Tại sao Việt Nam không áp dụng toàn bộ IAS/IFRS? Kế toán có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi một quốc gia. Vì sự quan trọng và tính phức tạp, kế toán được quy định và hướng dẫn thực hiện. Ở các quốc gia khác nhau có những phương thức khác nhau để quy định và hướng dẫn về kế toán: quy định của chính phủ, các quy định của Sở giao dịch chứng khoán hoặc các Chuẩn mực kế toán được ban hành bởi các Uỷ ban chuẩn mực kế toán. Hầu hết các nước đã xây dựng và phát triển một hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia riêng (gọi là GAAP). Tuy vậy, trong hơn thập kỷ qua, một hệ thống các chuẩn mực kế toán quốc tế đã và đang được phát triển và dần thay thế hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia. Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) từ năm 2001 thay thế dần Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS) đã và đang trở thành ngôn ngữ kế toán quốc tế để phục vụ thị trường vốn toàn cầu. Thực tế IAS/IFRS mang lại nhiều lợi ích trong phát triển một nền kinh tế thế giới theo xu thế toàn cầu hoá như ngày nay. Trong những năm gần đây, Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế tập trung nhiều nguồn lực để phát triển và phổ biến một hệ thống các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tính đến tháng 6/2008, trên thế giới có khoảng 113 quốc gia cho phép hoặc yêu cầu áp dụng IAS/IFRS đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn; 27 quốc gia đã áp dụng toàn bộ IAS/IFRS và chấm dứt việc sử dụng các chuẩn mực kế toán quốc gia của họ; nhiều quốc gia trong đó có cả nước Mỹ đang có kế hoạch áp dụng toàn bộ IAS/IFRS để thay thế các chuẩn mực kế toán quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại ở hầu hết các nước bao gồm cả các nước thuộc khối EU, việc áp dụng IFRS cũng chưa phải là toàn bộ và vẫn tồn tại một số khác biệt nhất định và những vấn đề gây tranh cãi. Việt Nam từ năm 2001 xây dựng một hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia riêng (VAS) trên cơ sở áp dụng hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế IAS. Nhìn chung, VAS có rất nhiều sự khác biệt lớn so với IAS và đặc biệt là IFRS sau này, chủ yếu là sự khác nhau liên quan đến áp dụng cơ sở giá gốc (historical value) và không áp dụng cơ sở giá trị hợp lý (fair value). Thực tế VAS chưa tiếp cận với IFRS và chưa cập nhật theo những thay đổi của IAS những năm gần đây. VAS chỉ là sự vận dụng rất đơn giản của IAS trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam. Vậy, những bối cảnh cụ thể đó là gì?
Bài viết này được tổng hợp từ kết quả của bài nghiên cứu “Ý nghĩa và ảnh hưởng của việc không áp dụng toàn bộ IAS/IFRS, nghiên cứu thực tế tại Việt Nam” của chính tác giả phục vụ cho tốt nghiệp chương trình MBA của trường đại học Quản trị kinh doanh Maastricht, Hà Lan. Bài nghiên cứu đã khám phá và miêu tả bối cảnh cụ thể của Việt Nam dựa trên việc phân tích môi trường Xã hội, Chính trị, Kinh tế, Luật định, Công nghệ và Pháp luật1 của đất nước dẫn đến việc lựa chọn không áp dụng toàn bộ IAS/IFRS. Tác giả đã trực tiếp phỏng vấn các nhà soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam. Các nhân tố cơ bản dẫn đến việc Việt Nam áp dụng có chọn lọc IAS/IFRS Việt Nam là một đất nước mới nổi và vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường. Về điểm này, Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của Việt Nam và Trung Quốc trong áp dụng những chính sách mở cửa nền kinh tế bao gồm cả