Vào WTO có lợi thế trong tranh chấp thương mại? (Toquoc)- “20 là con số những vụ tranh chấp thương mại mà VN đã phải đối mặt trong thời gian qua và sẽ tiếp tục tăng lên nữa trong thời kỳ hậu WTO”. Toquoc.gov.vn
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Muốn giành được ưu thế trong các vụ tranh chấp, DN cần nắm vững cơ sở pháp lý (Ảnh: M.Thu) Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Phó vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Thương mại đã nhận định như vậy trong Hội thảo “Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO”, thuộc khuôn khổ dự án hỗ trợ thương mại đa phương VN II (Mutrap), do Bộ thương mại phối hợp với Ủy ban châu Âu vừa tổ chức. Tính đến nay, VN đã phải đối mặt với hơn 20 vụ tranh chấp, nhưng chủ yếu là lĩnh vực chống bán phá giá. Thực tế, tranh chấp thương mại quốc tế rộng hơn rất nhiều: độc quyền, kinh doanh không lành mạnh, quyền sở hữu trí tuệ…. Gia nhập WTO, bình đẳng về mặt pháp lý với những “đại gia” thế giới, DN trong nước sẽ có thêm “bao nhiêu phần trăm thắng lợi” trong các vụ tranh chấp thương mại? Thủ tục giải quyết tranh chấp như thế nào? P/V Toquoc đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sinh Nhật Tân xung quanh vấn đề này. + WTO đề cao tính công khai, minh bạch trong cạnh tranh thương mại và đặc biệt là công bằng, bình đẳng giữa các thành viên khi giải quyết tranh chấp thương mại. Nhưng trong thực tế, dường như vẫn có sự “ưu ái” cho các “nước lớn”? - Trước đây, chúng ta thường yếu thế hơn trong các vụ tranh chấp về bán phá giá. Nhưng với “cơ chế đồng thuận nghịch” trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO, quyền và lợi ích của các nước “yếu” vẫn sẽ được bảo vệ. Ví dụ trong đàm phán về vấn đề dệt may mới đây, phía Mỹ đòi giải quyết theo quy định của họ, nhưng chúng ta đấu tranh giải quyết bình đẳng theo các quy định của WTO. Mọi thành viên đều bình đẳng trong WTO, nhưng muốn giành được ưu thế trong các vụ tranh chấp, chúng ta phải nắm vững cơ sở pháp lý cũng như quy trình giải quyết mới có thể tự bảo vệ mình. “VN là nước xuất khẩu nhiều nên không thể tránh khỏi các vụ tranh chấp thương mại. Đặc biệt khi gia nhập WTO, tranh chấp sẽ không chỉ trong lĩnh vực chống bán phá giá như trước đây, mà còn nới rộng ra nhiều hoạt động thương mại quốc tế như quy định về chất lượng, nhãn mác hàng hóa, an tòan vệ sinh thực phẩm cho đến quy định về kinh doanh…” (Ông Paolo Vergano, chuyên gia EU của Mutrap) + WTO dành riêng cho các nước đang phát triển như VN những quy tắc “ưu đãi” đặc biệt trong tranh chấp thương mại. Vậy cụ thể đó là gì? - Có thể thấy, lợi ích lớn nhất là VN được áp dụng cơ chế giải quyết của WTO trong các tranh chấp thương mại quốc tế. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bao giờ cũng trải qua các bước: tham vấn (Hội đồng tham vấn) và phán quyết. Đối với những nước đang phát triển, WTO sẽ đặc biệt xem xét các điều kiện kinh tế. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ thiện chí hòa giải trung gian của Chủ tịch Cơ quan giải quyết tranh chấp hoặc Tổng giám đốc WTO. Trong quá trình tham vấn, các nước đang phát triển cũng sẽ được gia hạn so với thời gian tham vấn thông thường. Đặc biệt, khi phán quyết, Ban hội thẩm luôn xem xét tính minh bạch và tính đủ thời gian cho các nước này chuẩn bị lập luận của mình. + Theo ông, DN trong nước nên chuẩn bị hành trang pháp lý gì nếu muốn giành ưu thế trong những cuộc tranh chấp? Kiến thức nền về thủ tục thương mại quốc tế của DN trong nước nhìn chung còn rất hạn chế, là khó khăn không nhỏ khi bị vướng vào các vụ tranh chấp. Mục đích chúng tôi tổ chức hội thảo này nhằm cung cấp cho cơ quan quản lý các Bộ, ngành, hiệp hội và đặc biệt là các DN hiểu rõ hơn về quy trình giải quyết tranh chấp thương mại trong WTO. Làm sao để ngăn ngừa những vấn đề tranh chấp thương mại, thủ tục giải quyết như thế nào để vẫn phù hợp với quy định WTO và bảo vệ
được lợi ích chính mình. Đặc biệt từ sự tư vấn trực tiếp của các chuyên gia luật châu Âu rất có kinh nghiệm về lĩnh vực này như T.S Peter Naray, luật sư Paolo Vergano, Gordon LaFortune… sẽ có hiệu quả với DN. Thực tế cho thấy, 3/5 tổng số các trường hợp tranh chấp được giải quyết trước khi có phán quyết của Hội thẩm. Kinh nghiệm của một số vụ tranh chấp cho thấy, bên nguyên nên sử dụng các bên tư nhân (khuyến khích các bằng chứng bên ngoài), tìm kiếm sự ủng hộ của các thành viên khác của WTO. VN “đi sau” trong lộ trình hội nhập, nên tốt nhất, chúng ta nên tham gia học tập kinh nghiệm với tư cách bên thứ ba, hay thậm chí khởi xướng các vụ tranh chấp cùng với các thành viên WTO giàu kinh nghiệm./. Mai Thu
Tranh chấp thương mại xử bằng trọng tài: Tại sao không? Tranh chấp thương mại xử bằng trọng tài: Tại sao không? Cập nhật lúc 08h56, Ngày 06/04/2007
(Hanoinet)- Tuy nhiều DN Việt Nam biết đến trọng tài như một phương thức hữu hiệu để giải quyết thương mại quốc tế từ đầu những năm 1960, nhưng chỉ khi Việt Nam mở cửa kinh tế, gia nhập WTO thì vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài mới thu hút sự quan tâm thực sự của nhiều DN. Và thực tế nhiều DN phải trả "học phí" không nhỏ khi xảy ra tranh chấp thương mại với các đối tác nước ngoài. (Hanoinet)- Tuy nhiều DN Việt Nam biết đến trọng tài như một phương thức hữu hiệu để giải quyết thương mại quốc tế từ đầu những năm 1960, nhưng chỉ khi Việt Nam mở cửa kinh tế, gia nhập WTO thì vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài mới thu hút sự quan tâm thực sự của nhiều DN. Và thực tế nhiều DN phải trả "học phí" không nhỏ khi xảy ra tranh chấp thương mại với các đối tác nước ngoài. Vấn đề này vừa được mổ xẻ kỹ lưỡng tại Hội thảo "Trọng tài Thương mại phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả"do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây. Xu hướng xử tranh chấp bằng trọng tài Dẫn chứng về những rủi ro pháp lý trong xu thế toàn cầu hóa, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) nêu trường hợp Vietnam Airlines bị kiện đòi bồi thường gần 1 triệu USD ở Italia. Ban đầu đây chỉ là vấn đề về lao động và tiền công, khi có phát sinh tranh chấp đã không xử lý kịp thời nên đối tác đã lợi dụng biến thành một vụ kiện thương mại. Ở đây, rủi ro pháp lý này đã gây ra nhiều thiệt hại. "Có những thiệt hại vật chất có thể đo đếm được, còn có những thiệt hại không đo đếm được, trong trường hợp này là làm ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường cũng như thương hiệu, uy tín và khả năng cạnh tranh thị trường" - ông Huệ đánh giá. Còn rất nhiều vụ tranh chấp mà rất nhiều DN Việt Nam phải chịu thiệt thòi khi tham gia vào thị trường thế giới. Thực tế thời gian qua cho thấy, do chưa có sự am hiểu đầy đủ luật pháp quốc tế, việc quản lý rủi ro pháp lý của các DN Việt Nam chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng nhiều DN đã phải đối mặt với rủi ro và thiệt hại không đáng có. Cũng theo ông Huệ: Không phải tự nhiên xử tranh chấp thương mại bằng trọng tài đang là xu thế trong hoạt động thương mại thế giới. Khác với nguyên tắc hoạt động xét xử công khai của toà án, các phiên họp xét xử bằng trọng tài bảo đảm bí mật
kinh doanh và uy tín nghề nghiệp cho các thương nhân (không có ai có quyền tham dự phiên họp xét xử nếu không được sự đồng ý của các bên). Thủ tục xét xử bằng trọng tài đơn giản, bảo đảm giải quyết nhanh các vụ tranh chấp mà không phải qua nhiều cấp xét xử. Các bên được quyền quyết định chọn hình thức, tổ chức trọng tài, địa điểm, thời gian. Bên cạnh đó, trọng tài thương mại không đại diện cho quyền lực nhà nước nên phù hợp với giải quyết tranh chấp mà các bên có quốc tịch khác nhau, phán quyết của trọng tài được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài... Ít biết đến trọng tài thương mại Sẽ không có trọng tài nếu không có thoả thuận trọng tài. Chọn trọng tài cũng gần như loại trừ thẩm quyền xét xử của toà án (mặc dù vẫn cần sự hỗ trợ của toà án khi có khiếu nại về thoả thuận trọng tài vô hiệu, yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chỉ định trọng tài viênvà khi có căn cứ pháp luật để đề nghị toà án tuyên huỷ quyết định trọng tài...). Nhưng thực tế có rất ít doanh nghiệp Việt Nam chú ý đến điều khoản xử lý bằng trọng tài khi xảy ra tranh chấp trong các hợp đồng thương mại. Qua điều tra của Trung tâm Trọng tài thương mạiQuốc tế Việt Nam (VIAC), một trong số ít Trung tâm trọng tài còn nhiều hoạt động tích cực trong giải quyết tranh chấp thương mại thì có tới 84% số DN không biết đến việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Mỗi năm, TTTM nước ta chỉ giải quyết được mấy chục vụ tranh chấp thương mại (con số này ở Mỹ là gấp 5.000 lần). Và có không ít cảnh "dở khóc, dở cười"vì chuyện một số DN Việt Nam do không chọn trước trọng tài (hay toà án), khi có tranh chấp phát sinh trong các vụ kiện có yếu tố nước ngoài, họ không biết quyết định như thế nào. Chọn trọng tài thì đã quá muộn, vì đối tác không hợp tác, chọn toà án nước ngoài của đối tác thì không biết thủ tục pháp luật, chi phí, quy trình tố tụng...Chọn toà án trong nước thì không chắc bản án của toà án có được chấp nhận... Theo ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại VIAC: Thực tiễn hoạt động thương mại ngày càng trở nên phong phú, phức tạp đã làm cho chiếc áo "Pháp lệnh về trọng tài thương mại không còn phù hợp"đã đến lúc cần phải xây dựng Luật về Trọngtàithương mại giúp các DN vươn ra biển lớn. Th. Dương (Báo kinh tế và đô thị) Hiểu biết pháp luật để tránh rủi ro trong giao thương (VietNamNet) - Hội nhập kinh tế, tăng cường giao thương quốc tế luôn gắn liền với sự gia tăng rủi ro pháp lý. Không thể loại bỏ hết được các rủi ro nhưng DN hoàn toàn có thể hạn chế nó bằng chính sự hiểu biết về pháp luật và sự tỉnh táo trong khi thực hiện mỗi giao dịch thương mại quốc tế. Thiệt hại nhiều đường Dẫn chứng về những rủi ro pháp lý trong hoạt động thương mại quốc tế, ông Nguyễn Văn Du - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã kể câu chuyện DN mình đó là vụ kiện đòi bồi thường gần 1 triệu USD ở Italia.
Gia tăng giao thương quốc tế luôn đi kèm những rủi ro pháp lý. (Ảnh: Haiphong.gov) Ban đầu đây chỉ là một tranh chấp về lao động và tiền công. Khi có phát sinh tranh chấp đã không xử lý kịp thời và đối tác đã lợi dụng biến thành một vụ kiện thương mại. Rủi ro pháp lý này đã gây ra nhiều thiệt hại. Có những thiệt hại vật chất có thể đo đếm được còn có những thiệt hại vật chất không đo đếm được mà trong trường hợp này là đã ảnh hưởng đến khả năng thâm nhập thị trường. Bên cạnh đó, là những mất mát phi vật chất rất lớn như ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín, khả năng cạnh tranh thị trường. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã từng hứng chịu những rủi ro pháp lý trong thương mại quốc tế khi bị nước ngoài đăng ký mất bản quyền nhãn hiệu trên thị trường quốc tế. Nhãn hiệu Vinataba tuy đã được đăng ký trong nước nhưng chưa đăng ký ở nước ngoài, khi tiến hành đăng ký ở nước ngoài thì phát hiện đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đã gây tác hại ngiêm trọng đến quyền lợi của DN. Sản phẩm Vinataba không thể xuất khẩu sang các nước đã bị đăng ký tước đoạt thương hiệu. Đồng thời, công ty tại những nước này có thể sản xuất Vinataba giả để đưa vào Việt Nam. Ngoài ra, những ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của DN và ngành thuốc là Việt Nam không phải là nhỏ. Tổng Công ty Thuốc lá đã thực hiện việc đòi lại nhãn hiệu của mình nhưng đến nay mới chính thức thành công trên thị trường Campuchia, thị trường Lào và Trung Quốc đang trong quá trình xử lý. Việc khiếu kiện để đòi lại nhãn hiệu mới chỉ thực hiện ở 3 nước nhưng đã rất khó khăn và tốn kém. Vụ kiện thương mại lớn nhất mà DN Việt Nam đương đầu gần đây là EU kiện giày mũ da bán phá giá vào thi trường khu vực này. Quá trình xử lý vụ kiện cũng xảy ra những rủi ro thương mại mà hậu quả DN Việt Nam hứng chịu chắc chắn còn kéo dài. Bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, vụ kiện chống bán phá giá các loại giày mũ da là một điển hình cho một dạng rủi ro pháp lý thường gặp là chúng ta không có đủ cơ sở dữ liệu để chứng minh khi có tranh chấp xảy ra. Qua thực tế của ngành mình, bà Tòng đã cho rằng, phần lớn các DN hiện nay chưa nhận diện hết các rủi ro, chưa chuẩn bị phòng ngừa và sẵn sàng đối mặt với môi trường kinh doanh quốc tế. Luật sư Đỗ Trọng Hải - Phó Tổng giám đốc InvestConsult Group có chung nhận định, thực tế thời gian qua cho thấy, do chưa có sự am hiểu đầy đủ về các yếu tố pháp luật nước ngoài và quốc tế, việc quản lý rủi ro pháp lý của các DN Việt Nam trong quan hệ thương mại quốc tế chưa được thực hiện tốt, nhiều DN đã phải đối mặt với những rủi ro và chịu những thiệt hại không đáng có. Giao thương quốc tế: vô vàn rủi ro Thực tế có rất nhiều dạng rủi ro có thể xảy ra trong quá trình giao thương quốc tế. Bằng thực tế, các luật sư đã liệt kê ra hàng loạt nguy cơ rủi ro pháp lý đến từ tất cả mọi khía cạnh của các giao dịch thương mại quốc tế. Tuy nhiên theo các luật sư, những rủi ro xảy ra trước hết là do chưa hiểu biết đẩy đủ về hệ thống luật pháp và chính sách của nước ngoài, luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như các thoả thuận song phương giữa các quốc gia. Luật sư Đỗ Trọng Hải liệt kê hàng loạt rủi ro khác nhau như: liên quan đến xác lập quyền và chuyển dịch quyền sở hữu, quyền quản lý tài sản theo pháp luật nước ngoài; liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật của các Chính phủ; rủi ro liên quan đến các thoả thuận về thuế; rủi ro liên quan đến DN bị kiện chống bán phá giá, bị áp dụng mức thuế bán phá giá... Điều này là dễ hiểu vì mỗi quốc gia luôn xây dựng một hệ thống pháp luật, chính sách để bảo vệ thị trường, DN và
người tiêu dùng của mình. Nếu không hiểu biết đầy đủ về các quy định này thì DN Việt Nam sẽ không thâm nhập vào được thị trường, thậm chí sẽ gặp phải những hậu quả nặng nề. Giao dịch thương mại luôn tiền ẩn nhiều rủi ro. Chỉ riêng các rủi ro liên quan đến sở hữu trí tuệ đã có thể phân ra rất nhiều dạng như: liên quan đến nhãn hiệu thương hiệu; liên quan đến vấn đề sáng chế; liên quan đến bí quyết kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; liên quan đến vấn đề bản quyền... mỗi dạng rủi ro liên quan đến hàng loạt các quy định mang tính pháp lý và kỹ thuật sâu được thiết lập trên những hệ thống pháp luật đặc thù của từng nước khác nhau. Điều này cho thấy sự phức tạp của pháp luật quốc tế và nguy cơ cao về các rủi ro thương mại. Đây thực sự là một khó khăn và là thách thức lớn cho DN khi vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều dạng rủi ro xảy ra có khi chỉ do chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật Việt Nam. Điều này tưởng như không thể nhưng lại xảy ra khi không ít DN Việt Nam thiếu quan tâm đến việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, đối tác nước ngoài lại có sự chuẩn bị chu đáo khiến chúng ta rơi vào cảnh thua thiệt. Cũng có thể rủi ro xảy ra do không tiên liệu trước được sự thay đổi của luật pháp chính sách của nước ngoài cũng như Việt Nam. Chính sách pháp lý sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn, nếu DN không cập nhật có thể vấp phải những thiệt hại lớn, thậm chí là phá sản. Điều này không chỉ xảy ra khi chính sách nước ngoài thay đổi mà có thể đến từ việc thay đổi những chính sách của Việt Nam. Một rủi ro mà DN Việt Nam hay gặp phải trong thời gian qua là liên quan đến việc thẩm định tư cách pháp lý, tài chính của đối tác cũng như người đại diện đối tác nước ngoài. Trên thực tế khi không ít DN Việt Nam bị lừa đảo do thiếu thông tin của đối tác. Điều này cũng bộc lộ một thực tế ở Việt Nam chưa có một cơ quan tổ chức nào có khả năng thẩm định tư cách pháp lý cũng như tài chính của đối tác nước ngoài cũng như người đại diện của họ. Thậm chí khi đã xảy ra rủi ro, tranh chấp cần phải giải quyết cũng có thể vấp tiếp những rủi ro liên quan đến việc lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp, rủi ro liên quan đến thi hành phán quyết của trọng tài hoặc toà án nước ngoài. Hạn chế rủi ro: trước hết DN phải tự lo Theo các luật sự, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong thương mại quốc tế đối với DN Việt Nam như chưa có thói quen tuân thủ pháp luật và coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh; do không hiểu biết về pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế; chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý và tư vấn của luật sư; không có sự chuẩn bị kỹ càng hoặc thiếu kinh nghiệm trong thương thảo hợp đồng; lựa chọn đối tác không có năng lực và tư cách pháp lý mà DN Việt Nam lại không hiểu biết và không có điều kiện kiểm tra...
