Tập san Hoa-Mai so 15 Nội dung Tập san Hoa-Mai #15 (Số tháng 07/2007) Các bài vở trên Tập san Hoa-Mai có thể được phép phổ biến, đăng tải tự do.
Xin vui lòng ghi xuất xứ: Tập san Hoa-Mai (ĐVD)
TRONG SỐ NÀY Có thật nhà nước CSVN muốn hoà giải? Trương Minh Đức: Một ngòi bút của lương tri Bức xúc về quyền tự do đi lại ở Việt Nam Đề Cương Việt Nam Mới: Mô thức tổ chức xã hội mới Thực trạng xã hội và lối mòn trong suy nghĩ Đồng bào dân oan biểu tình khiếu kiện đòi công lý Lời kêu gọi ĐVD: Hãy tiếp tay Dân Oan giành lại Công Lý
Vì sao dân khổ? Độc tài! Vì sao nước nghèo? Tham nhũng!
CHÍNH LUẬN
Có thật nhà nước CSVN muốn hoà giải? Trong chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 6 năm 2007, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN, khẳng định rằng: “Đảng và Nhà nước Việt Nam không bao giờ thành kiến đối với những người còn có ý kiến khác biệt, trái lại luôn mong tất cả bà con người Việt Nam ở ngoài nước đều có nhiệt tình, thiện ý xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, vững mạnh.” Từ đó, có nhiều dư luận suy luận rằng điều ông nói có thể là tín hiệu cho một tiến trình hoà giải dân tộc. Nếu quả vậy, lời tuyên bố đó thật đáng khích lệ và có thể phản ảnh được mong đợi của nhân dân Việt Nam. Tiếc thay, ông Chủ tịch nước chỉ đề cập việc sẵn sàng hoà giải với tập thể Việt Kiều ở nước ngoài, chứ không nói gì đến những người dân bất đồng chính kiến trong nước. Ông Triết đã không có được các yếu tố cần và đủ để thuyết phục sự đồng tình của dư luận, Việt Nam cũng như quốc tế. Không những thế, lời tuyên bố của ông hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế chính trị vô cùng căng thẳng ở Việt Nam: đảng và nhà nước CSVN đã có thành kiến và thái độ hằn học vô cùng đối với những người còn có ý kiến khác biệt đang ở trong nước. Bởi lẽ, thực tế là hiện nay đang có hơn trăm người bị giam cầm vì các nỗ lực đấu tranh ôn hoà cho dân chủ tự do, hoặc thuần tuý chỉ vì đấu tranh cho công bằng xã hội và quyền lợi của những người dân nghèo cô thế. Đối với bất cứ dân tộc nào đang có vấn đề phân hóa hay mâu thuẫn, việc hòa giải để san bằng những lấn cấn, đố kỵ là điều đúng và vô cùng cần thiết để tạo điều kiện hoà đồng, đoàn kết. Với bản chất hài hoà và vị tha của dân tộc ta, điều đó càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Nhưng nhà nước CSVN, dưới sự lãnh đạo độc quyền của đảng CSVN, đã có hành động đi ngược lại tiến trình hoà giải của dân tộc; đã liên tục đàn áp, bắt giam, xử án một cách thô bạo đối với nhiều nhà dân chủ ôn hoà trong mấy tháng qua. Cùng lúc đó, nhà cầm quyền còn bắt giữ một số nhà đấu tranh cho công bằng xã hội và quyền lợi của dân nghèo như ký giả Trương Minh Đức, Sinh viên Đặng Hùng, anh Trần Quốc Hiền, v.v… Chính những sự đàn áp này đã làm cản trở tiến trình hoà giải dân tộc, và gây bộc phát một phong trào “bài Cộng” mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước. Người Việt Nam, dù là với chính kiến nào, cũng đều có cùng chung một đất nước, và đều mong muốn đất nước đó được hoà bình và tiến bộ.
Nếu đảng CSVN thật sự
muốn chấm dứt tình trạng đối nghịch căng thẳng hiện nay, thì không có cách nào
khác hơn là phải nhanh chóng thúc đẩy một tiến trình đối thoại với những người đối lập ôn hoà ở cả trong và ngoài nước Đảng Vì Dân khẩn thiết kêu gọi nhà nước CSVN hãy ra lệnh cho cơ quan an ninh ngưng ngay mọi hành động gây hấn và khởi sự đối thoại với Khối Đối Lập ôn hoà ở trong và ngoài nước. Đó là khởi đầu của một con đường hoà giải thực tế và nhanh chóng nhất! Đã đến lúc nhà nước CSVN phải có một thái độ và chính sách thật rõ ràng đối với vấn đề hoà giải dân tộc.
