Mll

  • May 2020
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Mll as PDF for free.

More details

  • Words: 8,557
  • Pages: 21
10 TRUYỆN NGẮN CHO NHI ĐỒNG NGUYỄN THỊ BÍCH NGA

1

1. NHỮNG NỐT NHẠC VUI Trong ngôi nhà âm nhạc có bảy anh em sống với nhau rất hòa thuận, đó là Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La và Si. Cuộc sống của chúng trôi qua trong êm đềm và hạnh phúc. Hằng ngày chúng vui vẻ làm phần việc của mình, thí dụ Đô quét nhà xong thì Rê lau nhà. Mi vo gạo nấu cơm còn Fa lặt rau và xắt thịt. Trong khi Sol và La giặt đồ, thì Si dọn vườn tược, xới đất và tưới hoa… Bảy anh em có bảy giọng hát khác nhau. Đô có giọng trầm ấm và sâu lắng. Rê có giọng dịu dàng và thủ thỉ. Mi có giọng êm ái pha chút nỉ non. Fa thì khác, giọng Fa mạnh mẽ đầy tự tin. Còn giọng Sol, tuy mang nhiều uy lực nhưng không giấu được bản chất trẻ thơ của nó. La có giọng thanh tao và lảnh lót. Còn giọng Si nghe ríu rít và cao vút như tiếng chim. Bảy anh em thương yêu nhau, gắn bó nhau, tưởng chừng không gì có thể tách rời chúng được. Mỗi buổi tối, trước giờ đi ngủ, chúng quây quần trong phòng khách, cùng ca hát với nhau. Tùy theo bài hát, tùy theo cung trưởng hay cung thứ mà Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si thay phiên nhau bắt nhịp cho bài. Không bao giờ chúng tranh giành nhau hoặc tị nạnh nhau. Những gia đình khác rất ngưỡng mộ gia đình âm nhạc, và chúng cố gắng bắt chước các điểm tốt của bảy anh em nhà này… * Cuộc thi Việt Nam Ai-đồ vừa kết thúc, ngay sau đó, người ta xúm lại phỏng vấn ca sĩ Én Xanh, hỏi cô bí quyết nào giúp cô đạt được danh hiệu cao nhất của cuộc thi. Ca sĩ Én Xanh trả lời với giọng nói trong trẻo nghe thật tuyệt vời: -Tôi không có bí quyết gì cả, chỉ nhờ nốt Si ở cuối bài hát thôi. Chính nốt Si này đã chắp cánh cho giọng hát của tôi bay vút lên cao như một cánh chim mùa xuân. Tất cả cùng vỗ tay vui mừng trước tin vui này, nhưng Si là đứa tỏ ra vui mừng hơn cả. Nó hét to lên: “Chính tớ là nốt nhạc mang lại chiến thắng cho cô ấy!” Dường như cảm thấy hét to như vậy vẫn chưa đủ, nó chạy tới chỗ Đô đang quét nhà, lay vai Đô và khoe: -Cậu nghe cô ấy nói không? Tớ là đứa mang lại chiến thắng cho cô ấy đấy! Rồi vẫn chưa được hài lòng, nó chạy tới chỗ những đứa khác đang làm việc và lần lượt khoe khoang về vinh dự của nó: -Các cậu nghe rõ chưa? Không có tớ thì dù nằm mơ, cô Én Xanh cũng chẳng mong có được giải thưởng cao nhất! Từ đó, Si tỏ ra khó chịu khi phải hát chung với sáu đứa anh em khác. Nó không muốn Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La át đi giọng hát ríu rít và cao vút như chim của nó. Nó lẳng lặng bỏ ra ngoài vườn đứng hát một mình. Không chỉ hát một mình, giờ nó còn thích ăn một mình nữa. Nó bảo Mi dọn riêng cho nó một mâm cơm, và nó vừa ăn vừa ngân nga cho chính nó nghe. Rồi dần dần, Si tự động tách rời khỏi sáu đứa kia. Nó muốn tận hưởng vị ngọt của chiến thắng mà ca sĩ Én Xanh dành riêng cho nó sau cuộc thi Việt Nam Ai-đồ. Gặp nhạc sĩ nào nó cũng yêu cầu họ viết thật nhiều nốt Si vào bài hát, vì chỉ có nốt Si mới “chắp cánh cho giọng hát ca sĩ bay vút lên cao như một cánh chim mùa xuân”. Một bài hát nếu chỉ có nốt Si không thì nghe chán chết. Muốn có giai điệu hay và nhiều sắc thái, một bài hát phải có đủ bảy nốt nhạc trong đó. Các nhạc sĩ giải thích cho Si biết như vậy. Nhưng Si không “tâm phục khẩu phục”. Cuối cùng, để chìu ý nó, nhạc sĩ Ygờ-rét sáng tác bản nhạc chỉ có nốt Si và đưa ca sĩ Én Xanh biểu diễn cho nó nghe… -Si… Si… Si… Si… Si… Si… Si… Si… Si… Ôi? Gì thế này? Tất cả mọi người đều bịt tai lại, nhăn nhó. * 2

Giờ thì Si đã hiểu. Một mình nốt Si không thể tạo nên giai điệu du dương cho bài hát, mà phải có thêm sáu nốt kia là Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La thì bài hát mới hay được. Nó thẹn thùng bước đến chỗ sáu đứa anh em của nó, chìa tay ra với thái độ xin được tha thứ. Cả bảy đứa nắm chặt tay nhau, nhe răng cười với nhau rồi cùng cất tiếng hát vang: -Đô là khỏe khoắn ♫ Rê là kéo chuột Mi là hôn gió ♪ Fa là trộn chung Sol có màu đỏ ♫ La nhẹ nhàng thôi Si là ưa thích ♪ Bài hát thật vui… ♫ Từ đó, không gì có thể chia cách bảy anh em chúng trong ngôi nhà âm nhạc. Chúng gắn bó và yêu thương nhau thậm chí còn nhiều hơn trước, vì chúng biết rằng, phải có đủ bảy nốt nhạc Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si thì một bài hát mới được gọi là êm ái và du dương…

