Ðặc Trưng
Ðêm giữa ban ngày Chương 13
Một điều bất thường xảy ra phá tan dòng chảy đơn điệu của những ngày tù đáng ngán. Sáng hôm sau, thay vì mấy củ khoai hà lạnh ngắt, Sứ giả Hòa bình mang vào cho chúng tôi hai suất ăn sáng gói trong giấy báo. Vào giờ này xà lim còn tối. Ðể tiết kiệm điện, ngọn đèn chang chang suốt đêm hành hạ chúng tôi lại tắt ngóm vào đúng lúc chúng tôi cần đến nó hơn cả. Trong ánh sáng mờ mờ rỉ qua cửa thông hơi tôi phát hiện bên trong mảnh giấy báo là hai cái bánh tí hon chỉ nhỉnh hơn quả chuối mắn một ít. Ðành ăn mò vậy. Ăn mò có cái tốt của nó - mình không bị cảm giác gớm ghiếc khi nhìn thấy trong miếng ăn đang đưa vào miệng những vật đáng sợ - những mẩu rác hoặc những con mọt. Thời gian này mì viện trợ dồi dào để lưu cữu trong các kho ẩm ướt cho nên nếu không mốc thì cũng đầy mọt. Những con mọt đen trũi hiền lành chẳng có gì nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, nhưng miếng mì luộc lẫn xác mọt vẫn làm tôi rùng mình. Cầm chiếc bánh lọt thỏm trong tay tôi ngạc nhiên thấy nó còn ấm. Cắn miếng đầu tiên tôi còn ngạc nhiên hơn nữa : nó không phải là thứ bánh mì chua loét nào đó tôi thường gặp, mà là bánh mì trắng thơm phức, lại kẹp ba-tê hẳn hoi. Và ngon ơi là ngon ! Tôi ăn ngấu nghiến. Cái bánh mì đáng yêu tan ra trong miệng như một giấc mơ. Thật vậy, cái bánh mì ngon đến mức không thể tin được. Tôi nói như thế không phải trên quan điểm của người tù xà lim thường xuyên đói, thấy cái gì cũng ngon. Nó ngon thật sự, cho dù tôi có ở bên ngoài Hỏa Lò. Bột mì mềm và thơm, vỏ lại ròn, batê tuyệt vời, đến nỗi tôi có cảm giác trong đời mình tôi chưa từng được thưởng thức một món điểm tâm nào ngon đến thế. Tiếc quá, nó hết quá nhanh. Vào thời gian này thực phẩm ở Hà Nội "không được dồi dào", nói theo cách của các nhà chính trị. Tại các cửa hàng ăn mậu dịch quốc doanh chỉ có một thứ phở, lại là phở chỉ có bánh không có thịt, tục gọi là "phở không người lái(1)". Ðể ăn được một bát phở như thế còn phải xếp hàng rồng rắn, có khi cả nửa giờ mới tới lượt. Tất nhiên, ở đâu đó vẫn tồn tại những quán chui có đủ thứ : chim quay, gà tần hạt sen, vịt tần thuốc bắc, ba ba hồng xíu.. hoặc chuyên doanh tiết canh, lòng lợn.... Những quán chui này, dù là chui cũng không phải dành cho đám cán bộ ba cọc ba đồng chúng tôi. Cho nên nếu tôi có khen cái bánh mì ba-tê nọ là cực kỳ ngon thì cũng không phải ngoa ngôn. Bữa ăn sang trọng giữa Hỏa Lò làm cho Thành ngạc nhiên không kém. Vừa thưởng thức dè xẻn cái bánh còn ấm trong buổi sáng lạnh giá anh vừa hỏi tôi : - Lạ thật, sao bỗng dưng người ta lại giở chứng chiêu đãi chúng mình sang thế này ? Hay hết chiến tranh rồi mà nằm trong xà lim mình không biết ? - Hòa bình thì Hỏa Lò này phải ồn lên chứ. Mới lại, hòa bình đâu có phải tin cần phải giấu. - Hay là sắp có đoàn kiểm tra đến ? - Người ta sợ cóc gì kiểm tra. Ðoàn nào cũng phải sợ Bộ Nội vụ. - Ngộ có kiểm tra quốc tế kìa, Hồng Thập Tự chẳng hạn. Họ đến thăm tù binh, nhân tiện ghé qua xem tù mình sống ra sao ? - Cái đó khó xảy ra lắm. - tôi cười cái giả thuyết hỡi ơi của Thành - Cho dù Hồng Thập Tự quốc tế có đề nghị. Người ta sẽ nói : chúng tôi giam tù thế nào là công việc