chính sách kế toán khác xa với Nga. Từ lúc ban đầu, hai nước châu Á này đã tiếp cận với nền kinh tế thị trường tự do một cách từ từ và thận trọng như là bản chất của văn hóa phương Đông. Việt Nam cũng như Trung Quốc từng bước mở cửa đất nước và dần dần thay đổi để làm quen với những khái niệm và phương pháp mới của nền kinh tế thị trường tự do phát triển lâu đời ở các nước phương Tây. Vì vậy, những chính sách kinh tế mới thường được áp dụng một cách thận trọng. Chính điều này góp phần giúp hai đất nước tránh được những cú sốc và sai lầm lớn. Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một chiến lược đặc biệt của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Áp dụng IAS/IFRS là một chính sách kinh tế mới của Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao để cải cách hệ thống kế toán XHCN phù hợp với nền kinh tế thị trường và hỗ trợ chính sách kinh tế mở cửa. Phương pháp tiếp cận IAS/IFRS của Việt Nam là thận trọng và dần dần thích nghi, trên cơ sở nhu cầu và khả năng áp dụng của đất nước. Điều này nhìn chung giải thích cho việc Việt Nam áp dụng có chọn lọc IFRS. Mục đích trên hết là tạo ra một hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia phù hợp hơn với các điều kiện về Kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. 1
Được gọi là Phân tích SPERTL trong đó S-social, P-political, E-economic, R-regulatory, T-Technology, L-Legal
Từ đầu thập niên 90, Việt Nam bắt tay vào xây dựng một nền kinh tế thị trường. Do vậy, việc cải cách hệ thống kế toán quốc gia đề phù hợp với nền kinh tế thị trường là điều bắt buộc. Năm 2001, Vụ chế độ kế toán và kiểm toán của Bộ Tài chính mới ban hành lần đầu các chuẩn mực kế toán quốc gia. Trước đó, Việt Nam chưa có bầt kỳ một chuẩn mực kế toán nào để hướng dẫn hoặc quy định về các hoạt động kế toán. Bộ Tài chính đã quyết định ban hành các chuẩn mực kế toán quốc gia (VAS) trên cơ sở vận dụng có chọn lọc các chuẩn mực kế toán quốc tế vì đây được xem là cách phù hợp nhất và hiệu quả nhất trong bối cảnh của Việt Nam. Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và làm tăng sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Hơn nữa, việc này sẽ giúp tiết kiệm các chi phí và những nguồn lực khác của đất nước dành cho xây dựng một hệ thống chuẩn mực kế toán khác không theo quốc tế. Trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập hơn vào nền kinh tế thế giới; đầu tư nước ngoài tăng mạnh; thị trường tài chính đặc biệt là thị trường vốn đang trong giai đoạn phát triển. Vì vậy, việc theo IAS/IFRS càng trở nên quan trọng vì lợi ích của đất nước, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong một “sân chơi kinh tế” toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa áp dụng toàn bộ IAS/IFRS vì những đặc điểm riêng biệt của đất nước. Nguyên nhân của việc Việt Nam không áp dụng hoàn toàn IAS/IFRS chủ yếu là xuất phát từ những lý do xã hội, chính trị và kinh tế của đất nước. a) Nhân tố về xã hội (social)
Mức độ phát triển của nghề nghiệp kế toán ở Việt Nam chưa đủ tầm để hiểu và vận dụng những quy định phức tạp của IFRS. Việt nam vừa chuyển sang nền kinh tế thị trường trong hai thập niên gần đây; vì vậy, trình độ nghề nghiệp kế toán trong nền kinh tế thị trường kém hơn rất nhiều so với các nước phát triển Phương Tây. Kiến thức và kinh nghiệm của phần lớn những người VN về kế toán trong nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế. Họ chưa có đủ khả năng để hiểu và áp dụng toàn bộ IFRS.
