» Tác giả: Sông Lô
Từ Trong Cõi đến Chuyện Ở Sân Sau Mới đây, ông Hồ Sĩ Sênh một thành viên trong giòng tộc họ Hồ thuộc thế hệ thứ 4, cũng là hội viên của Hội Văn nghệ Nghệ An với bút hiệu là Trường Lam mà theo gia phả thì ông gọi ông Hồ bằng bác họ đã phổ biến một tài liệu do chính ông biên soạn thuộc dạng bút ký với nhan đề “Chuyện ở sân sau”, kể về cuộc đời của cử nhân Hồ Sĩ Tạo, bà Hà thị Hy, ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng thị Loan, ông Hồ cũng như những hậu duệ thuộc thế hệ thứ 4. Bài ký này được viết ở Trại viết văn của Hội Văn nghệ Nghệ An vào đầu năm 2007, đã được Hội Văn nghệ này đánh giá cao và đã được phổ biến nội bộ như đọc công khai để các trại viên tham khảo, Tuy nhiên, vì là chuyện “tabu” nên không một báo nào trong nước được phép đăng tải. Theo Talawas, tác giả Trường Lam đã đồng ý cho phổ biến bài bút ký này trên diễn đàn của mình.
Trước đây, năm 1993 nhà sử học Trần Quốc Vượng, một sử gia uy tín của VN lúc bấy giờ đã cho xuất bản tại Hoa kỳ quyển sách Trong Cõi, cũng đã tiết lộ những lời truyền miệng dân gian về thân thế của ông Hồ, trong đó có đề cập, phân tích và lý giải một cách hệ thống, có sức thuyết phục về sự thật của 3 thế hệ tiếp nối nhau mà ông Hồ là thế hệ thứ 3. Tuy nhiên phần chi tiết “giây mơ rễ má” của giòng tộc họ Hồ thì tài liệu bút ký mà ông Hồ Sĩ Sênh vừa phổ biến có phần sung túc hơn. Những nhân vật chính được sử gia Trần Quốc Vượng đề cập đến cũng không ngoài những nhân vật mà ông Hồ Sĩ Sênh vừa phổ biến trong tập bút ký của mình. Cũng bao gồm ông nội, bà nội, cha và mẹ của ông Hồ như: Cụ cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cô đèn Hà Thị Hy, người mang họ Nguyễn bất đắc dĩ ông Nguyễn Sinh Sắc, bà Hoàng Thị Loan và tất nhiên có cả ông Hồ. Ai muốn viết khách quan và trung thực về ông Hồ cũng phải lường trước được những dữ kiện phải gặp không mấy thuận lợi cho công trình biên soạn, đó chính là sự phức tạp về tên tuổi, ngày sinh, ngày mất cũng như những hoạt động bí mật ẩn hiện mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nhân vật lịch sử này.Cho dù ở hoàn cảnh nào ông Hồ cũng không bao giờ đề cập bất cứ vấn đề gì có liên quan đến xuất xứ của mình, với nhiều bộ mặt ông Hồ đã trở thành một nhân vật hoạt động chính trị được xếp vào dạng khó hiểu trong các nhà hoạt động chính trị, chẳng những so với VN mà còn so với cả thế giới. Ông chẳng khác nào một gã thợ săn thiện nghệ, săn thú hàng ngày nhưng không sử dụng giấy phép đang lúc hành nghề ở vào thời đại mà buộc người thợ săn nào cũng phải có giấy phép. Ông đã áp dụng luật “rừng xanh” hơi bị nhiều trong suốt quãng đời hoạt động chính trị của ông, ông cũng chẳng khác nào một nhân vật sân khấu với tài nhập vai điêu luyện khi bức màng nhung đang mở, dang khép hờ và ngay cả lúc khép lại để rồi đối với khán giả phía hậu trường là những dấu ngoặc cùng nhiều dấu hỏi to tướng. Xa hơn, ông còn là một người hành nghề gián điệp chuyên nghiệp, hơn 20 năm lăn lộn trong nghề (1924–1944), ông đã được huấn luyện làm gián điệp có phương pháp, có kỹ thuật với giấy thông hành của Liên Xô, ông ăn lương, lãnh trợ cấp từ Liên Xô và được giao nhiệm vụ hoạt động tại Trung Quốc ở vào giai đoạn lịch sử đầy biến loạn và bạo động của vùng địa lý này. Chuyện ông Hồ xuất thân từ trường Stalin mới đây được thư khố Nga giải mật, dù rằng tài liệu Đảng vẫn khư