MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG ĐỜI TẬN HIẾN Bạn thân mến, nếu bạn muốn tìm hiểu theo kiểu nghiên cứu và bài bản hơn thì có thể đọc bài tham luận bên dưới. Còn những dòng tôi viết ở đây, là những gì rất thực tế, những trải nghiệm từ cuộc sống của một linh mục trẻ. Thú thật hơn lúc nào hết, khi sống đời sống linh mục tôi mới thấm thía một nhận định của một linh mục cao niên đáng kính đã nói: Chuyện ấy thì chẳng ai nói mạnh được nếu không có ơn Chúa! Phần tôi, tôi dám mạnh dạn nói rằng: dù là ai, ngay là vị thánh thì vẫn bị “cám dỗ”, chỉ khác một điều kẻ thắng người thua, và trong những người thua có kẻ biết trỗi dậy và có kẻ nằm lì. Tôi xin vắn tắt về những trải nghiệm tôi nhận được sự khiết tịnh là thuận lợi, và bất lợi tôi đã gặp trong đời tận hiến và những “chiêu đào thắng” (thế chạy thoát nạn). Một vài thuận lợi: -Vì không ràng buộc tình cảm bởi bất cứ ai, nên tôi dễ dàng đến với mọi người, tôi biết có những người thấy tôi sống tốt với người khác, họ nghĩ là hơn họ thì họ cũng chẳng có quyền ngăn cản, ngoại trừ những kẻ tiểu nhân dèm pha, “ăn không được đạp đổ”. -Vì không buộc phải lo riêng cho một ai một nhóm người nào nên tôi là của mọi người, tự do chia sẻ và thông cảm với mọi người về mọi phương diện theo khả năng của tôi. Một vài khó khăn: -Vì là “người của mọi người” nên cũng có khi không được mọi người ủng hộ và nhất là khi bị hiểu lầm, đó chính là lúc cảm thấy cô đơn hụt hững “lắm mối tối nằm không”. -Vì là con người bình thường với đầy đủ “tham sân si” và nhu cầu “tứ khoái” nên gặp khó khăn là điều chắc chắn, khi phải tiết chế một nhu cầu chính đáng dù biết đó không phải là tất cả và thật sự là không cần thiết đi nữa. Nhưng nó sẽ là khó nhiều hay ít, có thể bỏ qua hay không thể thì lại phụ thuộc vào tâm tính từng người, tự cho đó là nhu cầu quan trọng không thể thiếu hay chỉ là một nhu cầu như bao nhu cầu bình thường khác (đọc bài tham khảo). Thế chạy thoát nạn: Từ vài thuận lợi và vài bất lợi kể trên, trong thực tế tôi đã dung hoà bằng những “ chiêu đào thắng” sau:
Tôi mạo muội gọi là “chiêu đào thắng “ vì tôi ý thức rõ rằng chẳng ai có thể đứng vững trong tội, nhưng con người sẽ rất vững vàng và dễ dàng chiến thắng chống trả dịp tội. “Biết mình yếu thì đừng ra gió”, chớ ngu dại lao vào hang cọp, khi chưa được trang bị an toàn! Đào vi thượng sách! Con người không thể chết đuối nếu không đến gần nơi có quá nhiều nước, tôi sẽ không bị phỏng nếu tôi không đùa với lửa. Lửa là rất cần, Nước là cái không thể thiếu trong cuộc sống. Nhưng phải sử dụng thế nào cho đúng thì đó là điều mỗi người phải tự biết theo tâm tính và hoàn cảnh của riêng mình. Phần tôi, tôi xin chia sẻ vài điều tôi đã áp dụng theo điều kiện riêng, đây chỉ là một chia sẻ chứ không dám đưa ra như một trong nhiều khuôn mẫu. 1. “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, tôi ý thức rõ rằng, tôi rất yếu! Chúa còn biết rõ hơn tôi biết về tôi, nên Người đã dạy, phải xin thoát trước khi bị cám dỗ, vì biết rằng satan vẫn hằng quấy phá chúng ta đêm ngày, Như Thánh Phêrô dặn: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Chẳng ai có thể thoát không phạm tội được nếu đã tự lao mình vào dịp tội. Cũng như chẳng ai có thể ngưng lại được khi không chuyển hướng khác trước khi bước tới và gieo mình xuống triền núi dốc. 2. Chấp nhận nhưng không thoả hiệp, tôi phải công nhận khuynh hướng giới tính là một trong những nhu cầu rất mạnh, nó chi phối khá nhiều đến đời sống con người. Nhiều lần tôi cố tình lãng qua chuyện khác, ngay lúc đó tôi tưởng là hết nhưng thật ra thì nó chưa thôi, đã có những lần chúng biến thái rất phức tạp tạo thành những giấc mơ. Những lần tôi chập nhận, nhìn nhận sự thật về khuynh hướng giới tính trong mình tự nhắc mình rằng: nó là nhu cầu thật nhưng với bậc sống mình đã chọn thì đó không phải là điều đáng ưu tiên mà còn nhiều việc thuộc bổn phận phải ưu tiên hơn. Đã có những lần và vài trường hợp tôi chấp nhận dành giờ để tìm hiểu kỹ càng, tránh sự tòm mò tưởng tượng. Vì thú thật có những chuyện chúng ta chỉ thật sự chập nhận khi chúng ta hiểu đúng và biết rõ. Nhưng xin chú ý, hãy có ý hướng ngay lành là tìm hiểu để biết, chứ không phải tìm hiểu nhằm thoả mãn sự tò mò… Các sách nói về giới tính như con dao hai lưỡi; ai đọc nó để hiểu tựa người cầm đàng cán, kẻ đọc nó để thoả mãn sự tò mò ví như người cầm đàng lưỡi vậy. Hãy lưu ý hơn nữa về tâm trạng tâm sinh lý khi ta đọc chúng nữa. Hãy khôn ngoan đọc những loại sách này khi ta thật bình tĩnh, tránh đọc trong giai đoạn nhịp sinh học xuống. 3. Phản tỉnh sau mỗi giấc mơ, và hồi tâm trước khi ngủ, tôi thường hỏi mình vì sao tôi đã mơ một giấc mơ như thế! Mỗi lần tôi có những giấc mơ có dính dám đến vấn đề giới tính. Khi bình tĩnh nhớ lại, theo nguyên tắc
