Nh÷ng truyÖn ng¾n nµy ®îc nhÆt nh¹nh tõ nhiÒu nguån kh¸c nhau, cã truyÖn ®äc trªn b¸o, cã truyÖn b¹n göi, cã truyÖn tù dng t×m l¹i ®îc trong ®èng file cña m×nh. TÊt c¶ ®Òu viÕt vÒ t×nh yªu, mét chót g× ®ã l·ng ®·ng, m¬ hå nh kh«ng cã thùc mµ l¹i vÉn rÊt thùc. Hay ®ã lµ c¸i ngêi ta mong chê ë t×nh yªu nhØ? Còng l¹, rÊt nhiÒu chuyÖn nh©n vËt chÝnh xng “t«i” lµ nam nhng t¸c gi¶ l¹i lµ n÷. Cã lÏ hä tù hãa th©n ®Ó thÓ hiÖn ®iÒu hä ®i t×m nhng kh«ng thÊy ®îc ngoµi ®êi thùc. Mét h«m chat víi Suba nghe em ph¸n mét c©u “®µn «ng b©y giê tÇm thêng l¾m” lµm chÞ Thñy suýt ph× cêi. Con bÐ thµnh ngêi lín tù bao giê…
Con gái xứ Đoài Phạm Thị Phong Lan Mùa đông. Căn phòng em ở cùng mấy người bạn trên tầng năm có cửa sổ mở ra phía đường Âu Cơ luôn hắt ra quầng ánh sáng nhỏ nhoi của chiếc đèn bàn. Em chưa bao giờ mời tôi tới chơi, chỉ tình cờ mà biết được. Mỗi lần qua con đường đó, có một lực hút vô hình kéo tôi hướng về phía ô cửa sổ lẻ loi của cả dãy nhà im ỉm tối. Đứng lại bên lề đường, đốt thuốc và mong đến cháy lòng em bất chợt hiện ra… Rồi lại cười mình ngớ ngẩn. 30 tuổi, tôi chẳng còn nhiều thời gian cho những mơ mộng. Vả lại, biết ý nghĩ này, em sẽ bĩu môi xì ra một câu: “ Sến…!” . Em đi làm báo, làm thơ, đôi khi làm cả những điều khiến người khác… phát điên lên, lại luôn dị ứng với “ phạm trù” tán tỉnh. Gặp nhau buổi sáng thì đen nóng không đường. Lối nói chuyện tự nhiên, các khái niệm được phân định rành rẽ đến bất ngờ, ngôn từ chính xác ngay cả khi… Chệch ra khỏi chuẩn mực. Với người mới quen, luôn có một khoảng cách rất dễ gây tò mò. Anh lên vùng quê em bao giờ chưa nhỉ? Chưa. Không có ai mời. Không xa, nhưng nghèo và buồn lắm – giọng em chùng lại, nét hồn nhiên biến mất. Tôi muốn nắm lấy hai bàn tay nhỏ đang vẽ những vòng tròn vô thức trên bàn. Em chợt ngẩng lên: Phải tạm biệt nhau rồi. Chiều nay em lên núi… Khi chuẩn bị về quê, em vẫn chào tôi câu đó. Quàng lại chiếc khăn màu rêu đá, em xòe hai bàn tay đeo găng, thì thào vẻ bí mật: “ Trên đó lạnh đến mức người ta không dám cầm tay nhau cơ đấy!…”. Rồi cười giòn tan. Hai ngày cuối tuần chẳng làm được gì nhưng luôn có cảm giác bận bịu. Từ chối mấy cuộc nhậu nhẹt của đám bạn độc thân, tôi loay hoay dắt xe ra đường rồi lại vòng về. Di động tắt. Đã về nhà là em muốn dành hết thời gian cho gia đình, không liên lạc với bất kỳ ai.
Tin nhắn của Hằng: “ Mình qua đón em đi đám cưới con Uyên, nhà hàng Vạn Tuế” . Hằng bắt đầu đổi lối xưng hô từ hôm bố mẹ tôi chính thức qua lại bên đó. Mới đầu nghe cũng ngồ ngộ, nhưng rồi lại thấy khó chịu với cái vẻ sở hữu lộ liễu của cô nàng. Bài lên nhiều đồng nghĩa với việc em ít có mặt ở thành phố. Gọi cho em, nghe tiếng gió đưa trên tóc rối và những làn điệu lới lơ xa gần. “Bao giờ em về?” “Em chưa biết” . Tôi chợt khó chịu: “ Sao không phải là chiều nay?” . Vài giây im lặng trôi qua. Tiếng tắt máy mang âm thanh của chốt cửa được bấm từ phía trong mà kẻ đứng ngoài là… lòng tự ái của tôi. Chưa có cô gái nào dám thờ ơ với tôi sau lần gặp thứ hai, kể cả Hằng nổi tiếng kiêu sa và đỏng đảnh trước hàng chục đối tượng khác. Em bất ngờ ngồi đối diện tôi ngay khi trở về. Rõ ràng là không hề xinh đẹp, cũng không hẳn dịu dàng, vậy mà những ý nghĩ là lạ về cô bé này không dứt ra được. Em say sưa kể về nỗi niềm của các liền anh, liền chị Kinh Bắc, về những ước hẹn sau xa… Chợt dừng lại: Anh đang muốn điều gì nhất? Ý nghĩ bị bắt quả tang, tôi không giấu giếm nữa: Muốn được ôm em Như một thói quen hay một nhu cầu? – Có chút gì cay cay trong giọng nói. Tôi lắc đầu. Thì ra em chỉ xem tôi như một gã chơi bời. Dễ hiểu thôi, lần đầu tiên nhìn thấy nhau, tôi đang thao thao bất tuyệt với mấy thằng bạn ở quán bia; những lần bắt gặp tiếp theo nếu không ở cửa bia club thì cũng là một nhà hàng nào đó. Em là con gái xứ Đoài, sắc sảo, khôn khéo vừa đủ để người ta không quên được mình. Nhưng muốn tiến lại gần hơn, tôi phải vòng vèo qua bao nhiều lối “ phòng vệ” của một người đã trót đi nhiều, biết nhiều, được nhiều mà hình như cũng mất mát quá nhiều. Nếu quên được đôi mắt thỉnh thoảng bỗng trở nên xa xăm đó, thằng đàn ông biết tận dụng thế mạnh như tôi đã không ngần ngại tìm cách đạt bằng được điều mình muốn. Uống với anh một ly cho ấm! – Tôi thành thật đề nghị. Thành ly chạm nhau vang lên thứ âm điệu gần gũi. Các đấu sĩ Hy Lạp xa xưa trước khi vào cuộc quyết đầu vẫn thường chạm ly để bày tỏ lòng trung thực và tinh thần thượng võ. Tôi cũng đang bắt đầu cuộc chiến với nỗi nghi ngờ mọi thứ của cô nhóc bướng bỉnh, cực đoan này. Tặng anh một món quà nhỏ – Em mở túi, đặt vào tay tôi chiếc phong bì có họa tiết lạ mắt. Tôi hơi giật mình rút tay lại:
Gì thế? Không biết có phải vì men rượu làm má em bỗng dưng đỏ bừng: Anh mang về, mở ra nếu không thích vẫn có thể trả lại em. Trên đường về, nhìn những chậu mai, đào, quất cảnh im lìm cam chịu dưới tấm bạt che mưa, em bảo mai về quê sẽ cùng mấy đứa em lên núi chặt cành đào đón Tết. Giọng em háo hức: Anh biết không? Hoa mang về từ núi luôn có một vẻ đẹp rất lạ, vừa giản dị vừa hoang sơ bí ẩn. Em mang tên một loài hoa trong rừng, chỉ rực rỡ nhất vào lúc qua cơn mưa gió tơi bời. Có lẽ vì thế mà đã ra phố phường gần chục năm, em vẫn ngơ ngác, lạ lẫm trước những bon chen, giành giật. Tôi chưa bao giờ đọc truyện ngắn từ một bản thảo viết tay. Nét chữ nghiêng nghiêng đều đặn, không cầu kỳ ngay cả những chữ viết hoa. Viết cho tôi, chuyện một gã trai làng ra phố, nhờ may mắn mà có được chút nể nang của họ hàng, bè bạn vả cả của người thành phố, vẫn không trốn khỏi cảm giác chông chênh mỗi lúc còn lại một mình. Ở trang cuối, có thêm một dòng trong ngoặc đơn: “ Đọc chơi thôi. Đừng vì bất cứ chi tiết nào mà hiểu khác đi, sống khác đi. OK?” . Em lúc nào cũng thế, kéo người ta lại thật gần nhưng rồi lại đẩy ra xa ngay được. Sinh nhật em. Tôi ra được đến vùng phủ sóng thì đã quá nửa đêm. “ Em chưa ngủ. Nhưng muộn rồi…” Nói nhỏ và nhanh, chắc vẫn đang ngồi viết “ Anh là người duy nhất nhớ ngày của em, ngoài mẹ”. Không giận dỗi, không một lời trách móc, cứ nhỏ nhẹ gói kín nỗi buồn lại, giấu thật sâu dưới những nói cười tự nhiên, sôi nổi. Tôi giận mình. Buồn đến đắng ngắt cổ họng. Không nói thì em cũng hiểu làm nghề xây dựng, thời gian của tôi luôn bị cắt vụn bởi những cuộc gặp gỡ, kí kết, những chuyến đi bất thường tới công trình ở xa. Ban đầu, tôi háo hức săn tìm từng dự án lớn nhỏ, luôn tự hào trước những đồng nghiệp phải chơi dài. Dần dần, công việc bắt đầu vào guồng quay thì tôi lại trở thành kẻ bị săn đuổi, không còn tìm được chỗ để dừng lại. Nhớ phát điên cũng chỉ có điện thoại, em đều đặn trả lời hầu hết các cuộc gọi và tin nhắn của tôi, dù rất bận rộn. Đầu mùa hè, mấy công trình phục vụ du lịch phải hoàn thiện gấp. Công trường nắng cháy da, mồ hôi bết vào với bụi, đầu tóc ngứa ran vì nóng bức. Buổi chiều, cơn dông đột ngột kéo đến, đám thợ nề hối hả thu dọn đồ đạc. Mưa xối xả trút xuống mái nhà bạt, gió rung từng chập những muốn nuốt chửng cái nhà tạm này. Bữa cơm tối ướt nhèm nhẹp, mấy anh em trệu trạo ngồi nhai hạt chín lẫn vào hạt sống. Đám thợ đang uể oải bỗng náo nức hẳn lên sau khi nghe dự báo thời tiết, tôi cho nghỉ hai ngày chờ mưa tạnh.
