Bộ sách: Khám phá tư duy
Phần I: Những câu chuyện về tình thương và lòng nhân ái.
Tự nhiên -xã hội -tư duy 1
2
Mảnh gương nhỏ Vào cuối một buổi diễn thuyết, nhà hiền triết hỏi trong số những người tham dự có ai muốn đặt câu hỏi gì với ông không. Một người lên tiếng hỏi nhà hiền triết ý nghĩa của cuộc đời là gì. Mọi người tham dự đều bàn tán xôn xao vì cho đó là câu hỏi lớn, khó có thể trả lời được. Nhà hiền triết ra hiệu cho mọi người yên lặng và đáp: “Ta sẽ trả lời câu hỏi thú vị đó”. Ông lấy trong người ra một cái túi nhỏ. Từ trong túi ông lấy ra một mảnh gương tròn nhỏ. Sau đó ông giải thích: "Lúc tôi còn là một đứa trẻ, gia đình tôi rất nghèo khổ và sống trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Một ngày nọ tôi thấy nhiều mảnh vỡ của một cái gương lớn trên đường đi vào làng. Tôi cố tìm xung quanh tất cả những mảnh vỡ để ghép chúng lại với nhau. Nhưng tôi không thể tìm được đầy đủ những mảnh gương bởi nhiều mảnh đã vỡ nát. Vì vậy tôi chỉ giữ lại một mảnh gương lớn nhất. Chính là mảnh gương này đây. Tôi đã mài nó thành chiếc gương tròn nhỏ. chiếc gương đã trở thành một đồ chơi mà tôi ưa thích. Tôi dùng nó để phản chiếu ánh sáng mặt trời vào những nơi tối tăm, những nơi mà mặt trời không thể chiếu vào được. Tôi luôn giữ chiếc gương bên mình và lớn lên cùng trò chơi phản chiếu ánh sáng đó…Khi đã là một người đàn ông trưởng thành, tôi nhận ra rằng đây không chỉ là một trò chơi của trẻ con mà còn là một triết lý về những gì tôi có thể làm trong cuộc đời này. Tôi hiểu mình không phải là ánh sáng hoặc nguồn sáng. Nhưng ánh sáng thì thực tế tồn tại và nó sẽ soi sáng vào những nơi tăm tối nếu tôi phản chiếu nó. Tôi là một mảnh vỡ của chiếc gương lớn mà tôi không biết kiểu dáng của toàn bộ cái gương ra sao. Tuy nhiên, với những gì mà tôi có, tôi có thể chiếu ánh sáng vào những nơi tăm tối của cuộc đời này, vào những nơi tăm tối của trái tim con người và làm thay đổi một vài điều gì đó cho họ. mỗi người chúng ta là một chiếc gương nhỏ. Những gia đình nghèo khổ, những người lầm đường lạc lối, những số phận đáng thương…Đó là những nơi tăm tối trong cuộc sống. Có thể nhiều người nhận ra những gì đang xảy ra và sẽ làm những điều tương tự như tôi. Đây chính là ý nghĩa của cuộc đời mà tôi muốn chia sẻ với các bạn".
3
Học cách không làm tổn thương người khác !
