HUẤN THỊ DIGNITAS PERSONAE (PHẨM GIÁ CON NGƯỜI) VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐẠO ĐỨC SINH HỌC Bản dịch của Ủy ban Giáo lý Đức tin – Hội đồng Giám mục Việt Nam -------------------------------GIỚI THIỆU 1. Phẩm giá nhân vị phải được công nhận nơi mọi hữu thể nhân linh từ khi thụ thai cho tới lúc chết. Nguyên tắc nền tảng này nói lên thái độ hết sức kính trọng đối với sự sống con người và nguyên tắc ấy phải chiếm vị trí trung tâm trong suy tư đạo đức về nghiên cứu y-sinh học, vốn có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong thế giới ngày nay. Huấn quyền của Hội Thánh đã nhiều lần can thiệp để lám sáng tỏ và giải quyết những vấn đề luân lí có liên hệ. Về vấn đề này, Huấn thị Donum Vitae (1) chiếm một tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng đã hai mươi năm kể từ khi được công bố, nay đã đến lúc tài liệu ấy cần được cập nhật hóa. Giáo huấn của Donum Vitae vẫn được bảo toàn nguyên vẹn giá trị, cả về các nguyên tắc nó dựa vào cũng như những đánh giá luân lí diễn tả nơi huấn thị đó. Thế nhưng, những công nghệ y-sinh học mới hiện nay được đem vào áp dụng trong lãnh vực tế nhị của sự sống con người và của gia đình, đang khơi lên những vấn đề xa hơn, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu các phôi thai người, việc sử dụng các tế bào gốc cho những mục đích chữa trị cũng như trong những lãnh vực y học thực nghiệm khác. Những vấn đề mới mẻ này đòi hỏi phải có câu trả lời thích đáng. Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học cùng với sự lan rộng của nó nhờ các phương tiện truyền thông xã hội tạo ra những mong đợi và những băn khoăn nơi công luận ngày càng rộng khắp. Để quy định pháp lí cho những vấn đề này, các Quốc Hội (cơ quan lập pháp) thường được thôi thúc phải đưa ra những quyết định và họ đôi khi có tham khảo rộng rãi trong dân chúng. Những lí do này đã khiến Bộ Giáo Lý Đức Tin soạn thảo một Huấn thị mới có tính giáo thuyết, để đối diện với một số vấn đề gần đây, dưới ánh sáng của các tiêu chuẩn đã được Huấn thị Donum Vitae loan báo. Huấn thị này cũng xét lại một số đề tài khác dẫu đã được bàn đến rồi, nhưng cần làm sáng tỏ hơn nữa. 2. Trong khi nghiên cúu những vấn đề này, Bộ Giáo lý Đức tin luôn quan tâm đến những khía cạnh khoa học của chúng, bằng cách dùng tới những phân tích của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng Vì Sự Sống và nhờ đến sự cộng tác của một số lớn các chuyên gia. Tất cả điều đó được lượng giá dưới ánh sáng của các nguyên tắc nhân học kitô giáo. Các thông điệp Veritatis splendor (2) và Evangelium Vitae (3) của Đức Gioan Phaolô II và những tham luận khác của Huấn Quyền cho những chỉ dẫn rõ ràng về phương pháp và nội dung để xem xét những vấn đề này. Trong toàn cảnh có nhiều thứ triết học và khoa học như hiện nay, người ta có thể thấy một số lớn các nhà khoa học và triết học, trong tinh thần của lời thề Hippocrate, xem y khoa như một sự phục vụ con người mỏng giòn, nhằm chữa trị các bệnh tật, xoa dịu những đau đớn cũng như mở rộng chăm sóc cần thiết cho tất cả mọi người trong sự bình đẳng. Thế nhưng, cũng có một số người trong giới triết học và khoa học này xem những tiến bộ của công nghệ y-sinh học theo một thứ quan điểm có bản chất là ưu sinh (essentially eugenic perspective). 3. Trong khi đưa ra những nguyên tắc và những đánh giá luân lí cho nghiên cứu y-sinh học về sự sống con người, Giáo Hội Công Giáo đón lấy ánh sáng của cả lí trí lẫn đức tin, và như thế góp phần đề xuất một tầm nhìn toàn diện về con người và ơn gọi của nó. Cái nhìn đó có khả năng tiếp nhận tất cả những gì tốt đẹp đến từ những công trình của con người và từ những truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, vốn thường tỏ ra có một thái độ rất kính trọng đối với sự sống.
1
Huấn Quyền cũng muốn bày tỏ sự khích lệ tin tưởng đối với viễn tượng văn hóa trong đó người ta xem khoa học như một việc phục vụ cao quý cho thiện ích toàn diện của sự sống và cho phẩm giá của mỗi con người. Vì thế, Giáo Hội quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học với niềm hy vọng, và mong muốn có nhiều kitô hữu hiến mình cho sự tiến bộ của y-sinh học để làm chứng cho đức tin của mình trong lãnh vực đó. Hơn nữa, Giáo Hội ước muốn những kết quả của việc nghiên cứu này phải làm sao sẵn sàng được đem phục vụ ở những nơi nghèo khổ và có nhiều bệnh tật trên thế giới, làm sao để những người đau khổ nhất nhận được sự trợ giúp nhân đạo. Sau cùng, Giáo Hội muốn hiện diện bên cạnh tất cả những người đau khổ, nơi thể xác và tâm hồn, để không chỉ an ủi, nhưng còn mang lại cho họ ánh sáng và niềm hy vọng. Nhờ đó, con người có thể tìm lại một ý nghĩa của bệnh tật và kinh nghiệm về cái chết, thật ra vốn là thành phần của sự sống con người và có mặt trong lịch sử của mỗi người, khai mở nó ra với mầu nhiệm Phục Sinh. Quả thật, cái nhìn của Giáo Hội luôn đầy sự tin tưởng bởi lẽ “sự sống sẽ chiến thắng: đối với chúng ta, đây là một niềm hy vọng chắc chắn. Vâng, sự sống sẽ chiến thắng, vì chân lí, sự thiện, niềm vui, sự tiến bộ đích thực đều thuộc về phía sự sống. Thiên Chúa, Đấng yêu mến sự sống và ban sự sống cách quảng đại, đứng về phía sự sống” (4). Huấn thị này nói với các tín hữu Công giáo và tất cả những ai tìm kiếm chân lí (5). Huấn thị gồm ba phần: phần thứ nhất nhắc lại một số khía cạnh rất quan trọng về phương diện nhân học, thần học và đạo đức học; phần thứ hai đề cập đến những vấn đề mới mẻ liên hệ với việc sinh sản; phần thứ ba xem xét một số ý kiến trị liệu mới mẻ bao hàm việc cải biến phôi và gia sản di truyền của con người.
PHẦN THỨ NHẤT NHỮNG KHÍA CẠNH NHÂN HỌC, THẦN HỌC, VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC VỀ SỰ SỐNG CON NGƯỜI VÀ SỰ TRUYỀN SINH 4. Trong những thập niên vừa qua, các ngành y khoa đã có những bước tiến bộ đáng kể trong sự hiểu biết về sự sống con người ở những giai đoan đầu tiên của nó. Người ta đã đã đạt đến mức biết rõ hơn những cấu trúc sinh học của con người và tiến trình sinh sản của nó. Những tiến bộ này chắc chắn là tích cực, xứng đáng để được ủng hộ nếu như chúng được dùng để thắng vượt hay chữa trị các bệnh lí và khi chúng đóng góp vào việc tái lập sự hoạt động bình thường của tiến trình sinh sản. Trái lại, chúng là tiêu cực, và do đó không thể được tán thành, khi chúng kéo theo việc tiêu hủy sự sống con người hay khi chúng dùng những phương tiện làm hại đến phẩm giá của con người, hoặc khi chúng được sử dụng nhằm những mục đích trái với thiện ích toàn diện của con người. Thân xác của một con người, từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc sống của nó, không bao giờ được giản lược chỉ còn xem như một tổng thể các tế bào. Thân xác phôi thai ấy được phát triển dần dần theo một “chương trình” đã được xác định rõ ràng và theo một cứu cánh riêng được biểu lộ lúc đứa trẻ ra đời. Cần nhắc lại ở đây tiêu chuẩn đạo đức nền tảng nói tới trong huấn thị Donum Vitae để đánh giá tất cả những vấn đề luân lí liên quan đến việc can thiệp trên phôi người: “Kết quả của sự truyền sinh của con người từ giây phút hiện hữu đầu tiên, tức là từ khi hợp tử được hình thành, đòi hỏi phải được tôn trọng vô điều kiện như thái độ luân lí phải có đối với một con người trong tính toàn vẹn thể xác và thiêng liêng của nó. Con người phải được tôn trọng và đối xử như là một nhân vị từ lúc thụ thai, nghĩa là từ giây phút này, người ta cần phải nhìn nhận những quyền của con người đối với sinh linh đó, trong số đó trước tiên là quyền được sống vốn bất khả xâm phạm của mọi hữu thể nhân linh vô tội” (6). 5. Nguyên tắc đạo đức này được chính lí trí nhìn nhận là chân thật và phù hợp với luật luân lí tự nhiên; nguyên tắc ấy phải là nền tảng của mọi hệ thống pháp lí (7). Thật vậy, khẳng định ấy được coi như là một chân lí hữu thể học, như huấn thị Donum Vitae đã chứng minh tính liên tục của sự phát triển của một con người, dựa trên chứng cứ khoa học vững chắc. Dẫu cho Donum Vitae, để tránh không rơi vào một xác quyết có tính triết học minh nhiên, không xác định phôi người là một ngôi vị, nhưng văn kiện cũng chỉ cho thấy có một liên kết nội tại giữa chiều kích hữu thể học và giá trị đặc thù của mỗi sự sống con người. Dẫu cho người ta không thể chứng minh sự hiện diện của một linh hồn thiêng liêng từ mọi quan sát dữ kiện thực nghiệm, nhưng chính những kết luận của khoa học về phôi người đã cho “một chỉ dẫn quý giá để lí trí phân định sự hiện diện có tính nhân vị từ sự xuất hiện đầu 2
tiên của một sự sống con người: làm sao một cá thể người (human individual) mà lại không phải là một nhân vị (human person)?” (8). Thực vậy, thực tại con người, trong suốt cuộc sống của nó, cả trước và sau khi sinh, không cho phép ta khẳng định một sự thay đổi bản tính, cũng không cho phép khẳng định một sự biến thiên dần về giá trị luân lí, vì nó có một phẩm chất nhân học và luân lí đầy đủ. Bởi thế, phôi người, ngay từ ban đầu, có một phẩm giá riêng của nhân vị. 6. Người ta phải tôn trọng một phẩm giá như thế đối với mỗi con người, bởi lẽ nơi mỗi con người phẩm giá và giá trị riêng này được ghi khắc sâu xa không thể xóa nhòa được. Mặt khác, cội nguồn của sự sống con người ở trong một bối cảnh chân thực của nó là hôn nhân và gia đình, trong đó nó được sinh hạ nhờ một hành động biểu lộ tình yêu hỗ tương giữa người nam và người nữ. Sự sinh sản thực sự có trách nhiệm đối với đứa trẻ sắp sinh ra, đó “phải là hoa trái của hôn nhân” (9). Trong mọi thời và nơi mọi nền văn hóa, hôn nhân “là một thiết lập khôn ngoan và quan phòng của Thiên Chúa Tạo Hóa để thực hiện nơi nhân loại kế hoạch tình yêu của Ngài. Qua việc hiến thân cho nhau, vốn là chuyện riêng biệt và độc quyền của vợ chồng, hai người hướng đến sự hiệp thông nên một để hoàn thiện con người của nhau hầu cộng tác với Thiên Chúa để sinh ra và giáo dục những sự sống mới” (10). Qua tình yêu phong nhiêu vợ chồng, người nam và người nữ cho thấy ở cội nguồn của đời sống vợ chồng của họ có một tiếng “vâng” chân thực được họ công bố và sống thực sự cho nhau và luôn cởi mở ra với sự sống. […] Luật tự nhiên là cội rễ để người ta nhìn nhận sự bình đẳng đích thực giữa người với người và giữa các dân tộc với nhau, luật ấy xứng đáng được nhìn nhận như là nguồn mạch gợi hứng cho đôi vợ chồng sống với nhau trong trách nhiệm sinh sản những đứa con mới của họ. Việc thông truyền sự sống (truyền sinh) được ghi khắc trong tự nhiên và những qui luật của nó vẫn mãi là luật bất thành văn mà mọi người phải quy chiếu đến” (11). 7. Giáo Hội xác tín rằng những gì là nhân bản thì không những được đón nhận và tôn trọng bởi đức tin, mà còn được thanh luyện, nâng cao và hướng đến sự hoàn thiện. Sau khi đã tạo dựng con người theo hình ảnh và giống như Ngài (x. St 1, 26), Thiên Chúa đã thấy công trình tạo dựng của Ngài «rất tốt đẹp » (St 1, 31), và tiếp đến đảm nhận nó nơi Người Con của Ngài (x. Ga 1, 14). Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận phẩm giá của thân xác và linh hồn, là những yếu tố cấu thành con người. Đức Kitô đã không khinh miệt thân xác; nhưng Người đã mạc khải trọn vẹn ý nghĩa và giá trị của nó: «quả thật, mầu nhiệm của con người chỉ thực sự được sáng tỏ nơi mầu nhiệm của Ngôi Lời Nhập Thể » (12). Khi trở nên một người trong chúng ta, Người Con chứng thực rằng chúng ta có thể trở nên «con của Thiên Chúa » (Ga 1, 12), có thể «tham dự vào bản tính thần linh » (2 Pr 1, 4). Chiều kích mới mẻ này không mâu thuẫn với phẩm giá của thọ tạo mà nhờ lí trí mọi người có thể nhận biết. Đúng hơn, nó nâng phẩm giá con người lên đến chân trời sự sống bên kia rộng lớn hơn của Thiên Chúa, điều đó giúp chúng ta khả năng suy nghĩ cách sâu xa hơn về sự sống của con người và về những hành vi mang lại sự sống (13). Nhờ sự soi sáng của những chân lí đức tin này, người ta càng phải tôn trọng và tôn trọng nhiều hơn nữa từng cá vị con người, đó là điều lí trí đòi hỏi. Bởi thế không hề có đối lập giữa khẳng định về phẩm giá và khẳng định tính linh thánh của sự sống con người. «Những cách thức khác nhau mà Thiên Chúa dùng để chăm lo cho thế giới và con người trong lịch sử không những không loại trừ nhau, mà trái lại, còn củng cố và thấm nhập lẫn nhau. Tất cả đều xuất phát từ và hướng đến kế hoạch khôn ngoan và yêu thương ngàn đời mà Thiên Chúa tiền định cho con người, nam và nữ, «nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài » (Rm 8, 29) (14) ». 8. Khởi đi từ hai chiều kích nhân bản và thần linh này, người ta có thể hiểu rõ hơn giá trị bất khả xâm phạm của con người : con người có một ơn gọi vĩnh cửu và được mời gọi tham dự vào tình yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa hằng sống. Giá trị này thuộc về hết mọi người không phân biệt. Chỉ đơn giản vì đã hiện hữu, nên mỗi hữu thể nhân linh phải được tôn trọng cách đầy đủ. Người ta không được phép đưa ra những tiêu chuẩn để kì thị liên quan đến phẩm giá con người, những tiêu chuẩn đặt cơ sở trên sự phát triển về mặt sinh học, tâm lí học, văn hóa hay tình trạng sức khỏe. Nơi con người, được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, dù ở giai đoạn nào của cuộc sống của nó, cũng đều phản chiếu «dung nhan của Người Con duy nhất của Ngài […]. Tình yêu vô tận và hầu như không thể hiểu thấu này của Thiên Chúa đối với con người biểu lộ sự cao cả đến mức độ nhân vị 3
tự thân xứng đáng được yêu mến, không lệ thuộc vào bất cứ một lí do nào khác – dù là trí thông minh, sắc đẹp, sức khỏe, sự trẻ trung, sự trinh nguyên … Nói tóm lại, sự sống con người luôn là một điều thiện hảo, vì «đó là môt biểu lộ của Thiên Chúa trong thế gian, một dấu chỉ của sự hiện diện của Ngài, một dấu vết của vinh quang của Ngài » (x. Evangelium vitae, n. 34) » (15). 9. Hai chiều kích này của sự sống con người, chiều kích tự nhiên và chiều kích siêu nhiên, giúp ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các hành vi làm cho một con người sinh ra đời và qua đó người nam và người nữ hiến mình cho nhau, là một phản ảnh của tình yêu của Ba Ngôi. «Thiên Chúa, Đấng là tình yêu và là sự sống, đã ghi khắc nơi người nam và người nữ ơn gọi tham dự đặc biệt vào mầu nhiệm hiệp thông nhân vị và vào công trình của Tạo Hóa và của Chúa Cha» (16). Hôn nhân kitô giáo «có cội rễ phát xuất từ sự bổ sung tự nhiên vốn có giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng bởi ý muốn cá nhân chia sẻ toàn thể dự phóng cuộc đời của đôi vợ chồng, tất cả những gì họ có và tất cả những gì họ là : bởi đó, một sự hiệp thông như thế là hoa trái và là dấu chỉ của một nhu cầu sâu thẳm của con người. Nhưng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa đã mang lấy nhu cầu này, Ngài xác nhận nó, thanh tẩy nó và nâng nó lên, làm cho nó hoàn hảo nhờ bí tích hôn nhân : Thánh Thần được tuôn tràn trong bí tích được cử hành, Ngài thông ban cho các vợ chồng kitô hữu một hồng ân, đó là sự hiệp thông trong tình yêu mới, là hình ảnh sống động và thực sự của một sự hiệp nhất hoàn toàn đặc biệt biến Giáo Hội thành Thân Thể huyền nhiệm bất khả phân ly của Chúa Kitô» (17). 10. Khi đưa ra một nhận định đạo đức về những kết quả gần đây của các nghiên cứu y khoa liên quan đến con người và nguồn gốc của nó, Giáo Hội không can thiệp vào lãnh vực riêng của y khoa, nhưng muốn nhắc nhở tất cả mọi người có liên quan về trách nhiệm luân lí và xã hội của các các việc họ làm. Giáo Hội nhắc họ nhớ rằng giá trị đạo đức của khoa y-sinh học được đo bằng sự quy hướng đến sự tôn trọng bắt buộc và vô điều kiện đối với mọi hữu thể nhân linh, trong mọi giai đoạn cuộc sống của nó, cũng như qui hướng đến việc bảo vệ tính đặc thù của các hành vi nhân vị truyền thông sự sống. Sự can thiệp của Huấn Quyền là bởi sứ mạng thăng tiến việc giáo dục lương tâm, bằng cách đưa ra giáo huấn đích thực về chân lí là chính Chúa Kitô, đồng thời, cũng bằng cách tuyên bố và xác nhận trong thẩm quyền của mình những nguyên tắc thuộc bình diện luân lí phát xuất từ chính bản tính của con người (18).
