Mot Baby Sap Ra Doi

  • June 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Mot Baby Sap Ra Doi as PDF for free.

More details

  • Words: 3,309
  • Pages: 7
MỘT BABY SẮP RA ĐỜI Bé lớn rất dễ bị tổn thương. Chuẩn bị đón em bé mới. Đến giờ rồi! Cuộc gặp gỡ đầu tiên.

BÉ LỚN RẤT DỄ BỊ TỔN THƯƠNG Trong suy nghĩ của nhiều người, việc sinh thêm em bé sẽ chẳng tác động gì nhiều đến bé con của họ lúc này, đơn giản vì bé “có em” nhưng chủ yếu, mọi vất vả sẽ tập trung nơi người lớn. Còn bé, mọi sinh hoạt thường nhật vẫn chẳng có gì thay đổi, con vẫn đi mẫu giáo, vẫn thoải mái chơi đồ hàng với bạn cùng xóm..., nói chung, cuộc sống của trẻ vẫn diễn ra êm đềm giống như trước khi bé có em vậy. Nhưng đó chỉ là những suy nghĩ của người lớn! Còn nhân vật chính trong tình huống này, bé sẽ nghĩ gì? Khác đấy! Con có những nỗi lo riêng và thực sự rất dễ bị tác động bởi những thay đổi lớn trong gia đình. Con sẽ bị tổn thương khi nhà có thêm một thành viên mới ra đời và ba mẹ có vẻ thương em hết mực. Và mặc dù thật sự chẳng có gì đổi khác, mặc dù ba mẹ vẫn thương yêu bé như từ hồi nào đến giờ; con vẫn thường trực trong lòng nỗi lo sẽ bị ra rìa vì em bé đã chiếm mất chỗ. Dù thích hay không, con lớn của bạn cũng sẽ bị tác động ít nhiều bởi baby tí hon mới xuất hiện trong gia đình, bằng nhiều con đường: •

Sự quan tâm của ba mẹ: em bé mới sinh sẽ khiến vợ chồng bạn bận bịu suốt ngày và vì vậy, bạn không có nhiều thời gian dành cho việc để ý đến bé lớn như trước kia, khi bé là cục-cưng-duy-nhất trong nhà.



Lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng: việc chăm sóc cùng một lúc hai đứa trẻ sẽ vô cùng mệt mỏi. Càng ngày, bạn càng cảm thấy dường như mình rất dễ gắt gỏng, cáu kỉnh và “suy giảm” khả năng kiên nhẫn, chịu đựng – đặc biệt là những tuần đầu tiên sau khi sinh bé thứ hai. Có lẽ những tình huống nảy sinh từ việc ăn, ngủ, tắm rửa, chơi đùa của hai bé con khiến bạn hầu như không lúc nào ngủ đủ giấc, vì nếu đã chăm được con nhỏ ngủ rồi, bạn cũng chẳng hề được ngả lưng ngay vì còn phải lo tiếp cho đứa lớn.



Thời gian biểu: thật chẳng dễ dàng gì nếu bạn muốn duy trì giờ giấc sinh hoạt bình thường của gia đình theo thói quen giống như trước kia, khi chưa có bé thứ hai. Những buổi sinh hoạt ngoài trời, những buổi chiều cùng bé lớn thả diều chắc phải hoãn lại cho đến vài tháng sau..., và bé con của bạn thì chẳng hề trông chờ vào điều đó.



Tiếng ồn: mọi âm thanh của em bé cũng đều có thể là nguyên nhân cáu kỉnh của đứa chị. Việc em bé khóc ré lên vào giữa đêm – một cách để gây sự chú ý của người lớn – đối với chị bé là cả một cực hình bắt buộc phải chịu đựng. Tiếng khóc của trẻ có thể khiến chị bé nghĩ rằng: “Em không thích mình, em chẳng thân thiện gì cả”... và ngày càng rời xa em hơn; tệ hơn nữa là khiến bé ngày càng dễ nổi cáu.