Nắm vứng pháp luật Việt Nam và quốc tế để hạn chế rủi ro. (Ảnh"Vnep.gov) Theo ông Nguyễn Văn Du thì rủi ro pháp lý là một phần của hoạt động thương mại. Hay nói cách khác hoạt động trong nó đã chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn mà không có cách gì loại trừ hoàn toàn được. Tuy nhiên, để có thể giảm thiểu rủi ro và hạn
chế tác động tiêu cực của nó lại là điều có thể làm được và phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của DN và sự trợ giúp hữu hiệu của Nhà nước. Luật sự Quách Mạnh Hồng - Văn phòng Luật Ledaco cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng thì các rủi ro pháp lý sẽ gia tăng. DN Việt Nam cần phải tỉnh táo hơn trong các giao dịch thương mại quốc tế. Trước hết, không ai khác ngoài chính bản thân DN phải tự ý thức được rủi ro và từ đó có biện pháp phòng tránh và khắc phục hiệu quả. Với quan điểm đó, Luật sư Đỗ Trọng Hải cho rằng, giải pháp quan trọng để phòng tránh rủi ro pháp lý cho DN trong quá trình hội nhập chính là việc xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này là tất yếu, khi gia nhập WTO, mỗi DN Việt Nam trở thành một tổ chức kinh doanh trong môi trường pháp lý toàn cầu và buộc phải hoạt động theo môi trường pháp lý quốc tế. Bên cạnh đó, việc nâng cao tinh thần tôn trọng pháp luật của DN Việt Nam cũng là một yêu cầu quan trong để phòng tránh những rủi ro trong hoạt động thương mại. Trong môi trường thương mại toàn cầu, việc nâng cao hiểu biết của các DN Việt Nam và pháp luật trong nước và quốc tế là một tất yếu. Không còn cách nào khác, DN phải tự trang bị cho mình những hiểu biết trước khi bước ra làm ăn với nước ngoài. Các DN cũng cần có thới quen sử dụng tư vấn của luật sự trong các quan hệ thương mại nhất là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Đây là điều cần thiết, dù có thể tiêu tốn 1 ít chi phí nhưng lại ngăn chặn những rủi ro gây thiệt hại lớn về vật chất và uy tín. Phước Hà (Nguồn VietnamNet) Người đại diện pháp lý của công ty
Trong công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần ở Việt Nam, người đại diện pháp lý của chúng thường là chủ tịch hội đồng quản trị hay tổng giám đốc (giám đốc), hoặc là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc. Việc chọn lựa như thế cho công ty có lợi hay hại gì? Vai trò của người đại diện pháp lý Công ty phải có người đại diện pháp lý bởi vì nó là... con ma. Đó là “sự mô tả chân thật” nhất về công ty. Thật vậy, ta không thể sờ, không thấy được nó; giống như ta có thể thấy ông A hay bắt tay bà B. Nó là một “thực thể” do luật pháp đặt ra và do đó có thể đi kiện và bị kiện. Vì vậy, theo luật của ta, nó có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản và chịu trách nhiệm bằng tài sản của nó. Về “giấy tờ hộ tịch” của nó, có thể nói giấy đăng ký kinh doanh là khai sinh và bản điều lệ là hình hài của nó. Cơ bản về mặt pháp lý như thế, nó có thể thuê nhà của bạn và... xù tiền được! Vậy làm sao để tóm được nó? Làm sao gửi thư cho nó? Dù nó có “cơ cấu tổ chức chặt chẽ” nhưng vào một công ty bạn sẽ thấy nhà xưởng, máy móc và nhiều người. Vậy ai là công ty? Để trả lời, luật đặt ra người đại diện pháp lý. Và người ấy có thể là một người nắm một trong những chức vụ đã nêu ở trên. Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt giữa (i) một cá nhân nhất định (ông A, bà B); (ii) chức vụ họ nắm giữ (ông tổng, bà phó...) và (iii) người đại diện pháp lý. Ở ba yếu tố trên và trong tương quan với công ty, hai cái đầu thay đổi còn cái thứ ba không; nó tồn tại cùng với công ty. Chính vì nó không đổi nên... con ma hết chạy! Vậy người đại diện pháp lý của công ty là người được công ty cử ra để tiếp xúc, giao dịch với những người bên ngoài công ty (thuế gửi thông báo, tòa gửi giấy triệu tập, nhà cung cấp đòi nợ). Còn luật sư nếu có thúc nợ công ty theo
đúng mẫu mực thì phải viết: “Kính gửi công ty ABC do ông Nguyễn Văn Mít, tổng giám đốc đại diện”. Dài dòng như thế để không bao giờ công ty có thể chối ở tòa: “Chúng tôi không nhận được thư đòi nợ của nguyên đơn”. Vậy nếu “tả chân” thì đại diện pháp lý của công ty chỉ là người nhận và gửi giấy tờ nhân danh công ty và mọi việc làm của người ấy ràng buộc công ty. Ý nghĩa của nó chỉ có thế! Trách nhiệm của người đại diện pháp lý công ty Cũng giống như một cá nhân, khi công ty hoạt động nó có thể gây thiệt hại; do đó nó phải chịu trách nhiệm. Mục đích chính yếu của luật là ấn định tư cách và quy định trách nhiệm. Công ty cũng có nhiều tư cách: người mua khi cần nguyên liệu; người bán khi có sản phẩm; người cung cấp dịch vụ và tất nhiên cũng là chủ nợ... Trách nhiệm của nó chỉ có thể là tự nguyện hay bị cơ quan tư pháp buộc thanh toán nợ nần và bị phạt theo một lệnh hành chính. Đó là trách nhiệm dân sự. Chính công ty chịu trách nhiệm chứ không phải người đại diện pháp lý của nó, hay những người nắm chức chủ tịch, tổng giám đốc. Xin nhấn mạnh tính chất thuần túy ràng buộc của người đại diện pháp lý vì hiện có các quy định buộc giám đốc công ty phải đích thân đi lấy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lấy con dấu hay ký biên bản kỷ luật lao động, nhất định không cho ủy quyền! Người ở ngoài công ty khi giao dịch với nó thì chỉ cần quan tâm đến việc ràng buộc được nó với hành động của nó để bắt nó chịu trách nhiệm, không lẫn lộn nó với người điều hành nó. Mười năm trước đây, Tòa án Cần Thơ, hội đồng nhân dân, công an, viện kiểm sát đã nhầm lẫn giữa công ty và tổng giám đốc nên đã xử ông giám đốc 18 năm tù trong khi công ty thừa tài sản trả nợ (vụ Công ty Vipromco)! Hội nhập đòi hỏi phải nghĩ giống như người khác. Ràng buộc công ty vào hành động của nó Đối với người bên ngoài, công ty không thể chối bỏ hành động của mình khi người đại diện pháp lý của nó thực hiện nhân danh nó (ký hợp đồng, gửi văn bản, lập cam kết...). Dù có nghe như vậy thì vẫn phải xem xét cho cẩn thận vì đừng quên rằng mình chơi với... con ma. Nó có thể chối và bảo rằng người đại diện pháp lý cam kết vượt thẩm quyền! Công ty có một khối tài sản lớn; cho nên trong bản điều lệ - mà các cổ đông đã lập ra - họ phân định thẩm quyền: cam kết với số tiền nào thì ai được quyết định. Bản điều lệ có thể ghi hội đồng quản trị quyết định các hợp đồng từ một tỉ trở lên. Nếu giám đốc công ty - người đại diện pháp lý - ký hợp đồng có giá trị 1,1 tỉ mà không có phép của hội đồng quản trị là ông ta vượt thẩm quyền. Và “con ma” chối ngay! Như thế nếu bạn có ký kết gì với một công ty thì - ngoài những thứ khác - phải tìm xem cách nào để ràng buộc được nó. Cách làm là: (i) xem bản điều lệ để biết ai là đại diện pháp lý, nếu không phải người ấy ký, thì người ký thay có được ủy quyền của người trước hay có sự chấp thuận của hội đồng quản trị không; có khi hội đồng quản trị giao cho một người khác không phải là tổng giám đốc ký kết trong một giao dịch nhất định nào đó; (ii) người đại diện pháp lý ký có đúng thẩm quyền không - tức là xem họ có được phép trả cho mình số tiền đó không - bản điều lệ phân định thẩm quyền ký kết ra sao; (iii) nếu thấy ký vượt thẩm quyền thì phải hỏi xem có nghị quyết của hội đồng quản trị cho phép làm không. Phải làm những việc này khi ký kết hợp đồng chuyển dịch tài sản (mua, bán, xin vay... ) có giá trị lớn để tóm tóc... con ma. Nếu không là có rủi ro pháp lý. Tuy nhiên, xin thêm, nếu có bất kỳ ai trong công ty ký mà sau này công ty đều nhận là mình làm thì vấn đề người đại diện pháp lý không còn quan trọng nữa. Cội rễ của vấn đề là... con ma nó chối nên phải “bắt tận tay, day tận trán”. Một đề nghị thực tế Đến đây, chúng ta đồng ý là người đại diện pháp lý của công ty chỉ là người gửi nhận thư từ và đó là sự giao dịch giữa công ty với người bên ngoài. Trong nội bộ công ty, người có quyền hành có thể là một người không làm đại diện pháp lý; giống như trong một công ty gia đình ông chồng đứng ra giao dịch theo lệnh của... “tiểu đội trưởng” (như các ông thường nói).
Sự phân chia quyền hành trong công ty là việc nội bộ và được ghi trong các văn kiện hay - quy củ hơn - trong cẩm nang điều hành tổng quát của công ty (mà hiện nay đa số công ty của ta chưa có) và việc đó không thể buộc người ngoài phải nhìn nhận. Nhân viên của công ty được cho biết khi vào làm là họ thuộc quyền ai và ai có quyền gì đối với họ. Những người có quyền đối với nhân viên thường không phải là người đại diện pháp lý. Khi họ làm đúng theo cẩm nang, ký tên mình và đóng dấu của công ty thì hành động ấy là của công ty và nó ràng buộc công ty. Bên trong công ty không cần người đại diện pháp lý mà là ai có quyền hành gì. Vì người giao dịch với bên ngoài không nhất thiết phải là người nắm quyền hành trong công ty cho nên đề nghị nêu ra ở đây là không nên để cho chủ tịch hội đồng quản trị làm người đại diện pháp lý mà hãy để cho tổng giám đốc. Có vài lý do để làm như thế. Thứ nhất, hội đồng quản trị quyết định những vấn đề mang tính dài hạn, lâu lâu mới họp một lần; để chủ tịch hội đồng giữ nhiệm vụ gửi, nhận thư với bên ngoài là không thích hợp. Người ấy đi vắng thì sao? Thứ hai, công ty cần một sự liên tục khi giao tiếp với bên ngoài. Việc này chỉ nên do một người làm; kẻo người nhận bên ngoài bị lẫn lộn. Hơn nữa, chủ tịch hội đồng quyết định thường phải tham khảo ý kiến các thành viên khác của hội đồng nên khó lòng đáp ứng tình hình khi cấp bách. Thứ ba, hội đồng quản trị do đại hội đồng cổ đông bầu, việc bầu chọn có khi gặp rắc rối vì có đông người, trong khi tổng giám đốc do hội đồng bổ nhiệm và ở bước sau; trục trặc của đại hội cổ đông không kéo dài xuống việc chọn lựa tổng giám đốc; nhờ vậy tính liên tục của công ty được bảo đảm. Trong vụ tranh chấp tại Công ty Đay Sài Gòn vừa qua, khi ông chủ tịch này giữ con dấu, ông kia cho chiếm trụ sở và công ty phải ngưng hoạt động; nếu như đã có người đại diện pháp lý là tổng giám đốc thuần túy, không kiêm nhiệm gì, thì người này đã (i) đứng tách biệt với cả hội đồng quản trị mới lẫn cũ (vì không do đại hội cổ đông bầu); (ii) họ đã có thể nhờ công an chấm dứt việc chiếm trụ sở, và đã không có việc con dấu bị lấy mất khiến phải chạy đến tòa án để rồi nó về nơi thi hành án; tức là trong công ty có cơ chế nội tại tự giải quyết tranh chấp. Người đại diện pháp lý của công ty có ý nghĩa là ở đó. Họ không nhất thiết phải nắm quyền cao nhất trong công ty mà chỉ là người liên lạc chính thức với bên ngoài và - quan trọng hơn - không được đứt đoạn. Nguồn: TBKTSG Xảy ra tranh chấp: Từ tự xử đến làm theo luật Trong làm ăn, chuyện phát sinh tranh chấp là điều khó tránh, nhưng cần biết cách giải quyết sao cho có lợi nhất và đúng pháp luật. Tự xử Không ít doanh nghiệp khi có tranh chấp đã chọn cách giải quyết theo kiểu “bất cần pháp luật”. Như trong vụ tranh chấp ở khách sạn Amara, khi đề xuất thay tổng giám đốc của mình không được chấp thuận, phía Singapore đã đưa người của mình từ Singapore qua, đồng thời thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để chiếm giữ bất hợp pháp phòng làm việc của ông tổng giám đốc liên doanh, nhằm cách chức ông này bằng vũ lực. Nhưng họ đã không thực hiện được ý định của mình vì hành động sai trái đó đã bị lực lượng công an can thiệp. Hay như trường hợp Công ty Đay Sài Gòn, khi tranh chấp xảy ra, ông phó chủ tịch hội đồng quản trị đã kéo người nhà và thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp đến chiếm giữ một số phòng ban của công ty. Xét về mặt hiệu quả, giải quyết tranh chấp theo kiểu “tự xử” như vụ Amara và Đay Sài Gòn đã không thành công mà còn “để lại tiếng xấu”. Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính, kể: một công ty có vốn đầu tư của Thụy Sỹ (A) ký hợp đồng thuê một doanh nghiệp tư nhân (B) sửa chữa cửa hàng trưng bày đồ gốm trên đường Hai Bà Trưng, Tp.HCM. Việc sửa chữa không đạt
yêu cầu nên bên A. đề nghị sửa lại, nhưng B. không chịu nên A. đã thuê công ty C. sửa chữa. Khi B. yêu cầu A. thanh toán tiền thì bị trừ 5.000 Đôla Mỹ (số tiền mà A. đã thanh toán cho C.). B. kiện A. ra tòa nhưng nhận thấy tình thế bất lợi nên đã thuê “giang hồ” hù dọa A. Cuối cùng, vì sợ, A. phải trả cho B. một nửa số tiền là 2.500 Đôla Mỹ. Tuy có trường hợp “thành công” như vậy nhưng theo ông Nghiêm, việc nhờ “xã hội đen” giải quyết tranh chấp rất dễ dẫn đến các tình huống xấu vì phải chịu trách nhiệm về hình sự. Nhờ công an Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp, nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc nhờ lực lượng công an. Theo Luật sư Lê Thành Kính, Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, thường thì doanh nghiệp nhờ lực lượng công an khi vụ việc tranh chấp có sự mập mờ, không rõ là quan hệ thương mại, dân sự hay hình sự. Vì nếu vụ việc không có dấu hiệu hình sự, công an sẽ không thể giúp (vì họ không có cớ); nếu có dấu hiệu hình sự, công an có cớ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ kinh tế, dân sự thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo chiều hướng tốt; nhưng nếu công an hình sự hóa quan hệ thương mại, dân sự thì lại là điều đáng tiếc. Việc nhờ công an can thiệp vào các vụ tranh chấp thường mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp này nhưng đồng thời cũng đưa đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp khác, chưa kể tốn kém “phần trăm” hoa hồng. Như trường hợp Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn yêu cầu cảnh sát kinh tế thu giữ hết hàng hóa của Công ty Mỹ phẩm Lan Hương vì công ty này vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Khi công an vào cuộc, mục đích của Mỹ phẩm Sài Gòn đạt được, nhưng hậu quả để lại là Lan Hương bị phá sản dù rằng sau này Công ty Lan Hương đã kiện ra tòa về quyết định thu giữ hàng hóa của công an và họ đã thắng kiện. Kiên nhẫn giải quyết theo pháp luật Theo Luật sư Lê Thành Kính, để giải quyết tranh chấp nên chọn con đường trọng tài thương mại, tòa án hoặc thương lượng. Hiện nay, trong các vụ tranh chấp mà doanh nghiệp nhờ đến văn phòng luật sư của ông có đến 70% vụ việc được giải quyết bằng con đường thương lượng, 20% dùng tòa án, số còn lại dùng trọng tài hoặc cách khác. Theo ông Kính, con đường giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là con đường ngắn nhất nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo của người thương lượng và khả năng tài chính của đối tác. Ông Kính cho biết thương lượng sẽ (i) tiết kiệm được thời gian (nếu chọn tòa án thì thời gian tố tụng từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm... đến thi hành án không biết sẽ kéo dài đến bao nhiêu năm; còn nếu giải quyết bằng con đường trọng tài thì về mặt lý thuyết, phán quyết của trọng tài vẫn có thể bị tòa án hủy nên vụ việc vẫn sẽ kéo dài); (ii) tiết kiệm chi phí (cụ thể là án phí hoặc phí trọng tài, phí luật sư, phí thi hành án...); (iii) khả năng thu hồi tài sản cao hơn và đồng vốn quay vòng trong kinh doanh sẽ nhanh hơn - vì thương lượng thành thì việc thanh toán sẽ có tính tự nguyện cao; (iv) vẫn giữ được mối quan hệ đối tác trong kinh doanh, bảo vệ được uy tín của đối tác cũng như uy tín của mình. Ông Kính cho biết có những vụ tranh chấp hết thời hiệu khởi kiện (theo luật không còn hiệu lực tranh chấp), thế nhưng với khả năng thương lượng khéo léo nhiều khi doanh nghiệp sẽ thành công, thu hồi được tài sản. Nhưng thường để thương lượng thành công, theo ông Kính, việc thương lượng phải đi đôi với các biện pháp khác như kiện ra tòa, ra trọng tài. “Nhiều khi mình thuyết phục người ta không nghe, nhưng khi hòa giải, thương lượng tại tòa, với những nhận định trên cơ sở pháp luật của thẩm phán thì thương lượng dễ thành công hơn”, ông Kính nói. Nhưng hạn chế của việc thương lượng là không thể căn cứ vào biên bản thương lượng mà cưỡng chế thi hành - vì nó không phải là bản án hay phán quyết của trọng tài có hiệu lực pháp luật. Vì thế, có trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc thương lượng để kéo dài thời gian cho qua thời hiệu khởi kiện của chủ tài sản. Thế nhưng, để các doanh nghiệp coi hệ thống tòa án và các trung tâm trọng tài là
nơi phải tìm đến khi có tranh chấp thì Nhà nước phải đẩy mạnh việc cải cách tư pháp. Làm sao để thời gian xét xử của các vụ tranh chấp thương mại, dân sự phải được rút ngắn và công tác thi hành án, thi hành các phán quyết của trọng tài phải được thực thi nhanh chóng và hiệu quả. Các kiểu tranh chấp Hiện nay, phần lớn các vụ tranh chấp trong kinh doanh xuất phát từ việc một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ trong các cam kết dân sự, thương mại. Ví dụ doanh nghiệp A. ký hợp đồng bán cà phê cho doanh nghiệp B., nhưng do giá cà phê trên thị trường đột ngột tăng (cao hơn giá đã ký kết) nên A. đã từ chối giao hàng. Hay doanh nghiệp C. bán thép cho doanh nghiệp D., khi giá thép hạ (thấp hơn giá đã ký kết), D. từ chối nhận hàng, thế là xảy ra tranh chấp... Trên thực tế, nhiều khi không vi phạm hợp đồng, không nợ nần gì nhau mà các doanh nghiệp vẫn tranh chấp và đưa nhau ra tòa. Họ kiện nhau vì các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của nhau. Như trường hợp Công ty Kymdan bị Công ty Vạn Thành và Ưu Việt kiện vì mẩu quảng cáo có nội dung so sánh bị cho là “xúc phạm” chất lượng sản phẩm cùng loại khác.Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, các tranh chấp về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ sẽ gia tăng trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Theo ông Hồ Hoàng Đức, Văn phòng Luật sư Mê Kông, gần đây đã nổi lên một xu hướng mới, đó là các vụ tranh chấp giữa các thành viên trong công ty. Trong tháng 5/2006 đã xảy ra hai vụ tranh chấp làm xôn xao giới doanh nghiệp. Đó là vụ tranh chấp quyền kiểm soát công ty ở Công ty Đay Sài Gòn; và vụ tranh chấp ở Công ty Liên doanh Khách sạn Amara về vị trí của tổng giám đốc công ty. Nguồn: TBKTSG Xảy ra tranh chấp: Trọng tài hay tòa án?
Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó quyết định mức độ thiệt hại của doanh nghiệp một khi thương vụ bị đổ bể. “Cầu trời” cũng chẳng ăn thua Cách đây không lâu, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) đã phải từ chối giải quyết một vụ tranh chấp mua bán giữa một công ty Đài Loan và chi nhánh của một công ty kinh doanh hải sản có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Lý do từ chối được đưa ra là vì trong điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp của hợp đồng mua bán, tên của tổ chức trọng tài này đã không được minh thị một cách cụ thể mà thay vào đó lại ghi chung chung rằng “nếu có tranh chấp sẽ nhờ trọng tài Việt Nam giải quyết”. VIAC từ chối là phải vì hiện cả nước có tới năm tổ chức trọng tài thương mại khác nhau chứ đâu chỉ có mình VIAC (ngoài VIAC còn có Trung tâm Trọng tài Thương mại Hà Nội; Trung tâm Trọng tài Thương mại Tp.HCM, Trung tâm Trọng tài Thương mại Cần Thơ và Trung tâm Trọng tài Thương mại Á Châu). Do mất quá nhiều thời gian để nhờ trọng tài phân xử, cuối cùng vụ án được đưa ra Tòa án Nhân dân (TAND) Bà Rịa-Vũng Tàu thì bị đình chỉ vì đã quá thời hiệu khởi kiện. Hiện vụ kiện đang được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xem xét lại nhưng giả sử trong trường hợp vẫn bị đình chỉ do quá thời hiệu khởi kiện thì thiệt hại của bên tranh chấp trong hợp đồng có thể lên tới trên 100.000 Đôla Mỹ. Cách đây vài năm, cũng từng có vụ Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) đã phải “trả giá” với phán quyết của trọng tài Geneva (Thụy Sỹ) buộc thanh toán gần nửa triệu Đôla Mỹ cho Công ty Kyunggi Silk (Hàn Quốc) trong một vụ tranh chấp kéo dài suốt ba năm. Riêng phí trọng tài, Viseri phải trả gần 40.000 Đôla Mỹ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số thiệt hại nói trên cũng là do sơ suất khi chọn trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc mà “đau” hơn nữa, theo Viseri, họ đã không có cơ hội để trình bày, cung
cấp chứng cứ chỉ vì không hiểu pháp luật, không hiểu hết những gì mà trọng tài Geneva yêu cầu cung cấp trong quá trình xét xử. Hai trường hợp trên chỉ là vài ví dụ trong vô số trường hợp rủi ro xuất phát từ sự bất cẩn của doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khi ký kết hợp đồng. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó giám đốc VIAC, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa có thói quen đặt câu hỏi là cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp nào và tại sao lại như vậy. Thông thường, các điều khoản về giá cả, chất lượng hàng hóa, tiến độ... vẫn được các doanh nghiệp chú trọng hơn là điều khoản về giải quyết tranh chấp, vì họ vẫn mang nặng tâm lý “cầu trời” cho tranh chấp đừng xảy ra. Chính tâm lý nói trên đã gây ra những sai sót không đáng có cho bản thân các doanh nghiệp khi đặt bút ký kết hợp đồng. Trọng tài viên Trần Hữu Huỳnh đã tổng kết một loạt những lỗi thường xảy ra như: không “thèm” thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp; có thỏa thuận nhưng lại vừa nhờ trọng tài, lại vừa nhờ tòa án giải quyết hoặc nếu có chọn trọng tài cũng chỉ hiểu “lờ mờ” về trọng tài (điều này dẫn đến ghi sai tên tổ chức trọng tài; chọn sai quy tắc tố tụng trọng tài hoặc luật áp dụng...). Thậm chí, theo Luật sư Lê Thành Kính (Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn), có trường hợp trong hợp đồng các bên thỏa thuận “sẽ đưa ra công an giải quyết nếu xảy ra tranh chấp”! Hậu quả của sự bất cẩn nói trên là làm cho quá trình tranh chấp bị kéo dài một cách không cần thiết do phải mất thời gian tìm cơ quan phân xử. Đặc biệt, đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài điều này lại càng nguy hiểm. Ông Huỳnh cho biết, trong nhiều trường hợp tương tự, do không chọn trước cơ quan nào giải quyết nên khi phát sinh tranh chấp doanh nghiệp rất lúng túng, không biết phải quyết định như thế nào. “Chọn trọng tài thì đã quá muộn vì đối tác không hợp tác, còn chọn tòa án nước ngoài của đối tác thì vừa sợ vừa lo. Sợ vì không biết thủ tục, pháp luật; lo vì chi phí cao. Chọn tòa án Việt Nam lại không chắc bản án của tòa án ta có được nước ngoài công nhận...”. Trọng tài: “thần hộ mệnh”? Những dẫn chứng trên cho thấy tâm lý “cầu may” có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại. Vì vậy, theo trọng tài viên Trần Hữu Huỳnh, khi đàm phán hợp đồng, doanh nghiệp nên đàm phán kỹ về điều khoản giải quyết tranh chấp. Loại trừ những phương thức trái luật, doanh nghiệp vẫn có khá nhiều sự lựa chọn khi xảy ra tranh chấp, từ các phương thức giải quyết ngoài tòa án như thương lượng, trung gian, hòa giải đến các phương thức tài phán như trọng tài, tòa án. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến đều cho rằng trong trường hợp các bên không thể “nhìn mặt nhau” nữa thì trọng tài được xem như cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp. Theo Luật sư Chu Khắc Hoài Dương, Trưởng văn phòng Luật sư Dương & cộng sự, so với tòa án việc lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp có năm ưu điểm lớn. Thứ nhất, các bên có nhiều quyền tự định đoạt, chẳng hạn như được tự do lựa chọn trọng tài (thậm chí được tự mình lập ra trọng tài), quy tắc tố tụng, luật áp dụng, địa điểm, ngôn ngữ, thời gian tiến hành các hoạt động tố tụng của trọng tài... Thứ hai, có nhiều trọng tài viên là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực như hàng hải, sở hữu trí tuệ, ngoại thương, công nghệ thông tin... Vì vậy, đối với các tranh chấp đòi hỏi chuyên môn cao, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền chủ động tìm và lựa chọn những trọng tài đáp ứng yêu cầu nói trên. Thứ ba, việc xét xử tại trọng tài được giữ bí mật. Điều này rất có lợi cho các bên, nhất là trong các tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh hay các yếu tố khác mà doanh nghiệp không muốn cho người ngoài cuộc biết. Thứ tư, tính minh bạch cao trong xét xử. Theo đó, tất cả tài liệu, chứng cứ của một bên đều được trọng tài gửi ngay cho các đương sự còn lại để họ phản biện hay kiện lại. Trong tố tụng dân sự của tòa án cũng có quy định cho các bên quyền này nhưng trên thực tế hầu như không thực hiện được. Cuối cùng là thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp. Nếu
giải quyết bằng con đường tòa án, đương đơn có thể mất rất nhiều thời gian do phải qua hàng loạt cấp xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong khi đó, quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực cưỡng chế ngay. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Chính (Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính) cho rằng giữa tòa án và trọng tài không có ưu thế nào là tuyệt đối cả. Ví dụ, phương thức xét xử nhiều cấp của tòa án cũng có cái hay là khả năng “sửa sai” nếu bản án của một cấp xét xử có sai sót. Ngược lại, một khi trọng tài đã ra phán quyết, cho dù có sai sót đi chăng nữa thì cũng đành... chào thua vì phán quyết đó có giá trị chung thẩm và có hiệu lực thi hành ngay. Do vậy, theo Luật sư Chính, doanh nghiệp nên xem xét kỹ điểm mạnh, yếu của từng phương thức để có quyết định hợp lý trước khi đặt bút ký vào hợp đồng. Luật sư Trần Anh Đức (Công ty Luật Vilaf) thì cho rằng nên căn cứ vào loại hợp đồng để chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Ví dụ, đối với những hợp đồng nợ vay đơn giản thì ra tòa là cách tốt nhất. Còn đối với những hợp đồng thương mại phức tạp, đòi hỏi chuyên môn ngành cao thì nên chọn trọng tài. Trong khi đó, theo ông Huỳnh, với các giao dịch có yếu tố nước ngoài, trọng tài vẫn là phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu nhất nếu các quốc gia của các bên tranh chấp đều đã là thành viên Công ước Liên hiệp quốc về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (tức Công ước New York với gần 150 quốc gia thành viên). Tuy nhiên, ông cũng lưu ý khi đã chọn trọng tài thì dứt khoát không được đại khái, qua loa. Phải cân nhắc thật kỹ từ việc chọn tổ chức trọng tài, quy tắc tố tụng trọng tài đến luật áp dụng của nước nào, địa điểm tiến hành trọng tài... Ngoài ra, không phải mọi tranh chấp liên quan đến kinh doanh đều có thể nhờ trọng tài vì theo quy định trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Mẫu gợi ý cho điều khoản về giải quyết tranh chấp: Dưới đây là điều khoản mẫu mà VIAC đưa ra nhằm giúp cho các doanh nghiệp tránh được những trục trặc khi có thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thương mại: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này”. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm các nội dung sau: a. Số lượng trọng tài viên là... (1 hay 3) b. Địa điểm tiến hành trọng tài... Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có thể bổ sung: c. Luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của... d. Ngôn ngữ dùng trong tố tụng trọng tài là... Thông thường, các điều khoản về giá cả, chất lượng hàng hóa, tiến độ... vẫn được các doanh nghiệp chú trọng hơn là điều khoản về giải quyết tranh chấp vì họ vẫn mang nặng tâm lý “cầu trời” cho tranh chấp đừng xảy ra.
