CÁC CÁCH SỬ DỤNG THUỐC THÚ Y THỦY SẢN 1. Tắm cho cá Là hình thức dùng thuốc với nồng độ cao, trong một thời gian ngắn. Thuốc sau khi được tính toán nồng độ sẽ được hòa tan vào các vật dụng chứa nước có thể tích nhỏ thường là bể, thùng, chậu… sau đó thả cá vào. Phấn lớn khi tắm cho cá, đều có hệ thống sục khi đi kèm. Ưu điểm của phương pháp này là tốn ít thuốc do đó giảm thiểu chi phí phòng và chữa bệnh và không ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Nhưng có nhược điểm là phải bắt, gom hoặc kéo lưới làm cá bị stress và không diệt được những mầm bệnh còn tồn tại trong ao. 2. Ngâm, phun xuống ao: Hòa tan lượng thuốc cần dùng vào xô hoặc chậu sau đó té xuống bể nuôi hoặc phun đều xuống ao. Phương pháp này có ưu điểm là dễ áp dụng, không phải kéo lưới làm cá bị stress và tiêu diệt triệt để được mầm bệnh trong ao. Tuy nhiên, một số thủy vực khó tính thể tích dẫn đến sai nồng độ gây chết cho cá và có thể tiêu diệt luôn cả nguồn thức ăn tự nhiên của cá. 3. Bôi thuốc: Thông thường chỉ dùng cho cá bị lở loét hoặc sây sát khi đánh bắt cá bố mẹ để kiểm tra độ thành thục hoặc cho đẻ. Dùng bông thấm thuốc có nồng độ an toàn cao, thường chỉ áp dụng đối với bệnh lở loét trên cá bố mẹ hoặc ba ba. 4. Treo túi thuốc: Chỉ dùng trong nuôi cá lồng, cho thuốc vào bao treo ở thành lồng. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm thuốc, cách sử dụng đơn giản, cá ít bị ảnh hưởng xấu của thuốc. Tuy nhiên, nhược điểm là khả năng tiêu diệt sinh vật gây bệnh hạn chế, chỉ diệt được tác nhân ở xung quanh khu vực treo túi thuốc. Để tránh những ảnh hưởng xấu tới cá, cần tính toán lượng thuốc có thể tồn tại được 2-5 giờ, tùy vào từng loại thuốc và treo liên tục trong vòng 3 ngày. 5. Trộn thuốc vào thức ăn: Chỉ dùng cho vitamin, kháng sinh, thuốc tổng hợp, vacxin mà cá có thể hấp thụ qua đường tiêu hóa. Đây là phương pháp đơn giản, tuy nhiên khi cho thức ăn có thuốc xuống ao, thuốc sẽ bị hòa tan hoặc phân tán ra ngoài môi trường nước, do đó những con cá bị bệnh nặng đã bỏ ăn thì không sử dụng được thuốc, ngược lại những con còn khoẻ thì ăn nhiều và cũng ăn một lượng thuốc nhiều hơn yêu cầu cần thiết, gây độc cho cơ thể. 6. Ngâm, dầm xuống ao: Chỉ áp dụng cho các cây thuốc nam, dùng để diệt tác nhân gây bệnh bên ngoài cơ thể cá và trong ao. Cây thuốc được bó lại thành từng bó, thả xuống ao, sau một thời gian nhấc ra khỏi ao. 7. Tiêm thuốc: Chỉ dùng khi tiêm kháng sinh hoặc vacxin cho cá. Hiệu quả cao nhưng phải bắt từng con cá làm cho cá bị stress và mất thời gian. (Theo www.nongnghiep.vn)