CÁCH TIẾP CẬN HỆ THỐNG TRONG CHÍNH TRỊ HỌC Ngô Huy Đức
[email protected] Viện Chính trị học Học viện CTQGHCM
I. Đặt vấn đề Ba mối quan tâm hàng đầu của tôi trong nghiên cứu và giảng dậy chính trị học: - Tính tin cậy của các kết luận trong nghiên cứu chính trị học - Tính có ích của chúng: có rộng rãi, phổ biến - Tính mới Tôi cho rằng vấn đề về tính tin cậy (tức tính khoa học, khách quan) hay cụ thể hơn là tính thực chứng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong giai đọan hiện nay của CTH nước ta. Ăng-ghen đã viết: “ Mọi khoa học, ngoài Lô-gíc và phép biện chứng, đều có thể quy về khoa học thực chứng”. Vậy khái niệm HTCT có ích gì cho việc nâng cao tính tin cậy này ? Tuy vậy, đây là đề tài lớn, và trước khi đi sâu, có thể khái quát lại ngắn gọn bối cảnh phát triển của “tính tin cậy” - tính khoa học - trong nghiên cứu Chính trị học trên thế giới cũng như ở Việt nam. Xét từ Thế kỷ 17, Bối cảnh lớn có thể khái quát là: Mác, cũng như các nhà tư tưởng khai sáng (đặc biệt là Comte, Spencer) tin rằng : 1 – Thế giới (tự nhiên và xã hội) là có trật tự : được sắp xếp trong không gian và thời gian theo một trật tự nào đó, có lý. Là cosmos chứ không phải chaos - hỗn lọan. 2 – Con người có lý tính, và lý tính đó có thể phát hiện được trật tự đó, dưới các hình thức là các mối quan hệ nhân quả bền vững, các quy luật, tính quy
luật v.v. 3 – Hơn thế nữa, lý tính của con người có thể sử dụng được trật tự đó cho mục đích của mình. Với quan niệm có tính cách mạng này, sự tăng trưởng tri thức của nhân loại, đặc biệt là khoa học tự nhiên, đã có những thành tựu vượt bậc trong khoảng 3 thế kỷ qua. Các phát triển của khoa học tự nhiên đã đi trước, cả về phương pháp lẫn kết quả, và ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của khoa học xã hội. Cho đến nay, có thể nói, khoa học xã hội vẫn cố gắng để đạt đến sự trong sáng, độ tin cậy, tính ứng dụng mà khoa học tự nhiên đã đạt được. Điều này thể hiện nổi bật ở sự quan tâm đến việc phát triển các lý thuyết có thể kiểm nghiệm được, . Đây có thể là tiêu chí chính để đánh giá sự phát triển của một khoa học, trong đó có cả Chính trị học. Trong việc phát triển này, cách nhìn nhận các hoạt động chính trị có tính độc lập tương đối, có mối liên hệ nhân-quả ổn định, có các mẫu hình tương tác và phát triển phổ quát là các đặc điểm nền tảng của cách tiếp cận hệ thống. Bài này chỉ đề cập đến cách tiếp cận hệ thống như là một cách thức để đạt được, trước hết là, độ tin cậy và cùng với nó, là tính hữu ích trong hoạt động của chúng ta. II- Hệ thống các tổ chức chính trị và nhìn nhận chính trị như một hệ thống Hai khái niệm này đều có thể dùng cùng 1 thuật ngữ là Hệ thống chính trị. Danh từ HTCT như chúng ta thường dùng trong cuộc sống hiện nay dương như có tính sự vật rất cụ thể: vì chúng ta có thể thấy được, chỉ ra rõ ràng, biết cả các “địa điểm” các thành phần của chúng – đó là tập hợp các tổ chức (hay “thể chế”) chính trị nhất định, ảnh hưởng mật thiết tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Thực ra “sự vật cụ thể” đó là khái niệm trừu tượng, là kết quả của cách tiếp cận hệ thống khi nghiên cứu về các hoạt động chính trị.
Nhà thờ lớn ở phố Nhà chung có thuộc HTCT này không ? Câu trả lời là tùy thuộc quan niệm và mục tiêu nghiên cứu. Trong một môi trường và không gian khác, nó có thể là cơ quan quan trọng, dứt khoát không thể loại bỏ ra khỏi cái mà chúng ta gọi là HTCT. Hiện nay, dù có thể không thay đổi về địa điểm, tổ chức, v.v. ít ai coi nó là thành phần của HTCT. Vậy khái niệm HTCT như chúng ta dùng trong cuộc sống đó thể hiện cái kết quả đáng tin cậy của nghiên cứu chính trị, chứ không phải nó vốn có hay đương nhiên có như vậy. Nói cách khác, HTCT có ít nhất hai nghĩa: ngoài nghĩa như trên (cụ thể là một tập hợp các tổ chức với các chức năng của chúng) còn có nghĩa là cách nhìn nhận các họat động chính trị như một hệ thống. Rõ ràng, nghĩa thứ hai này là nền tảng cho nghĩa thứ nhất, như trong ví dụ về Nhà thờ lớn cho thấy. Bài này đề cập đến nghĩa thứ hai, vì đây cúng là việc xây dựng một cách thức nghiên cứu khả dĩ đêm lại độ tin cậy cho các kết luận, các lý thuyết của chúng ta. 1 – Lý do cần cách tiếp cận hệ thống: Lý do căn bản nhất, chính là chúng ta cần một cách thức để nhìn nhận những yếu tố nào là quan trọng nhất đã ảnh hưởng đến các hoạt động chính trị của chúng ta. Nói cách khác, khi quan sát các hiện tượng chính trị, chúng ta muốn giải thích chúng trong khuôn khổ nào, trong các mối liên hệ với hiện tượng nào. Như vậy điều cốt yếu của cách tiếp cận hệ thống là chỉ ra các yếu tố (các biến số, dữ liệu) nào cần quan sát, trong việc giải thích (xây dựng lý thuyết) và kiểm nghiệm (chứng thực) các giải thích đó. Như vậy, HTCT trước hết là khuôn khổ để thu thập dữ liệu thực tế (thông qua quan sát, phỏng vấn,số liệu thống kê v.v.). Chính sự khác biệt của khuôn khổ này làm nên sự độc lập tương đối của bộ môn nghiên cứu. HTCT không thể trùng một cách cơ bản với, ví dụ như, hệ thống kinh tế hay văn hóa. Hiển nhiên, yêu cầu đầu tiên chính là khuôn khổ đó phải được giới hạn, vì mọi điều đều ảnh hưởng lẫn nhau trong thực tiễn (như hiện tượng “Hiệu ứng của cánh bướm” hàm chỉ). Mô hình hay lý thuyết chỉ có ích khi chúng khác với
nguyên mẫu, khi chúng tóm lược được các yếu tố và mối liên hệ cơ bản nhất. Các hiện tượng chính trị cũng chỉ là các hiện tượng xã hội, và các yếu tố căn bản mà khi chúng ta nghiên cứu chính trị không thể bao gồm tòan bộ các yếu tố của đời sống xã hội. Đây là các yếu tố, mà chúng ta muốn tách biệt chúng ra khỏi vô số các yếu tố trong đời sống xã hội, với hy vọng rằng, dù không đầy đủ, chúng vẫn có thể giải thích được, một cách khá tin cậy, các hoạt động chính trị, tức tìm ra các quy luật chính trị. Nói cách khác, HTCT cũng là một cách đơn giản hóa đời sống chính trị, vốn có vô số các dữ liệu, và vì vậy, vượt khả năng xử lý của chúng ta. Về nguyên tắc, muốn đạt độ tin cậy cao, mọi yếu tố ảnh hưởng cần được xem xét, nhưng điều đó là bất khả. Các yếu tố này, như chúng ta đã tìm ra, là nhà nước, là đảng chính trị, là hệ tư tưởng, là văn hóa chính trị, các phe cánh, các nhóm áp lực chính trị, là nhà thờ, là giai cấp, v.v. Chúng khác nhau trong các thời gian và không gian khác nhau. Hiển nhiên, chúng cũng là các yếu tố quan trọng của nhiều hiện tượng xã hội khác, nhưng trong việc nhìn nhận, giải thích các hoạt động chính trị, chúng đều cần phải có các tính chất: i – là các yếu tố có ảnh hưởng, liên hệ chặt chẽ với nhau. ii – Mối liên hệ đó có tính lặp lại tức có tính quy luật, tính phổ quát – tức đúng trong nhiều trường hợp. Việc nhìn nhận như vậy các hoạt động chính trị cũng có nghĩa đã đặt lên hàng đầu việc tìm hiểu tính không ngẫu nhiên của các hoạt động chính trị, cũng là tính đáng tin cậy của các nghiên cứu. Cách tiép cận hệ thống, như vậy, có thể thấy xuất phát từ việc cân nhắc sự tối ưu về tính đáng tin cậy trong nghiên cứu với khả năng nghiên cứu hữu hạn của chúng ta. Về bản chất, nhìn nhận chính trị như hệ thống – tức HTCT – cũng có nghĩa đây là phép ánh xạ từ sự vô hạn của đời sống chính trị vào tập hợp hữu hạn các khái niệm của tư duy. Hệ quả của sự ánh xạ không tòan phần như vậy là rõ: chúng luôn không đày đủ, luôn ẩn chứa các lệch lạc. Sự khác biệt, và từ đó các tranh luận và trường phải, là đương nhiên, thậm chí, là cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của các lý thuyết chính trị.
