Giai cấp công nhân vẫn là lực lượng hàng đầu Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định đúng vai trò, vị trí của giai cấp công nhân Việt Nam là đội quân chủ lực và là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng trong mấy năm lại đây, sau khi nền kinh tế thị trường ra đời, xuất hiện tầng lớp doanh nhân đông đảo, khoa học- công nghệ phát triển vượt bậc với sự ra đời nền kinh tế tri thức, đã xuất hiện sự nhìn nhận, đánh giá khác nhau về vai trò của giai cấp công nhân. Có người đánh bằng về kinh tế và cả chính trị của giai cấp công nhân cũng như các giai cấp, tầng lớp khác. Họ coi lực lượng xung kích của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải là tầng lớp doanh nhân. Phải thừa nhận rằng, do cách nhìn máy móc, xa thực tế, nên một thời gian khá dài, chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của tầng lớp doanh nhân, không thấy được vai trò to lớn của họ đối với sản xuất kinh doanh. Nhưng không vì thế mà lại hạ thấp vị trí chính trị và vai trò quyết định về mặt kinh tế của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tầng lớp doanh nhân có vai trò to lớn trong phát triển doanh nghiệp và góp phần hình thành, hoàn thiện mô hình quản lý doanh nghiệp trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng họ không thể thay thế được vai trò giai cấp công nhân là lực lượng sản xuất hàng đầu của doanh nghiệp, là người trực tiếp góp phần tạo ra nền kinh tế tri thức và vận hành nền kinh tế đó. Về mặt chính trị, thông qua Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân thực hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với xã hội, đối với cách mạng. Qua nội dung “Xây dựng giai cấp” mà dự thảo báo cáo, tôi thấy có tính chất như là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn hơn là quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng với giai cấp công nhân. Do vậy, tôi đề nghị thay thế như sau: “Phát triển giai cấp công nhân về số lượng, chất lượng và tổ chức, nâng cao giác ngộ ý thức giai cấp và yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, từng bước trí thức hóa giai cấp công nhân để phát huy được vai trò tiên phong lãnh đạo và nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước và Công đoàn cần có chính sách phù hợp và biện pháp hữu hiệu chăm lo thiết thực đời sống vật chất- tinh thần, bảo vệ quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp công nhân và những người lao động”. Về làm kinh tế thì phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Và để biết được chính xác hiệu quả, cần đánh giá chính xác thực trạng nền kinh tế. Nhưng Dự thảo Báo cáo Chính trị còn dừng lại ở nhận xét chung: “Nhịp độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chưa vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm”. Vế sau có thể hiểu được, còn vế đầu “chưa tương xứng với khả năng” là chưa rõ? Phần lý giải ở dưới nói về hạn chế, không có câu chữ nói về “chưa tương xứng”. Đề nghị cần phân tích, lý giải. Nếu không, nhận xét đó sẽ không giúp gì cho hoạch định phát triển.
Huỳnh Thiện Tâm