Nguồn: TBKTSG Phát huy vai trò của trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TRỌNG TÀI TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI NGUYỄN HUYỀN Giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài (TT) được nhìn nhận như một hình thức phổ biến giải quyết các tranh chấp thương mại ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Ưu điểm nối bật của xét xử bằng TT so với tòa án ở chỗ nhanh gọn, kín đáo và phán quyết của TT có giá trị chung thẩm, tức có hiệu lực
cuối cùng và được cưỡng chế thi hành. Các bên có quyền tự do lựa chọn TT, tự do lựa chọn địa điểm, luật áp dụng với những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thời gian xét xử. Nếu giải quyết qua con đường Tòa án ở nước ngoài thì Tòa án Việt Nam có thể không công nhận thi hành bản án nếu nước đó không có trong hiệp định tương trợ tư pháp. Trong khi nếu là quyết định của TT thì sẽ rất dễ dàng bởi những nước nào tham gia Công ước Newyork (Công ước của Liên Hiệp Quốc về công nhận và thi hành bản án của TT) thì Tòa án sẽ phải mở thủ tục công nhận hiệu lực phán quyết của TT. Quyết định trọng tài được công nhận và có hiệu lực thi hành tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Lợi thế là vậy, nhưng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) mỗi năm cũng chỉ xử lý được 20-25 vụ. Các trung tâm khác khoảng năm đến bảy vụ, thậm chí có trung tâm không có vụ nào. Đây là tình trạng chung, kể cả đối với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thi hành án. Nhiều ý kiến cho rằng những bất cập trong các quy định của luật pháp hiện hành đang là rào cản đối với hoạt động của TT. Theo Pháp lệnh TT Thương mại, TT chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong phạm vi hoạt động thương mại. Điều này đã làm các trung tâm TT mất đi một lượng khách đáng kể trong các lĩnh vực ngoài hoạt động thương mại. Mặc dù theo Pháp lệnh TT Thương mại và Bộ luật Tố tụng dân sự, quyết định TT có giá trị thi hành như một bản án nhưng Pháp lệnh Thi hành án lại không quy định điều này. Thế nên cơ quan thi hành án hoàn toàn có thể vin vào Pháp lệnh Thi hành án để không thi hành các quyết định TT. Còn một nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu vắng này chính là do nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về hình thức giải quyết tranh chấp bằng TT. Đã có nhiều doanh nghiệp chịu thua thiệt với đối tác vì sự kém hiểu về TT thương mại. Trong nhiều hợp đồng, doanh nghiệp viết là “nếu có tranh chấp thì sẽ nhờ công an giải quyết” hoặc “nhờ Ủy ban nhân dân”. Có trường hợp thỏa thuận về TT nhưng lại ghi là “nếu không đồng ý với phán quyết của TT thì có thể mở Tòa án giải quyết”. Trong trường hợp này thì cả TT và Tòa án đều bó tay. Còn số doanh nghiệp khác thì lựa chọn hình thức TT nhưng lại ghi không đầy đủ và chính xác tên của tổ chức TT mà mình định yêu cầu. Để đẩy mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng con đường TT, một dự án tuyên truyền đã được thực hiện ở một số tỉnh, tư vấn cho hơn 1000 lượt doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tổng thư ký VIAC Trần Hữu Huỳnh thừa nhận từ tuyên truyền đến thực hiện là một khoảng cách xa. Ông Huỳnh cho rằng nên tính đến các hình thức tuyên truyền hiệu quả hơn như qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, thông qua hoạt động của đoàn luật gia, hội luật sư, đưa môn TT học vào nhà trường để đào tạo các luật gia, luật sư. Các hiệp hội cũng nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sâu rộng biện pháp TT trong giải quyết tranh chấp. Các trung tâm TT nên có các chương trình xúc tiến, thậm chí tự tiếp thị, và chủ động học hỏi cách làm của TT các nước, thay vì chờ đợi một cách thụ động. Khâu đào tạo, nâng cao chất lượng xét xử cũng cần được nâng lên một bước. Tòa án cũng nên hỗ trợ các biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo bản án của TT được thi hành. Không nên coi TT là một hình thức giải quyết tranh chấp trọng tài sẽ đỡ cho Nhà nước một số việc nhất định, như không phải giải quyết những vụ việc mà xã hội có thể tự giải quyết, nhất là trong bối cảnh hệ thống Tòa án đang quá tải như hiện nay. Theo báo Người đại biểu nhân dân, số ra ngày 01/12/2006 Doanh nghiệp Việt Nam đã đón nhận trọng tài như thế nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của đất nước Luật sư, Tiến sĩ Phạm Liêm Chính 1. - Doanh nghiệp Việt Nam biết đến trọng tài như một phương thức hữu hiệu để giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế từ đầu những năm 1960 khi mà Việt Nam thành lập hai tổ chức trọng tài bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam: Hội đồng Trọng tài Ngoại thương năm 1963 và Hội đồng Trọng tài Hàng hải năm 1964. Đến năm 1993 hai tổ chức trọng tài thường trực này đã được hợp nhất thành Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (viết tắt tiếng Anh là VIAC) như ngày nay. 2. - Nhưng trong suốt những thập kỷ 60, 70 và 80 vừa qua thương mại quốc tế của Việt Nam chủ yếu được tiến hành bởi các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam với các đối tác cũng là doanh nghiệp nhà nước của các nước xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (khối Comecon). Việc tranh chấp thương mại từ các hợp đồng mua bán hoặc trao đổi hàng hóa được giải quyết trong khuôn khổ Điều kiện chung giao hàng, một loại hiệp định thương mại song phương mà thời đó Việt Nam đã ký với mỗi nước XHCN. Theo hiệp định này tranh chấp được mang ra xét xử trước Hội đồng Trọng tài Ngoại thương của nước có trụ sở của bị đơn. Việc thi hành phán quyết trọng tài cũng được thực hiện thông qua hiệp định tương trợ tư pháp song phương giữa Việt Nam và các nước XHCN thời đó. Trên thực tế một vài tranh chấp đã phát sinh nhưng đều được giải quyết chủ yếu thông qua thương lượng và hòa giải (giảm giá hàng khi chất lượng không đạt yêu cầu của hợp đồng, giao hàng bổ sung khi giao hàng thiếu .. .) mà không cần đến triển khai tố tụng trọng tài theo đúng nghĩa của nó. 3. - Doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực sự biết đến trọng tài khi Việt Nam mở cửa kinh tế từ năm 1986 và phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần. Từ năm 1990 doanh nghiệp Việt Nam không chỉ bao gồm doanh nghiệp nhà nước mà còn một số lượng các doanh nghiệp dân doanh ngay càng tăng, được thành lập dưới dạng công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài cũng phát triển mạnh, góp phần phát triển thương mại và đầu tư ở Việt Nam. 4. - Trong bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam và nhất là trước ngưỡng cửa Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO thì vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng trọng tài ngày càng thu hút sự quan tâm thực sự của Doanh nghiệp Việt Nam. 5. - Một hợp đồng thương mại quốc tế thường khác hợp đồng thương mại nội địa ở hai điểm cơ bản: chọn luật áp dụng và chọn cơ quan xử lý tranh chấp. Việc chọn luật nào để điều tiết hợp đồng và chọn trọng tài nào để xử lý tranh chấp là tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên, nhưng thông thường cho thấy: Những hợp đồng lớn hoặc hợp đồng mà phía đối tác nước ngoài bao giờ cũng muốn chọn luật nước ngoài hay luật quốc tế làm luật áp dụng và một tổ chức trọng tài thực sự quốc tế như Tòa án Trọng tài Quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế (viết tắt tiếng Anh là ICC) để xét xử tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Còn đối với những hợp đồng nhỏ hoặc vừa hoặc vì sự tiện lợi, đỡ tốn kém chi phí kiện tụng thì các bên thường chọn VIAC làm nơi xét xử tranh chấp phát sinh và đôi khi cũng chọn luật Việt Nam làm luật áp dụng. 6. - Doanh nghiệp Việt Nam đón nhận trọng tài như thế nào? Điều đó tùy thuộc vào vị trí của họ trong tranh chấp thương mại: họ là nguyên đơn hay là bị đơn. Văn hóa kinh doanh hay sự ứng xử của họ càng thể hiện rõ hơn khi họ ở vào vị trí bị đơn. Chúng ta hãy phân tích một số trường hợp dưới đây để hiểu rõ quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và trọng tài. I. - Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam là nguyên đơn 7. - Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam tôn trọng cam kết hợp đồng, không vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong khi mà bên đối tác nước ngoài vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm hợp đồng, tức là phải đền bù thiệt hại cho bên Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam đón nhận trọng tài một cách tích cực. Đây là một ứng xử bình thường trong thương mại quốc tế. ở vị trí nguyên đơn, doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầy đủ các bước tố tụng trọng tài ngay cả khi trọng tài đó tiến hành ở nước ngoài vì việc theo đuổi tố tụng trọng tài phù hợp với lợi ích của họ, có lợi cho họ. 8. - Phán quyết trọng tài được tuyên bởi các trọng tài của VIAC hay của trọng tài nước ngoài, của ICC nhìn chung đều được thực hiện thuận lợi hoặc bằng sự tự nguyện thi hành phán quyết của bị đơn nước ngoài hoặc bằng cưỡng chế của tòa án nước ngoài khi tòa án này công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài
buộc bị đơn nước ngoài phải trả tiền đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện. Rất nhiều phán quyết trọng tài của VIAC đã được tòa án các nước nơi có trụ sở của bị đơn công nhận và thi hành. Điều đó cho thấy sự hợp tác hữu hiệu giữa các quốc gia thành viên của Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài (sau đây gọi tắt là Công ước New York năm 1958). II. Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam là bị đơn 9. - Trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam vi phạm hợp đồng, không thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng và họ ở vào vị trí bị đơn trong tố tụng trọng tài thì có thể khái quát ứng xử của họ như sau: Nếu trọng tài tiến hành ở Việt Nam thì doanh nghiệp bị đơn Việt Nam còn tham gia tố tụng trọng tài chủ yếu vì chi phí theo kiện không cao như khi trọng tài được tiến hành ở nước ngoài. Còn ngược lại, nếu trọng tài tiến hành ở nước ngoài thì doanh nghiệp bị đơn Việt Nam hầu như không có động thái tích cực đáng kể nào: họ không chỉ định trọng tài viên, không đóng tạm ứng phí trọng tài, đôi khi chỉ gửi một vài văn thư trả lời trọng tài còn nhìn chung không tham gia tố tụng, không gửi luận cứ bảo chữa cho mình, không đi dự phiên xét xử trọng tài, và khi phán quyết trong tài được tuyên vắng mặt họ thì họ cũng không tự nguyện thi hành phán quyết. 10. - Việc bị đơn không tham gia tố tụng trọng tài, không tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài cũng là điều dễ hiểu, điều này đôi khi cũng thường xảy ra đối với bị đơn nước ngoài. Nhưng điều đáng nói là Tòa án nước ngoài nơi có trụ sở của bị đơn nước ngoài bao giờ cũng tôn trọng Công ước New York năm 1958 và họ xem xét một cách thuận lợi việc công nhận phán quyết trọng tài của VIAC và buộc bị đơn nước ngoài phải thi hành phán quyết. Điều đó cho thấy sự hỗ trợ của Tòa án Nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện phán quyết trọng tài, đem lại công lý cho nguyên đơn Việt Nam thắng kiện. 11. - Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Công ước Công ước New York năm 1958 nhưng trên thực tế các cấp Tòa án Việt Nam vẫn chưa xem xét thuận lợi việc công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài buộc bị đơn Việt Nam phải trả tiền bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn nước ngoài. Cho đến nay Tòa án Việt Nam, trong một vài trường hợp còn dựa vào những lý do không lấy gì là xác đáng để từ chối việc công nhận các phán quyết của trọng tài nước ngoài cho dù đó là phán quyết của ICC. 12. Thay lời kết: Doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế. Khi đã ký kết hợp đồng thì doanh nghiệp Việt Nam cần tôn trọng cam kết qua việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Không nên vì giá hàng lên sau khi ký hợp đồng mà mình với tư cách là người bán hàng từ chối giao hàng hoặc khi giá hàng xuống mà mình với tư cách là người mua hàng từ chối thanh toán và từ chối nhận hàng để dẫn đến tranh chấp thương mại và tranh chấp này phải đem ra giải quyết ở trọng tài. Điều này cũng thường xẩy ra tương tự ở các thương nhân nước ngoài. Tuy hiện tượng này là không dễ tránh khỏi trong hoạt động thương mại thời kinh tế thị trường, nhưng điều quan trọng là việc từ chối giao, nhận và tư từ chối thanh toán phải có đủ căn cứ pháp lý trên cơ cở tôn trọng đạo đức kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ tham gia tố tụng trọng tài khi mình là nguyên đơn mà nên tham gia ngay cả khi mình là bị đơn. Khi có phán quyết trọng tài buộc mình phải trả tiền đền bù thiệt hại cho nguyên đơn nước ngoài thắng kiện thì mình cũng nên tự nguyện thi hành phán quyết, không nên nêu ra những lý do này hay lý do khác để từ chối thi hành phán quyết cho dù lý do đó nhất thời được các cấp Tòa án Việt Nam chấp thuận để từ chối công nhận các phán quyết của trọng tài nước ngoài. Điều đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh tôn trọng cam kết của doanh nghiệp Việt Nam cũng như tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Cần phải có Luật Trọng tài Thương mại Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài (TT) có tầm quan trọng đặc biệt bởi nó quyết định mức độ thiệt hại của doanh
nghiệp (DN) một khi thương vụ đổ bể. Tuy nhiên, con đường tài phán này hiện không nhận được sự quan tâm của DN. Phóng viên báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm TT Quốc tế Việt Nam (VIAC). P.V: Thưa ông, khi nào thì DN cần đến TT thương mại? Ông Nguyễn Minh Chí: Khi xảy ra tranh chấp trong kinh doanh, DN sẽ cần đến việc phân xử. Hiện nay có 2 phương pháp giải quyết bằng tài phán là tòa án và TT thương mại. Trên thế giới, tại các nền kinh tế thị trường, các DN thường sử dụng phương pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp. Nhưng TT sẽ chỉ vào cuộc được nếu như DN thỏa thuận với nhau sẽ lựa chọn hình thức này và được ghi rõ ràng trong hợp đồng. Nếu không có điều khoản về TT trong hợp đồng thì khi xảy ra tranh chấp, TT không thể làm gì được. Điểm này khác với tòa án là đơn vị có quyền đương nhiên khi xảy ra tranh chấp. P.V: Mặc dù đã trở thành thông lệ quốc tế, nhưng hiện vẫn có rất ít DN lựa chọn phương pháp TT thương mại khi xảy ra tranh chấp, thưa ông? Ông Nguyễn Minh Chí: Có tài liệu thống kê rằng có tới 84% DN không biết đến việc giải quyết tranh chấp bằng TT. Điều này cũng dễ hiểu bởi còn nhiều DN Việt Nam kinh doanh theo lối cũ, khi xảy ra tranh chấp thì “nhờ” cơ quan chủ quản hoặc Bộ chủ quản giải quyết. P.V: Trong bối cảnh hội nhập, DN ngày càng phải tuân thủ theo pháp luật. Việc “nhờ” cơ quan chủ quản giải quyết có khiến ông ngạc nhiên không? Ông Nguyễn Minh Chí: Tôi không ngạc nhiên về vấn đề này mà chỉ quan tâm đến việc từ nay trở đi, cả DN và cơ quan chức năng nhận thức về vấn đề này như thế nào. Thông thường, các điều khoản về giá cả, chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, phương thức thanh toán... vẫn được các DN chú trọng hơn là các điều khoản về giải quyết tranh chấp. Chính tâm lý đó đã tạo ra những sai sót không đáng có cho các DN trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong nhiều hợp đồng, DN viết là “nếu có tranh chấp thì sẽ nhờ công an giải quyết” hoặc “nhờ UBND” chứng tỏ DN chỉ hiểu một cách nôm na, đại khái về TT thương mại. Có trường hợp có thỏa thuận về TT nhưng lại ghi là “nếu không đồng ý với phán quyết của TT thì có thể nhờ Tòa án giải quyết”. Trong trường hợp này thì cả TT và Tòa án đều “bó tay”. Điều này chứng tỏ DN hiểu rất mơ hồ về TT thương mại, còn đối với số ít DN biết thì nhiều khi lại ghi không đầy đủ và chính xác tên của tổ chức TT mà mình định yêu cầu. P.V: Với nhận thức về TT còn rất mơ hồ, DN Việt Nam đã phải trả giá cho sự kém hiểu biết của mình? Ông Nguyễn Minh Chí: Đúng, đã xảy ra nhiều trường hợp DN chịu thua thiệt với đối tác vì sự kém hiểu về TT thương mại. Ví dụ, VIAC đã từng phải từ chối giải quyết tranh chấp mua bán giữa một công ty Đài Loan và chi nhánh công ty A có trụ sở tại Bà Rịa-Vũng Tàu với lý do điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ghi chung chung “nếu có tranh chấp sẽ nhờ TT Việt Nam giải quyết”. Do mất nhiều thời gian để nhờ TT phân xử, cuối cùng vụ việc được đưa ra Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu giải quyết nhưng cũng bị đình chỉ vì đã quá thời hiệu khởi kiện. Vừa qua, Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam đã bị trọng tài Geneva (Thụy Sỹ) buộc phải thanh toán gần nửa triệu USD cho Công ty Kyunggi Silk (Hàn Quốc) trong một vụ tranh chấp kéo dài 3 năm, kèm theo đó, Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam phải thanh toán gần 40.000 USD tiền phí TT. P.V: Vậy những ưu điểm của phương pháp giải quyết tranh chấp bằng TT thương mại là gì, thưa ông? Ông Nguyễn Minh Chí: Khi DN lựa chọn TT thương mại sẽ có những ưu điểm như DN được lựa chọn TT, quy tắc tố tụng, địa điểm, ngôn ngữ, thời gian tiến hành các hoạt động tố tụng của TT; việc xét xử được giữ bí mật; tính minh bạch cao trong xét xử (tài liệu chứng cứ của một bên được TT gửi ngay cho đương sự còn lại để họ phản biện hay kiện lại), và cuối cùng là quyết định của TT có giá trị chung thẩm và có hiệu lực cưỡng chế ngay. P.V: Yêu cầu đầu tiên đối với một thỏa thuận về TT là phải ghi chính xác và đầy đủ tên của tổ chức TT đó. Vừa qua, có DN đã đến yêu cầu VIAC thụ lý vụ việc của DN nhưng VIAC đã từ chối. Nguyên nhân là do đâu? Ông Nguyễn Minh Chí: DN đã chọn chính xác VIAC nhưng quy tắc tố tụng trong hợp đồng thì DN lại chọn theo quy tắc của TT thương mại Pari. VIAC từ chối không thụ
lý vì nếu theo quy tắc tố tụng của TT thương mại Pari thì rất khó trong việc chọn TT viên, quy tắc tố tụng, gặp rắc rối trong phí TT và một số vấn đề về địa điểm xử. P.V: Trong thời gian tới khi nhiều DN nước ngoài đến kinh doanh tại thị trường Việt Nam, những vụ việc có yếu tố nước ngoài sẽ nhiều hơn, VIAC sẽ tiếp tục từ chối những vụ việc tương tự như trên? Ông Nguyễn Minh Chí: Với những trường hợp tương tự, các trung tâm TT thương mại khác trên thế giới cũng sẽ từ chối bởi rất khó cho việc xét xử nếu DN lựa chọn một trung tâm TT này nhưng lại chọn quy tắc tố tụng của một trung tâm TT khác. P.V: Vậy năng lực và trình độ của TT viên có đáp ứng được yêu cầu xét xử TT thương trong mại thời gian tới? Ông Nguyễn Minh Chí: Các TT viên hiện nay đều là những người kiêm nhiệm trong các lĩnh vực thương mại. Vì vậy, một số TT viên còn chưa chuyên nghiệp, ví dụ như yêu cầu về quy tắc tố tụng. Điều này một số TT viên chưa nắm được. Cùng với đó, các tranh chấp ngày càng sâu và phức tạp, nhất là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Hiện nay cũng tồn tại thực trạng có một số ít TT viên chưa nắm chắc kiến thức pháp luật quốc tế bao gồm luật các nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên hoặc sắp là thành viên. Nếu các TT viên không nắm chắc các điều ước quốc tế đa phương, song phương hoặc những điều ước được ký kết khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. P.V: Với hành lang pháp lý của mình (Pháp lệnh TT, Pháp lệnh thi hành án…), hoạt động của TT thương mại còn gặp những bất cập gì,, thưa ông? Ông Nguyễn Minh Chí: Bức xúc lớn nhất hiện nay còn vướng mắc là trong việc thi hành phán quyết trọng tài. Mặc dù theo Pháp lệnh TT thương mại và Bộ luật Tố tụng dân sự, quyết định của TT có giá trị như một bản án nhưng Pháp lệnh thi hành án lại không quy định điểm này. Cơ quan thi hành án có thể vin vào đây để không thi hành các quyết định của TT. Theo tôi cần phải xây dựng Luật về TT thương mại thay cho Pháp lệnh TT. Tuy nhiên cần phải có sự gắn kết với Pháp lệnh thi hành án mà hiện nay đang làm về Luật thi hành án để giữa 2 đạo luật có sự hài hòa không để tình trạng khi luật đi vào cuộc sống không biết vận dụng luật nào. Có thể, khi đó ý chí của người thực thi quyết định chứ không phải là luật quyết định. Xin cảm ơn ông Giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài: Đến bao giờ mới nhờ cậy được luật sư trong nước? 01/11/2006 14:58 GMT+7
Cả nước mới có hơn 3.900 luật sư (LS) có giấy phép hành nghề nhưng số LS đủ trình độ tiếp cận với các vụ việc có yếu tố nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giới kinh doanh phàn nàn rằng việc tư vấn pháp luật và bảo vệ doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế vẫn là sân chơi của các LS nước ngoài. Các vụ kiện lớn như cá tra, cá ba sa, giày xuất khẩu hay vụ kiện của Vietnam Airline hầu hết đều do LS nước ngoài đảm nhận là minh chứng. Thiếu nhiều kỹ năng Khi ngày chính thức gia nhập WTO đã cận kề thì hẳn là các vụ tranh chấp thương mại sẽ rất nhiều, nhưng hiện giờ lực lượng LS trong nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. LS Việt Nam vừa yếu kỹ năng đàm phán, không thông hiểu luật pháp quốc tế lại thiếu ngoại ngữ. Đó là những trở ngại lớn khiến doanh nghiệp Việt Nam không trông chờ được vào LS trong nước mà phải nhờ tới LS nước ngoài. Hiện giờ, vẫn có rất ít LS có thể hoạt động trong mảng Luật Thương mại quốc tế. Đây là lỗ hổng lớn vì với xu thế hội nhập, các hoạt động kinh tế quốc tế sẽ thành một bộ phận của nền kinh tế trong nước. LS.Ts. Phan Thị Hương Thủy - Trưởng Văn phòng LS Hoàng Long nói nghề LS truyền thống của Việt Nam là hoạt động trong tranh tụng trước tòa án. Thời gian gần đây, nhiều LS Việt Nam đã mở rộng sang lĩnh vực tư vấn pháp luật nhưng hoạt động tranh
tụng và tư vấn tách rời nhau, ít LS hoạt động trong tư vấn thương mại. Hạn chế này đã làm giảm chất lượng dịch vụ tranh tụng tại tòa án trong các vụ án có yếu tố nước ngoài vì thực tiễn cho thấy trong các vụ án có yếu tố nước ngoài hoạt động tư vấn pháp luật trong tố tụng là rất cần thiết và cũng là một trong những yêu cầu rất khắt khe của khách hàng nước ngoài. Một điểm yếu mà ngay cả những người trong cuộc cũng phải thừa nhận là chưa có sự phối hợp giao lưu học hỏi kinh nghiệm kể cả khi thất bại trong tranh tụng. Hiện tượng các tổ chức hành nghề LS nói chung hoạt động riêng lẻ, theo kiểu "mạnh ai nấy làm" là phổ biến. Các LS chưa tập hợp lại để tăng sức mạnh tuy cũng đã có dấu hiệu của sự liên kết cùng thực hiện những vụ án có yếu tố nước ngoài với quy mô lớn. Đào tạo còn yếu Nhiều ý kiến cho rằng môi trường trong nước chưa tạo điều kiện giao lưu học hỏi cho các LS Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên chính là đào tạo kém. Không một trường luật nào ở Việt Nam dạy về kỹ năng đàm phán, kỹ năng tiếp thị cho sinh viên luật. Ông Trần Mạnh Hùng, Công ty luật Partner, Baker & Mc Kenzie Vietnam đưa ra điểm so sánh khi làm việc trong môi trường của các công ty luật nước ngoài, tuy đội ngũ nhân viên trong nước thường có kiến thức cơ bản vững chắc về luật pháp Việt Nam và hệ thống luật pháp trong nước nhưng họ thường thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng phân tích cần thiết. Đây là điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa LS trong nước và LS nước ngoài. Về lâu dài, các LS và trợ lý Việt Nam nên phối hợp với các LS quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn về pháp luật. Chương trình giảng dạy tại các trường luật cần phải được cải cách. Thay vì yêu cầu sinh viên luật học thuộc một khối lượng lớn các giáo trình chỉ mang tính chất hàn lâm, không thực dụng nên dạy sinh viên luật về những kỹ năng lý thuyết và thực hành nền tảng, có tính chất thực tế, kể cả kỹ năng đàm phán, tiếp thị, soạn thảo văn bản, phân tích, giải quyết vấn đề… Các LS Việt Nam nên coi trọng việc nâng cao kỹ năng tiếng Anh, có thể yêu cầu tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc trong các trường luật. Trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu đào tạo và tăng cường năng lực của LS trở nên vô cùng cấp thiết. Các LS cần phải đáp ứng cả những nhu cầu về dịch vụ pháp lý mới xuất hiện như lĩnh vực thuế, luật thương mại quốc tế, luật thương mại khu vực, luật nội địa của một số nước ASEAN, tranh chấp trong một số quan hệ đặc thù như hành chính thị trường chứng khoán, thương mại điện tử,… Không biết đến thời gian nào, doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự trông cậy ở LS Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế quốc tế. Còn hiện nay, 75% những tranh chấp kinh tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam đã được giải quyết bằng hình thức khác thay vì con đường pháp lý.