PHẦN THỨ HAI NHỮNG VẤN ĐỀ MỚI LIÊN QUAN ĐẾN SỰ TRUYỀN SINH 11. Được soi sáng bởi các nguyên tắc nói trên, giờ đây ta cần phải xét một số vấn đề liên quan đến sự truyền sinh, những vấn đề đã nổi lên và lộ ra ngày càng rõ hơn trong những năm theo sau kể từ khi Huấn thị Donum Vitae ra đời.
Những kĩ thuật trợ giúp cho sự sinh sản 12. Về việc chữa trị chứng vô sinh, các kĩ thuật y khoa mới phải tôn trọng ba thiện ích căn bản sau đây: a) quyền sống và quyền toàn vẹn thể lí của mọi hữu thể nhân linh từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên ; b) sự đơn nhất của hôn nhân, trong đó bao hàm sự tôn trọng quyền của người này trở thành cha hay thành mẹ chỉ nhờ người kia và ngược lại (19); c) những giá trị tính dục đặc thù của con người, vốn «đòi hỏi một nhân vị được sinh ra phải như là hoa trái của hành vi phối ngẫu đặc thù của tình yêu của vợ chồng » (20). Các kĩ thuật trợ giúp sinh sản «không nên bị loại bỏ bởi vì bị gán cho là nhân tạo. Những kĩ thuật như thế chứng tỏ những khả năng của nghệ thuật y khoa. Nhưng chúng cần phải được lượng giá về mặt luân lí qua việc quy chiếu đến phẩm giá của nhân vị, kẻ được kêu gọi thực hiện ơn gọi thần linh của mình là trao ban tình yêu và sự sống » (21). Dưới ánh sáng của nguyên tắc này, người ta cần phải loại trừ tất cả những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo dị ngẫu (heterologous artificial fertilization) (22) và những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu (homologous artificial fertilization) (23) nào thay thế cho hành vi vợ chồng. Trái lại, những kĩ thuật nào trợ giúp cho hành vi vợ chồng và cho việc sinh sản của họ thì được phép. Huấn thị Donum Vitae diễn tả như sau : «Thầy thuốc nhằm phục vụ con người và việc sinh sản của con người : người ấy không có quyền tùy tiện sử dụng họ cũng không có quyền quyết định thay cho họ. Những can thiệp y khoa trong phạm vi này phải tôn trọng phẩm giá 4
của các nhân vị trong khi có ý trợ giúp hành vi kết hợp vợ chồng, sao cho việc ấy được diễn tiến thuận lợi, và giúp nó đạt đến mục đích một khi hành vi ấy được thực hiện cách bình thường » (24). Về việc thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu, huấn thị khẳng định : «Không thể chấp nhận sự thụ tinh nhân tạo đồng ngẫu trong hôn nhân, trừ trường hợp phương tiện kĩ thuật không thay thế hành vi kết hợp vợ chồng, nhưng phục vụ như một tiện ích trợ giúp để hành vi này đạt tới mục đích tự nhiên của nó» (25). 13. Dĩ nhiên, những kĩ thuật nhằm loại bỏ những trở ngại của việc sinh sản tự nhiên, chẳng hạn như sự chữa trị vô sinh bằng hoóc-môn có nguồn gốc từ tuyến sinh dục, chữa trị phẫu thuật bệnh lạc nội mạc tử cung, khai thông ống dẫn trứng, hay phẫu thuật để khôi phục ống dẫn trứng, tự chúng là hợp pháp. Tất cả những kĩ thuật này có thể được xem như là những trị liệu pháp đích thực, vì rằng một khi vấn đề nguồn gốc của sự vô sinh đã được giải quyết, vợ chồng có thể thực hiện những hành vi vợ chồng trong mục đích sinh sản mà không có sự can thiệp trực tiếp của bác sĩ. Không có kĩ thuật nào trong các kĩ thuật này thay thế cho hành vi vợ chồng được, là hành vi xứng đáng duy nhất của việc sinh sản có trách nhiệm. Để đáp lại ước muốn của nhiều đôi vợ chồng hiếm muộn muốn có con, cũng nên khích lệ, thăng tiến và tạo điều kiện dễ dàng - bằng những biện pháp pháp chế thích hợp - thủ tục nhận nuôi trẻ mồ côi, còn bao nhiêu em đang cần đến một mái ấm gia đình để được phát triển thích đáng thành người. Cuối cùng, cũng cần phải khích lệ những việc nghiên cứu và đầu tư nhằm mục đích ngăn ngừa việc vô sinh.
Thụ thai trong ống nghiệm và việc hủy bỏ các phôi có chủ ý 14. Huấn thị Donum vitae đã lưu ý rằng tiến trình thụ tinh trong ống nghiệm rất thường bao gồm cả việc loại bỏ cách chủ ý một số phôi nhất định (26). Một số người nghĩ rằng điều đó là do phần kĩ thuật còn chưa được hoàn hảo như thế nào đó. Nhưng kinh nghiệm đã cho thấy rằng, trên thực tế, tất cả các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được tiến hành như thể phôi người chỉ là một đống tế bào được sử dụng, chọn lọc và loại bỏ. Đúng là khoảng một phần ba những phụ nữ nhờ đến phương pháp sinh sản nhân tạo đã đạt ước nguyện có con. Thế nhưng, phải nhìn nhận rằng khi so sánh giữa con số toàn thể các phôi được sản sinh và các phôi rốt cuộc đã thành em bé chào đời, thì con số phôi bị hy sinh vẫn là rất cao (27). Những phôi bị mất này được các chuyên viên kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chấp nhận như là cái giá phải trả để đạt được những kết quả tích cực. Thật ra điều đáng lo ngại đó là, trong lãnh vực này, việc nghiên cứu chủ yếu nhắm tới chỗ đạt được những kết quả tốt nhất xét theo nghĩa tỉ lệ phần trăm các trẻ sinh ra càng ngày càng cao hơn so với các phụ nữ bắt đầu việc chữa trị, mà không tỏ ra thực sự quan tâm đối với quyền sống của mỗi phôi nhi. 15. Người ta thường phản bác lại rằng những tổn thất phôi này trong đa số các trường hợp là không chủ ý hay thậm chí ngược với ý muốn của các bậc cha mẹ và các y bác sĩ. Họ nói rằng vấn đề là ở sự rủi ro, một sự rủi ro không khác biệt lắm với sự rủi ro vốn gắn liền với tiến trình sinh sản tự nhiên; và nếu có ai muốn sinh ra một sự sống mới mà không chấp nhận rủi ro nào thì thực tế có nghĩa là người đó tránh truyền lại nó. Dĩ nhiên, tất cả những tổn thất phôi nơi việc sinh sản trong ống nghiệm không đồng nhất với ý muốn của những người trong cuộc. Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta đã thấy trước và muốn bỏ đi, hủy diệt hay làm tổn thất phôi. Các phôi được sản sinh trong ống nghiệm mà bị khuyết tật đều bị trực tiếp loại bỏ. Càng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng dù không bị vô sinh mà vẫn nhờ cậy đến kĩ thuật sinh sản nhân tạo với mục đích duy nhất là tiến hành việc chọn lọc di truyền con cái của họ. Trong nhiều nước hiện nay có một sự kiện phổ biến, đó là người ta kích thích sự rụng trứng nơi chu kì người phụ nữ để có được thật nhiều noãn bào mà đem đi thụ tinh. Một số phôi đạt được mức độ như thế được cấy vào trong tử cung, đang khi những phôi khác lại được đông lạnh để dùng cho những can thiệp sinh sản có thể có trong tương lai. Mục đích của việc cấy truyền nhiều như thế là để bảo đảm tối đa cấy ghép thành công được một phôi. Để đạt đến mục tiêu này, người ta cấy nhiều phôi hơn đứa con mong đợi, và đang khi đó đã dự kiến trước một số phôi sẽ bị tổn thất và người ta lại thường tránh việc mang nhiều thai. Như thế, thực ra kĩ thuật truyền cấy nhiều phôi này ẩn chứa một thái độ duy lợi đối với các phôi. Người ta ngạc nhiên khi thấy trong mọi lãnh vực khác của y khoa, cả đạo đức nghề nghiệp thông thường cũng như các cấp thẩm quyền về y tế sức khỏe đều không chấp nhận một kĩ thuật lại hàm chứa một tỉ lệ thất bại và nguy hiểm sinh mạng cao như thế. Thật ra các kĩ thuật thụ tinh trong ống
5
nghiệm sở dĩ được chấp nhận vì họ giả định rằng ở đây phôi không xứng đáng để được tôn trọng đầy đủ, và vì nó phải đua tranh với một ước muốn có con như ý muốn của người ta. Thực tế đáng buồn và thường bị người ta lờ đi này là điều hết sức đáng tiếc, bởi vì «các kĩ thuật sinh sản nhân tạo, xem ra là để phục vụ sự sống và thường được dùng với ý hướng này, nhưng trên thực tế chúng đã mở ngỏ cho những tấn công mới nhắm vào sự sống» (28). 16. Hơn nữa, Giáo Hội xem sự tách biệt sinh sản ra khỏi bối cảnh mang tính nhân vị toàn diện của hành vi vợ chồng là không thể chấp nhận được trên bình diện luân lí (29) : việc sinh sản của con người là một hành vi có tính nhân vị của cặp vợ chồng không thể ủy quyền thay thế được. Sự chấp nhận cách vô tư tỉ lệ phá thai rất cao hàm chứa trong các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm chứng minh cách hùng hồn rằng việc thay thế hành vi vợ chồng bởi một thủ tục kĩ thuật – ngoài việc không tôn trọng việc sinh sản, vốn không được giản lược thành chỉ còn là một việc sản xuất – góp phần vào việc làm yếu đi ý thức tôn trọng phải có đối với mọi hữu thể nhân linh. Ngược lại, thái độ tôn trọng này được nhìn nhận và phát huy bởi sự thân mật của vợ chồng sống yêu thương. Giáo Hội nhìn nhận ước muốn có con là hợp pháp, và thông cảm với những đau khổ của các cặp vợ chồng đang gặp thử thách do những vấn đề son sẻ. Thế nhưng, ước muốn này không thể được đặt bên trên phẩm giá của mọi sự sống con người, đến mức như một chúa tể. Ước muốn có một đứa con không thể biện minh cho «sự sản xuất » ra nó, cũng như ước muốn không có con không thể biện minh cho việc bỏ đi hay hủy hoại thai nhi. Thực ra, người ta có cảm tưởng một số nhà nghiên cứu, vì thiếu hoàn toàn quy chiếu đạo đức và vì họ biết những tiềm năng của tiến bộ kĩ thuật, nên đã chịu thua cái lô-gích của ước muốn chủ quan (30) và để mình chịu áp lực kinh tế, vốn đặc biệt rất mạnh trong lãnh vực này. Đứng trước sự kiện hữu thể nhân linh ở giai đoạn phôi bị đối xử như dụng cụ, ta cần phải lặp lại lần nữa rằng «không có kì thị trong tình yêu của Thiên Chúa giữa một hữu thể nhân linh vừa được thụ thai còn trong dạ mẹ, và em bé sơ sinh, hay một cô cậu thanh thiếu niên, hay là một người lớn hoặc người già. Ngài không phân biệt, vì nơi mỗi người trong họ Ngài thấy dấu ấn của hình ảnh và họa ảnh của Ngài […] Bởi đó Huấn Quyền của Giáo Hội không ngừng tuyên bố đặc tính linh thánh và bất khả xâm phạm của mỗi sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến lúc kết thúc tự nhiên của sự sống đó» (31).
Kĩ thuật bơm tinh trùng vào trứng (Intracytoplasmic sperm injection ( ICSI)) 17. Kĩ thuật bơm tinh trùng vào trứng (ICSI) là một trong số những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo phát triển gần đây đang dần dần trở nên đặc biệt quan trọng (32). ICSI đã trở nên kĩ thuật được sử dụng càng ngày càng nhiều, do nó có hiệu quả giúp khắc phục được những hình thức vô sinh nam khác nhau (33). Cũng như sự thụ tinh trong ống nghiệm nói chung mà nó là một biến thể, ICSI tự thân là một kĩ thuật bất hợp pháp, vì nó chia cắt hoàn toàn việc sinh sản và hành vi vợ chồng. Thật vậy, ICSI cũng được «thực hiện bên ngoài cơ thể của đôi vợ chồng, bởi hành động của đệ tam nhân, là những người có khả năng và kĩ thuật quyết định sự thành công của việc can thiệp. Như thế nó phó mặc sự sống và căn tính của phôi cho quyền lực của các y bác sĩ và các nhà sinh học, và để cho kĩ thuật thống trị trên nguồn gốc và số phận của nhân vị. Một tương quan thống trị như thế tự nó trái với phẩm giá và sự bình đẳng chung giữa cha mẹ và con cái. Việc thụ tinh trong ống nghiệm là kết quả của một hành động kĩ thuật chi phối sự thụ tinh. Sự thụ tinh đó quả thực không được thực hiện mà cũng không được đôi vợ chồng thực sự muốn, như là sự diễn tả và là hoa trái của một hành vi đặc thù do vợ chồng kết hợp» (34).
Kĩ thuật làm đông lạnh phôi (Freezing embryos) 18. Một trong những phương pháp dùng để gia tăng cơ hội thành công cho các kĩ thuật sinh sản trong ống nghiệm là nhân bội số lần chữa trị liên tiếp. Để không lặp đi lặp lại việc lấy ra các noãn bào nơi người phụ nữ, người ta lấy nhiều noãn bào một lần duy nhất, và sau đó giữ đông lạnh một số đáng kể các phôi đã được thụ tinh trong ống nghiệm (35). Nếu như lần thử đầu tiên giúp mang thai không thành công, thì tiến hành thủ tục ấy lần thứ hai, hoặc như trong trường hợp những cha mẹ nào muốn mang thai thêm một lần khác. Đôi khi, người ta cũng tiến hành làm đông lạnh cả các phôi định truyền cấy cho lần đầu tiên, bởi vì việc kích thích trứng rụng bằng hoóc môn trong chu kì nữ giới tạo ra những hiệu quả khiến ta phải chờ đợi cho đến khi các điều kiện sinh lí được trở lại bình thường trước khi tiến hành truyền cấy các phôi vào trong dạ mẹ. 6
Việc bảo quản phôi đông lạnh là hành động thiếu sự tôn trọng cần phải có đối với các phôi người, bởi nó giả thiết người ta phải sản xuất phôi trong ống nghiệm, và đặt chúng vào hoàn cảnh nguy tử nghiêm trọng hay làm xâm hại sự toàn vẹn thể lí của chúng, bởi lẽ số phôi không sống sót sau khi đông lạnh và làm tan đông lạnh chiếm một tỉ lệ cao. Kĩ thuật này, dẫu ít ra cách tạm thời, tước bỏ đi sự đón tiếp và ấp ủ của người mẹ thai nghén và đặt sinh linh bé bỏng ấy trong một hoàn cảnh có nguy cơ bị tổn hại và bị con người sử dụng tùy tiện về sau (36). Đa số các phôi không được sử dụng vẫn là «những trẻ mồ côi ». Cha mẹ chúng không nhớ đến chúng nữa, và đôi khi người ta làm mất luôn dấu vết của các cha mẹ này. Đó là lí do tại sao có các ngân hàng với hàng ngàn phôi đông lạnh trong hầu hết các nước có việc thụ tinh trong ống nghiệm. 19. Đối với rất nhiều phôi đông lạnh đang có, câu hỏi đặt ra là người ta phải làm gì với chúng. Một số người tự đặt câu hỏi này mà không hiểu biết bản chất đạo đức của vấn đề, họ chỉ được thúc đẩy bởi sự đòi hỏi của luật pháp trong một số nước yêu cầu các trung tâm đông lạnh phôi, sau mỗi một thời kì nào đó, phải thanh lí các kho lưu trữ phôi, rồi lại chờ đổ đầy chúng một lần nữa. Nhưng một số khác ý thức được rằng người ta đã phạm phải một sự bất công nghiêm trọng, và họ băn khoăn tự hỏi làm sao để sửa chữa tốt nhất những bất công này. Những ý kiến đề nghị sử dụng các phôi này cho việc nghiên cứu hay cho những mục đích chữa trị hiển nhiên là không thể chấp nhận được, bởi vì người ta sử dụng chúng chỉ như là một thứ «vật liệu sinh học », điều này hàm ý hủy hoại chúng. Sư đề nghị làm tan đông lạnh các phôi này mà không phục hoạt chúng, sử dụng chúng cho việc nghiên cứu như thể đó chỉ là những tử thi, cũng không thể chấp nhận được (37). Cũng thế, ý kiến đề nghị dùng những phôi này để chữa trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn như là « liệu pháp chữa trị vô sinh » là không thể chấp nhận về mặt đạo đức cũng bởi chính những lí do đã làm cho việc sinh sản nhân tạo dị ngẫu và mọi hình thức mang thai thay thế trở nên bất hợp pháp (38). Hơn nữa, thực hành này còn đưa tới bao nhiêu vấn đề khác trên bình diện y khoa, tâm lí và pháp lí. Người ta cũng đưa ra đề nghị, chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội cho các hữu thể nhân linh được sinh ra thay vì phải bị hủy hoại, một hình thức «nhận con nuôi trước khi sinh» (prenatal adoption). Giải pháp này đáng được ca ngợi bởi ý hướng tôn trọng và bảo vệ sự sống con người, tuy nhiên cũng cho có thấy nhiều vấn đề không khác với những vấn đề đã được nói đến trên đây. Sau cùng, cần phải công nhận rằng hằng nghìn phôi trong tình trạng bị bỏ rơi thể hiện cả một hoàn cảnh bất công thực tế không thể giải quyết được. Chính vì thế Đức Gioan Phaolô II đã lên tiếng «kêu gọi lương tâm của các vị chức trách của thế giới khoa học và cách đặc biệt kêu gọi các bác sĩ hãy dừng lại việc sản xuất các phôi người, họ cần nhận thấy rằng không có một giải pháp chính đáng nào về mặt luân lí cho số phận nhân linh của hàng ngàn phôi «đông lạnh», chúng luôn là và vẫn là những chủ nhân có những quyền cơ bản, và bởi thế chúng cần phải được bảo vệ về mặt luật pháp như là những nhân vị» (39).
