Vĩnh Long & Bến Tre
=================================== Trường Làng Năm 1999 vợ chồng tôi dẫn 2 đứa con về VN. Chúng không muốn về . Đứa gái lớn, 17 tuổi, thì không nói gì nhiều khi tôi bảo bố mẹ đi thì con phải đi theo . Còn đứa con trai 14 tuổi thì bất mãn ra mặt . Nó nói : "Tại sao phải mất tiền cho con đi khi mà con không thích." Vậy mà nó về VN rồi lại thích . Đi chơi với những trẻ VN khác đồng trang lứa, nó lĩnh hội được rất nhiều . Từ chút tiếng Việt bập bẹ lúc ban đầu, khi về Mỹ 6 tuần sau, nó chỉ nói tiếng Việt với bố mẹ . Cái mà nó thích nhất là đánh tenis mà không phải tự mình lượm banh, được vào nhà hàng ăn mà có mấy người bồi phục vụ cho mình . Về VN là như vậy . Chỉ với số tiền chi tiêu ít ỏi còn hơn bên Mỹ, người ta được phục vụ như hàng vương giả . Về VN kỳ này, chúng tôi chủ định không tiêu xài vương giả, mục đích là để tiết kiệm phù hợp với lối sống đơn giản mà chúng tôi đã chọn cho mình: Vợ chồng tôi đã theo nhau nghỉ việc sớm để không phải ngày ngày tất bật tranh đua, vật lộn với đời sống, để du lịch, và để có thì giờ góp phần vào công tác từ thiện xã hội . Bạn bè ở VN biết được chuyện chúng tôi đi đây đó trong thành phố thì nói : "Tao ở đây từ trước đến giờ mà chưa từng đi xe buýt, nghe tụi bây kể mới biết nó cũng thoải mái, tiện lợi như vậy." Một lần tụi tôi đi Tây Ninh, hỏi thăm ba bốn chỗ mới lần lần biết được dịch vụ xe dù (xe tư, chạy không giấy phép đầy đủ của nhà nước) còn hay hơn xe đò . Mình không phải đón xe buýt ra bến . Họ đón tận nhà, chở đến tận nơi, mà giá cả rất phải chăng . Hai đứa tôi đi lần đó vừa đi vừa về trọn gói hết 100 ngàn đồng, cho khoảng đường Sài Gòn - Tây Ninh dài khoảng 100 cây mỗi chiều . Các bạn tôi không tin chúng tôi có thể tìm được cái giá rẻ như vậy . Không nghĩ xa vời những chuyện đắt rẻ, tôi chỉ biết rằng số tiền chúng tôi mang theo nếu không phung phí thì có thể sẽ giúp thêm được một vài người nghèo mà tôi gặp trong chuyến đi xuyên Việt lần này .
Quen lăn lộn như vậy, chúng tôi không thể ngờ được mình cũng sẽ là những quý khách được tiếp đón nồng hậu như những quan khách có chức tước quý giá . Là người bình thường đi thi hành vài công tác từ thiện cho hội HopeToday, chúng tôi rất ngạc nhiên khi tôi đến nhà bác My . Tại nơi này, lúc chúng tôi vừa giải quyết xong vài trường hợp nghèo xin giúp đỡ thì cả chục người kéo tới . Họ kiên nhẫn ngồi đợi dịp để giải bầy hoàn cảnh của họ cho chúng tôi hay, mong đợi nhận được sự giúp đỡ của hội. Ngay đến bác Định, người đã nhiều lần thực hiện những chuyến đi từ thiện cũng lúng túng vì những chuyện không lường trước được này . Rời nhà bác My, sau khi đã tạm giải quyết tạm xong từng trường hợp của những người nghèo khó này, tôi nghĩ không thể phiền trách những người không hẹn trước đã đến quấy rầy mình được . Có lẽ ở địa vị họ, tuyệt vọng đắm chìm