Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo cách mạng Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lớn những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã chỉ rõ: "Là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại' 1. Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng lớn của dân tộc ta, là người thầy vĩ đại đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Hơn 50 năm hoạt động sáng tạo không ngừng, Người đã để lại một di sản tác phẩm báo chí với hơn 2.000 bài. Chính Người đã sáng lập ra 9 tờ báo khác nhau, sử dụng khoảng hơn 150 bút danh khác nhau để viết báo. Người không để lại những tác phẩm đạo đức lớn, nhưng những tư tưởng lớn của Người về đạo đức báo chí cách mạng đã nằm trong các viết, bài nói ngắn gọn, được diễn đạt rất cô đọng, hàm súc theo phong cách phương Đông, rất quen thuộc với người Việt Nam. Chính Người đặc biệt quan tâm tới tư cách đạo đức người làm báo, coi họ là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận báo chí. Hồ Chí Minh luôn đặt ra những câu hỏi lớn cho đội ngũ những người làm báo cách mạng: Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết cái gì? Và viết như thế nào? Người chỉ rõ, đội ngũ người làm báo cách mạng phải thường xuyên học tập không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Điều dễ nhận thấy trong quan điểm của Người về đạo đức nghề nghiệp nhà báo cách mạng đó là việc Người luôn coi nhà báo phải là người cán bộ cách mạng, phải gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Người yêu cầu mỗi nhà báo cách mạng phải học tập và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tác phong đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Chính phủ giao cho. Với quan niệm báo chí cách mạng là một mặt trận của cách mạng, Người đã chỉ ra chủ thể của báo chí cách mạng - những người làm báo trước hết phải là người cán bộ cách mạng, phải biết gắn cuộc đời mình với dân tộc, với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Bác coi 'cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ' 2. ở Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Người căn dặn: 'Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động' 3. Bác đã đặt những người làm báo vào cùng chiến hào bên cạnh những "binh chủng' khác của trí thức, văn nghệ kháng chiến. Người thường nhắc nhở: "Tất cả những
người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành... phải có lập trường chính trị vững chắc, chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì việc khác mới làm đúng được. Cho nên các báo chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng' 4. Muốn vậy, người làm báo phải luôn học tập, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để có thể nhận thức một cách đúng đắn nhiệm vụ của mình. Tháng 8/1953, trong lớp chỉnh Đảng Trung ương, khi nói về cách viết, Người nêu cụ thể: "Vì ai mà viết, mục đích viết để làm gì. Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết cho đại đa số Công - Nông - Binh; Viết để làm gì? Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng; Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Viết để nêu cái hay cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại, có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên, không phải bịa đặt ra' 5. Bác Hồ cũng thường chỉ ra các 'căn bệnh' mà những người làm báo thường hay mắc phải, coi đó là biểu hiện không tốt của đạo đức người làm báo, ở lớp chỉnh Đảng Trung ương, Người dạy: phải tránh lối viết 'rau muống', nghĩa là lằng nhằng, 'tràng giang đại hải', làm cho người xem như là "chắt chắt vào rừng xanh'. Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ người xem, viết rõ ràng, chớ dùng chữ nhiều 6. Bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành, đáng lẽ báo chí phải chống bệnh đó thì trái lại, báo chí lại tuyên truyền cho cái tệ đó. Cũng trong bài nói chuyện tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam, Người cũng chỉ ra một số bệnh mà người làm báo hay mắc phải như: 'Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta, đưa tin tức mà hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, thiếu cân đối, tin nên dài lại viết ngắn, nên ngắn lại viết dài; nên để lại sau lại để trước, nên trước lại để sau, lộ bí mật, có khi quá lố bịch. Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng" 7. Người khuyên nhủ các nhà báo: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao' 8.