Tranh chấp thương mại quốc tế: Chuyện thường ngày thời hội nhập Đàm Ánh Nguyệt Giày da Việt Nam hiện đang bị EU điều tra chống bán phá giá. Mặc dù đã được tiên liệu trước song sự kiện EU chính thức điều tra chống bán phá giá đối với giày, mũ da Việt Nam vẫn gây một cơn "dư chấn" trong giới kinh doanh. Chưa kịp "hoàn hồn" các nhà sản xuất Việt Nam lại phải đối mặt với nguy cơ bị kiện mặt hàng nan hoa xe đạp, xe máy. "AD" (anti-dumping) - thuật ngữ "chống bán phá giá" đã thực sự trở thành nguy cơ gần và là một phần tất yếu của câu chuyện hội nhập. AD nở rộ - vì sao? - Từ năm 1995-6/2004, các thành viên WTO đã tiến hành 2.537 cuộc điều tra AD trong đó Ấn Độ 383 cuộc, Mỹ 350 cuộc, EU 287 cuộc... Có 61,76% cuộc bị áp thuế chống bán phá giá.
- Trung Quốc là "nạn nhân" nhiều nhất với 400 vụ/năm, còn Mỹ là nước bị chỉ trích nhiều nhất về các biện pháp AD. - Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã "dính" 20 vụ kiện AD, 8 cuộc bị áp thuế, trong đó một nửa xuất phát từ EU (10 vụ). Có thể nói, chưa bao giờ các vụ kiện chống bán phá giá lại nở rộ với "mật độ" liên tục như hiện nay. Theo thống kê, Việt Nam đã "dính" tới 20 vụ kiện AD với đủ các mặt hàng từ thủy sản như tôm, cá đến các mặt hàng gia dụng như bật lửa, đèn huỳnh quang, phụ tùng xe đạp, then chốt cửa... Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cảnh báo tiếp theo có thể đến lượt các doanh nghiệp gỗ, dệt may phải ôm trát theo toà. Sở dĩ VN ngày càng "dính" nhiều vụ kiện chống bán giá trước hết bởi tốc độ tăng trưởng quá "nóng" của một số mặt hàng xuất khẩu chỉ tập trung vào một thị trường gây ra cảm giác lo ngại cho các nhà sản xuất nội địa. Đúng như Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. HCM Seth D. Winnick từng nhận xét "vấn đề của VN là mỗi khi tìm ra một sản phẩm xuất khẩu tốt, VN dốc toàn lực vào sản phẩm này. Mọi chuyện xảy ra nhanh quá gây ra xáo trộn, không để thị trường có thời gian điều chỉnh, làm nảy sinh tình huống nộp đơn kiện chống bán phá giá". Vụ cá tra, basa là một điển hình "từ chỗ không có con cá nào nhập khẩu vào Mỹ đến chỗ có rất nhiều người sau một vài năm bỗng thấy họ bị đẩy ra khỏi thị trường của chính họ". Vì thế các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ mới quyết "sống mái" với cá VN. Vụ tôm sau này và dệt may, đồ gỗ... trong tương lai có thể chỉ xuất phát từ lý do tăng trưởng "nóng" kiểu này. Nguyên nhân thứ hai là theo quy định của EU, Mỹ, Canada... bất cứ mặt hàng ngoại nhập nào có "triệu chứng" chiếm 3% thị phần trở lên là có căn cứ để khởi kiện. Điều nguy hiểm của quy định là cho phép cộng gộp thị phần tất cả những nước cùng nhập khẩu mặt hàng này vào thị trường. Do đó, có những mặt hàng VN chỉ xuất với doanh số rất nhỏ, không đủ "đe dọa nền sản xuất" của bất cứ ai nhưng cũng bị gộp vào với những nước khác cho đủ số. Bởi thế mới có những doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã lâu vẫn bị kiện như 2/5 doanh nghiệp bị đơn trong vụ chốt cài cửa không gỉ hồi tháng 5. Lý do thứ ba còn "lãng xẹt" hơn nhưng không thể coi thường. Đó là khi đối tượng bị kiện là các nước lớn hơn nhưng các nhà khởi kiện vẫn "nhân tiện" gộp VN vào để chặn trước hành vi lẩn thuế chống bán phá giá do lo ngại sau khi bị áp thuế, các nước bị kiện sẽ chuyển xuất xứ sản phẩm sang VN. Điển hình của những vụ việc kiểu này là vụ kiện oxit kẽm, đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại mà Việt Nam phải chịu tai bay vạ gió từ TQ. Cuối cùng, nguyên nhân sâu xa là trong xu hướng tự do thương mại hiện nay, những hàng rào cũ càng phải dỡ bỏ thì các biện pháp AD càng trở thành cứu cánh để trấn an các nhà sản xuất nội địa. Nói cách khác, AD chính là van an toàn của chính sách tự do mậu dịch. Do đó không ngạc nhiên khi những nước hô hào mạnh nhất cho tự do thương mại như Mỹ, EU, Australia, Canada... lại là những nước dùng đến "vũ khí" chống bán phá giá nhiều nhất. Làm sao "sống chung với lũ AD"? Việc bị kiện chống bán phá giá còn là điều tất yếu trong tiến trình hội nhập, nhất là khi xuất khẩu đóng góp thu nhập quốc dân VN và VN lại chưa được công nhận quy chế kinh tế thị trường. Đúng như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thương mại "Đây là một thực tế và chúng ta phải chấp nhận luật chơi", vấn đề là "chơi" sao cho đẹp để không bị thiệt thòi. Vì bộ máy AD của Mỹ, EU... dù được đánh giá là rất lợi hại và hay "thiên vị đội nhà" nhưng không phải là không có cách thắng được. Theo ông William Perry, một cựu nhân viên của ITC và DOC (Mỹ) chuyển sang làm tư vấn và chuyên biện hộ cho các công ty bị kiện AD thì dù bất lợi cũng phải theo kiện đến cùng và tuân thủ quy trình điều tra. Chỉ cần tỏ thái độ không hợp tác hay hợp tác thiếu thiện chí cũng đủ đẩy doanh nghiệp vào tình trạng tồi tệ nhất vì khi đó cơ quan điều tra buộc phải dùng các con số (có thể bị thổi phồng) của các nguyên đơn. Tiếp theo, các bị đơn phải thuyết phục các cơ quan điều tra là họ thật sự không gây tổn hại cho các nhà sản xuất nội địa hay chí ít là mức độ không đáng kể để thoát thuế hoặc chỉ bị áp mức thuế thấp nhất. Muốn vậy, doanh nghiệp phải lập trước kế hoạch chống rủi ro của các vụ kiện kiểu này, trong đó có việc hoàn thiện
hệ thống sổ sách, lưu giữ chứng từ, kế toán sao cho minh bạch, rõ ràng phù hợp với yêu cầu quốc tế. Các doanh nghiệp VN cần lưu ý điều này vì trong 5 tiêu chí đánh giá để công nhận đạt nền kinh tế thị trường của EU thì chuẩn mực kế toán quốc tế là một tiêu chuẩn không đạt của VN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải liên kết chặt chẽ với các công ty nhập khẩu, người tiêu dùng của Mỹ bởi họ là đồng minh tất yếu. "Lobby" tốt cộng thêm sức ép từ các nhà nhập khẩu và các khách hàng lớn có thể "hóa giải" những nguy cơ thiệt hại. Tránh bão từ xa Theo một tham tán thương mại, ngay từ khi thâm nhập thương trường quốc tế kể cả các nước ít tai tiếng về AD như Đông Á, Nam Mỹ... các doanh nghiệp vẫn phải luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho các vụ kiện bán phá giá không phải chỉ để "trắng án" mà còn làm sao chỉ phải chịu mức thuế thấp nhất nếu có. Đặc biệt phải hết sức cảnh giác đến các trường hợp hợp tác làm ăn với các DN nước ngoài dưới hình thức "tạm nhập, tái xuất hoặc đối tác gia công đơn giản", vì có thể đây là hình thức trốn thuế chống bán phá giá ở nước thứ 3. Mặt khác, giá rẻ là lợi thế của VN nhưng cũng là điểm bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá. Do đó, thay vì cạnh tranh bằng giá, doanh nghiệp nên nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã vừa né được đối thủ siêu rẻ TQ, vừa giảm thiểu nguy cơ bị kiện tụng trong khi lợi nhuận cao hơn làm hàng giá rẻ. Về phía cơ quan chức năng, theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Lê Danh Vĩnh, một mặt cần quản lý tốt việc cấp nguồn gốc xuất xứ (C/O), chống gian lận thương mại, mặt khác phải tăng khả năng cảnh báo sớm các nguy cơ bị kiện. Về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) mới đây cho biết Cục sẽ chủ động xây dựng kế hoạch với một số mặt hàng nhạy cảm có thể bị kiện để giúp các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động tránh bão từ xa. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế, tránh bão từ xa tốt nhất là tránh từ gốc. Đó là khuyến cáo doanh nghiệp điều tiết hoạt động xuất khẩu một cách hợp lý, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, không tập trung quá mức vào thị trường nào, kịp thời "ghìm cương" những mặt hàng tăng trưởng quá nóng...
Thua thiệt trong thương mại quốc tế do... “ngây thơ” Thứ tư, 06 Tháng mười hai 2006, 09:58 GMT+7
Thống kê những vụ tranh chấp thương mại quốc tế trong 20 năm vừa qua, tiến sĩ luật sư Phạm Liêm Chính đã liệt kê ra được hàng loạt những rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam đã gặp trên thương trường quốc tế, với những tổn thất lớn cả về uy tín cũng như kinh tế. Nhận diện rủi ro Tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tại Hà Nội ngày 5/12, TS Chính nêu rõ: Nguyên nhân của những rủi ro này là do sự bất cập của hệ thống pháp luật Việt Nam chưa tương đồng với luật pháp quốc tế, do doanh nghiệp bội ước hợp đồng... Liệt kê các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam “bị lừa” khi giao kết với các đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Gia Hảo - trọng tài viên VIAC - đã nhận xét: “Đang có tới cả 1.001 kiểu lừa đảo như: Dụ khị rửa tiền; đi chơi có thưởng; phô tiền đầu tư; mua rởm, bán rởm; chôm tiền, chộp hàng; lang thang trên mạng... nhưng doanh nghiệp của ta lại quá “ngây thơ” trong thương trường quốc tế nên đã mắc vào bẫy của bọn lừa đảo quốc tế”. Chứng minh cho những điều vừa nêu, ông Hảo cho biết đã có ngân hàng ở Hải Phòng, chỉ vì nghe lời mời “mùi mẫn” trên mạng Internet đã “quăng” cả 1 triệu USD để được tham gia vào trang web alibaba.com rồi không thể đòi lại được. Một dạng rủi ro khác doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt trên thương trường
là khả năng bị kiện chống bán phá giá, các biện pháp tự vệ, các rào cản kỹ thuật. Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại - cho biết: Việc kháng kiện đang ngày càng khó khăn hơn, đối tượng kiện đã mở rộng ra các nước ở nhiều khu vực chứ không tập trung vào Mỹ và EU như trước đây. Và mặt hàng Việt Nam bị kiện đã ngày càng đa dạng: Nan hoa xe đạp; đèn huỳnh quang... là loại sản phẩm mới thâm nhập thị trường chứ không chỉ là mặt hàng lớn, hàng xuất khẩu chủ lực... Điểm yếu cần sửa Những vụ rủi ro điển hình các doanh nghiệp Việt Nam bị thua thiệt: Công ty Vinafood II năm 1995 phải đền 5 triệu USD do không thực hiện được việc giao gạo cho một đối tác phương Tây. Công ty Centrrimex năm 2000 thua kiện và mất trắng 1,45 triệu USD vì đã từ chối không nhận lô phân bón Đức. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phải nộp phạt 200.000USD do huỷ hợp đồng thuê huấn luyện viên Christian Letard. Theo ông Nguyễn Gia Hảo: “Kiến thức kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam được đào tạo chỉ toàn là những “cái tốt”, các nhà trường không dạy cho doanh nhân những “cái xấu” sẽ gặp phải trên thương trường để biết mà đối phó, nên rất dễ bị lừa”. Đã vậy, khi bị đối tác nước ngoài lừa đảo, các doanh nghiệp vì “sĩ diện” lại tìm mọi cách che giấu nên các đồng nghiệp không biết kinh nghiệm để né tránh, nên đối tượng lừa đảo càng có nhiều cơ hội “làm ăn” với các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy mà Việt Nam không chỉ là “vùng đất hứa” cho các nhà đầu tư quốc tế đến làm ăn nghiêm túc, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo quốc tế tìm đến. Hàng loạt những “điểm yếu” của doanh nghiệp Việt Nam đang cần phải khẩn trương khắc phục trong môi trường hội nhập đã được các chuyên gia pháp lý, các cơ quan quản lý, các hiệp hội nêu ra để tìm hướng khắc phục. Luật sư Đỗ Trọng Hải - Phó Tổng giám đốc InvestConsult Group - cho biết: Các dạng rủi ro có thể phát sinh trong giao thương quốc tế là rất đa dạng và không thể liệt kê hết, nhưng đều xuất phát từ một số nguyên nhân chính: Do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen tuân thủ và thượng tôn pháp luật, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong kinh doanh; do không hiểu biết pháp luật nước ngoài và thông lệ quốc tế... Theo Công Thắng Báo Lao động Việt Báo http://mobi.vietbao.vn/Kinh-te/Tien-mat-tat-mang-vi-mu-phap-ly/10987427/87/ Tiền mất tật mang vì "mù" pháp lý Thứ tư, 06 Tháng mười hai 2006, 10:01 GMT+7 Vướng vào các rủi ro liên quan đến pháp lý là điều khó tránh khỏi với các doanh nghiệp khi hội nhập. Có doanh nghiệp đã mất trắng cả triệu đôla trong tranh chấp thương mại quốc tế hay ăn nhầm "quả đắng" của các công ty lừa đảo nước ngoài, chỉ vì không hiểu luật. Năm 2002, Công ty Xuất nhập khẩu III (Centrimex) nhập 10.000 tấn phân bón từ một công ty của Đức với giá 1,45 triệu USD. Sau đó, nhân viên Centrimex phát hiện hồ sơ có sai lệch. Khi tàu chở hàng cập cảng Sài Gòn, thay vì giải quyết tranh chấp theo quy định quốc tế, Centrimex quyết định từ chối tiếp nhận số hàng chính mình bỏ tiền ra mua. Chủ tàu buộc phải đưa số hàng trở về và hóa giá. Phía Việt Nam mất trắng lô hàng trị giá 1,45 triệu USD. > Kiện bán phá giá sẽ gia tăng > Vụ kiện tôm > Vụ kiện cá basa > Vụ kiện Vietnam Airlines ở Italy Gần đây nhất, một doanh nghiệp tại Hải Phòng lại trở thành nạn nhân của một phi vụ
lừa đảo gần 1 triệu USD của một công ty làm ăn qua website alibaba.com. Quá tin đối tác với những hóa đơn chứng từ hoàn hảo, công ty này chuyển tiền và ung dung chờ hàng về. Tuy nhiên, ngày hàng cập cảng đã qua từ lâu mà vẫn không thấy tăm hơi. Mất tiền, chủ doanh nghiệp vẫn phải "ngậm tăm", không dám công khai vụ việc vì sợ mất uy tín và muối mặt với dư luận. Trong môi trường thương mại rộng lớn khi đã gia nhập WTO, những chuyện tương tự sẽ không còn hiếm. Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại), sau khi gia nhập WTO, nguy cơ bị kiện bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên. Nguy cơ bị kiện không chỉ đến từ các nền kinh tế mạnh như Mỹ, EU mà có thể từ các nước đang phát triển vốn là bạn hàng trong khu vực. "Ấn Độ gần đây là nước khởi kiện bán phá giá nhiều nhất, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể bị doanh nghiệp nước này đâm đơn kiện", bà Loan cho biết. Người đứng đầu cơ quan quản lý cạnh tranh cho rằng, các tranh chấp thương mại là chuyện khó tránh khỏi khi hội nhập. Điều quan trọng là tìm cách giảm mức thiệt hại tối đa cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngại sử dụng luật sư Trái với doanh nghiệp nước ngoài rất coi trọng luật sư trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp trong nước hiện chỉ xem tư vấn của luật sư như một phần thêm thắt cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi luật sư có thể tham gia từ đàm phán thương mại, ký kết đến xử lý tranh chấp thương mại của doanh nghiệp ngoại, các công ty trong nước thường chỉ nhờ đến luật sư khi tranh chấp đã trở nên gay gắt và khó tháo gỡ. Theo Luật sư Đỗ Trọng Hải, Giám đốc Công ty dịch vụ pháp lý Investconsult, hiện hầu hết khách hàng của các văn phòng tư vấn luật là doanh nghiệp nước ngoài. Nếu sử dụng luật sư, các công ty trong nước cũng chỉ làm cho có lệ và ít khi tôn trọng tư vấn. "Doanh nghiệp thường cân nhắc nhiều vấn đề rồi mới xét đến tư vấn của luật sư", ông Hải cho biết. Thậm chí, có doanh nghiệp đem theo luật sư trong chuyến đàm phán ở nước ngoài, nhưng không hề hội ý trước khi đàm phán. Khi có tranh chấp thương mại quốc tế, các doanh nghiệp thường bỏ mặc vụ kiện khi là bị đơn, không phản biện hay dự xét xử, mà chỉ đến khi bị phán quyết bồi thường với số tiền lớn mới tính đến nhờ luật sư. Trao đổi với VnExpress, đại diện một doanh nghiệp cho biết, ngoài việc chưa có thói quen sử dụng luật sư trong kinh doanh, sự e ngại của doanh nghiệp còn do giá thuê luật sư vẫn khá cao, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, chỉ khi tranh chấp thương mại được đưa ra tòa án và không thể tự giải quyết, các doanh nghiệp mới tính đến nhờ đến luật sư. Cơ chế giải quyết các tranh chấp của WTO là như thế nào? ( buidung...@gmail ...) - Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế. Ngoài ra, WTO cũng sẽ tiếp tục áp dụng cách giải quyết tranh chấp của GATT 1947 như: tái lập sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ; giải quyết tích cực các tranh chấp; cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa khi chưa được phép của WTO. Nguyên tắc cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trừngKhi hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phát triển, tranh tụng và các hình thức giải quyết tranh chấp khác đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động của YKVN. Với sự điều hành của hai trong số các luật sư Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nhất về tranh tụng kinh tế và được đào tạo ở nước ngoài, YKVN chuyên về tranh tụng trước tòa án và trọng tài liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài và những tranh chấp thương mại quốc tế. Các luật sư tranh tụng của YKVN đã tham gia vào nhiều vụ kiện thương mại trong nước và quốc tế. YKVN và White & Case đã tư vấn cho Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP) và các thành viên VASEP trong vụ kiện chống phá giá tại Hoa Kỳ nhằm áp
thuế chống phá giá đối với các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam. Các luật sư YKVN và White & Case đại diện cho VASEP và các thành viên VASEP tại những phiên điều trần trước Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ (ITC) và làm việc với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) về việc xem xét tính chất thị trường và phi thị trường của nền kinh tế Việt Nam trong cuộc điều tra chống phá giá tại Hoa Kỳ. Các luật sư YKVN và White & Case đã cùng làm việc với các công ty tại Đồng Bằng Sông Cửu Long để chuẩn bị cho cuộc thẩm tra tại chỗ của DOC. Đây là vụ tranh chấp thương mại lớn đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi Hiệp Định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ được phê chuẩn. Vụ kiện thu hút sự quan tâm của giới báo chí toàn cầu, trong đó phải kể đến hai bài xã luận trên New York Times, một bài báo trên Washington Post và các bản tin trên đài truyền hình BBC và CNBC. Ngoài ra, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn lớn nhất cũng đã yêu cầu YKVN tư vấn về việc xem xét hành chính do DOC tiến hành hàng năm trong vòng 5 năm sắp. Gần đây, các luật sư YKVN đã đại diện cho công ty ExxonMobil tại Việt Nam trước Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh và Tòa án Nhân Dân Tối Cao liên quan đến tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng phân phối gas dài hạn. Bản án chung thẩm của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới, theo đó chấp nhận phần lớn yêu cầu khởi kiện của ExxonMobil. Có thể nói đây là lần đầu tiên yêu cầu khởi kiện của một công ty nước ngoài tại Việt Nam được chấp nhận trong một vụ kiện như vậy. Ngoài ra, YKVN cũng đại diện cho một nhà sản xuất dụng cụ nha khoa lớn của Nhật Bản trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng ngoại thương với một nhà phân phối nội địa. Các luật sư YKVN đã đại diện cho công ty American Coffee Corporation trước Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh liên quan đến tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng mua bán cà phê với một nhà sản xuất cà phê Việt Nam. Gần như đây cũng là lần đầu tiên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng mà một người mua hàng nước ngoài phải gánh chịu được các tòa án Việt Nam chấp nhận. Chúng tôi còn đại diện cho một công ty xây dựng quốc tế liên quan đến tranh chấp phát sinh từ việc xây dựng một tổ hợp khách sạn và khu nghỉ mát tại Hà Nội. Các bản án của Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã lần lượt chấp nhận phần lớn các yêu cầu của phía khách hàng chúng tôi. Chúng tôi cũng đang đại diện cho một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông trong vụ kiện đòi phí viễn thông phát sinh từ hợp đồng dịch vụ VoIP với một công ty viễn thông Hoa Kỳ. YKVN cũng tích cực trong lĩnh vực tranh tụng hàng hải. YKVN đã đại diện cho chi nhánh Singapore của một ngân hàng quốc tế trong một tranh chấp hàng hải phức tạp tại Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ ngân hàng này trong việc yêu cầu thi hành một bản án của Tòa án Singapore có lợi cho phía ngân hàng với tư cách là bên nhận thế chấp một chiếc tàu bị bắt giữ tại Việt Nam. YKVN đã đại diện cho một công ty bảo hiểm của Nhật Bản trong vụ kiện trước Tòa án Tỉnh Quảng Ngãi chống lại một công ty vận tải biển của nhà nước do việc vận chuyển của phía bị đơn đã gây thiệt hại cho hàng hóa của phía nguyên đơn. Các luật sư của chúng tôi đã đàm phán thành công một giải pháp hòa giải theo đó công ty bảo hiểm nhận được một khoản bồi thường đáng kể. Chúng tôi đang đại diện cho một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết khiếu kiện đối với các thiệt hại vật chất phạt có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của hệ thống thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nguyên tắc này không bao hàm rõ ràng ý có cấm các nước thành viên không được đơn phương xác định các hành vi của nước thành viên khác có vi phạm các hiệp định của WTO hay không. Lợi dụng sự không rõ ràng này nên một số nước thành viên phát triển như Mỹ, EU vẫn tiếp tục đơn phương áp dụng các đạo luật của riêng mình như điều khoản Super 301 trong luật thương mại Mỹ hoặc quy định 384/96 của Hội đồng châu Âu để “kết án” và trừng phạt các nước thành viên WTO khác. Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, quy chế "nhóm chuyên gia" và cơ quan phúc thẩm thường trực - Cơ quan giải quyết tranh chấp: Viết tắt theo tiếng Anh là DSB (Dispute Settlement Body) có quyền quyết định thành lập và thông qua báo cáo của nhóm
