UBND TỈNH YÊN BÁI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 283/SGD&ĐT-KHTC&CNTT
Yên Bái, ngày 05 tháng 5 năm 2009
V/v chỉ đạo một số nội dung công tác đổi mới quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục năm học 2008-2009
Kính gửi: - Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; - Các Trường Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp; - Các Trường Trung học phổ thông; - Các Trung tâm giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở. Trong những năm qua, công tác kế hoạch-tài chính đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển quy mô các ngành học, bậc học và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết của Đảng. Việc đổi mới công tác kế hoạch, công tác tài chính đã được quán triệt chỉ đạo gắn liền với công cuộc cái cách hành chính của Nhà nước và ngày một khẳng định vai trò tất yếu trong công cuộc đổi mới giáo dục, đổi mới đất nước. Tuy nhiên, công tác tài chính của ngành cũng còn nhiều bất cập chưa phục vụ kịp thời và chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư cho phát triển giáo dục. Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT ngày 13 tháng 8 năm 2008 về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008-2009, đặc biệt năm học 2008-2009 được xác định là “năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; công văn số 3520/BGDĐT-KHTC, ngày 23 tháng 4 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác quản lý tài chính giáo dục -đào tạo; Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 1. Đẩy mạnh phân cấp quản lý tài chính giáo dục: Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Tài chínhKế hoạch thực hiện việc rà soát các cơ sở giáo dục và đào tạo, phân loại các đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo qui định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, hướng dẫn các đơn vị xây dựng đầy đủ qui chế chi tiêu nội bộ để tăng cường quản lý và điều hành thu chi tài chính của mỗi cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện một số thông tư Liên Bộ và Nghị định của Chính phủ, như thông tư 71/2007 về giáo dục mầm non, thông tư 35/2006 về các trường phổ thông, thông tư 35 ngày 14-7-2008 về 1
chức năng nhiệm vụ của Sở và Phòng GD-ĐT, Nghị định 166 ngày 16-9-2004 của Chính phủ… Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, phối hợp tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc triển khai thực hiện việc phân cấp tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 trên cơ sở đó đề xuất kế hoạch, lộ trình mở rộng thực đối với các trường học, cơ sở giáo dục có đủ điều kiện để phát huy tính chủ động và hiệu quả quản lý sử dụng ngân sách nhà nước. 2. Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ ngân sách giáo dụcđào tạo Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác kế hoạch; đảm bảo thông tin cơ sở phục vụ xây dựng kế hoạch phải đầy đủ, kịp thời, chính xác và trung thực; thực hiện liên thông, đồng bộ trong xây dựng kế hoạch (kế hoạch sự nghiệp, kế hoạch đội ngũ, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư), tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác kế hoạch. Tích cực tham mưu phối hợp với cơ quan quản lý các cấp trong việc xây dựng kế hoạch, thẩm định và phân khai ngân sách giáo dục đảm bảo có sự tham gia của các đơn vị được sử dụng ngân sách, tham gia xây dựng định mức phân bổ ngân sách ở mỗi cấp trên nguyên tắc: Công khai, công bằng, dân chủ và đúng luật. Bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chính sách ưu tiên của ngành, như: thực hiện định mức biên chế sự nghiệp giáo dục theo Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ; Thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ; Thực hiện chính sách ưu đãi giáo dục theo qui định của Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006-2010; NĐ 61/CP… Xây dựng mức phân bổ chi đầu tư và chi chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo theo định hướng ưu tiêu đầu tư của ngành đồng thời phù hợp với mục tiêu và nội dung các dự án ; thực hiện lồng ghép các dự án đầu tư trên địa bàn nhằm sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, dự báo tài chính: Xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ phương pháp lập kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tất cả các Phòng GD&ĐT và các trường trực thuộc. Từ đó chủ động xác định được nhu cầu đầu tư về CSVC của các đơn vị để xây dựng kế hoạch kính phí, ngân sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Yên Bái và các huyện thị, TP đến năm 2015 và định hướng đến 2020, trong đó có kế hoạch nguồn kinh phí cho từng năm học. Xây dựng đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục, trong đó có vấn đề về chính sách đối với nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ và thu hút nhân tài về công tác trong ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái. 2
