Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm (THTP) lừa đảo chiếm đoạt tài sản (CĐTS) diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn lừa dối ngày càng đa dạng, tinh vi và xảo quyệt, nhiều vụ án lừa đảo có quy mô lớn với giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng cao. Trong một số lĩnh vực tội phạm lừa đảo CĐTS xảy ra rất nghiêm trọng. Ví dụ tình hình lừa đảo CĐTS tiền thuế giá trị gia tăng, lừa đảo người có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài... nhiều vụ án lừa đảo CĐTS có giá trị đặc biệt lớn như vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo CĐTS tài sản của Nhà nước, các doanh nghiệp tại Nha Trang – Khánh Hoà lên đến trên 160 tỉ đồng đang được điều tra xử lí v.v…Có thể nói tội phạm lừa đảo CĐTS đã và đang gây ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân, trật tự an ninh xã hội.
Điều 139 BLHS 1999 quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm….” Nghị quyết số 09/1998 ngày 31/7/1998 của Chính phủ với mục tiêu làm giảm một cách cơ bản các loại tội phạm, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trên tinh thần đó, chúng tôi nghiên cứu THTP tội phạm lừa đảo CĐTS nhằm đánh giá đúng nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng thời đưa ra các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm này có hiệu quả. Nghiên cứu THTP và đánh giá đúng đặc tính về lượng của THTP lừa đảo CĐTS, ngoài việc nghiên cứu những vụ phạm tội đã được phát hiện và xét xử, thì một phần quan trọng cần phải được xem xét, nghiên cứu, đó là phần ẩn của THTP. Về phương diện khoa học, chỉ có thể đánh giá mức độ tội phạm ẩn một cách tương đối gần sát với thực tế dựa trên những căn cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định, việc mong muốn đánh giá một cách chính xác, tuyệt đối phần ẩn của THTP là điều không thể thực hiện được vì nhiều lí do khác nhau. Tội phạm ẩn theo quan điểm của đa số các nhà nghiên cứu về tội phạm học cho rằng có thể bao gồm : - Số vụ, số người phạm tội tuy đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa bị phát hiện và chưa bị xử lí bằng biện pháp hình sự (tội phạm ẩn tự nhiên). Đây là phần ẩn lớn nhất và chủ yếu của THTP; - Phần ẩn tiếp theo là những vụ phạm tội, người thực hiện tội phạm đã bị phát hiện nhưng vì lí do khác nhau mà cơ quan Tư pháp lại cho rằng đó không phải là tội phạm hoặc hành vi của người đó không cấu thành tội phạm (phần ẩn này được coi là tội phạm ẩn nhân tạo); Theo chúng tôi, hiện nay một số cơ quan Công an nhận tin báo hoặc phát hiện vụ phạm tội lừa đảo CĐTS, nhưng cho rằng khả năng không điều tra khám phá được, nên không thực hiện việc thống kê, báo cáo. Đây có thể vì bệnh thành tích nên một số cơ quan Công an địa phương đã không khởi tố vụ án lừa đảo CĐTS để từ đó cơ quan Điều tra tính thành tích điều tra khám phá đạt tỉ lệ cao. Ví dụ, khi nhận tin báo và các nguồn khác có 120 vụ lừa đảo CĐTS xảy ra, nhưng cơ quan Công an chỉ đưa vào sổ thống kê 100 vụ và điều tra, truy tố 98 vụ, đạt 98%. Như vậy, số 20 vụ án không có trong thống kê nêu trên do cơ quan Công an không thể điều tra khám phá được nên không đưa vào số liệu thống kê và theo chúng tôi, cũng nên coi đây là phần ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS (phần ẩn nhân tạo). Ngoài quan điểm cho rằng tội phạm ẩn có hai phần nêu trên, cũng có ý kiến cho rằng tội phạm ẩn còn bao gồm cả số liệu các vụ phạm tội, con người phạm tội tuy đã bị xử lí hình sự nhưng vì lí do nào đó mà không có trong số liệu thống kê và coi đây là “tội phạm ẩn thống kê”; Chúng tôi cho rằng “tội phạm ẩn” được hiểu đơn giản là phần tội phạm đã xảy ra trên thực tế chưa được phát hiện hoặc tuy đã bị phát hiện nhưng vì những lí do khác nhau mà không bị xử lí hình sự, do vậy không có trong số liệu thống kê tội phạm. Còn phần “tội phạm ẩn do thống kê” hay gọi chính xác hơn là “sai số thống kê” là những hành vi phạm tội đã bị phát hiện, đã bị xử lí hình sự, nó không còn là một phần trong “mảng chìm” của THTP nên không coi là phần tội phạm ẩn; Phần tội phạm ẩn “tự nhiên” và “nhân tạo” ảnh hưởng lớn đến việc đánh giá THTP xảy ra, và do đó làm cho việc xác định các giải pháp đấu tranh phòng ngừa không sát với thực tiễn THTP. a/ Phần ẩn của tình hình tội phạm lừa đảo CĐTS - Mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc xác định mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS trên thực tế không thể đánh giá chính xác tuyệt đối bởi nhiều lí do khách quan khác nhau. Nhưng tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo CĐTS nói riêng là một hiện tượng khách quan, nên nó cũng vận động theo những quy luật khách quan nhất định. Vì vậy, chúng ta có thể dựa vào những cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn nhất định để đánh giá mức độ tương đối “phần ẩn” của THTP lừa đảo CĐTS. Do đặc điểm, tính chất của mỗi nhóm tội phạm, mỗi tội phạm cụ thể khác nhau, do đó mức độ ẩn cũng khác nhau. Đối với tội phạm lừa đảo CĐTS là loại tội trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu, có mức độ ẩn không cao như các loại tội đưa, nhận hối lộ hay một số tội phạm kinh tế khác…. bởi hành vi phạm tội gây thiệt hại trực tiếp cho quyền sở hữu của Nhà nước, tổ chức, công dân nên thường người bị hại tố giác tội phạm và thực tế các vụ lừa đảo CĐTS do người bị hại tố giác chiếm tỉ lệ rất cao. Chúng tôi lấy ý kiến khảo sát các cán bộ Điều tra viên, Trinh sát viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán trong một số tỉnh, thành phố, kết quả trong tổng số 310 phiếu thu về với nội dung câu hỏi được đề nghị trả lời : “Theo đánh giá chủ quan của anh, chị, tỉ lệ vụ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa được phát hiện ở địa phương mà anh, chị công tác chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm so với tổng số vụ án đã xảy ra trên thực tế ?”
