TIN TỨC MỚI NHẤT VỀ LINHMỤC TAĐÊÔ NGUYỄN VĂN LÝ Phóng viên FNA tường trình từ Huế 27-07-2008 Hôm 09-07-2008 mới rồi, anh Nguyễn Công Hoàng, cháu gọi linh mục Nguyễn Văn Lý bằng chú ruột, đã từ Quảng Biên, Đồng Nai, đem vợ và 3 con nhỏ đi thăm vị tù nhân lương đang bị giam tại trại tù Ba Sao, Nam Hà, tỉnh Hà Nam. Họ ra đến thị xã Phủ Lý lúc 5g30 sáng ngày thứ tư (09-7-2008). Xuống xe tốc hành, họ thuê xe taxi lên trại và tới cổng lúc 6g30'. Khi cậu công an bảo vệ đang ghi danh sách khách thăm nuôi thì chiếc taxi chở họ đã vội quay trở ra. Cậu công an hỏi số xe, anh Hoàng trả lời: "Tôi đâu có biết, tôi kêu thì họ chạy chứ ai để ý số xe làm chi!" Sau đó họ được cho xách hành lý vào nhà khách chờ. Đi lui tới trong sân nhà khách khá lâu. Lúc này chưa có ai lên thăm nuôi cả. Khoảng 7g15’ có một viên công an ra, đưa tờ giấy "kê khai quà gởi thăm nuôi phạm nhân". Lúc 7g30', người thường xuyên dẫn linh mục Lý ra vào thăm gặp thân nhân từ trước đến nay, kể cả đợt tù 20012005 là trung tá Nam xuất hiện và mời tất cả 5 người vào trong khu thăm gặp đặc biệt, y như mọi lần. Ngồi chờ đến 7g45' thì thấy cha Lý đi ra cùng ông Nam. Các cháu vội chạy tới ôm chầm lấy "Ông Lý" và tất cả cùng nhau vào phòng thăm gặp. Vẫn bộ đồ trắng sọc đen như các lần trước. Cha mở đầu bằng nụ cười rạng rỡ như thủa nào và lên tiếng: "Chúng cháu tưởng ông ở đây buồn lắm sao? Không! Ông không buồn vì có Chúa Kitô Phục sinh ở
với ông. Có Chúa ở với mình thì làm sao mà buồn được!" Cha bắt đầu giải thích cách ung dung cho 3 cháu nhỏ hiểu lý do tại sao cha bị giam ở đây và phải mang bộ đồ này: "Họ bắt giam ông vì ông chống lại luật pháp ở VN. Luật pháp ở VN đi ngược lại Công ước quốc tế, với bản Hiến chương LHQ mà VN đã gia nhập và ký công nhận; và ông đấu tranh cho luật pháp ở VN phải phù hợp với Công ước quốc tế. Họ nói ông làm thế là "có tội", vì vậy họ bắt ông…." Sau đó, quay sang chuyện học hành của các cháu, cha Lý nói: "Cháu chắt nhà mình không thể tiến xa được, vì chương trình học nặng về "đạo đức cách mạng", mà mình thì có hiểu và sống theo thứ đạo đức đó được đâu mà thăng với tiến!!! Thời gian này, ông có xem các chương trình truyền hình "đố vui để học" của nhà nước thì thấy trong các chương trình đó, các câu hỏi về xã hội chủ nghĩa, đạo đức cách mạng chiếm gần một nửa rồi! Thật là vô bổ!" Rồi như để giải độc cho mấy cháu yêu, cha Lý trình bày vắn tắt cho chúng nghe về lịch sử đạo Công giáo tại VN, với thời gian bị bắt đạo lúc sơ khai, các chứng nhân đã dùng mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Kitô Phục sinh như thế nào... Tay cán bộ Nam chỉ biết trơ mắt nhìn, chẳng dám phản ứng gì cả! Sau đó anh Hoàng đưa vài thông tin về bà con ruột thịt, thông tin về hiện tượng tại linh đài La Vang, Quảng Trị hôm 13-6-2008, lúc phái đoàn Tòa thánh đang dâng lễ (hiện tượng mặt trời chói chan bỗng dưng dịu lại và có vầng sáng bao quanh, x. xem bản tin trên nhiều trang mạng), về chuyện tranh đấu của giáo xứ Sáo Cát đã thành công (lấy lại được ngôi trường), về thông điệp của Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô 16 gởi cho Giáo hội, nói đến Niềm hy vọng cứu rỗi, trong đó ĐGH đã nêu tấm gương của Thánh Tử đạo Lê Bảo Tịnh và cố Hồng y Nguyễn văn Thuận (bức thông điệp nêu 5 vị gương mẫu, trong đó Việt Nam đã chiếm 2), về hồ sơ phong chân phước cho cố Hồng y Thuận. Anh còn nói tiếp chuyện các cộng đoàn Công giáo ở Đức xin cha Lý dâng lễ cầu nguyện cho họ, chuyện vị nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đang vận động cho cha được giải Nobel Hòa bình năm nay….. cũng như chuyện nhiều tổ chức nhân quyền đang vận động cho cha các giải khác. Anh cũng chuyển lời thăm hỏi của 2 vị Giám mục Giáo phận Huế, của vô số bạn bè thân hữu trong và ngoài nước đến cho cha.