nội bộ của chúng tôi, không khiến các người dây vào. - Ừ nhỉ. Chúng tôi đặt ra đủ mọi tình huống. Ðủ mọi dự đoán. Cái nọ phủ định cái kia. Chẳng cái nào có sở cứ. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong tôi : rất có thể cái bánh mì liên quan tới bức thư của cha tôi chăng, tới thái độ ngoan ngoãn của tôi sau khi đọc bức thư chăng ? Khốn nạn, thì ra nó là phần thưởng cho sự đầu hàng ! Tôi nghẹn ở cổ họng. Nước mắt tôi ứa ra. - Cái bánh này ở ngoài kia giờ giá chừng bao nhiêu hở cậu ? Thành hỏi sau khi những dự đoán đã cạn. - Tôi không rõ. Tôi cũng chẳng biết nó bán ở đâu. Bánh mì các loại kẹp thịt quay, giăm-bông hoặc ba-tê ngon nhất Hà Nội chỉ có ở hiệu Nguyên Sinh. Tôi đã có lần ăn ở hiệu này, cách đây cũng đã mấy tháng. Khẩu vị của tôi không thể nào thay đổi trong thời gian ngắn ngủi đó, thế mà tôi thấy cái bánh mì này còn ngon hơn bánh mì Nguyên Sinh nhiều. Chỉ có thể nghĩ đây là loại bánh mì đặc biệt, do một cơ sở đặc biệt được ưu tiên cung cấp nguyên liệu làm ra. Tôi là dân thường. Cán bộ như tôi không được hưởng những thứ không phải dành cho dân thường. Người Hà Nội hồi đó đều biết thành phố có mấy cửa hàng cung cấp đặc biệt với sổ mua hàng đặc biệt. Cán bộ trung cao cấp mua ở cửa hàng Nhà Thờ, cán bộ tương đương thứ trưởng trở lên thì mua ở cửa hàng Tôn Ðản. Cửa hàng Hàng Trống chỉ phục vụ chuyên gia nước ngoài và cán bộ cao cấp, giám đốc cửa hàng này là bà em ruột Lê Ðức Thọ. Hàng hóa ở các cửa hàng cung cấp đặc biệt phần nhiều là đồ ngoại nhập mua bằng tiền viện trợ, không có bán ở ngoài, đã hiếm lại rẻ. Chỉ ở đây mới có sô-cô-la, phó-mát, vải đẹp, nước hoa vv. Do đó ngoài giá trị thực dụng phiếu mua ở các cửa hàng loại này còn có giá trị như niềm tự hào được khẳng định. Tôi được nghe một đoạn đối thoại như thế này giữa hai bà vợ ông to : - Chị đi đâu vậy ? - Em đi Nhà Thờ. - Chết chửa, chị vẫn còn phải đi Nhà Thờ à ? Em tưởng nhà chị được Tôn Ðản từ lâu rồi chứ. Nhà em có đã hai năm rồi. Chị phải nói anh xin gặp anh Sáu đi, thêm một bậc chuyên viên nữa có là bao, anh Sáu cho đấy, chị đỡ vất vả, tội nghiệp quá ! Tôn ti đẳng cấp phong kiến bị nguyền rủa từ khi có cách mạng được lập lại với cách giải thích nghe hợp lý nhưng khó lọt tai : để cho cán bộ lãnh đạo có sức khoẻ tốt đặng phục vụ nhân dân. Người ta kháo nhau rằng ở Bắc Ninh, hay Bắc Giang không rõ, có mấy nông trường cung cấp đặc biệt dành cho Trung ương, chỉ ở đó mới còn lại giống lúa một thời nổi tiếng trong cả nước như tám thơm, tám xoan, nếp râu, nếp cái hoa vàng... nay hầu như đã tuyệt chủng trước cuộc xâm lấn có lãnh đạo của những giống cao sản cho gạo không ngon nhưng chắc dạ. Cũng chỉ ở mấy nông trường này mới có loại bò giống tốt cho sữa tươi ngon, lợn ỉ chính nòi thơm thịt, hoa quả