Có một cậu bé, cậu ta luôn luôn cáu với mọi người, và vì thế cậu làm rất nhiều người buồn. Và rồi một hôm, cậu nhận ra, cậu cần thay đổi, đó là một quyết định làm bố cậu rất vui, và ông có một ý kiến giúp cậu. Bố cậu bé muốn từ nay, mỗi khi cáu giận với ai, cậu bé sẽ tự đóng một chiếc đinh lên hàng rào trước sân nhà cậu, cứ thế cho đến một ngày cậu không đóng một chiếc đinh nào lên đó nữa. Rồi, cậu bé đã phải đóng rất nhiều chiếc đinh lên hàng rào gỗ nhà cậu. Đên khi cậu không còn cáu và không phải đóng một chiếc nào nữa, cậu đến gặp bố để nói cho ông biết điều đó. Bố cậu lại muốn, từ giờ, mỗi khi cậu làm một người nào đó vui cũng như khi xin lỗi người mà cậu bé đã làm người đó buồn, cậu được nhổ một chiếc đinh ra khỏi hàng rào. Cứ thể từng ngày qua, cậu cố gắng không nổi cáu, không làm bực mình, và tỏ ra biết lỗi với mọi người, cậu cũng nhổ hết đinh ra khỏi hàng rào nhà cậu. Và bố cậu bé đến, nói với cậu một câu : "Con đã nhổ hết đinh ra khỏi hàng rào, đó là một cố gắng, nỗ lực phi thường của con, nhưng con hãy xem, cái hàng rào gỗ còn được như xưa, nó đã bị những chiếc đinh làm thủng lỗ chỗ, cũng như những người mà con đã làm họ bị tổn thương, có nhưng vết thương trong lòng họ, mà khi con gây ra, mãi mãi con không thể hàn gắn lại được nữa". Bạn thân mến, xin gửi tới bạn bài học quý giá này. Những người sống quanh ta, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí cả những người mới quen...đã bao giờ bạn làm tổn thương hay vô tình gây ra sự đau lòng cho họ? Nếu đã từng sai lầm như thế, bạn hãy nghĩ lại đi, bạn nhé! Bởi, cuộc sống không ngắn ngủi nhưng cũng không quá dài để ta có thể làm lại và sửa chữa những sai lầm. Chúc bạn, không bao giờ làm tổn thương ai đó...
4
Vai kịch cuối cùng
Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là giáo viên cấp I trường làng. Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên. Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường- chẳng ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết. Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người." Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: " Đây là vai kịch cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi tàu..." Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít, nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi. Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông, một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất lòng tin ở cuộc đời.
5
Tự sơn mình bằng một màu khác Có một người đàn ông rất thích màu vàng. Ông sơn tường màu vàng, trải thảm màu vàng, mua những đồ nội thất màu vàng, treo rèm cửa màu vàng và thậm chí đồ dùng trong bếp của ông ta cũng toàn màu vàng. Ông ngủ trên một chiếc giường màu vàng, trải đệm vàng và mặc bộ quần áo màu vàng. Rồi đến khi ông bị bệnh. Thật kỳ lạ... ông bị bệnh vàng da. Ông gọi điện cho bác sĩ và hướng dẫn bác sĩ đến nhà: - Anh sẽ không gặp vấn đề gì về việc tìm nhà đâu, ông chỉ cần đi theo hành lang và thấy cái cửa màu vàng, đó chính là nhà tôi. Ông bác sĩ đi rất lâu mới trở về cơ quan. Một đồng nghiệp hỏi: - Anh đi lâu thế? Có giúp được ông ấy không? Bác sĩ mỉm cười: - Tôi đi lâu vì phải mất rất nhiều thời gian mới tìm ra ông ta ở trong nhà mình! * Giống y hệt đến mức bị trộn lẫn vào những thứ xung quanh mình không phải là một ý kiến hay Đó là dụng ý hơi cường điệu của câu chuyện hài hước này. Câu chuyện đó cũng tương tự như một mẩu tin gần đây trên báo: Một bà mẹ ở vùng Miami và một cậu bé đến đồn cảnh sát. Người mẹ nộp một ít tiền giấy và tiền xu, tổng cộng là 19,53 đôla. Cậu bé nộp vài đồng xu, tổng cộng là 85 xu. đó là hai người duy nhất đem tiền đến trả sau khi một chiếc xe của kho bạc bị tai nạn và làm đổ ra đường hơn 500.000 đôla. Nhiều nhân chứng đã nói rằng rất nhiều người - vào giờ tan tầm hôm ấy - đã ào ra nhặt tiền bỏ vào túi - càng nhiều càng tốt - trong khi hai nhân viên trên xe của kho bạc đang bị chảy máu. Cảnh sát đã thông báo đề nghị mọi người tới trả lại tiền, nhưng người phụ nữ và cậu bé đó là hai người duy nhất đem tiền tới. Tức là trong số rất nhiều người nhặt tiền hôm đó, có hai người có suy nghĩ khác với những người còn lại. “Tôi có con, và tôi cần phải làm gương tốt” - người mẹ nói. Bà làm việc tại một cửa hàng bán lẻ nhỏ, thu nhập rất thấp. Nhưng bà đã chọn cách không bị “trộn lẫn” với những người khác. Đúng như câu ngạn ngữ: “Đôi khi một người nghèo nhất lại để lại cho con cái mình món thừa kế lớn nhất”. Còn cậu bé 11 tuổi đã nộp 85 xu, cậu bé nói: “Cháu cảm thấy sẽ là sai nếu cháu giữ một thứ không phải của mình”. Cả hai người đó đã tự “sơn” mình bằng một màu sơn khác với nhiều người.