Chúng tôi thu được kết quả là: 34% số người được hỏi trả lời cho rằng số vụ án chưa được phát hiện chiếm khoảng từ 21% - 30% trên tổng số vụ phạm tội lừa đảo CĐTS đã xảy ra trong thực tế; có 32% số người được hỏi, trả lời cho rằng số vụ án chưa được phát hiện chiếm khoảng từ 31% - 40% và có 16% số người được hỏi trả lời cho rằng số vụ án chưa được phát hiện, chiếm khoảng từ 41% - 50%. Còn lại 18% số người được hỏi trả với các tỉ lệ khác nhau1. Như vậy, có khoảng 66% số người được hỏi cho rằng số vụ án chưa được phát hiện chiếm tỉ lệ thấp nhất là 21% và cao nhất là 40% trên tổng số vụ phạm tội lừa đảo CĐTS đã xảy ra trong thực tế. Tính trung bình tỉ lệ còn ẩn khoảng 30%. Khảo sát thực tế về kết quả điều tra, khám phá các vụ án lừa đảo CĐTS ở một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bắc Giang chúng tôi thu được kết quả như sau: Số vụ án lừa đảo CĐTS theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh trong 6 năm gần đây với tổng số vụ án được phát hiện 1921 vụ, đã khám phá được 1410 vụ, đạt 73,4%. Như vậy tính trung bình có gần 26% vụ án lừa đảo CĐTS không khám phá được2. Theo thống kê của Công an Tỉnh Thanh Hoá tổng số vụ lừa đảo CĐTS được phát hiện từ 2001- 2006 là 176 vụ, cơ quan Công an đã khám phá; 137 vụ chiếm 78%, tỉ lệ không khám phá được 22%3. Tỉnh Bắc Giang từ 2001-2006 với tổng số 111 vụ lừa đảo CĐTS bị phát hiện và số vụ khám phá là 64 vụ chiếm 58%, tỉ lệ không khám phá được 42%4. Tính trung bình tỉ lệ khám phá của Công an các tỉnh đã khảo sát là 70%. Như vậy, có khoảng 30% số vụ án lừa đảo CĐTS không khám phá được nên không có trong số liệu thống kê; Tỉ lệ số vụ án không khám phá, điều tra được, về mặt lí luận hiện nay không coi là số vụ phạm tội còn ẩn vì đã được phát hiện nhưng số vụ án này không bị xử lí với bất kì hình thức nào, cho nên không có trong số liệu thống kê của các cơ quan Tư pháp. Quan điểm của chúng tôi, đây cũng cần được coi là lượng tội phạm “ẩn”, và tỉ lệ số vụ lừa đảo CĐTS “ẩn” trong trường hợp này có độ tin cậy tương đối cao; Theo dự đoán của các chuyên gia trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm còn khoảng trên 30% số vụ phạm tội lừa đảo CĐTS chưa được phát hiện và thực tiễn tại một số Công an địa phương thì tỉ lệ số vụ phạm tội không khám phá được cũng khoảng 30% (theo tỉ lệ trung bình của Công an một số tỉnh). Như vậy, có cơ sở để đánh giá mức độ tội phạm lừa đảo CĐTS còn ẩn khoảng từ 30 - 40%. Nếu chỉ lấy tỉ lệ ẩn 30% thì trong giai đoạn 1996 2006 tổng số vụ phạm tội lừa đảo CĐTS đã được xét xử là 21.662 vụ5 thì số vụ chưa có trong thống kê khoảng 6500 vụ. Trung bình mỗi năm có khoảng trên 590 vụ lừa đảo CĐTS chưa bị xử lí, nên không có trong số liệu thống kê của TANDTC; Theo tài liệu dự báo THTP và đề xuất các giải pháp phòng, chống tội phạm đến 2005 và 2010 của Viện nghiên cứu chiến lược và khoa học của Bộ Công an (2002) thì các tội xâm phạm sở hữu XHCN mức độ ẩn là 80%6. Chúng tôi cho rằng tội phạm lừa đảo CĐTS nói chung thì mức độ ẩn không cao đến như vậy. - Thời gian ẩn, địa bàn ẩn của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Về thời gian ẩn, theo thống kê số vụ án hàng năm mà chúng tôi đã nghiên cứu và tính khoảng thời gian từ thời điểm hành vi phạm tội lừa đảo CĐTS đầu tiên được thực hiện đến thời điểm vụ án được phát hiện hoặc bị tố cáo; kết quả thời gian được xác định một cách tương đối trong 420 vụ án thực tế, có tỉ lệ như sau: - 242 vụ được phát hiện trong vòng từ 3 tháng đến 1 năm, chiếm 57,6%; - 145 vụ được phát hiện trong vòng từ trên 1 đến 3 năm, chiếm 34,5%; - 20 vụ được phát hiện trong vòng từ trên 3 năm đến 4 năm, chiếm 4,8% ; - 13 vụ được phát hiện trong thời gian trên 4 năm, chiếm 3,1%. Như vậy, qua phân tích thời gian phát hiện vụ phạm tội trong 420 vụ án thực tế có thể rút ra nhận xét chung về thời gian ẩn của các vụ phạm tội lừa đảo CĐTS với đa số vụ án lừa đảo CĐTS (chiếm tỉ lệ trên 90%) có thời gian ẩn khoảng từ 3 tháng đến 3 năm; số vụ còn lại có thời gian ẩn trên 3 năm7. Về địa bàn ẩn, trong 594 bản án xét xử sơ thẩm về tội phạm lừa đảo CĐTS từ năm 1999 -2005 có 436 vụ án xảy ra ở thành phố, thị xã cùng với 47 vụ xảy ra liên quan cả thành phố và vùng ven thị xã, thị trấn; có 91 vụ xảy ra ở địa bàn nông thôn. Như vậy, với 483/594 vụ phạm tội trên địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn chiếm 73,5 % tổng số vụ án mà chúng tôi nghiên cứu8. Từ thực tế nêu trên, chúng tôi nhận định: số vụ phạm tội lừa đảo CĐTS xảy ra chủ yếu ở thành phố thị xã thị trấn; khu vực này, tình hình xã hội cũng phức tạp, dễ trốn tránh và có nhiều điều kiện thực hiện tội phạm lừa đảo CĐTS. Hơn nữa, khả năng kinh tế của người bị hại ở thành phố bị mất 500 nghìn hay 1 triệu đồng không ảnh hưởng gì lớn, cho nên tỉ lệ không báo Công an là khá cao. Do vậy, mức độ ẩn của tội lừa đảo CĐTS ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn chiếm tỉ lệ chủ yếu