Mot Manh Doi Du Hoc

  • May 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Mot Manh Doi Du Hoc as PDF for free.

More details

  • Words: 3,570
  • Pages: 4
TRUYỆN NGẮN :Một mảnh đời du học Chicago, 22/4/2006:Tuấn! Ra làm chân cho con Mỹ đen mới vào nè! – Chị Kim gọi giật giọng làm thằng Tuấn giật mình, lỡ tay quệt trật lớp son đỏ ra ngón chân cái khách. Chị Kim nguýt dài: - Đúng là cái đồ ăn hại! Mân mê cả buổi mà sơn không hết được mấy ngón chân. Học như thế thì đến cả 20 năm cũng không được cái nghề nail (làm móng tay móng chân)! Nhanh lên! Còn ngồi trơ như phỗng đó làm gì? Dẫn khách ra ghế ngồi đi chứ! Thằng Tuấn cúi gầm mặt, vội vàng chạy ra đầu cửa hiệu mời bà khách da đen đồ sộ ra ghế ngồi ngâm chân. Bước phía sau bà, nhìn đôi chân nứt nẻ, cáu đất mà nó ngán ngẩm. Anh Thanh cười sằng sặc: - Khiếp, cái con mẹ này! Béo dữ! Cái đùi con mụ to bằng cả thằng Tuấn ý nhỉ? Tuấn không nói gì. Nó kiên nhẫn chờ đợi bà khách đứng tuổi leo lên ghế ngồi một cách khó nhọc. Chắc bà này cũng nghèo, quần áo đã cũ cả, nhưng không biết ăn uống gì mà béo như thế? Béo đến mức độ mà đi đứng chậm rề, một động tác đơn giản như leo lên ghế ngồi mà cũng khó khăn. Mà cũng thiệt lạ! Tại sao những người da đen nghèo khó, sống trong các khu nhà ổ chuột ở ngoại ô Chicago, mọi thứ chi phí sinh hoạt chỉ dựa vào trợ cấp của Chính phủ Mỹ, vậy mà lại đi làm móng tay móng chân không biết tiếc tiền? Như dịch vụ pendicure (cắt móng chân nước) mà thằng Tuấn sắp làm đây phải đến $30 chứ có rẻ rúng gì đâu! Vậy mà tiệm móng tay, móng chân của anh Thanh, chị Kim chủ yếu tồn tại nhờ vào khách da đen. Vừa nghĩ thằng Tuấn vừa mở nước trong bồn, thò bàn tay kiểm tra đảm bảo nước vừa ấm cho khách ngâm chân. Nước trong bồn phút chốc đã đục ngầu vì đôi chân cáu đất của khách. Bà Mỹ đen ngượng ngùng giải thích: - Xin lỗi cậu. Tại chân tôi bị phù, đi dép rất đau nên giờ đi đâu tôi cũng chỉ đi đất. Tuấn cố nở nụ cười cầu tài: “No problem! (Không có chi)”. Nó vội đổ nhiều xà phòng thơm vào bồn rửa, hy vọng sẽ làm át được cái mùi chân khắm và cũng để lát nữa rửa chân cho khách được dễ hơn. Ai dè chị Kim liếc thấy hét toáng lên: “Thằng này! Hoang phí vừa vừa chứ! Xà bông đắt vậy mà mày xài không biết tiếc tay à? Tao đã dặn bao nhiêu lần rồi! Đúng là đồ óc bã đậu”. Tuấn tủi muốn chảy nước mắt nhưng không dám nói gì, lủi thủi quay lại sơn tiếp chân cho bà khách cũ trong lúc đợi bà Mỹ đen ngâm chân. Tính nó vốn yếu đuối vì quen được cưng chiều. Hồi ở nhà có ai nói nặng lời với nó đâu. Tuấn là đứa con trai duy