Văn họcVăn học nước ngoài Loạt bài: 200 năm ngày mất của Friedrich Schiller (1805 – 2005) 1 18.5.2005 Rüdiger Safranski "Một thiên tài của sự sáng tỏ" Phỏng vấn của Spiegel do Volker Hage và Elke Schmitter thực hiện Trương Hồng Quang dịch Với công trình tiểu sử Schiller hay là sự phát minh ra chủ nghĩa duy tâm Đức (Schiller oder die Erfindung des deutschen Idealismus, Carl Hanser Verlag, München 2004, 560 trang), Rüdiger Safranski đã công bố tác phẩm gây tiếng vang lớn nhất trong số các ấn phẩm ra mắt nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày mất của Friedrich Schiller. Safranski (sinh năm 1945) cũng là tác giả của hai công trình nổi tiếng đã được dịch ra mười thứ tiếng là Schopenhauer và những năm hoang dã của triết học (Schopenhauer und die wilden Jahre der Philosophie, 1987) và Một người thợ cả từ nước Đức. Heidegger và thời đại của ông (Ein Meister aus Deutschland. Heidegger und seine Zeit, 1994). Cùng với Peter Sloterdijk, một triết gia Đức đương đại hàng đầu, từ đầu 2002 Safranski là người đồng điều khiển chương trình „Tứ tấu triết học“ (Philosophisches Quartett) phát trên kênh truyền hình quốc gia Đức ZDF. Ngườ i dị ch
SPIEGEL: Thưa ông Safranski, ở đầu cuốn tiểu sử Schiller của mình ông đã đưa ra một định nghĩa khá oái oăm về chủ nghĩa duy tâm: Chủ nghĩa duy tâm có nghĩa rằng với sức mạnh của lòng nhiệt thành con người có thể sống lâu hơn so với khả năng mà thân xác cho phép. Ông nghĩ vậy thật sao? Safranski: Vâng, ít nhất là với trường hợp nhân vật của tôi. Có một cuộc chạy đua nội tâm đã diễn ra ở Schiller: Ai sẽ giành được phần thắng, cái mà Schiller gọi là "sức mạnh của tinh thần" hay là thân xác? Mối quan hệ mang tính chất thi đấu thể thao này đối với thân xác hữu hạn là mô-típ sống của ông. Cuối cùng thì con người thế nào cũng thua cuộc – nhưng vấn đề là ở chỗ ta có thể chiếm được bao nhiêu khoảng sân chơi cho mình. Schiller là một bậc cao thủ trong việc tận dụng những khoảng sân chơi như vậy. SPIEGEL: Liệu có phải cuộc chiến với chính bản thân này là nguồn gốc tạo nên vinh quang của Schiller? Safranski: Có nhiều nguyên do cho vinh quang của ông. Ở thế kỷ 19 và cho đến sang tận thế kỷ 20 ở Đức tên tuổi của Schiller đã vang dội và ông đã giành được một vị trí vẻ vang siêu đẳng đến mức sau đó có lẽ phải cần đến hai, ba thế hệ mới lấy lại được sự thăng bằng. Schiller là cả một nhà máy phát năng lượng của ý tưởng. Các nhân vật lớn của chủ nghĩa duy tâm - Hegel, Fichte, Hölderlin - đều bị ông lôi cuốn. Dạo đó Schiller được nhìn nhận một cách rõ nét hơn so với ngày nay: mặc dù hết sức quảng bá, Schiller là một tác giả triết học. Có thể so sánh ông với Jean-Paul Sartre ở thế kỷ 20. SPIEGEL: Theo ông đâu là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa Schiller và Goethe? Safranski: Schiller dấn thân hơn. Nói theo một cách diễn đạt đương đại thì ông đã án
