Bo Luat Thi Hanh An

  • November 2019
  • PDF

This document was uploaded by user and they confirmed that they have the permission to share it. If you are author or own the copyright of this book, please report to us by using this DMCA report form. Report DMCA


Overview

Download & View Bo Luat Thi Hanh An as PDF for free.

More details

  • Words: 22,094
  • Pages: 75
BỘ LUẬT THI HÀNH ÁN

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc Hội khoá X, kỳ họp thứ 10, Bộ Luật này quy định về thi hành án. PHẦN THỨ NHẤT NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG CHƯƠNG I NHIỆM VỤ, PHẠM VI VÀ HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT THI HÀNH ÁN Điều 1. Nhiệm vụ của Bộ luật thi hành án Bộ luật thi hành án quy định nguyên tắc cơ bản; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, hành chính, hình sự; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án, cơ quan quản lý thi hành án, Cảnh sát tư pháp; xã hội hóa thi hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan và quản lý Nhà nước về thi hành án. Bộ luật thi hành án góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời, giáo dục mọi người ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành bản án, quyết định của Toà án, phán quyết của Trọng tài, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật (sau đây gọi chung là bản án, quyết định) .

Điều 2. Phạm vi thi hành án Bộ Luật thi hành án quy định phạm vi thi hành án bao gồm việc thi hành các bản án, quyết định sau đây: 1. Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án Việt Nam; 2. Bản án, quyết định của Toà án Việt Nam chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay; 3. Bản án, quyết định của Toà án nước ngoài mà Toà án Việt Nam đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; 4. Phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam; phán quyết, quyết định của Trọng tài nước ngoài mà Toà án Việt Nam đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; 5. Cam kết nghĩa vụ hợp đồng có tài sản bảo đảm được công chứng mà một bên có yêu cầu thi hành theo thủ tục cưỡng chế (Phương án 1); Phương án 2: bỏ khoản 5. 6. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật mà bên được thi hành yêu cầu thi hành theo thủ tục cưỡng chế; 7. Bản án, quyết định khác do pháp luật quy định. Điều 3. Hiệu lực của Bộ luật thi hành án 1. Bộ luật thi hành án được áp dụng trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với những quy định trong Bộ luật này thì áp dụng điều ước quốc tế đó. Điều 4. Giải thích từ ngữ Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: 1. Đương sự bao gồm người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà theo bản án, quyết định của Toà án có quyền được hưởng lợi ích khi người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ của mình. Người được thi hành án còn bao gồm người được thi hành theo phán quyết của trọng tài; theo cam kết nghĩa vụ hợp đồng có tài sản bảo đảm được công chứng (sau đây gọi tắt là cam kết hợp đồng); theo quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà theo bản án, quyết định của Toà án phải thực hiện nghĩa vụ vì lợi ích của người được thi hành án hoặc của nhà nước. Người phải thi hành án còn bao gồm nguời phải thi hành phán quyết của trọng tài; cam kết hợp đồng; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật. 2. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích hoặc có nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án. 3. Người bị kết án là người chấp hành các hình phạt chính, hình phạt bổ sung theo quy định của Bộ luật hình sự và chấp hành

biện pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng. 4. Phạm nhân là người bị kết án tử hình đang bị giam giữ chờ thi hành án, đang chấp hành hình phạt tù chung thân, phạt tù có thời hạn theo bản án của Toà án. 5. Trích xuất là việc đưa phạm nhân ra khỏi Trại giam, kể cả giao chứng cứ, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. 6. Danh chỉ bản là bản xác định các đặc điểm nhận dạng người bị kết án. 7. Thi hành án hình sự bao gồm việc thi hành án trục xuất, án tử hình, án phạt tù, án hình sự khác ngoài phạt tù và các biện pháp tư pháp. 8. Thi hành án phạt tù bao gồm việc thi hành án phạt tù chung thân và án phạt tù có thời hạn. 9. Thi hành các án hình sự khác ngoài phạt tù bao gồm việc thi hành án cải tạo không giam giữ, tù cho hưởng án treo, trục xuất, quản chế, cấm cư trú, án phạt tiền, tịch thu tài sản, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (gọi chung là thi hành án ngoài phạt tù). 10. Thi hành các biện pháp tư pháp bao gồm việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng. 11. Thi hành án dân sự là việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án; thi hành phán quyết của Trọng tài; thi hành cam kết hợp đồng; thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật; thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định

hành chính của Tòa án;bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án. 12. Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án có hoặc không liên quan đến tài sản. CHƯƠNG II NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN Điều 5. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong thi hành án Mọi hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền trong thi hành án; người được thi hành án, người phải thi hành án, người bị kết án và những người có liên quan đến thi hành án phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật này. Điều 6. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định Bản án, quyết định quy định tại Điều 2 của Bộ luật này phải được cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; cá nhân, cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi trách nhiệm của mình phải chấp hành nghiêm chỉnh. Điều 7. Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên Trong quá trình thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án, người bị kết án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; nhân phẩm và danh dự của cá nhân phải được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điều 8. Bảo đảm kết hợp tự nguyện thi hành án với cưỡng chế thi hành án

Nhà nước khuyến khích người phải thi hành án, người bị kết án tự nguyện chấp hành án; trong trường hợp không tự nguyện chấp hành thì phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Điều 9. Bảo đảm sự độc lập của hoạt động thi hành án Trong quá trình thi hành án, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền thi hành án có quyền độc lập thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nghiêm chỉnh thi hành pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Mọi hành vi cản trở, can thiệp hoạt động đúng pháp luật của cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền thi hành án đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 10. Bảo đảm sự phối hợp cơ quan thi hành án với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân 1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan thi hành án và người có thẩm quyền thi hành án. 2. (Phương án 1). Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong thi hành án ở địa phương (Phương án 2) Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong thi hành án ở địa phương. Tư lệnh quân khu và tương đương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối

hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án trên địa bàn quân khu và tương đương. 3. Toà án nhân dân có trách nhiệm bảo đảm tính khả thi của bản án, quyết định; kịp thời chuyển giao bản án, quyết định của Toà án cho cơ quan thi hành án; giải thích bản án, quyết định khi nhận được yêu cầu; kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật này. 4. Trong thi hành án, cảnh sát tư pháp có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự và an toàn trong cưỡng chế thi hành án dân sự; dẫn giải đương sự, áp giải người bị kết án; truy bắt người bị kết án trốn chấp hành hình phạt hoặc trốn trại giam; bảo vệ trại giam. Điều 11. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo Đương sự, người bị kết án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền trong hoạt động thi hành án khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Công dân có quyền tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan thi hành án và người có thẩm quyền thi hành án. Cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem xét và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật việc khiếu nại, tố cáo; thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo biết và có biện pháp khắc phục. Điều 12. Bảo đảm quyền giám sát thi hành án Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, HDND các cấp, đại biểu dân cử có quyền giám sát hoạt

động của cơ quan thi hành, người có thẩm quyền thi hành án và của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực thi hành án. Khi phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền thi hành án và cơ quan nhà nước thì HDND, đại biểu dân cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Điều 13. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật thi hành án Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người được thi hành án, người phải thi hành án, người bị kết án, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền thi hành án, Cảnh sát tư pháp, giám thị trại giam và những người có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án; trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm sát theo quy định của Bộ luật này. Điều 14. Xã hội hóa thi hành án 1. Tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện do Chính phủ quy định có quyền tiến hành các dịnh vụ tống đạt giấy tờ thi hành án, tư vấn cho người được thi hành án và người phải thi hành án, xác minh tài sản của người phải thi hành án, nhận gửi giữ tài sản thi hành án, định giá và thẩm định giá tài sản thi hành án, hỗ trợ hoạt động thi hành án dân sự. 2. Chính phủ quy định các điều kiện tổ chức và hoạt động của các tổ chức dịch vụ thi hành án; tiêu chuẩn, nguyên tắc hành nghề, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thừa hành viên trong thi hành án dân sự. 3. Nhà nước tạo điều kiện và mở rộng dần các dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, trang phục, làm vệ sinh, nấu ăn, giặt

quần áo trong các trại giam, cung tiêu hàng hóa, sản phẩm do phạm nhân làm ra; theo dõi, giám sát, giáo dục phạm nhân tại ngoại và người bị kết án hình sự ngoài phạt tù và các dịch vụ dạy văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, dạy nghề và hỗ trợ phạm nhân mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng. Điều 15. Các điều cấm 1. Can thiệp, cản trở, gây trở ngại hoạt động thi hành án; làm trái pháp luật trong thi hành án. 2. Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, người phải thi hành án, người bị kết án. 3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, nhận hối lộ, trục lợi trong hoạt động thi hành án. 4. Lạm dụng sức lao động của người bị kết án. CHƯƠNG III QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH ÁN VÀ TỔ CHỨC HỆ THỐNG CƠ QUAN THI HÀNH ÁN Điều 16. Quản lý nhà nước về thi hành án 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án. 2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, B é Y tÕ, c¸c Bé kh¸c, c¬ quan ngang bé thực hiện quản lý nhà nước v Ò thi hành án.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án ở địa phương theo quy định của Bộ luật này. Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về thi hành án Trong phạm vi chức năng của mình, Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về thi hành án; 2. Quản lý hệ thống tổ chức và hoạt động, quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án, giám thị trại giam và cán bộ thi hành án; 3. Quản lý các tổ chức, cá nhân được hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ thi hành án theo quy định của pháp luật; 4. Hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành án hình sự; tổng hợp, định kỳ báo cáo đầy đủ, kịp thời số liệu về tình hình thi hành án; 5. Kiểm tra, thanh tra thi hành án; 6. Quản lý và lập kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện cho hoạt động thi hành án; 7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; 8. Thực hiện ủy thác tư pháp, hợp tác quốc tế về thi hành án.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về thi hành án. Trong phạm vi chức năng của mình, Bộ Quốc phòng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: 1. Quản lý hệ thống tổ chức và hoạt động, quyết định thành lập, giải thể các cơ quan thi hành án cấp quân khu, các trại giam quân sự; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, giám thị trại giam và cán bộ thi hành án trong quân đội; 2. Quản lý thi hành án hình sự ngoài phạt tù trong quân đội; 3. Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thi hành án, tổng hợp, báo cáo về tình hình thi hành án trong quân đội; 4. Quản lý và lập kế hoạch phân bổ kinh phí, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện cho hoạt động thi hành án trong quân đội. Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về thi hành án 1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trong phạm vi chức năng của mình có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 173 của Bộ luật này; b) Chỉ đạo, tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương; c) Yêu cầu cơ quan thi hành án báo cáo hoạt động, thanh tra, kiểm tra việc thi hành án khi thấy cần thiết;

d) Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của cơ quan thi hành án. 2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ thi hành án dân sự ở cơ sở; thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự ngoài phạt tù theo quy định của pháp luật. Điều 20. Hệ thống tổ chức thi hành án Hệ thống thi hành án được tổ chức như sau: 1. Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, hành chính, hình sự; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi hành án theo thẩm quyền. Tổng cục thi hành án có Cục quản lý thi hành án dân sự, Cục quản lý thi hành án hành chính, Cục quản lý trại giam, Cục quản lý thi hành án hình sự ngoài phạt tù và các đơn vị khác. Tổng cục thi hành án có Tổng cục trưởng, các Phó tổng cục trưởng, Cục trưởng, các Phó cục trưởng và một số chức danh khác do Chính phủ quy định; 2. Cục thi hành án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Cục thi hành án cấp tỉnh) là cơ quan trực thuộc Tổng cục thi hành án giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án; giúp Tổng cục thi hành án quản lý và trực tiếp tổ chức thi hành án theo thẩm quyền ở địa phương. Cục thi hành án cấp tỉnh có Phòng thi hành án dân sự, Phòng thi hành án hành chính, Phòng quản lý thi hành án hình sự ngoài phạt tù và các bộ phận khác.