Kĩ thuật làm đông lạnh các noãn bào (Freezing of oocytes) 20. Để giải quyết những vấn đề đạo đức nghiêm trọng được đặt ra do việc bảo quản đông lạnh các phôi, người ta đã đề nghị làm đông lạnh các noãn bào (tế bào trứng), trong phạm vi các kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (40). Một khi một số noãn bào thích hợp đã được lấy ra nhằm tiên liệu cho nhiều vòng sinh sản nhân tạo, người ta chỉ đem đi thụ tinh những noãn bào nào dự định sẽ được truyền cấy vào cơ thể của người mẹ ; những noãn bào khác thì được đông lạnh để dành cho sự thụ tinh và truyền cấy trong tương lai trong trường hợp lần thử đầu bị thất bại. Về điểm này, cần minh định rằng việc bảo toàn đông lạnh các noãn bào nhằm tiến hành việc sinh sản nhân tạo phải được xem là không thể chấp nhận được về mặt luân lí.
Kĩ thuật giảm trừ phôi 21. Một số kĩ thuật được dùng trong việc sinh sản nhân tạo, nhất là kĩ thuật truyền nhiều phôi vào trong dạ của người mẹ đã gây ra một sự gia tăng đáng kể tỉ lệ đa thai. Hoàn cảnh đó khiến người ta nghĩ đến giải pháp kĩ thuật được gọi là «giảm trừ phôi » (embryo reduction). Đó là một thủ tục trong đó người ta can thiệp để 7
giảm trừ số phôi hay bào thai trong dạ người mẹ, bằng cách tiến hành loại chúng trực tiếp. Quyết định loại bỏ các hữu thể nhân linh như thế, là điều mà trước đó người ta đã rất khát khao, biểu lộ một nghịch lí, và thường làm cho những người cha người mẹ ấy phải đau khổ và mang một cảm giác tội lỗi có thể kéo dài trong nhiều năm. Từ quan điểm đạo đức, việc giảm trừ phôi là một sự phá thai chủ ý có chọn lọc. Quả thế, đó là việc loại bỏ có chủ ý và trực tiếp một hay nhiều hữu thể nhân linh vô tội trong giai đoạn ban đầu của cuộc sống của chúng. Như thế, nó luôn luôn tạo nên một sự vô trật tự luân lí nghiêm trọng (41). Những lí luận được trình bày để biện minh về đạo đức cho việc giảm trừ phôi thường dựa trên sự loại suy (trường hợp tương tự) từ trường hợp như thảm họa thiên nhiên hay những hoàn cảnh cấp bách trong đó, dẫu ai cũng muốn nhưng ta không thể cứu hết tất cả mọi người trong cuộc. Dẫu sao đi nữa, những loại suy như thế không thể làm cơ sở cho một hành động phá thai trực tiếp. Trong trường hợp khác, người ta có thể quy chiếu đến những nguyên tắc luân lí, như nguyên tắc chọn cái ít xấu hơn hay nguyên tắc song hiệu, nhưng cũng không thể được áp dụng trong trường hợp này. Quả thật, thực hiện một hành vi bất chính nội tại không bao giờ là chính đáng cả, cho dẫu để nhắm đến một cứu cánh tốt : mục đích không biện minh cho phương tiện.
Chẩn đoán tiền cấy ghép (Preimplantation diagnosis) 22. Việc chẩn đoán tiền cấy ghép là một hình thức chẩn đoán trước khi sinh ra, liên hệ tới những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo. Việc ấy bao gồm sự chẩn đoán di truyền các phôi được tạo ra trong ống nghiệm trước khi được truyền cấy vào dạ người phụ nữ. Kĩ thuật này được dùng với mục đích bảo đảm chỉ truyền cho bà mẹ những phôi không có khuyết tật hay những phôi với một giới tính đã xác định hay có một số phẩm chất đặc biệt nào đó. Trong những hình thức chẩn đoán trước khi sinh khác, giai đoạn chẩn đoán tách bạch khỏi giai đoạn loại bỏ có thể có về sau và trong khoảng cách thời gian này, các cặp vợ chồng vẫn còn tự do để quyết định đón nhận đứa con bệnh tật của mình hay không. Sự chẩn đoán tiền cấy ghép thông thường đi liền sau đó là việc loại bỏ những phôi «đáng ngờ » bị cho là có những khuyết tật di truyền hay nơi nhiễm sắc thể, hoặc là phôi mang giới tính hay có những phẩm chất khác không mong muốn. Sự chẩn đoán này – vốn luôn gắn liền với việc thụ tinh nhân tạo tự nó đã là bất hợp pháp – thực ra nhằm chọn lọc phẩm chất và hậu quả của nó là sự hủy hoại các phôi, điều đó trong thực tế không gì khác hơn là một hành động phá thai sớm. Như thế việc chẩn đoán tiền cấy ghép bộc lộ não trạng ưu sinh «chấp nhận phá thai có chọn lọc để ngăn cản sự ra đời của những đứa trẻ bị những loại khuyết tật dị thường. Não trạng đó xúc phạm phẩm giá con người và hoàn toàn đáng chê trách, bởi lẽ nó muốn đo lường giá trị của mạng sống con người chỉ theo những tham số là «sự bình thường» và sự khỏe mạnh thể lí, từ đó mở đường cho việc giết trẻ sơ sinh và trợ tử cách hợp pháp» (42). Khi đối xử với phôi người như chỉ là một thứ «chất liệu phòng thí nghiệm», người đã làm biến đổi và kì thị ngay cả đối với chính ý niệm phẩm giá con người. Mỗi hữu thể nhân linh có phẩm giá như nhau và phẩm giá ấy không lệ thuộc vào kế hoạch của cha mẹ, điều kiện xã hội hay giáo dục văn hóa, cũng không phụ thuộc mức phát triển thể lí. Nếu như, vào những thời gian khác của lịch sử, người ta chấp nhận cách chung quan niệm cũng như những yêu sách về phẩm giá con người, dù thực tế vẫn có kì thị do khác biệt chủng tộc, tôn giáo hay địa vị xã hội, thì ngày nay, vẫn có sự kì thị cũng nghiêm trọng và bất công không kém đối với các hữu thể nhân linh có mang các bênh tật nghiêm trọng hay bị tật nguyền, họ không được nhìn nhận có một tư cách về đạo đức và pháp lí. Người ta quên rằng những người bệnh và những người khuyết tật không phải là một giới riêng tách biệt xã hội; bệnh tật hay tật nguyền thuộc về thân phận con người và liên quan đến hết mọi người, cả khi người ta không có kinh nghiệm trực tiếp mang bệnh tật. Thái độ phân biệt như thế là phi luân và bởi đó không thể chấp nhận được về mặt pháp lí; cũng thế, người ta phải loại trừ những rào chắn văn hóa, kinh tế và xã hội, chúng xói mòn sự nhìn nhận trọn vẹn và việc bảo vệ những người khuyết tật và những người bệnh.
Những hình thức ngăn cản mang thai mới : ngăn chặn mang thai (interceptive) và loại bỏ phôi thai (contragestative)
8
23. Bên cạnh những phương pháp ngừa thai đúng nghĩa ngăn cản việc thụ thai sau một hành vi tính dục, còn có những phương tiện kĩ thuật khác can thiệp sau khi trứng đã thụ tinh, nghĩa là khi phôi đã hình thành trước hay sau khi phôi đã làm tổ ở thành tử cung. Những kĩ thuật này được gọi là kĩ thuật ngăn chặn mang thai (interceptive) khi chúng can thiệp trước khi phôi làm tổ, và được gọi là kĩ thuật loại bỏ phôi thai (sau khi làm tổ) (contragestative) nếu chúng gây ra việc loại bỏ phôi vừa mới làm tổ. Để khuyến khích việc truyền bá các phương tiện ngăn chặn mang thai (43), đôi khi người ta khẳng định rằng cơ chế hoạt động của chúng có lẽ đã không được biết đến cách đầy đủ. Hẳn là người ta vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về cơ chế hoạt động của các dược phẩm khác nhau đang được sử dụng. Nhưng những nghiên cứu khoa học cho thấy rằng hiệu quả việc ngăn chặn phôi làm tổ là có thực, cho dẫu điều đó không có nghĩa là các phương tiện ngăn chặn mang thai đó gây ra một việc phá thai mỗi lần chúng được sử dụng, và bởi vì một quan hệ tính dục không phải lúc nào cũng tạo ra sự thụ thai. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ai muốn ngăn chặn việc phôi làm tổ và yêu cầu hay kê toa những dược phẩm như thế, thì nói chung họ đã có ý hướng phá thai rồi. Khi nhận thấy kinh nguyệt bị chậm trễ, thì có khi người ta lại cậy nhờ đến kĩ thuật loại bỏ phôi thai (44), kĩ thuật thường được dùng trong thời gian khoảng một đến hai tuần sau khi nhận thấy kinh nguyệt chậm trễ. Mục tiêu được tuyên bố là tái lập kinh nguyệt bình thường, nhưng thực ra đó là việc phá phôi thai vừa làm tổ. Như chúng ta biết, phá thai là «sự giết người có chủ ý và trực tiếp, dù làm bằng cách nào đi nữa, giết chết một hữu thể nhân linh trong giai đoạn đầu, kể từ khi thụ thai cho tới lúc sinh ra, của cuộc sống của nó» (45). Vì thế, việc sử dụng các phương tiện ngăn chặn mang thai và loại bỏ phôi thai đều thuộc về tội phá thai và vẫn là một hành vi phi luân nghiêm trọng. Hơn nữa, khi biết chắc mình đã gây ra một việc phá thai thì, theo giáo luật, người ta còn chuốc lấy những hệ quả hình phạt nghiêm trọng (46).
PHẦN THỨ BA NHỮNG TRỊ LIỆU MỚI LIÊN HỆ TỚI SỰ CẢI BIẾN PHÔI VÀ GIA SẢN DI TRUYỀN CỦA CON NGƯỜI 24. Những kiến thức gặt hái được trong những năm qua đã mở ra những viễn ảnh mới cho cả y học tái tạo (regenerative medecine) lẫn việc chữa trị các bệnh tật do di truyền. Khác với trường hợp của nghiên cứu trên các tế bào gốc trưởng thành, việc nghiên cứu trên các tế bào gốc phôi thai và những áp dụng điều trị có thể có trong tương lai, một cách đặc biệt, đã khơi dậy một sự quan tâm lớn lao, mặc dù cho đến nay những nghiên cứu ấy chưa tạo ra những kết quả thực tế nào. Kể từ khi một số người cho rằng những mục tiêu điều trị có thể đạt tới được về sau nhờ những tế bào gốc phôi thai có thể biện minh cho những hình thức cải biến (manipulation) và hủy hoại phôi người khác nhau, xuất hiện cả một loạt những vấn nạn trong lãnh vực liệu pháp gien, từ kĩ thuật nhân bản vô tính (cloning) cho đến việc sử dụng các tế bào gốc (stem cells), đòi ta phải có một sự phân định cẩn thận về mặt luân lí.
Liệu pháp gien (Gene therapy) 25. Liệu pháp gien cách chung muốn nói đến việc ứng dụng trên con người những kĩ thuật của công nghệ di truyền với mục đích điều trị, tức là nhằm chữa trị các bệnh di truyền, dù từ ít lâu nay người ta muốn áp dụng liệu pháp gien trong khuôn khổ của việc chữa trị các bệnh tật không di truyền, và đặc biệt là bệnh ung thư. Về mặt lí thuyết, có thể áp dụng liệu pháp gien ở hai cấp độ : cấp độ của các tế bào thân (somatic cells) và cấp độ các tế bào mầm (germ line cells). Liệu pháp gien trên các tế bào thân (somatic cell gene therapy) muốn loại bỏ hay giảm trừ các khuyết tật di truyền hiện diện ở cấp độ các tế bào thân, tức là những tế bào không sinh sản, bao gồm các mô và các bộ phận của thân thể. Đây là trường hợp của những can thiệp nhắm đến cá thể những tế bào nhất định, với những hệ quả được giới hạn cho chỉ một mình cá nhân người chữa trị. Trái lại, liệu pháp gien trên các tế bào mầm (germ line cell therapy) nhắm sửa chữa những khuyết tật di truyền nơi các tế bào mầm, để những hiệu quả trị liệu đạt được có thể được thông truyền cho con cháu về sau của mình. Những can thiệp liệu pháp gien trên các tế bào thân cũng như trên tế bào mầm này có thể
9
được thực hiện trên bào thai trước khi sinh (liệu pháp gien trong tử cung) hay sau khi sinh (trên đứa trẻ hay trên người lớn). 26. Để đánh giá về luân lí người ta cần lưu tâm đến những phân biệt sau đây. Những can thiệp trên tế bào thân chỉ hoàn toàn nhằm mục đích điều trị, về nguyên tắc, là hợp pháp về mặt luân lí. Những can thiệp này muốn tái tạo cấu hình di truyền bình thường của bệnh nhân hay đền bù những thiệt hại gây ra bởi những dị thường di truyền hay do những chứng bệnh khác liên hệ. Vì liệu pháp gien có thể ẩn chứa những nguy cơ lớn đối với bệnh nhân, nên cần phải tuân thủ nguyên tắc chung về đạo đức nghề nghiệp, theo nguyên tắc đó để tiến hành một can thiệp điều trị, cần thiết phải bảo đảm trước rằng bệnh nhân được điều trị sẽ không gặp những nguy hiểm (cho sức khỏe hay cho sự toàn vẹn thân thể của mình) thái quá hay nguy cơ mà mức độ không tương xứng với sự trầm trọng của căn bệnh muốn chữa trị. Cũng đòi hỏi phải có sự ưng thuận rõ ràng của bệnh nhận hay của người đại diện hợp pháp của người bệnh. Trái lại, đánh giá luân lí về liệu pháp gien trên tế bào mầm, thì khác. Mọi biến đổi gien thực hiện nơi các tế bào mầm của một người chắc chắn sẽ được truyền lại cho con cháu tương lai của người ấy. Vì những nguy cơ gắn liền với mọi cải biến di truyền là đáng kể và còn ít được kiểm soát, nên về mặt luân lí, trong tình trạng hiện nay của việc nghiên cứu, không thể chấp nhận những hành động liều lĩnh có thể gây những tổn hại khả dĩ truyền lại cho con cái. Trong những giả định áp dụng liệu pháp gien cho phôi, cũng cần phải nói thêm rằng người ta chỉ có thể thực hiện điều đó trong khuôn khổ kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đó lại là điều bị phản đối về mặt đạo đức. Vì những lí do đó, cần phải khẳng định rằng trong tình trạng hiện nay liệu pháp gien trên tế bào mầm dưới mọi hình thức đều bất hợp pháp về mặt luân lí. 27. Vấn đề sử dụng công nghệ di truyền cho những mục đích khác với việc trị liệu cũng cần phải được xem xét cách riêng. Một số người nghĩ rằng có thể sử dụng những kĩ thuật của công nghệ di truyền để thực hiện những cải biến với mục đích cải tiến hay củng cố vốn di truyền. Một số ý kiến theo hướng này tỏ ra không thỏa đáng hay thậm chí họ chối bỏ cả giá trị con người như là thụ tạo và là nhân vị hữu hạn. Ngoài những khó khăn kĩ thuật, với tất cả những nguy cơ hiện thực và tiềm tàng gắn liền với chúng, rõ ràng những cải biến như thế còn khuyến khích một não trạng ưu sinh và gián tiếp tạo ra trong xã hội một thái độ khinh thường đối với những người không có những phẩm chất nào đó, đang khi lại đề cao những phẩm chất được các nền văn hóa và xã hội nhất định ưa thích, những phẩm chất ấy lại không phải những phẩm chất đặc thù của con người. Điều đó trái ngược với chân lí nền tảng mọi người đều bình đẳng, thường được diễn tả qua nguyên tắc công bằng, mà nếu nguyên tắc ấy bị vi phạm dần dà, cuối cùng rồi cũng sẽ làm hại đến sự chung sống hòa bình giữa các cá nhân. Hơn nữa, người ta tự hỏi ai sẽ là người xác định những can thiệp biến đổi này thì tích cực và những biến đổi kia thì không, và đâu là giới hạn phải đặt ra đối với các yêu sách cá nhân muốn cải tiến, bởi vì thực tế người ta không thể đáp ứng được ước muốn của từng người. Dù sao đi nữa, câu trả lời nào cho những câu hỏi này cũng đều dựa trên những tiêu chuẩn tùy hứng và không chắc chắn. Tất cả những điều đó cho phép ta kết luận rằng một viễn tượng can thiệp như thế, rốt cuộc, sớm hay muộn rồi cũng sẽ làm hại đến công ích, bởi vì nó làm thỏa mãn ý muốn của một số người mà coi thường tự do của những người khác. Sau cùng, cũng nên lưu ý rằng, trong ý định muốn tạo ra một loại người mới, lộ ra một thứ ý thức hệ trong đó con người có tham vọng thay thế Đấng Tạo Hóa của mình. Khi khẳng định sự tiêu cực về đạo đức của những kiểu can thiệp này vốn hàm ẩn một sự thống trị bất công của con người đối với người, Giáo Hội cũng nhắc nhở cần thiết phải trở về với viễn ảnh chăm sóc con người và giáo dục bằng cách đón nhận sự sống con người trong bản tính hữu hạn lịch sử cụ thể của nó.