Vứt chiếc ba lô bám đầy bụi đỏ vào góc phòng, tống mấy bộ quần áo bẩn vào máy giặt, tôi nằm dài trên giường, dãy số thân thuộc nhảy nhót trên bàn phím. Cửa xịch mở, là Hằng. Lúc tôi vừa về, mẹ đã thông báo Hằng sang ăn tối, đợi tôi về để đi thăm bà ngoại. Mùi mỹ phẩm đắt tiền chiếm lĩnh toàn bộ căn phòng, những móng tay được tỉa tót kỹ lưỡng lùa dần vào tóc tôi: “ Mình có mệt lắm không?”. Nỗi bực dọc trào lên, tôi bật dậy bỏ vào nhà tắm. Nước lạnh giúp tâm trí bình tĩnh lại. Chợt nghe tiếng Hằng dọa nạt, sỉ mắng ai đó rất ngoa ngoắt. “ Cô làm cái trò gì đấy?” Mặt Hằng đỏ phừng lên: “ Làm phận sự của một người vợ bảo vệ hạnh phúc cho chồng mình” . Thật lố bịch hết mức! Tôi giận dữ giật lại điện thoại của mình. Dãy số trên màn hình tắt lịm. Gọi lại một lần, hai lần, ba lần… Tôi lao ra đường, bỏ lại đằng sau nỗi bất lực của mẹ và sự hậm hực của Hằng. Lần đầu tiên tôi leo hết năm tầng cầu thang để chạy đến căn phòng của em. Túi xách, điện thoại còn đặt trên bàn, xấp bản thảo rơi ụp xuống đất. Tôi sục vào tất cả những nơi em từng đến, cả những chỗ em chưa bao giờ kể. Mấy tiếng đồng hồ phập phồng hy vọng rồi lại thất vọng, người tôi rã ra như đám vữa dưới trời mưa. Điện thoại run lên khe khẽ: “ Anh đừng tìm nữa. Sáng mai em lên tàu” . Nụ cười buồn bã, những ngón tay nhỏ bé nắm chặt quai túi, dáng vẻ đơn độc của em giữa sân gia làm tôi tức ngực. Thà rằng em cứ ném vào tôi nỗi căm ghét, khinh bỉ còn hơn em trốn biệt cảm xúc sau sự im lặng đó. Còn một phút. Lẽ nào lại mất nhau phi lý thế này? “ Cho anh một cơ hội nếu em còn lòng tin”. “ Anh cần có sự độc lập để thu xếp mọi chuyện. Em sẽ giữ im lặng trong khoảng thời gian đó…” . Tôi biết mình không thể giữ em lại theo cách vẫn thường làm với những phụ nữ khác. Em sẽ vượt qua dông bão của lòng tôi để trở về, như bông hoa rừng vẫn rực rỡ lên sau mưa gió tơi bời… Mẹ gọi tôi về họp gia đình. Tất cả xoay quanh việc tôi phải sớm làm đám cưới, với Hằng. Một phần để tôi bớt lông bông, phần quan trọng hơn là gắn chặt kết cấu trong quan hệ giữa cửa hàng cung ứng vật tư của bố mẹ Hằng với các công trình xây dựng của tôi. Hằng là con một, trước sau gì cái gia sản kếch xù đó cũng thuộc về tôi. Một phép tính hoàn hảo mà bất kỳ thằng đàn ông thực dụng nào cũng thèm muốn. Đến lúc này tôi mới lờ mờ nhớ lại, hình như tôi chỉ “ yêu” Hằng sau những trận uống mừng trúng thầu. Thói hiếu thắng trong cả thương trường lẫn tình trường đã đẩy tôi lăn sâu vào thứ quan hệ không hề có cảm xúc. Khi muốn dừng lại thì mọi chuyện có phần đi xa hơn tầm kiểm soát. Hằng quá tinh khôn để trói buộc tôi bằng áp lực gia đình.
Những lý do tôi đưa ra để chấm dứt kiểu tình cảm này khiến bố mẹ nổi trận lôi đình. Bố dằn mạnh bát cơm xuống bàn, chỉ thẳng tay vào mặt tôi: “ Quân nghịch tử! Nếu mày muốn bán rẻ danh dự gia đình thì cuốn xéo ngay cho khuất mắt tao!” . Đứa em gái vội vã đi lấy cho mẹ cốc nước lọc cùng hai viên thuốc trợ tim nhỏ xíu… Những hợp đồng vẫn tới tấp bay về, tôi như con diều thuận gió, nghênh ngang chao liệng trong vùng trời kỳ vọng của hai gia đình. Ra khỏi vùng trời đó, tôi sẽ trở về nguyên trạng là một đám giấy vô dụng, thảm thương nằm trơ trên mặt đất. Tôi không hề muốn che đậy điều gì, trước em. Nhưng cũng không thể phơi bày sự thật trần trụi, nghiệt ngã của những toan tính. Bên trong cái vẻ kiêu bạc, tự tin, hơi lành lạnh, tôi cảm nhận được cái phần vị tha, trong sáng, dễ xúc động của con người em. Đối diện với điều đó, tôi bỗng nhận thấy tiền bạc, danh vọng, lòng kiêu hãnh chỉ là những ảo vọng phù phiếm. Tôi phải bứt tung cái sợi dây ràng buộc bấy lâu nay để cất cánh bằng chính sức mình. Một thời gian ngắn nữa, thanh toán hết các hợp đồng, tôi sẽ tách khỏi cái liên minh gia đình quái quỷ này. Dù biết rằng phía trước là những tháng ngày khó khăn, chật vật khi phải bắt đầu từ con số không. Nhưng đó là cuộc sống thực sự để tôi không cảm thấy xấu hổ với em. Cuối thu, những đám mây sẫm lại làm bầu trời trĩu nặng nỗi buồn. Em gọi cho tôi: “ Gặp nhau một lát nhé. Em phải đi ngay” . Quán lạ, nhạc không lời da diết, em xách theo hành lý cho một chuyến đi xa. Em lẳng lặng đưa cho tôi chiếc máy ghi âm nhỏ, công cụ tác nghiệp luôn mang bên mình. Tôi sững người : bằng giọng nói lạnh lẽo nhấn mạnh từng âm tiết, mẹ tôi đã tìm được cách khiến một người quá nhạy cảm và tự trọng như em dừng lại ở ranh giới bà mong muốn. Em im lặng nhìn tôi, đôi mắt của cánh rừng sau cơn lũ quét, trống rỗng đến lạnh người. Tôi bối rối, hốt hoảng y như cái lần trót đánh rơi kỷ vật chiến trường của ông nội xuống lòng giếng sâu hút, đến tận lúc ông mất, tôi vẫn chưa tìm lại được. Em không mang đến cho anh những thứ mọi người nghĩ là anh cần phải có. Vì thế… đừng tiễn em. Một cơn đau trực tiếp xộc thẳng vào ngực, trái tim muốn vỡ nát ra: Anh yêu em. Anh chỉ cần có em thôi. Hai bàn tay nhỏ, mềm mại đặt trong tay tôi. Em cũng thế, rất yêu anh. Nhưng em đã cạn lòng kiên nhẫn để chịu đựng những thử thách. ở lại, em sẽ bị tước đoạt hết cả lòng tự trọng. Lúc đó, anh sẽ mất em thật đấy, Dũng ạ! Giá có thể hét vỡ lồng ngực để chứng tỏ việc mình làm cho em bằng những lời hứa hẹn. Nhưng lời nói nào bây giờ cũng trở nên vô nghĩa. Ngoài cửa, chiếc taxi trắng thành thục cua một đường lượn sát vỉa hè.
