Bài thuyết trình của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trước Bộ Chính Trị ĐCSVN Lời giới thiệu: Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu dài 32 trang của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong một cuộc họp kín của các thành viên Bộ Chính Trị hôm 2-11-2005, nhằm chuẩn bị cho Đại Hội lần thứ 10 của đảng CSVN. Ông Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của CSVN, từng giữ vai trò cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam như các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh... *** Tôi rất cám ơn anh Trần Đình Hoan đã có một bức thư đặt vấn đề rất nghiêm túc. Với tinh thần chịu trách nhiệm một cách đầy đủ và nói thẳng thắn với Đảng, với dân, tôi có chuẩn bị (…). Thứ nhất, tôi xin phép nói về tình hình, thực trạng của Việt Nam. Thứ hai là một số vấn đề về kinh tế thị trường và một số vấn đề về hội nhập để chúng ta thấy bối cảnh của vấn đề đó. Bối cảnh nước Việt Nam đang vận động ở khung cảnh nào, trong môi trường nào, trong thế giới nào và chúng ta đang đứng ở đâu, người ta đánh giá chúng ta như thế nào? Từ đấy, chúng ta thấy hệ thống chính trị của chúng ta cần được cải cách trong một bối cảnh theo những tiêu chí gì và với các yêu cầu gì. Để chuẩn bị Đại hội X, chúng ta đều biết là có Hội nghị Trung ương 11, tổng kết 20 năm, sẽ có bổ sung sửa đổi Cương lĩnh của Đảng ở mức độ nhất định, bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng, vấn đề nhân sự và bổ sung sửa đổi chiến lược kinh tế xã hội ở chừng mực. Có thể có yêu cầu phương hướng nhiệm vụ (...) mà anh Khải đã ký Chỉ thị 55, trong đó nêu lên yêu cầu mở rộng dân chủ, tranh thủ trí tuệ trong nước ngoài nước. Từ ngày 23 đến ngày 27/8, ông Joseph E. Stiglitz đã sang đây. Ông là con người rất có lòng đối với Việt Nam, nhà ở của ông ấy có treo ảnh Bác Hồ và ở phòng khách thì tất cả những gì trưng bày ở đấy toàn là đồ vật của Việt Nam cả. Cũng xin báo cáo với các anh các chị là ông ấy đi giảng khắp nơi với giá 6.000 đô la một giờ, nhưng sang Việt Nam thì ông không lấy xu nào. Thực trạng đất nước? Bây giờ chúng ta nhìn xem đất nước chúng ta nó thế nào ? Dân số 81.3 triệu người, diện tích 330.900 km2. GDP năm 2003 là 40 tỉ, năm nay nếu như mọi việc suôn sẻ thì được 42 tỉ. GDP bình quân đầu người khoảng 500 đô la Tính theo sức mua tương đương viết tắt là PPP, thì ở các nước nghèo tiền cắt tóc gội đầu này khác thì rẻ đấy, giá nhân công rẻ, phúc lợi xã hội thấp… Năm nay tốc độ tăng trưởng là 7, 6%. Cũng xin lưu ý là chỉ có Việt Nam mới công bố kết quả kinh tế - xã hội trước khi kết thúc năm, mặc dù mình chỉ nắm được dự báo. Nhưng nhiều khi mình nói chắc nịch quá, nên người ta nhìn thấy cái tiết mục đó người ta cũng hơi bối rối. Các nước khác thì sớm nhất sau hai quý mới có cái đó được, sau
một quý thì chỉ nói đây là dự báo gần đúng; công nghiệp là 15, 5%; nông nghiệp là 13, 7%; dịch vụ là 7, 8%; chỉ số giá cả khoảng 10%. Nhân đây tôi cũng xin bình luận việc hôm qua ông Nguyễn Ngọc Tuấn công bố cấm các tổng công ty không được tăng giá. Đấy là ông ấy nói chơi đấy chứ. Giá xăng lên như thế, Việt Nam Airlines lỗ, than cũng lỗ, tất cả đều lỗ (...) Ông ấy bảo bấm bụng mà chịu, bấm bụng chịu cho đến bao giờ ? Bây giờ ông lấy giá đó cốt để rồi ông ấy bảo đã đạt chỉ tiêu vượt bao nhiêu phần trăm. Cái giá ấy là một giá tạm thời, nó giống như cái lò xo bị nén vào. Nén vào rồi đến lúc mở ra thì nó phải bựt ra, mà bựt mạnh lắm. Tôi thấy trên thế giới không ai làm như thế và mắm môi mắm lợi làm như vậy cả. Mà làm việc giảm chi phí, tức là giảm chi phí năng lượng, chi phí nguyên vật liệu, áp dụng công nghệ mới, giảm chi phí văn phòng, các thứ này khác... mới là chuyện cần thiết, hơn là bảo không được tăng giá. Các anh các chị đều biết là mỗi một doanh nghiệp Việt Nam đều có một đội xe tải. Các đội xe tải đó không bao giờ hoạt động một cách bình thường, tức là không hết công suất và không chạy hai chiều. Trong khi đó, thì như ở miền Nam và tất cả các nơi trên thế giới, một cái xe tải một ngày chạy 22 tiếng đồng hồ, ít nhất phải có 2 đến 2 rưỡi lái xe, chạy 100% công suất. Một chiếc xe tải như thế ở trong thành phố Hồ Chí Minh một ngày nó không lãi 6 triệu, 8 triệu coi như nó khóc. Doanh nghiệp nó có xe tải gì đâu, nó cứ bấm một cái rồi nó bảo mày đến đây chở, xong rồi nó chở. Và như vậy là nó thân nhau đến mức anh lái xe ấy cứ cầm luôn hoá đơn đến giao hàng, rồi nhận tiền về và giao lại, không cần vé gì cả. Có như thế mới hoạt động được. Chứ bây giờ mình làm như thế này có lẽ cần phải tính. Bây giờ về mặt xuất khẩu đạt 25,1 tỉ, tăng 4%; nhập khẩu hơn 27 tỉ; về bội chi ngân sách 5%. Đánh giá về ổn định tài chính và khả năng tin cậy về tín dụng thì ta được xếp loại b+ (nhất thì a+, 3 con a+). Hiện nay là Singapore là 3a+, không có tháng nào là không 3a+ cả. Tệ nhất là 3c, là ông Bắc Triều Tiên. Trung Quốc nói là từ năm 53 đến giờ, cung cấp không biết bao nhiêu là dầu lửa, mà Bắc Triều Tiên không trả xu nào. Độ sâu tài chính, tức là tổng số tiết kiệm của ngân hàng trên GDP độ 44%. Tổng lương tín dụng trên GDP khoảng độ 48%, Trung Quốc là 162%. Đến thị trường chứng khoán thì không có nghĩa lý gì khoảng 1,6%; đây là chú bé năm nay hơn 3 tuổi nhưng không chịu lớn và rất nghèo và bị tật bệnh, không những bị ghẻ lở trong người mà còn nhiều tật bệnh nặng hơn nhiều. Triết lý kinh tế thị trường Có hai mô hình về việc phát triển kinh tế thị trường. Những người gửi tiền vào ngân hàng thì được lãi suất, ông ngân hàng cho vay thì ông ấy chịu hoàn toàn rủi ro. Còn thị trường chứng khoán thì mọi người đều có lợi và mọi người đều cùng chịu rủi ro. Mác ngày trước nhìn đến một tương lai là xã hội cộng sản, đến sở hữu cộng đồng, thì đấy là thị trường chứng khoán đấy. Trong một nền kinh tế như nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán lớn hơn ngân hàng rất nhiều. Cho nên có thằng này, thằng kia bị nhưng kinh tế vẫn phát triển. Còn nền kinh tế như Trung Quốc, Nhật Bản bây giờ, ngân hàng chiếm phần lớn, thị trường chứng khoán rất bé, thì đấy là nền kinh tế phụ thuộc vào độ rủi ro của ngân hàng. Độ tiết kiệm ở trong nước mình bây giờ độ khoảng 31%, so với độ tiết kiệm của Trung Quốc từ 3-40 năm nay là trên 40%; Singapore là 45-46%.
Singapore không phải là nó chỉ có tự nguyện, bởi vì nó không có đất cho nên nó bắt thằng nào vừa ra trường làm việc một cái là phải nộp 20% tiền lương để nhà nước bán chịu nhà cho nó. Vừa ra trường đi làm lấy vợ một cái là có một căn hộ 120m2, thế đấy, nhưng suốt đời mày phải trả dần. Cho nên, đó là một động lực để cho mọi người đều phải làm ăn rất là nghiêm chỉnh, thằng nào mà lơ mơ một cái là nó đuổi cổ, không có tiền để mà trang trải nữa, nợ chồng chất lên là gay. Cho nên, các bạn thấy cái triết lý của kinh tế thị trường là để cho mọi người tự do, tự do quyết định, tự do hành động, nhưng mà các đòn bẩy nó ràng buộc người ta ghê lắm. Cho nên các bạn xem trong kinh tế hiện đại có mấy ông nào dám đối nghịch đâu. Bởi vì bọn chủ cũng lắng nghe thợ, và mấy ông kia nếu mà đình công thì ông chủ không có tiền ông ấy trả nữa. Như người Mỹ chẳng hạn, nó cũng mua chịu hết, từ ô tô đến nhà đến cửa. Nếu mà 3 tháng ông không trả được thì nó đến nó tịch thu hết tất cả, nó lấy hết tất cả thì coi như ông trắng tay. Cho nên ông phải biết dè chừng, ông làm điều gì đấy để mà cố gắng làm sao cho nó đừng đuổi cổ, chứ nếu mà nó đuổi cổ mà ông không có việc làm thì ông chết ngay. Và ở đây một con số nữa mà tôi muốn nêu lên đó là đến cuối tháng 8/2004 thì ta có khoảng 24.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Như vậy có nghĩa là tính năng động của Việt Nam là lớn. Dân chủ và ổn định chính trị Vị trí của ta trên thế giới thì được nhiều nước công nhận là dân tộc kiên cường, đấu tranh bất khuất, có lịch sử, nền văn minh lâu đời, con người lao động thông minh khéo tay. Gần đây, có sự việc là Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng Việt Nam. Có một việc là nó không tính yếu tố dân tộc kiên cường, cũng không tính yếu tố ổn định chính trị vào đấy. Tôi có hỏi nó sao mày lại không tính, cái mục đó của chúng tao quan trọng lắm chứ. Thì nó bảo cũng thử tính mà không thấy có ràng buộc rõ ràng nào giữa cái kiên cường, giữa cái ổn định chính trị với tốc độ tăng trưởng cả. Mà nói thật với mày, cái chuyện ổn định chính trị thì chỉ nơi nào độc đảng, độc tài thì cái ổn định chính trị đối với nó là quan trọng. Chứ còn những nước dân chủ rồi thì nay thằng này lên, mai thằng kia lên, kinh tế vẫn hoạt động bình thường, bởi vì khung khổ pháp luật đã bình thường rồi. Tao đã thử tính rồi. Nhưng nó lộn xộn, một đống lộn xộn, không có được cái mối tương quan, nên tao không đưa vào, chứ không phải là tao không nghe theo ý kiến của mày. Thế thì xin báo cáo với các đồng chí là như vậy không phải nó có ác ý gì đâu. Thế, tôi mới nói: tao lịch sử văn minh như thế này sao mày không tính vào. Nó bảo... thử tính rồi nhưng không có mối tương quan gì cả. Mày xem thằng Iraq văn minh nó còn hơn mày ấy chứ, lịch sử thành văn của nó là hơn 5.000 năm. Mày cứ bảo mày được 2.000 năm nhưng mà những chứng cứ mày đưa ra có được 2.000 năm đâu. Thằng kia nó chứng minh rõ là 5.000 năm rồi, thế mà bây giờ Iraq có tăng trưởng gì đâu, có thấy rõ gì đâu. Nhiều thằng văn minh lắm, hơn chúng mày nhiều, bây giờ bất cập rồi. Giống như thằng Mông Cổ bây giờ có cái gì đâu. Bát-Đa cũng không có gì cả. Cho nên là những chuyện mày nói thì chúng tao cũng suy nghĩ lắm. Nhưng mà cần có cái gì đó để mà chứng minh là nó có liên hệ với việc tăng trưởng, với sự phát triển. Nếu có liên hệ, mày bảo tao thì tao đưa vào, nếu không có liên hệ thì thôi. Tao không thấy có liên hệ gì cả thì tao không đưa vào. Người lao động thì thông minh khéo tay, như giáo sư
Senkimônô người Nhật Bản thì có nói là Việt Nam có người lao động thông minh, học nhanh, khéo tay, nhưng ít được đào tạo nhất thế giới. Tức là nói một cách khác, thì đào tạo kém như thế mà lại thông minh đến như thế, khéo tay học nhanh đến như thế, đấy cũng là điều lạ. Thế tức là nó vừa khen mình nó vừa chửi mình. Vị trí chiến lược Trong chiến lược Đông Nam Á, mình rất là quan trọng rồi. Nếu như chúng ta nhìn vào bản đồ, chúng ta mở được miền Trung ra, chúng ta chở thuê cho tất cả từ Myanmar cho đến Bắc Thái Lan, cho đến Nam Trung Quốc, nó chở và nó chạy lên phía Trung Quốc mà không phải qua eo biển Malacca chật hẹp nữa, nó không phải qua cảng Bankok đầy phè ra rồi; nó đi qua chỗ đó rồi nó đi lên Trung Quốc rồi Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga. Nếu đi qua con đường ấy nó tiết kiệm được một ngày một đêm, thế tức là cơ hội rất lớn, đúng không? Nếu như mình chốt cái Vịnh Cam Ranh thì mình có thể kiểm soát đường kinh tế dầu lửa của Trung Quốc và khi ấy Trung Quốc cũng rất là ớn, bởi vì hiện nay ông ấy làm bài toán sai lầm nên ông ấy rất đói dầu lửa. Thế thì, chúng ta đang đứng trước tình hình là chúng ta có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Tôi xin nhấn mạnh, tăng trưởng ấy nhanh là chúng ta so với chúng ta thôi. Thực sự hiện nay mấy thằng Trung Á tăng trưởng nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Thằng Kazakstan tăng trưởng nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Trong vòng 15 năm qua, thằng Kazakstan mỗi năm tăng trưởng 10%. Thế rồi, hay như thằng Singapore, ngay đến nước lã nó cũng còn phải nhập khẩu, ấy thế mà quý II vừa rồi nó tăng trưởng 11%. Việt Nam cứ tăng trưởng độ 7%, còn thằng Singapore có năm chỉ có 1%, năm nay nó vọt lên 11%, sang năm nó lại tụt xuống. Bởi vì nền kinh tế của nó bé quá, nó phụ thuộc cả vào thế giới bên ngoài, nếu mà nó điều chỉnh không kịp là nó khó khăn. Tình hình của chúng ta là chưa bao giờ thế và lực của chúng ta lớn mạnh như bây giờ. Nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử. Tức là trong 10 năm qua, chúng ta đã xây dựng thêm được một nước Việt Nam thứ hai, chúng ta có một nền kinh tế thứ hai. Chúng ta đã tạo thêm được của cải và cải tạo thêm được rất nhiều. Trước kia, 5 năm xuất khẩu chưa được 2 tỉ, giờ đến 1 năm xuất khẩu được 2 tỉ, giờ 1 năm xuất khẩu được 25 tỉ. Nhưng tôi cũng xin báo cáo với các đồng chí là 25 tỉ nó cũng rất bé so với các nước trong khu vực, không là cái gì cả. Những thằng như là thằng Thái Lan hay là các thằng Trung Á mỗi năm nó xuất khẩu hơn trăm tỉ, vài trăm tỉ. Chúng ta đang ở trong một thế giới thay đổi rất nhanh chóng và lỏng lẻo. Chúng ta phải báo cáo thực với các đồng chí là bây giờ bạn chúng ta là ai, ai là bạn chúng ta. Lâm sự thì ai hợp tác với ai đây? Liệu có lâm sự không? Thế ta cứ nói ta là bạn bè với tất cả mọi người, thế cái ông Trung Quốc ông ấy có phải là bạn không, hay là ông lăm lăm ông ấy định thịt mình đây? Và ông ấy thịt thì ông ấy cũng nói rõ ràng lắm chứ đâu có nhẹ nhàng gì đâu. Thế còn trong tình hình đó thì ta dựa vào đâu? Ông Ấn Độ thì ông ấy quá tốt, nhưng ông ấy lại yếu. Yếu thì giúp gì mình được. Ông này thì ông ấy là tình nghĩa lắm. Thế còn ông Hoa Kỳ thì ông ấy ở xa, từ trước đến nay ông ấy chưa có chiếm đất của thằng nào bao giờ. Hơn nữa, Hoa Kỳ với mình hai nền văn minh nó khác nhau, chế độ kinh tế khác nhau, tâm lý khác nhau, cho nên để mà hiểu nhau được không phải là đơn giản. Các bạn thấy là chính trong nước nó cũng còn chửi nhau chòm
chọm nữa là. Cái chuyện cô Lewinsky với ông Clinton mà nó còn đưa ra kiện cho khốn khổ nữa là. Thế thì, trong nước nó mà nó cũng còn chửi nhau như thế, thế còn đối với mình thì mình phải xem xem. Thí dụ, một thằng rất tử tế đối với thằng Hoa Kỳ là thằng Đài Loan, rất tử tế. Mà phải nói thằng Đài Loan là một chế độ dân chủ, công nghệ phát triển, phải nói rằng thì là rất nhiều mặt có ưu điểm, đấy thế nhưng mà thằng nào đánh Đài Loan nhanh nhất, thằng Mỹ chứ còn thằng nào nữa. Người bạn tốt nhất ở Đài Loan là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan nói với tôi, người bạn tốt nhất của chúng ta là mình phải mạnh lên rất nhiều. Và một điều nữa là khoa học công nghệ trở thành yếu tố quyết định và nó biến đổi rất nhanh. Có một anh bạn anh ấy nói là cách đây mấy năm tôi vừa mới báo cáo trước Hội nghị Quốc tế Việt Nam học người ta dùng cách slide chiếu lên ở Hội trường Ba Đình, thế bây giờ là dùng cái này rồi, rồi ít hôm nữa có thể là dùng một thiết bị khác, công nghệ không dây! Tức là, chúng ta đứng trước một tình hình là sẽ còn rất nhiều những diễn biến mới. Chúng ta phải làm gì? Như vậy là nó đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống chính trị nhìn xa trông rộng, có năng lực nắm bắt, làm chủ tình hình và đối phó được với tình hình và dẫn dắt dân tộc tiến lên. Cái điều đó nó khác hẳn, khác xa, so với trước đây. Trước đây là mình còn cứ yên trí có chuyện gì, chỗ mà Viện quản lý (kinh tế) mà tôi ngồi ấy, trước là cứ hỏi phái đoàn Tiền Tiến của Trung Quốc. Tức là lúc bấy giờ cứ có chuyện gì khó khăn là báo cáo Tiền Tiến rồi nó điện về (…) lúc bấy giờ ông Chu Ân Lai mới ký vào đấy. Thậm chí có một thời kỳ, có người nào lớn tuổi ở đây, có thể còn nhớ cái ca la thầu - món su hào muối của Trung Quốc. Nó đưa sang, rồi thì Tết đến nó còn cho mỗi nhà, mỗi người chia nhau một ít, mỗi nhà được ba lạng vân vân. Tức là bây giờ phải thấy là nó thay đổi rất lớn, những yêu cầu đối với hệ thống chính trị, với Đảng lãnh đạo cao hơn trước rất nhiều. Thế thì tình hình là như thế nào? Sau từng ấy năm thì dân số ta phát triển rất nhanh. Đấy là sức ép rất lớn, mà một năm tạo ra được bao nhiêu việc làm? Đồng chí Nguyễn Thị Hằng quý mến của chúng ta cứ công bố. Nhưng bây giờ thử hỏi ông Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát mà xem, ông kêu như cha chết. Nông nghiệp đã nghèo, đất đã kém đi, nhưng mỗi một năm thêm 1 triệu miệng ăn. Lấy đâu ra mà ăn? Chênh lệch, đói nghèo là nó ở chỗ ấy. Chúng ta về quê xem, có tiến bộ khoa học kỹ thuật nào để tạo ra việc làm? Lao động là vất vả, mỗi một ngày lao động là trên 8m2 đất thì có cái gì để mà giàu có được. Về kinh tế, tính theo sức mua tương đương thì chúng ta xếp thứ 130/175 nước, nhưng nếu xếp theo tỉ giá thì chúng ta xếp thứ 149/203 nền kinh tế. Tức là sau ngần ấy năm phát triển, sự thực là chúng ta vẫn là một nước nghèo. Và chỉ số phát triển con người thuộc loại trung bình, năm 2003 xếp thứ 109/175 nước, năm 2004 xếp thứ 112/177 nước. Tức là nó thêm 2 nước thì nhẽ ra là mình cũng ở vị trí đấy thì mình phải xếp thứ 111. Như vậy tức là không phải là mình đã tiến nhanh lắm đâu. Và với 40 tỉ GDP thì nền kinh tế Việt Nam chỉ bằng 0,36% nền kinh tế toàn cầu thôi…
Chúng ta nên biết điều. Ta không nên lớn giọng dạy bảo thiên hạ, không nên xưng là làm đòn bẩy cho thế kỷ, rồi là làm xung kích cho lịch sử, vân vân và vân vân. Tôi thấy là nên có một cái nhìn đúng đắn. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo, tức là hồi năm 81, tôi đi theo ông Nguyễn Duy Trinh tham dự Đại hội 16 Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thế thì bọn Tiệp Khắc, bọn lãnh đạo không nói gì, nhưng bọn chuyên viên Ban chấp hành Trung ương Đảng thì kéo tôi ra một chỗ bảo mày cứ nói mày anh hùng, tao thấy đất nước mày suốt đời đánh nhau mãi, thế thì mày chết, mày khổ, có gì hay đâu? Bây giờ mày lại đi xin tao, chẳng nhẽ mày xin tao lại không cho, có phải là chúng tao thừa thãi gì lắm đâu. Tao nói thật với mày là tao thấy Đức to quá tao cũng không đánh, không đánh thì nó cũng không ở được chỗ tao vì ít lâu sau tao tìm cách đuổi cổ nó đi. Thế thì một bên đánh nhau tơi bời khói lửa, đánh hết cả, mày rất anh hùng, tao thấy là tao vái mày mấy vái. Thế nhưng mà về việc mày đau khổ, mày bị tàn phá này khác… Thì cũng là một thứ triết lý. Có lẽ bây giờ xem xét lại, xem là triết lý nên như thế nào, cái giá phải trả nó đến đâu là vừa phải, chứ không phải cái mặt anh hùng là nó có giá trị tuyệt đối đâu, và cũng không phải trên thế giới mọi người nó đều thừa nhận, thế rồi nói nó nhận mình là anh hùng, là kiên cường. Bây giờ thằng tổng thống Mỹ nào mà muốn có ý định đánh thằng Việt Nam lần nữa thì thằng ấy là thằng chết trẻ. Bởi vì bây giờ dân Mỹ nó vẫn rất ớn và cái hội chứng Việt Nam nó vẫn chưa từ bỏ nước Mỹ. Quân Mỹ từ bỏ Việt Nam nhưng mà Việt Nam vẫn ám ảnh nước Mỹ, cho đến bây giờ vẫn ám ảnh dữ lắm. Liên Hợp Quốc xếp như thế này: dưới 735 đô la/một đầu người theo tỉ giá là nền kinh tế thu nhập thấp. Xin báo cáo với các đồng chí, thu nhập thấp chỉ là một danh từ hoa mỹ để nói cái nghèo, thế thôi chứ có gì đâu. Chẳng qua nó lịch sự nó không muốn bảo mày là thằng nghèo, thằng lạc hậu thì nó bảo mày thu nhập thấp, thế thôi. Thế thì 736 cho đến khoảng 3.000 đô la, là thu nhập trung bình thấp; và 3.000 đô la đến 9.100 đô la là thu nhập trung bình cao, và trên 10.000 đô la là thu nhập cao tức là vào khối OECD là khối tổ chức các nước phát triển nhất, và trong số các nước phát triển nhất thì có 8 thằng giàu nhất là G, đầu tiên là G7, sau là cộng thêm ông Nga, bây giờ nó cộng thêm ông Trung Quốc nữa. Thế thì tôi có nói với bọn nó là chúng mày đừng nên nói là G7+2 thành G9, số 1+1 là khác, nó là 1+1 chứ không phải là 2; cũng giống nhau như là ASEAN 10+3, tôi bảo không phải, phải là ASEAN + 1 + 1 + 1, bởi vì ba thằng hưởng nó khác nhau mà bảo nó là con số 3 thì không phải. Tiến nhanh hay không nhanh? Anh Khải có nói với WB, với UNDP là Việt Nam phải trở thành một nước thành viên của tổ chức OECD, tức là thu nhập của Việt Nam là phải trên 10.000 đô la Thế thì ý nghĩa thì rất là cao quý, tôi hoàn toàn chia sẻ và mong ước. Nhưng bây giờ các đồng chí cứ thử nghĩ mà xem: năm nay 530 đô la 10 năm nữa lên 1.060 đô la, vẫn ngưỡng trung bình thấp cơ mà. Thế thì bao nhiêu năm nữa thì lên đến 10.000 đô la. Hay là chuyện ấy chúng ta đành để xem sau. Và như vậy thì là ta tiến nhanh hay là không nhanh? Xin báo cáo với các đồng chí là ta tiến không nhanh. Đây là bảng tính. Nếu mà mốc tính là năm 1950, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng 80.5% của Thái Lan, thì năm 1999 chúng ta chỉ còn bằng 20%. So với Hàn Quốc thì năm 1950 ta bằng 85.5%, tức là Hàn Quốc với Việt
Nam lúc bấy giờ cũng đói như nhau, còn bây giờ ta chỉ còn bằng khoảng độ 11, 12% Hàn Quốc. Lúc bấy giờ ta giàu có hơn Trung Quốc, Trung Quốc lúc bấy giờ đói khổ hơn ta. Ta bây giờ thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 20% Trung quốc mà thôi. Thế thì, điều chúng ta cần phải nói và phải nhận thức đúng là chúng ta có tiến, có tiến bộ, nhưng về rất nhiều mặt chúng ta đang còn một khoảng cách khá xa. Về xếp hạng: vừa rồi đây xếp hạng. Thì tôi cũng có viết bài báo để nói; giờ báo cáo với các đồng chí là nó xếp hạng một cách nghiêm túc lắm. Đây là một đám nó làm dịch vụ để nó ăn tiền, nó mà xếp hạng sai là chết. Nó có thuê chúng ta tự điều tra thông qua doanh nghiệp. Nhưng mà nó làm 10.000 doanh nghiệp trên thế giới, và nó nhận được 8.460 câu trả lời và nó dựa cả vào hơn 100 doanh nghiệp của mình và 6.000 thằng kia với một hàm số mà nó tính toán, chứ nó có là thằng ngu dại đâu để mà nó dựa hẳn vào ông Việt Nam để đánh giá ông Việt Nam được, không có chuyện dở hơi thế đâu. Thế nên, ông Bộ trưởng Bộ Tài chính có nói rằng thằng ấy nó làm không chính xác, thì đó cũng là ý kiến của ông Bộ trưởng thôi. Nó có đăng lên báo rồi và đưa tin ra quốc tế rồi thì tôi không có bình luận. Tôi chỉ nói rằng không, nó làm cái phương pháp mà tôi có liên hệ và tham gia, nên tôi biết. Thế thì chúng ta thấy, cái lần đầu tiên mà nó xếp hạng ta thì ta đứng thứ 49/53, tức là cách nước thấp nhất là 4; đến năm 98 thì các nước khác bị khủng hoảng thì ta nhảy cóc lên 39. Ta lên 39 không phải vì ta hơn chúng nó mà vì mấy thằng kia nó bị khủng hoảng bi thảm nên ta lên 39, thì ta được cách thằng bét là 14; đến năm 99 thì ta lại trở lại vị trí gần giống như cũ, là bởi vì những thằng kia nó lại ổn định trở lại rồi thì ta lại xếp thứ 5; đến năm 2001, thì ta xếp thứ 60/75 bởi vì nó cho thêm một loạt nước mới vào thì ta xếp thứ 15, đến năm 2002 là 65/80 thì ta cũng xếp thứ 15, năm 2003 thì 60/102 bởi vì lúc bấy giờ nó cảm nhận thấy cái tác động của luật doanh nghiệp với cái việc ta bỏ giấy phép các thứ này khác, tức là có khá lên; đến năm 2004 nó lại xếp ta thứ 77/104 tức là trên 27 nước. Thế bây giờ là so sánh chỉ số với Trung Quốc và Thái Lan thì ta thấy Thái Lan nó luôn luôn giữ ở mức ổn định, tức là năm 2003 nó thứ 32, năm 2004 thêm hai nước nữa thì nó xếp thứ 34; thằng Trung Quốc thì đại thể cũng không có thay đổi gì cả, chỉ có Việt Nam là chậm tiến bộ. Trung Quốc và Thái Lan đã có một vị trí khá vững chắc là nước có năng lực cạnh tranh trung bình, còn Việt Nam vẫn ở dưới trung bình. Còn bây giờ đến các yếu tố khác, là yếu tố gì? Yếu tố khác thì chúng ta thấy, mức ổn định kinh tế vĩ mô thì nó xếp ta cao, thứ 23/104. Thế nhưng mà Thái Lan và Trung Quốc thì cũng cao hơn, mà mức độ chi tiêu lãng phí của chính phủ thì mình cao hơn hẳn hai thằng kia. Về chỉ số tài chính của đất nước thì 2 thằng kia nó cũng cao hơn mình nhiều. Về thể chế công, tức là thi hành luật pháp và hợp đồng, thì mình xếp thứ 55. Về chỉ số tham nhũng thì mình xếp thứ 97. Và các bạn đều có biết là Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Việt Nam về chỉ số tham nhũng là xếp thứ 102, đây là 102/145 nước, tức là cũng rất là thấp. Mà hai thằng này nó có những nguồn khác nhau. Các chỉ số khác, ở đây tôi xin lưu ý là nó có một loạt mấy trăm chỉ tiêu cơ, thì ở đây các khoản chi ngoài pháp luật trong xuất nhập khẩu của mình là xếp thứ 100, mà Thái Lan xếp thứ 72, Trung Quốc xếp thứ 54. Chi tiền ngoài pháp luật trong thu thuế mình xếp thứ 97, chi tiền ngoài pháp luật trong sử dụng dịch vụ công là thứ 91, tức là việc chi tiêu, tham nhũng và phải cống nạp các thứ này khác thì mình thuộc loại rất là thấp, thuộc loại nhóm thấp
nhất trong số xếp hạng đấy. Và về luật tài sản thì ta xếp thứ 66. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là sau từng ấy năm cải cách, vấn đề thể chế công, về bộ máy của chúng ta vẫn chưa định hình và còn lạc hậu. Đấy là một mệnh đề cần phải rút ra rất rõ ràng. Sau ngần ấy năm cải cách, chúng ta có tăng trưởng, chúng ta có bơm được thêm tiền, thêm được lao động, thêm được đất đai, thêm được tiền vốn, thu hút thêm được cái này cái khác, nhưng bộ máy lập pháp, mức độ tham nhũng, chi phí về thời gian và tiền bạc để kinh doanh của chúng ta còn quá cao so với thế giới. Đấy là các điều tôi thấy cần phải chia sẻ. Thế còn chỉ tiêu khác, thì có lẽ xin phép không nói thêm. Bây giờ chúng ta xem xét, theo đúng Nghị quyết của Đại hội IX thôi, thì chúng ta chưa hoàn thành công cuộc cải cách theo kinh tế thị trường. Đại hội IX nói rằng đến năm 2005 thì cơ bản là hoàn thành về việc thiết lập các thể chế kinh tế thị trường. Bây giờ, chúng ta thấy là chúng ta chưa được. Báo cáo các anh các chị chúng ta xây dựng kinh tế thị trường chứng khoán trên cơ sở các thị trường khác, thì nó phải hoạt động rất nghiêm chỉnh, thì lúc bấy giờ thị trường chứng khoán nó mới hoạt động được. Tức là kế toán kiểm toán phải minh bạch, mọi chuyện nó phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Một cái hình tượng các anh các chị có thể thấy là Microsoft có khoảng 5 triệu người mua cổ phần của nó trên khắp thế giới, nó có biết là cái thằng Bill Gate là cái thằng quách nào đâu, nó chỉ có tin tưởng là thằng này có một loại chất xám kiếm ra tiền, thế thôi. Còn tất cả các danh hiệu ở Việt Nam, nào là phải biết là họ hàng, anh em, thế này khác, chứng tỏ là độ tin cậy của luật hợp đồng, của pháp luật rất thấp. Và cái hình tượng cả mấy triệu người hợp đồng tâm nhất trí để người ta làm nó ra việc, còn mình thì mấy chục người ngồi lại với nhau là thấy y như rằng lục đục đánh nhau. Đấy là một hình tượng mà ta cần phải có sự xem xét một cách nghiêm túc. Bây giờ có điều lo ngại là thị trường công khai và bất động sản là điều cần phát triển. Một điều nữa là những tàn dư và những quán tính của kinh tế kế hoạch hoá tập trung còn khá nặng nề. Chúng ta rất cần sự quy hoạch, quy hoạch trên cơ sở nhìn rộng là quy hoạch năng lượng, quy hoạch về vận tải đừng để nó kẹt xe, về đất đai, nhìn trước vấn đề môi trường rồi dân số. Tất cả những cái đó chúng ta rất cần, nhưng chúng ta làm chưa tốt lắm và có rất nhiều vấn đề. Như chúng ta thấy chúng ta vừa quy hoạch xong một cái là phải thay đổi. Nguy cơ là chúng ta bị kẹt xe, chúng ta bị ô nhiễm nguồn nước, chúng ta làm sẽ rất là tốn kém. Nhưng chúng ta lại nhảy vào quy hoạch nào là ô tô, nào là rượu bia, nào là xi măng, nào là dệt may. Tất cả những cái đó là những sản phẩm có thể mua bán được, và nó cạnh tranh với chúng ta. Trong quá trình quy hoạch chúng ta không tính đến là có thằng nó đến nó cạnh tranh. Giống như vừa rồi đây có cái quy hoạch gọi là quy hoạch ô tô. Quy hoạch ấy tôi có đọc, không có chữ nào nói về giá thành, năng lực cạnh tranh và nó là ô tô thế hệ thứ mấy, không có. Thế thì thằng Trung Quốc nói với tôi: rồi, sau trận xe máy, tao sẽ đánh mày trận ô tô. Và chậm nhất là 2007, tháng 11 này là nó ký ở Viêng Chăn đây này, là Trung Quốc và khối AFTA là khối thị trường chung, Trung Quốc sẽ trở thành một thành viên đầy đủ. Đến năm 2007 là phải mở cửa. Nó bảo mày làm ô tô 10.000 đô la tao bán cho mày ô tô chỉ 6.000 đô la thôi, mà lại tốt hơn của mày, tao đã nói rõ ràng rồi, không có lơ tơ mơ gì cả. Thế bây giờ mình làm phải làm sao? Một nền kinh tế thị trường có quá nhiều độc quyền. Và như chúng ta đã thấy, nguyên ở trong năm nay, chưa bao giờ các bệnh tật
(…) các tổng công ty độc quyền của chúng ta nó bộc lộ rầm rộ như vậy. Và tôi cũng xin nói thực, các đồng chí còn biết rõ hơn tôi, là chuyện tảng băng nổi trên mặt nước thôi, chứ còn tìm ra ở dưới (tảng băng) thì nó còn nhiều chuyện phong phú lắm. Và với mức độ tham nhũng như thế này thì chúng ta không cạnh tranh được. Không cạnh tranh được cả về thu hút đầu tư, cả về chi phí. Bởi vì chi phí để vận chuyển một công ten nơ, để vận chuyển một quả nhãn, vận chuyển một con cá từ trong Nam ra ngoài Bắc đi đến Trung Quốc và đến các nơi quá lớn. Cho nên tình hình (…) xin báo cáo với các đồng chí là bối cảnh quốc tế đã thay đổi. Chúng ta không chỉ có thể tự đánh giá chúng ta bằng cách so sánh chúng ta với quá khứ và cứ bảo chúng ta như thế là hay rồi. Thì đồng ý, tôi đồng ý rằng chúng ta hơn so với trước rất nhiều. Còn chúng ta phải so sánh chúng ta với lại những thằng khác chứ. Chúng ta đang chạy đua với nó cơ mà. Vả lại mọi người không đánh giá chúng ta trên cơ sở so sánh chúng ta với quá khứ mà lấy cái thực tại của chúng ta và chúng ta phải học tập xem rằng đáng lên mặt chưa. Thế thì chúng ta phải chấp nhận và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cái dân tộc này phải chấp nhận phải chịu trách nhiệm và phải đặt cho mình cái sứ mạng đưa dân tộc này, xây dựng hệ thống chính trị cho nó phát triển để đi lên, có năng lực cạnh tranh được. Về tư duy và mô hình phát triển, cho đến nay là có chuyển biến rồi nhưng đang có hai chiều hướng, và có một chiều hướng là vẫn nhấn mạnh kinh tế tự lực tự cường, vẫn nhấn mạnh là Việt Nam phải tự làm ô tô rồi tiến tới cả xe tăng, rồi tiến tới là đại bác, rồi thì đóng tàu thuỷ, tiến tới làm tàu chiến và vân vân. Xin báo cáo với các anh các chị, các tiết mục xe tăng tàu chiến bây giờ mua trên thị trường thế giới nhiều lắm, nó có gì đâu mà, ông có tiền ông mua máy bay cũng được. Đấy tôi xin báo cáo các anh các chị là tại sao thằng Nhật Bản nó không làm máy bay? Không phải là công nghiệp của nó không làm được máy bay đâu. Mà bởi vì là nó làm cái máy ảnh kỹ thuật số nó lãi nhiều hơn. Chứ máy bay không có nhôm, không có thứ này khác, nó làm làm gì. Chứ không phải thằng Nhật Bản là thằng ngu, thằng khờ, đến mức nó không làm được máy bay. Nó làm được khối, nó làm được máy bay chiến đấu của nó khá ra phết chứ không phải là ít đâu. Thế nhưng mà những gì mà nó cho rằng không cạnh tranh được thì không làm, làm cái khác, thế thôi. Thế bây giờ nước mình bé bằng ngần này tài nguyên bằng ngần này, mình phải lựa chọn cái gì thông minh nhất chứ lại, bây giờ cái gì mình cũng đứng ra làm, thế thì không thể được. Tôi cũng xem báo cáo rằng đằng sau những cái này là những cái lợi ích tư lợi là rất rõ ràng. Bởi vì là, các anh các chị cứ thấy trên ti vi độ hai ba ngày lại thấy có trịnh trọng mấy ông com lê, cravat, trên ngực có cài bông hoa rất đẹp, rồi máy điều hoà khí hậu chạy, rồi thì ký vốn cho vay gì đấy 1.500 tỉ các thứ này khác. Thế thì tôi cũng bảo giá mà tao làm món này thì tao cũng... *. Chứ không phải là ký để cho ông bà nông dân vay được một triệu, vay 5 triệu, hay là tư nhân vay được 100 triệu. Tôi xin báo cáo là nông dân trồng cây, trồng con ít nhất cũng phải 2 năm chứ. Làm gì có quy luật sinh học gì 6 tháng từ con bê ra thành con bò. Thế nhưng mà ông có cho người ta vay đúng chu kỳ sinh học đâu. Ông cho vay chu kỳ là một năm. Từ khi ông ấy cho người ta vay đến, khi trả lãi là 8 tháng. Trong khi mấy đứa ngồi mà ký cái giấy đấy á, thì ân hạn là 0 năm, thời hạn hoàn vốn là 30 năm. Lúc bấy giờ em hạ cánh an toàn từ lâu rồi. Mà tôi cũng xin báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương, là ở cái nước Việt Nam này, có ai vay được 100 triệu đồng mà không phải đút lót không? Thử hỏi Ban Tài chính Quản trị xem. Bố không lì xì à? Lì xì
quá đi chứ lại, đúng không? Mặc dù là ông lợi thế, thế của ông là "thượng phương bảo kiếm" rồi, còn gì nữa. Tôi kể một câu chuyện rất thật. Một hôm có một tay doanh nghiệp nó đến gặp tôi, bảo bây giờ em mới hiểu ra. Tôi hỏi cậu hiểu cái gì? Bảo rằng em cũng ngồi trong hội đồng quản trị của một ngân hàng cổ phần, em có nhu cầu, em phải vay 2 tỉ, thằng hội đồng quản trị đồng ý rồi. Thế là đến vỗ vai thằng tổng giám đốc bảo mày ký cho tao nhé, nó bảo ừ. Xong rồi còn gì nữa? Xong rồi vẫn ngày mai. Ngày mai rồi lại ngày mai nữa. Bởi vì nó luôn luôn là ngày mai, chứ không phải là hôm nay. Thế rồi sau đó thằng này thấy hạn hết đến nơi rồi, thế thì lúc ấy có thằng đến rỉ tai mày không làm thủ tục kia thì có đến mùng thất, có phải mày ngồi ở tổng quản trị là mày oách đâu. Thế là thằng này cũng phải mang đến sấp tiền cho thằng kia nó mới ký cho. Đấy là cùng hội đồng quản trị với nhau đấy chứ, không phải đơn giản đâu. Chừng nào mà trong xã hội nó còn khan hiếm, thì cái chênh lệch cung cầu ấy nó bị trả bằng một cái giá trên. Chứ còn bằng một thị trường mà nó tràn đầy, cung vượt cầu thì bây giờ nó mới khỏi cái chuyện đó. Thế thì những việc đó cần phải có một sự xem xét rất là nghiêm túc. Một việc nữa tức là chúng ta nói quốc doanh là nền tảng. Có nên nói thế không? Nền tảng là cái gì, chủ đạo là cái gì? Trung Quốc nó nói thế nào? Và báo cáo các anh các chị là các doanh nghiệp nhà nước ta chiếm phần lớn tài nguyên, thiên nhiên, hầm mỏ, mặt nước rồi thì tài sản, tri thức. Nhưng chỉ tạo ra 5% chỗ lao động. Thế đất nước này muốn phát triển lên thì lúc bấy giờ thất nghiệp hết à. Bây giờ bỏ tiền ra làm nhà máy xi măng. Báo cáo với các anh các chị là thằng Nhật Bản nó làm cái nhà máy xi măng Nghi Sơn đấy, 2,4 triệu. Nó nói với tôi là biên chế của chúng tôi theo đúng Nhật Bản là 80 người, bây giờ các ông đến ép tôi quá, tôi cố gắng đưa lên đến 120 người, các ông ép tôi nữa. Mà nó bảo là các anh cứ bảo đấy là người địa phương, có phải đâu, toàn quan chức cả, con ông bí thư này, con ông giám đốc sở kia này khác đến nói với tôi hết, bảo tôi phải nhận, thế thì tôi nhận cho các vị. Nhưng mà một cái nhà máy xi măng của mình 1,2 triệu, thiết kế 8-900 người, thế làm sao có thể là cạnh tranh được. Cái chỗ đó không phải là tôi và tại anh em nhà máy ấy, mà tội vạ tại một cơ chế chung, về trách nhiệm như thế nào, về động lực như thế nào ? Hội nhập Đấy là một việc. Bây giờ một việc nữa. Hội nhập như vậy rõ ràng là không được. Hội nhập là chậm. Năm 2005 liệu cuối năm có vào (WTO) được không. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa thấy gì về cái việc đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ là xong. Mà tôi xin báo cáo là đàm phán Việt Nam - Trung Quốc là còn chưa nữa. Tôi đã nói chuyện với thằng Long Chong Du, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc. Thằng ấy là thằng nói tiếng Anh rất hay và đi sang làm nhân viên Liên Hợp Quốc từ rất sớm, xong rồi nó móc về để làm. Tôi hỏi sao chúng mày đưa tao cái đơn đặt hàng khó thế mày. Mày bảo mày ủng hộ tao. Nó bảo ừ, ủng hộ mày là ủng hộ về mặt chính trị, về mặt tinh thần, về mặt đạo lý, còn về lợi ích thương mại thì tao không nhân nhượng mày một xu, mày đừng tưởng, mày phải trả giá thì mày mới được. Thằng nào trả chậm thằng ấy càng chết. Bây giờ vào WTO cũng như vào Đảng CSVN thôi, chi bộ giơ tay biểu quyết hết. Có một thằng ngang nó không biểu quyết thế là ông chết! Thế bây giờ là mình phải xin cả thằng Campuchia. Campuchia thì không có gì để mà mặc cả lắm. Nhưng mà thằng
Nhật, thằng Trung Quốc, thằng Hoa Kỳ, thì làm sao? Hôm vừa rồi đàm phán ở Hà Nội với EU, mình cũng coi như thuốc thang đầy đủ lắm chúng nó mới ký cho đấy. Không có nó bảo chưa chắc chúng tôi đã ký cho ông đâu. Đơn giản có một chuyện mà mình đòi nó mãi là sau khi vào WTO sang năm mày vẫn cứ cho tao quota đàng hoàng. Tức là đừng có cho mấy thằng khác, thị trường dệt may của mày cứ tràn ngập, cứ cho tao một chế độ tương đương như bọn nó. Thế nhưng mà nó có nhận cho đâu. Nó bảo mày còn phải thêm cho tao cái gì. Bởi vì thương mại là quyền lợi hai chiều. Ông thò chân giò, bà thò chai rượu, ông không thò chân giò thì em giấu chai rượu đi, có thế thôi. Tình hình nó là như thế. Tức là nó đòi hỏi một cách rất là cấp bách là nước Việt Nam phải mạnh lên. Mạnh lên không phải về quy mô, mạnh lên về trí tuệ, về bản lĩnh, về đường hướng, về toàn bộ bằng các tổng lực nền kinh tế. Về các cái khác thì tôi không nói, tôi chỉ có một hình ảnh để nói thêm thôi. Chúng ta nói xuất khẩu. Thế thì cơ cấu xuất khẩu của chúng ta hiện nay như thế nào? Và với cơ cấu xuất khẩu này thì liệu chúng ta có tiếp tục được mãi như thế này không. 27% xuất khẩu là dầu thô, thuỷ sản là 16%, tất cả nông lâm sản toàn là thô hết. Về chế biến thì có gì có dệt may, có da giày và năm nay có ông đồ gỗ. Xin báo cáo là đồ gỗ ta cũng gặp thời, bởi vì thằng Trung Quốc vào Mỹ ghê quá, Mỹ nó đánh thuế 15%/ Thế là trong thời mở cửa (người ta) đổ xô sang mua đồ gỗ của Việt Nam. Thế tức là trong kinh tế thị trường này thì nỗi buồn của thằng này có thể là niềm vui của thằng khác. Các anh các chị thấy là trong vòng 20 năm vừa qua, cơ cấu xuất khẩu của nước Việt Nam thay đổi chậm quá. Chúng ta tăng xuất khẩu lên bằng cái gì, chúng ta móc tài nguyên chúng ta thêm hàng thô, chúng ta bán than thô, bán thuỷ sản, rồi thì cà phê, thô cả. Bấy giờ thử hỏi cà phê anh làm được cà phê hoà tan, giá trị của anh lên mấy chục lần không. Gạo anh đừng có làm anh thành mì, thành miến, anh làm thành bánh, cái này khác thì giá trị nó có lên không. Đấy còn chưa kể ông đừng có bán quặng không thôi. Rồi các thứ này khác nữa. Với cơ cấu như thế này mà anh không có phát triển về dịch vụ thì làm sao anh có thể lên được. Dịch vụ là gì? Bây giờ anh bán phần mềm, anh bán các sản phẩm về văn hoá, phẩm anh đưa ra thì lúc bấy giờ mới phát triển được chứ. Thế là trong lối này không thấy có ông dịch vụ, du lịch đâu hết cả. Cái đó có thể là thống kê chưa đầy đủ, nhưng phải thừa nhận cái đó của chúng ta là thấp. Và chúng ta là một đất nước, như lúc đầu tôi đã chủ ý nói là diện tích, dân số để thấy chúng ta như thế nào thì anh sẽ thu hồi vốn lớn. Thế chúng ta thấy ngay rằng kinh tế thị trường, cái ưu việt của kinh tế thị trường là gì ở chỗ tiền vốn được tự động điều tiết vào những nơi nào có năng lực nhất. Mà phá sản là gì, phá sản là sự cản phá sáng tạo. Cản phá sáng tạo là bởi vì bộ máy phá sản không bị lấy đi, không bị tiêu đi, không bị biến mất, mà nó vẫn còn đấy, chỉ có ông chủ là thay thôi. Còn sẽ có ông chủ khác lấy cái máy móc này, nó thuê người lao động này, nó làm ra sản phẩm còn hơn ông chủ trước. Đấy là một điều hết sức là quan trọng. Tức là cuộc đời mọi người đều phải phấn đấu. Anh phấn đấu, anh phát tài, anh phát triển lên lúc bấy giờ anh sẽ được. Và quá trình sàng lọc đó, đào thải diễn ra theo nguyên tắc thử và sai và hiệu quả. Tức là anh học của thằng bên cạnh, thấy nó mở hiệu phở, anh (cũng) mở hiệu phở, đắt quá, thế thì mình đừng mở hiệu phở nữa, mình mở miến lươn. Thằng kia nó làm món này mình phải làm món khác. Như vậy tức là xã hội nó vô cùng phong phú và nó cứ tiếp tục nó phát triển lên. Thế nhưng nếu mà thấy rằng nhiều phở quá, giá nó bắt đầu rẻ thì lúc bấy giờ phải nghĩ đến món gì khác. Tiêu chuẩn của nó là hiệu quả.