3

2. TỜ HAI NGÀN BỊ RÁCH Một hôm, mẹ lục bóp đếm tiền thì thấy tờ giấy hai ngàn đồng bị rách. Không phải rách mất góc đâu, mà chỉ là rách một đường ở ngay giữa tờ giấy thôi. Nếu khéo tay, mẹ có thể dùng miếng băng keo trong dán lại và mang nó ra chợ mua kẹo thoải mái. Nhưng lúc đó vì đang vội nên mẹ kéo dài ngăn bàn và quăng nó vào một hốc tối tăm nào đó. Rồi mẹ quên nó luôn. * Bẵng đi một thời gian… Một buổi chiều nọ, mẹ có việc phải ra ngoài nên nhờ Hoa ở nhà giữ em bé. Bé Bụi mới hơn một tuổi, đang lúc tập đi chập chững nên nó hiếu động lắm. Nó cứ đi lăng quăng từ phòng nọ sang phòng kia, miệng nói bi bô không ngớt. Thỉnh thoảng nó trẹo chân té ịch xuống sàn, thế là nhè ra khóc… Hoa đang ngồi “tám” với Thủy trong phòng khách. Hai đứa vừa nói chuyện vừa nhai ổi rau ráu. Mùa này ổi dòn và ngọt lắm. Ruột ổi trắng hồng, mà hầu như không có hột. Chấm miếng ổi vào muối ớt, sau đó cứ nhai miếng nào là biết miếng đó. Thủy chép miệng: -Còn tiền không Hoa? Ra ngoài mua thêm ổi đi. Hoa ngập ngừng: -Còn ba ngàn, nhưng là tiền mua cháo sườn cho em Bụi ăn nếu chiều nay mẹ Hoa về trễ. -Ừ, vậy thôi. Hoa và Thủy tiếp tục “tám” thêm mười lăm phút nữa thì bé Bụi chập chững bước tới gần và té ngồi xuống sàn. Bụi òa lên khóc. Hoa vội vàng cầm lấy miếng ổi cuối cùng trong tô, nhét vào tay Bụi: -Đây. Đây. Nín đi cưng. Cưng ngoan nha. Bé Bụi nín khóc ngay. Nó cầm miếng ổi nhỏ đưa vào miệng mút chùn chụt, một lát sau, nước miếng bắt đầu chảy xuống nhễu nhão, ướt cả cái cằm mủm mỉm của nó. Thủy nhe răng cười với bé Bụi rồi quay sang Hoa: -Thấy chưa? Em Bụi thích ăn ổi kìa. Lấy ba ngàn đó đi mua ổi đi. -Nhưng mà… -Nhưng gì nữa. Ba ngàn nửa ký ổi. Tha hồ em Bụi ăn. -Nhưng đây là tiền mua cháo sườn. Nếu mẹ Hoa về trễ, em Bụi sẽ đói bụng đấy. Nó chỉ thích ăn cháo sườn thôi. -Hoa cứ tưởng vậy… Nếu Hoa không mua thêm ổi thì Thủy về đây. Hết ổi rồi thì Thủy cũng chẳng còn gì để nói… Hoa vội vàng đứng lên: -Không. Thủy đừng về. Ngồi đây chơi đi. Hoa đi mua ổi cho. Hoa lật đật cầm ba ngàn chạy ra khỏi cửa. Một lát sau, Hoa trở vào với bịch ny-lông trong đó có ba trái ổi xanh mởn và tròn xinh. Hoa lăng xăng cắt mỗi trái ổi ra làm bốn miếng đều nhau. Mắt Thủy nhìn chằm chằm vào bàn tay Hoa, và không đợi Hoa cắt xong đã cầm lên một miếng, cho vào miệng cắn nhai rau ráu… Bé Bụi hai tay cầm hai miếng ổi, đi thơ thẩn quanh phòng khách, vừa đi vừa nói “mama… mama…” một mình. Rồi ổi cũng hết. Rồi chuyện cũng nhạt. Cuối cùng Hoa cũng chẳng giữ được Thủy ở lại thêm. * Hơn năm giờ chiều rồi mà mẹ vẫn chưa về. Bé Bụi bắt đầu đói bụng, bé nắm chặt ống quần Hoa, lè nhè khóc. Hoa bồng bé lên, ráng dỗ dành nhưng hình như Hoa càng 4

dỗ thì bé càng khóc to hơn. Bé cứ “mama… mama…” nên Hoa biết bé đòi ăn. Nghe bé Bụi khóc dai, Hoa đâm ra bực bèn hét lên: -Nín đi! Một lát nữa mẹ về, mày tha hồ ăn! Hét xong, thấy thương bé quá nên Hoa ẳm bé ra ngoài cửa đón mẹ. Lúc này là giờ tan sở nên con hẻm nhỏ rộn rịp người qua kẻ lại. Một con chó hàng xóm rón rén tới gần Hoa, ngửi chân Hoa rồi chạy đi. Bé Bụi chìa tay về phía con chó, miệng nói “chậc… chậc” nghe thấy thương lắm. Chị bán cháo sườn đạp xe đạp ngang, giọng rao mềm mại “Cháo sườn!” Hoa buột miệng gọi chị ấy: -Chị cháo sườn! Chị bán cháo dừng xe đạp lại, hỏi to: -Mua mấy ngàn, em? Không nghĩ ngợi, Hoa nói nhanh: -Chị đợi em một chút, em vào lấy tô. Hoa ẳm bé Bụi vào trong nhà, thả bé ngồi trên sàn rồi bắt đầu lục tung các ngăn cặp. Không có tiền. Hoa tấn công sang các ngăn tủ. Không có tiền. Hoa chuyển sang lục lọi trong các ngăn bàn. Không có tiền. Hoa tuyệt vọng định đóng sầm ngăn bàn cuối cùng thì chợt nhìn thấy nó. Tờ giấy hai ngàn đồng bị rách một đường ở giữa! Hoa mừng rỡ lôi nó ra ngoài, vuốt nó thật phẳng rồi chạy đi lấy tô… * Khi mẹ về thì bé Bụi đang nằm xem TV với Hoa. Mẹ âu yếm hỏi: -Con mua cháo sườn cho bé Bụi ăn rồi à? -Dạ rồi. -Ừ. Con gái mẹ giỏi lắm… Hoa quay sang nhìn bé Bụi, mỉm cười. Rồi Hoa thầm cảm ơn tờ giấy hai ngàn đồng rách đôi bị bỏ quên trong ngăn tủ…

5

3. CHÉN, ĐŨA VÀ MUỖNG Trong bếp, chỉ có đũa được xem là bạn thân của chén. Lúc nào chén và đũa cũng cặp kè bên nhau. Hễ mâm cơm được Hoa dọn ra bàn là đũa luôn có mặt ngay bên cạnh chén. Ăn món gì cũng cần có đũa hết. Gắp mớ rau muống xào, gắp miếng thịt heo luộc, gắp một con tôm rang… đều cần có đũa. À, còn nữa, không có đũa thì làm sao Hoa và cơm vào trong miệng được? Sau bữa ăn, Hoa bưng mâm chén đũa dơ xuống sàn nước và rửa tất cả thật sạch sẽ. Chén được úp trong rổ cho ráo nước. Đũa được thả vào ống nhựa cho khô khan. Đến bữa ăn sau, Hoa chỉ cần lấy khăn lau sơ qua là được… Một hôm, đôi đũa của Hoa giận hờn nhau. Lý do để hai đứa giận nhau rất nhỏ, nhưng trong suốt bữa ăn, đôi đũa mang hai cái mặt nặng nề như hai cái thớt khiến đôi lúc Hoa không thể gắp miếng cá chim sốt cà lên được. Thấy Hoa cứ làm rớt thức ăn xuống dĩa mãi, mẹ la Hoa vài câu. Bị la oan nhưng Hoa không dám cãi lại, Hoa chỉ tự hỏi không biết hôm nay bàn tay mình bị sao vậy… Chén chậm rãi khuyên can đôi đũa: -Anh em một nhà, có giận hờn gì thì chín bỏ làm mười. Đũa một bĩu môi: -Ai thèm “anh em” với nó. Đũa hai xì lên một tiếng: -Nó có gọi mình là “anh”, mình cũng hổng nhận. Chén biết chiến tranh lạnh đã xảy ra nhưng im lặng không nói gì. Đũa một ngoảnh mặt nhìn hướng tây, đũa hai ngoẹo mặt nhìn hướng đông, làm Hoa suýt đánh rớt một chiếc xuống bàn. Sợ bị mẹ la lần nữa, Hoa dẹp luôn đôi đũa và lấy muỗng xúc cơm ăn. * Thường, muỗng chỉ được dùng để ăn cháo sườn hay để múc nước mắm, nay được Hoa dùng để xúc cơm ăn, nó rất ngạc nhiên. Rồi thấy đôi đũa ngoảnh mặt đi hai nơi, muỗng hiểu ngay. Buổi tối, khi căn bếp nhỏ chìm vào bóng đêm, muỗng lén trèo sang ống nhựa đựng đũa để “tám” với chúng. Cả bọn tíu tít nói chuyện với nhau, cười giỡn um trời, chỉ có đôi đũa (đang giận hờn) của Hoa là giữ nguyên hai khuôn mặt ủ dột. Muỗng nhẹ nhàng hỏi đũa một: -Tối nay mẹ có món cá chim sốt cà ngon quá. Bạn ăn no không? Đũa một lầm bầm trong miệng: -No đâu mà no? Có ăn đâu mà no… Đũa hai thở dài sườn sượt: -Mấy lần gắp miếng cá lên lại để nó rớt xuống, thế là Hoa dẹp luôn đôi đũa. Đêm nay tui đành bụng đói đi ngủ rồi. -Nhưng sao vậy? Tay Hoa bị đau à? -Không phải, tại nó đó… Đũa một đổ tội cho đũa hai. Đũa hai dẫu môi ra: -Ứ, tại nó đó… Muỗng vẫn nhẹ nhàng hỏi han: -Chuyện như thế nào? Hai bạn kể cho tui nghe được không? Đũa một kêu lên, giọng đầy bức xúc: -Lỗi của nó. Nhưng mà… nó đã làm gì thì… tui quên rồi! Giọng đũa hai đay nghiến không kém: -Chính nó gây chuyện trước. Nhưng nó đã làm gì cho tui giận thì… tui cũng quên rồi! 6

