THIẾT KẾ VÀ CHẾ TẠO THIẾT BỊ CẢNH BÁO MẤT ĐIỆN BẰNG SMS Phạm Ngọc Quang Nguyễn Minh Tùng Nguyễn Ngọc Lâm Phòng Công nghệ thông tin-Công ty TNHH MTV Điện Lực Đà Nẵng Tóm tắt: Cung cấp điện an toàn liên tục cho nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của ngành điện nói chung cũng như Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) nói riêng. Trong đó, việc xử lý sự cố mất điện kịp thời tại các Trạm biến áp (TBA) và đảm bảo tài sản ngành điện tại các TBA là một trong những nhiệm vụ cấp thiết và thách thức đối với Công ty, đặc biệt khi số lượng các TBA và tình trạng mất trộm tài sản ngành điện tại TBA ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, tháng 12/2012, PC Đà Nẵng đã áp dụng sáng kiến “Thiết kế và chế tạo thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS” của Phòng Công nghệ thông tin (CNTT) để lắp đặt tại các TBA. Qua 03 tháng thử nghiệm thành công, thiết bị được bổ sung thêm nhiều tính năng “thông minh”, trong đó có khả năng phân biệt mất điện do công tác hay sự cố, đến nay, PC Đà Nẵng đã lắp đặt 10 bộ thiết bị trên lưới điện. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phát triển thành hệ thống cảnh báo mất điện cho toàn bộ các TBA của đơn vị. Với giải pháp này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã công nhận sáng kiến cấp Tập Đoàn tại giấy chứng nhận số 1177/GCN-EVN ngày 02/4/2014. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ: Hiện nay, PC Đà Nẵng đang quản lý và vận hành 2.478 TBA trải rộng khắp địa bàn Thành phố Đà Nẵng. Về mặt tổ chức bộ máy quản lý, Công ty có 05 Điện lực trực thuộc quản lý lưới điện trực tiếp, tại mỗi Điện lực có 01 bộ phận trực xử lý sự cố (XLSC) điện luôn luôn bố trí 02 người trực 24/24. Tuy nhiên, khi có sự cố xảy ra tại các TBA hạ thế gây mất điện khu vực, thì bộ phận trực XLSC không có thông tin mất điện kịp thời và chính xác vị trí xảy ra sự cố. Thông tin mất điện chủ yếu được người dân tại khu vực bị mất điện cung cấp, khi đó bộ phận trực sự cố điện sẽ kiểm tra, xác định vị trí cần xử lý. Vì vậy, cần có biện pháp xác định vị trí sự cố kịp thời để xử lý nhanh chóng, giảm thiểu thời gian mất điện ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất của khách hàng dùng điện. Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng xảy ra vấn nạn trộm cắp tài sản tại các TBA, gây thiệt hại lớn về mặt tài sản, ảnh hưởng đến việc cấp điện liên tục và an ninh trật tự khu vực. Theo thống kê của PC Đà Nẵng trong năm 2011 đã xảy ra 37 vụ trộm tại các TBA do PC Đà Nẵng quản lý, gây thiệt hại đến 942.267.907 đồng. Năm 2012, xảy ra 17 vụ trộm với tổng giá trị thiệt hại ước tính lên đến hơn 100 triệu đồng. PC Đà Nẵng đã ký quy chế phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng để ngăn chặn hiện trạng này nhưng cần có thông tin hỗ trợ kịp thời. Tài sản bị mất trộm hầu hết là các đoạn cáp đồng nối từ trên máy biến áp đến tủ điện hạ thế. Thời gian mất trộm thường xảy ra lúc nửa đêm (từ 0 giờ đến 4 giờ), vì vậy đơn vị quản lý nhận thông tin rất chậm và khi đến nơi thì không còn ngăn ngừa được thiệt hại. Từ đó, phát sinh yêu cầu cần có biện pháp thông tin mất điện kịp thời để thông báo cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện sớm biết để kiểm tra ngăn chặn hành vi trộm cắp.