Thứ ba nữa là, mọi quan hệ trong xã hội được tiến hành thông qua hợp đồng. Bởi vì mọi người là chủ thể, mọi người tự quyết định nên quan hệ giữa mọi người phải thông qua hợp đồng. Xã hội là một xã hội được ràng buộc bằng hợp đồng. Bây giờ ta mới hiểu được tại sao người ta lại nói đến hợp đồng xã hội, khế ước xã hội, bởi vì mọi quan hệ đều được quan hệ đều được xử lý bằng hợp đồng, và phải có một cơ quan tài phán không thiên vị để tuân thủ pháp luật. Nếu không có mà chưa thực hiện trong hợp đồng, anh không làm tròn nhiệm vụ của anh, anh đi anh nợ người khác, thế thì anh phải ra toà để phán xét. Chứ đấy là chiếm đoạt tài sản công dân, thì lúc bấy giờ rất là nguy hiểm. Giá cả phải phản ánh quan hệ cung cầu, giá cả là thông tin quan trọng trong kinh tế thị trường hiện đại. Thông tin là vô cùng quan trọng. Ông Stiglitz sang đây ấy, ông ấy được giải thưởng Nobel, công trình của ông ấy (là) về kinh tế học thông tin, ông đã tìm ra khái niệm bất đối xứng về thông tin. Mà ví dụ đầu tiên là ví dụ nghiên cứu về ông bán chanh. Ông bán chanh thì biết quả chanh nào ít nước, quả chanh nào nhiều nước. Thì ông bán chanh lương thiện thì sẽ chọn chanh loại 1 tôi bán chừng này, chanh loại 3 tôi bán chừng này. Nhưng mà ông bán chanh không lương thiện thì cho lẫn chanh loại 3 với chanh loại 1, ông bán với một cái giá thấp hơn chanh loại 1 một tí nhưng mà có lãi hơn thằng bán chanh loại 1. Nghĩa là, trong một xã hội không có minh bạch về thông tin thì những người làm ăn lương thiện chết hết, vì sẽ bị những thằng lừa đảo cướp hết khách hàng. Người bán đồ rởm thì sẽ lãi, người bán đồ thật sẽ không thể sống được. Thế tức là nguy cơ rất lớn. Và một nguyên tắc nữa là nguyên tắc sòng phẳng. Tức là nguyên tắc phải có ngang giá. Cái này tôi thấy cần phải minh oan cho cái khái niệm thương mại hoá. Thương mại hoá không có gì là xấu cả, chỉ có điều là anh bán cái gì thôi. Chứ còn nguyên tắc ngang giá có nghĩa là không có bao cấp, anh có làm thì mới có ăn, không làm thì không có ăn và được bảo hộ được quyền tự do cá nhân, quyền sở hữu hợp pháp về tài sản. Một mệnh đề quan trọng nhất là tất cả những nước nào không có pháp luật rõ ràng thì những nước đó vĩnh viễn nghèo. Bởi vì pháp luật tài sản không rõ ràng thì sẽ bị lạm dụng. Phải có người chủ sở hữu thì người chủ sở hữu nó mới đem biến tài sản đó thành tư bản, mới đem đầu tư. Thí dụ như anh có chủ miếng đất. Anh mới lấy miếng đất đó anh thế chấp với ngân hàng anh mới đầu tư được. Bây giờ anh bảo một ông chủ sở hữu trời ơi đất hỡi, ông bảo ông là chủ rừng, nhưng ông không làm gì được cả, nên ông chỉ có lạm dụng thôi. Làm gì có ông chủ sở hữu nào tự chặt rừng của mình. Tức là vấn đề chủ sở hữu có vấn đề. Và nhà nước phải là nhà nước pháp quyền, nhà nước hoạt động theo pháp luật và chỉ theo pháp luật thôi và phải am hiểu thị trường, thân thiện với thị trường, trong sạch và quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Ông Chirac đi sang Việt Nam cũng bán máy bay và ông đi sang Trung Quốc cũng bán máy bay; và tổng thống Mỹ đi đâu cũng bán máy bay ông thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Hồ Cẩm Đào đi đâu cũng mua dầu lửa. Nhà nước làm như thế. Nhưng không có nghĩa là tự ông ấy đứng ra làm, mà ông mở đường, ông ký hiệp định cho mọi người cùng làm. Vậy ưu điểm của kinh tế thị trường là phát huy được tiềm năng sáng tạo của người dân. Thứ nữa là các sai lầm trong xã hội được phát triển rất nhanh vì có nhiều người làm. Thằng nào làm sai thì thằng kia nó học. Chứ nó không còn chờ đến thủ tướng kết luận. Mà nó thấy là thằng kia nó lỗ rồi thì thôi, tao nhảy ra tao làm cái khác. Tức là quá trình học trong xã hội diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Và nó rút ra kết luận ngay lập tức, rất nhanh chóng khác hẳn với kinh tế, kế hoạch hoá tập trung. Thứ ba nữa là cơ chế cạnh tranh dẫn tới sự phân phối nguồn lực một cách rất công bằng. Khuyết tật của kinh tế thị trường là do
thông tin hàng giả, hàng nhái, đầu tư méo mó. Lợi nhuận là một phạm trù cực kỳ ích kỷ, không có lợi nhuận của toàn dân tộc, không có lợi nhuận của cả nhân loại đâu. Chỉ có lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân loại thôi. Lợi nhuận chỉ là lợi nhuận của một công ty nào đó của Ban Tài chính quản trị thôi chứ làm gì có lợi nhuận chung của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế thì, lợi nhuận là một phạm trù ích kỷ, nó không quan tâm đến lợi ích lâu dài, không quan tâm đến ô nhiễm môi trường. Cho nên, phải có những tiêu chuẩn, những tiêu chí, những thước đo để khắc phục tính ích kỷ, thiển cận này. Những người bị thiệt thòi, tàn tật, tai nạn thì anh Trần Đình Hoan khi còn làm Bộ trưởng Bộ Lao động rất quan tâm đến những người thiệt thòi đấy. Và... không có bàn tay của nhà nước thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, nếu không giải quyết được thì nền kinh tế thị trường tự nó sẽ dẫn tới những khủng hoảng, bế tắc. Cho nên, rất cần bộ máy của nhà nước. Vai trò Nhà nước Thế thì nhà nước phải làm gì? Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp luật. Và phải áp dụng công bằng, không ai được đứng ngoài pháp luật và đứng trên pháp luật. Và phải bảo hộ quyền sở hữu tài sản, phải tổ chức xây dựng các dịch vụ cung ứng hàng hoá đến tạo cơ hội đồng đều cho mọi người. Phải thực hiện cạnh tranh và xoá bỏ độc quyền. Và điều rất quan trọng là phải điều tiết thu nhập. Điều tiết thu nhập để cho những người như trẻ con chưa kiếm được tiền thì có cơ hội đi học, người già không kiếm được tiền nữa, lúc bấy giờ bệnh tật nhiều bởi vì già mà càng về già càng lắm bệnh tật, lúc bấy giờ kinh phí càng cao lên. Lúc bấy giờ thì vai trò của bảo hiểm sẽ quan trọng hơn. Một nguyên lý là quyền lực phải được giám sát. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối. Đấy là mệnh đề mà ông Jean Jacques Rousseau đã nêu lên rồi. Thế thì nhà nước có khuyết tật không? Nhà nước cũng có khuyết tật. Nếu như không có sự cải cách, sự khống chế, thì nhà nước luôn luôn muốn phình to ra. Hiện nay loài người chưa tìm được liều thuốc để làm cho nhà nước miễn dịch được với quan liêu tham nhũng, lạm dụng chức quyền. Chỉ có một điều phòng ngừa là công khai minh bạch, giám sát chế ngự quyền lực. Nếu như anh làm không được thì tôi sẽ thay anh khác. Thế thôi. Chứ nếu còn để ông nhà nước thì ông ta sẽ ôm đồm, nay ông có cục thì ngày mai ông ta sinh thêm hai, ba chi cục, ngày kia ông lên tổng cục v.v. Nhà nước của chúng ta bao nhiêu cục, bao nhiêu tổng cục, từ tổng cục ông ấy có chi nhánh khắp nơi rồi ông ấy lại sinh thêm văn phòng ở nước ngoài. Nhiều sáng kiến lắm. Cứ ngồi nghe ông ấy nói thì lý sự gì ông ta cũng đúng hết đấy. Cho nên nhà nước có xu hướng phình to, đó là một xu thế. (…) Nếu như quan liêu tham nhũng mà kết hợp với những khuyết tật của kinh tế thị trường thì có thể dẫn đến những căn bệnh rất nghiêm trọng như là Mafia. Như vậy tức là bộ máy nhà nước của chúng ta trong kinh tế thị trường phải khác rất nhiều so với bộ máy nhà nước của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Bây giờ tôi xin nêu điểm cuối cùng là hội nhập, sau đó tôi sẽ nêu vấn đề mà các anh có nói trong đề cương. Về cấp độ hội nhập thì chúng ta thấy, việc sơ đẳng nhất là ký hợp đồng thương mại ưu đãi giữa hai nước như ta với ông Lào là tôi có thuỷ sản, mực khô thì ông bán cho tôi xe máy. Thế rồi nó lạm dụng đến mức là mỗi người dân Lào mỗi ngày tính ra phải ăn đến mười mấy ký mực khô, mấy ký tỏi. Dĩ nhiên là không có chuyện đó, đó là nó lấy tiền để nó buôn lậu xe máy thôi. Chưa đủ thì nó lập khu vực
thương mại tự do. Khu vực thương mại tự do sẽ loại bỏ thuế quan chung. Trong đó sẽ lập ra một mục ông bỏ thuế quan gì, tôi bỏ thuế quan gì. Nhưng nếu một thằng trong đó lại ký hiệp định bên ngoài với một thằng thứ ba, rồi thằng bên ngoài thứ ba lại cho hàng hoá nước ấy chạy đi khắp khu vực này. Giống như thằng Singapore, mình cho thằng Coca Cola vào đầu tư với cách là công ty Singapore, hồi mình chưa bình thường hoá quan hệ, năm 92 nó đã vào đây rồi. Mình biết thừa Coca Cola là của Mỹ, nhưng nó lấy danh nghĩa là như thế. Đến một bước nữa là liên minh thuế quan, tức là thuế quan chung đối với người trong khu vực, còn anh không được tuỳ tiện ký hiệp định với nước ngoài, mà thái độ thuế quan đối với nước ngoài phải được hành động chung. Xong rồi đến thị trường chung nghĩa là đến một mức nữa là dịch chuyển lao động tự do, tiền vốn tự do. Tức là trong khu vực thị trường tự do đó, thì lao động muốn đi làm chỗ nào thì làm, tiền vốn muốn đầu tư cái gì thì đầu tư. Đến liên minh kinh tế thì chúng ta thấy có chính sách kinh tế chung, có đồng tiền chung như liên minh châu Âu. Như vậy là đồng tiền chung thì không phải đổi tiền nữa, chính sách thương mại chung thì anh không thể tuỳ tiện bội chi ngân sách nữa. Nghĩa là tất cả thứ đó anh bị ràng buộc và sẽ tiến tới hình thành một thế giới đại đồng như Liên minh Châu Âu, có Quốc hội chung, nó sẽ dự kiến thành một Liên bang châu Âu hay Hợp chủng quốc châu Âu; rồi thì nó có chính phủ châu Âu, có chính sách chung. Thế thì, một thể chế chính trị trong khung cảnh hội nhập kinh tế phải hướng tới các giá trị chung, các quy luật chung. Chứ anh không thể nào tiếp tục cứ bảo hội nhập, nhưng quy trình hải quan anh là khác, thuế anh làm khác, mọi thứ anh làm khác. Nghĩa là nó đã “kẹp chì” rồi thì anh không giám sát nữa, anh đã “kẹp chì” rồi thì nó không phải kiểm tra nữa. Chứ còn ông hải quan cứ mở tung hết tất cả ra để kiểm tra, kể cả kiện bông ông cũng tháo tung ra hết để kiểm tra, thế thì chết rồi. Thế rồi đi thì nó bảo là chèn bốn thước hai, thì bốn thước hai anh phải cho nó đi chứ. Đằng này anh không nói không được, phải dỡ ra. Như thế là không được. Như vậy, tôi muốn tóm lại phần mào đầu hơi dài của tôi, rằng là, chúng ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất là lớn. Môi trường trong và ngoài nước cũng rất khác. Chúng ta đã tiến rất nhanh, đã vượt lên trước rất nhiều, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn là một nước nghèo, tốc độ phát triển chung của chúng ta vẫn chậm, pháp luật của chúng ta vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta nhận là chúng ta có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng bất công trong xã hội hiện nay cực kỳ lớn. Cực kỳ lớn bởi vì nguồn thu của ngân sách là toàn thuế gián thu cả, 24% là thu từ bán dầu lửa, 22% là thuế nhập khẩu; sắp tới ông giảm thuế rồi thì ông thu bằng cái gì. Trong khi đó, các nước trên thế giới có 40% là thuế bất động sản, 40% là thuế thu nhập; còn lại 20% là các thứ khác. Chứ đằng này, ông không điều tiết được chút nào cả. Thuế thu nhập của Việt Nam đóng được 2% vào tổng thu ngân sách trong đó phần lớn là tiền người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam làm việc cho nước ngoài. Chênh lệch giàu nghèo đấy là mới được đo bằng tiêu dùng, chứ hiện nay chưa biết được chênh lệch về tài sản là bao nhiêu. Gần đây có một tổ chức quốc tế có hỏi tôi, lúc bấy giờ tôi có làm cố vấn để điều tra về vấn đề chênh lệch giàu nghèo, về tiêu dùng và về tài sản như thế nào? Thế thì bây giờ lấy cái gì để đo chênh lệch giàu nghèo về tài sản trong một đất nước mà không có khai báo mọi việc đều là bằng tiền mặt và không có công khai minh bạch. Cho nên, nếu chúng ta không có một bước tiến trong chuyện công khai, minh bạch thì nguy cơ lớn lắm. Tôi thấy nói về nguy cơ ta mới chỉ nói tới những méo mó hay mặt trái của kinh tế thị trường. Theo tôi, nguy cơ quan liêu, tham nhũng, bộ máy nhà nước bất lực không thu được của anh giàu ví như những anh giàu bất chính bằng cách đầu tư đất đai. Xin báo là nguồn tiền tiết kiệm trên địa bàn Hà Nội một năm là:
144 nghìn tỉ đồng, tiết kiệm ở TP. Hồ Chí Minh chỉ 7 nghìn tỉ đồng. Thế mà kinh tế Hà Nội chỉ bằng một phần tư kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chưa kể TP. Hồ Chí Minh một năm kiều hối gửi về 1, 2 tỉ đô la. Thế thử hỏi ông Hà Nội làm sao mà lãi nhiều tiền tiết kiệm thế. Chính vì thế, ông không có cách gì đứng ra kinh doanh, ông chỉ đi mua đất cát, đẩy giá bất động sản lên làm cho giá đất như ở Hàng Gai lên đến 4 nghìn đô la một mét vuông, cao nhất thế giới, cao hơn cả Tôkyô. Nến như chúng ta không làm được điều tiết định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi người đều kinh doanh, anh nào có lãi anh chia sẻ, đóng góp cho xã hội; xã hội ngày càng phát triển thì rất nguy. Người không đáng hoan nghênh một tí nào là ông tham nhũng, là ông lạm quyền, là ông đi chiếm đất mà không đóng thuế, bóp méo thị trường bằng cách ông nâng giá lên. Hiện nay chúng ta đang đứng trước một thách thức rất lớn là chúng ta có trở thành Nhà nước pháp quyền được không, có trở thành một Nhà nước mà pháp luật có hiệu lực không, chúng ta có điều tiết được không. Nếu không, tôi thấy nước Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Đại hội X đang đứng trước ngã ba đường. Nếu tiếp tục đi con đường này thì những mâu thuẫn và thách thức nội bộ ở nước Việt Nam sẽ rất lớn. Thách thức và cơ hội trên thế giới có thể giải quyết được nên Việt Nam mạnh, phát huy được nội lực lên, phát huy được trí tuệ lên. Nhưng thách thức cũng rất lớn. Một chức năng nữa của Nhà nước là kịp thời phát hiện những mâu thuẫn và giải quyết những mâu thuẫn lợi ích. Những chuyện như vụ Trảng Cát vừa rồi, có đáng gì đâu. Có phải là người ta không kêu đâu. Kêu suốt cả năm rồi. Nhưng bộ máy của anh không làm được việc đó. Hiện nay trong Đảng có hai loại đảng viên. Một loại đảng viên có chức có quyền và một đảng viên không có chức có quyền. Hai loại đảng viên này xa cách nhau lắm, xa cách nhau rất nhiều. Tôi không biết anh chị có gặp mấy chiến hữu cựu chiến binh, mấy anh em đang phò tá anh Nguyễn Nam Khánh viết thư này khác đấy. Mấy anh em đó rất có tâm huyết. Họ sinh hoạt có trí tuệ, họ có những suy nghĩ có thể là hơi cổ một chút vì họ chưa hiểu đầy đủ nguyên lý của kinh tế thị trường v.v... Nhưng họ rất tâm huyết. Những anh em đấy, hiện nay đi đâu họ cũng đều phải đút lót hết và làm gì cũng phải đút lót. Ra đến phường, bị quát nạt bởi một cô phục vụ bé tí vừa mới ra trường nhưng bởi vì là con ông bí thư. Các anh nói là nó không làm gì được cả, ngay cả bộ máy của phường cũng “kinh” con bé này luôn, đụng đến nó không khéo nó về ton hót với bố nó thì mình chưa dọn được nó, nó đã dọn mình đi rồi. Thế thì, một bộ máy như vậy, một sự méo mó như vậy dẫn đến những hành vi mà nó không thể hiện bản chất chế độ của chúng ta. Cho nên, điều đầu tiên tôi thấy muốn báo cáo là trước những sự thay đổi rất sâu sắc của kinh tế trong nước, đã xuất hiện những lợi ích khác nhau. Vì mỗi cá nhân tự kinh doanh thì lợi ích sẽ khác nhau. Bây giờ không phải lấy làm ngạc nhiên là một tỉnh có những lợi ích khác nhau. Anh không nên hy vọng rằng là mọi việc, mọi người đều nói thật với anh hết. Anh không nên hy vọng là bằng phê bình, tự phê bình, mọi việc anh đều có thể giải quyết được hết cả. Chuyện ấy là quá ngây thơ. Mô hình sinh hoạt ấy của thời kỳ Đảng hoạt động bí mật thì rất tốt; bởi vì lúc bấy giờ là gươm kề cổ, thằng nào làm không đúng quy định thì nó tống cổ anh luôn. Bây giờ lại là trong kinh tế thị trường. Trời ơi, cơ hội là đi ra nước ngoài, nó gửi tiền ra nước ngoài, nó làm mọi thứ. Tất cả việc đó Đảng không kiểm soát được, thế mà bảo là mày cứ phê bình, tự phê bình. Thế tức là anh đề cao một công cụ mà hiệu lực của nó ngày càng thu hẹp lại, bởi vì mức độ thông tin và hoạt động của người ta càng mở rộng ra mà thông tin mình có được lại càng thu hẹp lại. Thế tức là mình sẽ dẫn đến một tình hình là sinh hoạt nó rất dữ, nhưng hiệu lực không tương xứng. Có thể đi đến
một kết luận là: Hệ thống chính trị của chúng ta đang bộc lộ ngày càng nhiều những bất cập để giải quyết những vấn đề lâu dài, cơ bản, cấp bách của dân tộc và của đất nước. Theo tôi, sứ mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam phải là sứ mạng của Đảng cầm quyền là phải chỉ ra một chiến lược, chỉ ra một cương lĩnh, tạo cơ hội phát triển cao độ nhất tính sáng tạo của dân tộc để đất nước này đi lên nhanh và thực hiện được công bằng, dân chủ, thực hiện được quyền tự do kinh doanh, tự do phát triển của mỗi con người. Đấy là câu mà ông Mác đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cơ mà. Đó là sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người. Mỗi một người có tự do thì mọi người mới được tự do, chứ không phải một vài người có điều kiện tự do ông muốn đi đâu cũng được. Tôi muốn Ban Tổ chức Trung ương nắm tình hình để báo cáo ra. Hiện nay, ở Hà Nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp luôn. Chỗ nhà tù Hoả Lò cũ, nó có một nhà trẻ quốc tế, giá là 2.800 đô la một tháng. Quá 16h30 mà anh không nhận trẻ thì nó giữ lấy cho anh, nhưng mỗi giờ nó đòi thêm anh 4 đô la Có một cô người nước ngoài tưởng rằng là giá cao thế chắc không đến lượt người Việt Nam nên cô ấy đến chậm một chút. Cô ấy gặp tôi bảo là có 20 chỗ thì người Việt Nam làm hết rồi, không đến chỗ cho con bà nữa, lại phải đi kiếm nhà trẻ khác. Thế tức là 2.800 đô la không là cái gì. Các anh chị cứ xem mà xem, có rất nhiều người đi khám bệnh ở Singapore, đi nghỉ, đi chữa bệnh luôn xoành xoạch, rồi giám đốc đi Macao đánh bạc luôn xoành xoạch. Thử hỏi các cơ quan xuất nhập cảnh báo cáo xem nào, những ai đi nhiều, đi đâu lúc này chúng ta sẽ biết. Thì đấy là một điểm. Điểm thứ hai nữa là, việc xây dựng một hệ thống chính trị có hiệu lực, mỗi một bộ phận có chức năng phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập là điều rất quan trọng. Trong đó, có một điểm rất quan trọng đối với Đảng cầm quyền là phải biết được thông tin, nguyện vọng hiểu được tâm tư của người dân một cách kịp thời nhất. Cái đó, nếu đưa vào báo cáo thì theo tôi là rất hạn chế, vì từ trước tới nay chúng ta đã có quá nhiều ví dụ về việc ấy rồi. Về bản chất thì không có gì ngạc nhiên cả bởi vì kinh tế thị trường nó có những lợi ích riêng, nó có thể có một lợi nhuận nào đấy dù là hợp pháp hay không hợp pháp. Mọi người đều hành động, rằng là theo đúng điều lệ của Đảng, chính sách của nhà nước ấy, nhưng có một cái “cục” mà ông không nói ra là “cục” lợi ích. Cái cục đó là nặng lắm chứ và điều đó cũng là điều bình thường thôi. Thế bây giờ mình phải làm sao thiết kế một cơ chế và để cho thông tin phải thông suốt, phải có một kênh độc lập để nó giám sát phát hiện và để nó đưa lên kịp thời. Nếu mà chúng ta muốn hạn chế kênh đó không muốn nghe kênh đó thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều vụ Tây Nguyên. Mà vì Tây Nguyên có phải anh em người ta không báo đâu, báo từ lâu lắm rồi, có sách đã xuất bản rồi chứ, từ năm 1996 người ta đã viết là với tiết mục là cứ ào ạt lên lấy đất như thế này thì chắc chắn sẽ dẫn tới một xung đột trong xã hội mà không thể nào giải quyết được. Tôi lên Tây Nguyên gặp anh em nói rồi, về báo cáo lại rằng là người Tây Nguyên chưa có đất đâu. Các anh cứ để ý mà xem, khi mà đi ngoài đường thấy có dân tộc gùi một gùi măng, đang đi có một cái ôtô đỗ xịch, xuống mua mấy ký măng trả có 1.500 đồng. Tôi bảo sao các vị trả rẻ thế. Cô ta nói, các ông bênh gì bọn mọi đó. Mọi thì trả thế là tốt rồi. Vậy mình có phải đối xử với người dân tộc bình đẳng như anh em đâu. Mình cứ nói thế thôi, không phải như thế. Thế bây giờ làm sao đưa
được người đồng bào dân tộc ấy tham gia vào kinh tế thị thường, họ phải đứng trên chân của họ, phải được kinh doanh thì mới được. Chứ bây giờ với trình độ của họ như vậy, cho họ vay tiền thì họ để trong ống nứa gác lên gác bếp. Thế thì, với tình hình hiện nay, theo tôi phải có một sự nhận chân về cơ hội và thách thức; nhận thức được thực trạng dù có thể nhiều người không thích nghe, không muốn chấp nhận và cho rằng nếu nói về nguy cơ này thì hơi quá đáng. Theo tôi, hệ thống chính trị của chúng ta có nhiều điểm không còn phù hợp, bất cập và kém hiệu quả, đang tự tạo ra nhiều khuyết tật, tự tạo ra nhiều vấn đề, kết hợp với mặt trái của kinh tế thị trường thì dẫn tới sự chệch hướng rất lớn. Nếu chúng ta kiểm điểm một cách nghiêm túc rằng chúng ta có tạo ra được công bằng xã hội không thì xin báo cáo với các anh là không. Thuế thu nhập 1,2% là không. Bộ máy Nhà nước này đã bất lực, thất bại trong việc điều tiết những người có thu nhập cao. Những người đó là những người có chức, có quyền hay là có hiểu biết, có trí tuệ kiếm ra tiền. Nếu kiếm ra tiền thì anh phải góp vào xây dựng đất nước chứ sao anh lại thế. Bây giờ, chúng ta có chiến lược như là người Thuỵ Điển hay không. Xin báo cáo là ở Thuỵ Điển, thuế thừa kế tài sản là 50%. Bố anh chết, anh chỉ được nhận 50% tài sản còn lại. Tôi hỏi Thuỵ Điển là tại sao mày làm dã man thế mày. Nó bảo, triết lý của chúng tao là không cho thằng nào sống được phè phỡn được bằng tiền thừa kế cả. Bố nó giàu, chúng tao sẽ lấy cái giàu có ấy đi cho đất nước; còn lại, nó phải tự đi làm. Tiền thừa kế ấy có thể làm một bệ phóng tốt, nếu mà nó muốn thành người. Điều đó cũng có mặt trái. Trong nền kinh tế toàn cầu, những thằng Thuỵ Điển giỏi nó sang Mỹ làm. Tôi hỏi là mày sang làm gì, nước mày là thiên đường nhất trên thế giới. Nó bảo thiên đường thì cũng có thiên đường, nhưng nó cũng có mặt trái, nên tao sang Mỹ làm ăn khoảng 10 năm, sau đó lại về Thuỵ Điển tao dưỡng già, lúc bấy giờ tao được hưởng cái phúc lợi của nó cũng tốt. Thế tức là không có một mô hình hoàn chỉnh, mọi công cụ đều có mặt trái; anh điều tiết nó, quá thì nó không sống được, phải chạy đi chỗ khác để nó làm. Ví dụ, giờ người Thuỵ Điển xây nhà ở Hy Lạp và Tây Ban Nha rất nhiều là bởi vì ở đấy giá rẻ, mùa đông lại ấm áp và cũng trốn được một ít tiền thuế thu nhập. Nếu như thế này thì không lâu nữa, tôi tin là người Thuỵ Điển sẽ mua đất mua nhà ở Nha Trang, Hội An. Thế thì, bây giờ nguy cơ đó đã bộc lộ chưa. Theo tôi, nguy cơ đó bộc lộ khá rõ. Hiện nay, ta chưa có được sự tổng kết sâu sắc chưa thấy được hết căn bệnh, chưa thấy được hết nguồn gốc và bản chất sâu xa tính sâu rộng của điều này. Tôi nghĩ rằng, sự bất cập và nguy cơ này có liên quan đến cả sự tồn vong của chế độ mà nguy cơ lớn nhất là từ trong nội bộ của chúng ta. Bởi vì như thế, anh không thể thu hút đầu tư được, tham nhũng sẽ ngày càng tăng lên, phân biệt giàu nghèo sẽ ngày càng tăng lên. Và bằng cách như thế này thì anh không đưa được người giỏi lên mà anh đưa những thằng đút lót, nhiều tiền lên. Và thằng đút lót nhiều tiền nó muốn lên thì nó chạy chức, chạy quyền, nó lại phải hoàn vốn lại khoản tiền mà nó đã đầu tư vào. Cho nên, việc đầu tư mà nó muốn làm không phải lo gì cho nước cho dân cả mà nó kiếm cách lấy lại được tiền của nó. Như thế bộ máy sẽ ngày càng méo mó, và mức độ cứ thế hệ sau của người giữ vị trí đó nó lại càng kém hơn người trước đây cả về năng lực, trí lực, cả về động cơ. Đồng chí Phạm Văn Đồng trước khi chết có nói với tôi là không biết đại hội này rồi đến đại hội sau có còn đại hội được nữa không. Chắc là các đồng chí có nghe đồng chí Phạm Văn Đồng trước khi mất có những tâm tư rất lớn, lo rằng là bây giờ Đảng như