chuyên gia và nhóm phúc thẩm, giám sát việc thực hiện các quyết định về giải quyết tranh chấp, cho phép tạm đình chỉ việc áp dụng các hiệp định thương mại với một nước thành viên, cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt. - Nhóm chuyên gia: Công việc chính về giải quyết tranh chấp do các nhóm chuyên gia thực hiện. Các nhóm chuyên gia này do DSB thành lập để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể và giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ. Khác với cơ cấu nhóm chuyên gia thời kỳ GATT 1947 chủ yếu được ưu tiên lựa chọn trong các quan chức chính phủ các nước thành viên, nhóm chuyên gia thời WTO được ưu tiên lựa chọn trong số những chuyên gia (expert) độc lập, không làm việc cho chính phủ, có uy tín quốc tế về chính sách hoặc luật thương mại quốc tế. Thành phần của mỗi nhóm chuyên gia từ 35 người. Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia là giúp cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO làm sáng tỏ nội dung tranh chấp và khuyến nghị một giải pháp để các bên hữu quan giải quyết tranh chấp của họ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan. Trong quá trình xem xét sự việc, nhóm chuyên gia có quyền tìm kiếm thông tin từ mọi nguồn và trưng cầu ý kiến giám định của các chuyên gia bên ngoài về những vấn đề kỹ thuật. Toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp từ thời điểm các bên tranh chấp tự thương lượng với nhau cho đến khi nhóm chuyên gia đệ trình báo cáo lên DSB tối đa không quá một năm, trong đó thời gian kể từ thời điểm thành lập nhóm chuyên gia cho đến khi đệ trình báo cáo tối đa không quá sáu tháng. Báo cáo của nhóm chuyên gia sẽ được gửi đến cho các bên tranh chấp trong vòng sáu tháng, trong trường hợp tranh chấp liên quan đến những hàng hoá dễ hư hỏng trong vòng ba tháng và gửi đến tất cả các thành viên của WTO sau đó ba tuần. Sau 60 ngày, báo cáo của nhóm chuyên gia sẽ tự động trở thành quyết định của DSB nếu không có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên WTO, kể cả hai bên tranh chấp bác bỏ nội dung của báo cáo. - Cơ quan phúc thẩm thường trực: Một trong những nét mới của bộ máy giải quyết tranh chấp của WTO là việc thành lập cơ quan phúc thẩm thường trực. Cơ quan này có 7 thành viên, do cơ quan giải quyết tranh chấp bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm. Cơ quan này có chức năng xem xét theo thủ tục “phúc thẩm” báo cáo của nhóm chuyên gia, theo đề nghị của một trong các bên tranh chấp. Tuy nhiên, phạm vi "phúc thẩm" chỉ áp dụng đối với những kết luận và giải thích pháp lý được đưa ra trong báo cáo của nhóm chuyên gia. Khi có đề nghị xem xét phúc thẩm, cơ quan phúc thẩm thường trực sẽ lập ra một nhóm phúc thẩm riêng biệt cho mỗi một vụ tranh chấp, bao gôm 3 thành viên. Nhóm phúc thẩm có thẩm quyền hoặc giữ nguyên, thay đổi hoặc huỷ bỏ những giải thích và kết luận pháp lý nêu trong báo cáo của nhóm chuyên gia. Báo cáo của nhóm phúc thẩm sẽ được đệ trình lên DSB để thông qua. Việc thông qua báo cáo phúc thẩm được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực và gần như mang tính chất tự động. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thực hiện vô điều kiện quyết định cuối cùng của DSB trên cơ sở báo cáo phúc thẩm. Thời hạn xem xét phúc thẩm là 60 ngày, có thể được gian hạn nhưng không quá 90 ngày. Thực hiện quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp và áp dụng biện pháp trả đũa Quyết định về giải quyết tranh chấp được DSB thông qua theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực có giá trị pháp lý và có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp. Thông thường thì bên thua kiện có nghĩa vụ bãi bỏ các quy định hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp mà nhóm chuyên gia kết luận là vi phạm điều khoản trong các hiệp định có liên quan của WTO. Để bảo đảm là bên thua kiện sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của DSB và để tránh tình trạng "rơi vào im lặng", WTO đề ra một cơ chế theo dõi và giám sát việc thực hiện quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia, bên thua kiện phải thông báo cho DSB biết về những biện pháp mà nước này dự định áp dụng để thực hiện khuyến nghị của nhóm chuyên gia. Nếu nước này vì lý do nào đó không thể thực hiện ngay khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì DSB có thể cho phép nước này được thực hiện trong một thời hạn “hợp lý”.
Và nếu trong thời hạn "hợp lý" đó bên thua kiện vẫn không thể thực hiện được khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì nước này có nghĩa vụ thương lượng với bên thắng kiện về mức độ bồi thường thiệt hại, ví dụ như giảm thuế quan đối với một sản phẩm nào đó có lợi cho bên thắng kiện. Nếu trong vòng 20 ngày kể từ ngày chấm dứt thời hạn hợp lý, các bên tranh chấp không đạt được thoả thuận về mức độ bồi thường thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa, cụ thể là tạm ngưng việc cho bên thua kiện hưởng những nhân nhượng thuế quan hoặc tạm ngưng thực hiện những nghĩa vụ đối với bên thua kiện theo hiệp định có liên quan. Biện pháp trả đũa phải tương ứng với mức độ thiệt hại và phải được thực hiện trong lĩnh vực (sector) thương mại mà bên thua kiện bị thiệt hại. Để bảo đảm tính hiệu quả của các biện pháp trả đũa và rút kinh nghiệm, WTO quy định trong trường hợp việc áp dụng biện pháp trả đũa mà lĩnh vực bị thiệt hại là không thực tế hoặc không có hiệu quả thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong một lĩnh vực khác (trả đũa chéo). Chẳng hạn một nước đang phát triển sẽ khó có thể áp dụng một cách hiệu quả biện pháp trả đũa trong lĩnh vực thương mại hàng hoá đối với một nước phát triển nhưng nếu trả đũa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ hoặc sở hữu trí tuệ thì có thể sẽ hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bên thắng kiện còn có thể yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong những lĩnh vực thuộc các hiệp định thương mại khác với hiệp định thương mại mà bên thua kiện vi phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng và trong trường hợp có tranh chấp về mức độ trả đũa, WTO cũng dành cho bên thua kiện quyền đưa tranh chấp nói trên ra giải quyết theo phương thức trọng tài. Quyết định trọng tài về vấn đề này là quyết định cuối cùng và có giá trị thi hành đối với tất cả các bên. Các phương thức giải quyết tranh chấp khác Ngoài cơ chế của DSB, các nước thành viên WTO còn có thể sử dụng những phương thức giải quyết tranh chấp khác trong Công pháp quốc tế như trọng tài liên quốc gia (interstate arbitration), trung gian (mediation) và hoà giải (conciliation). Điều 25 Thoả thuận DSU quy định các nước thành viên có thể giải quyết tranh chấp với nhau thông qua trọng tài đối với những tranh chấp nếu các nước này thoả thuận nhất trí sử dụng cơ chế này và chấp nhận tuân thủ quyết định của trọng tài. Các nước cũng có thể sử dụng cơ chế trung gian hoặc hoà giải của một bên thứ ba. Riêng đối với những tranh chấp mà một bên là nước kém phát triển nhất thì Tổng giám đốc có thể đứng ra làm trung gian hoặc hoà giải. Ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp chung ra, một số hiệp định thương mại đa biên của WTO cũng quy định những cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt. Ví dụ như Hiệp định về trợ cấp có quy định thủ tục riêng về giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng dệt trước Cơ quan giám sát hàng dệt. Trong trường hợp các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt khác với những quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp chung thì những quy định trong cơ chế đặc biệt thắng thế. Các nước đang phát triển và Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO Mặc dù luôn chiếm đa số tại GATT, nhưng vì những lý do lịch sử (đa số các nước đang phát triển đã từng là thuộc địa của các nước phát triển) nên các nước đang phát triển thường có thái độ "nghi ngờ" và "e dè" đối với những cơ chế do các nước phương Tây đặt ra. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 1985, Uỷ ban thương mại quốc tế của Mỹ (USIC) đã chỉ ra một số nguyên nhân làm cho các nước đang phát triển ít sử dụng đến Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT: -Thứ nhất, các nước đang phát triển không có đội ngũ chuyên gia pháp lý có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc tham gia xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế và cũng không có khả năng tài chính để đi thuê các chuyên gia phương Tây; - Thứ hai, tâm lý lo sợ rằng nếu đi kiện cáo các nước phát triển thì có khi họ phải chịu thiệt nhiều hơn là được lợi, "chưa được vạ thì má đã sưng". Sự phụ thuộc vào thị trường và các nguồn giúp đỡ về tài chính của phương Tây là một trong những lý do khiến các nước đang phát triển rất ngại va chạm với các nước phát triển và nếu có tranh chấp thì các nước này chủ trương xử lý song phương, kín đáo và thường là sẵn sàng nhượng bộ;
- Thứ ba, các nước đang phát triển nhận thức được rằng cho dù họ có thắng kiện và dám dũng cảm áp đặt các biện pháp trả đũa hợp pháp chăng nữa thì cũng không đem lại hiệu quả và có thể có một ảnh hưởng tích cực đến cách cư xử của các nước phát triển; - Thứ tư, tuy tham gia GATT ngay từ khi mới thành lập, nhưng các nước đang phát triển vẫn còn giữ thái độ lưỡng lự trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đa số các nước này cho rằng Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT cũng chỉ là một trong những công cụ của các nước phương Tây sử dụng để ép buộc họ mở cửa thị trường. Vì những lý do nói trên, quan điểm chung của các nước đang phát triển đối với Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT trong khoảng 30 năm (từ 1948-1979) là "phớt lờ" cơ chế này. Trong khoảng thời gian này, số vụ kiện của các nước đang phát triển chỉ chiếm có 12% tổng số các vụ kiện tại GATT và đa số là kết thúc thông qua thương lượng trước khi nhóm chuyên gia của GATT thông qua báo cáo cuối cùng. Chỉ đến thời kỳ sau Vòng Tokyo, các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước NIC như Brazil, Mexico, Ấn Độ, Argentina mới thực sự quan tâm và sử dụng thường xuyên hơn Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT. Sự thay đổi này xuất phát từ những lý do sau. Thứ nhất, sự giảm sút của thương mại thế giới những năm 1970 do tác động của hai cuộc khủng hoảng dầu lửa đã dẫn đến việc trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển. Thứ hai, quá trình công nghiệp hoá tại một số nước đang phát triển đã đem lại những thành quả đầu tiên, nổi bật nhất là trong một số ngành sản xuất công nghiệp và chế biến, các nước NIC đã đạt được ưu thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của phương Tây và đã bắt đầu dư thừa năng lực sản xuất trong một số lĩnh vực như may mặc, điện tử dân dụng, thép. Các nước này bắt đầu nhận thức được cần phải sử dụng nhiều công cụ để tiếp cận thị trường tiêu thụ của các nước phương Tây và khi cần thiết sử dụng cả Cơ chế giải quyết tranh chấp. Ngoài ra việc thành lập một Bộ phận pháp lý (Legal Office) trực thuộc Ban thư ký GATT đã giúp cung cấp những trợ giúp kỹ thuật có hiệu quả cho các nước đang phát triển trong việc nghiên cứu về cơ cấu thể chế và pháp lý của GATT và tư vấn pháp lý cho các nước này trong quá trình chuẩn bị các tài liệu và thủ tục khiếu kiện. Trong vòng 15 năm (1979-1994), số lượng các vụ kiện của các nước đang phát triển chống lại các nước phát triển đã tăng lên đến 25% tổng số các vụ kiện tại GATT (25/117 vụ). Ở Vòng đàm phán Uruguay, Brazil đã đưa ra đề nghị cần thiết phải áp dụng nguyên tắc đối xử đặc biệt đối với các nước đang phát triển khi áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT. Đề nghị này đã được chấp nhận và thể hiện trong Thoả thuận về Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Cụ thể như sau: - Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Tổng giám đốc WTO đứng ra làm trung gian, hoà giải trong trường hợp có tranh chấp với nước phát triển; - Trong thành phần của nhóm chuyên gia nhất thiết phải có một thành viên là công dân của một nước đang phát triển, trừ khi nước đang phát triển có liên quan không yêu cầu như vậy; - Thời gian để giải quyết tranh chấp với các nước đang phát triển có thể được kéo dài hơn so với quy định chung; - Các nước phát triển cần có thái độ kiềm chế khi áp dụng các biện pháp trả đũa với bên thua kiện là nước đang phát triển; - Các nước phát triển có thể được phép áp dụng các biện pháp trả đũa chéo đối với bên thua kiện là nước phát triển; - Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Ban Thư ký WTO trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp; - Các nước đang phát triển có thể áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp được Đại hội đồng GATT thông qua theo Quyết định ngày 5-4-1966. Các nước đang phát triển đã nhanh chóng nhận thức được lợi ích từ việc sử dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và chỉ sau gần 5 năm, các nước đang phát triển đã trở thành nhóm các nước sử dụng nhiều nhất cơ chế giải quyết tranh chấp mới của WTO.
Tính đến ngày 31-12-1998, các nước đang phát triển dẫn đầu số lượng các vụ kiện (37%) nhiều hơn Mỹ (34%) và EU (21%) và 80% trong số đó kết thúc thắng lợi. Có thể nói Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được các nước đang phát triển sử dụng như một công cụ có hiệu quả để giải quyết tranh chấp thương mại với các nước phát triển. Và xét về toàn cục thì Cơ chế này là một bước phát triển tiến bộ theo hướng công bằng hơn trong quan hệ thương mại quốc tế. Từ www. wto.org, Sách tìm hiểu về WTO của Viện quan hệ quốc tế, Diễn đàn doanh nghiệp VN TS Việt Báo (Theo_TuoiTre) Vào WTO, thiếu luật sư đồng hành với doanh nghiệp Thứ bảy, 05 Tháng tám 2006, 10:21 GMT+7
Trong tổng số hơn 3.900 luật sư VN hiện nay, kể cả tập sự, chỉ có khoảng 50 người hiểu biết về luật pháp quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp trong những giao dịch thương mại. Song thực sự chỉ chừng 10-15 "thầy cãi" là đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp luật thế giới. Thông tin đã được Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, thuộc Bộ Tư pháp, Lê Hồng Sơn đưa ra trong tọa đàm về tác động của Hiệp định thương mại (BTA) Việt - Mỹ đối với hành nghề luật sư và trọng tài thương mại, diễn ra sáng qua tại TP HCM. Những tiêu chuẩn pháp luật thế giới được ông Sơn phân tích là các kiến thức pháp luật chung, uy tín, khả năng tranh tụng ở tòa nước ngoài, được khách hàng nước ngoài tin tưởng, khả năng ngoại ngữ... Từ lâu nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng VN cần phải có một đội ngũ luật sư chuyên về hội nhập kinh tế thế giới, nếu không doanh nghiệp trong nước dễ lâm vào tình trạng "kiếm củi 3 năm đốt 1 giờ". "Vấn đề ở đây là hội nhập toàn cầu, nếu doanh nghiệp không được trang bị tốt những kiến thức về luật lệ chung của thế giới, những rào cản, sân chơi riêng của từng quốc gia... thì sẽ dễ vấp những vụ tranh tụng dẫn đến thua kiện, phá sản, mất thị trường nhanh chóng", ông Sơn giải thích. Nhiều vụ việc tranh chấp đã xảy ra như vụ Bỉ bắt giữ Phó giám đốc Công ty Afiex Bửu Huy theo yêu cầu của Mỹ, sự cố tàu Cần Giờ bị Tanzania bắt giữ, Hàng không VN thua kiện tại Italy..., chính là hậu quả của tình trạng ngại trang bị kiến thức pháp luật quốc tế thông qua luật sư trong giới doanh nghiệp, cũng như thể hiện sự yếu và thiếu của đội ngũ luật sư trong nước. Các vụ kiện phá giá đối với cá da trơn, tôm tại Mỹ điển hình cho những tranh chấp thương mại thời hội nhập. Ảnh: V.H. Đại sứ VN tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngô Quang Xuân cũng khẳng định, cần phải nhanh chóng xây dựng đội ngũ luật sư có hiểu biết về các luật lệ pháp luật của WTO, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập an toàn trong sân chơi kinh tế chung. Dự án Star VN do Mỹ hỗ trợ Bộ Tư pháp điều tra, khảo sát tác động của BTA Việt Mỹ đối với hành nghề luật sư tại VN cho thấy, cả nước hiện có 819 tổ chức hành nghề luật sư, 149 chi nhánh, 653 văn phòng luật... Số lượng này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội đang ngày càng tăng. Luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Có những tỉnh như Điện Biên, Lai Châu không có đủ số người cần thiết để thành lập Đoàn luật sư. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật không rõ ràng, đồng bộ, thiếu; cơ chế tranh tụng tại tòa khá mới mẻ so với luật sư VN; thiếu luật sư chuyên sâu về các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại như sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, hàng hải, thương mại quốc tế,
giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế... Trọng tài thương mại ế ẩm 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Trọng tài thương mại TP HCM chỉ giải quyết 6 hồ sơ tranh chấp của doanh nghiệp. Ít như vậy song con số này đã bằng cả năm ngoái. Trong khi đó, hàng nghìn đơn kiện đã được doanh nghiệp nhờ tòa án thụ lý hằng năm. Chủ tịch Trung tâm Nguyễn Văn On cho rằng trọng tài thương mại ế ẩm là vì nhiều doanh nghiệp chưa biết tới vai trò của trọng tài, chưa tin tưởng hiệu quả giải quyết của các nhà cầm còi này, mặc dù so với trình tự tố tụng tại tòa thì trọng tài thương mại giải quyết vụ tranh chấp nhanh gọn hơn. Theo Nghị định 116/CP, quyết định của trọng tài là chung thẩm để các bên tranh chấp phải thi hành và không được kháng cáo. Tuy nhiên nếu quyết định của trọng tài không được một bên thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án xét xử theo thủ tục vụ án kinh tế. Doanh nghiệp vì thế ngại đến trọng tài thương mại mà đi thẳng ra tòa án để khỏi tốn thì giờ. Hiện nay Pháp lệnh trọng tài thương mại đã điều chỉnh lại quy định này, nhưng doanh nghiệp vẫn dồn qua tòa án. Trung bình hằng năm, Trung tâm trọng tài quốc tế VN chỉ xử lý 20-25 vụ tranh chấp. Cả nước hiện có 5 trung tâm trọng tài thương mại nhưng có đơn vị hầu như không thụ lý được vụ kiện tụng nào. Ông Lê Hồng Sơn cho rằng, ngoài lý do về quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có nguyên nhân là ý thức sử dụng pháp luật để tự bảo vệ trên thương trường của doanh nghiệp còn rất kém. Luật sư Lê Công Định thuộc Đoàn Luật sư TP HCM dự báo, làn sóng thương mại và đầu tư mới đổ vào VN trong thời gian hậu WTO sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các tranh chấp liên quan đến thương mại và đầu tư chắc chắn ngày càng nhiều và phức tạp. Do đó để hạn chế rủi ro, ông Định khuyến cáo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có ý thức "phòng bệnh" thông qua các luật sư, trong khi các "thầy cãi" cũng phải nâng cao năng lực bản thân. Phan Anh Việt Báo (Theo_VnExpress.net Vào WTO để có được "thương mại công bằng" Thứ năm, 14 Tháng tám 2003, 11:21 GMT+7
Sẽ có luật về chống bán phá giá Thứ ba, 22 Tháng bảy 2003, 08:44 GMT+7
TS phối hợp với Ban soạn thảo Pháp lệnh Chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam lấy ý kiến hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan, các luật gia và những người quan tâm về dự luật này: >>> Dự thảo 4 Pháp lệnh >>> Nội dung chính dự thảo Ý kiến đóng góp xin click vào đây hoặc gửi về . Tất cả sẽ được tổng hợp chuyển tới Ban soạn thảo trước 10/8. Bộ Thương mại đang gấp rút hoàn chỉnh Pháp lệnh Chống bán phá giá với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là văn bản luật đầu tiên quy định cách thức bảo hộ hợp pháp ngành sản xuất trong nước mà nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Tất cả được rút ra từ bài học tranh chấp cá basa ở thị trường Mỹ.