Lời cảnh báo Bạn cần nhạy cảm trước những thay đổi trong tâm lý của bé lớn nhà bạn. Đừng vì quá bận bịu mà quên không quan tâm đến con, nhất là những lúc tâm tính bé bắt đầu thay đổi theo hướng tiêu cực, rất cần sự quan tâm của mẹ. Cố gắng tìm hiểu lý do của những vướng mắt trong tâm lý trẻ, từ đó giải thích cho bé, rõ ràng và dễ hiểu, nguyên do tại sao lại như thế. Quan trọng nhất là hãy bộc lộ sự quan tâm tới trẻ lúc này, để con hiểu rằng, không phải ba mẹ thương em bé nhiều hơn. Hãy biết chia sẻ và thông cảm với con, điều này sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc bạn nổi cáu vì đột nhiên, con trở nên lỳ lợm không nghe lời mẹ. Với sự quan tâm, chăm sóc kịp thời của ba mẹ trước và sau khi sinh, dần dần, bé sẽ quen với hoàn cảnh mới. Hàng ngày, dù bận rộn đến mấy, hãy dành một ít thời gian chơi đùa cùng con, hoặc làm theo những yêu cầu ngộ nghĩnh của trẻ... Hãy thể hiện rằng, “cả nhà ai cũng yêu thương bé hết mực” và “con mãi là cục cưng đáng yêu của mẹ”. Chúng tôi thoạt đầu cũng không để ý lắm đến việc chuẩn bị sẵn tâm lý cho bé Châu khi em nó sắp chào đời (lúc này, Châu được khoảng 3 tuổi). Tôi và ông xã, chẳng ai nghĩ rằng việc sinh cu Bin lại tác động nhiều đến con, vì vậy, cả hai vợ chồng đều ngạc nhiên khi thấy con, chẳng hề mừng vui với em bé như mong đợi mà ngược lại, từ một bé gái tinh nghịch và ưa chạy nhảy bỗng chốc trầm tính hẳn và sợ sệt với mọi thứ. Chúng tôi đã phải cố gắng thật nhiều để giúp con lấy lại sự tự tin cũng như ngày càng biết thương em hơn trước. Ngọc Dung, mẹ của Châu (4 tuổi) và Bin (16 tháng tuổi)

CHUẨN BỊ ĐÓN EM BÉ MỚI Đã là cha, là mẹ, ai cũng muốn đứa con đầu của mình cảm thấy thật thích thú, thật vui khi nhà lại có thêm một thành viên mới, mà lại là thành viên tí hon thật là dễ thương nữa chứ. Tuy vậy, sự thật đôi khi đi ngược lại với mong muốn của họ. Vì chưa chuẩn bị kỹ tinh thần cho trẻ, sự ra đời của em bé sẽ chỉ làm con cảm thấy lo lắng, sợ hãi và đôi khi giận dữ. Điều này là dĩ nhiên thôi, bởi vì thật là khó đối với bé khi phải chia sẻ ba mẹ cho một người khác. Bé lớn của bạn có lẽ sẽ cảm thấy thật khó hiểu là tại vì sao, ba mẹ lại muốn có thêm em bé. Sao con lại phải có em nhỉ? Trong trí óc ngây thơ của trẻ, bé luôn e sợ rằng em sẽ làm ba mẹ bớt thương mình hơn và mình chẳng còn gì là quan trọng với ba mẹ nữa cả. Dĩ nhiên, với bạn, những nỗi sợ hãi kiểu này thật là ngớ ngẩn nhưng chớ vì vậy mà xem thường. Nếu không có những tác động kịp thời từ ba mẹ, những lo lắng này thật sự rất nguy hiểm vì chúng khởi đầu cho những bất an trong tâm lý trẻ. Bạn nên làm gì đây? •

Chuẩn bị tinh thần cho con ngay từ những ngày đầu tiên. Nói cho trẻ biết là con sắp có một em trai, hoặc em gái. Đừng nói với con quá trễ, khi bạn đã chuẩn bị sinh hoặc quá sớm, khi bạn còn chưa mang bầu...tốt nhất là khoảng vài tuần sau khi bạn biết được rằng, mình sẽ chào đón đứa con thứ hai trong một ngày không xa.



Tính toán thời điểm cần thiết. Bắt đầu nói chuyện với con về em bé sắp ra đời khi bụng bạn đủ lớn để con chú ý. Còn nữa, hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời nếu con muốn mẹ giải đáp mọi thắc mắc, nhất là câu: Em bé đến từ đâu hả mẹ?