nhất, cháu đích tôn của một gia đình khá giả ở Hà Nội. Dầu bố mẹ ly dị đã lâu, nó sống với mẹ và bà ngoại nhưng cả hai vẫn yêu thương, cưng chiều nó hết mực. Nó không phải làm bất cứ việc gì ngoài ăn với học. Nếu mẹ biết sang đây nó phải lăn lộn kiếm sống vất vả thế này, chắc mẹ sẽ buồn lắm, Tuấn nghĩ. Nhưng mà phải cố lên thôi! Anh chị Thanh cho mình học nghề mà không lấy tiền, lại còn trả cho $50/tuần nữa là tốt lắm rồi. Tại mình cũng chưa biết hết nghề: mới sơn được tàm tạm thôi, và cũng chỉ mới học xong cách làm móng tay, móng chân nước. Khi nào mình làm mấy thứ đó thành thạo rồi, lại biết làm móng tay giả nữa thì sẽ được trả thù lao thật cao. Rồi mẹ sẽ không phải gửi tiền qua nuôi mình ăn học nữa! Nó mỉm cười hạnh phúc khi tưởng tượng ra cảnh mẹ khoe với mấy cô hàng xóm: “Đấy các chị xem, thằng Tuấn giờ giỏi không! Hồi ở nhà là cậu ấm, cái gì cũng ỷ vào mẹ, vậy mà bây giờ tự lập giỏi quá! Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Thế mà ngày xưa bố nó phản đối bằng được chuyện cho nó qua Mỹ du học!”.

Vẫn còn đang lâng lâng hạnh phúc, thằng Tuấn giật bắn người khi nghe chị Kim hét: “Tuấn, trốn đi! Có người đến kiểm tra tiệm!”. Nó ngơ ngác nhìn ra cửa, còn chưa biết đi đâu thì bà thanh tra đã đứng lừng lững bên cạnh: “Xin lỗi, thẻ của cậu đâu? Sao cậu không đeo thẻ?”. Giờ nó bắt đầu sợ. Luật Mỹ yêu cầu những người làm móng chân, móng tay phải qua một khóa học nghề, thi đỗ có bằng thì mới được ra tiệm làm. Học và làm chui như nó thì cả nó và chủ tiệm sẽ bị phạt rất nặng, có thể tiệm sẽ bị đóng cửa nếu tái phạm. Nó càng sợ hơn khi nghe bà thanh tra nói: “Xin cậu đưa thẻ cho tôi kiểm tra! Cậu không có? Vậy xin cậu cho biết số Social Security Number (số chứng minh nhân dân) của cậu”. Giờ thì Tuấn hoảng thật sự. Học sinh nước ngoài bị Chính phủ Mỹ cấm làm thêm ngoài trường học. nếu nó bị phát hiện là làm chui ở ngoài thì sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ, việc học hành sẽ dang dở, lại còn không được cấp Visa quay trở lại Mỹ nữa. Rồi nó sẽ biết ăn nói với bà ngoại và mẹ ra sao? Nó nhìn bà thanh tra ấp úng, mặt trắng bệch. Tại sao nó đen thế nhỉ? Mới đi làm được có ba tuần thì đã gặp trúng ngày thanh tra đến kiểm tra tiệm. Anh Thanh cũng lo lắng, chạy ra năn nỉ bằng thứ tiếng Anh giả cầy; “Sorry, sorry. Nó là em tôi ấy mà! Nó chỉ sơn chân cho khách thôi chứ có làm gì khác đâu!”. Bà thanh tra tức giận: “Đừng nói là sơn mà muốn chùi sạch sơn cho khách thôi cũng phải có bằng! Không có chứng nhận, sao tôi biết được là cậu ta không bị nấm hay bệnh lây nhiễm nào? Lỡ cậu ta lây bệnh cho khách thì sao? Cậu còn chờ gì nữa, viết lại số Social Security Number vào bản này cho tôi!”