Nếu không để em ra đi, sẽ chẳng có sự trở về nào hết. Đi hết mùa thu này là tròn một năm tôi có em. Năm mới của chúng mình sẽ bắt đầu được tính từ mùa thu, đúng không em?
Ngày của gió Phạm Thanh Thúy Một buổi sáng, còn chưa ngủ dậy, tôi đã nghe gió thổi ào ào ngoài cửa sổ. Có lẽ vì có gió nên không gian trở nên lành lạnh, kéo giấc ngủ sâu hơn. Gió vẫn thổi ào ào như thúc giục, như mời gọi. Chợt nhớ sáng phải đưa bố đến thăm người bạn thân của ông, tôi trở dậy. Mở toang cửa sổ, như chỉ chờ có thế, gió ào vào phòng, chạm vào tất cả mọi thứ. Sao hôm nay gió lớn vậy trời! Bước xuống nhà, đã thấy bố tôi đang ngồi nhìn đăm đăm ra ngoài sân. Sân ngập tràn gió và lá vàng của cây dâu da xoan lớn cuộn thành đống ở góc sân. Lá vàng rụng nhiều nghĩa là thu đã đến. Mùa thu đã đến rồi sao? Lại một mùa thu nữa đến rồi sao? Bố! Hôm nay nhiều gió quá bố nhỉ? Ừ! Hôm nay không đến nhà bác Mậu nữa. Ta ra đồng đi. Ơ, ngoài đồng gió to lắm bố ạ. Bố đang yếu mà. Không sao. Ra đồng câu con cá về nấu canh chua. Câu cho vui ấy mà. Nhớ lời dặn của bác sĩ: “Bố cháu muốn gì thì cố chiều lòng” . Tôi khịt khịt mũi, cố xua đuổi một giọt nước mắt đang sắp trào ra. Lui cui chọn cho bố bộ quần áo có thể giảm bớt cái lạnh của ngày gió lớn. Mẹ xuýt xoa: Gió to thế này, hay là ông quàng thêm cái khăn mỏng này vào. Ô hay, bà này lạ nhỉ? Trời hôm nay dự báo nóng 30 độ C mà bà bắt tôi quàng khăn. Nhưng ngoài đồng gió to lắm. Nhỡ sao thì… Bố mỉm cười, tỏ vẻ cảm thông cho nỗi lo lắng của người bạn đã 30 năm chung sống. Được rồi. Bà đưa đây nào. Tôi chở bố ra cánh đồng. Vừa qua cơn lũ. Những ruộng lúa đã mượt xanh, sắp trổ đòng. Giữa cánh đồng là ao cá hơn một mẫu của bác tôi. Mặt ao đang nổi sóng. Sóng vỗ bờ oàm oạp. Bác lật đật chạy ra đỡ lấy bàn tay gầy yếu của bố tôi mà xuýt xoa: Chết, chết. Gió to thế này, cậu ra đây làm gì chứ?
Em ra xin chị con cá. Cậu muốn, tôi mang vào cho cậu, chứ ra đây làm gì. Tôi đứng trên chiếc cầu tre nhỏ bắc từ bờ ra chòi cá giữa ao, nghe bác tâm tình với người em trai đau yếu. Bác rầy la vậy thôi, chứ bác biết bố tôi nhớ gió. Nhớ tiếng sóng nước vỗ bờ cỏ, nhớ cái thênh thang của đất trời. … Nồi canh cá dọn ngay trên chiếc lều ven bờ ao. Bố quay sang tôi cười mủm mỉm: Ly rót cho bố chén rượu đi. Tôi hơi nhăn mặt, không đồng tình. Bố còn sống được bao lâu nữa, mày tiếc gì bố chén rượu. Tôi nhìn bác. Thấy mắt bác đã rơm rớm nước. Cậu có chết cũng không bỏ được rượu – Rồi như không thể kìm lòng hơn nữa bác khóc tu tu. Bố đỡ chén rượu từ tay tôi rồi thủng thẳng: “ Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Chị buồn làm gì. Ly, con cũng uống một chén đi”. Tôi rót cho mình một chén, cho bác một chén rồi cụng ly. Rượu cay nồng trong miệng. Sống mũi cay xè, tôi chống chế – rượu đắng quá bố ạ. Bố lại cười tủm tỉm, mắt lại nhìn xa xăm… Tôi biết uống rượu đã lâu rồi. Từ khi tôi hai mươi tuổi. Nhưng ngụm rượu đầu tiên tôi uống chính là bố đã dạy. Thực ra, hôm đó bố say rượu, bảo tôi và em trai uống. Sợ bố mắng, hai chị em nhắm mắt nhắm mũi uống một chút thứ nước cay nồng mà bố và mọi người ai cũng đã uống. Vì chuyện đó mà mẹ tôi giận bố cả tháng trời. Tôi không giận. Dù sao thì chỉ lúc bố say mới dữ dằn như vậy. Cũng may, tâm hồn tôi mạnh mẽ, chẳng dễ gì bị tổn thương. Tôi lại luôn biết tìm cách cảm thông cho những việc làm của người khác. Tôi nhớ lần đầu tiên cắt tóc con trai, mặc quần áo giống con trai. Lần đầu uống rượu cùng các bạn không có kinh nghiệm, say lử đử… Tất cả những lần đầu tiên ấy tôi đều ngỡ sẽ bị bố đánh đòn, hay chửi cho một trận. Hóa ra lại không phải. Bố chẳng đánh mắng. Chỉ cười như ngầm đưa ra một thông điệp: “ Con cứ làm những gì con muốn” . Mẹ tôi thì phản đối quyết liệt. Mẹ bảo tôi sinh ra là con gái sao tôi không cam lòng, cứ muốn làm con trai làm gì. Và dù tôi có mặc quần áo của em trai, đi đôi Sandal to oành như cái thuyền, tóc ngắn tun hủn thì tôi cũng đâu thể là một đứa con trai. Dù cho mẹ có mắng mỏ, tôi vẫn cứ là đứa ẩm ương như tôi muốn. Mẹ lại quay sang bố “ Ông không sợ nó hư sao?” . Bố lại chỉ cười nửa đùa, nửa thật “ Hư làm sao được. Bà đẻ nó ra mà không biết nó sao. Có đánh chết nó cũng không hư hỏng, mai này biết yêu, lại chẳng điệu bằng mấy”.
