Giải pháp 'làm sáng' thương hiệu Hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã sai lệch trong việc định hướng thương hiệu cho sản phẩm. Trong khi đó, đích đến sau cùng của một doanh nghiệp là xây dựng được thương hiệu mạnh trong tiềm thức khách hàng một cách hiệu quả. Cuộc chiến giành giật những cái tên vẫn còn diễn ra gay gắt trên thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhưng nhiều công ty ở Việt Nam chỉ xây dựng thương hiệu với mục đích giữ sản phẩm chứ chưa hẳn quan tâm tới ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. "Hầu như các doanh nghiệp đã quên đi 3 yếu tố then chốt trong thành công về thương hiệu là tạo tính phù hợp, sự khác biệt và độ tín nhiệm. Điều này sẽ dẫn đến việc xói mòn ý nghĩa nguyên thủy của thương hiệu và làm giảm lòng tin nơi khách hàng"- ông Đào Đình Hoàng, Giám đốc điều hành Masso Consulting cho biết. Theo ông Hoàng thì Việt Nam đang đứng trước thềm hội nhập WTO, vấn đề thương hiệu mạnh đủ để cạnh tranh giữ vững thị trường nội địa, đồng thời có thể thâm nhập thị trường thế giới, đang được đặt ra như một thử thách hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển. Làm thế nào để xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả? Nhiều chuyên gia tư vấn của Ernst & Yong và Andersen Consulting đã đưa ra lời khuyên: Trước hết, phải thực hiện theo đúng phương pháp, chứ không hẳn chỉ đầu tư công sức và tiền của. Doanh nghiệp cần bền bỉ cung cấp những mong đợi, nhất quán và nỗ lực không ngừng cho cam kết của khách hàng từ thương hiệu; đồng thời phải có một chiến lược tiếp thị đột phá, một công nghệ vượt trội nhanh chóng thu hút người tiêu dùng và duy trì lòng trung thành của họ. Vì thương hiệu không chỉ đơn thuần là tạo ra sản phẩm mà còn cho biết câu chuyện về một con người một ý tưởng và đất nước mà nó đại diện. Thương hiệu là chiến lược của kinh doanh, do đó muốn xây dựng được một thương hiệu mạnh, các doanh nghiệp phải xác định mục tiêu, tìm hiểu thông tin thị trường và tâm lý người tiêu dùng, kể cả kênh phân phối. Đồng thời thực hiện và kiểm tra kết quả thị trường trước khi xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thành công khi sử dụng chiến lược này để xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm như: Apple là thương hiệu đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới (trong năm ngoái đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42%). Apple đã thành công qua việc chuyển đổi từ một công ty chuyên về máy tính sang công ty về điện tử dân dụng và đã mang đến các sản phẩm điện tử được thiết kế hoàn hảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Coca-Cola được định giá 67 tỷ USD là thương hiệu giá trị nhất thế giới.