Nhìn chung, hệ thống đào tạo nghề nghiệp của VN còn lỗi thời và chất lượng chưa cao. Điều này dẫn tới khả năng nghề nghiệp của người Việt Nam trong đó có nghề kế toán thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Bên cạnh đó, ở Việt Nam vẫn tồn tại một thế hệ kế toán và người quản lý cũ trưởng thành và được đào tạo trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Họ không quen thuộc với những khái niệm và phương pháp mới của kế toán trong nền kinh tế thị trường; ví dụ như các khái niệm về giá trị hợp lý và công cụ tài chính. Họ quá quen thuộc với hệ thống kế toán XHCN trước đây và điều này không dễ dàng để thay đổi. Trong thời gian gần đây, vấn đề này đã được cải thiện rất nhiều. Nhìn chung, người làm kế toán VN thiếu sự linh hoạt và những phán xét nghề nghiệp cần thiết theo yều cầu của IAS/IFRS bởi vì được giáo dục là phải cực kỳ nghiêm khắc tuân thủ luật lệ và nguyên tắc. Họ chịu ảnh hưởng rất lớn vào những nguyên tắc và hướng dẫn. Tâm lý chung là hạn chế các ước tính chủ quan trong nghề nghiệp để tránh sự không chắc chắn, rủi ro và trách nhiệm cá nhân. Điều này xuất phát từ hai lý do chính: Thứ nhất là, đây là ảnh hưởng của xã hội cũ ở Việt Nam. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đa số tài sản thuộc sở hữu và bị kiểm soát bởi nhà nước XHCN và được giao cho các DN nhà nước sử dụng. Những người lãnh đạo trong các DN này nhìn chung rất thận trọng, bảo thủ và bị hạn chế nhiều tính chủ động trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến tài sản của nhà nước. Điều này dẫn đến việc họ hạn chế đưa ra những phán xét liên quan đến trách nhiệm cá nhân. Việt Nam đã và đang chuyển sang nền kinh tế thị trường được hơn 20 năm nay, tuy nhiên, cho đến giờ các DN nhà nước vẫn chủ đạo trong nền kinh tế. Lý do thứ hai là, Người VN có văn hoá rất tránh sự không chắc chắn và rủi ro. Do vậy, họ tránh sử dụng các ước tính hay các phán xét cá nhân trong nghề nghiệp. Kết quả là, ở Việt Nam cần thiết phải xây dựng một hệ thống kế toán ít phức tạp và dễ hiểu hơn IAS/IFRS. Trên thực tế, khả năng của nghề nghiệp kế toán tại Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định quan trọng nhất tới việc chưa áp dụng toàn bộ IAS/IFRS mà chỉ áp dụng có chọn lọc trên cơ sở năng lực và nhu cầu.
Kiến thức và kinh nghiệm trong quản lý nền kinh tế thị trường của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, ví dụ như cơ quan quản lý tài chính nhà nước,
quản lý thuế còn rất hạn chế và không đáp ứng được các yêu cầu cao của IAS/IFRS. Họ không có đủ khả năng để hiểu hết về IAS/IFRS. Việt Nam vừa mới phát triển kinh tế thị trường. Đa số những nhà quản lý nhà nước được đào tạo và trưởng thành trong xã hội cũ và chưa quen thuộc với những khái niệm và phương pháp mới của nền kinh tế thị trường. Các nhà xây dựng chuẩn mực kế toán tại Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn để hiểu và áp dụng IAS/IFRS. Các nhà quản lý nhà nước khác cũng gặp những vấn đề tương tự. Yếu tố này cũng đóng vai trò trọng yếu dẫn đến việc không vận dụng toàn bộ IAS/IFRS ở VN.
Văn hoá của VN là tránh rủi ro và sự không chắc chắn. Áp dụng IAS/IFRS, sự không chắc chắn là rất cao bởi vì báo cáo tài chính theo IAS/IFRS sử dụng nhiều ước tính kế toán ví dụ như giá trị hợp lý. VAS với các ước tính kế toán ít hơn và thận trọng hơn làm hạn chế những yếu tố không chắc chắn, tuy nhiên, điều này cũng giảm nhiều sự phù hợp của thông tin trên báo cáo tài chính theo VAS. Văn hoá tránh sự không chắc chắn và rủi ro của người VN chủ yếu được tạo thành do điều kiện địa lý và tự nhiên khắc nghiệt, tín ngưỡng, lịch sử chiến tranh và nền kinh tế nghèo đói. Đa số những người VN xuất thân từ vùng nông thôn nghèo khó và rất khó khăn và vất vả để có được tài sản, vì vậy người Việt Nam rất thận trọng và chắc chắn trong việc sử dụng tài sản của họ. Đặc điểm văn hoá này là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp đến việc xây dựng VAS, tuy nhiên chỉ là yếu tố ảnh hưởng thứ yếu trong trường hợp của Việt Nam.
Khoảng cách ngôn ngữ giữa Tiếng Anh và tiếng Việt là rất lớn. IAS/IFRS sử dụng tiếng Anh và có nhiều thuật ngữ kế toán phức tạp vì vậy dễ gây ra những hiểu lầm và sai lệch khi dịch sang ngôn ngữ khác. Trong khi ở Việt Nam, ngôn ngữ chính thức và phổ biến là tiếng Việt, nhìn chung hoàn toàn khác biệt với tiếng Anh. Có nhiều thuật ngữ tiếng Anh không có từ tiếng Việt tương đương đặc biệt là trong lĩnh vực kế toán. Thêm vào đó, đa số người VN không giỏi tiếng Anh. Vì vậy, thực sự cần thiết để Việt hoá các thuật ngữ kế toán để hỗ trợ kế toán trong việc hiểu và thực hiện, tránh những việc hiểu sai và lộn xộn. Sự khác nhau về ngôn ngữ là quan trọng những không phải là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến việc không áp dụng toàn bộ IAS/IFRS tại Việt Nam.
