Kính gửi Ba! Thật buồn cười là 2 cha con trong nhà mà phải viết thư cho nhau. Sao kỳ vậy??? Con không muốn làm như thế này đâu nhưng không còn cách nào khác vì 2 cha con mình có bao giờ nói chuyện lâu đâu. Khó lắm!!! Trước hết, con xin nói với Ba rằng: Những lời này không phải là phê bình, phản ánh gì cả mà là những cảm nhận của chính bản thân con, một người con và cũng là một người cha tương lai. Thưa Ba! Đã rất nhiều lần con muốn cùng Ba nói chuyện như 2 người đàn ông nhưng không thể nào nói được. Không thể nào nói chuyện lâu được!. Quan điểm 2 người quá khác nhau, không cách nào dung hòa được. Nếu là 2 người đàn ông thực sự thì con không ngại, con sẽ bảo vệ lý lẽ của mình đến cùng, đàng này là 2 cha con, mà người con là người bị động, không thể nào nói được hết những suy nghĩ của mình được, càng nói càng đè nén, không cách nào thoát ra được. Thế Ba có biết tại sao không? Bởi vì con rất giống Ba về mặt tính tình, đều là những người nóng tính và độc đoán. (Phải rất mất nhiều thời gian con mới tìm được lý do này). Nhưng cuối cùng con nhận ra rằng, tính tình này không tốt và quyết tâm sửa đổi nó nhưng mỗi lần tiếp chuyện với Ba thì ... không thể nào sửa được. Vì vậy, con chỉ còn cách ậm ừ cho qua chuyện, im lặng cho qua ngày, ai nói gì không biết, ai làm gì không quan tâm. Thế đấy, làm người mà khổ sở thế đấy! Gia trưởng, độc đoán không tốt đâu Ba ơi. Hittle là thiên tài, tài giỏi như thế mà còn thất bại vì tính độc tài thì nói gì đến chúng ta những con người bình thường. Cái kiểu gia trưởng, đàn ông là số một trong gia đình không còn nữa rồi, thời đại đó qua rồi, thời đại này là thời đại hợp tác Ba à. Tục ngữ Trung Quốc có câu "3 ông thợ giày bằng 1 Gia Cát Khổng Minh". Và người Nhật cũng thường nói rằng "1 người Nhật không thể nào bằng một người Việt Nam nhưng 3 người Việt Nam không thể nào bằng 3 người Nhật". Vậy thì sao Ba không mở lòng mình ra mà nghe người khác nói, trình bày ý kiến của mình chứ. Trong gia đình này, Ba là người rất độc tài Ba biết không? Có bao giờ Ba chịu lắng nghe ý kiến của người khác không, từ Nội cho đến Má và các con. Các con của Ba đã lớn rồi, biết suy nghĩ rồi Ba ơi. Có bao giờ Ba nghĩ đến cảm nhận của các con, những trăn trở của má và những suy tư của nội không? Quả thật con rất buồn về điều này. Ba biết không? Gia đình mình mỗi khi gặp mặt thì cười giỡn rất vui vẻ, nói chuyện rất hăng say nhưng chỉ toàn là chuyện phiếm không à. Sau những lần đùa vui thì mỗi người đều có một tâm trạng. Má con thì khỏi nói rồi, hơn 30 mươi năm trời sống chung với Ba, hơn ai hết Má là người hiểu Ba nhất và là người lẽ ra bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng có lẽ Má đã chịu đựng quen rồi, mất hết miễn dịch rồi. Anh 2 con thì tốt rồi. Anh 2 sống với nội, không chịu ảnh hưởng nhiều của Ba, vả lại anh con là người "thấy gì nói đấy" nên không bị ảnh hưởng gì. Chị 3 và chị 4 là những người cùng khổ với Má nên ảnh hưởng khá nhiều. Cũng may, chị 3 còn có Anh 3 và sống xa gia đình nên ảnh hưởng không nhiều, còn Chị 4 thì... Ba có nhận thấy không, Chị ấy là một người rất bi quan, tội thật! Các em con cũng thế. Huệ, Hà đều sống nội tâm nên tánh tình rất tệ khi ở nhà, có lẽ bị bức xúc đấy Ba ơi. Em Huệ khi ở với Nội là một người khác, khi ở nhà là một người khác, Ba có nhận thấy không? Út em cũng may còn hời hợt nên không bị ảnh hưởng. Còn
đối với con thì sao? Ba có biết rằng khi còn ở với Nội con mong được sống ở nhà lắm hay không. Nhưng đến khi về nhà sống thì... Thời gian học đại học là thời gian khổ sở đối với con. Từ một học sinh giỏi được tuyển thẳng vào đại học trở thành một sinh viên hạng bét, thi lại học lại triền miên. May mà con kịp thức tỉnh mới ra trường được. Vậy đó, những chuyện như vậy đó Ba có biết không? Có lẽ Ba nói không nói làm sao biết nhưng làm sao mà nói được đây... Con không muốn nói nhiều về những chuyện đã qua, con chỉ mong Ba ngồi lại suy nghĩ về những chuyện đã qua của mình, những thành công và những thất bại, những cái được và những cái mất. Để rồi Ba có thể trải lòng mình ra mà tiếp xúc với các con. Hãy lắng nghe đi Ba ơi! Các con của Ba đã lớn rồi và cần có sự khẳng định mình. Ba thử hãy một lần lắng nghe đi. Ba đừng nhìn mình và so sánh mình với nhũng người láng giềng, những người bạn của Ba. Ba hãy thử một lần về nhà nội để lắng nghe những trăn trở, âu lo của Nội. Cùng ngồi lại để nghe những suy tư của Má. Ba hãy quan sát và lăng nghe những mong ước của các con. Đến lúc thay đổi rồi Ba ơi! Con tin rằng Ba có thể làm được điều đó. Con mong Ba có cái nhìn sâu sát và thực tế hơn. Sự hơn người không phải là nhờ những lời nói suông, những của cải ảo mà do nội lực thật của mình. Mong Ba hướng về gia đình nhiều hơn, nghĩ về nội, má và các con nhiều hơn. DHP 27/02/2006 P/S: Đừng sửa nhà lại bán cơm chay Ba ơi. Thứ 1: Khu vực đó có quá nhiều người bán thức ăn rối. Vả lại số người ăn chay ở đây không nhiều. Mà tiệm cơm mình chủ yếu là phục vụ người địa phương. Không có cơ hội phát triển đâu. Thứ 2: Ai sẽ là người đứng tiệm đây. Ai sẽ bán đây. Ba thì chắc không rồi phải không Ba? Mong Ba nghe ý kiến của gia đình trước khi quyết định!!!