GDP, GNP, CPI NÓI LÊN ĐIỀU GÌ? THURSDAY, 6. DECEMBER 2007, 09:22:35 CAFE SÁNG Thời gian gần đây, nhất là từ sau khi Thứ trượng Bộ Tài Chính Trần Văn Tá họp báo giải trình về tỉ số tăng giá (CPI) thì các cơ quan báo chí có nói rất nhiều đến vấn đề này. Nhìn chung các báo đều lên tiếng chủ yếu là không đồng tình với cách tính CPI do Bộ tài chính đưa ra. LET IT BE nhận thấy: Bộ tài chính hay nói cách khác là Chính phủ tự dưng đưa ra cách tính mới vào thời điểm hiện nay là không công bằng. Nhớ lại vào khoảng thời gian tháng 8/2007 tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có hứa trước dân là sẽ kiềm chế chỉ số "Lạm phát" dưới mức tăng trưởng kinh tế, hay có thể nói cách khác là CPI dưới GDP. Thế thì, đưa ra cách tính mới vào lúc này có ý nghĩa gì(?). Hãy nói lên quan điểm của chính bạn! LET IT BE đưa ra các lkhái niệm về chỉ số trên (từ www.saga.com) để các bạn tham khảo. Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index (CPI)) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường thay đổi chi phí của một giỏ hàng hoá và dịch vụ cố định, thường gồm các lĩnh vực nhà ở, điện, thực phẩm và giao thông. CPI thường được dùng như dấu hiệu đo lường lạm phát và tính hàng tháng. Kể từ tháng 5/2006, Chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố được tính theo phương án đã cập nhật và dùng cho giai đoạn 2006-2010. Phương án mới có một số cải tiến: 1/ Năm gốc so sánh của Chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn 2006-2010 là năm 2005 (thay cho gốc so sánh 2000) 2/ Danh mục hàng hoá, dịch vụ (còn gọi là “rổ hàng hoá”) điều tra giá để tính chỉ số đã được cập nhật, gồm 494 loại hàng hoá, dịch vụ phổ biến tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình trong giai đoạn hiện tại. So với “rổ hàng hoá” thời kỳ 20002005, số lượng các loại hàng hoá dịch vụ tăng gần 100 mặt hàng, trong đó bổ
sung thêm nhiều loại hàng hoá dịch vụ cao cấp, đã được tiêu dùng nhiều như điện thoại di động, máy xay sinh tố, lò vi sóng, phí truyền hình cáp, dịch vụ du lịch nước ngoài…. 3/ Quyền số để tính chỉ số đã được cập nhật trên cở sở kết quả điều tra Khảo sát mức sống dân cư 2004 và điều tra bổ sung tại 10 tỉnh, thành phố năm 2005 của Tổng cục Thống kê. Mời bạn xem thêm bài: "Rổ" nhà bác… khác "rổ" nhà em Tổng sản phẩm quốc nội (Gross domestic product.) Trong kinh tế, tổng sản phẩm nội địa hay GDP (viết tắt của Gross Domestic Product) là giá trị tính bằng tiền của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Khi áp dụng cho phạm vi toàn quốc gia, nó còn được gọi là tổng sản phẩm quốc nội. GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ nào đó. Trên thực tế có tồn tại hai loại GDP là GDP thực tế và GDP danh nghĩa. GDP danh nghĩa chỉ tính đến tổng số tiền chi phí cho GDP thì GDP thực tế lại có tính đến các yếu tố như sự mất giá của tiền tệ để ước lượng chính xác hơn số lượng hàng hóa và dịch vụ thực sự tạo thành GDP. GDP danh nghĩa đôi khi còn được gọi là GDP tiền tệ trong khi GDP thực tế còn được gọi là GDP giá cố định hay GDP điều chỉnh lạm phát. Có ba cách tính GDP đó là tính theo tổng giá trị tiêu dùng, tổng các khoản chi tiêu hoặc tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế. Về lý thuyết, dù theo cách tính nào cũng cho kết quả tính GDP như nhau. Nhưng trong nhiều báo cáo thống kê, lại có sự chênh lệch nhỏ giữa kết quả theo ba cách tính. Đó là vì có sai số trong thống kê. Theo cách tính GDP là tổng tiêu dùng, các nhà kinh tế học đưa ra một công thức như sau: GDP = C + I + G + NX Trong đó:
•C: là tiêu dùng của tất cả các cá nhân (hộ gia đình) trong nền kinh tế. •I: là đầu tư của các nhà kinh doanh vào cơ sở kinh doanh. Đây được coi là tiêu dùng của các nhà đầu tư. Cần phân biệt rõ đầu tư này với các đầu tư mang tính đầu cơ tích trữ vào thị trường chứng khoán và trái phiếu. •G: là tổng chi tiêu của chính phủ (tiêu dùng của chính phủ). Quan hệ của phần này đối với các phần còn lại của GDP được mô tả trong lý thuyết khả dụng (có thể đem đi tiêu). NX: là "xuất khẩu ròng" của nền kinh tế. Nó bằng xuất khẩu (tiêu dùng của nền kinh tế khác đối với các sản phẩm và dịch vụ do nền kinh tế trong tính toán sản xuất) - nhập khẩu (tiêu dùng của nền kinh tế trong tính toán đối với các sản phẩm và dịch vụ do nền kinh tế khác sản xuất). GDP theo cách tính tổng chi phí (lúc này không gọi là GDP nữa, mà gọi là tổng chi tiêu nội địa hay GDE (viết tắt của Gross Domestic Expenditure) được tính toán tương tự, mặc dù trong công thức tính tổng chi phí không kê khai những khoản đầu tư ngoài kế hoạch (bỏ hàng tồn kho vào cuối chu kỳ báo cáo) và nó phần lớn được sử dụng bởi các nhà kinh tế. Mặc dù GDP được sử dụng rộng rãi trong kinh tế, giá trị của nó như là một chỉ số vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. GDP còn tồn tại rất nhiều hạn chế, bao gồm: •Kết quả tính GDP theo các phương thức khác nhau làm người ta bối rối, nhất là khi so sánh xuyên quốc gia. •GDP, như một chỉ số về kích cỡ của nền kinh tế, nhưng lại không chuẩn xác trong đánh giá mức sống. •GDP không tính đến kinh tế ngầm, kinh tế phi tiền tệ như kinh tế trao đổi, các công việc tình nguyện, chăm sóc trẻ em miễn phí do các ông bố bà mẹ (không làm việc) đảm nhiệm hay sản xuất hàng hóa tại gia đình. Vì vậy, tại các nước mà việc kinh doanh thực thi một cách không chính thức chiếm phần lớn thì số liệu của GDP sẽ kém chính xác. GDP không tính đến tính hài hòa của sự phát triển. Ví dụ một nước có thể có tốc độ tăng trưởng GDP cao do khai thác khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. •GDP tính cả những công việc không đem lại lợi ích ròng và không tính đến những hiệu ứng tiêu cực. Ví dụ, một xí nghiệp làm tăng GDP nhưng gây ô nhiễm một con sông và người ta phải đầu tư để cải tạo lại môi trường. Việc này cũng
làm tăng GDP. GDP cũng không cho ta sự phản ánh trung thực của sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước. Có thể có những nhóm người không thu được lợi ích gì từ lợi ích kinh tế chung. GDP cao có thể là kết quả của một số người giàu có đem lại cho nền kinh tế trong khi phần lớn dân chúng sống dưới mức nghèo khổ. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP (Gross National Product) Tổng sản phẩm quốc dân hay Tổng sản phẩm quốc gia là một chỉ tiêu kinh tế đánh giá sự phát triển kinh tế của một đất nước nó được tính là tổng giá trị bằng tiền của các sản phẩm cuối cùng và dịch vụ mà công dân của một nước làm ra trong một khoảng thời gian nào đó, thông thường là một năm tài chính, không kể làm ra ở đâu (trong hay ngoài nước). Sản phẩm cuối cùng là hàng hóa được tiêu thụ cuối cùng bởi những người tiêu dùng chứ không phải là những sản phẩm được sử dụng như là sản phẩm trung gian trong sản xuất những sản phẩm khác. Ví dụ, một chiếc ô tô bán cho người tiêu dùng là một sản phẩm cuối cùng; các thành phần như lốp được bán cho nhà sản xuất ô tô là sản phẩm trung gian. Cũng chiếc lốp đó, nếu bán cho người tiêu dùng thì nó lại là sản phẩm cuối cùng. Chỉ có sản phẩm cuối cùng mới được tính trong thu nhập quốc gia, do việc đưa cả sản phẩm trung gian vào sẽ dẫn tới việc tính kép làm tăng ảo giá trị thực sự của thu nhập quốc gia. Ví dụ, trong trường hợp chiếc lốp được bán cho nhà sản xuất ôtô, giá trị của nó đã được tính khi nó được nhà sản xuất lốp bán cho nhà sản xuất ô tô, nếu sau đó một lần nữa được tính trong giá trị chiếc ô tô khi nhà sản xuất ô tô bán cho người tiêu dùng thì sẽ làm cho giá trị GNP tăng lên. Thu nhập được tính như là một phần của GNP, phụ thuộc vào ai là chủ sở hữu các yếu tố sản xuất chứ không phải là việc sản xuất diễn ra ở đâu. Ví dụ, một nhà máy sản xuất ô tô do chủ sở hữu là công dân Mỹ đầu tư tại Việt Nam thì lợi nhuận sau thuế từ nhà máy sẽ được tính là một phần của GNP của Mỹ chứ không phải của Việt Nam bởi vì vốn sử dụng trong sản xuất (nhà xưởng, máy móc, v.v.) là thuộc sở hữu của người Mỹ. Lương của công nhân người Việt là một phần của GNP của Việt Nam, trong khi lương của công nhân Mỹ làm việc tại
đó là một phần của GNP của Mỹ. Có nhiều cách tính tổng sản phẩm quốc dân, dưới đây là cách tính theo quan điểm chi tiêu xã hội: GNP = C + I + G + (X - M) + NR Trong đó: •C = Chi phí tiêu dùng cá nhân •I = Tổng đầu tư cá nhân quốc nội •G = Chi phí tiêu dùng của nhà nước •X = Kim ngạch xuất khẩu ròng các hàng hóa và dịch vụ •M = Kim ngạch nhập khẩu ròng của hàng hóa và dịch vụ •NR= Thu nhập ròng từ các tài sản ở nước ngoài (thu nhập ròng) Còn một chỉ số khác hay được nhắc kèm với GNP đó là chỉ số GNI_Gross National Income, tức Tổng thu nhập quốc gia hay Tổng thu nhập quốc dân. Giá trị của nó tương đương với giá trị của GNP. Tuy nhiên, người ta phân biệt chúng, do cách thức tiếp cận vấn đề là dựa trên các cơ sở khác nhau. GNP dựa trên cơ sở sản xuất ra sản phẩm mới, còn GNI dựa trên cơ sở thu nhập của công dân. Điều này là quan trọng để tiếp cận các khái niệm NNP và NNI. Khi đó phải tính đến khấu hao và các loại thuế gián tiếp, và NNI sẽ luôn luôn nhỏ hơn NNP một lượng bằng giá trị của thuế gián tiếp.