Nguoi Bao Chua

  • Uploaded by: do
  • 0
  • 0
  • April 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Nguoi Bao Chua as PDF for free.

More details

  • Words: 11,077
  • Pages: 17
QUYỀN CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ 05.06.2008

Văn phòng Luật sư Pháp Quyền vừa có đơn khiếu nại gởi đến Trưởng CA quận 9 và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh khiếu nại hành vi vi phạm phạm pháp luật của ông Nguyễn Minh Luân - Phó CA quận 9, kiêm Trưởng Nhà tạm giữ. Lý do: ông Luân đã có hành vi cản trở Luật sư tiếp xúc các bị can đang bị tam giam bằng cách đòi hỏi phải có Kiểm sát viên đi cùng Luật sư mới được gặp bị can, dù Viện trưởng Viện kiểm sát quận 9 đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho các Luật sư. (Xem đơn khiếu nại đính kèm). Blog Bút Thép băn khoăn: “Không biết điều này có đúng luật hay không mà ông Luân còn thách thức Luật sư muốn kiện ông ta thì cứ tự nhiên. Nếu Ông Luân cậy quyền thế xem thường pháp luật thì chắc chắn CAQ9 phải đối phó với sự phẫn nộ của người dân trong một tương lai gần đây”. Theo Luật sư Lê Trần Luật - Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền, thì đòi hỏi của ông Luân rất vô lý, vi phạm điểm e khoản 2 Điều 58 BLTTHS. Vì vậy, để giải đáp thắc mắc cho Bút Thép, trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ trình bày quyền của người bào chữa trong tố tụng hình sự Việt Nam được quy định như thế nào.

Hình ảnh tự có sức mạnh thông tin vượt qua mọi biên giới mà không cần chú thích hay bình luận

.

Người bào chữa - Anh là ai? Điều 56 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định người bào chữa có thể là: Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân. - Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (Điều 2 Luật Luật sư); - Bộ Luật TTHS không quy định rõ thế nào là “Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. Tuy nhiên, có thể vận dụng điểm a khoản 1 Điều 58 Bộ Luật Dân Sự về giám hộ đương nhiên đối với người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) để hiểu người đại diện hợp pháp là: Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Hoặc người đại diện theo pháp luật bao gồm: Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ (Điều 141 BLDS).

Trong trường hợp có yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định (chỉ định) người đại diện (Điều 140 BLDS). Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (khoản 5 Điều 139 BLDS). Bộ Luật Hình Sự quy định trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá nhân đối với những chủ thể có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp mất năng lực hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nên trong phạm vi bài viết này không cần đề cập đến đại diện hợp pháp trong các giao dịch dân sự do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thực hiện. - Đối với “Bào chữa viên nhân dân” thì hệ thống pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định về chế định này nhưng không hiểu sao các nhà lập pháp vẫn chưa sửa đổi BLTTHS bằng cách bỏ đi hoặc quy định rõ hơn “Bào chữa viên nhân dân” là ai, tiêu chuẩn như thế nào. Vì vậy, thực tế người bào chữa chỉ có 2 loại là Luật sư và người dại diện hợp pháp. Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. (khoản 3 Điều 56 BLTTHS). Quyền của người bào chữa theo luật định Khoản 1 Điều 58 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định “Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”. Các hình thức tham gia tố tụng của người bào chữa được quy định tại Điều 58 BLTTHS. Khoản 4 Điều 56 BLTTHS quy định cụ thể hơn về thời gian “tham gia tố tụng” bằng hình thức tiếp của người bào chữa như sau: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do. Đối với trường hợp tạm giữ người thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”. Lý do ở đây là những lý do đã được luật hóa tại BLTTHS chớ không phải lý do do cơ quan tố tụng tự nại ra để cản trở người bào chữa thực hiện nhiệm vụ của mình. Cụ thể, lý do đó là “Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra” (Điều 58). Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là các tội danh được quy định tại CHƯƠNG XI, từ Điều 78 đến Điều 91 Bộ Luật Hình Sự (1999), gồm: Tội phản bội Tổ quốc, Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Tội gián điệp, Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, Tội bạo loạn, Tội hoạt động phỉ, Tội khủng bố, Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, Tội phá hoại chính sách đoàn kết, Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội phá rối an ninh, Tội chống phá trại giam, Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Như vậy, ngoài những tội danh được liệt kê ở Chương XI trên, cơ quan tố tụng phải cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư hoặc người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để họ thực hiện nhiệm vụ bào chữa và không được quyền cản trở người bào chữa tiếp xúc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam dù chưa kết thúc việc điều tra.

Nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. - Nghĩa vụ: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này” (Điều 11 BLTTHS) - Trách nhiệm: “Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 12 BLTHS). Điều 72 Hiến pháp quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Người bị tạm giữ, tạm giam tuy tạm thời bị hạn chế quyền tự do đi lại nhưng chưa phải là người có tội và họ vẫn có đầy đủ các quyền con người do pháp luật quy định. Hành vi cản trở Luật sư gặp gỡ, tiếp xúc với bị can của ông Nguyễn Minh Luân rõ ràng là lạm dụng quyền lực, ngang nhiên tước đoạt quyền công dân của người khác một cách trái pháp luật. Không hiểu ông Nguyễn Minh Luân không đủ trình độ để hiểu các điều khoản quy định trong Bộ Luật TTHS hay ông cố ý lạm dụng quyền lực xâm phạm quyền con người? Hành vi trái pháp luật của ông Luân là chủ ý của ông hay ông thực hiện theo chủ ý của ai? Ông Luân đã dám thách thức Luật sư đi kiện hẳn phải có kẻ “tai to mặt lớn” nào đó đứng đàng sau “bảo kê” cho hành vi xem thường pháp luật của ông? Văn phòng Luật sư Pháp Quyền “nổ súng” đầu tiên? Ngày 6/10/2007 Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Hoạt động của luật sư trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, thực trạng và giải pháp". Khách mời có ông Đặng Quang Phương Phó Chánh án thường trực TAND Tối Cao để giải đáp nhiều vấn đề quan trọng, nhưng không có đại diện từ cơ quan Công an, dù Ban tổ chức đã mời nhưng không một cán bộ nào của cơ quan điều tra tham dự hội thảo. Đoàn Luật sư Hà Nội “đề nghị có chế tài xử lý những người cản trở luật sư hoạt động đúng pháp luật”. Ông Đặng Quang Phương đã hỏi lại: “Khi gặp khó khăn, các anh có kiên trì không, có làm khiếu nại không, hay là luật sư bỏ cuộc?” thì không có câu trả lời, hay nói chính xác hơn là ngay cả các Luật sư cũng ngại kiến nghị, khiếu nại bằng văn bản vì “lý do tế nhị” dù luôn mồm kêu là bị Cơ quan điều tra cản trở, sách nhiễu, nói dối… Việc Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền chính thức nộp đơn khiếu nại đến các cấp lãnh đạo cơ quan tố tụng hành vi cản trở Luật sư tác nghiệp này có lẽ là phát súng đầu tiên tạo tiền đề cho giới Luật sư mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm quyền con người của cơ quan tố tụng nhằm bảo vệ quyền tác nghiệp theo luật định của mình. Chúng ta hãy chờ xem cách xử xự của Trưởng CA quận 9, Viện trưởng VKS quận 9 Thành phố HCM như thế nào để biết rằng ngay cả đô thị văn minh nhất, lớn nhất nước Việt Nam này có ánh sáng công lý rọi tới hay không. Từ đó mà suy ra người dân ở nơi khác sẽ sống như thế nào nếu chỉ có "đèn dầu le lói". Tạ Phong Tần

Theo chương trình làm luật của Bộ luật Tố tụng hình sự được UBTV Quốc hội bàn bạc cả ngày hôm qua (18/7) thì sau lần sửa đổi và góp ý này, Bộ luật quan trọng

trên trong tháng 8 sẽ được công bố rộng rãi và lấy ý kiến nhân dân, kể cả trên Internet . Quy định tại Điều 58 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự được đem ra bàn bạc tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XI vừa qua thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Đây được coi là một trong những điểm thay đổi lớn trong Bộ Luật Tố tụng hình sự tại lần sửa đổi này: ""Cho phép luật sư được tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố bị can; trong trường hợp bắt khẩn cấp hoặc qủa tang thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi cơ quan điều tra người bị bắt"". Chưa nên cho luật sư tham gia tố tụng Thảo luận cả ngày hôm qua (18/7), nhiều ý kiến của các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng chưa nên thực hiện ngay việc này. Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã băn khoăn về quy định này, cho rằng thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa như vậy là quá sớm, chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam hiện nay. Ông Vũ Đức Khiển , Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội hôm qua cho rằng, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và dự thảo Bộ luật thì việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát, nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì phải trả tự do ngay cho người bị bắt; còn bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang thì ngay sau khi nhận người bị bắt, cơ quan điều tra còn phải phân loại, xử lý để quyết định tạm giữ hay không tạm giữ trong thời hạn 24 giờ. Do đó, không phải trong mọi trường hợp bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang đều phải tạm giữ. Ông Khiển thay mặt UBTV đề nghị quy định thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa theo hướng ""Trong trường hợp có bắt người (khẩn cấp hoặc quả tang) thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Đồng thời bỏ quy định về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa từ khi cơ quản điều tra nhận người bị bắt tại Điều 15 dự thảo Bộ luật. Có ý kiến đề nghị, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức, thì thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa cũng cần được cân nhắc để quy định cho phù hợp. Về vấn đề này, UBTV đề xuất hai phương án: Thứ nhất, người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại các Điều 81 và Điều 82 (bắt người trong trường hợp khẩn cấp) của Bộ luật thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Thứ hai, bổ sung quy định đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội có tổ chức thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Cụ thể là: ""Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại các điều 81, 82 Bộ luật này thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc đối với tội phạm rất nghiêm trọng,

đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội có tổ chức thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra"". Về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XI đề cập đến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tại Điều 16 của Dự thảo Bộ luật, ông Khiển giải trình: ""Do đặc thù địa bàn, tính chất hoạt động, quản lý và thực tế trong những năm qua các cơ quan này đã điều tra được nhiều vụ án, góp phần tích cực vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách kịp thời và có hiệu quả. Do vậy, Bộ luật tiếp tục quy định Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và có bổ sung lực lượng Cảnh sát biển được tiến hành điều tra toàn bộ vụ án đối với tội ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ rõ ràng và tăng thời hạn điều tra từ 15 ngày lên 20 ngày để bảo đảm hoàn thành hồ sơ chuyển Viện kiểm sát để truy tố người phạm tội"". Tại buổi họp, các đại biểu cũng đã cho ý kiến về quy định mô hình tổ chức cơ quan điều tra; người bào chữa trong tố tụng hình sự; thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện; thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm; một số vấn đề nguyên tắc của tố tụng hình sự; các biện pháp ngăn chặn; thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên và một số thủ tục tố tụng điều tra... Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cả ngày hôm qua. •