phân-tâm-học thì điều đó báo hiệu cho tôi biết rằng: tôi đã có khuynh hướng suy nghĩ về vấn đề giới tính hoặc ít ra tôi đã dồn nén vấn đề này một cách nào đó, mà chưa có một giải quyết thoả đáng. Khi tôi có một ác mộng, tôi không hoảng nhưng tôi tìm cách để giải toả và điều chỉnh lại cuộc sống bằng thay đổi nhưng sinh hoạt, suy nghĩ cách tích cực và phù hợp hơn. Để có một giấc ngủ ngon và để tâm hồn thật thanh thản, trước khi ngủ tôi thường dành đôi phút hồi tâm, nhớ lại một cách chân thành những gì cho đến phút đó mà vẫn còn băn khoăn, tôi cho nó một giải đáp, nếu vấn đề càng phức tạp thì tôi lại tìm cho nó một giải đáp đơn giản nhất: mai sẽ hỏi lại cho rõ… Vài chia sẻ đơn sơ từ những cảm nhận rất riêng tư của tôi, tôi đã được bình an nhờ chúng, ước gì chúng cũng có thể giúp bạn như tôi, để chúng ta tiến xa hơn trên con đường tận hiến nhờ biết vận dụng những hoàn cảnh thực tế cuộc sống Chúa ban mà sống hoà hợp với bản thân, tha nhân và vũ trụ. Lm.JB. Trần Đinh Tử (2008)
ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH KITÔ GIÁO NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CỦA ĐỜI TẬN HIẾN JB. Trần Đinh Tử (2004) Tâm giao: Vì thấy vấn đề rất tế nhị này gây nhiều thắc mắc cho con người thời đại, chúng tôi mạo muội tổng hợp các tài liệu liên hệ, theo quan điểm Kitô giáo. Theo tác giả Mỹ Sơn (nguyên Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên), những tác phẩm dạng này có nhiều hướng đón nhận khác nhau. “Mong quý vị độc giả sử dụng nó trong tinh thần cởi mở và thích nghi với hoàn cảnh” [13.1]! I. Quan điểm về Độc Thân Khiết Tịnh của Kitô Giáo: Bắt nguồn từ Lời Chúa trong Phúc Âm: “Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu (Mt 19:12). Vấn đề độc thân khiết tịnh đã được đề cập đến khá sơm từ trong “nhiều tôn giáo cổ thời, trinh khiết mang một giá trị thần thiêng. Người ta đã gọi một vài nữ thần (Anat, Artémis, Athêna) là trinh nữ, nhưng chỉ là nhằm làm nổi bật nét trẻ trung miên trường, sức sống dồi dào, đặc tính bất diệt của các vị thần ấy”. Nhưng “chỉ có mặc khải Kitô giáo mới trình bày đầy đủ ý nghĩa tôn giáo của trinh khiết mà Cựu Ước đã phác hoạ như là lòng trung thành yêu mến Thiên Chúa một cách tuyệt đối” [02-301]. Độc thân khiết tịnh, cách gọi kép này chỉ một người chọn bậc sống một mình và không sử dụng khả năng giới tính vào việc truyền sinh. Độc thân khiết tịnh của người Kitô hữu (Công Giáo), là cách sống như chính Đức Giêsu hay thánh Gioan Tẩy Giả… đã mặc khải đầy đủ ý nghĩa và đặc tính siêu nhiên của đức khiết tịnh. Theo thánh Phaolô, độc thân khiết tịnh “đáng quý hơn đời sống hôn nhân, bởi nó giúp hiến thân trọn vẹn cho Chúa (1Cr 7,32-35): người lập gia đình bị chia sẻ, còn con tim những kẻ sống trinh khiết không bị chia sẻ, họ có thể thánh hiến hoàn toàn cho Đức Giêsu, lấy việc Chúa làm nỗi lo lằng riêng, và không để mình sao lãng mối quan tâm này. Mấy từ “vì nước trời” mà Đức Giêsu dùng trong Mt 19, 12 mang lai cho độc thân khiết tịnh chiều kích cánh chung đích thực của nó” [02-304]. Cũng theo giáo huấn của thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Cô-rinh-tô, Thánh nhân khẳng định
độc thân khiết tịnh không phải là một huấn lệnh nhưng là lời Thiên Chúa mời gọi từng người, vì đây là một đoàn sủng (đặc sủng) (1Cr 7, 7-25). Độc thân khiết tịnh không phải là tránh né (thoán đoạt), nhưng là phong phú hoá. Người chọn đời sống tận hiến không phải vì tôn thờ chủ nghĩa cà nhân hay khinh chê tính dục. ‘Người tu sĩ không chối bỏ quan hệ nam tính-nữ tính, mà trái lại, họ muốn thắng hoa tương quan đó, để qua con người, họ nhận ra tình yêu tuyệt đối và sinh động. Người tu sĩ muốn sống tính cách cơ bản của tình yêu Thiên Chúa được cụ thể hoá nơi con người tận hiến của mình. Sống khiết tịnh hay đồng trinh, đó không phải đơn thuần là từ chối biểu tỏ tình yêu hôn nhân, mà còn là từ chối bản năng thống trị và chiếm hữu người khác, là từ chối- và biểu tỏ sự từ chối đó trong cuộc sống-những biểu hiện cụ thể của tình yêu tuyệt đối mà ta gặp trong đời sống cá nhân, để không ngừng tìm kiếm tính cách tức thời, trực diện của tình yêu thần linh”{05. 25}. Nói tóm lại, quan điểm về độc thân khiết tịnh của Kitô giáo là sự tự nguyện thăng hoa nữ tính- nam tính{05. 62-88} “vì nước trời”. Đây là một đặc ân cho những ai Chúa muốn (Mc 3,13). Độc thân khiết tịnh không trọng hơn bậc sống hôn nhân theo phẩm tính ơn gọi làm con cái Chúa, nhưng có thể theo tâm lý người đời cho là quý vì nó là “số hiếm”. II. Quan điểm về Độc Thân Trinh Khiết của Xã Hội Hiện Đại: Theo Đào Duy Anh trong “Hán Việt Tự Điển”- 1957: Độc thân (célibataire): đứng một mình, không kết hôn. Trinh khiết (chaste, pur) Tiết tháo trong sạch (Tiết tháo: giữ gìn trinh tiết). Một cách chung, do ảnh hưởng niềm tin dân gian người ta cho rằng những người “còn trinh” hoặc “thủ tiết” là những người có những khả năng đăc biệt… gái trinh chết linh thiêng, trai tơ giàu dũng lực. Người đời không đề cao và có lẽ cũng không quan tâm gì nhiều đến đời sống độc thân khiết tịnh. Ngày nay hơn lúc nào hết, do phong trào thế tục hoá, với khuynh hướng hưởng thụ, đề cao chủ nghĩa cá nhân theo thuyết hiện sinh; người ta dường như bỏ quên khái niệm độc thân khiết tịnh. Phần lớn họ không coi độc thân khiết tịnh là một nhân đức như xưa nữa, họ thực dụng “suy bụng ta ra bụng người” đến độ nghi ngờ những chân tu chỉ là trá hình, hoặc là bệnh hoạn bất bình thường. Vì chưa có đức tin vào Thiên Chúa, họ không thể hiểu độc thân khiết tịnh là bậc sống khả thi khi có ơn Chúa. Dù biết là đó là bậc sống rất khó đối với bản tính tự nhiên của con người. Chúng ta còn gặp lại những nghi ngờ kiểu này trong những thắc mắc chống đối của họ ở phần sau.
III. Những thuận lợi và khó khăn cho đời tận hiến Vấn đề được đặt ra là: vì lý do gì lại phải cần có bậc sống độc thân khiết tịnh đặc biệt trong các tôn giáo nói chung và công giáo Lamã nói riêng. Nếu cần thì hẳn phải có những ích lợi, mà để đáp ứng những ích lợi đó thì có những thuận lợi và khó khăn nào cho đời tận hiến? Như đã nói qua trong phần Quan Điểm Về Độc Thân Khiết Tịnh của Kitô Giáo, độc thân khiết tịnh là điều hợp với tâm thức con người nói chung. Thực tế và truyền thống của Giáo Hội Công Giáo chứng minh rằng độc thân khiết tịnh không phải là tuyệt đối cần thiết, nhưng hết sức thích hợp cho đời sống tận hiến. Khẳng định như thế Giáo Hội cũng thừa nhận cuộc đời tận hiến với đời độc thân khiết tịnh, không tránh khỏi những khó khăn bên cạnh những thuận lợi. Về mặt thuận lợi, xin đơn cử ra đây ba lý do khiến đức trinh khiết được coi là hết sức thích hợp cho người chọn đời tận hiến: Trước hết, độc thân khiết tịnh cống hiến điều kiện khả dĩ để người ta có được sự kết hợp trực tiếp riêng biệt với Thiên Chúa (với Đức Giêsu). Đây là một nhân đức chỉ có thể hiểu căn cứ trên Tin Mừng và lòng tin vào Tin Mừng. Đức Giêsu đòi hỏi những người theo Chúa phải can đảm từ bỏ những gì cản trở sự kết hợp với Người (Lc 14:26;18:29). Sau nay, chính Thánh Phaolô theo kinh nghiệm sống kết hợp với Chúa Ông cũng khuyên giáo dân: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng”(1 Cr 7:32-34). Kế đến, độc thân khiết tịnh là cho con người được tự do phục vụ Nước Chúa. “Sự kết hợp riêng biệt với Đức Giêsu bao hàm một sự cộng tác nồng nhiệt để phục vụ Nước Chúa” {01. 39}. Thánh Phaolô có lý khi khuyên giáo dân của Ông: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7:35). Đúng, muốn làm tốt một việc cần phải được tự do thoải mái. Sau hết, độc thân khiết tịnh là một dấu chỉ riêng biệt của sự hoàn hảo tương lai của Nước Trời: “Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời”(Mc 12:25). Ở đây không có ý so sánh bậc sống độc thân khiết tịnh