Kĩ thuật nhân bản vô tính trên người (human cloning) 28. Thuật ngữ nhân bản vô tính trên người chỉ việc sinh sản vô tính (asexual) và vô giao (agametic) toàn thể cơ thể người để sản xuất ra một hay nhiều «bản sao» về thực chất giống với nguyên bản độc nhất về mặt di truyền (47). Nhân bản vô tính được đề nghị với hai mục tiêu căn bản : mục tiêu sinh sản, tức là nhằm sinh ra một đứa con, và mục tiêu kia là điều trị hay nghiên cứu. Về mặt lí thuyết, sinh sản vô tính có thể đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt như kiểm soát sự tiến hóa của con người, chọn lọc con người với những phẩm chất siêu đẳng, chọn lọc trước giới tính của đứa trẻ sắp sinh ra, sản sinh ra một đứa trẻ là «bản sao» của một người khác, sản sinh 10
ra một đứa con cho đôi vợ chồng bị hiếm muộn không thành công trong các cách chữa trị khác. Trái lại, việc nhân bản vô tính điều trị được đề nghị như là phương tiện sản sinh ra những tế bào gốc phôi thai có một gia sản di truyền được xác định trước, nhằm khắc phục vấn đề loại bỏ hệ thống miễn dịch; bởi thế, kĩ thuật này gắn liến với vấn đề sử dụng các tế bào gốc phôi thai. Những nỗ lực nhân bản vô tính đã khơi lên mối quan ngại rất lớn trên toàn thế giới. Nhiều tổ chức cấp quốc gia và quốc tế đã bày tỏ những đánh giá tiêu cực đối với việc nhân bản vô tính trên con người và, nó đã bị cấm trong đại đa số các nước. Nhân bản vô tính trên con người tự bản chất là bất hợp pháp, vì nó đẩy sự tiêu cực về đạo đức của kĩ thuật thụ tinh nhân tạo đến cực độ, nó muốn tạo sinh một con người mới mà không có chút liên hệ gì với hành vi trao hiến giữa vợ và chồng, và cực đoan hơn nữa, nó không có liên hệ nào với giới tính. Tình trạng này đưa tới những cải biến và lạm dụng xâm hại nghiêm trọng đến phẩm giá nhân vị (48). 29. Nếu nhân bản vô tính nhằm mục đích sản xuất, thì chủ thể được tạo thành sẽ bị áp đặt bởi một gia sản di truyền đã được định trước, thực tế người ta bắt nó phải chịu phục tùng một hình thức nô lệ sinh học mà nó khó có thể được giải thoát. Một người mà tự cho mình quyền hạn quyết định cách tùy tiện những đặc tính di truyền của một người khác, là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá của người ấy và xúc phạm tới sự bình đẳng cơ bản giữa người với người. Nét độc đáo của mỗi người xuất phát từ mối tương quan riêng biệt giữa Thiên Chúa và con người từ những giây phút đầu tiên của cuộc sống của mình. Điều đó bó buộc người ta phải tôn trọng tính độc đáo và sự toàn vẹn của người ấy, cả trên bình diện sinh học lẫn di truyền. Mỗi người chúng ta gặp gỡ nơi người khác một con người chịu ơn tình yêu của Thiên Chúa về cuộc sống và những đặc tính riêng của mình, và chỉ có tình yêu giữa vợ và chồng mới là trung gian phù hợp với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và là Cha trên trời. 30. Cái gọi là nhân bản vô tính nhằm mục đích điều trị còn nghiêm trọng hơn nữa xét trên bình diện đạo đức. Tạo nên những phôi thai với ý định sẽ hủy diệt chúng, là hoàn toàn không phù hợp với phẩm giá nhân vị, cho dầu với ý hướng là trợ giúp những người bệnh, vì điều đó biến cuộc sống của một con người, dù ở giai đoạn phôi thai, thành không gì khác hơn một phương tiện để sử dụng và để hủy hoại. Hy sinh mạng sống một con người với mục đích điều trị là một điều hết sức phi luân. Do nhiều người ở nhiều lãnh vực chống đối việc nhân bản vô tính để điều trị và chống việc sử dụng phôi người được sản xuất trong ống nghiệm, một số nhà khoa học đã đề nghị những kĩ thuật mới, được giới thiệu như là có khả năng sản xuất ra các tế bào gốc kiểu phôi không giả thiết phải hủy diệt các phôi người thật (49). Những đề nghị này đã khơi lên nhiều nghi vấn ở cấp độ khoa học và đạo đức học, đặc biệt là những gì liên quan đến quy chế hữu thể học của «sản phẩm» đạt được bằng cách đó. Bao lâu những nghi ngại này chưa được làm sáng tỏ, thì người ta cần phải lưu tâm đến những gì mà thông điệp Evangelium vitae đã khẳng định : «vấn đề ấy rất là quan trọng vì, từ quan điểm bó buộc luân lí, chỉ cần có một chút xác suất ta đối diện với một con người thôi cũng đủ để có một mệnh lệnh cấm đoán rõ ràng cấm mọi sự can thiệp dẫn đến việc hủy diệt phôi người » (50).
Việc sử dụng các tế bào gốc nhằm điều trị 31. Các tế bào gốc là những tế bào không biệt hóa có hai đặc điểm căn bản sau đây: a) khả năng vững bền tự nhân bội mà bản thân vẫn không bị biệt hóa ; b) khả năng sinh ra những tế bào mẹ chuyển tiếp, từ đó phát xuất ra những tế bào biệt hóa cao, chẳng hạn như các tế bào thần kinh, tế bào cơ, tế bào máu. Từ khi thực nghiệm chứng minh rằng các tế bào gốc, khi được cấy vào một mô bị hư hỏng, có khuynh hướng giúp phát triển các tế bào và tái sinh lại mô này, thì những viễn ảnh mới được mở ra cho khoa y học tái tạo, và từ đó khơi lên một sự quan tâm lớn lao giữa các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Nơi con người, những nguồn của các tế bào gốc cho đến nay được xác định là : phôi ở những giai đoạn phát triển đầu tiên của nó, thai, máu của dây rốn, những mô khác nhau nơi người trưởng thành (tủy xương, dây rốn, não, trung mô của các cơ quan …) và nước ối. Lúc đầu, những công trình nghiên cứu tập trung vào các tế bào gốc từ phôi vì người ta nghĩ rằng chỉ những tế bào gốc phôi mới có nhiều khả năng nhân bội và biệt hóa. Thế nhưng, nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy rằng các tế bào gốc từ người lớn cũng cho thấy 11
chúng có khả năng linh hoạt lớn. Cho dù những tế bào này có vẻ không có cùng khả năng làm mới và cùng độ mềm dẻo như các tế bào gốc lấy từ phôi, nhưng những nghiên cứu và thí nghiệm khoa học sâu xa hơn cho thấy những tế bào này cho những kết quả tích cực hơn các tế bào gốc từ phôi. Các hình thức điều trị đang thịnh hành hiện nay dự kiến sử dụng các tế bào gốc từ người lớn và nhiều hướng nghiên cứu đã được triển khai mở ra những chân trời mới đầy hứa hẹn. 32. Để lượng giá về mặt đạo đức, ta cần phải xem xét những phương pháp lấy các tế bào gốc cũng như những nguy cơ liên hệ tới việc sử dụng điều trị hay thí nghiệm. Về các phương pháp được sử dụng để thu tập các tế bào gốc, người ta cần phải xét đến nguồn gốc của chúng. Những phương pháp không gây hại nghiêm trọng cho người được lấy tế bào gốc đều được xem là hợp pháp. Cách chung, điều kiện này được chứng thực nơi những trường hợp sau : lấy a) mô của một cơ thể trưởng thành; b) máu của dây rốn vào lúc sinh; c) các mô bào thai đã chết bởi một nguyên nhân tự nhiên. Ngược lại, lấy các tế bào gốc từ một phôi người còn sống chắc chắn sẽ làm cho nó chết và bởi thế, điều đó là hết sức bất hợp pháp. Trong trường hợp này, «cho dù các kết quả có ích lợi điều trị như thế nào, thì việc nghiên cứu không còn thực sự nhằm phục vụ nhân loại nữa. Quả thật, việc nghiên cứu này như thế là đã hủy diệt các mạng sống của con người vốn có một phẩm giá ngang hàng với các nhân vị khác và với chính các nhà nghiên cứu. Chính lịch sử đã kết án trong quá khứ và sẽ còn kết án trong tương lai thứ khoa học như thế, không chỉ vì nó thiếu vắng ánh sáng của Thiên Chúa, nhưng còn vì nó thiếu cả nhân tính nữa» (51). Việc sử dụng các tế bào gốc từ phôi hay các tế bào đã biệt hóa phát xuất từ đó – ngay cả khi chúng được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu khác – do sự hủy diệt phôi hay phôi bị thương mại hóa, đặt ra những vấn đề nghiêm trọng do cộng tác vào điều ác và gây gương mù (52). Việc sử dụng nhằm mục tiêu điều trị các tế bào gốc lấy được từ các phương thế hợp pháp thì không có gì phải bị phản đối về mặt luân lí. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng các tiêu chuẩn chung của khoa đạo đức y học. Việc sử dụng này cần phải được tiến hành với độ chính xác khoa học và thận trọng, làm sao để giảm thiểu tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra đối với bệnh nhân, và bằng cách tạo điều kiện cho các nhà khoa học trao đổi với nhau và cung cấp thông tin đầy đủ cho đại chúng. Cần khuyến khích gia tăng và ủng hộ việc nghiên cứu các tế bào gốc trưởng thành, xét vì nó không có những vấn đề đạo đức (53).
Những cố gắng lai tạo 33. Thời gian gần đây, noãn bào động vật đã được dùng để tái lập trình các nhân tế bào thân của con người. Phương pháp này, nói chung được gọi là phương pháp nhân bản lai tạo, có mục đích trích lấy các tế bào gốc kiểu phôi từ các phôi có được mà không cần phải sử dụng các noãn bào người. Từ quan điểm đạo đức, các phương pháp như thế là một sự xúc phạm đến phẩm giá của con người vì đã pha trộn các yếu tố di truyền người và súc vật, điều đó có thể làm phá vỡ căn tính đặc thù của con người. Việc sử dụng các tế bào gốc được lấy ra từ những phôi này như thế có thể bao hàm những nguy cơ nào đó còn chưa được biết đến đối với sức khỏe, do sự có mặt của chất liệu di truyền súc vật trong tế bào chất của chúng. Đặt một con người một cách ý thức trước những nguy cơ này là không thể chấp nhận được xét về mặt luân lí và đạo đức nghề nghiệp.
Việc sử dụng «chất liệu sinh học» người từ nguồn gốc bất hợp pháp 34. Để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học và sản xuất các vắc-xin hay những sản phẩm khác, thỉnh thoảng người ta dùng những dòng tế bào mà đó lại là kết quả thu được từ một can thiệp bất hợp pháp nào đó chống lại sự sống và sự toàn vẹn thể lí của con người. Sự liên can tới hành vi bất chính có thể là trực tiếp hay gián tiếp, vì nói chung đó là những tế bào được sản sinh cách dễ dàng và rất dồi dào. «Chất liệu» này đôi khi được thương mại hóa hay được phân phối miễn phí ở những trung tâm nghiên cứu của các tổ chức chính phủ được luật pháp cho phép. Tất cả những điều đó khơi lên những vấn đề đạo đưc khác nhau liên quan tới sự cộng tác với điều xấu và điều tai tiếng. Bởi thế, cần phải công bố những nguyên tắc chung nhờ đó những người có lương tâm ngay thẳng có thể đánh giá và giải quyết trong những hoàn cảnh mà họ rất có thể bị liên lụy trong hoạt động nghề nghiệp của mình. 12
Trước tiên, cần phải nhớ rằng phạm trù phá thai «cũng được áp dụng cho các hình thức can thiệp gần đây trên phôi người cho dẫu được tiến hành với những mục đích tự chúng là hợp pháp nhưng hàm chứa việc giết các phôi thai. Đó là trường hợp các thí nghiệm trên phôi người mà càng ngày càng thấy phổ biến trong lãnh vực nghiên cứu y sinh học, và được thừa nhận về mặt pháp lí trong một số quốc gia […]. Việc sử dụng phôi hay thai người như những đồ vật thí nghiệm là một tội ác chống lại phẩm giá con người, vì phôi thai người cũng có quyền được tôn trọng bình đẳng như phải tôn trọng đối với một trẻ em đã sinh ra đời và cũng như đối với tất cả mọi người » (54). Những hình thức thí nghiệm này luôn là một sự xáo trộn luân lí nghiêm trọng (55). 35. Một trường hợp khác cần được lưu ý là khi các nhà nghiên cứu sử dụng «chất liệu sinh học» có nguồn gốc bất hợp pháp, được sản xuất từ bên ngoài trung tâm nghiên cứu của họ hay do mua bán đổi chác. Huấn thị Donum Vitae đã trình bày nguyên tắc chung phải tuân giữ trong trường hợp sau đây : « Các thây của phôi hay thai người, dẫu có bị phá cách chủ ý hay không, cũng cần phải được tôn trọng như những thi hài của những con người khác. Đặc biệt, người ta không được phép cắt xẻo hay mổ xác nếu chưa xác định được chắc chắn chúng đã chết, và nếu chưa có sự ưng thuận của cha mẹ hay của người mẹ. Hơn nữa, một đòi hỏi luân lí cần phải được bảo đảm, đó là không được phép đồng lõa trong việc phá thai chủ ý, cũng như phải loại trừ mọi nguy cơ gây gương xấu » (56). Về vấn đề này, tiêu chuẩn độc lập được một số ủy ban đạo đức đưa ra vẫn chưa đủ. Theo tiêu chuẩn này, việc sử dụng «chất liệu sinh học» có nguồn gốc bất hợp pháp sẽ được phép về mặt đạo đức với điều kiện là, luôn phải có một sự tách rời rạch ròi giữa, một bên là những người sản xuất, làm đông lạnh và cho giết chết các phôi, và bên kia là những nhà nghiên cứu triển khai các thí nghiệm khoa học. Tiêu chuẩn độc lập không thể tránh được một sự mâu thuẫn trong thái độ của người nói không chấp thuận sự bất chính do những người khác, nhưng đồng thời lại chấp nhận, vì công việc của mình, «chất liệu sinh học» do những người kia làm ra cách bất chính. Khi điều bất hợp pháp lại được luật pháp điều hành hệ thống y tế và nghiên cứu khoa học thông qua, thì người ta buộc phải tách ly mình ra khỏi những khía cạnh bất chính của hệ thống này để không gây cho người khác tưởng lầm mình dung túng tới mức nào đó hay mình ngầm chấp thuận các hành động tội lỗi nghiêm trọng như thế (57). Mọi vẻ biểu hiện như chấp nhận hẳn góp phần làm cho ngày càng gia tăng hơn thái độ dửng dưng, nếu không muốn nói là đồng thuận, đối với những hành vi tội lỗi như thế trong một số giới y khoa và chính trị. Đôi khi người ta phản bác và cho rằng những xét nét trên đây dường như giả thiết những nhà nghiên cứu có lương tâm ngay lành có nghĩa vụ phải chủ động đối lập với mọi hành vi bất hợp pháp trong lãnh vực y khoa, như thế là đã mở rộng thái quá trách nhiệm luân lí của họ. Thực ra, nghĩa vụ tránh cộng tác vào điều xấu và điều gây cớ vấp phạm liên hệ đến các hoạt động nghề nghiệp thường ngày của họ, các hoạt động mà họ cần phải định hướng cách đúng đắn và qua đó họ phải làm chứng cho giá trị của sự sống, bằng cách chống lại những luật lệ bất công nghiêm trọng. Vì thế, cần phải nói rõ rằng người ta có nghĩa vụ phải từ chối «chất liệu sinh học» này, cho dẫu không có một liên hệ gần gũi nào giữa các nhà nghiên cứu với các nhà kĩ thuật thực hiện việc thụ tinh nhân tạo hay phá thai, và không có một thỏa thuận nào trước với những trung tâm thụ tinh nhân tạo. Nghĩa vụ này phát xuất từ nghĩa vụ phải tách ly mình ra, trong phạm vi hoạt động nghiên cứu của mình, khỏi một khuôn khổ pháp chế bất công nghiêm trọng và phải khẳng định cách rõ ràng giá trị của sự sống con người. Do đó, tiêu chuẩn độc lập nói trên là cần thiết, nhưng không đủ theo quan điểm đạo đức. Dĩ nhiện, trong bối cảnh chung này có những mức độ trách nhiệm khác biệt. Những lí do nghiêm trọng có thể tương xứng về mặt luân lí để biện minh cho việc sử dụng «chất liệu sinh học» này. Chẳng hạn, khi đứng trước nguy cơ đe dọa sức khỏe của con cái, các cha mẹ có thể cho phép sử dụng một thứ vắc-xin vốn được làm ra từ những dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trong khi họ vẫn phải biểu lộ sự bất đồng ý kiến về vấn đề này và vẫn có bổn phận phải yêu cầu các hệ thống y tế làm ra các loại vắc-xin khác để sử dụng. Đàng khác, trong những doanh nghiệp sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc bất hợp pháp, trách nhiệm của những người quyết định hướng sản xuất và trách nhiệm của những người không có quyền quyết định không như nhau. Trong bối cảnh hiện nay với nhu cầu cấp bách động viên các lương tâm ủng hộ sự sống, cần phải nhắc nhở những người làm công tác y tế rằng «ngày nay, trách nhiệm của họ càng gia tăng. Trách nhiệm ấy được gợi 13
hứng sâu xa nhất và tìm được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất chính ở nơi chiều kích luân lí vốn nội tại và không chối bỏ được của nghề nghiệp y tế, là điều đã được nhìn nhận rồi nơi Lời thề Hippocrate xưa mà vẫn luôn hiện thực, lời thề đó yêu cầu mọi y sĩ phải cam kết tôn trọng tuyệt đối sự sống con người và tính chất thánh thiêng của sự sống ấy» (58).