Với những lý do nêu trên, PC Đà Nẵng đã tìm hiểu các giải pháp và thiết bị hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, tính đến thời điểm nghiên cứu, chưa có thiết bị hay giải pháp nào có thể giải quyết triệt để vấn đang vướng mắc. Trước tình hình đó, tháng 6/2012, PC Đà Nẵng đã giao nhiệm vụ để phòng CNTT nghiên cứu giải pháp khắc phục. Đến tháng 11/2012, phòng CNTT đã thiết kế và chế tạo thành công thiết bị điện tử tự động cảnh báo mất điện và thông báo có điện lại bằng SMS. Trong tháng 12/2012, PC Đà Nẵng đã triển khai lắp đặt thí điểm thiết bị tại 05 TBA để kiểm tra hoạt động, đồng thời tiếp tục nghiên cứu cải tiến để bổ sung các tính năng khác cho thiết bị, nổi bật trong số đó phải kể đến chức năng phân biệt mất điện do cắt điện theo lịch đăng ký công tác hay mất điện do sự cố. 2. THIẾT KẾ VÀ CHẾ TẠO THIẾT BỊ 2.1. Các tính năng thiết bị Thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS (sau đây gọi tắt là thiết bị) có chức năng giám sát mất điện từng pha, mất điện 3 pha và thông báo có điện trở lại. Mỗi khi xảy ra sự kiện mất điện hoặc có điện lại tại TBA, thiết bị sẽ tự động gửi tin nhắn cảnh báo với nội dung: Mã nhận dạng + Mã trạm + nội dung cảnh báo về máy chủ SMS của PC Đà Nẵng qua đầu số 8085. Một chương trình đã được xây dựng hoạt động thường trú trên máy chủ SMS sẽ tiếp nhận và xử lý dữ liệu do thiết bị gửi về, nếu sự kiện mất điện là do sự cố, không có trong bảng dữ liệu kế hoạch cắt điện công tác, thông tin mất điện sẽ được hệ thống SMS của PC Đà Nẵng nhắn tin đến người có trách nhiệm để xử lý.
Hình 1. Sơ đồ tổng thể hoạt động của Thiết bị Thời gian trễ trung bình kể từ khi thiết bị gửi tin nhắn đến khi người có trách nhiệm nhận được SMS thông báo vào khoảng 8 giây. Vì vậy, thông tin mất điện của TBA được thông báo kịp thời, phục vụ công tác XLSC hoặc ngăn ngừa hành vi trộm cắp tài sản ngành điện. Thiết bị đồng thời được thiết kế chức năng loại bỏ cảnh báo đối với những trường hợp mất điện thoáng qua hoặc do đóng điện lặp lại với thời gian mất điện ≤ 3 giây. Bình thường, thiết bị sử dụng nguồn điện AC được cung cấp từ TBA. Trường hợp mất điện lưới, thiết bị được cấp nguồn từ một accu dự phòng. Một mạch điện tử được thiết kế để tự động chuyển đổi giữa các nguồn điện.
Các thông số cài đặt cho thiết bị như: số điện thoại để nhận tin nhắn, tên và mã TBA lắp đặt thiết bị được người vận hành dễ dàng thiết lập và thay đổi thông qua SMS tương tác với từng cú pháp nhất định. Tính năng này mang đến sự thuận lợi khi thay đổi vị trí lắp đặt TBA hoặc thay đổi số điện thoại nhận tin nhắn. 2.2. Thiết kế chế tạo thiết bị 2.2.1. Thiết kế phần cứng Khối tín hiệu đầu vào
Khối xử lý và điều khiển
Module giao tiếp mạng GSM
Khối nguồn và ắc quy
Hình 2. Sơ đồ khối thiết bị - Khối đầu vào: có chức năng giám sát mất điện các từng pha A, B, C hoặc 3 pha tại tủ điện hạ thế. Thực hiện việc chuyển đổi các điện áp AC 220V sang dạng tín hiệu số gửi đến khối xử lý trung tâm và cách ly phần cao áp với khối xử lý tín hiệu. - Khối xử lý trung tâm: nhận các tín hiệu từ khối đầu vào đưa đến, kiểm tra, gửi lệnh điều khiển đến module GSM gửi tin nhắn cảnh báo. Khối xử lý trung tâm cũng nhận tin nhắn từ module GSM để xử lý như lấy thông tin cấu hình hoặc trả lời truy vấn tình trạng mất điện. Khối trung tâm sử dụng vi điều khiển 8 bit, Pic 16f887 của hãng Microchip. Chip có bộ nhớ chương trình 14 KB, RAM 368 bytes, EEPROM 256 byte đảm bảo các hoạt động của thiết bị (Microchip,2009). - Khối module GSM: giao tiếp với mạng di động GSM, khối xử lý trung tâm sử dụng lệnh AT để gửi tin nhắn. Modem GSM thông báo tin nhắn đến cho khối xử lý trung tâm xử lý (Wavecom, 2003). Thiết bị sử dụng Modem GSM dùng chip wavecom 2403. - Khối nguồn và ắc quy: chuyển đổi nguồn 220VAC sang nguồn DC để cung cấp nguồn hoạt động cho các khối khác của thiết bị như: 5 VDC cho khối xử lý trung tâm; 7,5 VDC cho module GSM; 12VDC cho ắc quy. Có chức năng tự động chuyển sang nguồn ắc quy cung cấp cho thiết bị khi mất điện lưới.
