Thứ Bảy 11/6/2005
Moliere - bi kịch đằng sau hài kịch -
Moliere trọn đời đem hết tài năng và sức lực viết kịch bản sân khấu, xây dựng hàng loạt nhân vật hài kịch xuất sắc và bằng diễn xuất sắc sảo của mình, ông được đông đảo khán giả nhiệt liệt tán thưởng... Thế nhưng, ít ai biết hết nỗi đau khổ, sự cô đơn trong cuộc sống riêng tư do những lầm lỡ trong hôn nhân của ông.
Trận phong ba trước vở Công tử bột chẳng qua chỉ là một màn kịch nhỏ nhoi trong vô vàn cuộc xung khắc giữa hai vợ chồng nhà văn. Cuộc hôn nhân của Moliere là do ông say mê nhan sắc mà quên hết sự đời. Năm 1641, Moliere 21 tuổi, ông làm quen với nữ diễn viên chính, có chút ít tiếng tăm trong một gánh hát rong tên là Madeleine Bayard. Tâm đầu ý hợp, hai người giao hảo với nhau. Từ đó, Moliere xao lãng mọi việc, cùng với Madeleine tập trung vào sáng tác kịch bản, đồng thời xây dựng đoàn kịch của riêng mình. Bằng những nỗ lực của ông, năm 1643, Moliere cùng với Madeleine và một số người có nhiệt tâm thành lập "Đoàn kịch Vinh quang", cũng từ đó ông lấy nghệ danh là Moliere, thay cho cái tên cúng cơm Jean Baptiste Poquelin. Đoàn kịch mặc dù đã xoay xở đủ cách nhưng nợ nần vẫn chồng chất, khiến phần lớn thành viên của đoàn phải ra đi. Riêng chỉ có Madeleine, trước cơn bão tố vẫn cùng ông đồng cam cộng khổ. Sau 10 năm trời lang thang đây đó, khi trở lại Paris thì đoàn kịch được đức vua đỡ đầu. Lúc này Moliere đã 40 tuổi và hết sức mê đắm nữ diễn viên 14 tuổi - Francoise. Đó là một cô gái nhan sắc, ưa trang điểm, đầy sức quyến rũ. Kể từ năm 1660 trở đi, cô đã bộc lộ tài năng trog đoàn kịch, đặc biệt, biểu hiện cá tính tuyệt vời trong vở Quỷ hờn, đươc xem như một viên ngọc quý khiến khán giả phải say mê. Chính Moliere cũng bị vẻ đẹp ngoại hình và sức trẻ trung của cô hút hồn. Bỏ qua sự cách xa tuổi tác, tính cách con người và tuyệt nhiên không để ý đến tình thâm giao của người con gái ấy từ trước đến nay, Moliere chỉ chăm chăm vào việc cưới "cô em bé bỏng về làm vợ". Ngược lại, về phần mình, tiếng tăm đang nổi, Francoise rất thực dụng, vụ lợi, tính đến việc hy sinh thân xác để thu vén được nhiều mối lợi. Ngày 20/2/1662, họ cử hành hôn lễ. Chính Francoise đã khai tên mình là Armande trong giấy giá thú và hộ khẩu, nghe thanh cao hơn. Trước kia, Moliere từng yêu Madeleine, cùng đồng cam cộng khổ vượt qua sóng gió, tình nghĩa sâu
nặng nhưng rồi ông đã quên và sai lầm kết hôn với cô gái trẻ măng, đầy tham vọng. Mối quan hệ giữa 3 người đã ám ảnh Moliere trong suốt nửa cuộc đời còn lại. Do thuở còn trẻ, Moliere và Madeleine từng yêu nhau nên kẻ đối địch chính trị có dịp bài xích nhân thân ông, rằng đã lấy con gái riêng của tình nhân, phạm tội loạn luân. Mặc dù cố tình gạt bỏ ra ngoài tai những lời đàm tiếu, nhưng về mặt tình cảm, Armanda đã đem lại cho ông biết bao nỗi khổ tâm day dứt. Vậy sự thật thì Armanda là con người thế nào? Theo cuốn Lịch sử thất truyền của