CHÚT NIỀM THÂM TẠ Tôi không dám nói như một chứng từ, nhất là chứng từ về một công việc gọi là “hội nhập văn hóa”. Thêm nữa, phải nói một cái gì chủ quan và riêng tư với nhiều đại danh xưng “tôi” trong một cuộc hội thảo mang tính nghiêm minh như vậy, thấy lạc lõng và kỳ kỳ làm sao ấy. Suốt bao nhiêu năm qua, tôi chẳng có một thao thức hay ý tưởng nào gọi là “hội nhập văn hóa”. Tôi đã quá mải miết đi tìm chính tôi, đau đớn đi tìm sự an lạc hay sự vỗ về nào đó cho tâm hồn tưởng như… tan tành xí quách. Đề đến hôm nay, phần nào tôi cũng nhận như cụ Nguyễn Khắc Dương: Đức Phật là vị Thầy vĩ đại của đời tôi, và Chúa Giêsu trong lòng Hội Thánh lại chính là tình yêu thấm thía nâng dậy toàn bộ những yếu hèn nhỏ nhoi của tôi. Và tôi biết chắc chắn rằng, với tình yêu đó, tôi đang được hướng về niềm thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc. Là một tín hữu đạo dòng thuần thành trong một làng quê nghèo khổ và chiến tranh, tôi chẳng biết gì về chùa về chiền, về Phật. Năm 20 tuổi, đang là một tu sinh có lẽ cũng “đạo đức” lắm, bỗng nhiên mọi sự chẳng còn êm đẹp xuôi chảy nữa. Không hiểu tại sao lại xảy ra cái gì như một sự nổi loạn trong tâm hồn, như một sự đảo lộn và giằng xé. Và lòng cứ nhớ thương tiếc nuối một cõi nào đó xa vắng mông lung… Nhớ thương… cõi ấy vô cùng, Trăm năm tìm mãi sao lòng chưa nguây ! “Tận kỳ Tính”, hỡi ôi, sống cho trọn bản tính của mình, hoàn thành cho tận tuyệt một kiếp đời phù du của mình ! Tiếng gọi đó khiến tôi thèm yêu, thèm sống, sống cho hết, sống cho đến tận cùng. Nhưng cũng vì thế mà tôi nhớ rừng nhớ núi, nhớ hoa và nhớ cỏ, nhớ đất và nhớ nước, nhớ một thuở nào xa xưa nhưng giản dị hồn nhiên, nồng nàn và đằm thắm. Nhớ một cõi miền nào Im Lặng. Bây giờ, ý thức lại, tôi tự hỏi đó có phải là nỗi nhớ trong trái tim “cổ lỗ” của một thằng con trai phương Nam vùng Đông Á, khi những cánh chim Lạc như cứ muốn bay vút lên, tìm cuộc hội ngộ hoan say với cánh rồng tung múa, giữa tiếng trống đồng rền vang trong những đêm trường lễ hội ? Hay trong lòng tôi, vẫn chẳng rời được nỗi “vọng phu” dằng dặc của hồn Việt ? Đức Giêsu và Hội thánh bấy giờ xuất hiện với tôi như một cái gì khô cứng. Sự khô cứng của những khái niệm thần học. Sự khô cứng của những nghị thức ra như trống rỗng mòn mỏi. Sự khô cứng của những bổn phận “phải” làm hơn là một tình yêu thiết tha tung cánh. Sự khô cứng giao điều đến cả những chân lý đức tin mà bấy giờ, tâm hồn nổi loạn của tôi dường như không chấp nhận nổi… Tôi chỉ “chịu” đức Giê su ở một điểm: Ngài “Người” quá ! Ngài “chịu chơi” với cuộc đời quá ! Ngài sống thân phận bi tráng kiếp người một cách cùng tột, đắm say, thân ái và giản dị quá. Đó là một người sống đến tận cùng xương máu mà vẫn như đang chạy rảo hồn nhiên giữa bình nguyên xanh ngát. Vì đó là con người “vô trú”, không bao giờ náu thân vào bất cứ điều gì, dù một hang, một ổ, một chỗ tựa đầu. Tôi to gan gọi Ngài là... Anh thương mến. Những lúc “tìm mình một trận cuồng phong, tìm em một trận lục hồng hư vô” (?) như thế, chẳng biết từ đâu, Triết Đông và Phật giáo len lỏi vào hồn tôi như một tiếng gọi vừa mãnh liệt vừa dịu dàng, như là cái đã từ tiền kiếp xa xôi nào lặng lẽ ở đáy linh hồn. Như tiếng gọi mời trở về miền Im Lặng Mầu Nhiệm. Tôi chẳng am hiểu gì về giao lý nhà Phật. Tôi chằng quen thuộc với dung mạo và nhân cách đức Phật. Tôi cũng chẳng tiếp cận nghiêm chỉnh với kinh điển. Vài câu vài chữ lơ mơ. Vài bài thơ, bài kệ. Và vườn chùa. Và tiếng chuông chiều buông trong cây lá… Phơ phất nhẹ nhàng, nhưng sao có sức giật tung những gì mòn mỏi và mệt mỏi. Phật, đối với tôi thuở ấy là cây cỏ mầu nhiệm, là dòng sông mầu nhiệm, là khoảng trời xanh lơ mầu nhiệm, là chính cuộc sống với mồ hôi, nước mắt và hạnh phúc mầu nhiệm… cái mầu nhiệm “chân không diệu hữu” mà tôi không thể chỉ là kẻ đứng ngoài ngắm nghía cách xa, nhưng phải thể nhập, phải LÀ, phải TRỌN.
1
Tôi “chộp” được Thiền của Thiền tông như một cơn điên mê dại và ngậy ngất. Tôi biết gì về Thiền đâu. Có một vị thầy nào chỉ giáo đâu. Nhưng phong thái mãnh liệt và những hành trạng vừa kỳ bí vửa đơn giản của chư Tổ Thiền tông như than hồng như sắt nóng thúc bách tôi sống cho đến tận cùng. Thiền, như lửa cháy, như “nấu dầu trên lửa hực”, như tiếng hét làm vỡ tung hoặc đảo ngược hết những hệ lụy để tung cánh vào bầu trờI tự do. Điếc không sợ súng, tôi tự mình “chơi” luôn thứ Thiền công án, mà phải là công án “KHÔNG” của Tổ Tiệu Châu và Vô Môn. Tôi nào có biết đó là con đường vô cùng hiểm nghèo đưa đến tan tành xương máu. Sau nhiều năm hì hục vơi công án Không mà chẳng “lặng lặng thầm thầm” cháy bỏng được, tôi nằng nặc đòi nhà dòng cho ra độc cư trên núi, sống tại một cái chòi hoang dã với nắng, gió, mưa, đói, khát, và sợ hãi nữa. Nhưngcần mốc gì đâu, chỉ làm sao bám lấy chữ “Không” tợn tặc thách đố kia mà sống. Làm lụng, tọa thiền, tất cả đều như ráng nhắm mắt nhắm mũi mà hỏi: “Không ? Không là gì ? Là gì ?”. Nhưng hình như, chẳng bao giờ tôi nhất tâm nhất niệm mà nêu công án Không lên cho trọn. Chỉ thấy một điều rất lạ kỳ, là khi càng muốn nêu công án Không lên, thì từ một vùng sâu thẳm nào đó trong lòng, tự nhiên một câu hỏi khác, câu hỏi rất khác, cứ vang lên như một sự thúc bách còn dữ tợn hơn nữa: “Đức Giêsu là ai ? Hội Thánh là gì ?”. Vấn đề Giêsu, và là vấn đề Giêsu trong thế tương quan với Hội thánh. Vâng, chẳng phài chỉ là một vấn đề, nhưng như một cáo gì đeo bám chẳng rời được. Và cứ thế, một năm, hết phép, thân tàn ma dại, tôi… ôm đầu máu thua cuộc mò lại về nhà dòng, tay trắng ! Thất bại, bất lực, lòng rỗng tuếch và đau đớn, nhưng câu hỏI về Giêsu và Hội thánh sao cứ đeo bám chẳng nguây. Tại sao ông Giêsu lại cứ đeo bám tôi mãi không thôi đến thế ? Cái lần ngoài núi, nghe một câu kinh Bát Nhã: “Bất sinh bất diệt, bất cấu bật tịnh, bất tăng bất giảm”, sao tôi rung động cái rung động của một tên Kitô giáo về một Cha Vô Lượng chứ không phải về Thể Tánh Chân Không ? Hay Thực Tướng Không Tướng của vạn pháp cũng chính là Cha Vô Lượng Vô Cùng vượt trên tất cả những đối đãi của Nhị nguyên phân biệt ? Thôi, thôi, không dám lý thuyết… Nhưng khốn khổ nhất vẫn là cái ông Giêsu. Ông Giêsu là ai ? Là ai ? Tôi vừa chống cưỡng câu hỏi đó vừa lao vào đủ thứ trần gian hệ lụy như trước kia đã từng lao vào đủ thứ chông chênh hệ lụy. Và ngay khi đó, đang trong một năm “nổi loạn” và thất bại, cũng như “hư hỏng” cùng cực đó, tôi được gọi làm… linh mục. Cảm giác sợ hãi xâm chiếm tất cả con người của tôi. Con người phèo phọt đức tin, con người đã te tua bầm giập, con người đã không “ngớn” bất cứ thứ gì của trái đất, làm sao có thể làm linh mục ? Tôi có đủ lương thiện và dũng khí để trốn đi ? Tôi có đủ can đảm để từ chối khi cả một “guồng máy” đã khởi động ? Hoang mang và sợ hãi, tâm hồn tôi vừa rối bời vừa tan nát. Mấy đêm đó, tôi vào ngồi thù lù trong ngôi nhà nguyện nhỏ, trước Mình Thánh Chúa, như một sự đay nghiến, sự hờn dỗi, sự nức nở bắt đền… Ông Giêsu, ông là ai là tôi không “trốn thoát” được, cứ gây những phiền nhiễu dữ dội cho đời tôi đến thế ? Cho đến đêm kia, tôi thử tiến lên, lại đứng sát Nhà Chầu. Làm sao tôi quên được giây phút đó, khuya vài hôm trước khi làm linh mục. Tiến lên, đứng sát Nhà Chầu. Và bỗng nhiên, như có luồng điện chạy suốt con người tôi. Có cái gì hơn là cảm giác, hơn là sự rung động, mà là một sự phủ chụp lấy toàn bô con người và cuộc đời của tôi. Ngay giây phút đó, tôi HIỂU rằng dù tôi có là hòn đá hòn sỏI, dù tôi có lấm bùn bê bết, dù tôi đã thân tàn ma dại, dù tôi đã hỏng bét cả cuộc đời, thì đức Giêsu vẫn gọi và chọn tôi. Đó hoàn toàn là “tình yêu” và “ý muốn” của Ngài. Tình yêu đổ tràn trên tôi. Và tôi biết, Ngài yêu tôi, Ngài là tình yêu vô tận của Chúa Cha. Tình yêu đó làm bừng sáng huy hoàng tâm hồn tôi. Và tôi gọi Ngài là Chúa, Cứu Chúa của đời tôi. Ngày 1.4.1993 ấy, khi mặc phẩm phục tế lễ của người linh mục, những câu thánh vịnh
2
sao chứa chan và “thật” đến thế, là chính tiếng lòng của tôi, là tiếng khóc nừng vui của cả mấy chục năm quay quắt giãy dụa đời tôi: “Từ âm phủ, Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống”, “Ngài cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng” và “Tình thương Chúa và muôn phúc lộc, hằng dõi theo suốt cuộc đời tôi”. Đối với tôi, tác vụ linh mục trước hết là một dấu chỉ, dấu chỉ của một ân ban, đó là đức Giêsu đã xâm chiếm lấy tôi, đức Giêsu đã tràn trụa tất cả ân trời lộc đất trên tôi. Và từ nay, tôi cứ trao thân gơi phận cho Ngài, tôi cứ được hoà vào trong tình yêu thương vô tận của trời đất ẩn chứa trong con người trần trụi nhỏ bé là Ngài. Để từ đó, mỗi lần nâng lên bánh và rượu, mỗi lần làm lại cái cử chỉ muôn đời thân thương của Hội thánh mà “nhớ đến” thầy Giêsu, tôi được biết chắc chắn rằng mình đang nâng lên những khổ đau, hạnh phúc, tội lỗi, hy vọng vốn nhỏ nhoi của con người trên trái đất. “Khi nào tôi được treo cao trên Thập giá, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi”. Ôi, những lời ba-la-mật từ trái tim Bồ Tát Thiên Chúa… Tôi nào dám nói tôi đạt đạo hay giác ngộ gì đâu. Tôi chỉ được cứu sống. Nhưng tôi biết tôi TIN. Tôi biết tôi tin vào AI, tôi sống với điều gì. Và cũng vì thế, tôi tin vào con người. Tôi tin vào trái đất. Tất cả chỉ còn là tình yêu thôi. Mặc cho bao nhiêu mong manh vô thường của đời sống, mặc cho bao nhiêu kỳ dị, điên khùng , khổ đau, tội lỗi , ác độc vẫn diễn ra trong đời sống, tôi tin rằng tất cả chỉ là những cái bên ngoài, là cái “Tướng”, cái “Tích”. Ở đáy sâu trong tất cả, là “Thể Tánh” là “Bí Nhiệm”, tức Mầu Nhiệm Lời Tình Yêu vẫn hằng trôi chảy mà vô cùng miên viễn như bất động trong tất cả. Đó là “Lời” Tình Yêu tràn đầy trời đât. “Lời” Tình Yêu thẩm thấu trong tất cả những nhỏ nhoi tầm thường của trời đất. Cùng với Giêsu, tôi đựoc gọi Tình Yêu , Thánh Thiện, Vĩnh Viễn, Cội Nguồn trong trời đất bằng “Cha”. Và tình yêu đó hiện diện rồi tuôn trào từ con người nhỏ bé là Giêsu, người làng Nazarét. Hiện diện đầy ứ đến độ con người nhỏ bé Giêsu dường như không chứa đựng nổi, đến nỗi phải leo tuốt lên thánh giá và hoá mình ra Không trong lòng huyệt mộ. Và từ đó, bay viên miễn vào cõi phục sinh. Con đường “nhờ đức Kitô, với đức Kitô, trong đức Kitô” còn dài thăm thẳm, nhưng mỗi ngày, lòng tôi cứ chan chứa lời tạ ơn. Tạ ơn Ngài là tình yêu cứu sống đời tôi. Tạ ơn tình yêu Giêsu đã đem lại bình an thanh tịnh trong tôi. Và bấy giờ, khi tôi biết mình gắn bó suốt đời với Chúa Kitô, tôi tự hỏi còn đức Phật, đức Phật ở đâu rồi ? Bao nhiêu năm, tôi đã gắn bó với con đường của Phật, của Tổ. Bao nhiêu năm, Phật giáo ở trong trái tim của tôi, là ánh đuốc soi đường tôi đi, là ngọn lửa thúc bách tôi sống và tìm kiếm. Nếu không có đức Phật và giáo pháp của Ngài, nhất là qua Thiền tông, chẳng biết đức Giêsu sẽ xuất hiện với tôi như thế nào đó nhỉ. Phải chăng, con đường Tâm lý trị liệu và nhất là giáo pháp của đức Phật chính là con đường đức Giêsu dẫn đưa tôi đi ? Tôi yêu thương và kính trọng đức Phật cùng giáo thuyết của Ngài biết mấy. Phật giáo, như dòng máu của tôi, như là Đất và Nước ở trong tâm hồn tôi, như Thiên Nhiên mãnh liệt mà từ hòa đôn hậu của tuổi thơ tôi. Tôi chẳng ngại ngùng gì cho rằng mình là đứa con và đứa học trỏ nhỏ bé của đức Phật. Tôi là Phật tử. Và đức Giêsu đã đến, yêu thương, kính trọng và… “kết hôn” với người Phật tử là tôi. Có biết bao điều mà Phật giáo Thiền tông ngày hôm nay vẫn đang soi đường cho cuộc hành trình của tôi với đức Kitô. Sự nhất tâm nhất niệm để dống đức tin. Sự dám “nhìn thấy” Thể Tánh “Chân Không” linh diệu của trần gian, xuyên qua những tướng vô thường của cuộc sống. Và tôi nghĩ, đời sống đức tin Kitô giáo gắn chặt vào một Con-NgườiThiên-Chúa là đức Giêsu Kitô, chính là một con đường rất “thiền”, một thứ thiền “tối thượng thừa” của đức tin Kitô giáo. Đức Giêsu đã thay đổi trọn vẹn bản chất trần gian. Trần gian là linh thánh, là tình yêu, là Giêsu Kitô. Tức là: trần gian chỉ còn là những hình tướng của một tình yêu duy nhất. Trần gian tràn đầy mâu nhiệm “Lời" duy nhất. Nếu “Tâm” chính là “Lời”, “vọng tâm” là “lời người” và Chân Tâm là “lời Chúa”, xuay vọng tâm mình lại để thể nhập vào Chân Tâm, phải chăng đó cũng là “Mầu Nhiệm Lời” mà bao nhiêu chư Phật chư Tổ và hàng vạn hàng vạn anh chị em Phật giáo hướng tới ? Chỉ có điều, đức Giêsu là “hình tướng” của Mầu Nhiệm Lời, và toàn bộ con người Giêsu là “hình
3
tướng” của Thể Tánh Ngàn Trùng Siêu Việt là Chúa Cha, thì Bí tích Giêsu là một công án quá tối thượng, quá gian nan hiểm nghèo, như vách đá ngàn năm sừng sững... Hay đó là thứ công án chỉ dành cho những tên ngu muội, tội lỗi và bất lực như tôi ? Bây giờ, là linh mục Kitô giáo, nhưng tôi lại cũng là kẻ như đang sống hai đạo cùng một lúc. Hai đạo để thờ cùng một Chúa. Hai đạo để thấy đức Giêsu và tình yêu của Ngài cứ “chiếm đoạt” lấy tôi. Cái bên này lại “chiếu” vào cái bên kia, cái bên kia lại “soi” cho bên nọ. Ừ, có bao nhiêu bức màn ngôn từ hoặc những thứ gì đó của những chẻ chia phận biệt kiểu trần gian làm cho chúng ta hiểu lầm nhau. Chúng ta là hai, rất hai, nhưng càng là hai thì lại càng nên một, và càng nên một thì mới sống được trọn thế là hai. Chẳng phải là nhà thần học, nhưng sao tôi cứ cho rằng, rồi đây, kinh điển, giáo thuyết, lối sống và nhất là Thiền tông của Phật giáo sẽ có thể đóng góp biết bao cho đời sống Kitô hữu, từ việc diễn tả mầu nhiệm Lời mạc khải của đức Kitô, về các Bí tích, và nhất là đời “linh đạo”. Như một thiền sư định nghĩa, Thiền là “buổi sáng nói lời chào mừng, buổi tối nói lời trân trọng”, giờ đây, mỗi ngày tôi cũng đang được nói lên lời chào mừng, trân trọng và tạ ơn bằng hiến lễ của đức Kitô, bằng lời kinh Beneditus và Magnificat của Mẹ Hội thánh. Trong đức Kitô, với Ân Ban Cứu Sống, tôi cũng xin được cúi đầu đảnh lễ tạ ơn chư Phật, chư Tổ cùng tạ ơn những gì đang thầm lặng nuôi dưỡng ngàn đời tâm hồn Việt. Các Ngài mãi mãi là những vị Thầy mà qua đó, tôi đón nhận được đức Giêsu, Cứu Chúa cho tôi,. Tôi xin được kết thúc những lời chia sẻ này bằng tiếng sét của Tâm Kinh Bát Nhã, rằng: GATE, GATE, PARAGATE, PARASAMGATE, BODHI, SVAHA. GATE là Độ, là Vượt, là Vượt Qua, là Phục Sinh, hay là “Việt”. Lm Đ.C.S. (02/1996).
4