thế này thì Đảng là thế nào, cương lĩnh là thế nào, lý luận là thế nào, chất lượng là thế nào, Đảng làm cái gì, đảng viên nên như thế nào, trách nhiệm như thế nào trước xã hội. Nhiều điều chưa nghiên cứu được thì cụ đã mất rồi. Thế thì, một điều nữa là với tình hình như thế này mà nếu như không có sự chuyển hướng một cách rất cơ bản thì tôi thấy có một nguy cơ. Nguy cơ là người nói cứ nói, mà giới trẻ thì nó làm theo kiểu khác. Xã hội của chúng ta dẫn tới sự phân hoá về suy nghĩ, tình cảm rất mạnh. Thử hỏi mấy cụ cựu chiến binh, cụ có đọc kỹ báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân không. Rất kỹ, nhưng sau đó có phát biểu không. Mang ra bàn bạc về những chuyện nọ, chuyện kia, những chuyện mà không đăng báo. Rồi là các tài liệu rất hay từ Internet xuống, nhiều lắm, mình không biết, các cụ lại biết. Thế bây giờ là trong tình hình toàn cầu như thế này, mình phải cung cấp những thông tin chính thức, trung thực. Thông tin chính thức, trung thực rất nhiều tại sao mình không cung cấp cho người ta được. Xin lỗi các chị là có một vấn đề mà mọi người đều biết cả. Bây giờ bảo là cấm mại dâm, có cấm không, có cấm được không. Thế bây giờ xử lý vấn đề này như thế nào? Có mấy cấp xử lý. Tức là phải khoanh lại một chỗ. Tức là người ấy, mình thì luật pháp không công khai, nhưng người ấy phải bảo vệ người ta chứ, phải chăm sóc người ta về mặt y tế, rồi bảo vệ về pháp luật, cho người ta cái quyền để sau này người ta được hưởng. Người nào là người ăn tiền nhiều nhất. Một là mấy mụ chủ chứa, là mấy ông khách sạn. Mấy ông ấy biết hết, Bảo kê nó biết hết. Xã hội ông không biết đâu. Chỉ có điều là ông muốn tóm cổ lúc nào là ông tóm, thế thôi. Tôi ở Nghĩa Tân, trước đây có mấy cô đứng đường, cứ thấy tôi đi tập thể dục mới đến “chào hàng”. Tôi mới hỏi cô ấy rằng là sao giỏi thế, đứng đây mà cảnh sát không phát hiện. Cô ấy bảo, trời ơi chỗ đứng này là mỗi tháng một trăm ngàn đó. Ngày nắng thì còn được vài ba bữa chứ ngày mưa thì làm sao. Khủng khiếp lắm chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, chúng ta phải thấy là phải có một giải pháp về tình hình đó. Vấn đề cơ chế quản trị xã hội và nhà nước Nhược điểm lớn nhất của thể chế chính trị của chúng ta là gì. Là chế độ đảng trị, chuyên chế và mất dân chủ rất nặng nề. Trong Đảng có dân chủ chưa. Tôi từ năm 71 đến nay là theo các cụ, đầu tiên là theo cụ Phạm Văn Đồng, cụ Nguyễn Duy Trinh, theo cụ Đỗ Mười, rồi theo cụ Nguyễn Văn Linh, sau đó về làm anh nghiên cứu cải cách, thực chất tôi thấy chưa có dân chủ. Bây giờ nói rất thật là việc phê bình, tự phê bình trong Bộ Chính trị. Nói thẳng, nói thật thì sợ mất lòng nhau. Tôi không muốn kể thêm những người nói lại với tôi hay lắm là đồng chí A, đồng chí B phê phán mình như thế nào. Đến bây giờ, đến mười mấy năm sau, ông vẫn cứ nói lại là ngày ấy, tháng ấy thằng ấy nó nói tao cái này v.v... Theo tôi, có lẽ không nên sơ sơ song cũng không nên tuyệt đối hoá, nên xem xét góp cái gì và cách góp như thế nào; sự giám sát phải được thực hiện như thế nào, bằng những công cụ và phương pháp nào? Chứ còn bây giờ, nói thẳng ra là anh mất dân chủ lắm đấy; anh thành kiến với tôi đấy, anh là hẹp hòi đấy, anh mà có nhà có đất đây, anh là chỗ này, chỗ kia người ta nói đấy... Sao thằng kia nó nói tao thế mày, tao đối với nó cũng tốt chứ, bây giờ tao nghe ra và hoá ra là nó nói tao tệ quá; mấy đêm rồi tao không ngủ được. Lâu lâu mới đến, tưởng nói chuyện gì, hoá ra lại vẫn nhắc lại cái chuyện thằng ấy nó nói tao thế ấy. Tôi nói là thôi thì quên đi chứ nhắc lại mãi làm gì nữa. Tức là các cụ có những chuyện rất cũ mà nhớ dai lắm, nhớ rất dai. Thế thì, tôi thấy cần phải có một bước chuyển biến rất quan trọng để tăng
tính dân chủ như có một mệnh lệnh là quyền lực tuyệt đối dẫn tới tham nhũng tuyệt đối. Thế bây giờ, suy nghĩ thế nào về giám sát Uỷ ban Kiểm tra do Trung ương bầu ra có giám sát được Bộ Chính trị không, có giám sát được Tổng Bí thư không, đại hội đại biểu bầu ra có thực hiện dân chủ không. Tất cả chúng ta ở đây đều là những trang theo hầu, bưng bê; cũng là một trong những thằng quân sư quạt mo, quân sư quạt giấy mãi rồi, bây giờ đến quân sư điều hoà khí hậu đây, cũng theo hầu mấy đại hội rồi. Thử hỏi là mấy đại hội thảo luận dân chủ, đóng góp thiết thực, bao nhiêu phần trăm là chỉ lo nhăm nhắm chạy cái chức. Bây giờ là sôi nổi lắm rồi đó, quyết liệt lắm rồi đó. Tức là từ khi nói chuẩn bị Đại hội một cái là mọi người đều khác hẳn. Việc xuất hiện, rồi nói năng câu gì gay cấn là không có ai nói nữa xuất hiện trước nhà báo là không ai thích nữa. Rồi thì là mình mà nói thẳng về ngành ông nào đấy là ông ấy ghét lắm. Thế thì cái mệnh đề tôi thấy muốn báo cáo là đề nghị phải có một bước tiến, nên chăng là đại hội trực tiếp bầu ra Tổng Bí thư. Tổng Bí thư có một quyền hạn nhất định. Đại hội bầu ra Uỷ ban Kiểm tra, Uỷ ban Kiểm tra có quyền hạn nhất định kiểm sát Tổng Bí thư, giám sát Bộ Chính trị. Thường vụ đại hội đại biểu có thể là một mô hình không, có nên thí điểm không, nên làm cái gì. Chứ bây giờ, về các tỉnh uỷ, trời ơi, ông bí thư tỉnh uỷ được coi như ông vua con tuyệt đối rồi. Anh ấy mà đã nói ra là miễn bàn rồi. Con ông chả học hành vào đâu cả, nhưng vẫn được xếp làm ở chỗ này chỗ nọ; làm vương làm tướng, mọi người cứ phải lắc đầu. Đảng phải tôn trọng luật pháp, hoạt động trong luật pháp, không đứng trên luật pháp, không đứng ngoài luật pháp. Trong nền kinh tế thị trường, với lợi ích và môi trường thế này là không đủ, phải lấy luật pháp bổ sung cho luật của Đảng, phải lấy công khai minh bạch, phải tạo ra một sự văn minh và văn hoá chính trị trong phê bình tự phê bình, trong góp ý, trong tự sinh hoạt. Chính cái chuyện xử lý đằng sau lưng, chính chuyện thành kiến, lấy thông tin ở đây đây báo cáo lên, chính sự để bụng nhau đã tạo ra sự hạn chế chúng ta trong khung cảnh nền kinh tế thị trường. Phải coi pháp luật là công cụ chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có chức, có quyền chứ không phải pháp luật là công cụ chủ yếu để đè nén quần chúng. Pháp luật phải tạo ra sự tự do của quần chúng, tự do kinh doanh. Pháp luật chủ yếu là phải hạn chế, khống chế người có quyền. Anh chỉ có quyền làm được thế này thôi và quyền ấy phải có sự giám sát. Chứ bây giờ, lại là pháp luật chủ yếu để áp đặt, cai trị người dân. Tôi rất ngạc nhiên là có chiến hữu là đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Công an nói rằng bây giờ cấm xe máy không cho vào Hà Nội, mà nói ở Hội đồng nhân dân Hà Nội luôn, mà cũng im ru luôn. Tôi tức quá, viết bài gửi báo Tuổi trẻ nói về chuyện Bác Hồ nói về “ba xây, ba chống”. Hồi bấy giờ Bác đi từ Trung Quốc về, anh Phạm Văn Đồng và Lê Thanh Nghị đã duyệt đề cương rồi, chỉ có ba chống thôi. Anh Phạm Văn Đồng bảo là Bác mới về, phải báo cáo xin ý kiến Bác; thế nhưng trong lòng vẫn nghĩ bụng mình làm thế này chắc hay lắm, rồi đây, thế nào Bác cũng đồng ý thôi. Vào đến nhà sàn, Bác cầm báo cáo ném xẹt xuống bàn. Bác bảo: “Các chú lạ, các chú muốn quản lý đất nước mà các chú chỉ chống là làm sao, chủ yếu là phải xây cái tốt mới chống được cái xấu chứ, cái tốt mới đẩy lùi được cái xấu”. Tôi đứng dưới chân cầu Thăng Long từ 5 giờ rưỡi đến 7 giờ kém mười lăm, đã đếm được 82 cái xe máy chở đằng sau 3 con lợn, một xô tiết đằng trước và hai bên là lòng. Tôi mới nghĩ bụng là ông kia định cấm những chiếc xe máy này. Thế thì ông định đưa lên xe buýt cả lòng mề, tiết các thứ như thế thì thử hỏi ông có làm được không. Rồi còn cá
nữa chứ. Nghĩa là ông cầm cái quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hành nào cho phép anh làm việc ấy? Tôi thấy những chuyện ấy là phải hết sức nhất quán về tư duy. Rằng pháp luật chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát những người có pháp luật, còn ra phải tạo điều kiện phát huy sự tự do, sáng tạo, không hạn chế quyền của người công dân. Thế mới được. Điểm quan trọng nữa là phải có thái độ nghiêm túc đối với báo chí, yêu cầu báo chí hành động một cách có trách nhiệm, trung thực, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích đưa thông tin phát hiện những vấn đề. Bởi vì, như ông Jefferson nói, có thể không có chính phủ nhưng vẫn phải cần báo chí. Nếu không có báo chí thì xã hội này không còn là xã hội văn minh nữa, không thể vì cái việc là báo chí đưa lên chỗ này, chỗ kia, trong một xã hội mà chuyện mua bán, chuyện chạy quyền, chạy chức nhiều thế này mà bảo thằng nhà báo nó không viết một câu chuyện giật gân để đưa ra là không thể được. Chỉ có điều là những chuyện ấy phải theo đúng pháp luật, còn phải khuyến khích, tạo điều kiện cho nó nữa, để nó đưa lên sự thật. Thế bây giờ, bộ máy quan hệ giữa Đảng và Nhà nước của chúng ta, theo tôi, còn có tình trạng vừa lẫn lộn, vừa để trống trách nhiệm. Những việc rất quan trọng như đổi mới cương lĩnh, đổi mới phương thức hoạt động để thực sự dân chủ thực sự xứng đáng là Đảng cầm quyền, dẫn dắt đất nước này đi lên văn minh, công bằng thì cái đó chúng ta chưa làm được tốt. Trong khi đó, tôi thấy qua nhiều những nghị quyết, chỉ thị về những vấn đề quá cụ thể luôn, như chỉ thị về chống cúm gia cầm, rồi thì HIV, rồi thì vân vân. Như vậy quá chồng chéo. Theo tôi không cần thiết. Và nên xác định giữa bộ máy của Đảng và Đảng lãnh đạo Chính phủ như thế nào chứ không có bây giờ, với cơ chế Ban cán sự đảng khéo là một cơ chế tốt để vô hiệu hoá Chính phủ. Tôi được nghe nhiều những người có trách nhiệm trong Chính phủ bảo là, trời ơi, cơ chế này thì Thủ tướng đồng ý rồi nó phải làm nhưng nó không thích làm. Nó về họp Ban Cán sự Bộ lại, trình lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư với tư cách Ban Cán sự, nó thách thức luôn Chính phủ. Thế bên kia cũng chưa hỏi vấn đề này là thế nào cả, mới bảo là: thôi, bây giờ ta họp về vấn đề này. Tức là có nhiều việc cần phải làm nhưng chúng ta làm nhiều việc quá chồng chéo, có nhiều việc không ai làm cả. Đó là điều rất nguy hiểm, làm cho bộ máy của chúng ta kém hiệu quả. Một điều nữa là cơ chế lựa chọn, bầu cử nhân sự. Ba thằng đứng lên cãi nhau, nói nhau ăn miếng trả miếng. Bây giờ Đảng mình là lãnh đạo, nhưng ông lãnh đạo tối cao ấy lại không phải trực tiếp do dân bầu ra, dân không được chọn cái ông ấy nhưng mà lại coi ông ấy là ông tối cao nhất. Thế thì chuyện ấy là thế nào? Thế thì bây giờ ông ấy là Tổng Bí thư. Ông là cao nhất vậy thì ông đứng ra tranh cử đi, ông hăng hái đi xuống dân đi, ông đi “nhuộm bùn” đi, giống như Bác Hồ ngày trước. Lúc bầy giờ, ông phát biểu tình hình ý kiến ra làm sao, nhìn xa trông rộng như thế nào? Tức là phải có thử thách như thế. Chứ bây giờ người dân chả biết ra làm sao cả. Rồi đùng một cái lại có một ông khác xuất hiện, rồi bảo là ông ấy thế mạnh lắm đấy, bắt đầu mới sợ sợ sệt sệt nghe báo chí; rồi rằng là báo chí hồi này nghe nói nhiều về bố của ông này, về mẹ của ông kia. Trời ơi, một đất nước văn minh mà mọi người đều hành xử như thầy bói xem voi, nghe ngóng làm cho câu chuyện trở nên không có văn minh gì hết cả. Rồi xun xoe là đến gặp ông này, đến thăm ông kia, rồi vận động chỗ này, vận động chỗ khác... Theo tôi là cần phải có một cơ chế về nhân sự rõ ràng, minh bạch, công khai và dựa trên sự