trong cảnh bế tắc không thể tự giải quyết được, thì chúng tôi có khác nào một mảnh phao có thể giúp họ khỏi đắm chìm . Chỉ tiếc rằng trong cái phạm vi tài chánh nhỏ hẹp, chúng tôi không thể giải đáp được toàn thể mọi vấn đề, của mọi người, một cách thỏa đáng . Chúng tôi chỉ có thể giúp tay giảm thiểu được những chuyện cấp bách đáng thương nhất . Đi dọc theo đường quốc lộ dưới cái ánh nắng nhiệt đới gay gắt, tôi thấy những bao mủ đủ màu nằm rơi rắc khắp nơi . Nghĩ đến những cánh bướm muôn màu của thời thơ ấu tôi đã mục kích trong những lần về quê tôi rảo mắt nhìn quanh . Không bướm. Không Chim . Cũng chẳng thấy những giàn hoa đẹp hay trồng trước sân nhà của ngày nào . Nhà nọ qua nhà kia, bây giờ chỉ còn một vài bụi cây dại cố ngoi sống giữa những mảnh sân khô cằn đất khô, đá vỡ . Người ta nói Việt Nam bây giờ khá hơn trước nhiều . Đâu đâu cũng thấy nhà cửa mới đang mọc lên khang trang, đẹp đẽ như những bụi nấm tươi tốt sau trận mưa . Nhưng giữa những dấu hiệu phát triển đó là muôn ngàn mảnh đất cằn . Nơi mà đa số người Việt ngày ngày bươi moi tìm sống . Có bao nhiêu người thành công và bao nhiêu người bị bỏ rơi ? Làm sao tôi biết được . Tôi chỉ biết trước mặt tôi là bao nhiêu chuyện thương tâm, của những người không còn biết trông chờ vào ai . Trong mắt họ, tôi là một người quá may mắn . Tôi sống không phải lo đến ngày mai ăn gì, ngủ ở đâu; lấy gì mua thuốc, may áo, đóng tiền học cho con ... Những chuyện quá bình thường với tôi tại sao lại là phải là chuyện sống còn với họ ? Tôi biết mình may
mắn, nhưng những ngày gặp gỡ, tiếp xúc với những người này, tôi mới biết mình may mắn đến cỡ nào . Tôi nào biết được bao nhiêu người đã đợi chúng tôi ở cái căn nhà dùng làm cơ sở sản xuất những tấm thảm lục bình để xuất cảng ? Tôi cũng chẳng biết những đứa học trò kia ngồi đợi chúng tôi hay chỉ ở đó vì một lý do gì khác . Tôi làm sao biết được 3 trong số những người đứng đợi là giáo viên, là hiệu trưởng của ngôi trường tiểu học nằm sâu trong cái ngõ hun hút tôi vừa đi qua . Chỉ nghe chuyện có "phái đoàn" của hội từ thiện HopeToday đến đây dùng cơm trưa, bao nhiêu người đã tụ tập hy vọng chúng tôi cho họ thì giờ trình bày hoàn cảnh và ước vọng của mình . Những ước vọng tự nó nghe thật nhỏ nhoi . Chính tôi tự mình cũng giúp họ chu đáo được nếu nó đứng một mình . Nhưng bao nhiêu người, bao nhiêu ước vọng kết hợp thành một cái nhu cầu lớn lao không ai, không hội nào có thể giải đáp được . Tôi vì tình cờ trò chuyện với 3 nhà giáo mà biết rõ ao ước của họ, một ao ước đáng lẽ không thể có vì nó đã phải được giải quyết từ lâu . Nhưng đây là xứ Việt Nam, một nơi mà những điều không thể có vẫn xẩy ra nhan nhản . Những điều cảm động, thương tâm xẩy ra vì thật sự thiếu phương tiện, hay chỉ vì người ta không muốn nhìn, hay không muốn biết đến mà đã ngoảnh mặt bỏ rơi?