Nguyễn Công Bằng
[TRỞ VỀ DANH MỤC]
Trương Minh Đức: một ngòi bút của lương tri Mục sư Hồng Trung Sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá, một tỉnh gần vùng đất mũi cực Nam của Tổ Quốc, Ký giả Trương Minh Đức đã mang bản chất của một người dân Nam Bộ hiền lành chất phát, hiếu khách, hiếu hòa. Qua quá trình hoạt động vừa được công bố, ẩn giấu trong sự thầm lặng ôn hòa của anh là bầu nhiệt huyết của tình yêu nước, thương dân. Anh Trương Minh Đức cũng có một mái ấm gia đình như bao nhiêu người khác: một vợ cùng ba đứa con. Tất cả những điều đó đúng ra cũng đã có thể mang lại một sự thoả lòng cho chính anh, và anh có quyền an phận để sống bình yên cho đến hết một kiếp đời. Nhưng không, anh đã xem cách sống đó là ích kỷ, không đúng ý nghĩa của kiếp làm người, dù là để được tồn tại. Từ những năm còn thật trẻ, anh đã hướng lòng mình đến những người dân thấp cổ bé họng, là những nạn nhân của bọn cường hào ác bá, tham nhũng bất công trong xã hội đương thời, để bênh vực quyền lợi cho họ. Anh cũng đã mạnh dạn lên án sự bất công của xã hội, sự yếu kém của pháp luật, sự tham nhũng của các quan cấp hành chính nhà nước. Những bài viết của anh đăng trên những tờ báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Thanh Niên, Nông Thôn Ngày Nay, v.v… đều thể hiện sự quan tâm sâu xa đến số phận của các tầng lớp nhân dân bất hạnh. Ngoài những bài viết đăng trên báo chí quốc nội từ thập niên 90, ký giả Trương Minh Đức đã có nhiều bài viết tố giác đảng viên, cán bộ nhà nước tham nhũng; và đồng thời đấu tranh cho dân oan các miền đất nước. Bài viết của anh đã được đăng trên nhiều tờ báo ở nước ngoài, và được nhiều người đón nhận, cảm phục. Những bài viết và bức ảnh với nội dung tố cáo tham nhũng, bất công của anh được nhiều mạng điện tử nổi tiếng đăng tải. Song song với các hoạt động đấu tranh dân quyền, ký giả Trương Minh Đức còn thể hiện lòng nhân ái của mình qua những việc làm thiết thực như giúp đỡ cho rất nhiều gia đình đồng bào gặp hoàn cảnh khốn khó, ngặt nghèo. Hiện nay, cuộc chiến giữa Thiện Và Ác là cuộc chiến không cân sức, một bên là cường quyền của các quan lớn nhà nước, một bên là những công nhân, nông dân nghèo kém và cô thế. Tuy nhiên, với quyết tâm vì dân, ký giả Trương Minh Đức đã chọn chỗ đứng là phía những người lao động nghèo vô tội, với vũ khí duy nhất là ngòi bút cùng một trái tim nhân ái.
Ngòi bút của ký giả Trương Minh Đức đã được mài dũa sắc bén trong quá trình đấu tranh “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Đúng vậy, ngòi bút của anh đâm vào hệ thống của những tên cán bộ thối nát, tham ô đã ngang nhiên làm giàu một cách bất chính, bất chấp luật pháp nhà nước và nỗi đau khổ của hàng triệu nạn nhân. Vì thế tù đày đã đến với anh, và ngay cả những người thân của anh cũng không thể tránh khỏi sự liên luỵ. Bị bắt vào tù là cái giá phải trả cho những ai dám lên tiếng đấu tranh cho dân chủ và dân quyền ở Việt Nam, anh Trương Minh Đức đã không là một ngoại lệ. Nhưng dù bị tù tội, những người thân của anh, bạn bè chí hữu của anh, độc giả thân mến của anh, và nhất là không ít số bà con miền Đông Nam Bộ, sẽ nhớ đến nỗ lực quý báu của anh, thầm biết ơn anh và kính trọng anh. Từng bài viết của anh sẽ được trân quý, bởi ngòi bút của anh đã không bị vấy bẩn bởi những lợi ích tầm thường như những tên bồi bút viết thuê đê hèn khác. Trong khi xã hội hiện nay có quá nhiều ký giả bị quyền lực khuất phục, sẵn sàng viết sai sự thực, bóp méo sự thực để nhận những quyền lợi cá nhân, thì ký giả Trương Minh Đức đã dùng ngòi bút của mình để viết thay cho dân, lột tả những cảnh cùng cực bất công mà các tầng lớp dân nghèo đang gánh chịu. Anh đã viết đúng sự thật, viết đúng với tiếng nói của lương tâm nghề nghiệp mà không hề nghĩ đến thù lao hay bổng lộc cho bản thân anh, hay lo sợ bị sách nhiễu bởi phía công an. Nhân đây tôi muốn nói với những người lãnh đạo nhà nước rằng: nhà tù của chế độ có thể giam hãm thân thể các chiến sĩ dân quyền nhưng chắc chắn là nỗ lực vì dân vì nước của những người đó sẽ sống trong lòng nhân dân. Sự trù dập nhắm vào những người đấu tranh cho công lý chỉ làm cho chân lý đó sáng tỏ thêm hơn! Với tâm tình của một người chí hữu cùng chung một ý tưởng tranh đấu, tôi vô cùng cảm kích tấm lòng yêu nước, quý dân của chí hữu Trương Minh Đức. Nhiệt tình và ý chí của anh rất xứng đáng là một đảng viên của Đảng Vì Dân.
Viết ngày 27/06/07 tại tỉnh Gia Lai Mục sư Hồng Trung Đại diện Liên lạc Đảng Vì Dân tại Việt Nam
Những Chánh Sách Cần Có Trong Giai Đoạn Phát Triển (Kỳ 9 -- Tiếp theo kỳ trước)
III. LÃNH VỰC KINH TẾ: •
Việt Nam cần có hai hệ thống kinh tế song hành. Nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp nhẹ cần duy trì để để tạo công ăn việc làm cho số đông dân chúng. Nền kinh tế công nghiệp nặng, kỹ thuật, thông tin, dịch vụ, v.v… sẽ dùng một lực lượng chuyên viên giỏi để làm giàu cho quốc gia.
•
Đầu tư cấp thời vào lãnh vực xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như đường bộ, đường sắt, hải cảng, phi trường, hệ thống điện, nước, điện thoại nội địa, viễn liên và mạng lưới internet toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công trình đầu tư của quốc tế.