và loại tội ít nghiêm trọng có mức độ ẩn tương đối lớn. b/ Một số lí do ẩn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản + Xuất phát từ phía người bị hại, người làm chứng. Việc người bị hại không báo với cơ quan có trách nhiệm biết tội phạm lừa đảo CĐTS xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến mức độ tội phạm ẩn. Bởi tội phạm với tâm thế là ngoan cố và che giấu tội phạm, cho nên số vụ tự thú trong các tội phạm lừa đảo CĐTS chiếm tỉ lệ rất thấp (có 2 vụ trong 594 vụ đã khảo sát chiếm 0,3 % và theo thống kê của C16 Bộ Công an có 6 vụ/4366 chiếm 0,13%)9. Do vậy, người bị hại nếu không báo tin tội phạm cho cơ quan có trách nhiệm thì rất khó cho việc điều tra, phát hiện. Chúng tôi nghiên cứu 594 vụ án, có 379 vụ án (chiếm 64%) được phát hiện do người bị hại báo tin đến cơ quan Công an, có 105 vụ án không nêu rõ nguồn phát hiện, và 110 vụ (18,5%) có nêu do cơ quan Tư pháp phát hiện. Tỉ lệ trên cho thấy, thực tế số vụ án lừa đảo CĐTS được phát hiện chủ yếu do người bị hại báo tin đến các cơ quan Tư pháp. Còn số ít vụ án người bị hại không trình báo Công an và vụ án được phát hiện do quá trình cơ quan Công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ hoặc điều tra các vụ án khác…Việc không trình báo với cơ quan Công an của người bị hại có thể xuất phát từ nhiều lí do khác nhau: - Trước hết do tài sản bị mất không lớn;
- Theo phiếu điều tra xã hội học của chúng tôi, với các đối tượng được hỏi là cán bộ, học viên các lớp tại chức Đại học Luật trong nhiều địa phương khác nhau, với tổng số 605 người được hỏi: Nếu Anh, Chị bị người khác lừa đảo CĐTS thì theo tâm lí của Anh, Chị, việc trình báo Công an được biểu hiện ở mức độ nào (luôn luôn, ít khi, hoặc không báo Công an) trong những trường hợp sau đây: - Số tiền bị chiếm đoạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; - Số tiền bị chiếm đoạt từ trên 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng; - Số tiền bị chiếm đoạt từ trên 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng….. . Chúng tôi nhận được kết quả như sau: với trường hợp bị chiếm đoạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng có 355 phiếu trả lời không báo với cơ quan Công an, (chiếm 58 %) và có 180 phiếu trả lời ít khi trình báo Công an, (chiếm 30%)10. Như vậy, có 88% không báo Công an hoặc ít khi báo Công an trong trường hợp tài sản mất dưới 1 triệu đồng. Kết quả khảo sát thực tế nêu trên phần nào cho thấy mức độ ẩn của tội lừa đảo CĐTS trong những trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 500 nghìn đồng đến dưới 1 triệu đồng là tương đối cao. Do tâm lí e ngại, xấu hổ vì cho rằng mình có lỗi trong việc bị lừa đảo CĐTS hoặc do mất tài sản của tập thể, của cơ quan Nhà nước, người đứng đầu cơ quan sợ trách nhiệm… nên không báo với cơ quan Công an. Thực tế, một bộ phận không nhỏ người bị hại trong tội phạm lừa đảo CĐTS do xuất phát từ động cơ “ hám lợi” muốn mua rẻ, muốn lời cao, muốn giàu lên nhanh chóng v.v…nên đã bị mắc lừa. Những người này, thường có tâm lí ngại báo với Công an do thấy mình có lỗi một phần trong việc bị người khác lừa dối, nhất là trường hợp tài sản mất không lớn. Mặt khác, theo đánh giá của chúng tôi, mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS của Nhà nước, của tổ chức cao hơn mức độ ẩn của trường hợp xâm phạm sở hữu công dân. Bởi, nếu người dân mất tài sản thì khả năng tâm lí báo cơ quan Công an chiếm tỉ lệ cao hơn. Theo thống kê của chúng tôi trong 436 vụ lừa đảo CĐTS của công dân thì có 369 vụ do công dân tố cáo với cơ quan Công an, chiếm 85%10. Ngược lại, trong 40 vụ lừa đảo CĐTS tiền thuế GTGT của Nhà nước thì không có vụ nào do cơ quan Tài chính tố cáo với cơ quan Công an, mà chủ yếu do cơ quan Công an phát hiện qua công tác nghiệp vụ. Trong tổng số 158 vụ xâm phạm tài sản của Nhà nước chỉ có 10 vụ phía bị hại báo với cơ quan Công an chiếm tỉ lệ 6,3%. Thực tế nêu trên cho thấy, mất tài sản của tập thể, của Nhà nước thì ít được quan tâm, vì tâm lí “cha chung không ai khóc”. Một số cơ quan, doanh nghiệp làm ăn có những vi phạm về pháp luật như trốn thuế, kinh doanh trái phép… nên khi bị lừa đảo CĐTS cũng không muốn báo cơ quan Công an, bởi nếu trình báo dễ bị phát hiện những vi phạm khác… hoặc người đứng đầu cơ quan sợ trách nhiệm nên cũng không báo với Công an. Lí do này cũng ảnh hưởng nhất định đến mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS. Lí do ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS còn do vai trò của nhân chứng rất hạn chế, bởi tội phạm lừa đảo CĐTS diễn ra được che đậy bởi nhiều hình thức khác nhau, mà nhiều trường hợp chính người bị hại cũng không nhận biết được đó là hành vi phạm tội, cho nên những người xung quanh càng không thể biết có vụ phạm tội xảy ra, hoặc có biết nhưng cũng không rõ ràng. Vì vậy, vai trò nhân chứng báo tin với cơ quan Tư pháp về tội phạm lừa đảo CĐTS chiếm tỉ lệ không