Một Chuyến Đi Kỳ I - Cái Đêm Ấy Thế Mà... Bị Đánh Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông
Bottom Line: Tôi nhắm mắt, run sợ, nói như không kịp thở để thanh minh cho chính mình! Khi mở mắt ra, tôi đã thấy mình bị bao vây bởi khoảng hơn 30 người, tay ai cũng cầm một cái cây, hay một cục đá, hay một con dao - mặt ai cũng hằn hằn sát khí, dù vẫn còn đang ngái ngủ. Cái Đêm Ấy, Thế Mà… Bị Đánh (Trẻ bụi đời) 2 giờ sáng, Sài Gòn giờ đã chìm sâu trong giấc ngủ say. Đường phố thưa thớt người qua lại, chỉ còn lác đác vài chiếc xe ôm, và loanh quanh gần đó những “bóng hồng” đang đợi chờ khách ăn sương. Tôi giơ tay vẫy một chiếc xe ôm, tưởng bắt được khách “ăn khuya”, ào, ào ào, 4 chiếc Honda trờ tới. Ba chiếc chở ba cô gái, phấn son loè loẹt, đã quá mệt mỏi vì dạn dày “sương đêm” để cho tôi “chọn hàng”, và một chiếc không chở ai - Chắc là để chở tôi. - Không, tôi chỉ muốn một chiếc Honda ôm. Hôm nay tôi mệt mỏi lắm, không có sức làm gì đâu. (Chỉ có nói như thế thì mới không bị chèo kéo.) - (văng tục) tưởng là có mối Tiếng một cô gái rít lên giữa đêm trường tĩnh mịch, rồi sau đó là tiếng rú của cả bốn chiếc xe lao vào bóng đêm. Chỉ còn lại mình tôi. Biết là không thể đón Honda ôm ở góc phố tối tăm này, tôi đi bộ ra chỗ có ánh đèn đường chiếu sáng và ung dung trèo lên một chiếc Honda trực chỉ bờ kè cầu Kênh Tẻ (nối liền giữa quận 1 và quận 4). Sau hai vòng chạy vòng quanh bờ kè quan sát tình hình, tôi nói anh lái xe ôm cho tôi xuống một chỗ
trống, tối om, nhưng rất hôi thối sát bên góc của bờ kè. Móc ba mươi ngàn ra đưa cho anh, tôi nhận được một ánh mắt vừa tò mò vừa nghi ngờ từ người lái xe. Có thể anh đang suy nghĩ: “quái lạ, cái thằng này xuống đây để làm gì vào giữa đêm thanh vắng như vầy?” Hay có khi anh còn đang tự cám ơn là đã không bị tôi cướp xe của anh cũng không chừng. Tôi ngồi vào một góc tối quan sát chung quanh. Trời Sài Gòn se se lạnh, dưới ánh đèn heo hắt xuyên qua các kẽ hở tôi thấy có một số người cuộn mình đang ngủ say. Lấy lại bình tĩnh, làm dấu và đọc một Kinh để xin ơn can đảm và khôn ngoan, rút túi ra khoảng hơn 10 cái phong bì, tôi mon men tiến lại các “mục tiêu” của mình: - Thằng nào đó? Tiếng một người đàn ông quát vang lên giữa đêm trường tĩnh mịch. - Dạ cháu đây! Cháu là một người làm việc xã hội muốn đến đây để lì xì tết cho các chú và các em nhỏ thôi. Cháu không không có phải là dân ăn trộm đâu. Tôi nhắm mắt, run sợ, nói như không kịp thở để thanh minh cho chính mình! Khi mở mắt ra, tôi đã thấy mình bị bao vây bởi khoảng hơn 30 người, tay ai cũng cầm một cái cây, hay một cục đá, hay một con dao - mặt ai cũng hằn hằn sát khí, dù vẫn còn đang ngái ngủ. - (văng tục) Có thiệt không hay là vô đây ăn trộm đó? Anh bạn trẻ đang đứng trước mặt tôi nói buâng quơ. Vừa nói anh vừa cười, nhưng lại không nhìn vào tôi mà lại nhìn những người chung quanh. - Chắc không phải đâu. Chắc nó là người tốt thật đó. Một người khác chen vào. - Tay nó đang cầm phong bì lì xì kìa. Như bị ngớ người từ nãy tới giờ, tôi trở về với cái… sợ sệt của thực tại, và nói nhanh. - Thật mà, cháu không có phải ăn trộm đâu, cháu đi lì xì tết cho các anh chị và đặc biệt là các em nhỏ mà. - Mở phong bì ra tao coi coi, có tiền thiệt không? Một giương mặt chắc cũng đã quá 40, tự nhiên xuất hiện trước mắt tôi và hét to. Tôi lấy một cái phong bì, mở ra cho họ xem rồi bóc ra trong đó có ba tờ
giấy năm mươi ngàn tiền Việt Nam. - (văng tục) có từng đó thì ai có ai không. Anh chàng lại có vẻ như thị uy. - Tại em không biết ở đây có nhiều người như vậy, nên chỉ mang có khoảng 20 phong bì thôi, với lại mục đích là lì xì cho các trẻ mồ côi thôi… - Còn các người già không con cháu như tui thì sao? Một ông lão xen vào không để cho tôi nói hết ý. - Dạ thì các cụ không con cái cũng có, con hứa là sẽ có. Cuộc đối thoại còn kéo dài nữa, nhưng sợ độc giả sẽ chán nên tôi xin cắt mẩu đối thoại ở chỗ này để đưa độc giả vào phần… hồi hộp của câu chuyện. Tôi đặt “bàn toạ” vào cái khoảng trống đã được dành riêng cho tôi trong một vòng tròn khoảng trên 10 em vòng trong và cũng khoảng từng đó số người lớn ngồi ở vòng ngoài. Và bắt đầu bài “diễn văn nói dối” của mình đã được chuẩn bị từ trước và thuộc lòng cho lần ra quân lần này ở Việt Nam. - Cũng như các em, anh Thông cũng đã từng đi bán vé số, đi lượm rác, và đi ăn xin trên các đường phố Sài Gòn như các em (Chuyện này có thật, không có dối. Độc giả có thể đọc lại những bài chia sẻ cũ. Tuy nhiên tôi chỉ
sống với các em một thời gian, chứ không phải là… kẻ bụi đời chuyên nghiệp.) nhưng anh Thông đã không nản lòng, không làm điều gì sai, không ăn cắp ăn trộm cái gì của ai cả. Anh Thông đã cố gắng vươn lên trên số phận và giờ đây anh đã có công ăn việc làm ổn định và muốn về thăm các em cùng cảnh ngộ như anh hồi trước thôi… - Dzậy “Chú” là Dziệt Kiều hả? Một em nhỏ với giọng miền nam rặt cắt ngang.
- Không chú (tôi đổi từ “anh” qua “chú” một cách trơn tru) mà là Dziệt Kiều cái gì. Chú là Dziệt Nam chính gốc luôn đó - Gốc bự à nghen. Tôi vừa pha trò vừa cố gắng che đậy cái tung tích Dziệt Kiều của mình. - Tại tưởng Chú Dziệt Kiều nên hỏi thôi. - Không, chú đã nói rồi, chú là Dziệt Nam 100% đó - Dziệt Nam thiệt à nghen, không phải Dziệt Gian đâu. Chú bây giờ có công việc cũng khá ổ định nên dùng một tháng lương để giúp các cháu thôi. Chú nói thiệt nghen, hồi nhỏ mà bố mẹ cho chú một bộ quần áo mới là chú vui lắm, vui hết sức luôn đó. Năm nay chú không có giờ đi mua quần áo nên các cháu thông cảm. Chú sẽ lì xì cho các cháu mua đồ tết. Tiếng vỗ tay vang dội cùng với tiếng reo hò của bọn trẻ làm cắt ngang bài “diễn văn” của tôi. Bọn trẻ nghe nói tới lì xì là nhao nhao lên, không cho tôi hết lời, thế là tôi đành phải phát lì xì cho chúng. Trước khi bắt đầu phát lì xì tôi bắt chúng xếp hàng một, và từng em lên tới trước mặt chúc tết cho tôi. Làm như thế cũng là cách để tôi nhận diện và có thể phân biệt được những em nào đã được tôi lì xì. Em nào nhận xong thì đứng qua bên phải hay bên trái của tôi chứ không được trở lại hàng. Trong khi tai tôi nghe những lời chúc, mắt tôi thì phải “láo liên” nhìn cuối hàng xem có em nào ăn gian không. Bạn nghĩ là có hay không? Bạn đoán thử coi. Có đó, có hai em vừa nhận phong bì xong, đã lợi dụng lúc tôi không để ý, chạy ngay ra cuối hàng. Làm cho tôi phải tạm ngưng công việc phát phong bì và nhắc nhở các em. Cuối cùng thì tôi cũng đã lì xì xong cho các bọn trẻ và những người già tự nhận là người… neo đơn. Tuy nhiên chính vì phải lì xì thêm cho các cụ mà tôi bị… cướp và đánh cho một trận nhừ tử. Chuyện bắt đầu khi tôi lì xì xong cho các em và phải mở túi quần lấy thêm phong bì để biếu các cụ tự xưng là mình không có… con cháu. Thế là tôi bị lộ, lộ ra là mình còn có tiền cất trong cái quần có tới gần chục cái túi của tôi. Khi đang biếu tiền cho các cụ tôi đã nghe được tiếng của mấy người khác nói với nhau: - (văng tục) thằng này còn tiền. Mỗi túi nó móc ra có mấy cái phong bì. - Mày coi kìa quần của nó có tới bao nhiêu túi. Một giọng khác chen vào. Nói xong tôi thấy họ lặng lẽ đứng dậy bỏ đi ra ngoài. Xương sống tôi bắt đầu cảm thấy lạnh; tóc gáy dựng lên từ từ; tâm trí tôi dao động và lo lắng. Đang đưa phong bì cho các cụ già mà đầu óc tôi thì đang để đi đâu – Lo lắng và sợ hãi. Sau khi đã trao quà cho các cụ, tôi nấn ná ngồi lại nói chuyện với các cụ và các em nhỏ, nhưng thực chất là để suy tính cách nào mình sẽ phải thoát ra chỗ
này. Và những con đường nào có thể thoát thân. Sau ít phút nói chuyện tôi lấy cớ là các cụ và các em cần phải nghỉ, và tôi thì phải về vì mai còn phải lo công việc. Tôi nhờ một hai cụ dẫn tôi lên đường cái viện cớ là không biết chỗ nào có Honda ôm, nhưng thực chất là hy vọng có sự hiện diện của người lớn tôi sẽ không bị nhóm thanh niên man nữ kia cướp. Thế là tôi chào tạm biệt mọi người rồi hai cụ dẫn tôi lần mò trong bóng đêm. Bỗng dưng! - Sao không lì xì cho tao hả thằng kia? Còn tiền không vậy? Tôi không trả lời gì hết và tiếp tục đi. - (văng tục) mày khinh người hả? Sao tao hỏi mà không trả lời? - Hết tiền rồi anh ơi. Cho các em nhỏ và các cụ hết rồi… Chưa dứt lời thì… rầm! rầm! rầm!... hai cái đá và một cái đấm vào hông. Tôi chỉ kịp lấy hai tay che mặt để bảo vệ, còn mặc cho họ đánh, nếu họ muốn. Vì biết có chạy cũng không thể thoát được. May thay, họ không đánh tôi nữa, mà một người bẻ hai tay tôi ra đằng sau, rồi một người lấy một mảnh vải (rất hôi) quấn vào đầu tôi. Họ lục lọi hết 7 cái túi quần của tôi (sau khi về khách sạn tôi đếm mới biết là có 7 túi) lấy hết các phong bì và trước khi bỏ đi có người lên tiếng dạy tôi: - (văng tục) lần sau đi lì xì thì phải công bằng nghe, lớn nhỏ gì cũng phải có đầy đủ đó. - Cũng đừng có nói láo nữa. Hễ còn tiền thì nói – nói láo là tao đánh chết “mẹ” mày đó. Một tiếng nói khác chen vào. - Mày đừng có nghĩ đi báo Công An nghe chưa. – Giọng nói ồm ồm, nhưng rất chua chát của người đang bẻ tay tôi cất lên – cùng với lúc anh ta tăng thêm áp lực trên cánh tay của tôi đang bị bẻ làm cho tôi la lên vì đau. Anh ta lại gằn giọng nói tiếp. - Mày nhớ chưa, không được báo Công An. Mày mà báo công an thì tao đốt nhà mày, nghe rõ chưa. - Dạ rõ. Tôi vừa nói vừa than đau, nhưng vẫn tiếp tục nói. Tôi nói thật với các anh, chứ nếu tôi mà muốn báo công an, tôi đã không vào đây để lì xì cho mọi người một mình. Tôi biết có thể là tôi bị cướp, nhưng tôi
không thể hình dung là các anh sẽ đánh tôi. - (văng tục) mày dạy đời tao hả. – Anh ta thả cánh tay bị bẻ của tôi ra rồi quát. – Hai phút nữa tự gỡ khăn bịt mặt ra rồi đi ra khỏi đây, nghe chưa. Sau khi anh ta dứt lời, tôi nghe tiếng chân người chạy mỗi lúc một xa. Sau khi không còn nghe gì nữa tôi tự cởi cái “áo” thối ơi là thối, quấn đầu và mặt tôi, hít thở một hơi dài và bình tĩnh, (vâng không biết tại sao lúc đó tôi rất bình tĩnh, có lẽ là đã hết tiền) và ung dung bước ra khỏi bờ kè, trèo lên trên đường chính và bắt taxi (chứ không đi Honda ôm nữa, vì không có chiếc nào) trở về trước chợ Bến Thành cho dù khách sạn của tôi ở cách đó gần cả cây số. Đã gần 5 giơ sáng, Sài Gòn chuyển mình thức giấc, tôi lê từng bước mệt nhọc, lững thững trở về lại căn phòng của mình – Cái run sợ vẫn còn đó, cái đau đớn thân xác đang tăng dần, nhưng niềm vui và hạnh phúc thì dâng trào! Chút Suy Tư: Vâng, tôi vẫn đã từng dự đoán là tôi có thể sẽ bị cướp, nhưng sẽ không bị đánh vì tôi lập luận: “Mình có làm gì đâu mà bị đánh, mình đến giúp họ mà.” Và tôi tin rằng tôi không phải là người duy nhất có những lập luận đó mà chắc qúy độc giả cũng có người đã lập luận như tôi. Nhưng sau khi bị đánh, tôi về suy nghĩ lại và nhận ra rằng dù cho tôi đã sống và làm việc với trẻ mồ côi và bụi đời gần 10 năm nay, tôi vẫn còn… non trong cách suy nghĩ của họ. Dĩ nhiên, họ sẽ đánh tôi. Và nếu tôi là họ tôi cũng sẽ đánh khi cướp người đến giúp tôi. Nhưng mà đánh cho… sợ chứ không phải đánh cho… chết. Họ đánh cho tôi sợ để tôi không báo công an. Vì chỗ họ sống là bất hợp pháp, nên nếu họ chỉ cướp tôi, chắc chắn tôi phải đi báo công an, và một khi tôi đã báo chắc chắn công an sẽ phải tới “rờ gáy" họ thôi. Thế là họ lại phải trở thành những người vô gia cư khi bị cưỡng ức rời các căn nhà bằng giấy và lá để đi tìm chỗ tạm trú khác. Đúng là: “Sông sâu còn có chỗ dò – Nào ai lấy thước mà đo long người.” Ôi Lạy Chúa, con không dám đo lòng của ai, vì chính con đôi khi còn chưa đo được lòng mình. Xin cho con đừng phán đoán ai, nhưng hãy là cánh tay vươn dài của Chúa. “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, … để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem tình thương đến chốn u sầu…” (Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô). Father Martino Nguyen Ba-Thong www.fathermartino.org