Khi nói về cách viết, Người căn dặn: 'Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi'. Người khuyên: "Phải học cách nói tiếng nói của quần chúng, chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ đùng. Những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta'. Viết phải thiết thực nói có sách, mách có chứng', tức là nói cái việc ấy ở đâu thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào' 9. Để chỉ rõ tính chính xác, khách quan khi viết, Người lấy một ví dụ như: "Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào... Chớ viết lung tung' 10. Bác dạy chúng ta về cách viết rất cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực: 'Viết rồi phải đọc đi, đọc lại, thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bới đi. Đọc đi đọc lại 4-5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sủa đi, sửa lại' 11. Những yêu cầu trên đòi hỏi người làm báo cách mạng phải suốt đời không ngừng học tập rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của mình để vận dụng vào hoạt động sáng tạo báo chí một cách linh hoạt, phù hợp chứ không phải biến mình thành "ông cán bộ tuyên huấn', chuyên rao giảng, dài dòng. Tại Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác nói với các nhà báo: "Về nội dung mà các cô, các chú gọi là "đề tài' thì tất cả những bài Bác viết chí có một "đề tài' là: Chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó!' 12. Cũng chính xuất phát từ mục đích đó, Người đã góp ý chân thành, thẳng thắn về ý chí, nghị lực của người làm báo cách mạng: "Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí thì tiến bộ, nhưng cũng có một số vì trình độ văn hoá và chính trị còn kém thì bi quan, muốn đổi sang nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có ý chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học, chúng ta phải làm thế nào để vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ'. Từ yêu cầu và phẩm chất chính trị, người làm báo phải có đạo đức cách mạng, phải biết tự vươn lên, vượt qua các rào cản để chiến thắng ngay cả chính bản thân mình. Phải có ý chí tự lực tự cường, kém thì phải cố mà học. Người phê bình các khuyết điểm của cán bộ báo chí mà chủ nghĩa cá nhân là một biểu hiện của việc đi ngược lại đạo đức cách mạng: 'Có những người chỉ muốn lưu danh thiên cổ cơ, muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra. Họ không thấy rằng: Làm việc gì có ích cho nhân dân, cho cách mạng đều là vẻ vang'
13. Những luận điểm này của Người đã cho thấy rằng, người làm báo cách mạng phải đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân, lợi ích cách mạng lên trên hết, không được chạy theo chủ nghĩa cá nhân để trục lợi, vụ lợi. Muốn làm tốt công việc của mình phải khiêm tốn học hỏi, cầu thị, không ngừng vươn lên. Bác đã nhắc nhở cán bộ báo chí trong Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ III: "Muốn viết hay, muốn tiến bộ thì phải cố gắng học hỏi, rèn luyện... chớ tự ái, tự cho mình là tuyệt vời. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn, nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta' 14. Ngay trong tác phẩm quan trọng 'sửa đổi lề lối làm việc', Người dành hẳn một chương mang tên "chống thói ba hoa' liên quan trực tiếp đến nghề báo. Người đã chỉ ra 8 biểu hiện của thói ba hoa là: 'dài dòng, rỗng tuếch, có thói cầu kỳ, khô khan, lúng túng, báo cáo lông bông, lụp chụp cẩu thả, bệnh theo sáo cũ, bệnh hay nói chữ, nói không ai hiểu'. Sau đó Người đã chỉ ra cách sửa cụ thể: "Một là, phải học cách nói của quần chúng, chớ nói như giảng sách. Hai là, phải luôn dùng những lý lẽ, thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. Ba là, khi viết khi nói phải làm thế nào để ai cũng hiểu được. Bốn là, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ chớ nói, chớ viết. Năm là, trước khi nói phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận' 15. Từ những tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chí cách mạng, chúng ta thấy những quan điểm của Người đều gắn chặt trực tiếp tới phương diện đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức báo chí cách mạng đều toát lên 1à làm báo, viết báo là để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Mỗi công việc khác nhau đều có những quy phạm đạo đức nghề nghiệp khác nhau mà ta thường gọi là cái 'Tâm' trong nghề, tức là lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Đối với người làm báo cách mạng càng cần phải ý thức sâu sắc hơn nữa về vấn đề này, bởi sản phẩm của lao động nghề nghiệp báo chí là các giá trị tinh thần cụ thể được xã hội hoá rất cao. Nếu người làm báo không có trách nhiệm sâu sắc với hành vi, với sản phẩm của mình thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, loại hình, cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ những người làm báo ngày một đông đảo và hùng hậu. Trong điều kiện ấy người làm báo Việt Nam càng ý thức trách nhiệm hơn về ngòi bút của mình. Việc học tập vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức báo chí cách mạng là một nhân tố quan trọng giúp chúng ta không ngừng rèn luyện tự trau dồi để nâng cao cho mình cả bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp.