Huỳnh Tấn Phát (1913-1989)
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8 –1945, phong trào học sinh sinh viên yêu nước rầm rộ từ Bắc chí Nam, Huỳnh Tấn Phát lúc bấy giờ là kiến trúc sư ra trường đã lâu, có văn phòng riêng, làm ăn phát đạt. Thế nhưng, chí hướng của người kiến trúc sư trẻ ấy không vì mục đích làm giàu, nên văn phòng ấy chính là nơi lui tới, hội họp sinh viên, trí thức yêu nước Sài Gòn. Trong Tổng hội Sinh viên Đông Dương (AGEI) vào những năm 40, trước CMT8 – 1945, tên tuổi của Huỳnh Tấn Phát nổi bật lên trong đám trí thức đàn anh. Tờ tuần báo Thanh niên (1944) do ông làm chủ nhiệm trở thành cơ quan ngôn luận của giới trí thức trẻ. Được kết nạp vào ĐCS tháng 3-1945, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sài Gòn và được cử làm Phó giám đốc Sở Thông tin báo chí của UBND Nam Bộ. Cũng từ đây, ông tạm giã từ chuyên môn, dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Khi quân Pháp chiếm lại Sài Gòn, ông bị chúng bắt và bị kết án tù hai năm. Ra tù, ông tiếp tục hoạt động ở nội thành đến năm 1949 mới ra chiến khu, và được cử làm ủy viên UBKCHC Nam Bộ, rồi ủy viên UBKCHC đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau hiệp định Genève 1954, ông được phân công hoạt động ở nội thành. Đầu năm 1959, ra vùng giải phóng, được cử làm ủy viên Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, phụ trách công tác vận động trí thức, tư sản và công tác Mặc trận. Cuối 1960, Đại hội MTDTGPMNVN cử làm Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTDTGPMNVN. Tháng 6-1969, được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ CMLTCHMNNVN. Năm 1975, sau ngày giải phóng, đã giữ các chức vụ: Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCHVN, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Trên đây là những nét lớn về tiểu sử cùng những hoạt động cách mạng của ông. Nhưng điều đáng nói hơn không phải là ở chỗ chức vụ, danh vọng, vị trí xã hội đã đạt được, mà là tấm lòng, nhân cách, đức độ, tác phong sống của một người trí thức chân chính. Người ta kính trọng ông, một kiến trúc sư, một trí thức lớn sẵn sàng vứt bỏ mọi vinh hoa, phú quý của xã hội thượng lưu, lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn của nhân dân vì độc lập, tự do. Những người từng sống gắn bó với ông từ cán bộ cấp cao đến người bảo vệ, liên lạc, yêu quý, mến phục ông với cái tên thân thương Tám Chí. Nhà văn Thép Mới, trong bài viết sau khi ông qua đời, có nhận xét: "Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng Tam Giác Sắt không khác gì các chiến sĩ, đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình. Ai cũng trọng anh, nhưng không ai coi anh là nhân sĩ. Anh là người vận động cụ thể, tổ chức cụ thể,
chăm lo thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác Mặt trận và vận động trí thức ở thành. Anh đã là anh rồi, nên không nghĩ đến cá nhân nhiều… Cái cách anh quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho "than hồng nhen thành lửa ngọn". Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh, một con người Sài Gòn, lẽ ra có thể sống ít nhiều vương giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà, anh dấn thân vào trường kỳ kháng chiến, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo". (Báo Nhân dân, số 14-101989). Còn giáo sư Nguyễn Văn Chí, một trí thức lớn của Sài Gòn, đã từng sống với anh ở khu, có nhận xét: "Huỳnh Tấn Phát sống ở rừng, làm cách mạng trông vẫn thanh niên như hồi cắm trại ở suối Lồ Ồ". Sinh năm 1913 trong một gia đình viên chức nhỏ ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Huỳnh Tấn Phát học ở Sài Gòn, rồi Hà Nội. Nhưng, nơi ông gắn bó sâu sắc và lâu dài nhất vẫn là thành phố Sài Gòn và vùng đất Nam Bộ. So với trí thức và nghệ sĩ đã đến với cách mạng và kháng chiến, cống hiến tài năng chuyên môn hay nghệ thuật, hoặc đánh giặc, Huỳnh Tấn Phát đã đóng góp bằng cách riêng của mình. Ông đã dành gần như trọn đời cho những hoạt động vận động quần chúng trực tiếp, làm công tác phong trào, từ khi chủ trương tờ Thanh niên cho đến cuối đời, làm Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông sống chân tình, cởi mở, bao dung, sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, trăn trở của từng người, dù người đó là nhân vật có tên tuổi, hay là người bảo vệ bình thường của cơ quan. Cho nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tặng ông Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh năm 1913, tại xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Năm 1933, ông thi vào học khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938.