trọng hơn bậc sống hôn nhân, nhưng muốn khẳng định vai trò khá đặc biệt của bậc độc thân khiết tịnh là: “họ gợi ra cho trước mặt mọi tín hữu sự kết hợp lạ lùng do Thiên Chúa thiết lập, và sẽ tỏ hiện đầy đủ ở đời sau, là Giáo Hội được đón nhận Đức Giêsu làm lang quân độc nhất của mình” (Perfectae Caritatis, số 12) . Vâng, chỉ trong niềm tin Kitô giáo người ta mới có thể chấp nhận và hiểu được bậc độc thân khiết tịnh. Độc thân khiết tịnh là ân huệ siêu nhiên của trật tự cứu rỗi được thiết lập trong Đức Giêsu. Có thể hiểu rõ hơn lợi ích của độc thân khiết tịnh, nếu ta soi chiếu vào cuộc đời của Đức Giêsu tại thế. Chính Người đã chọn bậc sống độc thân khiết tịnh để thi hành sứ vụ Messiah của Người. Những người chọn sống bậc độc thân khiết tịnh hãy thâm tín và vui mừng, bởi độc thân khiết tịnh “là tinh yêu của những người con đã được phục sinh cắm vào giữa lòng thế giới. Vì thế, đức khiết tring tụ nó đã là chứng ta của niềm tin Kitô giáo trong căn tính và làm cho dự phóng tối hậu đi vào máu thịt con người” [05-26]. Song song với những thuận lợi, người chọn bậc độc thân khiết tịnh cũng gặp phải khó khăn sau: Khuynh hướng do bản năng giới tính, một bất lợi chi phối lớn đến hầu hết những gì có thể kể về những bất lợi nơi người chọn bậc độc thân khiết tịnh, người đời có lý khi gọi những người chọn đời sống độc thân khiết tịnh là những người “lội ngược dòng”. Đây là khó khăn chung của mọi người, dù muốn dù không một người bình thường đều cảm nhu cầu yêu và được yêu rất mãnh liệt từ nội tâm, và định hướng đối tượng thường tình là người khác phái. Trong thực tế cũng có những người “lội ngước dòng” thiếu kiên nhẫn do “thiếu một tình yêu sâu đậm đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, thì điều kiện bên ngoài của người không có đôi bạn lại trở thành một phương thức sống bại liệt và khô cứng; sau đó lại vất vả che đậy sự cằn cõi thiêng liêng và tâm lý. Trong những trường hợp đó dễ gặp những náo động nguy hiểm, mà trước hoặc sau sẽ ngã sang một tính dục trá hình, kiêu căng hoặc những hình thức khác” [01-41]. Thực sự những thuận lợi và khó khăn trình bày trên đây là kết quả do chính thực tế đời sống những người chọn bậc độc thân khiết tịnh chứng thực. Theo phương diện lịch sử thì độc thân khiết tịnh là một vấn đề có cả một lịch sử tranh luận nhiều thế kỷ. Vấn đề càng trở thành nổi cộm vào “những thời kỳ khủng hoảng đức tin chứ không phải trong thời kỳ được đặc trưng bằng lòng tin vững mạnh” [01. 45-46]. Có thể đến vài mốc đặc biệt sau: thời kỳ thuyết Thiên Khải (XVIII-XIX), tiêu biểu là nhà Thần Học Luân Lý Loseph Lauber (1744-1810), chống lại bậc độc thân khiết tịnh của
linh mục và những lời khấn của các tu sĩ. Sau Công Đồng Vatican II (1965), cũng được coi là cuộc khủng hoảng lớn về vấn đề độc thân khiết tịnh. Hơn lúc nào hết, trong những năm gần đây vấn đề độc thân khiết tịnh lại được tranh luận bàn cãi sau những vụ “rắc rối bên trời Âu mỹ”. Khó khăn lớn đấy chứ! Vậy, vì lý do nào Giáo Hội Công giáo vẫn duy trì luật độc thân khiết tịnh trong chức Linh mục và các lời khấn của các tu sĩ? Trước khi tìm hiểu lập trường chính thức của Giáo Hội xin mời quý vị cùng suy nghĩ với giáo dân về sự bất lợi của “ông linh mục có rờ-mọc” ra sao! (Trích từ Internet “Thơ Gió Chướng THẦY TU ĐÒI BÀ” của thi bút Cuồng Phong- Diễn Đàn Giáo Dân 10-2003 sau sự kiện 160 linh Mục giáo phận Milwaukee, tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, vừa ký thỉnh nguyện thư xin phong chức Linh Mục cho những người có vợ) “Xứ Cờ Hoa lắm người nhiều chuyện Bố rồi Con tham chiến lu bù I-răng, I-rắc rối mù Bây giờ tới chuyện thầy tu đòi bà Một trăm sáu mươi “cha” lên tiếng Xin từ nay được miễn độc thân Ai ưng ở vậy thì vâng Không ưng thì kiếm bà “nâng” áo dòng Thầy chủng viện nếu lòng vương vấn Có quyền xin các đấng bề trên Cho thầy đi kiếm tí duyên “Tiểu Đăng Khoa” trước, chức quyền tính sau Còn ai vốn từ lâu cô độc Nay thấy lòng bỗng chốc ngã nghiêng Cứ đi tìm một bạn hiền “Phu nhân linh mục” cưới liền một khi Rồi bà nó trị vì với tớ Cả đoàn chiên nể sợ oai bà Mai này con cái đẻ ra Cho đi giúp lễ ngồi ba bốn hàng. Có kẻ liệt xin ban phép cuối Ráng chờ cha đến tối cha qua Con cha nóng lạnh, ho gà