ngữ trên mọi lĩnh vực, cũng vì vậy mà những trào lưu chính trị trái ngược nhau nhất đều có thể sử dụng tên tuổi ông cho mục tiêu của mình. Chúng ta hãy lưu ý rằng năm 1859, dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Schiller, đối với cả tầng lớp tư sản tự do lẫn tầng lớp tư sản theo chủ nghĩa quốc gia đều là một ngày lễ lớn, một cột mốc trọng đại, có tầm quan trọng đặc biệt như năm 1848 [1] hay năm 1871 [2] . Tiếp theo đó cả phong trào công nhân cũng phong thánh cho Schiller. Rồi còn có một Schiller như là người bạn vong niên của Wilhelm von Humboldt, Schiller như là nhà phát minh ra tư tưởng giáo dục Đức. Theo ông, con người phải coi mình là mục tiêu của giáo dục – có nghĩa là người ta không chỉ học để biết một nghề nào đó. Tự đào tạo thành nhân cách là cái đích mà ai cũng có thể hướng tới. Quan niệm này mang lại ý nghĩa cho một thế giới mà trong đó tôn giáo với tư cách là nguồn dự trữ ý nghĩa đã trở thành cạn kiệt. So sánh với ông thì Goethe luôn là một trường hợp dành cho giới đặc tuyển: mịt mù và mâu thuẫn, và Goethe đương nhiên cũng là nhà thơ lớn hơn. SPIEGEL: Có phải Schiller trở nên khả dụng như vậy cũng là nhờ những công thức diễn đạt khôn ngoan và súc tích của ông? Safranski: Khả năng sáng tỏ lạ lùng của Schiller chính là nhược điểm thi ca của ông. Ông là một thiên tài của sự sáng tỏ. Goethe là người rất biết đánh giá điều này – khi đọc xong lá thư chân dung [3] của Schiller về ông, Goethe có nói rằng: Bây giờ tôi mới hiểu về mình. SPIEGEL: Ở Schiller còn lại gì có ý nghĩa thời sự? Safranski: Chỉ xin lấy một ví dụ: "Con nguời chỉ thật toàn vẹn là người khi đùa chơi." [4] Thế nào là con người đang đùa chơi? Phải chăng phần nòng cốt của văn minh chính là khả năng chuyển hoá đến mức tối đa các tình huống nghiêm trọng thành những hành vi thay thế mang tính chất nghi lễ và trò chơi? Chúng ta trải nghiệm tôn giáo thông qua nghi thức tế lễ, chúng ta chuyển hoá tình dục thành tình ái, chúng ta phát minh ra các trò thi đấu thể thao xuất phát từ bản năng hiếu chiến, chúng ta biến những cuộc chiến thật sự thành các cuộc đấu khẩu. Một phần căn bản của lí thuyết về chế độ nghị trường chính là lí thuyết về trò chơi xã hội. Một khi chúng ta biết học cách chơi tốt hơn – theo Schiller thì lúc đó chúng ta cũng sẽ trở nên nhân đạo hơn. Tôi nghĩ rằng cho đến tận ngày nay chúng ta vẫn chưa hiểu được hết tính thời sự của các luận điểm này. SPIEGEL: Ông cũng cho rằng Schiller là một sử gia có tầm cỡ. Liệu đánh giá này có xứng đáng với một tác giả từng mô tả thời kì Thập tự chinh như là mốc khai sinh của châu Âu hiện đại hay không? Safranski: Khi Sự li khai của Hà Lan [5] được xuất bản, Schiller ít nhất cũng đang là tác gia sử học được đọc nhiều nhất trong thời của ông. Nhưng đúng là tôi đã đi xa hơn trong nhận định của mình - bởi lẽ viết sử vào thời kỳ đó vẫn còn là một hoạt động sáng tạo thẩm mỹ, mà Schiller lại là một người hết sức độc đáo trong văn xuôi. Phương châm của Schiller là: Không phải chất liệu, mà chỉ phong cách mới làm nên tác giả. Nhưng chúng ta hãy quay trở lại ví dụ Thập tự chinh: Schiller đã quan tâm đến điều gì ở đó? Vốn là một người Tin lành, Schiller thật ra không phải là một kẻ mộ đạo. Sự kiện Thập tự chinh