Cuộc đời và sự nghiệp Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát sinh năm 1913, tại xã Tân Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký. Năm 1933, ông thi vào học khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Cuối năm 1938 khi vừa có tấm bằng kiến trúc sư hạng ưu, ông trở về Sài Gòn và làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon, người Pháp tại số 68-70 đường Mayer. Năm 1940, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc tư ở Sài Gòn. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux tổ chức. Các biệt thự do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế trước năm 1943 ở Sài Gòn đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính rất phù hợp với khí hậu nóng, ẩm phương Nam. Một số biệt thự vẫn còn đến ngày nay như Biệt thự số 7 Lê Duẩn; biệt thự số 151 Nguyễn Đình Chiểu; biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng... Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông là chủ nhiệm báo Thanh Niên, hoạt động trong phong trào Thanh niên Tiền Phong, truyền bá quốc ngữ, cứu tế nạn đói ở Nam Bộ. Ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 5 tháng 3 năm 1945. Cách mạng
tháng Tám bùng nổ, ông cùng một số trí thức Nam Bộ tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Ông đã thiết kế và chỉ đạo thực hiện công trình Kỳ đài cao 15m ghi tên 11 vị trong Lâm ủy Nam Bộ tại ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi chỉ trong đêm 24 tháng 8 năm 1945. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được bổ sung làm ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội. Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, ông công tác bí mật ở Sài Gòn, bị Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn. Năm 1949, ông ra chiến khu, giữ chức Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Đài phát thanh Tiếng nói Sài Gòn-Chợ Lớn tự do. Sau Hiệp định Genève, ông ở lại Sài Gòn, làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Năm 1954, đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế nhà văn hóa dự kiến xây dựng ở Khám lớn Sài Gòn đã đoạt giải II (không có giải I) và Thư viện Sài Gòn (đồng tác giả với Nguyễn Hữu Thiện) là một trong những công trình đẹp nhất Sài Gòn được giới nghề và công chúng đánh giá cao. Ông cũng tham gia các phong trào đòi hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất đất nước, đòi thi hành Hiệp định Genève. Năm 1960, ông bí mật thoát ly khỏi Sài Gòn, tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn-Gia Định. Tháng 6 năm 1969, ông được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày Việt Nam thống nhất. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1976, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông làm Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội, chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh... Ông còn đảm trách các chức vụ: Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh.
