B. TƯ TƯỞNG, TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG THAM Ô, LÃNG PHÍ, QUAN LI U. I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Tham ô, lãng phí quan liêu là 3 tệ nạn cần phải kiên quyết chống. Từ những năm 60, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất phong trào “3 xây, 3 chống”. Người cũng có nhiều bài viết về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. 1. Tham ô. - Tham ô và tham nhũng là hai khái niệm gần nhau, trong đó tham ô có nội dung rộng hơn. - Theo Luật phòng chống tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Luật phòng chống tham nhũng quy định hành vi tham nhũng gồm 12 điểm sau: 1. Tham ô tài sản. 2. Nhận hối lộ 3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. 5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi. 6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi. 7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi. 8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi. 9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái pháp tài sản nhà nước vì vụ lợi. 10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi. 11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh toán, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. - Theo cách nói của Hồ Chí Minh, tham ô bao gồm cả tham nhũng. Người nói: + Đối với cán bộ, tham ô là “ăn cắp của công làm của tư”; “đục khoét của nhân dân”; “ăn bớt của bộ đội”; “tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình...”. + Đối với nhân dân, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế. Người gọi “tham ô là trộm cướp, là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. - Nguyên nhân chủ quan của người tham ô là: + Thiếu lương tâm “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. + Kém lòng trách nhiệm: Đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, không hoàn thành nhiệm vụ là “ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân”. Nguồn gốc của các tật bệnh trên là “chủ nghĩa cá nhân”. 2. Lãng phí. - Theo từ điển Tiếng Việt, lãng phí là làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích. Ngược nghĩa với lãng phí là tiết kiệm. - Theo khoản 2 điều 3 của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì lãng phí là: + Quản lý, sử dụng tài sản lao động, thời gian lao động và tài nguyên thiên nhiên không hiệu quả. + Đối với các lĩnh vực đã có định mức do nhà nước quy định thì lãng phí là quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản... vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; hoặc sử dụng đúng quy định nhưng kết quả không đạt mục đích đã định.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không định nghĩa lãng phí, nhưng Người đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của lãng phí, với các nội dung sau: - Lãng phí sức lao động: việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Do tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm người đến công trường, nhưng chưa có việc hay là người nhiều việc ít. Bố trí nhân sự không đúng, “người quản lý quá nhiều, người trực tiếp sản xuất ít”... - Lãng phí thì giờ: việc gì có thể làm trong một ngày một buổi cũng kéo dài đến mấy ngày. - Lãng phí tiền của của Nhà nước, cơ quan và bản thân mình. Cụ thể là: + “Ăn tiêu xa xỉ, liên hoan, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước”, sử dụng vật liệu một cách phí phạm. + Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm. + Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý. + Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để. + Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng. + Mậu dịch không khéo tính toán thu xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn. + Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm. + Nhân dân bỏ hoang ruộng đất... - Lãng phí còn là: thực hiện không tốt, không đúng công việc của mình, ảnh hưởng đến công việc của người khác: + Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền ứ đọng, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất. + Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ lỗ vốn; “làm một cái nhà mà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại”. - Lãng phí là mắc phải bệnh “Phô trương hình thức”, gây tốn kém không cần thiết, thể hiện ở:
+ Ham chuộng hình thức, không xét đến kết quả thiết thực, chỉ ham diễn thuyết. + Bệnh hữu danh vô thực, “làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm được ít, suýt ra nhiều để làm một cái báo cáo cho oai...” + Viết dài dòng, “hết dòng này đến dòng khác, trang này đến trang khác, nhưng không có ích, chỉ tốn giấy, tốn mực và thời gian của người đọc”. + Nói mênh mông, “nói hàng hai, ba giờ đồng hồ, nói mênh mông trời đất”. - Tác hại của lãng phí: Lãng phí có khi còn hại nhiều hơn tham ô, vì “lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi còn tai hại hơn tham ô”. 