KẾT LUẬN 36. Giáo huấn luân lí của Giáo Hội đôi khi đã bị cáo buộc chứa đựng quá nhiều cấm đoán. Thực ra, giáo huấn ấy được xây dựng trên sự nhìn nhận và làm tăng trưởng mọi ân huệ mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người, như sự sống, tri thức, sự tự do và tình yêu. Vì thế, không chỉ các hoạt động tri thức của con người mới xứng đáng được quý trọng, nhưng cả những hoạt động thực tiễn như lao động và hoạt động kĩ thuật nữa. Nhờ những hoạt động thực tiễn này, con người tham dự vào quyền năng tạo dựng của Thiên Chúa và được kêu gọi biến đối công trình tạo dựng, bằng cách sắp xếp vô vàn tài nguyên hướng đến phục vụ cho phẩm giá và phúc lợi của tất cả mọi người và của toàn thể con người, và như thế con người còn trở nên người canh giữ giá trị và vẻ đẹp nội tại của tạo thành. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại cho thấy con người đã và còn tiếp tục lạm dụng như thế nào các quyền hạn và các khả năng mà Thiên Chúa đã trao cho, gây nên nhiều hình thức kì thị và áp bức bất công đối với những người yếu thế nhất và những người không có chút khả năng tự vệ nào cả. Những tấn công hằng ngày chống lại sự sống con người; cuộc sống của những vùng nghèo rộng lớn ở đó con người chết vì đói khát và bệnh tật, không hề biết đến những nguồn tri thức lí thuyết và thực hành vốn sẵn có dồi dào ở nhiều nước; sự phát triển kĩ thuật công nghệ và công nghiệp đang gây ra nguy cơ cụ thể có thể làm sụp đổ hệ thống sinh thái; việc sử dụng các nghiên cứu khoa học trong vật lí, hóa học và sinh học với mục đích chiến tranh; rất nhiều xung đột vẫn còn tiếp tục chia rẽ các dân tộc và các nền văn hóa. Tất cả những điều này này, đáng buồn thay, chỉ mới là một vài trong các dấu chỉ hiển nhiên nhất nói lên một thực tế là con người đã sử dụng sai trái các khả năng của mình và trở thành kẻ thù xấu nhất của chính mình, con người đánh mất đi ý thức về ơn gọi cao cả và đặc biệt của mình như là người cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Đồng thời , lịch sử nhân loại cũng cho thấy những tiến bộ thực sự trong sự hiểu biết và nhìn nhận giá trị và phẩm giá của mỗi nhân vị như là nền tảng của các quyền và những mệnh lệnh đạo đức, nhờ đó xã hội loài người đã và vẫn còn đang được xây dựng. Do đó chính nhân danh sự thăng tiến phẩm giá của con người mà những thực hành và thái độ gây hại phẩm giá đó đã bị cấm. Chẳng hạn, có các biện pháp chính trị và pháp lí – chứ không chỉ là cấm đoán đạo đức – chống sự kì thị chủng tộc và các hình thức nộ lệ khác nhau, chống những sự phân biệt bất công và gạt ra bền lề những người phụ nữ, trẻ em, những người bệnh hay khuyết tật. Những cấm đoán ấy là một bằng chứng rõ ràng cho giá trị bất khả nhượng và phẩm giá nội tại của mỗi con người và là dấu chỉ của một sự tiến bộ đích thực của lịch sử nhân loại. Nói cách khác, sự hợp pháp của mọi lệnh cấm đoán được xây dựng trên cơ sở nhu cầu bảo vệ sự thiện luân lí đích thực. 37. Nếu sự tiến bộ của con người và xã hội ban đầu được đánh dấu bởi sự phát triển công nghiệp và sản xuất các hàng hóa tiêu thụ, thì ngày nay lại được đặc trưng bởi sự phát triển của công nghệ thông tin, của những nghiên cứu trong lãnh vực về di truyền, y khoa và công nghệ sinh học ứng dụng cho con người. Đó là những lĩnh vực rất quan trọng cho tương lai của nhân loại, nhưng ở đó cũng cho thấy có những lạm dụng rõ ràng và không thể chấp nhận được. «Cách nay một thế kỷ, chính giai cấp công nhân đã bị áp bức trong các quyền căn bản của mình, và Giáo Hội đã can đảm bảo vệ họ bằng cách tuyên bố các quyền linh thánh của nhân vị của người lao động. Cũng thế, ngày nay, khi một nhóm người (phạm trù những nhân vị) khác bị ức hiếp nơi quyền sống căn bản của mình, Giáo Hội, cũng với một sự can đảm như thế, cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói. Tiếng nói của Giáo Hội luôn là một tiếng kêu Tin Mừng bênh vực những người nghèo của thế giới, những người bị đe dọa, bị khinh thường và những người mà nhân quyền của họ bị chà đạp» (59). Do sứ vụ của mình, vốn thuộc về lãnh vực giáo thuyết và mục vụ của Giáo Hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin cảm thấy có bổn phận phải tái khẳng định phẩm giá và các quyền căn bản và bất khả nhượng của mỗi cá thể người, ngay từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc sống mình, và làm sáng tỏ những đòi hỏi, bởi sự nhìn nhận phẩm giá này, mỗi con người dù ở giai đoạn nào của cuộc sống mình đều cần phải được bảo vệ và tôn trọng.
14
Thực thi nhiệm vụ này bao hàm một sự can đảm chống lại mọi thực hành do một sự kì thị bất công nghiêm trọng đối với các hữu thể nhân linh chưa được sinh ra, vốn có một phẩm giá nhân vị, cũng được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Trong nỗ lực phân định giữa điều tốt và điều xấu, đằng sau mỗi tiếng «không» từ chối chính là một tiếng «vâng» tuyệt vời nhìn nhận phẩm giá và giá trị bất khả nhượng của mỗi hữu thể nhân linh, độc đáo và duy nhất, được kêu gọi đi vào hiện hữu. Các tín hữu sẽ dấn thân mạnh mẽ phát triển một nền văn hóa sự sống mới, bằng cách đón nhận những nội dung của Huấn thị này với tinh thần đồng thuận trong đức tin, và nhận biết rằng Thiên Chúa luôn ban ân sủng cần thiết để ta có thể tuân giữ những giới răn của Người và nơi mọi hữu thể nhân linh, đặc biệt nơi những người bé nhỏ nhất, họ gặp gỡ chính Chúa Kitô (x. Mt 25, 40). Tất cả những người thiện chí, nhất là các bác sĩ và những nhà nghiên cứu có tinh thần cởi mở đối thoại và khao khát tìm biết chân lí, cũng sẽ hiểu và đón nhận những nguyên tắc và những đánh giá này, là nhằm bảo vệ thân phận mỏng manh của hữu thể nhân linh trong những giai đoạn đầu tiên của sự sống và để cổ võ một nền văn minh nhân bản hơn. Huấn thị này đã được thông qua trong Khóa họp thường kì của Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong buổi tiếp kiến ngày 20/06/2008 dành cho Đức Hồng Y Bộ Trưởng, người ký tên dưới đây, đã chấp thuận và truyền cho xuất bản Huấn thị.
Rôma, tại Văn Phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 8/9/2008, lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria. Hồng Y WILLIAM LEVADA Bộ trưởng LUIS LADARIA, S.I. Tổng Giám Mục hiệu tòa Thibica Tổng Thư ký
Chú thích: (1) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum Vitae về việc tôn trọng sự sống con người lúc phôi thai và phẩm giá của việc sinh sản (22/02/1987) : AAS 80 (1988), 70-102. (2) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor về một vài vấn đề căn bản của giáo huấn luân lí của Giáo Hội (06/08/1993) : AAS 85 (1993), 1133-1228. (3) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae về giá trị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người (25/03/1995) : AAS 87 (1995), 401-522. (4) Gioan-Phaolô II, Diễn từ nói với các tham dự viên Hội Nghị lần thứ VII của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống (03/03/2001), s.3 : AAS 93 (2001), 446. (5) X. Gioan-Phaolô II,, Thông điệp Fides et ratio về các mối tương quan giữa đức tin và lí trí (14/09/1998), s.1 : AAS 91 (1999), 5. (6) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 79. (7) Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc nhớ, nhân quyền, nhất là quyền sống của mỗi người, «đặt nền tảng trên luật tự nhiên vốn được ghi khắc nơi tâm hồn con người và có mặt trong các nền văn hóa và văn minh khác nhau. Tách các quyền con người khỏi bối cảnh này có nghĩa là hạn chế tầm hoạt động của chúng và nhượng bộ cho một quan niệm tương đối luận, theo đó ý nghĩa và việc giải thích các quyền này có thể thay đổi và tính phổ quát của chúng có thể bị phủ nhận nhân danh những bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí tôn giáo. Có nhiều quan điểm khác nhau không thể là lí do để quên đi sự kiện rằng không chỉ những quyền con người là phổ quát, mà còn nhân vị, vốn là chủ thể của những quyền này, cũng phổ quát» (Diễn văn tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (18/04/2008) : AAS 100 (2008), 334). (8) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 78-79. (9) Ibid., II, A, 1: l.c., 87. (10) Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae (25/07/1968), s.8: AAS 60 (1968), 485-486. (11) Bênêđictô XVI, Diễn văn nói với các tham dự viên của Hội nghị quốc tế được tổ chức bởi Đại học Giáo Hoàng Latêranô nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông điệp Humanae vitae (10/05/ 2008) : L’Osservatore Romano, 11/05/2008, tr.1; cf. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et magistra (15/05/1961), III: AAS 53 (1961), 447.
15
(12) CĐ Vatican II, Hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes, s.22. (13) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, ss.37-38 : AAS 87 (1995), 442-444. (14) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, s.45 : AAS 85 (1993), 1169. (15) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Đại Hội của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống và Hội nghị quốc tế về «Phôi người trong giai đoạn tiền cấy » (27/02/2006) : AAS 98 (2006), 264. (16) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Donum vitae, Dẫn nhập, 3 : AAS 80 (1988), 75. (17) Gioan-Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio về những nhiệm vụ của gia đình kitô hữu trong thế giới ngày nay (22/11/1981), s.19: AAS 74 (1982), 101-102. (18) X. CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, s.14. (19) X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, II, A, 1 : AAS 80 (1988), 87. (20) Ibid., II, B, 4: l.c., 92. (21) Ibid., Dẫn nhập, 3: l.c., 75. (22) Thụ tinh hay sinh sản nhân tạo dị ngẫu (heterologous artificial fertilization or procreation) được hiểu là «những kĩ thuật nhằm thụ thai con người cách nhân tạo từ những giao tử của ít nhất là một người hiến tặng mà không phải là vợ hay chồng có kết hôn» (ibid., II : l.c., 86). (23) Thụ tinh hay sinh sản nhân tạo đồng ngẫu (homologous artificial fertilization or procreation), được hiểu là «những kĩ thuật nhằm thụ thai con người cách nhân tạo từ những giao tử của hai vợ chồng đã kết hôn» (ibid.). (24) Ibid., II, B, 7: l.c., 96 ; x. Piô XII, Diễn văn nói với các tham dự viên Hội nghị quốc tế các bác sĩ Công giáo lần thứ IV (29/09/1949) : AAS 41 (1949), 560. (25) Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Donum vitae, II, B, 6 : l.c., 94. (26) X. Ibid., II : l.c., 86. (27) Hiện nay, số phôi bị hy sinh ngay cả tại các trung tâm thụ tinh nhân tạo có kĩ thuật tiên tiến nhất có thể xấp xỉ trên 80%. (28) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, s.14 : AAS 87 (1995), 416. (29) X. Piô XII, Diễn văn nói với các tham dự viên tại Hội nghị thế giới tại Napôli về sinh sản và vô sinh của con người (19/05/1956) : AAS 48 (1956), 470 ; Phaolô VI, Thông điệp Humanae vitae, s.12 : AAS 60 (1968), 488-489 ; Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, II, B, 4-5 : AAS 80 (1988), 90-94. (30) Càng ngày càng có nhiều người, không có liên hệ hôn nhân, cậy nhờ đến những kĩ thuật thụ tinh nhân tạo để có con. Những hành động đó làm yếu đi định chế hôn nhân và cho sinh ra những em bé trong những môi trường không thuận lợi cho chúng tăng trưởng thành người đầy đủ. (31) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Đại Hội của Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về Sự Sống và Hội nghị quốc tế về «Phôi người trong giai đoạn tiền cấy » (27/02/2006) : AAS 98 (2006), 264. (32) Kĩ thuật bơm tinh trùng vào trứng (Intracytoplasmic Sperm Injection (ICSI)), hầu như giống với những hình thức thụ tinh trong ống nghiệm khác, nhưng khác biệt ở điểm này là, sự thụ tinh không xảy ra cách tự động trong ống nghiệm, nhưng qua việc bơm một tinh trùng duy nhất được chọn lọc trước vào trong tế bào chất của trứng, hay đôi khi qua việc bơm các tế bào mầm chưa trưởng thành lấy từ người đàn ông. (33) Về vấn đề này, các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về một số nguy cơ mà ICSI có thể bao hàm đối với sức khỏe của đứa con được cưu mang. (34) Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, II B, 5 : AAS 80 (1988), 93. (35) Làm đông lạnh phôi (Cryopreservation of embryos) là một kĩ thuật đông lạnh ở nhiệt độ rất thấp nhằm bảo quản lâu dài các phôi. (36) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, I, 6 : AAS 80 (1988), 84-85. (37) X. các số 34-35 của Huấn thị này. (38) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum vitae, II, A, 1-3 : l.c., 87-89. (39) Gioan-Phaolô II, Diễn văn nói với các tham dự viên của Hội thảo chuyên đề về «Evangelium vitae và Luật» và Hội thảo quốc tế về Luật Rôma và Giáo luật lần thứ XI (24/05/1996), n. 6 : AAS 88 (1996), 943-944. (40) Việc bảo quản đông lạnh các noãn bào cũng được dự định trong những bối cảnh khác không được bàn đến ở đây. Thuật ngữ noãn bào (oocyte) chỉ tế bào mầm của người nữ, chưa được tinh trùng đâm vào. (41) X. CĐ Vatican II, Hiến Chế Mục vụ Gaudium et spes, s.51; Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, s.62 : AAS 87 (1995), 472. (42) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, s.63 : AAS 87 (1995), 473. (43) Các phương tiện ngăn chặn mang thai (interceptive) nổi tiếng nhất là vòng tránh thai (IUD – IntraUterine Device), và cái gọi là «viên thuốc ngày hôm sau». (44) Những phương tiện loại bỏ phôi thai (contragestative) chính yếu là viên thuốc RU-486 hay Mifepristone, prostaglandins và Methotrexate. (45) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.58 : AAS 87 (1995), 467. (46) X. CIC (Giáo luật Giáo hội LaTinh), đ.1398 và CCEO (Giáo Luật Giáo hội Đông Phương) đ.1450 §2 ; cũng nên xem thêm CIC, đ.1323-1324. Ủy ban Toà Thánh về việc Giải thích Giáo Luật Đích thực tuyên bố rằng khái niệm phá thai theo nghĩa hình luật được hiểu như là «giết chết một bào thai dù bằng cách nào và khi nào kể từ lúc thụ thai » (Trả lời cho những hoài nghi của ngày 23/05/1988: AAS 80 [1988], 1818). (47) Trong phạm vi hiểu biết của nhân loại cho tới nay, có hai kĩ thuật được vận dụng để thực hiện nhân bản vô tính trên người, đó là : kĩ thuật phân đôi (embryo twinning) và kĩ thuật truyền nhân (cell nuclear transfer). Kĩ thuật phân đôi hệ tại việc tách rời cách nhân tạo các tế bào đơn hay nhóm tế bào từ một phôi, trong thời kì đầu tiên của sự phát triển của phôi, và truyền liên tiếp các tế
16
bào này vào trong tử cung để có được, cách nhân tạo, những phôi giống y như vậy (gọi là sinh đôi). Kĩ thuật truyền nhân, hay nhân bản vô tính đúng nghĩa, hệ tại việc đưa nhân lấy từ một tế bào phôi hay tế bào thân vào trong một noãn bào (hay trứng) đã được rút bỏ nhân trước, sau đó kích hoạt noãn bào này để đến lượt nó bắt đầu tự phát triển như là một phôi. (48) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum Vitae, I, 6 : AAS 80 (1988), 84; Gioan-Phaolô II, Diễn văn nói với các thành viên của Ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh (10/01/2005), s.5: AAS 97 (2005), 153. (49) Các kĩ thuật mới thuộc thể loại này chẳng hạn như là : sự trinh sản (parthenogenesis) được áp dụng cho con người, sự truyền một nhân đã được thay đổi (Altered Nuclear Transfer : ANT) và những kĩ thuật tái lập trình noãn bào có trợ giúp ( l’OAR -Oocyte Assisted Reprogramming). (50) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.60 : AAS 87 (1995), 469. (51) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về đề tài «Các tế bào gốc: đâu là tương lai của trị liệu pháp?» được tổ chức bởi Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Sự Sống (16/09/2006): AAS 98 (2006), 694. (52) X. các số 34-35 của Huấn thị này. (53) Bênêđictô XVI, Diễn văn tại Hội nghị quốc tế về đề tài «Các tế bào gốc: đâu là tương lai của trị liệu pháp?» được tổ chức bởi Viện Hàn Lâm Giáo hoàng về Sự Sống (16/09/2006): AAS 98 (2006), 693-695. (54) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.63 : AAS 87 (1995), 472-473. (55) X. Ibid s.62 : l.c., 472. (56) X. Bộ giáo lý đức tin, Huấn thị Donum Vitae, I, 4 : AAS 80 (1988), 83. (57) X. Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.73 : AAS 87 (1995), 486: «Phá thai và gây cái chết êm dịu là những tội ác mà không có luật lệ nào của con người có thể đòi hợp pháp hóa được. Lương tâm không hề bị bó buộc phải tuân theo những luật lệ như thế; trái lại, lương tâm còn hiển nhiên bị bó buộc phải nghiêm ngặt chống lại các thứ luật lệ ấy». Quyền phản đối của lương tâm, vốn diễn tả quyền tự do lương tâm, cần phải được bảo vệ bởi luật pháp. (58) Gioan-Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitæ, s.89 : AAS 87 (1995), 502.. (59) Gioan-Phaolô II, Thư gởi cho tất cả các Giám mục về «Tin Mừng sự sống » (19/05/1991) : AAS 84 (1992), 319.