Một Chuyến Đi - Kỳ II - Đứa Bé Lượm Ve Chai Người viết: LM Martino Nguyen Ba-Thong 03/07/2008
Nhấn vào đây để nghe: Bottom Line: Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi. Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì xảy ra
Đứa Bé Lượm Ve Chai (Câu chuyện đứa trẻ ăn xin cho cuộc sống của những mẹ mìn) Thường thì khoảng 10 giờ đêm tôi mới bắt đầu cuộc hành trình “lang thang” đi tìm chỗ các trẻ bụi đời sinh sống nên... tối 28 tết, tôi hoà mình với dòng người tấp nập dạo bộ ra trung tâm Sài Gòn. Khu vực vườn hoa Tao Đàn và vườn hoa Nguyễn Huệ chật kín người. Con đường Lê Lợi rộng thênh thang nhất Thành Phố cấm không cho xe lưu thông chỉ dành cho người đi bộ. Những chiếc lồng đèn vĩ đại treo hai bên đường càng làm sống động hơn không khí tết. Các nam thanh nữ tú, với áo quần muôn màu muôn sắc với đủ các kiểu dáng (đúng là tết “hội nhập”), mà hầu hết là không hợp với vóc người và văn hoá Việt Nam cứ bám sát vào nhau, đến độ tôi ước tính ngay cả con vi khuẩn nhỏ nhất của máy vi tính cũng không thể chui qua được những khoảng cách giữa hai con người ấy. Rồi đến những người da trắng, nhiều không thể đếm nổi. Họ hoà lẫn trong dòng người - họ nhảy múa theo tiếng
nhạc được phát ra hết công xuất từ những chiếc loa hai bên đường. Không những chỉ có các đôi nam nữ ham vui, mà các cặp sồn sồn thì cũng không thiếu. Có điều hình như họ vẫn còn bẽn lẽn trong cách “thân thiện” của họ trước đám đông - họ chất phát hơn trong các cử chỉ, tay họ chỉ chỏ những mới lạ được dựng dọc theo con đường và khẽ nói vào vào tai nhau khi có chuyện cần. Đối lập với họ là những bạn trẻ tuổi trung học, họ đi với nhau theo từng nhóm và nơi nào có họ, nơi đó ồn ào náo nhiệt, và ánh đèn của máy chụp hình liên tục sáng lên! À, cũng còn nữa, đó là thành phần… như tôi. Những kẻ lẻ loi một mình - những kẻ không có bồ hay gia đình - những kẻ độc thân vô điều kiện và những kẻ độc thân có điều kiện. Vừa thả bộ vừa miên man suy nghĩ bỗng một hình ảnh đập vào mắt tôi. Hình ảnh này khác với các hình ảnh khác. Không phấn son, không loè loẹt áo quần, không điện thoại cầm tay, không máy hình, không dầy dép, nói chung là không… có gì đặc biệt. Chỉ khác lạ. Một em nhỏ khoảng độ 7 hay 8 tuổi, hai tay xách hai bịch sốp đựng đầy những cái chai nước sối, hay lon coca đã uống hết được người ta vất xuống đường và kẹp vào nách một ít cái chai còn lại. Cứ đi khoảng một hai bước, những cái chai kia lại rớt xuống, và em lại ngồi xuống nhặt lên, rồi lại đi, lại rớt và lại nhặt. - Thằng nhóc này tránh ra cho tao chụp hình coi. Một nhóm bạn trẻ quát vào mặt cậu bé. Vừa dứt lời, một cô gái mặc váy thật đẹp lấy chân đá các bình nhựa đó qua một bên rồi sửa lại y phục làm điệu trước ống kính máy hình một cách rất… vô tư như không có gì xảy ra. Cậu bé không nói gì, hai tay cầm hai bịch sốp và vội vã đuổi theo những cái chai nhựa đang lăn long lóc và bị dòng người đông nghẹt đá qua đá lại. Tôi nhìn thật kỹ, cậu lủi bên này rồi chạy bên kia, mà vẫn chưa chụp được cái chai. Vì mỗi khi cậu vừa trờ tới thì đã có một đôi chân nào đó đá nó đi chỗ khác. Nhìn cậu đuổi theo những cái chai mà tôi gần như ngộp thở. Ờ mà sao tôi dở thế nhỉ? Sao tôi không giúp cậu bé mà cứ đứng trơ ra như đá nhìn xem chuyện gì sảy ra. Cậu vẫn cứ đuổi theo cái chai nhựa cho đến khi một cái chân cổ thụ chặn cái chai lại cho cậu. Cậu ngước mắt nhìn lên, một người da trắng cao to đang đứng trước mặt. Cậu khiếp người, không dám nhìn lên mà tính toan bỏ đi. Bỗng người đàn ông đó cúi xuống cầm lấy cái chai, đưa cho cậu rồi lấy hết đồ trong cái túi ny long thật lớn mà ông đang cầm trên tay ra, rồi đưa cho cậu cái túi đó và giúp cậu bỏ hết tất cả các chai nhựa va lon coca vào đó – sau đó tôi còn thấy ông cho cậu một ít tiền, cười vui vẻ vỗ vào vai cậu, nói một vài câu gì đó rồi đi. Tự dưng tôi cảm thấy xấu hổ - Xấu hổ cho chính tôi và cho tất cả người Việt Nam. Không một ai giúp cậu bé đáng thương kia, mà phải để một du khách, một con người không cùng ngôn ngữ làm cái điều mà đúng ra chúng ta phải
làm. Ôi cái câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một NƯỚC phải thương nhau cùng” đâu rồi nhỉ. Vừa nghĩ đến đó tôi quyết định làm quen với cậu bé… - Chào cháu, chú có thể làm bạn với cháu được không? Tôi tiến lại gần đứa bé và cất giọng. Thằng bé không trả lời, nhìn tôi có vẻ sợ hãi và “không tin tưởng” và tiếp tục bước đi. Tôi đuổi theo, lấy tay giữ nhẹ nó lại vào nói: - Này giờ chú để ý cháu đó. Chú thấy thương cháu một mình – mà chú cũng một mình, nên chú muốn làm bạn với cháu đêm nay, được không? Thằng bé có vẻ vẫn con bán tín bán nghi, nhìn tôi chằm chằm. Tôi “tán” tiếp: - Chú không có bạn bè ở thành phố này, chú thật sự muốn làm bạn với cháu mà. Chú muốn mời cháu đi ăn tối với chú. Hai chú cháu mình qua chợ ăn đêm Bến Thành ăn nhé. Thằng bé vẫn không nói gì. Mặc kệ, tôi nhẹ nhàng đưa tay ra cầm lấy hai cái bịch nylong đựng đầy các đồ “ve chai” của nó, tay kia cầm tay nó và dẫn nó đi. Thằng bé nhìn quanh có vẻ sợ hãi nhưng vẫn không nói gì. Nó đi theo tôi, nhưng đầu vẫn cứ ngoái lại đằng sau như có điều gì không ổn. Tôi hỏi: - Cháu tìm gì vậy? Hay cháu có bạn, có muốn chú mời bạn cháu cùng đi không? - Dạ không. Thằng bé nói câu đầu tiên. (và sau này tôi mới biết cũng là câu đối thoại cuối cùng với tôi). Cứ mỗi tối tôi ra chợ ăn đêm Bến Thành thì các quán tha hồ tranh thủ mời, có khi họ còn ra giữa đường chèo kéo, thế mà tối nay… chẳng ai thèm đả động với tôi một câu. Nhưng tôi hiểu, vì tôi đã quen với cái cảnh này lắm rồi, nên tôi dẫn thằng bé vào góc trong cùng của một cái quán để tránh những cái nhìn… “soi mói”. Thế mà chúng tôi cũng không tránh được những cái liếc mắt khó chịu từ những người đang ăn cho đến chị chủ quán. Tôi hỏi thằng bé muốn ăn gì, nó lắc đầu không nói (hay không biết). Tôi đánh liều gọi hai tô bún bò giò heo và thêm một ít móng heo để gặm. Mong rằng sẽ câu giờ để có cơ hội nói chuyện với thằng bé. Thằng bé vẫn không nói gì. Nó vừa ăn mà vừa lấm lét nhìn chung quanh và nhìn ra đường. Ngay cả người “giỏi bắt chuyện” như tôi mà cũng không thể nào cậy răng nó ra được thêm chữ nào. Tôi hỏi thì một là nó lắc đầu, hai là nó gật đầu. Tôi vận dụng hết tài năng khéo léo của mình, khả năng giao tiếp cho đến những đòn tâm lý học. Tất cả
đều vô hiệu… - Văng tục…) Mày trốn hả? Biến đi đâu nãy giờ? Ai cho mày vô đây. (Văng tục…) Tao đánh chết “…” mày bây giờ. (Văng tục…) bộ mày đói lắm hả… Người đàn bà sang sảng vừa nói vừa tát thằng bé tới tấp. Tôi không kịp phản ứng gì thì thằng bé đã bị người đàn bà đó kéo ra khỏi tiệm ăn. Tôi đang tính đuổi theo thì… - Đóng kịch rồi chạy hả. Chị chủ quán kéo tay tôi lại và hét lên. Tôi móc túi lấy ra tờ 200,000 (hai trăm ngàn) đưa cho chị và chạy ra khỏi quán. Thấy tôi chạy sau người đàn bà túm cổ thằng bé bẻ ngược lại chỉ thẳng vào mặt tôi và quát to. - Mày mà chạy theo, tao (văng tục…) tao bẻ cổ nó. Tôi khựng lại, đứng nhìn bà ta túm cổ áo thằng bé kéo đi mà lòng đau xót. Tôi lê bước trở lại cái quán ăn hồi này, ngồi xuống bàn, thở dài, miên man suy nghĩ, nước mắt tuôn hồi nào cũng không hay. - Ôi thôi, cậu khóc làm gì. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa ở Sài Gòn. Mấy con mẹ đó là mấy con mẹ mìn. Tụi nó về quê thuê mấy đứa con nít lên đây đi ăn xin, rồi nộp tiền cho nó. Cậu ở bển (chắc ý nói tôi ở nước ngoài) nên ngây thơ thôi. Tiếng một người đàn bà ngồi kế bàn tôi cất lên. - Vâng, cháu không biết. Cháu thấy tội đứa bé nên cho nó ăn và tính cho nó ít tiền thôi. - Trời, cậu này thiệt á. Cậu có cho nó 1 ngàn hay 100 ngàn cũng vậy thôi. Nó đâu có gì vui đâu vì tất cả cũng vô tay mấy con mẹ đó hết trơn. Tới đây thì tôi hết biết nói gì. Tôi cám ơn và bước ra khỏi quán đi về khách sạn để chuẩn bị cho cuộc hành trình đêm nay. Cuộc hành trình trở lại “Nghĩa Trang Bình Hưng Hoà” (mời đọc tiếp phần 3) Chút Suy Tư: Trời!!! Đó là tiếng (than) duy nhất có thể thoát ra từ cửa miệng của tôi khi lê bước trên 2 blocks đường ngắn về khách sạn. Tôi vẫn biết rằng cuộc đời có nhiều trái ngang nhưng… chẳng lẽ… những gì tôi mới chứng kiến cũng là sự
thật? Vâng nó là một sự thật rất phũ phàng mà tôi mới nhận ra. Và chính vì thế tôi quyết định làm thêm một việc trong chuyến đi Việt Nam này là sẽ điều tra chuyện “buôn người” của những người vô lương tâm và sẽ viết một phóng sự. Bạn thân mến, Khơng biết bạn đọc xong đoản khúc này thì tâm trạng của bạn ra sao? Nhưng đối vói( tôi, đứa bé đó sẽ sống mãi, vâng sẽ sống mãi, ít nhất là trong tâm hồn của tơi. Tôi sẽ mãi nhớ về em, sẽ mãi cầu nguyện cho em, và ước mong. Vâng! tôi chỉ ước mơng một ngày nào đó tôi sẽ được ôm em vào lòng và “chú cháu" mình sẽ hàn huyên, sẽ nói thật nhiều. Ước gì! Vâng, ước gì mỗi người chúng ta sống được lời Chúa khi Ngài nói: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trơng những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Mt 24:40. Father Martino Nguyen Ba-Thong www.hayyeuthuongnhau.org
Một Chuyến Đi - Kỳ III - Trở Lại Bình Hưng Hoà Người viết: Father Martino Nguyen Ba-Thong
Bottom Line: Mỗi ngày em lùa trâu ra đồng, không ngồi lưng trâu thổi sáo, như các bức “họa đồng quê” mà chúng ta được xem, nhưng em vừa chăn trâu vừa… đan thúng để bán. Mỗi ngày em được ăn ba bữa. Bữa sáng một bát cơm với nước mắm, bữa trưa một nắm cơm với muối hột và buổi tối, những gì còn lại sau khi gia đình chú út đã ăn. Thêm vào đó là những trận đòn và những lời nguyền rủa của cô chú ụt
****************************** (Nghĩa Trang Bình Hưng Hòa – Quận Tân Phú) Nghe đến hai chữ Bình Hưng Hoà, chắc mọi người chúng ta sẽ liên tưởng đến lò thiêu xác người – Nơi mà hoả lò thiêu đốt con người ra tro. Ôi thân phận con người, tro bụi lại trở về với bụi tro. Khi tôi nói tôi đã trở về lại Bình Hưng Hoà thì người bạn của tôi làm biên tập viên báo Tuổi Trẻ liền lên tiếng: - Chỗ đó giờ hết đất rồi. - Yeah, hết đất cho người chết thôi, chứ người sống thì vẫn còn khối đất! Tôi đáp lại. Bạn thân mến, tôi dám nói là tôi trở lại Bình Hưng Hòa là vì tôi đã đến sống và giúp các em ở đây nhiều lần – và cũng đã có lần tôi chia sẻ với các bạn qua tiểu khúc “Tôi đến thăm em” cách đây mấy năm! Nhưng lần này trở lại thì khác hẳn - những đứa trẻ và gia đình của họ đã không còn ở đây nữa. Thay vào đó là một nhóm trẻ con còn rất trẻ - tôi đoán chỉ từ 12 đến 15 hay 16 tuổi. Cũng đã gần 10 giờ đêm khi bác tài xế già bỏ tôi khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Tự dưng tôi chợt nhớ đến bài thơ của Minh Nguyệt được nhạc sĩ Lã Văn Cường phổ nhạc, thế là tôi ngân nga: Theo lối mòn lần tìm đến vườn yêu Lối cỏ mọc đầy rêu phong phủ mờ Em thẫn thờ tự dưng như muốn khóc Dấu ân tình ngày nào đã nhạt phai Bao yêu thương nâng niu mãi đắng cay Em luôn luôn mang theo trong giấc mơ, Nay tan theo không gian và thời gian, cuốn trôi.