6
Giấy chứng nhận" người"...
Trên đoàn tàu, cô soát vé hết sức xinh đẹp cứ nhìn chằm chằm vào người đàn ông lớn tuổi áng chừng đi làm thuê, hạch sách: -Vé tàu! Người đàn ông lớn tuổi lục khắp người từ trên xuống dưới một thôi một hồi, cuối cùng tìm thấy vé, nhưng cứ cầm trong tay không muốn chìa ra. Cô soát vé liếc nhìn vào tay anh, cười trách móc: - Đây là vé trẻ em. Người đàn ông đứng tuổi đỏ bằng mặt, nhỏ nhẹ đáp: -Vé trẻ em chẳng phải ngang giá vé người tàn tật hay sao? Giá vé trẻ em và người tàn tật đều bằng một nửa vé, đương nhiên cô soát vé biết. Cô nhìn kỹ người đàn ông một lúc rồi hỏi: -Anh là người tàn tật? -Vâng, tôi là người tàn tật. -Vậy anh cho tôi xem giấy chứng nhận tàn tật. Người đàn ông tỏ ra căng thẳng. Anh đáp: -Tôi... không có giấy tờ. Khi mua vé cô bán vé bảo tôi đưa giấy chứng nhận tàn tật, không biết làm thế nào, tôi đã mua vé trẻ em Cô soát vé cười gằn:
7
-Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được anh là người tàn tật? Người đàn ông đứng tuổi im lặng, khe khẽ tháo giầy, rồi vén ống quần lên - Anh chỉ còn một nửa bàn chân. Cô soát vé liếc nhìn, bảo: - Tôi cần xem chừng từ, tức là quyển sổ có in mấy chữ "Giấy chứng nhận tàn tật", có đóng con dấu bằng thép của Hội người tàn tật! Người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt quả dưa đắng, giải thích: - Tôi không có hộ khẩu của địa phương, người ta không cấp sổ tàn tật cho tôi. Hơn nữa, tôi làm việc trên công trường của tư nhân. Sau khi xảy ra sự cố ông chủ bỏ chạy, tôi cũng không có tiền đến bệnh viện giám định... Trưởng tàu nghe tin, đến hỏi tình hình. Người đàn ông đứng tuổi một lần nữa trình bày với trưởng tàu, mình là người tàn tật, đã mua một chiếc vé có giá trị bằng vé của người tàn tật ... Trưởng tàu cũng hỏi: - Giấy chứng nhận tàn tật của anh đâu? Người đàn ông đứng tuổi trả lời anh không có giấy chứng nhận tàn tật, sau đó anh cho Trưởng tàu xem nửa bàn chân của mình. Trưởng tàu ngay đến nhìn cũng không thèm nhìn, cứ nhất quyết nói: - Chúng tôi chỉ xem giấy chứng nhận, không xem người. Có giấy chứng nhận tàn tật chính là người tàn tật, có giấy chứng nhận tàn tật mới được hưởng chế độ ưu đãi vé người tàn tật. Anh mau mau mua vé bổ sung. Người đứng tuổi bỗng thẫn thờ. Anh lục khắp lượt các túi trên người và hành lý, chỉ có bốn đồng, hoàn toàn không đủ mua vé bổ sung. Anh nhăn nhó và nói với trưởng tàu như khóc: - Sau khi bàn chân tôi bị máy cán đứt một nửa, không bao giờ còn đi làm được nữa. Không có tiền, ngay đến về quê cũng không về nổi. Nửa vé này cũng do bà con đồng hương góp mỗi người một ít để mua giùm, xin ông mở lượng hải hà, giơ cao đánh khẽ, nương bàn tay cao quý, tha cho tôi. Trưởng tàu nói kiên quyết:
8
- Không được. Thừa dịp, cô soát vé nói với Trưởng tàu: - Bắt anh ta lên đầu tàu xúc than, coi như làm lao động nghĩa vụ. Nghĩ một lát, trưởng tàu đồng ý: - Cũng được. Một hành khách già ngồi đối diện với người đàn ông đứng tuổi tỏ ra chướng tai gai mắt, đứng phắt lên nhìn chằm chằm vào mắt vị trưởng tàu, hỏi: - Anh có phải đàn ông không? Vị trưởng tàu không hiểu, hỏi lại: - Chuyện này có liên quan gì đến tôi có là đàn ông hay không? - Anh hãy trả lời tôi, anh có phải đàn ông hay không? - Đương nhiên tôi là đàn ông! - Anh dùng cái gì để chứng minh anh là đàn ông? Anh đưa giấy chứng nhận đàn ông của mình cho mọi người xem xem? Mọi người chung quanh cười rộ lên. Thừ người ra một lát, vị truởng tàu nói: - Một người đàn ông to lớn như tôi đang đứng đây, lẽ nào lại là đàn ông giả? Hành khách già lắc lắc đầu, nói: - Tôi cũng giống anh chị, chỉ xem chứng từ, không xem người, có giấy chứng nhận đàn ông sẽ là đàn ông, không có giấy chứng nhận đàn ông không phải đàn ông. Vị trưởng tàu tịt ngóp, ngay một lúc không biết ứng phó ra sao. Cô soát vé đứng ra giải vây cho Trưởng tàu. Cô nói với hành khách già: - Tôi không phải đàn ông, có chuyện gì ông cứ nói với tôi. Hành khách già chỉ vào mặt chị ta, nói thẳng thừng: - Cô hoàn toàn không phải người!
9
- Cô soát vé bỗng nổi cơn tam bành, nói the thé: - Ông ăn nói sạch sẽ một chút. Tôi không là người thì là gì? Hành khách già vẫn bình tĩnh, cười ranh mãnh, ông nói: Cô là người ư? Cô đưa giấy chứng nhận "người" của cô ra xem nào... Mọi hành khách chung quanh lại cười ầm lên một lần nữa. Chỉ có một người không cười. Đó là người đàn ông trung niên bị cụt chân. Anh cứ nhìn chân chân vào mọi thứ trước mặt. Không biết tự bao giờ, mắt anh đẫm lệ, không rõ anh tủi thân, xúc động, hay thù hận.
Cho và nhận 10
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh. Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình. Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày." Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao." Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó. Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày. Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn. Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về".
Trái tim hoàn hảo
11
Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: "Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi!". Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trám thay thế. Chàng trai cười nói: - Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt. - Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè... Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi. Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh...