Hồng Phúc

Trách nhiệm, nghĩa vụ của người bào chữa trong luật tố tụng hình sự LG Minh Hương (03/03/2009 08:00) Gửi cho bạn bè Lưu lại để đọc In trang này Hiện nay qua các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là chương trình Toà tuyên án do Đài truyền hình Việt Nam phát sóng mỗi tuần, tôi thấy vai trò của người bào chữa là rất quan trọng. Qua đó tôi cũng thấy gần như các vụ việc liên quan đến pháp luật hình sự thì đều có người bào chữa tham gia cả đối với bị cáo, người bị hại. Nay tôi xin nhờ luật sư tư vấn, giải thích một số điểm cơ bản về trách nhiệm cũng như vai trò của người bào chữa trong các vụ án hình sự được pháp luật quy định? Xin cảm ơn luật sư. Trả lời: Chế định về người bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) nước ta là một trong những chế định rất quan trọng, ra đời rất sớm và luôn phát triển, hoàn thiện phù hợp với quá trình dân chủ hoá các hoạt động của các cơ quan Nhà nước. BLTTHS năm 2003 đã bổ sung rất nhiều quy định mới về chế định người bào chữa trong tố tụng hình sự. Trong đó có các quy định mới về nghĩa vụ và trách nhiệm của người bào chữa. Những điểm mới được thể hiện như sau: + Tại điều 11 BLTTHS quy định: Người bào chữa có quyền tham gia tố tụng từ khi một người bị tạm giữ. Đây là điểm mới thể hiện tính dân chủ của pháp luật tố tụng hình sự nước ta.

+ Tại khoản 1 Điều 56 BLTTHS quy định ba đối tượng có thể trở thành người bào chữa trong tố tụng hình sự đó là: Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội; Bào chữa viên nhân dân. + Tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS quy định: Nếu trong vụ án hình sự bị can, bị cáo bị truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định trong BLHS; bị can, bị cáo là người chưa thành niên, là người có nhược điểm về tinh thần, thể chất hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình. + Điều 58 BLTTHS quy định người bào chữa có quyền đề nghị cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để họ có mặt khi hỏi cung bị can, xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa. Những quy định mới như đã nêu trên giúp cho người bào chữa chủ động trong công việc của mình. Sự có mặt của người bào chữa trong các buổi hỏi cung bị can sẽ khắc phục hiện tượng bức cung, ép cung, đồng thời tránh được tình trạng khi ra Toà bị cáo phản cung và đổ lỗi cho Điều tra viên đã bức cung, ép cung bị cáo trong giai đoạn điều tra. Luật cũng quy định người bào chữa không được tiết lộ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện việc bào chữa, không được sử dụng tài liệu đã ghi chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật còn quy định người bào chữa phải tôn trong sự thật và pháp luật, không được mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Nếu người bào chữa làm trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Vì bình yên xứ Nghệ An ninh trật tự Kinh tế - Xã hội Gia đình & Xã hội An ninh cơ sở Pháp luật & Đời sống Diễn đàn pháp luật An toàn giao thông Bạn hỏi - Công an trả lời Văn hoá-Văn nghệ-Giáo dục Phóng sự- Điều tra Thể thao Thư viện ảnh Rao vặt Thư viện pháp luật CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIỚI THIỆU TIN TỨC HOẠT ĐỘNG CHỦ TRƯƠNG-KẾ HOẠCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH SÁNG KIẾN-KINH NGHIỆM Ý KIẾN NHÂN DÂN

Bạn hỏi - Công an trả lời Ông Nguyễn Văn Hùng ở Thành Phố Vinh hỏi: Người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong Tố tụng hình sự được quy định như thế nào? CANA: 10:22-04/04/2008 Người bào chữa trong tố tụng hình sự có thế là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Để làm bào chữa cho các đối tượng này phải có các điều kiện như: Người bị tạm gĩư, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Riêng những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa, thì Cơ quan điều tra, ... Người bào chữa trong tố tụng hình sự có thế là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Để làm bào chữa cho các đối tượng này phải có các điều kiện như: Người bị tạm gĩư, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Riêng những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban mặt trận tổ quốc, tổ chức thành viên của mặt trận cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình mặc dù bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối bào chữa. Đây là trường hợp bị can, bị cáo về tội theo mức hình phạt có mức cao nhất là tử hình; Bị can , bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Điều kiện tiếp theo là phải có các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án xét và cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Còn theo quy định điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người bảo vệ cho các chủ thể khác tham gia tố tụng như: Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Những người là luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác có thể các chủ thể tham gia tố tụng trên nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình. Và để được làm người bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án hình sự cần có các điều kiện là: Được người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhờ bảo vệ quyền lợi cho họ. Việc nhờ phải được thể hiện bằng văn bản; Điều kiện nữa là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận họ được làm người bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Như vậy, Hình thức công nhận tư cách tố tụng của người bào chữa hoàn toàn khác với người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Đối với người bào chữa thì hình thức công nhận tư cách tố tụng là giấy chứng nhận người bào chữa, còn hình thức công nhận tư cách tố tụng của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự là giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự./.

