Gioan Maria Vianney

  • Uploaded by: VSL Regional Vicariate
  • 0
  • 0
  • June 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Gioan Maria Vianney as PDF for free.

More details

  • Words: 7,200
  • Pages: 9
THÁNH LINH MỤC GIOAN MARIA VIANNEY CHA SỞ HỌ ARS GƯƠNG MẪU CÁC LINH MỤC + GIOAN PHAOLÔ II, GIÁO HOÀNG

Tâm thư của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II gửi các Linh Mục

1. THỨ NĂM TUẦN THÁNH, NGÀY LỄ CỦA CÁC LINH MỤC Anh em linh mục thân mến, Lại một lần nữa, chúng ta gần đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày Đức Kitô thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đồng thời thiết lập chức linh mục thừa tác của chúng ta. Đức Kitô “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng”. Vị Mục Tử nhân lành trao nộp mạng sống vì con chiên. Người cứu vớt loài người, hòa giải họ với Chúa Cha và đưa dân họ vào hưởng đời sống mới. Còn đối với các tông đồ, Người ban tặng cho các ông mình Người sắp bị trao nộp vì các ông, và máu Người sắp đổ ra vì các ông, để làm lương thực. Đối với tất cả các Kitô hữu, ngày này hằng năm thật là ngày trọng đại. Theo gót các môn đệ tiên khởi, các Kitô hữu đến thông hiệp mình và máu Đức Kitô trong phụng vụ ban chiều, phụng vụ thể hiện lại bữa Tiệc Ly. Các Kitô hữu đón nhận di chúc Chúa để lại là yêu thương huynh đệ để hướng dẫn tất cả cuộc đời của họ; rồi họ bắt đầu canh thức với Người để kết hiệp với Cuộc khổ Nạn của Người. Chính anh em sẽ là những người qui tụ và hướng dẫn họ cầu nguyện. Nhưng thưa anh em Linh mục thân mến, ngày này còn là ngày đặc biệt trọng đại đối với chúng ta: đây là ngày lễ của các linh mục. Đây là ngày khai sinh ra chức linh mục của chúng ta: tham dự vào chức tư tế độc nhất của Đức Kitô, Đấng Trung Gian. Trong ngày này, tất cả các linh mục trên thế giới được mời đồng tế với vị Giám mục của mình, và cùng lặp lại những lời hứa liên quan đến những bổn phận của đời linh mục: phục vụ Đức Kitô và phục vụ Hội thánh của Người. Anh em biết, trong dịp này, tôi cảm thấy mình ở gần mỗi người trong anh em một cách đặc biệt. Và cũng như mọi năm, để tỏ một dấu chỉ việc chúng ta hiệp nhất trong chức linh mục, do lòng tôi quý mến anh em và nhiệm vụ của tôi là giúp tất cả anh em kiên vững trong việc phục vụ Chúa: tôi xin gửi đến anh em lá thư này, để giúp anh em khơi dậy Hồng Ân cao cả anh em đã nhận được qua việc đặt tay. Chức linh mục thừa tác là phần của chúng ta. Chức linh mục đó ghi vào tất cả cuộc đời chúng ta một dấu ấn việc phục vụ rất cần thiết và rất đòi hỏi: phục vụ ơn cứu độ các linh hồn. Chúng ta có một số rất đông những người anh đi trước làm gương cho chúng ta.

2. GƯƠNG MẪU CÓ MỘT KHÔNG HAI: CHA SỞ ARS Một trong những người đi trước, những vẫn còn hiện diện rất rõ trong ký ức của Hội thánh, và sẽ được tưởng niệm đặc biệt trong năm nay, năm kỷ niệm sinh nhật thứ 200 của Người, đó là THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY, Cha sở họ ARS. Tất cả chúng ta ao ước dâng lời tạ ơn Đức Kitô, Vị Thủ lãnh các mục tử, vì Người đã cho toàn thể Hội Thánh và trước tiên cho chúng ta, những linh mục, một mẫu gương phi thường về đời sống và về việc phục vụ trong đời linh mục, là cha sở ARS. Có biết bao nhiêu người trong chúng ta đã chuẩn bị để tiến tới chức linh mục, hoặc ngày hôm nay đang thi hành chức vụ cha sở đầy khó khăn, đã đưa mắt nhìn lên thánh Gioan Maria Vianney! Tấm gương sáng của người không thể bị rơi vào quên lãng. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến chứng tá của Người, lời chuyên cần của Người, để có thể đương đầu với những hoàn cảnh của thời đại chúng ta. Thời đại mà cho dù có một vài dấu chỉ báo hiệu niềm hy vọng, việc loan báo Tin mừng vẫn còn gặp khó khăn bởi việc tục hóa ngày càng có chiều hướng tăng triển. Thời đại trong đó người không còn nhìn thấy những viễn cảnh Nước Thiên Chúa. Trong đó, thường thường người ta quá lo lắng về phương diện xã hội, về những mục tiêu trần gian, thậm chí cả trong công việc mục vụ cũng thế. Thế kỷ trước, Cha sở ARS đã phải đương đầu với các khó khăn, có thể là có khuôn mặt khác, nhưng không phải là kém trầm trọng. Qua đời sống và hoạt động, Người đã lập nên cho thời đại của Người như thế một thách đố lớn mang lại kết quả là việc hoán cải lạ lùng. Hẳn là ngày nay, Người vẫn còn trình bày cho chúng ta cái THÁCH ĐỐ LỚN MANG TÍNH CÁCH TIN MỪNG ĐÓ. Bây giờ đây tôi mời anh em suy gẫm về chức vụ linh mục của chúng ta trước vị mục tử có một không hai, vừa cho chúng ta gương sáng về việc chu toàn chức vụ linh mục, vừa cho thấy sự thánh thiện của thừa tác viên. Anh em biết, cha Gioan Maria Vianney qua đời ở ARS ngày 4 tháng 8 năm 1859, sau khoảng 40 năm làm việc tận tâm tận lực. Người hưởng thọ 63 tuổi. Khi vừa đến nhận nhiệm sở là giáo xứ ARS, nơi đây còn là một làng quê ít được người ta biết tới, thuộc giáo phận LYON. Ngày nay đây được gọi là BELLEY. Nhưng đến cuối đời của Người, người ta từ khắp nước Pháp tuôn về đây. Và sau khi Người được gọi về với Chúa, danh tiếng thánh thiện của Người đã mau chóng kéo sự chú ý của Hội thánh toàn cầu. Thánh Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Người lên bậc Chân Phước năm 1905, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên phong Hiển Thánh cho Người năm 1925, rồi năm 1929 lại tôn phong Người làm Quan Thầy của Cha sở trên khắp thế giới… Vào dịp kỷ niệm đệ nhất bách chu niên ngày Người qua đời, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã viết Tổng thư NOSTRI SACERBOTII PRIMITIAS để giới thiệu cha sở ARS như một gương sáng về đời sống và tu đức linh mục, mẫu gương về lòng đạo đức và tôn thờ Thánh Thể, mẫu gương nhiệt thành với việc mục vụ, trong chiều hướng những nhu cầu của thời đại chúng ta. Ở đây, tôi chỉ muốn anh em chú ý đến một vài phương diện chính yếu giúp anh em khám phá hơn nữa và sống hơn nữa chức vụ linh mục của chúng ta.