Có lẽ bởi sự dung túng của bố mà tôi đã gặp Mắt Lạnh. Để tôi trở thành một cô gái khác hẳn với cả nửa nghìn nữ công nhân ở xưởng may không vì xinh đẹp. Và yêu anh, và được yêu anh. Hôm đá cầu cùng tôi ở sân phân xưởng, anh nhìn tôi chưng hửng: Con gái hả? Và dù tôi có cố làm ra vẻ bề ngoài là một đứa con gái ẩm ương, cá tính, có tham vọng trở thành một chàng trai thì trái tim tôi vẫn đập nhịp đập của trái tim con gái. Tôi và Mắt Lạnh yêu nhau suốt hai năm trời. Cũng hò hẹn, cũng giận hờn, cũng dạo bước dưới trăng sao. Nhưng chưa bao giờ Mắt Lạnh hôn tôi. Môi tôi đôi môi thanh xuân tươi trẻ chưa một lần hôn ấy cũng khát khao biết bao nụ hôn đầu đời. Nhưng sao anh lại không hôn tôi? Vì sao? Vì sao anh không nhận ra mỗi lần gặp anh, môi tôi cũng hồng tươi sức sống vì nắng, vì gió và vì cả thỏi Lipice màu nhiệm. Mỗi lần chúng tôi đối diện nhau, khi hai ánh mắt hòa tan trong nhau. Tôi đã thầm nói, rồi như muốn gào lên: “ Hãy hôn em đi. Hãy hôn em” . Nhưng không… Lũ con gái trong xưởng coi anh là thần tượng. Là hoàng tử lạc lối vào vương quốc những thiếu nữ đồng trinh vì thế. Chúng chẳng thú vị gì với tôi. Một dạo, chúng kháo nhau: “ Anh Vũ yêu cái Ly, khác gì yêu một thằng em trai. Nó như đàn ông thế ai mà chịu được”. Tôi về nằm khóc một đêm trên gác trọ. Hóa ra tôi là một đứa con trai trong mắt mọi người cơ mà cũng tại tôi tự rũ bỏ đứa con gái trong mình đấy chứ. Lĩnh lương tôi ra chợ khuân về mấy cái áo chiết ly và rộng cổ. Mua thêm một thỏi Lipice. Tháng đó, tôi không cắt tóc. Bỏ đôi giày thể thao vào xó. Tôi đi giày cao gót đến xưởng. Mắt Lạnh nhìn tôi kinh ngạc “ Em sao vậy? Sao lại như thế?”. “ Anh không thích em nữ tính sao?” . Mắt Lạnh ngập ngừng: “ Không phải… nhưng… em thay đổi thế có khác gì hàng trăm nữ công nhân khác. Anh làm sao tìm thấy em nếu em lẫn vào họ…” . “ Anh làm sao thế? Rút cuộc thì anh có vấn đề gì ở não phải không?” – Tôi đã muốn gào lên với anh như thế. Tôi đã muốn khóc. Mà tôi lại không khóc. Tôi cũng im lặng. Khi tôi đã trở lại là một cô gái như tôi sinh ra vốn thế. Tóc tôi dài mượt, má tôi ửng hồng, đi đứng nhẹ nhàng thì Mắt Lạnh bị bắt, bị kết án tù vì tội tổ chức gây rối. Hóa ra Mắt Lạnh là dân xã hội đen mà tôi không hề hay biết. Anh hư hỏng, anh ngông cuồng. ừ thì là như thế? Nhưng sao anh lại buông tha tôi? Sao anh không biến tôi thành tay chân của anh, ngông cuồng phá phách. Cầm dao búa đi đòi nợ thuê? Anh có yêu em không? Mắt Lạnh quay đi, tránh cái nhìn đầy tuyệt vọng của tôi. Ly, anh xin lỗi. Anh rất quý em, nhưng…
Vì sao anh lại không yêu em? Vì sao? Vì em là một cô gái ngoan. Ơ hay! Sao người đời lại lạ vậy kìa? Có tin được hay không nhỉ? Một cô gái bị từ chối tình yêu chỉ vì cô ấy không hư. Nếu em là cô gái hư thì anh có yêu em không? Ly ạ, em quên anh đi. Hãy tìm một người ngoan như em để yêu. Hôm đó trời cũng rất nhiều gió. Hôm đó cũng là một ngày chớm thu. Tôi biết uống rượu thực sự từ khi ấy. Thú thực, là tôi rất muốn mình hư hỏng, đua đòi, biết rượu chè, cờ bạc, biết mặc những thứ quần áo mà đứa con gái ngoan không bao giờ dám chạm tới. Bố mẹ nhận ra tất cả bằng linh cảm thiên phú dành cho các bậc sinh thành và bố mẹ chắc sẽ cười ngất mất nếu biết tôi thất tình chỉ vì ngoan ngoãn, sáng trong, dù vẻ bề ngoài cũng không thể thay đổi bản chất. Bố nói đúng. Cuối cùng thì tôi cũng không trở thành một cô gái hư, không dám hư. Tôi vẫn ngày ngày đi làm sau khi đã chải mái tóc dài mượt, mặc những bộ quần áo dịu dàng nữ tính, tôi chỉ biết uống rượu thôi, nhưng cũng không bao giờ dám uống đến say không biết trời biết đất. Năm tháng cứ qua đi, nhưng hình như tôi luôn nhớ về Mắt Lạnh. Một lần bố bảo tôi: “ Mối tình đầu đẹp, nhưng cũng dễ đi qua. Như ngày xưa ấy. Ngày xưa bố cũng yêu một người. Nhưng không hiểu sao lại tan vỡ. Bố lại gặp một vài người nữa cho đến một hôm mẹ con tay xách hai thùng đi lấy nước. Nhảy chân sáo xuống các bậc thềm và hát vang: “ Em ơi vút lên một tiếng đàn” thì bố ló đầu ra khỏi phòng và tự hỏi: Ai thế nhỉ? Ai mà xinh xắn và có giọng hát trong trẻo thế kia. Và thế là yêu nhau, và ăn đời ở kiếp. Chỉ tiếc là bố không thể cùng sống đến khi mẹ con cũng đầu bạc răng long” . Bố bị ung thư phổi, gan, dạ dày… tất cả các bệnh như chỉ chờ cùng lúc xuất hiện khi cơ thể suy yếu. Bác sĩ ái ngại hỏi: “ Trước đây bác có chiến đấu ở vùng nhiễm chất độc da cam không?” . Bố thở dài: “ Có hành quân qua” . Bác sĩ lại bảo: “ Sao bác không làm hồ sơ xin hưởng chế độ?” . Có chứ sao không, bố có làm hồ sơ, mà làm đi làm lại, làm tái làm hồi. Nhưng người ta cứ lắc đầu quầy quậy, bảo: “ Bác thiếu cái này, bác thiếu thứ kia”. Mà tất cả những năm tháng chiến đấu người lính chỉ được công nhận trong những tờ giấy nhỏ, toen hoẻn như bàn tay đứa trẻ lên ba. Đã úa màu theo năm tháng. Chỉ một lần bị tên bất lương móc trộm cả tiền lẫn giấy tờ trên xe đò.