Người bào chữa trong tố tụng hình sự Thứ năm, 04 12 2008 17:39 Người bào chữa trong tố tụng hình sự(Trần Văn Bảy) ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ KHPL 1/2001 NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ TRẦN VĂN BẢY ThS. Khoa Luật hành chính - ĐH luật TP.HCM Trong những người tham gia tố tụng hình sự quy định tại chương 3 Bộ luật tố tụng hình sự 1988 thì người bào chữa là người có vị trí, vai trò và chức năng đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến nay trong lý luận pháp lý và thực tiễn tố tụng hình sự vẫn chưa có khái niệm chính thức và thống nhất và thống nhất về người bào chữa. Đồng thời, những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phạm vi những người tham gia tố tùng với tư cách người bào chữa còn giới hạn. Hơn nữa, xuất phát từ nhiều lý do khác nhau nên người bào chữa trong thực tiễn tố tụng hình sự hiện nay chủ yếu là luật sư, còn bào chữa viên nhân dân và người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo chỉ tồn tại trong pháp luật thực định. Bài viết này như là một trong những cố gắng chung để làm sáng tỏ ngững vấn đề còn bất cập nói trên. I. Về khái niệm người bào chữa: Hiện nay, trong khoa học pháp lý và thực tiễn tố tụng có những cách hiểu khác nhau về người bào chữa. Có một số quan điểm cho rằng:: “Người bào chữa là người giúp đỡ Tòa án trong việc xác định tất cả các tình tiết cần thiết về vụ án để cuối cùng Tòa án ra một bản án có căn cứ và đúng pháp luật”[1]. Một tác giả khác còn khẳng định rõ hơn rằng người bào chữa là người tham gia tố tụng để giúp đỡ Tòa án[2]. Ngoài ra, cũng có không ít người vẫn quan niệm người bào chữa là “thầy cãi”… Những cách hiểu nói trên là không chính xác, chưa làm rõ được khái niệm, vị trí, vai trò, chức năng của người bào chữa cũng như chưa phân biệt được người bào chữa với người tiến hành tố tụng, với người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Thật ra, người bào chữa là người tham gia tố tụng không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án. Họ tham gia tố tụng là nhằm để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội. Người bào chữa không phải là người tiến hành tố tụng mà chỉ là người tham gia tố tụng. Từ “tham gia” nói lên tính chất, vai trò của người bào chữa. “Người tham gia” chỉ là người góp phần hoạt động của mình vào một hoạt động chung nào đó, do những chủ thể khác chủ động và chính thức tiến hành. Hơn nữa, người bào chữa không phải là người được nhân danh quyền lực nhà nước và không được sử dụng quyền lực nhà nước như những tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, cũng không thể đồng nhất khái niệm người bào chữa với người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Ngay trong Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 đã có sự phân biệt giữa người bào chữa vời người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Tiêu chí để phân biệt chính là chức năng của họ và đối tượng mà họ bào chữa, bảo vệ[3]. Người bào chữa tham gia tố tụng chủ yếu để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trong khi đó, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự tham gia tố tụng chủ yếu là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về dân sự cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Như đã trình bày, người bào chữa không có quyền và lợi ích trong vụ án hình sự. Việc họ tham gia tố tụng bất luận trong trường hợp nào cũng chỉ để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội. Cơ sở cho sự hiện diện của họ trong tố tụng hình sự xuất phát từ hợp đồng bào chữa giữa họ với người bị buộc tội (hoặc với người đại diện hợp pháp của người bị buộc tội) và phải được sự chấp

thuận của cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, nếu người bị buộc tội hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn Luật sư cử người bào chữa cho họ và dĩ nhiên ngay trong trường hợp này sự tham gia của người bào chữa cũng phải được sự đồng ý của người bị buộc tội. Từ những phân tích trên chúng tôi mạnh dạn đưa ra khái niệm người bào chữa trong tố tụng hình sự như sau: “Người bào chữa trong tố tụng hình sự là người tham gia tố tụng để chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, giúp người bị buộc tội về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ, thông qua đó góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. II. Các loại người bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự quy định người bào chữa có thể là: - Luật sư; - Người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo; - Bào chữa viên nhân dân. Trong những người nói trên thì luật sư là người bào chữa chuyên nghiệp. Pháp lệnh tổ chức luật sư 1987 đã quy định một trong những hình thức giúp đỡ pháp lý chủ yếu của luật sư là tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa. Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta cũng cho thấy sự hiện diện của luật sư với tư cách là người bào chữa trong các vụ án hình sự ngày càng phổ biến. Người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo cũng được pháp luật xác định là người bào chữa trong tố tụng. Tuy nhiên, từ khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 ra đời đến nay đã hơn 10 năm nhưng về phương diện pháp lý chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích rõ người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là ai. Trong Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 18/12/1988 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi đề cập đến quyền kháng cáo đã hướng dẫn: “Đại diện hợp pháp của bị cáo chưa thành niên là bố mẹ hoặc người đỡ đầu của họ”[4]. Nội dung trên đã gián tiếp làm rõ người đại diện hợp pháp nhưng chỉ là người đại diện hợp pháp của bị cáo là người chưa thành niên chứ không phải là người đại diện hợp pháp cho bị can, bị cáo nói chung như quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án năm 1991 đã khẳng định: “ Người thân thích của bị cáo không phải là người bào chữa, nhưng thực tiễn cho thấy có những vấn đề, có những tình tiết thuộc về vụ án, thuộc về nhân thân của bị cáo thì chỉ có những người thân thích mới thấu hiểu và nắm bắt được một cách tường tận và do đó họ có thể giúp cho Hội đồng xét xử cân nhắc việc xử lý được chính xác hơn, bảo đảm cho việc xét xử của Tòa án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, người thân thích của bị cáo có quyền làm người bào chữa cho bị cáo”[5]. Rõ ràng, nội dung hướng dẫn trên chứa đựng sự mâu thuẫn có tính chất nội tại khi khẳng định người thân thích của bị cáo không phải là người bào chữa nhưng sau đó lại cho phép người thân thích của bị cáo có quyền tham gia tố tụng hình sự để bào chữa cho bị cáo. Hơn nữa, hướng dẫn này cũng đã không làm rõ người thân thích của bị cáo là ai. Thực tiễn tố tụng hình sự những năm qua cũng cho thấy là chưa có trường hợp nào người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa. Đây là một thiếu sót lớn của pháp luật thực định cần sớm được khắc phục. Người bào chữa trong tố tụng hình sự còn có thể là Bào chữa viên nhân dân. Chức danh Bào chữa viên nhân dân ở nước ta ra đời trên cơ sở Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949. Sau đó, Nghị định số 01 – NĐ – VY ngày 12/1/1950 của Bộ Tư pháp đã quy định rõ tiêu chuẩn Bào chữa viên nhân dân. Trong suốt thời gian dài ( từ 1949 – 1987) Bào chữa viên nhân dân đã đóng một vai trò rất lớn trong tố tụng hình sự. Đến năm 1987 cả nước có 30 Đoàn Bào chữa với tổng số gần 400 Bào chữa viên nhân dân[6]. Tuy nhiên từ năm 1989 đến nay khi các Đoàn luật sư được khôi phục lại ở các địa phương thì các Đoàn Bào chữa đã chấm dứt hoạt động và giải thể, do đó chức danh Bào chữa viên nhân dân chỉ tồn tại trên phương diện pháp lý. Từ những lý do nói trên mà người bào chữa trong tố tụng hình sự hiện nay chủ yếu chỉ là luật sư. Đội ngũ luật sư ở nước ta hiện nay vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng lại phân bổ không đồng