ĐỜI SỐNG PHI THƯỜNG CỦA CHA SỞ ARS 3. Ý CHÍ KIÊN CƯỜNG CHUẨN BỊ CHO CHỨC VỤ LINH MỤC Trước hết, cha sở ARS là mẫu gương về ý chí của những người chuẩn bị tiến đến chức linh mục. Biết bao thử thách liên tiếp lẽ ra phải làm cho Người chán nản. Những hậu quả của cuộc cách mạng, thiếu thốn về giáo dục do môi trường thôn quê, tính do dự của thân phụ, nhu cầu góp phần trong việc lao động đồng áng. Những bấp bênh trong thời gian quân địch và nhất là cho dù có trí hiểu trực giác và bén nhạy. Khó khăn lớn nhất của Người là học và nhớ, và vì thế khó có thể theo những lớp thần học ở Chủng viện Lyon. Thế những ơn gọi của Người được nhận thức, năm 29 tuổi, Người được thụ phong linh mục. Qua sự kiên trì làm việc và cầu nguyện, Ngài đã lướt thẳng tất cả những trở ngại hoặc giới hạn, cũng như sau này, nhờ đó mà Người có thể chuẩn bị những bài giảng công phu hoặc tiếp tục đọc những tác phẩm của các nhà thần học và các tác giả thiêng liêng