Cục thi hành án cấp tỉnh có Cục trưởng, các Phó cục trưởng, Trưởng phòng, các Phó trưởng phòng, Chấp hành viên và một số chức danh khác do Chính phủ quy định; 3. (Phương án 2): Cục thi hành án quân sự thuộc Bộ Quốc phòng giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi hành bản án, quyết định của Toà án quân sự và tổ chức thi hành án theo thẩm quyền. Cục thi hành án quân sự có Phòng thi quản lý hành án dân sự, Phòng quản lý trại giam, Phòng quản lý thi hành án hình sự ngoài phạt tù; Cục trưởng, các Phó cục trưởng, Trưởng phòng, các Phó trưởng phòng và một số chức danh khác do Chính phủ quy định; 4. Chi cục thi hành án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Chi cục thi hành án cấp huyện) là cơ quan trực thuộc Cục thi hành án cấp tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về thi hành án; giúp Cục trưởng Cục thi hành án cấp tỉnh quản lý công tác thi hành án trên địa bàn và trực tiếp tổ chức thi hành án theo thẩm quyền. Chi cục thi hành án cấp huyện có Đội thi hành án dân sự, Đội thi hành án liên xã, phường, Đội thi hành án hành chính, Đội quản lý thi hành án hình sự ngoài phạt tù và các bộ phận khác. Chi cục thi hành án cấp huyện có Chi cục trưởng, các Phó chi cục trưởng, Đội trưởng, các Phó đội trưởng, Chấp hành viên và một số chức danh khác theo quy định của Chính phủ; 5. (Phương án 2) Phòng thi hành án cấp quân khu giúp Tư lệnh quân khu thực hiện quản lý nhà nước về thi hành bản án, quyết định của Toà án quân sự thuộc địa bàn quân khu; trực tiếp tổ chức thi hành án theo thẩm quyền.

Phòng thi hành án cấp quân khu có Đội thi hành án dân sự, Đội quản lý thi hành án hình sự ngoài phạt tù; có Trưởng phòng, các Phó trưởng phòng, Đội trưởng, các Phó đội trưởng, Chấp hành viên, và một số chức danh khác theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cơ quan thi hành án. PHẦN THỨ HAI THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CHƯƠNG IV NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 21. Bản án, quyết định dân sự được thi hành Bản án, quyết định dân sự được thi hành bao gồm: 1. Các bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật: a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; b) Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án; d) Phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam có hiệu lực thi hành; đ) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, phán quyết, quyết định của Trọng tài nước ngoài mà Toà án Việt Nam đã công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

e) Bản án, quyết định hành chính liên quan đến tài sản; g) Quyết định phạt tiền, tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại trong bản án, quyết định hình sự của Toà án. 2. Các bản án, quyết định dân sự, hành chính chưa có hiệu lực pháp luật, nhưng được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị, bao gồm: a) Bản án, quyết định sơ thẩm về cấp dưỡng, trả tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhận người lao động trở lại làm việc; b) Quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, bắt giữ tàu biển, tàu bay để bảo đảm lợi ích cấp thiết của đương sự, bảo đảm việc xét xử và thi hành án. 3. Cam kết hợp đồng; 4. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật. Điều 22. Căn cứ thi hành án Căn cứ thi hành án bao gồm: 1. Bản án, quyết định được thi hành; 2. Quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án. Điều 23. Quyền yêu cầu thi hành án Trong trường hợp các bên đương sự không tự nguyện thi hành, thì người được thi hành án, người phải thi hành án, căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Điều 24. Tự nguyện thi hành án 1. Nhà nước khuyến khích người phải thi hành án tự nguyện thi hành án. 2. Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với nhau về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án trước khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Điều 25. Cưỡng chế thi hành án 1. Người phải thi hành án có điều kiện mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành. 2. Trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án hoặc theo quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì chấp hành viên phải áp dụng ngay biện pháp cưỡng chế. 3. Không được tổ chức cưỡng chế thi hành án trong các ngày nghỉ theo quy định của pháp luật lao động, trong thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau hoặc vì lý do đặc biệt khác theo quy định của pháp luật. Điều 26. Thời hiệu thi hành án dân sự 1. Đối với các bản án, quyết định về tài sản thì trong mười năm đối với động sản, hai mươi năm đối với tài sản giao dịch có bảo đảm, ba mươi năm đối với bất động sản, năm năm đối với bản án, quyết định liên quan đến quyền nhân thân,kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền gửi đơn yêu cầu thi hành án; quá thời hạn đó thì bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành, trừ trường

hợp đương sự nộp đơn yêu cầu thi hành án chậm nhất vào ngày cuối cùng của thời hiệu thi hành án. Thời gian mà người phải thi hành án cố tình trốn tránh, che giấu tài sản không được tính vào thời hiệu thi hành án quy định tại đoạn 1 khoản này. 2. Đối với quyết định bồi thường thiệt hại, phạt tiền, tịch thu tài sản trong bản án, quyết định hình sự, thì thời hiệu thi hành án dân sự chấm dứt trong trường hợp đã thi hành xong bản án tử hình đối với phạm nhân, phạm nhân bị chết mà không còn tài sản và được miễn bồi thường, miễn chấp hànhtheo quy định của Bộ luật này. 3. Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định của Tòa án thì thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn trên được áp dụng cho từng định kỳ, tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn. 4. Trong trường hợp cơ quan thi hành án trực tiếp hoặc thông qua người được thi hành án yêu cầu Tòa án chỉnh sửa về chính tả về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong bản án, quyết định của Tòa án, hoặc Tòa án phải giải quyết vướng mắc phát sinh trong thi hành án theo yêu cầu của Cơ quan thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến thi hành án, thì thời hiệu thi hành án được tính từ ngày có văn bản giải thích hoặc có bản án, quyết định mới của Tòa án có hiệu lực pháp luật. 5. Thời gian không tính vào thời hiệu thi hành án quy định tại Điều này bao gồm:

a) Các trường hợp hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án theo quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Bộ luật này, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn, tạm đình chỉ thi hành án; b) Có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho người được thi hành án không thể yêu cầu thi hành án. Điều 27. Chấm dứt nghĩa vụ thi hành án dân sự 1. Nghĩa vụ thi hành án dân sự của người phải thi hành án đương nhiên chấm dứt trong các trường hợp sau đây: a) Người phải thi hành án chết mà không còn tài sản hoặc không có người kế thừa nghĩa vụ của người đó; người phải thi hành án là tổ chức bị giải thể, sáp nhập, phá sản mà không có người kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức đó; b) Hết thời hiệu thi hành án dân sự; c) Người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc đã thi hành xong cam kết theo thoả thuận với người được thi hành án, cam kết nghĩa vụ hợp đồng được công chứng; d) Các trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Bộ luật này. 2. Trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan thi hành án có trách nhiệm ghi, chỉnh sửa Sổ sách thi hành án dân sự, thông báo cho người phải thi hành án biết và cấp giấy tờ xác nhận theo quy định của pháp luật. Điều 28. Lệ phí nộp đơn yêu cầu thi hành án

Người được thi hành án, người phải thi hành án tự nguyện thi hành án phải chịu lệ phí nộp đơn yêu cầu thi hành án. Lệ phí được thu mỗi lần nộp đơn yêu cầu thi hành án. Điều 29. Phí thi hành án 1. Người được thi hành án, người phải thi hành án thi hành án phải nộp phí thi hành án theo khung phí do Chính phủ quy định. 2. Người được thi hành án thuộc đối tượng chính sách xã hội và chính sách dân tộc hoặc có khó khăn về kinh tế được xét miễn, giảm nộp phí thi hành án theo quy định của pháp luật. Điều 30. Chi phí thi hành án 1. Người phải thi hành án phải chịu các chi phí thi hành án, trừ trường hợp có thoả thuận khác đối với người được thi hành án hoặc pháp luật quy định chi phí thi hành án do người được thi hành án chịu hoặc được hỗ trợ từ ngân sách đối với người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức do Nhà nước thành lập Người được thi hành án phải nộp tiền tạm ứng chi phí thi hành án và được hoàn trả khi thu từ người phải thi hành án. 2. Chi phí thi hành án được ngân sách nhà nước cấp trong trường hợp do đương sự được xét miễn, giảm chi phí thi hành án hoặc thuộc đối tượng chính sách xã hội và chính sách dân tộc được miễn nộp chi phí thi hành án theo quy định của pháp luật. 3. Chính phủ quy định nguyên tắc, việc thu, nộp và quản lý, sử dụng chi phí thi hành án mà cơ quan thi hành án thực hiện. Điều 31. Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước

1. Nếu người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hoặc điều kiện khác để thi hành, thì có thể được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án sau khi hết thời hạn sau đây: a) Năm năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí không có giá ngạch và tiền phạt trong vụ án hình sự về ma túy, trừ trường hợp người phải thi hành án là người phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thu lợi bất chính lớn thì thời hạn áp dụng theo quy định tại điểm b khoản 1 của Điều này; b) Mười năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với các khoản án phí có giá ngạch và khoản thu nộp ngân sách nhà nước. 2. Cơ quan thi hành án lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Hồ sơ phải có đơn xin miễn, giảm của người phải thi hành án, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi người phải thi hành án cư trú hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, nơi đương sự làm việc hoặc giám thị trại giam, nơi đương sự chấp hành hình phạt tù; và biên bản xác minh điều kiện thi hành án do chấp hành viên lập. Điều 32. Hỗ trợ tài chính để thi hành án Trong trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành án hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp không có khả năng thi hành án thì được xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đảm bảo thi hành án theo quy định của Chính phủ. CHƯƠNG V THỦ TỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 33. Cấp bản án, quyết định Toà án đã tuyên bản án hoặc quyết định phải cấp cho người được thi hành án, người phải thi hành án bản án, quyết định đó có ghi "để thi hành". Toà án phải giải thích cho người được thi hành án, người phải thi hành án về quyền yêu cầu thi hành án và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của Bộ luật này . Điều 34. Thủ tục yêu cầu thi hành án 1. Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. 2. Đơn yêu cầu thi hành án phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm viết đơn; b) Tên cơ quan thi hành án được yêu cầu; c) Họ tên, địa chỉ của người được thi hành án; d) Họ tên, địa chỉ của người phải thi hành án. Trong trường hợp không rõ địa chỉ của người phải thi hành án, thì ghi địa chỉ nơi có tài sản của người đó; đ) Số bản án, quyết định của Tòa án, kể cả quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có); e) Phạm vi, nội dung yêu cầu thi hành án; g) Các thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;

Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu là pháp nhân, thì phải có chữ ký của đại diện hợp pháp và đóng dấu. Điều 35. Thủ tục nhận đơn yêu cầu 1. Khi nhận đơn yêu cầu của người được thi hành án hoặc của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án phải ghi vào Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án. Trong trường hợp người được thi hành án hoặc người phải thi hành án trực tiếp đến yêu cầu, thì cơ quan thi hành án phải lập biên bản ghi rõ nội dung yêu cầu thi hành án, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó và ghi vào Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án. 2. Khi vào Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, phải ghi rõ ngày, giờ nhận đơn, nội dung bản án, quyết định kèm theo. 3. Trong trường hợp người được thi hành án yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà chưa có quyết định của Toà án, thì cơ quan thi hành án hướng dẫn đương sự đề nghị Toà án giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Cơ quan thi hành án chỉ thụ lý đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi nhận được quyết định của Toà án. Điều 36. Chuyển giao bản án, quyết định 1. Toà án phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án bản án, quyết định trong thời hạn không quá mười lăm ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định đó, trừ trường hợp chuyển giao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc giao cho người được thi hành án trực tiếp nộp cho cơ quan thi hành án.

2. Đối với bản án, quyết định về phạt tiền, tịch thu tài sản và án phí, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, Toà án chuyển giao bản án, quyết định, biên bản kê biên, tạm giữ tài sản, kèm theo tang vật cho cơ quan thi hành án. Điều 37. Thủ tục nhận bản án, quyết định Trong trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án, thì sau khi nhận được bản án, quyết định của Toà án, cơ quan thi hành án phải vào Sổ nhận bản án, quyết định. Khi vào Sổ nhận bản án, quyết định, phải ghi rõ tên vụ án, nội dung bản án, quyết định; nội dung biên bản kê biên, tạm giữ tài sản, kèm theo tang vật (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành án. Điều 38. Thẩm quyền ra quyết định thi hành án 1. Cục trưởng cục thi hành án cấp tỉnh ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây: a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh; b) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của Chi cục thi hành án cấp huyện mà Chi cục thi hành án cấp tỉnh thấy cần thiết lấy lên để thi hành do tính chất phức tạp của việc thi hành án ; c) Bản án, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho Chi cục thi hành án cấp tỉnh; d) Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết, quyết định lao động của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;

đ) Phán quyết của Trọng tài Việt Nam; e) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật; g) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án nơi khác ủy thác; h) Quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao; i) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của tòa án quân sự được chuyển giao thi hành. 2. Chi cục trưởng Chi cục thi hành án cấp huyện ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây: a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp huyện; b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; c) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc của Toà án nhân dân tối cao do Chi cục thi hành án cấp tỉnh ủy thác; d) Bản án, quyết định do Cục thi hành án cấp tỉnh, Chi cục thi hành án cấp huyện nơi khác ủy thác; đ) Quyết định thi hành án phạt tiền theo mức do Chính phủ quy định; e) Cam kết hợp đồng . 3. (Phương án 2). Trưởng phòng thi hành án cấp quân khu ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây: a) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự quân khu;

b) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự khu vực trên địa bàn quân khu; c) Quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự trung ương chuyển giao cho thi hành án cấp quân khu; d) Bản án, quyết định dân sự của Toà án nhân dân tối cao gửi cho thi hành án cấp quân khu; đ) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án khác ủy thác. Điều 39. Ủy thác thi hành án 1. Trong trường hợp người phải thi hành án có nơi cư trú hoặc tài sản ở các địa phương khác nhau, thì cơ quan thi hành án có quyền ủy thác thi hành án, trừ trường hợp thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. 2. Việc ủy thác được thực hiện như sau: Cục thi hành án cấp tỉnh ủy thác cho Chi cục thi hành án cấp huyện thuộc địa phương mình hoặc cho Cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án cấp huyện thuộc địa phương khác. Chi cục thi hành án cấp huyện chỉ có thể ủy thác cho Cục thi hành án cấp tỉnh nơi khác; không được ủy thác cho Cục thi hành án cấp tỉnh địa phương mình. (Phương án 2) Việc ủy thác thi hành án được thực hiện giữa các cơ quan thi hành án không phân biệt địa bàn hoạt động, cơ quan thi hành án dân sự hay cơ quan thi hành án trong quân đội. 3. Thời hạn ủy thác không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Người đã ra quyết định ủy thác thi

hành án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Tòa án và người được thi hành án biết. Điều 40. Quyết định ủy thác thi hành án 1. Quyết định ủy thác phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản đang thi hành dở dang và cần tiếp tục thi hành, khoản chưa thi hành và các thông tin cần thiết về thực hiện ủy thác. 2. Quyết định ủy thác phải kèm theo bản án, quyết định của Tòa án; biên bản kê biên, tạm giữ tài sản. Điều 41. Thực hiện ủy thác thi hành án 1. Cơ quan thi hành án nhận ủy thác có trách nhiệm thực hiện kịp thời, nhanh chóng, đầy đủ các nội dung quyết định ủy thác. 2. Trong trường hợp cơ quan thi hành án nhận ủy thác không thực hiện được ủy thác do người phải thi hành án vắng mặt tại nơi cư trú hoặc không có tài sản để thi hành án, thì giải quyết như sau: a) Đối với bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành, thì cơ quan nhận ủy thác phải ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án, nơi có điều kiện thi hành, đồng thời, thông báo cho cơ quan thi hành án đã ủy thác biết; b) Đối với bản án, quyết định được thi hành theo đơn yêu cầu của người được thi hành án, thì cơ quan nhận ủy thác trả lại đơn và giải thích lý do, đồng thời, thông báo cho cơ quan đã ủy thác biết. Điều 42. Chủ động ra quyết định thi hành án

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành phần bản án, quyết định sau đây của Tòa án: a) Án phí, lệ phí Toà án, trả lại tiền tạm ứng án phí, lệ phí Toà án; b) Tiền tạm ứng phí thi hành án, lệ phí nộp đơn yêu cầu thi hành án, trả lại tiền tạm ứng phí thi hành án; c) Phạt tiền, tịch thu tài sản, các khoản bồi thường cho Nhà nước; d) Truy thu thuế, truy thu tiền thu lợi bất chính; đ) Xử lý vật chứng, tài sản đã thu giữ; e) Thu hồi đất và các tài sản khác mà Toà án quyết định tài sản thuộc diện sung công; g) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bắt giữ tàu biển, tàu bay của Toà án. 2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án. Đối với quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án ngay sau khi nhận được quyết định. Điều 43. Thi hành án theo đơn yêu cầu 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu của người được thi hành án hoặc của người phải thi hành án.

2.Thời hạn ra quyết định thi hành án là năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án. Điều 44. Thông báo quyết định thi hành án 1. Quyết định thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và các văn bản khác về thi hành án phải được chuyển giao cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan. 2. Việc thông báo được coi hợp lệ khi: a) Giao trực tiếp cho người được thông báo. Nếu người nhận thông báo vắng mặt, thì các quyết định, giấy tờ thi hành án được giao cho thân nhân cùng sống trong gia đình người phải thi hành án, nếu người này có đủ năng lực hành vi dân sự, hoặc giao cho thủ trưởng cơ quan, nơi người phải thi hành án làm việc hoặc cán bộ tư pháp cấp xã, nơi người đó cư trú; Người nhận thay thông báo phải cam kết chuyển thông báo tận tay cho người được nhận thông báo. Người giao thông báo và người nhận thông báo phải ký xác nhận việc đã nhận thông báo; b) Niêm yết công khai giấy tờ cần tống đạt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người cần được thông báo cư trú hoặc có tài sản hoặc tại nơi ở, nếu xác định được nơi đó. Việc niêm yết công khai chỉ được thực hiện khi không thể thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, và phải được lập biên bản, ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết, nội dung thông báo và người thực hiện niêm yết; c) Thông báo trên báo, đài phát thanh hoặc đài truyền hình trung ương hoặc cấp tỉnh chỉ thực hiện khi không thể giao trực tiếp hoặc có căn cứ xác định niêm yết công khai không bảo đảm cho

người được thông báo nhận được nội dung văn bản cần thông báo. Sau khi thông báo, cơ quan báo, đài phải có văn bản xác nhận và gửi Cơ quan thi hành án để lưu hồ sơ thi hành án; d) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân ký cam kết với cơ quan thi hành án để tống đạt các giấy tờ thi hành án, thì phải giao tận tay người được thông báo. 3. Người có nghĩa vụ thông báo không làm đúng trách nhiệm của mình, thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính; nếu xảy ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 45. Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án Người được thi hành án có các quyền, nghĩa vụ sau đây: 1. Gửi đơn hoặc trực tiếp yêu cầu Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án và có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứng cứ về tài sản của người phải thi hành án; 2. Ủy quyền cho người khác yêu cầu Cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án. Trong trường hợp này, người được ủy quyền phải thực hiện đúng nội dung ủy quyền và được nhân danh người ủy quyền ký các giấy tờ có liên quan; 3. Thỏa thuận với người phải thi hành án về loại tài sản, thời gian, phương thức thi hành án, cũng như việc miễn, giảm mức nghĩa vụ thi hành án (nếu có); 4. Có quyền chứng minh tài sản thực có của người phải thi hành án và cung cấp thông tin cho Cơ quan thi hành án; yêu cầu kê biên, xử lý loại tài sản tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án trong trường hợp không thoả thuận được với người đó;