CONGREGATION FOR THE DOCTRINE OF THE FAITH
INSTRUCTION DIGNITAS PERSONAE ON CERTAIN BIOETHICAL QUESTIONS
INTRODUCTION 1. The dignity of a person must be recognized in every human being from conception to natural death. This fundamental principle expresses a great “yes” to human life and must be at the center of ethical reflection on biomedical research, which has an ever greater importance in today‟s world. The Church‟s Magisterium has frequently intervened to clarify and resolve moral questions in this area. The Instruction Donum vitae was particularly significant. And now, twenty years after its publication, it is appropriate to bring it up to date. The teaching of Donum vitae remains completely valid, both with regard to the principles on which it is based and the moral evaluations which it expresses. However, new biomedical technologies which have been introduced in the critical area of human life and the family have given rise to further questions, in particular in the field of research on human embryos, the use of stem cells for therapeutic purposes, as well as in other areas of experimental medicine. These new questions require answers. The pace of scientific developments in this area and the publicity they have received have raised expectations and concerns in large sectors of public opinion. Legislative assemblies have been asked to make decisions on these questions in order to regulate them by law; at times, wider popular consultation has also taken place. These developments have led the Congregation for the Doctrine of the Faith to prepare a new doctrinal Instruction which addresses some recent questions in the light of the criteria expressed in the Instruction Donum vitae and which also examines some issues that were treated earlier, but are in need of additional clarification.
17
2. In undertaking this study, the Congregation for the Doctrine of the Faith has benefited from the analysis of the Pontifical Academy for Life and has consulted numerous experts with regard to the scientific aspects of these questions, in order to address them with the principles of Christian anthropology. The Encyclicals Veritatis splendorand Evangelium vitae of John Paul II, as well as other interventions of the Magisterium, offer clear indications with regard to both the method and the content of the examination of the problems under consideration. In the current multifaceted philosophical and scientific context, a considerable number of scientists and philosophers, in the spirit of the Hippocratic Oath, see in medical science a service to human fragility aimed at the cure of disease, the relief of suffering and the equitable extension of necessary care to all people. At the same time, however, there are also persons in the world of philosophy and science who view advances in biomedical technology from an essentially eugenic perspective. 3. In presenting principles and moral evaluations regarding biomedical research on human life, the Catholic Church draws upon the light both of reason and of faith and seeks to set forth an integral vision of man and his vocation, capable of incorporating everything that is good in human activity, as well as in various cultural and religious traditions which not infrequently demonstrate a great reverence for life. The Magisterium also seeks to offer a word of support and encouragement for the perspective on culture which considers science an invaluable service to the integral good of the life and dignity of every human being. The Church therefore views scientific research with hope and desires that many Christians will dedicate themselves to the progress of biomedicine and will bear witness to their faith in this field. She hopes moreover that the results of such research may also be made available in areas of the world that are poor and afflicted by disease, so that those who are most in need will receive humanitarian assistance. Finally, the Church seeks to draw near to every human being who is suffering, whether in body or in spirit, in order to bring not only comfort, but also light and hope. These give meaning to moments of sickness and to the experience of death, which indeed are part of human life and are present in the story of every person, opening that story to the mystery of the Resurrection. Truly, the gaze of the Church is full of trust because “Life will triumph: this is a sure hope for us. Yes, life will triumph because truth, goodness, joy and true progress are on the side of life. God, who loves life and gives it generously, is on the side of life”. The present Instruction is addressed to the Catholic faithful and to all who seek the truth. It has three parts: the first recalls some anthropological, theological and ethical elements of fundamental importance; the second addresses new problems regarding procreation; the third examines new procedures involving the manipulation of embryos and the human genetic patrimony.
First Part: Anthropological, Theological and Ethical Aspects of Human Life and Procreation
4. In recent decades, medical science has made significant strides in understanding human life in its initial stages. Human biological structures and the process of human generation are better known. These developments are certainly positive and worthy of support when they serve to overcome or correct pathologies and succeed in re-establishing the normal functioning of human procreation. On the other hand, they are negative and cannot be utilized when they involve the destruction of human beings or when they employ means which contradict the dignity of the person or when they are used for purposes contrary to the integral good of man. 18
The body of a human being, from the very first stages of its existence, can never be reduced merely to a group of cells. The embryonic human body develops progressively according to a well-defined program with its proper finality, as is apparent in the birth of every baby. It is appropriate to recall the fundamental ethical criterion expressed in the Instruction Donum vitae in order to evaluate all moral questions which relate to procedures involving the human embryo: “Thus the fruit of human generation, from the first moment of its existence, that is to say, from the moment the zygote has formed, demands the unconditional respect that is morally due to the human being in his bodily and spiritual totality. The human being is to be respected and treated as a person from the moment of conception; and therefore from that same moment his rights as a person must be recognized, among which in the first place is the inviolable right of every innocent human being to life”. 5. This ethical principle, which reason is capable of recognizing as true and in conformity with the natural moral law, should be the basis for all legislation in this area. In fact, it presupposes a truth of an ontological character, as Donum vitae demonstrated from solid scientific evidence, regarding the continuity in development of a human being. If Donum vitae, in order to avoid a statement of an explicitly philosophical nature, did not define the embryo as a person, it nonetheless did indicate that there is an intrinsic connection between the ontological dimension and the specific value of every human life. Although the presence of the spiritual soul cannot be observed experimentally, the conclusions of science regarding the human embryo give “a valuable indication for discerning by the use of reason a personal presence at the moment of the first appearance of a human life: how could a human individual not be a human person?”. Indeed, the reality of the human being for the entire span of life, both before and after birth, does not allow us to posit either a change in nature or a gradation in moral value, since it possesses full anthropological and ethical status. The human embryo has, therefore, from the very beginning, the dignity proper to a person. 6. Respect for that dignity is owed to every human being because each one carries in an indelible way his own dignity and value. The origin of human life has its authentic context in marriage and in the family, where it is generated through an act which expresses the reciprocal love between a man and a woman. Procreation which is truly responsible vis-à-vis the child to be born “must be the fruit of marriage”. Marriage, present in all times and in all cultures, “is in reality something wisely and providently instituted by God the Creator with a view to carrying out his loving plan in human beings. Thus, husband and wife, through the reciprocal gift of themselves to the other – something which is proper and exclusive to them – bring about that communion of persons by which they perfect each other, so as to cooperate with God in the procreation and raising of new lives”. In the fruitfulness of married love, man and woman “make it clear that at the origin of their spousal life there is a genuine „yes‟, which is pronounced and truly lived in reciprocity, remaining ever open to life... Natural law, which is at the root of the recognition of true equality between persons and peoples, deserves to be recognized as the source that inspires the relationship between the spouses in their responsibility for begetting new children. The transmission of life is inscribed in nature and its laws stand as an unwritten norm to which all must refer”. 7. It is the Church‟s conviction that what is human is not only received and respected by faith, but is also purified, elevated and perfected. God, after having created man in his image and likeness (cf. Gen 1:26), described his creature as “very good” (Gen 1:31), so as to be assumed later in the Son (cf. Jn 1:14). In the mystery of the Incarnation, the Son of God confirmed the dignity of the body and soul which constitute the human being. Christ did not disdain human bodiliness, but instead fully disclosed its meaning and value: “In reality, it is only in the mystery of the incarnate Word that the mystery of man truly becomes clear”.
19
By becoming one of us, the Son makes it possible for us to become “sons of God” (Jn 1:12), “sharers in the divine nature” (2 Pet 1:4). This new dimension does not conflict with the dignity of the creature which everyone can recognize by the use of reason, but elevates it into a wider horizon of life which is proper to God, giving us the ability to reflect more profoundly on human life and on the acts by which it is brought into existence. The respect for the individual human being, which reason requires, is further enhanced and strengthened in the light of these truths of faith: thus, we see that there is no contradiction between the affirmation of the dignity and the affirmation of the sacredness of human life. “The different ways in which God, acting in history, cares for the world and for mankind are not mutually exclusive; on the contrary, they support each other and intersect. They have their origin and goal in the eternal, wise and loving counsel whereby God predestines men and women „to be conformed to the image of his Son‟ (Rom 8:29)”. 8. By taking the interrelationship of these two dimensions, the human and the divine, as the starting point, one understands better why it is that man has unassailable value: he possesses an eternal vocation and is called to share in the trinitarian love of the living God. This value belongs to all without distinction. By virtue of the simple fact of existing, every human being must be fully respected. The introduction of discrimination with regard to human dignity based on biological, psychological, or educational development, or based on health-related criteria, must be excluded. At every stage of his existence, man, created in the image and likeness of God, reflects “the face of his Only-begotten Son… This boundless and almost incomprehensible love of God for the human being reveals the degree to which the human person deserves to be loved in himself, independently of any other consideration – intelligence, beauty, health, youth, integrity, and so forth. In short, human life is always a good, for it „is a manifestation of God in the world, a sign of his presence, a trace of his glory‟ (Evangelium vitae, 34)”. 9. These two dimensions of life, the natural and the supernatural, allow us to understand better the sense in which the acts that permit a new human being to come into existence, in which a man and a woman give themselves to each other, are a reflection of trinitarian love. “God, who is love and life, has inscribed in man and woman the vocation to share in a special way in his mystery of personal communion and in his work as Creator and Father”. Christian marriage is rooted “in the natural complementarity that exists between man and woman, and is nurtured through the personal willingness of the spouses to share their entire life-project, what they have and what they are: for this reason such communion is the fruit and the sign of a profoundly human need. But in Christ the Lord, God takes up this human need, confirms it, purifies it and elevates it, leading it to perfection through the sacrament of matrimony: the Holy Spirit who is poured out in the sacramental celebration offers Christian couples the gift of a new communion of love that is the living and real image of that unique unity which makes of the Church the indivisible Mystical Body of the Lord Jesus”. 10. The Church, by expressing an ethical judgment on some developments of recent medical research concerning man and his beginnings, does not intervene in the area proper to medical science itself, but rather calls everyone to ethical and social responsibility for their actions. She reminds them that the ethical value of biomedical science is gauged in reference to both the unconditional respect owed to every human being at every moment of his or her existence, and the defense of the specific character of the personal act which transmits life. The intervention of the Magisterium falls within its mission of contributing to the formation of conscience, by authentically teaching the truth which is Christ and at the same time by declaring and confirming authoritatively the principles of the moral order which spring from human nature itself.
Second Part: 20
New Problems Concerning Procreation
11. In light of the principles recalled above, certain questions regarding procreation which have emerged and have become more clear in the years since the publication of Donum vitae can now be examined. Techniques for assisting fertility 12. With regard to the treatment of infertility, new medical techniques must respect three fundamental goods: a) the right to life and to physical integrity of every human being from conception to natural death; b) the unity of marriage, which means reciprocal respect for the right within marriage to become a father or mother only together with the other spouse; c) the specifically human values of sexuality which require “that the procreation of a human person be brought about as the fruit of the conjugal act specific to the love between spouses”. Techniques which assist procreation “are not to be rejected on the grounds that they are artificial. As such, they bear witness to the possibilities of the art of medicine. But they must be given a moral evaluation in reference to the dignity of the human person, who is called to realize his vocation from God to the gift of love and the gift of life”. In light of this principle, all techniques of heterologous artificial fertilization, as well as those techniques of homologous artificial fertilization which substitute for the conjugal act, are to be excluded. On the other hand, techniques which act as an aid to the conjugal act and its fertility are permitted. The Instruction Donum vitae states: “The doctor is at the service of persons and of human procreation. He does not have the authority to dispose of them or to decide their fate. A medical intervention respects the dignity of persons when it seeks to assist the conjugal act either in order to facilitate its performance or in order to enable it to achieve its objective once it has been normally performed”. And, with regard to homologous artificial insemination, it states: “Homologous artificial insemination within marriage cannot be admitted except for those cases in which the technical means is not a substitute for the conjugal act, but serves to facilitate and to help so that the act attains its natural purpose”. 13. Certainly, techniques aimed at removing obstacles to natural fertilization, as for example, hormonal treatments for infertility, surgery for endometriosis, unblocking of fallopian tubes or their surgical repair, are licit. All these techniques may be considered authentic treatments because, once the problem causing the infertility has been resolved, the married couple is able to engage in conjugal acts resulting in procreation, without the physician‟s action directly interfering in that act itself. None of these treatments replaces the conjugal act, which alone is worthy of truly responsible procreation. In order to come to the aid of the many infertile couples who want to have children, adoption should be encouraged, promoted and facilitated by appropriate legislation so that the many children who lack parents may receive a home that will contribute to their human development. In addition, research and investment directed at the prevention of sterility deserve encouragement. In vitro fertilization and the deliberate destruction of embryos 14. The fact that the process of in vitro fertilization very frequently involves the deliberate destruction of embryos was already noted in the Instruction Donum vitae. There were some who maintained that this was due to techniques which were still somewhat imperfect. Subsequent experience has shown, however, that all techniques of in vitro fertilization proceed as if the human embryo were simply a mass of cells to be used, selected and discarded.
