Trường Ca Bini - Cham

  • Uploaded by: Tran Dinh Hoanh
  • 0
  • 0
  • July 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Trường Ca Bini - Cham as PDF for free.

More details

  • Words: 3,099
  • Pages: 9
ARIYA BINI – CAM • Trường ca Bini – Cam là một trong những thi phẩm cổ điển xuất sắc nhất của Chăm, nhưng ít được phổ biến. Nguyên tác và bản dịch Việt ngữ được Inrasara đưa ra lần đầu trong cuốn Văn học Chăm – khái luận, Nxb. Văn hóa Dân tộc, H., 1994. Đây là trường ca được Phan Đăng Nhật xem như “là một trong những kiểu mẫu của thơ tình hiện đại” và tác giả của nó “là một thiên tài, một tài năng thơ vô cùng độc đáo sáng tạo”. Inrasara cho phép Chamyouth đăng lại nguyên tác của Trường ca và bản Việt ngữ với nhiều sửa chữa để bản dịch bám sát nguyên tác hơn.

TRƯỜNG CA BINI – CHAM Em đến từ La Mecca Rồi em tạt qua Harơk Kah Harơk Dhei (1) Em tới đất Ma Lâm Pajai (2) Rồi em lên tàu trở về xứ sở Biển Đông trập trùng sóng vỗ Buồm mỏng manh theo sóng nước trôi xa Ôi cánh buồm như cánh mối mờ xa Đùm bọc người tình ta đi mất 5. Đi mất hút khỏi tầm nhìn đất nước Ôi đất nước ta bao la xanh ngát! Từ Ma Lâm ngược tới Harơk Dhei Đồng mênh mông, rừng núi phong nhiêu Nước đau khổ khôn cầm chân em lại! Ta ngồi đó một mình trên bãi cát Biển mênh mông, sóng nước bao la Buồm em đi khói phủ nhạt mờ Và ta khóc, hai bàn tay đẫm lệ Nắng chiều êm sau rừng, xuống nhẹ 10.Soi bóng ta khô héo, rạc gầy Chim rừng kêu thao thiết đâu đây Rồi bay hết. Cả một trời im lắng! Trăng đã lên Và sóng chiều đã lặng Ngựa dậm chân đứng đợi bên đàng Người nặng lòng, ngựa chẳng nhẹ chân Ngựa đi hai bước ngựa dừng Nước đại ngựa dùng dằng, nước kiệu chẳng buồn đi Ngựa về như ngựa còn nghe 15.Sau lưng tiếng sóng vỗ nhòe âm thanh Ngoái nhìn: rừng lá che ngang

Quanh ta một cõi không gian mịt mùng. Ngựa về tới Ma Lâm Lòng vấn vương vó cất đi không nỡ Đây vùng đất – nơi tận cùng xứ sở Gốc vỡ tan, rừng núi héo khô! Chim ơi có thấy em ta? Bước em ta, dáng đi yểu điệu Mây ơi có thấy em ta? 20. Mắt em ta mặt nước suối trong Trăng ơi có thấy em ta? Hương tóc em thơm bay khắp nẻo Ngựa về miền đất Châu Hanh (3) Ngựa phi, ngựa hí cho cuồng cho quên Nhớ mong ai Tháp Po Dam (4) Xa cao mãi đợi bóng hình cố nhân Người đi về cõi Thiên đàng Dấu xưa lưa lại nơi hoang lạnh này Hồn như quanh quất đâu đây Trong sầu quốc gọi, giữa lời ve than. II Nàng mang đi chiến tranh? 25.Quê hương anh tan tành, đám dân đen khốn khổ Chàng chớ than em nhé! Em là sứ giả dựng Islam Nếu chàng có yêu em Truyền Islam thay cho em gái Ôi người nhé! Một đời ta bươn chải Quên mẹ cha, bè bạn để theo em Đỉnh đầu quê hương: vùng núi Harơk Dhei Đường xa ngái – đất nước anh gầy rạc Và theo em, thân xác anh phờ phạc 30.Gót ngựa mòn, bước đã thuộc rừng hoang Hai vai anh mang nặng hai tình Tình cho quê hương, tình cho người nhớ Quên xứ sở cho lòng anh đau khổ Nhớ người tình cho trí quẩn, tim đau Ngựa về Thanh Kiết(5), bước mau Cho chân ngựa mỏi khi vào Lâm Giang (6) Khô là mương – xa là đường Cho nai đi lạc giữa chừng Bblang Kaxa (7) 35.Bóng ai đội nước đường xa Dáng đi yểu điệu như là dáng xưa Ngựa qua Phan Rí thẫn thờ Cùng người băng núi rừng về cố hương