•
Phối trí địa bàn phát triển kinh tế một cách công bằng, thực tế và khả thi để tạo điều kiện sinh sống, phát triển đồng đều cho nhân dân trên địa bàn toàn lãnh thổ. Kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia phải quan tâm đặc tính và điều kiện lao động của từng địa phương; phải tạo điều kiện phát triển thuận lợi cho địa phương, hoặc vận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, hoặc phải tạo dựng cơ sở để sử dụng lực lượng công nhân ở địa phương.
•
Thiết lập “Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia” với trách nhiệm nghiên cứu chiều hướng kinh tế thế giới, của khu vực các nước lân bang cũng như nền kinh tế nội địa, để cố vấn chánh phủ về các đường lối
kinh tế cần có hay cần thay đổi. Đồng thời, cung ứng các giới kinh doanh, thương mãi những dữ kiện, thông tin cần thiết cho việc đầu tư, sản xuất, buôn bán hay xuất nhập cảng. •
Yểm trợ đặc biệt giới sản xuất nội địa để tạo điều kiện cạnh tranh với giới sản xuất ở ngoài nước; đặc biệt là ngân khoản cho vay vốn đầu tư. Hạ thấp tối đa thuế sản xuất và tiêu thụ cho các công ty phục vụ nhu cầu hàng hóa nội địa để giảm thiểu tối đa nguồn hàng nhập lậu.
•
Giảm thuế một cách đặc biệt cho những địa phương thiếu sự ưu đãi của thiên nhiên, để hấp dẫn sự đầu tư từ trung ương và ngoại quốc. Thiết lập các trường huấn nghệ kỹ thuật để nâng cao tay nghề cho công nhân các địa phương có nhiều khó khăn.
•
Hỗ trợ nông dân qua mạng lưới bán rẻ phân bón và hạt giống, với chương trình trả góp hay trả chậm cuối mùa. Cung cấp các thông tin chuyên môn liên quan đến lãnh vực trồng trọt, sản xuất tại từng địa phương để nâng cao thành quả sản xuất, giới hạn sự sản xuất thặng dư gây nguy hại cho nền kinh tế địa phương.
•
Thiết lập hệ thống trường Quản Trị Kinh Doanh và Đại học Trung Cấp Chuyên Ngành ở mỗi tỉnh để tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho thành phần chuyên viên địa phương và khả năng tiếp nhận dự án kinh tế từ trung ương hoặc nước ngoài.
•
Soạn thảo Luật Đầu Tư và chánh sách thuế khóa hợp lý, có khả năng thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế nội địa và đầu tư, mậu dịch từ các công ty ở nước ngoài.
•
Nghiêm cấm và nghiêm trị các hành vi làm hàng giả, buôn lậu, đầu cơ tích trữ…
•
Nghiêm cấm và nghiêm trị các hành động bóc lột sức lao động hay có hành vi xâm phạm nhân phẩm công nhân Việt Nam của các công ty ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam.
•
Soạn thảo bộ luật lao động tương đồng với luật lao động ở các nước phát triển để bảo đảm quyền lợi của thành phần công nhân.
•
Soạn thảo một bộ luật ngân hàng để khuyến khích sự đầu tư của nhân dân, đồng thời tạo ra thêm điều kiện để phát triển lãnh vực kinh doanh với ngoại quốc.
•
Thiết lập mộ trục lộ Đông-Tây giáp ranh biên giới Việt-Trung để phát triển kinh tế khu vực cận biên.
IV. LÃNH VỰC VĂN HOÁ: •
Văn hóa không phải chỉ là những di sản tinh thần mang tính cách truyền thống hay những di vật lâu đời của các thế hệ trước mà văn hóa còn thể hiện qua cách suy nghĩ, cách sống, cách ứng xử, cách sinh hoạt… của một dân tộc. Mặt khác, văn hóa không có nghĩa chỉ là hình ảnh của quá khứ. Sinh hoạt, sáng tạo mọi mặt ở hiện tại vẫn thể hiện bản sắc và trình độ văn hóa của một dân tộc; và nó sẽ trở thành một phần của nguồn văn hóa truyền thống ở mai sau. Do đó, Chánh Phủ cần quan tâm một cách sâu xa và có những chánh sách bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa một cách nghiêm chỉnh và thường xuyên.
•
Lập chánh sách bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa của quốc gia; lập chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam với cộng đồng thế giới.
•
Phục hồi các sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc biệt là trên các hệ thống thông tin, báo chí quốc gia.
•
Tục bản các tác phẩm biểu dương bản sắc văn hóa nước nhà, tài trợ các công trình nghiên cứu và phát huy văn hóa nước nhà một cách đặc sắc.
•
Khích lệ những sáng tạo mới có khả năng đóng góp vào nguồn văn hóa của dân tộc, từ mặt tinh thần đến vật chất.
•
Tuyên dương và tài trợ các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, từ cấp trung ương đến địa phương.
•
Nghiêm cấm và nghiêm trị các hoạt động thương mại mang tính chất khiêu dâm, đồi truỵ hay cổ võ, khích động bạo lực.
•
Tiếp nhận và bổ sung những cải tiến thanh tao để nền văn hóa nước nhà mỗi ngày một thêm phong phú, song vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
V. LÃNH VỰC GIÁO DỤC: •
Dân trí là chìa khóa giải toả những bế tắc hiện hữu, xoá bỏ tận gốc nghịch cảnh đói nghèo, lạc hậu và mở ra cánh cửa tươi sáng của tương lai. Vì vậy, nâng cao dân trí phải là quốc sách hàng đầu của nước ta. Trình độ dân trí cao sẽ là yếu tố bảo đảm dân sinh, dân quyền, nhân quyền và các quyền tự do căn bản khác.