Vợ cha trở bụng, kêu la um sùm! Còn ai đó lom khom xưng tội Tội tình gì, tội lội xuống ao. Tội gì xưng lẹ lên nào Để cha tha tội, còn vào bế con. Mấy phụ nữ sồn sồn phải liệu” Gần đây tại các nước Âu Tây, có những cuộc thăm dò ý giáo dân Công giáo với câu hỏi đại loại có chấp nhận Linh Mục có gia đình không? Hầu hết giáo dân không đồng ý. Thực tế chứng minh, trả lời cho những câu hỏi được đặt ra từ chủ trương chống lại bậc độc thân trong Chức Thánh, đặc biệt nhắm đến chức Linh mục trong Giáo Hội La-Tinh. Người ta dựa vào số đông và vài hiện tượng thái hoá để đề nghị, một Linh Mục sống tốt trong đời sống gia đình sẽ thi hành tốt chức vụ Linh Mục. Một đề nghị xem chừng chỉ là giả thiết, vì thực tế chưa có kinh nghiệm, song thực tế cho thấy Linh Mục độc thân tốt thì việc mục vụ rất tốt. Với kinh nghiệm đã có, thiết nghĩ đã chọn sống đời Linh Mục thì hãy sống tốt bậc độc thân khiết tịnh là lý tưởng vậy. Calvin xưa đã nhân danh tự do lên án Giáo Hội là xâm phạm tự do khi bắt các Linh Mục phải sống độc thân. Điều Calvin nói chỉ đúng cho những ai muốn “tự sát”, tự liều mình đưa đầu vào “hai tròng”. Giáo Hội rất tôn trọng tự do của ứng viên tiến chức thánh, chẳng ép ai làm Linh Mục khi đương sự chính thức công khai từ chối bậc sống độc thân khiết tịnh. Kinh nghiệm trong Giáo Hội cho thấy trách nhiệm của đời sống gia đình và đời sống Linh Mục là “hai gánh” quá nặng cho “một người vác”, để hoàn thành thì người khôn ngoan chỉ nên chọn một trong hai. Còn nói vì bậc độc thân khiết tịnh ít người giữ, nên nếu Giáo Hội buộc các Linh Mục giữ thì kết quả sẽ xấu nhiều hơn tốt, xem chừng cũng không thuyết phục. Thực tế các Linh Mục Dòng Tên sau 40 năm coi như bị giải thể dòng, các vị phải sống giữ dòng đời ngược xuôi thế mà khi Dòng được tái lập sốLinh Mục ấy vẫn còn đầy đủ trở về Dòng. Còn nhìn lại lịch sử Giáo Hội số Linh Mục bỏ cuộc tuy có nhưng không phải là nhiều. Trong khi thực tế những người chỉ mang trên vai “một gánh” bậc sống gia đình thì cũng chẳng đi trọn, theo những thống kê gần đây tại các nước Tây Âu có đến 1\3 những cặp vợ chồng li dị. Một lý do khác cho rằng độc thân khiết tịnh là phản tự nhiên. Có thể nói đây cũng chỉ là kết luận phiến diện khi căn cứ vào “đa số” mà không xét
đúng thực tế. Nếu so sánh thì tất cả bệnh tật chẳng trừ ai người sống bậc hôn nhân (có sinh hoạt tính dục) hay bậc sống độc thân khiết tịnh, nghĩa là về sức khoẻ không thể nói hàm hồ bậc độc thân khiết tịnh có nhiều trục trặc hơn người không độc thân khiết tịnh được. Thực tế có lẽ phải nói ngược lại, vì đa sống những người sống độc thân khiết tịnh thường trẻ, khoẻ và thọ hơn những người cùng trang lứa. Còn về mặt tâm lý, nếu nói người sống độc thân khiết tịnh không quân bình bằng những người khác, thì đây cũng là điều cần có cái nhìn khách quan và công bằng hơn, không nên dựa vào một số những trường hợp nhỏ kết cho tất cả. Thực tế những người chọn sống độc thân khiết tịnh là số ít, đã được rèn luyện, có ơn Chúa (được chọn đúng hơn là tự chọn) và có lý tưởng. Ba yếu tố trên cho thấy họ là những người hoàn toàn bình thường và chẳng có lý coi họ là những kẻ bất bình thường. Chỉ nguyên một yếu tố phục vụ lý tường thôi, thì thế gian này cũng đã không ít những vị anh hùng, các nhà khoa học chọn sống độc thân và đã chẳng là những kẻ bất bình thường bên những thành công cống hiến cho đời. Cho đến nay kể từ những quyết định sau lần bỏ phiếu về sắc lệnh Chức Vụ và Đời sống Linh Mục của Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Công Giáo coi đó như một trả lời dứt khoát về vấn đề độc thân Linh Mục trong Giáo Hội La-tinh. Kết quả bỏ phiếu ngày 07-12-1965 tuyệt đại đa số ủng hộ giữ lạ luật độc thân Linh Mục, có 2390 phiếu thuận và chỉ có 4 phiếu chống. Xin trích ra đây vài đoạn văn kiện chính thức của Giáo Hội về vấn đề độc thân của Linh Mục: “Thật ra tự bản tính của Linh Mục không đòi buộc điều đó (tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn vì Nước Trời) như dã thấy thực hành trong Giáo Hội sơ khai và trong truyền thống của của Giáo Hội Đông Phương” … “Bậc độc thân có rất nhiều thuận lợi cho chức Linh Mục… Nhờ đức trinh khiết hay bậc độc thân vì Nước Trời các Linh Mục được thánh hiến cho Chúa một cách mới mẻ và tuyệt hảo, được kết hợp cách dễ dàng hơn với Người bằng một quả tim không san sẻ, tận hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh siêu nhiên; như thế các Ngài càng thích đáng lãnh nhận một cách bao quát hơn chức vụ làm cha trong Chúa Kitô (paternità in Christo)…Ngoài ra, các Ngài còn trở nên dấu chỉ sống động về thế giới mai sau, mà ngày nay đang hiện diện qua đức tin và đức ái, trong đó các con cái sự sống lại không còn dựng vợ gả chồng nữa”(PO. 16).