5. Đăng ký bản án, quyết định của toà án với cơ quan đăng ký tài sản để xác định thứ tự ưu tiên khi xử lý tài sản của người phải thi hành án đã đăng ký; 6. Nộp tiền tạm ứng chi phí thi hành án, lệ phí nộp đơn yêu cầu thi hành án; được miễn, giảm lệ phí, phí thi hành án theo quy định của pháp luật; 7. Xuất trình bản án, quyết định và các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thi hành án; cộng tác và thực hiện các yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án trong quá trình thi hành án; 8. Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của chấp hành viên trong thi hành án; 9. Yêu cầu thay đổi chấp hành viên, nếu có lý do chính đáng; 10. Khi bản án, quyết định đã thi hành xong, thì người được thi hành án phải nhận đủ, đúng tài sản thi hành án; trường hợp chậm nhận tài sản thì phải chịu chi phí gửi giữ và thiệt hại về tài sản do việc đó gây ra. Điều 46. Quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án Người phải thi hành án có các quyền, nghĩa vụ sau đây: 1. Gửi đơn hoặc trực tiếp yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án; 2. Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án; 3. Khai báo trung thực tài sản, cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình và chịu trách nhiệm trước

pháp luật về sự khai báo đó; thực hiện đúng các yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án; 4. Thỏa thuận với người được thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức thi hành án; mức miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án (nếu có); phải chấp nhận yêu cầu hợp lý của người được thi hành án về loại tài sản cần kê biên, xử lý để thi hành án; 5. Chịu chi phí cưỡng chế thi hành án; 6. Yêu cầu thay đổi chấp hành viên, nếu có lý do chính đáng; 7. Được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án; 8. Khiếu nại quyết định của chấp hành viên, cơ quan thi hành án; tố cáo hành vi trái pháp luật của chấp hành viên. Điều 47. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền, nghĩa vụ liên quan 1. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến thi hành án có các quyền, nghĩa vụ sau đây: a) Được thông báo, chứng kiến việc kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án; được thông báo việc khấu trừ tài sản của người phải thi hành án; b) Khiếu nại quyết định của cơ quan thi hành án, tố cáo hành vi trái pháp luật của chấp hành viên và cán bộ thi hành án; c) Khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án.

2. Người có nghĩa vụ liên quan đến thi hành án có trách nhiệm thực hiện đúng quyết định của cơ quan thi hành án. Điều 48. Hoãn thi hành án 1. Người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền hoãn thi hành án trong những trường hợp sau đây: a) Người phải thi hành án ốm nặng trong thời gian điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế; chưa xác định được nơi cư trú của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án; việc thi hành án chỉ tiếp tục khi điều kiện hoãn không còn; b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án trong thời gian xác định; trong trường hợp này, việc thi hành án chỉ thực hiện khi nhận được đơn yêu cầu mới của người được thi hành án; c) Tài sản kê biên có tranh chấp đang được Tòa án thụ lý giải quyết theo đơn kiện của người có quyền, lợi ích liên quan; d) Trường hợp yêu cầu Tòa án giải thích bản án, quyết định để thi hành trong thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174của Bộ luật này. đ) Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới liên quan đến bản án, quyết định đang thi hành mà người được thi hành án hoặc cơ quan thi hành án thấy cần đề nghị Tòa án giải quyết. Trong trường hợp này, thời hạn hoãn thi hành án không được quá thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và chỉ được hoãn một lần.

2. Người có quyền kháng nghị bản án, quyết định của Toà án có quyền yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật. Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra quyết định hoãn thi hành án, nếu nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất hai ngày trước thời điểm cưỡng chế được ấn định. Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá ba tháng, kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án; quá thời hạn này mà không có kháng nghị thì việc thi hành án được tiếp tục thực hiện. Trong trường hợp nhận được văn bản yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị mà bản án, quyết định đã được thi hành xong, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người đó biết. 4. Khi có quyết định hoãn thi hành án, cơ quan thi hành án không xoá Sổ thụ lý việc thi hành án mà chỉ ghi số và ngày của Quyết định hoãn vào Sổ thụ lý. 5. Người được thi hành án không phải nộp lệ phí khi yêu cầu thi hành án sau thời hạn hoãn thi hành án. Điều 49. Tạm đình chỉ thi hành án 1. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không quá sáu tháng, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Hết thời hạn tạm đình chỉ thi hành án mà cơ quan thi hành án chưa nhận được bản án giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án.

2. Trong trường hợp nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị mà bản án, quyết định đã được thi hành xong, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án phải thông báo bằng văn bản cho người đó biết. 3. Khi có quyết định tạm đình chỉ thi hành án, cơ quan thi hành án không xoá Sổ thụ lý việc thi hành án mà chỉ ghi số và ngày của quyết định tạm đình chỉ vào Sổ thụ lý. 4. Trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu thì khoản lệ phí mà người được thi hành án đã nộp được bảo toàn tại Kho bạc Nhà nước; người được thi hành án không phải nộp lệ phí yêu cầu thi hành án sau thời hạn tạm đình chỉ thi hành án. Điều 50. Đình chỉ thi hành án Người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án có quyền ra quyết định đình chỉ thi hành án trong những trường hợp sau đây: 1. Người phải thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật dân sự, thì nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế; 2. Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật dân sự, quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được để thừa kế hoặc không có người thừa kế; 3. Người được thi hành án có văn bản từ bỏ quyền, lợi ích mà họ được hưởng hoặc thỏa thuận cho người phải thi hành án miễn thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Nếu đương sự trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án, thì phải được lập biên bản, ghi rõ nội dung; 4. Bản án, quyết định bị Toà án có thẩm quyền hủy bỏ;

5. Người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho cơ quan, tổ chức khác; 6. Có quyết định của Toà án cho miễn nghĩa vụ thi hành án; 7. Người phải thi hành án bị Tòa án ra quyết định mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; 8. Thời hiệu thi hành án dân sự kết thúc hoặc chấm dứt. Điều 51. Trả lại đơn yêu cầu thi hành án 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền trả lại đơn yêu cầu thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Thời hiệu thi hành án đã hết; b) Có quyết định đình chỉ thi hành án; c) Quá một năm, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án vẫn không có điều kiện, khả năng để thi hành án. Trong trường hợp này, người được thi hành án có quyền nộp lại đơn yêu cầu thi hành án khi phát hiện người phải thi hành án có tài sản, khả năng thi hành án, quy định này không áp dụng đối với người được thi hành án thuộc chính sách xã hội và chính sách dân tộc; d) Trong trường hợp thực hiện ủy thác theo yêu cầu của người được thi hành án mà người phải thi hành án vắng mặt tại nơi cư trú hoặc không có tài sản tại nơi thực hiện ủy thác.

2. Việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án phải được lập thành văn bản; nếu có khiếu nại, thủ trưởng cơ quan thi hành án có trách nhiệm giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại. Điều 52. Gửi các quyết định thi hành án Các quyết định thi hành án, cưỡng chế thi hành án, hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án, đình chỉ thi hành án, khôi phục thời hiệu thi hành án, phạt tiền, trả lại đơn yêu cầu thi hành án phải được gửi cho Toà án nhân dân đã chuyển giao bản án, quyết định, người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ liên quan đến thi hành án, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi người phải thi hành án cư trú. Điều 53. Nhận và giữ tài sản thi hành án 1. Trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành án, thì phải thông báo cho người được thi hành án biết thời gian, địa điểm, cách thức thực hiện nghĩa vụ. Sau thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của người phải thi hành án, nếu người được thi hành án không nhận tài sản, thì người phải thi hành án có quyền gửi tài sản cho người nhận giữ tài sản và thông báo cho người được thi hành án biết. Chi phí bảo quản tài sản do người được thi hành án chịu. 2. Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án mà phải thực hiện biện pháp cưỡng chế thì cơ quan thi hành án chuyển tài sản của người đó cho người nhận giữ tài sản và thông báo cho người được thi hành án biết; chi phí gửi giữ tài sản do người phải thi hành án chịu. Trong trường hợp cưỡng chế trả nhà cho người được thi hành án, cơ quan thi hành án chuyển các tài sản khác của người phải

thi hành án cho người nhận giữ tài sản; chi phí gửi giữ tài sản do người phải thi hành án chịu. 3. Khi cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không nhận tài sản, thì cơ quan thi hành án có quyền gửi tài sản cho người nhận giữ tài sản; chi phí gửi giữ tài sản do người được thi hành án chịu. 4. Trong trường hợp tài sản thi hành án là tiền, vàng bạc, đá quý, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không nhận, thì cơ quan thi hành án gửi tiền, vàng bạc, đá quý vào ngân hàng nhà nước theo loại lãi suất không kỳ hạn. Người phải thi hành án được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ. 5. Việc nhận và gửi giữ tài sản thi hành án phải được lập thành văn bản, có chữ ký của bên gửi và bên nhận giữ tài sản. Người nhận giữ tài sản chịu trách nhiệm trông giữ, bảo quản tài sản và được thu phí trông giữ, bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật. 6. Quá thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan thi hành án, mà người được thi hành án hoặc người phải thi hành án vẫn không nhận tài sản từ người nhận giữ tài sản, thì tài sản đó được xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 54. Kết thúc thi hành án 1. Việc thi hành án kết thúc trong trường hợp sau đây: a) Có thoả thuận bằng văn bản giữa người được thi hành án và người phải thi hành án; giữa hai bên cam kết nghĩa vụ hợp đồng có tài sản bảo đảm được công chứng;

b) Người phải thi hành án đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của Tòa án; c) Có quyết định đình chỉ thi hành án; d) Đã hết thời hiệu thi hành án. 2. Cơ quan thi hành án cấp giấy xác nhận kết thúc thi hành án theo yêu cầu của đương sự. Điều 55. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án 1. Trong trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan chết hoặc là pháp nhân hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chia tách, thì quyền và nghĩa vụ thi hành án của cá nhân, pháp nhân đó được chuyển giao theo quy định của pháp luật. 2. Chính phủ quy định cụ thể thủ tục thi hành án trong trường hợp chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án. Điều 56. Xử lý tài sản đã tịch thu 1. Tài sản đã tịch thu là vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa được giao cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý loại tài sản đó xử lý theo quy định của pháp luật. 2. Đối với các tài sản khác, chấp hành viên giao cho cơ quan tài chính xử lý theo quy định của pháp luật. Điều 57. Tiêu hủy vật chứng, tài sản

1. Việc tiêu hủy vật chứng, tài sản được thực hiện trong các trường hợp sau đây: a) Vật chứng, tài sản phải tiêu hủy theo bản án, quyết định của Tòa án; b) Tài sản mà bản án, quyết định của Toà án tuyên trả, nhưng đương sự không nhận, tài sản kê biên, thu giữ bị hỏng và không còn giá trị sử dụng mà đương sự không nhận lại. 2. Cơ quan thi hành án lập Hội đồng tiêu hủy tài sản gồm có chấp hành viên, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn, do chấp hành viên làm chủ tịch. Kinh phí tiêu hủy vật chứng, tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án do ngân sách nhà nước cấp. CHƯƠNG VI THI HÀNH ÁN PHÁ SẢN; ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI; PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ CẠNH TRANH; ÁN LAO ĐỘNG, HÀNH CHÍNH; CAM KẾT HỢP ĐỒNG; PHẦN DÂN SỰ TRONG BẢN ÁN HÌNH SỰ Mục 1 THI HÀNH ÁN PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP Điều 58. Thi hành quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp 1. Việc thi hành quyết định của Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

2. Trong trường hợp pháp luật về phá sản không quy định, thì các quy định tại Phần thứ hai của Bộ luật này cũng được áp dụng để thi hành quyết định của Toà án tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Điều 59. Đình chỉ thi hành án dân sự để giải quyết theo thủ tục phá sản 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án phải đình chỉ thi hành án ngay sau khi nhận được quyết định của Toà án về mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. 2. Trong trường hợp cơ quan thi hành án đang tiến hành kê biên tài sản thì khi nhận được quyết định của Toà án về mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản thì phải ra quyết định giải toả kê biên và chuyển giao tài sản cho thẩm phán có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. 3. Trong trường hợp cơ quan thi hành án đã thi hành xong một phần khoản nợ của người phải thi hành án, thì cơ quan thi hành án chuyển phần chưa được thi hành cho thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản để giải quyết theo trình tự phá sản. Điều 60. Thời hạn lập văn bản và chuyển giao giấy tờ thi hành án 1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, cơ quan thi hành án phải lập văn bản và chuyển giao các giấy tờ thi hành án cho thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. 2. Đối với các khoản lệ phí, phí thi hành án, chi phí thi hành án của người phải thi hành án, sau khi trừ các khoản đã chi thi hành

án, cơ quan thi hành án chuyển phần còn lại cho thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để giải quyết theo trình tự phá sản. Điều 61 . Lập văn bản về tình hình thi hành án và chuyển giao hồ sơ thi hành án 1. Trước khi chuyển giao việc thi hành án, chấp hành viên phải lập văn bản về tình hình thi hành án, bao gồm các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm lập văn bản; b) Họ, tên chấp hành viên; c) Họ, tên người phải thi hành án; d) Phần chưa được thi hành và phần đã thi hành (nếu có); đ) Biện pháp cưỡng chế được áp dụng (nếu có); e) Lệ phí, phí thi hành án, chi phí thi hành án (nếu có); g) Các vấn đề khác có liên quan đến thi hành án. 2. Hồ sơ chuyển giao việc thi hành án gồm có: a) Quyết định thi hành án; b) Quyết định cưỡng chế thi hành án (nếu có); c) Quyết định đình chỉ thi hành án; d) Bản án, quyết định của Toà án;

đ) Đơn yêu cầu thi hành án; e) Văn bản về tình hình thi hành án; g) Các giấy tờ khác có liên quan.

Mục 2 THI HÀNH ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI, PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI VIỆT NAM, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỤ VIỆC CẠNH TRANH Điều 62. Thi hành bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại của Toà án 1. Việc thi hành bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại của Toà án được áp dụng theo các quy định tại Phần thứ hai của Bộ luật này. 2. Việc thi hành bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại của Toà án phải bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt, thỏa thuận thi hành án của các bên; bảo vệ lợi ích sản xuất, kinh doanh, lợi ích của Nhà nước, tôn trọng phạm vi, mức độ yêu cầu của bên được thi hành án, quyền, lợi ích hợp pháp của người phải thi hành án. Điều 63. Cưỡng chế thi hành bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại của Toà án 1. Việc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại của Toà án được thực hiện theo quy định tại Phần thứ hai của Bộ luật này.

2. Chấp hành viên chỉ kê biên giấy tờ trị giá được bằng tiền, nếu còn thời hạn thanh toán. 3. Trong trường hợp giấy tờ trị giá được bằng tiền phải chuyển đổi thành tiền, chấp hành viên có quyền đại diện cho người phải thi hành án để chuyển đổi giấy tờ trị giá được bằng tiền. Tỷ giá chuyển đổi được áp dụng theo tỷ giá liên ngân hàng vào thời điểm chuyển đổi. 4. Chấp hành viên có quyền kê biên cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu, thương phiếu và các chứng khoán khác của người phải thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Điều 64. Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án 1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, chấp hành viên thông báo cho doanh nghiệp, ngân hàng, hợp tác xã, nơi người phải thi hành án có cổ phần, tài sản biết về quyền được ưu tiên mua cổ phần, tài sản của người đó. Trong trường hợp thi hành án đối với số cổ phiếu của người phải thi hành án có trong công ty cổ phần, ngân hàng cổ phần, thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về quyền ưu tiên mua lại cổ phiếu, Hội đồng quản trị Công ty, ngân hàng cổ phần phải quyết định mua lại hoặc bán đấu giá số cổ phiếu đó. 2. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan thi hành án, doanh nghiệp, ngân hàng, hợp tác xã phải thực hiện quyền được ưu tiên mua cổ phần, tài sản của người phải thi hành án là thành viên trong doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu hết thời hạn đó mà không có người mua, thì chấp hành viên có quyền đưa cổ phần tài sản ra

bán đấu giá. Trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản. Điều 65. Thi hành án đối với tài sản thuộc hoặc không thuộc loại tài sản giao dịch trên thị trường chứng khoán 1. Trong trường hợp tài sản kê biên thuộc loại chứng khoán giao dịch trên thị trường chứng khoán thì chấp hành viên yêu cầu Công ty chứng khoán hữu quan tiến hành bán và làm thủ tục thanh toán số chứng khoán đã bán thông qua trung tâm lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán theo quy định của pháp luật chứng khoán. Việc chuyển số chứng khoán đã bán thành tiền và chi trả cho người được thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật. 2. Trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc loại chứng khoán giao dịch trên thị trường chứng khoán thì chấp hành viên đưa ra bán đấu giá. Trình tự, thủ tục bán đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản. Chi phí bán đấu giá tài sản được trừ vào tiền bán tài sản của người phải thi hành án. Điều 66. Thi hành phán quyết trọng tài thương mại Việt Nam 1. Người được thi hành phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam có quyền gửi đơn yêu cầu Cục thi hành án cấp tỉnh ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với người phải thi hành phán quyết đó. 2. Căn cứ để ra quyết định cưỡng chế thi hành gồm có: a, Đơn yêu cầu ghi rõ phạm vi yêu cầu, họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành và các thông tin cần thiết khác;

b, Phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam, kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan. 3. Trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Cục trưởng Cục thi hành án cấp tỉnh phải ra quyết định cưỡng chế thi hành phán quyết Trọng tài. Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành được thực hiện theo quy định tại Chương VI của Bộ luật này. Điều 67. Thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật 1. Người được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật có quyền gửi đơn yêu cầu Cục thi hành án cấp tỉnh ra quyết định cưỡng chế thi hành đối với người phải thi hành quyết định đó. 2. Căn cứ để ra quyết định cưỡng chế thi hành gồm có: a, Đơn yêu cầu ghi rõ phạm vi yêu cầu, họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành và các thông tin cần thiết khác; b, Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật, kèm theo tài liệu, chứng cứ liên quan. 3. Trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Cục trưởng cục thi hành án cấp tỉnh phải ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã có hiệu lực pháp luật. Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành được thực hiện theo quy định tại Chương VI của Bộ luật này

Mục 3 THI HÀNH ÁN LAO ĐỘNG Điều 68. Thi hành quyết định nhận lại người lao động do bị sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. 1. Trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án buộc người sử dụng lao động phải nhận lại người lao động do bị sa thải hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và bồi thường thiệt hại về quyền lợi, thì thi hành theo đúng bản án, quyết định đó, nếu cả hai bên đều không phản đối. 2. Trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động mà người đó cũng đồng ý, hoặc người lao động không muốn trở lại làm việc mà người sử dụng lao động cũng đồng ý, thì ngoài quyền lợi về tiền lương và bảo hiểm xã hội mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật, hai bên thỏa thuận việc người sử dụng lao động trả một khoản tiền bồi thường để người lao động tự lo tìm công việc làm mới. Mức tiền bồi thường tối đa trong trường hợp này được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án ra quyết định công nhận thỏa thuận của hai bên về phương thức thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án là người sử dụng lao động. Điều 69. Thi hành án bồi thường thiệt hại 1. Trong trường hợp người lao động gây ra thiệt hại cho người sử dụng lao động hoặc người sử dụng lao động gây ra thiệt hại cho người lao động hoặc cho tập thể lao động, thì việc thi hành án bồi thường thiệt hại được thực hiện theo bản án, quyết định

của Tòa án, phù hợp với quy định của pháp luật lao động và pháp luật công chức. 2. Việc thi hành án bồi thường phí, chi phí học nghề, dạy nghề, đào tạo cho người sử dụng lao động hoặc cho người lao động cũng được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án, phù hợp với quy định của pháp luật lao động và pháp luật công chức. 3. Người lao động, tập thể lao động là người được thi hành án bồi thường thiệt hại không phải nộp tiền tạm ứng phí thi hành án. Điều 70. Thi hành bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài, thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài Việc thi hành bản án, quyết định lao động của Toà án nước ngoài, thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật này.

Mục 4 THI HÀNH CAM KẾT HỢP ĐỒNG Điều 71. Quyền yêu cầu thi hành cam kết hợp đồng 1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nghĩa vụ hợp đồng có tài sản bảo đảm được công chứng đến hạn mà bên phải thi hành nghĩa vụ đó không chịu thực hiện mà không có tranh chấp thì bên được thi hành có quyền yêu cầu Chi cục thi hành án ra quyết định cưỡng chế đối với bên phải thi hành, nếu một trong hai bên không khởi kiện ra Tòa án.

2. Người nộp đơn yêu cầu phải nộp cho Chi cục thi hành án các giấy tờ sau đây: a) Đơn yêu cầu ghi rõ phạm vi, nội dung yêu cầu;họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành cam kết nghĩa vụ hợp đồng; b) Hợp đồng hoặc giấy tờ xác nhận cam kết nghĩa vụ có tài sản bảo đảm được công chứng, kèm theo tài liệu, chứng cứ có liên quan; c) Các thông tin liên quan về tài sản bảo đảm và điều kiện thực hiện của người phải thực hiện cam kết. Điều 72. Căn cứ thi hành cam kết hợp đồng Căn cứ để thi hành cam kết hợp đồng bao gồm: 1. Hợp đồng hoặc giấy tờ xác nhận nghĩa vụ có tài sản bảo đảm được công chứng theo quy định của pháp luật công chứng; 2. Đơn yêu cầu thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự; 3. Quyết định thi hành án. Điều 73. Thủ tục, cưỡng chế thi hành cam kết hợp đồng 1. Cam kết nghĩa vụ hợp đồng có tài sản bảo đảm được công chứng được thi hành theo thủ tục quy định tại Chương V của Bộ luật này. 2. Việc cưỡng chế thi hành cam kết nghĩa vụ hợp đồng có tài sản bảo đảm được công chứng được áp dụng theo quy định tại Chương IX của Bộ luật này; khi cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thì bên phải thi hành không còn quyền khởi kiện ra Tòa án.

Mục 5 THI HÀNH PHẦN DÂN SỰ TRONG BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH HÌNH SỰ CỦA TÒA ÁN Điều 74. Phạm vi, thẩm quyền thi hành án 1. Việc thi hành án phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Toà án bao gồm việc thi hành quyết định về án phí, phạt tiền, tịch thu tài sản, tịch thu bồi thường thiệt hại, sung công tài sản, hoàn trả tài sản, kê biên bán tài sản và các khoản phải thu khác theo quy định pháp luật. 2. Việc thi hành bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này do cơ quan thi hành án dân sự thực hiện; cơ quan thi hành án hình sự, gia đình, thân nhân người bị kết án có trách nhiệm hỗ trợ, hợp tác thi hành án. Điều 75. Bảo đảm thi hành án 1. Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát có trách nhiệm kê biên, niêm phong tài sản, Sổ sách kế toán, thu giữ tài sản, cấm chuyển dịch tài sản; phong toả tài khoản của bị can, bị cáo ngay trong quá trình điều tra và có biện pháp bảo quản tài sản đó để bảo đảm thi hành án dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật này. 2. Giám thị trại giam, cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý, giám sát phạm nhân, người bị kết án hình sự có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm thi hành án dân sự trong quá trình người bị kết án, phạm nhân chấp hành hình phạt; kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự

biết thời gian, địa điểm cư trú mới của người bị kết án sau khi mãn hạn tù hoặc được giảm án tha tù trước thời hạn để tiếp tục thi hành án dân sự. 3. Ngoài các quy định chung về chính sách hình sự của Nhà nước, việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, miễn trách nhiệm hình sự, tha tù trước thời hạn đều phải căn cứ vào kết quả, mức độ thi hành án dân sự theo bản án, quyết định hình sự của Toà án. Điều 76. Phạm vi tài sản bị kê biên, xử lý để thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án Các tài sản sau đây của người phạm tội, người bị kết án, phạm nhân được kê biên, xử lý để bảo đảm thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án: 1. Tài sản đã kê biên, phong toả, thu giữ, cấm chuyển dịch trong quá trình điều tra hình sự; 2. Tài sản khác thực có của đương sự; 3. Thu nhập từ lao động trong thời gian chấp hành hình phạt tù giam và sau khi mãn hạn chấp hành hình phạt tù; 4. Tài sản của gia đình, thân nhân của đương sự tự nguyện đóng góp; 5. Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Điều 77. Thủ tục thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự

1. Thủ tục thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án được thực hiện theo quy định tại Phần thứ hai của Bộ luật này. 2.Việc thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án do cơ quan thi hành án dân sự chủ động thực hiện đối với các khoản thu cho nhà nước hoặc theo đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án. 3. Thời hiệu thi hành phần tài sản trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án cũng được áp dụng theo quy định của Bộ luật này về thời hiệu thi hành án dân sự.

CHƯƠNG VII THI HÀNH BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM Mục 1 THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI Điều 78. Nguyên tắc thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời 1. Thi hành nhanh, kịp thời trong phạm vi và thời hạn quy định khi nhận được quyết định của Tòa án. 2. Trực tiếp thi hành, không được ủy thác.

3. Tổ chức thi hành đồng thời các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nếu được Tòa án giao. Trong trường hợp Toà án cùng một lúc cho áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì cơ quan thi hành án phải đồng thời tổ chức thi hành các biện pháp đó. Điều 79. Căn cứ thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời 1. Quyết định của Toà án về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 2. Quyết định của Toà án về việc áp dụng biện pháp bắt giữ tàu biển, tàu bay như là áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 3. Quyết định thi hành án. Điều 80. Chuyển giao Quyết định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. 1. Toà án đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao cho cơ quan thi hành án có thẩm quyền Quyết định đó, kèm theo giấy tờ xác nhận người yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc đặt cọc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra Quyết định; Toà án có thể giao cho đương sự trực tiếp nộp Quyết định và giấy tờ đó. 2. Trường hợp Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt giữ tàu biển, tàu bay thì bản sao quyết định đó còn phải được chuyển giao cho Cảng vụ, Cảng hàng không, Cơ quan biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, nơi có tàu biển, tàu bay bị bắt giữ.

Điều 81. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời 1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nơi người có nghĩa vụ cư trú, làm việc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1,2,3,4 và 5 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự. 2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người có nghĩa vụ cư trú hoặc có tài sản, Cảnh sát tư pháp, Cơ quan có thẩm quyền đăng ký và quản lý tài sản và cơ quan, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án trong việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 6,7,8 điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự. 3. Ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước, cơ quan, đơn vị, cá nhân đang quản lý tiền, tài sản của người có nghĩa vụ có trách nhiệm phối hợp và thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án trong việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự. 4. Cảnh sát tư pháp, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nơi người có nghĩa vụ cư trú, làm việc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 12 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự. 5. Cảng vụ, Cảng hàng không, Cơ quan biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, nơi có tàu biển, tàu bay bị bắt giữ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự biện pháp bắt giữ tàu biển, tàu bay. Điều 82. Thủ tục thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Ngay sau khi nhận được Quyết định của Toà án về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra ngay quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên thi hành trong thời hạn 48 giờ, kể từ khi nhận được Quyết định; trong trường hợp cần thiết phải kéo dài thời hạn thi hành cũng không quá ba mươi ngày. Trường hợp Toà án quyết định áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án phải phân công một hoặc nhiều chấp hành viên tổ chức thi hành đồng thời các biện pháp đó. 2. Trong trường hợp người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở địa phương khác, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án cử chấp hành viên phối hợp với các cơ quan liên quan, nơi người đó cư trú hoặc có tài sản tổ chức thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời. 3. Trong trường hợp quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Chi cục thi hành án cấp huyện thi hành, nhưng do tính chất phức tạp và theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án thì Cục trưởng Cục thi hành án cấp tỉnh phải ra quyết định rút hồ sơ và tổ chức chức thi hành trong thời hạn 72 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị;nếu có kéo dài thời hạn thi hành án thì cũng không quá sáu mươi ngày. 4. Các quyết định thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bắt giữ tàu biển, tàu bay phải được tống đạt ngay cho đương sự, các cơ quan liên quan, đồng thời, phải được gửi cho Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp đó và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, nơi đương sự cư trú, làm việc hoặc có tài sản. Điều 83. Cưỡng chế thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời

Sau khi có quyết định thi hành án, chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế sau đây: 1. Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 155 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 1 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 2. Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 156 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 3. Biện pháp cưỡng chế quy định tại các Điều 126, 127, 128 và 130 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 4. Biện pháp cưỡng chế quy định tại của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 5 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 5. Trường hợp cưỡng chế thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 6 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp hành viên phải lập biên bản về việc kê biên tài sản tranh chấp, có chữ ký của chấp hành viên, các bên đương sự và người làm chứng (nếu có). Trường hợp đương sự không ký vào biên bản kê biên thì phải ghi rõ vào biên bản. Trường hợp kê biên tài sản tranh chấp là bất động sản, đồ vật được thực hiện theo quy định tại các Điều 133 và 134 của Bộ luật này. Việc bảo quản tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại Điều 141 của Bộ luật này.

6. Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 153 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 7 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 7. Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 154 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 8 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 8. Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 153 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 9 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. Sau khi thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời, chấp hành viên trừ chi phí thi hành án và phải gửi ngay số tiền thu được còn lại vào tài khoản tạm gửi và thông báo cho Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp đó biết. 9. Biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 2 Điều 126 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự. 10. Trường hợp cưỡng chế thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 11 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự, chấp hành viên ra quyết định buộc các cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều 132 của Bộ luật này và cơ quan giữ tài sản thực hiện quyết định của Toà án. 11. Biện pháp cưỡng chế quy định tại các Điều 153 và 154 của Bộ luật này để bảo đảm thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 12 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự; 12. Trường hợp Toà án áp dụng biện pháp bắt giữ tàu biển, tàu bay, cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Cảng vụ, Cảng hàng không và các cơ quan nói tại khoản 5 Điều 85 của Bộ luật

này thực hiện các biện pháp buộc tàu biển, tàu bay không được rời khỏi nơi neo đậu, thu giữ bộ điều khiển tàu biển, máy bay. Chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại các Điều 153 và 154 của Bộ luật này đối với thủy thủ đoàn, phi hành đoàn và những người khác trên tàu biển, tàu bay bị bắt giữ . Điều 84. Giải thích, xử lý vướng mắc trong thi hành quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bắt giữ tàu biển, tàu bay Trường hợp quyết định của Toà án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không rõ hoặc trong quá trình thi hành có vướng mắc, thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc người được thi hành án có quyền yêu cầu Toà án giải thích. Toà án phải xem xét và trả lời yêu cầu của thủ trưởng cơ quan thi hành án hoặc của người được thi hành án trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 85. Thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp Toà án thay đổi, bổ sung 1. Trường hợp Toà án thay đổi hoặc bổ sung biện pháp khẩn cấp tạm thời, thủ trưởng cơ quan thi hành án phải ra ngay quyết định thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời mới, đồng thời, ra quyết định chấm dứt thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời đã bị thay đổi. 2. Nếu các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự bị Toà án thay đổi, nhưng cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được một phần, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo cho Toà án và giải thích cho đương sự quyền yêu cầu Toà án giải

quyết quyền lợi theo quy định tại Điều 101 và Điều 125 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 9 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự bị Toà án thay đổi, nhưng cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo và yêu cầu Toà án xử lý số tiền tạm giữ nếu có; nếu có thiệt hại phát sinh thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án bồi thường . Điều 86. Đình chỉ thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời. 1. Trường hợp Toà án hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng dân sự, thì ngay sau khi nhận được quyết định của Toà án, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi có quyết định đình chỉ thi hành biện pháp khẩn cấp tạm, chấp hành viên phải làm thủ tục giải toả kê biên, trả lại tài sản, giải toả việc phong toả tài sản hoặc tài khoản của người có nghĩa vụ. 2. Trường hợp biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2, 3, 4 và 9 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự bị Toà án hủy bỏ, nhưng Cơ quan thi hành án dân sự thi hành được một phần hoặc toàn bộ, thì việc giải quyết quyền lợi của đương sự được thực hiện theo quy định tại Điều 89 của Bộ luật này. Điều 87. Chi phí thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án 1. Chí phí thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời được tạm ứng từ kinh phí của cơ quan thi hành án dân sự.

