ghề điêu khắc đá từng vinh danh trong quá khứ và từ ngày làn sóng du lịch tràn qua, nó đã mang lại cho người dân dưới chân Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đời sống khá giả, nhưng cũng từ đây, một hiểm hoạ mới phát sinh. Làng điêu khắc đá Non Nước nằm bên con sông Cổ Cò trên đường từ Đà Nẵng đi Hội An có tuổi đã non 400 năm. Tấm bia cổ lưu giữ ở chùa Phổ Khánh (làng Ái Nghĩa, xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc - Quảng Nam), năm Mậu Ngọ, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3, đời Lê Hy Tông cho biết, trong số những lưu dân Đồng bằng sông Mã mở đất về phương Nam, cụ Huỳnh Bá Quát, người Thanh Hoá, cùng một số anh em trong họ mạc dừng lại dưới chân 5 ngọn núi Ngũ Hành dựng làng, đặt tên là Quán Khái - nay là xã Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Việc chọn đất lập làng ở Non Nước bấy giờ không ngẫu nhiên vì trong hành trang "mở đất", ngoài hy vọng tìm nguồn sống trên một vùng đất mới, cụ còn mang theo cả nghề điêu khắc đá của ông cha và suốt một dải đất nam Hải Vân đến đèo Cả, không nơi nào đá tốt bằng đá ở đây. Có những gia đình theo đuổi nghề đẽo đá đã qua mười mấy đời. Ngày chúa Nguyễn dựng kinh đô ở Huế, cần nghệ nhân trang trí cung điện, làng cung cấp thợ giỏi; xây lăng Bác, làng cũng cử người chọn những phiến đá đẹp nhất âmthầm xuyên qua bom đạn, đồn bót và sự lùng sục của địch chuyển ra miền Bắc. Cách Đà Nẵng chưa đầy 10 cây số, làng nghề điêu khắc đá Non Nước đã lên phố thị từ lâu, nhất là sau thời điểm năm 1990 khi nơi đây được du khách biết đến như một thắng tích với 5 ngọn núi được thiên tạo khéo léo bên bờ biển có tên đặt theo ngũ hành - kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Trở lại làng đa, tôi cùng một nhóm phật tử đi liên hệ đặt làm một số tượng Phật, cổng chùa cho một ngôi chùa tận New Zealand xa xôi. Trị giá hợp đồng này lên đến hàng trăm nghìn USD. Toàn bộ số lượng hàng đặt lần này có trọng lượng đá hoa cương lên đến hàng chục tấn, phải được hoàn thành trong vòng vài tháng, rồi chuyển bằng tàu biển về địa chỉ người đặt. Anh Kim Huệ, một người trong đoàn, dẫn vào một xưởng chế tác sát đường lên chùa Tam Thai. Anh bảo đây là cơ sở quen. Người thợ đá già sau khi đọc cẩn thận bản vẽ thiết kế do nhóm phật tử Việt kiều giao cho, rồi nhanh chóng gật đầu cam kết sẽ hoàn thành đúng thời hạn. Ông bảo kết cấu phức tạp, hoa văn cầu kỳ như thế này thì trước đây phải mất hàng năm, nhưng bây giờ có "công nghệ mới" rồi, làm chỉ mất vài tháng. Nếu năm 1986, thời điểm bắt đầu cho sự thịnh vượng, làng nghề có 37 hộ sản xuất, với 150 lao động, thì hiện nay số hộ sản xuất kinh doanh nghề đá đã tăng gấp 11 lần với hơn 3.000 lao động. Tổng giá trị sản phẩm năm 2005 đã đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng. Trên con đường Huyền Trân Công Chúa vào cổng khu du lịch Sandy Beach cách đây vài năm vốn hoang vắng chỉ có cát và cây dương liễu, nhưng nay san sát hàng trăm xưởng điêu khắc được mở ra đục đẽo chi chát suốt ngày đêm. Bước vào xưởng của nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Long Bửu, chỉ thấy rặt tượng lớn, hầu hết đều cao đến 3-4 mét. Anh đang làm một loạt tượng các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, chuẩn bị cho công trình "Vườn tượng danh nhân" của mình. Các loại sản phẩm nhỏ lưu niệm truyền thống dành cho khách du lịch nay làm theo kiểu được chăng hay chớ chứ không chú trọng như trước. Hầu hết đều tập trung cho những công trình tạc tượng tôn giáo có giá trị lớn, dành cho trang trí ngoài trời hoặc chùa, nhà thờ... Đặt câu hỏi với nghệ nhân Nguyễn Việt Minh về "công nghệ mới", ông bực dọc bày tỏ bức xúc: "Làm gì có chuyện đó. Trước đây bí quyết truyền đời nghệ thuật đánh bóng đá là dùng sáp nung chảy. Mấy năm gần đây thương nhân Đài Loan sang đây đặt hàng, rồi bày cho thợ dùng axít trộn nước để mài mòn và đánh bóng. Làm những bức tượng lớn như vậy, trước đây mất rất nhiều thời