Cảm nhận bằng tâm hồn
12
Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi một bộ quần áo vừa cũ, vừa bẩn lại rộng nữa. Cô bé buồn tủi ngồi một mình trong công viên. Cô bé nghĩ:" Tại sao mình lại không được hát? Chảng nhẽ mình hát tồi đến thế sao?" Cô bé nghĩ mãi và cất giọng hát khe khẽ. Cô cứ hát hết bài này đến bài khác, cho đến khi mệt lả mới thôi. " Cháu hát hay quá?" Một giọng nói cất lên. " Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ. Cháu đã cho ta một buổi chiều thật vui vẻ" Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ râu tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy chậm rãi bước đi. Hôm sau, cô bé tới công viên đã thấy ông già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước khuôn mặt hiền từ mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Ông vỗ tay nói lớn. " Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!". Nói xong, cụ già lại chậm rãi một mình bước đi. Cứ như vậy nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành ca sĩ nổi tiếng. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào ghế đá trong công viên nghe cô hát. Một chiều mùa đông, cô đến công viên tìm ông cụ, nhưng chỉ còn chiếc ghế đá trống không. " Cụ già ấy đã qua đời rồi, cụ ấy điếc đã 20 năm nay"-một người trong công viên nói với cô. Cô gái sững người. Một cụ già ngày ngày vẫn chăm chú lắng nghe và khen cô hát hay lại là người không có khả năng nghe? Source: Angel's blog ( chuyên mục cuối tuần)
Một việc nhỏ
13
Môt gia đình gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ. Dịp hè, cùng đi nghỉ mát ở một bãi biển. Bọn trẻ rất thích tắm biển và xây những tòa lâu đài trên cát. Bố mẹ chúng thuê một cái lều và ngồi uống nước trên bờ, dõi nhìn các con vui đùa không quá xa ngoài kia phía trước mặt. Thế rồi chợt trông thấy một bà cụ nhỏ nhắn, ăn mặc xuyềnh xoàng, trên tay cầm một chiếc túi cũ đang tiến lại. Tóc bà đã bạc trắng, bị gió biển thổi tốc lên càng làm cho khuôn mặt nhăn nheo của bà càng khó coi. Bà cụ lẩm bẩm một điều gì đó, dáo dác nhìn rồi thỉnh thoảng lại cúi xuống nhặt những thứ gì đó trên bãi biển, bỏ vào cái túi. Hai vợ chồng không hẹn mà cùng vội chạy ra gọi các con lại, căn dặn chúng phải tránh xa người đàn bà khả nghi kia. Dường như họ cố ý nói to cho bà ta nghe thấy để bà ta đi chỗ khác kiếm ăn. Cụ già không biết có nghe thấy gì không giữa tiếng sóng biển ì ầm, chỉ thấy bà từ từ tiến về phía họ. Thế rồi cụ bà dừng lại, nhìn mấy đứa trẻ dễ thương đang ngơ ngác nhìn mình. Bà mỉm cười nhưng không ai đáp lại, chỉ giả vờ ngó lơ đi chỗ khác. Bà cụ lẳng lặng làm công việc khó hiểu của mình. Còn cả gia đình kia thì chẳng còn hứng thú tắm biển nữa, họ kéo nhau lên quán nước phía trên bãi biển. Trong lúc chuyện trò với người phục vụ bàn ăn cùng những khách hàng trong quán, hai vợ chồng quyết định hỏi thăm xem bà cụ khả nghi kia là ai và họ... sững sờ : Bà cụ ấy là người dân ở đây, từng có một đứa cháu ngoại vì bán hàng rong trên bãi biển, vô tình đạp phải một mảnh chai rồi bị nhiễm trùng, sốt cao, đưa đi bệnh viện cấp cứu không kịp và đã chết không lâu vì bệnh uốn ván. Từ dạo ấy, thương cháu đến ngẩn ngơ, bà cứ lặng lẽ đi dọc bãi biển, tìm những mảnh chai, mảnh sắt hoặc hòn đá có cạnh sắc. Mọi người hỏi lý do thì bà đáp mà đôi mắt ướt nhòe: "Ồ tôi chỉ làm một việc nhỏ thôi ấy mà, để các cháu bé có thể vui chơi trên bãi biển mà không bao giờ bị chết như đứa cháu đáng thương của tôi !". Nghe xong câu chuyện người chồng vội vã chạy xuống bãi biển mong có thể nói một lời xin lỗi và một lời biết ơn chân thành, nhưng bà cụ đã đi rất xa rồi. Bóng bà chỉ còn là một cái chấm nhỏ trên bãi biển vắng người khi chiều đang xuống.