Chọn mức diễn đạt thích hợp. Hãy luôn nhớ là bạn đang nói chuyện với một bé con ngây thơ, chứ không phải một người lớn trưởng thành đủ để hiểu hết các vấn đề phức tạp xung quanh việc có em bé là như thế nào. Hãy tìm cách giải thích nào dễ hiểu nhất với con, theo độ tuổi và theo khả năng nhận thức của trẻ. Ví dụ, với bé con bốn tuổi, bạn sẽ nói: “Mẹ có một bất ngờ cho con này, chúng ta sắp có em bé đấy, con ngạc nhiên không?”



Dự tính trước tình huống. Có thể, đầu óc tò mò của trẻ con sẽ khiến bé hỏi mẹ nhiều điều, từ việc: “Con có em trai hay em gái vậy mẹ?”, đến việc: “Em bé sẽ ngủ chung giường với con phải không?”. Nếu con hỏi về điều này, hãy trả lời bé thật nghiêm túc với đầy đủ những giải thích hợp lý cho trẻ hiểu vì sao mẹ không cho em bé nằm cùng giường với mình. Trong trường hợp này, quan trong nhất là việc con cảm thấy mình thật lớn và được mẹ tôn trọng.



Cho trẻ làm quen trước với các em bé. Có thể là dắt con đến chơi nhà một người bạn của bạn, vừa sinh baby trong tháng trước. Dắt con vào chỗ em bé và cho con nhìn em một chút, có thể là giao tiếp một chút với em bé nữa. Bạn cũng nên cho bé chơi nhiều với các bạn của bé, đồng lứa và đã có em..., như vậy con sẽ đỡ ngỡ ngàng hơn trong tình huống của mình.



Giúp trẻ cảm nhận trước những gì đang diễn ra trong bụng mẹ. Trong lúc trò chuyện với con, bạn có thể cho bé sờ nhẹ vào bụng mình, hoặc áp tai lên đó để nghe những cử động của em bé. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thân quen và thật thích thú với baby trong bụng.

ĐẾN GIỜ RỒI Bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ khi sắp tới ngày sinh. Đôi lúc, sự tính toán của bạn chậm hơn so với thực tế và vì vậy, mọi việc sẽ rối cả lên nếu bạn vẫn chưa kịp chuẩn bị gì cả. Với đứa thứ hai, đa phần các bà mẹ vẫn cẩn thận chọn bệnh viện là nơi chào đón sự ra đời của con để mọi thứ thật an toàn và vì vậy, họ sắp đặt trước mọi công việc ở nhà cho người thân trong những ngày vắng mặt, nhất là việc chăm sóc bé đầu sao cho con không bị hụt hẫng vì thiếu mẹ. Để chuẩn bị thật tốt tinh thần của trẻ cận ngày bé con sắp chào đời, bạn cần nói chuyện nhiều với con, nhắc lại cho trẻ biết là khi sinh bé, mẹ cũng đến bệnh viện. “Con được sinh ra ở bệnh viện, khi đó các cô y tá và bác sĩ chăm sóc cho hai mẹ con mình thật tận tình. Có lẽ là vài ngày tới, mẹ cũng đến bệnh viện để sinh em gái (hoặc em trai) của con đấy”. Vào thời điểm nhạy cảm này, bé lớn của bạn cũng cần được mẹ giải đáp cho nhiều thắc mắc: •

Những lo lắng về mình. Bé phải biết được chính xác ai sẽ thay mẹ chăm sóc bé trong những ngày bạn đi vắng. Có thể là ba bé hoặc bà ngoại/bà nội sẽ chăm con. Tốt nhất là, nhờ người thân của bạn đến nhà ở cùng con, đừng gởi con đến nhà người khác, trẻ sẽ hoang mang trước một môi trường xa lạ.