Đến đây, chúng ta có thể có một xác định rõ ràng rằng: Bậc độc thân khiết tịnh là cần thiết và hợp với Thánh Kinh, Giáo Hội thay mặt Chúa đã trả lời dứt khoát về vấn đề độc thân của Linh Mục, dù đây chỉ là những gì thuộc về kỷ luật của Giáo Hội. Vấn đề còn lại là những người chọn sống bậc độc thân khiết tịnh, hãy chứng minh bằng đời sống thường ngày của mình thề nào để sự phong nhiêu được rõ nét và cuộc sống mai sau không bị lu mờ bởi những biến dạng của những gì lệch lạc do sự nhân danh độc thân khiết tịnh. IV. Vài lời khuyên chân tình: Như đã trình bày ở phần bất lợi, chọn bậc sống độc thân khiết tịnh là chọn thử thách, chọn lội ngược dòng, theo một nghĩa nào đó trong bản năng giới tính tự nhiên. Tuy nhiên với niềm tin vào lòng trung tín của Thiên Chúa, những người chọn bậc sống độc thân khiết tịnh có thể mạnh dạn dấn thân và tin rằng niềm vui thành công đang sẵn đợi. Sau đây xin đơn cử vài cảm nghiệm tựa những lời khuyên của những vị đáng kính đã và đang đi gần trọn cuộc đời trong bậc sống độc thân khiết tịnh: Theo Đức Cha Mỹ Sơn, “bậc độc thân, theo sức tự nhiên loài người thì khó giữ thật; nhưng với ơn Chúa và sự cố gắng của ta, trong việc sử dụng mọi phương thế cần thiết, thì sẽ được dễ dàng. Và ta phải nhớ rằng: Bao lâu còn sống trên đời, ta còn phải cố gắng…” [12. 9]. Một vài phương thế Ngài khuyên dạy giúp sống độc thân được ghi trong một tập nhỏ, dựa vào Công Đồng Vatican II: “A\ Bậc độc thân là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa;… các Linh Mục và toàn thể Giáo Hội hãy khiêm tốn và khẩn khoản nài xin ơn trọng này. B\ Xin các Linh Mục hãy quí mến bậc độc thân của mình và hãy cương quyết trung thành noi giữ. C\ Xin các Linh Mục hãy sử dụng các phương thế tự nhiên và siêu nhiên, mà Giáo Hội đề nghị để giúp mình noi giữ và phát triển bậc ấy như: 1. Có một đời sống khổ hạnh (đặc biệt về ăn, uống rượu, hút thuốc, xem tiểu thuyết, đọc báo, xem hình ảnh). 2. Làm chủ tình cảm (đừng chuyện vãn lâu la với người khác phái, nhất là khi solus cum sola…). 3. Có lòng kính mến Đức Mẹ tha thiết (năng phó dâng đức trinh khiết của mình cho Đức Mẹ; khi bị cám dỗ hãy chạy đến kêu cầu Người…). D\ Sau hết, vì cốt yếu bậc độc thân là tận hiến đời mình cho Chúa Kitô, cho nên, muốn duy trì và phát triển đời sống độc thân, thì phải cố luyện tập và không ngừng phát triển tình yêu đích thực đối với Chúa Kitô và Hội Thánh Người” [12. 06-07]. Theo Cha Giuse, Giáo sư Tiến sĩ Thần học: “Trong một thời đại có xu hướng đề cao khoái lạc giới tính trong văn hoá, nghệ thuật và đời sống như
ngày nay, linh mục càng phải quan tâm đến các qui luật về tiết chế mà bậc linh mục phải giữ để nên hình ảnh của Đức Kitô. Sách vở, báo chí, truyền hình, rạp hát không luôn đem lại cho những hình ảnh trong lành. Ta phải biết tự chủ trong khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng ấy, đừng chiều theo tò mò không lành mạnh lấy lý do mình phải hiểu biết để làm mục vụ. Trong mục vụ về gia đình cho lớp người trẻ, ta nên sáng suốt nhận biết giới hạn của mình. Có những vấn đề về giới tính chỉ có bác sĩ và nhà tâm lý chuyên môn mới hiểu được chính xác. Ta nên sáng suốt nhận biết giới hạn của ta, và nhờ cậy vào các tín hữu có đời sống hôn nhân và có chuyên môn khoa học giúp ta chỉ dẫn cho giới trẻ khi đề cập đến các vấn đề này. Để củng cố sự trung thành trong bậc độc thân, linh mục cũng nên sùng kính cách riêng Thánh Tâm Chúa Giêsu suốt đời đã chỉ nghĩ đến hy sinh về phần rỗi nhân loại, và Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu đời sống trinh khiết và là đấng che chở cách riêng bậc độc thân của các linh mục. Nói tóm lại, linh mục không được coi bậc độc thân là điều kiện hoàn toàn bên ngoài của chức thánh. Đó là một ân huệ gắn liền với chức thánh vì nó làm cho ta nên giống Đức Kitô là Đấng chăn chiên lành và là hôn phu của Giáo Hội. Nhờ trung thành trong bậc độc thân, ta biểu lộ cho người ta thấy ở bên ngoài rằng : ta chỉ có một tình yêu chuyên nhất cho Đức Kitô và Giáo Hội Người mà thôi”. (Suy tư về ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN CỦA LINH MỤC theo Chỉ nam về chức vụ và đời sống của linh mục số 57-61 của Linh Mục Tiến Sĩ Thần Học Tín Lý Giuse Thân Văn Tường, in trong tập Tĩnh Tâm Linh Mục Tu Sĩ Giáo Phận Long Xuyên tháng 8-1996). Và với Cha Raniero Cantalamessa, OFM, Cap. một Linh Mục Dòng Phanxicô ở Ascoli Piceno, thuộc Ý quốc, là người đã từng được chỉ định là nhà thuyết giảng chủ Giáo triều vào năm 1980, từng là giáo sư dạy Giáo Sử và nguồn gốc Kitô hữu, từ năm 1980 Cha được biết đến như nhà truyền giảng Tin Mừng. Cha đưa ra ba yếu tố: sự khổ chế; những hiểu biết lành mạnh và sự chấp nhận phái tính; cộng đoàn: như ba phương thế theo kinh nghiệm của Cha để vun trồng đặc sủng độc thân khiết tịnh. Ba phương thế Cha Raniero đề nghị khá trùng với nhiều tác giả khác, ngay cả như các chuyên viên tâm lý, bác sĩ không Công Giáo khi khuyên bạn trẻ tiết dục tiền hôn nhân. Hãy biết sự thật tuy khó nhưng không phải là không thể làm được, như nhận định của Cha Raniero: “Các nhà tâm lý học cũng thừa nhận sự kiện này là có thể “thăng hoa” bản năng tính dục mà không huỷ diệt nhưng siêu hoá nó và khiến nó phục vụ những mục đích có giá trị cho con người” [11. 89].