3. Tăng cường quản lý thu chi và quản lý tài sản ở các đơn vị, trường học và cơ sở giáo dục. 3.1. Quản lý thu Chỉ đạo thực hiện việc thu phí, lệ phí theo đúng qui định của pháp luật, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 24/2007/CT-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các qui định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân. Không được thu những khoản phí, lệ phí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Công khai việc sử dụng các khoản phí và lệ phí để người học và nhân dân giám sát, tránh gây thắc mắc trong dư luận. Thực hiện đầy đủ các khoản thu, mở sổ sách theo dõi và hạch toán các khoản thu theo chế độ quy định. 3.2. Quản lý chi Xây dựng kế hoạch chi đảm bảo các nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của từng thời điểm trong năm học; Các cơ sở giáo dục và đào tạo sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được giao, đồng thời thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ nhà nước qui định. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, sách sách đối với người dạy, người học. Thực hiện nguyên tắc đảm bảo chi lương, học bổng, các chê độ chính sách đối với con người, chi phục vụ giảng dạy, học tập rồi mới đến chi phục vụ phát triển. 3.3. Quản lý tài sản theo phân cấp quản lý: Phòng Giáo dục và Đào tạo mở sổ sách theo dõi tổng hợp giá trị tài sản của tất cả các đơn vị trực thuộc phòng; các đơn vị nhà trường có tài khoản độc lập phải hạch toán kế toán tài sản tăng khi trang bị mua sắm, được cấp, tặng biếu…, hạch toán giảm khi thanh lý, điều động; tính đủ giá trị nguyên giá, giá trị hao mòn và giá trị tài sản còn lại. 3.4. Hệ thống sổ sách, hồ sơ, chứng từ và chế độ báo cáo theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; thực hiện tốt quy trình và nội dung quản lý tài chính (có phụ lục kèm theo). 3.5. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học, thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý tài chính theo Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22 tháng 3 năm 2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ. 4. Xây dựng đội ngũ quản lý tài chính vững mạnh, có tinh thần trách nhiệm cao, đủ năng lực nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính. 4.1. Xây dựng đội ngũ: Tuyển dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ quản lý tài chính các cấp, các cơ sở giáo dục đào tạo để đảm bảo đủ về số lượng đồng thời đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, về nghiệp vụ chuyên môn và trình độ đào tạo. Xây dựng kế hoạch về tuyển dụng, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ kế toán cho các đơn vị, nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh; có kế hoạch đào tạo, bồi 3
dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn; hàng năm có kiểm tra, đánh giá phân xếp loại, thực hiện việc bổ nhiệm, miễn nhiệm và luân chuyển đối với kế toán. Mỗi đơn vị, nhà trường, cơ sở giáo dục có tài khoản, hạch toán độc lập phải có ít nhất 01 kế toán đạt chuẩn về trình độ đào tạo và đáp ứng về nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; tránh tình trạng một kế toán thực hiện nhiệm vụ cho nhiều đơn vị hoặc đơn vị không có kế toán đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo và nghiệp vụ chuyên môn. 4.2. Bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ những người tham gia quản lý tài chính. Chủ động phối hợp với cơ quan tài chính địa phương, tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ kế toán, chủ tài khoản và cán bộ quản lý để cập nhật những chế độ chính sách mới, trao đổi về nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính giáo dục và đào tạo; xây dựng tài liệu, đổi mới giáo trình, lồng ghép chương trình về quản lý tài chính trong quá trình thực hiện bồi dưỡng cho CBQL giáo dục tại trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái. Bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện đối với những người tham gia thực hiện quá trình chi tiêu, sử dụng ngân sách giáo dục để đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục, chế độ, chính sách trong quá trình giải ngân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên để các đối tượng được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước hiểu biết đầy đủ và thực hiện nghiêm túc; hạn chế việc thiếu hiểu biết, căn cứ vào các thông tin thiếu cơ sở để mất lòng tin, gây khiếu kiện. 5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới quản lý tài chính, coi đây là khâu đột phá để đổi mới công tác quản lý tài chính. Phấn đấu 100% số trường học, cơ sở giáo dục được trang bị máy vi tính để sử dụng phần mềm kế toán; 100% cán bộ kế toán biết sử dụng thành thạo phần mềm EXCEL, phần mềm kế toán trong quản lý tài chính. Triển khai ứng dụng hiệu quả và đồng bộ phần mềm kế toán MISA, cập nhật các phiên bản mới gắn liền với việc bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo sử dụng có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác kế toán. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng tin học, phần mềm tin học, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng về ứng dụng CNTT phục vụ quản lý tài chính cho cán bộ quản lý, kế toán các trường học, cơ sở giáo dục trong địa bàn toàn tỉnh, bồi dưỡng sử dụng CNTT cho các đơn vị, nhà trường, cơ sở giáo dục phục vụ quản lý tài chính từ khâu xây dựng kế hoạch, điều hành quản lý thu chi; thực hiện chế độ báo bằng kết quả phần mềm tin học, báo cáo qua mạng, đông thời bảo đảm an toàn dữ liệu trong quá trình tác nghiệp. Chỉ đạo áp dụng các mô hình xây dựng kế hoạch phát triển và kế hoạch tài chính hàng năm và trung hạn đã được Bộ tập huấn (mô hình VANPRO, chương trình quản lý tài chính FMIS…) đồng thời áp dụng các phần mềm máy tính trong công tác thống kê, quản lý tài chính tài sản, từng bước thực hiện tin học hoá quản lý nhà trường, quản lý hành chính nhà nước. 4
6. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định quản lý tài chính của của nhà nước đối với các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục Xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, giám sát của Sở, của Phòng với các đơn vị, nhà trường, cơ sở giáo dục; tổ chức thực hiện, đánh giá và thông báo kết quả toàn ngành. Đảm bảo mỗi năm ít nhất từ 2-5 phòng Giáo dục và Đào tạo được kiểm tra, 15% số đơn vị trực thuộc Sở được kiểm tra, 20% số trường học được Phòng GD&ĐT kiểm tra về tài chính. Các Phòng Giáo dục, và các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là các chính sách liên quan đến nhà giáo (như: Lương, phụ cấp ưu đãi, thanh toán tiền vượt giờ...), các chính sách liên quan đến học sinh (như: Học phí, chính sách miễn giảm học phí, chế độ học bổng và các ưu đãi giáo dục...), các chế độ quản lý tài chính, tài sản. Đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo...để thực hiện đúng đối tượng và có hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo tài chính theo quy định, có biến pháp nghiêm khắc đối với các đơn vị, nhà trường, cơ sở giáo dục không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo yêu cầu; đặc biệt là những trường hợp không trung thực ảnh hưởng đến kết quả điều hành, quản lý, chỉ đạo. Thực hiện 3 công khai và 4 kiểm tra đối với các đơn vị, nhà trường, cơ sở giáo dục, đó là: Công khai chất lượng đào tạo; Công khai các điều kiện về cơ sở vật chất , đội ngũ giáo viên; Công khai thu, chi tài chính. Thực hiện 4 kiểm tra: Kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục và đào tạo; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong nhà trường; kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường; kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng các nhà công vụ cho giáo viên. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho giáo dục. Trên đây là các nhiệm vụ cơ bản nhằm tăng cường đổi mới công tác quản lý tài chính ngành giáo dục đào tạo; Sở Giáo dục- Đào tạo đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bản toàn tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan đồng cấp tập trung tổ chức thực hiện, nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý tài chính, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2008-2009 và các năm học tiếp theo./. Nơi nhận: - Như trên; - UBND tỉnh (để báo cáo); - Sở Tchính, KH&ĐT, Nội vụ (P/h); - LĐ Sở; - Các phòng, ban CM của Sở; - Lưu VT, KHTC.
GIÁM ĐỐC (Đã ký)
Trần Xuân Hưng 5
PHỤ LỤC Một số nội dung hướng dẫn thực hiện công tác quản lý tài chính giáo dục (Kèm theo công văn số 283/SGDĐT-KHTC&CNTT ngày 05 tháng 5 năm2009) I- Quy trình quản lý tài chính trong các cơ sở giáo dục, các đơn vị, nhà trường: 1- Phân tích được tình hình thực tế của đơn vị, tìm điểm mạnh, điểm yếu, những thuận lợi, khó khăn. 2- Lượng định được nhu cầu, trong đó phải nêu ra được cái gì là mong muốn, cái gì nhất thiết phải có, cái gì có khả năng đáp ứng được. 3- Thiết kế các chính sách thực hiện. 4- Cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể. 5- Xây dựng các kế hoạch công việc, tiến độ thực hiện. 6- Lựa chọn chiến lược hành động. 7- Tìm kiếm các tiêu chuẩn, các định mức chi tiêu. 8- Tìm kiếm các nguồn lực thực hiện. 9- Huy động các nguồn lực. 10- Tổ chức phân công phân nhiệm theo nguồn lực huy động được. 11- Phân phối các nguồn lực. 12- Triển khai các nguồn lực. 13- Chỉ đạo, chỉ huy, điều độ, điều phối các nhiệm vụ. 14- Kiểm tra, thanh tra để phát hiện, ngăn ngừa, uốn nắn. 15- Đánh giá kết quả đã làm, đánh giá thành tựu. 16- Tổng kết rút kinh nghiệm. II- Nội dung chế độ quản lý tài chính đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập hoạt động có thu. 1- Thực hiện công tác lập kế hoạch, dự toán. Để xây dựng tốt được kế hoạch dài hạn cũng như kế hoạch ngắn hạn các đơn vị, nhà trường phải: - Xây dựng được kế hoạch, chiến lược phát triển của nhà trường, của đơn vị theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa. - Xác định kế hoạch năm học theo các mục tiêu rõ ràng đảm bảo nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. - Phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nhà trường tập trung vào việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của nhà trường. - Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Phát huy ảnh hưởng của nhà trường vào cộng đồng dân cư và huy động cộng đồng tích cực tham gia xây dựng nhà trường. 2- Thực hiện đúng quy định các nguồn thu sự nghiệp