Theo cách suy luận đó, việc sử dụng khái niệm HTCT, đối với chúng ta chính là để phát triển các lý thuyết chính trị có thẻ kiểm nghiệm được, đáng tin cậy. Các lý thuýet đó, dù khác nhau, nhưng luôn gồm 2 phần cơ bản là : 1- các khái niệm (để chỉ các yếu tố căn bản), và 2 - các lập luận về mối quan hệ giữa các khái niệm đó. Có thể tóm tắt các hoạt động nghiên cứu chính trị, khi nhìn nhận chính trị là hệ thống, thành các hoạt động cơ bản sau: 1. Quan sát và thu thập dữ liệu : HTCT (t0) và HTCT (t1) (tức tại 2 thời điểm to và t1) 2. Phát triển lý thuyết: là sự giải thích tại sao HTCT tại điểm ban đầu t0 lại chuyển thành HTCT (t1) : HT(t0) – lý thuyết – HTCT (t1) 3. Kiểm nghiệm lý thuyết: nếu biết được HTCT(t0) và Lý thuyết, chúng ta sẽ suy đoán rằng HTCT(t1) sẽ xẩy ra. Sự so sánh với thực tế tại thời đỉem t1 chính là sự kiểm nghiệm. 4. Suy đóan nguyên nhân: Với HTCT(t1) và lý thuyết chúng ta có thể suy đóan lại HTCT(t0), tức suy đóan về các sự kiện đã xảy ra, dù không có dữ liệu về chúng. 2 – Chính trị khi được nhìn nhận như một hệ thóng cần bao gồm các yếu tố nào ? Phần này điểm qua một số quan niệm về hệ thống chính trị trong các tài liệu nghiên cứu về chính trị học. Tại nước ta, thuật ngữ "hệ thống chính trị" (HTCT) được chính thức sử dụng rộng rãi trong độ 10 năm trở lại đây dù nội hàm của thuật ngữ cũng còn có chỗ chưa thống nhất. Ở nước ta có hai cách hiểu chính: cách thứ nhất HTCT với nghĩa là hệ thống chuyên chính vô sản, và cách thứ hai rộng hơn và cũng thường được dùng hơn là bao gồm các thiết chế chính trị như Đảng, nhà nước, và các đoàn thể quần chúng hợp pháp (xem Bình N.D, và các tác giả khác, 1999). Tại phương Tây, HTCT cũng có thể được hiểu và dùng theo 3 cách chính:
i) Với nghĩa hẹp, HTCT hàm ý các thiết chế của chính phủ. Cách này được dùng phổ biến trong các nghiên cứu đặt trọng tâm vào các vấn đề về luật pháp, như thi hành, cưỡng chế v.v. và nhấn mạnh vào cấu trúc nhà nước như luật định . Nghĩa này thường được dùng trong các nghiên cứu về nhà nước, luật, hiến pháp; ii) Với nghĩa rộng hơn, HTCT còn bao gồm thêm cả các đảng phái chính trị, các nhóm vận động, các tổ chức xã hội chính trị hợp pháp khác. Cách hiểu này nhấn mạnh vào các hành vi chính trị thực tế nói chung chứ không chỉ riêng các hành vi như được luật định (hoặc cần như luật định). Nghĩa này của HTCT thường được dùng trong các nghiên cứu về chính sách; iii) Cách hiểu thứ ba lại rộng hơn nữa khi HTCT còn bao gồm thêm các quá trình tương tác, hệ tư tưởng, văn hoá chính trị v.v.