khư dấu kín, đã tiết lộ là hầu hết cán bộ cấp cao của đảng CSVN, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, đều xuất thân từ trường này. Đây là một lò huấn luyện được Lenin thành lập ngày 21/04/1921 dưới tên gọi là Viện Phương Đông nhằm huấn luyện và xuất khẩu các cán bộ cộng sản gốc Á Châu sau khi tốt nghiệp được tung về nước hoạt động. Những học viên sẽ trở thành cán bộ nòng cốt của cách mạng vô sản với nhiệm vụ móc nối, tuyên truyền và thu thập tin tức từ quần chúng. Tháng 8, 1924 ông Hồ được Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản giao cho chức vụ “Uỷ Viên Ban Phương Đông”, phụ trách Cục Phương Nam coi toàn vùng Đông Nam Á. Để che mắt mật thám Tây Phương, ông Hồ trở thành “Lou” đặc phái viên của hãng Thông Tấn Nga Rosta, rồi làm thư ký, thông ngôn cho phái đoàn Borodin của Liên Xô, tại Quảng Châu, qua bí danh Lý Thụy. Vâng, chính ông Hồ đã can thiệp thô bạo vào sự lẫn lộn đầy xáo trộn về bản thân mình để rồi làm
cho người viết sử chân chính cứ phải ấm ớ bất an mỗi khi đề cập đến tiểu sử của ông. Có điều, không ai phủ nhận ông Hồ Chí Minh là người có tài nhưng người ta cũng không phủ nhận ông là người thiếu vắng tư cách và đạo đức của một nhân vật lãnh đạo đất nước chân chính, ngoại trừ đảng CSVN và những người ủng hộ đảng này. Là một điệp viên nặng ký của đảng CS quốc tế được tung về hoạt động tại một nước đầy biến loạn với nhiều rủi ro thách thức và ông đã thành công ở lãnh vực này. Đây là cái tài nghề nghiệp của ông, ông cũng là người sáng dạ đột xuất trong việc bắt chước với nhiều mưu mẹo... ông còn có thêm một cái tài rất quan trọng cho sự nghiệp chính trị, đó là cái tài biết sử dụng nhuần nhuyễn hai châm ngôn “dụng nhân như dụng mộc” và “lạt mềm buộc chặt” đối với bất cứ đối tượng nào, ngay cả với kẽ thù. Ông không thành thật và luôn nghi ngờ, có lẽ do bệnh nghề nghiệp chăng? Tham vọng là một lãnh tụ, với đảng CSVN ông đã đem hết sở tài làm sở dụng và đã hành xử như một loại “bố già” theo nghĩa bóng trong hoạt động chính trị của mình. Để đưa chủ nghĩa CS vào VN ông đã không đường đường chính chính dắt nó vào cửa trước mà đã phải lấm lét cùng nó lẻn vào cửa sau dưới chiêu bài mị dân độc lập dân tộc. Trong bài viết “Ðánh Giá Di Sản Ông Hồ Chí Minh Qua Hiện Tình Ðất Nước” của Luật Sư Đào Tăng Dực (Bài viết cho tuyển tập “Sự Thật Về Hồ Chí Minh” trong chiến dịch “Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh” của Phong trào Sài Gòn - DCV) có viết như sau:
“Trước hết, từ ngày 08/09/1941 ông Hồ đã sớm nhận ra chiêu bài cộng sản không được toàn dân ủng hộ. Muốn sống còn thì cần phải đội lốt quốc gia một cách khéo léo. Chính vì thế vào ngày này ông cho ra đời Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội dưới chiêu bài là một mặt trận gồm nhiều thành phần kháng Pháp khác nhau nhưng bên trong do CSVN nắm giữ hoàn toàn. Tổ chức này gọi tắt là Phong trào Việt Minh. Trong khi hàng ngũ các đảng phái quốc gia chia rẽ và thiếu tổ chức chuyên nghiệp thì CSVN xâm nhập mọi tầng lớp xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng. Đến tháng 8 năm 1945 khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh thì chính trường Việt Nam bỏ trống. Chính phủ Trần Trọng Kim ngơ ngác. Các đảng phái quốc gia thiếu viễn kiến và chậm tay. Trong khi đó Việt Minh đã cướp thời cơ và cướp luôn chính quyền, buộc Bảo Đại thoái vị”.