. Tuấn đang mếu máo chưa biết làm gì thì nghe anh Thanh quát bằng tiếng Việt: “Đừng viết cho nó! Chạy trốn đi!”, rồi anh lại quay qua năn nỉ: “Xin bà tha lỗi. Tôi sẽ không làm sai nguyên tắc nữa!”. Lợi dụng lúc bà thanh tra quay qua nói chuyện với anh Thanh, Tuấn lao vội ra ngoài cửa, chạy bán sống bán chết, quên cả tập sách Kế toán nó đang để trên bàn. Chạy một mạch ra đến ga tàu điện ngầm nó mới dám dừng lại, đứng thở dốc chờ tàu đến. Chợt nhớ ra là quên sách nhưng mà kệ, đằng nào thì nó cũng trễ giờ học rồi. Đã là buổi thứ tư nó trốn học trong tháng này rồi đấy! Thường thì lên lớp, giáo viên giảng mười nó cũng chỉ hiểu được ba bốn phần, tại tiếng Anh kém. Vậy mà mải đi làm nên nghỉ liên miên thế này, bài tập cũng chả ngó tới, e là sẽ trượt lớp này lắm! Lại phải học lại. Hai lớp Kinh tế và Văn điểm cũng đang kém, sợ sẽ trượt nốt. Coi như là nó mất một học kỳ, hè lại phải lụi hụi học lại. Nó thở dài khi nghĩ đến chuyện mẹ sẽ xoay đâu ra để trả tiền học cho nó. Nhưng cũng tại mẹ thôi! Ai bảo muốn đưa mình qua đây học bằng được! … Hồi ở Việt Nam, Tuấn học cũng bình thường, hơi khá mấy môn tự nhiên nhưng tiếng Anh thì rất kém. Nếu thi đại học khối A may ra nó cũng sẽ đỗ, nhưng đang học lớp 11 thì mẹ muốn nó tham gia Chương trình học sinh trao đổi, sang học tiếp lớp 12 bên Mỹ, rồi sẽ xin vào đại học bên đấy luôn. Nó giãy nảy lên, ở nhà đang vui, nhà lại chỉ có bà ngoại và hai mẹ con, sao mẹ muốn con đi xa vậy. Mẹ nó thủ thỉ khuyên răn, ngày xưa mẹ học giỏi nhưng nhà nghèo, không được học cao, nên đành mở tiệm bán gạch lát nền. Tần tảo mãi mới dành dụm được ít tiền, mẹ theo bạn mua bán đất, giờ cũng có vài mảnh. Cũng may giờ đang sốt đất, mẹ sẽ bán để con được qua Mỹ học, sau này thành danh để mình được mở mày mở mặt với người ta. Không nói ra nhưng Tuấn biết là mẹ muốn ám chỉ gia đình nội. Là một gia đình khá giả, gia giáo nên họ luôn coi thường mẹ là con nhà nghèo, ít học. Cả họ nội luôn phản đối, cản trở cuộc hôn nhân giữa bố mẹ. Bố mẹ nó chia tay cũng một phần là do sức ép từ gia đình bố. Khi bố mẹ ly dị, họ nội tìm mọi cách xin bằng được để nuôi Tuấn, nhưng mẹ nó không chịu, rồi suốt mười mấy năm tần tảo nuôi nó ăn học, khước từ mọi chu cấp của bên họ nội. Tuấn thương mẹ nó lắm, nên sau mấy tháng nghe bà ngoại và mẹ thuyết phục, nó ghi danh tham gia Chương trình học sinh trao đổi. Biết chuyện, bố và gia đình nội phản đối quyết liệt.