Ngựa dừng chân xứ Bal Caung (8) Xung quanh rộn tiếng chim nhồng kêu vang Qua mưa cỏ dại mọc tràn Cỏ non ngựa gặm, đá bằng người ngơi Ngồi buồn như thể chờ ai Ta nhìn lên đỉnh Po Nai(9) võ vàng Lòng ta chợt chán bụi trần 40. Mong nhờ cõi Phật nương thân xác này Thà như trái Caramai (10) Rơi từ cành cây không hề đau xót Thà như chim Baratot(11) Sáng đậu bồ đề, tối hót cành đa Thà như ngàn lá rừng khô Lót đường dưới gót chân thơ kêu buồn Thà như vô lự ngọn sung Như cờ ngô trổ, như bông đậu đồng Không đau khổ, chẳng sầu buồn 45. Không dừng chân lãng nửa đường nhớ ai Không đi thơ thẩn tìm hoài Dấu chân năm cũ đã phai dặm trường Tiếng ai như tiếng người thương Nói cười năm cũ trong hoàng cung xưa Trong tan hoang đống gạch vụn kinh đô Nhòa kỷ niệm dưới cơn mưa tầm tả 50. Mờ vết tích giữa cỏ cây rêu phủ Xah Bin(12) đâu? Đâu ngọn giáo uy linh? Xứ Kaho người tìm đến mai danh… Chiều đang xuống. Tháp Rome ai biết được? (13) Bia Bia Ut (14) giữa rừng hoang chổng ngược Cây lim sầu vong quốc vẫn chưa nguôi Nắng hay mưa màu lá vẫn không tươi! Ngựa đi tới Danaw Panrang(15) 55. Dừng chân ngựa, người ngồi buồn quạnh quẽ Muk Cakling Ong Paxa(16) – Ôi đất mẹ! Đùm bọc dưỡng nuôi khôn lớn rỡ ràng Như tình ta bao ngày tháng cưu mang Mong lớn dậy cùng ân tình non nước Ôi mảnh mai bàn tay em, ngón út Cầm tay dạ những ngậm ngùi Gót chân thơm nhỏ như đôi bông lài Anh nâng niu giữa lòng tay Cám ơn người đã sum vầy đôi ta Cho quê hương lại nở hoa Cho dân quê khổ được mùa ấm no

Ơi vị hoàng thân nặng tình non nước 60. Chàng quên ư? Thánh Allah ban ân Bùa phép linh thiêng của các chư thần Và miền đất hứa Em không sao chấp nhận Ta ôm chầm lấy em – bàn tay khẩn khoản Ta hỏi em và ta hứa với em Ta xin em và ta van lơn em Giọng tha thiết như là tiếng quốc Nàng lắc đầu dỗi hờn một mực Không nói năng mà chẳng ngước nhìn Rồi quành voi thẳng bước đi lên 65. Sức voi lớn, voi đi như gió Ta nhìn theo Ngựa ta vào Tuấn Tú(17) Bãi cát vàng, gió vùi dấu chân thơm. Voi đi vào xứ Nha Trang Phú Yên bỏ lại, voi sang Ninh Hòa(18) Cưỡng lời cha mẹ khuyên ta Thân con vàng ngọc sao mà khổ thân Theo em đi khắp nẻo đường Đời ta sầu muộn, quê hương tan tành Xứ Debare(19) bất ổn lan tràn Bini với Cham bao năm ròng rã 70.Voi em đứng một bên, ngựa anh về một ngả Đất nước ngập chìm trong tối tăm Thừa cơ giặc mang quân xâm lăng Cham lên Mưdren(20), Bini vào Phan Rí Máu đổ trôi thấm tràn gót ngựa Voi mệt nhoài đứng lặng giữa đầu lâu Ơi người lạ xa mà ta thương yêu Nói đi em! Cứu vớt dân lành đã nhiều đau khổ 75. Anh đã chịu thua rồi, anh đã… Thì người tình ơi! Xin hãy mở lời III Nhớ khi xưa em từ La Mecque Đất nhiệm mầu xứ sở thần tiên Dừng gót sen trên bến cảng Harơk Dhei Dáng diễm tuyệt, lòng anh yêu đậm Niềm chung riêng, tâm tư anh yên lắng Ngài ban hồn cho tổ quốc hóa thân Em nhu mì vùng mái tóc đẹp xinh Ánh mắt tinh anh, dịu hiền màu má Là nỗi mơ tim anh hằng ấp ủ Từ xa xưa Nay thức giữa quê hương