Tác giả còn viết tiếp,
Tuy nhiên vào giai đoạn hiểm nguy nhất cho đảng CSVN này (từ 1945 đến 1949), ông Hồ đã chứng tỏ sự lão luyện tuyệt vời của mình. Ông lừa gạt được các chính đảng quốc gia (qua một chính phủ liên hiệp), ký hòa ước Sainteny với người Pháp và lừa luôn cả Tưởng Giới Thạch (để họ Tưởng rút quân về Trung Quốc). Khi họ Mao chiến thắng tại Trung Quốc năm 1949 thì cái chết đã gần kề cho các chính đảng quốc gia (NXH, tr. 65-72). Vì thế không ai có thể chối cãi tính cách “lão luyện giang hồ” để sống còn và ngự trị trên chính trường của ông Hồ. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất mà lịch sử sẽ nêu ra để đánh giá công lao của ông Hồ đối với dân tộc Việt Nam sẽ vô cùng cụ thể và hoàn toàn không nên căn cứ vào sự lão luyên giang hồ đó: Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN mà ông xây dựng có đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam như chiêu bài CSVN nêu ra hay không?
Là một cán bộ CS quốc tế, có nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa CS sang các nước Á Châu, kích thích thành phần lao động của các nước nầy sử dụng bạo lực chuyên chính vô sản để nổi loạn, lật đổ và cướp chính quyền. Ông đã đến và rời Trung Quốc nhiều lần và mỗi lần mang một bí danh khác để hoạt động gián điệp trá hình hòng xuất cảng chủ nghĩa CS theo lệnh của CS quốc tế, căn cứ vào tài liệu của Liên Xô, thì ông có đến 19 tên. Ông là hiện thân của mưu mô và thâm hiểm, của sách động và khủng bố, của bạo loạn và cướp chính quyền. Chính bản thân chính trị của “bố già” đã là vậy thì hậu duệ chính trị của “Bố Già” cũng phải là như vậy, đó là điều
không lấy gì làm khó hiểu. Từ Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Đỗ Mười trước đây cho đến Võ Văn Kiệt, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng hiện tại. Xa hơn, do ảnh hưởng cuộc sống, là một đứa trẻ bất hạnh, không được nuôi nấng và dưỡng dục trong tình yêu thương trọn vẹn của một mái ấm gia đình, mẹ mất sớm, cha ông, ông Nguyễn Sinh Sắc thì vất vả lăn lộn trên đường hoạn lộ của quan trường. Có lẽ đời măng được đời tre cuối xuống chuyền tay mà vận vào ông chăng? vì chính bà nội của ông cũng là nạn nhân của nó, nỗi bất hạnh ập đến khi bà đang là cô Đèn ngoài 30 tuổi mà không có chồng để rồi cái vòng lễ giáo, cái khuôn mẫu Khổng Mạnh đã là nguyên nhân sâu xa cho nỗi bất hạnh này khi bà có mang với ông cử Hồ Sĩ Tạo. Ông Hồ đã phải vật lộn với đời rất sớm do bởi nghịch cảnh cùng bi kịch của gia đình như trên đã nói, ông đã phải thôi học nửa chừng cùng với cha bỏ xứ mà “hành phương nam” tha phương cầu thực. Với vốn liếng đèn sách nửa vời, ông chưa nắm bắt được khái niệm thông thường của khoa học thường thức, sau đó phải tự lập để mưu sinh bằng đủ thứ nghề: Phụ bếp dưới tàu, phu quét tuyết trên đường phố Luân Đôn, bồi khách sạn, thợ rửa ảnh để rồi sau đó lăn lộn trong cuộc hành trình chính trị đầy rủi ro và thách thức của mình. Ông không có ý niệm về một mái ấm gia đình tuy rằng ít nhất trong đời ông có hai trong nhiều người đàn bà từng ăn ngủ với ông như tư cách vợ chồng và có hai người gọi ông bằng bố, nhưng hai người đàn bà đã không được phép gọi ông là chồng cũng như hai người con không được phép nhận ông là cha. Đó là bà Tăng Tuyết Minh, bà Nông Thị Xuân, ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Tất Trung. Ông xem thường tình yêu dù rằng hoạt động sinh lý của ông bình thường như bao người, ông không tôn trọng phụ nữ, ông thờ ơ với giòng tộc huyết thống, với làng xưa xóm cũ, với tình yêu dân thương nước chân thật. Đối với ông chỉ sự nghiệp “cách mạng vô sản” là trên hết dù chính ông cũng biết rằng đây là một sự nghiệp đầy máu và nước mắt của dân lành. Như là một tình cờ, hầu như bất cứ người đàn bà nào có dính dáng tới ông đều là những người đàn bà bất hạnh? Từ Bà Nội, đến mẹ và ngay cả chị ruột của ông cũng vậy, lẽ tất nhiên có cả những người đàn bà dính dáng gối chăn với ông.
