Nhân đọc bài
“TRỊNH CÔNG SƠN VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG NẰM VÙNG” Hoàng Phủ Ngọc Phan. LTS: Sau bài viết của họa sĩ Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn, đã có quá nhiều tranh luận trên diễn đàn mạng trong nước cũng như ngoài nước, nhiều đến nỗi có người đã kêu lên: “Đừng nói về Trịnh Công Sơn nữa! Quá đủ rồi!”. Thế nhưng gần đây bỗng nhiên trên mạng lại truyền đi một bài viết khá dài, khá chi tiết của Liên Thành, một người tự nhận là “nguyên trưởng ban an ninh, tình báo Thừa Thiên Huế”. Trong bài ấy, ông Liên Thành lại “phát hiện” những tin động trời về TCS khiến cư dân mạng xôn xao, hoang mang, không biết chân giả thế nào. Trong tình hình “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng” ấy, chúng tôi buộc phải lên tiếng, mà người lên tiếng đầu tiên là nhà báo Hoàng Phủ Ngọc Phan, một người từng bị ông Liên Thành nêu đích danh trong bài viết với những cáo buộc “nổi da gà”. Hoàng Phủ Ngọc Phan còn có bút danh khác là Hoàng Thiếu Phủ, là một nhà văn, một nhà báo rất nổi tiếng. Ông được nhiều người đọc nhờ sự sắc sảo, tinh tế trong bút pháp, và sự pha trộn tài tình giữa hài hước và sự uyên bác đã khiến cho các bài báo của ông luôn là những tác phẩm văn học có giá trị. Bài “phản biện” sau đây của Hoàng Phủ Ngọc Phan là câu trả lời khá nóng bỏng của một người trong cuộc. LỀ BÊN TRÁI.
Xin cảm ơn anh Đào Hiếu đã chuyển cho tôi xem bài “Trịnh Công Sơn và những hoạt động nằm vùng” của Liên Thành và đề nghị tôi có ý kiến phản hồi. Thú thật tôi không hề có nhu cầu và hứng thú tranh luận với những người như ông Liên Thành vì giữa tôi và những người như ông ấy có quá nhiều khác biệt. Nhưng vì bài viết của ông ấy chứa không ít sai lầm đặc biệt là những sai lầm về nghiệp vụ chuyên môn của nghề làm cảnh sát quốc gia. Lại nhờ những sai lầm đó mà ông ta được chính quyền cũ đề bạt lên giữ những chức vụ quan trọng và gây thêm những hậu quả nghiêm trọng hơn. Nay nếu một người trong cuộc như tôi mà cứ im lặng mãi thì bạn bè và bạn đọc trong và ngoài nước sẽ không hiểu được sự thật. Tôi gọi Liên Thành bằng đại danh từ “ông” chỉ là để thể hiện sự tôn trọng bạn đọc, không muốn tra tấn họ bằng những ngôn từ hằn học của thời chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh. Nếu LỀ BÊN TRÁI là một diễn đàn có thể chấp nhận đăng tải những bài viết có chính kiến khác nhau thì xin cứ đăng bài của tôi để bạn đọc rộng đường dư luận. Với tư cách của người trong cuộc tôi xin nói rõ những sự thật sau đây:
1.Về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. - Ông Liên Thành nói rằng ngày 11-6-1966, ông chỉ huy các điệp viên bám sát tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, thấy rõ chúng tôi vào nhà Trịnh Công Sơn ăn cơm chiều rồi trở ra ngồi trên một chiếc xe hơi màu trắng để trốn ra rừng … Lúc bấy giờ quân của Nguyễn Cao Kỳ - Nguyễn Ngọc Loan đã kiểm soát tình hình ở Huế. Lệnh truy nã anh em chúng tôi đã được đọc ra rả trên đài phát thanh. Vậy Liên Thành còn sợ gì mà không ra tay bắt lấy chúng tôi để lãnh thưởng mà lại để chúng tôi lọt lưới? Sự thực là chúng tôi không hề ghé nhà Trịnh Công Sơn ở đầu cầu Phú Cam mà ghé nhà anh Nguyễn Kim Sơn ở gần Bưu Điện Thành Phố Huế. Nguyễn Kim Sơn là kỹ sư tốt nghiệp ở Mỹ, từng dẫn đầu đoàn biểu tình đọc tuyên cáo bằng tiếng Anh trước khi đốt tòa Tổng lãnh sự Mỹ ở Huế vào ngày 23-01-1965. Cho đến lúc ấy và cả đến hôm nay, Nguyễn Kim Sơn chưa hề ở trong một tổ chức nào của cách mạng. Hiện anh sinh sống ở CHLB Đức và trước sau như một-là một phật tử thuần thành. (Tôi sẽ nói thêm về trường hợp Nguyễn Kim Sơn trong phần cuối bài này). Không hiểu vô tình hay cố ý, Liên Thành đã làm lộn hai ông Sơn nói trên, vu cho Trịnh Công Sơn tội danh Việt Cộng để hành hạ nhạc sĩ này triền miên và bắt người tràn lan. Đây không phải “bé cái lầm” mà là loại sai lầm chết người. Lúc chúng tôi tạm trú ở nhà anh Nguyễn Kim Sơn, anh Sơn có cái máy quây phim 8mm đang quây cảnh sinh hoạt gia đình, tình cờ có lọt cả hình ảnh hai anh em chúng tôi trong đó. Sau năm 1975, anh Kim Sơn có dịp chiếu cho tôi xem lại những thước phim này. Nếu ông Liên Thành liên hệ được với Kim Sơn, chắc chắn sẽ tìm được bằng chứng ngoại phạm của Trịnh Công Sơn. -Người lái xe đưa chúng tôi ra khỏi thành phố để vào chiến khu không phải là anh Lê Cảnh Đạm mà là một đại úy quân cảnh ở Huế. Những ngày ấy, thành phố Huế bị giới nghiêm cả ngày lẫn đêm và chúng tôi đi vào buổi trưa chứ không phải lúc nhá nhem tối. Phải là một đại úy quân cảnh mới có thể đưa chúng tôi qua lọt các chốt chặn xét. Liệu ông Liên Thành có cần biết viên đại úy ấy là ai không nhỉ? Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ được nhiều người hâm mộ. Trong số các fan của anh có những người ở phía bên này và những người ở phía bên kia. Nhưng không phải hễ chơi với tả thì thành tả, chơi với hữu thì thành hữu. Thực tế, Trịnh Công Sơn chưa hề tham gia một tổ chức bí mật nào của cách mạng để gọi là “nằm vùng”. Anh có vẻ dị ứng với mọi thứ kỷ luật, tổ chức, đảng phái, âm mưu, thủ đoạn…Việc ông Liên Thành ép cung rồi buộc TCS làm mật vụ cho cảnh sát hoặc ai đó nói TCS là C.I.A, âm mưu đảo chánh, có tham vọng làm bộ trưởng, có giấc mộng vào Đảng để mưu cầu lợi lộc…đều chứng tỏ họ không hiểu gì nhiều về con người TCS và chắc cũng không hiểu gì lắm về nhạc Trịnh. Người ta có cả trăm cách để lừa dối nhau nhưng không ai có thể lừa dối tâm hồn mình bằng âm nhạc. Nếu tâm hồn của Trịnh dung nạp được những thứ chuyện như thế này thì sao còn có chỗ để nuôi dưỡng thứ nhã nhạc