Bố nói Tuấn là dân học tự nhiên, tiếng Anh còn kém thì qua Mỹ học sao nổi. Với cả học bên đấy đắt thế thì làm sao nhà trợ cấp được. Mẹ nó khăng khăng: “Có tốn bao nhiêu tiền cho nó ăn học tôi cũng không tiếc. Dù có bán hết mọi thứ, kể cả ngôi nhà đang ở để con học thành tài, tôi cũng không ngại. Bao năm nay tôi nuôi con một mình, đâu phải nhờ đến anh. Giờ cho nó đi, tôi cũng không cần anh cho lấy một hào. Anh không phải bận tâm, mà cũng không có quyền can thiệp!”. Vậy là Tuấn ra đi. Ngày đi chỉ có bà ngoại và mẹ đưa tiễn nó vì họ giấu bố, sợ bố và nhà nội sẽ cản trở. Đến bạn bè trong lớp cũng không có ai biết Tuấn đi. Ngồi trên máy bay nước mắt Tuấn chảy đầm đìa. Lần đầu tiên cậu quý tử rời xa vòng tay yêu thương của mẹ, mà lại đi xa một mình tới hơn nửa vòng trái đất. Nó đã có một gia đình Mỹ ở bang Missouri nhận nuôi năm đó, nhưng ngoài tên và địa chỉ nhà họ thì nó không biết gì thêm cả. Tại Tuấn tham gia chương trình muộn quá, tới sát ngày vào học, trung tâm mới tìm được nhà nhận nuôi. … Một năm trời ở vùng quê hẻo lánh Alma, Missouri tưởng như dài vô tận. Dân số làng đó chỉ có 399 người, toàn người da trắng, phần lớn đã nghỉ hưu nên mới dọn về đây ở cho yên tĩnh. Muốn đi đâu, chợ búa gì cũng phải lái xe ra thành phố gần nhất mất gần nửa giờ. Tuấn là người da màu duy nhất trong ngôi trường với 70 học sinh. Ngày mới sang, tiếng Anh nó kém đến mức không nghe hiểu được gì, mà nói cũng chả ai hiểu. Hầu như nó không có bạn, suốt ngày lầm lì, khác hẳn với hồi ở Việt Nam. Ngay cả với bố mẹ nuôi nó, nó cũng chỉ nói chuyện hời hợt. Đi học về là nó trốn vào phòng, lên mạng chat với mẹ. Nó nhớ mẹ, bà ngoại, bạn bè và Thủ đô Hà Nội biết bao! Nó đã ngán đến tận cổ cảnh đồng không mông quạnh, đi mỏi chân mới đến được nhà láng giềng gần nhất chứ đừng hy vọng gì chỗ vui chơi giải trí. Nó muốn được về nước! Nhưng mẹ vẫn an ủi, khuyên nhủ nó cố học để thi SAT và Toefl thật tốt để được học bổng đại học tại thành phố lớn. Đừng về giữa chừng, nhà nội và mọi người sẽ cười chê… Nó tặc lưỡi, thôi lỡ rồi, đâm lao thì phải theo lao thôi. Cũng chỉ phải ở vùng quê này có một năm thôi. Nó quyết định nộp đơn vào đại học ở toàn những thành phố lớn. Rốt cục chỉ có ba trường không mấy tiếng tăm nhận nó vì hồ sơ xin học của nó không được tốt lắm. Nó không được học bổng, nên đành chọn một trường rẻ nhất để theo học. Kết thúc chương trình trao đổi văn hóa, nó không về Việt Nam vì sợ trượt phỏng vấn Visa, mà lên Chicago tìm nhà trọ, chuẩn bị vào đại học ở đó. … Thoáng đó mà đã ba năm trôi qua rồi. Sau bốn năm trời lăn lộn trên đất Mỹ, nhìn Tuấn già đi rất nhiều, người gầy quắt, nước da mai mái, đôi mắt lúc nào cũng thâm quầng vì thiếu ngủ. Chỉ có năm đầu đi trao đổi là nó không phải đi làm thêm, còn từ hè sau đó đến giờ, nó xoay đủ các nghề: bồi bàn, rửa