Kỳ Vọng: Mong bài viết này đóng góp một phần nào trong túi hành trang của người tông đồ Chúa Giêsu, là một dịp thêm nữa góp phần xác tín nơi người chọn đời tận hiến, là chút chia sẻ với những ai đang quan tâm và làm công tác giáo dục Nhân Bản Kitô Giáo cho giới trẻ hôm nay. Tuy nhiên chúng ta cần nhắc lại sự thật là bậc độc thân khiết tịnh là một cuộc sống có nhiều khó khăn. Nhờ ơn Chúa giúp, cầu xin cho mọi người chọn bậc độc thân khiết tịnh vững bước tới cùng trong tình yêu tận hiến, được Cha Raniero diễn tả khá đặc biệt, xin trích dẫn thay đoạn kết cho bài này. “Trong bất cứ câu chuyện tình yêu nào, chúng ta cũng thường thấy có hai giai đoạn hay hai quá trình. Giai đoạn đầu là giai đoạn mà tình yêu được diễn tả bằng giai đoạn tặng quà… đặc biệt quà tặng của bản thân. Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn mà những quà tặng cho nhau không còn đủ để diễn tả tình yêu nữa, những là giai đoạn mà một người có thể sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ vì nhau. Và chỉ khi đó tình yêu mới có thể được nhín nhận là có tình yêu thực sự hay không. Trong ơn gọi đối với những người khiết tịnh đã được dâng hiến cũng thế. Giai đoạn đầu của ơn gọi là giai đoạn được khích lệ bởi ân sủng và được cuốn hút bởi những lý tưởng, người ta vui mừng và hăng say nói: “Vâng, lạy Chúa, này con đây”. Giai đoạn kế tiếp là giai đoạn cô quạnh của con tim, của sự chán chường khủng hoảng, lúc đó, để giữ được tiếng “Xing Vâng” đó, người ta phải đau khổ nhiều… Niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta là, mặc dù nhiệt huyết trước kia có thể giảm sút nhưng ơn sủng thì không bao giờ hết, cách tay hữu của Chúa thì “không bao giờ ngắn lại”. Trong những trường hợp như thế, điều tốt nhất là ta hãy tập trung mọi nghị lực của ta và nói như trẻ Samuel lần thứ hai và thứ ba: “con đây, xin hãy sai con”(1Sm 3, 1tt). Chúng ta sẽ làm như thế chứ? Cách chắc chắn nhất là “tái chọn” (re-choose) Chúa Giêsu là Chúa và là hôn phu của tâm hồn chúng ta…” [11. 110-112]. Sách Tham Khảo: Quy ước: {01.10} :01 là mã sách, 10 là số trang trong sách đó. {01} Anselm Gunthor-Theologia Moralis – Phần III tập 3 do Gm. Tôma Nguyễn Văn Tân chuyển ý –ĐCV. Thánh Quý {02} Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt-Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh – Tập III&IV {03} Gilbert Duchêne, Joseph Rozier – Phái Tính và Đời Sống Kitô Giáo -Nxb Le Centurion 1981
{04} Yves Raguin – Độc Thân Ngày Nay – Taiwan 1971 {05} Léonardo Boff - Chứng Tá Giữa Đời – Nxb Le Centurion 1982 {06} Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc – Giáo Dục Sức Khoẻ Sinh Sản Vị Thành Niên- Hà Nội 2001 {07} -JP. Masơlôva-“Tìm Hiểu Giới Tính Tuổi Học Trò”-Nxb Trẻ 1995 {08} Trần Triệu Nam-“Người Con Trai Cần Biết”- Nxb Trẻ 1994 {09} Trần Triệu Nam-“Người Con Gái Lấy Chồng Cần Biết”- Nxb Trẻ 1994 {10} David Reuben-“Giải Đáp Thắc Mắc Mà Bạn Không Dám Hỏi”-Nxb Thánh Niên 2002 {11} Raniero Cantalamessa, Ofm Cap- “Đức Khiết Tịnh Con Đường Xác Thực Dẫn Tới Độc Thân Vì Nước Trời” {12} Tham Khảo- Bậc độc thân trinh khiết của Linh Mục Công GiáoLong Xuyên 1993 {13} Mỹ Sơn-“Phái Tính và Đời Sống Kitô Giáo”-Long Xuyên 1993
Tham Khảo Ý Nghĩa Của Lời Khấn Khiết Tịnh Đối Với Người Tu Sỹ Á Châu Hôm nay Hoài Thanh (Lược dịch từ bài viết của Fr. Maxi, CSsR. Vol. IV, No. 4, Religious Life Asia 2002) Đời sống độc thân: Nhìn từ góc độ xã hội, đời sống độc thân không được ủng hộ một cách hoàn toàn, vì độc thân không mang giá trị truyền sinh và bảo tồn nòi giống. Trong khi đó, sự tồn tại của một cộng đồng xã hội phụ thuộc rất nhiều vào sự truyền sinh. Còn trong các tôn giáo, nhất là Kitô Giáo, thì đời sống độc thân luôn được trân trọng. Độc thân có ý nghĩa và giá trị rất lớn bởi vì nó luôn gắn liền với lý tưởng Phúc Âm; đem lại sự giải thoát và góp phần trong việc đem lại phần rỗi cho người khác. Lời khấn khiết tịnh và ý nghĩa của nó trong cuộc sống: Lời khấn khiết tịnh là một trong ba lời khấn bắt buộc của bậc tu sỹ. Nó giúp người tu sỹ củng cố và kiện toàn đức bác ái – nhân đức vượt lên trên mọi nhân đức khác (Giáo lý Công Giáo số 1826). Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người sống đức ái; nhưng sự trọn hảo của đức ái chỉ dành cho những ai tự nguyện dấn thân trong đời sống thánh hiến qua việc thực hành các nhân đức khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục vì nước trời. Giáo hội luôn nhìn nhận sự khiết tịnh như là một bậc sống. Chính Đức Kitô đã sống đức khiết tịnh một cách hoàn hảo. Ngài là sức mạnh tuyệt vời; nhờ đó, mỗi người chúng ta được trở nên một trong nhiệm thể của người. Qua Bí tích rửa tội, Đức Kitô thánh hoá chúng ta, ngài mời gọi mỗi người tiến lên trong đời sống thánh hiến để sống kết hợp với Ngài cách trọn vẹn. Lời khấn khiết tịnh ngày nay mang nhiều ý nghĩa quý giá. Trước hết, lời khấn khiết tịnh giúp người tu sỹ dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ của mình; thứ đến, lời khấn khiết tịnh chứa đựng tình yêu trọn vẹn mà mỗi người dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Sống đời khiết tịnh là sống kết hiệp với Chúa một cách tuyệt vời nhất, ở đó người tu sỹ hiến dâng tình yêu của mình cho Chúa vô điều kiện. Đặc biệt, lời khấn khiết tịnh được xem là sự thánh hiến. Chính Đức Kitô thánh hiến người tu sỹ qua Giáo hội. Như vậy, đối với người tu sỹ, đức khiết tịnh là một đặc sủng Chúa ban. Đời sống khiết tịnh là dấu chỉ của sự sống muôn đời mà nhiều người cố gắng đạt đến. Nó vượt lên trên cả giá trị truyền sinh để đến với tình yêu đích thực là Đức Kitô. Xã hội coi khiết tịnh như là vấn đề riêng của mỗi cá nhân, nó hoàn toàn không mang giá trị biểu trưng. Trong khi đó, giáo hội coi đời sống khiết
tịnh là phương tiện chính để đạt đến sự trọn hảo. Sự khác biệt của xã hội và Giáo Hội trong việc nhìn nhận giá trị của đời sống khiết tịnh ngày càng trở nên rõ ràng hơn, nhất là trong thời đại ngày nay. Để tìm hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa của lời khấn khiết tịnh đối với người tu sỹ ngày nay, Cha Maxi thuộc Dòng Chúa Cưu thế (Cựu giáo sư của Viện Xã Hội Á Châu) đã thực hiện một nghiên cứu về. Đối tượng nghiên cứu là các tu sỹ của 19 quốc gia Á Châu. Qua nghiên cứu, chúng ta có thể tóm gọn ý nghĩa của đời sống khiết tịnh trong 5 điểm chính: 1) Khiết tịnh là món quà dâng lên Thiên Chúa 2) Sống khiết tịnh để yêu mến Chúa và tha nhân. 3) Khiết tịnh là phương tiện hay cách thức để phát triển đời sống cá nhân. 4) Sống khiết tịnh là để giữ cho thân xác và tâm hồn luôn được trong sạch. 5) Sống khiết tịnh là để phục vụ Chúa và tha nhân. Lời khấn khiết tịnh được xem là lời khấn quan trọng nhất. Một phần tư số người được hỏi cho rằng lời khấn khiết tịnh mang ý nghĩa quan trọng nhất trong 3 lời khấn. Lời khấn khiết tịnh luôn được đặt lên hàng đầu trong danh sách các lời khấn để thánh hoá người tu sỹ vì các lý do sau: - Đức khiết tịnh giúp định hướng cuộc đời của mỗi người: nhiều người tin rằng đức khiết tịnh giúp họ định hướng tâm tình và hướng tâm hồn lên với Chúa. Lời khấn khiết tịnh làm cho hai lời khấn còn lại có ý nghĩa. Lời khấn khiết tịnh là điều chính yếu trong đời sống ơn gọi; nó giúp định hướng các thái độ và quan hệ của người tu sỹ đối với mọi người xung quanh. - Đức khiết tịnh là sự tự do để đáp lại tình yêu lý tưởng: nhiều người cho rằng đức khiết tịnh giúp họ tự do để sống với “Đấng Tình Quân”, và tìm quan hệ mật thiết với Ngài. - Đức khiết tịnh là trường huấn luyện tuyệt vời nhất, giúp mỗi người sống cho tình yêu. Đức khiết tịnh là điều kiện cần để sống hết mình cho tình yêu. - Đức khiết tịnh là sự tự do và tự nguyện để phục vụ người khác: đức khiết tịnh giúp người tu sỹ tự do chia sẻ cuộc sống của mình cho người khác và để phục vụ người khác. - Đức khiết tịnh chính là hồng ân Chúa ban: nhiều người cho rằng “lời khấn khiết tịnh có ý nghĩa nhất đối với tôi vì tôi tin rằng Chúa không chỉ ban ơn gọi cho tôi, mà Ngài luôn gìn giữ và hoàn thiện ơn gọi của tôi mỗi ngày”.
Lời khấn khiết tịnh đươc xem là lời khấn khó giữ nhất trong ba lời khấn. Nhiều người được hỏi cho rằng lời khấn khiết tịnh là lời khấn khó nhất vì những lý do chính sau đây: - Vì xu hướng tình dục ngày càng phổ biến trong xã hội. Nhiều người nói họ đang sống trong môi trường văn hoá xã hội với rất nhiều trào lưu tự do tình dục. - Vì tình dục là bản năng của con người. - Vì không biết cách giải quyết những cảm xúc và các mối quan hệ với người khác phái. - Vì nhu cầu của con người là được chăm sóc và được yêu thương. - Vì phải làm việc chung với những người không hiểu đúng và không coi trọng đời sống khiết tịnh. - Vì sự cô đơn trong cuộc sống. Chúng ta phải làm gì để giữ đúng tinh thần của lời khấn khiết tịnh trong tương lai? Nhiều người tin rằng lời khấn khiết tịnh trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta quan tâm đến giới trẻ. Điều này có nghĩa là Giáo hội nên tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để củng cố và phát huy giá trị đích thực của lời khấn. Nghĩa là phải xây dựng được những cộng đoàn mà ở đó, mọi người đều ủng hộ và góp phần để giá trị của lời khấn khiết tịnh được chân nhận và được sống một cách trọn vẹn. Nói cách khác, các cộng đoàn dòng tu trong tương lai nên là những “cộng đoàn mở” (the extended community), những cộng đoàn này phải thật gần gũi và chia sẻ cuộc sống của mình với tất cả các thành phần dân Chúa một cách tích cực. Có như vậy thì lời khấn khiết tịnh mới thật sự mang lại ý nghĩa đích thực, đúng với tinh thần của Phúc Âm. Manila Mùa Chay năm 2006