nói:

Muỗng bật cười hihi, quàng tay ôm lấy đôi đũa, kéo chúng lại gần nhau rồi

-Thấy chưa? “Chuyện nhỏ như con thỏ”, nhỏ đến mức chẳng ai nhớ ra nó là chuyện gì nữa. Tức là chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Vậy là hai bạn tự nhiên giận nhau mà chẳng có lý do gì hết. Đũa một quay sang nhìn đũa hai, ngơ ngác: -Ủa, vậy hả? Tự nhiên hai đứa mình giận nhau hả? Đũa hai cắn môi: -Ừ, hình như vậy đó. Đũa một nắm tay đũa hai, hồn nhiên: -Thôi tụi mình đừng giận nhau nữa nha, giận nhau chi cho đói… Đũa hai nhoẻn miệng cười: -Ừ, ngu ghê heng. Giận nhau chi cho đói hè… Nhờ có muỗng giải thích mà đôi đũa hết giận nhau. Nghe tin vui này, chén gật gù khen muỗng có tài làm ngoại giao khiến muỗng nở phồng cả hai lỗ mũi… Thì, được khen ai mà không sướng tít mắt lên nhỉ…?

7

4. BÔNG CÚC VÀ SÂU BI Một ngày cuối năm, mẹ mua về hai chậu bông cúc đang nở bung những cánh hoa màu vàng rực rỡ. Mẹ đặt chúng ở hai bên cửa ra vào để trang trí mặt tiền ngôi nhà thêm duyên dáng. Có màu vàng của bông cúc, phòng khách của nhà Hoa sáng sủa và tưng bừng hẳn lên… Hoa thích chơi đùa với bông cúc lắm. Mỗi khi chơi trò “nấu cơm”, nó rứt cánh bông cúc làm thức ăn. Mỗi khi chơi trò bán đồ hàng, nó rứt cánh bông cúc làm quần áo, làm giày dép, làm sách vở. Có lần bắt gặp Hoa xả cánh bông cúc lung tung, mẹ la nó: -Con đừng rứt bông chứ, để bông cho đẹp phòng khách nhà mình. Hoa “dạ, dạ”, nhưng rồi thỉnh thoảng nó cũng len lén cãi lời mẹ, xả rác đầy hiên mỗi khi Thủy đến nhà chơi. Trong lúc chơi, Thủy cứ đòi hái cả bông chứ không chịu rứt từng cánh bông một, và sau khi Thủy ra về, hai chậu hoa trở nên tiều tụy xơ xác, nhìn thương tâm lắm… * Một buổi chiều, Hoa đang lụi cụi quét hiên thì đột nhiên hai chậu bông cúc rung động mạnh, tưởng như có gió to bão lớn. Hoa kinh hoàng, dừng chổi đứng nhìn thì thấy ở mỗi chậu bò xuống đất một con sâu bi đen thui. Càng bò, sâu bi càng lớn dần. Cuối cùng, trước mặt Hoa là hai con sâu bi khổng lồ có kích thước to bằng hai cái mũ bảo hiểm! Sâu bi là loài thích ăn lá bông cúc non nên thường đeo bám ở mỗi cuống lá. Bình thường sâu bi nhỏ xíu, chỉ bằng cái mũ đinh nhìn có vẻ dễ thương, nhưng chẳng hiểu sao hôm nay xấu xí một cách kinh khủng! Hai con mắt tròn như hai hột mít trắng lóa ở trên đầu, đầy vẻ đe dọa. Chung quanh miệng nhô lên vài cái sừng nhọn, luôn ngọ nguậy. Hàm răng lởm chởm của nó nhe ra, gầm gừ như sắp cắn Hoa. Hoa hoảng hốt, bước lùi ra sau. Con sâu bi nhỏ lên tiếng: -Tại sao Hoa cứ thích rứt cánh bông cúc rồi quăng bừa bãi vậy? Hoa ú ớ. Nó không ngờ sâu bi có thể biết nói tiếng người. Nó đang nằm mơ chăng? Hay vẫn đang thức tỉnh? Con sâu bi lớn nhìn Hoa, lắc đầu: -Hoa không ngoan, không nghe lời mẹ. Mẹ đã dặn đừng rứt bông cúc để cho phòng khách được đẹp, nhưng Hoa vẫn cãi lời mẹ. Con sâu bi nhỏ tiếp lời: -Khi Hoa rứt cánh bông, chúng rất đau đớn. Chúng kêu thét lên và khóc ròng. Hoa có biết điều đó không? Con sâu bi lớn thở dài: -Mình ăn lá bông cúc vì đây là quy luật của thiên nhiên. Nhưng mình chỉ ăn lá khi cần thiết, khi đói bụng. Chứ mình không dám chạm vào bông. Vì bông cúc mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống. Con sâu bi nhỏ hỏi lại: -Tại sao Hoa cứ thích rứt cánh bông cúc vậy? Hoa nhìn con sâu bi nhỏ rồi nhìn con sâu bi lớn, rồi lắp bắp: -Tại… tại bông cúc đẹp… Con sâu bi lớn nghiêm nghị: -Nếu Hoa rứt hết bông cúc thì còn gì là đẹp nữa? Hai con sâu bi không thèm nói chuyện với Hoa nữa, chúng quay ngoắt đi, thân mình từ từ nhỏ lại và cuối cùng chúng chỉ còn bằng cái mũ đinh, bò lên thân cây, biến mất vào trong đám lá quăn queo và xơ xác. * 8