•
Cưỡng bách giáo dục đến hết bậc Trung Học Đệ Nhất cấp để nâng cao trình độ dân trí căn bản, tạo điều kiện mở rộng môi trường huấn nghệ trung cấp.
•
Lập hệ thống giáo dục công lập lên đến hết bậc Đại Học để khuyến khích sự theo đuổi học vấn của các tầng lớp trẻ.
•
Thực hiện các chương trình giáo dục phổ thông trên hệ thống truyền hình, truyền thanh và báo chí; để cập nhật và phát triển kiến thức của các tầng lớp
quần chúng lao động không có điều kiện thuận lợi để học hành ở nhà trường. •
Trí thức là hàng ngũ tiên phong cho công cuộc dân chủ hóa xã hội và phát triển quốc gia. Vì vậy, chánh phủ cần đãi ngộ, khích lệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tầng lớp chuyên viên, trí thức ở trong nước có điều kiện đóng góp một cách cụ thể vào các chương trình phục vụ dân sinh và phát triển đất nước. Chánh phủ cũng cần khuyến khích và trọng dụng nhân tài có tâm huyết từ nước ngoài tình nguyện về giúp dân, giúp nước.
•
Thiết lập các chương trình hướng dẫn quần chúng về các lãnh vực phát triển dân trí, cải thiện dân sinh, thực thi dân quyền, cũng như sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy văn hoá.
•
Ưu đãi đặc biệt thành phần giáo chức, đặc biệt là thành phần giáo viên Tiểu và Trung học phục vụ ở những vùng hẻo lánh, xa xôi.
•
Thiết lập các chương trình học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo; khuyến khích sự cầu tiến ở tuổi trẻ trên con đường học vấn.
•
Bảo trợ thực hiện các phim, sách thể hiện lịch sử, văn hóa Việt Nam.
•
Thực hiện một bộ phận nghiên cứu toàn bộ lịch sử cận đại của Việt Nam từ năm 1954 đến 2005.
VI. LÃNH VỰC XÃ HỘI: •
Phục vụ nhân dân và tổ quốc là sứ mạng thiêng liêng của những người yêu dân, thương nước. Do đó, các công tác thiện nguyện, xã hội nhằm giúp đỡ cho dân nghèo, đặc biệt là trẻ em mồ côi, người già yếu, neo đơn, tật nguyền hay nạn nhân thiên tai, bão lụt… phải
được chánh phủ nhiệt tình yểm trợ bằng những chánh sách cụ thể, thường xuyên và lâu dài. •
Phụ nữ là thành phần nền tảng của gia đình Việt Nam, nên cần được quan tâm yểm trợ một cách đặc biệt. Vì vậy, các chánh sách, chương trình nhằm tạo điều kiện phát triển cho các giới phụ nữ; đặc biệt là xây dựng quyền sinh hoạt bình đẳng của phái nữ trong các chức năng xã hội và gia đình cần được chánh phủ thực sự quan tâm, bảo vệ, và có chánh sách trợ giúp cụ thể trong lâu dài.
•
Thiết lập chánh sách giáo dục gia đình và thực hiện một cách thường xuyên, sâu rộng để mọi tầng lớp phụ nữ hiểu rõ được trách nhiệm và quyền lợi trong gia đình cũng như xã hội; giảm thiểu tình trạng bị ngược đãi, cô lập, lạm dụng và phát triển vai trò của phụ nữ trong sinh hoạt xã hội.
•
Thực hiện các chương trình trợ giúp đặc biệt về mặt y tế, tài chánh, tâm lý và xã hội cho nạn nhân những sự bạo hành, hiếp dâm, ngược đãi, hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
•
Thiết lập các chánh sách bảo vệ trẻ em, đặc biệt là với tình trạng lạm dụng tình dục, mãi dâm vị thành niên và bóc lột lao động. Nghiêm cấm và nghiêm trị các hành vi xâm phạm trẻ em dưới mọi hình thức.
•
Yểm trợ thường xuyên các hoạt động xã hội, đặc biệt là do sự quản lý của các cơ sở tôn giáo.
•
Phát triển các Trung Tâm Dưỡng Lão ở địa phương để chăm sóc người già neo đơn.
•
Lập chương trình huấn nghệ miễn phí -- mỗi tỉnh một trường, gồm các ngành nghề thông dụng, ngắn hạn.
•
Ủng hộ chánh sách huấn nghệ và làm việc có thù lao cho tù nhân dài hạn.
•
Nghiêm trị các phạm nhân mất nhân tính và có hành vi làm phương hại nghiêm trọng đến xã hội.
•
Nghiêm trị các thành phần người ngoại quốc bất hảo có hành vi lạm dụng tình dục đối với người Việt Nam; hay những người Việt Nam có hành vi cấu kết với người ngoại quốc để thực hiện những việc đồi phong bại tục.
VII. LÃNH VỰC Y TẾ: •
Lập chánh sách y tế miễn phí cho dân nghèo, qua một hệ thống cơ sở y tế công cộng từ trung ương đến cấp phường xã ở địa phương.
•
Lập chánh sách ưu đãi đặc biệt thành phần cán bộ y tế các cấp, để khuyến khích sự tham gia phục vụ quần chúng của các tầng lớp chuyên viên y tế.
•
Lập chương trình Giáo dục Y tế Thường thức để quảng bá các kiến thức phổ thông cho quần chúng về vệ sinh phòng ngừa và những thông tin cần thiết liên quan đến kế hoạch bảo vệ và phát triển sức khoẻ của Bộ Y Tế.
•
Quan tâm đến vấn đề bảo quản sinh thái và bảo vệ môi trường sinh hoạt; đặc biệt là vấn đề biến thái và huỷ hoại môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp gây ra. Cần có một bộ luật về môi sinh để giảm bớt những nguy hại ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân trong tiến trình công nghiệp hóa để cạnh tranh với quốc tế.