Cách hiểu này nhấn mạnh
vào các quá trình tương tác và tiềm ẩn của mọi yếu tố, hay tổ chức (kể cả bất hợp pháp) và thường được dùng trong các nghiên cứu về biến đổi chính trị. Dù với nghĩa nào, bản thân thuật ngữ "Hệ thống chính trị" rõ ràng nhấn mạnh tính "hệ thống" và tính "chính trị". Và với các tiếp cận hệ thống như đã phân tích bên trên, có thể thấy: tính hệ thống để chỉ sự liên kết và tương tác bền vững, khá ổn định giữa các yếu tố cấu thành hệ thống nhằm xử lý các yêu cầu chính trị (của bản thân quốc gia đó cũng như của các nước khác) – tức là đầu vào-, và đưa ra các mục tiêu, nguyên tắc, đường lối, quyết sách chính trị – tức đầu ra, sản phẩm của "hệ thống". Sự nhấn mạnh tính chính trị có hàm ý là HTCT cũng chỉ là 1 tiểu hệ thống bên cạnh các tiểu hệ thống xã hội khác như hệ thống kinh tế, tôn giáo, khoa học, giáo dục v.v., dù rằng tiểu hệ thống này có một vị trí đặc biệt ảnh hưởng quan trọng của các tiểu hệ thống khác, cũng như bị ảnh hưởng bởi các tiểu hệ thống đó. Trong 3 cách hiểu như trên, các nhà nghiên cứu Chính trị học phương Tây thường tập trung vào cách dùng thứ hai, tức là nhấn mạnh vào nghiên cứu chính sách và các tương tác thực tế trong hoạt động chính trị. Điều này phản ánh tinh thấn nghiên cứu thực chứng và quan điểm ứng dụng của nhiều nhà nghiên cứu
chính trị phương Tây1. Để tham khảo thêm cách nhìn này có thể lấy cách nhìn của đa số các sách báo chính trị học phương tây (Xem Almond, 1999) về HTCT như sau: Hình 1 khái quát về hệ thống này, trong đó sự xử lý các yêu cầu của xã hội (tức "đầu vào") để đạt được các kết quả ( hay "đầu ra") được nhấn mạnh. Tính "hệ thống" của hệ thống chính trị chính được hiểu xoay quanh sự xử lý đó. Sự phân thành 3 nhóm các chức năng của HTCT có thể còn phải bàn cãi nhiều, tuy nhiên ý đồ của việc phân loại như vậy cũng có những cơ sở nhất định. Các chức năng hệ thống bao gồm các chức năng để phát triển, duy trì chế độ chính trị, đảm bảo sự an toàn của cả HTCT nói chung. Các chức năng này cũng có thể bao gồm các khía cạnh về hệ tư tưởng. Các chức năng về tiến trình chính sách là các chức năng được nhấn mạnh vì tầm quan trọng của nó trong việc xử lý của hệ thống. Các chức năng này bao gồm các giai đoạn của một chu trình chính sách. việc phân loại các chức năng này ra các nhóm nhỏ về cơ bản là dựa trên chu trình đó. Các chức năng quản lý xã hội chính là việc "sử dụng" các đầu ra của chính sách ra sao, trong đó bao gồm cả các công việc thiết lập các qui định, pháp luật (điều tiết hành vi), thu và phân bổ sử dụng các khoản thu như thuế, và các nguồn lực khác.v.v. Từ góc độ chính trị học, chúng tôi cho rằng một cách phân loại có ích khác có thể xuất phát từ tính chất của quyền lực chính trị. Theo đó, mọi HTCT đều phải thực hiện ít nhất 5 chức năng cơ bản sau: 1) Tìm kiếm sự đồng thuận về mục tiêu chung của hệ thống. 2) Xác định cách thức đạt mục tiêu chung đó (cơ chế ra và thực thi quyết định chính trị hay qui trình chính sách theo nghĩa rộng), 1
Tuy nhiên cũng cần nhận xét rằng ở các nước phương Tây, khái niệm "hệ thống chính trị cấp cơ sở" ít được dùng mà người ta hay dùng nhà nước (hay chính quyền) địa phương, vì trong cấu trúc hệ thống chính trị quốc gia, sự phân cấp hành chính (từ trung ương đến địa phương hay cơ sở) là rõ ràng và do luật định. Trong khi đó, sự phân cấp tương tự như vậy của các tổ chức chính trị khác như đảng phái, đoàn thể v.v. lại không rõ ràng hoặc thậm chí không có.