b) Nhân tố về chính trị (political)
Hệ thống chính trị ở việt nam là hệ thống XHCN có đặc điểm tổ chức nền kinh tế theo hướng kế hoạch tập trung. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Hơn 20 năm trước, nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn là quản lý tập trung bao cấp. Việt Nam vừa chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường từ những năm 1986. Quá trình chuyển đổi này ảnh hưởng lớn đến hầu hết mọi mặt của xã hội Việt Nam. Hiện tại, kinh tế-xã hội Việt Nam mang những đặc điểm của cả nền kinh tế kế hoạch tập trung cũ và nền kinh tế thị trường mới hình thành. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, vai trò chính của kế toán là để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch và kiểm soát nền kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, các nguyên tắc và biện pháp kế toán là để hỗ trợ cho nền kinh tế thị trường tự do theo quy luật cung cầu. Nền kinh tế Việt Nam chưa phải hoàn toàn là kinh tế thị trường. Sở hữu nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế của Nhà nước. Do vậy, Việt Nam chưa thể áp dụng tất cả các nguyên tắc của kế toán phục vụ thị trường tự do trong đó có nguyên tắc về giá trị hợp lý. Hệ thống chính trị XHCN đã và đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội Việt Nam. Đặc điểm của hệ thống chính trị quyết định mô hình kinh tế đang xây dựng của đất nước. Mô hình kinh tế quyết định các chính sách kinh tế áp dụng bao gồm các chính sách về chuẩn mực kế toán. Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cũng là kết quả của sự lựa chọn con đường phát triển của Việt Nam. Việc áp dụng chọn lọc chuẩn mực kế toán quốc tế cũng bắt nguồn từ những đặc điểm nói trên của hệ thống chính trị. Do vậy, đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất trực tiếp và gián tiếp quyết định việc chỉ áp dụng có chọn lọc IAS/IFRS tại Việt Nam.
Khu vực kinh tế nhà nước chủ yếu và đóng vay trò quyết định trong nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng là xuất phát từ đặc điểm của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung, đặc thù của khu vực kinh tế nhà nước ảnh hưởng trọng yếu đến sự phát triển của VAS. Chiến lược của Đảng cộng sản Việt Nam là phát triển một nền
kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nền kinh tế thị trường tất cả các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, do yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của kinh tế nhà nước là quyết định. Vì vậy, lợi ích và năng lực của khu vực kinh tế nhà nước được chú trọng rất nhiều trong việc xây dựng các chính sách kinh tế của nhà nước bao gồm các chuẩn mực kế toán. Khu vực kinh tế này được đánh giá ít năng động và hiệu quả hơn so với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. c) Nhân tố về kinh tế (economic)
Xuất phát điểm của Việt Nam để xây dựng nền kinh tế thị trường là một nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu, hậu quả của 2 cuộc chiến tranh tàn phá và nền kinh tế bao cấp trong một thời gian dài. Vì vậy, việt Nam tiếp cận những chính sách kinh tế mới bao gồm các chuẩn mực kế toán một cách thận trọng và có chọn lọc. IAS/IFRS là chuẩn mực kế toán thị trường chủ yếu được xây dựng bởi các thành viên đến từ các nền kinh tế giàu có và phát triển; vì vậy, một cách tự nhiên IAS/IFRS có thể trước hết vì lợi ích và phù hợp hơn với quốc gia của họ và không phù hợp với những nền kinh tế nghèo như Việt Nam. Hơn nữa, truyền thống Kế toán luôn khác nhau giữa các nước vì sự khác nhau trong yếu tố xã hội, chính trị và hệ thống kinh tế của từng quốc gia. Do vậy, việc áp dụng có chọn lọc IAS/IFRS là cần thiết và phù hợp trong điều kiện kinh tế của VN.
Mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển Phương Tây. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi trong những năm gần đây và vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do. Do vậy, các hoạt động kinh tế ở Việt Nam đơn giản hơn nhiều so với các nước như Anh hay Mỹ. Việt Nam chưa cần thiết phải có những chuẩn mực kế toán phức tạp trong giao dịch kinh tế chưa hoặc mới tồn tại ở Việt Nam. Ví dụ, hoạt động sáp nhập hay cổ phần hoá mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây; các khái niệm như công cụ tài chính hay lợi thế thương mại hoàn toàn mới và phức tạp nên các nhà ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam và người thực hiện cần thời gian để hiểu và ứng vận dụng theo cách đơn giản nhất thuận
tiện cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam; lợi thế thương mại được quan niệm là chi phí bỏ ra của bên mua doanh nghiệp do vậy cần phải được khấu hao vào chi phí và việc khấu hao này phải được thực hiện nhất quán trong một thời gian nhất định để tránh sự phức tạp và đảm bảo sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Thực tế, việc lựa chọn áp dụng toàn bộ IAS/IFRS được cho là chưa cần thiết trong trường hợp Việt Nam, có khả năng dẫn đến phát sinh chi phí cao hơn và sự lẫn lộn, lợi ích mang lại thấp hơn chi phí bỏ ra. Mức độ phát triển kinh tế của Việt Nam là lý do cơ bản dẫn tới sự cần thiết của việc áp dụng có chọn lọc IAS/ IFRS.
Việt Nam vừa mới phát triển nền kinh tế thị trường từ những năm năm cuối của thế kỷ 20 trong khi nó đã được hình thành ở các nước phát triển từ nhiều thế kỷ. Thị trường vốn là phương thức quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường. Thị trường vốn của Việt nam là một trong những thị trường non trẻ nhất trên thế giới, mới được hình thành mấy năm cách đây. Đến nay, nó vẫn chưa hẳn là có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và mới chỉ trong phạm vi quốc gia và chưa liên thông với thị trường vốn trên thế giới. Định hướng của IAS/IFRS là xây dựng hệ thống các chuẩn mực kế toán hoàn toàn thị trường và hỗ trợ thị trường vốn. Tuy nhiên định hướng phát triển của VAS để phục vụ cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn không mạnh như IAS/IFRS. Nhu cầu của Việt Nam về một hệ thống kế toán phức tạp và hợp lý như IAS/IFRS để phục vụ thị trường vốn chưa được đánh giá cao.
Do đặc trưng của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội ở Việt Nam, Việt Nam vấn chưa có nhu cầu hoặc nhu cầu chưa cấp bách về thông tin kế toán chất lượng cao theo IAS/IFRS. Nhìn chung, nhiều người lập và sử dụng báo cáo kế toán chưa có nhu cầu hoặc nhu cầu chưa lớn đối vối thông tin tài chính chất lượng vì thông tin kế toán chỉ đóng vai trò hạn chế trong việc ra quyết định của họ. Điều này chủ yếu do sự thiếu kiến thức và kinh nghiệm và cũng do đặc điểm của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kế toán quản trị phát triển rất hạn chế tại Việt Nam và không được coi trọng nhiều bởi phần lớn các Doanh nghiệp. Trong những năm trước, việc tính toán nghĩa vụ thuế là mục tiêu chính của hoạt động kế toán. Phần lớn các
nhà đầu tư chứng khoán ở Việt Nam chưa hoặc còn ít sử dụng phân tích báo cáo tài chính cho việc ra quyết định đầu tư mà bị tác động chủ yếu bởi tâm lý theo đám đông. Mức độ tập trung vốn sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam tương đối cao. Điều này đặc biệt đúng với những doanh nghiệp nhà nước với số cổ phần trên 50% và một số lượng lớn các công ty gia đình phổ biến ở Việt Nam. Do vậy, nhu cầu về công bố thông tin và thông tin tài chính chất lượng cao là thấp ở Việt Nam. Ngược lại, ở các nước khác như Mỹ và Anh với mức độ tập trung vốn sở hữu thấp nhu cầu về thông tin công bố là rất cao. Do đó, phần lớn những người sử dụng và lập báo cáo kế toán tại Việt Nam chưa thấy được nhu cầu sử dụng IAS/IFRS và