vào buổi tối. Ngay từ thời còn trẻ, Người đã có một ao ước mãnh liệt, đó là “đưa về cho Thiên Chúa nhân lành nhiều linh hồn” bằng cách làm linh mục. Người đã được cha sở ECULLY gần đó tín nhiệm, không nghi ngờ về ơn gọi của Người và đã nhận một phần lớn trách nhiệm trong việc giúp Người chuẩn bị. Quả đây là một mẫu gương can đảm cho những ai ngày hôm nay nhận biết ơn được gọi làm linh mục. 4. CHIỀU SÂU: YÊU MẾN CHÚA KITÔ VÀ YÊU THƯƠNG CÁC LINH HỒN Cha sở ARS là gương mẫu cho các mục tử về lòng nhiệt thành của người linh mục. Bí quyết lòng quảng đại của Người là lòng YÊU MẾN THIÊN CHÚA. Điều đó được thể hiện tối đa trong cuộc đời, thường xuyên đáp lại tình yêu đã được biểu lộ nơi Đức Kitô chịu đóng đinh. Người đã đặt nền tảng cho lòng ao ước làm tất cả để cứu các linh hồn đã được Chúa Kitô chuộc về bằng một giá rất đắt và đưa họ về với tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhớ một trong những câu nói lên bí quyết của Người “Chức linh mục, đó là tình yêu của thánh Tâm Chúa Giêsu”. Trong các bài giảng và các bài Giáo lý, bao giờ Người cũng hay nói đến tình yêu ấy. “Lạy Chúa, con ao ước thà chết vì yêu mến Chúa còn hơn sống mà chỉ dù một khoảnh khắc không yêu mến Chúa… Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là Đấng Cứu Độ, bởi vì ngài đã chịu đóng đinh vì con … bởi vì Ngài đã cho con được chịu đóng đinh để phục vụ Ngài”. Vì Chúa Kitô, Người cố gắng rập theo từng chữ những đòi hỏi căn bản mà Đức Giêsu đã đề ra trong Tin mừng cho các môn đệ. Khi Người phái các ông đi truyền giáo: đó là cầu nguyện, sống nghèo khó, khiêm tốn, từ bỏ mình, hãm mình tự nguyện. Và noi gương Đức Kitô, Người cảm thấy lòng yêu mến các con chiên của Người. Lòng yêu mến đó đã khiến Người dấn thân làm việc mục vụ và hy sinh bản thân Người. Về điều này, hiếm khi một mục tử ý thức về những trách nhiệm của mình, mà lại không cảm thấy bị sâu xé bởi lòng ao ước đưa những tín hữu của mình thoát khỏi tình trạng tội lỗi hoặc tính thờ ơ lãnh đạm: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn này, là cho xứ đạo của con được ơn hoán cải. Con chấp nhận chịu đau khổ nào Chúa muốn, dù tất cả đời con”. Anh em linh mục thân mến, Chúng ta được nuôi dưỡng bởi giáo huấn của Công đồng Vatican II. May thay Công Đồng đã đặt việc thánh hiến con người linh mục trong việc mục vụ. Cùng với thánh Gioan Maria Vianney, chúng ta hãy tìm động lực giúp chúng ta nhiệt thành với việc mục vụ nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nếu chúng ta không kín múc ở cùng một nguồn ấy, thừa tác vụ của chúng ta e có nguy cơ ít mang lại kết quả. 5. THỪA TÁC VỤ CỦA CHA SỞ ARS: NHIỀU KẾT QUẢ LÀ ĐÚNG Thừa tác vụ của cha sở ARS cũng có đôi chút giống như Đức Giêsu trong sách Tin mừng: KẾT QUẢ LẠ LÙNG. Có thể nói rằng Chúa Cứu Thế đã cho Thánh Gioan Maria Vianney các linh hồn, bởi vì thánh nhân đã dâng hiến toàn sức lực và tất cả trái tim cho Người. Người còn ban rộng rãi là đàng khác. Trước hết là XỨ ĐẠO CỦA NGƯỜI – tính ra chỉ có 230 người khi thánh nhân đến nhận trách nhiệm đã thay đổi hẳn. Ta nhớ lại là khi đó trong làng này, người ta rất nguội lạnh và rất ít người thực hành việc đạo đức Giám mục đã phải nhắc trước cho cha GioanMaria Vianney rằng: “Lòng mến Chúa ở xứ đạo ấy không có nhiều, xin cha đem đến cho họ”. Nhưng không bao lâu đã vượt khỏi ranh giới của ngôi làng đó. Cha sở ARS đã trở thành vị mục tử của rất đông người từ khắp miền, từ các nơi khác trong nước Pháp và các nước khác tuốn đến. Người ta nói rằng năm 1858 có 80.000 người đến đây. Đôi khi người ta phải chờ đợi nhiều ngày để được gặp cha, để được xưng tội. Động lực khiến người ta đến đó, chắc không phải vì tò mò, càng không phải vì danh tiếng của Người qua những phép lạ. Những việc chữa bệnh lạ thường, là những điều Người muốn dấu. Người ta đến vì người ta nghĩ rằng mình gặp được 1 vị thánh đáng kính phục vì đời sống hãm mình, vì đời sống thân mật với Thiên Chúa trong việc cầu nguyện, vì sự an bình và khiêm tốn của Người giữa những thành công loan truyền trong dân chúng và nhất là vì Người có cái nhìn trực giác có thể đáp ứng những tình trạng nội tâm của linh hồn khỏi những gì đang đè nặng, nhất là qua tòa giải tội. Quả thực, Thiên Chúa đã chọn người con người sống nghèo khó, không có gì bảo vệ, yếu đuối và đáng bị khinh chê trước con mắt người đời làm gương mẫu

cho các vị mục tử. Thiên Chúa đã ban cho Người những ơn huệ quý giá nhất đó là làm người hướng dẫn và y sĩ chữa trị các linh hồn. Nhận biết ơn sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho cha sở ARS lại không phải là 1 dấu chỉ hy vọng đối với những vị mục tử ngày hôm nay đang phải chịu một sự khô cằn nào đó về mắt thiêng liêng hay sao?