Đêm hôm đó, Hoa nằm mơ thấy bản thân nó là một bông cúc vàng đang nở bung, xòe ra hàng trăm cánh bông nhỏ nhắn và xinh xắn. Nó đang tủm tỉm với làn gió nhẹ vừa thoảng qua thì nghe tiếng chân bước đến gần. Ngước mắt nhìn lên, nó hốt hoảng nhận ra khuôn mặt có nụ cười ang ác của Thủy. Mọi bông hoa đều biết danh tiếng Thủy là thích rứt trụi hết những cánh bông để tung lên trời chơi. Không bông hoa nào thoát được một khi Thủy đã chìa tay ra. Thủy túm lấy bông cúc vàng (là Hoa) rồi nói: -Để mình bói xem lát nữa mẹ có mua đồ chơi cho mình không? Thủy rứt một cánh bông nói “mua”, rứt một cánh bông khác nói “không mua”, rồi lại “mua”, rồi lại “không mua”, và cứ thế cho đến khi bông cúc vàng (là Hoa) trụi lơ trụi lóc Thủy mới thôi… Đến lúc này Hoa mới thấm thía cái đau sau những lần cánh bông bị rứt ra khỏi cuống. Đau lắm và sợ lắm. Giống như Hoa bị ai đó bứt đi từng lọn tóc, từng lọn tóc. Hoa ôm đầu, òa khóc, và… tỉnh giấc… * Kể từ sau giấc mơ kinh khủng đó, Hoa không còn dám rứt những cánh bông cúc để chơi bán đồ hàng nữa. Nó nâng niu chăm sóc hai chậu bông không cần phải đợi mẹ nhắc nhở. Thỉnh thoảng nó lại múc nước tưới lên những chiếc lá xanh xanh, vừa tưới vừa thủ thỉ một mình: “Sâu bi ơi, bò ra đây uống nước nè! Còn khát nước không sâu bi?”

9

5. CHÓ CÚN VÀ MÈO MIU Cún là… chó, và Miu là… mèo. Người ta nói chó và mèo không bao giờ ưa nhau. Mỗi lần đụng mặt nhau, chó thường nhe răng và kêu grừ grừ, còn mèo thì dựng lông và kêu rít rít. Sau đó chó bắt đầu rượt mèo chạy khắp làng, khắp xóm, khiến bà con bực mình ném đá theo. Nhưng đó là chó khác, và mèo khác. Còn chó Cún và mèo Miu sống hòa thuận với nhau, nhường nhịn nhau, thậm chí có thể chia sẻ phần ăn cho nhau nữa… * Là phận chó, ban đêm Cún phải ngủ ngoài hiên để canh chừng kẻ trộm. Vào mùa hè, ngủ ngoài hiên rất dễ chịu vì gió thổi mát mẻ, lại được nghe giun dế trong mấy bụi cỏ ca hát như ru ngủ. Nhưng vào mùa đông, ngủ ngoài hiên giống như một sự trừng phạt vậy. Gió thổi tứ bề, chui ở đâu cũng thấy lạnh. Nhiều đêm chó Cún nằm co quắp trước cửa, mình run lập cập, nước mắt nước mũi ràn rụa, nhìn rất thương. Mèo Miu được ngủ trong nhà, nằm ở đâu cũng thấy ấm áp. Nhưng mỗi khi nghe tiếng chó Cún rên rỉ nho nhỏ từ ngoài vọng vào, mèo Miu cảm thấy xốn xang trong bụng, không tài nào ngủ được. Mèo Miu nhổm dậy, rón rén đi tới khung cửa sổ bên hông nhà. Khung cửa sổ này nhìn ra một bức từng nên rất khuất gió, thường hai cánh chỉ được khép hờ. Nó nhảy phóc lên, chui luồn qua ô lưới hình vuông rồi nhảy phóc xuống. Một giây sau, nó có mặt bên cạnh chó Cún, ân cần hỏi han: -Cậu lạnh lắm hả? -Ừ. Lạnh lắm. Mà cậu đi đâu vậy? -Đi ra đây gặp cậu. -Sao không ngủ đi? Ra đây làm gì? -Thấy cậu lạnh, mình ngủ không được. Chó Cún im lặng. Nó cảm động lắm, nhưng không nói gì, chỉ nhích người nhường cho mèo Miu len vào bên trong rồi hai đứa nằm ép sát vào nhau, sưởi ấm cho nhau. Được ấm áp, hai đứa cảm thấy dễ chịu hẳn, một thoáng sau cả hai cùng nhắm tít mắt, ngủ đi lúc nào không biết. * Là phận mèo, bổn phận của Miu phải tóm lấy những con chuột nhắt thường xuyên vọc nồi vọc niêu trong bếp. Lũ chuột tinh quái lắm. Chúng biết sức vóc chúng không chống cự lại mèo Miu nên chúng mời chuột cống đến, vừa để hỗ trợ chúng, vừa để uy hiếp tinh thần mèo Miu. Lần đầu tiên chạm trán chuột cống, mèo Miu hết vía, nó xanh mặt kêu ngoeo lên một tiếng rồi phóng ra ngoài hiên đứng run lập cập. Chó Cún ngạc nhiên hỏi: -Gì vậy cậu? Nhìn cậu giống như vừa gặp… ma xong. -Không phải vừa gặp ma, mà là vừa gặp chuột cống! Chó Cún kêu lên: -Sao? Chuột cống hả? Hắm dám xuất hiện ở đây hả? Sao cậu không tấn công hắn đi? Mèo Miu vẫn còn run rẩy: -Mình sợ lắm. Hắn to mập như cái bắp chuối. Hắn nhe răng định cắn mình làm mình sợ lắm. Không như mèo Miu nghĩ, chó Cún chẳng hề cười chế nhạo nó chút nào mà chỉ nổi giận lên: 10

-Được rồi, để mình lo cho. Cậu đi vào trong bếp với mình đi. Ở trong bếp, chuột cống và đám chuột nhắt đang tung hoành ngang dọc coi như chốn không người. Chúng trèo vào thùng rác, lôi đầu tôm xương cá ra ngoài, vừa nhai nuốt vừa nhảy nhót, tưởng chừng quanh đây đang có lễ hội gì đấy. Đúng là một lũ ngang tàng! Nhìn thấy chó Cún, chuột cống đứng khoanh tay cười híp mắt: -Hahaha! Tưởng gì! Chỉ là một oắt con chó! Mèo già, mèo mướp thì ta còn sợ chứ oắt con chó đâu có làm gì được ta! Không đợi chuột cống nói hết câu, chó Cún giận dữ phóng vút tới như một tia sét, và chỉ trong tích tắc, cổ họng của chuột cống nằm gọn giữa hai hàm răng nhọn hoắc của nó. Chuột cống đau đớn, kêu chút chít van xin chó Cún tha mạng, nhưng chó Cún biết bổn phận của mèo Miu là phải diệt trừ hết lũ chuột đang phá phách trong nhà, thế là hai hàm răng nhọn hoắc của chó Cún phập mạnh xuống… * Tối hôm đó và trở về sau, căn bếp hoàn toàn yên ắng, không một tên chuột nhắt nào dám héo lánh để quậy phá nữa. Mèo Miu thong thả đi ra đi vào, thỉnh thoảng chia đôi phần xương cá của nó cho chó Cún. Chó Cún không khách sáo, đón nhận nửa phần xương cá và nhai rau ráu. Mỗi ngày, chó Cún và mèo Miu mỗi thân nhau hơn, cho dù Cún là… chó, và Miu là… mèo.