toàn đặc sản. Tiếng là dành riêng cho Trung ương, nhưng cũng chỉ dành cho Bộ Chính trị với các đồng chí Trung ương cổ cánh thôi, chứ không phải ủy viên Trung ương nào cũng được hưởng. Cũng theo lời thiên hạ đồn thì chim bồ câu dành cho các vị được nuôi bằng đậu xanh để ăn cho bổ. Thức ăn cho Bộ Chính trị là các thứ quý hiếm này, do một bộ phận phục vụ riêng lo lắng. Ăn cái bánh mì ngon tôi lại nhớ tới bữa rượu suông trên gác nhà Nguyễn Tuân ở đường Trần Hưng Ðạo. Ðó là bữa rượu tao ngộ. Nhà văn già túm được tôi lang thang gần Nhà hát Nhân dân bèn lôi tuột về nhà, chứ không có hẹn trước. Ông đang lên cơn phiền muộn vì sự xuất hiện mới đây trên báo chí một con chữ kỳ cục. - Anh xem đây, đọc đi rồi cho tôi biết ý kiến. Ông quăng cho tôi một tờ báo chi chít những dấu sửa lỗi. Bài báo được Nguyễn Tuân
chú ý bị ông sửa như sửa mo-rát(2). Cách sửa mo-rát của Nguyễn Tuân rất đặc biệt, không giống ai - từ trong khối chữ chạy ra lề những đường thẳng, đường gẫy, đường ngòng ngoèo, để kết thúc bằng những chữ, những từ, có khi cả một câu. Ðộ lớn của những lỗi phải sửa phụ thuộc ở tâm trạng nhà văn già. Khi ông bực lên thì một dấu phẩy phải thêm vào sẽ to bằng móng chân gà. Tôi giả vờ chăm chú đọc. - Tiếng Việt mình không đến nỗi nghèo, phải không nào ? - Nguyễn Tuân giận dữ - Ít nhất thì nó cũng không nghèo đối với trình độ mấy thằng cha cầm bút kém chữ thời nay. Trong tiếng Việt có chữ y có chữ thị. Y chỉ anh đàn ông, thị chỉ chị đàn bà, rành rành. Vậy mà mấy thằng phó tóm(3) thất học lại dám nghĩ rằng tiếng Việt ta bần hàn. Mới thương tình đẻ rặn ra cho nó một cái từ kép y thị để chỉ mụ đàn bà phạm tội. Khốn nạn thay cho cái tiếng Việt của ông cha ! Bất cứ thằng bỏ mẹ nào cũng đè nó ra mà hiếp được. Mặt ông khổ sở như chính ông bị xúc phạm. Tôi cười xòa. Tôi thích ngắm tình yêu chữ nghĩa của Nguyễn Tuân. Tất nhiên, tôi đồng ý với ông. Nhưng cũng tất nhiên, tôi, và cả lớp trẻ tụi tôi, chẳng bao giờ bị dằn vặt, chẳng bao giờ khổ sở như ông chỉ vì một con chữ. Ư`thì người ta đẻ ra một con chữ quái dị, đã chết ai đâu ! Ðể trêu chọc Nguyễn Tuân một chút cho vui, tôi rụt rè thưa với ông rằng ông không nên vội nổi nóng, biết đâu cái từ kép y thị mà các phó tóm nghĩ ra chửa biết chừng lại hay cũng nên. Nó có thể đắc dụng cho tiếng Việt để chỉ một ái nam ái nữ, hoặc một pédéraste(4) chẳng hạn. Vấn đề là liệu nó có tồn tại được không, có được nhân dân chấp nhận không. Từ ngữ cũng như con người, trước hết nó phải được sinh ra đã, sau đó là chuyện khác : nếu nó không chết yểu thì sống lâu khắc lên lão làng. Nguyễn Tuân trợn mắt, gắt ầm lên. Rằng ông không cần đến mấy thằng phó tóm nhảy vào lãnh địa văn chương chữ nghĩa vốn chẳng phải của chúng, rằng chẳng ai khiến chúng sáng tạo thêm cho tiếng Việt, rằng cái từ để chỉ pédéraste trong tiếng Việt đã có sẵn rồi. Nói ra được nỗi bực bội rồi, vơi được nỗi phiền muộn rồi, Nguyễn Tuân trở lại tâm trạng vui vẻ thường nhật. Ông lục trong góc bàn lấy ra một