80. Hai tay anh trìu mến nhẹ nâng Đưa em qua xứ Cao nguyên Mắt em nhìn suốt khắp miền quê hương Nhìn lên trùng điệp núi rừng Nhìn xuôi biển cả một vùng bao la Em từ Thánh địa Mecca Cứu nhân độ thế nên qua đất này Voi em sang đất Xribanưy(21) Ngựa ta chậm bước bên người tha phương Biển Đông thoảng gió trùng dương 85. Quyện hương tóc tỏa mùi thơm tuyệt vời Voi qua xứ Bal Hanguw(22) Xứ kì tuyệt làm rạng danh đất nước Tháp nối tháp thành xây cao trăm thước Tượng rồng bay lấp lánh ánh vàng Ruộng bao la lúa chín vàng đồng Rừng bát ngát gỗ cây đâm thẳng Đập chứa nước chia phân dòng sông rộng Và cửa sông tôm cá tụ về Yêu lắm em Tổ quốc của ta! 90. Yêu dân đen như yêu người viễn mộng Hỡi nàng công chúa đang đăm chiêu nhìn về xa rộng Nàng tìm ai? Tìm đấng trượng phu? Hay nàng nhớ nhung màu nắng quê cha Và gì nữa? Mắt nàng buồn vời vợi Voi đến Bal Angwei(23) nàng vẫn sầu không nói Voi đến Bal Hul Bal Lai (24) Đất văn hóa đắm chìm trong tăm tối Kinh thành cổ mang trong mình lầm lỗi 95. Mất linh thiêng – như kẻ thất thần! Và biển khơi sóng vỗ – đất Phú Yên Em dừng voi, ghi dấu tích đầu tiên(25) Ơi người La Mecque đừng quên! Thần đã nhiều, dân ta thì thưa thớt Khổ thân ta, xin người tình thương xót Thương xót linh hồn ta! Rồi bằng hữu bỏ rơi ta Và em cũng bỏ mặc ta đi rồi Em đi chẳng bảo nửa lời 100. Mặt sầu bi. Vẫn một lời khăng khăng Ôi trời đất, hãy cứu con! Thân con như thể trong vòng oan khiên Tội đâu con phải cưu mang Chỉ cầu bao chuyện tốt lành mà thôi

Tiểu đồng quành đầu ngựa Voi em đi rẽ lên trời tây Tiểu đồng quay ngựa về tây 105. Voi em băng thẳng đường biển sóng Ngựa anh rồi phi xuống Voi em lại thẳng hướng Nha Trang Nha Trang mây tạnh trời quang Phong nhiêu xứ sở, bạt ngàn mía lau Biển Đông sóng biếc một màu Nắng chiều soi bóng cù lao hữu tình Tháp Bà(25) sừng sững oai nghiêm Vây quanh là cả một rừng dừa tươi Ngựa đi ngựa hí vang trời 110. Nước đại chẳng hoài, nước kiệu kể chi Bên bãi cát dừng chân nghỉ ngựa. Voi em xa xa tự bao giờ Khô héo lá gan qua nỗi nhớ Nát tan trái mật với niềm chờ Nhìn đàn cò bay qua Mong gởi theo thư nhắn. Trông chiều mờ khói mây Ngỡ bóng em nghiêng tới Nhớ ngàn năm khôn nguôi Từ bước chân nhớ lại Nhớ ơi từng sợi tóc 115. Nhớ đôi vớ em mang Nhớ nụ cười ánh mắt Từ tấm áo nhớ sang Anh đi những bước lang thang Vẫn khôn nguôi nhớ, hoài mang nặng tình Thiên nga tìm mồi trên sông nước Hay chân em ngọn cỏ lướt nhanh? Chim ri hót giữa lá cành Tiếng chim như thể tiếng nàng ngân nga. Ngựa đi tới Bal Riya (26) Thương cho Mih Ai(27) lạc loài xứ lạ 120. Chẳng trở về Bước ngỡ ngàng trong những buổi ban sơ Xứ Việt ngái, cốt xương người gởi lại Sóng sông vỗ hồn nàng trôi mãi Ôi người xa, có hiểu lòng trung trinh? Ta hôm nay tuôn lệ khóc cho mình Hay khóc hận cho người xưa tử biệt? Hay thương khóc cho tình ta, ai biết? Cuộc tình say, người tình lại đa mưu 125. Ơi, người tình xin chớ bày mưu! Lòng anh đau, dân anh thì li tán