Vâng, tôi vẫn biết thi sĩ Minh Nguyệt muốn nói lên tâm trạng yêu đương của tình yêu nam nữ, nhưng sao tôi thấy nó cũng phần nào giống tình yêu mà tôi dành cho các em. Tình yêu để hôm nay sau bao ngày tháng tôi lại trở về; trở về với lối mòn của vườn yêu; trở về
với lối cỏ mọc; trở về để ... tự dưng tôi muốn khóc; trở về với những giấc mơ mà em đã kể cho tôi nghe hôm nào; trở về với không gian và thời gian đã cuốn trôi đi tất cả. Cuốn các em đi, đi đến một chân trời xa lạ. (vì chiều hôm đó, tôi đã tới đây tìm hiểu xem có bao nhiêu em ỏ đây với hy vọng gặp lại một số em mà tôi đã từng đi lượm rác và bán vé số chung, nhưng được biết các em đã đi nơi khác sinh sống – và bây giờ những em khác đến đây sống.) Đang miên mang thả hồn theo mộng, tự dưng tôi nghe được tiếng nấc của một đứa trẻ. Tiếng nấc nhẹ nhàng nhưng dồn dập và có vẻ với nhiều uất ức. Tôi nhẹ bước chân theo nơi phát ra tiếng nấc. Đằng sau một cây nhỏ là bóng một đứa trẻ đang gục đầu khóc nấc. Trước khi tôi tiến bước, tôi đảo mắt một vòng chung quanh xem có ai hay động tĩnh gì không. Đó là thói quen “nghi ngờ” của tôi. Chẳng biết đâu đó là một cái “set up” để lừa đảo hay cướp của những người tốt bụng. Không thấy động tĩnh gì, tôi bước tới và ngồi xuống bên cạnh đứa bé. Nó ngẩng đầu lên, nhìn tôi rồi toan bỏ chạy, nhưng tôi đã nhanh nhảu nói: - Chú không làm hại cháu đâu, chú đi lì xì tết cho cháu nè. Khi tôi dứt lời thì nó đã đứng bật dậy, nhưng chưa chạy và nhìn tôi một cách khó hiểu. Nước mắt nó ướt đẫm cả mặt và ướt cả lên mái tóc khá dài của nó. Nó lấy tay vuốt nước mắt, hất tóc qua một bên và gay gắt: - Mày tưởng tao tin mày hả. Mày tưởng mày lớn thì mày có quyền ăn hiếp con nít hả. Tao không còn gì để nộp cho mày đâu… Những lời nói của thằng bé làm tôi ngỡ ngàng, nhưng tôi lấy bình tĩnh lại rất nhanh và đoán biết được điều gì đã sảy ra với nó nên ôn tồn: - Chú không phải là mấy thằng bắt cháu “đóng thuế” để được yên thân đâu. Chú làm công tác xã hội và đi lì xì cho con nít lang thang đường phố thôi. - Chú đừng có nói sạo nghe, chú mà nói sạo trời đánh chú chết lòi con mắt đó. Thằng bé nói mà như rủa. - Ừ chú thề. Tôi đáp lại… Tôi thuyết phục được thằng bé đi ăn tối với tôi. Thế là hai chúng tôi rời cái nghĩa trang tìm chỗ ăn tối. Hai chú cháu tôi sau khi chè chén no nê, liền tìm một quán cafê ngồi tâm sự và chia sẻ. Thật sự tôi chỉ muốn nó kể cho tôi nghe tình hình trong nghĩa trang bây giờ. Có bao nhiêu các trẻ bụi đời? Có mấy tay
"anh chị" quản lý? Và nghĩa vụ của đàn em phải nộp “thuế thân” ra sao? Tôi muốn biết những điều đó để có thể cẩn thận hơn trong công việc “hội nhập” và hy vọng sẽ không phải ăn lại trận đòn như ở cầu Kênh Tẻ. Nhưng hình như hôm nay tôi “hên” hơn bình thường, không những em cho tôi biết về những gì đang xảy ra trong thế giới của người sống ở giữa kẻ chết, mà em còn huyên thuyên kể về cuộc đời của em. Bình thường tôi được mệnh danh là người nói nhiều mà hôm nay tôi phải gọi em bằng sư phụ. Em say sưa dốc hết lòng mình, còn tôi thì say sưa “uống” từng câu em kể, ghi nhớ trong lòng và hôm nay đem ra hầu chuyện cùng độc giả. Em tên An, Nguyễn Bình An, là cái tên đầy đủ do cha mẹ em đặt. Em năm nay 13 tuổi, quê An Giang, đã lang thang bụi đời được gần 2 năm. Cuộc đời em bắt đầu không nhìn thấy tương lai kể từ cái ngày định mệnh đó – cách đây đã gần 7 năm. Ngày mà mẹ em qua đời khi đi băng qua đường và bị xe Honda tông chết. Khổ thay, người lái Honda cũng là một người nghèo khổ cùng xóm, thuê chiếc Honda để chạy xe ôm. Khoảng một tháng sau khi chôn cất mẹ xong, cha em bỏ quê đi biệt tăm. Em và em em về ở với ông bà nội (hiện đang ở với gia đình chú út) vì ông bà ngoại quá nghèo. Em bỏ học sau khi tốt nghiệp… mẫu giáo trường làng. Trong những ngày đầu về ở với ông bà nội em còn đi học lại… lớp 1, vì em nghỉ học nhiều quá khi mẹ nằm nhà thương trước khi mất, nên phải ở lại lớp. Thế nhưng số phận không mỉm cười với em. Chú út của em, bắt em nghỉ học và đi chăn trâu. Mỗi ngày em lùa trâu ra đồng, không ngồi lưng trâu thổi sáo, như các bức “họa đồng quê” mà chúng ta được xem, nhưng em vừa chăn trâu vừa… đan thúng để bán. Mỗi ngày em được ăn ba bữa. Bữa sáng một bát cơm với nước mắm, bữa trưa một nắm cơm với muối hột và buổi tối, những gì còn lại sau khi gia đình chú út đã ăn. Thêm vào đó là những trận đòn và những lời nguyền rủa của cô chú út. Tôi không biết họ đã nói những gì nhưng những lời nói đó đã chạm đến tự ái của một đứa bé 11 tuổi, trình độ học vấn lớp mẫu giáo, và nó quyết định dẫn em nó, 9 tuổi, bỏ nhà trốn lên… “thành phố lập nghiệp” (nguyên văn lời của bé). Hai năm qua, hai anh em vừa đi bán vé số, vừa ăn xin. Thời gian đầu, theo lời em kể, có một “anh” kia cho em về ở chung với ảnh, ảnh cho em ăn và chỗ ngủ, nhưng mỗi ngày có bao nhiêu tiền thì phải về đưa cho ảnh. Nhưng từ từ thì “trường đời” cũng dạy em khôn hơn một tí, và thế là hai anh em của em lại một lẫn nữa cuốn gói trốn đi để “không phải lệ thuộc và có thể để dành được tiền.” Và thế là nghĩa trang này, nơi chôn xác kẻ chết, đã là nơi ấn trú của kẻ sống, của hai anh em của em trong mấy tháng qua. Mặc dù mỗi tối vẫn phải… nộp 5 ngàn đồng Việt Nam (khoảng 30 cents) để được yên thân. Nhưng tối nay xui quá, bị một thằng nào đó to con cướp, nên em mới khóc. Nói tới đó thằng bé không nói gì nữa, nó nhìn ra đường, ánh mắt xa xăm và… bắt đầu khóc. Tôi kéo cái ghế xích sát lại bên nó. Choàng tay qua ôm lấy vai nó vừa để an ủi vừa hỏi: - Thế em của cháu đâu?
- Dạ hôm nay nó mệt nên nó ngủ rồi. Thằng bé lịch sự trong tiếng dạ nhỏ nhẹ! - Bây giờ cháu dẫn chú đi đến chỗ em cháu được không? Chú muốn gặp em cháu nữa. - Không được đâu chú ơi. - Sao lại không được. - Tại vì em cháu đang ngủ với mười mấy đứa nữa trong trổng (trong nghĩa trang.) Chú vô đó không tốt đâu. - Không sao đâu, chú cũng muốn lì xì cho mấy em nhỏ đó luôn. - Chú… lúa (quê mùa hay khờ khạo) quá. Chú mà vô đó cho tiền tụi con thì sau khi chú đi mấy thằng lớn nó bắt tụi con nộp hết. Mà coi chừng nó còn đánh chú đó.
Tôi nghe tới đó… rùng mình. Trận đánh hôm nào vẫn còn ê ẩm. Thầm cảm ơn thằng bé này đã cứu mình. Giá mà không gặp được nó tối nay chắc thế nào cũng bị một trận mà lại công dã tràng vì mấy đứa nhỏ cũng sẽ bị mất hết tiền tôi cho. Đúng là trong cái xui, nó có cái may. Hay như người Công Giáo chúng ta hay bảo: “Khi Thiên Chúa chặn con đường ta đang đi là Ngài bảo ta phải đi con đường khác!” Qúy vị thấy không, trong cái xui của thằng bé bị cướp là cái may nó gặp được tôi và cái may của tôi là gặp được nó. Nên tôi không bỏ lỡ cơ may liền hỏi nó: - Vậy nếu chú muốn cho tiền các em đó thì chú phải làm sao? - Ngày mai chú tới được không? Nó trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi.
- Được chứ nhưng mà mấy giờ? - Chú muốn mấy giờ? Nhưng mà chiều chiều thì hay hơn. Tại khi đó tụi nó mới đi bán vé số về. Con sẽ gọi tụi nó ra cho chú gặp. - Ok (tự nhiên tuôn ra) ngày mai chú sẽ gặp tụi con lúc 5 giờ chiều ở cái quán vỉa hè hồi nãy con với chú ăn. Chú sẽ đãi các con một bữa rồi sau đó chú lì xì cho tụi con. - Không được đâu chú ơi. Mặt nó nghiêm lại. Cái giờ đó mấy “anh chị” hay đi rảo quanh khu này để thu tiền tụi con, họ mà thấy tụi con ngồi với chú thì không… xong đâu. Hay là mình gặp nhau chỗ khác? Sau khi đã bàn bạc xong chỗ hẹn cho hôm sau, tôi mời thằng bé về Khách Sạn ở với tôi vì bây giờ không tốt cho nó về lại nghĩa trang – có thể sẽ bị mấy tay anh chị hạch hỏi. Với lại tôi cũng muốn cho nó nhìn thế giới hoa lệ của những ngày tết và được hưởng cái thú của giường nệm chăn êm. Thế là hai chúng tôi bước ra khỏi quán (với cái nhìn chăm chăm của bao người) gọi một chiếc taxi và thẳng về Quận 1. Đang trong taxi thằng bé la to. - Không được đâu chú ơi, cháu về ở với chú thì ai báo cho tụi kia mai đến chỗ hẹn! Công nhận thằng bé thông minh ghê Có vậy tôi cũng không nghĩ ra, vì sáng sớm mai, các em lại một đứa một phương thì làm sao mà hẹn được. Thế là tôi bảo anh taxi quay lại và bỏ nó trước nghĩa trang. Trước khi khuất bóng nó còn nói với tôi: - Chú nhớ tới đó, không thôi tụi kia nó đánh con là con rủa chú đó. Tôi móc ngoéo với nó là tôi sẽ tới và rồi nhìn bóng nó khuất trong màn đêm và chiếc taxi phóng đi. Anh tài xế có vẻ rất thắc mắc, cứ lén nhìn tôi qua kính chiếu hậu nhưng không dám hỏi gì. Và tôi cũng không muốn bắt chuyện vì, “họ cũng chẳng hiểu được những việc tôi làm.” Ôi, thật là hạnh phúc, tôi không biết các em vui cỡ nào nhưng tôi thì có thể chưa bao giờ vui như vậy! Tôi và 14 em nhỏ lang thang ăn uống no say, sau đó đi thuê phòng hát karaoke! Tôi thì hát dở, còn các em thì hầu hết không biết đọc hay đọc không kịp những hàng chữ chạy trên màn hình nên hát theo trí nhớ. Nhớ khúc nào hát khúc đó. Nhạc và lời chẳng ăn khớp với nhau. Thế nhưng chúng tôi cứ say sưa gào thét! Gào thét cho quên đi những khổ đau, cho hạnh phúc của lần đầu tiên được vào phòng karaoke và cho, như lời một bé, “đáng giá đồng tiền chú Thông trả cho chủ quán.” Nhìn các em say sưa ca hát, mà lòng tôi vui không thể tả. Tôi ước gì tất cả qúy vị và các ân
nhân đã đưa tiền cho tôi tặng các em cũng có mặt ở đó để tận hưởng niềm vui với các em !!! Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phải chia tay, tôi lì xì cho các mỗi em 150 ngàn (khoảng 10 USD). Một em thốt lên: - Trời ơi, chưa bao giờ có ai cho tao nhiều như vậy! Cám ơn chú Thông, cám ơn thằng Bình !!! Em nói nhanh đến độ không thể nào nhanh hơn được nữa. Đứng nhìn các em ra về và tôi bỗng rơi nước mắt. Và một đứa trong nhóm đã nhận ra điều đó, tất cả các em chạy lại ôm chầm lấy tôi và chúng tôi cùng… khóc! Chút Suy Tư: Đêm hôm đó và cả những ngày sau nữa tôi cứ ngân nga trong lòng bài “Nó” của nhạc sĩ Anh Bằng, Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo Ngày nó sống kiếp lang thang Ngẩn ngơ như chim xa đàn Nghĩ mình tủi thân muôn vàn Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no Cuộc sống đói rách bơ vơ Hỏi ai ai cho nương nhờ Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro Một thân côi cút không nhà Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa Thằng tư con tám hôm qua trên phô lê la. Vâng tôi ngân nga bài đó để nhớ, để xót thương, và để cảm thông cho số phận của Nguyễn Bình An, và những đứa trẻ sống chung với nó. Tên nó là Bình An mà hình như đời nó không được an bình. Hình như bố mẹ nó đã đoán trước được cuộc đời của nó nên mới đặt cho nó cái tên Bình An, hy vọng rằng sẽ khá hơn, nhưng… Bình An ơi! các em ơi! hẹn gặp lại các em! Hy vọng là thế! Anh Thông sẽ gặp lại các em gặp lại các em khi anh T được chính phủ Việt Nam cho phép mở một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, lang thang như các em. Chúng ta sẽ cũng vui, cùng học và cùng sống dưới một mái nhà các em nhé. Nhưng cho
tới ngày đó cho anh Thông gởi tới các em lòng yêu thương chân thành, và những lời cầu nguyện cho các em cùng với những câu thơ mà anh Thông đã làm riêng tặng cho các em: Em của tôi Ngồi co bóng tối Mặc nước mắt rơi Mang lời thổn thức Mặc bóng tối lan Tê tê cõi lòng Em của tôi Ngồi khuất màn đêm Đếm những tiếng cười Trống rỗng hôm qua Đong bao nước mắt Trong bao ngày tới Ôi Em của tôi... bao giờ thôi khóc ... Father Martino Nguyen Ba-Thong www.fathermartino.org
Một Chuyến Đi - Kỳ IV - Ngã Ba... Sung Sướng Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông 07/07/2008
Bottom Line: Một cánh tay quàng qua xiết cổ tôi từ đàng sau và tôi thấy cô bạn tôi cũng bị y chang như vậy. Sau hai cái đạp (hay đá) vào lưng là tôi nằm song soài trên đất và có một cái bao trùm qua đầu. Tiếng cô gái đi cùng tôi kêu cứu vang lên trong đêm trường.
Xin Đọc Trước Khi Đọc Tiếp Qúy độc giả thân mến, cám ơn qúy vị đã cùng đồng hành với tôi trong “một chuyến đi” này và tôi tin rằng qúy vị sẽ còn cùng đi với tôi đến những “đời thường Linh Mục” mà tôi sẽ viết để chia sẻ những công việc hàng ngày của cuộc sống Linh Mục trong những ngày kế tiếp. Nhưng trước khi qúy vị đọc tiếp xin cho tôi được chia sẻ với qúy vị vài tâm tư. 1.Tôi không phải là nhà văn cũng không viết truyện, mà chỉ xin được chia sẻ những SỰ THẬT xảy ra trong cuộc đời với tất cả tâm tình yêu mến, nên khi đọc đôi lúc qúy vị thấy văn không được chải chuốt và đôi khi còn gây… sửng sốt và ngạc nhiên cho qúy vị. 2. Khi đọc các bài chia sẻ của tôi, nhất là bài này, xin qúy vị đừng đọc như một truyện ngắn hay như một tiểu thuyết để đọc xong qúy vị phán một câu ”ly kỳ quá” hay “không thể tin được.” Nhưng xin qúy vị hãy nhận ra rằng mục đích tôi chia sẻ những sự thật này là để chúng ta cùng chia sẻ với các người cùng khổ và yêu mến họ hơn. 3. Vì là sự thật nên tôi đành phải viết thật. Đã có những lúc tôi đắn đo suy nghĩ là không biết mình có nên viết những sự thật này không. Vì có thể sẽ làm độc giả hiểu lầm, hay tò mò đánh giá. Nhưng thưa qúy độc giả, tôi vẫn quyết định viết thật. Nên xin qúy vị khi đọc những chia sẻ RẤT thật này, thật đến độ chính xác 100% của sự việc sảy ra, vui lòng không SUY THÊM và cũng đừng NGHĨ BỚT cho tôi và những người liên quan. Đặc biệt xin qúy vị đừng suy nghĩ vẩn vơ để rồi lên án các bậc tu trì trong Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là các Giám Mục, Linh Mục và các Nam Nữ Tu Sĩ. Xin đừng lên án họ “đã đi tu còn … thế này hay thế kia, còn làm điều này hay điều nọ,” và cũng xin đừng nói “làm như thế có xứng đáng làm Cha hay làm Sơ không?” Xin đừng vơ đũa và đừng kết án ai cả vì như Chúa Giêsu đã dạy “Anh em đừng xét đoán thì sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán, anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Luca 6:37). Nếu qúy vị có thắc mắc điều gì xin email trực tiếp cho tôi
[email protected] và tôi hứa sẽ trả lời những thắc mắc của qúy vị. 4. Cuối cùng xin qúy vị đừng phán xét hay phê bình gì về tôi, hay về những công việc tôi làm. (Vì tôi đã nhận được một số emails hỏi sao cha “ngu” vậy? Biết bị đánh mà còn cứ làm?) Thật sự mà nói, tôi đâu có “ngu” đến độ biết bị
đánh mà cứ mò vào cho người ta đánh đâu. Và chắc chắn cái tôi hay cái can đảm cá nhân của tôi cũng không to đến như thế để phải chịu những trận đòn, nhưng chỉ vì thương các em không ai đến mà thôi! Xin qúy vị chờ đến bài cuối trong loạt bài chia sẻ này và đọc đoạn kết của nó qúy vị sẽ hiểu tại sao tôi cứ phải SỐNG (chứ không chỉ đơn thuần đến làm từ thiện) với các em. Mời qúy vị cùng đi tiếp với tôi nhé … đoản khúc thứ 4 IV. Ngã Ba… Sung Sướng (Bãi Rác và Nghĩa Trang Đông Thạnh – Hóc Môn) Đó là cái tên mà người dẫn đường cho tôi đến đặt cho nó. Đó là ngã ba cụt; kế bên những ngôi mộ chưa được dời đi. Nơi mà bọn trẻ sống và tập trung khi có ai đến đó cho quà. Nhưng đối với riêng tôi, hai chữ “sung sướng” là bởi vì là nơi tôi bị một trận đòn nhừ tử nhất đời tôi, chưa bao giờ tôi bị đánh đến như vậy. Chỉ sơ qua thôi, là đã thấy crack (nứt) hai cái sương sườn, máu không những chảy ra bằng mũi, bằng miệng mà còn chảy ra cả từ mang tai. Tôi đến thăm các em ở ngã ba sung sướng với một người bạn ở gần khu này và một người bạn nữa là phóng viên báo tuổi trẻ - hai người này đã giúp bọn trẻ ở đây rất nhiều. Sau khi đã cho quà đám trẻ ở đây, hai người bạn tôi hỏi tôi còn tiền không và nếu còn thì có thể đi đến một xóm nghèo rất gần đó và cho họ. Xóm này cũng như bên ngã ba sung sướng, họ rất nghèo, chung quanh nhà họ là những ngôi mộ - mới có, cũ có – có cái vừa chôn cất chưa kịp xây. Nhưng khác với bọn trẻ bên ngã ba sung sướng, tôi cảm nhận được rằng bọn trẻ ở đây khổ hơn và… khó dạy hơn. Chúng rất ư là nhốn nháo. Bên cạnh đó khi chúng tôi phát tiền lì xì cho các em, có một số thanh niên cứ dòm ngó và một số cụ già cứ đòi bằng được là chúng tôi cũng phải cho họ. - Ủa chứ mấy cô mấy cậu không cho người già neo đơn sao? Một cụ tôi nghĩ cũng độ trên dưới 70 nói. - Dạ không thưa bác. Cô bạn của tôi trả lời.Chúng cháu chỉ đi lì xì cho các em thôi. - Không có người già, thì làm sao có con nít. Cụ nói tiếp. - Dạ chúng cháu biết, nhưng chúng cháu không có đủ ngân phí để cho người già. Cô bạn nói tiếp. - Các cô cậu đi làm từ thiện mà không biết điều gì hết. Cụ bắt đầu chỉ bảo chúng tôi cách làm từ thiện. Làm từ thiện thì phải biết đồng đều. Không đồng đều thì đừng có đi nữa….