Người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thanh toán các chi phí cần thiết để tổ chức thi hành biện pháp đó; nếu người đó đã nộp tiền bảo lãnh (tiền đặt cọc) thì trừ vào số tiền đã nộp. 2. Trường hợp Toà án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chi phí tổ chức thi hành được thanh toán từ kinh phí của cơ quan thi hành án dân sự. Chi phí thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 9 Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự được khấu trừ sau khi bán tài sản. 3. Việc tạm ứng, thu nộp, khấu trừ chi phí thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời do Chính phủ quy định. Điều 88. Khiếu nại, kháng nghị các quyết định về thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời 1. Đương sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền khiếu nại, kháng nghị quyết định và hành vi của thủ trưởng cơ quan thi hành án và chấp hành viên trong việc thi hành trái pháp luật hoặc không thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời. 2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau: a) Đối với khiếu nại hoặc kháng nghị quyết định hoặc hành vi của chấp hành viên cấp huyện, thì Chi cục trưởng Chi cục thi hành án phải xem xét và ra quyết định giải quyết trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Trường hợp đương sự, Viện kiểm sát nhân dân vẫn còn khiếu nại, kháng nghị, thì Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh phải xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị.

Quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành; b) Đối với khiếu nại, kháng nghị quyết định hoặc hành vi của Chi cục trưởng Chi cục thi hành án cấp huyện; quyết định hoặc hành vi của chấp hành cấp tỉnh, thì Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh phải xem xét và ra quyết định giải quyết trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Nếu đương sự, Viện kiểm sát nhân dân vẫn còn khiếu nại, kháng nghị, thì Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Quyết định giải quyết của Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành; c) Đối với khiếu nại, kháng nghị quyết định hoặc hành vi của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh, thì Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án thuộc Bộ Tư pháp xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. d. (Phương án 2) Đối với khiếu nại, kháng nghị quyết định hoặc hành vi của chấp hành viên phòng thi hành án cấp quân khu, thì Trưởng phòng thi hành án cấp quân khu phải xem xét và ra quyết định giải quyết trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Nếu đương sự, Viện kiểm sát quân sự vẫn còn khiếu nại, kháng nghị, thì Cục trưởng Cục thi hành án quân sự thuộc Bộ Quốc phòng xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, hoặc kháng nghị. Quyết định giải quyết của Cục trưởng Cục thi hành án quân sự có hiệu lực thi hành.

Đối với khiếu nại, kháng nghị quyết định hoặc hành vi của Trưởng phòng thi hành án cấp quân khu, thì Cục trưởng Cục thi hành án quân sự thuộc Bộ Quốc phòng xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Nếu đương sự, Viện kiểm sát quân sự vẫn còn khiếu nại, kháng nghị, thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành. Nếu đương sự, Viện kiểm sát nhân dân vẫn còn khiếu nại, kháng nghị, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, ra quyết định giải quyết trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại hoặc kháng nghị. Quyết định giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

Mục 2 THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM Điều 89. Giải quyết hậu quả do thi hành Quyết định giám đốc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án 1. Trong trường hợp Quyết định giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà quyết định đó chưa được thi hành hoặc đã thi hành được một phần thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định tiếp tục thi hành án.

Trong trường hợp Quyết định giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà bản án, quyết định đó đã thi hành xong thì cơ quan thi hành án thông báo cho Tòa án đã ra bản án, quyết định, Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự biết. 2. Trong trường hợp Quyết định giám đốc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa thì: a) Căn cứ để thi hành án là Quyết định giám đốc thẩm và bản án, quyết định đúng pháp luật đã bị hủy hoặc bị sửa; b) Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới không bị hủy hoặc không bị sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục ra quyết định thi hành; c) Đối với phần bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới bị hủy hoặc bị sửa, nếu đã thi hành án xong thì các bên hoàn trả lại tài sản cho nhau hoặc phục hồi lại quyền tài sản như ban đầu. Nếu không thể hoàn trả lại tài sản hoặc phục hồi lại quyền tài sản thì các bên thỏa thuận giải quyết bồi hoàn cho nhau bằng tiền; trường hợp không thỏa thuận được hoặc có yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh, thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án. Điều 90. Giải quyết hậu quả do thi hành Quyết định giám đốc thẩm mà hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án 1. Trong trường hợp Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại thì:

a) Việc thi hành án được tiếp tục thực hiện theo bản án, quyết định sơ thẩm mới có hiệu lực pháp luật hoặc bản án phúc thẩm mới; b) Nếu có thiệt hại phát sinh do thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị Quyết định giám đốc thẩm hủy thì đương sự có quyền khởi kiện đòi bồi thường đối với Tòa án đã ra bản án, quyết định phúc thẩm trong trường hợp phải xét xử sơ thẩm lại; đối với Tòa án đã ra bản án, quyết định giám đốc thẩm trong trường hợp phải xét xử phúc thẩm lại 2. Trong trường hợp Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ vụ án thì các bên hoàn trả lại tài sản cho nhau hoặc phục hồi lại quyền tài sản như ban đầu. Nếu không thể hoàn trả lại tài sản hoặc phục hồi lại quyền tài sản thì các bên thỏa thuận giải quyết bồi hoàn cho nhau bằng tiền; trường hợp không thỏa thuận được hoặc có yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh, thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án. Điều 91. Giải quyết hậu quả do thi hành quyết định tái thẩm 1. Việc thi hành án được thực hiện theo bản án, quyết định mới có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền. 2. Trong trường hợp quyết định của Hội đồng tái thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì việc thi hành án được thực hiện theo quy định của Điều 89 của Bộ luật này 3. Trong trường hợp quyết định của Hội đồng tái thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc đình chỉ vụ án thì việc giải quyết hậu quả thi hành án được thực hiện theo quy định của Điều 90 của Bộ luật này.

CHƯƠNG VIII KÊ BIÊN, BÁN ĐẤU GIÁ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Điều 92. Quyền sử dụng đất được kê biên bán đấu giá 1. Quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà theo quy định pháp luật về đất đai được phép chuyển quyền sử dụng, được kê biên, đấu giá để bảo đảm thi hành án trong các trường hợp sau đây: a) Quyền sử đất đã được Toà án quyết định kê biên để bảo đảm thi hành án; b) Người phải thi hành án không có tài sản khác hoặc có tài sản, không đủ để thi hành án, nhưng có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hợp pháp hoặc có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. 2. Chấp hành viên có trách nhiệm xác định điều kiện kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất. 3. Trường hợp người phải thi hành án có quyền sử dụng đất mà một phần hoặc toàn bộ diện tích đất chưa có quyết định thu hồi đất, thì quyền sử dụng đất đó vẫn được kê biên, đấu giá. Điều 93. Xác định giấy tờ về quyền sử dụng đất được kê biên, đấu giá Việc xác định các giấy về quyền sử dụng đất được thực hiện như sau:

1 . Người phải thi hành án có trách nhiệm xuất trình các giấy tờ về quyền sử dụng đất; 2. Trường hợp không xuất trình giấy tờ thì chấp hành viên xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà, đất. Điều 94. Diện tích đất để lại cho người phải thi hành án 1. Trường hợp người phải thi hành án trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì khi kê biên, chấp hành viên phải để lại cho người phải thi hành án diện tích nhất định đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất. 2. Diện tích đất để lại được quyết định trên cơ sở mức lương thực thu nhập bình quân của một người trong 5 năm gần nhất ở địa phương, theo các điều kiện cụ thể sau đây: a) Diện tích đất bình quân cho từng nhân khẩu trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại địa bàn xã đủ bảo đảm sản xuất để sinh sống trong sáu tháng, nếu trồng cây hàng năm, đất làm muối; trong mười hai tháng, trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất nông nghiệp khác; b) Diện tích đất để lại cho hộ gia đình là tổng diện tích đất để lại của các thành viên hộ gia đình. 3. Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không áp dụng đối với người phải thi hành án không trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Điều 95. Kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất đã thế chấp 1. Quyền sử dụng đất đã thế chấp hợp pháp trước khi có quyết định thi hành án chỉ được kê biên, đấu giá trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản duy nhất có giá trị lớn hơn so với tổng số tiền phải thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm. Người nhận thế chấp hợp pháp quyền sử dụng đất được ưu tiên thanh toán nợ trước khi thanh toán các khoản phải thi hành án khác. 2. Quyền sử dụng đất được thế chấp sau khi có quyết định thi hành án hoặc thế chấp không hợp pháp vẫn được kê biên để bảo đảm thi hành án. Người nhận thế chấp có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về thế chấp quyền sử dụng đất. Hết thời hạn ba tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì quyền sử dụng đất đã kê biên được bán đấu giá; nếu có người khởi kiện, thì quyền sử dụng đất được xử lý sau khi có bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thế chấp quyền sử dụng đất. Điều 96. Diện tích đất kê biên, thứ tự kê biên quyền sử dụng đất 1. Chấp hành viên chỉ được kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất có giá trị đủ để bảo đảm thi hành án, chi phí thi hành án và các khoản tiền khác phải thanh toán. 2. Trường hợp giá trị quyền sử dụng đất không đủ để thi hành án thì kê biên phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án có chung với người khác. Điều 97. Thẩm quyền, trách nhiệm đấu giá quyền sử dụng đất đã kê biên

1. Chấp hành viên làm thủ tục ký hợp đồng Ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá tài sản để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. 2. Trong trường hợp chưa có tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc tổ chức bán đấu giá tài sản từ chối ký hợp đồng Ủy quyền thì chấp hành viên tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Điều 98. Bảo đảm quyền lợi của người nhận quyền sử dụng đất 1. Quyền, lợi ích hợp pháp của người nhận quyền sử dụng đất qua bán đấu giá được pháp luật công nhận và bảo vệ. 2. Người nhận quyền sử dụng đất qua bán đấu giá được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thuê đất, người nhận quyền sử dụng đất qua bán đấu giá được ký hợp đồng tiếp tục thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Điều 99. Xác định diện tích đất kê biên 1. Trước khi kê biên quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải tạm thời xác định diện tích đất kê biên. Diện tích đất kê biên được xác định trên cơ sở a) Số tiền phải thi hành án; b) Giá trị quyền sử dụng đất; c) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; d) Các khoản thuế về quyền sử dụng đất phải nộp theo quy định của pháp luật;