11

6. HAI BÍNH TÓC, BỐN BÍNH TÓC Hoa có mái tóc dài ngang vai rất đẹp nên mỗi ngày mẹ gội đầu cho Hoa, rồi chải thật mượt, rồi thắt hai bính, rồi cột hai nơ màu hồng khiến Hoa giống hệt một nàng công chúa nhỏ. Mỗi khi Hoa ẵm búp bê trên tay, búp bê mở to đôi mắt nhìn mái tóc Hoa và nói bằng giọng ghen tị: -Tóc cậu đẹp quá. Mình chỉ thích có màu tóc đen như tóc cậu. Hoa chơm chớp mắt, trả lời: -Tóc cậu cũng đẹp vậy. Mình thích màu tóc vàng óng của cậu hơn. Không riêng gì búp bê, chó Cún và mèo Múp cũng thường đứng ngơ ngẩn trên hiên, hả miệng, thè lưỡi, ngắm hai bính tóc của Hoa. Ngay cả những bụi mười giờ đỏ thắm nằm dọc bức tường cũng cất tiếng hát ca tụng những sợi tóc đen nhánh và bóng mượt của Hoa. Hoa thích lắm, mỗi ngày trước khi đi học, nó cứ đứng trước gương, lúc lắc hai cái bính tóc dễ thương và mỉm cười với chính nó ở trong gương. Thế rồi mẹ có em bé. Từ ngày mẹ có em bé, mọi chuyện không còn như xưa nữa. Suốt ngày mẹ nằm trong giường với em bé, cửa đóng, màn buông, không gian im lặng như tờ, thỉnh thoảng có tiếng em bé ọ ẹ… oa oa…, thỉnh thoảng có tiếng mẹ suỵt suỵt nựng nịu. Mỗi lần Hoa đến gần định chơi với em bé thì mẹ lại phẩy tay, xua xua Hoa ra ngoài, nói thì thào: -Đừng làm ồn. Để cho em bé ngủ. Hoa tiu nghỉu đi ra. Nó buồn lắm. Nó chỉ muốn vào gặp mẹ, nhờ mẹ thắt bính cho nó, vì cả tuần lễ nay mái tóc của nó cứ bù xù như tổ quạ ấy. Không chỉ thế, mấy ngày qua Hoa cũng chẳng được ai gội đầu cho nên màu tóc càng lúc càng xỉn dần vì dơ. Chó Cún lẽo đẽo đi theo sau Hoa, hỏi: -Gì buồn vậy cậu? Mẹ la cậu hả? Hoa nhẹ lắc đầu: -Hông. Mẹ hết muốn chơi với Hoa rồi. Bây giờ mẹ chỉ thích chơi với em bé thôi. -Ừ. Nhìn tóc cậu là mình biết ngay. Hôm nay tóc cậu xấu quá. Hoa trừng mắt nhìn chó Cún. Nó thè lưỡi làm như sợ hãi lắm rồi cong đuôi chạy mất tiêu. Ngay sau đó mèo Múp thủng thỉnh đi tới. Nó lấy chân quào quào chiếc dép Hoa, cất giọng ngoeo ngoeo hỏi: -Gì buồn vậy cậu? Mẹ la cậu hả? Hoa nhẹ lắc đầu: -Hông. Mẹ hết muốn chơi với Hoa rồi. Bây giờ mẹ chỉ thích chơi với em bé thôi. -Ừ. Nhìn tóc cậu là mình biết ngay. Hôm nay tóc cậu xấu quá. Hoa trừng mắt nhìn mèo Múp. Nó ngao ngao mấy tiếng làm như sợ hãi lắm rồi cong đuôi chạy mất tiêu. Thấy chưa! Hôm nay tóc Hoa dơ và xấu đến mức cả chó lẫn mèo đều bĩu môi chê bai! Hoa đứng trước gương, mân mê mớ tóc bù xù của nó, tủi thân nghĩ ngợi vẩn vơ rồi òa khóc. * Thường, trong truyện cổ tích, mỗi khi ai đó khóc huhu thì ông Bụt lại hiện ra và hỏi: “Tại sao con khóc?” Hôm nay cũng vậy. Khi Hoa đang òa khóc thì có tiếng nói ấm áp vang lên bên tai: -Tại sao con khóc? Hoa thút thít trả lời: -Mẹ không gội đầu cho con nữa. Mẹ không chải tóc và thắt bính cho con nữa. 12

Ông Bụt dịu dàng nói: -Ừ. Mẹ có em bé nên bận lắm. Để ta gội đầu cho con nhé? -Dạ. Ông Bụt dẫn Hoa vào nhà sau. Ông mở vòi nước, dội nước lên tóc Hoa, trút dầu gội đầu vào và chà xát tóc Hoa thật kỹ. Xong, ông xả sạch xà-bông và lau đầu Hoa thật khô. Ông cầm cây lược nhẹ nhàng chải từng lọn tóc một. Ông còn hỏi Hoa: -Con muốn ta thắt bính cho con không? -Dạ muốn. -Ừ. Ông Bụt chẻ tóc Hoa ra làm bốn phần. Ở mỗi phần, ông lại chia tóc ra thành ba lọn nhỏ, rồi ông thắt bính. Bàn tay ông to bự, sần sùi và thô ráp, nhưng mỗi cử chỉ của ông đều dịu dàng, đầy ắp yêu thương. Chỉ một lát sau, Hoa xuất hiện nơi hiên trước với một kiểu tóc hoàn toàn mới: đầu nó có bốn bính tóc với bốn cái nơ mang bốn màu sắc khác nhau. Chó Cún trố mắt, thè lưỡi ra nhìn Hoa. Mèo Múp ngoeo ngoeo rồi đi quanh quẩn bên chiếc dép của Hoa. Bụi bông mười giờ đỏ rực đồng thanh hát lời ca ngợi. Mọi người đều hỏi Hoa: “Ai thắt bính cho Hoa mà đẹp vậy?” Hoa phồng mũi, trả lời bằng giọng tự hào: -Ba Hoa đấy. Hôm nay ba gội đầu và thắt bính cho Hoa đấy!