lựa chọn thật sự của đảng viên, của quần chúng. Đảng muốn lãnh đạo được, có uy tín, có thuyết phục thì đấy cũng phải là lãnh tụ của Đảng, lãnh tụ của nhân dân. Nếu không thì rồi bảo rằng ông ấy là lãnh tụ đấy, người dân lại bảo là ơ kìa, chúng tôi có biết gì về ông này đâu, ông ấy qua quá trình ở đâu, ai bầu ông ấy thế. Tôi xin báo cáo để các đồng chí thấy rằng là người ta dân chủ đến thế nào. Ông Thủ tướng Canada Saint Chrétien trước khi hết nhiệm kỳ, lấy một cái trực thăng của Chính phủ đi lên vùng Tây Bắc khánh thành một công trình xoá đói giảm nghèo gì đó sau đó cùng với vợ con đi nghỉ ở suối nước nóng. Báo chí đưa lên rằng, Thủ tướng Saint Chrétien lấy tiền Nhà nước đi làm việc nhà nước chỉ 40 phút, còn nghỉ ngơi với gia đình 4 tiếng đồng hồ, việc ấy có lạm dụng công quỹ không, có chấp nhận được không. Xanh Crechien nói là tôi xin chịu hết toàn bộ chi phí chuyến này. Quốc hội giám sát xem xét, kết luận Saint Chrétien làm việc này là sai nhưng trừ cho Saint Chrétien 20% chi phí làm việc 40 phút cho xoá đói giảm nghèo, còn Saint Chrétien chịu trách nhiệm trả 80% chi phí. Bây giờ, toàn bộ ô tô xe cộ của Chính phủ Nhật Bản, kể cả xe đón tiếp nguyên thủ các nước đều do một Công ty tư nhân đứng ra kinh doanh dưới sự giám sát của Bộ An ninh Nhật Bản. Ông Thủ tướng chẳng có xe riêng. Lúc nào ông cần thì có xe đưa ông đến an toàn chỗ ấy. Nhưng ông đi đâu phải tính đến đấy, trả tiền chuyển sang bên Quốc hội giám sát. Nếu ông riêng tư thì bỏ tiền túi ra mà trả, chứ tôi không trả. Ông bộ trưởng đi tàu điện cũng tốt chứ. Nghĩa là mọi sự đều phải được giám sát dân chủ, bình đẳng. Một điểm nữa, vấn đề rất lớn để bảo đảm dân chủ là phải bảo đảm mọi cơ quan đều phải có sự giám sát. Chúng ta hiện nay giám sát và cải cách một số cơ quan như thế nào ? An ninh giám sát thế nào ?.. Quốc phòng giám sát thế nào ? Ngoại giao giám sát thế nào ?... Có hiệu lực chưa ?... Có một mệnh đề là một hệ thống đóng kín là một hệ thống tự tha hoá. Một chủng tộc cứ loạn luân, cứ lấy nhau mãi như thời nhà Trần thì sẽ bị thoái hoá. Một khu rừng mà chỉ có một loại cây, không cho mọc một loại cây gì khác thì sâu bệnh nó sẽ hại cho bằng hết. Một cánh đồng lúa mà hôm nọ tôi xem ti vi thấy ông ti vi đưa lên là có một ông một năm làm bốn vụ lúa. Tôi bảo ông này chết rồi. Bởi vì một năm 4 vụ lúa, đất sẽ thoái hoá, sâu bệnh phát triển rất ghê. Nên một hệ thống muốn phát triển phải rộng mở... phải chấp nhận sự giám sát và phải chấp nhận sự thách thức, chấp nhận đi ra ngoài khơi. Báo cáo với các anh về hệ thống Thuỵ Điển là thế này. Anh tốt nghiệp đại học mà muốn làm tiến sĩ thì anh đi ông thầy khác. Anh không bao giờ được làm tiến sĩ ở ông thầy đã cho anh tốt nghiệp đại học ở trường đại học ấy. Tốt nghiệp rồi, anh phải ra nước ngoài kiếm ăn 3 năm. Bất kỳ tiến sĩ nào, anh cũng phải kiếm được việc, anh phải ra nước ngoài anh làm ba năm trời rồi anh mới được về Thuỵ Điển làm. Anh về anh không được làm ở cái chỗ nó đã cấp cho anh bằng tiến sĩ, anh phải đi chỗ khác. Và cứ như thế, cứ năm năm anh lại thay đổi, từ ông Vụ trưởng đến ông nhân viên. Nó thay rất ác liệt luôn. Một ông Vụ tài chính quản trị đùng một cái gửi sang làm Vụ chính sách. Ông không làm được thì chuyển. Vì vậy, cái nước Thuỵ Điển chỉ có 10 triệu người thôi nhưng thằng nào cũng giỏi giang cả. Đi đến đâu cũng thấy thằng ấy làm việc tốt quá, thả vào đâu nó cũng làm được. Mình thì giờ chỗ nào cũng sợ sợ sệt sệt, nghe nghe ngóng ngóng. Rằng là thằng ấy là con ông ấy, con kia lại con bà ấy để rồi phải khép nép khúm núm v.v... Cho nên, là người tài không lên được. Một xã hội có rất nhiều ẩu đả. Điều ấy có nguy cơ lớn lắm. Cho nên, trước bối cảnh mới, cần có sự cải cách rất mạnh mẽ là vì chính lẽ ấy. Anh em đó nhiều chuyện. Cũng không phải chỉ là chuyện mà ông Nam Khánh ông viết ra đâu. Còn nhiều chuyện
khác nữa, đất cát thế nào, kinh doanh ra làm sao, công tư như thế nào, rồi làm sao mà ông ấy giàu đến như thế, đâu là tiền công vụ, đâu là tiền nghiệp vụ, đâu là tiền kinh doanh v.v... Có ma mà biết, có trời mà biết. Không biết được. Rất nhiều chuyện chứ không phải chỉ có một chuyện ấy đâu. Một chuyện nữa rất quan trọng là một Nhà nước như vậy, phải có một bộ máy giám sát, phải có luật pháp, phải có tư pháp trong tư pháp phải có điều tra, phải có công tố, phải có toà án. Ba người ấy phải độc lập với nhau, phải kiềm chế lẫn nhau. Chứ hiện nay, mình có đến năm, bảy ông điều tra luôn. Nào là điều tra hình sự, điều tra an ninh, điều tra quốc phòng, rồi thì hải quan cũng có điều tra, thuế vụ cũng điều tra, lâm nghiệp cũng điều tra... Thế rồi, sau đó lại có sáng kiến vĩ đại, tức ba thằng ấy ngồi lại với nhau và hội ý dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tôi không có bênh che gì Lã Thị Kim Oanh nhưng tôi xin báo cáo với các anh là anh là ở nước này không thằng nào vay được một trăm triệu mà có thể xử nó thế nào thì xử, nhưng mà bảo nó là không đút lót mà vay được tiền thì là chuyện không có đâu. Khi nào anh có một hệ thống cạnh tranh tuyệt vời đến mức nó thừa tín dụng, nó không cho người ta vay thì nó chết, thì lúc bấy giờ mới đỡ đi. Chứ hiện nay tiền khan hiếm thế này mà làm sao nó vay được bao tiền như vậy mà không đút lót. Tôi cũng không nghe gì thằng Lương Quốc Dũng. Nhưng thằng Lương Quốc Dũng xử nó vào tội hiếp dâm có đúng không. Sao mà lại đúng được, trước khi đến nơi nó đã tắm rửa, gội đầu cẩn thận rồi thế này, thế khác; rồi nhận của nó ngần này tiền mà ông lại đi ông loại ra. Thế thì nó có một nguyên tắc cơ bản trong tư pháp là sự bất công đối với một người là sự đe doạ đối với tất cả mọi người. Anh xử bất công một việc, anh tưởng là anh ngồi đấy yên lắm à, thế đến lượt anh thì sao. Hay là vụ Láng Hoà Lạc, vì là con của một bố trung tá cảnh sát giao thông, nên làm méo mó, sai hồ sơ hoàn toàn, thậm chí toà gọi hai ông cảnh sát ra làm chứng cũng không thèm đến, làm gì được nhau. Luật sư nói một thôi một hồi, đến ông Viện kiểm sát cũng móc ra một bản đọc y hệt lần xử trước. Tôi thấy vấn đề là như thế này, là xã hội của chúng ta hiện nay đã có những lợi ích riêng, có nhiều chủ thể, cá nhân hoạt động thì phải có luật pháp nghiêm minh, phải có sự chế ngự lẫn nhau. Chứ bây giờ anh bảo là anh lãnh đạo. Anh đứng lên quyết định hết tất cả à? Tôi thấy bà Hoàng Thanh Tân chủ trì như thế, nhưng ông ngồi ban sáng lưng bự hơn bà Hoàng Thanh Tân. Ông ấy mới là ông quyết định, bảo là thôi đến thế, nghỉ cái đã, hôm sau hội ý tiếp. Cái đó không phải xử bằng luật pháp. Không phải là mình muốn giống thế giới đâu, mà quan trọng là mình giải quyết vấn đề phát sinh theo đúng nguyên nhân, đúng cội nguồn, đúng xu thế phát triển; để đảm bảo lợi ích, theo nguyên lý không ai được xâm phạm lợi ích người khác, không ai đứng trên pháp luật để giải quyết. Hệ thống chính trị của chúng ta nhìn vào thấy là đảng dày đặc luôn. Chính phủ có bộ nào, cục ban nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy. Lại thêm bộ máy gọi là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quần chúng; nói rằng là tôi đại diện cho quần chúng, nhưng một nghiên cứu nước ngoài nó nói đấy là những người mạo danh tổ chức quần chúng, thực sự là cánh tay nối dài và là cái loa của Đảng Cộng sản, không phải là đại diện gì cả và toàn bộ chuyện đó là chuyện vô duyên luôn, không có ý nghĩa gì hết trong việc phản ánh tình hình, bảo vệ lợi ích. Cho nên là chúng ta bày biện ra một loạt những “bình hoa” rất tốn kém, đứng bên ngoài phong chức cho nhau, đứng lên điên cuồng hò hét rồi Trung ương coi là ngoạn mục. Nhưng mà thực chất chúng ta có phát hiện được tham nhũng không, phát hiện được mâu thuẫn không, có phát hiện được người xấu không,
phát hiện được sai phạm không. Chúng ta xử lý chuyện rất lình xình. Có những chuyện không đáng gì. Câu chuyện quota của Bộ Thương mại, tại sao bây giờ ông lại bảo là ấy không, làm như thế là lớn rồi, tự nó quyết định, mình không biết gì cả. Tại sao câu chuyện lại lạ thế. Có câu chuyện là con làm trực tiếp dưới quyền của bố, một chuyện như vậy thế mà vẫn chấp nhận được, mà đảng viên năm nào cũng được tiên tiến xuất sắc luôn. Thế thì nó là thế nào? Thế thì, tiến sâu xa hơn, chúng ta phải tự kiểm điểm lại guồng máy, quyết định như thế nào? Bây giờ, về mặt Nhà nước, như tôi đã trình bày, Bộ máy Nhà nước ta cồng kềnh, rất thiếu tính chuyên nghiệp và can thiệp quá sâu vào rất nhiều nghiệp vụ kinh doanh. Trong đó, tính tư lợi, tính thiếu minh bạch, vừa đá bóng vừa thổi còi rất là nhiều. Trong một nền kinh tế thị trường thì Nhà nước chỉ làm khoảng 3000 chức năng. Bộ máy Trung Quốc làm 8.000 chức năng, tôi thấy bộ máy ở Việt Nam phải làm khoảng 30.000 chức năng. Các anh thử coi mà xem. ở tỉnh uỷ, ông có đề bạt được một ông chuyên viên nào mà không có ý kiến của ông Ban Tổ chức Tỉnh uỷ không. Thậm chí là Trưởng phòng của một ngân hàng thương mại quốc doanh ở tỉnh, về lý thuyết thì hoàn toàn phụ thuộc cấp trên, nhưng cũng hỏi Ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Tức là có nhiều chức tưởng như nó rất hiền lành, nhưng cũng không ngờ là nó thơm đến như thế. Có nghĩa bây giờ cũng luôn luôn học được sự ngạc nhiên. Có người bảo tôi là mày biết chức gì rất thơm không, là chức Ban khoa giáo Thành uỷ Hà Nội. Tôi hỏi là sao mày biết, tao cũng không hiểu rõ. Nó bảo là trời ơi, bây giờ ở xung quanh mặt bằng Hà Nội thế nào, có chừng ấy trường đại học, cao đẳng, chừng ấy ông hiệu trưởng, chừng ấy ông hiệu phó, ông chủ nhiệm khoa mà qua thằng này thì coi như không làm gì được hết cả. Anh không qua thằng này thì không được. Cũng như thế, nếu tôi làm giúp việc cho Tổng Bí thư, nếu anh tốt bụng với nhau thì trước khi ông ấy đi tôi trình và báo cáo đầy đủ cho anh trong vòng hai tiếng đồng hồ là xong. Chứ nếu không, sau đây ông ấy đi công tác rồi, khi trở về chuẩn bị đại hội rồi thì mình mới trình, ông bảo sao chuyện ấy bây giờ mày mới trình, chuyện ấy dẹp lại để đấy sáu tháng nữa. Thôi thế là toi cơ hội đề bạt. Mà chuyện ấy là hoàn toàn hợp pháp. Chúng nó bảo rằng tôi trình anh ấy rồi, nhưng hôm bấy giờ anh ấy đau bụng, không làm được là thôi chứ con gì, ai biết được chuyện đó. Như thế, các anh thử tưởng tượng xem, một chức vụ rất hiền lành, tưởng như vô thưởng, vô phạt, chẳng có quyền hành gì nhưng thực sự lại là quyền sinh, quyền sát. Điểm cuối cùng, tôi thấy chúng ta cần phải phát huy các mặt mạnh của truyền thống của Đảng ta và Bác Hồ đã để lai. Nhìn lại di sản rất lớn mà Bác Hồ để lại thì cái rất quan trọng mà Bác Hồ nói là Đảng vừa là Đảng của giai cấp công nhân, vừa là của dân tộc. Cái đó Bác nói từ rất lâu rồi. Làm sao cho Đảng là đại diện cho dân tộc, rồi Đảng cũng tiến tới chấp nhận có những ý kiến khác nhau, Đảng phải chấp nhận sự thảo luận, sự tranh luận. Hồi tôi làm cho anh Linh, vì nhiều lý do, rất tiếc là lúc bấy giờ đã có hai quyết định là cho Đảng Dân chủ Đảng Xã hội tự giải thể. Thực ra là các ông khóc lên khóc xuống, các ông đã nói cả rồi. Tính tới tính lui tôi cũng cho ông ấy vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Xu hướng trên thế giới và Châu Á này như các anh thấy ở Ấn Độ. Indira Ghandi có sự tín nhiệm tuyệt đối nhưng bà ấy không nhận chức Thủ tướng. Bởi vì bà ấy nhận thì sẽ bị đám kia ám sát. Thế là đưa một ông người người Xích lên là người dân tộc thiểu số. Hay một thằng như thằng Indonesia vừa rồi nó chọn đứng đầu nội các là một cô tiến sĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của nó. Tức là những người ngày trước đứng về góp ý kiến, giám sát thì bây giờ nó trọng dụng. Hay một nước như Đài Loan, luôn luôn chịu sự ám ảnh của Trung Quốc là mày mà
không mạnh lên là nó ăn thịt mày. Cho nên, tôi nghĩ rằng là Đại hội này không thể làm được mọi việc. Bởi vì những việc đã kéo dài 30, 40 năm thì không thể làm trong một đêm được. Theo tôi, tốt nhất là nên có một lộ trình, xây dựng được một lộ trình để mà định ra hướng đổi mới, định ra hướng kiện toàn, cải cách thể chế chính trị và đi vào thực chất. Có những bước đi cụ thể và hành động từng bước một. Làm một cách rộng rãi thì không được bởi vì nhiều khi người dân cũng chưa ý thức được và cũng chưa được chuẩn bị để làm việc ấy. Báo cáo các anh, bây giờ có một tình hình bi kịch là có một loại người nghèo mới. Như dân Tây Mỗ quê vợ tôi, được đền bù, rồi được một cục khoảng 160 triệu, có người lớn hơn. Thế nhưng mà mới 40 tuổi, nghỉ hưu thì quá sớm mà học thì quá muộn. Có mấy trăm triệu, người thì mua cái xe Tàu đi, người thì làm cái nhà. Vậy sau đó sống bằng gì. Đấy là những người nghèo mới nhưng lại chưa được chuẩn bị cho cuộc sống này. Cho nên, theo tôi chuyện này Chính phủ phải khép nó lại không thể nào hứa hươu hứa vượn là mấy thằng này nó sẽ nhận anh vào làm việc. Nó nhận là nó nhận bọn trẻ hơn chứ, mấy ông già này thì làm sao nó nhận được. Phải có sự chuẩn bị chu đáo lắm cho số phận của từng người một, tạo cơ hội, đòi hỏi, hướng dẫn để cho người ta làm việc. Nếu không thì làm sao người ta ủng hộ mình. Nó bảo là người ta đang yên đang lành, tự dưng có mấy thằng cha nào đến đây xây nhà biệt thự nó ở trên miếng đất của mình. Mình tự nhiên trở thành người đi ăn mày. Nói như thế để thấy là cần phải có một lộ trình. Vấn đề ở đây, mong đợi ở Đại hội X này và tâm huyết của tôi muốn đóng góp với các anh là tôi đánh giá cao cách đặt vấn đề của anh Hoan, đánh giá cao đề cương các câu hỏi của anh và tôi muốn nêu lên bối cảnh, cơ hội, thế mạnh, thách thức của chúng ta, cũng như tất cả các mặt nhược điểm của chúng ta để Đại hội X này là đại hội của thế kỷ XXI đi, là đại hội đổi mới nữa đi. Bây giờ dừng lại là không được, dừng lại là nguy lắm chứ không phải đơn giản đâu. Tôi bây giờ trở thành phó thường dân rồi, thấp cổ bé họng, ra đến Uỷ ban nhân dân phường thì bị cô bé nó quát nạt đấy, chứ có phải đơn giản đâu. Phải đi vòng quanh một thôi, một hồi rồi bảo là có biết ông ấy là học trò của tớ ở trên quận không, có lẽ nếu cậu khó quá thì tớ lên trên đó bảo nó một câu vậy. Lúc bấy giờ con bé mới à thế cơ à, thế để tôi giúp ông. Như thế, nếu mình không nói rằng là có cây đa, cây đề, không có “võ” một tí là coi như mình toi rồi, không biết bao giờ mới giải quyết được. Và có như thế rồi, cũng phải có “Bác Hồ” chỉ đường đấy, chứ không phải đơn giản đâu, phải có 5 chục ngàn, chứ nếu không biết bao giờ mới giải quyết được. (...) Xin lỗi các anh các chị là nói quá dài. Vậy bây giờ các anh chị thấy có điều gì phải trao đổi thêm không, phải nói thêm không thì xin các anh chị cho biết ý kiến. Trao đổi ý kiến với diễn giả Câu hỏi: “Xin hỏi một ý là lúc nãy bác có nói về nguy cơ. Hiện nay chúng ta đang có 4 nguy cơ. Bác nói là khả năng có nguy cơ mới. Thì có thể gọi tên các nguy cơ mới đó là gì”. Trả lời: “Theo tôi, nguy cơ mới mà tôi muốn nói ở đây là xuất hiện những mâu thuẫn nội bộ xuất hiện các tình huống mới hoặc là chúng ta không muốn nhìn nhận hay là chúng ta chưa kịp phát hiện. Mâu thuẫn đó tiềm ẩn, nằm trong quá trình phát triển mà do đó thể chế và do quá trình phát triển này tạo nên thôi. Giống như kinh nghiệm ở