Hình 3. Một số hình ảnh thiết bị sau chế tạo
2.2.2. Thiết kế phần mềm trên Thiết bị và phần mềm xử lý SMS trên máy chủ SMS
Bắt đầu
Khởi tạo các biến và cấu hình
Kiểm tra đã có thông tin TBA và số điện thoại nhận SMS chưa?
Chưa
Có Lấy thông tin TBA và số điện thoại từ EEPROM
Không
Kiểm tra có sự kiện mất điện không?
Có Gọi chương trình con nhắn tin cảnh báo mất điện tương ứng.
Không
Kiểm tra có sự kiện 3 pha có điện lại?
Có Gọi chương trình con nhắn tin cảnh báo có điện lại
Kiểm tra có tin nhắn mới đến? Không Có Không
Kiểm tra có đúng cú pháp không? Có Gọi chương trình con xử lý lệnh từ tin nhắn
Gọi chương trình con xóa tin nhắn
Hình 4. Sơ đồ giải thuật vi điều khiển
Phần mềm trên Thiết bị Sơ đồ giải thuật của vi điều khiển Pic16f887 gồm 2 phần xử lý: - Phần xử lý thông tin mất/có điện: Khi có sự thay đổi trạng thái tín hiệu tại các đầu vào, chương trình kiểm tra có sự kiện mất điện hay có điện lại. Nếu mất điện thì kiểm tra mất điện 3 pha hay 1 pha (xem xét cụ thể pha nào) để gửi tin nhắn cảnh báo tương ứng. Nếu có điện lại thì chỉ xét trường hợp có điện lại 3 pha. - Phần xử lý tin nhắn đến: khi nhận được tin nhắn đến, chương trình sẽ kiểm tra cú pháp lệnh trong nội dung tin nhắn, nếu đúng sẽ thực hiện theo nội dung lệnh và lưu thông tin cấu hình vào bộ nhớ EEPROM trên vi điều khiển, sau đó xóa tin nhắn đã nhận được. Nếu không đúng cú pháp, chương trình sẽ xóa tin nhắn nhận được. Các lệnh từ SMS gồm: truy vấn hiện trạng mang điện (mất/có điện) tại trạm, cấu hình Mã trạm và tên TBA, cấu hình các số điện thoại nhận tin nhắn. Phần mềm xử lý SMS trên máy chủ SMS: Chương trình xử lý SMS từ thiết bị trên máy chủ SMS tại PC Đà Nẵng thực hiện việc nhận tin nhắn từ thiết bị, xử lý và gửi tin nhắn cảnh báo mất điện đến các số thuê bao cài đặt trước. Đầu số 8085, thuê của của nhà cung cấp dịch vụ SMS Bulk, được sử dụng để nhận/gửi tin nhắn. Máy chủ này hiện đang sử dụng phục vụ công tác chăm sóc khách hàng ngành điện của PC Đà nẵng. Tin nhắn từ thiết bị gửi đến đầu số 8085 có cú pháp như sau: MÃ NHẬN DẠNG_MÃ TRẠM_Nội dung cảnh báo. Trong đó, MÃ NHẬN DẠNG của tất cả thiết bị là giống nhau, sử dụng để xác định đó là tin nhắn từ thiết bị đến máy chủ SMS phân biệt với các tin nhắn khác; MÃ TRẠM của thiết bị cảnh báo mất điện tại mỗi TBA được đặt khác nhau và được qui định giống với mã trạm biến áp mà PC Đà nẵng đang quản lý vận hành thực tế. Chương trình xử lý tin nhắn chạy trên máy chủ SMS được xây dựng bằng ngôn ngữ VB.net 2008 và sử dụng dịch vụ web (web service) của nhà cung cấp dịch vụ SMS gửi tin nhắn. Chương trình hoạt động như sau: - Khi có tin nhắn từ thiết bị đến đầu số 8085, tin nhắn được gửi đến máy chủ SMS tại PC Đà nẵng và được lưu trên cơ sở dữ liệu SQL. Chương trình xử lý tin nhắn từ thiết bị giao tiếp với cơ sở dữ liệu SQL để lấy tin nhắn từ thiết bị gửi về. Sau đó, trích Mã trạm từ nội dung tin nhắn và thời gian nhận được tin nhắn để so sánh các Mã trạm và thời gian cắt điện công tác trong cơ sở dữ liệu Lịch cắt điện công tác hàng tuần (do PC Đà nẵng