Giống như các quy định mẫu của WTO về chống bán phá giá, dự thảo Pháp lệnh quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị coi là bán phá giá khi được bán với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hóa đó tại nước xuất khẩu. Giá trị thông thường đó có thể là giá của hàng hóa tương tự đang được tiêu dùng trên thị trường nước xuất khẩu, là giá của hàng hóa ở một nước thứ ba, hay giá trị sản xuất ra hàng hóa đó tại nước xuất khẩu. Khi xác định được có việc bán phá giá, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Thương mại sẽ quyết định áp dụng các biện pháp thuế chống bán phá giá tạm thời, thuế chống bán phá giá, biện pháp đặt cọc hoặc thế chấp, hay buộc bên xuất khẩu hàng vào Việt Nam cam kết về giá, số lượng hàng xuất khẩu... Trao đổi với TS, luật sư Lê Công Định, Công ty luật White & Case - đơn vị tư vấn cho phía Việt Nam trong vụ kiện cá basa nói: “Nền kinh tế của ta đang bước vào hội nhập, bắt đầu xuất hiện các kiểu bán phá giá của công ty nước ngoài, và nhất là hàng hóa giá rẻ đến nghi ngờ của Trung Quốc đang ngày càng nhiều. Đã đến lúc cần xây dựng khung pháp lý về chống bán phá giá”. Biện pháp chống bán phá giá là một trong những công cụ hiệu quả được WTO thừa nhận và nhiều nước áp dụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ban hành Pháp lệnh Chống bán phá giá chỉ là bước đầu tiên. Bởi để cơ chế này phát huy hiệu lực, Việt Nam còn cần điều chỉnh, bổ sung hệ thống luật pháp, như luật về bằng chứng, luật về thống kê thị trường, thống kê thương mại, nguyên tắc xác định thị phần. Ngoài ra còn phải có hệ tiêu chí đánh giá về giá cả, về tính chất thị trường của nền kinh tế... Đây cũng là khung pháp lý cần thiết để thực hiện nhiều luật đã ban hành như Pháp lệnh Giá , Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Trưởng ban Quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại, ông Nguyễn Hữu Chí cũng thừa nhận triển khai biện pháp bảo hộ hợp pháp này không đơn giản. Để xác định có hay không việc bán phá giá, phía Việt Nam phải có đồng bộ hệ thống tính toán thống kê về số lượng, chủng loại hàng, mức độ ảnh hưởng của việc bán phá giá với doanh nghiệp trong nước; phải có năng lực tài chính để tiến hành điều tra tại nước xuất khẩu. “Nhất là nhân lực, phải đào tạo đội ngũ chuyên gia được như các nước, tới cả trăm người chuyên về bán phá giá” - ông Chí nói. Sau khi cá basa chịu nhiều thua thiệt tại thị trường Mỹ, chống bán phá giá với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đang được tìm đến như một công cụ hữu hiệu bảo vệ nhà sản xuất trong nước. Việt Nam cũng có thể áp dụng công cụ này như một biện pháp trả đũa trong các cuộc tranh chấp thương mại quốc tế mà EU, Mỹ, Ấn Độ... hay làm. Tuy nhiên, đây sẽ là bài toán khó đối với các cơ quan hải quan, thuế, quản lý thị trường. Nghĩa Nhân Việt Báo (Theo_VnExpress.net Bộ trưởng Trương Đình Tuyển muốn quyền lợi doanh nghiệp VN được bảo vệ. Trao đổi với TS sáng nay, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, Việt Nam sẽ đẩy nhanh việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để có một vị thế tốt hơn trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Theo Bộ trưởng, trong năm qua, VN đã đối mặt với 4 vụ kiện bán phá giá gồm: giầy dép tại Canada; bật lửa gas tại châu Âu; bật lửa gas tại Hàn Quốc và cá basa tại Mỹ. Trong đó, 3 vụ đầu, VN đã giành được thắng lợi, quyền lợi của doanh nghiệp được bảo vệ. “Tới đây có thể là vụ kiện bán phá giá tôm tại Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Thương mại đã có những chuẩn bị gồm cả giải pháp ngăn chặn và đối phó”, Bộ trưởng nói. Hiện, kim ngạch tôm xuất khẩu từ VN vào Mỹ hàng năm khoảng gần 500 triệu USD, gấp 10 lần so với cá basa. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không thể kiện riêng lẻ VN bán phá giá vì có tới hơn chục nước đang xuất khẩu tôm với giá khá thấp vào nước này và chỉ nhường lại cho các nhà sản xuất Mỹ 12% thị phần. Chỉ có điều, theo Bộ trưởng, là phần lớn các nước có khả năng bị kiện như VN đã là thành viên WTO và sẽ được tổ chức này bảo vệ quyền lợi nếu bị Mỹ xử ép.
"Trong quá trình hội nhập, vấn đề thương mại công bằng đang được đặt ra. Là nước có nền kinh tế chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang thị trường, VN cần nhanh chóng nắm bắt những luật lệ của thương mại toàn cầu. Vào WTO là sự lựa chọn phù hợp", Bộ trưởng nói. Theo ông Steve Parker, Giám đốc dự án Star (do Chính phủ Mỹ tài trợ nhằm giúp thực thi Hiệp định thương mại song phương với VN và giúp VN gia nhập WTO), sân chơi WTO hoàn toàn bình đẳng cho tất cả các nước thành viên. Tổ chức này luôn kêu gọi tự do thương mại, mở cửa thị trường và có một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại rất công bằng. “Chống bán phá giá là nội dung quan trọng. Khi các thành viên có kiện tụng về vấn đề này, WTO có thể can thiệp bằng một kết luận khách quan bên nào đúng, bên nào sai”, ông Parker nói. Ông cho biết thêm, tại các nước phát triển, rất hay có những vụ kiện chống bán phá giá. Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của VN vào thị trường này đã tăng lên rất nhanh: từ 1 tỷ USD năm 2001 lên đến 2,4 tỷ USD năm 2002 và có thể là 4 tỷ USD trong năm nay. Theo ông Parker, điều này đã góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tổng kim ngạch xuất khẩu của VN trong 3 năm gần đây. Thanh Xuân Việt Báo (Theo_VnExpress.net) http://www.ykvn-law.com/vn/litigation-vn.html Khi hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phát triển, tranh tụng và các hình thức giải quyết tranh chấp khác đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động của YKVN. Với sự điều hành của hai trong số các luật sư Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nhất về tranh tụng kinh tế và được đào tạo ở nước ngoài, YKVN chuyên về tranh tụng trước tòa án và trọng tài liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài và những tranh chấp thương mại quốc tế. Các luật sư tranh tụng của YKVN đã tham gia vào nhiều vụ kiện thương mại trong nước và quốc tế. YKVN và White & Case đã tư vấn cho Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP) và các thành viên VASEP trong vụ kiện chống phá giá tại Hoa Kỳ nhằm áp thuế chống phá giá đối với các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam. Các luật sư YKVN và White & Case đại diện cho VASEP và các thành viên VASEP tại những phiên điều trần trước Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ (ITC) và làm việc với Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) về việc xem xét tính chất thị trường và phi thị trường của nền kinh tế Việt Nam trong cuộc điều tra chống phá giá tại Hoa Kỳ. Các luật sư YKVN và White & Case đã cùng làm việc với các công ty tại Đồng Bằng Sông Cửu Long để chuẩn bị cho cuộc thẩm tra tại chỗ của DOC. Đây là vụ tranh chấp thương mại lớn đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi Hiệp Định Thương Mại Việt Nam – Hoa Kỳ được phê chuẩn. Vụ kiện thu hút sự quan tâm của giới báo chí toàn cầu, trong đó phải kể đến hai bài xã luận trên New York Times, một bài báo trên Washington Post và các bản tin trên đài truyền hình BBC và CNBC. Ngoài ra, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn lớn nhất cũng đã yêu cầu YKVN tư vấn về việc xem xét hành chính do DOC tiến hành hàng năm trong vòng 5 năm sắp. Gần đây, các luật sư YKVN đã đại diện cho công ty ExxonMobil tại Việt Nam trước Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh và Tòa án Nhân Dân Tối Cao liên quan đến tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng phân phối gas dài hạn. Bản án chung thẩm của Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp dưới, theo đó chấp nhận phần lớn yêu cầu khởi kiện của ExxonMobil. Có thể nói đây là lần đầu tiên yêu cầu khởi kiện của một công ty nước ngoài tại Việt Nam được chấp nhận trong một vụ kiện như vậy. Ngoài ra, YKVN cũng đại diện cho một nhà sản xuất dụng cụ nha khoa lớn của Nhật Bản trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng ngoại thương với một nhà phân phối nội địa. Các luật sư YKVN đã đại diện cho công ty American Coffee Corporation trước Tòa
Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh liên quan đến tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng mua bán cà phê với một nhà sản xuất cà phê Việt Nam. Gần như đây cũng là lần đầu tiên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do việc vi phạm hợp đồng mà một người mua hàng nước ngoài phải gánh chịu được các tòa án Việt Nam chấp nhận. Chúng tôi còn đại diện cho một công ty xây dựng quốc tế liên quan đến tranh chấp phát sinh từ việc xây dựng một tổ hợp khách sạn và khu nghỉ mát tại Hà Nội. Các bản án của Tòa Kinh Tế Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã lần lượt chấp nhận phần lớn các yêu cầu của phía khách hàng chúng tôi. Chúng tôi cũng đang đại diện cho một doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông trong vụ kiện đòi phí viễn thông phát sinh từ hợp đồng dịch vụ VoIP với một công ty viễn thông Hoa Kỳ. YKVN cũng tích cực trong lĩnh vực tranh tụng hàng hải. YKVN đã đại diện cho chi nhánh Singapore của một ngân hàng quốc tế trong một tranh chấp hàng hải phức tạp tại Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ ngân hàng này trong việc yêu cầu thi hành một bản án của Tòa án Singapore có lợi cho phía ngân hàng với tư cách là bên nhận thế chấp một chiếc tàu bị bắt giữ tại Việt Nam. YKVN đã đại diện cho một công ty bảo hiểm của Nhật Bản trong vụ kiện trước Tòa án Tỉnh Quảng Ngãi chống lại một công ty vận tải biển của nhà nước do việc vận chuyển của phía bị đơn đã gây thiệt hại cho hàng hóa của phía nguyên đơn. Các luật sư của chúng tôi đã đàm phán thành công một giải pháp hòa giải theo đó công ty bảo hiểm nhận được một khoản bồi thường đáng kể. Chúng tôi đang đại diện cho một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết khiếu kiện đối với các thiệt hại vật chất và kinh doanh phát sinh từ vụ đâm va của một tàu chở dầu vào cầu tàu. http://www.saga.vn/dictview.aspx?id=3629 http://www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn/IWINews.aspx?CatalogID=2049&ID=58156 Ngành Dệt may Việt Nam: Phòng tránh và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong giao thương quốc tế 15/10/2007 Đặc thù của ngành dệt may Việt Nam là xuất khẩu hầu hết qua trung gian dưới hình thức gia công, các giao dịch kinh tế phụ thuộc vào nhiều ý kiến chỉ định từ phía khách hàng. Vì vậy các rủi ro pháp lý mà các doanh nghiệp dệt may có nguy cơ gặp phải chủ yếu là loại rủi ro tiềm ẩn mang tính chính sách như rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại… Trên nguyên tắc thoả thuận thương mại song phương với Mỹ khi Việt Nam gia nhập WTO không bị áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt nhưng do dệt may thuộc nhóm hàng đặc biệt nhạy cảm, hơn nữa quan hệ thương mại có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố phi thương mại nên mặc dù hiện tại xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản chỉ hciếm thị phần dưới 3% nhưng nếu có sự tăng trưởng xuất khẩu nhanh trong thời gian ngắn, không loại trừ khả năng các nước này có thể sử dụng biện pháp tự vệ để hạn chế nhập khẩu. Theo Trung tâm Sản xuất sạch, thời gian gần đây ngày càng có nhiều sản phẩm dệt may của Trung Quốc bị khách hàng từ chối hoặc đòi bồi thường vì không phù hợp với những tiêu chuẩn “xanh”, tức không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về sức khoẻ đối với người sử dụng và không gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Một khi tình trạng này xảy ra với hàng dệt may Trung Quốc thì cũng có thể xảy ra với sản phẩm dệt may của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Hiện tại, trình độ phát triển ngnàh dệt của Việt Nam ở dưới mức trung bình so với mặt bằng chung, vì vậy năng suất chưa cao, chất lượng hạn chế, sử dụng nhiều hoá chất thuốc nhuộm… Trong khi đó, các quy định về nhãn mác an toàn sức khoẻ với người sử dụng, tiêu chuẩn thân thiện môi trường, trách nhiệm của các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… vốn rất khắt khe. Nếu như trước đây, hạn ngạch bên cạnh mặt tiêu cực là một hình thức hạn chế xuất khẩu đối với Việt Nam còn có mặt tích cực là giảm thiểu tối đa khả năng bị áp dụng
các rào cản thương mại thì khi cơ chế này mất đi sẽ có các ảnh hưởng tất yếu theo chiều hướng ngược lại. Đứng trước thực tế này, Chuyên gia về chính sách phát triển của Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng cần có sự tiên liệu và chủ động tìm giải pháp phòng ngừa từ trước nhằm loại trừ các nguy cơ này. Chuyên gia này cũng đưa ra kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện chính sách chung nhằm hạn chế tối đa thiệt hại từ các rủi ro pháp lý liene quan đến thương mại dệt may. Cụ thể cần tiếp tục chủ trương đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá chủng loại mặt hàng xuất khẩu. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp kiến thức pháp lý liên quan đến xuất khẩu của các đối tác nhập khẩu lớn, các thông tin giá cả, thị trường, đối thủ cạnh tranh… Có cơ chế theo dõi xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận các đơn hàng có đơn giá xuất khẩu cao, giá trị gia tăng cao, hạn chế các đơn hàng có đơn giá xuất khẩu thấp nhằm đạt được mặt bằng đơn giá bình quân xuất khẩu cao nhất. Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp xây dựng cơ chế cảnh báo sớm và phối hợp xửlý các rủi ro pháp lý về tranh chấp thương mại quốc tế; xây dựng, ban hành chuẩn mực quốc gia về nước thải ngành dệt nhuộm với những chỉ tiêu ô nhiễm phù hợp, khả thi. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu những quy định pháp lý liên quan đến xuất khẩu tại các thị trường lớn, đồng thời tìm cho mình đối sách thích hợp; xây dựng hệ thống ghi nhận, lưu trữ hồ sơ sản xuất, xuất nhập khẩu đầy đủ, khoa học, bài bản nhằm tạo cơ sở sẵn sàng cho việc ứng phó với khả năng phải tham gia các vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế. Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân, các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Một điểm doanh nghiệp cần lưu ý là chuyển đổi công nghệ dệt nhuộm truyền thống đã lạc hậu sang loại hình sản xuất thân thiện hơn với môi trường, sản xuất sạch hơn, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao các hoá chất, chất trợ, thuốc nhuộm, hơi, điện, nước…;nâng cao trình độ tổ chức, quản lý sản xuất phấn đấu đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, an toàn lao động, trách nhiệm xã hội, sản xuất sách…. Như ISO 9000, ISO 14000, SA 8000…. (Theo Vinanet http://thongtindubao.gov.vn/Default.aspx?mod=News&cat=16&nid=1429 Vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại khi Việt Nam gia nhập WTO (10/02/2006) 1. Tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO Một trong những tác động tích cực quan trọng của việc gia nhập WTO là trong vấn đề tranh chấp thương mại. Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của WTO nhằm hạn chế các tác động bất lợi của các mâu thuẫn không được giải quyết trong thương mại quốc tế và làm dịu đi những bất bình đẳng giữa các nước thành viên yếu và mạnh hơn trên cơ sở các quy định pháp luật, thay vì cho phép bên mạnh hơn có quyền quyết định. Trong tình hình hiện nay khi mà Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề tranh chấp trong thương mại quốc tế, thì việc gia nhập WTO và tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO sẽ giúp Việt Nam đạt được thế cân bằng hơn với các nước thành viên khác khi tranh chấp thương mại xảy ra Nói chung cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước đang phát triển như Việt Nam vì nó thông thoáng, ít tốn thời gian, trên cơ sở tự động và có tính ràng buộc. Khoảng thời gian giữa các công đoạn như tham vấn, hội thẩm, chung thẩm được quy định rõ ràng và chặt chẽ để tránh tình trạng xử kiện kéo dài. Quyết định cuối cùng của ban chung thẩm hoặc hội thẩm chỉ có thể bị bác bỏ bằng sự đồng thuận của tất cả các thành viên, sự phủ quyết đơn lẻ của một thành viên là không có hiệu lực. Thứ hai, cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương không cho phép các nước phát triển áp đặt luật của mình trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ví dụ như việc áp dụng đơn phương đạo luật 301 của Mỹ trong giải quyết tranh chấp thương mại với các nước. Thứ ba, trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có những quy định ưu đãi đặc biệt dành cho các thành viên là các nước đang phát triển (mặc dù không phải lúc nào các nước đang phát triển cũng tận dụng được). Các nước đang phát triển có thể chọn thủ tục nhanh hơn, yêu
cầu có khung thời hạn dài hơn hay yêu cầu trợ giúp pháp lý. Các thành viên WTO cũng được khuyến khích dành sự quan tâm đặc biệt đối với tình hình của nước thành viên đang phát triển. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO cũng còn những hạn chế nhất định. Theo cơ chế này, mặc dù các nước được áp dụng biện pháp trả đũa với những nước không tuân thủ quyết định phán quyết cuối cùng, nhưng việc thực hiện các biện pháp trả đũa này cũng không hiệu quả nếu nước thực hiện trả đũa là nước nhỏ đang phát triển do quy mô thị trường các nước này thường nhỏ. Ngược lại, những biện pháp trả đũa mà các nước phát triển hay dùng lại thường gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế đang phát triển. Trong nhiều trường hợp, do sức ép chính trị hoặc văn hoá - xã hội mà nước vi phạm có xu hướng không thực hiện phán quyết cuối cùng của Ban giải quyết tranh chấp. Một nhược điểm nữa của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO liên quan đến vai trò của Ban giải quyết mâu thuẫn thương mại đối với các trường hợp chống phá giá. Ban giải quyết không đưa ra quyết định liệu những biện pháp chống phá giá có phù hợp với các quy định của WTO hay không mà chỉ xem xét liệu quá trình thu thập và đánh giá số liệu có hợp lý hay không. Do vậy, rõ ràng các nước thành viên đang phát triển như Việt Nam ở trong một tình thế đặc biệt, mà ở chừng mực nào đó, hệ thống giải quyết tranh chấp hiện nay mới chỉ đang xem xét tới mà chưa giải quyết được triệt để. Cuối cùng, trong những năm gần đây, do cơ chế giải quyết tranh chấp ngày càng trở nên thiên về kỹ thuật đòi hỏi các nước phải chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là khi bên bị kiện là các nước phát triển. Đối với Việt Nam, quá trình thuần tuý kỹ thuật này rất khó đáp ứng do hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức cũng như tài chính vì trong nhiều trường hợp, Việt Nam phải thuê luật sư, chuyên gia của chính các nước phát triển do không có đủ nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn - những chuyên gia nắm bắt được bản chất phức tạp của các luật lệ của WTO hoặc của thủ tục giải quyết tranh chấp. Việt Nam cũng khó có thể chịu đựng tác hại về mặt kinh tế gây ra bởi hàng rào thương mại của một nước thành viên khác trong toàn bộ quá trình tố tụng. Nếu một hàng rào thương mại như vậy làm phương hại tới khả năng xuất khẩu một mặt hàng nào đó của Việt Nam và được kết luận là trái với các quy định của WTO, thì việc rút bỏ biện pháp này cũng không được thực hiện cho đến tận hai hay ba năm sau khi khởi kiện trong WTO. Tuy nhiên, nhìn chung, việc gia nhập WTO vẫn đem tới cho Việt Nam quyền bình đẳng hơn trong các tranh chấp thương mại. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng sẽ tạo cho Việt Nam một vài cơ hội trong tương lai để khắc phục hành động không công bằng của các đối tác thương mại. Mỹ, chẳng hạn, đã hạn chế nhập khẩu tôm và cá da trơn của Việt Nam. Nếu Việt Nam đã là thành viên của WTO khi theo đuổi vụ tranh chấp này, phán quyết của WTO sẽ theo chiều hướng có lợi cho Việt Nam. Do vụ tranh chấp này được giải quyết trong khuôn khổ Hiệp định thương mại song phương nên các cơ sở phán quyết là theo luật của Mỹ và không có cơ hội đàm phán dành cho Việt Nam. Trong khi đó, trong một vụ tranh chấp giữa Mêhicô và Mỹ, Mêhicô đã yêu cầu tham vấn theo thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO và hai bên đã đạt được thoả thuận chung sau 3 tháng. Điều này có nghĩa là theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO thì chưa chắc những nước nhỏ như Việt Nam đã bất lợi hơn so với các cường quốc như Mỹ. Vấn đề là phải biết tận dụng thuận lợi này sao cho hiệu quả - việc đòi hỏi phải có những bước chuẩn bị tốt và có đủ kinh nghiệm không chỉ tích luỹ từ chính kinh nghiệm của Việt Nam mà phải tập hợp từ những bài học của các nước xung quanh. 2. Kinh nghiệm các nước Mặc dù vẫn có những khó khăn nhưng các nước thành viên đang phát triển đã tham gia tích cực vào hệ thống giải quyết tranh chấp trong vòng tám năm qua. Kể từ năm 1995, họ đã là bên nguyên trong hơn 1/3 các vụ tranh chấp, và là bên bị trong 2/5 số vụ. Các nước đang phát triển đã khởi kiện các thành viên phát triển cũng như các nước thành viên đang phát triển khác. Chỉ trong một năm 2001, các nước thành viên đang phát triển đã chiếm tới 75% tổng số đơn kiện. Trong đa số các tranh chấp của WTO tới nay, các nước phát triển thường là bên đi kiện, bên bị