Cụ còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không muốn kể ra ở đây. Cuối cùng thì người bạn tôi cũng quay qua và nháy mắt cho tôi gởi đến cụ một cái phong bì. ****** Sau khi chia tay hai người bạn, tôi bốc điện thoại gọi người bạn duy nhất muốn đi để “sống với trẻ bụi đời” với tôi – Cô gái đến từ internet, mà tôi đã gới thiệu với các bạn trong “lời tự sự” và bảo cô ta đón Honda ôm đến chỗ hẹn và hai chúng tôi lên đường trở lại chỗ hồi nãy. Dẫu tôi có linh tính là có thể có nguy hiểm, nhưng chắc không đến nỗi nào vì ít nhất tôi đi hai người. Hai chúng tôi ghé mua một ít bánh kẹo (vì hồi nãy đã lì xì rồi) làm hành trang gặp lại các em. Khi chúng tôi tìm lại được chỗ đó cũng đã khá khuya - độ chừng nửa đêm – vì tôi liên tục bị lạc đường và không nhận ra những con đường đất nhỏ trong bóng đêm bao phủ của những ngày gần tết. Thấy tôi quay lại, bọn trẻ tự nhiên kéo đến và còn gọi thêm một số đứa nữa mà theo lời chúng là “mới đi ăn xin và bán vé số về.” Để thử… khả năng của người bạn mới quen qua internet, tôi nói nhỏ vào tai: - Em bắt chuyện với các em, và chơi với tụi nó một tí đi - rồi mình cho các em ăn kẹo. Và không để tôi nói lần thứ hai, cô bạn hòa mình vào giữa đám trẻ rất tự nhiên và bày trò chơi với chúng, vừa chơi vừa phát kẹo một cánh nhuần nhuyễn. Đến độ tôi ngạc nhiên trố mắt ra nhìn, đứng như trời trồng, mà không nói được câu nào. Tôi là dân Thiếu Nhi Thánh Thể - có tiếng trong Phong Trào vể khả năng sinh họat thế mà hôm nay phải khâm phục cô bạn này. Tôi tự an ủi và nghĩ trong bụng… “Cũng có thể là dân Huynh Trưởng, đồng môn với mình đây!” Gần một tiếng đồng hồ, cô bạn mới quen của tôi và bọn trẻ quây quần vui chơi và kể chuyện với nhau, biến tôi thành người… ngoài cuộc. - Anh Thông ơi, mình lì xì cho tụi nó để tụi nó còn đi ngủ lấy sức mai đi bán vé số tiếp chứ. Tiếng cô bạn gọi làm tôi trở về với… thực tế. - Ừ, đúng rồi.
Tôi trả lời. Quay qua bọn trẻ tôi nói tiếp. Hồi nãy chú đã lì xì cho một số cháu rồi. Ai có rồi thì bây giờ không có nữa. Ai chưa có tới đây chú lì xì. Bọn trẻ ngoan thật, ngoan hơn tôi tưởng, không có đứa nào dành nhau hay cố tình lấy tiền lì xì lần thứ hai. Sau khi lì xì và cho bọn trẻ hết những bịch bánh kẹo còn lại hai chúng tôi lang thang đi bộ tìm đường ra quốc lộ để đón Honda ôm hay taxi đi tiếp. Một cánh tay quàng qua xiết cổ tôi từ đàng sau và tôi thấy cô bạn tôi cũng bị y chang như vậy. Sau hai cái đạp (hay đá) vào lưng là tôi nằm song soài trên đất và có một cái bao trùm qua đầu. Tiếng cô gái đi cùng tôi kêu cứu vang lên trong đêm trường. - Em đừng có la. Sau đó tôi van xin. Xin các anh đừng có đánh đập tụi tui, các anh có muốn lấy tiền thì móc túi tôi mà lấy. - (văng tục) Chở thằng đó ra đường cái thả nó về. Tụi mày mang con nhỏ này vào nghĩa trang. Tiếng một người thanh niên đanh đá vang lên. - (văng tục) tụi mày thả tao ra, tụi mày có biết tao là ai không? Tao kêu công an đánh chết “…” tụi mày. Cô bạn tôi cũng không vừa. - Kéo nó đi. Tiếng người thanh niên hồi nãy ra lệnh. Đẹp như con này thì không thể tha được. Rồi chát chát, tôi nghe hai tiếng tát tai. Chắc là họ tát cô bạn tôi. Tôi lại nghe tiếng cô bạn tôi kêu cứu. Lúc đó toàn thân tôi đã đau lắm rồi, và thật sự là mặt tôi tái xanh. Tôi tái xanh không phải vì sợ cho tôi mà là cho cô bạn của tôi. Chắc chắn bọn thanh niên này mang cô ta vào nghĩa trang để làm nhục cô ta. Đầu tôi vẫn bị trùm cái bao bố, và vẫn có đôi tay xiết cổ tôi từ đằng sau. Chúng kéo tôi đi. - Anh Thông, cứu em với. Cô bạn tôi la to khi chúng kéo tôi qua trước mặt cô. Vừa lúc đó một ai ôm chặt cứng tôi. Tôi cảm nhận được đó chính là cô bạn tôi, thế là tôi ôm cô lại thật chặt. Tiếng thét, tiếng la của nhóm thanh niên vang cả một góc… đồng không mông quạnh kèm theo tiếng đấm tiếng đá mà chúng đấm và đá hai chúng tôi để tách rời hai chúng tôi ra. Nhưng tôi ôm chặt cô gái, và cô ta cũng ôm chặt tôi mặc cho chúng đấm đá và giằng co. Thật sự tôi không thể tin là chúng tôi có thể ôm nhau chặt đến thế - chặt đến độ mặc dù bị đấm đá túi bụi chúng vẫn không thể tách chúng tôi ra được. Hình như đứng trước cái chết thì sức mạnh của con người càng mạnh liệt hơn và không cảm nhận được đau đớn gì. Tôi vừa ôm chặt cô ta vừa chịu đánh vừa van xin, vì tôi biết nếu tôi buông cô ta ra chúng sẽ kéo cô đi và làm hại đời cô.
- Xin mấy anh tha cho tụi em. Vợ chồng em có làm gì sai đâu mà mấy anh đánh như vậy. Anh đánh thì đánh em, xin tha cho vợ em. (Lạy Chúa tha cho con đã dám nhận cô ta là vợ.) - Đánh chết “…” tụi nó luôn. Một giọng nào đó vang lên. Và chúng vẫn tiếp tục đánh. - Xin mấy anh tha cho vợ của em đi, vợ em đang có mang đứa con đầu lòng. Các anh đánh như vậy thì chết vợ con em. (tự nhiên không biết tại sao lúc đó tôi nghĩ ra những chuyện nói láo như vậy – có thể là nhu cầu của sự sinh tồn.) - Thôi tha cho tụi nó. Tiếng người thanh niên hình như là đàn anh của nhóm vang lên cứng rắn. Tao tưởng nó là bạn của thằng kia nên mới tính mượn nó đêm nay, nhưng tụi nó là vợ chồng thì tha đi. Cả nhóm thanh niên không thượng thẳng chân, hạ thẳng tay nữa. Chúng lục túi quần tôi và cô bé lấy hết tiền bạc rồi bỏ mặc hai chúng tôi. Cô bạn tôi thì vừa khóc vừa ôm chặt tôi, còn tôi thì đau nhức toàn thân và hình như cảm nhận được cảm giác ướt át nơi vùng ngực. Đợi một tí, ... khi không nghe tiếng chân người và tiếng nói của ai nữa. Tôi gỡ bàn tay ôm chặt của cô bạn ra khỏi người và rất khó khăn để gỡ cái bao trùm đầu ra vì quá đau đớn và bàn tay thì không nhấc nổi. Máu dính đầy cái bao và ngực áo của tôi. Mũi và miệng tôi máu đỏ tươi đang chảy ra. Toàn thân ê ẩm. Nhìn cô bạn đang đứng đó khóc lóc và sợ hãi tôi gần như không nhận ra cô, mặt cô cũng toàn máu. Khôn mặt biến dạng, cái quai hàm méo qua một bên… Taxi chở chúng tôi thẳng đến trung tâm chấn thương chỉnh hình. Trên đường đi cô bạn tôi rên rỉ nhưng không nói thành tiếng vì quai hàm đã bị trẹo. Tôi cũng vừa chịu đau đớn, vừa lau máu trên mặt của mình – lúc đó mới phát giác ra là máu chảy ra cả từ mang tai – vừa an ủi cô bạn. Khi vào đến phòng cấp cứu tôi mới biết là không có tiền để làm các thủ tục nhập viện - Cô bạn tôi cúi xuống gỡ đôi giày ra và lấy trong tất tờ 100 dollars đưa cho tôi và tôi đưa cho họ cái điện thoại cầm tay của tôi (không biết sao không bị lấy) để thế chấp. Sau khi chụp x-ray và chỉnh lại quai hàm cho cô bạn và băng bó các vết thương cho hai chúng tôi ở phòng cấp cứu họ muốn
chúng tôi phải nhập viện. Nhìn qua vẻ mặt vẫn còn sợ hãi của cô bạn tôi hỏi: - Em ở lại bệnh viện nhé. Anh Thông về khách sạn thôi. - Không, anh Thông về thì em cũng về. Em không sao đâu, em nói được rồi! Chúng tôi làm các thủ tục (rất khó khăn) để không phải ở lại bệnh viện. Trên đường về tôi nói với cô bạn là cô nên ở lại khách sạn với tôi rồi mai hãy tính tiếp. Taxi đỗ trước khách sạn thì trời cũng đã nhá nhem sáng, chúng tôi lấy chìa khoá phòng, với cái nhìn đầy nghi kỵ của anh bảo vệ (mặc! tôi không quan tâm) và dẫn cô bạn lên phòng. Tôi ngả mình lên giường và để nỗi đau thân xác từ từ gặm nhấm... Chút Suy Tư: Trong nỗi đau của thân xác nên tôi không ngủ được, nhìn qua bên cạnh cô bạn đang ngủ say (vì hồi nãy họ có chích thuốc tê và cho cô uống thuốc ngủ) tôi bỗng thấy mình... liều. Tôi không liều vì dám đến với các trẻ bụi đời mà tôi liều vì dám nhận cô gái là vợ của mình, dám ôm chặt cô ta, và giờ đây còn đang nằm chung một giường với cô ta. Tự nhiên tôi cảm thấy lo lo. Nhưng thôi kệ, tôi đưa tay làm dấu, và nghĩ thầm “sự thật vẫn là sự thật.” Lạ thay, tôi nằm đó mà không nghĩ gì về các trẻ bụi đời mà nghĩ về cô bạn đang nằm cạnh tôi. Rồi sáng đây, khi tỉnh thức dậy, nhìn thấy mình trong gương, khuôn mặt bầm tím, cô sẽ phản ứng ra sao? Cô sẽ nói gì với tôi? Và tôi sẽ phải trả lời cô như thế nào. Rồi bố mẹ và gia đình cô sẽ nói gì? Tết này cô sẽ ra sao? Cô có trách tôi không? Ai biết chừng cả gia đình cô lại kéo tới để hỏi tội tôi thì chết. Lại thêm rắc rối. Nghĩ tới đó thì tôi run thật. Nhưng tôi vẫn tin, vì có Chúa ở cùng tôi như khi xưa Ngài đã ở cùng các Tông Đồ khi họ bị bắt: “Bấy giờ, vị thượng tế cùng tất cả những người theo ông -tức là phái Xa-đốcra tay hành động. Đầy lòng ghen tức, họ bắt các Tông Đồ, nhốt vào nhà tù công cộng. Nhưng ban đêm thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục, đưa các ông ra mà nói: "Các ông hãy đi, vào đứng trong Đền Thờ mà nói cho dân những lời ban sự sống." Nghe thế, các ông vào Đền Thờ ngay từ lúc rạng đông và bắt đầu giảng dạy.” (TĐCV 5:17-21) Tôi tin rằng Chúa sẽ cứu tôi và tôi thiếp đi hồi nào không biết.