NHỮNG VIỆC CHÍNH YẾU TRONG THỪA TÁC VỤ CỦA CHA SỞ ARS 6. NHỮNG VIỆC TÔNG ĐỒ ĐƯỢC QUI VỀ MỘT NIỀM CHÍNH YẾU Thánh Gioan Maria Vianney dâng hiến cuộc đời chủ yếu cho việc giáo huấn đức tin, thanh tẩy các lương tâm, và hai tác vụ đó qui hướng về Bí tích Thánh Thể. Ngày nay cũng vậy, đó không phải là 3 chức chính trong công tác mục vụ của các linh mục hay sao? Mục đích của việc tông đồ là qui tụ dân Thiên Chúa chung quanh mầu nhiệm Thánh Thể, cùng với việc dậy giáo lý và việc hãm mình đền tội. Nhưng những công việc tông đồ khác, tùy hoàn cảnh, cũng là điều cần thiết. Đôi khi chỉ là sự hiện diện qua những năm tháng dài để âm thầm làm chứng cho đức tin trong những môi trường không Kitô giáo, hoặc là tiếp xúc, gần gũi với con người, những gia đình, những âu lo của họ. Đó chính là lời loan báo đầu tiên, để thức tỉnh đức tin nơi những người không tin, và những người nguội lạnh. Đó là chứng từ bác ái và công bằng chia sẻ với anh em giáo dân Kitô giáo để làm cho đức tin trở thành khả tín hơn và đưa đức tin thành hành động. Vì thế có một loạt những công tác, những việc tông đồ để chuẩn bị tiếp tục việc huấn luyện Kitô giáo. Cha sở ARS đã lo cho những sáng kiến thích ứng với thời đại và với các giáo hữu của Người. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động liên quan đến chức vụ linh mục của Người đều được tập trung vào Bí tích Thánh Thể, vào việc dạy giáo lý và ban Bí tích Hòa Giải. Hiển nhiên việc cha sở ARS hy sinh không hề mệt mỏi trong công tác ban Bí tích Hòa Giải cho thấy đó là ơn đoàn sủng chính yếu của Người và cũng là điều làm cho Người nổi tiếng. Một mẫu gương như thế hẳn phải khiến chúng ta hôm nay trả lời cho thừa tác vụ Bí tích Giao Hòa tất cả vị trí của nó. Thượng Hội Đồng Giám mục 1983 cũng đã nêu rõ điều đó. Các thừa tác viên của Hội thánh phải không ngừng khuyến khích và đón nhận việc hoán cải, sám hối và xin ơn tha tội, vì nếu không như thế thì việc canh tân mà Hội Thánh vẫn mong ước sẽ chỉ có tính cách hời hợt và ảo tưởng. Trước hết cha sở ARS lo huấn luyện cho các tín hữu lòng ao ước ăn năn hối cải, Người đề cao vẻ đẹp của ơn tha thứ do Thiên Chúa ban. Tất cả cuộc đời linh mục và sức lực của Người, Người không dâng hiến để làm cho các tội nhân trở lại đó sao? Chính tòa giải tội là nơi lòng thương xót của Thiên Chúa biểu lộ nhiều hơn cả. Vì thế Người không muốn tránh né những người từ khắp nơi để đến xin xưng tội. Thường thường, Người dành 10 giờ một ngày, đôi khi 15 giờ hoặc hơn nữa để ngồi giải tội. Đối với Người, đó là một trong những việc khổ hạnh nhất, “một cuộc tử đạo”: trước hết về đàng thể lý, tinh thần cũng thế. Bởi vì chính Người phải chịu đựng những tội người ta xưng và nhiều khi còn thiếu cả lòng ăn năn nữa: “Tôi khóc lóc về những điều anh em không khóc lóc”. Bên cạnh những khô khan nguội lạnh mà Người cố gắng hết sức để đón nhận nhằm thức tỉnh lòng họ yêu mến Thiên Chúa, Chúa còn ban cho Người ơn giải – hòa những tâm hồn khao khát đạt đến sự trọn lành. Đó chính là cách Thiên Chúa đòi Người đóng góp vào công cuộc Cứu Chuộc của Chúa nhiều hơn cả. Đối với chúng ta, về phương diện cộng đoàn tính của việc sám hối, việc chuẩn bị lãnh ơn tha tội, việc tạ ơn sau khi được tha tội, chúng ta đã khám phá ra nhiều hơn thế kỷ trước. Nhưng ơn tha thứ trong bí tích Hòa giải bao giờ cũng đòi có sự gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô chịu đóng đinh Thập giá qua trung gian của thừa tác viên. Đáng tiếc, thường thường các hối nhân bây giờ không chen chúc nhau sốt sắng đến Tòa giải tội như thời cha sở ARS. Vì vậy, ngay ở nơi một số đông, vì nhiều lý do, dường như bỏ hẳn việc xưng tội, thì đó là dấu cho thấy cần phải cấp tốc khai triển một đường hướng mục vụ về Bí tích Hòa giải, bằng cách giúp cho các Kitô hữu không ngừng khám phá lại những đòi hỏi cần thiết phải có trong quan hệ đích thực với Thiên Chúa, khám phá

