tim làm con vật đau đớn và sẽ có phản xạ chống cự. Hoặc là dùng thuốc làm tăng co bóp dạ tổ ong như tiêm pilocarpin, arecolin, nếu có viêm thì con vật sẽ đau đớn sau khi tiêm một thời gian. Đo huyết áp tĩnh mạch cổ: nếu viêm bao tim do ngoại vật thì huyết áp tĩnh mạch cổ tăng lên tới 220 - 500 mmHg, tĩnh mạch ứ máu, nổi rất rõ. Kiểm tra máu: khi bị viêm dạ tổ ong do ngoại vật, ở giai đoạn đầu, tổng số bạch cầu tăng đến 10.130 - 20.000, thậm chí cao hơn nữa. Bạch cầu trung tính tăng rất rõ, có hiện tượng bạch cầu nghiêng hữu. Bạch cầu toan tính, kiềm tính, bạch cầu đơn nhân giảm, có khi không tìm thấy. Huyết sắc tố, hồng cầu tăng. Giai đoạn sau của bệnh thì bạch cầu giảm, hồng cầu và huyết sắc tố cũng giảm. 3. Khám dạ lá sách (Omasum) Do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho chức năng co bóp của dạ lá sách bị rối loạn. Nếu bị lâu, thức ăn dồn lại trong đó, cứng lại gây nghẽn dạ lá sách. Bệnh này rất nguy hiểm thường làm gia súc chết. Dạ lá sách ở phía bên phải gia súc, khoảng giữa gian sườn 7 - 10, trên đường ngang kẻ từ khớp vai; khám bằng cách sờ nắn, gõ và nghe. 3.1. Sờ nắn. Người khám dùng tay ấn mạnh vào khoảng xương sườn 7-8-9 bên phải cơ thể con vật. Nếu dạ lá sách bị tắc, niêm mạc dạ lá sách bị viêm, bị hoại tử thì bệnh súc có phản ứng đau đớn, khó chịu. Lưu ý là viêm dạ tổ ong hoặc viêm dạ múi khế cũng có thể gây ra đau khi sờ nắn vùng dạ lá sách. 3.2. Gõ Người khám dùng búa gõ để gõ vào vùng dạ lá sách. Con vật khoẻ, gõ có âm đục hoặc âm đục lẫn âm bùng hơi, khi gõ con vật không đau. Nếu có viêm dạ lá sách hoặc viêm dạ múi khế thì con vật có biểu hiện đau. 3.3. Nghe Nghe có kết quả hơn gõ. ở con vật khoẻ nhu động của dạ lá sách liền với nhu động của dạ cỏ, tiếng nhỏ và rất giống tiếng nhu động dạ cỏ. Lúc con vật đang ăn, nghe dạ lá sách khó khăn vì lúc này thức ăn chứa đầy nước nên nhu động dạ lá sách khó phân biệt với nhu động của ruột. Nghe dạ lá sách ngay sau khi con vật mới ăn xong thì rõ hơn. - Nghẽn dạ lá sách (Obturatio omasi): khi nghe thấy mất nhu động của dạ lá sách. Thường gặp trong các bệnh có sốt cao, hoặc do con vật ăn thức ăn quá khô, ít được uống nước, con vật uống nước có lẫn bùn đất... 4. Khám dạ múi khế (Abomasum). Dạ múi khế của loài nhai lại nằm ở dưới bụng áp vào cung sườn bên phải từ xương sườn 12 đến mỏm kiếm. Dùng phương pháp sờ nắn, gõ, nghe để khám dạ múi khế.
95
Trâu, bò: khi khám có thể để đứng. Dê, cừu, bê, nghé, hươu, nai, sao la...: khi khám dạ múi khế có thể đặt nằm nghiêng bên trái. a) Sờ nắn: dùng tay ấn mạnh vào cung sườn vùng dạ múi khế, ấn mạnh về trong và hướng về trước. Sờ nắn để kiểm tra phản xạ đau của con vật. b) Gõ: khi gõ dạ múi khế có thể có âm bùng hơi hoặc âm đục; âm bùng hơi trong trường hợp dạ múi khế bị chướng hơi, âm đục khi dạ múi khế chứa đầy thức ăn. c) Nghe dạ múi khế: nghe được nhu động của dạ múi khế như tiếng nước chảy, gần giống như động của ruột. - Nhu động tăng: khi viêm dạ múi khế. - Nhu động giảm: bệnh ở dạ dày trước. Bê, nghé trong giai đoạn bú sữa hoặc giai đoạn vừa cai sữa hay bị rối loạn tiêu hoá, có thể gây nên viêm loét dạ múi khế gây ỉa chảy; trong trường hợp này người khám có thể chẩn đoán nhầm với bệnh ỉa chảy do Escherichia coli (Colibacillosis), bệnh ỉa chảy do giun đũa (Neoascaris vitulorum), hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh phó thương hàn bê, nghé (Parathypus bovum). Vì thế cần chẩn đoán phân biệt để có kết luận đúng của chẩn đoán. XI. Khám dạ dày đơn 1. Khám dạ dày ngựa. Do dạ dày của ngựa nằm sâu trong xoang bụng nên phải khám qua trực tràng, qua việc thông dạ dày, hoặc kiểm tra dịch dạ dày để chẩn đoán bệnh. Cũng có thể căn cứ vào những biến đổi của một số cơ quan khi dạ dày mắc bệnh để chẩn đoán. - Bệnh dạ dày viêm loét, các tuyến trong dạ dày bị rối loạn thường dẫn tới suy nhược cơ thể, kém ăn, niêm mạc mắt nhợt nhạt, hoàng đản. - Nếu ngựa bị dãn dạ dày cấp tính: khi cho ống thông đến dạ dày thì có mùi chua bốc lên, con vật dịu đau hoặc hết đau. - Nếu do co thắt thượng vị hoặc dãn dạ dày: bệnh súc đau đớn quằn quại, thở rất khó khăn, có lúc hầu như ngạt thở; con vật phải chống hai chân trước như chó ngồi để thở, có khi nôn mửa; khoảng xương sườn 15 -17, vùng xương ức bên trái hơi nhô lên. - Nếu ngựa bị hoàng đản, ăn kém, cơ thể suy nhược, niêm mạc mắt nhợt nhạt có thể do dạ dày viêm loét, hoặc rối loạn các tuyến tiết trong dạ dày. 2. Khám dạ dày lợn. Khám dạ dày cho lợn rất khó khăn vì lợn béo có nhiều mỡ, bụng dày. - Lợn thở khó, phải chống hai chân trước như chó ngồi để thở, bụng trái phồng to: có thể do bị bội thực hoặc viêm dạ dày cấp tính. - Cũng có thể khám bằng cách sờ vào bụng sau hơi chếch về bên trái của xương ức: ấn mạnh tay mà lợn nôn chứng tỏ con vật bị giãn dạ dày, bội thực hoặc một số bệnh truyền nhiễm. 3. Khám dạ dày loài ăn thịt. Chó (chó sói), mèo, chồn, cáo, hổ, báo... là loài ăn thịt và tạp thực, cơ thể tương đối nhỏ nên việc khám dạ dày có thuận tiện hơn các loài khác. 96