cập nhật hàng tuần), từ đó, xác định được TBA mất điện/có điện lại do công tác hay bị sự cố. - Nếu mất điện/có điện lại do sự cố, chương trình sẽ lấy nội dung cảnh báo và sử dụng dịch vụ web của nhà cung cấp để gửi tin nhắn đến các số thuê bao đã cài đặt trước trong chương trình (Trung tâm Tin học Đà Nẵng, 2013). Nếu mất điện/có điện lại có trong lịch cắt điện công tác, tin nhắn sẽ không được gửi đi. Như vậy, phần mềm trên máy chủ SMS thực hiện xử lý thông tin cảnh báo từ thiết bị gửi về trước khi chuyển đến các thuê bao khác. Qua đó, giảm số lượng tin nhắn gửi đi cũng làm tăng hiệu quả hoạt động của thiết bị. 3. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN ĐẾN: 3.1. Kết quả đạt được Khả năng áp dụng
05 bộ thiết bị đầu tiên được lắp đặt để thử nghiệm trong điều kiện làm việc thực tế từ tháng 12/2012, sau đó bổ sung thêm 05 thiết bị từ tháng 12/2013. Đến nay, cả 10 bộ thiết bị đang lắp tại TBA hạ thế vẫn đang hoạt động tương đối ổn định. Chương trình phần mềm dễ dàng thay đổi để phù hợp các mục đích khác nhau. Thiết bị được cấu hình thông qua SMS, do đó dễ dàng thay đổi vị trí lắp đặt cũng như số điện thoại nhận cảnh báo.
Hình 5: Lắp đặt thiết bị cảnh báo mất điện tại Trạm biến áp Tuy nhiên, qua thực tế vận hành, thiết bị đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại như việc chế tạo thiết bị được thực hiện theo phương pháp thủ công, mang tính đơn lẻ nên giá thành còn cao. Linh kiện điện tử mua trên thị trường chưa đạt yêu cầu về mặt chất lượng nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ và sự ổn định của thiết bị. Trong một số tình huống, thiết bị không hoạt động được do bị tràn tin nhắn rác trong SIM. Tính mới: Trước đây không có thông tin mất điện kịp thời và chính xác tại các TBA, thông tin mất điện chủ yếu do người dân cung cấp. Với thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS, đơn vị quản lý vận hành có thể biết chính xác TBA mất điện, từng pha hoặc 3 pha mất điện theo thời gian thực phục vụ công tác XLSC và phát hiện hành vi trộm cắp tài sản ngành điện. Số lần mất điện, thời gian mất điện tại TBA có lắp đặt thiết bị được cập nhật và lưu trữ, sẵn sàng phục vụ công tác vận hành và xây dựng các chương trình phân tích độ tin cậy cung cấp điện về sau. Tính sáng tạo: Thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS qua mạng di động GSM với nhiều nhà cung cấp dịch vụ có thể lựa chọn nên vùng phủ sóng rộng lớn, không cần đầu tư hạ tầng truyền dẫn với chi phí lớn. Thông tin mất điện của TBA được gửi về máy chủ SMS, tương tác với các cơ sở dữ liệu khác như lịch cắt điện công tác tuần để xác định nguyên nhân mất điện là do sự cố hay do cắt điện theo kế hoạch. Hiệu quả kinh tế, xã hội - Về kỹ thuật: Thiết bị tự thiết kế và chế tạo, sử dụng vi điều khiển nên chi phí đầu tư thấp, linh hoạt, dễ dàng cải tiến, phát triển phần cứng và phần mềm về sau. Đồng thời truyền tin bằng SMS của mạng di động GSM có độ tin cậy tương đối cao, với vùng phủ sóng rộng lớn phù hợp tất cả các vị trí trạm biến áp của ngành điện.
