ĐỂ BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM XỨNG ĐÁNG LÀ VŨ KHÍ TƯ TƯỞNG SẮC BÉN, LÀ DIỄN ĐÀN TIN CẬY CỦA NHÂN DÂN Trương Tấn Sang Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (Cập nhật: 25/6/2007) Kỷ niệm 82 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-62007) ngày 20-6, đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và có bài phát biểu quan trọng. Tạp chí Cộng sản Điện tử trân trọng giới thiệu với độc giả. Thưa các đồng chí ! Hôm nay, tôi rất vui mừng đến thăm Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp các đồng chí đang tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi kỷ niệm 82 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi thân ái gửi tới cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo và công chúng báo chí trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất! Chúc báo chí nước ta tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Báo Thanh Niên, của nền báo chí cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, rèn luyện, nền báo chí đã trưởng thành trong máu lửa, trong muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Thưa các đồng chí. Báo Thanh Niên ra đời cách đây tròn 82 năm thể hiện tầm nhìn chiến lược lúc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nhận thức sâu sắc quan điểm của V.I.Lê-nin khi cách mạng nước Nga còn trong trứng nước: "Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Nếu Đảng cách mạng không biết thống nhất các tác động của mình vào quần chúng bằng tiếng nói của báo chí, thì mong muốn tác động bằng các phương pháp khác, mạnh mẽ hơn, chỉ là một ảo tưởng mà thôi''. Báo Thanh Niên ra đời đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-Nin, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cơ sở lý Luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930. Trong một "Án nghị quyết'' quan trọng đầu tiên sau ngày thành lập, Đảng ta
nhấn mạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, ra sách báo, truyền đơn để ''quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra''. Các tờ báo của Đảng đã góp phần tập hợp, cổ vũ nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Tiếp đó, với tư cách là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng, báo chí cách mạng nước ta đã cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đi vào các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong suốt quá trình Lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định công tác báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng, nhất là trong những giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng... đều là những nhà báo xuất sắc. Báo chí cách mạng của chúng ta thật sự là ''người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể'' các phong trào hành động cách mạng của nhân dân do Đảng ta lãnh đạo. Nhiều nhà báo xứng đáng với danh hiệu cao quý "Nhà báo - chiến sĩ'', nhiều người đã anh dũng hy sinh, đã cống hiến xương máu và tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam được hun đúc và trưởng thành trong quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của Đảng ta, nhân dân ta, cống hiến xứng đáng vào sụ nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thưa các đồng chí. Chúng ta kỷ niệm 82 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay gắn Liền với một sự kiện quan trọng liên quan đến hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí: Và giữa tháng 6 này, Bộ Chính trị đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án "Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới''. Đầu tháng 7, tại Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định về ''Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới". Tiếp theo Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) , Thông báo kết luận số 162-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Thông báo kết luận số 41 -TB/TW và Thông báo kết luận số 68-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về ''Tăng cường lãnh đạo, quản
lý công tác báo chí'' ; Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về ''Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới", việc Ban Chấp hành Trung ương dành thời gian thảo luận về một đề án, ra những quyết định cụ thể, trong đó hoạt động báo chí và công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có một vị trí xứng đáng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng đối với báo chí. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp, cống hiến to lớn của báo chí nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm vừa qua, báo chí nước ta đã có nhiều đổi mới và vươn lên mạnh mẽ. Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, bảo đảm định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, cổ vũ các phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, khẳng định thành quả của công cuộc đổi mới; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, chống âm mưu ''diễn biến hòa bình'' của các thế lực thù địch; góp phần thắt chặt tình hữu nghị, sự hợp tác nhiều mặt của đất nước ta với bạn bè quốc tế. Trong những ưu điểm, thành tích đã nêu, Hội Nhà báo Việt Nam, đông đảo cán bộ, hội viên của Hội có đóng góp xứng đáng. Nhiều nhà báo đã không quản khó khăn, gian khổ, tắm mình trong thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước, sáng tạo nên các tác phẩm báo chí có giá trị, đem lại hiệu quả xã hội tích cực, được đông đảo công chúng ghi nhận, hoan nghênh. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm nổi bật và thành tích to lớn nêu trên, hoạt động báo chí và công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong những năm qua cũng bộc lộ một số thiếu sót, khuyết điểm cần nhìn nhận đúng, rõ để tập trung sức khắc phục. Một số cơ quan báo chí có biểu hiện coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng, giáo dục của báo chí cách mạng; chưa coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, sa đà khi phản ánh các vụ án, mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội. Một số cơ quan báo, đài chậm đổi mới về nội dung và hình thức, chưa đủ sức chi phối, định hướng thông tin. Hội Nhà báo Việt Nam chưa tham gia có hiệu quả và việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về báo chí; vào việc chỉ đạo, quản lý báo chí. Công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị, nghiệp
vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X chỉ rõ: "Tạo điều kiện cho các lĩnh vực xuất bản, thông tin đại chúng phát triển, nâng cao chất lượng tư tưởng và văn hóa, vươn lên hiện đại về mô hình, cơ cấu tổ chức và cơ sở vật chất - kỹ thuật; đồng thời xây dựng cơ chế quản lý phù họp, chủ động và khoa học''. Quán triệt tinh thần đó, để phục vụ đắc lực hơn nữa sự nghiệp Đổi mới đất nước, đồng thời đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí trong thời kỳ mới, các cơ quan báo chí và đội ngũ nhũng người làm báo cần bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ, khẳng định thành tựu của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác những thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Coi trọng định hướng phát triển, định hướng thông tin, công tác cán bộ, chính sách tài chính cho hoạt động báo chí. Tăng cường trách nhiệm các cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựg các cơ chế, chính sách phù hợp để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển vừa kịp thời khắc phục những yếu kém, khuyết điểm của báo chí. Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí của cả nước trong điều kiện các loại hình truyền thông đa phương tiện với công nghệ tiên tiến đã và đang phát triển mạnh mẽ. Khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm cán bộ, Đảng viên, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu, thực hành của các trường, các cơ sở đào tạo báo chí. Đầu tư thỏa đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại. Tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, các khu vực; đưa sách, báo có nội dung tốt phục vụ công chúng, nhất là đồng bào ta ở nước ngoài. Mở rộng giao lưu, hợp tác với các tổ chức báo chí trong khu vực và trên thế giới; coi trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của các cơ quan báo chí, tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam và mỗi một cán bộ, phóng viên, hội viên là thực hiện thật tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'' gắn với việc giáo dục và thực hiện các quy định đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, triển khai thực hiện Kế hoạch 03-KH/TW của Ban Bí thư, trong đó có các quy định rất quan trọng như: Quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan làm công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản và các cơ quan hữu quan; Quy định về việc
định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin trên báo chí, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp; Quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí. Tổ chức tốt Giải báo chí quốc gia năm 2006 và các năm tiếp theo. Đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương V, tập trung học tập, quán triệt, tuyên truyền và góp phần tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết Hội nghị, trong đó có vấn đề hết sức quan trọng đối với công tác tư tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng nước ta là những quyết định ''Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới''. Nhân ngày truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà, một lần nữa chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, sức sáng tạo; đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng nền báo chí nước ta ngày càng phát triển theo hướng cách mạng, khoa học, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xin cảm ơn các đồng chí!