Father Martino Nguyen Ba-Thong www.fathermartino.org
Một Chuyến Đi - Kỳ V - Cô Gái Đến Từ Internet Chuyên Gia Câu Việt Kiều Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông
Bottom Line: Tiền này không phải của em, đó là của mấy thằng Việt Kiều "ngu" (cô vẫn tiếp tục với giọng điệu đó) gởi về cho em ăn tết. Nhưng em bây giờ không muốn dùng nó cho riêng mình nữa mà muốn chia sẻ với những người khổ hơn em. Anh muốn dùng nó và việc thiện gì cũng được (Chuyên gia câu... Việt kiếu) Chắc chắn là bạn đã không thể quên cô gái trẻ đẹp mà tôi đã nhắc đến trong khúc “tự sự” và trong đoản khúc “ngã ba sung sướng.” Người duy nhất trong gần 500 người emails cho tôi và sau khi có buổi họp mặt đã can đảm theo tôi đi sống lang thang với các em mồ côi bụi đời trong màn đêm! Nhưng cũng xin cho tôi “copy” and “paste” lại phần đó để qúy vị dễ bề theo dõi. Trước khi về VN tôi còn “can đảm” lên các website tìm bạn bốn phương tiếng Việt để đăng một profile kêu gọi những người có lòng từ thiện hãy cùng tham gia phát quà tết (dĩ nhiên tôi không nói tôi là một Linh Mục vì tôi muốn những người đang ký vì muốn sống với trẻ bụi đời chứ không phải vì tôi là ai.) Đây không phải là lần đầu tiên tôi làm chuyện đăng tin tìm bạn làm từ thiện này, mà tôi đã từng làm nhiều lần như thế. Cảm ơn Chúa, vẫn còn một nhóm bạn cùng đồng hành với tôi và các trẻ mồ côi, bụi đời. Bạn có tin không, tôi nhận tổng cộng được hơn 500 emails (hầu hết là của con gái?) muốn tham gia cùng với rất nhiều câu hỏi liên quan đến những công việc. Bí quá tôi đành phải emails trả lời chung mọi người là tôi sẽ gặp tất cả ở công viên bên hông nhà thờ Đức Bà để chia sẻ và thông báo các ngày giờ và địa điểm xuất phát. Có khoảng gần 300 bạn đến buổi gặp mặt – số còn lại gọi tới điện thoại của tôi - biến nó thành cái tổng đài bất đắc dĩ. Sau khi nghe tôi trình bày là mình không đi đến thăm một trung tâm trẻ mồ côi nào cả mà mình sẽ lang thang hàng đêm trên các đường phố, tìm đến các nơi mà trẻ bụi
đời ngủ, để sống và lì xì tết cho các em, thì ai cũng lo lắng về sự an toàn của mọi người. Tôi tóm gọn lại là tôi không thể bảo đảm được sự an toàn của ai cả, vì chính tôi còn không biết tính mạng tôi sẽ ra sao thì làm sao dám bảo đảm cho ai. Duy chỉ có một điều tôi dám hứa đó là “bình dầu sẽ không vơi và hũ bột sẽ không cạn” (Sách các Vua 17:14) – có nghĩa là tiền lì xì sẽ không thiếu! Chỉ cần các bạn có một tấm lòng yêu thương và “liều” một chút. Bạn có tin được không, sau buổi gặp mặt đó chỉ đúng có một người gọi cho tôi. Vâng đó là một cô gái, một cô gái rất đẹp - đẹp đến độ khi cô ta gọi điện thoại cho tôi để đi cùng, tôi nhận ra cô ngay, vì tôi đã ấn tượng cái tính cách khác thường và vẻ đẹp rất sắc của cô trong cả mấy trăm người trong khoảng 30 phút họp mặt. Thế là tôi đã gọi cô và cô đã cùng tôi đi lì xì tết cho trẻ lang thang vào đêm hôm trước mà tôi đã chia sẻ trong đoản khúc “Ngã ba sung sướng.” Chiều ngày hôm sau khi chúng tôi đến “Ngã ba sung sướng” cô lại gọi điện thoại rồi sau đó đến gặp tôi tại khách sạn và xin tiếp tục được cùng đi đến với các trẻ bụi đời. Khi gặp cô thì tôi thật sự không muốn cho cô đi vì khuôn mặt bầm tím của cô. Tôi chưa kịp nói gì thì hình như cô đã đoán được sự lưỡng lự của tôi nên nói: - Tối hôm qua là lần đầu tiên em bị đánh từ ngày em khôn lớn, cả ba mẹ của em cũng chưa bao giờ đánh em. Chưa bao giờ em sợ hãi như vậy, nhưng… (Cô dừng lại một tí rồi nói tiếp) cũng chưa bao giờ em cảm nhận được hạnh phúc và sự bình an như đêm hôm qua khi nhìn thấy những nụ cười và niềm vui nở trên khuôn mặt của các em nhỏ đó. Nên em muốn được tiếp tục đến với các trẻ cơ nhỡ (sau này tôi mới hiểu chữ cơ nhỡ có nghĩa gì) đó! - Nhưng nó quá nguy hiểm đối với em, anh Thông không thể cho em đi được. Em không nhớ tới tối hôm qua sao? Tôi đáp lời. - Anh nhìn nè (vừa nói cô vừa chỉ vào một bên mặt còn bị bầm tím của mình), con gái chỉ có cái mặt để hãnh diện. Em bị như vầy sao không nhớ được. Nhưng em muốn đi không phải vì em muốn tò mò, hay muốn lấy lòng anh Thông mà em muốn được mang niềm vui đến với các em cơ nhỡ và chính như vậy em cảm thấy tết này có ý nghĩa hơn. - Nhưng nếu có chuyện gì xảy ra với em thì anh Thông sẽ ân hận suốt đời. Tôi trả lời. - Không sao, em tin vào kiếp luân hồi (lúc đó tôi mới biết cô theo Phật Giáo,
không phải Công Giáo như tôi đã lầm tưởng) nếu em chết khi làm điều tốt thì kiếp sau sẽ tốt hơn. Khi cô đã nói đến đó thì tôi không còn cách gì để từ chối vì câu nói đó cũng mang ý nghĩa gần như câu tôi vẫn nói “Ai cũng có một đời để sống và một lần để chết, sống làm sao để khi chết mình không hổ thẹn với lòng mình và với Chúa!” Thế là tôi đành phải cho cô đi không những chỉ tối hôm đó mà còn những lần tiếp theo. Cũng có vài lần chúng tôi bị “xô xát” nhưng không đến nỗi. Cảm tạ Chúa vẫn cùng đồng hành với chúng tôi. Càng đi với cô, tôi càng nhận ra được một tâm hồn rất đẹp của cô trong những công việc không mấy gì đẹp mà cô làm hàng ngày. Cô là một chuyên gia… câu Việt Kiều. Gia đình cô có nhà ngay trên đường Nguyễn Huệ (Trung Tâm Thành Phố,) tầng một cho người khác thuê buôn bán nên cuộc sống rất dư giả. Bố mẹ cô nghĩ cô là đứa con một rất tốt, vì cô chưa về nhà sau nửa đêm bao giờ. Khi ở nhà thì cô chỉ ở trong phòng riêng của mình, và rất tụ tập với bạn bè. Nhưng họ có biết đâu khi cô ở trong phòng cũng là lúc cô lên internet và biến thành một cô gái của Internet. Cô dùng cái sắc đẹp của Chúa ban cho mình để câu tiền các chàng Việt Kiều, mà cô gọi họ là “ngu ngốc”, để họ gởi tiền về cho cô tiêu xài. Mỗi khi ba mẹ cô gõ cửa phòng, cô chỉnh sửa lại quần áo gọn gang mà mở cửa như không có gì xảy ra. Cho nên lúc nào bố mẹ cô cũng tin tưởng cô con gái độc nhất của mình. Có thể tệ nạn này qúy vị đã đọc được rất nhiều trên báo nên tôi cũng không muốn đào sâu ở đây, với lại đó cũng không phải là mục đích của các đoản khúc tôi chia sẻ. Thấy tôi có vẻ không tin vào những chuyện như vậy nên cô đã dẫn tôi về nhà để “chào hỏi” bố mẹ cô và chỉ cho tôi coi cái “cơ ngơi” của mình. Theo lời cô kể thì thật sự cô cũng chẳng cần tiền, vì gia đình cô cũng thuộc loại khá giả và cô cũng không ăn xài gì. Nhưng tiền thì ai mà chẳng thích. - Nhất là tiền của mấy thằng Việt Kiều “ngu”. Tự nhiên nó cho mình thì mình lấy chứ. Câu nói đó làm cho tôi có vẻ khó chịu nên cô bồi tiếp: - Em không có ý chỉ anh Thông đâu. Em chỉ nói những thằng Việt Kiều có tiền muốn quăng tiền qua cửa thì em cầm thôi. Mấy thằng đó lừa bao nhiêu cô gái ở Việt Nam nên em có lừa tụi nó chút cũng không sao. Luật nhân quả mà anh. Vừa nói cô vừa mở tủ lấy đưa cho tôi 30 tờ 100 dollars (3 ngàn dollars), cô tỉnh bơ nói tiếp, em muốn đóng góp cho công việc mà anh đang làm. - Thôi anh không lấy đâu. Em làm gì mà có tiền nhiều vậy? Số tiền này rất lớn đối với em và… Tôi chưa kịp nói hết câu cô đã tiếp. - Tiền này không phải của em, đó là của mấy thằng Việt Kiều "ngu" (cô vẫn tiếp tục với giọng điệu đó) gởi về cho em ăn tết. Nhưng em bây giờ không
muốn dùng nó cho riêng mình nữa mà muốn chia sẻ với những người khổ hơn em. Anh muốn dùng nó và việc thiện gì cũng được. Tôi cầm tiền cô đưa mà thật sự cảm nhận được tấm lòng của cô, tình thương mến mà cô muốn chia sẻ với các người khác – và tôi đã dùng số tiền đó cho chuyến đi vào làng thượng trên Kontum mà tôi sẽ chia sẻ trong bài “đứa bé đội mồ sống dậy.” Ngày trước khi trở về Mỹ tôi và cô ta đi ăn và cô ta hỏi: - Anh Thông có phải là mấy người làm trong nhà thờ không? - Ý em nói là mấy người giúp các Cha trong các công việc của nhà thờ đó hả? Tôi hỏi lại, vừa ngạc nhiên vừa… lo lắng. Không biết tôi đã làm điều gì… sai trái để cô ta hỏi câu này. - Không, em muốn hỏi anh có phải là ông Cha trong nhà thờ không? - Đâu có đâu. Tôi chối còn nhanh hơn Phêrô chối Chúa. Tại sao em hỏi vậy? Tôi bồi thêm để tìm hiểu lý do. - Tại vì em thấy anh Thông lúc nào cũng cầu nguyện trước và sau khi ăn (thật sự là tôi làm dấu đọc kinh trước và sau khi ăn.) Với lại bình thường thì thấy anh phá quá, nhưng khi anh nói chuyện và dạy bảo các em thì em có cảm giác hình như anh Thông không phải là người… của cõi này, mà nghĩ là anh Thông phải là ông Cha. Tôi lảng sang chuyện khác và tự hứa là khi nào thuận tiện sẽ “thú nhận” sự thật với cô ta là cô đã đoán đúng. Tôi là một Linh Mục Công Giáo, vâng và tôi hãnh hiện mình là một Linh Mục đời đời theo phẩm hàng Melkisêđê!!! Và khi tôi ngồi đây viết đoản khúc này thì cô bạn đã biết tôi là một Linh Mục nhỏ bé của Chúa Giêsu! Chút Suy Tư: Đúng là cuộc đời, mình không biết điều gì có thể xảy ra. Chỉ có Chúa mới biết tương lai, và Con người ta có thể thay đổi khi Chúa dẫn bàn tay họ chạm phải sự phục vụ và qủa tim của họ cảm nhận được tình thương. Tôi nhớ Mẹ Têrêsa thành Calcuta có nói: “Các con không cần làm những điều vĩ đại, nhưng hãy làm những điều bé nhỏ với một tình yêu phi thường.” Và đó cũng là những gì tôi cố gắng làm. Những điều bé nhỏ, có thể còn thua kém cả con dã tràng se cát biển đông, nhưng với tất cả lòng yêu thương. Và hôm nay Chúa lại ban cho các em cơ nhỡ một người bạn đồng hành nữa đó là cô bạn tôi quen qua internet.
Khi tôi email cho cô biết tôi là một Linh Mục tôi cũng đã gởi cho cô đoạn Kinh Thánh được trích từ sách Tiên Tri Êzêkien 11:19-20: "Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng." Sau khi tôi gởi cho cô email đó tôi nhận được email của cô và xin cho phép tôi được trích dẫn: - Anh (không phải Cha) Thông thân mến, em đã có thần giao cách cảm nên đã đoán anh là một ông cha, tuy em không phải là người Công Giáo. Em chỉ thỉnh thoảng tới nhà thờ với bạn bè vào các dịp noel, nhưng thật sự không biết gì về tôn giáo anh theo… Cha có thể gởi cho em cuốn sách (tôi hiểu là cuốn Kinh Thánh) mà cha đã trích dẫn cái câu cha gởi cho em không? Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đã nhờ một người bạn ở Việt Nam mua ngay cuốn Kinh Thánh và gởi cho cô. Cho đến hôm nay đã được gần một tháng từ ngày cô có, theo lời cô, “cuốn sách hay nhất thế giới” đó, ngày nào cô cũng đọc. Và cô email tôi rất nhiều câu hỏi về “Thiên Chúa Tình Yêu” mà anh Thông tin. Tôi cảm thấy thật xấu hổ, vì tôi là một Linh Mục mà, nếu không dâng Lễ mỗi ngày, tôi cũng không đọc Kinh Thánh hàng ngày như cô. Lạy Chúa, Chúa đã dùng các trẻ em cơ nhỡ để thay trái tim “chai đá” của cô bạn con bằng một trái tim “biết yêu thương,” xin Chúa cho con giảm bớt cái tôi “mình là Linh Mục” của con, để Chúa dùng cô ta dạy con biết phải đọc lời Chúa và suy niệm mỗi ngày. Như lời cô ta nói thì “càng đọc em càng thấy Thiên Chúa yêu thương và em cần phải sống yêu thương mọi người chung quanh hơn.” Không những thế cô còn trích và gởi cho tôi câu Kinh Thánh mà tôi đã chọn cho đời tận hiến của tôi “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu các con.” (Gioan 15:12) Xin cho con luôn đọc lời Chúa hàng ngày, để cảm nhận được lòng Chúa yêu thương, và như thế thì con mới có thể sống tình thương đó trong đời sống phục vụ tha nhân của con, Amen!
LM Martinô Nguyễn Bá Thông www.hayyeuthuongnhau.org
Một Chuyến Đi - Kỳ VI - Tưởng Chừng Sẽ... Chết Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông
Bottom Line: Giữa cơn gió lộng tôi dùng hết sức mình quăng xấp tiền polyme tôi đang cầm trong tay lên trời - Tiền bay khắp nơi và tôi chạy! Tôi chạy bán sống bán chết, nghe sau lưng tiếng la ó truy đuổi, và tiếng bác Đ kêu mọi người cản đường.
