Biểu tình làm gián đoạn cuộc rước đuốc Thế vận tại Luân Ðôn LONDON – Hàng ngàn người biểu tình cầm cờ Tây Tạng và la lớn “Nhục nhã cho Trung Quốc” đã làm gián đoạn cuộc rước đuốc Thế vận xuyên qua thành phố Luân Ðôn vào hôm Chủ Nhật 6/3, dù đã được quảng cáo như một “cuộc hành trình của hoà thuận và hoà bình.”. Ngọn đuốc đi qua một đoạn đường dài 50km, gặp nhiều trở ngại với những người biểu tình chờ chực chung quanh. Ðây là một cuộc rước đuốc không đúng như các giới chức liên hệ đã mong đợi, với ngọn đuốc được bảo vệ chặt chẽ trên một chiếc xe bus hai tầng thậm chí có cả một một chiếc xe chữa lửa nữa chạy theo, cùng tiến đến thị xã Greenwich, ở phía đông nam thành phố Luân Ðôn, và ở đây nữ lực sĩ huy chương vàng Thế vận Kelly Holmes đã châm lửa vào vạt đuốc Thế vận. Nhưng những cảnh tượng cảnh sát lôi kéo va chạm với những người biểu tình chống Trung Quốc và hình ảnh của hàng rào dầy đặc tới 3 lớp của cảnh sát và các viên chức Trung Quốc bảo vệ ngọn đuốc, trong suốt cả buổi rước đuốc đã làm xấu hổ nhà nước Trung Quốc và Uỷ ban Thế vận. Ngọn đuốc đang trên đường đi đến Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh, được tổ chức từ ngày 8 đến 24 tháng 8. Thế vận hội mùa hè kỳ tới sẽ được tổ chức tại Luân đôn vào năm 2010. Ngọn đuốc Thế vận mang ý nghĩa là một biểu tượng của hoà bình và đoàn kết, và cuộc rước đuốc Thế vận đúng ra phải là một dịp vui mừng. Một người đàn ông đã tìm cách giật ngọn đuốc từ tay một vận động viên rước đuốc, trước khi bị cảnh sát vật xuống đường. Có 35 người bị bắt giữ trong cuộc rước đuốc này. Martin Wyness và Ashley Darby bị bắt giữ sau khi cố gắng dập tắt ngọn đuốc bằng bình xịt chữa lửa. “Trung Quốc không có quyền diễn hành ngọn đuốc qua thành phố Luân Ðôn. Cuộc rước đuốc này chẳng là gì cả ngoài việc là một công cụ tuyên truyền rất trau chuốt của Trung Quốc để che đậy thành tích vi phạm nhân quyền kinh khiếp của họ”. Hai người bị bắt cho biết qua một thông cáo báo chí. Nhân vật truyền hình Konnie Huq nói rằng cô đã “bị xô qua đẩy lại một chút” khi có một người đàn ông cố giựt cây đuốc từ tay cô. “Tôi đã nhất định phải giữ lấy ngọn đuốc, việc đó làm cho tôi bị sửng sốt một chút”. Cường độ của những cuộc biểu tình chống sự đàn áp của Trung Quốc tại Tây Tạng, và thất bại của Trung Quốc trong việc ngăn chặn tình trạng máu đổ tại vùng Darfur thuộc Sudan và thành thích vi phạm nhân quyền của họ đã buộc giới
chức liên hệ vào giờ phút cuối phải thay đổi phương tiện giao thông dùng trong cuộc rước đuốc có lộ trình khá dài này.
Cảnh sát đã buộc phải đưa ngọn đuốc vào một chiếc xe bus hai tầng tại đường Fleet khi có khoảng 100 người biểu tình cố đoạt lấy ngọn đuốc. Ðược che chắn bởi xe cảnh sát và giới thẩm quyền lúp xúp chạy theo ở hai bên, chiếc xe bus chạy chầm chậm dọc theo Nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô với những người đứng xem, tưởng là ngọn đuốc sẽ được rước bằng chân như các cuộc rước đuốc truyền thống khác, nhìn thấy rất khôi hài. Thủ tướng Brown bị nhiều áp lực Trước đó, ở bên ngoài văn phòng của Thủ tướng Gordon Brown ở đường Downing, 1000 người biểu tình chống Bắc Kinh đã “trao đổi khẩu hiệu” với những người ủng hộ Bắc Kinh phất cờ Trung Quốc và đánh trống ầm ĩ. Ông Brown đón ngọn đuốc bên trong cánh cổng sắt của dinh Thủ tướng được cài chặt, phía bên ngoài là đoàn người biểu tình đông đảo đang chen lấn với cảnh sát. Các chính trị gia đối lập và những người vận động tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh đã chỉ trích ông Brown tham dự vào cuộc rước đuốc. Bộ trưởng Tessa Jowell nói rằng Anh Quốc chỉ tán thành các nguyên tắc cơ bản của Thế vận hội và thể dục thể thao chứ không phải các thành tích vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Bà nói cùng đài BBC, “Chào mừng ngọn đuốc Thế vận đến Luân Ðôn không có nghĩa là bỏ qua tình trạng vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc hay bỏ qua sự đối xử của Trung Quốc tại Tây Tạng”. Chủ tịch Uỷ ban Thế vận Quốc tế Jacques Rogge hồi Tháng Ba đã nói tại buổi lễ châm đuốc ở Olympia, Hy Lạp, rằng cuộc rước đuốc Thế vận có ý nghĩa là “một cuộc hành trình của hoà thuận, mang các thông điệp hoà bình đến các dân tộc, các nền văn hoá và các tín ngưỡng khác nhau”. Nhưng trái ngược lại với những lời phát biểu trên của ông Rogge, các cuộc biểu tình chống đối và bắt giữ bắt đầu từ nơi khởi hành cuộc rước đuốc tại Vận động trường quốc gia Wembley. Lực lượng an ninh Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ Tây Tạng và các tỉnh lân cận để sẵn sàng dập tắt các cuộc xuống đường mới, nếu có xảy ra. Phía Trung Quốc nói rằng Thế vận hội không nên để bị chính trị hóa và Uỷ ban Thế vận Quốc tế đã mạnh mẽ bênh vực cho chính sách của họ là không dính dấp vào chính trị. Ngọn đuốc Thế vận bây giờ đã được chuyển sang Paris, với những cuộc biểu tình chống đối đang chờ đợi.