Những lo lắng về sự thay đổi. Dĩ nhiên, con luôn muốn cuộc sống của mình sẽ thật là bình thường trong lúc bạn không có nhà, bởi vì những điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy yên tâm. Hãy nói với con là sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với bé đâu! “Buổi sáng, bé sẽ vẫn đi học lớp mẫu giáo bình thường, buổi chiều, ba sẽ đảm nhận nhiệm

vụ chở con đến lớp học bơi, và buổi tối, mẹ sẽ nhờ ba đọc chuyện cổ tích cho con nghe, con chịu không?” •

Những lo lắng cho mẹ. Trẻ con rất nhạy cảm, con không quen với việc ở nhà vắng mẹ và vì vậy, bé cũng lo là bạn, mẹ bé, liệu rằng có ở bệnh viện một mình được hay không? Bạn đừng quên nói với con về chuyện này: Bạn sẽ ở khoảng bao nhiêu ngày trên bệnh viện? Khi nào thì bạn về nhà với con? Hãy thử tính toán và báo cho trẻ biết: “mẹ sẽ về nhà vào thứ hai”...

Bé có nên ở đó? Ở lần sinh thứ hai này, nếu có điều kiện, một số bà mẹ không đến bệnh viện mà chọn nhà mình là nơi chào đón em bé ra đời. Có nhiều lý do giải thích tại sao họ lại quyết định như thế, thứ nhất là họ tự tin vào sức khỏe, cũng như khả năng của mình. Thứ hai, lý do thuộc về chi phí khi phải sinh con ở bệnh viện phụ sản, và lý do thứ ba, bất đắc dĩ, vì họ không có đủ thời gian để đến bệnh viện nữa rồi. Việc sinh con tại nhà cũng sẽ không gặp phải quá nhiều khó khăn, nhất là khi bạn có bác sỹ, hay một ai có kinh nghiệm về sinh nở giúp sức. Điều muốn nói đến ở đây là bé lớn nhà bạn. Nếu bạn sinh em bé tại nhà, thời điểm mọi người bận rộn và không chú ý nhiều đến trẻ, rất có thể bé sẽ chứng kiến toàn bộ quá trình bạn sinh em bé như thế nào. Bé sẽ thấy bạn đang ở trong tình trạng đau đớn và vật vã..., những biểu hiện của mẹ lúc này sẽ làm trẻ chẳng còn mấy thiện cảm với baby sắp chào đời vì “Nó làm đau mẹ”. Hơn thế nữa, sự bất ngờ này có thể sẽ dễ dẫn đến những nỗi sợ hãi và tổn thương về tâm lý, điều mà sau này bạn khó có thể giúp con bình thường trở lại. Vì vậy, nếu bạn quyết định sẽ sinh bé thứ hai tại nhà, hãy cử một ai đó dắt trẻ vào phòng và chơi đùa cùng con... và chỉ cho con gặp bạn khi bạn đã thực sự hồi phục, cùng với em bé nằm bên cạnh.

CUỘC GẶP GỠ ĐẦU TIÊN Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai đứa trẻ, bé lớn nhà bạn - còn bỡ ngỡ vì được đóng một vai trò mới anh, hay chị - và baby mới sinh cần được sự giúp sức từ người lớn. Đơn giản là vì ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng tác động không nhỏ đến cảm xúc, hơn nữa, vì trẻ con ở độ tuổi này rất dễ bị thương tổn, cuộc gặp gỡ giữa anh và em cần được diễn ra hết sức nhẹ nhàng và tế nhị, nhất là tình huống lại xảy ra ở bệnh viện phụ sản, một nơi hoàn toàn xa lạ với con.