đều ở các địa phương nên chẳng những làm hạn chế sự lựa chọn của bị can, bị cáo mà trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng. Số liệu thực tế cho thấy những vụ án hình sự có luật sư tham gia bào chữa chiếm tỉ lệ rất thấp trên tổng số án hình sự mà Tòa án đã đưa ra xét xử ( Theo báo cáo của 46 Đoàn Luật sư thì từ khi thành lập Đoàn cho đến năm 1993 các Luật sư đã tham gia bào chữa được 22.331 vụ chiếm tỉ lệ khoảng 16% so với tổng số án hình sự mà Tòa án đã đưa ra xét xử[7]). Thực trạng đó buộc chúng ta phải suy nghĩ khi nói đến nguyên tắc hiến định là đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Vấn đề đặt ra là cần phải mở rộng phạm vi những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cả về phương diện pháp lý lẫn thực tiễn. III. Một số kiến nghị: Với những suy nghĩ trên đây chúng tôi thấy cần phải nêu lên những kiến nghị cụ thể sau: + Một là, trước mắt và về lâu dài cần tăng cường đội ngũ luật sư cả về số lượng lẫn chất lượng để đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhu cầu của thực tiễn tố tụng hình sự. Để thúc đẩy tiến trình này trước hết cần sớm ban hành Pháp lệnh tổ chức luật sư mới để thay thế Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 vốn đã quá lạc hậu. Theo đó, Pháp lệnh mới sẽ được quy định rõ hơn, đầy đủ hơn về điều kiện, tiêu chuẩn của luật sư, trong đó chú trọng đến tiêu chuẩn về đạo đức và nghiệp vụ của luật sư. Đồng thời Pháp lệnh mới cần tạo ra quy trình công nhận luật sư theo hướng thông thoáng hơn trên cơ sở bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước và tôn trọng tính tự quản của tổ chức luật sư. +Hai là, việc sữa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự sắp tới cần làm rõ người đại diện hợp pháp của bị cáo trong tố tụng hình sự là những đối tượng nào để tạo điều kiện cho quy định đó được thi hành trong thực tiễn tố tụng hình sự. Theo chúng tôi, nên tham khảo những quy định về người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự. + Ba là, cần khôi phục lại chế định Bào chữa viên nhân dân. Đã đến lúc Chính phủ nên ban hành Quy chế hoặc Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Đoàn Bào chữa viên nhân dân để chính thức khôi phục lại chế định có nhiều ưu điểm này. + Bốn là, trong tương lai cần nghiên cứu để từng bước mở rộng phạm vi của những người có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành mà phải tiến tới khả năng cho phép bất kỳ ai có nhân thân tốt, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có bằng cử nhân Luật, được tín nhiệm của bị can, bị cáo và sự chấp thuận của cơ quan tiến hành tố tụng thì đều có quyền tham gia bào chữa. Dĩ nhiên, khi đó pháp luật tố tụng hình sự sẽ phải có những quy định chặt chẽ về việc tham gia bào chữa của này. Thiết nghĩ, tất cả những kiến nghị nêu trên nếu được chấp thuận sẽ góp phần trực tiếp vào việc thực hiện tốt nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong thực tiễn tố tụng hình sự ở nước ta.

Luật quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người theo quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật TTHS thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, thì Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Người bào chữa có quyền: a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động

điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; b) Đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can; c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; d) Thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân theo yêu cầu của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; đ) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; e) Gặp người bị tạm giữ; gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; g) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa sau khi kết thúc điều tra theo quy định của pháp luật; h) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà; i) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; k) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án nếu bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất quy định tại điểm b khoản 2 Điều 57 của Bộ luật này. (Xem thêm Điều 58 BLTTHS). Tuy nhiên, không phải người bị tạm giữ, tạm giam nào cũng hiểu mình có quyền gì theo quy định pháp luật, nên khi bị cản trở gặp Luật sư thì họ càng sợ hãi, càng dễ bị khuất phục chấp nhận những tình tiết không phải là sự thật khách quan của vụ án. Nếu người bị tạm giữ, tạm giam hiểu rõ quyền của mình, họ sẽ phản ứng để đòi quyền của mình bằng cách bất hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Ví dụ: - Giữ im lặng khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can cho đến khi gặp người bào chữa hoặc chỉ trả lời khi có mặt người bào chữa chứng kiến; - Không viết bất cứ điều gì ra giấy, trừ lời nhắn gởi gia đình về việc thăm nuôi và yêu cầu gặp người bào chữa;