3) Lựa chọn các lãnh đạo chính trị của cả hệ thống, 4) Xác lập cơ chế tự bảo vệ, và trật tự của hệ thống 5) Xác định cơ chế giao tiếp và phản hồi chính trị. Theo cách tiếp cận hệ thống, tất cả các chức năng và hoạt động này đều phải được xem xét trong tác động của môi trường trong nước và quốc tế. Qui mô dân số, vị trí dịa chiến lược, các yếu tố lịch sử văn hoá v.v. đôi khi đã thể hiện những tác động rất rõ lên các yếu tố của HTCT như chúng ta đã thấy trong nhiều trường hợp. Hình 1: HTCT và các chức năng của nó
Các chức năng hệ thống: vận động, giao tiếp, huy động, xã hội hoá
Các chức năng về tiến trình chính sách: 1. Tìm hiểu các vấn đề 2. Tổng hợp các lợi ích. 3. Hoạch định chính sách 4. Thực thi và điều chỉnh chính sách
Các chức năng quản lý xã hội: 1. Điều tiết hành vi 2. Sử dụng các nguồn lực (thuế,..) 3. Cung cấp dịch vụ
Quan niệm về hệ thống chính trị như trên là tương đối điển hình trong chính trị học phương Tây và cũng có thể là một xuất phát điểm thích hợp cho các nghiên cứu mang tính phân tích của chúng ta ở mức độ khái quát. Như vậy, cụ thể hóa cách tiếp cận hệ thống cho thấy khi nghiên cứu bất cứ một hệ thống chính trị nào đều cần nghiên cứu các thành tố căn bản sau: 1. Các bộ phận cấu thành của hệ thống (Nhà nước, đảng, các tổ chức chính trị khác): đây chính là các thể chế chính trị. 2. Chức năng của từng bộ phận đó (lập pháp, hành pháp, tư pháp, huy
động quần chúng, tuyên truyền, v.v.) : bao gồm sự ủy quyền hợp pháp. 3. Sự tương tác của chúng trong việc thực hiện 5 chức năng cơ bản của hệ thống: sự vận động trong thực tế của các thể chế này. Mở rộng ra hơn, các yếu tố sau cũng có thể được xem xét: 4. Môi trường trong nước của HTCT: sự ảnh hưởng của văn hóa, thói quen, truyền thống đến các hoạt động chính trị. 5. Môi trường quốc tế: sự ảnh hưởng, ràng buộc của các nước khác và các tổ chức quốc tế đối với các hoạt động chính trị trong nước. Việc đưa thêm các yếu tố 4 và 5 cũng thể hiện cách nhìn động : tức HTCT luôn nằm trong quá trình biến đổi, thích nghi như một cơ thể sống. III. Kết luận 1. HTCT có thể được hiểu theo nhiều nghĩa, tuy nhiên chúng có điểm xuất phát chung: đều là kết quả của việc nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng chính trị như là kết quả của sự tương tác phức tạp – của cả một hệ thống. 2. Việc nhìn nhận chính trị thành một hệ thống, bản thân là kết quả của nhiều năm nghiên cứu đã được chứng thực, không phải là các qui định mang tính pháp lý. 3. Dù nội hàm của khái niệm HTCT có thể khác nhau tùy vào mục tiêu nghiên cứu, chúng có mấy đặc đỉem chung: i – tính độc lập tương đối (tức tính chỉnh thể) với các lĩnh vực, các hệ thống khác của đời sống xã hội ii – Bao gồm các yếu tố chủ yếu, quan trọng nhất, có ảnh hưởng một cách ổn định đến các hoạt động chính trị iii – Cách tiếp cận HTCT nhấn mạnh sự tương tác giữa các bộ phận cấu thành trong quá trình thực hiện các chức năng của tòan bộ hệ thống. Từ đó, hệ thống có thể có các tính chất mà từng bộ phận riêng của nó không có. Và vì vậy, việc giải thích các hiện tượng này bắt buộc phải nhìn nhận toàn bộ hệ thống,
chứ không pahỉ từng phần riêng lẻ của nó. 4. Sự tương tác đó (trong cách nhìn nhận hệ thống) lại có thể được nhìn nhận theo nhiều góc độ khác nhau như : từ góc độ quyền lực (hình thành và tương tác như thế nào ?), từ góc độ văn hóa (chịu qui định bới các truyền thống và giá trị lịch sử như thế nào?), từ góc độ kinh tế (tương tác như thế nào với hệ thống sản xuất) ...v.v. Việc cố gắng phân chia tương đối rành mạch như vậy là cần thiết để có thể phát triển các lý thuyết có độ tin cậy (dù có thể là phiến diện và không đầy đủ) . 5. Một cách khái quát, HTCT (ở bất cứ cấp độ nào) đều co thể được nhìn nhận và phân tích theo 5 thành tố và 5 chức năng cơ bản của hệ thống.