kia? -Mộ của Trịnh Công Sơn được chôn ở nghĩa trang chùa Quảng Bình của Hội Ái Hữu Quảng Bình - kế nghĩa trang Gò Dưa (Quận Thủ Đức. TPHCM) chứ không phải ở Gò Dầu Hạ (Tây Ninh) Đây là sự lựa chọn của gia đình TCS. Gia đình anh theo đạo Phật và có gốc Quảng Bình. Mẹ anh đã được chôn ở đấy. Mộ Trịnh Công Sơn được thiết kế theo một kiểu cách lập dị nằm kế bên mộ mẹ. Lễ tang Trịnh Công Sơn có Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bí thư Thành Ủy Nguyễn Minh Triết đích thân đến phúng điếu. Nếu gia đình có nguyện vọng đưa anh vào nghĩa trang Thành Phố, chẳng lẽ hai nhân vật thế lực ấy không giúp được sao? Đối với Trịnh Công Sơn, những lời khen chê bấy lâu nay đều có chỗ đúng, chỗ sai nhưng như thế đã quá đủ. Xin hãy để cho anh ấy yên giấc nghìn thu, có được không hở ông Liên Thành? 2. Về quán BẠN (Chứ không phải là quán BẠN TÔI). Quán của chúng tôi nằm trên đường Đào Duy Từ, nhìn ra đường Hàng Bè trên bờ sông Đông Ba chứ không phải bên phía Đập Đá. Nhóm chúng tôi mở quán nầy chỉ vì ham vui. Chỉ có vài ba người là Việt Cộng còn những người như vợ chồng giáo sư Đỗ Long Vân, nhà văn Túy Hồng, chủ quán Lê Văn Sâm… đều vô can. Khách đặc biệt của chúng tôi là những nhà báo chống Cộng chuyên nghiệp như Thế Uyên,
Trần Dạ Từ …từ Sài gòn ra để …đấu võ mồm với Việt cộng. Thừa biết bổn quán thường xuyên bị mật vụ theo dõi nên chúng tôi không dại gì dùng nơi nầy làm chỗ liên lạc với tổ chức cách mạng. Liên Thành gọi đây là một “căn cứ lõm” mà lại mang quân đi đánh phá một cái Quán Bạn Tôi nào đó ở bên Đập Đá, thế là thêm một vụ án oan! 3. Chụp mũ cộng sản cho Phật giáo. Trong danh sách cán bộ cộng sản nằm vùng mà Liên Thành nêu trên có những người như: Nguyễn Khắc Từ, Hoàng Văn Giàu, Trần Xuân Kiêm, Thái Kim Lan, Vĩnh Kha, Trần Anh Tuấn, Thái Thị Ngọc Dư, …. và rất nhiều nữa. Sự thực tất cả những người nêu trên không có ai là Việt cộng nằm vùng cả. Họ đều là những phật tử thuần thành, tích cực tranh đấu cho đạo pháp từ những mùa pháp nạn dưới chế độ Diệm. Sau năm 1975 họ đều sống như những công dân bình thường - ai cộng, ai trừ bà con đều biết. Làm gì có chuyện Nguyễn Khắc Từ là đại tá VC? Cho đến những ngày Thiệu - Kỳ - Loan thẳng tay đàn áp phong trào Phật giáo ở các tỉnh miền Trung, Nguyễn Đắc Xuân vẫn chưa hề có mối liên lạc với bất kỳ một tổ chức nào của cách mạng. Bị nêu tên truy nã trên đài phát thanh, anh phải cạo đầu giả làm sư, trốn về vùng quê ở Giạ Lê - Hương Thủy lánh nạn chứ không chịu ra trình diện. Chúng tôi bắt được liên lạc, viết thư mời anh lên rừng mà trốn cho an toàn. Ở trong chiến khu cả nửa năm trời, Nguyễn Đắc Xuân vẫn tiếp tục ăn chay và được đối xử như khách tỵ pháp nạn. Chiến khu Thừa Thiên - Huế đã đón rất nhiều khách tỵ nạn như Nguyễn Đắc Xuân. Ông Nguyễn Văn Cán, quận