đã khiến cho ông bị lôi cuốn bởi sự thể là: vì một mục tiêu hoàn toàn hão huyền và có thể nói là rồ dại, con người ta đã huy động được cả những nguồn năng lượng thật khổng lồ. Schiller nhận xét với một giọng gần như ai oán, giá như ngày nay có thể đánh thức dậy một lòng cuồng nhiệt như vậy cho một mục tiêu hợp lý, chẳng hạn cho tự do, thì trên phương diện chính trị chúng ta đã đi xa đến chừng nào! Liệu ý tưởng này của Schiller có thể khiến chúng ta liên tưởng đến những lời ca thán hiện đại về chủ nghĩa khủng bố, về những tình cảm vượt quá mọi giới hạn của Hồi giáo – và nhắc nhở đến sự nuối tiếc rằng chúng ta chỉ biết huy động ở một mức chẳng đáng là bao lòng ủng hộ nhiệt thành cho dự án Tây phương của mình? SPIEGEL: Nhiều lúc Schiller lại tỏ thái độ hài lòng một cách đáng ngạc nhiên về thời đại của ông - một khi chúng ta biết là ông đã phải chịu đựng như thế nào dưới ách chuyên quyền của các ông hoàng. Safranski: Nhận xét của Schiller không nhất quán. Ông có một quan hệ mang tính chất mặt giáp mặt với quyền lực: Schiller từng hưởng học bổng, là một đứa con đỡ đầu của các vương hầu, và có thể nói không ngoa là vị bạo chúa của ông có mặt ở tận chốn buồng ngủ. Suốt đời mình Schiller chưa bao giờ tranh đấu chống lại các hệ thống. Marquis Posa nói thẳng như thế này: "Thưa tôn ông, xin hãy trao lại quyền tự do cho tư tưởng!" Trong màn đối thoại lớn này ở Don Carlos [6] quyền lực của lời nói đối chọi với lời nói của quyền lực. Schiller không hề ăn phải bả của các đại diện Stalinit ở thời đại ông, những người theo phái Jacobin. Trên đại thể ông chuộng kết quả thành công cụ thể hơn là khả năng viễn tưởng cuồng tín. Ông từng viết lý thuyết về tình yêu, song ông cũng đã cầm dao giải phẫu tử thi [7] . Ông là một nhà lý tưởng từng trải. © 2005 talawas [1]
1848: Năm diễn ra cuộc Cách mạng dân chủ tư sản ở châu Âu và Đức (Các chú thích trong bài đều của người dịch.) [2] 1871: Năm ra đời của Vương quốc Đức thống nhất dưới quyền của Thủ tướng Otto von Bismarck (1815-1898) [3] „Lá thư chân dung“: chỉ lá thư viết ngày 23.8.1794 của Schiller gửi cho Goethe, lá thư mở đầu việc trao đổi thư từ giữa Schiller và Goethe và khởi đầu tình bạn giữa hai người, trong đó tác giả đã phác họa một chân dung tinh thần về Goethe [4] Luận điểm trích từ Thư thứ 15 trong tác phẩm Về giáo dục thẩm mỹ đối với con người – trình bày trong một loạt thư (Über die ästhetische Erziehung des Menschen, in einer Reihe von Briefen), công trình mỹ học quan trọng nhất của Schiller được công bố vào năm 1795. [5] Nguyên bản Geschichte des Abfalls der Vereinigten Niederlande von der spanischen Regierung (Lịch sử li khai của các quốc gia Hà Lan hợp nhất khỏi quyền thống trị của Tây Ban Nha), tác phẩm sử học xuất bản năm 1788 của Schiller, công trình được tác giả viết để chuẩn bị cho việc được bổ nhiệm vào ghế Giáo sư Lịch sử tại Đại học Jena vào cuối năm đó. [6] Don Carlos: Tác phẩm kịch năm hồi của Schiller, công diễn lần đầu năm 1787 tại Hamburg. [7] Schiller vốn học ngành Y và từng phục vụ trong quân đội với tư cách là bác sĩ quân y.
Năm 1780 (lúc mới 21 tuổi) Schiller vừa hoàn thành luận văn tốt nghiệp Y khoa với đề tài Thể nghiệm về tương quan giữa bản tính động vật và tinh thần của con người (Versuch über den Zusammenhang der tierischen Natur des Menschen mit seiner geistigen), vừa sáng tác vở kịch đầu tay Những tên cướp (Die Räuber), một tác phẩm tiêu biểu của phong trào „Bão táp và Xung kích“ (Sturm und Drang) trong văn học Đức. Nguồn: DER SPIEGEL 41/2004 - 04. Tháng Mười 2004 http://www.schillerjahr2005.de/materialien/interview_safranski/index.html