- Về xã hội: góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng dùng điện, nâng cao chất lượng điện năng và bảo vệ tài sản ngành điện. - Về kinh tế: * Chi phí đầu tư ban đầu: 5.000.000đ/thiết bị (đây là chi phí chế tạo thủ công, đơn lẻ cho từng thiết bị). * Chi phí vận hành cố định hàng tháng: công suất tiêu thụ trung bình của thiết bị khoảng 0,8W. Như vậy chi phí tiêu thụ điện năng/tháng/1 thiết bị khoảng 1.000 đồng. * Tính toán giá trị làm lợi: a. Khi xảy ra mất điện sự cố và được xử lý kịp thời: + Chi phí tin nhắn: 3.800 đồng (gồm 2 tin nhắn cảnh báo mất/có điện lại từ thiết bị đến đầu số 8085 và 4 tin nhắn từ 8085 đến 02 số thuê bao của người có trách nhiệm). + Tính sản lượng điện thương phẩm mất đi nếu không xử lý sự cố kịp thời: Theo số liệu trích từ phần mềm Quản lý thông tin và Chăm sóc khách hàng dùng điện CMIS cho thấy sản lượng điện tiêu thụ trung bình của một TBA tại khu vực xa khu dân cư đã lắp đặt thiết bị là khoảng 90kWh (PC Đà Nẵng, 2013). Do vậy, khi đơn vị vận hành nhận được cảnh báo mất điện kịp thời, qua đó xử lý sự cố nhanh chóng hơn. Giả sử nhanh hơn 1 giờ, thì sẽ không mất sản lượng điện thương phẩm là 90kWh/TBA. Như vậy, với chi phí 3.800 đồng cho tin nhắn PC Đà nẵng không mất sản lượng điện thương phẩm là 90kWh/TBA đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ điện năng phục vụ khách hàng. b. Khi mất điện do bị trộm cắp tài sản (cáp đồng) tại TBA và được phát hiện kịp thời: + Chi phí tin nhắn: 3.800 đồng (gồm 2 tin nhắn cảnh báo mất/có điện lại từ thiết bị đến đầu số 8085 và 4 tin nhắn từ 8085 đến 02 số thuê bao của người có trách nhiệm). + Tính toán thiệt hại: Giả sử một TBA bị mất cắp tài sản có thời gian khắc phục để cấp điện lại là một ngày, thì sản lượng điện thương phẩm mất đi: 90 kWh x 24h = 2160 kWh, đồng thời, cần sửa chữa và thay thế tài sản bị mất cắp khoảng 20 triệu (tạm tính). Nên, nếu nhận được cảnh báo mất điện kịp thời, từ đó ngăn ngừa được vụ trộm cắp thì có thể bảo vệ được tài sản tại TBA và không mất sản lượng điện thương phẩm. Như vậy, với chi phí 3.800 đồng cho tin nhắn PC Đà nẵng không mất đi sản lượng điện thương phẩm là 2.160kWh/TBA và thất thoát tài sản 20 triệu đồng, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ điện năng phục vụ khách hàng cũng như đảm bảo an ninh trật tự. Đầu tư cho thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS có hiệu quả gián tiếp và lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng điện năng phục vụ khách hàng dùng điện và bảo vệ tài sản tại các TBA của PC Đà Nẵng. Vì vậy, khó tính trước lợi nhuận thu được cụ thể là bao nhiêu khi đầu tư, lắp đặt thiết bị.Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị đúng lúc, giải quyết các bức xúc một cách kịp thời, cũng đã góp phần nhanh chóng chứng minh hiệu quả của thiết bị. 3.2. Hướng phát triển trong thời gian đến: a. Tích hợp thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS vào các thiết bị thu thập dữ liệu công tơ từ xa (thiết bị đo xa): Theo số liệu thống kê từ Hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu công tơ (PC Đà nẵng, 2014), PC Đà Nẵng đã lắp tại 1004 vị trí TBA công cộng (chiếm 84.4% tổng số TBA công cộng của PC Đà Nẵng), tại các vị trí công tơ đo đếm ranh giới và các khách hàng. Tổng cộng, đã lắp đặt tại 2401 vị trí. Dữ liệu từ công tơ điện tử được gửi về máy chủ của PC Đà Nẵng thông qua đường truyền GPRS của mạng di động GSM với tần suất 30 phút/lần.