Bãi Rác Sâm Bua – Trà Vinh Tuy chưa một lần đến Trà Vinh, nhưng lần này trước khi về VN tôi đã sắp xếp lịch để được đến thăm các em cơ nhỡ đang sống nhờ vào những thứ người ta vất đi – Rác – Vâng đó chính là bãi rác Sâm Bua – Trà Vinh. Nhưng sau khi tôi đã đến đó tôi không còn gọi nó là bãi rác nữa mà phải gọi là NÚI rác. Tôi biết đến Sâm Bua là qua một nhóm bạn làm từ thiện chung giới thiệu và khuyên tôi nên đến đó một lần. Mà muốn được vào bãi rác Sâm Bua thì cần phải qua cái được gọi là “ban quản lý” bãi rác này được chính quyền địa phương cắt đặt để quản lý (hay nói cách khách là thu tiền cửa) các người muốn vào bãi rác này để lượm rác và không cho các nhà báo hay ai đó vào trong để chup hình đăng báo. Mà muốn qua được ban quản lý này lại phải đi qua một nhóm “từ thiện” duy nhất tại địa phương dẫn vào - với điều kiện: Không được chụp hình hay quay phim. Nhóm bạn tôi cũng đã phải làm như vậy để được tiếp cận các trẻ cơ nhỡ sống trong bãi rác này. (Xin đọc bài chia sẻ của nhóm bạn tôi phía dưới.) Nên trong bài chia sẻ này tôi sẽ không viết lại những gì nhóm bạn tôi đã chia sẻ. Biết đó là con đường “độc đạo” mà tôi có thể tiếp cận được các em, nên những ngày ở Mỹ tôi đã liên lạc với “nhóm từ thiện” kia để được đến thăm các em. Sau nhiều giờ “negotiate” bàn thảo tôi phải chiu lép vế là sẽ không được ghi âm hay ghi hình dưới bất cứ hình thức nào. Quà của các em sẽ là mỗi em một bộ đồ tết – và mỗi gia đình sẽ được một trăm năm mươi ngàn đồng Việt Nam. Họ hẹn tôi ngày đi và hứa sẽ cho người liên lạc với tôi khi tôi về tới VN. Về tới VN tôi chờ… dài cổ cũng chẳng thấy ai liên lạc, mãi cho đến ngày hẹn đi cũng không có động tĩnh gì, thế là đành tìm con đường khác. Cuối cùng thì tôi cũng một thân một mình về tới Trà Vinh – hành trang mang theo là 22 bộ quần áo mới cho các trẻ em được nhét vào hai bao rác. Trong lòng nghĩ thầm là các em sẽ vui lắm khi có những bộ đồ mới ăn tết. Cái này là tôi tự suy vì nhớ hồi nhỏ cứ tết đến được mẹ mua cho bộ đồ mới là tôi vui không thể tả được! Trời nhá nhem tối, tôi cải danh thành một người đi lượm rác, đội cái mũ lưỡi trai lụp xụp vác một cái bao rác (mà trong đó đựng quần áo cho các em), được bác Đ (một người có “thâm niên” lượm rác ở bãi rác Sâm Bua này) vác một
bao rác (cũng là đồ cho các em) dẫn vào để qua mặt ban quản lý bãi rác. Tôi đi giữa hai tường thành của rác mà cảm nhận như là “Con cái Israel đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu” (Xuất Hành 14:29). Không biết dân Israel thì sao, chứ tôi hơi sợ, chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể làm cho tường thành sụp xuống và tôi sẽ bị chôn sống trong núi rác này. Những người sống nhờ vào bãi rác này, thật tội nhiệp. Họ không những sống với rác, mà họ còn ăn với rác, uống với rác, ngủ với rác và cũng có thể sẽ… chết với rác. Bên cạnh rác họ còn phải sống với ruồi, muỗi, chuồn chuồn, cào cào, châu chấu và các loại côn trùng khác cũng sống… nhờ rác như họ. Tôi đến thẳng một căn nhà hay đúng hơn là cái chòi được bao bọc 3 phía cũng bởi… rác. Đó là chỗ nương thân của gia đình bác Đ, người dẫn tôi vào đây. Các em nhỏ đã tập trung ở đây, nhưng khác với cái bầu không khí ồn ào của các đứa trẻ bụi đời sống trong các nghĩa trang hay chân cầu, bọm trẻ ở đây im lặng lắm. Sau này tôi mới biết là để cho ban quản lý bãi rác không biết có “người lạ” vào phát quà. Tôi ngồi xuống trên nền nhà lót bằng mấy tấm giấy carton và nói chuyện với đám trẻ và sau đó lấy hai bao rác quần áo ra chia cho chúng. Có bộ hơi dài, có bộ hơi ngắn – vì tôi chỉ nhắm chừng mà mua. Bọn trẻ mặc đồ mới vào liền và bắt đầu xúng xính khoe khoang và cười nói vui vẻ. - Tụi mày nhỏ nhỏ cái miệng, bọn quản lý mà vô đây là chết cả lũ. Bác Đ nhắc nhở. Sau khi được bác nhắc nhở thì không khí lại trầm lắng xuống. Ngoài trời đã tối đen, tôi và các em quây quần bên nhau để nói về cuộc đời và giấc mơ. Vâng, ngay cả các đứa trẻ sống trong rác này cũng có những giấc mơ; giấc mơ cho một tương lai xán lạn hơn như làm chủ môt doanh nghiệp, được đi Mỹ hay chỉ là giấc mơ đơn thuần của kiếp người được thoát ra khỏi… rác để khỏi phải chịu cảnh hôi thối. Hầu hết các em ở đây vẫn còn cha hoặc mẹ chứ không mồ côi hết. Tuy nhiên cha mẹ và các em cũng sống trong đống rác này hay có khá hơn một chút thì sống “ngoài” nhưng cũng “kế bên” đống rác này thôi. Một nửa các em vẫn còn đang đi học, nửa kia thì vì lý do sinh nhai đã chưa bao giờ được đến trường. Nhưng dù có đang đi học không có em nào học tới lớp 9. Hình như ở
đây em nào học tới lớp 4 hay lớp 5 là đã quá đủ vì theo lời của những người lớn “Học tới đó biết đọc chữ rồi, thì học nữa làm gì? Ở nhà đi lượm rác còn kiếm được mười hay mười lăm ngàn.” Cũng gần 10 giờ tối khi mọi người ai về “chòi” người đó, riêng tôi ở lại chòi bác Đ để có thể cảm nhận được đời sống trong rác. Vì tôi đã thông báo với họ và chỉ có phát quần áo thôi, chứ không có tiền. Ngay cả bác Đ cũng không biết tôi có tiền. Tôi dự tính là sẽ phát tiền cho họ sáng hôm sau trước khi tôi đi và như thế sẽ không… bị đánh! Đang yên giấc thì bác Đ lay tôi dậy, giọng rất nhỏ nhưng đầy lo lắng: - Cha ơi (vì tôi đã nói cho riêng bác biết tôi là một Linh Mục) chết rồi cha ơi, tụi quản lý bãi rác nó tới. - Bác có đường nào trốn không? - Không có cha ơi, chỉ có con đường duy nhất là con đường mình vô hồi chiều thôi. Nghe tới đó tôi lo lắm, nhưng lấy lại hết bình tĩnh an ủi bác, trong đầu suy nghĩ tìm đường thoát thân. Bên ngoài tiếng la hét, tiếng chân người vang cả một góc bãi rác. Nhìn ra ngoài giữa bầu trời đen kịt, giữa muôn trùng của… rác. Thấy mình đã bị bao vây bởi hàng chục người. Trong tay họ lăm lăm dao, búa, cây, gậy gộc và đá. Thôi rồi, tôi thở dài lần này họ không đánh cho… sợ như những lần trước mà là đánh cho… CHẾT, cho khỏi ai biết tôi ở phương trời nào. Tôi nghĩ mình sẽ chết, đọc nhanh một kinh ăn năn tội mà đọc bằng tiếng Anh cho ngắn gọn, và tôi nói với Chúa: “ Lord forgive me all my sins. I am ready to go home with you.” (Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm và con sẵn sàng ra về với Chúa.) Tôi quay lại, nói nhỏ vào tai bác Đ phương án của mình và dặn: - Khi con chạy, bác hô hào mấy người cản đường cho con chạy nhé! - Cha đừng lo, tụi con sẽ sống chết để bảo vệ cha. Bác trả lời - Không, con không có muốn bác đánh nhau với họ đâu, chỉ xin bác và mấy người cản chân họ một chút là con thoát mà. Tôi móc trong gần 10 cái túi quần ra mấy xấp tiền, đưa cho bác một xấp loại 50 ngàn, nhờ bác lì xì đều cho mỗi gia đình. Riêng tôi cầm một xấp tiền mỗi tờ mệnh giá 20,000 (hai mươi ngàn) polyme mới tinh. Thò đầu ra khỏi chòi. Vừa thấy tôi, bọn quản lý la lên “A! nó đây rồi!” và soi đèn pin chạy về hướng tôi đang đứng. Giữa cơn gió lộng tôi dùng hết sức mình quăng xấp tiền polyme tôi đang cầm
trong tay lên trời - Tiền bay khắp nơi và tôi chạy! Tôi chạy bán sống bán chết, nghe sau lưng tiếng la ó truy đuổi, và tiếng bác Đ kêu mọi người cản đường. “Tưởng rằng sẽ … chết” mà cái đêm đó tôi không bị sao cả. Với tài chặn đường của bác Đ và các người khác, và cũng với tính ham tiền của các anh quản lý bãi rác nên chẳng có ai thèm đuổi theo tôi, mà có đuổi cũng chỉ vài bước rồi quay lại để lượm tiền (vì sợ người khác lượm hết.) Chỉ có điều tôi không còn một xu dính túi, để gọi điện thoại hay đi xe về Sài Gòn. Cuối cùng đợi đến sáng tôi cũng thuyết phục được một chú chạy Honda ôm chở tôi về Sài Gòn. Vì với chân không đi dép, quần short và áo thun tôi đã không thuyết phục được bất cứ anh tài xế taxi nào chở tôi. Gần trưa tôi về đến Sài Gòn sau hơn 5 tiếng ngồi Honda, nhức mỏi nhưng hạnh phúc! Chút Suy Tư: Để bắt đầu những dòng suy tư cho tiểu khúc này tôi nhưng xin trích một phần bài chia sẻ của một người bạn đã một lần ghé qua Sâm Bua để gởi đến qúy độc giả. “Thưa bố và các DOJ thân mến, Tết âm lịch vừa rồi (tết năm 2006, tức là trước khi tôi đi một năm – Cha Thông) con có xuống bãi rác Sâm Bua ở Trà Vinh. Nhìn thấy tình cảnh các em sống trên bãi rác, con và Linh đã cất bước chân đi thẳng vào sâu. Khi vào tận cùng bãi rác con mới chỉ một túp lều rách nát và nói với Linh: "Ngày xưa Chúa Giê-su đã sinh ra ở đây". Kể từ hôm đó, trong đầu con luôn có hình ảnh của những đứa trẻ sống trên bãi rác đó. Khi về lại Sài Gòn, con mới mang tâm tình đó kể lại với DOJ BM, DOJ BY, DOJ TY, DOJH…. Nhờ ơn Chúa, sau ba tháng chuẩn bị, hôm nay các DOJ có được một chuyến “ra khơi” đầu tiên của nhóm”. Vâng đúng thế, “ngày xưa Chúa Giêsu đã sinh ra ở đây” cho nên đến hôm nay cho dù giữa bao khó khăn cả về thể xác lẫn tinh thần, con người sống ở đây vẫn còn YÊU Chúa và thương các linh mục của Chuá nhiều lắm. Họ vẫn tin và sống với cả lòng nhiệt huyết của “hãy yêu như Giêsu đã yêu.” Họ đã dám can đảm chống lại nhóm quản lý để bảo vệ tôi (nếu cần). Vâng cứ tưởng rằng tôi đến với họ là để “cho họ” nhưng thật ra tôi nhận được nhiều hơn cái tôi cho đi. Tôi nhận được những gì thế giới hôm nay ít ai dám cho đi “Tình yêu không vị lợi!” Cám ơn bác Đ, cám ơn những anh chị em và cám ơn các em sống trong NÚI rác Sâm Bua. Riêng với các em, anh Thông sẽ tiếp tục dâng lên Chúa những “giấc mơ” của các em, và tin rằng một ngày nào đó nó sẻ trở
thành sự thật. Sau đây tôi xin gởi đến qúy độc giả một vài chia sẻ của một số bạn bè sau khi đi Sâm Bua. Cũng xin nhắc lại, nhóm bạn này không đi với tôi mà họ đã đi trước tôi, và họ đã giới thiệu Sâm Bua với tôi. Chính vì thế, vị mục tử mà họ nhắc tớì trong các bài chia sẻ không phải là tôi mà là một Linh Mục nào đó ở Việt Nam. (LM Martino Nguyễn Bá Thông)
Bước Ngài (thương tặng Bố) Giống nhu hạt lúa mì rơi xuống đất Xin cho con biết chết đi phận mình Để đời con được trở thành nhân chứng Như nắm men ủ giữa đống bột mì… Từ xa đã ngửi thấy mùi hôi bốc ra từ bãi rác Sâm Bua, bãi rác lớn nhất ở Trà Vinh. Lối vào bãi rác cũng là lối duy nhất để đi ra. Ở đây, rác được dựng cao hai bên tạo nên hai bức tường thành cao ngất. Ở giữa là lối mòn chạy thẳng đến cuối bãi rác, và cũng được chặn lại bằng một bức tường rác khá cao. Bước chân vào bãi rác, bạn sẽ được đón chào bằng những tiếng vo ve của lũ ruồi nhặng bay xung quanh, nhu muốn dò hỏi xem bạn là người quen hay người lạ… Giữa nơi rác rưởi dơ dáy đó, có một bông hoa thật đẹp. Đó chính là hình ảnh của một mục tử… Người đã bước vào bãi rác với đôi chân không ủng, gương mặt không mang khẩu trang. Người cùng hít thở chung một bầu không khí ô uế, đặc sệt ruồi và khói bụi với những người dân, những đứa trẻ đang phải sống và làm việc ở đây. Người đã hòa mình vào môi trường ô nhiễm với những mầm mống bệnh tật, những kim tiêm đinh rỉ ẩn mình trong bãi rác. Người trở nên giống những con người ở đây khi bước vào bãi rác với họ… Đã có một Giêsu như thế… Ngày xưa Chúa Giêsu xuống thế gian để cùng chia sẻ kiếp sống con người, vì Ngài yêu thương nhân loại. Ngài đã đi giữa tội lỗi của nhân loại. Ngài muốn đến đem yêu thương, muốn giúp con người thoát khỏi bùn nhơ của tội lỗi… Và nay có một mục tử của Ngài đến với người dân trên bãi rác, vì người yêu thương họ Người muốn giúp họ thoát khỏi nơi dơ dáy đó… Bóng người mục tử bước đi giữa bãi rác hôm nay giống như Chúa Giêsu lặng lẽ đi giữa tội lỗi của con Người năm xưa… Đã có một tình yêu như thế… Giêsu đã yêu nhân loại đến quên thân phận
mình, yêu đến mức Ngài đã hy sinh, đã hoà mình vào giữa thế gian “để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”… và nay có một vị mục tử của Ngài cũng theo dấu chân Ngài phục vụ như thế… Qua hình ảnh vị mục tử giữa bãi rác, người ta có thể nhận ra hình ảnh của một Giêsu như hạt lúa mì rơi xuống đất để tình yêu của Ngài đơm hoa kết quả, không bao giờ vơi cạn… Lời nguyện: Giêsu ơi! Dậy con bước theo Ngài Như ngày xưa Chúa đã gắng lê chân Biết chiến đấu hiên ngang không gục ngã Trong đau thương vẫn vững bước kiên cường… Lạy Chúa! Xin Chúa gìn giữ và giúp sức cho các linh mục, tu sĩ, những người đã được Chúa tuyển chọn kỹ lưỡng trong vườn nho của Chúa. Xin Chúa giúp các Ngài hoàn thành sứ vụ cao cả của mình trông coi, dẫn dắt đoàn chiên của Chúa. Chúa đã sai các Ngài đi làm chứng tá cho Chúa giữa đời, xin Chúa giúp các Ngài trung kiên đến cùng trong sứ vụ được trao phó. Xin cho các Ngài nên giống hạt lúa mì rơi xuống đất, biết chết đi chính mình, để cánh đồng nước Chúa được được rộng mở. Xin Chúa ban cho các Ngài được tràn đầy Thánh Thần để các Ngài có khả năng dẫn dắt đoàn chiên của Chúa trên con đường tiến về nha Cha.… Amen Thiên Chúa Đã Sai Chúng Tôi Đến Với Họ. Chuyến xe đi từ thành phố Hồ Chí Minh đến Trà Vinh được khởi hành lúc 2 giờ sáng ngày 1/4/2006... Nhóm chúng tôi gồm tám người, ai nấy đều hân hoan và nôn nóng muốn đến Trà Vinh thật mau. Trên xe tràn ngập tiếng ca tôn vinh Chúa. Chuyến đi Trà Vinh lần này, chúng tôi đã có rất nhiều cố gắng và chuẩn bi trước 3 tháng, ai trong chúng tôi cũng mong muốn đến để được chia sẻ, đến đễ được xoa dịu nổi đau, mặc cảm của những người làm việc tại bãi rác lớn nhất của Trà Vinh, bãi Rác Sâm Bua. Đã từ lâu, tôi thường ấp ủ và khao khát một mơ ước đó là được giúp đỡ những người kém may mắn, những người thật sự cần được giúp đỡ. Có lẽ Chúa biết được ưu tư của tôi, và Ngài đã chọn tôi, dẫn dắt tôi đến và được đi