không đánh giá cao vai trò quan trọng của các chuẩn mực này. Họ chưa quan tâm và cũng không có điều kiện tìm hiểu IAS/IFRS. Việc thiếu nhu cầu về thông tin kế toán là một nhân tố cơ bản dẫn đến việc không sử dụng toàn bộ IAS/IFRS ở Việt Nam. d) Nhân tố về hệ thống luật định phục vụ quản lý nhà nước (regulatory) Nhân tố này không ảnh hưởng đến việc áp dụng có chọn lọc IAS/IFRS tại Việt Nam vì ở Việt Nam hệ thống chính sách thuế, tài chính và hệ thống chính sách kế toán nhìn chung độc lập và tách rời nhau. Do vậy, việc xây dựng VAS không bị ảnh hưởng bởi hệ thống chính sách thuế hoặc hệ thống chính sách tài chính. Trong những năm gần đây, các chính sách thuế, chính sách tài chính và chính sách kế toán bắt đầu kết hợp và gắn kết với nhau. Lợi nhuận kế toán đã được sử dụng để tính toán nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm khác biệt giữa lợi nhuận kế toán và thu nhập tính thuế. Ở một vài khía cạnh nào đó, việc xây dựng một hệ thống các CMKT đơn giản như VAS cũng nhằm góp phần hỗ trỡ cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan thanh tra kiểm tra. e) Nhân tố về công nghệ thông tin (Technological)
Mức độ phát triển công nghệ thông tin ở VN cụ thể là công nghệ phần mềm kế toán chưa thể đáp ứng được các xử lý kế toán phức tạp của IFRS. Việt Nam mới phát triển ngành công nghệ thông tin trong thời gian gần đây. Việc áp dụng các nguyên tắc phức tạp của IAS/IFRS yêu cầu một hệ thống công nghệ thông tin tương xứng để hỗ trợ cho quy trình kế toán. Tuy nhiên, so với các nước phát triển phương Tây, Công nghệ thông tin ở Việt Nam trong đó có công nghệ phần mềm Kế toán còn kém phát triển hơn nhiều. Việt Nam thiếu các lập trình viên có hiểu biết về kế toán. Bên cạnh đó, kiến thức của người sử dụng công nghệ thông tin lại hạn chế. Mức độ phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng là một trong nhiều nhân tố dẫn đến việc lựa chọn một hệ thống chuẩn mực kế toán đơn giản hơn IAS/IFRS tại Việt Nam. Thực tế, đây không phải là nhân tố quyết định và được quan tâm nhiều trong xây dựng chuẩn mực kế toán tại Việt Nam. f) Nhân tố về hệ thống luật (Legal) Việt Nam là một nước theo hệ thống luật Dân sự (code law) khác với các nước theo luật Chung (common law). Luật pháp được tổ chức và sử dụng rất khác biệt giữa hai hệ thống. Trong các nước theo luật Dân sự, nhìn chung sự bảo vệ quyền cổ đông và yêu cầu về tính minh bạch của của thông tin thì thấp hơn trong các nước theo luật Chung (Y Ding, 2007). Chuẩn mực IAS/IFRS được phát triển phù hợp với hệ thống luật và các yêu cầu của các nước theo luật Chung. Chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng phù hợp với đặc điểm hệ thống luật và yêu cầu của một nước theo luật dân sự. Do vậy, việc xây dựng các chuẩn mực kế toán cũng khác nhau giữa hai hệ thống. Sự khác nhau này không phải là quan trọng và trực tiếp dẫn đến việc áp dụng có chọn lọc IAS/IFRS. Tuy nhiên, nó có một số ảnh hưởng gián tiếp. Kết luận Việc áp dụng có chọn lọc hay sửa đổi IAS/IFRS tại các quốc gia khác nhau là để phù hợp với bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Kế toán ra đời và phát triển theo những đặc điểm và sự phức tạp trong hoạt động kinh tế của mỗi nước. Thực tế, trên thế giới không tồn tại một mô hình hay hệ thống kế toán nào hoàn toàn giống nhau giữa hai hay