Thầy Quốc, bà hiệu trưởng Lan, và cô Hoa
Căn nhà nằm sâu trong một cái hẻm hẹp trông ra quốc lộ . Quanh nhà là dẫy tường gạch thấp với song sắt bên trên hình cánh cung như những vỏ nghêu khổng lồ chôn sát nhau. Sát bờ tường trồng
một số cây ăn quả . Một vài trái mít treo lủng lẳng trông thật bắt mắt . Chung quanh cái sân rộng tráng xi-măng là bờ tường thấp, ranh giới của mảnh sân và dọc đất trồng cây . Trên sân, rải rác những chậu cây kiểng xinh tươi . Trên cái bờ tường thấp ở mé bên cả chục đứa học sinh ngồi lẫn với những người lớn có lẽ là bố mẹ chúng . Ngôi nhà nằm sâu bên trong với hai dãy hàng hiên rộng ở cả phía trước và phía bên . Đằng trước kê một cái bàn dài đầy chén đĩa . Lúc chúng tôi đến nơi thì năm bẩy người đang ngồi chung quanh bàn đứng lên đón rước . Tôi còn đang lúng túng chưa biết ai với ai thì bác Định và Dung đã bước ra sân trò chuyện với đám người đang ngồi . Không muốn đứng không, tôi mở lời trò chuyện và được giới thiệu với bà hiệu trưởng trường tiểu học Tân Hạnh . Bà cho biết đã đến đây ăn mừng nhân ngày Lễ Các Nhà Giáo . Tôi hỏi về trường thì bà cho biết thêm trường cách ngôi nhà này chừng 400 m, ở sâu trong cái hẻm hun hút này . Ngày trước, trường khá đông học sinh nhưng đa số phụ huynh, những người có phương tiện, đã xin cho con em đổi ra ngôi trường mới đâu mặt ra quốc lộ . Là trường cấp 1, tuy có 5 lớp từ 1 đến 5 nhưng tổng số học sinh chỉ còn 70 em, gồm đa số những hộ nghèo hay ở sâu trong hẻm không có phương tiện di chuyển qua trường mới cách đây 5, 6 cây số . Nói chuyện với bà hiệu trưởng một hồi, tôi biết nguyện vọng của bà là xin hội giúp dẫn lắp máy nước vào trường để các em có phương tiện rửa ráy vệ sinh . Luôn tiện có thầy, cô trở lại trường để khóa cửa, tôi xin đi theo để được thấy tận mắt . Ngôi trường là hai dẫy nhà đặt góc thước thợ, trước mặt là cái sân chơi trải cát . Thầy Quốc, người đã chở tôi vào trường, cho biết cái sân này trước đây sình lầy dữ lắm mỗi khi trời mưa . Năm nay mới được xã cho tiền để bơm cát cho đỡ lầy lội . Nhưng hết bùn sình thì lại bụi . Những tháng hè không mưa cát bụi bay theo gió lùa vào đầy lớp học. Đi theo thầy Quốc ra phía sau, bên cạnh một con lạch nhỏ là nhà vệ sinh . Tôi bước vào thì thấy cũng sạch sẽ . Mỗi bên nam, nữ có một bể chứa nước để dội rửa .
Nhà vệ sinh trường tiểu học Tân Hạnh
Ngay đằng sau cái tường của nhà vệ sinh là một con lạch nhỏ . Hai bên bờ lạch cỏ, bìm bìm mọc đầy . Nước trong lạch đục ngầu như nước mương . Nghe thầy Quốc cho biết nước dùng trong trường đều do các em múc từ cái lạch này lên rồi đánh phèn để làm trong . Nước uống thì kỹ hơn, được sử lý để khử trùng, và sau đó đun sôi để dùng . Tôi không tin được tai mình nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần . Nhìn con lạch nằm sát nhà vệ sinh, dưới đám lục bình rác rưởi trôi là dòng nước nâu đỏ đục ngàu . Vậy mà nó là nguồn nước uống cho mấy chục học sinh và các thầy cô . Liên tưởng đến chuyện dịch tả đang lan tràn ở nhiều tỉnh trong nước, tôi nghĩ đến sự chịu đựng của những người nghèo ở Việt Nam, phải uống nước sông, nước rạch dơ bẩn . Như vậy làm sao tránh khỏi bệnh tật ?