3. Bệnh quan liêu: Trong các tài liệu khái niệm tệ quan liêu, chủ nghĩa quan liêu được xác định như sau: - Quan liêu là hiện tượng xã hội tiêu cực mang tính lịch sử cụ thể, gắn liền với bộ máy lãnh đạo, quản lý xã hội, thể hiện ở hình thức, phương thức, phương pháp lãnh đạo,quản lý đã bị biến dạng, biến chất, gây hậu quả nguy hiểm trên nhiều phương diện cho xã hội. - Quan liêu thể hiện cụ thể ở các điểm sau: + Đó là sự độc đoán, chuyên quyền, đối lập với chế độ dân chủ. + “Quan liêu là sự ăn cắp quyền lực của nhân dân”, “là sự biểu hiện trên thực tế sự tha hóa về chính trị”. + Quan liêu là sự cách biệt của bộ máy lãnh đạo, quản lý với xã hội, với nhân dân để đứng trên xã hội, đứng trên nhân dân. + Quan liêu là sự biến chất của đội ngũ cán bộ công chức, lạm dụng các quyền mang tính quyền lực mà pháp luật cho phép để khẳng định vị thế của mình, để giành và bảo vệ lợi ích của nhóm, của cá nhân mình. V.I. Lênin nói: “Chủ nghĩa quan liêu, tức là đem lợi ích của sự nghiệp phục tùng lợi ích của tư tưởng danh vị, tức là hết sức chú trọng đến địa vị mà không đếm xỉa gì đến công tác”.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu khái niệm quan liêu ngắn gọn, cụ thể như sau: Quan liêu là “xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng”. Theo khái niệm này, quan liêu là căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác nhau. - Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, Bác đã chỉ rõ, bệnh quan liêu thể hiện qua 3 mối quan hệ sau: Một là, đối với người: “Chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng”. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động. Hai là, đối với công việc: Chỉ trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. “Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn”. Ba là, đối với mình. + Làm chậm chạp, làm cho qua chuyện. Chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đên nhân dân, đến đồng chí. + Nói một đường, làm một nẻo. Tham ô, hủ hóa. + Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, còn thực tế thì “chỉ biết ăn sang, mặc diện; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình”. + Làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái với phương châm và chính sách của Đảng và Chính Phủ. - Hậu quả của bệnh quan liêu: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: + “Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc”. + Gây tác hại lớn đến tổ chức: “Thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”.
- Nguyên nhân của bệnh quan liêu: do “Xa nhân dân; khinh nhân dân, sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. 4. Sự nguy hại của tham ô, lãng phí, quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 3 nguy hại lớn của tham ô, lãng phí, quan liêu. Một là, tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. + Theo Hồ Chí Minh, đây là “kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. + Tham ô, lãng phí, quan liêu là “bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần đấu tranh và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta”. Hai là, tham ô, lãng phí, quan liêu là tội ác. + Tham ô, lãng phí, quan liêu làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. + Tham ô, lãng phí quan liêu là vô đạo đức. Người viết: “Chiến sỹ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân. - Tham ô, lãng phí quan liêu là một tội lỗi nặng. Người nói, “tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Ba là, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu. + Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí, nuôi dưỡng cho tham ô, lãng phí nảy nở. + Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.
5. Ý nghĩa, tầm quan trọng của chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nêu rõ phải kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu, vì Người khẳng định: - Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. + Tham ô, lãng phí, quan liêu là nọc độc xấu xa của chế độ cũ. Muốn xây dựng một xã hội mới phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ. + Cách mạng là để xây dựng dân chủ mới. Đó là một xã hội tự do, bình đẳng, một xã hội cần kiệm, liêm chính. Cho nên phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ, phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. + Chống tham ô, lãng phí, quan liêu để xây dựng đội ngũ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ ta tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: có những người trong lúc tranh đấu thì trung thành, hăng hái, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. “Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng”; “giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng”. - Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ. + Tất cả mọi người, từ bộ đội đến đồng bào ủng hộ Chính phủ, Đoàn thể để kháng chiến kiến quốc là một hình thức dân chủ tập trung. Không ai có thể lợi dụng quyền lực, vị trí công tác để tham ô, lãng phí của công, quan liêu, hách dịch với người khác. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. + Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là để xây dựng tổ chức, đoàn thể vững mạnh. Cán bộ được giao quyền điều khiển bộ đội, chăm nom chiến sĩ... Đồng thời chiến sĩ và đồng bào có quyền đòi hỏi cán bộ phải làm tròn nhiệm vụ, có quyền chỉ trích những cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ đó.
+ Chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. “Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới tthành công”. + Chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải thực hành dân chủ để động viên được quần chúng tham gia và nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. “Tham ô, lãng phí, quan liêu là giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng. - Chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ giúp cách mạng mau đi tới thắng lợi. + Thắng lợi trong cuộc chiến chống tham ô, lãng phí, quan liêu sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. + Giúp cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân. + Giúp cán bộ cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. + Giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, vững mạnh xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào. II. Những biện pháp chống tham ô, lãng phí, quan liêu. 1. Hồ Chí Minh yêu cầu trước hết phải tạo nhận thức chung và quyết tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu, để mọi người đều coi chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. - Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, phải có sự tham gia đông đảo, tự giác của quần chúng nhân dân. - Đây là cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí
công, vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Vì vậy phải có sự chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức, kế họach, có lực lượng nòng cốt, trung kiên..... - Phải kết hợp giữa xây và chống. Có thể ví xây và chống như hai bánh xe vững chắc. Chống triệt để bảo đảm cho công việc xây thành công. Xây phát triển mạnh mẽ thì đối tượng chống sẽ được xóa bỏ tận gốc. - Phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong, huy động được sự tham gia của nhân dân. + Nhân dân và báo chí rất quan trọng. Báo chí phải nêu những việc kiểu mẫu, đăng những lời phê bình của quần chúng; làm cho mọi người thấy rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là tội ác. Và những ai, những cơ quan nào được nhân dân và báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân trên báo chí. + Các ban Thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Làm nghiêm chỉnh, kịp thời trong công tác xét các vụ khiếu nại, tố giác. - Phải làm thường xuyên nhiệm vụ chống tham ô, lãng phí, quan liêu. - Phải công khai, dân chủ, minh bạch. Trong kiểm thảo thực hiện nguyên tắc: + Cán bộ, đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ, mạnh dạn, thật thà tự kiểm thảo. + Thật thà báo cáo tình hình của đơn vị mình cho mọi người trong toàn đơn vị, toàn ngành biết rõ. + Phải kiên quyết “nhổ cỏ”. Nắm vững trọng điểm, làm từng bước, từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ. + Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ. + Có khen thưởng, có kỷ luật – thưởng phạt nghiêm minh (cả người ngăn cản, đe dọa những người kiểm thảo mình; người thấy tội không nêu ra cũng có tội). + Coi trọng tự phê bình và phê bình, chống thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình.
+ Nhận thức đúng chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính. 2. Giải pháp chống bệnh quan liêu. Theo Hồ Chí Minh có một nguyên tắc là “Theo đúng đường lối nhân dân” và thực hiện 6 điều là: - Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. - Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. - Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. - Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. - Sẵn sàng học hỏi nhân dân. - Tự mình làm gương mẫu cần kiệm, liêm chính, để nhân dân noi theo. 3. Các bước tiến hành chống tham ô, lãng phí quan liêu trong một cơ quan, đơn vị. Hồ Chí Minh yêu cầu chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải được tiến hành trước hết và trực tiếp ở cơ sở, cơ quan, đơn vị. Trong tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí quan liêu”, Hồ Chí Minh nêu cách thức tổ chức như sau (Người nói “đại khái như sau”: Bước đầu: là đánh thông tư tưởng Nhiệm vụ của bước này là tổ chức họp cơ quan, đơn vị (khai hội) để giải thích cho mọi người hiểu: - Tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước như thế nào? Vì sao phải chống những nạn ấy? - Khắc phục những ý nghĩ sai lầm, như: Tham ô là có tội, song “lãng phí chỉ là một khuyết điểm”; “Những người có công với cách mạng, thì tham ô, lãng phí chút đỉnh cũng nên tha thứ cho họ”; Nước ta nghèo, “không có gì mà tiết kiệm”; “Cơ quan ta không có gì mà lãng phí”; “Không phải cơ quan kinh tế tài chính, thì không có gì mà tham ô, lãng phí”. - Để giải quyết những lo ngại không đúng, như: “Một sự nhịn, chín sự lành, kiểm thảo lẫn nhau làm gì”; “Tự nhận sai lầm mình sợ mất thể diện, mất