gian, nhưng nay rút lại còn khoảng 1/3. Người thợ đỡ nặng nhọc hơn, ít mất thời gian nhưng môi trường ô nhiễm không thể tưởng tượng nổi". Nói rồi ông bước ra vườn sau, vục gầu xuống giếng mang nước vào cho xem. Một dung dịch lờ lợ, đục ngầu xộc mùi tanh lên mũi. Ông Minh cho biết nước bị đục, có mùi từ khi cả làng nghề dùng axít để mài đá. Hiện mỗi ngày ông phải tốn cả chục nghìn để mua nước sử dụng cho ăn uống, tắm giặt. Quá bước vào bất kỳ xưởng chế tác đá nào, cũng đều nhận ra mùi axít nồng nặc lẫn trong không gian. Người thợ dùng axít đổ trực tiếp vào đá cùng một lúc với công đoạn mài phá, mài nhẵn bằng máy. Nước văng tứ tung rồi chảy theo dòng ngấm thẳng vào lòng đất. Chị Lệ, một chủ cơ sở, đồng thời trực tiếp sản xuất, đưa bàn tay trầy xước cho xem rồi bảo: "Đeo găng, nhưng cũng không tránh khỏi tiếp xúc trực tiếp. Da tay bị ăn mòn, ngứa ngáy lắm. Nhưng được cái đỡ công làm, nhanh ra sản phẩm, hình thức lại bóng đẹp". Hiện nay, tác động trực tiếp của axít đối với làng nghề đá Non Nước - Đà Nẵng được nhìn thấy bằng mắt thường, đó là nguồn nước giếng đang bị ô nhiễm trầm trọng; hiện tượng đá hoá nền đất và dị ứng da trên người khi tiếp xúc. Qua khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường Đà Nẵng thì chưa có cơ sở sản xuất nào tại đây có hệ thống xử lý chất thải và đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào của các cơ quan chức năng khẳng định hợp chất axít + nước + đá hoa cương ngấm vào lòng đất vô tư như vậy tác hại đến mức độ nào. Một thống kê "bỏ túi" của chính quyền địa phương cho biết, có 6 điểm bán axít ở phường Hoà Hải, mỗi tháng xuất cho các cơ sở sản xuất điêu khắc đá khoảng 600 lít. Như vậy ước tính mỗi năm có đến hơn 7 tấn axít thẩm thấu vào lòng đất và hệ thống nước ngầm, trong khi đó, 100% số dân ở đây hiện sử dụng nguồn giếng đào hoặc đóng tại chỗ. UBND phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã phản ánh tình trạng môi trường ô nhiễm này lên quận, quận cũng có phương án đề xuất với thành phố cho quy hoạch làng nghề điêu khắc đá. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn chưa đến đâu. Ông Trần Văn Huệ, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Ngũ Hành Sơn cho hay, trước đây, UBND TP Đà Nẵng có phê duyệt quy hoạch xây dựng làng đá mỹ nghệ Non Nước. Nếu dự án này được triển khai nhanh thì tất cả các bà con làm nghề sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ sẽ được đưa vào làng nghề nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Cách đây 2 năm, địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra, giải toả để xây dựng làng nghề. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách gặp khó khăn nên đến nay, việc xây dựng làng đá mỹ nghệ Non Nước theo quy họach vẫn chưa triển khai. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản yêu cầu các hộ sản xuất - kinh doanh đá mỹ nghệ không được sử dụng axít để làm phương tiện chế tác và ra "tối hậu thư" tháng 7 này sẽ đóng cửa nếu ai vi phạm. Đồng thời, chính quyền thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng có biện pháp hướng dẫn người dân xây dựng hệ thống xử lý. Hỏi về vấn đề này, một cán bộ phụ trách dự án môi trường làng nghề quận Ngũ Hành Sơn cho biết thêm: "Chúng tôi đã có hướng dẫn tạm thời cho bà con hệ thống xử lý nước thải lẫn axít trong quá trình sản xuất. Dự kiến sẽ có 3 hộ thí điểm, nhưng chi phí khoảng 10 triệu đồng/hệ thống, nên chưa ai làm". Ngày "đóng cửa" đã cận kề, nhưng xem chừng không mấy ai ở làng nghề đá Non Nước ngừng sử dụng axít và cũng không người thợ nào có ý định bỏ nghề. Bởi lẽ cho đến nay các cơ quan chức
năng cũng gần như "án binh bất động" vì nhiều lý do, trong đó không thuyết phục nổi người dân hiểu biết đầy đủ hơn về mối nguy hại để hợp tác xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nhưng suốt 7 năm qua, sự kiện ô nhiễm axít tại làng nghề Non Nước cũng đã không ít lần được cảnh báo, nhưng yếu tố quan trọng nhất là đánh giá tác động môi trường với sức khoẻ người dân trong khu vực ô nhiễm thì chưa cơ quan nào chịu làm. Nhiều người nói rằng, 7-8 năm hít thở, ăn uống, gội rửa với axít mà có thấy ai "bị chi mô".