VIII. LÃNH VỰC TÔN GIÁO: •
Phục hồi trọn vẹn quyền tự do tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo theo tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Nuyền .
•
Phát huy Đạo Thờ Ông Bà như là một tôn giáo tự nhiên của dân tộc và một phần của bản sắc văn hoá,
để làm nền tảng tinh thần bên cạnh sinh hoạt tâm linh của các tôn giáo khác. •
Hiến Pháp mới cần qui định các điều khoản cụ thể để giúp các tôn giáo, và cơ sở liên hệ, có điều kiện đóng góp xây dựng xã hội và đất nước một cách cụ thể, làm gương cho các thành phần dân tộc khác; nghiêm cấm và nghiêm trị các hành vi lạm dụng tôn giáo cho mục tiêu chánh trị, kinh tế và những lãnh vực có khuynh hướng làm mất ổn định xã hội.
•
Phối hợp chặt chẻ với các tôn giáo để phát triển các sinh hoạt văn hoá, xã hội và giáo dục.
•
Yểm trợ việc thành lập các tu viện và các chương trình đào tạo tu sĩ cho các tôn giáo để tăng cường nhân tố phục vụ xã hội trong mặt tinh thần.
IX. LÃNH VỰC SẮC TỘC: •
Dân tộc Việt Nam là một tập hợp nhiều sắc tộc có cùng chung lịch sử, sống cùng chung một lãnh thổ và có cùng chung một nhu cầu tồn tại lẫn phát triển trong tương lai. Vì vậy, quyền lợi và bổn phận của các tập thể sắc tộc thiểu số cũng bình đẳng như sắc tộc Kinh.
•
Ban hành các chánh sách ưu đãi dành cho các sắc tộc thiểu số; đặc biệt là lãnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công dân gốc sắc tộc thiểu số được phát triển một cách bình đẳng với các sắc tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
•
Thiết lập chương trình giáo dục đặc biệt cho từng cộng đồng sắc tộc thiểu số, bảo đảm quyền được bảo tồn văn hóa và sinh hoạt đặc thù của mỗi sắc tộc.
— Xin đón xem những phần kế tiếp —
Xem toàn bản Đề Cương: http://dvdvn.org [TRỞ VỀ DANH MỤC]
Bức xúc về quyền tự do đi lại ở Việt Nam Lê Trung Sơn (VN) Thân gửi các bạn thanh niên ở Pháp, Mỹ, Anh, Canada, Đức, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản, Đài Loan và các bạn đến từ các nước dân chủ khác! Tôi là một sinh viên Việt Nam sống tại thành phố lớn nhất Việt Nam đã được hơn mười bốn năm nay. Đó là một khoảng thời gian khá dài đủ để chứng kiến nhiều thay đổi, nhưng duy chỉ có một điều này là chưa hề thay đổi: tôi cũng như bao công dân khác từ mười lăm tuổi trở lên phải xin xỏ chính quyền mỗi lần muốn đi nơi khác sống hoặc thăm thân nhân từ ba ngày trở lên. Tôi cũng như bao công dân khác vì sống trong lòng một chế độ độc đảng cai trị với sự độc quyền báo chí và mọi phương tiện truyền thông khác, nên lâu nay vẫn luôn bị tuyên truyền lừa mị rằng tổ quốc mình là dân chủ, nhân dân yêu Đảng Cộng Sản, để rồi như một con ếch ngồi đáy giếng, đâu hay thế giới bên ngoài văn minh ra sao, quyền con người được tôn trọng như thế nào?!! Chính vì hơn hai thập niên sống trong sự tuyên truyền độc quyền của nhà nước, nên tôi, cũng như bao thường dân khác, chỉ cúi đầu cam chịu phận “làm con” của chính phủ nên mỗi lần phải dời nhà hay đi xa thăm thân quá ba ngày là ngậm ngùi lủi thủi đi xin phép “cha” của mình. Đúng vậy, tôi gọi họ là “cha” vì trong nước tôi ai cũng biết làm quan chức tức là “phụ mẫu chi dân”, nói dễ hiểu là “quan là cha mẹ của dân”. Bởi vậy, tôi, cũng như bao thường dân khác, để được sống yên thân, phải nhất nhất “gọi dạ bảo vâng” khi sống dưới sự cai trị của nhà nước mà cụ thể là nhà nước do Đảng Cộng Sản độc quyền lãnh đạo. Hẳn các bạn ngạc nhiên lắm khi biết rằng công dân một nước mà đi lại trong nước (thậm chí trong một thành phố, một quận) cũng phải xin phép, hẳn các bạn cho là quốc gia chúng tôi không có luật pháp và hiến pháp. Xin thưa với các bạn, điều 68 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định: “ Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo qui định của pháp luật.”. Khổ cho chúng tôi là năm chữ cuối của điều này, bởi có nó mới sinh ra điều luật quy định “Công dân từ 15 tuổi trở lên đi vắng qua đêm khỏi nơi cư trú phải khai báo tạm vắng”. Đấy, họ là “cha mẹ” của thường dân chúng tôi, nên, chúng tôi muốn đi đâu cũng phải xin.
