SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II – LỚP
12 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NĂM HỌC : 2008 – 2009 MÔN : NGỮ VĂN Thời gian làm bài : 120
phút ( không kể thời gian giao đề) ĐỀ CHÍNH THỨC
∗∗∗∗∗∗∗∗
I/ PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH ( 5,0 điểm)
Câu 1 (2 điểm) : Trình bày những nét chính về cuộc đời nhà văn Hê-minh-uê. Kể tên ba tác phẩm tiêu biểu của ông. Câu 2 (3 điểm) : Nhạc sĩ thiên tài người Đức Beethoven nói: “Trong cuộc sống, không có gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem lại hạnh phúc cho người khác”. Anh /Chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên trong một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi).
II/ PHẦN RIÊNG (5.0 điểm): Thí sinh học chương trình nào thì làm câu dành riêng cho chương trình đó.
Câu 3a (5 điểm) :
Dành cho thí sinh học chương trình Chuẩn
Anh/ Chị hãy phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
Câu 3b (5 điểm) :
Dành cho thí sinh học chương trình Nâng cao
Phân tích nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của nhà văn Nguyễn Khải; từ đó làm rõ những ý tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm qua tác phẩm.
HẾT
Họ và tên thí sinh:......................................................... Số báo danh: ..........................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KIỂM TRA HỌC KÌ II - NĂM HỌC 2008-2009
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
MÔN NGỮ VĂN - LỚP 12
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. HƯỚNG DẪN CHUNG − Đề bài gồm 3 câu, theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT: câu 1 kiểm tra kiến thức văn học; câu 2 là bài nghị luận xã hội; câu 3 là bài nghị luận văn học. Câu 1 chủ yếu yêu cầu tái hiện kiến thức nhưng cũng có yêu cầu về diễn đạt và lập luận. Chỉ những HS diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp mới được điểm tối đa. Câu 2 và câu 3 là bài làm văn, tích hợp kiểm tra cả kiến thức xã hội, kiến thức văn học và kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận của HS. − Giám khảo cần nắm vững nội dung bài làm của HS để đánh giá, tránh đếm ý cho điểm một cách máy móc.Tinh thần chung là sử dụng nhiều mức điểm; không yêu cầu hoàn thiện đối với các bài điểm 9-10. Chú ý khuyến khích các bài viết có ý riêng, sáng tạo. − Thí sinh có thể trình bày theo các cách riêng, nếu đáp ứng các yêu cầu vẫn cho đủ điểm. − Chúng tôi cố gắng trình bày đáp án tương đối cụ thể để dễ thống nhất khi chấm. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực hiện tốt đối với các câu hỏi kiểm tra kiến thức văn học. Đối với bài làm văn, giám kháo cần căn cứ vào kĩ năng diễn đạt, kĩ năng lập luận và sự nắm vững tác giả, tác phẩm để cân nhắc mức điểm.
II. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM
Câu 1: (2 điểm) : 1/ Yêu cầu nội dung: học sinh có thể trình bày khác nhau song cần có các ý sau: a/ Những nét chính về cuộc đời nhà văn Hê-minh-uê ( 1,5 đ): Hê- minh –uê (1899-1961), văn hào Mỹ. Vào đời với nghề làm báo, từng tham gia cả hai cuộc chiến tranh thế giới ở thế kỉ XX, ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn xuôi hiện đại; được trao giải Nô-ben về văn học năm 1954. b/ Ba tác phẩm tiêu biểu ( 0,5 đ): Giã từ vũ khí; Chuông nguyện hồn ai; Ông già và biển cả… ( Học sinh có thể kể tên một vài tác phẩm khác vẫn được chấp nhận). 2/ Cho điểm : - Cho điểm tối đa đối với bài làm diễn đạt ý rõ ràng, mạch lạc, không sai chính tả, ngữ pháp. − Giáo viên căn cứ vào đáp án để đánh giá các mức điểm khác cho phù hợp. (Ví dụ : sai lỗi chính tả, ngữ pháp tuỳ mức độ trừ từ 0.25 điểm đến 0.5 điểm…)
2. Câu 2 : (3 điểm) 1/ Yêu cầu nội dung: học sinh có thể trình bày khác nhau song cần giới thiệu được câu nói của Beethoven, hiểu quan niệm sống cao quí mà nhạc sĩ nêu lên, khẳng định ca ngợi quan niệm sống hướng về cống hiến, vị tha; phê phán quan niệm sống ích kỉ, hưởng thụ cá nhân…Sau đây là các yêu cầu cụ thể: Giải thích : (0.5) - Hạnh phúc : cuộc sống tốt đẹp; niềm vui, sự thỏa mãn về mặt tinh thần, tình cảm của con người …
- Câu nói thể hiện quan niệm sống đẹp, vị tha… Bình luận :(2.0) - Trong cuộc sống, ai cũng tìm kiếm hạnh phúc nhưng quan niệm về hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Có người coi sự thỏa mãn vật chất, tình cảm của riêng mình là hạnh phúc. Nhưng cũng có không ít người quan niệm hạnh phúc là cống hiến, là trao tặng. Đối với họ, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết hi sinh cho hạnh phúc nhân loại. Beethoven quan niệm như thế. - Những người biết sống vì người khác , đem lại hạnh phúc cho người khác , là những người có tấm lòng nhân hậu; có cuộc sống đầy ý nghĩa cao cả , đáng trân trọng… Nêu các dẫn chứng làm rõ luận điểm. - Phê phán lối sống vị kì , đối với nhân quần , xã hội . (Như Victor Hugo đã nói ; “ kẻ nào vì mình mà sống thì kẻ ấy vô tình đã chết với người khác”. - Liên hệ bản thân.(0.5) 2/ Cho điểm : − Cho điểm tối đa đối với bài làm diễn đạt ý rõ ràng, mạch lạc, không sai chính tả, ngữ pháp. −
Sai lỗi chính tả, ngữ pháp tuỳ mức độ trừ từ 0.25 điểm đến 1.5 điểm…)
Lưu ý: Độ dài văn bản chỉ có tính tương đối, không phải căn cứ để cho điểm.