lại ý nghĩa của tội. Tức là cái làm cho người ta tự giam hãm, không cho mình gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ anh em, khám phá lại nhu cầu cần thiết phải hoán cải và đón nhận ơn tha thứ, qua trung gian Hội thánh, như là một ân huệ Thiên Chúa ban cho nhưng không. Và khám phá lại cả những điều kiện để cử hành Bí tích này, vượt qua những định kiến, những sợ hãi không chính đáng và những thói quen. Một hoàn cảnh như thế đồng thời cũng đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn sẵn sàng để thi hành thừa tác vụ ban ơn tha thứ, sẵn sàng giành thời giờ và sự chăm sóc cần thiết cho công việc đó. Và tôi còn nói thêm, dành cho công việc đó sự ưu tiên hơn các hoạt động khác. Như thế các tín hữu sẽ nhận biết giá trị của điều chúng ta tha thiết, cũng như cha sở ARS xưa. Quả như tôi đã viết trong Tông huấn sau Thượng Hội Đồng Giám Mục về Bí tích Sám Hối, thừa tác vụ hòa giải chắc chắn vẫn còn là việc làm khó khăn nhất và tế nhị nhất, mệt mỏi nhất và đòi buộc nhất – nhất là khi con số linh mục lại ít ỏi. Cũng phải giả thiết vì giải tội phải có những đức tính nhân bản đáng kể, nhưng trên hết là một đời sống thiêng liêng dồi dào và chân thật. Chính vì linh mục cũng phải thường xuyên đón nhận Bí tích này. Thưa anh em linh mục thân mến, Xin anh em luôn xác tín điều này: thừa tác vụ ban phát lòng thương xót của Thiên Chúa là một trong những thừa tác vụ cao đẹp nhất và đem lại nhiều an ủi nhất. Thừa tác vụ đó cho phép anh em soi sáng các lương tâm, mang đến cho họ ơn tha thứ, trả lại cho họ sức sống. Nhân danh Chúa Giêsu, thừa tác vụ đó cho phép anh em trở nên những y sĩ và những người cố vấn thiêng liêng cho các lương tâm. Thừa tác vụ đó vẫn là “cách biểu lộ bất khả thay thế và là cách trắc nghiệm thừa tác vụ linh mục.” 7. BÍ TÍCH THÁNH THỂ: DÂNG LỄ – HIỆP LỄ – THỜ LẠY Hai bí tích Hòa giải và Thánh Thể vẫn luôn luôn liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu không có sự hoán cải thường xuyên được đổi mới và không có việc đón nhận Bí tích tha tội, thì việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể sẽ không đạt được hiệu quả đầy đủ của ơn Cứu chuộc. Cũng như Đức Kitô đã khởi đầu sứ vụ bằng cách kêu gọi “sám hối và tin vào Tin mừng”, mỗi ngày Cha sở ARS cũng thường bắt đầu bằng thừa tác vụ ban ơn tha thứ. Người sung sướng được hưởng các hối nhân đã lãnh ơn Hòa giải về với BÍ TÍCH THÁNH THỂ. Bí tích Thánh Thể thực sự là trung tâm đời sống thiêng liêng và mục vụ của Cha Gioan Maria Vianney. Cha đã nói: “Tất cả các việc lành góp lại không tương ứng với một hiến tế Thánh lễ. Bởi vì những việc lành là việc của con người, còn Thánh lễ là việc của Thiên Chúa”. Chính trong Thánh Lễ, hiến tế ở trên đồi Canvê để cứu chuộc thế giới được trở thành hiện tại. Dĩ nhiên, vị linh mục phải liên kết lễ dâng hàng ngày là chính bản thân mình với của lễ dâng trong Thánh lễ: “Một linh mục phải hiến dâng mình làm lễ hy sinh mỗi buổi sáng”, “Hiệp lễ và hiến lễ thánh đó là hai tác động có hiệu quả cao nhất trong thánh lễ để xin cho được ơn thay đổi các tâm hồn”. Vì thế đối với cha Gioan Maria Vianney, thánh lễ là niềm vui lớn và là sự trợ lực cho đời linh mục của Người. Dù có đông người xưung tội, Người vẫn cẩn thận chuẩn bị tâm hồn trong thinh lặng khoảng hơn một khắc đông họ. Người cử hành Thánh lễ trong tâm tình suy niệm, diễn tả rõ rệt thái độ tôn thờ trong khi truyền phép và hiệp lễ. Người nhận xét một cách thực tế: “Nguyên do khiến cho một linh mục lơ là đó là tại người ta đã không chú tâm đến thánh lễ”

Tâm hồn cha sở ARS luôn bị xâm chiếm bởi sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Sớm mai hoặc chiều tối, Người thường quỳ thờ lạy trước nhà tạm lâu giờ. Trong những bài giảng, Người thường hướng về Đức Kitô trong Thánh Thể bằng những lời cảm động: “Người đang ngự ở kia”. Cũng chính vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, mà dẫu nhà xứ của người rất nghèo, Người cũng không ngần ngại chi phí nhiều để trang hoàng nhà thờ. Kết quả khả quan: các giáo hữu trong giáo xứ của Người mau có thói quen đến cầu nguyện trước Thánh Thể, bởi vì họ đã khám phá ra mầu nhiệm đức tin cao cả quá thái độ của cha sở họ. Nhìn vào chứng từ đó chúng ta nghĩ tới điều công đồng Vatican II nói với chúng ta ngày hôm nay về vấn đề các linh mục: “Chính trong việc tôn thờ Thánh Thể, mà trách nhiệm của họ (các linh mục) được thực hiện tuyệt hảo”. Rồi gần đây, Thượng Hội Đồng Giám mục khóa ngoại lệ nhắc lại: “Phụng vụ phải cổ võ và phản chiếu ý nghĩa của điều linh thánh. Phụng vụ phải thấm đượm thái độ tôn kính, thờ lạy và tôn vinh Thiên Chúa… Thánh Thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của tất cả đời Kitô hữu”. Anh em linh mục thân mến, Mẫu gương của cha sở ARS đòi chúng ta phải nghiêm chỉnh xét mình: chúng ta đã đặt Thánh lễ ở vị trí nào trong đời sống hằng ngày của chúng ta? Thánh lễ có gồm là tác động đầu tiên của linh mục, như chúng ta cảm thấy ngày chúng ta thụ phong? Có là nguyên lý của hoạt động tông đồ của chúng ta, của việc thánh hóa bản thân chúng ta? Chúng ta đã chuẩn bị như thế nào? Dâng lễ như thế nào? Cầu nguyện trước Thánh Thể như thế nào? Đã lỗi kéo các tín hữu của chứng ta đến với Thánh Thể? Làm cho các nhà thờ của chúng ta nên Nhà của Thiên Chúa nơi đó sự hiện diện của Thiên Chúa lôi kéo những người đồng thời với chúng ta, những người hay có cảm tưởng của thế giới đang vắng bóng Thiên Chúa. 8. GIẢNG THUYẾT VÀ DẠY GIÁO LÝ Cha sở ARS còn cố gắng không lơ là với Thừa tác vụ lời Chúa, một điều cần thiết để mở lối cho người ta đến với đức tin và hoán cải. Thậm chí Người nói: “Chúa chúng ta, Đấng cũng là chân lý, không muốn Lời của Người thua kém Mình Người”. Ta biết Người dành thời gian để soạn kỹ các bài giảng Chủ nhật, nhất là vào thời gian đầu. Tiếp theo, Người tiến đến chỗ diễn tả tự phát, luôn luôn kèm theo sự xác tín sống động, sáng sủa, cộng thêm những hình ảnh hoặc so sánh lấy trong kinh nghiệm thường ngày, rất hữu ích cho các tín hữu của Người. Các bài dạy Giáo lý Người dành cho trẻ em cũng là một phần quan trọng trong thừa tác vụ của Người. Có khi cả những người lớn cũng sẵn sàng nhập với các em bé để học hỏi chứng từ có một không hai, phát xuất từ trái tim này. Người có can đảm tố giác sự dữ dưới một hình thức. Người không dung túng bởi vì Người nhằm ơn cứu độ vĩnh cửu của các tín hữu: “nếu một mục tử vẫn đứng câm lặng khi thấy Thiên Chúa bị xúc phạm và các linh hồn lầm lạc thì khốn cho mục tử ấy: nếu người ấy không muốn mình bị kết án, thì phải chà đạp dưới chân sự kính trọng của người phàm và sự sợ bị người ta khinh dể, ghét bỏ, nếu trong xứ đạo của người ấy có một sự lộn xộn nào đó”. Trách nhiệm đó là mối lo âu của Người khi làm cha sở. Nhưng thường “Người thích cho thấy khía cạnh lôi cuốn của nhân đức hơn là cho thấy vẻ xấu xí của nết xấu”, và nếu Người có nêu lên – đôi khi bằng cả khóc lóc – tội lỗi và nguy hiểm đối với ơn cứu độ, thì Người cũng nhấn mạnh đến lòng âu yếm của Thiên Chúa, Đấng bị xúc phạm đến hạnh phúc vì được Thiên Chúa yêu thương, được kết hợp với Thiên Chúa, được sống trước sự hiện - diện của Thiên Chúa, sống cho Thiên Chúa. Anh em thân mến, Anh em đã xác tín rõ ràng về tầm quan trọng phải loan báo Tin mừng mà Công đồng Vatican II đã đặt lên hàng đầu trong những nhiệm vụ của linh mục. Bằng việc dạy Giáo lý, giảng thuyết, và các hình thức khác, kể cả các phương tiện truyền thông xã hội, anh em hãy cố gắng đánh động con tim của những người đồng thời với chúng ta, cùng với những chờ đợi và do dự cua rhọ, để đánh thức và nuôi dưỡng đức tin. Noi gương cha sở