trưởng Cảnh sát cũng là phật tử. Tết Mậu Thân ông không dám ra trình diện với chính quyền cách mạng. Biết ông là người trí thức (cử nhân Luật), chúng tôi thuyết phục ông đứng đầu danh sách một tổ chức gọi là Nghĩa Binh bao gồm những người đã ra trình diện. Tổ chức này chỉ là để hư trương thanh thế. Sau khi trình diện, chúng tôi cấp giấy chứng nhận rồi cho phép họ trở về nhà chăm sóc gia đình trong những ngày binh lửa. Chỉ có thế mà Liên Thành gán cho ông Cán tội danh là cơ sở tình báo rất quan trọng của trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan. Bản lãnh làm án oan của Liên Thành chắc là học được từ các tay trùm mật vụ của Ngô Đình Cẩn như Phan Quang Đông, Hoàng Trọng Bá, Dương văn Hiếu… Cứ nghe cái giọng điệu của Liên Thành ca tụng anh em nhà Ngô Đình Diệm và đám thủ hạ đắc lực của Ngô Đình Cẩn thì có thể hiểu vì sao ông ta chụp mũ cộng sản lên đầu toàn bộ phong trào đấu tranh của Phật giáo. Chính là để có cớ đàn áp, tiêu diệt thế lực của Phật giáo, trả thù cho Ngô triều. Chẳng cần gì phải là người cao minh cũng có thể chỉ ra rằng đó chính là sự vận hành của “chế độ Diệm mà không có Diệm”. 4. Vụ sát hại nhà thơ Ngô Kha. Là nhà thơ nổi tiếng, dạy Việt văn ở trường Quốc Học Huế, chủ tịch Mặt trận văn hóa Miền Trung. Anh rất gắn bó với phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh Huế. Hai lần thầy trò anh xuống đường, bị Liên Thành trực diện đàn áp, đã quyết liệt phản kích khiến Liên Thành mang thương tích. Liên Thành thù Ngô Kha từ đó. Ngày 6-3 năm 1972, Liên Thành dẫn hai cố vấn Mỹ cùng bộ hạ bao vây, lục soát nhà Ngô Kha rồi bắt anh đưa đi đâu mất tích. Sau năm 1975, Công An Huế lấy lời khai của đám bộ hạ Liên Thành theo đó thì chỉ trong đêm 6-3, Ngô Kha đã bị Liên Thành tra tấn đến chết rồi ném xác vào bồn axit để phi tang. Tôi ở Huế đã lâu nhưng không hề nghe nói ở đâu có những bồn axit như thế. Chuyện cái bồn axit chưa chắc có thật nhưng một trưởng ty cảnh sát như Liên Thành muốn giết người phi tang, hủy thi diệt tích thí còn thiếu gì cách, đâu cần đến bồn axit. Cũng xin nói thật, Ngô Kha không phải là Việt Cộng nằm vùng. Anh hoạt động như những người phản chiến chống Mỹ trên khắp thế giới. Chính vì vậy mà sau năm 1975, bạn bè ở Huế đã gặp không ít khó khăn khi làm thủ tục xác nhận liệt sĩ cho anh. Chuyện này ở Huế rất nhiều người biết. Ngô Kha là trung úy động viên rồi biệt phái trở về dạy lại trường Quốc Học. Anh là em ruột của tướng Ngô Du trong quân đội VNCH. Nếu tôi là tướng Ngô Du thì dù Liên Thành kia có đi đến chân trời góc biển nào tôi cũng sẽ tìm đến - nếu không phải để hỏi tội thì ít ra cũng để năn nỉ một câu: “Trên đời này chỉ có ông mới biết Ngô Kha chết như thế nào. Xin làm ơn làm phước cho biết nắm xương tàn của em tôi hiện ở nơi đâu?”
5. Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái là đặc công! Liên Thành cho rằng Nguyễn Hữu Thái là đặc công thuộc Thành ủy Sài gòn, thủ phạm tung lựu đạn vào xe Nguyễn Văn Bông. Lại sai nữa. Anh Nguyễn Hữu Thái chưa bao giờ là Việt cộng, lại càng không thể là đặc công. Người ném lựu đạn vào xe Nguyễn Văn Bông, chủ tịch đảng Cấp Tiến là một sinh viên thuộc Lực Lượng Biệt Động. Tên tuổi và thành tích của sinh viên ấy đã được giới thiệu công khai trên một số sách báo ở trong nước, muốn biết người ấy là ai cũng không khó. 6. TÔI KHÔNG HỀ GIẾT AI. Sau chiến dịch Mậu Thân báo chí ở Sài gòn thường nhắc đến anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan như là hai tên đồ tể khát máu, giết người không gớm tay ở Huế. Sự thực anh Tường không hề về Huế mà ở lại trên căn cứ để làm nhiệm vụ tiếp đón các vị khách từ nội thành ra. Tánh anh Tường rất hiền, không ưa đụng đến vũ khí, dầu chỉ để lau chùi. Cơ quan cấp cho anh một khẩu súng ngắn K.59, anh không ngó ngàng gì tới đến nỗi súng han rỉ, rồi đem cho một người bạn nào đó mượn đi công tác. Người này làm mất súng khiến anh Tường bị phê bình –đúng ra đây là một khuyết điểm đáng phải bị xử kỷ luật nặng. Nhưng anh Tường không ý thức được điều đó. Anh cứ cãi khơi khơi là tại cơ quan giao súng cho anh chứ anh đâu có yêu cầu. Công tác của anh chỉ cần ngòi bút. Người như thế mà có thể giết ai được? Còn tôi thì có theo chiến dịch về hoạt động ở Thành nội Huế nhưng tôi không hề giết ai cả, suốt gần 10 năm đi kháng chiến cũng không hề làm thiệt mạng một con thú trên rừng chứ đừng nói là con người. Vì lẽ: -Giết người không phải là chuyện nhỏ, không phải hễ có súng trong tay là có quyền giết người. Tôi không hề có quyền đó. -Giết người không phải là chuyện dễ, không phải ai cũng có bản lĩnh đó. Mặc dầu trong chiến tranh, trên chiến trường và ngay bây giờ vẫn không thiếu gì những kẻ đáng tội chết nhưng nếu đưa cho tôi một kẻ đáng tội nào đó bảo tôi giết thì nói thật… không dám đâu. Chúng tôi theo cách mạng trước tiên là vì không thể sống chung với cái ác. Nếu chịu làm ác thì cứ nhảy vào các binh chủng rằn ri của Thiệu - Kỳ hay đầu quân dưới trướng của Liên Thành thì thiếu gì cơ hội? Từ sau Tết Mậu Thân đến nay, đối phương không ngừng vu khống cho anh em tôi đã tàn sát đồng bào vô tội ở Huế. Tôi nguyên là sinh viên Y khoa nên họ còn trút luôn lên đầu tôi cái tội khi sư diệt tổ là giết các giáo sư người Đức ở Đại học Y khoa Huế. Lúc đầu thì có nhiều người tin nhưng hơn ba mươi năm nay, bà con bạn bè trong nước và cả những người ở nước ngoài có dịp đi về đều đã hiểu được sự thật. Tất cả chỉ là tin đồn do những người có ác ý gieo rắc, không cần chính xác và không ai phải chịu trách nhiệm. Nhưng Liên Thành, là người cầm đầu nhiều cơ quan công lực, rất có điều kiện để kiểm chứng các tin đồn. Vậy xin hỏi Liên Thành: ông nói tôi say sưa lấy máu tươi, giết đồng bào vô tội nhưng chính xác tôi đã giết những người nào? lúc nào? ở đâu? Nếu ai đó nói chính mắt họ thấy tôi giết người thì chắc chắn đó là kẻ ăn gian nói dối. Còn nếu Liên Thành hay bất kỳ ai đưa ra được bằng chứng không thể chối cãi rằng tôi đã giết người - như kiểu tên ác ôn Nguyễn Ngọc Loan giết anh Bảy Lốp - thì tôi xin tự vẫn ngay trước mặt họ để tạ tội với đồng bào và khỏi làm nhục lây đến bà con dòng họ. Chuyện Mậu Thân hãy còn nhiều điều mà tôi cần nói, nhất là về cái chết của các giáo sư người Đức ở Huế. Nếu có dịp tôi sẽ xin phép được trình bày với bạn đọc cũng trên diễn đàn Lề Bên Trái này. Gần đây, một số người ở nước ngoài về Việt Nam thăm gia đình có kể rằng vào những năm cao điểm của phong trào vượt biên, những gia đình thuyền nhân khi đến vùng đất hứa đều rất sợ phải qua thêm một cửa