21
It is true that approximately a third of women who have recourse to artificial procreation succeed in having a baby. It should be recognized, however, that given the proportion between the total number of embryos produced and those eventually born, the number of embryos sacrificed is extremely high. These losses are accepted by the practitioners of in vitro fertilization as the price to be paid for positive results. In reality, it is deeply disturbing that research in this area aims principally at obtaining better results in terms of the percentage of babies born to women who begin the process, but does not manifest a concrete interest in the right to life of each individual embryo. 15. It is often objected that the loss of embryos is, in the majority of cases, unintentional or that it happens truly against the will of the parents and physicians. They say that it is a question of risks which are not all that different from those in natural procreation; to seek to generate new life without running any risks would in practice mean doing nothing to transmit it. It is true that not all the losses of embryos in the process of in vitro fertilization have the same relationship to the will of those involved in the procedure. But it is also true that in many cases the abandonment, destruction and loss of embryos are foreseen and willed. Embryos produced in vitro which have defects are directly discarded. Cases are becoming ever more prevalent in which couples who have no fertility problems are using artificial means of procreation in order to engage in genetic selection of their offspring. In many countries, it is now common to stimulate ovulation so as to obtain a large number of oocytes which are then fertilized. Of these, some are transferred into the woman‟s uterus, while the others are frozen for future use. The reason for multiple transfer is to increase the probability that at least one embryo will implant in the uterus. In this technique, therefore, the number of embryos transferred is greater than the single child desired, in the expectation that some embryos will be lost and multiple pregnancy may not occur. In this way, the practice of multiple embryo transfer implies a purely utilitarian treatment of embryos. One is struck by the fact that, in any other area of medicine, ordinary professional ethics and the healthcare authorities themselves would never allow a medical procedure which involved such a high number of failures and fatalities. In fact, techniques of in vitro fertilization are accepted based on the presupposition that the individual embryo is not deserving of full respect in the presence of the competing desire for offspring which must be satisfied. This sad reality, which often goes unmentioned, is truly deplorable: the “various techniques of artificial reproduction, which would seem to be at the service of life and which are frequently used with this intention, actually open the door to new threats against life”. 16. The Church moreover holds that it is ethically unacceptable to dissociate procreation from the integrally personal context of the conjugal act: human procreation is a personal act of a husband and wife, which is not capable of substitution. The blithe acceptance of the enormous number of abortions involved in the process of in vitro fertilization vividly illustrates how the replacement of the conjugal act by a technical procedure – in addition to being in contradiction with the respect that is due to procreation as something that cannot be reduced to mere reproduction – leads to a weakening of the respect owed to every human being. Recognition of such respect is, on the other hand, promoted by the intimacy of husband and wife nourished by married love. The Church recognizes the legitimacy of the desire for a child and understands the suffering of couples struggling with problems of fertility. Such a desire, however, should not override the dignity of every human life to the point of absolute supremacy. The desire for a child cannot justify the “production” of offspring, just as the desire not to have a child cannot justify the abandonment or destruction of a child once he or she has been conceived. In reality, it seems that some researchers, lacking any ethical point of reference and aware of the possibilities inherent in technological progress, surrender to the logic of purely subjective desires and to economic pressures which are so strong in this area. In the face of this manipulation of the human being in his or her 22
embryonic state, it needs to be repeated that “God‟s love does not differentiate between the newly conceived infant still in his or her mother‟s womb and the child or young person, or the adult and the elderly person. God does not distinguish between them because he sees an impression of his own image and likeness (Gen 1:26) in each one… Therefore, the Magisterium of the Church has constantly proclaimed the sacred and inviolable character of every human life from its conception until its natural end”. Intracytoplasmic sperm injection (ICSI) 17. Among the recent techniques of artificial fertilization which have gradually assumed a particular importance is intracytoplasmic sperm injection. This technique is used with increasing frequency given its effectiveness in overcoming various forms of male infertility. Just as in general with in vitro fertilization, of which it is a variety, ICSI is intrinsically illicit: it causes a complete separation between procreation and the conjugal act. Indeed ICSI takes place “outside the bodies of the couple through actions of third parties whose competence and technical activity determine the success of the procedure. Such fertilization entrusts the life and identity of the embryo into the power of doctors and biologists and establishes the domination of technology over the origin and destiny of the human person. Such a relationship of domination is in itself contrary to the dignity and equality that must be common to parents and children. Conception in vitro is the result of the technical action which presides over fertilization. Such fertilization is neither in fact achieved nor positively willed as the expression and fruit of a specific act of the conjugal union”. Freezing embryos 18. One of the methods for improving the chances of success in techniques of in vitro fertilization is the multiplication of attempts. In order to avoid repeatedly taking oocytes from the woman‟s body, the process involves a single intervention in which multiple oocytes are taken, followed by cryopreservation of a considerable number of the embryos conceived in vitro. In this way, should the initial attempt at achieving pregnancy not succeed, the procedure can be repeated or additional pregnancies attempted at a later date. In some cases, even the embryos used in the first transfer are frozen because the hormonal ovarian stimulation used to obtain the oocytes has certain effects which lead physicians to wait until the woman‟s physiological conditions have returned to normal before attempting to transfer an embryo into her womb. Cryopreservation is incompatible with the respect owed to human embryos; it presupposes their production in vitro; it exposes them to the serious risk of death or physical harm, since a high percentage does not survive the process of freezing and thawing; it deprives them at least temporarily of maternal reception and gestation; it places them in a situation in which they are susceptible to further offense and manipulation. The majority of embryos that are not used remain “orphans”. Their parents do not ask for them and at times all trace of the parents is lost. This is why there are thousands upon thousands of frozen embryos in almost all countries where in vitro fertilization takes place. 19. With regard to the large number of frozen embryos already in existence the question becomes: what to do with them? Some of those who pose this question do not grasp its ethical nature, motivated as they are by laws in some countries that require cryopreservation centers to empty their storage tanks periodically. Others, however, are aware that a grave injustice has been perpetrated and wonder how best to respond to the duty of resolving it. Proposals to use these embryos for research or for the treatment of disease are obviously unacceptable because they treat the embryos as mere “biological material” and result in their destruction. The proposal to
23
thaw such embryos without reactivating them and use them for research, as if they were normal cadavers, is also unacceptable. The proposal that these embryos could be put at the disposal of infertile couples as a treatment for infertility is not ethically acceptable for the same reasons which make artificial heterologous procreation illicit as well as any form of surrogate motherhood; this practice would also lead to other problems of a medical, psychological and legal nature. It has also been proposed, solely in order to allow human beings to be born who are otherwise condemned to destruction, that there could be a form of “prenatal adoption”. This proposal, praiseworthy with regard to the intention of respecting and defending human life, presents however various problems not dissimilar to those mentioned above. All things considered, it needs to be recognized that the thousands of abandoned embryos represent a situation of injustice which in fact cannot be resolved. Therefore John Paul II made an “appeal to the conscience of the world‟s scientific authorities and in particular to doctors, that the production of human embryos be halted, taking into account that there seems to be no morally licit solution regarding the human destiny of the thousands and thousands of „frozen‟ embryos which are and remain the subjects of essential rights and should therefore be protected by law as human persons”. The freezing of oocytes 20. In order avoid the serious ethical problems posed by the freezing of embryos, the freezing of oocytes has also been advanced in the area of techniques of in vitro fertilization. Once a sufficient number of oocytes has been obtained for a series of attempts at artificial procreation, only those which are to be transferred into the mother‟s body are fertilized while the others are frozen for future fertilization and transfer should the initial attempts not succeed. In this regard it needs to be stated that cryopreservation of oocytes for the purpose of being used in artificial procreation is to be considered morally unacceptable. The reduction of embryos 21. Some techniques used in artificial procreation, above all the transfer of multiple embryos into the mother‟s womb, have caused a significant increase in the frequency of multiple pregnancy. This situation gives rise in turn to the practice of so-called embryo reduction, a procedure in which embryos or fetuses in the womb are directly exterminated. The decision to eliminate human lives, given that it was a human life that was desired in the first place, represents a contradiction that can often lead to suffering and feelings of guilt lasting for years. From the ethical point of view, embryo reduction is an intentional selective abortion. It is in fact the deliberate and direct elimination of one or more innocent human beings in the initial phase of their existence and as such it always constitutes a grave moral disorder. The ethical justifications proposed for embryo reduction are often based on analogies with natural disasters or emergency situations in which, despite the best intentions of all involved, it is not possible to save everyone. Such analogies cannot in any way be the basis for an action which is directly abortive. At other times, moral principles are invoked, such as those of the lesser evil or double effect, which are likewise inapplicable in this case. It is never permitted to do something which is intrinsically illicit, not even in view of a good result: the end does not justify the means.
24
Preimplantation diagnosis 22. Preimplantation diagnosis is a form of prenatal diagnosis connected with techniques of artificial fertilization in which embryos formed in vitro undergo genetic diagnosis before being transferred into a woman‟s womb. Such diagnosis is done in order to ensure that only embryos free from defects or having the desired sex or other particular qualities are transferred. Unlike other forms of prenatal diagnosis, in which the diagnostic phase is clearly separated from any possible later elimination and which provide therefore a period in which a couple would be free to accept a child with medical problems, in this case, the diagnosis before implantation is immediately followed by the elimination of an embryo suspected of having genetic or chromosomal defects, or not having the sex desired, or having other qualities that are not wanted. Preimplantation diagnosis – connected as it is with artificial fertilization, which is itself always intrinsically illicit – is directed toward the qualitative selection and consequent destruction of embryos, which constitutes an act of abortion. Preimplantation diagnosis is therefore the expression of a eugenic mentality that “accepts selective abortion in order to prevent the birth of children affected by various types of anomalies. Such an attitude is shameful and utterly reprehensible, since it presumes to measure the value of a human life only within the parameters of „normality‟ and physical wellbeing, thus opening the way to legitimizing infanticide and euthanasia as well”. By treating the human embryo as mere “laboratory material”, the concept itself of human dignity is also subjected to alteration and discrimination. Dignity belongs equally to every single human being, irrespective of his parents‟ desires, his social condition, educational formation or level of physical development. If at other times in history, while the concept and requirements of human dignity were accepted in general, discrimination was practiced on the basis of race, religion or social condition, today there is a no less serious and unjust form of discrimination which leads to the non-recognition of the ethical and legal status of human beings suffering from serious diseases or disabilities. It is forgotten that sick and disabled people are not some separate category of humanity; in fact, sickness and disability are part of the human condition and affect every individual, even when there is no direct experience of it. Such discrimination is immoral and must therefore be considered legally unacceptable, just as there is a duty to eliminate cultural, economic and social barriers which undermine the full recognition and protection of disabled or ill people. New forms of interception and contragestation 23. Alongside methods of preventing pregnancy which are, properly speaking, contraceptive, that is, which prevent conception following from a sexual act, there are other technical means which act after fertilization, when the embryo is already constituted, either before or after implantation in the uterine wall. Such methods are interceptive if they interfere with the embryo before implantation and contragestative if they cause the elimination of the embryo once implanted. In order to promote wider use of interceptive methods, it is sometimes stated that the way in which they function is not sufficiently understood. It is true that there is not always complete knowledge of the way that different pharmaceuticals operate, but scientific studies indicate that the effect of inhibiting implantation is certainly present, even if this does not mean that such interceptives cause an abortion every time they are used, also because conception does not occur after every act of sexual intercourse. It must be noted, however, that anyone who seeks to prevent the implantation of an embryo which may possibly have been conceived and who therefore either requests or prescribes such a pharmaceutical, generally intends abortion. When there is a delay in menstruation, a contragestative is used, usually one or two weeks after the nonoccurrence of the monthly period. The stated aim is to re-establish menstruation, but what takes place in reality is the abortion of an embryo which has just implanted.
25
As is known, abortion is “the deliberate and direct killing, by whatever means it is carried out, of a human being in the initial phase of his or her existence, extending from conception to birth”. Therefore, the use of means of interception and contragestation fall within the sin of abortion and are gravely immoral. Furthermore, when there is certainty that an abortion has resulted, there are serious penalties in canon law.
Third Part: New Treatments which Involve the Manipulation of the Embryo or the Human Genetic Patrimony
24. Knowledge acquired in recent years has opened new perspectives for both regenerative medicine and for the treatment of genetically based diseases. In particular, research on embryonic stem cells and its possible future uses have prompted great interest, even though up to now such research has not produced effective results, as distinct from research on adult stem cells. Because some maintain that the possible medical advances which might result from research on embryonic stem cells could justify various forms of manipulation and destruction of human embryos, a whole range of questions has emerged in the area of gene therapy, from cloning to the use of stem cells, which call for attentive moral discernment. Gene therapy 25. Gene therapy commonly refers to techniques of genetic engineering applied to human beings for therapeutic purposes, that is to say, with the aim of curing genetically based diseases, although recently gene therapy has been attempted for diseases which are not inherited, for cancer in particular. In theory, it is possible to use gene therapy on two levels: somatic cell gene therapy and germ line cell therapy. Somatic cell gene therapy seeks to eliminate or reduce genetic defects on the level of somatic cells, that is, cells other than the reproductive cells, but which make up the tissue and organs of the body. It involves procedures aimed at certain individual cells with effects that are limited to a single person. Germ line cell therapy aims instead at correcting genetic defects present in germ line cells with the purpose of transmitting the therapeutic effects to the offspring of the individual. Such methods of gene therapy, whether somatic or germ line cell therapy, can be undertaken on a fetus before his or her birth as gene therapy in the uterus or after birth on a child or adult. 26. For a moral evaluation the following distinctions need to be kept in mind. Procedures used on somatic cells for strictly therapeutic purposes are in principle morally licit. Such actions seek to restore the normal genetic configuration of the patient or to counter damage caused by genetic anomalies or those related to other pathologies. Given that gene therapy can involve significant risks for the patient, the ethical principle must be observed according to which, in order to proceed to a therapeutic intervention, it is necessary to establish beforehand that the person being treated will not be exposed to risks to his health or physical integrity which are excessive or disproportionate to the gravity of the pathology for which a cure is sought. The informed consent of the patient or his legitimate representative is also required. The moral evaluation of germ line cell therapy is different. Whatever genetic modifications are effected on the germ cells of a person will be transmitted to any potential offspring. Because the risks connected to any genetic manipulation are considerable and as yet not fully controllable, in the present state of research, it is not morally permissible to act in a way that may cause possible harm to the resulting progeny. In the hypothesis of gene therapy on the embryo, it needs to be added that this only takes place in the context of in 26
vitro fertilization and thus runs up against all the ethical objections to such procedures. For these reasons, therefore, it must be stated that, in its current state, germ line cell therapy in all its forms is morally illicit. 27. The question of using genetic engineering for purposes other than medical treatment also calls for consideration. Some have imagined the possibility of using techniques of genetic engineering to introduce alterations with the presumed aim of improving and strengthening the gene pool. Some of these proposals exhibit a certain dissatisfaction or even rejection of the value of the human being as a finite creature and person. Apart from technical difficulties and the real and potential risks involved, such manipulation would promote a eugenic mentality and would lead to indirect social stigma with regard to people who lack certain qualities, while privileging qualities that happen to be appreciated by a certain culture or society; such qualities do not constitute what is specifically human. This would be in contrast with the fundamental truth of the equality of all human beings which is expressed in the principle of justice, the violation of which, in the long run, would harm peaceful coexistence among individuals. Furthermore, one wonders who would be able to establish which modifications were to be held as positive and which not, or what limits should be placed on individual requests for improvement since it would be materially impossible to fulfil the wishes of every single person. Any conceivable response to these questions would, however, derive from arbitrary and questionable criteria. All of this leads to the conclusion that the prospect of such an intervention would end sooner or later by harming the common good, by favouring the will of some over the freedom of others. Finally it must also be noted that in the attempt to create a new type of human being one can recognize an ideological element in which man tries to take the place of his Creator. In stating the ethical negativity of these kinds of interventions which imply an unjust domination of man over man, the Church also recalls the need to return to an attitude of care for people and of education in accepting human life in its concrete historical finite nature. Human cloning 28. Human cloning refers to the asexual or agametic reproduction of the entire human organism in order to produce one or more “copies” which, from a genetic perspective, are substantially identical to the single original. Cloning is proposed for two basic purposes: reproduction, that is, in order to obtain the birth of a baby, and medical therapy or research. In theory, reproductive cloning would be able to satisfy certain specific desires, for example, control over human evolution, selection of human beings with superior qualities, pre-selection of the sex of a child to be born, production of a child who is the “copy” of another, or production of a child for a couple whose infertility cannot be treated in another way. Therapeutic cloning, on the other hand, has been proposed as a way of producing embryonic stem cells with a predetermined genetic patrimony in order to overcome the problem of immune system rejection; this is therefore linked to the issue of the use of stem cells. Attempts at cloning have given rise to genuine concern throughout the entire world. Various national and international organizations have expressed negative judgments on human cloning and it has been prohibited in the great majority of nations. Human cloning is intrinsically illicit in that, by taking the ethical negativity of techniques of artificial fertilization to their extreme, it seeks to give rise to a new human being without a connection to the act of reciprocal self-giving between the spouses and, more radically, without any link to sexuality. This leads to manipulation and abuses gravely injurious to human dignity. 29. If cloning were to be done for reproduction, this would impose on the resulting individual a predetermined genetic identity, subjecting him – as has been stated – to a form of biological slavery, from 27
which it would be difficult to free himself. The fact that someone would arrogate to himself the right to determine arbitrarily the genetic characteristics of another person represents a grave offense to the dignity of that person as well as to the fundamental equality of all people. The originality of every person is a consequence of the particular relationship that exists between God and a human being from the first moment of his existence and carries with it the obligation to respect the singularity and integrity of each person, even on the biological and genetic levels. In the encounter with another person, we meet a human being who owes his existence and his proper characteristics to the love of God, and only the love of husband and wife constitutes a mediation of that love in conformity with the plan of the Creator and heavenly Father. 30. From the ethical point of view, so-called therapeutic cloning is even more serious. To create embryos with the intention of destroying them, even with the intention of helping the sick, is completely incompatible with human dignity, because it makes the existence of a human being at the embryonic stage nothing more than a means to be used and destroyed. It is gravely immoral to sacrifice a human life for therapeutic ends. The ethical objections raised in many quarters to therapeutic cloning and to the use of human embryos formed in vitro have led some researchers to propose new techniques which are presented as capable of producing stem cells of an embryonic type without implying the destruction of true human embryos. These proposals have been met with questions of both a scientific and an ethical nature regarding above all the ontological status of the “product” obtained in this way. Until these doubts have been clarified, the statement of the Encyclical Evangelium vitae needs to be kept in mind: “what is at stake is so important that, from the standpoint of moral obligation, the mere probability that a human person is involved would suffice to justify an absolutely clear prohibition of any intervention aimed at killing a human embryo”. The therapeutic use of stem cells 31. Stem cells are undifferentiated cells with two basic characteristics: a) the prolonged capability of multiplying themselves while maintaining the undifferentiated state; b) the capability of producing transitory progenitor cells from which fully differentiated cells descend, for example, nerve cells, muscle cells and blood cells. Once it was experimentally verified that when stem cells are transplanted into damaged tissue they tend to promote cell growth and the regeneration of the tissue, new prospects opened for regenerative medicine, which have been the subject of great interest among researchers throughout the world. Among the sources for human stem cells which have been identified thus far are: the embryo in the first stages of its existence, the fetus, blood from the umbilical cord and various tissues from adult humans (bone marrow, umbilical cord, brain, mesenchyme from various organs, etc.) and amniotic fluid. At the outset, studies focused on embryonic stem cells, because it was believed that only these had significant capabilities of multiplication and differentiation. Numerous studies, however, show that adult stem cells also have a certain versatility. Even if these cells do not seem to have the same capacity for renewal or the same plasticity as stem cells taken from embryos, advanced scientific studies and experimentation indicate that these cells give more positive results than embryonic stem cells. Therapeutic protocols in force today provide for the use of adult stem cells and many lines of research have been launched, opening new and promising possibilities. 32. With regard to the ethical evaluation, it is necessary to consider the methods of obtaining stem cells as well as the risks connected with their clinical and experimental use.