chuyến đi này. Xe vượt nhiều chặng và cuối cùng cũng đến được nơi chúng tôi muốn đến. Trước mắt chúng tôi là một bãi rác rất to. Ở cách xa khoảng 100 mét tôi đã ngửi được mùi rác. Chúng tôi mang ủng, khẩu trang rồi bước vào bãi rác. Tuy đã đeo khẩu trang, nhưng một mùi thật hôi thối bốc lên thật là khó chịu. Vừa bước vào đó, tôi hơi ớn lạnh khi thấy một số người chân không đi dép, cả khẩu trang cũng không có. Họ sống trên bãi rác này từ rất lâu và cũng đã quen với các mùi khó chịu này, mũi của họ cũng đã mất cảm giác. Vì miếng cơm manh áo hằng ngày, họ phải chịu sống trong một môi trường rất dơ bẩn. Các em thiếu nhi cũng vì theo cha mẹ đi nhặt rác để lo cho mình miếng cơm hằng ngày mà không được đến trường, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Các em mang đầy mặc cảm vì thân phận rác rưởi của mình, các em sợ bạn bè xa lánh, sợ những ánh mắt nhìn xoi mói, khinh khi. Tôi gặp một em gái, tuổi khoảng 18, tôi đến và hỏi chuyện: “Em làm ở bãi rác mỗi ngày được bao nhiêu?” Em trả lời:” Được 10 ngàn đến 20 ngàn một ngày”. Tôi hỏi tiếp “ Em có được đi học không, em có biết chữ không?” Em nói “ Dạ không, vì mỗi ngày phải đi làm kiếm tiền, nên không có thời gian, và cũng không có tiền đi học”. Khi em trả lời, tôi vô tình bắt được ánh mắt buồn bã và đầy mặc cảm của em. Chúng tôi tỏa ra đi hết bãi rác. Tôi rùng mình khi mỗi bước tôi đi là một đàn ruồi đen nghịt túa bay lên như pháo bông, thật kinh khủng, ruồi nhiều đến nỗi tôi cũng có thể nghe được tiếng kêu của chúng. Tôi muốn ngợp vì mùi hôi của rác, thế mà họ, những người sống và làm việc trong đó ngày đêm, đã không còn cảm nhận được sự hối thối. Nói đúng hơn, họ đã biến thành một con vật dơ dáy và bẩn thỉu. Chúng tôi đến với họ, mong muốn đem đến cho họ một niềm vui bé nhỏ. Hy vọng những cố gắng nhỏ nhoi của chúng tôi có thể xoa dịu nổi đau của họ. Sau khi đi hết bãi rác, chúng tôi bước ra ngoài, nhưng mùi rác vẫn còn bám trên quần áo. Sau chuyến đi, tôi có nhiều kỷ niệm về bãi rác này. Những ưu tư của tôi lại càng thúc đẩy tôi phải cố gắng hơn nữa, để làm sao đến được với người kém may mắn, giúp họ có được một vòng tay yêu thương, để họ cảm nhận được sự ám áp của tình yêu mà Thiên Chúa đã sai chúng tôi mang đến cho họ. “Con xin là nhân chứng đem tin mừng đi khắp trần gian, Con xin là tình yêu dem niềm tin đến cho mọi người. Cõi thế gian đầy oán ghét, con nguyện đem đến bình an, Ðến với người đang nguy nan con nguyện cứu giúp chân tình, Vì lời Chúa đã dạy con yêu thương, Vì lời Chúa đã làm con yêu thuong. Ngài dạy con yêu nguười yêu chúa. ở cùng chúa cõi lòng con an vui, ở cùng chúa cõi lòng không chơi vơi, trọn niềm tin chứng nhân cho đời”
D.O.J.M Triết Lý Sống Của … Giêsu! Đêm thứ 6 Tất cả 8 người chúng tôi chuẩn bị tinh thần để bắt đầu một chuyến dự báo nhiều khó khăn. Tin từ dưới Trà Vinh đưa lên, chúng tôi không được vào bãi rác. Để chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi, chúng tôi đã tham dự thánh lễ chuẩn bị cho cuộc “ra khơi”. Thánh lễ diễn ra sốt sắng trong một nhà nguyện nhỏ, ấm cúng. Bài giảng của Cha chủ tế như lời kêu gọi chúng tôi lên đường đến với những người anh em nghèo khổ chính là đến với Chúa Giêsu: “Ai đến với những người anh em bé nhỏ nhất chính là đến với Ta”. Chúng tôi muốn tìm thấy nơi những người nghèo sống ở bãi rác hình ảnh Con Thiên Chúa xuống thế làm người. 1h sáng thứ bảy Chiếc Mercesdes Benz 15 chỗ ngồi đã tới. Thật sự tôi rất ngạc nhiên khi tham gia từ thiện lại được đi trên một chiếc xe khá sang như thế. Sau này tôi mới được nghe DOJBY kể lại: “Một vị ân nhân đã biết đến chuyến đi này và đã giúp cho chúng tôi có được một chuyến xe tươm tất”. Sau chuyến đi DOJBY nói với tôi: “Dù phải đi trên xe đò, dù chỉ đến với những trẻ ở bãi rác bằng hai bàn tay trắng thì Bé vẫn đến với họ. Bé muốn chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống, muốn được cảm thông với nỗi khó khăn của họ”. Khá lâu rồi tôi mới cảm nhận được một “triết lý sống rất Giêsu”. Người nghèo tuy cần vật chất nhưng cái họ cần hơn chính là tấm lòng. Những bao quần áo cũ, găng tay, nón, những đôi ủng mà nhóm đã chuẩn bị sẵn ở nhà được “cánh đàn ông” chất lên xe. Bố “tiếc rẻ”: “Giá như chất thêm được nữa để mang cho người sống ở bãi rác đó thì tốt biết bao”. Biết làm sao hơn, những nơi có thể nhét đồ đã được trưng dụng hết. Cả đoàn đành hài lòng với số đồ mang theo. Chiếc xe chở 8 thành viên DOJ lăn bánh hướng thẳng về miền Tây. Đường phố Sài Gòn vắng lặng. Hai bên cầu Tham Lương mới xây, đèn rực sáng trông rất đẹp. Trời ban tối se lạnh. Bên trong xe, DOJ Bố xin Chúa chúc lành cho chuyến đi của chúng tôi. Sau lời chúc lành của DOJ Bố, DOJ BY, DOJ BM, DOJ TY và cả DOJ Bố thi nhau hát Thánh ca. DOJ Cố sau một hồi thinh lặng nghe thánh ca, cảm xúc dạt dào nổi lên, hắng giọng phát biểu với các DOJ nguyên nhân và ý nghĩa của chuyến đi: “Thưa bố và các DOJ thân mến, Tết âm lịch vừa rồi con có xuống bãi rác Sâm Bua ở Trà Vinh. Nhìn thấy tình cảnh các em sống trên bãi rác, con và
Linh đã cất bước chân đi thẳng vào sâu. Khi vào tận cùng bãi rác con mới chỉ một túp lều rách nát và nói với Linh: ‘Ngày xưa Chúa Giê-su đã sinh ra ở đây’. Kể từ hôm đó, trong đầu con luôn có hình ảnh của những đứa trẻ sống trên bãi rác đó. Khi về lại Sài Gòn, con mới mang tâm tình đó kể lại với DOJ BM, DOJ BY, DOJ TY, DOJH…. Nhờ ơn Chúa, sau ba tháng chuẩn bị, hôm nay các DOJ có được một chuyến “ra khơi” đầu tiên của nhóm”. Sau một tràng pháo tay chào mừng lời phát biểu rất ấn tượng, cả đoàn lại tiếp tục cất cao những bài thánh ngợi khen, ca tụng Chúa. Sau mấy tiến ca hát, chúng tôi cố gắng ngủ để lấy sức chuẩn bị cho công việc ngày mai. Riêng DOJ BY, ngồi cạnh anh tài xế, vẫn thức, để…”tám” với anh tài xế, có lẽ vì sợ anh tài xế ngủ gục hihihihi. 4h30 sáng thứ bảy Đường vắng, xe chạy nhanh nên chúng tôi đến Trà Vinh sớm hơn dự kiến. May nhờ có DOJ Bố nên chúng tôi tìm được chỗ nghỉ qua đêm ở một dòng nữ tu. Đi xa, mệt, chúng tôi chìm vào giấc ngủ sâu. Sáng sớm, chúng tôi được các dì khoản đãi một bữa điểm tâm với món hủ tiếu nam vang, café sữa, tráng miệng bằng bưởi và chuối. DOJ Cố dùng thêm phần của bác tài với lý do bác tài ngủ trên xe, để nguội bỏ… uổng, phụ lòng tốt các… dì. Trong lúc chúng tôi đang ăn sáng, chúng tôi nhận được một cú điện thoại thông báo: kế hoạch thay đổi vào giờ chót. Thay vì đến khu vui chơi Ao Vuông, thị xã Trà Vinh, để sinh hoạt tập thể với các em, xe sẽ chạy thẳng vào bãi rác tặng quà cho người lớn sau đó sẽ trở ra sinh hoạt tập thể với các em. Mọi việc có vẻ như thuận lợi hơn so với dự kiến. 8h sáng thứ bảy Bãi rác Sâm Bua, nơi tập trung tất cả những gì mà người dân tỉnh Trà Vinh bỏ đi, sừng sững hiện ra trước mắt. Hai bên là hai bức tường rác. Thấp thoáng từ xa đã thấy bóng những cư dân bãi rác cặm cụi moi rác. DOJ Dân vội “chộp” lấy những bức ảnh từ đằng xa. Đối với nhiều người trong nhóm, đây có lẽ là lần đầu tiên được đặt chân vào bãi rác. Theo đúng kế hoạch, chúng tôi chia làm 2 nhóm. Một nhóm ở bên ngoài tặng quà gồm ủng, găng tay, nón, khẩu trang cho những người lớn sống và làm việc ở bãi rác đó. Nhóm còn lại đi sâu vào bãi rác tìm hiểu đời sống, trò chuyện với những người đang làm việc và ghi lại những hình ảnh sinh động nơi đó. Trước khi đi, DOJ Cố đã dặn dò kỹ lưỡng: nhớ mang theo ủng, trên xe còn
phát thêm khẩu trang. Thế nhưng khi đến nơi, một chút máu liều nổi lên và cũng để cảm nhận được nỗi khổ của người dân sống tại bãi rác đó, một số trong chúng tôi cứ mang giày, mang sandal, mang dép mà vào. Mùa khô, trời không mưa, đường vào bãi rác không sình lầy lắm đến nỗi không đi được. DOJM và DOJBY cùng nhau bước vào khám phá, tìm hiểu và cảm nhận cuộc sống của những cư dân bãi rác. Đến tận những túp lều họ ở, leo lên hai tường thành rác, đi sâu cả trăm mét vào tận cùng của bãi rác. Khói rác bay mịt trời. Ruồi bám vào chân, vào tay, ruồi bay đầy trời. Tôi cùng DOJ Bố trò chuyện, thăm hỏi những cư dân bãi rác. “Bác có khỏe không?”, “Mần ở đây lâu chưa?”, “Mần có đủ sống không?”… Họ, những cư dân bãi rác, trả lời thật chất phát, đơn sơ, mộc mạc: “Cũng khỏe ạ”, “Mần cũng lâu lắm rồi”, “Bữa đói, bữa no”. Có nhiều người mới vào đây làm, cũng có nhiều người làm ở đây cả chục năm trời. Bác Long, “trưởng lão” của bãi rác, hai tay bị cụt do chiến tranh, sống ở đây đã hơn mười mấy năm. Nhìn bác Long thật khó mà đoán biết được bác bao nhiêu tuổi. Da mặt nhăn nheo, giọng nói rõ ràng, trông có vẻ già trước tuổi. Hầu hết cư dân bãi rác, những người “bán mặt cho rác, bán lưng cho trời” đều như thế. Bác Long kể: “Vợ đã mất, hai con, một trai, một gái cũng kiếm sống ở bãi rác. Tối đến, bác ngủ ngay tại túp lều được dựng tạm bợ trên bức tường rác”. Cả ngày bác ăn, ở làm việc đều ở đó. Các con của bác Long đều đã lập gia đình có gia đình cả rồi. Bác ngậm ngùi: “Con tui đang mần ở đây, chắc cháu tui sau này cũng thế”. Bác Long kể với tôi về việc moi rác: Xe công ty chở rác đến, đổ vào bãi, thế là cả xóm rác bu vào bươi, moi, lượm tất cả những gì có thể bán được. Đồ đồng, đồ sắt bán có giá nhất, đồ nhựa cũng tốt, bao nylông thì bèo lắm. Mùa khô, mỗi ngày một người moi rác kiếm được từ 10.000 đến 20.000 đồng Việt Nam (khỏang 1-1.5 USD). Mùa mưa, cả bãi rác sình lầy, nhấc chân không nổi, việc moi rác cũng vì thế mà khó khăn hơn rất nhiều. Mùa mưa, nước nhiều, ruồi muỗi sinh sản khỏe, chúng bay là là dưới mặt đất tạo thành tấm thảm muỗi dày, đen kịt. Dường như những cư dân bãi rác có một sức đề kháng mãnh liệt trước bệnh tật. Họ không bao giờ bước chân tới bệnh viện, đau bệnh để trời lo, sống chết cũng bởi trời. Chị Lê, con gái đầu lòng bác Long, trông khá xinh, có hai con. Chị mong có một ngày nào đó “đổi đời” bằng một công việc khác. “Không có tiền, cũng chẳng biết làm gì, tới đâu hay tới đó”, Lê nhoẻn miệng cười khi tôi hỏi sao không tìm một việc gì khác để làm? Một nụ cười thật vô tư, nhưng đằng sau nó là cả một kiếp người. Thỉnh thoảng, khoảng ba bốn tháng, có khi lâu hơn có những đoàn thiện nguyện đến cho họ quần áo, gạo, lương thực. Chính quyền địa phương dường như cũng bất lực, để mặc họ kiếm sống trên rác. Bác Long bảo: “Lâu lâu
mấy ổng có xuống bắt về nhà, bảo là làm ở đây rất mất vệ sinh”. Nắng cũng đã lên cao, tôi hướng máy ảnh chụp vội những cư dân bãi rác. Có người nhoẻn miệng cười rất tươi, có người vội lấy nón lá che mặt, có người vội quay lưng đi. Tạm biệt những người lớn, chúng tôi lên xe đến khu vui chơi Ao Vuông, thị xã Trà Vinh để sinh hoạt tập thể với các em kiếm sống trên bãi rác đó. Có những mảnh đời bên bãi rác Trời cao thương khóc giọt mưa ngâu. Đó là hai câu thơ mà một người bạn tôi đã làm khi nghe kể về những kiếp người trên bãi rác. LM Martinô Nguyễn Bá Thông www.hayyeuthuongnhau.org
Một Chuyến Đi - Kỳ VII - Người Phu Quét Rác Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông
Bottom Line: Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn. Một tương lai đang mở ra trước mắt chị (Câu chuyện người quét rác) Cứ tối đến là Sài Gòn se se lạnh, cái lạnh nhẹ nhàng của mùa xuân cũng không làm cho một số người mát hơn chút nào. Mồ hôi họ vẫn chảy, tuy vậy họ vẫn bịt kín từ trên xuống dưới, ngay cả chân tay họ cũng không có chỗ nào hở.
Họ là ai? Thưa họ là những Người Phu Quét Rác. Họ che kín thân người, chắc là để cho cát bụi không bám vào các lỗ chân lông lúc nào cũng “rộng mở” cho mồ hôi chảy ra; họ bịt kín mặt mũi là để cho bụi đất, bụi đời, và bụi thời gian không thể len lỏi vào bên trong thân xác và cuộc sống của họ được; và cũng có thể để cho những kẻ qua đường, như chúng ta, không nhận ra họ là ai. Nhưng cuộc sống của họ giống cuộc sống Linh Mục của tôi một điểm (theo ý của riêng tôi – không phải là ý kiến chung của các Linh Mục) đó là: dẫu biết rằng hôm nay có quét sạch bụi đời, thì ngày mai mình cũng phải quét lại; dẫu có làm sạch bây giờ thì trong giây lát sẽ có người làm dơ bẩn. Nhưng mặc kệ, ai xả cứ xả, còn chúng tôi quét dọn vẫn cứ quét dọn! Họ dọn sạch đường cho tôi và bạn đi! Tôi dọn sạch tâm hồn cho bạn thênh thang!!! Tuy vậy giữa hai cuộc sống tưởng chừng như khá giống nhau đó, lại có một điều vô cùng khác nhau: Tôi được tôn trọng (ít ra cũng được người khác gọi bằng cha), còn họ bị người khác nhìn khinh khi. Cho nên tối hôm nay trước khi đi tìm trẻ bụi đời, tôi tìm đến họ. Tôi bao một chiếc honda ôm cho 2 tiếng đồng hồ với giá 150 ngàn đồng và lên đường tìm những người phu quét rác. Cứ gặp ai thì tôi bảo anh lái xe Honda dừng lại, tôi đến cạnh họ, nói chuyện và chúc mừng năm mới rồi lì xì cho họ 50 ngàn đồng. - Chào chị! Tôi tiến lại và nói to để chị có thể nghe. Chị dừng đôi tay đang thoăn thoắt đưa cái chổi trên mặt đường nhìn tôi có ý thăm dò nhưng không nói gì. Tôi liền nhắc lại vẫn một câu nói đã thuộc nằm lòng từ nãy tới giờ, và đã được lặp đi lặp lại cho bao nhiêu người: - Em cám ơn chị đã dọn sạch đường phố cho mọi người trong những ngày giáp tết. Cám ơn chị vẫn âm thầm làm việc không kể nắng mưa. Em muốn tặng chị một chút quà để thay lời cám ơn. Vừa nói tôi tôi vừa đưa cho chị một cái phong bì trong đó có 50 ngàn. - Cám ơn em, chị cầm lấy và nói. - Cám ơn chị, chúc chị một năm mới bình an trong tâm hồn và xin Thiên Chúa chúc lành cho chị! Nói xong tôi lên xe Honda tính tiếp tục lên đường. Xe vừa chồm bánh thì tôi nghe tiếng chị gọi.
