1. Nguồn điện Ta đã biết, khi đặt hai đầu vật dẫn một hiệu điện thế trong vật dẫn có một dòng điện. Muốn có dòng điện lâu dài cần phải tạo ra và duy trì hiệu điện thế đó. Cơ cấu để tạo ra và duy trì hiệu điện thế nhằm duy trì dòng điện gọi là nguồn điện. Nguồn điện nào cũng có hai cực luôn luôn ở trạng thái nhiễm điện khác nhau và giữa hai cực đó có duy trì một hiệu điện thế. Để tạo ra các cực nhiễm điện như vậy cần phải thực hiện một công để tách các êlectrôn ra khỏi nguyên tử trung hoà, rồi chuyển các êlectrôn hoặc iôn dương được tạo thành như thế ra khỏi mỗi cực. Khi đó một cực sẽ thừa nhiều êlectrôn hoặc thừa ít êlectrôn hơn cực kia gọi là cực dương của nguồn điện. Vì lực điện tác dụng giữa êlectrôn và iôn dương là lực hút, nên để tách chúng ra xa nhau như thế, cần phải có những lực mà bản chất không phải là lực điện; người ta gọi đó là lực lạ. Trong các loại nguồn điện khác nhau lực lạ có bản chất khác nhau và quá trình thực hiện công của lực lạ đó gắn liền với quá trình chuyển hoá từ một dạng năng lượng nào đó (như hoá năng, cơ năng, nội năng...) thành năng lượng điện. Trong pin và acquy lực lạ chính là lực hoá học; còn trong các máy phát điện lực lạ là lực từ trường tác dụng lên các êlectrôn chuyển động trong dây dẫn.