13

7. HÀM RĂNG GIẢ Mỗi tối, trước khi đi ngủ, ông tháo hàm răng giả ra cho vào một ca nước muối để ngâm. Sáng ra, sau khi tập thể dục và rửa mặt xong, ông lắp hàm răng giả vào miệng và ăn sáng thoải mái. Hàm răng giả của ông có cả thảy mười cái, gồm bốn răng cửa, ba răng hàm bên trái và ba răng hàm bên phải. Nhìn chung, chúng có vẻ hòa thuận và ăn ý nhau, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy chúng ngầm chia phe và chống đối nhau. Bốn răng cửa một phe, và sáu răng hàm một phe. * Răng cửa cho rằng chúng là hàng tiền đạo, làm cho khuôn mặt của ông thêm duyên dáng và lịch sự. Nhờ có chúng mà ông tự tin hơn mỗi khi ra ngoài, mỗi khi nói năng với mọi người chung quanh. Răng hàm cho rằng chúng là cối xay thức ăn, làm cho cơm-cá-trứng-thịt… được tiêu hóa dễ dàng. Nhờ có chúng là sức khỏe ông nội được ổn định, thân thể ông được nạp năng lượng đầy đủ để ông có thể đi dạo trong công viên, gặp gỡ và trò chuyện với hàng xóm. Răng cửa tự phong chúng thuộc giai cấp quý-xờ-tộc vì dáng dấp thanh tao, bề mặt trơn nhẵn và đều đặn. Răng hàm tự phong chúng là các hiệp sĩ luôn xông pha trận mạc, bất cứ lúc nào thức ăn được tống vào miệng thì chúng nhai không nghỉ, làm việc không ngừng, nghiền nát thức ăn liên tục. * Ngày nào mười cái răng cũng gây gỗ nhau. Không chỉ tranh cãi bằng miệng, chúng còn lấy cùi chỏ huých nhau và dùng nắm đấm thụi nhau. Chiến tranh nóng với nhau một thời gian, hai phe bắt đầu chiến tranh lạnh, rồi chuyển sang đình công. Răng cửa bắt đầu lung lay. Răng hàm bắt đầu xệu xạo. Dần dần nụ cười duyên dáng của ông mất tự nhiên và ông không còn ăn uống ngon miệng nữa. Bực mình, ông gỡ hàm răng giả ra khỏi miệng và đi đến nha sĩ để kiểm tra. Cô nha sĩ hỏi ông: -Ông đeo hàm răng giả này được bao lâu rồi? Ông trả lời: -Hơn mười năm rồi. Cô nha sĩ mỉm cười, giải thích: -Thường, sau năm năm là ông phải thay hàm răng giả khác. Để lâu quá hàm răng giả sẽ bớt thẩm mỹ và mất đi nhiều tác dụng. Ông tỏ vẻ quan tâm: -Nếu tôi muốn thay hàm răng giả khác thì phải mất khoảng bao nhiêu tiền? -Dạ, mời ông nằm xuống đây để tôi kiểm tra thử xem... * Năm ngày sau, hàm răng giả bị quăng vào một xó xỉnh trong ngăn tủ. Nơi đây im lìm và tối tăm. Không ánh sáng. Không tiếng động. Không bóng người. Hàm răng giả hoảng hốt, không tin vào sự thật quá phũ phàng: chúng đã cũ kỹ, và không còn được ông tin yêu sử dụng nữa… Từ nay không còn nụ cười duyên dáng nào để bốn chiếc răng cửa có dịp phô bày hàng tiền đạo của chúng. 14

nghiền nát.

Từ nay không còn chút thức ăn nào để sáu chiếc răng hàm xay nhỏ và

Từ nay không còn những lúc hăng hái tranh luận xem răng cửa quan trọng hơn, hay răng ràm quan trọng hơn. Bởi chúng đã hiểu ra một điều còn quan trọng hơn hết thảy: chúng chẳng là gì cả, chúng chỉ là một hàm răng giả thôi.

15

8. CÂY SON CỦA MẸ Mẹ của Hoa là nhân viên công ty nước ngoài nên trước giờ đi làm mẹ thường dành ra ít phút để trang điểm nhẹ nhàng. Mẹ giải thích rằng mẹ luôn cảm thấy tự tin hơn sau khi trang điểm. Bộ trang điểm của mẹ không nhiều, chỉ một hộp kem dưỡng da, một hộp phấn trang điểm, một hộp má hồng và một cây son. Trong bộ trang điểm đó, Hoa chỉ thích mỗi cây son thôi. Đó là cây son của nước ngoài, màu cam bóng rất đẹp. Khi mẹ kéo nắp đậy ra, vặn nhẹ tay, ống son trồi lên, như một nụ hoa uất kim hương lấp lánh ánh nắng. Mẹ chành môi trên, quét nhẹ một lớp son. Mẹ trề môi dưới, quét nhẹ một lớp son. Rồi hai môi bậm lại. Sau đó mẹ cười một mình trong gương. Màu son tươi khiến khuôn mặt mẹ trở nên đẹp rạng ngời mà không chói lóa. Mẹ không cho Hoa đụng vào hộp trang điểm vì đây là những thứ dễ hư, dễ gãy. Mỗi lần xài xong, mẹ cất hộp trang điểm vào ngăn tủ và khóa lại. Chìa khóa ngăn tủ mẹ quăng vào trong bóp và cầm bóp đi làm. Nhưng hôm nay, sau khi nhận một cú điện thoại từ văn phòng gọi tới, mẹ vội vã trang điểm và vội vã rời khỏi nhà mà quên cất cất hộp trang điểm vào trong ngăn tủ. Hoa chỉ chờ mẹ đi khuất là chạy tới vồ lấy cái hộp hình chữ nhật, bằng đồi mồi, được chạm khắc rất nhiều loại cây lá rất đẹp. Hoa căng thẳng mở nắp hộp ra. Cây son màu cam đây rồi. Bàn tay Hoa run lên khi chạm vào nó. Hoa định kéo nắp đậy lên thì một tiếng nói lảnh lót từ đâu vọng tới: -Đừng. Mẹ cấm Hoa đụng vào nó mà. Hoa ngẩng lên nhìn. Một thiên thần có đôi cánh nhỏ đang bay lơ lửng trong góc phòng, trên đầu thiên thần là vòng hào quang tỏa sáng. Thiên thần nhìn Hoa, lắc đầu, giọng khuyên nhủ: -Phải nghe lời mẹ dặn. Đó là cây son của mẹ, không phải đồ chơi. Hoa ngần ngừ nhìn xuống cây son. Nếu mẹ biết Hoa phá cây son, chắc mẹ sẽ giận và sẽ la Hoa dữ lắm. Chợt, một giọng nói khác từ phía đối diện vọng tới: -Có gì đâu phải sợ, hả Hoa? Chỉ mở nắp ra xem một tí thôi mà. Màu son rất đẹp. Hoa rất muốn ngắm màu son, đúng không Hoa? Hoa giật mình quay đầu nhìn. Một thiên thần khác với đôi cánh nhỏ đang bay lơ lửng trong góc phòng bên kia, nhưng trên đầu thiên thần này có hai chiếc sừng cong cong thật ngộ nghĩnh. Thiên thần có sừng nói tiếp: -Làm sao mẹ biết được? Hoa chỉ vặn ống son lên và ngắm nghía thôi. Phải tranh thủ chứ Hoa. Kẻo trưa mẹ về và mẹ cất nó vào trong ngăn tủ mất! Thiên thần có vòng hào quang can ngăn: -Hoa đừng nghe lời hắn. Hắn đang xúi Hoa làm những điều sai trái đấy. Cất cây son vào trong hộp đi Hoa. Thiên thần có sừng bĩu môi: -Chẳng có gì sai trái cả. Thích ăn thì ăn. Thích uống thì uống. Thích xem thì xem. Chẳng có gì sai trái cả. Hoa cứ làm theo ý Hoa thích đi. Thiên thần có vòng hào quang buồn bã bay đi. Hoa liếc mắt nhìn thiên thần có sừng. Hắn nhún vai không nói gì. Rồi hắn ra hiệu cho Hoa cứ tự nhiên vặn ống son lên cao để ngắm cho đã. Hoa gật đầu. Nó run run vặn ống son. Đóa hoa uất kim hương màu cam trồi lên. Trồi lên. Trồi lên. Ôi màu son đẹp quá. Giá mà Hoa có thể bắt chước mẹ quét son lên môi Hoa. Ừ, sao Hoa không thử quét son lên môi nhỉ…? *