lớn. + Xuất phát từ chủ thể thực hiện tội phạm với các thủ đoạn tinh vi xảo quyệt. Đặc điểm của tội phạm lừa đảo CĐTS là tạo lòng tin ở người khác bằng những hành vi gian dối để từ đó được trao tài sản. Do đó, thủ đoạn che giấu tội phạm được người phạm tội quan tâm đặc biệt. Trong quá trình thực hiện tội phạm lừa đảo CĐTS, người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối với rất nhiều hình thức khác nhau, nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt mà chính người bị hại cũng không biết mình bị lừa dối. Ví dụ, một thủ đoạn lừa đảo CĐTS nhằm vào đối tượng không có việc làm hoặc chờ việc làm của các sinh viên mới ra trường ở các thành phố như sau: Trung tâm giới thiệu việc làm P ký hợp đồng với Nguyễn Văn A thu tiền dịch vụ giới thiệu việc làm của A là 3 triệu đồng và cam kết sẽ giới thiệu được nơi làm việc cho A, nếu trung tâm không giới thiệu được nơi tiếp nhận A thì sẽ được hoàn lại số tiền lệ phí. Khi anh A được giới thiệu đến doanh nghiệp H và được nhận vào làm việc ngay. Như vậy “trung tâm giới thiệu việc làm P” đã thực hiện xong hợp đồng đã cam kết với A. Khi anh A vào doanh nghiệp lại có tiếp hợp đồng thử việc trong 1 tháng, nếu đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ được làm việc lâu dài ở doanh nghiệp. Điều kiện thử việc 1 tháng và mức lương thử việc là 1 triệu đồng do doanh nghiệp tự đặt ra. Sau 1 tháng doanh nghiệp H từ chối không nhận anh A làm việc vì không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (thực tế không người nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp) và trả cho anh A tiền lương 1 triệu đồng như cam kết. Số tiền lương này thực chất là do “ trung tâm làm dịch vụ P” chuyển cho doanh nghiệp H vì họ đã có sự câu kết với nhau. Số tiền 2 triệu đồng chiếm đoạt được của anh A, họ chia nhau. Vụ lừa đảo CĐTS đã hoàn tất. Như vậy, người bị hại mất 2 triệu đồng và 1 tháng lao động không công cho doanh nghiệp H nhưng bản thân họ không hề biết mình bị lừa dối, vì tất cả đúng như “hợp đồng” mà A đã ký kết. Tuy số tiền của một người không lớn nhưng với số lượng rất lớn người bị hại được “trung tâm P giới thiệu” thì số tiền chiếm đoạt được là không nhỏ. Những vụ án này hầu như không bị khiếu kiện của người bị hại và cơ quan Công an cũng rất khó phát hiện được, bởi nó được nguỵ trang dưới hình thức các hợp đồng dân sự và các bên đã “tự nguyện” cam kết. Các “văn phòng”, “trung tâm” môi giới lừa đảo chỉ tồn tại thời gian ngắn là chuyển vị trí hoặc giải tán, nên rất khó bị phát hiện và bắt giữ. Đây là thủ đoạn rất tinh vi của người phạm tội và là một trong các lí do “ẩn” của tội phạm lừa đảo CĐTS. + Xuất phát từ phía các cơ quan Tư pháp Do thái độ của một số cán bộ khi tiếp nhận tin báo về tội phạm lừa đảo CĐTS từ phía người bị hại, đã không có thái độ đúng mực, thờ ơ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà về thủ tục trình báo, thậm chí còn có biểu hiện sự sách nhiễu v.v... Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí người bị hại. Hơn nữa, nhiều trường hợp khi tội phạm lừa đảo CĐTS xảy ra ở những địa điểm giáp gianh giữa các địa bàn phường, quận… do bệnh thành tích mà nhiều
trường hợp cơ quan Công an đùn đẩy trách nhiệm tiếp nhận tin báo tội phạm, dẫn đến người bị hại cảm thấy quá phiền hà, phức tạp nên không báo tin tội phạm nữa. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tội phạm lừa đảo CĐTS không bị phát hiện. Ngoài ra, những trường hợp do tài sản bị mất không lớn nên các cơ quan Tư pháp không tập trung thoả đáng thời gian và lực lượng để thực hiện việc điều tra, truy xét. Bởi vì, với tâm lí cho rằng vụ án nhỏ, không bị áp lực bởi phía bị hại, bởi dư luận xã hội... nên cơ quan Công an cũng không quan tâm đúng mức đến các vụ án này. Vì vậy, số tội phạm ít nghiêm trọng chiếm tỷ lệ ẩn tương đối cao. Mặt khác, tỉ lệ khám phá, thu hồi lại tài sản của những vụ án nhỏ, ít nghiêm trọng đạt tỉ lệ thấp, đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lí của người bị hại. Họ không tin vào cơ quan Công an có thể thu hồi được tài sản nên không muốn trình báo Công an. Hơn nữa, một thực tế khi bắt giữ người có hành vi chiếm đoạt như trộm cắp tài sản, lừa đảo CĐTS… với số tiền không lớn, số tài sản khó xác định giá trị đến 500 nghìn hay chưa thì nhiều cán bộ, cơ quan Công an chỉ xử phạt hành chính hoặc có trường hợp tha họ mà không ra quyết định xử phạt hành chính nên những người này, sau đó lại tiếp tục lừa đảo CĐTS dưới 500 nghìn đồng thì không có cơ sở xác định là tội phạm theo quy định của Điều 139BLHS. Đây cũng là một trong các lí do dẫn đến tội phạm ẩn. Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng, đó là do trình độ nghiệp vụ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp còn hạn chế, nên việc nhận thức đánh giá, nhận diện không đúng về hành vi thực tế nên không coi là hành vi lừa đảo CĐTS. Điều này, cũng làm tăng thêm mức độ ẩn của THTP lừa đảo CĐTS. Ví dụ, có trường hợp hành vi phạm tội phải coi là tội phạm lừa đảo CĐTS thì lại coi là lạm dụng tín nhiệm CĐTS hoặc một số trường hợp đã có tiền sự, tiền án về các tội chiếm đoạt tài sản, nay chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500 nghìn, nhưng cán bộ Công an lại cho rằng không có tội do không nắm vững quy định của pháp luật hoặc không biết đối tượng đó đang có tiền án, tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản v.v… Những trường hợp này cũng góp phần gia tăng mức độ ấn của THTP lừa đảo CĐTS. c/ Một số biện pháp nhằm làm giảm mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS + Các cơ quan Tư pháp cần động viên khuyến khích công dân tích cực tố giác tội phạm. Do đặc điểm của tội lừa đảo CĐTS xảy ra dưới vỏ bọc “gian dối” và nhiều khi có một phần lỗi của người bị hại. Cho nên, việc phát hiện tội phạm là rất khó rất khó khăn. Chính vì vậy, việc tố giác tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng và làm hạn chế rất lớn mức độ ẩn của tội lừa đảo CĐTS. Qua nghiên cứu 594 vụ án thực tế chúng tôi thống kê có 379 vụ lừa đảo CĐTS do công dân tố cáo với cơ quan Công an, chiếm 64%. Cho nên, công tác tuyên truyền giáo dục tác động đến người bị hại, người làm chứng để họ mạnh dạn tích cực tố giác kịp thời hành vi phạm tội đối với cơ quan Công an là giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là giải pháp chủ yếu, quan trọng làm giảm mức độ ẩn của THTP lừa đảo CĐTS. Việc tố giác kịp thời, không chỉ nhanh chóng bắt giữ người phạm tội, khắc phục hậu quả tội phạm gây ra, đảm bảo lợi ích chính đáng của người bị hại mà còn có ý nghĩa ngăn ngừa người phạm tội tiếp tục gây thiệt hại cho người khác. Do vậy, tố giác tội phạm không chỉ là nghĩa vụ pháp lí mà còn là nghĩa vụ đạo đức của mỗi công dân nhằm cùng nhau bảo vệ và xây dựng địa phương, địa bàn dân cư an toàn, lành mạnh, các quyền của con người được đảm bảo và tôn trọng, trong đó có quyền sở hữu về tài sản. Lực lượng Công an phường, xã, Công an khu vực… cần động viên nâng cao tinh thần trách nhiệm công dân, nội dung tuyên truyền cần làm cho công dân hiểu rõ hành vi tố giác tội phạm nhằm bảo vệ quyền sở hữu của chính mình, của người khác. Đồng thời khắc phục tâm lí e ngại do bị lừa dối của người bị hại hoặc do số tiền, giá trị tài sản bị chiếm đoạt không lớn mà ngại không báo với cơ quan Công an, bởi nếu để bọn tội phạm không bị bắt giữ và bị trừng phạt thì kẻ phạm tội còn nhiều cơ hội và có thêm kinh nghiệm nên có thể gây thiệt hại lớn hơn cho người khác. + Cơ quan Tư pháp cần tạo thuận lợi cho người tố giác tội phạm lừa đảo CĐTS với nhiều hình thức khác nhau, đồng thời đề cao trách nhiệm giữ bí mật người tố giác và bảo vệ các nhân chứng. Theo chúng tôi, Công an cần thực hiện nhiều hình thức tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm để tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc báo tin tội phạm. Ví dụ thùng thư tố giác tội phạm tại nơi công cộng, công khai số điện thoại gọi miễn phí của Công an ở trường học, nơi đông người, đường phố… Mặt khác, Công an các địa phương cần thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm cao đối với việc tiếp nhận các tin báo nhất là các tin báo do công dân cung cấp. Cán bộ Công an phải không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, có thái độ đúng mực và thực sự có trách nhiệm, không gây phiền hà cho nhân dân khi tiếp nhận tin báo tội phạm. Từ đó, nhằm tạo ấn tượng tốt, sự tin tưởng cao của nhân dân vào cơ quan Tư pháp. Đồng thời cơ quan Tư pháp phải tích cực nâng cao hiệu quả điều tra, xử lí thu hồi tài sản cho người bị hại. Có như vậy, mới động viên khuyến khích người bị hại cũng như những nhân chứng tích cực mạnh dạn trình báo cơ quan Công an. Nếu việc báo tin đến cơ quan Tư pháp mà tội phạm không bị xử lí, tài sản không được thu hồi thì sẽ dẫn đến tâm lí mất niềm tin vào cơ quan Tư pháp và do đó mức độ ẩn của tội phạm sẽ tăng cao. Mặt khác phải tuyệt đối giữ bí mật người nhân chứng tố giác tội phạm, trong những trường hợp cần thiết phải có kế hoạch bảo vệ nhân chứng, coi đây là trách nhiệm của cơ quan Công an đối với công dân tích cực tố giác tội phạm. + Cơ quan Công an cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và phát hiện kịp thời nhanh chóng tội phạm lừa đảo CĐTS. Lực lượng Công an phát huy cao độ các giải pháp chuyên sâu trong công tác nghiệp vụ như xây dựng mạng lưới bí mật, cơ sở đặc tình… trong các cơ quan doanh nghiệp, địa bàn có nhiều nguy cơ mà tội lừa đảo CĐTS có thể xảy ra nhằm phát hiện kịp thời, chính xác hành vi phạm tội, góp phần giảm mức độ ẩn của tình hình tội lừa đảo CĐTS. Nếu các vụ án được phát hiện kịp thời và xử lí công minh làm tăng lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Tư pháp, từ đó họ tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và do vậy, hiệu quả phát hiện, ngăn ngừa tội phạm sẽ đạt được kết quả cao.