- Em ơi, em ơi, cho chị hỏi cái. - Dạ chị gọi em. Tôi trả lời, bảo anh tài xế dừng xe rồi bước xuống xe quay lại bên chị. - Em có phải là người Công Giáo không? - Dạ phải. Nghe tới đó chị từ từ gỡ đôi găng tay, gỡ cái mũ, gỡ khẩu trang và tôi nhìn thấy nước mắt chị đang rơi trên khuôn mặt mà có lẽ tôi phải gọi là cô mới đúng. Chị nói: - Chị làm nghề này đã được 30 năm, từ ngày “giải phóng.” 30 năm quét rác, chưa có một người qua đường nào nói với chị một điều tốt lành, chứ đừng nói tới việc họ cám ơn chị. Họ nhìn chị với một con mắt khinh khi và ghê ghét. Chị đâu phải là người thất học. Năm giải phóng thì chị đang chuẩn bị thi tú tài toàn. Một tương lai đang mở ra trước mắt chị… Nói tới đó chị dừng lại đưa bàn tay đầy bụi bặm lên lau nước mắt. Thấy vậy tôi vội móc túi lấy cái khăn mùi xoa đưa cho chị. Chị cầm lấy cám ơn tôi lau nước mắt rồi nói tiếp. - Nhưng thế thời thay đổi và chị đã trở thành người phu quét rác 30 năm nay. Chị đã nhận được bao nhiêu lời chế diễu, bao nhiêu lời xúc phạm và bao nhiêu lời có thể nói là chửi mắng từ những đứa trẻ choai choai chỉ đáng tuổi làm con của chị. Có những lúc vô tình, hay cũng có thể là bụi nhiều quá, nên khi chị quét rác thì bụi bay mịt mù nên những người chạy xe qua đường nhìn chị xỉa xói hay nói những câu đại loại như “Quét nhẹ tay một chút” hay “Đui sao không thấy bụi bay ngất trời.” Chị nói như trút bầu tâm sự với một người mà tưởng chừng đã thân quen. Tự dưng tôi cảm nhận được cái cảm giác mà những ngày đầu tiên qua Mỹ khi không biết một chữ tiếng anh mà đi đâu gặp một người biết nói tiếng Việt thì mừng lắm. Cứ bám chặt vào nói chuyện như đã quen biết từ lâu. Có thể chị chưa tìm được “người công giáo” nào để chia sẻ nên giờ có tôi chị như bắt phải cái phao. Thế là tôi dìu chị vào lề đường, tôi ra hiệu cho anh chạy Honda đi về trước và tôi ngồi xuống bên chị. Chi lại lau nước mắt kể tiếp: - Chị cũng người công giáo! Nhiều khi chị đi làm về là sáng, chạy vội vào đi lễ không kịp tắm rửa, chị biết là chị không thơm tho nên đâu dám vào trong nhà thờ chỉ dám đứng xa xa, vậy mà cũng không ai dám đứng gần chị. Họ có lỡ đến gần rồi họ cũng bỏ đi. Thôi kệ chị đến với Chúa mà, nếu không thì chị mất Lễ Chủ Nhật. Nhưng chị khổ nhất là chị không dám xếp hàng lên rước
Chúa vì những người chung quanh chê chị hôi...
Chị nói tới đây thì tôi cầm lấy tay chị mà nước mắt bắt đầu rơi. Tôi khóc vì hạnh phúc với niềm tin quá ư là lớn lao của chị. Và tôi cũng khóc cho niềm tin mỏng giòn của tôi chưa dám đặt Thiên Chúa lên hàng đầu. Và tôi cũng khóc cho các bạn nữa, thật đấy. Tôi khóc vì chúng ta đang sống trong một thế giới tự do và đầy đủ nhưng lại có những lý do để từ chối đến với Chúa ngày Chủ Nhật… Ôi tôi thật thấy hổ thẹn với lòng mình, với chị và với Chúa. - Sao em khóc vậy? Chị kéo tôi về với thực tại - Em không sao. Em chỉ phục Đức Tin quá lớn lao của chị vào Thiên Chúa, trong khi đó em được Chúa ban cho rất nhiều mà không tin được như chị. Em thấy mắc cỡ thôi. - Mỗi người có một hoàn cảnh em à. (Chị an ủi tôi). Niềm tin của chị càng vững hơn khi người khác càng khinh khi chị - vì chị biết Chúa yêu thương chị nhiều lắm khi nhìn thấy người ta khinh con của Chuá như vậy. Chị dứt lời thì tim tôi đau nhói. Không phải bởi vì cái bệnh tim của tôi mà vì chị đã dạy tôi một bài học thật đến không thể thật hơn được nữa. Tôi quyết định thú nhận với chị. - Chị có tin không? Em là một Linh Mục đó!
- Cha… Cha… Cha… Chị nấc lên từng tiếng trong ngỡ ngàng và nghẹn ngào. Con xin lỗi cha, con không biết Cha là Cha. Cha tha lỗi cho con. Vừa nói chị vừa qùy xuống như van nài tôi. - Không có gì đâu chị. Em phải xin lỗi chị mới đúng chứ! Vừa nói tôi đỡ chị trở lại vị trí ngồi bên tôi và chúng tôi ôm nhau khóc. Vâng, chị khóc và tôi cũng khóc. Chúng tôi khóc giữa lòng đời mặc cho bao người qua lại soi mói. Khóc cho nỗi đau khổ của cuộc đời, những trớ trêu của nó, và cho cả hai thân phận lẻ loi trong những đêm cận tết. Nhưng có cuối cùng cũng phải xác nhận là chị khóc là bởi vì chị đang hạnh phúc. Chị hạnh phúc vì chị cảm thấy có người hiểu được và cám ơn công việc quét rác của chị, và chị cảm thấy được yêu thương, một tình thương không vụ lợi. Còn tôi khóc vì… tôi khóc và cảm thấy xấu hổ. Đơn giản thế thôi, không thể giải thích được, mà tôi nghĩ là cảm xúc dâng ngập con tim nhỏ bé và tràn ra trên khoé mắt. Chút Suy Tư: Nhà thơ Nghiêm Xuân Cường có viết để diễn tả những giọt nước mắt rơi của hai kiếp người trong tác phẩm “Vô cớ lệ rơi” như sau: Vì đâu mắt lệ chứa chan Một màn sương bỗng giăng ngang giữa trời Kiếp người - cũng một kiếp người Mẹ ơi sao có người cười, kẻ đau Một phương nắng đẹp muôn mầu Một phương cô quạnh u sầu nát tim Nơi đây gió lặng trời êm Mà sao chốn ấy đạn bom hãi hùng Bể dâu, dâu bể chập chùng Mẹ ơi nghĩ đến mà lòng xót xa Xót cho nguời, xót cho ta Trăm năm một kiếp, nở hoa mấy mùa. Vâng Chúa ơi, cũng một kiếp người mà sao “có người gục ngã đau thương” nhưng lại có niềm tin vào Chúa như thế. Trong khi đó trong xã hội Mỹ chúng con đang sống thì cũng một kiếp người mà sao “có người hạnh phúc hân hoan” nhưng tâm hồm họ thì đã xa Chúa lắm rồi. Xin cho con và cho những kiếp người đã được Chúa chúc lành nhiều hơn những kiếp người khác biết chia sẻ những gì Chúa đã ban cho chúng con với những kiếp người không may mắn bằng chúng con và nhất là cho chúng con biết xây dựng ngôi nhà của chúng con trên nền tảng vững chắc là niềm tin vào Chúa bằng cách sống niềm tin đó trong đời sống hàng ngày.“ Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây
mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.” (Mt 7:24, 26) LM Martinô Nguyễn Bá Thông www.hayyeuthuongnhau.org
Một Chuyến Đi - Kỳ VIII - Thay Lời Kết Người viết: LM Martino Nguyễn Bá Thông
Đã hơn 10 năm nay, tôi lang thang làm người “bụi đời” và đôi khi làm một “hành khất” để hiểu và yêu thương những mảnh đời bất hạnh hơn. Cứ hàng năm, tôi dùng các ngày “vacation” mà mình có để lang thang và cũng để “nghỉ ngơi!” Thật đấy! Cứ sau những chuyến đi như vậy cho dù thân xác tôi có mệt mỏi nhưng tinh thần tôi sảng khoái và dâng cao lắm. Tôi không biết tôi cho các em được bao nhiêu, nhưng tôi nhận được rất nhiều. Tôi nhận được cả một NGHỊ LỰC cho cuộc sống và Ý CHÍ VƯƠN LÊN!
Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này cũng là lúc tôi chuẩn bị quần áo để sáng mai lên đường đi Haiti - Một nước vùng Châu Mỹ Latinh. Tôi đi Haiti một tuần là để sống và cũng là để tìm hiểu cuộc sống “rừng rú” của một Giáo Xứ được Giáo Xứ của tôi (ở Mỹ) bảo trợ là anh em! Giáo Xứ này nằm sâu trong rừng nên để đến được thì phải đi bộ khoảng 4 cây số từ bìa rừng vào. Xe đạp và xe Honda không đi được, chỉ có xe thồ thôi. Tôi sẽ hầu chuyện cùng qúy vị khi trở về! Bạn thân mến, Nhìn lại cũng đã hơn 35 trang đánh máy để chia sẻ với các bạn với tất cả tâm tình chân thật của cuộc sống. Chắc rằng sau khi đọc hết những chia sẻ rất thực của tôi, bạn đã bớt thắc mắc phần nào và có nhiều câu hỏi của bạn đã được trả lời. Nhưng dù sao thì tôi tin rằng bạn vẫn còn rất nhiều thắc mắc vì cứ số lượng emails tôi nhận được đã nói lên điều nay. Nay tôi xin tâm sự với bạn một chút tâm tư và suy nghĩ của tôi nhé! Có người email hỏi tôi: “Sao cha không đi đến các trung tâm mà cứ lang thang ở ngoài đường, cha có hợp tác với tổ chức từ thiện nào không?”
1. Tôi lang thang là để tìm các em, tìm những trẻ thơ bị xã hội bỏ quên, và tìm những con người không ai “muốn” tìm tới. Tôi vẫn biết các trẻ mồ côi trong các trung tâm cũng cần được sự chăm sóc và giúp đỡ, hay các người già neo đơn trong các viện người già v.v... nhưng ít nhất những người đó còn có hơn những đứa trẻ lang thang. Hơn các trẻ lang thang vì ít nhất họ cũng có một mái nhà, cho dù rách nát . Mỗi người được Chúa ban cho một ân sủng và tài năng, cũng như được Chúa gọi để làm một việc khác nhau. Tôi xác nhận ơn gọi của tôi là làm việc với trẻ lang thang bụi đời, nên đó là việc tôi làm. Tôi không dám ôm đồm nhiều chương trình vì biết sức mình có hạn. 2. Tôi vẫn hợp tác với rất nhiều tổ chức và nhóm từ thiện đấy. Từ các nhóm từ thiện nhỏ ở Việt Nam đến các dòng tu ở VN và ngay cả các nhóm từ thiện ở Mỹ và Âu Châu. Nhưng như tôi đã xác định với các bạn ở trên, tài sức tôi có hạn nên tôi chỉ hợp tác với các chương trình liên quan đến trẻ mồ côi đường phố thôi! Lửa Việt là nhóm mà tôi làm việc và hợp tác nhiều nhất trong những năm qua! Lại có người hỏi tôi: “Tại sao cha biết bị đánh mà lại cứ đi?” Bạn ơi, thật sự nếu biết chắc là “đi để bị đánh” thì tôi không đi đâu! Tôi đâu có dại đến thế. Này nhé tôi đã lang thang với trẻ bụi đời cả 10 năm nay, nhưng có bị đánh bao giờ đâu, tuy cũng có nhiều nguy hiểm. Lần này tôi bị đánh vì bị cướp là vì tôi mang tiền theo để lì xì thôi! Mọi lần trước tôi đến sống với họ rồi sau đó quay lại cho quà rồi đi nên an toàn, không bị đánh! Thế bạn sẽ hỏi: “Sao lần này cha không làm vậy?” - Thưa bởi vì tôi không có thời gian và với lại tôi phải đi nhiều nơi và phát nhiều phong bì lì xì. Cái quan trọng là tôi đến với họ bằng cả tình thương và họ cũng yêu tôi lại bằng cả tình yêu (qúy vị có nhớ người phu quét rác không? Các em nhỏ đi hát karaoke với tôi không?) Tất cả họ đều thương yêu tôi! Tôi bị đánh là bởi vì một số phần tử xấu thôi, không phải vì các em đâu, đừng nghĩ xấu cho các em mà tội nghiệp! Lại người khác hỏi: “Cha có còn đi như vậy nữa không?” Có chứ bạn, nhưng sẽ “khôn” hơn một tí! Nhất định sẽ khôn hơn - sẽ không cầm tiền theo đâu! Mỗi năm tôi vẫn sẽ đi, bạn có muốn đi cùng tôi không? Các em sẽ rất vui khi có thêm một người đến thăm các em đó! Lời Tâm Huyết
Đã hơn 10 năm nay, tôi lang thang làm người “bụi đời” và đôi khi làm một “hành khất” để hiểu và yêu thương những mảnh đời bất hạnh
hơn. Cứ hàng năm, tôi dùng các ngày “vacation” mà mình có để lang thang và cũng để “nghỉ ngơi!” Thật đấy! Cứ sau những chuyến đi như vậy cho dù thân xác tôi có mệt mỏi nhưng tinh thần tôi sảng khoái và dâng cao lắm. Tôi không biết tôi cho các em được bao nhiêu, nhưng tôi nhận được rất nhiều. Tôi nhận được cả một NGHỊ LỰC cho cuộc sống và Ý CHÍ VƯƠN LÊN! Tôi đã lang thang với trẻ bụi đời từ Đô Thành Ánh Sáng Pari, từ Luân Đôn cho đến Washington, từ Tây Âu qua Đông Âu, từ Nam Mỹ cho đến các vùng Amazon hẻo lánh. Từ Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan cho đến Calcuta, Ấn Độ, nơi Mẹ Á Thánh Têrêsa thành lập ngôi nhà đầu tiên. Bạn thân mến, Tôi lang thang cùng sống với các em là để “hiểu” và có thể “yêu” các em nhiều hơn. Tiếng Việt của mình có câu “Vô tri thì bất mộ!” Không gặp, không biết, không sống thì làm sao có thể yêu được. Tôi muốn yêu các em nên tôi cần phải sống để hiểu các em! (Cũng như bạn yêu ai, trước khi tiến tới hôn nhân thì phải tìm hiểu tính tình và hoàn cảnh sống của người đó). Tôi yêu các em đến độ tôi muốn cả đời này được cùng sống với các em dưới một mái nhà, và nhận các em làm gia đình của tôi! Vì một ngày nào đó khi Bố Mẹ tôi được Chúa gọi về, tôi cũng chẳng còn ai. Tôi là con một. Xin qúy vị cầu nguyện cho tôi và các em, để nếu đó là Thánh Ý Chúa, thì chính phủ Việt Nam sẽ cho phép chúng tôi mở một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi lang thang! Chúng tôi đang xúc tiến việc xin phép! Uớc mong điều đó “thuận buồm xuôi gió!” Mong lắm thay! Mục đích của tôi khi viết lên những chia sẻ có thật này không phải để cho qúy vị thương xót hay thương hại tôi, hay đánh giá về con người của tôi và những người liên quan trong các sự việc - từ những người đồng hành với tôi, những người cơ nhỡ mà chúng tôi đã gặp gỡ, cho đến những người vì hoàn cảnh sống đã làm những điều không tốt; nhưng là để cho mỗi người chúng ta nhìn ra rằng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quá nhiều và có bao nhiêu người kém may mắn vẫn còn chung quanh ta. Ước rằng chúng ta hằng luôn biết cảm tạ Chúa và dám chia sẻ những quà tặng của Thiên Chúa với những người chung quanh. Xin cám ơn qúy độc giả đã cùng đồng hành với tôi trong suốt “Một Chuyến Đi” vừa qua, và mong qúy độc giả tiếp tục đồng hành với tôi trong “Đời Thường Linh Mục” mà tôi sẽ viết để chia sẻ cùng qúy vị những công việc của một Linh Mục trong công việc mục vụ hàng ngày. Xin chào, và nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa ở cùng qúy độc giả! (Viết xong thứ tư ngày 18 tháng 4 năm 2007) LM Martinô Nguyễn Bá Thông www.hayyeuthuongnhau.org