Con lạch đằng sau nhà vệ sinh là nguồn nước uống và rửa ráy cho trường tiểu học Tân Hạnh
Bà hiệu trưởng cho tôi bản sao lá đơn bà mới gửi cho xã để xin trợ giúp tài chính việc dẫn nước máy vào trường . Kinh phí tất cả 3,7 triệu gồm hai mục như sau : 1) Đóng tiền vô nước : 2) Đặt ống nước 400m:
1 200 000 đ 2 520 000 đ
Theo như lời bà hiệu trưởng thì xã chưa cấp, viện cớ trường phải tự liệu trích ra từ ngân sách hàng tháng 1 triệu đồng . Ngân sách này bao gồm tất cả chi phí trong trường như văn phòng phẩm, tu bổ trường ... Bà hiệu nói nếu phải trích ra từ quỹ này thì còn lâu lắm bà mới có đủ . Có khi đã để dành rồi mà gặp chuyện không lường trước thì cũng phải bó tay . ... Hiện thời, chúng tôi đang kiểm chứng lại việc xã không giúp trường lắp ống nước là chuyện thật, và chi phí gắn máy nước phù hợp như lời bà hiệu trưởng . Nếu như vậy thì hội HopeToday sẽ trợ góp $200 US, tương đương với số tiền 3,2 triệu đồng . Bà hiệu trưởng trường Tân Hiệp sẽ lo phần còn lại .
Trong chuyến đi này, tôi đã chủ trương đóng vai phụ, lo chuyện lặt vặt và chụp hình . Nhưng đi tới đâu, ai cũng nghĩ tôi là người có thể giúp được họ . Không nói chuyện được với bác Định hay Dung, họ mở hết lòng giải bầy hoàn cảnh cho tôi nghe . Tôi không giám hứa với họ điều gì, chỉ nói sẽ chuyển lời và đợi sự quyết định của hội . Vậy mà khi nghe Bác Định và Dung đồng ý giúp việc đặt ống nước vào trường, tôi thấy lòng lâng lâng như trút được một gánh nặng . Phải chăng những người nghèo đã nhìn không lầm ? Có thể tôi không những là quan sứ của hội HopeToday, mà còn là cứu tinh có thể ban cho họ những điều ao ước . Tôi biết mình chẳng là gì, chỉ mong họ biết được những cảm thông dâng trong lòng tôi, khi nghe những lời họ giải bày, là những cảm xúc chân tình, của một người mà họ đã vô tình thay đổi . Có thể sau này tôi sẽ không tiếp tục tham gia những công tác từ thiện nữa và trở về với những ao ước riêng tư của đời sống. Nhưng trong chuyến đi này, lúc nghe chuyện của họ, tôi không thể làm cách nào khác hơn là giúp họ đạt được nguyện vọng . Những nguyện vọng, ao ước tự nó thật tầm thường, như có được cái ăn, chốn ở, trường lớp, nước uống sạch sẽ, vệ sinh mà tại sao lại khó đến như vậy ?
==================================== Lá Lành Đùm Lá Rách
Dung và 2 bé Nga, Phương
Nhìn tấm hình này, có mấy ai nghĩ cô bé ngồi bên phải lớn tuổi hơn cô bé ngồi cạnh Dung. Nhưng đó là sự thật . Bé Phương sinh năm 1998, năm nay 9 tuổi học lớp 2 . Bé học trễ vì tật nguyền không thể tự mình đến trường như những trẻ em đồng lứa. Tuy trường chỉ cách nhà bé chừng một dặm (1.5 km), gia đình không đủ phương tiện đưa đón bé mỗi ngày . Phải đợi đến khi bé Nga ở cùng xóm đủ lớn để đi học bé Phương mới được đến trường . Hai năm nay, ngày ngày Nga sang nhà rồi cõng người bạn tàn tật lớn hơn mình 2 tuổi đi học chung . Bé nói với Dung là chỉ đi một lèo là tới trường, không phải nghỉ ở đâu cả .