Pháp từng công bố, Francoise là con gái riêng của Madeleine lúc bà mới 20 tuổi, với bá tước Modernard. Madeleine đưa con gái nhờ người khác nuôi hộ, rồi trở về với đoàn kịch tham gia biểu diễn, hy vọng sau này khi vợ chính thức của Modenrard chết, sẽ nhờ bà mối tốt tay, mai mối để bà lấy ông ta. Mặc dù vậy, năm 1652, vợ bá tước qua đời nhưng hy vọng của Madeleine cũng rơi vào hư không, vì bá tước không cam chịu đem tên họ quý tộc gán cho một diễn viên kịch. Madeleine buồn tủi, đưa con gái đến Lyon tham gia Đoàn kịch Vinh quang cũng vừa mới đến đó. Để không tiết lộ đời tư, bà gọi con là em gái. Lần đầu tiên Moliere gặp Francoise khi cô mới 14 tuổi, Moliere không hề hay biết gì về mối quan hệ giữa hai người phụ nữ thân thiết nhất này của ông. Mối quan hệ thực sự giữa Madeleine và Armanda đã đem đến cho ông biết bao niềm vui và nỗi khổ. Cuộc sống sau hôn nhân của Moliere đã không lãng mạn như ông từng nghĩ. Vợ chồng luôn xảy ra những cuộc cãi vã không đâu, càng về sau càng nặng nề, nhất là khi Armanda đã thành danh. Cô sống buông thả, xa xỉ, ngang ngạnh và giao du với nhiều nam diễn viên trong đoàn, đem lại biết bao điều tủi nhục và uất hận cho Moliere. Ông cảm nhận sự bất hạnh của số phận. Không cam chịu mất vợ, nhưng ông không thể làm gì hơn, ngoài việc để cho nỗi đau đớn giày vò thân xác ông. Cuối cùng họ đành sống ly thân. Tình vợ chồng tan vỡ và sự tung tin nhảm nhí bêu riếu liên miên đè nén, đã có lúc khiến ông gần như đột quỵ. Cuối cùng, cách duy nhất mà ông chọn là dồn mọi hy vọng vào sự nghiệp nghệ thuật. Chỉ những lúc dốc hết tâm huyết vào sáng tác kịch bản và diễn xuất mới làm vợi đi nỗi đau khổ, tìm được phần nào sự an ủi đối với ông. Trong khoảng thời gian Moliere rơi vào cơn hoảng loạn, từ đáy lòng ông, những tình cảm mãnh liệt, niềm vui và nước mắt đã hòa quyện vào trong các kịch bản: Kẻ hận đời, Jeorge Dandin, Nữ
bác sĩ... Có thể nói, tác giả đã tự khắc họa trong Kẻ hận đời, quan hệ giữa các nhân vật chính nam và nữ đúng như quan hệ giữa Moliere và Armande. Do lòng căm ghét tột độ đối với xã hội thượng lưu, Arcest đã toan cứu Celemene nhưng thất bại, còn lại là sự cô độc và tuyệt vọng. Trong Jeorge, Dandin, vai nam chính do lấy vợ mà vấp phải biết bao điều rắc rối, nhục nhã, giễu cợt không chịu đựng nổi. Tuy nhiên điều trớ trêu chua xót nhất là trong một buổi lễ kỷ niệm lớn tại lâu đài Versailles, vở hài kịch đó lại được chọn để diễn. Moliere đích thân thủ vai Dandin, vai nữ chính là Armanda. Việc ông diễn vở hài kịch này trước Vua Louis XIV và 3.000 khán giả quả là một sự mỉa mai đau đớn nhất trong đời ông. Moliere đã vượt lên tất cả mọi dày vò về tinh thần do gia đình bất hạnh, dồn hết tâm trí và sức lực vào việc sáng tạo nghệ thuật, trước sau đã viết được 37 vở hài kịch. Năm 1673, trong khi diễn vở Bệnh tưởng, ông đã bị đột quỵ ngay trên sàn diễn, sau đó 4 tiếng đồng hồ, ông đã qua đời. Nguồn: Văn nghệ