Thế là mất tất cả: Quá khứ, chiến công, hy sinh. Tất cả như biến vào sương mù. Không ít người ngứa miệng kháo nhau: “ Có da cam da kiếc gì đâu. Mấy đứa con, đứa nào cũng lành lặn, hồng hào, đẹp đẽ, dị tật gì đâu. Chẳng qua là chạy giấy tờ để hưởng chế độ” . Bố không phải là không nghe thấy. Nhưng bố cũng chẳng buồn. Mỗi lần tôi đem giấy tờ chạy lên chạy xuống phòng Thương binh xã hội, bố lại động viên: “ Thôi, con cứ làm đi, được thì được, chả được thì thôi. Dù sao bố cũng đã sống gần hết đời người rồi. Đắng cay ngọt bùi trên đời cũng từng nếm trải. Bố chẳng tiếc gì, chỉ thương con vẫn lận đận tình duyên… Con gái mà mạnh mẽ quá cũng không tốt” . Bố chẳng hy vọng gì ở sự bù đắp mong manh mà cái chất độc da cam thảm khốc năm nào đã gieo xuống từng tấc đất, từng khe nước của Trường Sơn hùng vĩ. Mà suy cho cùng, có sự bù đắp nào cho vơi đi được những mất mát cơ chứ. Mẹ tôi khóc quá trời. Bố an ủi: “Bà đừng sợ, tôi không bị da cam đâu, già rồi sinh bệnh đấy chứ?”. Bố vẫn đòi uống rượu. Bố bảo cả cuộc đời bố chưa từng làm gì xấu, chưa từng cờ bạc, trai gái, chưa từng buôn gian bán lận, lừa dối ai. Chỉ duy có rượu là không bỏ được. Rượu như ngấm vào máu vào thịt, cứ như không có nó, bố không thể duy trì sự sống. Tôi cũng thường hay ngồi tiếp rượu bố vào những khi cả hai bố con đều có nhiều tâm sự trong lòng. Một hôm, bố hỏi “ Giả sử bây giờ thằng Vũ có quay lại tìm con, con có tha thứ cho nó không?” . “ Bố à, chuyện cũ đã qua lâu rồi. Con đâu còn nhớ nữa, tha thứ hay không liệu có ích gì đâu ạ” . Phải rồi, tôi không còn nhớ Mắt Lạnh dù tôi đã từng yêu anh. Mối tình đầu đã đi qua 8 năm rồi. Tôi đã yêu người khác. Người ấy đã hôn tôi. Tôi không còn khao khát nụ hôn như ngày xưa tôi đã từng khao khát, mà nhiều khi, nụ hôn còn làm tôi cảm thấy chán ngắt vô cảm. Nhưng mà có thật là tôi đã quên anh không nhỉ khi mà mỗi lúc nhớ đến anh, lòng tôi chỉ một nỗi buồn tê tái? Đến khi tôi xem phim Fan Fan tôi mới biết vì sao ngày xưa Mắt Lạnh không bao giờ hôn tôi. Có phải anh đã nghĩ như Alexander: “ Chỉ yêu ở trong tim, không có nụ hôn, không va chạm. Vì như thế tình yêu mới là vĩnh viễn. Tại sao khi người ta yêu lại cứ phải hôn nhau, để rồi tất cả lại kết thúc như bao cuộc tình khác?” . Tôi không phải là Fan Fan và anh cũng không phải là Alexander. Vậy tại sao anh lại làm như thế? Tôi đã khóc. Nước mắt của tôi mãi sau nhiều năm mới tuôn chảy, kể từ khi tôi nhận được bức thư mà Mắt Lạnh viết khi còn ở trong tù: “ Ly ơi, em có tin không? Em là cô gái duy nhất trên đời anh không thể làm tổn thương. Bởi vì anh yêu em hơn tất cả trên đời…”. Ngày ấy. Sao tôi lại không tin anh nhỉ? Sao tôi lại không khóc, sao tôi lại không tự hỏi vì sao? Và vì sao tôi lại đốt bức thư ấy đi, để nó trở nên một nhúm tro tàn? Đến khi tôi có thể khóc, đến khi tôi muốn nhào đến ôm lấy anh và hôn anh, nụ hôn đầu đời.
Nhưng đã muộn mất rồi. Tôi đã hôn người khác. Tôi đã nhận nụ hôn chẳng thiêng liêng, chẳng ngọt ngào thi vị như tôi đã từng tưởng tượng. Bao nhiêu năm qua, tôi cũng từng nghe nói về Mắt Lạnh. Nghe nói anh đã ra tù, rồi lại vào tù. Rồi lại ra tù. Bây giờ anh đang ở nơi đâu? Tôi đã chờ đợi anh mà sao anh không quay trở lại? Bố tôi mất vào một ngày lặng gió. Gió đã biến đi như thể chúng đã thổi hết mình cho một ngày đã qua. Tôi không khóc được nhiều. Trước mặt thiên hạ, tôi không thể gào lên, lăn lộn, vật vã như biết bao đám ma khác. Người ta chạy đến hét vào mặt tôi: “ Em gọi bố đi. Gọi bố em đi” . Nhưng tôi không gào lên được. Nước mắt đã chảy sâu vào trong tim. Tôi lặng ngắm gương mặt bố tôi lần cuối cùng. Gương mặt bố hiền lành, nhân hậu biết bao. “ Bố ạ, con gái của bố rất can đảm và mạnh mẽ phải không bố?” … Đêm ấy. Trời đầy sao. Cả một bầu trời sao cùng lấp lánh, lấp lánh… Có lẽ linh hồn của bố tôi đã là một trong vô vàn vì sao ấy. “ Đêm nay sao nháy. Ngày mai trời trở gió… Sẽ lại có một ngày gió lồng lộng thổi” .
Cupid ơi, đừ ng khóc! Phương Trinh Con thuyền tan nát sau bão dữ. Nhưng vài thủy thủ và hành khách được một ngọn sóng cứu sinh. Họ được đẩy đến một hòn đảo nhỏ. Thiên tỉnh dậy khi xung quanh là bóng đêm đặc quánh, đôi môi bong ra, nứt nẻ. Anh cảm thấy mình thiếu ran khắp người một cái gì đó... Anh cố trỗi dậy, người bã bời, khô khốc đến nỗi không thể đi nên đành trườn trong bóng đêm. Một đòi hỏi bức bách lại dậy lên trong khi đầu óc anh còn chưa nhận ra mình đang thiếu cái gì nhất. Thiên trườn đi vài phân thì dừng hẳn lại. Trong cái màn mờ đục hiện ra trước mắt anh, nước ngọt mát lành, lấp lánh, nước ngọt dâng trào dấp dính môi Thiên. Nước! Anh cần nước! Phải đến lúc lạc giữa một hòn đảo khô kiệt, Thiên mới hiểu nước cần cho con người đến thế nào. Nhưng ở đây không có nước ngọt. Nước ngọt chỉ chập chờn nhảy múa trong cơn mê mê tỉnh tỉnh của anh, nước ngọt mang hình đôi cánh tay nuột nà. Nước ngọt ôm choàng lấy anh, vỗ về, âu yếm, nước ngọt rũ mềm trên ngực anh. Nước ngọt mang gương mặt của một người con gái. Anh mơ màng: “ Ân ơi... Ân...” . Lê Na choàng tỉnh sau giấc mơ kỳ lạ, người lạnh ngắt. Cả tuần nay cô luôn cảm thấy lo lắng khi nghĩ về Thiên. Thiên gặp Lê Na sau khi chia tay bạn gái, việc làm gặp bất trắc còn chính Lê Na cũng có nhiều phiền muộn. Họ đã chia sẻ với nhau những tháng ngày khó khăn, buồn bã ấy. Có ai đó nói rằng tình yêu luôn đến vào lúc con người ít để ý nhất. Nhân loại cho rằng thần Tình yêu bị mù, nhưng thật ra, đôi mắt Cupid vẫn sáng. Câu chuyện bắt đầu khi Cupid, có lẽ sau một giấc say nồng, mơ màng chộp lấy mũi tên đề tên Thiên và buông cung bắn vào trái tim Lê Na. Lúc đường sự nghiệp của Thiên trở nên hanh thông hơn cũng là lúc Lê Na cảm thấy không chỉ muốn xem Thiên là bạn. Một lần, Thiên gởi offline cho cô một bài hát, trong đó có câu: “ Em có chờ tôi mãi không”. Quá nhạy cảm, Lê Na ngỡ đó là lời ước hẹn kín đáo. Cô quyết định nói cho Thiên biết rằng cô sẽ chờ Thiên. Thiên bối rối bảo Lê Na đã hiểu lầm rồi, bạn bè gởi cho anh một trang web thú vị và anh gởi cho cô mà không hề biết nội dung. Trong lòng anh, Lê Na chỉ là một người bạn. Sau cuộc nói chuyện ấy, Thiên nhắn tin cho cô: “ Hãy cười lên vì cuộc sống luôn cần nụ cười của những người bạn thân”. Cô hồi đáp: “ Ngủ ngon và ngày mai đi làm tốt nhé”. Nhưng đêm hôm ấy Lê Na thức trắng, nước mắt chảy ròng ròng dù cô không khóc.