- Nếu thấy bụng trái to có thể nghi đầy hơi, chướng bụng, bội thực. - Sờ vào vùng dạ dày con vật có phản ứng đau, có thể do viêm dạ dày, viêm màng bụng. Nếu có điều kiện thì dùng chẩn đoán bằng hình ảnh. Kiểm tra chất chứa trong dạ dày Sự co bóp và tiết dịch của dạ dày do hai nhân tố thần kinh và thể dịch quyết định. Những đầu mút thần kinh vị giác bị kích thích bởi thức ăn hoặc một số hormon trong cơ thể kích thích gây phản xạ phân tiết. Khi chức năng phân tiết bị rối loạn sẽ làm cho hoạt động tiêu hoá không bình thường. Khi kiểm tra dịch dạ dày có thể chẩn đoán được những rối loạn nội tại ở dạ dày và cả các bệnh khác ở đường tiêu hoá. Dịch dạ dày gồm các chất vô cơ, muối Natri chlorur (NaCl), Axit chlohydric (HCl) và các chất hữu cơ: các Protid, Enzyme. Kiểm tra dịch dạ dày bao gồm kiểm tra hoá tính, kiểm tra lý tính và kiểm tra qua kính hiển vi. 1. Cách lấy dịch dạ dày: Tuỳ theo mục đích mà có cách lấy khác nhau: + Lấy 1 lần: để chẩn đoán tình hình phân tiết và tính chất phân tiết. + Lấy nhiều lần: để khám chức năng phân tiết. Trước khi lấy dịch dạ dày 1 lần thì bắt con vật nhịn ăn 8-12 giờ đồng hồ (ngựa: 12 - 16 giờ; lợn: 10 - 12 giờ; chó: 8 - 10 giờ); sau đó cho nó ăn chất kích thích, sau khoảng 40 - 60 phút bắt đầu lấy dịch dạ dày. Có thể sử dụng các chất kích thích để thu được nhiều dịch vị như sau: ngựa dùng 500 1000 ml rượu 5 %; lợn dùng 50 gram bánh bao, cộng 500 ml nước thường (Aq.com-Aqua comunis); chó dùng 50-100 ml rượu 5 % và 500 ml nước thịt. Khám chức năng phân tiết của dạ dày: sau khi cho ăn 45 phút lấy lần thứ nhất, sau đó cứ 20 phút lấy lần tiếp theo. 2. Kiểm tra tính chất vật lý của chất chứa: Số lượng dịch dạ dày phản ánh chức năng phân tiết của dạ dày và khả năng nhu động đẩy thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Mỗi lần lấy có thể được được từ vài chục đến vài ngàn mililít. Ngựa có thể lấy được 2,5 lít, chó khoảng 250 ml. Nếu dạ dày bị viêm cata, thiếu Axit chlohydric, tuyến tiêu hoá của dạ dày bị rối loạn thì phải lấy nhiều lần; vì trong tình trạng cơ thể như trên, thu được rất ít dịch dạ dày. Có thể qua số lượng dịch dạ dày để phán đoán bệnh cơ vòng thượng vị và co thắt dạ dày. 2.1. Màu của chất chứa. Cần kiểm tra ngay sau khi lấy. + Màu trong suốt, màu như váng sữa: dạ dày không có bệnh. + Màu vàng hay vàng xanh: dịch dạ dày lẫn mật. + Màu cà phê: dạ dày bị viêm-loét. + Màu đen: bị tắc ruột hay bị lồng, xoắn ruột.
97
Màu của dịch dạ dày còn phụ thuộc vào tính chất của thức ăn, vì vậy khi tiến hành chẩn đoán bệnh cho con vật cần chú ý đến đặc điểm này để tránh nhầm lẫn. 2.2. Mùi của chất chứa. Mùi của dịch dạ dày thường chua. Nếu bệnh súc bị dãn dạ dày thì mùi của dịch dạ dày chua hơn bình thường. Nếu độ toan trong dạ dày thiếu, hoặc tắc ruột làm thức ăn đọng lại trong dạ dày gây thối rữa thì dịch dạ dày có mùi thối. 2.3. Độ nhớt của chất chứa. Do niêm dịch và mảnh nhỏ của thức ăn lẫn vào. Con vật khoẻ dịch dạ dày như nước. Nếu có niêm dịch lắng xuống phía dưới có thể do viêm dạ dày. Nếu niêm dịch dạ dày nổi lên trên mặt, có nhiều bọt là do con vật nuốt dịch ở xoang mũi. 2.4. Tỷ trọng của dịch dạ dày: phụ thuộc vào các chất lẫn trong niêm dịch như mủ, dịch mật do tắc ruột, các loại ký sinh trùng khác nhau. 3. Kiểm tra tính chất hoá học của chất chứa. - Độ chua của chất chứa: dịch dạ dày thường chua, thí nghiệm cho giấy quỳ (Litmus paper) vào dịch thì giấy quỳ chuyển sang màu đỏ. Độ chua của dịch dạ dày do Axit chlohydric (HCl), muối Phosphorat toan tính và một số lượng nhỏ Axit hữu cơ (Axit lactic, Axit acetic...) tạo nên. Chuẩn độ axit trong dịch dạ dày gồm: chuẩn độ axit chung, axit HCl tự do và axit HCl kết hợp. Để phản ánh độ axit trong dạ dày người ta dùng NaOH. Độ axit là số lượng ml NaOH N/10 để trung hoà 100 ml dịch dạ dày. 3.1. Chuẩn độ axit HCl tự do. Chuẩn bị thuốc thử bao gồm 0.5% para - dimethylamino azobenzol (PDA) trong cồn 700; NaOH N/10. Cách làm: lấy 10 ml dịch dạ dày đã lọc cho vào cốc thuỷ tinh nhỏ, cho thêm 10 ml nước cất và 1- 2 giọt chỉ thị màu 0.5% PDA, nếu có HCl tự do sẽ có màu đỏ. Trong buret, nhỏ giọt từ từ NaOH N/10 cho đến lúc mất màu hồng thì dừng lại. Làm hai lần rồi tính số bình quân. Độ axit = VNaOH x 10. (V là lượng NaOH N/10 dùng để trung hoà axit dịch vị). Trong dịch vị dạ dày, axit chủ yếu là HCl do tế bào thượng bì dạ dày tiết ra. HCl kết hợp với protid, toan hoá protid gọi là HCl hết hợp; số HCl còn lại dưới dạng tự do, gọi là HCl tự do. Chính HCl tự do đã hoạt hoá men pepsin trong dạ dày. 3.2. Chuẩn độ axit tổng số. Axit tổng số gồm tất cả các axit có trong dạ dày: gồm HCl tự do, HCl kết hợp và các axit hữu cơ khác. Chuẩn bị thuốc thử: 1) 1% phenothalein trong cồn; 2) NaOH N/10. Cách làm: cho 10 ml dung dịch dạ dày đã lọc vào cốc thuỷ tinh, thêm 10 ml nước cất và 2 giọt chỉ thị màu 1% phenothalein. Chuẩn độ bằng NaOH N/10 cho đến lúc mất màu hồng. Độ axit tổng số = VNaOH đã dùng x 10 98
3.2. Chuẩn độ axit HCl kết hợp. Thuốc thử: 1) 1% Alizarin; 2) NaOH N/10. Cách làm: lấy 10 ml dịch dạ dày đã lọc, thêm 10ml nước cất và hai giọt chỉ thị màu Alizarin. Nếu có HCl kết hợp thì dung dịch có màu hơi vàng. Giỏ từ từ NaOH N/10 cho đến lúc xuất hiện màu tím thì dừng lại. Lúc ấy trong dịch vị dạ dày các axit đã bị trung hoà hết, chỉ còn lại HCl kết hợp. Vậy: Độ axit HCl kết hợp = độ axit tổng số - (VNaOH đã dùng x 10) Độ axit trong dịch vị dạ dày của gia súc khoẻ (tính bằng đơn vị) Loài
Độ axit tổng hợp
HCl tự do
HCl kết hợp
Ngựa
14 - 30
0 - 14
5 - 15
Chó
40 - 70
16 - 35
15 - 30
Lợn
30 - 60
10 - 30
10 - 20