Cảm động trước nghĩa cử "Lá lành đùm lá rách" này chúng tôi dự định sẽ mua quà cho bé Nga vào dịp tất niên . Phần bé Phương, chúng tôi sẽ tặng một chiếc xe đẩy (stroller) để công việc di chuyển bé được dễ dàng hơn .
==================================== Ông Bà Giáo Hiệp - Hường Trong số những người nhận trợ cấp của HopeToday mà tôi được gặp trong chuyến đi Bến Tre vừa rồi, có lẽ tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh của vợ chồng anh Hiệp và chị Hường . Đó không phải là vì tôi được mục kích cái hình ảnh ghê tởm mà căn bệnh hiếm có đó đã tàn phá cơ thể anh, nhưng là vì cái cảm xúc khi biết người đàn ông ngày này qua ngày khác nằm mãi trên chiếc giường sơ sài trong cái căn nhà lụp xụp đã từ cái quá khứ đẹp đẽ, sáng sủa rơi xuống cái vũng lần đen tối chỉ trong một thời gian ngắn . Tôi sẽ nhớ mãi đôi cánh tay áo sạm đen, dơ bẩn của chị Hường . Hình ảnh người đàn bà lau mãi những dòng nước mắt hình như chẳng lúc nào ngừng trên gương
mặt khắc khổ đó đã ghi sâu vào tâm khảm tôi ngay từ phút đầu dù lúc đó tôi chưa biết hết câu chuyện .
Đã từ lâu tôi đọc về hoàn cảnh của gia đình anh Hiệp qua những điện thư của hội HopeToday . Tôi chỉ biết mấy năm nay gia đình anh túng quẫn vì căn bệnh trầm trọng đã khiến anh phải nằm liệt giường và anh phải xin trợ cấp của hội để giúp các cháu có cơ hội tiếp tục việc học . Những điều biết trước này không đủ để chuẩn bị lòng tôi lúc nhìn cái hình ảnh của một người nằm liệt giường dưới ánh sáng lờ mờ trong cái căn nhà siêu vẹo, lụp xụp . Biết cả anh lẫn chị đều là nhà giáo, cái hi hữu được gặp cả hai trong ngày lễ nhà giáo càng khiến dòng cảm xúc dâng trào. Càng nghĩ đến người đàn ông nằm liệt trên chiếc giường tồi tàn, cũ kỹ trước mắt đã có ngày đứng trên bục giảng truyền bá kiến thức, tư tưởng của mình đến thế hệ mai sau càng làm lòng tôi thêm thổn thức . Cái ngày tươi đẹp đó đã qua lâu rồi . Bây giờ anh nằm đây với cái ao ước nhỏ nhoi là tự mình vệ sinh, tự mình cố gắng mỗi ngày đi một vài bước để khỏi mất hẳn sức mạnh của đôi chân vì thiếu sử dụng . Chỉ vậy mà cái nguyện vọng nhỏ nhoi đó anh cũng không làm được . Chị Hường ngồi bên cạnh anh, âu yếm nâng đầu chồng, mỗi chốc lại đưa tay lên thấm đôi mắt lúc nào cũng rơm rớm nước . Tôi quên làm sao được những hình ảnh và cảm xúc lúc ấy ? Về đến nhà, cái cảm xúc ấy càng mạnh khi tôi nghĩ ra là cái đôi cánh tay áo ấy đã sạm đen chỉ vì mãi lau dòng nước mắt . Tôi lại càng không quên được khi Dung cho biết thêm một chuyện mới xẩy ra cho chị Hường . Mới đây, vì cố sức cõng một người thân bị ngã què chân mà chị bị sa dạ con nên phải đi mổ . Đã nghèo còn mắc cái eo .
Ngày anh mắc bệnh chị đã phải ở nhà để săn sóc lo liệu và vì thế cũng bị trường sa thải . Sáu năm qua, bây giờ mới đi làm lại thì bị tai nạn . Chị phải đã mang cái mảnh đất và căn nhà đang ở đi cầm cố để lấy tiền trang trải . Tuy số tiền nợ 20 triệu đồng nhà nước không buộc phải trả ngay, nhưng mỗi tháng chị phải trả 120 ngàn tiền lời .