- Không tham gia vào các hoạt động điều tra như thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, khám xét và không ký tên hoặc lăn tay vào văn bản; - Bác bỏ, không công nhận tất cả những tài liệu, đồ vật hay chứng cứ khác mà người tiến hành tố tụng đưa ra bằng cách không ký tên hoặc lăn tay vào văn bản xác nhận; - Tuyên bố với những người tiến hành tố tụng và khẳng định trước Hội đồng xét xử rằng những hoạt động điều tra đối với bị can, bị cáo mà không có sự tham gia của người bào chữa theo yêu cầu của bị can, bị cáo đều không có giá trị pháp lý vì đã được thu thập không hợp pháp, do đó chúng hoàn toàn không có giá trị chứng minh hành vi phạm tội. Luật sư chỉ đinh: không chỉ là nghĩa vụ 26-04-2007

Theo quy định của BLTTHS, cơ quan điều tra, VKS hoặc Toà án có trách nhiệm phải mời luật sư (LS) bào chữa cho các bị can, bị cáo có khung hình phạt cao nhất là tử hình hoặc là người chưa thành niên, người có nhược điểm tâm thần, thể chất (nếu họ không tự mời). Tại một số địa phương khó khăn về kinh tế, các vụ án có LS tham gia chủ yếu do các cơ quan tố tụng mời. Tuy nhiên, chất lượng bào chữa trong những vụ án có LS chỉ định lại có nhiều điều đáng nói… Bào chữa theo kiểu…chạy sô Những người có thâm niên đi dự phien toà, như cánh phóng viên chuyên nội chính, có thể dễ dàng nhận ra LS chỉ định trong các vụ án hình sự. Điều này thể hiện qua nội dung bài bào chữa, trong việc tranh tụng, hỏi đáp… thậm chí cả thái độ của họ trong phiên toà. Tại Hà Tây, một LS tỉnh này được cơ quan tố tụng mời bào chữa cho một bị cáo bị xét xử về tội giết người. Thay vì đưa ra các chứng cứ nhằm gỡ tội cho bị cáo, LS này chỉ “xin” HĐXX giảm án vì cho rằng bị cáo có nhân thân tốt. Tất cả phần bào chữa của LS chỉ diễn ra trong vòng khoảng…3 phút. Ngoài ra, LS cũng không tham gia phần xét hỏi và đương nhiên coi mọi tình tiết trong vụ án đã quá rõ rang. Đây là thực trạng của nhiều phiên toà có LS chỉ định, đặc biệt là trong các vụ án về ma tuý (loại tội thường có khung hình phạt cao nhất là tử hình). Một thẩm phán của TAND TP. Hà Nội đã ngao ngán vì có đến một nửa số phiên toà mà ông ngồi phải hoãn nhiều lần vì LS chỉ định. Thôi thì đủ mọi lý do: vì sức khoẻ, vì bận công tác, vì mới nhận án chưa có thời gian nghiên cứu hồ sơ… Có LS bào chữa như đi… chạy sô, chỉ đến phần tranh tụng mới có mặt, họ phát biểu dăm câu ba điều rồi mất hút, không biết số phận thân chủ mình sau đó ra sao. Tệ hơn, có LS còn ngồi nhầm phiên toà, đến lúc bị thẩm phán gọi mới ngơ ngác đứng dậy cáo lỗi, Tại một số địa phương mà có đến 80% án hình sự là ma tuý như Sơn La, Điện Biên… không có LS tại địa bàn, cơ quan tố tụng phải mời từ nơi khác đến thì chất lượng bào chữa cũng đáng lo ngại. Lý do các LS này không có nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ bị can, bị cáo, thu thập và tìm kiếm các chứng cứ gỡ tội. Vì vậy, nhiều phiên toà có LS chỉ định như chỉ để cho đúng thủ tục tố tụng mà thôi. Nói như vậy, nhưng bên cạnh các LS bào chữa lấy lệ, còn có những luật sư dù chỉ định nhưng vẫn làm với hết khả năng và trách nhiệm. Có những văn phòng LS ở Hà Nội nhưng lên tận các tỉnh miền núi, những địa bàn khó khăn mở chi nhánh chỉ để làm án chỉ định. Có nhiều LS còn bỏ cả tiền túi ra để đi xác minh, thu thập chứng cứ vì thấy thân chủ của mình bị oan ức. Họ tâm niệm với những người không có điều kiện để mời LS mà cơ quan tố tụng phải đứng ra làm thay thì đó đã là một thiệt thòi. Việc bào chữa chỉ định không phải là vấn đề thù lao mà vì sinh mạng, danh dự của một con người. Giải pháp nào?