Cả tháng nay, hai người chưa gặp lại nhau. Giấc mộng này làm Lê Na bàng hoàng, nó khiến cô tin chắc rằng Thiên đang gặp hiểm nguy. Cô nhìn lên đồng hồ. 2 giờ khuya. Chắc vẫn còn ai đó thức chứ. Đầu tiên, cô gọi cho Thiên. Những ngón tay cô run rẩy. Cô biết nói gì đây nếu Thiên vẫn bình yên và nửa đêm, cô gọi đến phá rối giấc ngủ của anh? Nhưng cô sẽ rất lo âu nếu không liên lạc được. Khi con số cuối cùng được ấn xong, máy báo số điện thoại hiện không liên lạc được. Cô sững người, rồi lục tìm tên những người bạn của anh. Cuối cùng cũng có người bắt máy. Cô kể ác mộng về Thiên và linh cảm mách bảo giấc mơ ấy là sự thật. Người bạn khuyên cô bình tâm, ít nhất thì hãy chờ đến sáng, đồng thời xác nhận rằng Thiên có đi tàu và hỏi han: “ Trong giấc mơ, em có nghe ai nói gì không?”. Nói ư? Có! Thiên tha thiết gọi tên một người: Ân. Người bạn bảo: “ Bạn gái cũ của Thiên, em không biết à?” . Cô nài anh cho cô số điện thoại cơ quan Thiên vì hẳn là có người trực. Sau khi quay số và hỏi thăm, cô được biết lẽ ra Thiên phải về cơ quan từ hai hôm trước, nhưng đến bây giờ anh vẫn bặt tin. Cô kể về giấc mơ của mình và van xin người trực liên hệ với chuyến tàu mà Thiên đi. Ông ấy tỏ ra rất cảm thông với cô nhưng đành hẹn sáng mai vì bây giờ có thể mọi người còn đang ngủ. Cô không biết làm gì khác ngoài cúp máy. Đồng hồ chỉ hơn 3 giờ sáng. Hôm sau, Lê Na vẫn đi làm. Cô không thể tập trung làm việc đến nỗi trưởng phòng phải đập bàn quát lên với cô, điều chưa từng xảy ra trước đây. Vừa lúc đó Lê Na có điện thoại. Đó là cuộc gọi từ công ty Thiên. Cô nhấc máy lên và nhận một tin sét đánh. Con thuyền chở Thiên gặp bão. Nhiều người qua đời và bị thương, vài người sống sót. Số khác mất tích. Thiên nằm trong số mất tích và những nhân viên cứu hộ đang ra sức tìm những người còn lạc giữa đại dương. Lê Na xin phép nghỉ ngày hôm ấy. Trưởng phòng không hiểu chuyện gì xảy đến với cô, bà tức giận đến nỗi hét ầm: “ Được, cô cứ nghỉ đi, và hãy nghỉ luôn đi nhé!”. Cô không quan tâm đến câu nói đó. Điều cô quan tâm bây giờ là được đi cùng những người cứu hộ để tìm Thiên. Cô nghĩ mình sẽ kể cho họ nghe giấc mơ và thuyết phục họ. Trước khi lên đường thực hiện ý định của mình, cô chợt nhớ một người: Ân. Thiên sẽ thất vọng biết bao nếu gương mặt đầu tiên anh nhìn thấy sau khi hồi tỉnh không phải là người anh thiết tha mong mỏi. Lê Na tiếp tục gọi điện cho những người bạn của Thiên để hỏi về Ân. Cuối cùng cô cũng tìm được địa chỉ của cô gái ấy. Lê Na gặp Ân ngay tại nhà cô ấy. Ân đẹp, dịu dàng. Ngày trước, Thiên và Ân chia tay vì cảm thấy không còn hòa hợp nữa. Thế nhưng, trong giấc mơ hôm ấy, anh đã tha thiết gọi tên cô. Lê Na kể với Ân về tình hình của Thiên, cô nhận thấy nét xúc động trên gương mặt người con gái ấy. Cô nói: Tôi xin lỗi nếu giờ cô đã có bạn trai mới bởi yêu cầu của tôi rất quá đáng. Tôi muốn cô cùng đi tìm anh ấy... ý tôi là... nếu cô còn thương... hay còn nghĩ đến chút tình xưa... Ân trả lời: Nếu chị dám bỏ tất cả để đi tìm anh ấy, thì tại sao tôi lại không thể? Tôi là người yêu của anh ấy mà. Và hai người phụ nữ ra đi. Trên chuyến tàu cứu hộ, Hồng Ân mới hỏi Lê Na về mối quan hệ của Na và Thiên. Lê Na đáp:
Tôi sẽ nói thật lòng. Sau những tháng ngày cùng anh ấy chia sẻ những buồn vui, sau khi nhận ra những ưu điểm và khuyết điểm của anh ấy, tôi muốn anh ấy trở thành bạn... suốt đời... Bạn đời mới thật lòng chứ. Cô nói đúng. Nhưng anh ấy chỉ xem tôi là bạn thân, một người có thể chia sẻ cùng anh những vui buồn, thế thôi. Trong giấc mơ của tôi, anh ấy gọi tên cô mà. Lê Na không nói nữa, hay nói đúng hơn là không thể nói nữa. Cô bỗng hình dung cảnh mình tìm được Thiên và Thiên sẽ ôm Ân trong vòng tay nóng bỏng mà cảm thấy tim mình đau nhói. Ân đi đến bên cô, nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô: Anh ấy rất hạnh phúc vì có một người bạn như chị. Lê Na động đậy vai, như chối bỏ cử chỉ thân thiện ấy. Cô cố giữ cho giọng nói dễ nghe nhưng không thể: Anh ấy chưa từng nghĩ thế bao giờ. Cô không thể hiểu anh ấy. Cô đã không nằm mơ thấy anh ấy, mà chính là tôi. Khi nói xong câu đó, Lê Na nhanh chóng nhận ra mình ứng xử rất kém và rõ ràng là người thua cuộc. Chính linh cảm của cô đã dẫn đường cho đoàn cứu hộ đến hòn đảo, nơi Thiên và những người khác lâm nạn. Mãi đến khi lên thuyền, Thiên mới hồi tỉnh. Môi anh được ướt mềm nước ngọt. Khi mở mắt ra, người anh nhìn thấy đầu tiên là Hồng Ân. Cô cúi xuống bên anh, dịu dàng, nồng thắm. Thiên lắp bắp: Anh khát... Hồng Ân hiểu anh muốn nói gì và trao nụ hôn mà đôi môi anh đã khát hơn một năm nay. Vài tháng sau thì Lê Na nhận được thiệp hồng. Ngày hôn lễ, Hồng Ân trông càng lộng lẫy. Hôm ấy, Lê Na bỏ về sớm với cái cớ là cô uống nhiều quá, hơi choáng váng. Đôi vợ chồng trẻ cuống quýt gọi taxi cho cô. Lê Na cười gượng gạo: Xin lỗi Thiên, ngày trọng đại của Thiên mà Na không ở lại đến lúc tiệc tàn! Thiên cười rất tươi, bảo không sao và cả anh lẫn Hồng Ân dặn cô về cẩn thận. Nhưng Lê Na chỉ đi taxi một đoạn mà không về thẳng nhà. Cô đứng ở một dốc cầu, cảm thấy vóc hình nhỏ bé của mình càng trở nên nhỏ bé hơn. Một tốp thanh niên chạy xe qua, hú ga ầm ĩ và hét tướng: “ Thất tình hả em?” rồi cười lên hô hố. Ừ, thất tình thì sao? Đáng cười lắm ư? Cô tự nói với mình rằng thật ra mình không làm sai điều gì cả, khi một người nào đó không yêu mình thì không có nghĩa là mình vô giá trị, rằng con đường đến với hạnh phúc có bao giờ đơn giản đâu... Cô tự nói với mình xong và òa lên nức nở.