chai rượu trong vắt, trịnh trọng rót hai ly. Tôi nhấp một ngụm. Ông chăm chú nhìn vào mặt tôi : - Ngon không ? - Thưa bác, tuyệt. Nguyễn Tuân cười khúc khích, ghé vào tai tôi : - Rượu bộ đấy ! Tôi ngẩn người. Rượu bộ, nó là cái gì ? Tôi không phải con cháu Lưu Linh, nhờ các bậc đàn anh chỉ bảo cũng biết võ vẽ đôi chút về rượu. Nguyễn Tuân thích rượu làng Vân, nhưng phải do một lão nông người làng này cất kia, chứ người khác cất ông chê. Ông khen rượu Trương Xá, khen vừa phải, nói rượu Trương Xá ngon đấy, phải cái hơi gắt. Ông cũng thích rượu Kiên Lao mà cha tôi thường đặt mua để biếu ông. Ông nói rượu Kiên Lao ngọt giọng mà có hương thầm. Bây giờ ông lại khen một thứ rượu lạ hoắc, tôi chưa từng nghe nói. Nguyễn Tuân khoái trá nhìn tôi : - Anh không hiểu rượu bộ là gì hử ? - Không ạ. - Là rượu-do-Bộ-Công-an-nấu ! - Nguyễn Tuân nhấn mạnh từng tiếng - Tôi đặt cho nó cái tên rượu bộ để phân biệt với các thứ rượu quốc doanh với không phải quốc doanh khác. Việt Hùng vừa mới xách cho tôi hai chai. Thứ này đúng là hảo hạng, chỉ có loại rượu trên tiền, rượu không phải để bán mới ngon được như thế. Ông giảng cho tôi một bài về những ngón nghề nấu rượu dân dã, về các loại men với đủ các vị thuốc Bắc thuốc Nam. Nghe Nguyễn Tuân nói thì có thể nghĩ ông là một tay nấu rượu lậu chuyên nghiệp. Mỗi lần đến chơi với Nguyễn Tuân là một lần tôi học thêm được một chút kiến thức ít người biết. Chỉ cần gãi đúng chỗ ngứa của ông. Phải
cố mà nhớ nằm lòng, chớ có giở giấy bút ra ghi chép. Thấy anh ghi chép thì thể nào ông cũng sừng sộ :"Ðịnh ghi để báo cáo tôi đấy hử ?" - Việt Hùng chầu này đến tôi luôn. Mình cứ sắp hết rượu là y như rằng nó xách rượu đến, tài thế ! - Nguyễn Tuân quay lại câu chuyện nói dở - Lần nào cũng một thứ này thôi. Cán bộ thường như mình tiền đâu mà lúc nào cũng rượu ngon ? Mình thì gặp chăng hay chớ, Văn Ðiển cũng ừ, Làng Vân càng tốt, miễn bạn đến nhà có rượu đãi ? Cái này không phải rượu bình thường, cái này gọi là "phương tiện công tác" đây, tôi nghĩ thế. Mới bảo nó :"Anh với tôi là bạn vong niên, mình gặp nhau nên nói chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện các thú chơi của các cụ ngày xưa, vui hơn. Ðừng nói chuyện chính trị, tôi nhức đầu". Nó tào lao một lát rồi về. Rượu thì để lại. Này, thằng ấy kiến thức rộng ra phết ! Từ rượu bộ, do tính chất chật hẹp của nó, chỉ một số ít người biết, mà phải là những người đã từng được Nguyễn Tuân hoặc Văn Cao đãi rượu kia, bởi vì Việt Hùng, theo tôi biết, chỉ biếu có hai ông mà thôi. Việt Hùng làm việc ở Bộ Nội vụ, ở cơ quan nào trong bộ tôi không rõ, các ông bạn tôi cũng không rõ. Chúng tôi tế nhị không hỏi, Việt Hùng thì không tự nói ra. Là người quảng giao, có kiến thức rộng, Việt Hùng nhanh chóng đánh bạn với các văn nghệ sĩ loại cứng đầu và nửa cứng đầu như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyễn Sáng, Ðặng Ðình Hưng, Tử Phác, Kim Lân vv... Mọi người xì xào rằng Việt Hùng là cá nổi làm nhiệm vụ cá