Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Là học sinh, sinh viên, là thế hệ trẻ, tương lai của nước nhà, chúng ta phải chung tay góp sức cùng cả nước gìn giữ, bảo vệ nền độc lập và trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ, phải thể hiện tinh thần yêu nước, quyền tự tôn dân tộc. Mà cụ thể nhất là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những mảnh đất miền cực Đông của Tổ quốc. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm gần như giữa Biển Đông, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" và “đội Bắc Hải” nhằm thu lượm hàng hóa, khí cụ và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Và cho đến khi nước ta bị đô hộ bởi thực dân Pháp, hai quần đảo này thực sự đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Theo các qui định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà nước ta là một thành viên , quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên một vùng biển rộng gấp rất nhiều lần diện tích lãnh thổ đất liền; kiểm soát các tuyến hàng hải, làm chủ các vị trí chiến lược về quốc phòng cũng như các tài nguyên biển và lòng đất dưới đáy biển. Bởi những lẽ đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một phần máu thịt của đất nước Việt Nam hiện đang bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực yêu sách chủ quyền. Tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo là một trong ba vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ mà chúng ta đang giải quyết và là vấn đề khó khăn nhất. Các tranh chấp này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia đòi hỏi chủ quyền mà còn là vấn đề thu hút sự quan tâm của các cường quốc và là yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định trên Biển Đông. (Trích Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam) Cách nay 19 năm, vào ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm các đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam, 74 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam hi sinh giữa biển khơi. Và xa hơn một chút, ngày 19-1-1974, hải quân Trung Quốc cũng đã dùng nhiều chiến hạm và phi cơ cưỡng chiếm
toàn bộ Hoàng Sa. Trong trận hải chiến lịch sử và không cân sức này, 58 binh sĩ quân đội Sài Gòn đã ngã xuống nhưng không giữ được mảnh đất thiêng liêng của ông cha. Hoàng Sa từ ấy rơi vào tay Trung Quốc. (Trích Báo Tuổi trẻ) Và gần đây, người láng giềng Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ta bằng việc thực hiện những cuộc tập trận ở Hoàng Sa, mở tour du lịch ra Hoàng Sa, xây dựng căn cứ quân sự… Và mới đây nhất, đó là việc Quốc vụ viện Trung Quốc quyết định thành lập huyện Tam Sa để quản lý một số đảo trên biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Đáp lại những hành động của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tục có những công văn, tuyên bố bày tỏ sự phản đối và chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo này. Và cũng đã có nhiều cuộc họp, đàm phán cấp cao giữa chính phủ hai nước xoay quanh vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đây là một đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm giải pháp cơ bản, lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được bằng con đường ngoại giao ôn hòa, tránh gây xung đột. Bên cạnh đó, ta vẫn không ngừng củng cố, tăng cường thế và lực của đất nước, hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân nhằm tạo một sự tương quan lực lượng giữa ta và các nước trong vùng tranh chấp. Ta luôn cố gắng dành những điều kiện có thể cho Trường Sa, bù đắp phần nào những thiếu thốn, khó khăn của những chiến sĩ Trường Sa thân yêu mà như ông cha ta đã từng nói “Thực túc, binh cường”. Bởi các chiến sĩ hải quân Trường Sa chúng ta phải thi hành nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt cả vật chất và tinh thần, chịu nhiều thiệt thòi so với hải quân của các nước