Đêm hôm ấy, cô trở về nhà, ngồi bên chiếc dương cầm. Một giai điệu thật ngất ngây và cháy bỏng du dương trong lòng cô. Hình như cô không còn đủ sức để buồn... Nếu thật lòng yêu Thiên và yêu chính mình, cô hãy dốc tất cả tình yêu ấy vào khúc nhạc này và nhốt chặt nó lại. Thiên cần sự thanh thản để đến với hạnh phúc mà anh xứng đáng được hưởng. Rồi tiếng nhạc này sẽ ru lòng hai người yêu nhau mà chưa dám tỏ, sẽ thủ thỉ với những ai đang được yêu thương đừng bao giờ đánh rơi tình yêu ấy. Tiếng nhạc sẽ an ủi những cô gái khóc bên cầu giữa những lời đùa cợt vô tâm của những người dưng và của cả gia đình, rằng khi yêu đắm say mà không được đáp lại thì bạn cũng có quyền tự hào mình biết hết lòng. Cô như thấy trước mắt mình chim thiên đường dang đôi cánh rực rỡ nhảy múa, thần Cupid cũng vẫy đôi cánh lấp lánh, bay xuống, cưỡi trên những tiếng đàn, lặng lẽ nhìn Lê Na, đôi mắt đỏ long lanh. Cupid ơi, đừng khóc! Một năm sau. Con trai Thiên ra đời. Lê Na chúc mừng đứa con của người bạn thân bằng một chiếc lắc chân xinh xắn. Cô cúi xuống hôn lên trán bé và rùng mình cảm thấy khao khát được hôn anh nóng bỏng môi mình. Cô vội vã chào đôi vợ chồng trẻ ra về. Thiên không để ý đến đôi má đỏ hồng vì xấu hổ của Lê Na nhưng Hồng Ân biết. Cô choàng tay ôm chồng: Anh ạ, người mơ thấy anh gặp nạn là chị ấy, anh nhớ không? Nhớ. Người tìm em đến cho anh là chị ấy, anh nhớ không? Nhớ. Thiên dừng lại rồi bất ngờ hỏi: Nhưng người anh yêu là em, em nhớ không? Cả hai chìm trong nụ hôn say đắm đến nỗi khó khăn lắm Hồng Ân mới dứt ra được: Trong khi chúng ta hạnh phúc thì chị ấy... Lê Na sẽ tự đi tìm hạnh phúc cho mình. Nếu chỉ vì Na không hạnh phúc mà chúng ta đau khổ thì thế giới có thêm hai người buồn phiền một cách vô lý. Nếu thật lòng thương Lê Na, chúng ta không được phép mặc cảm trước nỗi buồn của cô ấy. Thực tế là Lê Na không muốn thế. Chứ bây giờ anh phải làm gì đây? Bỏ rơi em và đến với Lê Na à? Sao có thể vô lý như vậy chứ? Anh lúc nào cũng hiểu Lê Na. Còn em thì luôn hiểu anh! – Thiên nhẹ nhàng hôn lên trán vợ. Sáu năm sau.
Tuổi thanh xuân chỉ còn là một gợi nhắc mờ nhạt trên vóc hình nhỏ bé của Lê Na. Cô vẫn đi sớm về trưa một mình. Mỗi lần đến thăm vợ chồng người bạn thân, cô cảm nhận được sự cô độc của mình làm đôi vợ chồng hạnh phúc ấy không ngừng áy náy trong ngần ấy năm qua, dù họ chẳng có lỗi gì trong việc cô lẻ loi. Một lần, vào giờ mà nhân viên đã nghỉ cả, Lê Na trèo lên chiếc thang gỗ dựa tường, xắn cao tay áo, lục tung đống hàng hóa ra để thực hiện yêu cầu của đại diện phía đối tác. Khi xong việc, tóc cô xổ ra, mặt đỏ gay và quần áo cực kỳ xốc xếch. Nhưng ngay cả cảm giác xấu hổ trước mặt một người đàn ông là đại diện phía đối tác, Lê Na cũng không có. Ấy vậy mà lúc đó, thần Cupid lại xao xuyến giương cung, bắn mũi tên mang tên cô vào trái tim người đàn ông xa lạ... Cuối năm, cô và người đàn ông ấy kết hôn. Trong nụ hôn đêm động phòng, cô run rẩy nghĩ: “ Thiên ơi, từ nay anh sẽ trọn đời thanh thản!” . Thần Cupid thở phào sau sự xe kết mà chính thần đã đợi chờ bảy năm qua. Thần xếp lại cung, đeo túi đựng tên lên vai. Đã mấy ngàn năm đi qua cuộc đời thần, vậy mà thần mãi ở trong hình dáng một đứa bé. Ai sẽ là người bắn mũi tên Cupid vào trái tim mà thần hằng yêu dấu? “ Cupid ơi, đừng khóc!” Cupid tự nói với mình và lặng lẽ bay đi...
Yêu :::: Nguyễn Thị Thanh Bình ::::
Nó lầm lì vào phòng thi, có cảm giác xấu hổ với mọi người trong phòng. Từng là một sinh viên gương mẫu có tiếng, lãnh học bổng loại A mà cũng vào phòng thi lại như ai, thật xấu hổ. Một đứa con gái len lén nhìn nó với ánh mắt ghen tị sao ấy. Khẽ cười khẩy, nó liếc số báo danh của đứa con gái kia, chạy ra bảng danh sách, con nhỏ đó thi lại bốn môn, thế mà mặt cứ vác lên. Đã vào đây thì ai danh giá hơn ai ? Nó vênh mặt nhìn lại, thấy mình việc gì phải mất thì giờ với đứa con gái ấy làm gì. Mà quái lạ, sao con nhỏ ấy cứ nhìn nó chăm chăm vậy nhỉ? Mặt nó dính mực chăng ? Soi mặt trong cái gương bé tí tẹo gắn trên nắp cặp, nó khẳng định : không có . Hay áo tuột cúc ? Không! Nó bực bội nhưng không thể làm gì, không nhẽ lại nhảy xổ đến mà hoạnh họe "Sao mày nhìn tao " à? Rõ là phường chợ búa mới làm thế. Còn nó là sinh viên, một sinh viên gương mẫu kia mà!
Về nhà, nó mới mang máng nhớ ra đứa con gái ấy giống cô thiếu nữ trong vài bức tranh treo trong phòng Nguyện. Cũng có một bức cô ta mặc cái áo rộng cổ hồi sáng. Cô ta là người mẫu của Nguyện chăng? Vì thế cô ta mới biết nó chắc là Nguyện cũng nói điều gì về nó vì thế cô ta mới nhìn nó kinh thế.
Nó qua, cô gái kia bị nợ một môn. Nó vác mặt kiêu hãnh đi trên hành lang qua lớp cô ta như muốn nói rằng "Tôi đây mới là người yêu của Nguyện, còn cô, chỉ là một người mẫu mà thôi !" Nhưng từ khi ấy nó chưa gặp lại Nguyện. Nó sợ phải nghe một sự thật. Nguyện đẹp trai, lắm tài, nhưng lại quá hiền lành. Học kinh tế mà
Nguyện lại đi làm với cây cọ vẽ. Nhiều lúc nó đến khổ sở với số người quen, người mẫu của Nguyện. Một buổi tối đi chơi, ít ra Nguyện cũng phải rời nó đến bốn, năm lần để nói chuyện, chào người quen, người làm ăn. Nó thấy chán cảnh phải chịu những điều vô lý ấy, đã gợi ý chia tay mấy lần nhưng Nguyện lại tìm đến, đau khổ, buồn rầu. Thế là nó lại mềm lòng, tha thứ để rồi lại nghi ngờ, đau khổ. Nguyện lại quá ngoan ngoãn, nó hỏi chuyện gì, về ai, Nguyện thật thà kể hết ngay, không hề giấu giếm một điều gì. Thà rằng Nguyện cứ giấu nó vài chuyện để nó phải đau khổ với cảm giác được yêu, nó còn cảm thấy dễ chịu. Đằng này Nguyện cứ bắt nó mang cảm giác là mình bị yêu. Mà với cảm giác ấy, không lúc nào nó nghe lòng bình yên, cứ phải lo cuống lên với nỗi lo mơ hồ, hư ảo. Lắm lúc nó hoang mang tự hỏi không biết mình yêu Nguyện vì lẽ gì và Nguyện cần nó như một bà bảo mẫu hay là người yêu ? Xung quanh Nguyện có biết bao cô gái người mẫu xinh đẹp. Chưa bao giờ nó được Nguyện mời ngồi làm mẫu để vẽ cả, mà nó cũng đâu xấu xí gì cho cam. Hình như Nguyện chỉ coi nó là một người để bất cứ lúc nào cũng có thể kể chuyện buồn vui và kéo đi chơi lúc nào có hứng. Không biết từ bao giờ nó đã thấy mệt mỏi, chán chường. Nó xem quyển sách bói lũ con gái mới mang vào lớp "Con gái tuổi thìn thường có cá tính, cứng rắn và là chỗ dựa tinh thần vững chắc..." Nó thở hắt ra, ném trả quyển sách, không biết Nguyện đã xem quyển sách nào tương tự như quyển này chưa ? Lại một ông nào đó phán "Yêu mà xét đoán tình yêu của mình thì hết yêu rồi ?" Liệu có phải thật thế không ?