ARS và lời khuyên của Công đồng anh em hãy lo dạy lời Chúa, loiừ mời gọi con người hoán cải và sống thánh thiện. CHÂN TÍNH CỦA NGƯỜI LINH MỤC 9. THỪA TÁC VỤ ĐẶC BIỆT CỦA LINH MỤC Thánh Gioan Maria Vianney đem lại một câu trả lời hùng hồn cho một số người đặt lại vấn đề CHÂN TÍNH CỦA LINH MỤC, mới xuất hiện trong khoảng 20 năm vừa qua; mặc dầu xem chừng người ta đã đi đến lập trường quân bình hơn. Người linh mục phải, luôn luôn và một cách vững bền, tìm kiếm nguồn mạch nhân tính của mình nơi Đức Kitô linh mục. Không phải thế gian ấn định bậc sống cho linh mục, căn cứ vào những nhu cầu hoặc những quan niệm về vai trò trong xã hội. Linh mục là người đã được đóng ấn chức linh mục của Chúa Kitô để tham dự vào nhiệm vụ làm Đấng Trung Gian và Cứu Chuộc duy nhất của Người. Lúc ấy, vì mối liên kết căn bản trên, một cánh đồng bao la của việc phục vụ các linh hồn, vì ơn cứu độ của họ trong Đức Kitô và trong Hội thánh, mở ra cho người linh mục. Việc phục vụ đó phải hoàn toàn được lòng yêu mến các linh mục thúc đẩy, giống như Đức Kitô, Đấng đã hiến dâng mạng sống vì các linh hồn. Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu thoát, người không muốn một ai trong các kẻ bé mọn này phải hư mất. “Linh mục phải luôn sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của các linh hồn”, cha sở ARS nói như thế. “Linh mục không phải là linh mục cho mình, nhưng là linh mục cho anh em”. Làm linh mục là vì anh em giáo dân: linh mục là người khích lệ họ và nâng đỡ họ để họ thực thi chức tư tế cộng đồng của những người đã chịu phép Rửa – đó là điều Công đồng Vatican II đã đề cao. Việc đó hệ tại linh mục giúp họ biến đời sống của họ thành 1 lễ dâng thiêng liêng, giúp họ biết làm chứng bằng tinh thần Kitô giáo trong gia đình và trong những trách nhiệm thuộc phạm vi trần thế, và biết tham dự vào việc rao giảng Tin mừng cho anh em của họ. Nhưng việc phục vụ của linh mục lại thuộc một lãnh vực khác. Linh mục được thụ phong để hành động nhân danh Đức Kitô là đầu để đưa con người vào đời sống mới đã được Đức Kitô khai mở, để phân phát cho họ những mầu nhiệm của Chúa Kitô – Lời Chúa, ơn tha thứ, bánh ban ơn trường sinh – để qui tụ họ thành thân thể Chúa Kitô, để giúp họ thành hình tử bên trong con người của họ, để sống và để hành động theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa đã định. Nói tóm lại, chân tính của chúng ta, những linh mục, được biểu lộ trong việc giãi bày có tính cách sáng tạo tình yêu đối với các linh hồn, tình yêu ấy đã được Đức Kitô chuyển thông cho chúng ta. Những cám dỗ muốn tục hóa người linh mục là những cái có hại cho Hội thánh. Nói như thế không có ý nói là các linh mục có thể xa cách những âu lo nhân loại của giáo dân: linh mục phải là người thật gần gũi những lo lắng ấy, như cha Gioan Maria Vianney. Nhưng trong tư cách linh mục, luôn luôn trong viễn tượng nhằm phục vụ ơn cứu độ của họ và nhằm phát triển Nước Thiên Chúa. Linh mục phải là nhân chứng và là người phân phát một sự sống khác với sự sống ở trần gian này. Đối với Hội thánh, điều cốt yếu là bảo toàn chânn tính của linh mục, với chiều kích hàng độc, từ trên xuống. Đời sống và con người của cha sở ARS phải là một minh họa đặc biệt sáng ngời và mạnh mẽ về điều đó. 10. ĐÓNG ĐINH VỚI ĐỨC KITÔ VÀ LIÊN ĐỚI VỚI CÁC TỘI NHÂN