bát, đi bán hàng ở chợ Việt Nam, đi lau dọn ở nhà nghỉ… Làm hết chỗ nọ, nó lại vội vàng chạy sang chỗ khác làm ca tiếp. Khi nào lên lớp nó cũng mệt phờ, chỉ muốn ngủ. Tính ra Tuấn đã ở Chicago – một thành phố sầm uất với những công trình kiến trúc được ca tụng là đẹp nhất nước Mỹ gần ba năm rồi. Nhưng lúc nào cũng bận làm, bận học nên nó có thăm thú được danh lam thắng cảnh nào của thành phố đâu. Nhiều lúc nghĩ, nó tự thấy cuộc sống hiện tại của mình buồn chán chả kém gì cái thời ở vùng quê hẻo lánh bang Missouri. Nó tự hỏi tại sao hồi đó cố sống chết tìm cách lên thành phố lớn học đại học làm chi? Cuộc sống ở Chicago quá đắt đỏ, chỉ khổ cho mẹ nó phải vất vả gánh vác việc ăn học cho nó. Mới chỉ mấy năm mà số tiền bán đất của mẹ nó đã đội nón ra đi. Cửa hàng bán gạch lát nền dù đông khách, nhưng còn lâu mới trả đủ mọi chi phí cho nó. Rồi gần đây Tuấn tình cờ quen được anh Thanh – một Việt kiều, chủ tiệm sơn móng tay móng chân. Anh ấy rủ nó về tiệm anh học làm, khi nào thành nghề sẽ trả lương $500/tuần. Ham quá nên Tuấn bỏ tất mấy chỗ đang làm, chỉ chú tâm qua tiệm anh Thanh mỗi ngày để học nghề. Ngoài giờ học, ngày nào nó cũng có mặt ở đó từ 7:30 sáng, làm đến tận 7 giờ đêm mới về, nếu đông khách thì còn muộn hơn. Vốn khéo tay nên chỉ mấy tuần mà Tuấn đã biết sơn, làm được móng tay, móng chân nước. Anh Thanh hứa sẽ sớm dạy nó làm móng tay giả - khó làm nhất, nhưng học nốt cái đấy là xong. Ai dè hôm nay lại xảy ra cơ sự này! Tuấn tự nhủ sẽ nghỉ, không quay lại đó làm vì lo bị bà thanh tra tóm được, sẽ rất phiền cho anh chị Thanh và bản thân nó.

Ngồi trên tàu điện ngầm về nhà thuê mà bụng Tuấn đói cồn cào. Hôm nay đông khách, mải làm, nên cả ngày nó ăn có một cái bánh mỳ không. Đi xe điện về, chuyển ba bốn chặng, rồi cuốc bộ tiếp gần một cây số vì không có tàu hay xe buýt về tận nhà, Tuấn về đến nhà thì đã hơn 10 giờ đêm. Căn phòng tập thể vắng hoe, ba cậu bạn cùng phòng, cùng là học sinh Việt Nam du học đi làm vẫn chưa về. Tuấn ngồi phịch xuống sàn, nhìn căn phòng trống vắng, không đồ đạc, chỉ có mấy tấm thảm trải để nằm mà buồn chảy nước mắt. Nó thấy cô đơn, nhớ mẹ, nhớ Hà Nội quá. Giờ này ở Việt Nam đang là 10 giờ sáng. Chắc mẹ mới mở cửa hàng được vài giờ. Hôm nay không biết có đông khách không, mẹ có bận rộn lắm không, hay là đang ngồi trò chuyện tâm sự với mấy cô hàng xóm. Đường phố nhà nó lúc nào cũng nườm nượp người qua lại, chứ không vắng vẻ như khu ngoại ô nó đang thuê nhà. Tụi bạn nó ở Việt Nam giờ đang làm gì nhỉ? Đã mấy năm nay bận quá nên nó không liên lạc với các bạn cũ nhiều, vả lại hồi ra đi cũng không thông báo, không chia tay nên tụi bạn cũng có phần giận nó… Tuấn quyết tâm rồi! Nó sẽ kể thật mọi chuyện với mẹ và xin phép mẹ cho nó về. Tuấn rút thẻ gọi điện thoại về nhà. Mẹ nó nhấc máy, biết là nó thì vừa mừng vừa lo: - Con hả? Có gì không con? Sao tự nhiên lại gọi điện về mà không chờ mẹ gọi sang? Gọi điện từ Mỹ đắt chết đi được!