Một câu nói dịu dàng
14
Đây là câu chuyện được một nhà tỷ phú kể lại trong một lần thuyết giảng cho các sinh viên tại một trường đại học khi ông đến đó nói chuyện. "Nhiều năm về trước, có một cậu bé mồ côi tên Jim, 12 tuổi, gầy gò. Jim sống lang thang, là đầu mối của mọi trò cười và trêu chọc của mọi người sống trong thị trấn. Không ai đối xử tử tế với Jim. Những nghi ngờ của mọi vụ ăn cắp hay rắc rối đều có tên Jim đầu tiên. Cậu chỉ nhận được những lời nói cay độc, nghi ngờ. Kết quả là Jim luôn lẫn tránh những người xung quanh. Cậu càng lẫn tránh, người ta càng nghi ngờ cậu. Tài sản duy nhất của Jim là chú chó Tige, cũng luôn khép nép và lẫn tránh mọi người như chủ nó. Jim không đối xử thô lỗ với Tige nhưng cậu cũng luôn dùng thứ ngôn ngữ cay độc mà mọi người dùng với cậu. Phần vì cậu đã quen với những ngôn ngữ đó, phần vì để trút đi mọi nỗi uất ức. Một hôm, Jim thấy cô gái phía trước làm rơi một gói nhỏ. Cô cúi xuống nhặt thì một gói khác lại rơi khỏi tay. Jim chạy đến, nhặt hai cái gói lên đưa trả cô gái. - Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt - Cô gái cười và xoa đầu Jim. Jim hoàn toàn sốc. Đó là những lời nói tử tế đầu tiên cậu nghe thấy trong suốt 12 năm. Jim nhìn theo cô gái cho đến khi cô đi khuất. ... Jim huýt sáo gọi Tige, con chó ve vẩy đuôi chạy tới bên. Cả chủ và chó đi vào rừng.. Jim ngồi xuống cạnh bờ suối và trong đầu cứ vang lên: "Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt !"... Jim cười một mình. Rồi cậu gọi: "Đến đây Tige !". Tige chạy lại ngay, Jim xoa đầu nó và nói: "Cảm ơn mày ! Mày thật là tốt !". Tige rất phấn kích và ngạc nhiên. Tai nó vểnh lên, mắt hướng về phía Jim chăm chú, đuôi vẩy lia lịa. "Đến con chó cũng thích nghe nói dịu dàng !". Jim nghĩ và lôi trong túi ra một mảnh gương vỡ. Cậu bé thấy một khuôn mặt lấm lem. Jim rửa mặt thật cẩn thận. Sau đó, Jim lại nhìn vào gương. Cậu bé ngạc nhiên. Lần đầu tiên, cậu nhìn lên cao thay vì chỉ cúi mặt như mọi khi. Một cảm giác, cũng là lần đầu tiên cậu cảm thấy: cảm giác tự trọng. Từ khoảng khắc đó, cuộc đời Jim hoàn toàn thay đổi bởi quyết tâm để xứng đáng với những lời nói dịu dàng". Ngưng một lát, nhà tỷ phú tiếp tục nói: "Thưa các bạn, tôi chính là cậu bé đó. Thị trấn nhỏ mà tôi vừa kể đến chính là thành phố này 40 năm về trước. Cái cây ở đằng kia mà quý vị có thể thấy chính là nơi một người phụ nữ đã gieo hạt giống đầu tiên của lòng nhân hậu xuống cuộc đời tôi. Mong sao ai cũng có thể làm được như thế".