28
In these methods, the origin of the stem cells must be taken into consideration. Methods which do not cause serious harm to the subject from whom the stem cells are taken are to be considered licit. This is generally the case when tissues are taken from: a) an adult organism; b) the blood of the umbilical cord at the time of birth; c) fetuses who have died of natural causes. The obtaining of stem cells from a living human embryo, on the other hand, invariably causes the death of the embryo and is consequently gravely illicit: “research, in such cases, irrespective of efficacious therapeutic results, is not truly at the service of humanity. In fact, this research advances through the suppression of human lives that are equal in dignity to the lives of other human individuals and to the lives of the researchers themselves. History itself has condemned such a science in the past and will condemn it in the future, not only because it lacks the light of God but also because it lacks humanity”. The use of embryonic stem cells or differentiated cells derived from them – even when these are provided by other researchers through the destruction of embryos or when such cells are commercially available – presents serious problems from the standpoint of cooperation in evil and scandal. There are no moral objections to the clinical use of stem cells that have been obtained licitly; however, the common criteria of medical ethics need to be respected. Such use should be characterized by scientific rigor and prudence, by reducing to the bare minimum any risks to the patient and by facilitating the interchange of information among clinicians and full disclosure to the public at large. Research initiatives involving the use of adult stem cells, since they do not present ethical problems, should be encouraged and supported. Attempts at hybridization 33. Recently animal oocytes have been used for reprogramming the nuclei of human somatic cells – this is generally called hybrid cloning – in order to extract embryonic stem cells from the resulting embryos without having to use human oocytes. From the ethical standpoint, such procedures represent an offense against the dignity of human beings on account of the admixture of human and animal genetic elements capable of disrupting the specific identity of man. The possible use of the stem cells, taken from these embryos, may also involve additional health risks, as yet unknown, due to the presence of animal genetic material in their cytoplasm. To consciously expose a human being to such risks is morally and ethically unacceptable. The use of human “biological material” of illicit origin 34. For scientific research and for the production of vaccines or other products, cell lines are at times used which are the result of an illicit intervention against the life or physical integrity of a human being. The connection to the unjust act may be either mediate or immediate, since it is generally a question of cells which reproduce easily and abundantly. This “material” is sometimes made available commercially or distributed freely to research centers by governmental agencies having this function under the law. All of this gives rise to various ethical problems with regard to cooperation in evil and with regard to scandal. It is fitting therefore to formulate general principles on the basis of which people of good conscience can evaluate and resolve situations in which they may possibly be involved on account of their professional activity. It needs to be remembered above all that the category of abortion “is to be applied also to the recent forms of intervention on human embryos which, although carried out for purposes legitimate in themselves, inevitably involve the killing of those embryos. This is the case with experimentation on embryos, which is becoming increasingly widespread in the field of biomedical research and is legally permitted in some countries… [T]he use of human embryos or fetuses as an object of experimentation constitutes a crime against their 29
dignity as human beings who have a right to the same respect owed to a child once born, just as to every person”. These forms of experimentation always constitute a grave moral disorder. 35. A different situation is created when researchers use “biological material” of illicit origin which has been produced apart from their research center or which has been obtained commercially. The Instruction Donum vitae formulated the general principle which must be observed in these cases: “The corpses of human embryos and fetuses, whether they have been deliberately aborted or not, must be respected just as the remains of other human beings. In particular, they cannot be subjected to mutilation or to autopsies if their death has not yet been verified and without the consent of the parents or of the mother. Furthermore, the moral requirements must be safeguarded that there be no complicity in deliberate abortion and that the risk of scandal be avoided”. In this regard, the criterion of independence as it has been formulated by some ethics committees is not sufficient. According to this criterion, the use of “biological material” of illicit origin would be ethically permissible provided there is a clear separation between those who, on the one hand, produce, freeze and cause the death of embryos and, on the other, the researchers involved in scientific experimentation. The criterion of independence is not sufficient to avoid a contradiction in the attitude of the person who says that he does not approve of the injustice perpetrated by others, but at the same time accepts for his own work the “biological material” which the others have obtained by means of that injustice. When the illicit action is endorsed by the laws which regulate healthcare and scientific research, it is necessary to distance oneself from the evil aspects of that system in order not to give the impression of a certain toleration or tacit acceptance of actions which are gravely unjust. Any appearance of acceptance would in fact contribute to the growing indifference to, if not the approval of, such actions in certain medical and political circles. At times, the objection is raised that the above-mentioned considerations would mean that people of good conscience involved in research would have the duty to oppose actively all the illicit actions that take place in the field of medicine, thus excessively broadening their ethical responsibility. In reality, the duty to avoid cooperation in evil and scandal relates to their ordinary professional activities, which they must pursue in a just manner and by means of which they must give witness to the value of life by their opposition to gravely unjust laws. Therefore, it needs to be stated that there is a duty to refuse to use such “biological material” even when there is no close connection between the researcher and the actions of those who performed the artificial fertilization or the abortion, or when there was no prior agreement with the centers in which the artificial fertilization took place. This duty springs from the necessity to remove oneself, within the area of one‟s own research, from a gravely unjust legal situation and to affirm with clarity the value of human life. Therefore, the above-mentioned criterion of independence is necessary, but may be ethically insufficient. Of course, within this general picture there exist differing degrees of responsibility. Grave reasons may be morally proportionate to justify the use of such “biological material”. Thus, for example, danger to the health of children could permit parents to use a vaccine which was developed using cell lines of illicit origin, while keeping in mind that everyone has the duty to make known their disagreement and to ask that their healthcare system make other types of vaccines available. Moreover, in organizations where cell lines of illicit origin are being utilized, the responsibility of those who make the decision to use them is not the same as that of those who have no voice in such a decision. In the context of the urgent need to mobilize consciences in favour of life, people in the field of healthcare need to be reminded that “their responsibility today is greatly increased. Its deepest inspiration and strongest support lie in the intrinsic and undeniable ethical dimension of the health-care profession, something already recognized by the ancient and still relevant Hippocratic Oath, which requires every doctor to commit himself to absolute respect for human life and its sacredness”.
30
Conclusion 36. There are those who say that the moral teaching of the Church contains too many prohibitions. In reality, however, her teaching is based on the recognition and promotion of all the gifts which the Creator has bestowed on man: such as life, knowledge, freedom and love. Particular appreciation is due not only to man‟s intellectual activities, but also to those which are practical, like work and technological activities. By these, in fact, he participates in the creative power of God and is called to transform creation by ordering its many resources toward the dignity and wellbeing of all human beings and of the human person in his entirety. In this way, man acts as the steward of the value and intrinsic beauty of creation. Human history shows, however, how man has abused and can continue to abuse the power and capabilities which God has entrusted to him, giving rise to various forms of unjust discrimination and oppression of the weakest and most defenseless: the daily attacks on human life; the existence of large regions of poverty where people are dying from hunger and disease, excluded from the intellectual and practical resources available in abundance in many countries; technological and industrial development which is creating the real risk of a collapse of the ecosystem; the use of scientific research in the areas of physics, chemistry and biology for purposes of waging war; the many conflicts which still divide peoples and cultures; these sadly are only some of the most obvious signs of how man can make bad use of his abilities and become his own worst enemy by losing the awareness of his lofty and specific vocation to collaborate in the creative work of God. At the same time, human history has also shown real progress in the understanding and recognition of the value and dignity of every person as the foundation of the rights and ethical imperatives by which human society has been, and continues to be structured. Precisely in the name of promoting human dignity, therefore, practices and forms of behaviour harmful to that dignity have been prohibited. Thus, for example, there are legal and political – and not just ethical – prohibitions of racism, slavery, unjust discrimination and marginalization of women, children, and ill and disabled people. Such prohibitions bear witness to the inalienable value and intrinsic dignity of every human being and are a sign of genuine progress in human history. In other words, the legitimacy of every prohibition is based on the need to protect an authentic moral good. 37. If initially human and social progress was characterized primarily by industrial development and the production of consumer goods, today it is distinguished by developments in information technologies, research in genetics, medicine and biotechnologies for human benefit, which are areas of great importance for the future of humanity, but in which there are also evident and unacceptable abuses. “Just as a century ago it was the working classes which were oppressed in their fundamental rights, and the Church courageously came to their defense by proclaiming the sacrosanct rights of the worker as person, so now, when another category of persons is being oppressed in the fundamental right to life, the Church feels in duty bound to speak out with the same courage on behalf of those who have no voice. Hers is always the evangelical cry in defense of the world‟s poor, those who are threatened and despised and whose human rights are violated”. In virtue of the Church‟s doctrinal and pastoral mission, the Congregation for the Doctrine of the Faith has felt obliged to reiterate both the dignity and the fundamental and inalienable rights of every human being, including those in the initial stages of their existence, and to state explicitly the need for protection and respect which this dignity requires of everyone. The fulfillment of this duty implies courageous opposition to all those practices which result in grave and unjust discrimination against unborn human beings, who have the dignity of a person, created like others in the image of God. Behind every “no” in the difficult task of discerning between good and evil, there shines a
31
great “yes” to the recognition of the dignity and inalienable value of every single and unique human being called into existence. The Christian faithful will commit themselves to the energetic promotion of a new culture of life by receiving the contents of this Instruction with the religious assent of their spirit, knowing that God always gives the grace necessary to observe his commandments and that, in every human being, above all in the least among us, one meets Christ himself (cf. Mt 25:40). In addition, all persons of good will, in particular physicians and researchers open to dialogue and desirous of knowing what is true, will understand and agree with these principles and judgments, which seek to safeguard the vulnerable condition of human beings in the first stages of life and to promote a more human civilization. The Sovereign Pontiff Benedict XVI, in the Audience granted to the undersigned Cardinal Prefect on 20 June 2008, approved the present Instruction, adopted in the Ordinary Session of this Congregation, and ordered its publication. Rome, from the Offices of the Congregation for the Doctrine of the Faith, 8 September 2008, Feast of the Nativity of the Blessed Virgin Mary. William Card. Levada Prefect + Luis F. Ladaria, S.I. Titular Archbishop of Thibica Secretary
Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae on respect for human life at its origins and for the dignity of procreation (22 February 1987): AAS 80 (1988), 70-102. John Paul II, Encyclical Letter Veritatis splendor regarding certain fundamental questions of the Church‟s moral teaching (6 August 1993): AAS 85 (1993), 1133-1228. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae on the value and inviolability of human life (25 March 1995): AAS 87 (1995), 401-522. John Paul II, Address to the participants in the Seventh Assembly of the Pontifical Academy of Life (3 March 2001), 3: AAS 93 (2001), 446. Cf. John Paul II, Encyclical Letter Fides et ratio on the relationship between faith and reason (14 September 1998), 1: AAS 91 (1999), 5. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 79. Human rights, as Pope Benedict XVI has recalled, and in particular the right to life of every human being “are based on the natural law inscribed on human hearts and present in different cultures and civilizations. Removing human rights from this context would mean restricting their range and yielding to a relativistic conception, according to which the meaning and interpretation of rights could vary and their universality would be denied in the name of different cultural, political, social and even religious outlooks. This great variety of viewpoints must not be allowed to obscure the fact that not only rights are universal, but so too is the human person, the subject of those rights” (Address to the General Assembly of the United Nations [18 April 2008]: AAS 100 [2008], 334). Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, I, 1: AAS 80 (1988), 78-79. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, A, 1: AAS 80 (1988), 87. Paul VI, Encyclical Letter Humanae vitae (25 July 1968), 8: AAS 60 (1968), 485-486. Benedict XVI, Address to the Participants in the International Congress organized by the Pontifical Lateran University on the 40th Anniversary of the Encyclical Humanae vitae, 10 May 2008: L’Osservatore Romano, 11 May 2008, p. 1; cf. John XXIII, Encyclical Letter Mater et magistra (15 May 1961), III: AAS 53 (1961), 447. Second Vatican Council, Pastoral Constitution Gaudium et spes, 22. Cf. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 37-38: AAS 87 (1995), 442-444. John Paul II, Encyclical Letter Veritatis splendor, 45: AAS 85 (1993), 1169. Benedict XVI, Address to the General Assembly of the Pontifical Academy for Life and International Congress on “The Human Embryo in the Pre-implantation Phase” (27 February 2006): AAS 98 (2006), 264. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, Introduction, 3: AAS 80 (1988), 75. John Paul II, Apostolic Exhortation Familiaris consortio on the role of the Christian family in the modern world (22 September 1981), 19: AAS 74 (1982), 101-102. Cf. Second Vatican Council, Declaration Dignitatis humanae, 14. Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, A, 1: AAS 80 (1988), 87. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, B, 4: AAS 80 (1988), 92. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, Introduction, 3: AAS 80 (1988), 75.
32
The term heterologous artificial fertilization or procreation refers to “techniques used to obtain a human conception artificially by the use of gametes coming from at least one donor other than the spouses who are joined in marriage” (Instruction Donum vitae, II: AAS 80 [1988], 86). The term homologous artificial fertilization or procreation refers to “the technique used to obtain a human conception using the gametes of the two spouses joined in marriage” (Instruction Donum vitae, II: AAS 80 [1988], 86). Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, B, 7: AAS 80 (1988), 96; cf. Pius XII, Address to those taking part in the Fourth International Congress of Catholic Doctors (29 September 1949): AAS 41 (1949), 560. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, B, 6: AAS 80 (1988), 94. Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II: AAS 80 (1988), 86. Currently the number of embryos sacrificed, even in the most technically advanced centers of artificial fertilization, hovers above 80%. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 14: AAS 87 (1995), 416. Cf. Pius XII, Address to the Second World Congress in Naples on human reproduction and sterility (19 May 1956): AAS 48 (1956), 470; Paul VI, Encyclical Letter Humanae vitae, 12: AAS 60 (1968), 488-489; Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, B, 45: AAS 80 (1988), 90-94. An increasing number of persons, even those who are unmarried, are having recourse to techniques of artificial reproduction in order to have a child. These actions weaken the institution of marriage and cause babies to be born in environments which are not conducive to their full human development. Benedict XVI, Address to the General Assembly of the Pontifical Academy for Life and International Congress on “The Human Embryo in the Pre-implantation Phase” (27 February 2006): AAS 98 (2006), 264. Intracytoplasmic sperm injection is similar in almost every respect to other forms of in vitro fertilization with the difference that in this procedure fertilization in the test tube does not take place on its own, but rather by means of the injection into the oocyte of a single sperm, selected earlier, or by the injection of immature germ cells taken from the man. There is ongoing discussion among specialists regarding the health risks which this method may pose for children conceived in this way. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, B, 5: AAS 80 (1988), 93. Cryopreservation of embryos refers to freezing them at extremely low temperatures, allowing long term storage. Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, I, 6: AAS 80 (1988), 84-85. Cf. numbers 34-35 below. Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, II, A, 1-3: AAS 80 (1988), 87-89. John Paul II, Address to the participants in the Symposium on “Evangelium vitae and Law” and the Eleventh International Colloquium on Roman and Canon Law (24 May 1996), 6: AAS 88 (1996), 943-944. Cryopreservation of oocytes is also indicated in other medical contexts which are not under consideration here. The term oocyte refers to the female germ cell (gametocyte) not penetrated by the spermatozoa. Cf. Second Vatican Council, Pastoral Constitution Gaudium et spes, n. 51; John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 62: AAS 87 (1995), 472. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 63: AAS 87 (1995), 473. The interceptive methods which are best known are the IUD (intrauterine device) and the so-called “morning-after pills”. The principal means of contragestation are RU-486 (Mifepristone), synthetic prostaglandins or Methotrexate. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 58: AAS 87 (1995), 467. Cf. CIC, can. 1398 and CCEO, can. 1450 § 2; cf. also CIC, can. 1323-1324. The Pontifical Commission for the Authentic Interpretation of the Code of Canon Law declared that the canonical concept of abortion is “the killing of the fetus in whatever way or at whatever time from the moment of conception” (Response of 23 May 1988: AAS 80 [1988], 1818). In the current state of knowledge, the techniques which have been proposed for accomplishing human cloning are two: artificial embryo twinning and cell nuclear transfer. Artificial embryo twinning consists in the artificial separation of individual cells or groups of cells from the embryo in the earliest stage of development. These are then transferred into the uterus in order to obtain identical embryos in an artificial manner. Cell nuclear transfer, or cloning properly speaking, consists in introducing a nucleus taken from an embryonic or somatic cell into an denucleated oocyte. This is followed by stimulation of the oocyte so that it begins to develop as an embryo. Cf. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, I, 6: AAS 80 (1988), 84; John Paul II, Address to Members of the Diplomatic Corps accredited to the Holy See (10 January 2005), 5: AAS 97 (2005), 153. The new techniques of this kind are, for example, the use of human parthenogenesis, altered nuclear transfer (ANT) and oocyte assisted reprogramming (OAR). John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 60: AAS 87 (1995), 469. Benedict XVI, Address to the participants in the Symposium on the topic: “Stem Cells: what is the future for therapy?” organized by the Pontifical Academy for Life (16 September 2006): AAS 98 (2006), 694. Cf. numbers 34-35 below. Cf. Benedict XVI, Address to the participants in the Symposium on the topic: “Stem Cells: what is the future for therapy?” organized by the Pontifical Academy for Life (16 September 2006): AAS 98 (2006), 693-695. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 63: AAS 87 (1995), 472-473. Cf. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 62: AAS 87 (1995), 472. Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction Donum vitae, I, 4: AAS 80 (1988), 83. Cf. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 73: AAS 87 (1995), 486: “Abortion and euthanasia are thus crimes which no human law can claim to legitimize. There is no obligation in conscience to obey such laws; instead there is a grave and clear obligation to oppose them by conscientious objection”. The right of conscientious objection, as an expression of the right to freedom of conscience, should be protected by law. John Paul II, Encyclical Letter Evangelium vitae, 63: AAS 89 (1995), 502. John Paul II, Letter to all the Bishops on “The Gospel of Life” (19 May 1991): AAS 84 (1992), 319.
33