kiện là một nước thành viên đang phát triển, song các nước phát triển cũng là bên bị kiện trong nhiều các sự việc. Các nước này thường có quan hệ thương mại rất rộng (trong cả các lĩnh vực hàng hoá và dịch vụ) và rất sâu (xét về khối lượng và giá trị thương mại). Những quan hệ thương mại như vậy đã tăng đáng kể khả năng phát sinh xung đột từ các hàng rào thương mại mà nước thành viên xuất khẩu – thường là các nước đang phát triển sẵn sàng khởi kiện. Chiến thắng của Vênêduêla và Braxin trong tranh chấp với Mỹ trong khuôn khổ WTO về “Các tiêu chuẩn về xăng dầu” là một ví dụ nổi tiếng về giải quyết tranh chấp trong đó Mỹ buộc phải thay đổi chính sách kinh tế trong nước của mình theo phán quyết của DSB và có lợi cho các nước đang phát triển. Vụ tranh chấp này liên quan đến quy định EPA năm 1993 về chất phụ gia nhiên liệu được đưa ra nhằm phân biệt đối xử đối với Vênêduêla và Braxin bằng cách buộc các công ty lọc dầu của hai nước này phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường cao hơn so với các nhà sản xuất trong nước để chứng minh chất lượng sản phẩm. Sau khi DSB của WTO đưa ra phán quyết buộc Mỹ phải thay đổi các quy định của mình, Mỹ đã phải sửa đổi luật của mình mặc dù luật mới này tương đối đi ngược lại lợi ích của các nhà sản xuất trong nước. Và từ đó đến nay, chất lượng xăng dầu của các nhà sản xuất trong và ngoài nước đều được đánh giá dựa trên một tiêu chuẩn như nhau. Một ví dụ khác là vụ Côxta Rica kiện Mỹ năm 1996 vì Mỹ đã áp đặt hạn ngạch đối với các sản phẩm đồ lót bằng côtông nhập khẩu của nước này. Theo Côxta Rica, hạn ngạch mà Mỹ đưa ra đã vi phạm thoả thuận dệt may vì Mỹ không chứng minh được hàng nhập khẩu từ Côxta Rica đã gây thiệt hại nặng nề cho nền sản xuất trong nước. Sau khi DSB ra phán quyết có lợi cho Côxta Rica, Mỹ đã đồng ý chấm dứt hạn ngạch đối với mặt hàng này nhập khẩu từ Côxta Rica. Những số liệu và ví dụ trên cho thấy các nước đang phát triển cũng đã biết tận dụng các lợi thế của mình trong cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, nhưng phần lớn các trường hợp đó lại là các nước đang phát triển có trình độ cao hơn như Braxin, Mêhicô và Ấn Độ. Các nước chậm phát triển tới nay chưa tham gia vào tranh chấp nào trong WTO cả với tư cách bên đi kiện hay bên bị kiện. Trong thực tế, những phí tổn, tình trạng thiếu năng lực kỹ thuật và những sức ép chính trị đã khiến cho đa số các thành viên quốc gia đang phát triển không hào hứng gì với việc bảo vệ quyền lợi của mình tại diễn đàn này. Tuy nhiên, các nước chậm phát triển cũng có tham gia một số trường hợp với tư cách là bên thứ ba. Việc tham gia của các nước thành viên này với tư cách là bên thứ ba đã mang lại kinh nghiệm quý báu cho các thành viên không tham gia thường xuyên vào quá trình giải quyết tranh chấp. Để thấy rõ hơn những nguyên nhân thành công của các nước đang phát triển trong các vụ tranh chấp trong khuôn khổ WTO, Việt Nam có thể nghiên cứu về kinh nghiệm của Pêru trong hai vụ tranh chấp về sò và cá mòi với Uỷ ban châu Âu (EC). Kinh nghiệm của Pêru trong vụ tranh chấp sò với EC năm 1995 là ví dụ cho thấy các lợi ích của việc khởi kiện tập thể đối với các nước đang phát triển. Trong vụ này, Canađa là nước chính đưa vụ tranh chấp này lên DSB sau khi EC, mà cụ thể là Pháp, đã cấm nhập khẩu sản phẩm sò của Canađa do Pháp cho rằng sò xuất khẩu của Canađa không được mang nhãn hiệu sò mà chỉ là một dạng tương tự. Sò xuất khẩu của Pêru và Chilê vào thị trường EC cũng bị hạn chế do lý do này. Vì thế Pêru và Chilê đã đề nghị được tham gia cùng Canađa trong quá trình tham vấn với EC. Do quá trình tham vấn không có kết quả nên Canađa đã đề nghị thành lập toà án hội thẩm vào ngày 10/7/1995. Chilê và Pêru đã theo sát đoàn đàm phán của Canađa và sau đó lần lượt đưa ra yêu cầu tham vấn với EC. Tất nhiên, cũng giống như trường hợp với Canađa, các cuộc tham vấn không đem lại kết quả gì. Đến tháng 9/1995, Pêru và Chilê đã yêu cầu thành lập ban hội thẩm với những thành viên của ban hội thẩm trong vụ Canađa và Pháp. Với vai trò là các nước đồng khởi kiện, Pêru và Chilê đã được phép đọc đơn kiện do phía Canađa viết và được tham dự vào các phiên hội thẩm của vụ tranh chấp của Canađa, và đoàn Canađa cũng đã đưa ra những lời khuyên bổ ích cho Pêru và Chilê khi theo các vụ kiện này. Hơn nữa, do cũng chính ban hội thẩm của vụ Canađa sẽ xử lý vụ của Pêru và Chilê nên các lý lẽ mà phía Canađa đưa ra đều là những lý lẽ tham khảo rất tốt
đối với hai nước trên. Hơn thế, do cùng lý do khởi kiện với Canađa, nên nếu EC từ chối không thay đổi chính sách của mình sau khi vi phạm các quy định, Pêru và Chilê cũng sẽ không đơn độc khi khởi kiện lần nữa. Chính vì thế, sau gần một năm kể từ ngày Pêru và Chilê khởi kiện, DSB đã đưa ra phán quyết mà thắng lợi nghiêng về hai nước này. Một thắng lợi khác của Pêru trong tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO là vụ tranh chấp cá mòi với EC. Năm 1999, EC từ chối nhập khẩu cá mòi của Pêru với lý do cá mòi Pêru có nhãn hiệu là “Cá mòi Thái Bình Dương” trong khi theo quy định của EC thì chỉ những loại cá mòi thông thường và cá mòi Đại Tây Dương và Địa Trung Hải mới được quảng cáo là “cá mòi”, nếu không phải có tên gọi khác. Theo các quan chức của EC, cá mòi của Pêru thực chất là cá mòi cơm hoặc cá trích cơm chứ không phải cá mòi, vì thế EC sẽ không nhập cá mòi của Pêru để bảo vệ người tiêu dùng và để tránh sự nhầm lẫn. Pêru tuyên bố rằng đó chỉ là nỗ lực giả dối của EC để bảo vệ ngành ngư nghiệp nước mình. Ban đầu, Pêru đã tiến hành đàm phán song phương với các nước EC nhưng không thu được kết quả gì. Vì thế Pêru đã chính thức khởi kiện lên WTO và yêu cầu có sự tham vấn của WTO. Điều này đã buộc EC phải bước vào bàn đàm phán. Các tham vấn đã đề nghị EC hợp tác để hai bên có một thoả thuận chung và tránh đưa sự việc lên ban Hội thẩm. Tuy nhiên EC đã từ chối và WTO đã thành lập ban Hội thẩm để xử lý vụ tranh chấp này theo yêu cầu của Pêru. Và cuối cùng những phán quyết mà Ban Hội thẩm đưa ra là rất có lợi cho Pêru. Việc chiến thắng ở Ban hội thẩm của Pêru đã làm tăng vị thế của Pêru trong WTO và tạo tiền lệ tốt cho nước này tham gia vào các tranh chấp trong WTO. Hơn nữa chi phí của hai vụ tranh chấp này lại không lớn và Pêru tin rằng sẽ được bù đắp bởi phần doanh thu từ thương mại gia tăng do thắng kiện. Và Pêru cũng không phải chịu bất cứ chi phí ngược chiều nào về chính trị. Trong quá trình tranh chấp không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có những biện pháp chính trị chống đối Pêru và các quan chức không cảm thấy có bất cứ tổn hại nào tới các mối quan hệ song phương. Từ sự thành công của Pêru trong hai vụ tranh chấp thương mại, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý vững chắc. Chẳng hạn, Pêru đã bám sát vào các nguyên tắc chung của GATT và thoả thuận các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thậm chí Pêru còn dẫn chứng bằng Điều 2.4 trong đó quy định các nước thành viên sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế đã có là cơ sở cho các quy định kỹ thuật của mình. Mà theo bộ luật cam kết dinh dưỡng có ghi tiêu chuẩn về cá mòi đóng hộp và các sản phẩm làm từ cá mòi thì cá mòi Pêru được định nghĩa là cá mòi. Tuy Pêru đã có đầy đủ các lý lẽ như vậy nhưng EC vẫn không thoả hiệp ngay từ đầu, chính vì thế khi đưa lên hội thẩm, phần thắng nghiêng về phía Pêru. Thứ hai, các nước đang phát triển như Việt Nam nên biết tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung tâm tham vấn về luật WTO, một tổ chức được thành lập năm 2001 với tư cách là một tổ chức liên chính phủ độc lập chuyên tư vấn cho các nước đang phát triển cần các chuyên gia pháp luật với chi phí thấp trong các vụ tranh chấp của WTO. Quay lại ví dụ về Pêru, khi đưa lên ban Hội thẩm, Pêru vẫn gặp một số khó khăn nhất định vì thiếu kinh nghiệm theo kiện và các chuyên gia về luật thương mại. Thông thường, các nước thường phải thuê các công ty tư vấn tư nhân với mức phí lên tới 300.000 USD/vụ kiện của WTO. Tuy nhiên Trung tâm tham vấn về luật WTO chỉ thu phí dựa trên mức thu nhập tương đối của nước thành viên, vì thế Pêru chỉ phải trả 100 USD cho mỗi giờ dịch vụ luật pháp. Các luật sư của Pêru thừa nhận rằng nếu không có trung tâm này, họ không thể thắng lợi được. Thứ ba, sự đóng góp của các bên thứ ba có quan tâm là một yếu tố rất quan trọng. Trong vụ tranh chấp sò với EC, Pêru đã đạt được rất nhiều lợi ích khi khởi kiện tập thể cùng với Canada. Trong vụ tranh chấp cá mòi, mặc dù Pêru là nước duy nhất theo kiện nhưng Canađa, Chilê, Côlômbia, Equađo, Vênêduêla và Mỹ đều tham gia vào quá trình theo kiện với tư cách là bên thứ ba. Đặc biệt, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Pêru và chỉ trích EC có những quy định quá ngặt nghèo về nhãn mác thực phẩm. Bên cạnh đó, Pêru còn tận dụng được sự ủng hộ của các tổ chức xã hội, mà cụ thể là Hiệp hội người tiêu dùng Anh đã lên tiếng ủng hộ Pêru trong vụ kiện này. EC đã
buộc phải hành động theo các phán quyết mà DSB đã đưa ra để làm hài lòng tất cả các đối tượng này, nếu không một trong số các nước trên sẽ yêu cầu lập ra một ban hội thẩm để xử lý tranh chấp tương tự giữa họ với EC. Như vậy, nhìn chung, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam cần chú ý tất cả những lợi ích và thách thức của cơ chế giải quyết tranh chấp đặt ra đối với các nước thành viên đang phát triển. Đặc biệt, do không phải là một tác nhân hùng mạnh trong thương mại thế giới, Việt Nam sẽ thấy đương đầu với những cáo buộc của nước khác, hay việc cáo buộc sản phẩm của các nước trên thị trường Việt Nam đều không phải là chuyện đơn giản. Chính vì vậy, ngay từ khi chuẩn bị gia nhập WTO, Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu để hiểu rõ các quy định, nguyên tắc của WTO để áp dụng cho phù hợp. Luôn luôn nghiên cứu, tích luỹ kinh nghiệm của chính Việt Nam cũng như của các nước đang phát triển khác, xây dựng đội ngũ am hiểu pháp luật quốc tế, tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của giới doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công hơn trong các vụ việc tranh chấp thương mại trong khuôn khổ WTO.
http://mfo.mquiz.net/WTO/?function=NEF&file=4809 WTO- Thiếu "thầy cãi" đồng hành với DN (8/8/2006 11:51:13 AM) Trong tổng số hơn 3.900 luật sư Việt Nam hiện nay, chỉ có khoảng 50 người hiểu biết về luật pháp quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Song thực sự chỉ chừng 10-15 "thầy cãi" là đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp luật thế giới. Thông tin đã được Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, thuộc Bộ Tư pháp, Lê Hồng Sơn đưa ra trong tọa đàm về tác động của Hiệp định thương mại (BTA) Việt - Mỹ đối với hành nghề luật sư và trọng tài thương mại, diễn ra sáng qua tại Tp.HCM. Những tiêu chuẩn pháp luật thế giới được ông Sơn phân tích là các kiến thức pháp luật chung, uy tín, khả năng tranh tụng ở tòa nước ngoài, được khách hàng nước ngoài tin tưởng, khả năng ngoại ngữ... Từ lâu nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng Việt Nam cần phải có một đội ngũ luật sư chuyên về hội nhập kinh tế thế giới, nếu không doanh nghiệp trong nước dễ lâm vào tình trạng 'kiếm củi 3 năm đốt 1 giờ'. 'Vấn đề ở đây là hội nhập toàn cầu, nếu doanh nghiệp không được trang bị tốt những kiến thức về luật lệ chung của thế giới, những rào cản, sân chơi riêng của từng quốc gia... thì sẽ dễ vấp những vụ tranh tụng dẫn đến thua kiện, phá sản, mất thị trường nhanh chóng', ông Sơn giải thích. Nhiều vụ việc tranh chấp đã xảy ra như vụ Bỉ bắt giữ Phó giám đốc Công ty Afiex Bửu Huy theo yêu cầu của Mỹ, sự cố tàu Cần Giờ bị Tanzania bắt giữ, Hàng không Việt Nam thua kiện tại Italy..., chính là hậu quả của tình trạng ngại trang bị kiến thức pháp luật quốc tế thông qua luật sư trong giới doanh nghiệp, cũng như thể hiện sự yếu và thiếu của đội ngũ luật sư trong nước. Đại sứ Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngô Quang Xuân cũng khẳng định, cần phải nhanh chóng xây dựng đội ngũ luật sư có hiểu biết về các luật lệ pháp luật của WTO, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập an toàn trong sân chơi kinh tế chung. Dự án Star Việt Nam do Mỹ hỗ trợ Bộ Tư pháp điều tra, khảo sát tác động của BTA Việt - Mỹ đối với hành nghề luật sư tại Việt Nam cho thấy, cả nước hiện có 819 tổ chức hành nghề luật sư, 149 chi nhánh, 653 văn phòng luật... Số lượng này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội đang ngày càng tăng. Luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Có những tỉnh như Điện Biên, Lai Châu không có đủ số người cần thiết để thành lập Đoàn luật sư. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Hệ thống pháp luật
không rõ ràng, đồng bộ, thiếu; cơ chế tranh tụng tại tòa khá mới mẻ so với luật sư Việt Nam; thiếu luật sư chuyên sâu về các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại như sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, hàng hải, thương mại quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế... Trọng tài thương mại ế ẩm 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm Trọng tài thương mại Tp.HCM chỉ giải quyết 6 hồ sơ tranh chấp của doanh nghiệp. Ít như vậy song con số này đã bằng cả năm ngoái. Trong khi đó, hàng nghìn đơn kiện đã được doanh nghiệp nhờ tòa án thụ lý hằng năm. Chủ tịch Trung tâm Nguyễn Văn On cho rằng trọng tài thương mại ế ẩm là vì nhiều doanh nghiệp chưa biết tới vai trò của trọng tài, chưa tin tưởng hiệu quả giải quyết của các nhà cầm còi này, mặc dù so với trình tự tố tụng tại tòa thì trọng tài thương mại giải quyết vụ tranh chấp nhanh gọn hơn. Theo Nghị định 116/CP, quyết định của trọng tài là chung thẩm để các bên tranh chấp phải thi hành và không được kháng cáo. Tuy nhiên nếu quyết định của trọng tài không được một bên thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án xét xử theo thủ tục vụ án kinh tế. Doanh nghiệp vì thế ngại đến trọng tài thương mại mà đi thẳng ra tòa án để khỏi tốn thì giờ. Hiện nay Pháp lệnh trọng tài thương mại đã điều chỉnh lại quy định này, nhưng doanh nghiệp vẫn dồn qua tòa án. Trung bình hằng năm, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ xử lý 20-25 vụ tranh chấp. Cả nước hiện có 5 trung tâm trọng tài thương mại nhưng có đơn vị hầu như không thụ lý được vụ kiện tụng nào. Ông Lê Hồng Sơn cho rằng, ngoài lý do về quy định pháp luật chưa rõ ràng, còn có nguyên nhân là ý thức sử dụng pháp luật để tự bảo vệ trên thương trường của doanh nghiệp còn rất kém. Luật sư Lê Công Định thuộc Đoàn Luật sư Tp.HCM dự báo, làn sóng thương mại và đầu tư mới đổ vào Việt Nam trong thời gian hậu WTO sẽ gia tăng mạnh mẽ. Các tranh chấp liên quan đến thương mại và đầu tư chắc chắn ngày càng nhiều và phức tạp. Do đó để hạn chế rủi ro, ông Định khuyến cáo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có ý thức 'phòng bệnh' thông qua các luật sư, trong khi các 'thầy cãi' cũng phải nâng cao năng lực bản thân. Theo Vnexpress | Tham gia ý kiến Sự kiện Việt Nam trở thành thành viên WTO, tổ chức Hội nghị APEC 2006 thành công rực rỡ đã đem lại niềm vui tràn ngập cho nhân dân cả nước, mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có trong 20 năm đổi mới. Nhưng, song hành với những cơ hội lớn cũng là những thách thức lớn, đòi hỏi chúng ta phải biết cách vượt qua và sớm vượt qua để có thể phát triển bền vững trong xu thế Việt Nam đang hội nhập nhanh và sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Một trong những vấn đề đang được nhiều người dân và doanh nghiệp (DN) quan tâm là các vụ kiện trong giao thương quốc tế đang có xu hướng gia tăng. Yêu cầu đặt ra là các DN, các hiệp hội nghề nghiệp phải làm thế nào để tránh đến mức thấp nhất tình trạng bị kiện, nhưng đồng thời cũng phải biết cách kiện khi quyền lợi bị ảnh hưởng trong khuôn khổ những quy định chung của WTO. Trước hết, nói về vấn đề tránh kiện và hạn chế thiệt thòi khi bị kiện Gia nhập WTO giúp Việt Nam mở rộng giao thương với thế giới bên ngoài. Vậy mà, hiện tại ở nước ta mới chỉ có Pháp lệnh liên quan đến các hợp đồng kinh tế. Các đạo luật Thương mại, Đầu tư, tuy cũng có các quy định về hợp đồng nhưng rất ít và chưa đủ để điều chỉnh những hoạt động này. Vì vậy, đối với Việt Nam, khi có tranh chấp xẩy ra, áp dụng quy định nào trong hợp đồng cũng khó. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vào WTO các vụ kiện thương mại sẽ tăng ít nhất là 3 lần so với hiện nay. Đặc biệt, số vụ kiện có thể gia tăng mạnh trong 1-2 năm đầu sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Bởi thế, nếu chúng ta không nhanh chóng xây dựng Luật Hợp đồng, khi xảy ra trường hợp bị kiện, DN vẫn là người chịu
thiệt thòi nhất. Không nên để "nước đến chân mới nhảy" Để phù hợp với thông lệ và tập quán kinh doanh quốc tế, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng DN và người dân VN, đã đến lúc Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế như hiện nay cần được Quốc hội chỉnh sửa, nâng lên thành Luật Hợp đồng, tạo cơ sở pháp lý cao nhất để hạn chế những "rủi ro", thiệt thòi về giao thương quốc tế luôn có thể xảy ra đối với các DN. Tìm cách hạn chế bị kiện, nhưng bên cạnh đó, các DN, hiệp hội ngành nghề của chúng ta cũng cần phải học kiện và chuẩn bị tinh thần, kiến thức, khả năng để kiện khi thấy cần thiết. Chúng ta đã từng bị các doanh nghiệp nước ngoài kiện bán phá giá cá tra, cá ba sa, tôm, giày da. Vậy khi Việt Nam dã là thành viên của WTO, tại sao các DN của chúng ta lại không kiện nếu gặp trường hợp hàng hoá của DN nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam (tất nhiên phải dựa theo luật pháp quốc tế, những quy định, quy ước trong khuôn khổ "sân chơi" WTO). Nói đến chuyện này, có thể có ý kiến cho rằng: Mới gia nhập WTO đã tính chuyện đi kiện người khác. Làm như vậy liệu có hợp với tính cách, phương châm xử thế mềm mỏng của người Á Đông và của người Việt Nam không? Trong nền kinh tế mở, hội nhập toàn cầu thì việc xảy ra tranh chấp thương mại dẫn tới khiếu kiện giữa các nước, các nền kinh tế, các DN sẽ là tất yếu. Thực tế cho thấy giữa Mỹ và Nhật, hai đối tác thân thiện, hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới đã từng liên tiếp xảy ra các "cuộc chiến" thép, ô tô. Mỹ và một số nước Nam Mỹ từng xảy ra "cuộc chiến" chuối... Như vậy, đương đầu với việc bị kiện và chuẩn bị kiện sẽ không còn xa lạ khi nền kinh tế của chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào "sân chơi chung" toàn cầu. Khởi kiện nếu có căn cứ khẳng định DN bán phá giá hàng hoá, hay việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật (chẳng hạn tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường...) được xem là những "vũ khí" tự vệ hữu hiệu của mỗi một nền kinh tế. Hàng rào kỹ thuật này không chỉ bảo vệ sức khoẻ, lợi ích của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia, mà còn góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước (điều này không trái với quy định của WTO ). Xin đơn cử một ví dụ: Một số nước là thành viên của WTO đã từ chối nhập khẩu loại lương thực biến đổi gien; hay như Nhật Bản có thể cấm nhập tạm thời hoặc lâu dài nếu phát hiện trong mặt hàng thuỷ sản của quốc gia nào đó có hàm lượng hoá chất độc hại... Để kiện tụng quốc tế thành công, đòi hỏi các DN, các hiệp hội ngành nghề phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm vững những bằng chứng, cơ sở pháp lý. Bởi lẽ, kiện tụng, tranh chấp thương mại quốc tế thường kéo dài, tốn kém tiền bạc nhưng khó tránh vì đó là việc làm cần thiết để tự bảo vệ DN, hiệp hội của mình. Bên cạnh đó, các DN, các hiệp hội ngành nghề cũng phải chuẩn bị tinh thần, kiến thức để tránh các vụ kiện. Và khi không thể tránh được thì phải biết cách sẵn sàng đối phó với những vụ kiện tụng, tranh chấp thương mại. (Nguồn: TTTC) ________________________________________ vBulletin v3
Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (1/16/2007 1:57:32 PM) Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công
bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa vụ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế. Ngoài ra, WTO cũng sẽ tiếp tục áp dụng cách giải quyết tranh chấp của GATT 1947 như: tái lập sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ; giải quyết tích cực các tranh chấp; cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa khi chưa được phép của WTO. Nguyên tắc cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của hệ thống thương mại toàn cầu. Những bài học từ vụ EC kiện Mỹ Tuy nhiên, nguyên tắc này không bao hàm rõ ràng ý có cấm các nước thành viên không được đơn phương xác định các hành vi của nước thành viên khác có vi phạm các hiệp định của WTO hay không. Lợi dụng sự không rõ ràng này nên một số nước thành viên phát triển như Mỹ, EU vẫn tiếp tục đơn phương áp dụng các đạo luật của riêng mình như điều khoản Super 301 trong luật thương mại Mỹ hoặc quy định 384/96 của Hội đồng châu Âu để “kết án” và trừng phạt các nước thành viên WTO khác. Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, quy chế 'nhóm chuyên gia' và cơ quan phúc thẩm thường trực - Cơ quan giải quyết tranh chấp: Viết tắt theo tiếng Anh là DSB (Dispute Settlement Body) có quyền quyết định thành lập và thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia và nhóm phúc thẩm, giám sát việc thực hiện các quyết định về giải quyết tranh chấp, cho phép tạm đình chỉ việc áp dụng các hiệp định thương mại với một nước thành viên, cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt. - Nhóm chuyên gia: Công việc chính về giải quyết tranh chấp do các nhóm chuyên gia thực hiện. Các nhóm chuyên gia này do DSB thành lập để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể và giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ. Khác với cơ cấu nhóm chuyên gia thời kỳ GATT 1947 chủ yếu được ưu tiên lựa chọn trong các quan chức chính phủ các nước thành viên, nhóm chuyên gia thời WTO được ưu tiên lựa chọn trong số những chuyên gia (expert) độc lập, không làm việc cho chính phủ, có uy tín quốc tế về chính sách hoặc luật thương mại quốc tế. Thành phần của mỗi nhóm chuyên gia từ 35 người. Nhiệm vụ của nhóm chuyên gia là giúp cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO làm sáng tỏ nội dung tranh chấp và khuyến nghị một giải pháp để các bên hữu quan giải quyết tranh chấp của họ, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan. Trong quá trình xem xét sự việc, nhóm chuyên gia có quyền tìm kiếm thông tin từ mọi nguồn và trưng cầu ý kiến giám định của các chuyên gia bên ngoài về những vấn đề kỹ thuật. Toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp từ thời điểm các bên tranh chấp tự thương lượng với nhau cho đến khi nhóm chuyên gia đệ trình báo cáo lên DSB tối đa không quá một năm, trong đó thời gian kể từ thời điểm thành lập nhóm chuyên gia cho đến khi đệ trình báo cáo tối đa không quá sáu tháng. Báo cáo của nhóm chuyên gia sẽ được gửi đến cho các bên tranh chấp trong vòng sáu tháng, trong trường hợp tranh chấp liên quan đến những hàng hoá dễ hư hỏng trong vòng ba tháng và gửi đến tất cả các thành viên của WTO sau đó ba tuần. Sau 60 ngày, báo cáo của nhóm chuyên gia sẽ tự động trở thành quyết định của DSB nếu không có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên WTO, kể cả hai bên tranh chấp bác bỏ nội dung của báo cáo. - Cơ quan phúc thẩm thường trực: Một trong những nét mới của bộ máy giải quyết tranh chấp của WTO là việc thành lập cơ quan phúc thẩm thường trực. Cơ quan này có 7 thành viên, do cơ quan giải quyết tranh chấp bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm. Cơ quan này có chức năng xem xét theo thủ tục “phúc thẩm” báo cáo của nhóm chuyên gia, theo đề nghị của một trong các bên tranh chấp. Tuy nhiên, phạm vi 'phúc thẩm' chỉ áp dụng đối với những kết luận và giải thích pháp lý được đưa ra trong báo cáo của nhóm chuyên gia. Khi có đề nghị xem xét
phúc thẩm, cơ quan phúc thẩm thường trực sẽ lập ra một nhóm phúc thẩm riêng biệt cho mỗi một vụ tranh chấp, bao gôm 3 thành viên. Nhóm phúc thẩm có thẩm quyền hoặc giữ nguyên, thay đổi hoặc huỷ bỏ những giải thích và kết luận pháp lý nêu trong báo cáo của nhóm chuyên gia. Báo cáo của nhóm phúc thẩm sẽ được đệ trình lên DSB để thông qua. Việc thông qua báo cáo phúc thẩm được thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực và gần như mang tính chất tự động. Các bên tranh chấp có nghĩa vụ thực hiện vô điều kiện quyết định cuối cùng của DSB trên cơ sở báo cáo phúc thẩm. Thời hạn xem xét phúc thẩm là 60 ngày, có thể được gian hạn nhưng không quá 90 ngày. Thực hiện quyết định của Cơ quan giải quyết tranh chấp và áp dụng biện pháp trả đũa Quyết định về giải quyết tranh chấp được DSB thông qua theo nguyên tắc đồng thuận tiêu cực có giá trị pháp lý và có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên tranh chấp. Thông thường thì bên thua kiện có nghĩa vụ bãi bỏ các quy định hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp mà nhóm chuyên gia kết luận là vi phạm điều khoản trong các hiệp định có liên quan của WTO. Để bảo đảm là bên thua kiện sẽ thực hiện nghiêm túc quyết định của DSB và để tránh tình trạng 'rơi vào im lặng', WTO đề ra một cơ chế theo dõi và giám sát việc thực hiện quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia, bên thua kiện phải thông báo cho DSB biết về những biện pháp mà nước này dự định áp dụng để thực hiện khuyến nghị của nhóm chuyên gia. Nếu nước này vì lý do nào đó không thể thực hiện ngay khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì DSB có thể cho phép nước này được thực hiện trong một thời hạn “hợp lý”. Và nếu trong thời hạn 'hợp lý' đó bên thua kiện vẫn không thể thực hiện được khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì nước này có nghĩa vụ thương lượng với bên thắng kiện về mức độ bồi thường thiệt hại, ví dụ như giảm thuế quan đối với một sản phẩm nào đó có lợi cho bên thắng kiện. Nếu trong vòng 20 ngày kể từ ngày chấm dứt thời hạn hợp lý, các bên tranh chấp không đạt được thoả thuận về mức độ bồi thường thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa, cụ thể là tạm ngưng việc cho bên thua kiện hưởng những nhân nhượng thuế quan hoặc tạm ngưng thực hiện những nghĩa vụ đối với bên thua kiện theo hiệp định có liên quan. Biện pháp trả đũa phải tương ứng với mức độ thiệt hại và phải được thực hiện trong lĩnh vực (sector) thương mại mà bên thua kiện bị thiệt hại. Để bảo đảm tính hiệu quả của các biện pháp trả đũa và rút kinh nghiệm, WTO quy định trong trường hợp việc áp dụng biện pháp trả đũa mà lĩnh vực bị thiệt hại là không thực tế hoặc không có hiệu quả thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong một lĩnh vực khác (trả đũa chéo). Chẳng hạn một nước đang phát triển sẽ khó có thể áp dụng một cách hiệu quả biện pháp trả đũa trong lĩnh vực thương mại hàng hoá đối với một nước phát triển nhưng nếu trả đũa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ hoặc sở hữu trí tuệ thì có thể sẽ hiệu quả hơn. Hơn thế nữa, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bên thắng kiện còn có thể yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong những lĩnh vực thuộc các hiệp định thương mại khác với hiệp định thương mại mà bên thua kiện vi phạm. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng và trong trường hợp có tranh chấp về mức độ trả đũa, WTO cũng dành cho bên thua kiện quyền đưa tranh chấp nói trên ra giải quyết theo phương thức trọng tài. Quyết định trọng tài về vấn đề này là quyết định cuối cùng và có giá trị thi hành đối với tất cả các bên. Các phương thức giải quyết tranh chấp khác Ngoài cơ chế của DSB, các nước thành viên WTO còn có thể sử dụng những phương thức giải quyết tranh chấp khác trong Công pháp quốc tế như trọng tài liên quốc gia (interstate arbitration), trung gian (mediation) và hoà giải (conciliation). Điều 25 Thoả thuận DSU quy định các nước thành viên có thể giải quyết tranh chấp với nhau thông qua trọng tài đối với những tranh chấp nếu các nước này thoả thuận nhất trí sử dụng cơ chế này và chấp nhận tuân thủ quyết định của trọng tài. Các nước cũng có thể sử dụng cơ chế trung gian hoặc hoà giải của một bên thứ ba. Riêng đối với những tranh chấp mà một bên là nước kém phát triển nhất thì Tổng giám đốc có thể đứng ra làm trung gian hoặc hoà giải.
Ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp chung ra, một số hiệp định thương mại đa biên của WTO cũng quy định những cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt. Ví dụ như Hiệp định về trợ cấp có quy định thủ tục riêng về giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng dệt trước Cơ quan giám sát hàng dệt. Trong trường hợp các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp đặc biệt khác với những quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp chung thì những quy định trong cơ chế đặc biệt thắng thế. Các nước đang phát triển và Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO Mặc dù luôn chiếm đa số tại GATT, nhưng vì những lý do lịch sử (đa số các nước đang phát triển đã từng là thuộc địa của các nước phát triển) nên các nước đang phát triển thường có thái độ 'nghi ngờ' và 'e dè' đối với những cơ chế do các nước phương Tây đặt ra. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 1985, Uỷ ban thương mại quốc tế của Mỹ (USIC) đã chỉ ra một số nguyên nhân làm cho các nước đang phát triển ít sử dụng đến Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT: -Thứ nhất, các nước đang phát triển không có đội ngũ chuyên gia pháp lý có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc tham gia xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế và cũng không có khả năng tài chính để đi thuê các chuyên gia phương Tây; - Thứ hai, tâm lý lo sợ rằng nếu đi kiện cáo các nước phát triển thì có khi họ phải chịu thiệt nhiều hơn là được lợi, 'chưa được vạ thì má đã sưng'. Sự phụ thuộc vào thị trường và các nguồn giúp đỡ về tài chính của phương Tây là một trong những lý do khiến các nước đang phát triển rất ngại va chạm với các nước phát triển và nếu có tranh chấp thì các nước này chủ trương xử lý song phương, kín đáo và thường là sẵn sàng nhượng bộ; - Thứ ba, các nước đang phát triển nhận thức được rằng cho dù họ có thắng kiện và dám dũng cảm áp đặt các biện pháp trả đũa hợp pháp chăng nữa thì cũng không đem lại hiệu quả và có thể có một ảnh hưởng tích cực đến cách cư xử của các nước phát triển; - Thứ tư, tuy tham gia GATT ngay từ khi mới thành lập, nhưng các nước đang phát triển vẫn còn giữ thái độ lưỡng lự trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đa số các nước này cho rằng Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT cũng chỉ là một trong những công cụ của các nước phương Tây sử dụng để ép buộc họ mở cửa thị trường. Vì những lý do nói trên, quan điểm chung của các nước đang phát triển đối với Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT trong khoảng 30 năm (từ 1948-1979) là 'phớt lờ' cơ chế này. Trong khoảng thời gian này, số vụ kiện của các nước đang phát triển chỉ chiếm có 12% tổng số các vụ kiện tại GATT và đa số là kết thúc thông qua thương lượng trước khi nhóm chuyên gia của GATT thông qua báo cáo cuối cùng. Chỉ đến thời kỳ sau Vòng Tokyo, các nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước NIC như Brazil, Mexico, Ấn Độ, Argentina mới thực sự quan tâm và sử dụng thường xuyên hơn Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT. Sự thay đổi này xuất phát từ những lý do sau. Thứ nhất, sự giảm sút của thương mại thế giới những năm 1970 do tác động của hai cuộc khủng hoảng dầu lửa đã dẫn đến việc trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển. Thứ hai, quá trình công nghiệp hoá tại một số nước đang phát triển đã đem lại những thành quả đầu tiên, nổi bật nhất là trong một số ngành sản xuất công nghiệp và chế biến, các nước NIC đã đạt được ưu thế cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của phương Tây và đã bắt đầu dư thừa năng lực sản xuất trong một số lĩnh vực như may mặc, điện tử dân dụng, thép. Các nước này bắt đầu nhận thức được cần phải sử dụng nhiều công cụ để tiếp cận thị trường tiêu thụ của các nước phương Tây và khi cần thiết sử dụng cả Cơ chế giải quyết tranh chấp. Ngoài ra việc thành lập một Bộ phận pháp lý (Legal Office) trực thuộc Ban thư ký GATT đã giúp cung cấp những trợ giúp kỹ thuật có hiệu quả cho các nước đang phát triển trong việc nghiên cứu về cơ cấu thể chế và pháp lý của GATT và tư vấn pháp lý cho các nước này trong quá trình chuẩn bị các tài liệu và thủ tục khiếu kiện. Trong vòng 15 năm (1979-1994), số lượng các vụ kiện của các nước đang phát triển chống lại các nước phát triển đã tăng lên đến 25% tổng số các vụ kiện tại GATT (25/117 vụ). Ở Vòng đàm phán Uruguay, Brazil đã đưa ra đề nghị cần thiết phải áp dụng nguyên
tắc đối xử đặc biệt đối với các nước đang phát triển khi áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT. Đề nghị này đã được chấp nhận và thể hiện trong Thoả thuận về Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO. Cụ thể như sau: - Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Tổng giám đốc WTO đứng ra làm trung gian, hoà giải trong trường hợp có tranh chấp với nước phát triển; - Trong thành phần của nhóm chuyên gia nhất thiết phải có một thành viên là công dân của một nước đang phát triển, trừ khi nước đang phát triển có liên quan không yêu cầu như vậy; - Thời gian để giải quyết tranh chấp với các nước đang phát triển có thể được kéo dài hơn so với quy định chung; - Các nước phát triển cần có thái độ kiềm chế khi áp dụng các biện pháp trả đũa với bên thua kiện là nước đang phát triển; - Các nước phát triển có thể được phép áp dụng các biện pháp trả đũa chéo đối với bên thua kiện là nước phát triển; - Các nước đang phát triển có thể yêu cầu Ban Thư ký WTO trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp; - Các nước đang phát triển có thể áp dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp được Đại hội đồng GATT thông qua theo Quyết định ngày 5-4-1966. Các nước đang phát triển đã nhanh chóng nhận thức được lợi ích từ việc sử dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và chỉ sau gần 5 năm, các nước đang phát triển đã trở thành nhóm các nước sử dụng nhiều nhất cơ chế giải quyết tranh chấp mới của WTO. Tính đến ngày 31-12-1998, các nước đang phát triển dẫn đầu số lượng các vụ kiện (37%) nhiều hơn Mỹ (34%) và EU (21%) và 80% trong số đó kết thúc thắng lợi. Có thể nói Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được các nước đang phát triển sử dụng như một công cụ có hiệu quả để giải quyết tranh chấp thương mại với các nước phát triển. Và xét về toàn cục thì Cơ chế này là một bước phát triển tiến bộ theo hướng công bằng hơn trong quan hệ thương mại quốc tế. Trang ngoài MFONews: + www.wto.org http://www.saigontimes.com.vn/tbktsg/detail.asp?muc=3&sobao=806&sott=8 • Tranh chấp thương mại gia tăng Tranh chấp thương mại là một thực tiễn tất yếu của thương mại quốc tế và có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và đa dạng về hình thức, từ tranh chấp hợp đồng, kiện bán phá giá... tới các khiếu kiện liên quan đến bản quyền. Các vụ kiện cá, tôm, giày dép Việt Nam bán phá giá, giữ tàu Cần Giờ, tranh chấp thương hiệu kẹo dừa, võng xếp... cho chúng ta những kinh nghiệm thực tiễn về một thế giới thương mại vừa hợp tác vừa đấu tranh. Thực tế cho thấy, các vụ việc tương tự sẽ tăng tỷ lệ thuận với mức độ hội nhập của nền kinh tế. Việc nắm vững các luật lệ thương mại quốc tế, quy định của nước nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp thương mại bởi hai lý do. Thứ nhất, hạn chế nguy cơ vướng vào tranh chấp thương mại với các doanh nghiệp của nước nhập khẩu. Thứ hai, kịp thời phát hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp nước ngoài để kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp đối phó thích hợp. Trong thương mại hiện đại, các tranh chấp kinh tế thường vượt ra ngoài phạm vi nội bộ của doanh nghiệp và trở thành vấn đề giữa các quốc gia. Bởi vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc, hạn chế hậu quả. http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2005/02/3B9DB978/ Gia nhập WTO, cần rất nhiều luật sư giỏi
Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ. Trước việc Việt Nam phấn đấu là thành viên WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) vào cuối 2005, các luật sư đã bắt đầu chuẩn bị hành trang để tham gia vào sân chơi mới với nhiều đối thủ có tầm vóc lớn hơn hẳn. Bà Đinh Ánh Tuyết (Trưởng văn phòng luật sư IDVN) cho biết, hoạt động luật sư đi đôi với hoạt động xã hội, kinh doanh. Gia nhập WTO, tất cả mọi người đều hiểu rằng giao dịch quốc tế, sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường... sẽ mở rộng hơn. Theo tiến sĩ luật Phạm Hồng Hải, việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO không chỉ tốt cho lợi ích quốc gia mà còn có lợi cho mỗi cá nhân qua việc giao thương quốc tế phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội làm ăn mới, nhu cầu việc làm tăng và đời sống được nâng lên. Ông Hải đánh giá: "Các quan hệ ngày càng mở rộng, cơ hội mở ra cho luật sư rất lớn khi số lượng thân chủ chắc chắn sẽ tăng". Tham gia WTO, cơ hội làm ăn với đối tác nước ngoài của các doanh nghiệp mở rộng, đồng thời những vướng mắc trong quan hệ giao dịch sẽ phát sinh. Lúc đó, vai trò của các luật sư trong việc giải quyết tranh chấp là rất lớn. Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Nguyễn Trọng Tỵ nhận định: "Luật sư Việt Nam cần đón thời cơ này". Ông Hoàng Phước Hiệp. Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp cho biết, tranh chấp thương mại quốc tế có 2 loại. Một là tranh chấp trong các tổ chức quốc tế, ví dụ ASEAN, WTO, Liên Hợp Quốc. Thông thường trong loại này, Chính phủ là người đứng ra đại diện, nhưng sau Chính phủ là các doanh nghiệp, bên cạnh là các luật sư. Thứ hai, là tranh chấp giữa doanh nghiệp nước này với doanh nghiệp nước khác, luật sư là người trực tiếp đàm phán, giải quyết. Thắng lợi hay thất bại phụ thuộc rất nhiều vào luật sư, người nào càng giỏi thì khả năng thắng kiện càng lớn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu nhu cầu sử dụng luật sư gia tăng thì với lượng người như hiện nay, liệu có đủ đáp ứng? Ông Phạm Hồng Hải đánh giá: "Số lượng hơn 3.000 luật sư không đủ để thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là lĩnh vực công pháp và tư pháp quốc tế". Vụ trưởng Hoàng Phước Hiệp nhận định với VnExpress: "Số lượng luật sư Việt Nam tương đối ít, chia làm 2 nhóm: thế hệ già và thế hệ trẻ. Thế hệ già nhiều kinh nghiệm nhưng thực tiễn thương mại quốc tế kém, ngoại ngữ có hạn. Còn lớp luật sư trẻ có trình độ tiếng Anh và nắm bắt thông tin nhanh, nhưng kinh nghiệm làm việc không bằng". Theo ông Hiệp, phối hợp cả 2 lớp luật sư này trong công việc thì sẽ thu được kết quả tốt. Không chỉ thiếu về nhân lực mà khả năng chuyên môn cũng là trở ngại với các luật sư khi tác nghiệp. Theo ông Tỵ, hiện luật sư Việt Nam chủ yếu tham gia tranh tụng trong nước về hình sự, dân sự. "Giờ mở rộng hợp tác quốc tế, các luật sư phải tự trau dồi nghiệp vụ. Nếu cứ như trước đây thì không làm được vai trò gì", ông đánh giá. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, ông Hải nhận định: "Chất lượng đào tạo hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Một khoá học đào tạo luật sư 6 tháng chỉ là trang bị lại những kiến thức đã giảng dạy trong thời kỳ học cử nhân luật". Nắm bắt được tình trạng này, Đoàn luật sư Hà Nội đã có kế hoạch đào tạo cho hơn 650 thành viên. Năm 2004, Đoàn đã tổ chức 2 lớp đào tạo về hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ký văn bản ghi nhớ với một đoàn luật sư của Pháp về việc giúp nâng cao trình độ, kỹ năng hành nghề cho các thành viên. Ngay từ lúc này, Đoàn chuẩn bị triển khai đưa luật sư sang Pháp học tập. Một dự án của Đan Mạch đã đồng ý tài trợ cho Đoàn luật sư Hà Nội làm điểm tựa để triển khai đào tạo cho luật sư Việt Nam nói chung, nhằm nâng cao kiến thức về luật pháp quốc tế, thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế. Ngoài chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cũng là tồn tại hiện nay của giới luật sư Việt Nam. Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội khẳng định: "Không có ngoại ngữ, không có hy vọng tham gia giải quyết tranh chấp quốc tế". Luật sư trẻ của Đoàn Hà Nội đa số đều có ngoại ngữ song trình độ chưa cao. "Khả năng đọc các tài liệu chuyên môn còn yếu. Trong các giao dịch với đối tác nước ngoài đều phải nhờ phiên dịch", ông Tỵ cho biết.
Một thực tế là luật sư Việt Nam vẫn chưa tạo được uy tín ngay trong thị trường nội địa. Phần lớn doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp quốc tế đều nghĩ ngay tới luật sư nước ngoài, vì cho rằng luật sư trong nước không thể làm nổi. Song nhiều chuyên gia nước ngoài lại thuê chính đồng nghiệp Việt Nam để làm việc này. Lý giải điều này, ông Tỵ cho rằng công tác tuyên truyền, quảng bá của luật sư Việt Nam còn kém. Ông Hoàng Phước Hiệp đánh giá, khả năng thắng của luật sư Việt Nam trong các vụ tranh chấp nhỏ hoặc vừa là tương đối cao. Nhưng trong tranh chấp lớn, nên thuê luật sư nước ngoài, có sự kết hợp chặt chẽ với các luật sư trong nước. Qua sự phối hợp này, trình độ của các luật sư Việt Nam sẽ được nâng lên. Anh Thư