"Phép lạ" giá bao nhiêu? "Phép lạ" giá bao nhiêu? 15
Cô bé lấy cái lọ thủy tinh nhỏ mà em đã giấu trong tủ. Em đổ ra tất cả tiền xu trên sàn nhà và đếm cẩn thận. Sau đó em bỏ những đồng xu vào túi và đi xuống phố, đến một tiệm bán thuốc tây. Em đứng chờ ông dược sĩ đang bận nói chuyện với một người đàn ông khác. Sau cùng em phải gây ra một tiếng động và ông dược sĩ hỏi: - Cháu muốn gì? Tôi đang nói chuyện với ông anh mà từ lâu rồi không được gặp. - Anh của cháu bị bệnh nặng và cha cháu nói chỉ có "phép lạ" mới cứu được anh cháu. "Phép lạ" giá bao nhiêu vậy ông? - Ở đây không có bán "phép lạ", cháu ạ. - Xin ông hãy giúp cháu. Cháu có tiền để mua nó. Và nếu không đủ tiền, cháu sẽ về nhà lấy thêm. - Tôi rất tiếc không thể giúp gì cho cháu được. Người anh của ông dược sĩ bắt đầu tham gia câu chuyện. Ông cúi xuống và hỏi cô bé: - Anh của cháu cần loại "phép lạ" nào? - Cháu không biết – Cô bé trả lời với đôi mắt đầy nước mắt. Cháu chỉ biết anh cháu bị bệnh nặng và mẹ cháu nói anh cháu cần phải giải phẫu nhưng cha mẹ cháu không thể lo được, chỉ còn trông chờ vào "phép lạ" mà thôi. Vì thế cháu đã dùng tiền để dành của cháu để tìm mua "phép lạ" cho anh cháu. - Thế cháu có bao nhiêu tiền? - Một đô la và 11 xu. Người đàn ông mỉm cười, nhận tiền của cô bé, nắm lấy tay em và nói: - Hãy đưa tôi đến nhà cháu. Tôi muốn gặp cha mẹ và anh của cháu. Để xem tôi có "phép lạ" như cháu đang cần không? Người đàn ông này chính là một nhà phẫu thuật danh tiếng. Cuộc phẫu thuật được tiến hành không tốn chi phí và sau đó người anh của cô bé hoàn toàn bình phục. Người mẹ cô bé nói: - Đúng là một "phép lạ". Tôi tự hỏi không biết nó đáng giá bao nhiêu? Cô bé mỉm cười. Chỉ có em và ông bác sĩ biết thật sự "phép lạ" giá bao nhiêu. Chỉ có 1 đô la và 11 xu cộng với tình thương của cô và lòng nhân ái của ông bác sĩ...
Hai bát mì bò
16
Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách rất đặc biệt, một người cha và một người con. Nói đặc biệt là bởi vì người cha bị mù. Người con trai đi bên cạnh cẩn mẫn dìu người cha. Cậu con trai trạc mười tám mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là học sinh... Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi: "Cho hai bát mì bò!", cậu nói to. Tôi đang định viết hoá đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, bảo tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi hoảng, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hoá ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, thực ra thì tiền không đủ, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười với cậu ta tỏ vẻ hiểu ý. Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, ân cần chăm sóc: "Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!". Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. "Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội." Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt đầy nếp nhăn lại sáng lên nụ cười ấm áp. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên đó là, cái cậu con trai đó không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, mà cứ im như thóc đón nhận miếng thịt từ bát của cha, rồi lại lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. "Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt." Ông lão cảm động nói. Kẻ đứng ngay bên cạnh là tôi, chợt toát hết cả mồ hôi, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: "Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này". "Ừ... ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò thực ra cũng có chất lắm đấy."