3.3. Chuẩn độ thiếu axit HCl. HCl thiếu là số axit thiếu không toan hoá hết số protid trong dạ dày. Thuốc thử: HCl N/10; 2) 0.5% para - dimethylamino azobenzol (PDA). Cách làm: lấy 10 ml dịch vị, thêm vào 10 ml nước cất và hai giọt chỉ thị màu PDA, rồi nhỏ giọt từ từ HCl N/10 vào đến khi dung dịch có màu hồng nhạt, chứng tỏ HCl đã kết hợp hết protid và đã thừa. Độ axit HCl thiếu = VHCl N/10 đã dùng x 10 Chuẩn độ axit trong dịch dạ dày để chẩn đoán chức năng tiêu hoá. Độ chua cao, axit HCl phân ly chứng tỏ chức năng phân tiết của dạ dày tăng cường. Nếu axit HCl tự do không có là chứng thiếu axit. 3.4. Kiểm tra axit lactic. Dịch dạ dày có nhiều axit lactic, chứng tỏ chức năng nhu động yếu, trương lực của dạ dày yếu, chức năng phân tiết HCl yếu. + Cho vào ống nghiệm 10 ml axit phenic 2%, cho thêm 1-2 giọt chỉ thị màu FeCl3 10 %, sau đó pha loãng dung dịch này bằng nước cất, cho đến khi nào có màu tím trong suốt là được. + Chia dung dịch trên làm 2 ống: 1 ống để đối chiếu, ống thí nghiệm cho vào vài giọt dịch dạ dày cần kiểm nghiệm. Nếu có axit lactic thì dung dịch có màu vàng ánh; nếu không có axit lactic thì dung dịch giữ màu vàng nhạt của nó. 3.5. Kiểm tra sắc tố mật (Bilirubin) Trong quá trình rối loạn tiêu hoá hoặc bị tắc ruột, sắc tố mật có thể từ tá tràng trào ngược vào dạ dày. Cách 1: cho vài giọt dịch dạ dày lên giấy lọc, sau đó nhỏ giọt chồng lên trên dịch dạ dày vài giọt Bleu methylen 1 %, nếu xuất hiện màu tím nhạt là có sắc tố mật. 99
Cách 2: cho vào ống nghiệm 1 - 2 ml axit nitric đặc, sau đó cho từ từ theo thành ống 1 -2 ml dịch dạ dày đã lọc. Nếu có sắc tố mật thì vòng tiếp súc sẽ xuất hiện màu vàng, tím, xanh. 3.6. Kiểm tra men Pepsin. Mục đích để xác định khả năng tiêu hoá của dạ dày, nhất là khi dạ dày bị thiếu HCl tự do. Để định tính: cho dịch dạ dày vào cốc, nhúng vào một phiến kính có tráng một lớp mỏng lòng trắng trứng gà đã đông vón bằng cách đun sôi. Để cốc có chứa phiến kính đó vào tủ ấm 3700 C. Sau 4-5 giờ đồng hồ đem ra xem. Nếu lớp lòng trắng trứng tan ra, tróc khỏi phiến kính là có men Pepsin đang hoạt động trong dịch dạ dày. Để định lượng: dùng một ống thuỷ tinh nhỏ, đường kính 2mm, dài khoảng 30mm, cho đầy lòng trắng trứng gà hoặc huyết thanh ngựa, rồi nhúng vào trong cốc nước ấm để đông lại. Cho ống thuỷ tinh ấy vào cốc đựng dịch vị; để vào tủ ấm 370C trong 24 giờ. Nếu dịch vị thiếu HCl tự do thì cho thêm một ít HCl N/10. Căn cứ vào độ dài đoạn protein bị tiêu hoá trong ống sau 24 giờ để xác định hoạt lực của men pepsinaza. 4. Kiểm tra chất chứa bằng kính hiển vi. Trong dịch dạ dày của con vật khoẻ không có hồng cầu, có ít bạch cầu. Nếu viêm dạ dày cấp tính (Gastritis acuta), dịch dạ dày có nhiều hồng cầu, bạch cầu và niêm dịch do niêm mạc dạ dày bị xuất huyết; viêm dạ dày cata mạn tính (Gastritis catarrhalis chronica) thường có độ axit HCl cao, axit latic nhiều, dịch nhầy, đặc, có bạch cầu; nhưng không có hồng cầu. Kiểm tra lượng bạch cầu thẩm xuất ra trong dịch dạ dày để chẩn đoán viêm cata cấp tính, mạn tính, hay viêm dạ dày và ruột (Gastro enteritio). Cách làm: + Cho con vật nhịn đói, sau đó cho ăn (hoặc uống) chất kích thích dạ dày. Sau 15 phút lấy dịch dạ dày lần thứ nhất, tiếp theo 15 phút sau lấy lần tiếp theo. Trước khi làm thí nghiệm, ta tiến hành lọc dịch vị; lọc dịch vị qua hai lần vải gạc. + Hút 6 ml dịch dạ dày lấy lần thứ nhất và 6 ml dịch dạ dày lấy lần kế tiếp cho vào ống nghiệm; đem ly tâm 2000 vòng/ phút trong vòng 15 phút. + Lấy ra đổ bớt phần nước trong ở trên ống nghiệm, sao cho còn 1 ml cặn dịch dạ dày ở đáy ống nghiệm; lắc đều, dùng ống hút bạch cầu hút cặn của dịch trên đến khắc 1. + Hút tiếp nước muối 1 % đến khắc 11 để pha loãng và đếm trong buồng đếm bạch cầu ở 4 ô lớn chung quanh (giống đếm bạch cầu trong máu). + Kết quả thu được nhân với 25 sẽ được số bạch cầu trong 1 mm3 cặn dịch dạ dày. Cuối cùng lấy trung bình bạch cầu đếm được mỗi lần trong hai giờ đầu. Ngựa khoẻ, mỗi lần lấy trong giờ thứ nhất trung bình có 100 - 300 bạch cầu/mm3, giờ thứ hai trung bình có 100 - 200 bạch cầu. Lúc viêm dạ dày, lượng bạch cầu có thể tăng lên gấp 4 - 10 lần. Khám ruột Ruột của con vật được chia làm 2 đoạn: 1): ruột non (Small intestine) gồm tá tràng, không tràng, hồi tràng; 2): ruột già (Large intestine) gồm manh tràng, kết tràng, trực tràng và hậu môn (Anus). 100
Động mạch treo tràng trước và động mạch treo tràng sau cung cấp máu cho ruột; đường ruột có hệ lâm ba rất phát triển. Hoạt động của ruột chịu sự chi phối của thần kinh thực vật; giây phó giao cảm gây hưng phấn vận động và phân tiết; giây phó giao cảm lại có tác dụng ngược lại. Chức năng chủ yếu của ruột là tiêu hoá, hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải các chất cặn bã. Chức năng này hoạt động được là nhờ những phản xạ có điều kiện (Conditioned reflex) và những phản xạ không điều kiện (Unconditioned reflex). Cấu tạo và vị trí giải phẫu của bộ máy tiêu hoá ở các loài vật khác nhau nên cách khám bệnh của đường tiêu hoá cho chúng cũng khác nhau: + Những con vật lớn, dùng phương pháp nghe và gõ. + Những con vật nhỏ, dùng phương pháp sờ nắn và chụp X-quang. 1. Khám ruột loài nhai lại 1.1. Sờ, nắn. Sờ nắn có thể phát hiện ra con vật đau đớn. Gia súc đau toàn bộ vùng bụng có thể do viêm màng bụng, lồng, xoắn ruột hoặc herni ống bẹn. 1.2. Gõ. Trong các trường hợp bị bệnh ở vùng bụng âm gõ thay đổi rất ít. Vì vậy người khám phải lắng nghe thật tập trung mới có thể chẩn đoán ra bệnh cho con vật. 1.3. Nghe. Nếu bị đau đớn vùng bụng do tắc ruột, lồng ruột, xoắn ruột, hoặc bị liệt ruột thì nhu động của ruột mất. Nhu động của ruột tăng nghe như tiếng nước chảy trong các bệnh dẫn đến ỉa chảy (Diarrhrea), viêm ruột thể cata (Enteritis catarrhalis)... Khi cần, có thể khám qua trực tràng (Rectal examination), nhưng chủ yếu để khám dạ cỏ, khám thai. 2. Khám ruột ngựa. 2.1. Nhìn. Vùng bụng phải chướng to thường do dạ dày, ruột già bị chướng hơi. Vùng bụng hóp lại có thể bị đói, ỉa chảy lâu ngày. 2.2. Gõ. Vùng tiểu kết tràng và kết tràng có âm đục là do ngựa bị tắc ruột, tắc ở kết tràng thì vùng âm đục càng rộng. 2.3. Nghe. Bên phải bụng vùng lõm hông nghe được nhu động thì đó là nhu động của manh tràng. ở mé bụng trái lần lượt từ trên xuống: nghe được nhu động của tiểu kết tràng, ruột non, và dưới cùng là của kết tràng. Ngựa khoẻ: ruột già nhu động 4-6 lần/ 1 phút, ruột non nhu động 8-12 lần. Nhu động của ruột ngựa phụ thuộc vào chế độ sử dụng và phẩm chất thức ăn. + Nhu động của ruột ngựa tăng: do ngựa ăn và uống nước quá lạnh, do thức ăn thiu thối, nấm mốc, do viêm ruột cata, viêm ruột đầy hơi. 101