Chưa có một đánh giá nào cụ thể về chất lượng của những vụ án có LS chỉ định, tuy nhiên dễ nhận thấy là công việc này đang bị nhiều LS xem nhẹ. Việc LS chỉ định không nắm rõ các tình tiết vụ án nên không thể tranh luận, trong khi trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang thực hiện cải cách tư pháp, việc kết án phải dựa trên kết quả tranh tụng và diễn biến phiên toà. Điều này rõ ràng có ảnh hưởng đến quyền được bào chữa của bị can, bị cáo và chất lượng công tác xét xử nói chung. Làm gì để cải thiện? Trả lời câu hỏi này, nhiều thẩm phán cho rằng: Trình độ chỉ là một phần, quan trọng là ý thức và tinh thần trách nhiệm. Không thể có một văn bản nào quy định cụ thể LS chỉ định phải làm gì, tất cả phụ thuộc vào chính mỗi LS. Bên cạnh đó, để các LS thực sự tâm huyết với án chỉ định thì kinh phí cũng là vấn đề cần nói. Trong khi thù lao cho một vụ việc tối thiểu cũng là tiền triệu (chưa kể tiền đi lại, lưu trú…) thì khi nhận làm chỉ định LS chỉ nhận một khoản bằng 1/3 mức đó. LS là cộng tác viên được tổ chức trợ giúp pháp lý mời bào chữa tại phiên toà cũng chỉ được thù lao 70.000đ/ngày. Một vụ việc hình sự bình quân cũng chỉ được 800.000d (Mức này là theo chương trình các dự án), còn nếu do ngân sách địa phương tự bố trí thì còn eo hẹp hơn nhiều. Trong một lần trao đổi với PV, một Phó Chánh án TAND tỉnh Sơn La cho rằng LS tại chỗ thì quá ít nên nhiều khi phải mời từ nơi khác về. Nhưng mời được thì phải có kinh phí cho họ bao gồm cả chỗ ăn, ở, tiền tàu xe… cơ quan tố tụng không thể kham nổi. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao thù lao cho LS chỉ định, thì phải quan tâm phát triển đội ngũ LS tại chỗ để hạn chế việc phải mời LS từ nơi khác về vừa tốn kém vừa bị động. Hiện nay, theo quy định của BLTTHS, trách nhiệm mời người bào chữa (trong những trường hợp đã nêu ở đầu bài viết) thuộc về cơ quan điều tra, VKS, Toà án. Các cơ quan này thông qua đoàn LS và đoàn sẽ phân công văn phòng LS cử người bào chữa. Tuy nhiên, một ý kiến cho rằng đoàn LS nên phân công cho những người có khả năng tham gia vụ án, không nên phân công theo kiểu chia đều, vì có người nhận đó rồi lại không tham gia được. Trong điều lệ hoạt động của các đoàn LS nên quy định rõ rafng trường hợp phân công mà không thực hiện, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn thì phải chịu trách nhiệm. Báo Pháp luật Việt Nam

Luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự, chuyện cũ mà mới. 16-10-2006

Gần đây, Đoàn Luật sư (LS) TP. Hà Nội đã gửi bản kiến nghị lên đồng chí Trương Vĩnh Trọng Uỷ viên BCT, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Nội chính T.Ư về việc các thành viên của Đoàn bị cơ quan tố tụng gây khó khăn, cản trở khi tham gia hoạt động bào chữa trong các vụ án hình sự. Thực sự, vấn đề gây khó dễ của các cơ quan tố tụng, đặt biệt cơ quan điều tra đối với LS là điều không mới; mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 đã mở rộng một số quyền bảo chữa của LS để đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo và công việc bào chữa của LS. Bài viết này một lần nữa xin đề cập đến thực trạng “cũ” mà “mới” này. Nhận thức pháp luật hạn chế... nhưng có thể tự bào chữa? Một LS được gia đình một bị can đang bị tạm giam tại công an tỉnh X nhờ giúp đỡ pháp lý cho người thân trong một vụ án đang trong giai đoạn điều tra. LS này đồng ý và mang đầy đủ giấy tờ cần thiết với đơn của gia đình bị can đến cơ quan điều tra để xin được cấp giấy chứng nhận (GCN) người bào chữa. Tại cơ quan điều tra, LS được hẹn ba ngày trở lại để nhận kết quả giải quyết việc cấp GCN người bào chữa. Đúng hẹn, LS nọ quay lại, ông nhận được từ cán bộ trại giam “Đơn từ chối LS bào chữa” của bị can. Điều đáng nói ở đây là trong đơn có đoạn “Tôi nhận thấy hành vi của tôi là sai trái, vi phạm pháp luật xuất phát do nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Tại cơ quan công an tôi đã khai báo thành khẩn về hành vi sai phạm của mình (chứa chấp 03 chiếc xe máy), đến nay, tôi nhận thấy có thể tự bào chữa cho hành vi của mình và không cần thuê LS bào chữa”. Ở đây có một mâu thuẫn dễ nhận thấy là bị can thừa nhận việc mình nhận thức pháp