Càng biết thêm về chị Hường, tôi càng phục lòng can đảm và sự cố gắng của chị . Có lẽ 3 đứa con chị cũng vì vậy mà đã cố gắng học hành . Con lớn của chị rất xuất sắc và đang học năm thứ hai ngành du lịch ở đại học . Chị nói với Dung cô con thứ hai sắp hoàn tất trung học và học rất giỏi . Cậu bé thứ ba cũng là một học sinh giỏi và ngoan ngoãn . Đi vòng trong nhà quan sát, tôi thấy những mảnh tường siêu siêu, vẹo vẹo ghép bằng những tấm gỗ mục để lại những lỗ thủng to mà một con mèo có thể ra vào dễ dàng . Mái nhà thì bên lợp tôn, bên lót lá dừa nhếch nhác để lại những lỗ thủng cho nắng tràn vào . Đồ đạc trong nhà lủng củng chẳng có thứ gì ra hồn . Không có lấy cái tủ, quần áo đụng vách nào treo vách nấy luộm thuộm . Vậy mà con chị vẫn được học hành tới nơi, tới chốn . Nhìn hai đứa nhỏ quần áo tuy cũ nhưng vẫn gọn ghẽ, sáng sủa rồi nhìn lại gương mặt chị Hường rũ rượi trong bộ quần áo bạc màu, lếch thếch, với đôi tay áo sạm đen tôi thấu được phần nào sự cố gắng của người mẹ hy sinh để lo cho con . Chả trách nào các con của chị đã cố siêng năng để vươn lên .
Trời có khi nắng, khi mưa . Tôi hy vọng một ngày nào cơn mưa sẽ ngưng và mặt trời sẽ ló dạng để rọi tia nắng ấm hy vọng vào gia đình của anh Hiệp và chị Hường . Không có thể nào Trời, Phật lại thiên vị gia đình anh chị mãi mãi như vậy . =================================== Dựng Nhà Tình-Thương Như để phân trần những chữ bất lịch sự mình vừa nêu ra, bà Hai tiếp lời: "Người ta kêu bả là 'Bà Tuyền Khùng' là để dễ phân biệt với những người tên Tuyền khác ở xóm này." Ngừng lại nghĩ ngợi một chút, bà nói tiếp: "Hai mẹ con bà Tuyền chẳng làm được gì, suốt ngày đi rông lượm bao mủ . Tiền bạc lối xóm giúp tôi phải giữ mua gạo để thi thoảng bà ghé qua lấy . Bằng không người ta lấy hết ." --------------
Muốn vào nhà bà Tuyền phải đi vòng vo qua những con hẻm sâu hun hút, và những bờ ruộng chênh vênh
Lần đầu tôi nhìn thấy bà Tuyền là lúc bà đang loay hoay thu dọn bình hương ở cái ngõ hẹp ngay trên bờ ruộng trước cửa nhà bà . Lúc đó tôi nghĩ nếu mình tới sớm một phút, thì sẽ có tấm hình chụp cái nơi thờ phượng có một không hai đó . Nhưng mà có gì để chụp ? Một bát hương nhỏ cặm vài cọng nhang đã tàn, và hai cái ly đựng mấy cọng hoa đã héo . Không có ảnh, và không có hoa quả, lễ vật làm đồ cúng . Mà có làm sao được khi cả đám người chúng tôi, sau dăm phút tìm tòi, cũng không thấy được một hột gạo ở trong cái nhà vuông như cái hộp mỗi bề chừng năm thước đó .
Cái lỗ khoét vừa người chui là cửa vào nhà bà Tuyền
Gọi là căn nhà vì nó hơn hẳn cái chòi mà hàng xóm đã giúp bà dựng lại để không phải màn trời, chiếu đất sau cơn bão . Đứng từ đằng xa, nó như một cái chòi lợp tôn, chung quanh vây bởi những mảnh phên tre, và lá dừa . Căn nhà không có cửa sổ, hai mặt bên đều che kín mít . Hai mặt trước sau cũng vậy ngoại trừ hai khoảnh trống chừa làm cửa . Nhìn từ ngoài vào, cái cửa trước chiếm một phần ba bề rộng của căn nhà . Gọi là cửa cho oai, nó chỉ được che bởi một miếng bạt ny-lông mà ai đó đã khoét một lỗ vừa một người chui, cái lỗ nhỏ thâm thấp tôi phải bắt chước bà Tuyền khom người và dơ cao chân thì mới vào nhà được .