6
Phát huy và thực hiện tốt các nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường. 2.1- Các nguồn thu là phí, lệ phí hiện hành theo quy định: - Thu học phí của người học thuộc các loại hình giáo dục và đào tạo chính quy và không chính quy ( hệ cấp bằng) trong phạm vi mức thu theo các văn bản hiện hành do Nhà nước quy định. - Thu phi từ phí dịch vụ đào tạo (hệ cấp chứng chỉ ). Mức thu do Thủ trưởng đơn vị quyết định thu phù hợp với khả năng của người hưởng dịch vụ. - Lệ phí tuyển sinh theo quy định của Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn hiện hành của nhà nước. 2.2- Các khoản thu gắn với hoạt động của đơn vị: - Thu từ các dự án liên kết đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước. - Thu từ các hoạt động sản xuất, bán sản phẩm thực hành tại các xưởng trường, sản phẩm thí nghiệm, từ các hoạt động cung ứng dịch vụ gắn với hoạt động của đơn vị, khai thác cơ sở vật chất. - Thu do cán bộ, giáo viên, giảng viên của các cơ sở tham gia hoạt động dịch vụ với bên ngoài hoặc theo cơ chế khoán nộp về đơn vị. - Các khoản thu hợp pháp khác được để lại sử dụng theo quy định của Nhà nước. 2.3- Thu tiền đóng góp xây dựng trường phổ thông theo quy định của các cấp có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật. Ngoài các khoản thu trên các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập được phép huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất theo đúng quy định của pháp luật. Tất cả các khoản thu phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của Pháp luật đều phải do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Khi có nhu cầu huy động sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của các cơ sở giáo dục, các nhà trường, Uỷ ban nhân dân lập phương án báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. 3- Thực hiện tốt các nội dung chi hoạt động thường xuyên. Các cơ sở giáo dục và đào tạo được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên theo những nội dung sau: 3.1- Chi cho cán bộ, giáo viên và lao động hợp đồng gồm: - Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng, phụ cấp lương, phúc lợi tập thể. - Các khoản đóng góp trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo chế độ hiện hành. 3.2- Chi cho học sinh, sinh viên: - Chi học bổng, trợ cấp xã hội, tiền thưởng. - Chi cho các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao của học sinh, sinh viên. 3.3- Chi quản lý hành chính:
7
- Chi điện, nước, xăng dầu, vệ sinh môi trường, mua vật tư văn phòng, dịch vụ công cộng, công tác phí, hội nghị phí, thông tin liên lạc, tuyên truyền, cước phí điện thoại, fax... 3.4- Chi nghiệp vụ giảng dạy, học tập: - Chi mua sách, báo, tạp chí, tài liệu giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo, thiết bị, vật tư thí nghiệm, thực hành, chi phí cho giáo viên và học sinh đi thực tập... theo chương trình của cơ sở giáo dục và đào tạo ( bao gồm cả giáo dục an ninh, quốc phòng ). - Chi phí thuê chuyên gia và giảng viên trong và ngoài nước ( chi tiền biên soạn và giảng bài ), chi trả tiền dạy vượt giờ cho giáo viên, giảng viên của cơ sở. - Chi đào tạo bồi dưỡng giáo viên. - Chi cho công tác tổ chức tuyển sinh, thi tốt nghiệp và thi học sinh, sinh viên giỏi các cấp. 3.5- Chi nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ cấp cơ sở của cán bộ giáo viên và sinh viên. 3.6- Chi phí thực hiện các hợp đồng lao động sản xuất, khoa học công nghệ, cung ứng dịch vụ đào tạo, dự án liên kết đào tạo, thực hành thực tập bao gồm: Chi tiền lương, tiền công, nguyên vật liệu, khấu hao TSCĐ, nộp thuế theo quy định của pháp luật. 3.7- Chi mua sắm sửa chữa thường xuyên: Chi mua sắm dụng cụ thay thế, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng. 3.8- Chi hợp tác quốc tế: Đoàn vào, đoàn ra 3.9- Chi phí thường xuyên liên quan đến công tác thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành. 3.10- Chi đào tạo tập huấn cho công chức, viên chức trong đơn vị ( không kể chi đào tạo lại theo chi tiêu của nhà nước ) 3.11- Chi khác: trả gốc và lãi vốn vai các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước (nếu có); sử dụng nguồn thu sự nghiệp đóng góp từ thiện xã hội, chi trợ giúp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trật tự an ninh ... Các khoản chi không thường xuyên thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 củ Bộ Tài chính.
8