Thánh Gioan Maria Vianney không chỉ bằng lòng với việc chu toàn theo nghi thức các việc làm thuộc thừa tác vụ của mình. Người còn ra sức làm cho con tim, cho đời sống của mình nên ĐỒNG DẠNG VỚI ĐỨC KITÔ. CẦU NGUYỆN là hồn của cuộc đời Người: cầu nguyện trong thinh lặng, chiêm ngưỡng, thường là trong thánh đường của Người, dưới chân Nhà Tạm. Qua Đức Kitô, tâm hồn của người rộng mở đón tiếp Chúa Ba Ngôi. Trong di chúc, Người trao phó „linh hồn đáng thương‟ của Người cho Chúa Ba Ngôi. “Giữa đời sống rất bận rộn, Người vẫn giữ được sự kết hợp thường xuyên với Thiên Chúa”. Người không bỏ kinh nguyện Phụng vụ và kinh Mân Côi. Người hướng tâm hồn về Đức Trinh Nữ Maria một cách tự nhiên. ĐỨC KHÓ NGHÈO của Người thật phi thường. Người hoàn toàn tước bỏ mình, theo sát nghĩa của từ ngữ, để phục vụ người nghèo. Người trốn tránh các vinh dự, ĐỨC THANH KHIẾT sáng ngời trong tận ánh mắt của Người. Người biết giá trị của sự thanh khiết: “Để tìm gặp nguồn suối tình yêu là Thiên Chúa”. Đối với T. Gioan Maria Vianney SỰ VÂNG PHỤC Đức Kitô được chuyển thành sự vâng – phục Hội thánh, đặc biệt là vâng lời Đức Giám mục. Đức vâng phục đó được thể hiện trong việc Người chấp nhận gánh nặng làm cha sở, một điều người vẫn sợ. Nhưng Tin mừng đặc biệt nhấn mạnh đến việc TỪ BỎ CHÍNH MÌNH, việc chấp nhận vác thánh giá, Cha sở ARS đã gặp biết bao thánh giá suốt con đường thi hành thừa tác vụ của Người: bị lăng mạ, bị cha phó và các bạn không hiểu, công kích, và cả chiến đấu âm thầm với sức mạnh hỏa ngục, thấm chí có khi còn gặp cám dỗ tuyệt vọng giữa đêm tăm tối thiêng liêng. Nhưng cha sở ARS không chỉ bằng lòng chấp nhận những thử thách, không kêu ca than vãn. Người còn đi xa hơn nữa bằng việc HY SINH HÃM MÌNH. Người tự nguyện ra cho mình chương trình ăn chay thường xuyên và nhiều cách „bắt thân xác phải làm tôi‟ khác như thánh Phaolô nói, rất nghiêm khắc. Nhưng điều cần thiết phải thấy trong việc hãm mình đền tội này – 1 việc đáng tiếc là việc thế kỷ chúng ta ít quen – là những động lực đã khiến người hãm mình đền tội: đó là lòng yêu mến Thiên Chúa và sự hoán cải các tội nhân. Ví dụ: Người hỏi 1 đồng bạn đang nản lòng: „Cha đã cầu nguyện … cha đã than vãn … nhưng cha đã ăn chay, cha đã canh thức chưa? Ở đây ta có thể nối kết với lời Đức Giêsu nói với các Tông đồ: “Thứ quỉ này chỉ đuổi được bằng cầu nguyện và ăn chay”. Nhìn chung lại, cha Gioan Maria Vianney thánh hóa mình để càng ngày càng xứng đáng hơn trong việc thánh hóa tha nhân. Quả vậy, sự hoán cải vẫn là bí mật của những con tim tự do và là bí mật của ân sủng Thiên Chúa qua thừa tác vụ của mình, linh mục chỉ có thể soi sáng người ta, dẫn họ vào tận thâm tâm của họ và ban các bí tích cho họ. Những bí tích này là những tác động của Đức Kitô, hiệu quả của các bí tích đó không bị suy giảm vì thừa tác viên bất toàn hoặc bất xứng. Thế nhưng kết quả cũng còn tùy thuộc vào những chuẩn bị của người lãnh nhận. Những điều này phần lớn lại được trợ giúp đặc biệt nhờ sự thánh thiện của con người linh mục, qua chứng tá cũng như trao đổi công nghiệp trong mầu nhiệm các thánh thông công. Thánh Phaolô viết “tôi chịu trong thân xác tôi những gì còn thiếu nơi các nọi quân bách Đức Kitô phải chịu vì thân thế Người tức là Hội thánh”. Có thể nói một cách nào đó, thánnh Gioan Maria Vianney muốn giật lấy của Thiên Chúa những ân sủng hoán cải không phải chỉ bằng lời cầu nguyện, nhưng còn bằng sự hy sinh cả cuộc đời của Người. Người muốn yêu mến Thiên Chúa vì những người không yêu mến Thiên Chúa, thậm chí còn chu toàn phần lớn việc hãm mình đền tội mà họ không làm, người quả là vị mục tử liên đới với đám dân chúng tội lỗi của mình. Anh em linh mục thân mến, Chúng ta đừng sợ sự cam kết rất riêng tư này được ghi dấu bằng việc tu đức và được linh hứng bằng tình yêu – mà Thiên Chúa đòi chúng ta giữ để có thể thi hành chu đắc chức vụ linh mục của chúng ta. Chúng ta hãy nhớ lại suy tư mới đây của các nghị phụ Thượng Hội Đồng: “Dường như trong những khó khăn hiện nay; Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta biết một cách sâu xa hơn giá trị, tầm quan trọng và vị trí trung tâm của Thập giá Đức Giêsu kitô. Trong con người linh mục, Đức Kitô lại sống cuộc Khổ nạn đã mang lại lợi ích cho