Nếu thành ruột quá căng hoặc chướng bụng đầy hơi thì nghe được nhu động của ruột ngựa như tiếng nước rơi trên một miếng kim loại. + Nhu động ruột yếu, ngắn: do bị tắc ruột, bị ỉa chảy; do thần kinh phó giao cảm bị ức chế. + Nhu động của ruột mất: do bị tắc ruột, do bị đầy hơi nặng, do bị liệt ruột. 3. Khám trực tràng. Ngựa thường hay bị đau bụng cho nên việc chẩn đoán bệnh qua khám trực tràng rất có ý nghĩa. Qua việc khám này chúng ta biết được ruột bị tắc, lồng, hay xoắn. Khám trực tràng còn chẩn đoán bệnh ở gan, thận, và khám thai. Ruột ngựa rất dài, phức tạp và xếp theo thứ tự sau: + Ruột non: tá tràng, không tràng, hồi tràng. + Ruột già: manh tràng - đại kết tràng phía dưới bên phải (qua gấp khúc hoàng mô) - đại kết tràng dưới bên trái (qua gấp khúc hông) - đại kết tràng bên trái (qua gấp khúc hoành mô) đại kết tràng bên phải - manh tràng của đại kết tràng - tiểu kết tràng (trực tràng). Trước khi khám trực tràng nên thụt hết phân ra. Người khám chụm đầu các ngón tay lại, từ từ đưa vào trực tràng. Nếu con vật cựa quậy, hay nhu động của ruột đẩy tay ra quá mạnh thì không được đẩy tay tiếp vào. Cho tay vào trực tràng chú ý cơ vòng hậu môn: cơ này co thắt mạnh là triệu chứng lồng, xoắn hay tắc ruột. Kiểm tra phân Phân của những con vật ăn cỏ gồm: chất xơ, protid, lipid, những chất phân tiết của đường tiêu hoá, tế bào thượng bì của niêm mạc ruột, vi sinh vật... Phân của những con vật ăn thịt và tạp thực gồm: mảnh thức ăn chưa được tiêu hoá, chất phân tiết của niêm mạc đường ruột, vi sinh vật, chất khoáng... 1. Kiểm tra bằng mắt thường. Số lượng phân nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng thức ăn, chất lượng thức ăn mà con vật đã ăn vào. Lượng phân thải ra qua 24 giờ của các loài vật như sau: Ngựa: 15-20 kg / con / 24 giờ. Trâu, bò: 15-35 kg / con / 24 giờ. Dê, cừu: 2-5 kg / con / 24 giờ. Lợn: 1-3 kg / con / 24 giờ. Chó: 0,5-1 kg / con / 24 giờ. Mèo: 0,1-0,3 kg / con / 24 giờ. Voi: 50-80 kg / con / 24 giờ. 1.1. Độ cứng mềm của phân. Độ cứng mềm của phân là do thức ăn, tỷ lệ nước có trong thức ăn và chức năng tiêu hoá quyết định. - Phân của ngựa: có khoảng 75% là nước. Ngựa ỉa thành từng hòn tròn. Nếu bị viêm ở đường tiêu hoá thì phân sẽ nát. - Phân của trâu, bò: có khoảng 85 % là nước. Trâu, bò ỉa ra thành từng bãi. - Phân của dê, cừu: có khoảng 55% là nước. Dê, cừu ỉa ra thành từng viên. - Phân của lợn: có khoảng 60% là nước. Lợn ỉa ra thành hình ống. - Phân của gia cầm: có khoảng 30-35% là nước. Gia cầm ỉa ra thành trụ tròn, khô, có màu trắng. Khi phân thay đổi độ cứng, độ mềm là con vật có thể bị mắc bệnh. 1.2. Màu của phân. 102
Màu của phân phụ thuộc vào thức ăn và tuổi của con vật. - Phân màu xanh: con vật ăn cỏ tươi, rau xanh. - Phân có màu vàng thẫm: con vật ăn các loại hạt, củ, thức ăn ủ tươi. - Phân có màu trắng: lợn con phân trắng, bê-nghé phân trắng, phân trắng do giun đũa... - Phân có màu đất thó (clay): bệnh viêm gan, tắc mật, phó thương hàn - Phân có màu đỏ xẫm: do đoạn ruột trước bị xuất huyết. Phân có máu còn do các bệnh: tiêu chảy do virus, bệnh dịch tả, bệnh tụ huyết trùng, bệnh nhiệt thán... Trong phân còn có thể có màu của thuốc điều trị bệnh cho con vật. 1.3. Mùi của phân. - Phân có mùi thối: là do viêm ruột cata kiềm tính, do các chất phân giải trong ruột. - Phân có mùi chua: là do viêm ruột cata toan tính. Chọc dò xoang bụng Chọc dò xoang bụng là để kiểm tra dịch thẩm xuất (dịch viêm = exudate), hoặc dịch thẩm lậu (dịch phù = transudate) để biết được do viêm tại chỗ hay viêm toàn thân. Chọc dò xoang bụng còn để chẩn đoán tình trạng các khí quan trong xoang bụng: gan, dạ dày, bàng quang, ruột... Vị trí chọc dò: cách xương mỏm kiếm về phía sau 10 -15 cm, chọc hai bên, cách đường trắng mỗi bên 2-3 cm. Tuy chọc được cả hai bên nhưng với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai, mang, sao la, cheo cheo, lạc đà, nên chọc bên phải để tránh dạ cỏ; ngựa nên chọc bên trái để tránh manh tràng. Sau khi vô trùng dụng cụ và nơi chọc dò, người khám dùng kim 14 hoặc 16, ấn mạnh kim vuông góc với thành bụng, đẩy kim từ từ vào xoang bụng. Nên nối kim với ống cao su sau đó lắp Syringe vào để rút dịch. Cần cố định bệnh súc thật chắc chắn để bảo đảm an toàn cho người và cho bệnh súc. - Con vật khoẻ lấy được từ 2 - 5 ml, dịch chọc dò có màu vàng. - Con vật đau bụng dịch chọc dò nhiều và có màu vàng. - Dịch chọc dò có mùi khai: con vật bị vỡ bàng quang. - Dịch chọc dò có lẫn mảnh thức ăn, có cả máu, có mùi chua: vỡ dạ dày. - Dịch chọc dò toàn máu: vỡ gan, vỡ lá lách, vỡ mạch máu lớn. - Dịch chọc dò có Fibrine, có nhiều niêm dịch, màu đục: có thể bị viêm màng bụng. Khám gan Gan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể của con vật, gan thường bị nhiều nhân tố từ bên ngoài và các nhân tố bên trong cơ thể gây hại. Khám gan cho con vật bằng phương pháp lâm sàng: nhìn, sờ nắn, gõ, nghe; và bằng các phương pháp khác như: sinh thiết gan, soi ổ bụng, X- quang... 1. Vị trí khám. 1.1. Gan ngựa: gan của ngựa nằm sâu trong ổ bụng, bên phải và bên trái của gan đều nằm trong cung sườn, bị rìa phổi ở đó lấp kín; vì vậy khi gõ không nghe được âm đục vùng 103