Riêng ông Nông Đức Mạnh thì ở phần kết của bài viết “Chuyện ở sân sau” của tác giả Trường Lam đã bóng gió xa gần như là trả lời câu hỏi của một phóng viên báo chí nước ngoài với ông Tổng Bí Thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh về một tin đồn trong dân gian rằng ông là con của ông Hồ Chí Minh. “Tất cả người VN chúng tôi ai không là con là cháu của Bác Hồ” Câu trả lời của ông Nông Đức Mạnh với báo chí phương tây đã làm giàu sức thuyết phục câu ví dân gian “cha nào con nấy” ? Người khôn ăn nói nửa chừng Để cho người dại nửa mừng nửa lo Cũng có thể ông Hồ đã áp dụng câu thơ dân gian truyền miệng này một cách triệt để với dụng tâm làm bùa hộ mạng cho những hoạt động chính trị nhiều ẩn số của mình chăng? Cuối cùng rồi sự thật cũng phải được tiết lộ mà bài viết mới đây của ông Hồ Sĩ Sênh nếu đem ghép chung với bài viết của sử gia Trần Quốc Vượng thì sự thật về tiểu sử của ông Hồ đã rõ như ban ngày. Một thời trong dân gian xầm xì cũng như thắc mắc về tên họ của ông Hồ, nghĩa là từ tên Nguyễn Tất Thành cho đến tên Nguyễn Ái Quốc rồi cuối cùng là Hồ Chí Minh? Cái thắc mắc nhất là tại sao ông lấy họ Hồ mà không lấy họ Nguyễn như họ của cha mình? và lẽ tất nhiên cũng chính thắc mắc nầy tự nó đã làm sáng tỏ thêm cái nguyên cớ của nó. Ông Hồ đã lấy lại đúng họ của mình sau hơn một thế hệ bị chối bỏ bởi khuôn mẫu phong kiến khắt khe. Qua hai tài liệu, một của ông Trần Quốc Vượng trước đây và một của ông Hồ Sĩ Sênh mới đây đã xác tín ông nội ông Hồ chính là cử nhân Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là quê gốc của những nhân vật lịch sử như Hồ Quý Ly, anh em Tây Sơn Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ cũng như của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương.
Đây cũng là quê hương của ông Hoàng Văn Hoan, người đồng chí thân cận một thời của ông Hồ, người phải bỏ nước bỏ đảng CSVN sống lưu vong bên Trung Quốc cho đến lúc qua đời bắt đầu từ thời Lê Duẩn làm Tổng bí thư vì bị ghép vào tội bán nước bám chân bành trướng TQ. Vợ của ông Đặng Thái Mai, người một thời làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ của ông Hồ 1945–1946 rồi làm Viện trưởng Viện Văn học, là bà Hồ Thị Loan, cũng thuộc dòng họ Hồ này ở làng Quỳnh Đôi, bà cũng chính là mẹ của bà Đặng Thị Ngọc Hà người vợ thứ của ông Võ Nguyên Giáp (người vợ đầu của ông Giáp là bà Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột của bà Nguyễn Thị Minh Khai vừa là đồng chí vừa là người vợ hôn thú với ông Lê Hồng Phong mà theo một số tài liệu từ thư khố của Nga có thời bà Nguyễn Thị Minh Khai chung chạ như là vợ chồng với ông Hồ lúc còn theo học tại Viện Phương Đông ở liên xô). Cái gốc thế hệ thứ nhất là ông Hồ Sĩ Tạo mà ông Hồ là thế hệ thứ 3 đã giải quyết rõ ràng lai lịch của ông Hồ. Vậy là mọi thắc mắc đã được giải tỏa vì gia phả giòng họ Hồ đã được soi sáng, người viết xin trích phần cuối của bút ký “Chuyện ở sân sau” của ông Hồ Sĩ sênh.