các linh hồn. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa đã cho chúng ta được tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Người bằng con tim chúng ta và bằng thân xác của chúng ta. Vì tất cả những lý do đó, thánh Gioan Maria Vianney không ngừng là một chứng nhân luôn luôn sống động, luôn luôn hiện đại về ơn gọi liên quan đến ơn gọi và việc phục vụ của linh mục. Ta nên nhớ rằng Người đã biết cách nói một cách xác tín về sự vĩ đại và sự cần thiết tuyệt đối của linh mục. Các linh mục, những người đang chuẩn bị tiến đến chức linh mục và những ai được gọi đến chức đó, cần hướng nhìn về mẫu gương của Người và nối gót theo Người. Ngay cả các tín hữu, nhờ Người mà biết được mầu nhiệm chức linh mục nơi các linh mục của họ. Không, dung mạo cha sở ARS sẽ không thể qua đi được. 11. KẾT LUẬN: CHO NGÀY THỨ NĂM TUẦN THÁNH Anh em thân mến, Ước chi những suy nghĩ trên làm sống lại niềm vui của anh em vì được làm linh mục, làm sống lại ao ước của anh em muốn được là linh mục của sâu xa hơn nữa. Chứng từ của cha sở ARS vẫn còn nhiều điều phong phú cần được đào sâu. Chúng tôi sẽ trở lại những đề tài này một cách rộng rãi hơn vào dịp hành hương mà tôi được hân – hạnh thực hiện vào tháng 10 sắp tới, bởi vì các Giám mục nước Pháp đã mời tôi đến ARS để mừng 200 năm ngày sinh của thánh Gioan Maria Vianney. Tôi xin gởi đến anh em suy niệm thứ nhất này. Thưa anh em, để mừng trọng thể ngày thứ năm tuần thánh trong mỗi cộng đồng giáo phận, chúng ta sẽ qui tụ lại trong ngày khai sinh chức vụ linh mục của chúng ta để canh tân lại ân sủng của Bí tích Truyền chức và để làm sống lại tình yêu, đặc tính của ơn gọi chúng ta. Chúng ta lại nghe Đức Kitô nói như Người đã nói với các tông đồ: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hiến mạng sống vì các bạn nữa… Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ … Thầy gọi anh em là bạn hữu”. Trước mắt Đấng biểu lộ tình yêu viên mãn, chúng ta, linh mục và giám mục, cùng xác nhận lại các bổn phận linh mục của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, mỗi người cầu nguyện cho anh em mình và mọi người cầu nguyện cho tất cả mọi người. Chúng ta xin vị LINH MỤC ĐỜI ĐỜI cho kỷ niệm về cha sở ARS giúp chúng ta làm sống lại nhiệt tâm phục vụ. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần ban cho Hội thánh nhiều linh mục có tâm huyết và thánh thiện của cha sở ARS: ở thời đại chúng ta, Hội thánh đang rất cần những linh mục như thế và Hội thánh không phải là không thể làm nẩy nở những ơn gọi linh mục như thế. Chúng ta trao phó chức vụ linh mục của chúng ta cho Đức Trinh nữ Maria, mẹ của các linh mục, Người là Đấng mà thánh Gioan Maria Vianney không ngừng chạy đến với tâm tình trìu mến và phó thác hoàn toàn. Đó cũng là một động lực khác khiến thánh Gioan Maria Vianney có tâm tình tạ ơn. Người nói: “Đức Giêsu Kitô sau khi cho chúng ta tất cả những gì người có thể cho chúng ta. Người còn muốn làm cho chúng ta nên người thừa kế của Đấng mà Người quí mến nhất, đó là Mẹ thánh của Người.” Về phần tôi, tôi nói lại với anh em tâm tình của tôi về, cùng với giám mục của anh em, tôi gởi đến anh em Phép lành Tòa Thánh. Làm tại VATICAN, ngày 16 tháng 3 năm 1986 Chúa nhật thứ 5 MÙA CHAY Năm thứ 18 nhiệm kỳ Giáo hoàng của tôi GIOAN PHAOLÔ II, GIÁO HOÀNG

Related Documents

Gioan Maria Vianney
June 2020 15
Vianney Sunday
May 2020 6
Sjuanmaria Vianney
May 2020 2
Bai Thuong Kho (gioan)
April 2020 10
St. John Vianney
June 2020 4
Maria Maria!!!!!!
November 2019 74

More Documents from ""