Trong lúc này, có lẽ mọi người đều có một chút xíu lo lắng: Bé con, dĩ nhiên là hồi hộp và hơi hơi lo khi sắp được nhìn thấy thành viên mới của gia đình. Bạn, vừa mới hồi phục lại sức khỏe, băn khoăn không biết bé lớn sẽ cảm thấy thế nào khi được gặp em. Còn ba bé, sau khi dắt con lớn tới thăm mẹ và em nó, dường như cũng bối rối vì thấy không khí có vẻ trầm hẳn xuống nhưng cứ luôn miệng thúc giục mọi người hãy xích lại gần nhau hơn nữa. Năm nguyên tắc vàng cho cuộc gặp gỡ đầu tiên Để bảo đảm cho cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai con trở thành điểm khởi đầu tốt đẹp cho tình anh em, hãy chú ý những điều này: 1. Làm quen. Môi trường không thân thiện của bệnh viện sẽ làm con lớn lo lắng. Đối với trẻ, mọi thứ đều hoàn toàn xa lạ và lạnh lùng, kể cả bạn nữa. Bạn đừng ngạc nhiên. Tính hiếu động tinh nghịch của trẻ con có thể sẽ bị “đông cứng” lại trong lúc này, và con cần thời gian để dò xét và làm quen với mọi thứ. Vì vậy, bạn đừng mong đợi là trẻ sẽ chạy lại chỗ giường bạn nằm và ôm chầm lấy mẹ ngay tức thì. Thay vì đợi con nói chuyện với mình, bạn hãy bảo bé ngồi cạnh, ôm lấy trẻ và hỏi chuyện con, như vậy sẽ tốt hơn cho bé. 2. Sự chú ý. Hãy để bé lớn là tâm điểm của cuộc gặp gỡ. Chuyển sự chú ý của mọi người về phía con bằng cách hỏi han chuyện con ở nhà có ngoan không, có nhớ mẹ không, có uống sữa đều đặn không..., trẻ sẽ dần bình tĩnh lại và dạn dĩ hơn khi nhìn em bé. Một khi bé đã lấy lại sự hồn nhiên ban đầu, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy con huyên thuyên đặt câu hỏi về baby mới chào đời. 3. Những món quà. Nói với con là em bé có một món quà dành cho chị (cho anh) và nó đang nằm dưới gối. Dĩ nhiên, phần quà này bạn sẽ chuẩn bị sẵn, có thể là tấm thiệp mừng nho nhỏ hoặc một cái gì tương tự như thế, cho cả hai con, một để dưới gối và một, nhờ ba bé đưa giúp cho bé lớn khi dắt con vào bệnh viện thăm mẹ. Khi con lật gối và nhìn thấy “món quà” của em, hãy nói với trẻ là em bé rất mong được gặp chị..., trẻ sẽ rất vui vì cảm thấy được quan tâm. Cũng để con trao tận tay món quà của con cho em, dĩ nhiên là vì em bé chưa cầm được, bạn hãy đỡ lấy và mở ra cho em bé xem. Việc trao quà giữa hai con, tuy đơn giản nhưng có thể coi như một “nghi lễ” ra mắt. Nó làm chất xi măng gắn kết tình thân ái giũa hai đứa trẻ. 4. Sự tiếp xúc ban đầu. Con nít rất tò mò và hiếu kỳ. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, bất chấp những e ngại ban đầu, bé lớn rồi cũng sẽ tiến lại gần em bé và nựng em một chút. Bạn hãy hướng dẫn con cách chạm nhẹ tay vào hai má của em bé, hoặc bảo trẻ nắm lấy nhẹ nhàng những ngón tay nhỏ tí xíu..., bé sẽ rất thích thú vì “em bé nhỏ xíu

hà” và vì “em thiệt là dễ thương”. Trong tình huống này, có thể bạn phải giục trẻ chuẩn bị ra về nếu con quá “mê” em bé mà quên hết mọi thứ xung quanh. 5. Trả lời câu hỏi của con. Trẻ khoảng ba, bốn tuổi thường muốn biết về mọi thứ và hay đưa ra cho người lớn những câu hỏi oái oăm, ví dụ: Cái mụt xấu xí (nốt ruồi) trên mặt em có mất đi không hả mẹ? Tại sao đầu của em lại bé tí xíu thế kia?... chọn một cách trả lời thích hợp đủ để trẻ tiếp thu và kèm theo cả lời giải thích thú vị cho con, bé sẽ nhớ mãi và cảm thấy thành viên mới của nhà thật là thân quen và chẳng có gì phải e ngại nữa cả.

(Trích trong quyển “Kỹ năng chăm sóc em bé – Anh em” – Võ Mai Chi tổng hợp)

Related Documents

Mot Baby Sap Ra Doi
June 2020 3
Ban Thao Mot Doi
November 2019 2
Mot Doi Nguoi_d
November 2019 4
Mot Doi Dau Thuong
November 2019 14
Mot Manh Doi Du Hoc
May 2020 3