Câu 3 :(5điểm) Câu 3a: Dành cho thí sinh học chương trình Chuẩn 1. Yêu cầu về kĩ năng :
− Học sinh nắm vững kĩ năng làm bài văn nghị luận văn học, kiểu bài phân tích một hình tượng văn học. − Bài làm có bố cục rõ ràng ; diễn đạt mạch lạc ; ít mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. 2. Yêu cầu về nội dung : Bài làm cần có các nội dung chính sau :
− Giới thiệu được những nét cơ bản về tác giả, hoàn cảnh ra đời, chủ đề của tác
phẩm. Giới thiệu hình tượng cây xà nu.
− Tác phẩm mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh rừng xà nu; cây xà nu là hình ảnh
xuyên suốt tác phẩm nên vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa biểu tượng.
− Các phẩm chất tiêu biểu của cây xà nu và ý nghĩa biểu trưng cho phẩm chất dân làng Xô Man, cho nhân dân Tây Nguyên. − Ý nghĩa hình tượng cây xà nu đối với tác phẩm Biểu điểm :
− Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên ; kĩ năng phân tích tốt, biết chọn chi tiết phù hợp ; không mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp (1-2 lỗi).
− Điểm 3 – 4 : Đáp ứng yêu cầu ở mức khá; dẫn chứng đầy đủ nhưng văn viết chưa có cảm xúc, chưa trôi chảy; có thể mắc 3-4 lỗi chính tả, ngữ pháp .
− Điểm 1 – 2 : Không nắm vững tác phẩm, không có dẫn chứng trực tiếp ; bài làm sơ sài, thiếu nhiều ý ; mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
− Điểm 00 : Để giấy trắng hoặc chỉ viết vài dòng không rõ ý.
Câu 3b (5 điểm) :
Dành cho thí sinh học chương trình Nâng cao
1/ Yêêêu cầu về kỹ năng: - Biết làm bài văn nghị luận văn học; vận dụng khả năng đọc hiểu để trình bày những suy nghĩ về một nhân vật văn học trong thể loại truyện ngắn; bài làm có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. 2/ Yêu cầu về nội dung: - Trên cơ sở nắm vững đoạn trích tác phẩm và những chi tiết về cuộc đời nhân vật bà Hiền, học sinh phân tích, làm rõ chủ đề tác phẩm. Bài làm có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải có các nội dung cơ bản sau: - Giới thiệu những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm; giới thiệu nhân vật bà Hiền. - Phân tích cuộc đời, tính cách bà Hiền- một người thẳng thắn, thực tế, giàu lòng tự trọng, có ý thức dạy dỗ con cháu cách sống làm một người Hà Nội. Bà Hiền là hạt bụi
vàng lấp lánh của đất kinh kỳ, góp phần làm đẹp thêm bản sắc văn hóa chung của cộng đồng. - Trên cơ sở phân tích nhân vật, nêu cảm nghĩ về những vấn đề tác giả muốn đặt ra . ( Trân trọng cốt cách và bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội, ca ngợi Hà Nội “thời nào cũng đẹp”)… - Nhận biết được những sáng tạo nghệ thuật của nhà văn về xây dụng hình tượng nhân vật. Biểu điểm: + Điểm 5,0: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Văn viết có cảm xúc. Diễn đạt rõ ràng. Có thể còn một vài sai sót nhưng không đáng kể. + Điểm 4,0: Đáp ứng cơ bản các yêu cầu trên. Hướng triển khai ý hợp lý. Có thể còn một vài sai sót nhỏ. + Điểm 3,0: Tỏ ra hiểu đề. Trình bày được khoảng nửa số ý, ít dẫn chứng. Văn viết chưa thật trôi chảy. Khá nhiều lỗi ngữ pháp, chính tả. + Điểm 2,0: Chưa hiểu kỹ đề, bài viết quá sơ sài, mắc nhiều lỗi diễn đạt.Bài làm không rõ lập luận. Có quá nhiều lỗi nhỏ. + Điểm 1,0: Học sinh không nắm được tác phẩm, sai nhiều kiến thức cơ bản, bài làm không hoàn chỉnh; văn chưa thành câu. + Điểm 0,0: Học sinh không làm bài hoặc chỉ viết một vài câu rời rạc, không thành ý.