Người ta biết đến kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát như một trí thức yêu nước lớn, một nhà họat động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng cách mạng, gắn liền hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông cũng là điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”(8-1945). Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chứng kiến mọi thăng trầm của đất nước, con người và sự nghiệp của ông luôn gắn bó với vận mệnh nước nhà. Xác định được trách nhiệm của người trí thức từ thời còn trai trẻ, trong tâm khảm ông đã sớm ấp ủ hoài bão lớn và khát vọng cháy bỏng, muốn đem hết tài năng và trí tuệ để làm đẹp cuộc đời. Cả đời ông gắn bó với nhân dân, thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, đau nỗi đau của nhân dân nhưng được nhân lên gấp đôi bởi cộng thêm những suy tư của người trí thức yêu nước. Suốt thời kỳ nhân dân cả nước ta chuẩn bị giành độc lập qua Cách mạng Tháng Tám, hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đầu xây dựng đất nước, ông đã dành hết tâm lực để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc giàu đẹp. Ông là nhà chính trị lớn - nhà văn hoá lớn. Chính trị và văn hoá quyện vào nhau. Văn hoá làm phong phú thêm chính trị - chính trị soi đường cho văn hoá. Huỳnh Tấn Phát trong thời kỳ chống Pháp còn có tên gọi là Sáu Phát, thời chống Mỹ đổi là Tám Chí. Ông sinh ngày 15-2-1913 tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (trước thuộc Mỹ Tho) trong một gia đình địa chủ phá sản. Hồi nhỏ học Trường trung học Mỹ Tho. Chứng kiến cảnh khủng bố của địch trong phong trào
1930 ở Cai Lậy nên ý thức cách mạng nung nấu trong ông sâu đậm gấp bội. Lên Sài Gòn theo học Trường Petrus Ký với niềm mong ước thiết tha có thêm kiến thức để làm được những điều lớn lao tốt đẹp. Năm 1933(1), ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Để có tiền ăn học ông tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long - Hà Nội, viết báo La Lutte (Tranh Đấu), báo Le Travail (Lao Động) ở Bắc Kỳ. Thiết kế nhà dân để có thêm thu nhập. Giữa năm 1936, hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội, ông hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Đông Dương, Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Tháng1-1937, ông lập đoàn sinh viên học sinh lên gặp Godart(2) để trình “Tập thư thỉnh nguyện” đòi dân chủ theo chủ trương của phong trào Bình dân. Là một sinh viên vừa thông minh vừa chuyên cần, sau năm năm học tập, ông đỗ thủ khoa ngành Kiến trúc. Trở về Sài Gòn, ông thực tập tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon, người Pháp. Tuy mới ra trường nhưng năng lực sáng tạo của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát rất dồi dào, ông được giao ngay thiết kế một công trình quy mô khá lớn, đó là Câu lạc bộ Thuỷ quân, cao 5 tầng và một tầng hầm. Công trình này về sau Chính quyền Sài Gòn dùng làm Phủ Thủ tướng, nay là Văn phòng II Phủ Thủ tướng (số 7 đường Lê Duẩn). Câu lạc bộ Thuỷ quân tuy là công trình đầu tay của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, song giải pháp tổ chức không gian khá sinh động, tạo được nhiều góc nhìn đẹp, đường nét hình khối kiến trúc hiện đại. Hình dáng mô phỏng như một con tàu đang lướt sóng ra khơi, phù hợp với nội dung và tính chất công trình. Câu lạc bộ Thuỷ quân là niềm tự hào của kiến trúc sư Việt Nam lúc bấy giờ, qua đó danh tiếng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được giới nghề người Pháp kính nể và khách hàng tín nhiệm, nên công việc của ông khá nhiều, không những thiết kế xây dựng nhiêù biệt thự, nhà mặt phố ở Sài Gòn - Gia Định mà còn có nhiều công trình ở các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt, vv… Là học trò của các kiến trúc sư người Pháp truyền bá trào lưu kiến trúc hiện đại, đồng thời sáng lập phong cách Kiến trúc Đông Dương, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chịu ảnh hưởng kiến trúc hiện đại song đã tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc truyền thống và khai thác trong ý tưởng sáng tác kiến trúc các công trình biệt thự, nhà ở. Ngôi biệt thự ở 40/ 40 Lò Heo (cũ) nay là phường 4, quận Bình