gan và sờ không được. Khi con vật bị bệnh làm gan sưng to, gõ men theo cung sườn về phía dưới, bên trái khoảng gian sườn 7 đến gian sườn 10; bên phải khoảng gian sườn 10 đến gian sườn 17. Gan sưng to: vùng gan bên phải mở rộng, gõ thấy âm đục, dưới cung sườn bên phải có thể sờ thấy gan cứng, chuyển động theo nhịp thở; bệnh súc có cảm giác đau. Ngựa bị bệnh ở gan thấy rõ các triệu chứng như: hoàng đản, hôn mê, tim đập chậm, tích nước xoang bụng, thành phần và tính chất của nước tiểu thay đổi. 1.2. Gan loài nhai lại: gan của loài nhai lại nằm ở vùng bụng bên phải: từ xương sườn 6 đến xương sườn cuối cùng. Phần gan lộ ra ngoài ở khoảng xương sườn 10 - 12, tiếp giáp với thành bụng. Gia súc khoẻ, gõ từ xương sườn 10 đến xương sườn 12 trên dưới đường ngang kẻ từ mỏm hông. Gan bị sưng to: vùng âm đục mở rộng về phía sau có thể đến xương sườn 12 trên đường ngang kẻ từ mỏm xương ngồi, phía dưới có thể mở rộng đến đường ngang kẻ từ khớp vai. Gan bị sưng có thể do: viêm gan mạn tính, lao gan, sán lá gan, áp xe gan, ung thư gan. 3. Gan con vật nhỏ: Để con vật đứng, quan sát cả bên trái và bên phải, sờ hai bên cung sườn từ nhẹ đến nặng; cho con vật nằm: sờ cung sườn bên trên, sau lật phía bên kia khám phần còn lại. - Gan chó: vùng âm đục bên trái từ xương sườn 10 đến xương sườn 12; vùng âm đục bên phải từ xương sườn 10 đến xương sườn 13. Vùng âm đục của chó còn tuỳ thuộc vào độ béo, gầy và độ dày của dạ dày và ruột. - Gan lợn: lợn có nhiều mỡ, tầng thịt dày nên dùng phương pháp sờ nắn, gõ ít có hiệu quả. Khám gan cho lợn giống như khám gan cho chó. 2. Sinh thiết gan. 2.1. Vị trí chọc sinh thiết. Ngựa: + Bên trái: gian sườn 8-9. + Bên phải: gian sườn 14-15. Cả hai bên đều trên đường ngang kẻ từ mỏm hông. Loài nhai lại + Bên phải: gian sườn 10- 11 là vùng âm đục của gan, giữa đường ngang kẻ từ mỏm xương ngồi và đường ngang kẻ từ mỏm hông. Sử dụng phương pháp chọc dò khi triệu chứng bệnh không rõ ràng và để chẩn đoán những rối loạn trao đổi chất. 2.2. Dụng cụ dùng để sinh thiết. Kim chọc dò dài 9 cm, phần chọc vào cơ thể 7 cm. Đường kính ngoài của kim: 3 cm, đường kính trong của kim là: 2 cm. Bên trong kim có nòng bằng thép đặc vừa khít với lòng kim. 2.3. Cách sinh thiết. Đâm kim có nòng qua da, thành bụng, rút nòng kim ra và đẩy tiếp kim vào gan. 104
- Chọc sinh thiết từng điểm: đâm kim có nòng qua da, thành bụng, rút nòng kim ra và đẩy tiếp kim vào gan, sau khi có thể lắp sering vào và hút mạnh. - Chọc sinh thiết cục gan: đâm kim có nòng quan da, thành bụng, rút nòng kim ra và đẩy tiếp kim vào gan xoay một vòng, kéo kim ra; cho nòng kim vào đẩy nhẹ miếng gan mắc trong lòng kim ra. Theo yêu cầu xét nghiệm mà xử lý tiếp. Nếu để cắt tổ chức vi thể thì ngâm cục gan lấy được vào Formol 10%. Nếu làm tiêu bản thì sau khi rút kim ra, bơm những mảnh gan lẫn máu lên phiến kính đã vô trùng; phiết kính như phiết kính máu, để khô và cố định bằng cồn Methanol trong vòng 5 phút. Nhuộm phiến kính theo phương pháp Pappenhein trong khoảng 10 phút, hoặc các phương pháp nhuộm tế bào khác. Để khô và xem trên kính hiển vi: có thể phát hiện được viêm gan, các tế bào gan bị ung thư, các giai đoạn gan thoái hoá. Hiện nay có rất nhiều phương pháp xét nghiệm chức năng của gan, vì thế tuỳ theo mỗi cơ sở xét nghiệm nên chọn phương pháp thích hợp. 3. Kiểm tra chức năng gan. Các phương pháp phát hiện những rối loạn chức năng của gan gọi là xét nghiệm chức năng. Gan tham gia vào các quá trình trao đổi chất trong cơ thể: trao đổi protid, trao đổi lipid, trao đổi glucid, trao đổi vitamine, trao đổi khoáng. Gan tổng hợp protid huyết thanh, albumine, globuline, fibrinogen, prothombin. ở gan diễn ra quá trình chuyển hoá amine thành các sản phẩm cuối cùng của quá trình trao đổi amine là urea. Gan tổng hợp nên fibrinogen, prothombin, heparin xúc tiến quá trình đông máu. Gan còn là nơi dự trữ khối lượng lớn lipid cho cơ thể. Phospholipid, cholesterol được hình thành trong các tế bào gan. ở gan các axit béo được oxy hoá để tạo thành thể cetol và các axit đơn giản. Gan còn là nơi sản sinh ra vitamine A, B1, D, K. Chức năng giải độc của gan rất quan trọng cho cơ thể, các chất độc từ tổ chức, từ các khí quan, sản phẩm lên men trong đường ruột, các sản phẩm trao đổi cuối cùng của cơ thể là urea... tất cả đều qua gan bằng những phản ứng hoá học phức tạp, bị phá huỷ hoặc được chuyển hoá thành những sản phẩm không độc, sau đó được loại thải khỏi cơ thể. 3.1. Xét nghiệm chức năng trao đổi đường. Gluxit vào cơ thể được chuyển qua dạng glucoz để oxy hoá lấy năng lượng cho cơ thể hoạt động. Nếu glucoz nhiều sẽ được chuyển thành glucogen dự trữ trong gan, khi cần lại chuyển thành glucoz cung cấp cho cơ thể. Để xét nghiệm chức năng trao đổi đường của gan, thường dùng một số phương pháp sau đây: 3.1.1. Nghiệm pháp dùng glucoz. Để cho con vật nhịn đói 8 -12 giờ, định lượng đường huyết và đường trong nước tiểu. Sau đó đưa nước đường 40 % với số lượng 0,5 g / 1 kg trọng lượng qua ống thông vào dạ dày. Sau 30, 60, 90, 120, 150, 180 phút lấy máu định lượng đường huyết; sau 3 giờ định lượng đường trong nước tiểu. Ngựa: sau khi cho uống từ 30 - 60 phút lượng đường huyết cao nhất và trở lại bình thường sau 180 phút Nếu thời gian đường huyết xuống mức bình thường chậm chứng tỏ gan có bệnh, chức năng chuyển hoá glucoz thành glucogen kém.