Thiết bị đo xa do Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển hạ tầng Viễn thông (IFC) cung cấp dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết với PC Đà Nẵng. Vì vậy, PC Đà Nẵng đã nghiên cứu giải pháp và phối hợp với IFC thực hiện tích hợp chức năng cảnh báo mất điện vào thiết bị đo xa. Trong tháng 4/2014, giải pháp này đã ra sản phẩm, và Công ty IFC đã có văn bản số 57/CV-IFC ngày 23/4/2014 đề nghị thí điểm gửi cảnh báo mất điện tức thời từ thiết bị đo xa thực tế tại các TBA. Hiện nay, PC Đà Nẵng đang theo dõi, kiểm tra, đánh giá chất lượng sau lắp đặt tại 21 vị trí TBA. Phục vụ cho công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng chức năng cảnh báo mất điện của thiết bị đo xa, PC Đà Nẵng cũng đang tự xây dựng các phần mềm ứng dụng trích xuất từ dữ liệu thu thập để phục vụ cho công tác quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh. Tích hợp thành công chức năng cảnh báo mất điện cho thiết bị từ xa hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho PC Đà Nẵng và những đơn vị có nhu cầu triển khai ứng dụng thiết bị: - Giảm chi phí đầu tư thiết bị thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS tại các TBA. - Thiết bị đo xa của IFC đã được triển khai hàng loạt, và được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tế. - Thiết bị đo xa đọc số liệu định kỳ từ công tơ điện tử. Như vậy, có thể theo dõi hoạt động của thiết bị, phát hiện kịp thời để xử lý nhanh chóng thiết bị bị hỏng. b. Tính toán các chỉ số cung cấp điện tin cậy: dựa trên cơ sở dữ liệu từ thiết bị đo xa tại các TBA gửi về: Mã điểm đo, thời gian mất điện, thời gian có điện lại, PC Đà Nẵng dự kiến xây dựng phần mềm tính toán các chỉ số cung cấp điện tin cậy như thời gian mất điện, các tần xuất mất điện của từng TBA lắp đặt thiết bị, tiến đến theo dõi chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện cho mỗi Điện lực trực thuộc và cho toàn Công ty. c. Hệ thống chăm sóc khách hàng: Thông tin mất điện của từng khách hàng dùng điện sẽ được cập nhật liên tục, theo thời gian thực. PC Đà nẵng sẽ có thông tin để thông báo đến khách hàng. Việc nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị cảnh báo mất điện bằng SMS, đặc biệt là việc phối hợp với Công ty IFC để tích hợp vào thiết bị đo xa đã tạo ra một công cụ quản lý hiệu quả trong việc cung cấp điện an toàn liên tục cho khách hàng, đồng thời bảo vệ tài sản của ngành điện. GIỚI THIỆU NHÓM TÁC GIẢ 1. Họ và tên: Phạm Ngọc Quang. Sinh năm: 1980. Trình độ chuyên môn: Kỹ sư Điện tử Viễn thông Chức vụ và nơi công tác: Chuyên viên Phòng CNTT- PC Đà Nẵng. Lĩnh vực nghiên cứu: Điện tử viễn thông 2. Nguyễn Minh Tùng, Sinh năm: 1975. Trình độ chuyên môn: Kỹ sư CNTT Chức vụ và nơi công tác: Chuyên viên Phòng CNTT- PC Đà Nẵng. Lĩnh vực nghiên cứu: CNTT 3. Họ và tên: Nguyễn Ngọc Lâm. Sinh năm: 1984. Trình độ chuyên môn: Kỹ sư Điện tử Viễn thông Chức vụ và nơi công tác: Chuyên viên Phòng CNTT- PC Đà Nẵng. Lĩnh vực nghiên cứu: Điện tử viễn thông TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt: [1]PC Đà nẵng, Phòng thanh tra bảo vệ & pháp chế, 2011 & 2012. Bảng tổng hợp số lượng giá trị thiệt hại đối với vật tư thiết bị điện bị mất cắp năm 2011, 2012. [2] PC Đà Nẵng, 2014. Hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu công tơ, <www.ifc.dnpc.com.vn> [Ngày truy cập 6 tháng 5 năm 2014] .
[3] PC Đà Nẵng, Phòng kinh doanh, 2013. Số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TBA có lắp thiết bị cảnh báo mất điện từ Chương trình Quản lý thông tin và Chăm sóc khách hàng dùng điện CMIS. [4] Trung tâm Tin học Đà Nẵng, 2013. Tài liệu đặc tả API kết nối hệ thống SMS Gateway. Tài liệu tiếng Anh: [5] Microchip Technology Inc,2009. PIC16F882/883/884/886/887Data Sheet [pdf] available at: [Accessed 20 May 2014] [6] Wavecom, 2003. AT commands interface guide [pdf] Available at: [Accessed 20 July 2012]