16

Buổi tối mẹ đi làm về trễ nên mẹ mua đỡ nửa con gà nướng để cả nhà cùng ăn với cơm nóng. Trong lúc mẹ ngồi loay hoay chặt gà, Hoa đến gần, chìa ra một tờ giấy trước mặt mẹ. Mẹ ngẩng lên hỏi Hoa: -Giấy gì vậy con? Đọc to cho mẹ nghe với. Hoa lắc đầu, nhét tờ giấy vào tay mẹ và chạy đi mất. Mẹ phải lau sơ bàn tay và mở tờ giấy ra đọc. “Mẹ ơi. Con xin lỗi mẹ vì đã lỡ tay làm gãy cây son của mẹ. Xin mẹ đừng la con vì con đã biết lỗi của con rồi”. Mẹ thả con dao, bật đứng lên, hối hả đi vào phòng để xem lại cây son duy nhất trong hộp. Mẹ nhẹ tay kéo cái nắp lên. Ống son màu cam ngoẹo đầu sang một bên vì bị gãy ngang giữa thân. Mẹ đau xót nhìn ống son định gọi Hoa vào để la mắng nhưng rồi liếc mắt xuống tờ giấy một lần nữa. Khuôn mặt mẹ dịu lại. Thôi, nó biết sợ và nó biết lỗi của nó rồi thì thôi… Một lát sau, Hoa nghe tiếng mẹ gọi từ trong bếp: -Hoa ơi? -Dạ. -Ăn cơm con ơi! -Dạ. Mẹ bới cơm nóng cho Hoa, gắp một miếng thịt gà bỏ chén Hoa. Ánh mắt mẹ long lanh, tươi cuời. Và Hoa biết mẹ đã tha thứ cho Hoa sau khi đọc xong lá thư xin lỗi của Hoa.

17

9. NGA ĐIỆU Trong lớp, Hoa có nhiều bạn. Hoa chơi thân với những đứa chung tổ, còn những đứa ngoài tổ, Hoa cũng nói chuyện xã giao với chúng. Hoa thích hết thảy tụi nó, từ thằng Điệp lớp trưởng, con Vân lớp phó, cho đến thằng Trung tổ trưởng, con Ngọc tổ phó. Nhưng có một đứa mà Hoa không thích, là con Nga, vì nó điệu lắm. Con Nga điệu nhất lớp, điệu nổi tiếng. Tóc nó ngắn ngang vai, dày và mượt, đuôi tóc lúc nào cũng nằm ngủ ngoan trên cổ áo. Áo quần nó luôn phẳng phiu, không một nếp nhăn. Giày dép nó được chăm sóc kỹ, chẳng một vết bẩn. Móng tay móng chân nó được cắt ngắn, và rất sạch sẽ. Chiều nào nó cũng tắm bằng loại sữa tắm có mùi thơm ngọt dịu. Nhưng vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói, mà Nga nổi tiếng điệu là do cách nói chuyện của nó. Giọng nó cứ như món bắp nhão. Lúc nào cũng “dạ” nghe ngọt xớt. Lúc nào nó cũng mỉm cười, làm như nụ cười của nó đẹp lắm. Nó chưa bao giờ lớn tiếng với bất cứ ai, chỉ là những câu nói dịu dàng và lễ phép. Bọn con trai rất thích nó, nhưng lũ con gái không ưa nó. Chúng chọc Nga là “bé nhão” và hay nhái theo Nga mỗi khi nó mở miệng ra nói chuyện. Nga biết điều đó, nhưng nó không cảm thấy tự ái hay giận hờn gì. Nó chỉ cười, “Tui vậy đó…”. * Trong bữa cơm, Hoa hay nói xấu về Nga cho ba mẹ nghe. Ba nói: -Con gái nói chuyện dịu dàng và lễ phép là hay chứ. Mẹ cũng đồng ý với ba: -Ừ, mẹ thích con gái như vậy. Ăn nói phải ngọt ngào. Hoa trề môi: -Tụi con chỉ thấy nó quá điệu thôi. Rồi Hoa chu mỏ nhái mấy câu nói của Nga. Ba mẹ lắc đầu: -Hoa, con thật là quá đáng… * Một buổi trưa, trong lúc lớp Hoa đang học tiết cuối cùng là tiết Vẽ thì đột nhiên mặt đất rung động thật mạnh. Từ ngoài đường vọng vào lớp những âm thanh thình thình nghe thật kinh khủng. Mọi vật trong phòng chao đảo. Bàn ghế nghiêng ngả. Đám học trò hoảng sợ kêu thét lên, chạy tán loạn. Cô giáo cố gắng giữ bình tĩnh, ổn định trật tự rồi bước ra ngoài xem chuyện gì xảy ra. Trước đôi mắt kinh hoàng của ban Giám Hiệu và toàn thể giáo viên là một con vật khổng lồ có hình dáng xấu xí, kinh tởm. Nó giống con cóc biết đi với bộ da màu xanh rêu, xù xì, đầy những vết ghẻ lở. Mỗi bàn tay nó có bốn ngón, còn mỗi bàn chân nó có sáu ngón. Con quái vật đứng giữa sân trường, thỉnh thoảng hả miệng kêu lên vài tiếng khàn khàn. Hình như nó không có ý định tấn công đám học sinh nhỏ đang rúm ró nép vào nhau. Hình như nó đang cố nói điều gì đó nhưng không ai hiểu nó muốn nói gì. Thầy Hiệu trưởng cầm cây roi quất trót trót vào không khí, miệng xùy xùy để đuổi con vật ra khỏi trường. Các giáo viên cũng xúm nhau hò hét, quơ cây, quơ ghế, đe dọa tinh thần nó, buộc nó phải rời khỏi nơi đây. Nhưng nó vẫn đứng đó, mặt mũi ngơ ngác, ngoác miệng ra kêu “qua-qua-qua” đến khàn cả giọng. Thằng Phong vốn hay xem truyện tranh chợt hét to lên: -Em biết rồi! Nó đói bụng đó! Nó muốn ăn thịt người đó! Thầy Hiệu trưởng xanh mặt, hỏi Phong: 18

trả lời:

-Hả? Nó muốn ăn thịt ai vậy? Em có biết không? Thằng Phong giấu dốt, cố làm ra vẻ hiểu hết ý nghĩ của con vật, nó run giọng