chìm. Mình sợ quái gì, cứ thản nhiên mà chơi, anh em nói, cứ để cho Việt Hùng nó báo cáo. Còn hơn để mấy thằng cá chìm i tờ kiếm chuyện lập thành tích, mình có làm quái gì đâu mà sợ. Nhưng nói cứng thế thôi, chứ trong quan hệ với Việt Hùng anh em văn nghệ sĩ vẫn cứ rợn rợn. Sau này, chơi với Việt Hùng lâu rồi, hiểu Việt Hùng kỹ hơn, tôi cho rằng cái sự cảnh giác thái quá đối với Việt Hùng của anh em chúng tôi hơi bệnh hoạn. Nỗi sợ hãi này nằm trong nỗi sợ hãi chung của dân chúng đối với cái chế độ hàm chứa rặt tai họa cho mỗi người mỗi nhà. Có lần Nguyễn Tuân rủ rỉ khuyên chúng tôi phải học thuộc cách chia véc-bờ (5)sợ ở mọi ngôi thứ : tôi sợ anh, anh sợ tôi, chúng ta sợ nó, nó sợ anh, chúng tôi sợ các anh, nó sợ chúng ta, chúng ta sợ chúng nó, các anh sợ chúng tôi vân vân..., cứ thế mà chia. Thuộc hết thì sống mới dễ. Tôi quen Việt Hùng trong một thời gian không đến nỗi ngắn, đủ để hiểu một con người. Tôi nghĩ nếu số trời run rủi cho Việt Hùng làm bộ trưởng Công an thì còn tốt cho nước ta hơn nhiều so với đương kim bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Nhưng anh mãi mãi chỉ là một cán bộ làng nhàng, một chuyên gia sáng tác báo cáo, thỉnh thoảng được mời giảng bài cho một lớp huấn luyện. Anh là người tốt, nhưng trong một xã hội không đề cao lòng nhân ái, mà đề cao đấu tranh giai cấp và cảnh giác cách mạng, anh chỉ dám làm những điều tốt trong điều kiện chúng không làm thiệt hại đến mình. Việt Hùng có thể thành bạn thân của chúng tôi nếu anh không phải là công an. Tôi coi cái đó như một sự thiệt thòi cho cả hai bên, cho anh nhiều hơn cho chúng tôi. Trước khi bị bắt vài ngày tôi có đến chơi nhà Việt Hùng. Anh tiếp tôi với vẻ mặt ngượng ngùng. Vụ khủng bố trắng đang làm xôn xao dư luận. Anh thấy mình chẳng đẹp đẽ gì khi đứng ở phía chính quyền. Tôi hỏi vỗ mặt : - Thế nào, nhà chuyên chính vô sản, liệu tớ có bị bắt không đấy ? Việt Hùng làm ra vẻ bận bịu với ấm trà để tránh cái nhìn sỗ sàng của tôi : - Bộ phận mình không dính tới vụ đó. Ðây là việc của Ban tổ chức Trung ương... - Nhưng công an thì đi bắt ? Việt Hùng nhún vai. Hôm ấy tôi quên khuấy không hỏi Nguyễn Tuân cái từ Việt chỉ pédéraste trong bữa rượu và rất ân hận đã không hỏi ông. Nó chắc chắn phải thú vị. Rượu bộ của ông êm quá, làm tôi say lúc nào không biết. Mà đã say thì tôi lười. Tôi đã đi ra ngoài lề câu chuyện. Có lẽ cái bánh mì ngon lành kia cũng được chế tạo tại một lò bánh đặc biệt, lò bánh
mì bộ, nói theo cách của Nguyễn Tuân. Cả ba-tê cũng thế, nó là ba-tê bộ. Cái bánh mì đã tiêu hết rồi Thành mới bình luận : - Thứ này, cậu ạ, không phải thứ dành cho tù. Từ ngày vào đây tôi chưa bao giờ thấy nó. Tôi im lặng. - Tiêu chuẩn cao thế này chỉ dành cho tù đặc biệt thôi, đặc biệt thế nào tôi không biết, nhưng không thể có chuyện tù thường được ăn. Ngoài kia cậu chuyên viên mấy ? - Chuyên viên đâu mà chuyên viên. Tôi cán sự ba. - Sao ? Cậu mà có cán sự ba thôi ư ? Tôi cười buồn. - Thật mà. Giấu anh chuyện lương lậu làm quái gì. - Thế thì đúng là cậu bị lườm rồi. Trình độ cậu phải chuyên viên chứ đâu có ở mức cán sự. Bướng, phải không ? Thế nhưng ở đây cậu được đối xử khác thường đấy. Thành gật gù - Gì thì gì, người ta cũng coi cậu là tù đặc biệt, hoặc do chiếu cố, hoặc do sự vụ chưa rõ ràng. Hì hì, thế là tôi vớ bở - được ăn theo. Chúng tôi đã thân mật hơn. Thành hơn tôi chừng dăm tuổi. Không nhớ từ lúc nào anh tự cho phép mình gọi tôi bằng cậu. Tôi vẫn còn ngây thơ. Trong những dự đoán do cái bánh mì bộ gây ra thấp thoáng cả hi vọng được thả. Tôi nghĩ : nếu không định thả thì họ chiều tôi làm gì ? Tôi biết những nhà lãnh đạo của chúng tôi lắm, họ không bao giờ có tinh thần hiệp sĩ đối với kẻ thù. Trong họ không có khái niệm quân tử. Giỏi lắm thì họ cũng chỉ đạt mức đại tiểu nhân mà thôi. Tất nhiên khả năng thả chúng tôi không thể loại bỏ. Dư luận, như một làn sóng ngầm mạnh mẽ, bị coi khinh đấy, bị đàn áp đấy, nhưng nó vẫn sống, vẫn tồn tại, và không phải nó không có sức làm nhà cầm quyền nao núng. Nhân dân bị phản bội. Ðó là điều rõ ràng. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã thành công rực rỡ trong sự thay thế những ông chủ da trắng bằng những ông chủ da vàng. Cái khác là cách cai trị của những ông chủ mới tinh tế hơn những ông chủ cũ nhiều. Mọi sự bóc lột, đè nén giờ đây được tiến hành trong tiếng kèn hoan hỉ ngợi ca cuộc đời mới, trong cờ xí rợp trời, trong ánh lấp lánh của vàng mạ phủ lên mọi tối tăm, tủi nhục, tiếng rìu đao phủ chìm nghỉm trong khúc quân hành, và đám đông bị mê mẩn bởi những lời cổ vũ hùng hồn rầm rập kéo nhau đi tới miền đất hứa ở tít mù tầm mắt không nhận thấy máu đồng bào nhơm nhớp dưới chân mình. Tôi đã đi trong đám đông bị thôi miên, trong cuộc lên đồng vĩ đại. Người đầu tiên muốn thức tỉnh tôi là cô ruột tôi lấy chồng ở phủ Xuân Trường. Chồng bà, một ông chưởng bạ42, là một người yêu nước không cộng sản. Ông ủng hộ cách mạng từ hồi bí mật, tham gia tổng khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp vừa làm trong ban hội tề2 để giữ thế công khai vừa làm chủ nhiệm Việt Minh xã. Trong Cải cách ruộng đất, ông bị đưa ra đấu, bị vu là phản động, nhà cửa bị tịch thu, gia đình bị khủng bố. Ðến khi Ðảng sửa sai, ông chỉ còn kịp lết về đến nhà để tắt thở trong vòng tay vợ con. Những việc xảy ra với cô tôi tôi không biết. Tôi đang học ở Liên Xô. Trở về Việt Nam, năm 1957, làm phim Ánh Sáng Tháng Mười nhân dịp kỷ niệm 40 năm cách mạng Nga, tôi mới gặp cô. Cô tôi khuyên tôi : - Cháu phải tỉnh trí, chớ có nghe cộng sản. Cộng sản bất nhân lắm. Mình là người tử tế, phải biết chọn bạn mà chơi. Nghe ngon ngọt lắm vào rồi đi theo họ, hối không kịp ! Ðó là bà cô được chúng tôi, những đứa cháu bà, trọng nhất, yêu nhất. Cả họ phục bà tần tảo một mình dựng nên cơ nghiệp. Bà chẳng bóc lột ai, chẳng xin xỏ ai. Một trong những nguyên nhân làm cho bà trở nên giàu có là sự keo kiệt. Một con tôm giảo kho của bà đủ làm thức ăn cho tôi suốt bữa cơm - nó mặn khủng khiếp. Cha tôi bần thần nghe tôi kể tâm sự của cô. Ông buồn : "Ðành rằng Ðảng có sai lầm,
nhưng Ðảng đã thấy sai, đã nhận sai để sửa chữa. Không nên vì một sai lầm mà phủ nhận mọi công lao của Ðảng. Cô nói Ðảng bất nhân là không được. Nếu Ðảng là bất nhân thì sao bố lại ở trong hàng ngũ của Ðảng ?" Tôi tin cha tôi. Tôi không nghe lời cô tôi khuyên. Khi con người bị xúc phạm thái quá thì phản ứng của họ cũng thái quá, tôi nghĩ thế. Chứ cô tôi chẳng có hằn thù gì với cách mạng. Năm cha tôi mười sáu tuổi, ông tự mình viết truyền đơn đi rải ở thị xã Thái Bình rồi bị bắt, chính cô tôi đã đánh đường qua đò Bồng Tiên đội gạo đi nuôi em. Kể chuyện cho tôi nghe, bà cười phô hàm răng đen nhưng nhức :"Bố ông dữ ra quỷ, làm cả nhà bạt vía. Ông bà hãi quá, bắt bác Cả đi lo cho ông em ra. May mà bố ông chưa đến tuổi, chứ không thì Tây nó cho rũ tù..." Người thứ hai không còn tin ở chủ nghĩa cộng sản là vợ tôi. Vợ tôi theo học ngành kiến trúc Ba Lan vào những năm xảy ra những cuộc biểu tình đầu tiên của công nhân làm lung lay nền móng chế độ cộng sản ở đây. Vợ tôi không sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trên, cũng không phải trong một gia đình trí thức. Qua những điều mắt thấy tai nghe ở nước này vợ tôi đi đến một kết luận bất ngờ :"Chủ nghĩa cộng sản không có tương lai, anh ạ. Nó không được lòng dân". Người thứ ba cảnh tỉnh tôi là tiểu đoàn trưởng Ðích. Anh rơi vào tù trong trường hợp oái oăm : anh cho phép một chiến sĩ mượn com-măng-ca của đơn vị về quê cưới vợ. Người anh em kết nghĩa của chú rể, dân tộc Mường Tây Bắc mừng em nuôi một cục thuốc phiện bằng nắm tay để chú rể bán đi lo đám cưới. Chú rể bị bắt, hai phù rể bị bắt theo, thủ trưởng đơn vị bị coi là tòng phạm, lĩnh án năm năm tù. Từ nhà tù trở về Ðích thay đổi hẳn. Người ta bảo anh khiếu oan để trên xét lại vụ án, anh chẳng buồn viết đơn. Anh nói với tôi :"Tôi không bực vì cái án. Nhầm là chuyện thường, huống hồ trong vụ này tôi cũng có cái sai. Nhưng tôi sai là một chuyện. Cái cách đồng chí đối xử với nhau thế nào là chuyện khác. Nhà tù cho tôi thấy một điều : không có tình đồng chí ! Chúng ta nhầm. Bây giờ tôi mới hiểu : ông Hồ không phải đồng chí của ta, ông ấy cũng là vua như các ông vua khác, lại không phải vua hiền. Ông ấy biến những con người lương thiện thành những con quỷ. Ông ấy là quỷ vương". Tôi an ủi anh, nhưng không đồng ý với nhận xét của anh. Dưới quyền ông Hồ có những con quỷ mà anh gặp, nhưng không phải ông tạo ra chúng. Chúng có trong bất kỳ xã hội nào. Tôi nói, như cha tôi thường nói với tôi, rằng cách mạng là sự nghiệp của cả dân tộc, trong cách mạng không thể không có sai lầm, đó là bệnh sốt vỡ da của đứa trẻ đang lớn, rằng sai lầm sẽ ít dần cùng với sự trưởng thành, mà chẳng phải ai khác, chính chúng ta phải đóng góp để cho nó trưởng thành. Tôi thuyết phục anh dẹp nỗi ấm ức trong lòng để trở lại với công tác cách mạng. Anh phản bác, rồi anh nghe tôi. Tôi nói với anh Nguyễn Thanh Ðịch, thư ký tòa soạn báo ảnh, nhận anh Ðích vào làm công tác buồng tối. Tờ báo chúng tôi hồi ấy đang cần người có học và tháo vát để giải quyết những khó khăn về kỹ thuật in tráng trong hoàn cảnh thiếu thốn. Anh Ðích là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư hiểu nghề khá sâu, được các phóng viên kính trọng. - Ông bảo đảm nhá ? - thư ký tòa soạn gặng. - Tôi bảo đảm. - tôi trả lời. Anh Ðích cần mẫn làm công việc nhà nước cho tới khi tôi bị bắt. Không tuyên bố lý do, người ta thải hồi anh. Sự thải hồi này không chứng tỏ tôi đã bảo đảm không đúng. Nó chỉ chứng tỏ anh bị thải hồi vì người bảo đảm cho anh là tôi. Sau đó, anh Ðích thề độc không bao giờ đi làm lại cho Nhà nước cộng sản nữa. Anh sản xuất ô mai để bán, là công việc dễ hơn nhiều so với công việc buồng tối. Nghề làm ô mai không bị nhà nước ngăn chặn hóa ra rất có lời, anh nuôi được các con ăn học, tậu được nhà, nói chung gia đình anh sống sung túc. Tóm lại, từ những điều trông thấy, nghe thấy tôi ngoan cố không chịu rút ra kết luận. Tôi đần và, như bây giờ người ta nói, tôi ngu lâu. Bữa trưa chúng tôi có thêm món trứng tráng vàng rộm, mỡ nhuếnh nhoáng, bên
cạnh tô rau muống tần đại dương tiêu chuẩn chung của tù như thường lệ. Thành thật hóm. Cái tên rau muống tần đại dương là do Thành đặt cho món rau luộc không ra luộc kho không ra kho của nhà tù. Thành nói rằng để sống được trong tù phải dự trữ cho mình đủ tinh thần hài hước. - Này, lạ chưa, từ sáng đến giờ không nghe còi báo động, nhỉ ? - Thành đần mặt, suy nghĩ. Trong xà lim chúng tôi chẳng biết gì về những việc đang xảy ra bên ngoài. Chiến tranh thế giới lần thứ ba có nổ ra chúng tôi cũng ngủ quên nó. Hòa bình trở lại chúng tôi cũng không biết. Theo quy định của trại giam tù xà lim không được đọc báo. Mảnh giấy gói bánh mì sáng nay là một mẩu báo năm ngoái. Có thể xảy ra một sự kiện nằm bên ngoài mọi dự đoán sẽ dẫn tới việc tha hàng loạt tù nhân chăng ? Không, không thể có cái đó, chẳng bao giờ có được một sự kiện như thế, nó chỉ có trong truyện thần tiên. Tôi xua đuổi quầy quậy cái hi vọng chực le lói. Bất cứ hi vọng nào trong tù cũng là hão huyền. Nó chỉ đẻ ra thất vọng. Như những bông hoa đực. Bữa chiều, thay vào đĩa trứng tráng là đĩa thịt kho tàu. Chúng tôi ăn thịt kho tàu với mì luộc. Răng tôi nghiến lạo xạo hàng nghìn xác mọt cùng với câu hỏi khó nhá. Ðúng vào lúc chúng tôi nghĩ đến hòa bình nhiều nhất thì còi báo động hú lên. Tôi nghe rõ tiếng rít lanh lảnh của những chiếc MIG-19 lao nhanh qua Hỏa Lò. (1) Thứ phở không có thịt, chỉ có bánh phở chan nước dùng. Trong cuộc chiến tranh với Việt Nam người Mỹ thường dùng loại máy bay trinh sát không người lái. Phở không có nhân (theo nghĩa nhân = người) từ đó được gọi một cách mai mỉa là phở không người lái. (2) Bản in thử để tác giả hoặc biên tập viên sửa lỗi của nhà in. (3) Chỉ chung những người làm công an. (4) Người luyến ái đồng tính, chỉ chung cả nam, nữ. (5) Verbe, động từ (tiếng Pháp).