đ) Chi phí thi hành án và các khoản khác phải thanh toán. 2. Chấp hành viên phải phối hợp với đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan để xác định vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất kê biên. Điều 100. Thông báo kê biên quyền sử dụng đất Chậm nhất bảy ngày làm việc trước ngày kê biên, chấp hành viên phải thông báo kê biên quyền sử dụng đất trực tiếp cho người được thi hành án, người phải thi hành án, người nhận thế chấp, người nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất, các thành viên Hội đồng kê biên quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có đất được kê biên biết; hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và niêm yết kê biên tại trụ sở cơ quan thi hành án và Ủy ban nhân dân cấp xã. Điều 101. Kê biên quyền sử dụng đất là tài sản chung 1. Trường hợp người phải thi hành án và người có chung quyền sử dụng đất có thoả thuận bằng văn bản về phần quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận hoặc xác định được phần quyền sử dụng đất của từng người thì chỉ kê biên phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án. 2. Trường hợp không thoả thuận được bằng văn bản hoặc chấp hành viên không xác định được phần quyền sử dụng đất của từng người, thì giải quyết như sau: a) Trường hợp người phải thi hành án là vợ hoặc chồng thì hướng dẫn yêu cầu Toà án chia quyền sử dụng đất là tài sản chung theo quy định của Luật về hôn nhân và gia đình.

Hết thời hạn ba tháng, kể từ ngày hướng dẫn mà không yêu cầu Toà án chia quyền sử dụng đất thì phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án là diện tích đất bình quân của mỗi người trong diện tích đất mà vợ chồng có chung; b) Trường hợp hộ gia đình mà không xác định được phần diện tích đất của người phải thi hành án thì phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án là diện tích đất bình quân của mỗi người trong hộ gia đình. 3. Trường hợp quyền sử dụng được dùng để góp vốn trước khi có quyết định thi hành án mà góp vốn không hình thành pháp nhân mới thì vẫn kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án đã góp vốn. 4. Trường hợp có tài sản của người khác gắn liền với đất thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo quy định tại Điều 109 của Bộ luật này. Điều 102. Kê biên quyền sử dụng đất trong trường hợp có nhiều thửa đất, loại đất 1. Trường hợp người phải thi hành án có nhiều thửa đất hoặc nhiều loại đất mà có giá trị lớn hơn số tiền phải thi hành án, kể cả quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản thì kê biên thửa đất hoặc loại đất theo đề nghị của người phải thi hành án, nếu không gây trở ngại việc thi hành án. 2. Trường hợp người phải thi hành án không đề nghị kê biên thì sau ba ngày làm việc, kể từ ngày được thông báo, chấp hành viên phải lập biên bản và quyết định kê biên thửa đất, loại đất thích hợp. Điều 103. Kê biên quyền sử dụng đất đang do người khác thuê, khai thác, sử dụng

1. Trường hợp quyền sử dụng đất đang cho người khác thuê, khai thác, sử dụng thì trước ít nhất là ba mươi ngày, chấp hành viên phải thông báo cho người đó biết diện tích đất, thửa đất, loại đất, thời điểm kê biên. 2. Trường hợp có tài sản của người đang thuê, khai thác, sử dụng đất gắn liền với đất của người phải thi hành án thì quyền lợi của người đang khai thác, sử dụng đất được giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này. Điều 104. Giải thích quyền khiếu nại hoặc khởi kiện 1. Khi kê biên quyền sử dụng đất, nếu có tranh chấp về quyền sử dụng đất thì chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên, nhưng phải giải thích cho đương sự biết quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 128 của Luật đất đai và phải được lập thành văn bản. 2. Hết thời hạn ba tháng, kể từ ngày kê biên mà không có khiếu nại hoặc khởi kiện thì quyền sử dụng đất được xử lý để thi hành án. Nếu có người khiếu nại hoặc khởi kiện về quyền sử dụng đất đã kê biên, thì quyền sử dụng đất chỉ được xử lý sau khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định quyền sử dụng đất của người phải thi hành án. 3. Trong trường hợp kê biên, xử lý nhà cửa, công trình của người phải thi hành án để trả lại cho người được thi hành án một diện tích quá nhỏ về quyền sử dụng đất gắn liền với nhà cửa, công trình, thì chấp hành viên phải giải thích cho đương sự biết quyền khởi kiện yêu cầu toà án xử lý bằng giải pháp khác, và trả lại đơn yêu cầu thi hành án. Điều 105. Những người tham gia kê biên quyền sử dụng đất

1. Việc kê biên quyền sử dụng đất phải được tiến hành trên thực địa, phải có mặt những người sau đây: a) Chấp hành viên, cán bộ thi hành án; b) Đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý về đất đai ở địa phương; c) Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có đất bị kê biên; d) Người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người sử dụng đất liền kề. 2. Trường hợp người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đã được thông báo cố tình vắng mặt thì chấp hành viên lập biên bản và vẫn tiến hành kê biên quyền sử dụng đất. Điều 106. Xác định vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất bị kê biên 1. Khi kê biên quyền sử dụng đất phải căn cứ vào các giấy tờ về quyền sử dụng đất của người phải thi hành án. 2. Việc kê biên quyền sử dụng đất phải được lập thành biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, có chữ ký của những người tham gia kê biên. Trường hợp người được thi hành án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người phải thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hoặc cố tình không ký vào biên bản, thì phải ghi rõ vào biên bản. Điều 107. Định giá quyền sử dụng đất đã kê biên Việc định giá quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Quyền sử dụng đất đã kê biên được định giá theo thoả thuận giữa người được thi hành án, người phải thi hành án và người có chung quyền sử dụng đất với người phải thi hành án. Thời hạn để các bên đương sự thoả thuận về giá không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày quyền sử dụng đất được kê biên; 2. Trường hợp các bên đương sự không thoả thuận hoặc không thoả thuận được giá trị quyền sử dụng đất thì trong thời hạn không quá mười lăm ngày, chấp hành viên đề nghị cơ quan thẩm định giá có thẩm quyền xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thời gian mười năm ngày, kể từ ngày nhận yêu cầu của cơ quan thi hành án; 3. Giá trị quyền sử dụng đất là giá khởi điểm được áp dụng khi đấu giá quyền sử dụng đất. Điều 108. Tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên 1. Nếu diện tích đất kê biên đang do người phải thi hành án quản lý, khai thác, sử dụng, thì chấp hành viên tạm giao diện tích đất đã kê biên cho người đó. Trường hợp diện tích đất kê biên đang do tổ chức hoặc cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng thì tạm giao cho tổ chức, cá nhân đó. 2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc tổ chức, cá nhân không nhận, thì chấp hành viên tạm giao diện tích cho tổ chức, cá nhân khác quản lý, khai thác, sử dụng. 3. Việc tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên phải được lập biên bản ghi rõ:

a) Hiện trạng sử dụng đất; b) Thời hạn tạm giao quản lý, khai thác sử dụng đất; diện tích, loại đất, số thửa đất, số bản đồ; c) Quyền và nghĩa vụ cụ thể của người được tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất. 4. Trong thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên, người được tạm giao không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, để thừa kế quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất; không được sử dụng đất trái mục đích. Điều 109. Xử lý tài sản gắn liền với đất khi kê biên quyền sử dụng đất Khi kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà có tài sản gắn liền với đất: 1. Trường hợp tài sản đó thuộc sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; 2. Trường hợp tài sản thuộc sở hữu của người khác thì xử lý như sau: a) Đối với tài sản có trước khi người khải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện chuyển tài sản để trả quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Trường hợp người có tài sản không tự nguyện chuyển tài sản thì chấp hành viên hướng dẫn người có tài sản và người phải thi hành án thoả thuận bằng văn bản về phương thức giải quyết tài sản. Trong thời hạn không quá mười lăm ngày, kể từ ngày hướng dẫn mà họ không thoả thuận được, thì chấp hành

viên tổ chức kê biên để bán đấu giá tài sản cùng với quyền sử dụng đất. Nếu người có tài sản là người thuê đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người phải thi hành án mà không hình thành pháp nhân mới, thì người có tài sản được quyền tiếp tục ký hợp đồng thuê đất, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với người trúng đấu giá, người nhận quyền sử dụng đất trong thời hạn còn lại của hợp đồng đã ký kết với người phải thi hành án. Trường hợp này, chấp hành viên có trách nhiệm thông báo cho người tham gia đấu giá, người được nhận quyền sử dụng đất về quyền tiếp tục ký hợp đồng của người có tài sản gắn liền với đất; b) Đối với tài sản có sau khi người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án thì chấp hành viên yêu cầu người có tài sản tự nguyện chuyển tài sản để trả lại quyền sử dụng đất cho người phải thi hành án. Sau thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày yêu cầu, mà người có tài sản không chuyển tài sản hoặc tài sản không thể chuyển được, thì chấp hành viên tổ chức kê biên để bán đấu giá cùng với quyền sử dụng đất. Riêng đối với tài sản có sau khi kê biên, nếu người có tài sản không chuyển tài sản hoặc tài sản không thể chuyển được, thì tài sản phải bị tháo dỡ. chấp hành viên tổ chức tháo dỡ tài sản, trừ trường hợp người nhận quyền sử dụng đất hoặc người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đồng ý mua tài sản; c) Người có tài sản gắn liền với đất của người phải thi hành án được hoàn trả tiền bán tài sản, nhận lại tài sản, nếu tài sản bị tháo dỡ, nhưng phải chịu các chi phí kê biên, định giá, bán đấu giá, tháo dỡ tài sản; 3. Đối với tài sản là cây trồng, vật nuôi ngắn ngày chưa đến mùa thu hoạch hoặc tài sản đang trong quy trình sản xuất khép kín

chưa kết thúc thì sau khi kê biên, chấp hành viên chỉ tiến hành xử lý khi đến mùa thu hoạch hoặc khi kết thúc quy trình sản xuất kép kín. Điều 110. Giải quyết việc nhận quyền sử dụng đất đã kê biên Việc nhận quyền sử d

Related Documents

Bo Luat Thi Hanh An
November 2019 11
Thi Luat
April 2020 9
Thi Hanh An Dan Su
June 2020 7
An Hanh
June 2020 8
Thi Toc Bo Lac
October 2019 11