"Chị, Liên cần nói chuyện với chị! "cô gái trong phòng thi dạo nọ đến gặp nó, cái áo đầm nền đen, hoa vàng rực chói mắt này đã có trong tranh của Nguyện rồi thì phải. Sinh viên đến trường mà lòe xòe váy áo, lại son son phấn phấn cứ như đi làm mẫu ấy. Nó bỗng có ác cảm với cô gái này nên khẽ nhìn ngang : "Chị muốn nói gì?" Mình kiếm một chỗ nào đó..." Nó gạt đi, chỉ tay vào phòng học vừa tan, vắng học sinh chỉ có chiếc quạt trần uể oải chạy với màu sơn loang lổ cũ kỹ nhàn nhạt. Nghĩ bụng giữa mình và cô ta có chuyện gì để nói đâu. Hay là cô ta đề nghị mình nhường Nguyện, nếu thế nó sẽ ừ ngay "Em tên Liên, còn tên chị em đã nghe anh Nguyện nhắc đến nhiều". Nó gật đầu vẻ kẻ cả, bề trên, thấy cô ta ngọt ngào hơn mình vì đã gọi Nguyện bằng anh. Chưa một lần nó gọi Nguyện bằng anh bởi Nguyện với nó cùng tuổi dại gì nó chịu làm em, thành ra toàn xưng tên, kệ Nguyện xưng "anh em" một mình. "Nguyện đã nói gì về tôi ?" "Nhiều lắm, anh bảo chị cứng nhắc quá, nguyên tắc và cả một chút gia trưởng..."Nó thoáng tái mặt nhưng vẫn làm ra vẻ thản nhiên, gật đầu kiêu hãnh. "Đúng, đó là tính nết của tôi, còn Nguyện có nói với Liên là Nguyện không thích gì không?" Nó hỏi mà mặt cứ vênh lên, tỏ ra là người trên kẻ trước, nhưng lòng giận Nguyện vô cùng. Nguyện đã cầu xin nó đừng bỏ đi, giờ lại quay ra nói xấu nó thế "Anh ấy muốn chị dịu dàng, hiền ngoan hơn, chị hãy là người để anh ấy cần chứ không phải là người để anh ấy sợ bởi những cái gai nhọn luôn xù lên!" Nó mím môi "Thế này, những cái đó là bản chất của tôi, mà đã là bản chất thì khó thay đổi lắm. Nhưng tôi thấy Liên hợp với Nguyện đấy. Yên tâm về đi, tôi nhường".
Nói được một câu cay đắng, nó nghe thỏa mãn, tự ái được ve vuốt nhưng sau đó lại hối hận ngay, áy náy vì mình đã quá nặng lời với Liên, mà Liên có tội tình gì đâu. Đứng nấp sau cột nhà xe, nó tần ngần nhìn theo dáng Liên . . .
Ném sách vở lên giường nó lịm đi trong cảm giác bị bỏ rơi. Nó từ chối luôn cả bữa ăn trưa, thấy nó ngang. Nó căm thù Nguyện, nhưng lại thấy mình mới là người đáng trách. Giá như nó đừng mềm lòng trước Nguyện thì bây giờ nó đã có thể vênh mặt kiêu hãnh chứ đâu phải nằm buồn một số như thế này. Nó vùng dậy lấy giấy bút ra hí hoáy viết. Lạ thật, trong lúc này mà nó còn có thể... bực bội ném giấy bút lên giá, nằm xoài xuống giường, cầu mong quạ quạ, diiều hâu tới cắp mảnh hồn văn chương của nó đi, để nó không biết đau khổ vu vơ trước khoảnh khắc giao mùa.
Không khóc được, nó mở mắt trừng trừng nhìn ngọn đèn neon không bao giờ được tắt. nó muốn tắt nguồn sáng ấy đi để căn phòng nhờ nhờ tối. Chỉ ở trong bóng tối, con người ta mới thật lòng với nhau. Không biết sáng mai, khi lên trường nó sẽ phải làm gì, nói gì khi gặp Liên. Tưởng tượng Liên sẽ vênh váo nhìn nó với tư thế của người thắng cuộc làm nó như sôi lên. Nó không chịu được điều ấy, nó sẽ chết vì xấu hổ. Nhớ lại bài luận môn writting, nó ngượng tê người. Nó đã không tiếc lời ca ngợi tình yêu, rằng tình yêu là thần thánh, tình yêu sẽ chắp cánh cho con người bay đến thành công rằng... Nếu có ai biết chuyện của nó, đọc bài luận ấy... Nó không dám nghĩ tiếp ôm gối xoay vào tường cố dỗ giấc ngủ nặng nề.
Nó nghỉ học vì không muốn giáp mặt với Liên. Ngọc rủ nó đi chợ, nó từ chối, chẳng thiết gì cả. Bỗng thấy nhớ Nguyện. Thèm được ngồi trong góc phòng âm ẩm tối, sực mùi màu vẽ mà ngắm Nguyện, mà nhìn từng nhát cọ nhẹ ngàng đưa. Chờ Nguyện quay lại cười để cười đáp lại. Những điều ấy sao giờ xa xôi thế không biết. Bây giờ nó không có quyền nghĩ về điều ấy nữa. Nó ngồi dậy, kiếm tờ giấy viết thư, bặm môi ghi ghi chép chép, cẩn thận bỏ vào phong bì dán kín lại. Thay quần áo và đi. Dù sao cũng phải nói lời giã biệt chứ?
Liên đang ở trong phòng Nguyện. Nó hơi sững người song vẫn đàng hoàng bước vào. Gì đi nữa, nơi này vẫn chưa thể trở thành nơi lạ ngay được. Liên thảng thốt "Chị cũng nghỉ học à?" Nó nhìn Liên chợt thấy thương cô gái này. Cũng như nó, Liên không dám đến trước, chắc Liên sợ như nó đã sợ. Vậy ra, chắc gì Liên đã thấy hạnh phúc sau buổi nói chuyện hôm qua. Nguyện rót cho nó ly nước "Sao lại rãnh rỗi đến thăm anh vào buổi sáng thế này?" Nó im lặng, Liên đứng dậy "Chị ngồi chơi, em về trước!" Nó giơ tay định ngăn Liên lại nhưng rồi buông thõng tay. Thấy mình cũng cần phải nói với Nguyện vài điều, nhưng lại không biết mở đầu như thế nào. Nguyện cứ chăm chăm nhìn nó. Không biết Liên đã nói gì chưa? Nó bỗng thấy thương hại Nguyện, con trai mà mềm yếu, ươn hèn đến khó chịu. Nhưng dù sao Nguyện cũng là người đầu tiên ngoài ba má nó yêu. Nay thì chẳng còn gì nữa.
Nó rút lá thư ra, như đoán biết được điều gì, mặt Nguyện hơi tái đi, thảng thốt. Nó cười nhột nhạt, méo mó, dặn lòng không được quyền xao động nữa. Quá đủ rồi. Nguyện ôm đầu gục xuống bất thần vung tay gạt đám tranh trên bàn xuống đất. tiếng kính vỡ loảng xoảng. Những mảnh vỡ bao giờ cũng nham nhở, xấu xí. Nó bàng hoàng nhận ra trong bức vẽ nào cũng có một chút nó trong đó, lung linh, ẩn hiện "Em nhất định ra đi sao?" Nó gật khẽ . "Nếu em muốn, anh cũng không giữ, nhưng em phải biết anh rất tôn trọng em, gần như là tôn thờ!" Nó lảo đảo đứng dậy. Trong tình yêu làm gì có điều ấy. "Anh hiểu, cái gì ban đầu cũng thường đổ vỡ." Nguyện hiểu gì? Nguyện chẳng hiểu gì hết. Nếu không đã không có ngày hôm nay.
Trời thu lành lạnh, lá vàng lao xao rơi. Nó chợt nhớ quê, nơi có rừng cao su bạt ngàn mà đến mùa thu, nó sẽ tha hồ được ngắm cơn mưa lá rào rào suốt đêm. Nó nghe lòng bình yên, mọi đổ vỡ rồi cũng sẽ qua đi. Nó bỗng nhớ câu thơ viết vội, lần đầu tiên mà cũng là lần cuối gửi cho Nguyện. "Em không thể giữ nổi cánh chim câu Khi ngoài kia gió chiều reo rắt vẫy Mối tình đầu thường mong manh dễ gãy Như chiếc cầu dải yếm ngày xưa. . . Gửi về anh phương ấy một cơn mưa "