-Nó muốn ăn thịt một đứa con gái! Thầy Hiệu trưởng gãi đầu: -Trời! Nó muốn ăn thịt một đứa con gái hả? Có em nào tình nguyện không? Không hả? Thầy biết chọn ai bây giờ? Đám con gái cùng nhìn nhau rồi đồng loạt kêu lên: -Con Nga! Con Nga! Con Nga! Con Nga! Rồi Nga bị đẩy ra khỏi hàng, bị đẩy ra khỏi hành lang, bị đẩy vào trong sân, và đứng đối mặt với con vật. Cả trường im phăng phắc, chờ đợi. Thậm chí có đứa còn lấy tay ôm mặt, không dám nhìn cảnh con vật ăn thịt Nga. Ai cũng nghĩ Hoa sẽ hét lên và quỳ xuống khóc lóc. Nhưng không, Nga vẫn đứng im rồi từ từ bước lại gần con vật. Nga bắt đầu nói chuyện với nó, giọng dịu dàng, ngọt ngào. Con vật gật gật đầu, đáp lời Nga. Hai bên trò chuyện qua lại một hồi, con vật chậm rãi quay lưng và bước đi. Thình thình! Thình thình! Chẳng bao lâu, thân hình ghê rợn của con vật biến mất sau hai cánh cổng to lớn. Toàn trường sửng sốt, cùng “Ồ” lên kinh ngạc. * Hóa ra con vật không đòi ăn thịt người mà nó chỉ bị lạc đường, lạc mẹ, thế mà toàn trường (kể cả Hoa) lại hò hét nó, xua đuổi nó, xem nó như một kẻ thù hung bạo. Nhưng ai hung bạo? Con vật hung bạo? Hay toàn trường hung bạo? Nhờ Nga, con nhỏ điệu, có ánh mắt dịu dàng, có giọng nói ngọt ngào, có cử chỉ dịu dàng, mà con vật cảm thấy an lòng quay trở ra để tiếp tục đi tìm mẹ nó. Từ sau chuyện này, Hoa và bạn bè trong lớp không còn gọi Nga là “con nhỏ điệu” nữa. Chẳng qua chúng đã nghĩ sai về Nga thôi.

19

10. MÓN QUÀ NHÀ QUÊ Nhân ngày Tết, bà ở dưới quê lên thăm gia đình Hoa. Nghe vậy, Hoa mừng lắm vì nó biết chắc thế nào nó cũng có quà của bà. Tuy là quà nhà quê dân dã, nhưng món nào Hoa cũng thích. Đó là một giỏ bắp tươi mới hái, lớp vỏ còn xanh mướt. Đó là một bịch khoai lang nghệ, củ nào củ nấy to bằng bắp tay Hoa. Đó là rổ khoai mì sáp mới đào, bà dặn phải ngâm nước cho lâu trước khi luộc với nước cốt dừa. Đó là cặp gà mái tơ, cái mồng gà trên đầu còn đỏ chói. Đó là một giỏ trái cây đầy ắp, gồm xoài cát, ổi lựu, và bưởi sáu roi… Ba và mẹ đón bà vào trong nhà, riêng Hoa chỉ đứng xúm xít quanh mớ quà nhà quê thôi. Đến bữa trưa, Hoa không chịu ăn cơm mà đòi ăn khoai lang luộc. Mẹ phải rửa sạch khoai và luộc một nồi cho cả nhà cùng thưởng thức. Hầu như ai cũng ăn nhín bớt cơm để dành bụng ăn khoai. Chà. Màu khoai vàng như nghệ, vị khoai ngọt lịm, ba và mẹ cùng suýt soa khen ngon khi ăn khoai. Sau đó, đợi mọi người đi ngủ hết, mớ quà nhà quê bắt đầu rục rịch nói chuyện trong bếp. Cặp gà mái tơ nói: -Khoai ngọt và ngon ghê. Bọn này được bà chủ cho vài miếng khoai thừa, ăn thích mê tơi. Bắp tươi giơ ngón tay cái lên, tỏ ý khen ngợi. Khoai mì sáp nháy mắt, cười hỉ hả. Nhưng khoai lang chẳng có gì vui hết, mặt mũi chúng bí xị và ủ ê. Bắp tươi ngạc nhiên hỏi, khoai lang cất giọng buồn rười rượi: -Có gì vui đâu? Mới lúc nãy anh em chúng tôi nằm đầy một bịch, giờ đây vơi hết một phần tư. Chẳng lẽ chúng tôi lại vui trước điều đó sao? Xoài cát an ủi: -Cuộc đời “hợp rồi tan” là chuyện bình thường. Còn gặp nhau ngày nào thì cứ vui lên ngày nấy. Ổi lựu đồng thanh nói, giọng như hát: -Dạ đúng rồi. Biết đâu chiều nay tụi em chia tay các anh chị trước. * Ổi lựu đoán không sai. Sau khi ngủ dậy, mấy đứa chung tổ kéo nhau đến nhà Hoa làm toán và Hoa nhiệt tình mang ổi lựu ra đãi bạn. Tụi nó thích lắm. Gọi là ổi lựu vì trái to và ngọt thanh như mùi vị của trái lựu. Trái ổi được xẻ làm tư, được chấm muối ớt, được nhai rốp rốp. Chẳng bao lâu, nguyên cả tô ổi to tướng biến mất vào mấy cái miệng đang lao nhao của đám con nít… Trong bếp, bưởi sáu roi đứng khoanh tay nhìn bạn bè bằng đôi mắt ươn ướt yêu thương. Nó được gọi là bưởi sáu roi vì… chất lượng nó cao hơn bưởi năm roi một nấc. Múi to, không hột, nhiều nước. Điều làm nó nổi tiếng là vị ngọt đặc biệt của nó. Ai ăn bưởi sáu roi mà không khen ngọt thì… nhà vườn sẵn sàng chặt cây làm củi! Uy tín vậy đó! Bưởi sáu roi nói một mình: -Bạn bè dần dần ra đi. Tối nay chúng ta còn lại bao nhiêu đứa cứ vui lên bấy nhiêu nghe. Cầu mong đêm nay sẽ kéo dài mãi cho niềm vui sum họp lâu tàn. Đêm hôm đó, mớ quà nhà quê quây quần bên nhau hát hò rồi lắng nghe xoài cát kể chuyện. Nó kể chuyện “con ma trên cây xoài” làm cả bọn thỉnh thoảng lại hét lên, nhưng hét xong thì cười xòa với nhau. Đến gần sáng chúng mới chịu im lặng để ngủ, chúng nằm sát vào nhau, truyền hơi ấm cho nhau, bịn rịn không muốn rời xa… * 20

Buổi sáng, bà hỏi ý kiến mọi người trong nhà, ai cũng thống nhất bữa điểm tâm gồm đủ ba món bắp luộc với lá dứa, khoai lang nướng và khoai mì hấp nước cốt dừa. Những trái bắp xanh tươi dũng cảm vẫy tay chào tạm biệt số bạn bè còn lại trước khi bước vào nồi. Chúng ríu rít nói chuyện, nhường chỗ cho nhau, đứa này tự giác xít ra, đứa kia tự động xít vào khiến nước sôi rất ngạc nhiên. Nước sôi nói: -Tụi mày vào đây mà cứ như đi trẫy hội. Bắp nắm chặt tay nhau, cười xòa lên… * Và cứ thế, từng món quà nhà quê của bà dần dần biến mất khỏi gầm bếp. Chúng lặng lẽ đến với cuộc đời, rồi lặng lẽ ra đi, để lại những dư âm thơm ngát và ngọt ngào. Chúng chỉ là ngũ cốc (bắp, khoai, đậu) là thực phẩm (gà, vịt) là trái cây (xoài, ổi, bưởi), nhưng nếu cuộc đời này không có chúng, không còn chúng nữa, thì cuộc đời này sẽ ra sao…?

21

Related Documents

Mll
May 2020 0
Komunikasi Mll Telepon.docx
December 2019 4