Bà Tuyền và mẹ bà ngồi trên giường trải chiếc chiếu mục thủng nát
Bên trong căn nhà, trước một cái vách liếp lửng để che cái khoảng đất trống dùng làm bếp, là một chiếc giường đôi của hai mẹ con bà Hường . Bên cạnh giường có kê một cái bàn nhỏ vắt mấy mảnh quần áo và vật dụng lặt vặt . Cái giường thì đáng gọi là giường tuy nó đã cũ, nhưng cái bàn thì chỉ là một miếng gỗ hẹp đóng bốn cái chân . Ngoài hai thứ đó trong nhà không còn thấy đồ đạc gì khác . Không đèn, không đóm; cả cái bếp cũng chẳng có gì . Trong góc bếp là một cái kệ cao tới lưng nơi bà Tuyền để hai chiếc soong . Cạnh
cái tường phên ngăn lối ra sau nhà là một chiếc bàn nhựa hồng hồng đã phai mầu và lem lấm nhếch nhác . Trong nhà không có bếp, cũng chẳng có than củi . Trong cái góc lù mù tranh tối, tranh sáng tôi thấy xếp vài chiếc lá dừa khô đã chặt nhỏ để nhóm lửa . Còn cái bếp, nó chỉ là ba hòn gạch thẻ xếp ngay trên mặt đất . Nhìn chung quanh bếp với con mắt soi bói, tôi cũng không biết bà Tuyền để đồ ăn chỗ nào . Căn nhà đồ đạc sơ sài thì làm gì phải nhìn lâu . Không có cái gì để đựng gạo . Không có chỗ nào có thể đặt được miếng thịt hay bó rau mà không bị bụi bặm, đất cát dính vào . Tìm mãi trong bếp rồi tìm hết cả nhà, lục cả mấy chiếc bao bà Tuyền xếp bên hông để đựng những thứ đồ mủ phế thải bà lượm lặt bán kiếm cơm thì cũng chỉ lòi ra mấy củ khoai mì nhỏ mà chắc bà đã mót ở một mảnh vườn người ta đã đào rồi lấy sót .
Dung và tôi ngồi sau mấy viên gạch thấp lè tè bà Tuyền kê làm bếp
Bà Tuyền ít nói . May mà hôm nay có mẹ bà đến chơi nên chúng tôi cũng thăm hỏi được đôi điều . Theo lời bà cụ, thì bà hai mẹ con bà Tuyền mắc bệnh tâm thần, chẳng làm lụng gì, nên cái miếng đất dọc theo chục cây nhãn bên hông nhà mà cụ bà đã cho hai mẹ con để trồng trọt kiếm sống vẫn còn hoang dại. Ở nhà bà Tuyền một lúc lâu, tôi mới thấy cái không bình thường của bà. Không dưng trong lúc khách khứa đứng sớ rớ trò chuyện bà bỏ ra sân cuốc cuốc, xới xới cái khoảng cỏ mọc hoang vừa tôi nhắc tới đó . Cả lúc chúng tôi lục
đục ra về bà cũng bỏ mặc, vẫn bận bịu cuốc cuốc, xới xới như để ra vẻ mình cũng chăm chỉ làm lụng .