Đất nước rẽ phân, dân tình khốn đốn Bini với Cham bớt bạn thêm thù Chiều nay ngồi lặng lẽ một mình ta Vang tư bề tiếng chim muông ríu rít Và trời tây, thú rừng cùng hòa nhịp Ta về đâu? Ta sẽ đến tìm ai? 130. Ta đau thương giữa đau khổ của muôn người Trông lên đồi tháp Klaung Girai(28) Nắng hè cháy lá rụng phơi cây cành Ta đau ai hiểu cho mình Thân đơn lẻ, bảy ngã đường, về đâu? Nẻo xa ướt đẫm giọt sầu Lòng này ta nguyện trời cao thấu tình Lại theo núi Huh(29) xuôi dòng Cọp thần Ba Tháp(30) canh rừng đất thiêng Nàng đi thân vẽ bùa linh 135. Ta đi chỉ nguyện với hình núi sông Ngựa qua bãi biển chợt buồn Hải âu nghiêng bóng, sóng vờn mất tăm Sóng xô vỡ hạt lâm dâm Hạt mềm như thể hạt sương sa mờ Sóng xô vỡ hạt mưa thưa Hạt mềm như giọt lệ nhòa mắt sâu Sóng xô vỡ tựa nước trào Tiếng vang như tự năm nao vọng về Cát đồi nước kiệu ngựa đi 140. Làng xa nắng đã xế về chiều hôm Không gian mù mịt bụi hồng Cát vương gót ngựa như không muốn lìa Nhớ nhung lòng đã ê chề Rồi đi, cùng ngựa ghé về Bblang Kaxa(31) Hướng Bal He,(32) voi em chậm bước Ngựa ta theo như bóng với hình Em kiều diễm dáng lưng ong 145. Ta ôm cho thỏa nỗi mong bao ngày Tóc em xõa hương say bay thoảng Tay anh xây giàn ấm nhẹ nâng Mắt em tựa giếng nước trong Hạt kim cương rụng giữa dòng thẳm sâu Hồn anh mê mẩn đắm vào Không ai níu lại, chẳng người vớt lên Nhớ khi xưa Harơk Dhei Harơk Kah Ông vua nào đổi lấy gái Kinh Tình nào tình nỡ đi hoang Để cho sự nghiệp tiêu tan theo tình

Tình nào đã cưu mang. Cho nỗi 150. Khổ lụy làm gia sản đời sau Tình si rồi thoảng qua mau Tình qua Phan Rí, tình vào Nha Trang Lên Cao nguyên, nửa hồn giẫy chết Tình thiên thu ai viết thành thơ Tình này có tựa tình xưa Tình xum họp? Hay tình vừa phân li? Rành rành đó tích xưa gương cũ Vì người tình, ta bỏ dưới chân Rồi em trở lại có hương 155.Tình anh theo lạc bước đường, ai hay? Tình vất vưởng ngọn cây cao ngất Trên lưng trâu hay giữa dòng sông Tình đi theo bước vịt đồng Vùi trong gạch tháp, lẫn trong lá rừng Lang thang như thuyền nan trôi lạc Tình lênh đênh sóng giạt biển khơi Sóng xô tình vỡ bời bời Nửa vào miệng cá, nửa rơi biệt mù Ta như kẻ mất hồn lang bạt 160. Cúng Thánh đường. Lên Tháp lạy Yang(33) Đất nước ta xứ Pangdarang(34) Người đi lưu lạc, quê hương rã rời Ta còn gì nữa trong tay Một con chim lạc bay vào hư không.