Có thể các bạn bảo rằng, mấy ông mấy bà đại biểu quốc hội đi vắng nhà họp hành cả tháng mà có phải xin ai đâu, vậy ta cứ lờ đi xin xỏ chi cho mệt? Xin thưa với các bạn rằng họ là “phụ mẫu chi dân”, họ có phạm luật cư trú cũng đâu có ai dám đến đập cửa cào cổng kín nhà họ để đòi vào xét giấy. Chỉ tội cho chúng tôi nhà nhỏ, cửa nẻo thô sơ, giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ cần dùi cui của công an đập vài cái là có sắp chết cũng phải ráng lết dậy mà mở cửa cho họ vào khám xét tạm trú/tạm vắng. Khỏi phải nói chắc các bạn cũng biết cảm giác của chúng tôi lúc đó như thế nào: phẫn uất điên người vì thấy dân quyền của mình bị chà đạp. Cũng đành cắn răng chịu đựng, biết tỏ cùng ai đây! Chưa hết, biết bao nhiêu người Việt Nam yêu nước đấu tranh cho dân chủ lại bị chính quyền quản thúc tại nhà, không được đi khỏi nơi cư trú, người ở hải ngoại thì không được nhà cầm quyền Việt Nam cấp visa cho về quê hương. Những đồng bào Việt Nam đấu tranh cho dân chủ đó không hề làm gì tổn hại đến an ninh quốc gia để đến nỗi phải bị giới hạn nhân quyền hiến định. Họ đấu tranh cho dân chủ một cách bất bạo động, họ xứng đáng là anh hùng cần được tuyên dương. Chính phủ nước tôi lại không hiểu vậy mà họ lại gán cho người đấu tranh cho dân chủ là “phản động”. Phải chăng đây là cái lý của kẻ mạnh? Vâng, họ mạnh vì trong tay có quân đội và công an để sai khiến. Nhưng tôi tin rằng, một ngày nào đó, sức mạnh của bảy mươi bảy triệu dân khát khao sự thật, dân chủ và tự do sẽ chinh phục được sức mạnh vũ lực độc tài kia. Tôi tin chắc như vậy! Đôi dòng tâm sự để các bạn hiểu thêm về nước Việt Nam quê hương tôi.
Thực trạng xã hội và “lối mòn trong suy nghĩ” Trần Định (VN) Ngày 2-9-1945, ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nước Việt Nam đã trịnh trọng tuyên bố với Dân tộc và với Thế giới rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Như vậy mọi dân tộc, mỗi cá nhân trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào, cá nhân nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do, đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…. Nhưng thực tế hiện nay tại Việt Nam nhu thế nào, có diễn biến đúng với những lẽ phải, quy luật của cuộc sống không? Câu trả lời là một câu chuyện mà tôi thường gọi là “Văn hóa xin việc”, (mặc dù câu chuyện đã xảy ra cách đây khá lâu nhưng tôi vẫn nhớ rõ từng tình tiết). Sau khi hòan thành nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc, Tôi tốt nghiệp trường Đại học luật loại khá, cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi háo hức chuẩn bị hành trang cho một giai đoạn mới trong cuộc đời giống như các bạn trẻ khác với một tâm niệm thật đơn giản: có một việc làm ổn định, đủ sống để xây dựng xã hội và cống hiến cho đất nước, nhưng… Vượt qua vòng thi trắc nghiệm chỉ số IQ để thi tuyển vào phòng pháp lý của Ngân hàng, phải mất hơn một tuần để ôn lại các kiến thức đã học trong nhà trường nhưng trong vòng phỏng vấn trực tiếp, tôi nhận được 01 và chỉ 01 câu hỏi: “Hồ sơ thi tuyển của bạn do ai giới thiệu?”. Tôi trả lời: Không ai giới thiệu cả, tự tôi nộp hồ sơ thi tuyển. Kết quả đợt thi tuyển này chắc hẳn các bạn cũng đã biết… ”không thấy họ hồi âm”. Phải mất hơn 01 tháng sau “nỗi buồn” đó, tôi tiếp tục nộp hồ sơ thi tuyển vào Sở Điện lực. Đón tiếp tôi là một “đồng chí” phó phòng nhân sự rất ân cần, chu đáo, hướng dẫn tôi mọi thủ tục và sau đó còn mời tôi đi uống nước; tại quán nước “đồng chí” tâm sự: “Em muốn công tác tại Sở thì anh giúp, chỉ cần 1.000 USD tiền trà nước là mọi việc OK hết”.
Là một bộ đội xuất ngũ, là một sinh viên mới ra trường tôi kiếm đâu ra 1.000 USD để lo “trà nước” cho các “quan anh”; mà nếu có đủ điều kiện thì tôi có nên đi chung con đường với những thành phần này hay không? Câu chuyện của tôi chỉ là một hiện tượng tiêu cực trong vô vàn hiện tượng khác của các cấp cơ sở trong xã hội Việt Nam. Những hiện tượng này không phải tự phát sinh trong xã hội mà lẽ ra xã hội đó mọi người đều có quyền bình đẳng, có tự do dân chủ; nó xuất phát điểm từ hệ thống quyền lực “không có sự cạnh tranh và không chấp nhận bị thay thế”. Đây là nguyên nhân chính thúc đẩy mạnh mẽ đà thoái hoá, biến chất của toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương. Vì không có qui luật và nguyên tắc cạnh tranh công bằng nào nên sau những kỳ bầu cử (thực chất là “Đảng cử - Dân bầu”) thì toàn Dân không thể chọn được những con người có tâm – có đức – có tài. Bộ máy lãnh đạo, quản lý và điều hành do vậy ngày càng hư hỏng, rệu rã. Hậu quả là Việt Nam hôm nay trở thành Quốc gia bị tụt hậu quá xa so với các Nước trong khu vực và thế giới. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính vì đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo Đất nước! Thực tiễn đã minh chứng rằng bất kỳ quốc gia nào đã bị rơi vào quỹ đạo của chủ nghĩa cộng sản thì đều điêu tàn thê thảm cả. Liên Xô, cái nôi cộng sản, cùng với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khác, đã dũng cảm vượt qua chính mình để quay lại tìm đường đi đúng cho dân tộc của họ. Mục tiêu cao nhất trong cuộc đấu tranh giành tự do – dân chủ cho Dân tộc hôm nay là làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay phải bị thay thế triệt để, chứ không phải được “đổi mới” từng phần hay điều chỉnh vặt vãnh như đang xảy ra. Sự đổi mới rốt ráo đó cần thiết để hình thành một đất nước có tự do – dân chủ, có sự cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với những đòi hỏi chính đáng của Đất nước, trong đó hệ thống tam quyền Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp được phân lập rõ ràng, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Phương pháp của cuộc đấu tranh cho sự đổi mới này là hòa bình, bất bạo động. Ngoài sự hỗ trợ về đường hướng và tinh thần của các tổ chức chính trị và các quốc gia trên thế giới thì bản thân từng người dân nước Việt Nam phải đoàn kết tạo một lực lượng đủ thế và lực để đối trọng với chính quyền sở tại để chủ động trong công cuộc đấu tranh. Thực trạng đáng buồn hiện nay là đại đa số những người trong chúng ta không phải không nhìn nhận được những vấn đề này để đấu tranh và xây dựng xã hội mà chúng ta đang bị “lối mòn trong suy nghĩ” nên có tư tưởng chấp nhận.