Thạnh được xây dựng ở ven kênh rạch nên có tầng hầm choãi cao, tạo nên lớp đế vững chãi để tránh ẩm, ngập lụt, ngôi nhà này có nhiều hiên chái, kết hợp các lớp mái ngói cao thấp xoè rộng tạo nên những điểm nhìn đẹp và thoáng mát. Có thể nói, đây là một trong những tác phẩm giá trị nhất của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tiếc thay hiện nay công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng và đang sụp đổ từng bộ phận, hư hỏng như một phế tích . Ngôi biệt thự 150 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (nay là Lãnh sự quán Nhật Bản) có may mắn hơn được các chủ nhân giữ gìn bảo quản rất tốt, do đó còn giữ được hình khối, đường nét và tỷ lệ chuẩn mực, vẻ đẹp tinh tế của công trình mà tác giả tạo nên. Toà biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh có cấu trúc rất Á Đông, phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới, nơi nắng gắt, mưa rào. Để khắc phục những nhược điểm khí hậu địa phương, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tạo nên những mái đón, mái đua và các lớp hiên, chái, nhà cầu có mảng tối mảng sáng hài hoà với nhau và hài hoà với sân vườn bao quanh. Biệt thự số 1 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 và 38 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, 270 Bạch Đằng (nay chủ mới đã cải tạo khác trước) cũng có những tìm tòi mới, tạo nên không gian sinh hoạt nghỉ ngơi tốt. Năm 1941, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đoạt Giải Nhất cuộc thi thiết kế Khu trung tâm Hội chợ – Triển lãm Đông Dương, dự kiến xây dựng ở vườn Ông Thượng (nay là vườn hoa Tao Đàn) Sài Gòn do Decoux - Toàn quyền Đông Dương hồi đó tổ chức . Ở bên hồ Xuân Hương- Đà Lạt có hai ngôi biệt thự ven hồ được kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế vào năm 1942, trong đó ngôi biệt thự An Hoá không những có không gian hài hoà với cảnh quan, hình thức đẹp, tổ chức các phòng chức năng hợp lý mà còn góp phần tạo nên cảnh hồ thêm thơ mộng, trữ tình .
Những năm đầu thập niên 40 thế kỷ XX, tình hình chính trị thế giới và Đông Dương có nhiều biến đổi. Nước Pháp khủng hoảng chính trị trầm trọng. Châu Á, Nhật Bản tăng cường quân sự chuẩn bị xâm chiếm Đông Dương. Ở Việt Nam phong trào cách mạng phát triển ngày một mạnh mẽ ở các thành thị và nông thôn. Thực dân Pháp củng cố địa vị ở chính quốc và thuộc địa,… Thời gian này kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát có điều kiện để làm giầu một cách chính đáng, song ông đã gác văn phòng kiến trúc sang một bên để bước vào cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Ông trở thành một trong những trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức và thanh niên Sài Gòn hồi đó . Ông làm Chủ nhiệm báo Thanh Niên từ năm 1944, tờ báo trở thành cơ quan ngôn luận của Hội truyền bá Quốc ngữ, với khuynh hướng chống Pháp - Nhật xây dựng và phát triển phong trào Thanh niên tiền phong. Tháng 3-1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong giai đoạn này, mỗi khi có điều kiện ông lại thiết kế những công trình phục vụ cách mạng. Kỳ đài cao 15m ghi tên 11 vị trong Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam Bộ tại ngã tư đường Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi), ông thiết kế và chỉ đạo thực hiện trong đêm 24-8-1945 đến sáng hôm sau thì xong, công trình đã gây được ấn tượng tốt đẹp về Cách mạng đối với nhân dân trong ngày cướp chính quyền ở Sài Gòn. Ngày 9-10-1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đoàn thanh niên Nam Bộ từ miền Nam ra gặp Bác Hồ và dự Đại hội Thanh niên toàn quốc tại Hà Nội. Đây là một trong những sự kiện lớn lao trong cuộc đời ông. Sau Hội nghị Geneve, năm 1954, ông được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Từ đấy ông lại có dịp sáng tác nhiều. Đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế Nhà Văn hoá dự kiến xây dựng ở Khám Lớn - Sài Gòn đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất). Những năm kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, bận rộn suốt ngày đêm, song ông vẫn không rời cây bút vẽ. Ông coi việc thiết kế nhà cửa là thú vui tao nhã, ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều phòng họp, hội trường, nơi ăn chốn ở phục vụ cho các đại biểu về dự các hội nghị tại vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt là hội trường cho Đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn . Hội trường đại hội Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam lần thứ nhất ở R (Lò Gò) đều bằng tre gỗ nứa lá, nhưng đã khéo xử lý rừng cây tán lá rậm rạp để có hội trường rộng rãi khang trang đẹp đẽ . Trong những ngày cuối tháng 10-1995, người viết bài này được sự giúp đỡ của bà Bùi Thị Nga - phu nhân của cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - đã phát hiện hơn 60 bản vẽ trên giấy pơluya đã ố vàng do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - lúc bấy giờ là Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam thiết kế về Thủ phủ Lộc Ninh (1972) - căn cứ Cách mạng của Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tập bản vẽ này gồm thiết kế quy hoạch hàng chục công trình công cộng như nhà hành chính, Đài Liệt sĩ, Đền thờ Bác, khu giao tế, cung thiếu nhi, nhà văn hoá - thông tin, nhà hát ngoài trời, hội trường, khách sạn, cửa hàng bách hoá, chợ, trường học, bệnh viện, khu thể dục thể thao, vv… Những phác thảo này là bút tích duy nhất về sáng tác kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn lưu lại, qua đó minh chứng thêm ông là người uyên bác, có đầu óc thiết kế về quy hoạch đô thị và công trình. Bố cục phân khu chức năng chặt chẽ, tổ chức không gian rất sinh động. Đồng thời cũng cho thấy bút pháp thể hiện già dặn, là cây bút vẽ phối cảnh cừ khôi. Tập bản vẽ này còn cho thấy những ý tưởng lớn lao của ông về xây dựng một Thủ phủ của chính quyền cách mạng miền Nam trong một giai đoạn lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc . Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông lại có dịp bình tâm hoạt động nghề kiến trúc sư.
Ông làm Trưởng ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội. Đồ án này đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển Thủ đô sau này. Ông đã chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn,… Ông đã trực tiếp sơ phác tìm ý cho Nhà hát Hoà Bình, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế về công trình này. Ông đã trực tiếp chỉ đạo và góp nhiều ý kiến phác thảo kiến trúc cho các công trình ở Thủ đô như Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cung Thiếu nhi Trung ương, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Với cương vị Chủ tịch Hội KTSVN (1983-1989), ông đã làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi đồ án kiến trúc dự thi Quốc tế, ông đã góp ý các đồ án nâng cao hơn về ý tưởng, giải pháp kiến trúc cũng như trong việc xét chọn những đồ án chất lượng cao để dự giải như đồ án: “Nhà ở làng hoa Hà Nội”, “Không gian Alibaba”, “Tồn tại hay không tồn tại”,… Kết quả là cuối thập niên 80 của thế kỷ XX kiến trúc sư trẻ nước ta có nhiều đồ án đoạt Giải Nhất trong các cuộc thi kiến trúc Quốc tế . Tháng 4 năm 1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng toàn thể Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ IV vẫn bầu ông làm Chủ tịch Danh dự. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu vào Đại biểu Quốc hội các khoá 1,2,3,6,7.8. Nhà nước đã thưởng ông nhiều Huân chương: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Nhất, Huân chương Đại Đoàn kết Dân tộc, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Do bệnh huyết áp gây tai biến mạch máu não ông đã từ trần hồi 0giờ30 phút, ngày30 tháng 9 năm 1989 tại thành phố Hồ Chí Minh . Năm 1996, cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát có vinh dự được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, đợt I, với các tác phẩm : Quy hoạch thủ đô Hà Nội thiết kế năm 1981; chỉ đạo trực tiếp tham gia thiết kế các công trình: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương, thiết kế năm 1978; Bảo tàng Hồ Chí Minh, thiết kế năm 1979-1985 . Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát xứng đáng là một trí thức cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Ông là tấm gương sáng cho các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam học tập .