17
Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai cha con họ. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò vừa thái, bà chủ dẩu dẩu môi ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: "Anh để nhầm bàn rồi thì phải, chúng tôi không gọi thịt bò." Bà chủ mỉm cười bước lại chỗ họ: "Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỉ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng. " Cậu con trai cười cười, không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa. Chúng tôi cứ im lặng chờ cho hai cha con ăn xong, rồi lại dõi mắt tiễn hai cha con ra khỏ quán. Mãi khi cậu Trương đi thu bát đĩa, đột nhiên kêu lên khe khẽ. Hoá ra, đáy bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò, được viết trên bảng giá của cửa hàng. Cùng lúc, tôi, bà chủ, và cả cậu Trương chẳng ai nói lên lời, chỉ lặng lẽ thở dài, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
"Người đàn ông đó là ai ?"
18
Chuyện xảy ra ở một góc đường. Một ông lão tự nhiên bị ngã xuống đất và ngất đi. Có ai đó đã gọi xe cứu thương đưa ông đến bệnh viện gần nhất. Trong cơn mê, ông lão không ngừng gọi tên con trai. Từ một bức thư đã ố màu, cô y tá liên lạc với đơn vị hải quân nơi anh con trai và cũng là người thân duy nhất của ông lão đang công tác. Sau khi nhận tin báo, không kịp thu xếp hành lý, anh lính trẻ đón xe đi ngay với hy vọng kịp nhìn mặt cha anh lần cuối. Lúc anh đến bệnh viện đã là nửa đêm. "Con trai của ông đây!", cô y tá phải lặp lại vài lần bệnh nhân già mới chịu mở mắt. Anh lính bước đến bên ông lão và nắm lấy bàn tay yếu ớt của ông. Đêm ở bệnh viện thật dài. Cả đêm, anh lính cứ ngồi như thế, không rời mắt khỏi ông lão. Có lẽ, anh ấy đang cầu mong một điều kỳ diệu. Ông lão "ra đi" khi trời vừa hừng sáng. Ngắt lời an ủi của cô y tá, anh lính hỏi: "Người đàn ông đó là ai?". "Ông ấy là cha cậu", cô y tá ngạc nhiên. "Không, ông ấy không phải là cha tôi", anh lính trả lời, "Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy trước đây". "Tại sao cậu không nói điều đó lúc tôi dẫn cậu đến gặp ông ấy?". "Tôi đã biết có một sự nhầm lẫn nào đấy ngay khi tôi nhìn thấy ông ấy, nhưng... tôi nghĩ ông ấy đang rất cần có ai đó ở bên cạnh. Ông lão đã quá yếu để có thể nhận ra tôi có phải là con trai của ông ấy hay không. Ông ấy thật sự cần tôi. Vì thế, tôi ở lại". Hai ngày sau, một bức điện tín gửi đến bệnh viện cho hay anh con trai thật sự của ông lão đang trên đường về chịu tang cha mình. Người ta nói rằng có một sự nhầm lẫn về hai người lính trùng tên và có số quân gần giống nhau. Roy Popkin Phương Thi dịch
Một câu chuyện cảm động
19
Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tại trường tiểu học của thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp năm, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái, cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. “Teddy trông thật khó ưa.” Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thật rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những gì đọc được. Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 nhận xét Teddy như sau: “Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan… Em là nguồn vui cho người chung quanh”. Cô giáo lớp 2 nhận xét: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống trong gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu”. Giáo viên lớp 3 ghi: “Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ”. Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 nhận xét: “Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp”. Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những gói quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hoá. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất một vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt ít nước hoa trong chai lên cổ. Hôm đó Teddy đã nén lại cho đến cuối giờ để nói với cô: “Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa”. Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. 20
Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học sinh cưng nhất của cô. Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: “Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em”. Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng 3 trong lớp và “Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em”. Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng “Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời”. Rồi bốn năm sau nữa, cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. “Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em”, nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ. Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: “Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ”. Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: “Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp được em.”
21
Những câu chuyện về tình thương và lòng nhân ái.
Lưu hành nội bộ gia đình. Xuất bản năm 2007. In khổ A4
22