Sự kiện tôi nêu ra trong bài viết này chỉ là một trong rất nhiều vấn đề bức xúc cần được nhận diện và giải quyết trong xã hội. Là những người trẻ, thành phần nòng cốt và cũng là tương lai của đất nước, chúng ta có chấp nhận tình trạng này tiếp tục kéo dài hay không? Mong rằng những bạn nào đọc được bài viết này sẽ suy nghĩ thật nhiều để có trách nhiệm hơn với xã hội, với đất nước./.
Sài-gòn, tháng 6/2007 Trần Định
Đồng bào Dân Oan biểu tình khiếu kiện đòi Công Lý
TiengDanKeu.net: Theo các thông tin Radio Hoa-Mai (www.radiohoamai.com) nhận được, đoàn khiếu kiện tỉnh Tiền Giang đã tập hợp biểu tình trước trụ sở Quốc Hội II (đường Hoàng Văn Thụ) ở Sài-gòn từ ngày Thứ Sáu 22/6/2007. Mục tiêu của cuộc biểu tình khiếu kiện lần này là đòi Nhà Nước, cụ thể là UBND tỉnh Tiền Giang phải giải quyết cụ thể các trường hợp khiếu kiện đã không được cứu xét từ nhiều năm qua, kể cả những trường hợp bị tòa án tỉnh Tiền Giang xử oan sai. Khác với trước, lần này mọi người quyết tâm chờ đợi một sự giải quyết rốt ráo; cụ thể là phải có sự cam kết bằng văn bản với chữ ký của Chủ tịch UBND các tỉnh, cán bộ đại diện trụ sở Quốc hội 2, và phái đoàn chính phủ trung ương từ Hà Nội. Trước đây, nhiều đoàn khiếu kiện đã từng bị cán bộ lãnh đạo tỉnh nhà đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội, hoặc 210 Võ Thị Sáu ở Sài-gòn, hứa hẹn về tỉnh giải quyết và cho xe đưa về tỉnh. Nếu bà con nào không đồng ý thì cũng bị công an tỉnh lên áp giải về địa phương. Hầu hết những lần đó đều đã không có sự giải quyết nào cả. Ngược lại, có nhiều lần công an tỉnh còn trù dập, bắt giam, khủng bố tinh thần những người dân oan vừa mới trở về.
Đoàn biểu tình khoảng hơn 200 người khởi đầu với đa số bà con dân oan từ hai xã Phú Thạnh (huyện Gò Công Tây), xã Phú Đông (huyện Gò Công Đông), cùng một số huyện khác thuộc tỉnh Tiền Giang. Sang tuần lễ thứ hai, sĩ số tăng cao nhanh với sự tăng cường của đồng bào dân oan từ các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Phước, Vũng Tàu, Đồng Nai, v.v… Trong số này, có nhiều bà con có hoàn cảnh rất khốn khó, như không còn nhà cửa, tài sản, tiền bạc và chỉ có khả năng mua vé một chiều xe lên Sài-gòn biểu tình. Vào thời điểm ngày 01/07/2007, tổng cộng nhân số của các đoàn được ghi nhận vào khoảng trên 700 người. Với số lượng người đông đảo này, sinh hoạt của bà con vô cùng khó khăn. Ban ngày, bà con dân oan không có đủ thực phẩm và nước uống. Ban đêm, bà con dân oan che bạt ngủ bên lề đường. Do lều bạt không đủ, các thanh niên và đàn ông phải ngủ một cách vất vả ngoài trời. Khi được hỏi về tình trạng thực phẩm, bà con cho biết là hiện giờ thì “có gì ăn đó; có khi có cơm, có khi chỉ là khoai, hay bánh mì, bánh ngọt do bà con hảo tâm trong thành phố ghé qua ủng hộ”. Bà con cho biết nhân viên an ninh liên tục theo dõi đoàn và ngăn cản mọi sự tiếp trợ từ bà con ở nước ngoài. Một khó khăn khác là mặt vệ sinh cá nhân cho một đoàn người đông đảo phải hiện diện liên tục ngày đêm trên lòng lề đường. Với áp lực của số đông, có lúc các cơ quan tại nơi này đã phải cho bà con sử dụng nhà vệ sinh; song tình trạng này không liên tục và có nhiều lúc nhà vệ sinh đã bị đóng cửa. Điều an ủi cho bà con là sự ủng hộ tinh thần của bà con Việt kiều, qua sự giúp phổ biến thông tin về cuộc biểu tình, trong đó có nhiều cuộc phỏng vấn từ các đài phát thanh và chương trình PalTalk từ nước ngoài. Đặc biệt là những bản tin nóng của một nhóm thân hữu với bút danh “Người Thông Tin từ Sài-gòn”. Sự ủng hộ tinh thần này cũng đã đóng một vai trò tinh thần rất to lớn với bà con. Trong thời gian này, nhiều nhóm thân hữu hảo tâm đã quyên góp và kín đáo tiếp trợ bà con dân oan qua các cách thức khác nhau. Nhận thức được nhu cầu khẩn thiết của đoàn khiếu kiện, cơ sở Đảng Vì Dân ở trong nước đã liên tục kín đáo ủng hộ thức ăn và thức uống cho một số lớn bà con trong đoàn biểu tình. Với tình hình mỗi lúc một thêm căng thẳng, cơ quan an ninh đã điều động một lực lượng công an khá đông đảo để theo dõi và bao vây đoàn. Vào ngày 30/6, cơ quan an ninh đã lập kế hoạch tấn công vào những người được xem là đại diện, hay có ảnh hưởng lớn đối với bà con dân oan, bằng cách cho công