Tất cả đồ ăn trong nhà vỏn vẹn chỉ mấy củ khoai mót này
Trên đường về, tôi chợt nhớ không nhìn thấy trong nhà có ngọn đèn dầu hay cây đèn cầy nào cả . Buổi tối bà Tuyền làm gì trong cái căn nhà lụp xụp tối tăm . Và nếu muốn đi ra ngoài thì biết đường nào mà mò để khỏi dẵm trúng xình, cứt trâu, cứt chó hay khỏi rớt xuống mương, xuống ruộng ? Nghĩ tới con mương ở hông nhà, rồi cái bờ ruộng cheo leo hút hẻo ở phía trước trong những đêm không trăng sao, tôi liên tưởng tới thân phận bao nhiêu người dân quê VN còn trong cảnh nghèo khổ, tối tăm . Tới bao giờ một chút tiện nghi, văn minh mới đến với đời sống họ ? ... Về đến nhà bà Hai, bác Ba Đoàn giảng giải với tôi và Dung là căn nhà bà Tuyền bây giờ tốt hơn lúc bác đến lần trước nhiều . Cô Hiền con bà Hai cho biết thêm là sau cơn bão xã có cấp cho những hộ nghèo mỗi nhà 5 triệu đồng để xây dựng lại, nhưng căn nhà của bà Tuyền chúng tôi được thấy có lẽ tiền xây chỉ mất chừng 1 triệu . Không có nền đắp, tường xây và mái chỉ là những tấm tôn cũ có chỗ đã bị thủng, người ta đã chỉ lấy phên, nứa che quanh 6 chiếc cột và vài cái đà ngang bằng bê-tông . Phần tiền còn lại tại sao không dùng
để xây tươm tất căn nhà thì có nhiều nghi vấn . Có người nghi là xã đã ăn chận, nhưng trên xã thì nói đã đưa hết cho người nhà của bà Tuyền rồi . Chuyện tiền bạc đưa ai bây giờ có nói đến thì cũng đã muộn . Chuyện giúp bà Tuyền có cái chỗ ở chắc chắn, không bị mưa gió tạt, không phải suốt ngày nấu nướng, đi đứng trên cái nền đất gồ ghề đôi khi lầy lội cũng không phải là chuyện dễ . Chúng tôi có thể giúp nguồn, tài trợ mọi phí tổn . Nhưng phải nói làm sao để họ cho mình làm mà không đòi mình đưa tiền cho họ ? Bàn tới bàn lui, chúng tôi quyết định nhờ bác Ba Đoàn ra thưa với xã . Cả bọn góp ý với bác Ba cách mớm lời khi ra xã để không bị mắc bĩnh . Nhờ những chuẩn bị tâm lý, hay là những câu ăn nói khéo của bác Ba; chúng tôi không thể biết . Có thể là vì "xã vừa bị hun khói mê" như lời cô Hiền ám chỉ họ đã bị khiển trách vì những lời thưa của dân khi những dự án xây dựng họ thực hiện sau cơn bão không được minh chuẩn . Chỉ biết lần này bác Đoàn muốn gì xã cũng chịu . Bác Định bảo cô Hiền lấy giấy bút ra ghi lại những điều phải làm : 1. Đắp nền xi-măng 2. Đặt móng và xây tường 4. Lắp 2 cửa ra vào trước sau, 2 cửa sổ hông, và một chỗ thoát hơi khói trong bếp . 5. Thay kèo và trét lỗ trên nóc tôn 6. Xây bục để đặt bếp ... Bác Tư sẽ ra ở nhà cô Hiền ăn ở để trông thợ, và cô Hiền sẽ phụ trách việc mua vật liệu, khoán thầu . Dùng cột kèo, mái tôn mà xã đã xây sẵn, chúng tôi tiết kiệm được ít nhiều trong việc giúp bà Tuyền có một nơi ăn, chốn ở vững chãi, vệ sinh . Với tài khoản và phương tiện eo hẹp, hội chỉ giúp được như vậy . Bao giờ những người nghèo như bà Tuyền có được nguồn nước sạch, có đèn đóm, nhà vệ sinh trong nhà ? Bao giờ người dân nghèo cũng như giầu không phải lo sợ về ô nhiễm môi trường, về độc tố trong thực phẩm ? Ngày nào những câu hỏi này còn phải
được đặt ra thì ngày đó Việt Nam chưa phải là cái xã hội văn hóa, tiến bộ như những bảng hiệu nhan nhản ở khắp nơi .