105
Để đánh giá chức phận của gan, người ta còn lấy tỷ lệ giữa đường huyết cao nhất sau khi cho gia súc uống đường và lượng đường huyết trước đó. Ở bò khoẻ, tỷ lệ đó là 1,5 – 1,57. Khi có bệnh ở gan, tỷ lệ này lên tới 1,94 – 2,25. Lưu ý: mục đích của nghiệm pháp là qua biến động của lượng đường huyết để đánh giá chức năng chuyển hoá đường của gan. Nhưng thực tế, lường đường huyết không chỉ phụ thuộc vào gan mà con phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: trạng thái thần kinh, sự hoạt động của các tuyến tuỵ và các tuyến nội tiết; trạng thái đường ruột, chức năng của thận... Vì thế mà độ chính xác của nghiệm pháp thường thấp, ít được áp dụng. 3.1.2. Nghiệm pháp dùng galactoz. Nghiệm pháp này có nhiều ưu điểm hơn các nghiệm pháp khác trong kiểm tra chức năng trao đổi đường của gan, vì galactoz được hấp thu nhanh và chỉ được sử dụng khi đã chuyển hoá thành glucoz. Quá trình đó chỉ diễn ra trong gan. Mặt khác galactoz có ngưỡng thận thấp, vị vậy, lượng đường huyết phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của gan. Các bước tiến hành giống nghiệm pháp glucoz, chỉ khác là liều lượng dùng ít hơn một nửa. Các xét nghiệm chức năng trao đổi gluxit của gan nói trên khi áp dụng trong chẩn đoán thú y đều gặp trở ngại, nhất là ở loài nhai lại. Vì tiến hành xét nghiệm lúc gia súc đói để làm hạn chế các yếu tố làm ảnh hưởng đến lượng đường huyết gặp khó khăn. 3.2. Nghiệm pháp Adrenaline. Tuỳ theo gia súc lớn hay bé, tiêm vào tĩnh mạch (I.V = Intravenous ) hoặc dưới da (S.C = Subcutaneous) 2-5 ml Adrenaline 0,1%. Ngựa khoẻ: tiêm tĩnh mạch thì sau 30 phút lượng đường huyết cao nhất, sau 180 phút thì lượng đường huyết hạ xuống mức bình thường; tiêm dưới da thì sau 60 phút lượng đường huyết cao nhất, lượng đường huyết hạ xuống mức bình thường có chậm hơn. Nếu gan bị bệnh thì sau khi tiêm adrenalin, lượng đường huyết sẽ thay đổi ít hoặc không thay đổi. Ngoài các phương pháp trên còn có thể định lượng axit latic, axit pyruvic trong máu cũng có thể chẩn đoán được chức năng trao đổi đường của gan. 3.3. Nghiệm pháp Protid. Gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi protid của cơ thể, đặc biệt là trao đổi albumine. Để chẩn đoán bệnh ở gan người ta thường định lượng protid huyết thanh và các tiểu phần, xét nghiệm tính bền vững của protein huyết thanh, định lượng đạm tổng số, axit uric trong máu và nước tiểu. Kiểm tra protein huyết thanh thường dùng các phản ứng kết tủa protein. Các phản ứng này đều dựa trên nguyên tắc tính bền vững của protein huyết thanh thay đổi lúc các tiểu phần của nó thay đổi. Sở dĩ protein huyết thanh tồn tại được dưới dạng keo trong suốt là nhờ kích thước các hạt keo li ti. Nếu kích thước các hạt keo tăng thì rất dễ kết tủa. Trong chẩn đoán bệnh ở gan, ngành thú y thường dùng phản ứng Weltman, phản ứng ứng Takata-ara và phản ứng Gros. 3.3.1. Phản ứng Takata - ara. Nguyên lý của phản ứng là dựa trên sự thay đổi tính ổn định thể keo của protein huyết thanh trong trường hợp tăng hàm lượng globulin. 106
a) Thuốc thử: Dung dịch Na2CO3 10%; Dung dịch Takata: hỗn hợp HgCl2 o,5% và fucxin đỏ 0,02% trong nước với số lượng bằng nhau. Nước muối sinh lý 0,9% b) Tiến hành thí nghiệm: Lấy 7 ống nghiệm cho vào giá, cho vào mỗi ống 1ml NaCl 0,9%. Cho vào ống thứ nhất 1 ml huyết thanh kiểm nghiệm, lắc thật đều, nhưng tránh nổi bọt. Hút 1ml hỗn hợp ở ống thứ nhất cho qua ống thứ hai; cứ làm như vậy đến ống thứ bảy, bỏ 1 ml. Sau đó cho vào mỗi ống 0,25 ml Na2CO3 10% và 0,3 ml dung dịch Takata. Lắc thật đều và để yên trong phòng thí nghiệm 24 giờ. Xem ống có kết tủa là ống nào. Để chính xác, mỗi vùng, miền, địa phương cần xét nghiệm ở gia súc khoẻ để có một chỉ tiêu sinh lý. Ví dụ, huyết thanh ngựa khoẻ thường kết tủa đến ống thứ sáu, nếu kết tủa đến ống thứ tư hay trên nữa là phản ứng dương tính. Phản ứng Takata dương tính chứng tỏ gan bị tổn thương phân tán, viêm gan, xơ gan. 3.3.2. Phản ứng Weltman. Đánh giá tính ổn định của protein huyết thanh bằng cách cho nó kết tủa với CaCl2 ở những nồng độ khác nhau. CaCl2 làm thay đổi tính mang điện của các tiểu phần protein trong điều kiện đun sôi. - Thuốc thử: Dung dịch CaCl 10%. - Các bước tiến hành: Chuẩn bị 11 ống nghiệm sạch cho vào giá, tiến hành như sau: ống nghiệm
CaCl2 (ml)
Nước cất (ml)
% nồng độ CaCl2 Huyết thanh (ml)
1.
5.0
-
0.1
0.1
2.
4.5
0.5
0.09
0.1
3.
4.0
1.0
0.08
0.1
4.
3.5
1.5
0.07
0.1
5.
3.0
2.0
0.06
0.1
6.
2.5
2.5
0.05
0.1
7.
2.25
2.75
0.04
0.1
8.
2.0
3.0
0.035
0.1
9.
1.75
3.25
0.03
0.1 107
10.
1.5
3.5
0.02
0.1
11.