an lừa tài xế chiếc xe khách Tiền Giang đang chở một số bà con dân oan (về nhà lấy quần áo vào ngày cuối tuần) để cô lập và bắt giữ bà Cao Quế Hoa và Lê Thị Nguyệt. Sự kiện này gây ra sự xô xát giữa bà con dân oan và lực lượng công an tại Phường 1 (114 đường Phạm văn Chí) Quận 6, Sài-gòn, khiến hai cụ già bị thương, trong đó có một bà cụ 84 tuổi suýt chết. Cho đến khi Tập san này hoàn thành (30/6/2007), những người dân oan từ các tỉnh vẫn đang tiếp tục đổ về thành phố. Đây là một cuộc biểu tình khiếu kiện đông đảo đã được duy trì tương đối lâu dài nhất. Với khí thế mạnh mẻ, những người dân nghèo bị cán bộ, chính quyền địa phương cướp đất đai, tài sản đã quyết tâm đấu tranh giành lại công lý. Sáng ngày 03/07/2007, người dân chạy xe qua lại khu vực trước trụ sở Quốc Hội 2 đã chứng kiến hơn 400 bà con dân oan đã kịch liệt phản đối “chính quyền” tỉnh Tiền Giang. Những khẩu hiệu đả đảo tham nhũng, bắt người trái phép đã được hô to liên tục trong nhiều lần bằng loa phóng thanh cầm tay như: -
Đả đảo chính quyền Tiền Giang tham nhũng! Đả đảo!
-
Chính quyền ăn cắp của dân! Đả đảo!
-
Công an Tiền Giang phối hợp công an Quận 6 bắt người trái phép! Đả đảo!
-
Công an Quận 6 bắt người trái phép, đánh đập dã man, xé quần áo! Đả đảo!
-
Đả đảo Thanh tra tỉnh Tiền Giang tham nhũng! Đả đảo!
-
Đả đảo Thanh tra Đà Nẳng tham nhũng! Đả đảo!
-
Cứu dân Quốc Hội ơi! Cứu Dân!
-
Cứu dân Chính phủ ơi! Cứu Dân!
Kính chúc bà con dân oan vững lòng đấu tranh cho các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình./.
Hãy tiếp tay Dân Oan giành lại công lý Lời kêu gọi của Đảng Vì Dân
Điều 74 của bản Hiến Pháp 1992 của nước CHXHCNVN quy định rằng: “Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước…”. Mặt khác, “Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nhiều cán bộ và cơ quan đã lạm dụng quyền lực ngang nhiên xâm phạm tài sản nhân dân. Bởi thế, việc đồng bào dân oan biểu tình khiếu kiện để đòi lại các tài sản của mình là hoàn toàn chánh đáng và hợp pháp. Theo hiến pháp, “Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.” Trong tinh thần đó, Đảng Vì Dân tha thiết kêu gọi:
1. Đồng bào dân oan hãy tập trung biểu tình khiếu kiện với số đông, và luôn luôn khắn khít, tương trợ nhau để tạo sức mạnh đấu tranh đòi công lý.
2. Đồng bào trong nước, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội và Sài-gòn, hãy nhiệt tình che chở, ủng hộ cho các bà con dân oan đến khiếu kiện từ các tỉnh huyện xa xôi.
3. Các chiến sĩ bộ đội, công an, cán bộ nhà nước hãy đối xử nhân đạo và tử tế đối với bà con dân oan trong mọi tình huống khi thi hành công vụ.
4. Các cơ quan nhà nước có chức năng liên hệ hãy vì công lý mà cứu xét giải quyết cụ thể và nhanh chóng các trường hợp khiếu kiện và bị xử án oan sai.
5. Đồng bào, các đoàn thể, cộng đồng và cơ quan truyền thông, báo chí hãy đồng thanh lên tiếng ủng hộ cho nỗ lực đấu tranh khiếu kiện của bà con dân oan.
Đảng Vì Dân khẳng định chủ trương yểm trợ một cách tích cực về tinh thần và vật chất cho mọi nỗ lực đấu tranh vì lẽ phải, vì công lý và vì sự sống còn của các đồng bào cô thế. Chân thành cảm ơn sự quan tâm của Quý Vị. Trân trọng kêu gọi. Ngày 01 tháng 07 năm 2007 Đại diện Đảng Vì Dân Nguyễn Công Bằng