Chú thích 1.Harơk Kah Harơk Dhei: theo Damnưy (truyền thuyết) – đây là miền cực Bắc của Vương quốc Champa thuộc Quảng Bình, nhưng theo các cứ liệu sử học gần đây thì nó chỉ là một địa danh thuộc Phú Yên. Nhiều địa danh trong tác phẩm này cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ở đây có hai hướng giải thích:1. Hoặc tác giả sống sau sự kiện lịch sử, đã sáng tác dựa theo địa danh-truyền thuyết chứ không theo địa danh-thật (đó là chuyện thường tình của văn chương, cả hôm nay cũng thế). 2. Còn nếu tác giả dùng địa danh-thật thì lại có hai trường hợp nữa cần suy xét: địa danhthật-nguyên bản và địa danh-thật-sao chép. Trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng Chăm cả xưa và nay hiện tượng này thường xuyên xuất hiện. Po Klaung Garai có vài nơi sinh cả ở Ninh Thuận lẫn Bình Thuận, ngài cũng lwak (hóa thân) thành nhiều tên khác nhau tùy theo lễ cúng nữa (xem Inrasara, Văn học Chăm I, VHDT, 1994, tr.93). Danauk (đền) Po Nagar ở Hữu Đức – Ninh Thuận được thỉnh từ Nha Trang về chỉ vài chục năm nay thôi. Như vậy, chúng ta bảo: cái sau là bản sao của cái trước. Hoặc ngược lại, Bal Xribanưy, Hanguw… (có thể trên thực tế) là cái địa danh-thật tại tiểu Vương quốc Panduranga, nhưng qua tưởng tượng sáng tạo văn học, quần chúng Chăm

đem gán cho các địa danh tương ứng thuộc liên bang Champa tại Bình Định, Quảng Nam… Và tác giả của Trường ca này có thể chỉ đã sáng tác trên nền tưởng tượng này. Tại sao không? Do đó ở lần in đầu, chúng tôi đã dịch chúng sang tiếng Việt theo tinh thần truyền thuyết lịch sử. Hôm nay chúng tôi giữ lại nguyên văn các địa danh và chú thích để tiện đối sánh. (2), …(7) Bicam hay Pacam (Tánh Linh), Pajai (Ma Lâm), Caraih (làng Châu Hanh), Po Dam (tháp Po Dam), Lambar (làng Lâm Giang), Ia Nhjar (làng Thanh Kiết), Bblang Kaxa (Láng), Parik (Phan Rí), là các địa danh ở Bình thuận. (8), (17) Bal Caung: (làng Chung Mỹ), Patuh (làng Tuấn Tú) ở Ninh Thuận (9) Po Nai: tên một vị nữ tu Chăm (10) Caramai: (cây) chùm ruột (11) Baratot: (chim) tố hổ (12) Xah Bin: tên vị tướng thời Po Rome (13) Rome: Vua Champa (1627 – 1651) (14) Bia Ut: tên Chăm gọi Công chúa Ngọc Khoa người Việt vợ vua Po Rome (15) Danaw Panrang: Bầu Trúc – Ninh Thuận. (16) Muk Cakling Ong Paxa: ông bà nuôi vua Po Klaung Garai (1150 –1205, theo Damnưy. (18) Xem chú thích (1). Ở đây và vài chỗ khác các địa danh được dịch sang tiếng Việt để giữ nhịp và vần thơ. (19) Debare hay Bal He: Một thủ đô Champa ở Phan Rang (truyền thuyết). (20) Mưdren: Di Linh – Lâm Đồng (21) Xribanưy: Một thủ đô Champa ở Bình Định (truyền thuyết). (22), (23), (24) Bal Hanguw (Quảng Nam), Bal Angwei (Quảng Ngãi), Bal Huh Bal Lai (Phú Yên): 3 thủ đô Champa – theo truyền thuyết. (25) Bimong Po Inư: (hay Po Nagar): Tháp Bà – Nha Trang. (26) Bal Riya: làng Bính Nghĩa – Ninh Thuận (27) Mih Ai: Mị Ê, theo truyền thuyết (28) Bbwơn Hala: Đồi Trrầu, nơi có Tháp Po Klaung Garai. (29) Huh: làng Cát Gia – Ninh Thuận (30) Yang Pakran: Ba Tháp – Ninh Thuận (31) Bblang Kaxa: một làng thuộc Ninh thuận, trùng với địa danh ở Bình Thuận (32) Xem chú thích (19) (33) Mưgik: Thánh đường Hồi giáo cũ, nơi các tín đồ Bàni cúng tế. Bimong: Tháp, nơi con dân Chăm nói chung đền thờ phụng. (34) Pangdarang hay Panduranga gồm cả Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay.

Related Documents

Winter Trng
June 2020 9
Pancutkan Bini
April 2020 1
Cham Bai
November 2019 9
Balachander Sd Trng[1]
November 2019 15
Cham Diem
November 2019 15
Oaf Trng Part4 Print
May 2020 10

More Documents from "Bharath"

A1-su-ky-part_8
June 2020 2
A1-su-ky-part_1
June 2020 3
A1-su-ky-part_9
June 2020 2
A1-su-ky-part_5
June 2020 1
A1-su-ky-part_7
June 2020 2
A1-su-ky-part_4
June 2020 3