Mặt khác, cần có giải pháp cảnh báo và khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo CĐTS đến tận các gia đình trong địa bàn quản lí, điều này không những có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện tội lừa đảo CĐTS và nâng cao nhận thức của nhân dân, từ đó kịp thời phát hiện hành vi phạm tội lừa đảo CĐTS từ phía nhân dân. Cơ quan Công an cần có cơ chế khuyến khích tặng thưởng người tích cực tố giác tội phạm lừa đảo CĐTS, coi như nguồn kinh phí “mua tin báo” tội phạm. Cơ chế này có ý nghĩa quan trọng ở chỗ động viên nhân dân tích cực tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người tố giác. Mức tặng thưởng có thể theo vụ việc hoặc theo tỉ lệ số tiền mà người phạm tội đã chiếm đoạt nay được phát hiện và thu hồi. + Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ của cán bộ các cơ quan Tư pháp đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để phát hiện kịp thời các vụ phạm tội lừa đảo CĐTS trong điều kiện hội nhập WTO. Nước ta trong điều kiện hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những mặt tích cực thúc đẩy nền kinh tế phát triển cũng kéo theo những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, trong đó có các thủ đoạn lừa đảo CĐTS. Thời gian qua các thủ đoạn lừa đảo CĐTS có sử dụng công nghệ thông tin qua mạng Internet, sử dụng thẻ tín dụng giả, lừa đảo qua thị trường chứng khoán, sử dụng đồng đôla đen… đã xuất hiện trong thời kì mở cửa thị trường và không ít thủ đoạn gian dối được “nhập khẩu” từ nước ngoài v.v…Vì vậy, muốn hạn chế mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS cần nâng cao trình độ chuyên sâu về một số lĩnh vực của cán bộ Điều tra viên, lực lượng nòng cốt phát hiện và ngăn ngừa hành vi phạm tội. Mặt khác, trong điều kiện hội nhập WTO, nhiều vụ án lừa đảo CĐTS có yếu tố nước ngoài cần có sự hợp tác quốc tế (mà hiện nay chủ yếu qua Văn phòng Interpol) để kịp thời phát hiện sớm các vụ phạm tội lừa đảo CĐTS, qua đó góp phần giảm thiểu mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS có yếu tố quốc tế. Hạn chế thấp nhất mức độ ẩn của tội phạm lừa đảo CĐTS có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm này, đồng thời góp phần thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế trước hết xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của người có hành vi bị hình sự hoá 2:40' 30/8/2009 Hình sự hoá (penalisation) là việc quy định hình phạt hay việc xác định loại hình phạt, khung hình phạt, điều kiện áp dụng hình phạt đối với loại tội phạm này hay tội phạm khác được quy định trong Bộ luật hình sự. Hình sự hoá chỉ diễn ra ở giai đoạn xây dựng pháp luật chứ không diễn ra ở giai đoạn áp dụng pháp luật. Và, theo nguyên tắc pháp chế, hiện nay Luật hình sự Việt Nam không chấp nhận nguyên tắc “tương tự” pháp luật, khi đó chỉ có Quốc hội mới có quyền tiến hành hoạt động “hình sự hoá”. Quan điểm này đã trở thành quan điểm chính thống trong các tác phẩm lý luận Luật hình sự ở Việt Nam (xem Tội phạm học, Luật hình sự và Luật Tố tụng hình sự Việt Nam - Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật – Nxb Chính trị Quốc gia 1994, tr.124; Đào Trí Úc – Luật hình sự Việt Nam (quyển 1) Những vấn đề chung – Nxb Khoa học xã hội 2000, tr.85). Tuy nhiên, trong giới báo chí cũng như nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay đã cho ra một cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” với nghĩa hoàn toàn độc lập với ý nghĩa ban đầu của “hình sự hoá”. Theo đó, cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” dùng để mô tả hiện tượng dùng biện pháp hình sự để giải quyết các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế chưa đến mức cấu thành tội phạm. Điều này dẫn đến hậu quả oan sai trong tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Sự xuất hiện của cụm từ “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” ở Việt Nam có thể được xem là một hiện tượng về ngôn ngữ bắt nguồn từ yêu cầu cấp thiết phản ánh một hiện tượng tiêu cực của nền tư pháp nước nhà. Nếu bạn là người có quan tâm đến đề tài này, bạn có thể thấy rằng “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế” diễn ra rất đa dạng bao gồm cả trong các giao dịch nội địa lẫn các giao dịch có yếu tố nước ngoài; người có hành vi vi phạm bị “hình sự hoá” (sau đây được hiểu là “hình sự hoá các giao dịch dân sự, kinh tế”) không chỉ là người Việt Nam mà còn có cả người nước ngoài; hành vi “hình sự hoá” của các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ dừng lại ở việc điều tra, truy tố, xét xử mà còn cả trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam, kê biên tài sản… Hoạt động ngân hàng là một hoạt động đặc thù nhưng cũng được tiến hành thông qua các giao dịch “dân sự”, “kinh tế”. Vì thế, “hình sự hoá” cũng có thể xảy ra trong khi giải quyết tranh chấp về các giao dịch trong các hoạt động ngân hàng. Do đó, trong nội dung bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề ““hình sự hoá” nói chung trong đó bao gồm cả các giao dịch trong hoạt động ngân hàng. Trước tiên, chúng ta xem một ví dụ. Đây là một vụ án trong số nhiều vụ án bị “hình sự hoá”. Đó là vụ án của Bạch Minh Sơn (Giám đốc Công ty cổ phần BAMEX) bị khởi tố, điều tra, truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” (Điều 135 Bộ luật hình sự 1985) (xem Tạp chí Kiểm sát số 1+2/1999): Ngày 30/11/1993, ông Bạch Minh Sơn ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công đoàn Ngân hàng ngoại thương Trung ương. Theo hợp đồng, Ngân hàng góp vốn để công ty ông Sơn mua nguyên vật liệu tổ chức sản xuất tấm lợp cót ép xuất khẩu, tỷ suất chia lợi nhuận là 50/50. Trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng, ông Sơn đã nhận