nhiều nước (Lexander and Nobes, 2001). Ý tưởng của Uỷ ban chuẩn mực kế toán quốc tế về việc “toàn cầu hoá” hoạt động kế toán qua thông việc xây dựng, phát triển và phổ biến một hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hơn bao giờ hết lợi ích, chi phí và bất lợi của việc áp dụng IFRS được quan tâm, nghiên cứu và bàn luận rất nhiều ở các nước phát triển. Theo một số nghiên cứu của các học giả về kế toán ở các nước phương Tây (Sellhorn and Tomaszewski (2006), Jones and Higgins (2006), đối với một số nước như Anh, Đức, Úc việc áp dụng toàn bộ IAS/IFRS mang lại nhiều bất lợi và chi phí hơn là lợi ích. Hơn nữa, lại liên quan đến vấn đề chính trị vì quốc gia mất sự tự chủ trong việc xây dựng các chuẩn mực kế toán. Vậy trong bối cảnh đó, việc Việt Nam áp dụng có chọn lọc chuẩn mực kế toán quốc tế là một sự lựa chọn đúng đắn. Không có một hệ thống chuẩn mực kế toán nào đều tốt nhất cho tất cả các nước kể cả IAS/IFRS. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia cần phải xây dựng chủ yếu trên cơ sở và phù hợp với đặc điểm Xã hội, Chính trị, Kinh tế của đất nước chứ không phải là trên cơ sở áp dụng được IAS/IFRS càng nhiều càng tốt. Để xây dựng hệ thống VAS hiệu quả, các nhà soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam nên đi theo định hướng này. Cần thiết phải có sự nghiên cứu để hiểu biết sâu hơn về bối cảnh Xã hội, Chính trị, Kinh tế của đất nước và nên nắm bắt tốt hơn những thay đổi của đất nước những năm gần đây để xây dựng thêm và cập nhật các chuẩn mực kế toán hiện hành. Tài liệu tham khảo Cuijpers, R. and Buijink, W. (2005) ‘Voluntary adoption of non-local GAAP in the European Union: A study of determinants and consequences’. European Accounting Review, 3: 487-524. Callaghan, S. and Treacy, M. (2007) ‘Towards convergence: IFRS to US GAAP differences’. Accounting Ireland, 6. D Arcy, A. (2001) ‘ Accounting classification and the international harmonization debate-an empirical investigation’. Accounting, Organization and Society 26: 327-349 Ding, Y., Hope, O., Jeanjean, T. and Stolowy, H. (2007) ‘Differences between domestic accounting standards and IAS: Measurement, determinants and implications’. Journal of Accounting and Public Policy, 26: 1-38.
Ding, Y., Jeanjean, T. and Stolowy, H. (2005) ‘Why do national GAAP differ from IAS? Role of culture’. International Journal of Accounting, 40: 325-350. Ding, Y., Jeanjean, T. and Stolowy, H. (2005) ‘Reply to discussion of Why do national GAAP differ from IAS? The role of culture’ International Journal of Accounting, 40: 359-362. Daske, H. (2006) ‘Economic benefits of adopting IFRS or US-GAAP-Have the expected cost of equity capital really decreased?’. Journal of Business Finance and Accounting, 33 (3) and 4: 329373 Deloitte Vietnam (2008) ‘IFRSs and VASs, a pocket comparison’. Hanoi: Deloitte Vietnam Jones, S. and Higgins, A. (2006) ‘Australia’s switch to international financial reporting standards: a perspective from account preparers’. Accounting and Finance, 46: 629-652 Lan Phan (2008) ‘ Differences, Implication, and Impacts of applying IFRS or National Adapted IFRS rules. A case study of Vietnam’. MBA grogram, Maastricht School of Management Evans, L (2004) ‘Language, translation and the problem of international accounting communication’. Accounting, Auditing and Accountability Journal, 2: 210-248. Gernon, H. and Meek, G. (2001) Accounting, An international perspective 5th. Singapore: Mcgraw-Hill Sellhorn, T. and Tomaszewski, S. (2006) ‘Implication of the ‘IAS regulation for research into the international differences in accounting sysems’. Accounting in Europe, 3. Sutton, T. ( 2000) Corporate financial accounting and reporting. Great Britain: Prentice Hall. Harrison, W. and Horngren, C. (2001) Accounting Finance 4th. US: Prentice Hall. CFO.com (2008, February 8) ‘IFRS: No Longer If, but When’, Available: http://cfo.com/article.cfm/10673513/c_10672601?f=TodayInFinance_Inside (accessed 2008, July 20) CFO.com (2008, January 10) ‘Slow Death for GAAP: Cox’, Available: http://cfo.com/article.cfm/10517917?f=related (accessed 2008, August 13) IAS Plus (2008) ‘Use of IFRS by jurisdiction’ Available: http://www.iasplus.com/country/useias.htm (accessed 2008, August 13) Buddhism and traditional culture of Vietnam. Available: http://www.vanhoahoc.edu.vn/site/index.php? option=com_content&task=view&id=668&Itemid=76 (accessed 20 June, 2008)