uy tín, sợ bị phạt....”; “Chỉ trích lỗi của người khác sẽ mất đoàn kết”; “Ai tham ô, lãng phí mặc ai, mình không tham ô, lãng phí thì thôi”; “Nói thật mất lòng, sẽ bị bầu bạn ghét, bị cấp trên trù...” Bước thứ hai: Chia từng tiểu tổ để nghiên cứu những tài liệu và kiểm thảo: - Nghiên cứu tài liệu: + Những lời dạy của Lênin, Xtalin... nói về tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. + Tài liệu của Đảng Lao Động, chính sách của Đảng và của Chính phủ. + Các tài liệu nói về cần, kiệm, liêm, chính, sửa đổi lối làm việc. - Kiểm thảo. + Vừa nghiên cứu tài liệu, vừa thật thà tự kiểm thảo và giúp nhau kiểm thảo. + Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. Bác viết “tự kiểm thảo và kiểm thảo người khác phải thật thà, dựa vào sự thực, phải đào tận gốc rễ những khuyết điểm. Không nên thoa vẽ, che giấu. Không nên “ít thít ra nhiều”, càng không nên nói việc nhỏ, bỏ việc lớn, nói việc cũ, quên việc mới”. + Vừa nêu rõ khuyết điểm, vừa phân tích tư tưởng. + Vừa chỉ trích khuyết điểm, vừa khen ngợi ưu điểm.... Bước thứ ba: Đơn vị, cơ quan triển khai thực hiện: - Khen ngợi những người đã thành thật tự kiểm thảo. - Đặt chương trình chung cho đơn vị. - Bầu cử ban lãnh đạo phong trào.... 6. Về tấm gương kiên quyết chống tham ô, lãng phí quan liêu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tài liệu không nói về tấm gương chống tham ô, lãng phí, quan liêu của Bác. Tuy nhiên, căn cứ vào các lời dạy và câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác, có thể nêu lên một số ý sau:
- Về chống tham ô: + Chủ tịch Hồ Chí Minh rất căm các hành vi tham ô, tham nhũng. Người coi đó là hành vi đê tiện nhất. Với vai trò lãnh đạo, Người kiên quyết xử lý, trừng trị để làm gương. + Chuyện “Đêm trắng” và quyết định xử bắn đại tá Trần Dụ Châu. + Câu chuyện Bác hỏi: “Có ai ăn bớt phần cơm của con không”. - Về chống lãng phí. + Với tự mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tiết kiệm, không xa hoa lãng phí và nhắc nhở mọi người phải tiết kiệm chống lãng phí. + Chuyện về bữa cơm tối của Bác, Bác Hồ chi tiêu như thế nào; Bác Hồ với nông dân... + Chuyện phê bình của Bác về lãng phí: đón vua hay đón Bác; Bác có phải là vua đâu... - Về chống bệnh quan liêu. + Bác luôn nhắc nhở phải kiên quyết chống bệnh quan liêu. Câu chuyện “Chữ quan liêu viết thế nào”. + Với tự mình, Người luôn gần gũi nhân dân, đi cơ sở. + Bác hòa mình với nhân dân để nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm. Chuyện Bác cải trang để cùng nhân dân đón giao thừa quanh Hồ Gươm năm 1946; xem chợ Đồng Xuân, đến thăm nhà chị Tín ở phố Hàng Chĩnh đêm 30 tết; lội ruộng cùng nông dân.... Phần III. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong giai đoạn hiện nay. I. Nhận diện về tình hình tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở nước ta hiện nay. 1. Về tham nhũng, lãng phí. - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã chỉ ra tình trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay: + Nạn tham nhũng vẫn xảy ra nhiều.
+ Tham nhũng xảy ra ở tất cả các lĩnh vực xã hội, quản lý khác nhau. + Tham nhũng đang diễn biến rất phức tạp. + Sự móc nối giữa các phần tử thái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức với những phần tử tội phạm bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư đang có xu hướng phát triển. 2. Về lãng phí. Lãng phí ở nước ta hiện nay khá phổ biến, thể hiện trong sản xuất, tiêu dùng, lãng phí tài sản của nhà nước, tập thể và của cá nhân, gia đình; lãng phí thì giờ, sức lao động... Tập trung nhất trong các lĩnh vực sau: + Trong xây dựng cơ bản. + Trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. + Trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. + Trong sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực, trí thức... + Trong tiêu dùng cá nhân. - Nguyên nhân của tình hình tham nhũng lãng phí nêu trên: + Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà Nước còn chưa chặt chẽ, sâu sắc, thường xuyên. + Chưa có cơ chế phòng ngừa và đấu tranh thống nhất, đồng bộ. + Cải cách kinh tế và cải cách hành chính chậm, chưa xóa bỏ được cơ chế xin – cho. + Suy thoái về phẩm chất đạo đức chưa được ngăn chặn. + Thiếu các công cụ phát hiện và xử lý lãng phí có hiệu quả. + Chưa huy động sự tham gia tích cực của nhân dân, dư luận, báo chí. 3. Về quan liêu: - Quan liêu ở nước ta hiện nay là một hiện tượng xã hội phức tạp với các biểu hiện ở tất cả các lĩnh vực quản lý, các bộ phận trong hệ thống chính trị. + Quan liêu trong bộ máy Đảng: thể hiện ở tình trạng bao biện, nạn hành chính, giấy tờ, ra nhiều nghị quyết, tổ chức thực hiện các nghị quyết không hiệu quả....
+ Quan liêu trong bộ máy nhà nước: thể hiện rỏ rệt ở tình trạng các cơ quan chính quyền không nắm được thực tế, ban hành những quyết định không sát, các làm việc còn mệnh lệnh, còn cơ chế xin- cho...