Thái Bình, kinh nghiệm ở Tây Nguyên rồi rất nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như ở Hà Tây, họ kiện cáo như vậy là đằng sau đều có chuyện cả, chứ không phải là không có chuyện. Theo tôi được biết, chỗ An Khánh, các bố ở xã và huyện chén lắm chứ không phải đơn giản. Dân tức vì mấy lão lấy đất của nó chén gớm quá. Đấy là một. Thứ nữa là trước đây là cùng một họ với nhau, thậm chí là cùng một gia đình, thằng trưởng được ruộng thế này, thằng thứ được ruộng thế kia. Bây giờ thì bồi thường ruộng này lại gấp mười lần bên kia, lại bảo mày nhiều tiền hơn, tao ít hơn. Lại là anh em một nhà. Nó không hiểu. Tức là ông vẽ ra luật pháp như vậy nhưng không quán triệt nguyên tắc luật pháp là để chế định người cầm quyền chứ không phải là luật pháp chủ yếu là để kiểm soát, chế định người dân. Cái đó theo tôi là đặt vấn đề chưa đúng. Bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay kém ở chỗ phát hiện và xử lý những xung đột. Nếu những xung đột cục bộ ấy không được xử lý, nó sẽ tích tụ lại. Anh đè nén nó làm nó tích tụ lại. Và đến lúc nào đấy nó sẽ diễn ra cái việc gì đó xêm xêm như vậy ở Liên Xô hay Cộng hoà dân chủ Đức hay như ở đâu đấy. Tôi nghĩ hiện nay ở Trung Quốc cũng có nguy cơ giống hệt như chúng ta. Những điều người Trung Quốc nói cũng giống hệt như chúng ta. Nhưng theo tôi, nhân đây xin nói, Hội nghị 4 của Trung Quốc vừa rồi, nói là mới nhưng thực chất vẫn là cũ. Cũ ở chỗ vẫn tiếp tục đảng trị, nó là đảng cầm quyền, cương lĩnh của đảng là cương lĩnh của toàn dân. Mọi chuyện là ông mạo nhận ra là toàn dân. Không phải. Nhẽ ra Hồ Cẩm Đào phải mạnh dạn hơn. Nhưng tôi tin rằng Hồ Cẩm Đào có "võ". Trung Quốc nó " ngoạ hổ tàng long" chứ không phải đơn giản đâu. Hiện nay, tôi thấy mọi động thái là nó lại chuẩn bị dạy mình bài học chứ không phải nó là bạn bè tốt gì đâu. Có một thằng người Trung quốc nó cũng chơi với tôi mà, nó biết tôi là người như thế nào, nên thỉnh thoảng nó cũng nói mấy câu bỗ bã lắm chứ không phải đơn giản”. Câu hỏi: “Từ những khuyết tật của bộ máy trong hệ thống chính trị, có ý kiến cho rằng nên nhất thể hoá hệ thống của Đảng và hệ thống của Nhà nước. Theo bác, cái đó có phải là một giải pháp tốt không? Câu hỏi thứ hai là, bác là một nhà khoa học, đi giao lưu quốc tế rất là nhiều, vậy điểm yếu của giới khoa học của mình khi giao lưu với quốc tế là gì” ? Trả lời: “Trước hết, về nhất thể hoá, theo tôi là nên. Nhất thể hoá nó có cái lợi, tức là người đứng đầu có một danh nghĩa của toàn dân. Như trên tôi nói, trong giao lưu quốc tế, tự nhiên sinh ra một cái ông dân không bầu lên mà đi ra với mọi người thì ngoại giao vất vả lắm chứ không phải đơn giản đâu. Nhưng làm thế rồi thì phải có một bộ máy giám sát. Tôi thấy mô hình Uỷ ban Kiểm tra Trung ương như thời Lênin, do đại hội bầu ra, có quyền giám sát, được quyền thông tin, được quyền có một bản sao, được quyền phân tích, góp ý kiến, có một cơ chế để giám sát rất rõ ràng. Tức là giống như Thương nghị viện Mỹ, sứ quán Mỹ ở Việt Nam được chi bao nhiêu tiền, về những khoản nào, lý do làm sao thì anh được từng ấy tiền; anh chi thêm về khoản nào đấy anh có quyền tự quyết, quá một mức nào đấy anh phải đưa Quốc hội. Đấy là một vấn đề. Còn vấn đề về người Việt Nam, cán bộ khoa học Việt Nam khi ra ngoài giao lưu với thế giới. Người Việt Nam có sự phát triển so với mình trước đây thì khá lên. Nhưng bây giờ đang bộc lộ ba mặt thế này. Một là, lạc hậu về lý luận so với thế giới nghiêm trọng. Có thế hệ mới, trẻ lên thì nó tiếp cận được nhưng thế hệ ấy thì nó cũng còn Tây hơn cả thằng Tây thật! Tức là làm ra bộ rất Tây, nhưng thực sự thì ông ấy không nắm gì tình hình đất nước cả. Hồi tôi làm Viện trưởng thì tôi đòi hỏi những
người ấy phải đi thực tế. Đi thực tế không phải là đến chỉ bá vai, bá cổ người ta đâu, mà trước đó anh phải đọc xem tỉnh này như thế nào, gần đây nó có vấn đề gì, khuyết điểm ra làm sai, anh muốn tìm hiểu cái gì thì người ta mới gọi anh là một Viện. Chứ đến đấy anh chỉ nhậu không thì lúc bấy giờ còn là Viện quách gì. Điều thứ hai nữa là cái "mũ kim cô" trên đầu. Nói năng rón rén, không dám nói. Vừa rồi tôi sang Singapore thì thằng hiệu trưởng Trường Đại học quản lý Singapore hỏi ta có quyền tự do phát ngôn hay không, tôi có trả lời là tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm. Mức độ cởi mở, tự do tư tưởng, mức độ tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học Việt Nam, làm cho các nhà khoa học Việt Nam không ít trường hợp trở nên thấp, trở nên xoàng, trở nên hời hợt, trở nên chưa có trách nhiệm, đầy đủ đối với đất nước, đối với dân tộc này. Điểm thứ ba là, số anh em trẻ thì ngoại ngữ khá, nhưng mà hiểu biết về đất nước chưa được nhiều. Số anh em lớn tuổi rồi thì ngoại ngữ lại kém quá. Khổ thế. Nhiều bố khai lý lịch gửi trung ương là bố nói có học tiếng Anh thực chất là bố không làm được gì. Mà tiếng Anh có nhiều loại tiếng Anh. Tiếng Anh để nói vài câu vớ vẩn "I love you" thì ai cũng nói được. Nhưng cái tiếng Anh có văn hoá, nói năng chững chạc như một nhà khoa học để có thể giảng được mới là quan trọng chứ. Chứ như bà bán cá ở chợ Hôm, bà nói suốt ngày nhưng chỉ nói 800 từ; bởi chỉ chửi, chửi bậy, loanh quanh mãi rồi chỉ có mấy chuyện ấy thôi. Nước ngoài người ta cũng biết rồi. Mày là nhà khoa học của một cái đất nước rất nghèo. Ngày 1 tháng 12 này cũng có một cái Hội nghị tài trợ. Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa ? Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả... Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế. Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào ? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không? Nó nói với tôi trắng trợn và thẳng lắm chứ, y nguyên như tôi nói với các anh chị. Nó bảo mày phải nghĩ đi, mà phải nghĩ cả phẩm giá, tư cách của mày đi xem mày là thế nào đi, lúc nào rồi dân tộc của mày sẽ như thế này sao ? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Ta cứ tưởng nó cho tiền mãi là vinh dự. Tôi thấy vinh dự vừa phải thôi, chứ trong thâm tâm tôi như muối xát vào ruột chứ không đơn giản đâu. Vì nó nói đến như thế. Thằng không nói thì trong thâm tâm nó cũng nghĩ thế cả, thằng bỗ bã thì nó nói toẹt vào mặt chứ không phải đơn giản đâu. Cho nên, có người nói với tôi là, vậy thì bây giờ mình có lãnh đạo ASEAN được không, tức ông phải trả lời trước hết ông lãnh đạo thì ông có tiền ông bao thằng khác không? Hai là ông có cái học thuyết gì để hướng dẫn cho người ta không ? Thứ ba nữa là ông muốn lãnh đạo thì thằng Washington và thằng Bắc Kinh nó có tin ông không? Hai thằng ấy mà nó không tin ông nó cho ông mấy chưởng thì lúc bấy giờ, ông chưa lãnh đạo nó đã cho ông què cẳng rồi. Thì thôi, bây giờ coi như ông đừng lãnh đạo; chứ ông mà lên tiếng, ông mạnh mồm ra tiếng lãnh đạo, hò hét thì đừng là nó cho ông mấy chưởng ngay chứ không phải không đâu. Mà nó có nhiều võ hơn mình, nhiều tiền hơn mình, nhiều công cụ hơn mình”. Câu hỏi: “Bây giờ mình xem xét cơ chế trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo, người đứng đầu. Vậy có giải pháp gì để nâng cao trách nhiệm cá nhân” ? Trả lời: “Theo tôi, cái đó gắn liền với một cơ chế dân chủ. Tức là trách nhiệm đầy đủ, hoàn toàn cá nhân, anh có thì anh làm; tức phải tạo nên một cơ chế mà luôn luôn tạo ra
một động lực rất mạnh và có một cái phanh rất ăn. Có một triết lý là động lực càng mạnh thì phanh càng phải ăn. Chứ bây giờ ông đi xe máy mà phanh của ông không ăn thì đố ông dám đi, ông đi xe đạp mà không có phanh cũng đã chết chứ chưa nói xe máy. Bây giờ, ông đi ô tô rồi mà phanh vẫn không chắc thì ông đâm lung tung tất cả. Cơ chế cán bộ của mình là cơ chế không phanh, chả thấy phanh mẹ gì cả. Vậy ông xem có ông Tổng Giám đốc doanh nghiệp nhà nước nào bị thôi chức do kém năng lực không? Chả có ông nào trong ngần ấy ông tổng công ty phá sản như vậy. Trời ơi, nhìn ông tổng giám đốc dệt Long An, giàu lắm ông ơi. Hơn anh em mình nhiều. Cho nên, nếu nói trách nhiệm cá nhân thì phải nhìn vào một cách tổng thể, tạo những điều kiện môi trường, thông tin, giám sát, kiểm toán, rồi thanh toán qua ngân hàng, rồi là vân vân. Chứ bây giờ chỉ bảo là phát động dân chủ cơ sở với lại công vùng lên. Công nhân biết quách gì đâu mà. Vì nó ký hợp đồng, nó ăn hoa hồng mấy trăm ngàn đô la thì công nhân biết quách gì. Các anh biết vì sao mà Việt Nam cứ gia công hàng mãi không. Bởi vì, gia công như vậy thì tay giám đốc được hai khoản. Thứ nhất là nó bảo công nhân của tao kém, yếu nên mày phải cho tao 3% tiền tỉ lệ phế phẩm. Rồi nó về nó phát động. Công đoàn làm thế nào phấn đấu, tỉ lệ phế phẩm dưới 1% ấy; nó chén, ít nhất nó chén 60% của khoản đó. Thứ hai là tiết mục vải vụn, thẹo thừa, vì bao giờ thằng kia đưa sang cũng đưa dư thừa. Lúc bấy giờ nó chia ra, món đó cũng thằng kia đưa sang cũng đưa thừa chứ. Lúc bấy giờ nó chia ra, món đó cũng lại 60%. Một người rất chân tình với tôi nói là, nói thật với anh, em làm giám đốc như vậy, lương không đủ đi uống cà phê, đánh ten-nít. Một năm em không được 800 triệu đến 1 tỉ là coi như em khóc. Đấy là các chiến hữu có con gửi ở chỗ 2.800 đô latháng đấy. Mà có thấy họ đóng góp gì đâu, không thấy đóng góp, không thấy điều tiết gì cả. Một điều mà tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là sự thất bại, sự yếu kém của chế độ là không điều tiết được. Cái đó mình kém xa thằng Thuỵ Điển. Xã hội Thuỵ Điển, Phần Lan đấy, trở nên mẫu mực của thế giới là vì nó có tình đoàn kết, nó đánh thuế công khai, minh bạch. Tôi có biết thứ trưởng ngoại giao Thuỵ Điển, hôm tôi đi họp, vào cái nhà hàng Indonesia, cái nơi mà có múa khoả thân, uống khoảng nửa chai sâm panh và ăn một bữa, một tối vào đấy nó lấy đâu khoảng 300 đô la. Thằng ấy chi. Về kiểm toán, Bộ ngoại giao nó bảo là đừng có chi vào đây, khoản này là không được. Thằng này nó bảo là mày cứ chi đi. Kiểm toán chuyển sang Quốc hội. Quốc hội lập tức gọi báo chí đến thông báo, cho chụp ảnh, đưa ra công luận. Báo chí đưa ra một cái là ngay ngày hôm sau ông Thứ trưởng xin từ chức ngay. Bởi vì không thể nào chấp nhận được. Tiền của nhân dân không phải để cho ông đi xem múa khoả thân. Ông xem thì ông phải bỏ tiền túi của ông ra, tôi không cấm ông. Đằng này ông lại bắt tôi giả, lại còn hống hách mượn quyền của Bộ ngoại giao nữa. Tôi thấy là quyền hạn càng nhiều thì phải có sự khống chế quyền lực. Không nên được bỏ nguyên lý cơ bản đó”.