Đáp lại, linh mục Lý hỏi thăm về anh Nguyễn Phong, anh Nguyễn Bình Thành, luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân và nhiều thân hữu khác. Nghe biết luật sư LTCN không chịu đi Mỹ,
cha nói: "Như vậy là tốt, đấu tranh muốn hiệu quả phải ở ngay trong lòng chế độ! Ngoài ra, cho đi như thế là trục xuất chứ có phải là trả tự do đâu!"…. Đoạn cha nhắn nhủ gia đình và các cháu hãy chịu khó đi thăm cha thêm 6-7 năm nữa rồi cha về chứ cha không đi đâu hết (Bộ công an cách đây vài tháng có đến đề nghị trả tự do cho Linh mục nếu Linh mục chịu ra nước ngoài). Cha kính gởi lời cám ơn tất cả bà con bạn hữu xa gần, kính chuyển lời xin Đức Tổng giám mục Huế tiếp tục cầu nguyện nhiều cho cha, cha chỉ thiếu một điều là lời cầu nguyện của tất cả. Còn về các giải thưởng, linh mục Lý xin cám ơn những ai đã quan tâm ủng hộ vận động và trao tặng cho cha, chứ cha "cảm thấy không xứng, một ao ước đời mình chỉ như giọt sương mong manh cho ngọn cỏ tươi mát, chỉ như tấm giẻ rách chùi sạch đồ dùng và chỉ như cái chổi cùn quét dọn rác rưởi trong căn nhà mà thôi". Hiện nay, nhìn bề ngoài thì thấy linh mục Lý mập mạp, nhưng sắc da lại không hồng như các lần trước mà có phần đen đen! Linh mục ăn chay mỗi tuần vào ngày thứ 6, và các ngày mồng 1, 8, 15 hằng tháng để cầu nguyện cho nhân quyền, cho dân chủ, cho tự do, cho Giáo hội cũng như Quê hương VN. Tuy nhiên cha cho biết mình không thể tuyệt thực được 2 ngày vì vào ngày thứ 2 là vùng phổi sẽ nóng ran lên chịu không được. Khi đang nói chuyện, thì ông Nam đưa tờ giấy kê khai nhận quà ra, linh mục Lý gạch bỏ dòng chữ "phạm nhân" và viết lại “tù nhân lương tâm” rồi ghi họ tên và ký vào đó. Cha khẳng định: "Chú đã tuyên bố với trại: nếu có phái đoàn ngoại quốc nào vào thăm thì chú chỉ ra thăm gặp với điều kiện không mang áo tù và vào phòng không treo hình ảnh ông HCM, vì ông này có nhiều vấn đề phải làm sáng tỏ! Bằng không thì chú chẳng gặp. Vì trước đây chú đã trại lừa 1 lần rồi. Và đến nay chú cũng không ký nhận tội gì hết!!!". Hơn 60 phút trò chuyện, ông Nam bắt đầu nhắc hết giờ thăm nuôi, nhưng linh mục Lý vẫn bình thản ngồi tiếp tục tâm sự. Phải thêm 2 lần nhắc
nữa, cha mới đồng ý đứng lên từ giã gia đình đứa cháu ruột. Thời gian nói chuyện tổng cộng kéo dài gần 90 phút! Lần này thì chỉ có 1 mình ông Nam ngồi ghi chép ở bàn bên cạnh chứ không có cán bộ trại giam kè kè sát bên vị tù nhân lương tâm như các lần trước. Trở ra cổng để về, các cháu nhỏ nói với anh Hoàng: "Ông công an đó cũng sợ Ông Lý của mình nữa ba ạ!" Cả gia đình ra xa khỏi cổng mới gọi xe taxi (vì không muốn cho công an ghi số xe) rồi vừa đi tản bộ vừa chờ xe lên đón. Họ đi bộ khoảng 2 km, xe mới lên đón về Phủ Lý. Ngay trưa hôm đó, họ mua vé về lại nhà ở Quảng Biên, Đồng Nai. Phóng viên FNA tường trình từ Huế 27-07-2008