luật hạn chế nhưng lại cho rằng mình có thể tự bào chữa cho hành vi của mình và không cần thuê LS bào chữa. Khi LS yêu cầu được gặp bị can để hỏi rõ lý do từ chối LS bào chữa thì cán bộ trại giam trả lời do chưa được cấp GCN người bào chữa nên LS không đủ điều kiện gặp bị can. Rốt cuộc, LS đành bó tay và báo với gia đình bị can là xin rút khỏi vụ án. Nhưng một “nghịch lý” xảy ra, ngay sau khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án trên, bị can lại chủ động, tích cực trong việc mời LS bào chữa cho giai đoạn tố tụng tiếp theo (truy tố, xét xử) và lại mời chính LS đã bị từ chối nọ. Một câu hỏi đặt ra, phải chăng do “sức ép” nào đó của cơ quan điều tra làm bị can trong giai đoạn điều tra không dám mời LS để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp cho họ? Vẫn bệnh giấy tờ Một LS Đoàn LS Hà Nội bộc bạch: “Trong cả quá trình điều tra LS gần như bị các cơ quan điều tra vô hiệu hoá. LS rất khó khăn trong việc gặp bị can bởi các quy định của pháp luật và cả chủ quan của cơ quan điều tra không muốn LS tham gia. Khi được gặp bị can thì những nội dung quan trọng đã được hoàn tất trong hồ sơ vụ án, LS chỉ hỏi bị can những vấn đề không quan trọng”. BLTTHS hiện hành đã quy định LS được tham gia từ khi khởi tố bị can. Nhưng trên thực tế rất ít vụ LS được tham gia ngay sau thời điểm khởi tố bị can. Bởi vì hiện nay không có một cơ chế, thủ tục, trình tự nào quy định buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện để LS tham gia. Để có GCN người bào chữa để gặp bị can trong trại tạm giam, cơ quan điều tra yêu cầu LS đủ năm loại giấy tờ: (1). Thẻ LS; (2). Giấy đăng ký hoạt động văn phòng LS; (3). Chứng chỉ hành nghề; (4). Hợp đồng với khách hàng và (5). Giấy giới thiệu của văn phòng LS. Như vậy, về chủ quan có thể nhận thấy không phải dễ dàng gì các LS có được giấy tờ chứng nhận để tham gia vào tố tụng. Ngoài ra, mỗi giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, để gặp bị can, bị cáo thì LS phải được từng cơ quan. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án cấp GCN người bào chữa riêng. Đôi khi đến giai đoạn truy tố và xét xử, ngoài GCN người bào chữa, các trại tạm giam còn yêu cầu LS phải có ý kiến của thủ trưởng cơ quan điều tra thì mới cho LS gặp bị can, bị cáo. Việc cơ quan điều tra gây khó trong việc cấp GCN người bào chữa vô hình trung đã vi phạm quyền bào chữa của bị can được Hiến pháp quy định. Khi bị gây khó thường các LS ngại đụng chạm nên “cắn răng chịu đựng”, bởi nhiều trường hợp “nhãn tiền” LS mạnh dạn khiếu nại lên người có thẩm quyền thì sau đó họ lại bị các cơ quan điều tra “nhớ mặt” và gây khó dễ nhiều hơn trong các vụ án tiếp theo. Yêu cầu đủ các loại giấy tờ để được cấp GCN người bào chữa có vẻ còn dễ chịu và gây ít “ẫm ức” hơn so với trường hợp cơ quan điều tra hẹn lần hẹn lữa với LS mà không có lý do chính đáng. LS Nguyễn Văn N. (Đoàn LS TP.HCM) đã chuẩn bị đủ các loại giấy tờ đến cơ quan điều tra tỉnh Y để xin được cấp GCN người bào chữa. Nhưng sau ba lần lặn lội từ TP.HCM lên tỉnh Y vẫn không có kết quả và chỉ được trả lời bằng miệng với những lý do như “bị can chưa trả lời có đồng ý có LS hay không”, “thủ trưởng đi vắng”, “điều tra viên bận việc”... quay đi quay lại hết mấy tháng trời không nhận được GCN người bào chữa và cũng vừa hết thời hạn điều tra. Kiến giải Thực tế, sau khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ra đời, một số đổi mới theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền công dân trong pháp luật tố tụng hình sự đã được ban hành. BLTTHS 2003 mở rộng thêm một số quyền công dân như bị can, bị cáo “được giải thích về quyền và nghĩa vụ”, “người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ, được sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án...” Về mức độ mở rộng quyền công dân như trong BLTTHS 2003, ở thời điểm này, theo chúng tôi là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi kiến nghị lại là tính khả thi của các quy định, bởi như một việc LS được tham gia ngay sau thời điểm khởi tố bị can là rất khó khăn. Do vậy, trong giai đoạn này, Nhà nước cần củng cố tính khả thi của các quyền công dân đã có: Thứ nhất, quy định cụ thể thủ tục mời LS của người bị bắt giữ, bị can bị tạm giam;

Thứ hai, để được cấp “GCN người bào chữa” thì LS chỉ cần có hai loại giấy tờ là Thẻ LS và Giấy giới thiệu của văn phòng LS (đây là đề xuất của Đoàn LS Hà Nội); Thứ ba, quy định thật cụ thể trình tự, thủ tục để LS tham gia ngay từ giai đoạn điều tra; Thứ tư, cơ quan điều tra có trách nhiệm tạo điều kiện để LS tham gia quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án...; Thứ năm, quy định những biện pháp chế tài đối với các cơ quan tố tụng, cán bộ công chức cản trở việc tiến hành hoạt động bào chữa của LS; Thứ sáu, hạn chế “lạm dụng” biện pháp tạm giam; tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ, bảo đảm đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn. Theo Pháp luật Việt Nam

ng Nguyễn Văn Hùng ở Thành Phố Vinh hỏi: Người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong Tố tụng hình sự được quy định như thế nào? CANA: 10:22-04/04/2008 Người bào chữa trong tố tụng hình sự có thế là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Để làm bào chữa cho các đối tượng này phải có các điều kiện như: Người bị tạm gĩư, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Riêng những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa, thì Cơ quan điều tra, ... Người bào chữa trong tố tụng hình sự có thế là luật sư, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân. Để làm bào chữa cho các đối tượng này phải có các điều kiện như: Người bị tạm gĩư, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn. Riêng những trường hợp sau đây, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban mặt trận tổ quốc, tổ chức thành viên của mặt trận cử người bào chữa cho thành viên tổ chức mình mặc dù bị can, bị cáo và người đại diện hợp pháp vẫn có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối bào chữa. Đây là trường hợp bị can, bị cáo về tội theo mức hình phạt có mức cao nhất là tử hình; Bị can , bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Điều kiện tiếp theo là phải có các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án xét và cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Còn theo quy định điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự, thì người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người bảo vệ cho các chủ thể khác tham gia tố tụng như: Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Những người là luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác có thể các chủ thể tham gia tố tụng trên nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình. Và để được làm người bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong vụ án hình sự cần có các điều kiện là: Được người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhờ bảo vệ quyền lợi cho họ. Việc nhờ phải được thể hiện bằng văn bản; Điều kiện nữa là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận họ được làm người bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Như vậy, Hình thức công nhận tư cách tố tụng của người bào chữa hoàn toàn khác với người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Đối với người bào chữa thì hình thức công nhận tư cách tố tụng là giấy chứng nhận người bào chữa, còn hình thức công nhận tư cách tố tụng của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự là giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự./.

Related Documents


More Documents from ""