… Sao con không nói gì hết? Có chuyện gì thế? Tuấn muốn kể với mẹ về chuyện hôm nay suýt bị phát hiện đi làm chui, phải chạy trốn thục mạng không thì sẽ bị trục xuất về nước. Muốn kể đi làm ở đây sao mà vất vả, tủi hổ thế! Kiếm đồng tiền khó khăn biết bao mà ngày xưa con không biết thương mẹ, đỡ đần mẹ bán hàng, chỉ chơi là giỏi. Muốn kể con học tệ lắm mẹ à, học kỳ này lại đúp vài lớp nữa rồi. Mẹ có biết là con đã sang học ba năm rồi, nhưng đúp nhiều quá nên chả biết bao giờ mới tốt nghiệp được. Con có lỗi quá! Mẹ hy sinh biết bao vì con, luôn mong mỏi chờ đợi con tốt nghiệp năm sau và trở về, để được rạng danh với thiên hạ, để nhà nội và bố phải phục mẹ một mình nuôi con khôn lớn nên người. Nhưng mà con không làm được!… Con đã cố lắm rồi. Nhưng tiếng Anh của con bao năm rồi mà vẫn kém quá, con nghe còn chả hiểu thì sao học nổi. Còn phải đi làm vất vả biết bao, bị người ta mắng chửi mà không bao giờ dám kể với mẹ, sợ mẹ xót cậu con trai độc nhất… Con muốn về nhà lắm rồi nhưng con không thể… Mẹ đã đầu tư quá nhiều tiền của, con phải ở lại làm để hoàn lại tiền cho mẹ. Vả lại con đi biết bao năm rồi, về sao còn đỗ đại học ở Việt Nam được nữa. Lao đã bắn đi quá xa mất rồi! Con đâu còn đường quay trở lại… Biết bao tâm tư đè nặng trong lòng, nhưng Tuấn không đủ can đảm để kể thật mọi chuyện với mẹ, làm mẹ đau lòng. Cố gắng lắm, nó mới thốt nổi nên lời: - Không có chuyện gì đâu ạ! Nhớ mẹ quá nên con gọi điện về hỏi thăm mẹ và bà thôi. Mọi chuyện đều tốt. Con vừa đi học về… Con học cũng được mẹ ạ. Mẹ đừng lo gì cho con… Sống ở Chicago vui lắm. Khi nào tốt nghiệp, con nhất định sẽ mua vé mời mẹ sang dự lễ tốt nghiệp. Cả đời mẹ chưa được rời khỏi Việt Nam, nhất định mẹ phải qua đây để mở mang tầm mắt… … Gác máy lâu rồi nhưng Tuấn vẫn thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Bầu trời Chicago tối đen như mực, tăm tối như tâm trạng nó. Nó sẽ phải tiếp tục lừa dối người mẹ thân yêu đến bao giờ? Mẹ nó sẽ nói gì khi phát hiện ra nó không tốt nghiệp kịp, thậm chí không biết tới khi nào mới tốt nghiệp được đây? Rồi nó sẽ trang trải chi phí học và ăn ở những năm tới như thế nào? Đã bao lần nó muốn nghỉ học, chỉ tập trung kiếm tiền trả lại cho mẹ, nhưng nghĩ tới bao niềm tin, hy vọng mẹ đặt vào nó, nó lại không dám. Du học, có đáng không? Nó chỉ biết hy vọng là một ngày nào đó, nhớ lại quãng thời gian này, nó sẽ thấy là tất cả những sự hy sinh, nỗi đau đớn và vất vả mà nó phải chịu đựng không phải là vô ích. Thật sự cầu mong là như vậy!

Related Documents

Mot Manh Doi Du Hoc
May 2020 3
Ban Thao Mot Doi
November 2019 2
Mot Doi Nguoi_d
November 2019 4
Mot Doi Dau Thuong
November 2019 14
Manh
December 2019 13