ải của ông Liên Thành. Hễ ông ghét người nào thì liệt họ vào danh sách lý lịch xấu. Có người như giáo sư Châu Tâm Luân, Hoàng Văn Giàu… còn bị ông nhồi cho bầm dập như cái mền. Mặc dầu đây chỉ là những thông tin chưa được kiểm chứng nhưng chắc cũng không sai sự thật bao nhiêu. Những thuyền nhân ấy phần lớn đều đã trải qua trăm cay nghìn đắng, có người mất cả tài sản và tính mạng người thân ngoài biển khơi. Họ có còn dính dáng gì đến chế độ cộng sản nữa đâu mà ông thù dai đến thế?. Ông từng giữ một lúc nhiều chức vụ quan trọng như: Quận trưởng Quận 3 - Phó trưởng Ty Cảnh Sát Đặc Biệt - Trưởng ban An ninh - Tổng thư ký điều hành Ủy ban Phượng Hoàng Thừa Thiên Huế… Lúc này những chức vụ đó đã không còn giá trị sử dụng. Vậy ai trả lương và cho phép ông hành động như một tên đại bàng, đầu gấu ở các trại tỵ nạn? CIA chăng? Nếu đúng như thế thì tôi sẽ nói thêm vài điều có liên quan đến cái nghề CIA của ông để giúp ông giải đáp câu hỏi: Tại sao Miền Nam VNCH lại thua? 7. Tại sao Miền Nam VNCH lại thua? Ông Liên Thành viết: “Kể từ ngày 30-4-75 đến nay trong tâm khảm của tất cả người Việt Nam đều không nguôi câu hỏi: tại sao miền Nam VNCH lại thua, Tại sao cái đúng lại thua cái sai, cái ác lại thắng cái thiện?... ” Đây là câu hỏi lớn đã được các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự, các nhà lý luận, chiến lược hàng đầu của cả hai bên - bên thắng và bên thua nghiên cứu rất kỹ. Có lúc hai bên đã cùng tỉnh táo ngồi lại với nhau trong những cuộc hội thảo khoa học để bổ sung cho đáp án của mình. Và câu trả lời thuyết phục nhất về phía Mỹ đã được Mac Namara cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ phát biểu trong tập hồi ký của mình: “chúng ta thua vì đã đánh giá thấp lòng yêu nước của người Việt nam.” Câu nói ngắn gọn đó chứng tỏ ông Mac Namara đã hiểu được vấn đề. Nhưng Liên Thành thì chưa chắc đã hiểu vì cho đến nay ông ta vẫn chỉ có thể suy nghĩ theo những luận điệu nông cạn như: Cộng sản Bắc Việt là tay sai của Nga-Tàu, VNCH thua vì bị Mỹ cúp viện trợ, thiếu vũ khí đạn dược, Huế nổi loạn là do Trung tá điệp viên Hoàng Kim Loan và đại tá Việt cộng Nguyễn Khắc Từ điều khiển chùa Từ Đàm… Để Liên Thành hiểu lòng yêu nước ấy như thế nào, tôi xin kể vài chuyện như sau: Một hôm anh Nguyễn Kim Sơn (người đã cho anh em Tường - Phan trốn tại nhà trước khi thoát ly) ngồi trên xe hàng đi từ Huế vào Đà Nẵng. Đến đoạn đường trước căn cứ Mỹ ở sân bay Phú Bài, mọi người đều phải xuống xe để cho lính Mỹ khám xét thân thể. Vài cô gái bị lính Mỹ giở trò sàm sỡ. Một thanh niên có vẻ nông dân trừng mắt nhìn bọn chúng một cách căm thù. Lính Mỹ thấy thế liền lôi người thanh niên ra khám xét. Ai ngờ trong mình thanh niên nầy rơi ra một cây súng ngắn. Thì ra đó là một “tên Việt cộng”. Lập tức anh ta bị lính Mỹ bẻ hai tay ra sau lưng như bẻ cánh gà rồi chỉ vài cái lên gối