1.0
4.0
0.01
0.1
Lắc đều, tránh sủi bọt, đậy các ống lại. Đun cách thuỷ sôi 15 phút, lấy ra đọc kết quả ống có kết tủa cuối cùng. ở ngựa khoẻ: ống thứ sáu là ống có kết tủa cuối cùng, nồng độ CaCl 2 > 0.04. Nếu kết tủa sau ống thứ sáu, nồng độ CaCl2 < 0.035 là phản ứng dương tính. Trâu, bò khoẻ: ống thứ 8 - 9, nồng độ CaCl2 0.035 - 0.03%. Nếu kết tủa ở ống 10 là phản ứng dương tính, chứng tỏ gan bị viêm, xơ gan. 3.3.3. Phản ứng Gros. Thuốc thử Hayem: HgCl2 0,5 g; Na2SO4.1 H2O 5g; NaCl 2g; nước cất 200 ml Hoà tan các chất trên, đem lọc được thuốc thử Hayem. Lấy máu cần kiểm nghiệm chắt lấy huyết thanh vào ống nghiệm thật khô, dùng pipet loại 5 ml cho từ từ dung dịch Hayem vào ống nghiệm cho đến khi huyết thanh có kết tủa không tan. Sau 5 phút đọc kết quả: Căn cứ vào lượng dung dịch Hayem đã sử dụng để biết phản ứng dương tính hay âm tính. Trâu, bò khoẻ lượng Hayem để có phản ứng kết tủa là 2,4 - 2,6 ml. Lượng dung dịch Hayem dùng hết ít hơn 1/2 bình thường là phản ứng dương tính, chứng tỏ độ bền vững của protid huyết thanh càng kém, vì vậy cần chú ý đến bệnh trạng của gan. Nếu phản ứng dương tính trong thời gian dài thì bệnh đã chuyển sang thể mạn tính hay đang bị xơ gan. 3.3.4. Phản ứng với lugol. - Thuốc thử Lugol: I2 20g; IK 40g; Nước cất 300 ml. - Cách làm: Cho 1 giọt Lugol lên phiến kính rồi trộn vào 1 giọt huyết thanh tươi. Đọc kết quả sau 5 phút. Huyết thanh vón từng cục:
++++
Huyết thanh vón từng hạt:
+++
Huyết thanh vón từng hạt nhỏ: ++ Huyết thanh vón từng hạt li ti: + Huyết thanh trong suốt:
+
3. 4. Phương pháp dựa vào trao đổi Lipid. Sử dụng phương pháp này để xem xét lượng cholesterol và cholesterol este, phospholipit trong máu, điện di lipoproteine. Vai trò của gan trong quá trình trao đổi lipit bắt đầu từ giai đoạn tiêu hoá mỡ trong đường ruột. Mật và các axit mật như axit torocolic, hoạt hoá men lipaza; cùng với các Na+ tạo thành các muối của axit mật. Các muối này làm thay đổi sức căng bề mặt của các hạt mỡ, nhũ tương hoá nó để dễ hấp thu. Các quá trình thuỷ hoá, oxy hoá, chuyển hoá lipit phức tạp gắn 108
liền với chức phận của gan. Trong các bệnh khác nhau ở gan đều ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình trao đổi lipit trong cơ thể. 3.5. Xét nghiệm cơ năng trao đổi sắc tố mật. Cần xét nghiệm bilirubin trong máu, stecobolin trong phân và urobilin trong nước tiểu. Quá trình chuyển hoá sắc tố mật: Trong các tế bào nội võng mô ở gan, lách, tuỷ xương, hồng cầu thoái hoá giải phóng hemoglobin, sau đó biến thành verdohemoglobin. Verdohemoglobin tách nhân sắt để thành biliverdin và cuối cùng là thành hemobilirubin. Hemobilirubin lưu chuyển trong huyết quản ở dạng kết hợp với albumin nên không qua được ống lọc ở thận để ra ngoài theo nước tiểu. Hemobilirubin không hoà tan trong nước, không tác dụng trực tiếp với thuốc thử diazo, nên gọi là bilirubin gián tiếp. Trong tế bào gan, hemobilirubin dưới xúc tác của men urodindiphosphoglucoroni Transferaza, kết hợp với axit glucoronic để tạo thành cholebilirubin - bilirubindiglucoronic (sắc tố II) và bilirubinmonoglucoronic (sắc tố I). Sắc tố I chiếm khoảng 30%, sắc tố II chiếm khoảng 70%. Bilirubin + 2UDPGA ∏ Bilirubindiglucoronic + 2UDP. Bilirubin + UDPGA ∏ Bilirubinmonoglucoronic + UDP. (UDPGA: axit urodindiphosphoglucoronic; UDP: urodindiphospat) Cholebilirubin là sắc tố màu đỏ, tính axit, tan trong nước, dễ kết hợp với kim loại muối kiềm. Các muối canxi của bilirubin khó tan trong nước, lên dễ kết tủa tạo thành sỏi mật. Cholebilirubin theo ống dẫn mật vào túi mật và vào tá tràng. Ở đường ruột, dưới tác dụng của hệ vi khuẩn, cholebilirubin bị khử oxy để thành mezobilirubin (bilirubin trung gian) và sau đó tạo thành stercobilinogen và urobilinogen. Một phần stecobilinogen và urobilinogen thấm theo thành ruột, theo tĩnh mạch cửa, vào gan được oxy hoá thành bilirubin tích lại trong túi mật. Phần lớn stecobilinogen theo phân ra ngoài. Trong nước tiểu, gặp oxy, bị oxy hoá trở thành urobilin. Stecobilinogen và stecobilin, urobilinogen và urobilin giống nhau về tính chất hoá học. Trong lâm sàng, phải chẩn đoán phân biệt hoảng đản do bệnh ở gan, tắc mật; hay do hồng huyết cầu bị phá hàng loạt. Những bệnh gây vỡ hồng cầu hàng loạt làm cho hemoglobin, hemobilirubin tăng mạnh, tích lại trong máu, tụ lại trong tổ chức. Stecobilinogen và urobilirubin nhiều, gan không oxy hoá kịp cũng tích lại và trong nước tiểu, urobilin tăng lên. Gan có bệnh, gan không chuyển hoá hết hemobilirubin thành cholebilirubin, hemobilirubin tích lại trong máu, trong tổ chức. Mặt khác, cholebilirubin có thể thấm qua tổ chức gan tổn thương để vào máu, tích lại trong tổ chức và một phần theo nước tiểu ra ngoài. gan bị tổn thương không oxy hoá hết stecobilinogen và urobilirubinogen, chúng tích lại trong tổ chức và thải ra ngoài theo nước tiểu. Những bệnh làm tắc ống mật làm cholebilirubin tràn vào máu, thải rất nhiều theo nước tiểu. Chẩn đoán phân biệt chứng hoàng đản.
109
Sắc tố
Trong
Gia súc khoẻ
Hemoglo bin
máu
+++
nước tiểu
Hemobili rubin Cholebili rubin
+++
Tổn thương gan +++
++++
-
-
-
+++
máu
+
+
+++
++++
phân
++
-
+
++++
máu
-
++++
++++
-
Gián tiếp (tuỳ theo loại gia súc)
Trực tiếp
Lưỡng tính
Gián tiếp
+
-
++++
+++
+
++++
Phản ứng Van-denberg Urobilin
Hoàng đản
nước tiểu
Cơ giới
Stecobili phân + n 3.6. Xét nghiệm hoạt tính của SGOT và SGPT.
Dung huyết
SGOT: Serum Glutamat Oxalatcetat Transamylaza SGPT: Serum Glutamat Pyruvat. Hai men này đảm nhận việc chu chuyển amin và hoạt tính của nó thay đổi liên quan đến trạng thái tế bào gan rất lớn. SGOT có nhiều nhất trong gan, trong cơ tim và trong các tổ chức khác. SGPT có nhiều nhất trong tim, trong gan và các tổ chức khác. Hai men này thường ở trong tế bào, khi tế bào bị tổn thương làm hoạt tính trong máu tăng lên rõ rệt, tăng rất sớm so với các tổ chức khác. Dựa vào 2 men này để chẩn đoán bệnh cơ tim: nếu hai men này tăng lên thì do rối loạn cơ tim, hoặc bệnh viêm gan. 4. Bệnh gan và quá trình đông máu. Gan tổng hợp rất nhiều chất hữu cơ tham gia vào quá trình đông máu, protrombin, antitrombin, fibrinogen... Tổng hợp protrombin, fibrinogen và nhiều chất khác trong số đó, cần thiết phải có vitamin K. Trường hợp hoàng đản do tắc ống mật, mật không chảy ra tá tràng được, quá trình tiêu hoá mỡ bị trở ngại dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu vitamin K. Trường hợp hoàng đản do tổn thương gan cấp tính, số lượng antitrombin tăng, hàm lượng fibrinogen giảm. Trong các trường hợp xơ gan, lượng fibrinogen giảm đến 20% so với mức bình thường, lúc bị viêm gan cấp tính, có thể giảm đến 50%.
110
Câu hỏi ôn tập -
Trình bày phương pháp nghe nhu động dạ cỏ? Cách kểm tra chất chứa trong dạ cỏ?
-
Phương pháp khám dạ tổ ong?
-
Phương pháp chọc dò xoang bụng?
-
Phương pháp sinh thiết gan?
-
Kiểm tra màu sắc nước tiểu? Các phương pháp xét nghiệm nước tiểu?