6 tỷ đồng của Ngân hàng và dùng vào việc sản xuất. Khi thanh lý hợp đồng, ngày 30/7/1995, ông Sơn chỉ mới trả được 650 triệu và còn nợ trên 5 tỷ đồng ông Sơn không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, năm 1989, ông Sơn còn nhận của Bảo Việt Nhân Thọ 200.000 USD tiền vốn với hình thức liên doanh để sản xuất tấm lợp, sau không có khả năn thanh toán. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán xác định tài sản của công ty của ông Sơn còn trị giá 12 tỷ đồng. Vụ việc bị phát hiện, ông Sơn bị cơ quan điều tra thành phố Hà Nội khởi tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” (Điều 135 Bộ luật hình sự 1985). Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và áp dụng khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng hình sự 1988 kết luận Sơn vô tội tại bản án hình sự sơ thẩm số 165/HSST với lý do dù Sơn chưa trả được nợ nhưng tài sản của Sơn còn đủ để thanh toán nợ. Ngày 26/11/1998, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã kháng nghị bản án này. Tại phiên toà phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã rút toàn bộ kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Toà phúc thẩm đình chỉ vụ án. Thực tế cho thấy, hành vi vi phạm bị đánh giá sai bản chất pháp lý và “hình sự hoá” thường là hành vi không trả được nợ (vi phạm nghĩa vụ thanh toán làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ). Loại tội danh thường áp dụng trong khi “hình sự hoá” là tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”(Điều 135, 158 Bộ luật hình sự 1985, 140 Bộ luật hình sự hiện hành). Cá biệt cũng có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 134, 134a, 157 Bộ luật hình sự 1985, 139 Bộ luật hình sự hiện hành) (chẳng hạn vụ án của Terry Lee – Daso, xem Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ngày 3/10/2000). “Hình sự hoá” các giao dịch dân sự, kinh tế trước tiên và dễ thấy là sẽ xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hành vi bị “hình sự hoá”. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ án bị “hình sự hoá” đều gắn với việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự như tạm giữ, tạm giam, kê biên, niêm phong tài sản…Việc áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam sẽ xâm hại đến quyền tự do, dân chủ của công dân. Bên cạnh đó, việc làm này sẽ gây tổn thương nặng nề đến tâm lý của người bị tạm giữ, tạm giam. Thêm vào đó, uy tín nói chung và uy tín chính trị nói riêng của người có hành vi bị “hình sự hoá” sẽ bị tổn hại rất nghiêm trọng. Đó là chưa kể nếu người có hành vi bị “hình sự hoá” là người đại diện hay quản lý thì uy tín của doanh nghiệp của họ cũng sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, doanh nghiệp của họ lại hoạt động trong tình trạng “rắn mất đầu”, rất có nhiều khả năng sẽ dẫn đến phá sản. Và, nếu có doanh nghiệp nào kiên cường vượt qua thì cũng phải mất rất nhiều thời gian cho việc phục hồi lại “tình trạng” hoạt động bình thường. Hơn thế nữa, tạm giữ, tạm giam người có hành vi bị “hình sự hoá” một mặt gây lãng phí thời gian của người này, mặt khác sẽ khiến cho người thân của họ cũng lãng phí thời gian và tiền bạc chạy theo tiến trình kêu oan cho người thân của mình. Trong việc làm này, thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng bị tiêu hao một cách vô ích. Đối với biện pháp kê biên, niêm phong tài sản cũng gây thiệt hại không kém trong trường hợp vụ án bị “hình sự hoá”. Khi đó, tài sản của người có hành vi bị “hình sự hoá” hoặc doanh nghiệp (có khi lên đến hàng chục tỷ đồng) sẽ không được đưa vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều đó không chỉ gây thiệt hại đến lợi ích vật chất của những người có liên quan mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của toàn xã hội. Xét ở góc độ kinh tế - xã hội, “hình sự hoá” để lại hậu quả tiêu cực mang tính dây chuyền. Bởi vì, bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có các mối quan hệ lợi ích với các doanh nghiệp khác, bạn hàng, người lao động…Một khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc lâm vào tình trạng khó khăn do người đại diện hay người quản lý bị bắt giam hoặc điều tra sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị các doanh nghiệp khác và bạn hàng từ chối quan hệ giao dịch, người lao động thì mất việc làm. Đối với những thiệt hại nói trên thì việc đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp hay người có hành vi bị hình sự hoá rất khó bù đắp đúng mức. Bên cạnh đó, “hình sự hoá” còn có tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vì không chỉ có những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam bị “hình sự hoá” mà cả các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp phải tình trạng này. Những vụ án bị “hình sự hoá” sẽ là tấm gương xấu làm nản lòng những người có ý định đầu tư vào Việt Nam, nhất là các dự án lớn, dài hạn, rủi ro cao nhưng có tính chất quan trọng, quyết định đến sự phát triển của đất nước như trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Đối với các doanh nhân, doanh nghiệp đang hoạt động thì không dám mạo hiểm, chấp nhận rủi ro để tìm tới những bước đột phá, tạo động lực cho nền kinh tế mà chỉ hoạt động cầm chừng, chấp nhận hiệu quả thấp nhưng an toàn hơn. Trong trường hợp họ có gặp rủi ro do khách quan cũng không dám “báo cáo” lỗ vì sợ mình trở thành đối tượng bị “hình sự hoá”. Một hậu quả nữa là tình trạng “hình sự hoá” sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào nền công lý nước nhà. Về bản chất, “hình sự hoá” là việc làm oan, sai người vô tội. Tình trạng này khiến cho các cơ quan bảo vệ công lý, chỗ dựa của công dân, các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp thì nay lại trở thành người xâm hại đến lợi ích hợp pháp của họ. Điều này đã làm giảm sút rất nhiều niềm tin của nhân dân vào nền công lý nước nhà. Làm sao để khắc phục tình trạng “hình sự hoá”? Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này. Theo nhiều nhà phân tích, tình trạng “hình sự hoá” có nguyên nhân chủ yếu là sự chưa rõ ràng trong quy định về cấu thành tội phạm đối với một số tội danh trong Bộ luật hình sự (xét ở góc độ lập pháp) và sự thiếu chính xác trong việc đánh giá tính chất của hành vi vi phạm pháp luật (dân sự, kinh tế) dẫn đến định tội sai (xét ở góc độ áp dụng pháp luật). “Hình sự hoá” các giao dịch dân sự, kinh tế về bản chất là sự sai lầm trong việc định tội danh của các cơ quan tiến