là miệng anh ta hộc máu ra như suối, ngã sụm xuống đất. Lính Mỹ dẫm giày đinh nát cả mặt, gãy cả đôi chân rồi đá anh qua một bên lề đường. Nguyễn Kim Sơn kể chuyện ấy rồi than thở: nhìn thấy đồng bào mình bị nó giày xéo như con giun con kiến mà không làm gì được thật là xót xa tủi nhục. Nguyễn Kim Sơn được ăn học ở Mỹ nhưng chính cái thảm cảnh ngày hôm ấy đã khiến anh trở thành người đầu tiên đốt tòa Tổng lãnh sự Mỹ và đấy là tòa Tổng lãnh sự Mỹ đầu tiên trên thế giới bị đốt. Không phải chủ nghĩa cộng sản - vì cho đến hôm nay, Nguyễn Kim Sơn vẫn không phải là người của chế độ cộng sản - mà chính là lòng yêu nước thương nòi của người Việt nam đã nổi lửa đốt cháy tòa Tổng Lãnh sự Mỹ. Hôm chúng tôi trốn ở nhà Nguyễn Kim Sơn thì các em của anh cũng như anh, cả nhà chưa ai tham gia cách mạng. Nhưng sau khi thành phố Huế bị Nguyễn Ngọc Loan và Liên Thành khủng bố trắng, bàn thờ Phật bị xe tăng xéo nát, các em của anh đều bí mật tham gia cách mạng trong tổ chức Thành Đoàn Sài Gòn. Chính Liên Thành chứ không ai khác đã đẩy họ về phía Việt Cộng. Phật tử trở thành Việt Cộng, Việt Cộng nằm trong hàng ngũ phong trào tranh đấu của Phật giáo là chuyện có thật và đó là lôgich phát triển của lòng yêu nước chứ chẳng phải mưu ma chước quỷ gì cả. Tôi còn một dẫn chứng khác rất đáng chú ý đối với Liên Thành. Tại trung tâm lưu trữ Aix-en Provence ở Pháp có một bức thư bằng chữ Hán được mật thám Pháp dịch ra tiếng Pháp, gần đây đã được các nhà nghiên cứu sử học dịch ra tiếng Việt như sau:
Ngày 17 tháng 12 năm 1931. Gửi đồng chí Nguyễn Ái Quốc Tôi vừa được biết đồng chí đang ốm nặng tại Hồng Kông và tin này làm tôi vô cùng lo lắng. Cho phép tôi gửi đồng chí kèm theo đây 300 yên để đồng chí mua thuốc men. Mong đồng chí tích cực chữa bệnh. Điều đó cần cho sự nghiệp của tổ quốc. Chúc đồng chí sớm bình phục. PHÚC ĐAN Nguyễn Ái Quốc tức là người mà chúng tôi gọi là Bác Hồ. Còn người ký Phúc Đan, tên là Nguyễn Phúc Đán tức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để chính là tổ phụ (ông nội) của Liên Thành. Thư đề tháng 12 năm 1931, tức sau khi Đảng Cộng Sản của Nguyễn Ái Quốc ra đời hơn một năm rưỡi. Biết tin Nguyễn Ái Quốc bị bệnh nặng ở Hồng Kông, Kỳ Ngoại Hầu ở Nhật lo lắng gửi tiền bạc chăm sóc và gọi bằng hai tiếng đồng chí rất quí mến. Nguyễn Ái Quốc và Kỳ Ngoại Hầu thuộc hai con đường, hai thế hệ nhưng vẫn cư xử với nhau như đồng chí vì họ có chung một tấm lòng yêu nước. Chính truyền thống yêu nước lâu đời của người Việt Nam đã làm nên chiến thắng ngày 30-4-75 chứ chẳng phải Nga sô - Trung Cộng nào cả. Ai đúng, ai sai, ai thiện, ai ác, ai thắng, ai thua - chỉ cần Liên Thành chịu khó đọc sách nhiều nhiều một chút, nhất là những trang sử vẻ vang của gia tộc mình chắc sẽ tự tìm được câu trả lời, chậm hơn Mac Namara một chút mà đúng cũng không sao. Lại mong ông Liên Thành không vì tổ phụ mình viết bức thư nói trên cho Nguyễn Ái Quốc mà liệt Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và nhóm chí sĩ Đông Du vào tội danh tiếp tay cho Cộng sản rồi làm báo cáo mật nộp cho CIA. CIA mà dựa trên những nguồn tin láo toét và trật lất như bài Trịnh Công Sơn và những hoạt động nằm vùng của ông, hèn chi Mỹ thua cũng phải. HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN.
[email protected]