Tài liệu tham khảo -
Bệnh ở hệ tiêu hóa: http://www.cimsi.org.vn/Sach/phanloaibenhtatquocte/chuong1 1.htm
-
Hệ tiêu hóa: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param =21BDaWQ9MTI4MDUmZ3JvdXBpZD0ma2luZD0ma2V5d29yZD 1oJWUxJWJiJTg3JTIwdGklYzMlYWF1JTIwaG8lYzMlYTE=&page=1
-
Rumen Physiology and Rumination: www.vivo.colostate.edu/hbooks/pathphys/digestion/herbivores/rumination.html 11k -
-
Dr. Lisa Williamson: Young Ruminant Diarrhea: http://lam.vet.uga.edu/LAM/LM000154.HTML
111
Chương I..................................................................................................................................... 2 CÔNG TÁC KHÁM BỆNH VÀ CHẨN ĐOÁN........................................................................2 Mục tiêu của chương...............................................................................................................2 Nội dung của chương.............................................................................................................. 2 I. Tầm quan trọng của công tác khám bệnh và chẩn đoán...................................................... 2 II. Cách tiến hành công tác khám bệnh .................................................................................. 3 1. Nơi khám.........................................................................................................................3 2. Phương tiện..................................................................................................................... 3 3.Thầy thuốc .......................................................................................................................3 4. Bệnh súc.......................................................................................................................... 4 III- Nội dung khám bệnh.........................................................................................................4 IV – Từ khám bệnh sang chẩn đoán........................................................................................4 V. KẾT LUẬN........................................................................................................................ 5 Câu hỏi ôn tập..................................................................................................................... 5 Tài liệu tham khảo ..............................................................................................................5 CHƯƠNG II................................................................................................................................6 BỆNH ÁN VÀ BỆNH LỊCH...................................................................................................... 6 Tóm tắt chương....................................................................................................................... 6 Mục tiêu của chương...............................................................................................................6 Nội dung của chương.............................................................................................................. 6 I. Tác dụng của bệnh án và bệnh lịch......................................................................................6 1. Tác dụng về chuyên môn................................................................................................ 6 2. Yêu cầu của bệnh án và bệnh lịch...................................................................................7 II. Nội dung của bệnh án và bệnh lịch.................................................................................... 8 1. Nội dung bệnh án............................................................................................................ 8 2. Nội dung bệnh lịch.......................................................................................................... 9 III. Tổng kết hồ sơ bệnh......................................................................................................... 9 IV. Lưu trữ hồ sơ bệnh..........................................................................................................10 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 10 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................10 CHƯƠNG III............................................................................................................................ 12 MỘT SỐ KHÁI NIỆM TRONG CHẨN ĐOÁN......................................................................12 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 12 Mục tiêu của chương.............................................................................................................12 Nội dung của chương............................................................................................................ 12 I. Triệu chứng (Symptom)................................................................................................ 12 II. Hội chứng (syndroms)..................................................................................................13 III. Khái niệm chẩn đoán...................................................................................................14 IV. Khái niệm về tiên lượng (prognosis).......................................................................... 15 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 16 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................16 CHƯƠNG II..............................................................................................................................17 CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁM BỆNH CHO CON VẬT........................................................ 17 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 17 Mục tiêu của chương.............................................................................................................17 Nội dung của chương............................................................................................................ 17 I. Các phương pháp lâm sàng............................................................................................17 1. Phương pháp nhìn (inspectio)....................................................................................... 17 2. Phương pháp sờ, nắn (Palpatio).................................................................................... 17 3. Phương pháp gõ (Percussis)..........................................................................................18 112
4. Phương pháp nghe (thính chẩn = Auscultatio )............................................................ 19 II. Các phương pháp cận lâm sàng........................................................................................19 Phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng..........................20 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 21 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................21 Chương V..................................................................................................................................23 Khám chung.............................................................................................................................. 23 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 23 Mục tiêu của chương.............................................................................................................23 Nội dung của chương............................................................................................................ 23 I. Hỏi bệnh.........................................................................................................................23 II. Khám bệnh................................................................................................................... 24 1. Quan sát các biểu hiện khác thường của con vật.......................................................... 24 2. Quan sát thể tạng...........................................................................................................24 2. Khám niêm mạc............................................................................................................ 25 3. Khám hạch lâm ba.........................................................................................................27 4. Khám lông.....................................................................................................................28 5. Khám da........................................................................................................................ 28 6. Kiểm tra thân nhiệt........................................................................................................31 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 36 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................37 CHƯƠNG VI............................................................................................................................ 38 KHÁM HỆ TIM MẠCH...........................................................................................................38 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 38 Mục tiêu của chương.............................................................................................................38 Nội dung của chương............................................................................................................ 38 I. Sơ lược về hệ tim mạch..................................................................................................... 38 1. Thần kinh tự động của tim............................................................................................ 38 2. Thần kinh điều tiết hoạt động của tim...........................................................................38 3. Thần kinh điều tiết mạch quản...................................................................................... 39 4. Sự điều tiết hoạt động chức năng của tim..................................................................... 39 5. Vị trí giải phẫu của tim................................................................................................. 39 II. Khám tim..........................................................................................................................40 1. Nhìn vùng tim............................................................................................................... 40 2. Sờ vùng tim................................................................................................................... 40 3. Gõ vùng tim.................................................................................................................. 41 4. Nghe tim.......................................................................................................................42 III. Điện tâm đồ..................................................................................................................... 45 1. Điện tim.........................................................................................................................45 IV. Khám mạch máu............................................................................................................. 45 1. Mạch đập (Pulsus).........................................................................................................45 V. Khám tĩnh mạch............................................................................................................... 51 VI. Huyết áp.......................................................................................................................... 52 VII. Khám chức năng tim......................................................................................................53 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 54 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................54 CHƯƠNG VII...........................................................................................................................55 XÉT NGHIỆM MÁU................................................................................................................55 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 55 Mục tiêu của chương.............................................................................................................55 113
Nội dung của chương............................................................................................................ 55 I. Phương pháp lấy máu........................................................................................................ 55 II. Xét nghiệm lý tính của máu............................................................................................. 56 III. Tốc độ huyết trầm (Sedimentation rate)......................................................................... 58 IV. Sức kháng của hồng cầu................................................................................................. 59 V. Hoá nghiệm máu.............................................................................................................. 60 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 73 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................74 CHƯƠNG VIII......................................................................................................................... 75 KHÁM HỆ HÔ HẤP................................................................................................................ 75 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 75 Mục tiêu của chương.............................................................................................................75 Nội dung của chương............................................................................................................ 75 I. Khám động tác hô hấp....................................................................................................... 75 1. Tần số hô hấp................................................................................................................ 75 2. Thể hô hấp.....................................................................................................................76 II. Khám đường hô hấp trên.................................................................................................. 78 III. Khám ngực...................................................................................................................... 80 IV. Chọc dò xoang ngực và kiểm tra dịch chọc dò. .............................................................85 V. Khám đờm........................................................................................................................86 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................... 87 Tài liệu tham khảo.............................................................................................................87 CHƯƠNG IX............................................................................................................................ 88 KHÁM HỆ TIÊU HOÁ............................................................................................................ 88 Tóm tắt chương..................................................................................................................... 88 Mục tiêu của chương.............................................................................................................88 Nội dung của chương............................................................................................................ 88 I. Kiểm tra ăn uống............................................................................................................... 88 II. Kiểm tra nhai.................................................................................................................... 89 III. Nuốt.................................................................................................................................90 IV. Ợ hơi............................................................................................................................... 90 V. Nôn mửa...........................................................................................................................90 VII. Khám họng và thực quản...............................................................................................92 VIII. Khám diều (gia cầm).................................................................................................... 92 IX. Khám vùng bụng.............................................................................................................92 X. Khám dạ dày loài nhai lại.................................................................................................93 Chọc dò xoang bụng........................................................................................................... 103 Khám gan............................................................................................................................ 103 Câu hỏi ôn tập................................................................................................................. 111 Tài liệu tham khảo...........................................................................................................111
114