Trung Quốc, Đài Loan,… trong vùng tranh chấp. Và Đoàn TNCS là tổ chức đi đầu trong việc phát động các chiến dịch, chương trình quyên góp, ủng hộ cho Trường Sa, mà tiêu biểu là chương trình “Mua vé số vì Trường Sa thân yêu”. Chương trình đã được Đoàn TNCS thành phố thực hiện trong nhiều năm qua và liên tiếp thu được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chương trình này đã được thực hiện trong một thời gian khá dài nên đã tạo sự nhàm chán đối với các bạn trẻ, và cùng với căn bệnh thành tích, từ việc mua vé số dựa trên tinh thần yêu nước tự nguyện, giờ đây các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên đã mua những tờ vé số một cách gượng ép, bắt buộc. Điều này đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của chương trình, đó là đề cao tinh thần yêu nước, tự nguyện của giới trẻ. Thiết nghĩ, chúng ta cần có một chương trình mới cũng
với mục đích tương tự để thu hút sự ủng hộ và đóng góp của các ban đoàn viên, học sinh, sinh viên. Như tôi được biết, vào sáng ngày 9/12/2007, một số lượng lớn người dân đã tụ tập một cách tự phát trước Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bày tỏ bất bình đối với các hành động xâm phạm chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa mà Trung Quốc thực hiện trong thời gian gần đây. Tham gia vào 2 cuộc tụ tập phản đối này đa phần là các bạn học sinh, sinh viên và giới trẻ. Các bạn hô vang những câu: “Đả đảo Trung Quốc”, “Hoàng Sa – Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, mãi mãi là như thế”,… Và khi cuộc tụ tập đến hồi cao trào thì hai đồng chí Lê Thanh Hải và Tất Thành Can đã kịp thời có mặt và yêu cầu đám đông giữ bình tĩnh, mời những bạn trẻ có mặt đến Nhà văn hóa Thanh niên, cùng với một lời hứa Thành Đoàn sẽ tổ chức một cuộc mit tinh phản ánh về vấn đề này (mọi thông tin sẽ được Báo Tuổi Trẻ thông báo). Thông qua đây, ta có thể thấy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của các bạn trẻ ngày nay là rất lớn, họ có ý thức được những gì mà đất nước đang đối mặt. Tuy nhiên, lòng yếu nước của họ có thể nói là đã đặt chưa đúng chỗ và đúng lúc, họ chưa biết cách thể hiện lòng yêu nước của mình. Các bạn trẻ chưa ý thức được những hành động tự phát này của mình không những không có hiệu quả mà còn có thể gây nguy hại cho đất nước. Tại sao chúng ta không thể hiện lòng yêu nước bằng hành động? Thay vì hô hào phản đối, sao ta không tham gia những chương trình quyên góp ủng hộ cho Trường Sa, Hoàng Sa mà Đoàn TNCS tổ chức? Và chính cuộc tụ tập phản đối này cũng đã giúp gợi ra một chương trình đề xuất thay thế cho chương trình “Mua vé số vì Trường Sa thân yêu” đã khá cũ như nêu trên. Tại sao chúng ta có thể tổ chức chiến dịch “Ký tên vì Hoàng Sa thân yêu” được khá nhiều bạn trẻ ủng hộ, lại không thể tổ chức những cuộc “Đi bộ đồng hành vì Trường Sa thân yêu”. Từ những cuộc đi bộ đồng hành này, ta vừa có thể gây quỹ ủng hộ Trường Sa từ số tiền thu được của các đơn vị, tập thê, cá nhân tài trợ, vừa thỏa mong muốn đóng góp cho đất nước của cá bạn trẻ mà lại không làm ảnh hưởng đến tình giao hảo giữa Việt Nam và các nước tranh chấp. Đồng thời, chương trình còn khơi dậy lòng yêu nước tìm ẩn trong mỗi con người Việt Nam, thể hiện nhiệt huyết, sức trẻ của các bạn đoàn viên, học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp vừa có thể đóng góp cho sự toàn vẹn lãnh thổ nước nhà, vừa có cơ thội để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Như hai đồng chí Lê Thanh Hải và Tất Thành Can đã hứa giao cho Thành Đoàn tổ chức một cuộc mit tinh về vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa cho các bạn trẻ. Vậy tại sao không biến cuộc mit tinh này thành một cuộc “Đi bộ đồng hành vì Trường Sa thân yêu lần thứ I” và kêu gọi các đơn vị tài trợ ủng hộ. Chắc chắn chương trình sẽ được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các bạn trẻ và nhiều người dân trong xã hội.