hành tố tụng. Hậu quả này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho những người áp dụng pháp luật (các cơ quan tiến hành tố tụng) mà phần lớn do quy phạm pháp luật quy định về cấu thành tội phạm chưa rõ ràng. Sự thiếu rõ ràng này dẫn đến việc nhận thức không thống nhất và áp dụng sai (định tội sai) ý nghĩa của điều luật. Định tội là việc xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể đã được thực hiện với các yếu tố cấu thành tội phạm (CTTP) cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự. Vì thế, khi nội dung của cấu thành tội phạm trong Bộ luật hình sự không rõ ràng thì không thể tránh khỏi sự nhận thức về nó khác nhau, dẫn đến việc định tội không chính xác. Điểm yếu này của Bộ luật hình sự có thể đưa đến việc làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Như đã đề cập ở trên, hai tội danh thường bị áp dụng sai trong khi “hình sự hoá” là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vì thế, chúng ta hãy phân tích cấu thành tội phạm của hai tội phạm này trong Bộ luật hình sự hiện hành. Đối với tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Điều 139 quy định: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…thì bị phạt…”. Trong lời văn của điều luật này có hai điểm chưa rõ ràng là “thủ đoạn gian dối” và “chiếm đoạt tài sản”. Vì thế, để áp dụng chính xác Điều 139 thì hai điểm chưa rõ ràng này cần phải được giải thích. Tương tự như thế đối với tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 140). So với Bộ luật hình sự 1985, Bộ luật hình sự hiện hành đã mô tả các hành vi khách quan của tội phạm này chứ không quy định chung chung là “lạm dụng tín nhiệm”. Tuy nhiên, điều luật này vẫn chưa làm sáng tỏ nội dung của hành vi “chiếm đoạt”. Bởi vì, không phải cứ hành vi không trả nợ hoặc không trả được nợ nào cũng là “chiếm đoạt”. Để việc áp dụng thống nhất và việc định tội tại hai điều luật này được chính xác, tránh “hình sự hoá” làm oan người vô tội, cần thiết phải có một Thông tư liên tịch (TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an) giải thích về vấn đề này. Trong Thông tư phải làm rõ: 1) Thế nào là hành vi chiếm đoạt (biểu hiện); 2) Cách chứng minh ý thức chiếm đoạt; 3) Các trường hợp nhầm lẫn với vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, ngay cả khi quy phạm pháp luật đã rõ ràng, việc đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng về tính chất pháp lý của hành vi vi phạm pháp luật trong các giao dịch cũng có thể thiếu chính xác. Ở đây chúng tôi không bàn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng do tiêu cực mà cố tình đánh giá sai tính chất pháp lý của hành vi bị “hình sự hoá” mà chỉ muốn bàn đến trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng do nhận thức sai bản chất của hành vi “chiếm đoạt” nên đã làm oan người vô tội. Trong thực tế có nhiều quan điểm cho rằng nếu hết hạn nêu trong hợp đồng mà bên có nghĩa vụ không thanh toán được nợ thì bị xem là “chiếm đoạt”. Quan điểm này hết sức sai lầm và không có căn cứ pháp lý, bởi vì nếu theo cách hiểu này thì tất cả các bị đơn trong các quan hệ dân sự, kinh tế đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, việc chứng minh “ý thức chiếm đoạt” của người phạm tội là hết sức quan trọng vì đây là dấu hiệu chủ quan bắt buộc của hai tội danh này. Vì đây là dấu hiệu chủ quan cho nên nó phải được đánh giá thông qua những biểu hiện của hành vi khách quan. Khi không có cái nhìn toàn diện về những biểu hiện của hành vi khách quan, các cơ quan tiến hành tố tụng rất dễ đánh giá sai bản chất pháp lý của hành vi vi phạm. Thông thường, người vi phạm bao giờ cũng che giấu ý thức và mục đích “chiếm đoạt”. Việc đánh giá hành vi nào có ý thức và mục “chiếm đoạt” nhưng bị che giấu và hành vi không có ý thức và mục “chiếm đoạt” trong nhiều trường hợp thật không dễ. Theo chúng tôi, để chứng minh được ý thức và mục “chiếm đoạt”, chúng ta có thể giải quyết mấy vấn đề sau (qua những biểu hiện của hành vi khách quan): + Người vi phạm có cố ý không thực hiện nghĩa vụ trả nợ không? Có ý định này trước hay sau khi thực hiện giao dịch? +
Người
vi
phạm
có
dịch
chuyển
quyền
sở
hữu
tài
sản
trái
pháp
luật
không?
+ Người vi phạm có mất hẳn quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp tài sản của mình không? + Người vi phạm có chiếm giữ, sử dụng trái phép, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của người khác như của mình không? Để chứng minh được những vấn đề trên, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể lưu ý những nội dung sau: Mục đích của việc vay ghi trong hợp đồng và sử dụng thực tế tài sản vay (hợp pháp hay không hợp pháp); Lý do không trả được nợ (do khách quan hay chủ quan, có chính đáng hay không); Trường hợp người vi phạm bỏ trốn thì phải xác định thái độ chủ quan là bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hay sợ bị cưỡng bức, dùng vũ lực… Người vi phạm còn khả năng thanh toán nợ không? Chỉ khi xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án và giải quyết đúng đắn những vấn đề trên thì chúng ta mới có đủ cơ sở kết luận người vi phạm có ý thức và mục đích “chiếm đoạt” và hành vi của họ mới có dấu hiệu phạm tội. Trong mọi trường hợp, dù người có hành vi vi phạm không trả được nợ nhưng đó là do khách quan mà chính họ không thể khắc phục được thì không thể kết luận là họ có ý định “chiếm đọat”. Trong trường hợp không chứng minh được sự hiện diện của “chiếm đọat” trong thái độ chủ quan của người vi phạm thì việc khởi tố, điều tra, truy tố… người này có thể được xem là hành vi “hình sự hoá”.